November 10, 2011

November 11, 2011

Ngày 7 tháng 11 năm 2011

Bạn ta,

Việc tỉ mỉ ngồi cắt những chiếc coupon trong những trang báo, hay trong đống thư từ rác rến, junk mail, gửi đến tận nhà, rồi xếp loại, lưu giữ trong những chiếc hộp để sẵn trong bếp và cẩn thận mang theo khi đi chợ để gây phiền nhiễu, làm mất thì giờ của những người đứng sau tại quầy trả tiền ở siêu thị và làm mất đi vĩnh viễn hình ảnh kiêu hùng (?) của một người đàn ông cực chẳng đã phải vào chợ là việc tôi chưa thử làm bao giờ, mà cũng chưa dám nghĩ tới bao giờ nữa là khác.

Chưa làm bao giờ vì những thứ như bia Heineken, Miller, TV dinner của Swanson, của Lean Cuisine … thì không bao giờ thấy có coupon cả. Trong khi những thứ như dao cạo của phụ nữ, xà bông rửa chén, cùng vài loại sản phẩm chỉ phụ nữ phải dùng và những thứ tôi không bao giờ phải đụng tới thì tờ báo chủ nhật bao giờ cũng kẹp theo rất nhiều.

Tôi tưởng giữ mình cẩn thận như thế là thoát hẳn, không bao giò có thể trở thành hình ảnh một anh chàng Mỹ cù lần, hà tiện cả ngày chỉ hí hoáy cắt coupon được mô tả bằng giọng đầy diễu cợt của John Updike trong một truyện ngắn của ông, thì hôm qua tôi nhận được một tập coupon để dùng suốt 52 tuần lễ trong năm, lại còn được tặng thêm mấy cái để dùng trong những ngày như sinh nhật, Valentine, kỷ niệm ngày cưới …

Nhưng những chiếc coupon đóng thành một tập dầy này do Casablanca Press phát hành thì lại không tiết kiệm cho người dùng nó chút nào hết. Trái lại, khi thì chúng gây ra hao tốn sức lực, khi thì lại tạo ra những tốn kém không ít về tiền bạc . Và phía được lợi, được những tiết kiệm thì lại không phải là người có tập coupon, mà là người nhận được những chiếc coupon do người có tập coupon đưa tận tay.

Đọc tất cả những coupon do một người dấu tên gửi tới tận địa chỉ cho tôi, tôi không thấy những số tiền tiết kiệm được.

Thí dụ chiếc coupon cho người cầm nó được dự một bữa ăn tối dưới ánh nến cùng với người phát hành tấm coupon (the issuer, mà tôi nghĩ là tôi), tại một tiệm ăn thơ mộng, lãng mