September 22, 2011

September 23, 2011

Ngày 19 tháng 9 năm 2011

Bạn ta,

Tần Hoài là tên một con sông ở tỉnh Giang Tô, chẩy lên phía bắc vào sông Trường Giang. Đỗ Mục, một nhà thơ lớn của đời Đường, trong một đêm neo thuyền trên con sông này có viết một bài tứ tuyệt mà ông đặt tựa cho là Bạc Tần Hoài, nghĩa là đậu thuyền ở sông Tần Hoài. Một tựa khác của bài thơ này là Tần Hoài Dạ Bạc, đêm neo thuyền trên sông Tần Hoài.

Bài thơ gợi lên nỗi đau sót của họ Đỗ khi nghe tiếng nhã nhạc, giọng ca nữ vọng sang từ một quán rượu ở phía bên kia sông, ca khúc (…"được mang tên là…", theo cách giới thiệu nghe đã mòn nát ra của các ca sĩ trước khi hát) Hậu Đình Hoa (hoa ở sân sau) mà người ta tin là một trong những nguyên nhân đưa tới việc nhà Hậu Trần mất vào tay nhà Tùy:

Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa

Ban đêm khói phủ trên dòng sông lạnh, trăng chiếu lung linh trên cát. Buổi tối thuyền neo lại trên sông Tần Hoài, gần một quán rượu. Người ca kỹ trong quán không biết đến hận mất nước nên vẫn cất tiếng hát bài Hậu Đình Hoa, bài hát thường được cất lên trong những bữa tiệc của vua Trần Hậu Chủ để mua vui cho Trương Lệ Hoa, Khổng Quý Tần thời Nam Bắc Triều.

Nỗi buồn của Đỗ Mục là bài hát gây cảnh quốc phá gia vong, cảnh đổ nát của nguyên một triều đại, thế mà người ca kỹ không biết đến cái đau mất nước nên vẫn hát bài Hậu Đình Hoa trong quán rượu:

Khói lan mặt nước, trăng trên cát
Trên bến Tần Hoài cạnh tửu gia
Ca nhi đâu biết buồn vong quốc
Bên sông vẫn hát Hậu Đình Hoa

Thỉnh thoảng xem những video ca nhạc sầu thảm lãng mạn, nghe những bài hát viết rất dở, hát bằng những giọng hát tệ không kém, là bài thơ của Đỗ Mục lại trở về với tôi, nhất là trong những ngày chuyện biển Đông, chuyện biên giới miền Bắc đang sôi động, đe dọa sự vẹn toàn lãnh thổ của Việt Nam . Những lời ca vô ý nghĩa, những âm thanh cố gắng viết ra không một cảm xúc, không tạo nên bất cứ một ấn tượng nào cho người nghe, nếu chúng có tình cờ lọt vào tai thì đành bỏ đi chỗ khác vậy.

Tuần trước, tại một cuộc tụ họp để bầy tỏ thái độ trước những chuyện đang xẩy ra ở Việt Nam, ở trên đất liền, trên biển Đông, chắc chắn một số người cũng phải cảm thấy như Đỗ Mục trong bài Bạc Tần Hoài của ông.

Tuy bài Hậu Đình Hoa không được hát lên, vì thực ra, không có bao nhiêu người biết được bài hát ấy, kể cả những chuyên gia về văn học Trung quốc, nhưng người nghe chắc cũng phải thấy như Đỗ Mục, nhẹ ra là ngỡ ngàng, xúc động hơn thì phải nổi giận.

Một giọng ca nam, trong phần phụ diễn cho cuộc tụ họp, đã hát một bài ca với lời kêu gọi một cô em nào đó hãy ngủ đi.

Trời còn sáng, chiều chưa đến, tối còn lâu mới tới mà đã bảo người ta ngủ đi là không được. Hơn thế nữa, tại một cuộc tụ họp để nói lên quyết tâm vì quê hương đất nước đang lúc lâm nguy thì bài hát đó lại càng không thích hợp chút nào.

Đáng lẽ phải là những lời kêu gọi mọi người thức tỉnh … (… nước Việt bừng ngàn sống, thanh niên tung gông phá xiềng…) hô hào đứng lên (…liều thân sống giữ gìn non sông…) thì bài hát cất lên tại cuộc tụ tập kêu gọi "người em bé bỏng" ngủ đi.

Tại sao lại có thể hát một ca khúc hoàn toàn không thích hợp như thế trong một cuộc tụ họp để kêu gọi lòng yêu nước, tạo ý thức về hiểm họa mất nước như vậy? Tôi chỉ nghe thấy đoạn cuối của bài hát ấy trong phóng sự truyền hình về buổi tụ tập nên không biết đích xác đó là ca khúc của ai, tựa bài hát là gì. Nhưng lời kêu gọi dỗ dành ngủ đi thì tôi nghe rất rõ. Tôi nhớ cái mặt đờ đẫn của giọng hát ấy, vì người có giọng hát đó cũng đã từng đóng giả làm người lính Việt Nam Cộng Hòa trong một cuốn DVD làm cách đây không lâu. Cũng mũ sắt, áo trận, phía sau còn có mấy người mặc quân phục đi lớ ngớ (?) trông rất oai hùng… giả.

Tại cuộc tụ họp, chàng không mặc quân phục, hát bài ru một phụ nữ ngủ đi.

Tại sao ban tổ chức lại để cho điều đó xảy ra? Tại sao không giật lấy cái microphone, đuổi phắt người đàn ông ấy xuống, xin lỗi những người tham dự cuộc tụ họp, thay thế bằng những bài hát khác.

Tôi không kỳ vọng giọng hát đó ý thức về việc đem bài hát hoàn toàn không thích hợp ra hát trong một dịp như thế. Kỳ vọng như vậy là chờ đợi quá nhiều nơi người ca nhân ấy.

Nói là không có những bài hát khác chăng? Vậy thì chắc chưa nghe "Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng của nói giống Tiên Rồng, giống anh hùng Nam Bắc Trung…" hay "Trên sông Bạch Đằng, quân Nam hò reo, sóng nước vang đưa bao con thuyền mành trôi theo, cờ bay gươm tuốt ra quân vùng lên…" hay "Toàn dân nghe chăng, sơn hà nguy biến… Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến? Quyết chiến. Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh? Hy sinh..." hay "…lũ quân chàng Tôn sập cầu trôi đầy sông…" hay "Anh hùng xưa nhớ hồi là hồi niên thiếu, dấy binh lấy lau làm cờ, quên mình, liều mình giúp nước…"

Phải là những bài hát như thế chứ sao lại đứng trên sân khấu léo nhéo, thều thào bảo em bé ngủ đi?

Tại sao ban tổ chức không đề nghị những bài hát như đã kể ở trên, mà lại để cho giọng hát giúp vui (?) đó hát một bài nhảm nhí như thế?

Đồng ý là cũng có những lúc để hát "Gió chiều thầm vương bao nhớ nhung…", và có lúc để "… Ngủ đi mộng vẫn bình thường…" rồi cũng như có lúc để "Em đến thăm anh một chiều mưa…" để "hò hẹn muôn chiều ta có nhau…" …

Nhưng tại cuộc tụ họp hô hào chống Việt Cộng và Trung Cộng mà hát bài ru ngủ cục cưng thì không được.

Lỗi là của ai đây?

Lỗi nơi người ca sĩ "bất tri vong quốc hận" hay lỗi nơi ban tổ chức không có ai bước lên giật cái microphone, đá cho cậu ca sĩ ấm ớ kia một phát vào đít, đuổi xuống khỏi sân khấu và dậy cho cậu ta một bài học về chuyện hát xướng?


Ngày 20 tháng 9 năm 2011

Bạn ta,

Tuần trước ở Fort Worth thuộc tiểu bang Texas đã xảy ra một chuyện mà tôi nghĩ có thể từ đây sẽ trở thành một chiều hướng mới cho nước Mỹ.

Tại một công trường sửa sang đường xá của thành phố, các công nhân dựng lên tấm bảng với hàng chữ MEN AND EQUIPMENT WORKING để nhắc người đi đường và xe cộ cẩn thận để tránh tai nạn.

Nhưng lập tức một số, chắc gần hết là phụ nữ, đã lên tiếng phản đối, đòi phải dẹp tấm bảng đó đi.

Lý do khiến các phụ nữ ở Fort Worth nổi giận là vì tấm bảng bầy ra một thái độ kỳ thị nhắm vào phụ nữ. Trong số các công nhân làm việc tại công trường, có cả các phụ nữ. Nhưng tấm bảng dùng chữ MEN WORKING, làm như thể không có ai là phụ nữ làm việc ở đó.

Thực ra thì gần đây, phụ nữ có làm rất nhiều công việc trước đây chỉ do đàn ông đảm trách. Đó là những công việc nặng mà người ta thường cho là chỉ có những người đàn ông mới làm được. Thí dụ những việc như lái xe vận tải 18 bánh, xe cần trục, xe ủi đất, xe trải nhựa đường…

Bởi thế, tấm bảng MEN WORKING là một phủ nhận những đóng góp của phụ nữ trong nhiều công việc của xã hội hiện nay.

Những phụ nữ làm những công việc nặng nhọc này, có lúc thường được thấy trong những bức ảnh chụp cảnh quét đường ở Mạc Tư Khoa nhiều hơn. Những người đàn bà mặc quần áo lam lũ trông bà nào cũng như bà nào, mặt mũi rất giống Nina, vợ của đồng chí tổng bí thư đảng Cộng Sản Liên Xô Nikita Khruschev và các phu nhân của mấy anh lãnh tụ gốc nông dân hồi ấy.

Những loại công việc đó thường ít khi được trao vào tay của các phụ nữ Mỹ. Trong các công xưởng thì có, như tấm bích hương vẽ một phụ nữ (Rosie the Riveter) đang sắn tay áo phô bắp thịt và nói lớn câu "We Can Do It!" .

Ngày nay, phụ nữ ở Mỹ đã được trao cho đủ mọi thứ công việc trước kia chỉ dành cho nam giới. Mới đây các nữ quân nhân hải quân Mỹ đã được cho phục vụ trên các tiềm thủy đĩnh với các nam quân nhân. Nhiều phụ nữ cũng lái chiến đấu cơ và trực thăng võ trang tại hai chiến trường Afghanistan và Iraq.

Vì thế, tấm bảng MEN AND EQUIPMENT WORKING rõ ràng là kỳ thị, là sexist, theo cách nói bây giờ.

Sau mấy ngày, tấm bảng đó đã bị dẹp. Thành phố chắc chưa làm xong những tấm bảng khác để thay thế, ghi rõ MEN AND WOMEN WORKING cho yên lòng các phụ nữ.

Nhưng rồi người ta cũng phải đổi tên gọi những chiếc cửa để leo xuống những đường ống ngầm đặt ống nước, dây điện trong thành phố, những cái MANHOLE. Gọi chúng là MANHOLE bay giờ không còn được nữa. Phải đổi thành WOMANHOLE chăng? Nhưng gọi như thế có kỳ không?

Hay là đổi thành PERSONHOLE để khỏi bị phản đối như người ta đã phải bỏ danh từ CHAIRMAN để thay bằng CHAIRPERSON?

Còn nhiều tiếng khác cũng cần phải đổi nếu muốn chỉnh về mặt chính trị, như MANIFEST, MANICURE, MANAGEMENT, MANEATER (cọp ăn thịt người) vân vân, như các phụ nữ trong phong trào phụ nữ giải phóng (Women Liberation Movement) đã than phiền lâu nay.

Nhưng khi nói rằng bọn đàn ông cái gì cũng muốn dính vào, và chính bọn đàn ông đã mở đầu (?) cho cả chuyện MENOPAUSE của các nàng vì danh từ này có ngay chữ MEN đứng ở đầu thì quả là đã đi quá đà. Đúng là bất khả thuyết.


Ngày 21 tháng 9 năm 2011

Bạn ta,

Trong các tác phẩm văn học cổ điển, người ta đọc thấy không biết bao nhiêu là gương hiếu học.

Từ chuyện người thiếu niên chăn lợn đứng lấp ló ngoài cửa lớp được thầy gọi vào cho học, đến người học trò bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng để lấy ánh sáng học bài, rồi Châu Trí đốt lá lên học, người khác thì cột tóc lên xà nhà để khỏi ngủ gật. Tất cả đều thành công nhờ bản tính cố gắng và ham học.

Những chuyện ấy, có những chi tiết tin được và có những chi tiết không mấy khả tín. Bắt đom đóm làm đèn học thì hơi cường điệu. Đom đóm không phải là một nguồn sáng liên tục, lại bị nhốt trong cái vỏ trứng dầy thì làm sao đủ sáng cho người học trò hiếu học.

Viết bài học lên lá chuối thì tạm tin được, vì chính Abraham Lincoln trong thời niên thiếu cũng phải đi bộ một quãng dài đến trường rồi còn phải dùng than viết lên chiếc xẻng để làm bài tập.

Nhưng xem bức hình của VNExpress chụp mấy em bé đi học thì người ta thấy gương hiếu học của các em vượt xa những điển cố chúng ta đọc được trong những tác phẩm cổ điển.

Bức ảnh có kèm một bài viết ngắn kể rằng tại huyện Minh Hóa thuộc tỉnh Quảng Bình, vì không có cầu bắc ngang qua đoạn sông Khe Rào nên các em học sinh , có những em còn rất nhỏ, 8 hay 9, 10 tuổi mỗi ngày phải bơi qua khúc sông từ bờ bên này sang bờ bên kia đo được khoảng 20 mét để đến trường. Các em mỗi ngày phải bơi qua sông hai lần như thế để tới trường và về nhà.

Bài báo cho biết khoảng 20 em theo học tại các trường tiểu học hoặc trung học ở Trọng Hóa thường phải dậy rất sớm, đi bộ khoảng 7 km mới đến bờ sông. Tại bờ sông, các em phải cởi hết quần áo, túm lại cùng với sách vở bỏ vào những bao plastic trước khi lội xuống sông. Bức hình của VNExpress cho thấy nước sông gần ngập đầu các em, có em phải ngửa cổ lên để thở trong khi tay giơ cao khỏi đầu những túi plastic quần áo và sách vở cho khỏi ướt.

Bức hình chụp 5 em cả trai lẫn gái đang lội dưới sông. Có một điều người ta thấy ngay, đó là tất cả đều tươi cười, vui vẻ. Các em là con em của dân bản Ông Tú và bản Ka Óc. Mỗi ngày, để đến trường các em đều phải trải qua những kinh nghiệm gian khổ như vậy. Trong mùa mưa bão, nước sông chẩy siết, các em phải nghỉ học đến cả tháng.

Dân chúng đã xin với chính quyền cho xây một cây cầu nhưng đến nay, lời yêu cầu này vẫn chưa được thỏa mãn nên các em vẫn phải bơi qua sông để đi học.

Con đường đến trường của các em không có lá vàng rơi trên vai những pho tượng trắng trong vườn Lục Xâm Bảo, không có những đám mây bàng bạc, không có lá ngoài đường rụng nhiều, không có bàn tay người mẹ âu yếm dẫn đi trên con đường tới trường. Các em lội bộ, băng sông một mình để đi học mà vẫn vui vẻ mặc dù chuyến lội sông có thể trở thành thảm họa bất cứ lúc nào.

Đó mới là gương hiếu học chứ những Trác Giận, Uất Trì Cung, Châu Trí … thì đã thấm tháp gì.

Những ngươi vừa kể tên ở trên thì ít ra, sau những vất vả như thế, tất cả đều thành công trong đường đời.

Nhưng các em thì sao? Các em còn tiếp tục đi học trong tình thế và hoàn cảnh ngặt nghèo như thế đến bao giờ?

Dẫu sao những gương hiếu học của Uất Trì Cung, Trác Giận, Châu Trí cũng xẩy ra cả mấy trăm năm hay cả ngàn năm trước, khi mà xã hội còn rất nhiều khó khăn, tổ chức chưa được qui mô. Nhưng những chuyện ở Quảng Bình thì đang xẩy ra vào lúc này, ở một cái nước lúc nào cũng phét lác thành tích này nọ.

Mẹ kiếp hay như thế mà những em bé ở Quảng Bình còn khổ như cách đây hàng trăm, hàng mấy trăm năm trước, nghe không khác gì những cảnh nghèo khổ qua cách cực tả của Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Khái Hưng, Thạch Lam… Trong khi bọn lãnh đạo thì cứ sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi. Xem căn nhà của Lê Khả Phiêu là lại muốn phạm tội đốt nhà và sát nhân là thế.

Thật là khốn nạn hết chỗ nói.

Sao các em không ngồi nhà, như một thằng chó ở Phú Thọ, tiếng Anh không biết một chữ, chưa ra khỏi nước bao giờ mà vẫn có bằng BA của Mỹ.

Lội sông làm gì cho mệt?


Ngày 22 tháng 9 năm 2011

Bạn ta,

Tôi có một chiếc sơ mi treo trong tủ đã gần một chục năm không lôi ra mặc lại. Thực ra, tôi chỉ mặc nó có đúng một lần duy nhất.

Tôi không bao giờ mặc lại nó sau khi lấy từ tiệm giặt khô về. Mỗi lần mở tủ kiếm quần áo mặc đi làm, tôi lại thấy nó. Đổ vật tư nhân. Trông thấy nó là lại nhớ người cho tôi cái áo ấy.

Hôm đó, sau khi pha cho mình ly cà phê, tôi một tay cầm ly cà phê, một tay cầm tờ báo định đi tới chiếc ghế cạnh cửa sổ để ngồi đọc tờ báo, chờ đến giờ đi làm thì tôi đạp phải một chiếc giầy cà chớn nằm giữa phòng. Ly cà phê trên tay đổ hết vào chiếc áo mới. Đúng là đụng cái gì cũng đổ (chỉ thi là không đổ như lời chọc quê của một người bạn Nam Kỳ) hay đồ hậu đậu (như lời trách mắng của ông bố tôi).

Chỉ còn có cách cởi nó ra, ném vào đống quần áo góc nhà, đợi cuối tuần đem đi giặt khô. Tuần lễ sau đó, tôi lấy nó về nhưng cũng không mặc được nữa. Ly cà phê Ethiopa đổ trên ngực áo giặt không sao hết. Một miếng giấy của tiệm giặt cho biết đã làm hết cách mà vết loang mầu nâu chỉ nhạt đi một chút.

Thế là nó được treo vào tủ, ở phía tận cùng với mấy thứ quần áo ít khi mặc đến. Tôi không nỡ quăng nó đi, mà mặc nó thì không được.

Nhưng có thể tôi sắp lôi nó ra mặc. Và lần này, tôi sẽ không cần phải che phần ngực áo bị cà phê đổ vào nữa. Không cần phải mặc chiếc jacket ra ngoài để che lại. Tôi sẽ là một tay thời trang lịch lãm với chiếc áo cũ dính cà phê đó.

Sáng hôm qua, bản tin của AP cho biết để kỷ niệm 40 năm hoạt động, công ty cà phê Starbucks đã nhờ Alexander Wang, một nhà vẽ kiểu từng đoạt giải thưởng của CFDA/ Vogue Fashion Fund vẽ một mẫu áo T-Shirt cho Starbucks. Trong tuần này, Starbucks và Nordstrom đã bắt đầu bán những chiếc T-Shirt này với giá $85 mỗi cái. Một bức ảnh chụp một nữ kiểu mẫu mặc chiếc T-Shirt này cho thấy trên ngực áo có một khoảng mầu nâu hệt như chiếc sơ mi của tôi, chiếc sơ mi bị ly cà phê đổ vào giặt không đi. Khác một chút là trên chiếc T-Shirt, cà phê được cho chẩy ngoằn ngoèo xuống phía dưới để tạo thành cái logo của Starbucks.

Vậy mà nó được bán với giá $85 một chiếc. Bộ Starbucks không biết là nước Mỹ đang trong cơn suy thoái kinh tế hay sao?

Nhưng chiếc T-Shirt của Starbucks đã gợi ý để tôi cứu chiếc sơ mi ra khỏi cuộc sống tăm tối của nó từ gần mười năm nay. Nó đã không thấy được ánh mặt trời suốt bằng ấy năm.

Nó không là "áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong / hôm xưa em đến mắt như lòng". Nó chỉ là cái áo gần mười năm không mặc, nay bỗng trở thành thời trang mà không mất một đồng bạc nào cho Starbucks.

Muốn có chiếc T-Shirt không phải là chuyện khó làm. Pha một ly cà phê. Uống gần hết thì đổ chỗ cà phê còn lại, cặn cũng được, lên mặt bàn. Lấy chiếc T-Shirt mới đặt lên chỗ cà phê đổ, đè nhẹ xuống để cà phê thấm vào những sợi cotton. Nhấc chiếc áo lên, dùng bàn ủi nóng ủi cho cà phê chết vào các thớ vải, đem đi giặt khô, lấy về mặc vào là tiết kiệm được $85.

Tại sao phải chi $85 cho một công ty, mà theo một báo cáo mới đây, đã bóc lột tàn tệ những đứa bé Ethiopia da bọc xương ở những đồn điền cà phê để Starbucks càng ngày càng giầu thêm? Làm đúng theo lời chỉ dẫn ở trên là có ngay một chiếc T-Shirt rất thời trang mà không một luật sư tài giỏi và đắt tiền nào của Starbucks có thể kiện để đòi bồi thường.

Còn chiếc sơ mi treo trong tủ thì lấy ra mặc vào, khoác thêm chiếc jacket là đủ bộ để chào mùa thu vừa trở lại.

Bao giờ Harrison Ford và Calista Flockard bán những chiếc sơ mi có đổ một ly Merlot thì trong tủ áo của tôi cũng lại đã có sẵn ít nhất là ba chiếc sơ mi bị đổ rượu giặt không ra. Chúng sẽ được mang ra mặc như chiếc sơ mi của Harrison Ford bị Calista Flockard cầm ly rượu té cái rầm vào người và đưa tới việc hai người lấy nhau.

Có tới ba chiếc áo bị đổ rượu mà vẫn không thấy thay đổi gì trong đời sống như Harrison Forfd. Hay là tại đó là những vết rượu đỏ do chính sự vụng về của mình tạo ra?


Ngày 23 tháng 9 năm 2011

Bạn ta,

The Animal Farm, cuốn ngụ ngôn của George Orwell viết về những con vật trong một nông trại nổi lên đánh đuổi người chủ trại tàn ác, thiết lập một xã hội mới, nơi không một con vật nào còn bị những con vật khác bóc lột, ngược đãi, đối xử bất công nữa.

Nhưng chỉ một thời gian sau, chính những con vật lãnh đạo mới của trại lại quay sang hợp tác, buôn bán, làm ăn với các trại bên cạnh. Mấy con heo, những lãnh tụ mới của trại, bắt đầu đi lại với các trại chủ khác và hành xử hệt như bọn người, khi chúng cũng bắt đầu giở trò bóc lột ngược đãi những con vật trong trại. Chúng tụ tập ăn nhậu với bọn người ở các trại kế bên, và tại bàn tiệc, những con heo lãnh tụ mới của trại trông không khác gì lũ người đi hai chân chuyên bóc lột, hành hạ những con vật nuôi trong trại.

Bọn heo cũng mặc quần áo, đi hai chân khi giao tiếp với bọn trại chủ. Những con vật nuôi trong trại một hôm lén nhìn thấy cảnh những con heo tiệc tùng với lũ người đã không nhận ra đâu là bọn heo đâu là bọn người nữa.

Tôi nhớ đến một bức hình trong cuốn sách của Tiziano Terzani, một nhà báo người Ý viết về biến cố tháng Tư năm 1975. Bức hình chụp một phụ nữ trẻ nhưng mặt mũi vẩu viu, đôi mắt đầy hãi hùng, đầu quấn chiếc khăn rằn , tay cầm một khẩu AK đứng ở góc đường Tự Do và Lê Lợi. Người nữ du kích này còn chưa định thần lại được sau khi tiến vào Sài Gòn. Nét rừng rú trên mặt chưa kịp bay đi. Quần áo đúng là vừa từ rừng về.

Nhan sắc ấy được coi là vẻ đẹp của cách mạng. Và cách ăn mặc của cô em du kích được đem ra áp dụng ngay tại Sài Gòn và các thành phố miền Nam. Áo dài là không được nữa. Tóc tai không còn được chải bới như trước nữa. Phụ nữ miền Nam muốn được yên thân đã phải dẹp bỏ những cách ăn mặc, trang điểm của những ngày trước khi bọn người rừng tiến vào.

Những chiếc áo dài bỗng biến mất. Chúng bị cắt hai vạt trước và sau để không còn là áo dài nữa.

Nhưng rồi thỉnh thoảng trong những hình chụp trên báo Nhân Dân, người ta lại thấy những chiếc áo dài trong những buổi lễ ở Hà Nội, khi thì đón tiếp vài vị khách ngoại quốc, khi thì tại những buổi liên hoan của nhà nước.

Nhìn kỹ thì những chiếc áo dài đó được may theo kiểu áo dài miền Nam. Thí dụ cái cổ cao là một. Hai tay raglan là hai, và tà áo thì dài hơn những cái áo dài trước năm 1954 ở Hà Nội của mấy bà cô bà dì tôi.

Như vậy là làm sao? Là các đồng chí thấy vẻ đẹp cách mạng thực ra cũng không đẹp lắm. Vẻ đẹp đồi trụy của Ngụy thực ra có đẹp hơn thì phải. Sau một thời gian, thì nhiều người cũng thấy quần áo, y phục của phụ nữ miền Nam có đẹp thật. Vẻ đẹp cách mạng dần dần được dẹp bỏ. Áo dài trở lại.

Mấy chị vợ của mấy anh cao cấp là những thành phần từ bỏ lối ăn mặc cách mạng sớm nhất. Các chị cũng được cho đi theo mấy anh chồng tại các buổi tiếp tân, rồi trong những chuyến đi ra nước ngoài. Các chị không bà ba, áo ngắn, quần kaki Nam Định, dép râu nữa. Các chị cũng quần chùng áo dài mầu sắc rực rỡ hệt như các phụ nữ miền Nam trước đây.

Mấy tuần trước, một tờ báo ở đây có đăng hình vợ chồng của một nhân viên ngoại giao Hà Nội đến Los Angeles. Chị vợ trông không có vết nước phèn nào. Cũng áo dài mầu sắc sặc sỡ, anh chồng mặc veste, ca vát điệu đà trông khác xa hình ảnh người nữ du kích trong cuốn sách của Terzani.

Không biết người nữ du kích đó nay ở đâu. Hơn ba chục năm, cô đã thành một phụ nữ lớn tuổi. Nhan sắc không có bao nhiêu, lại thêm lam lũ tất bật với đời sống, mặt mũi cô bây giờ ra sao. Cô nghĩ thế nào khi cái đẹp cách mạng của cô đã bị dẹp đi và thay thế bằng cách ăn mặc mà chính cô đã góp phần vào việc nạt nộ các phụ nữ ở Sài Gòn bắt họ phải từ bỏ.

Bây giờ thì vợ con của bọn lãnh tụ lại lôi chính những thứ quần áo và cách ăn mặc đó ra dùng mới đau.

Đúng là nhìn lại mình, đời đã xanh rêu cô ạ.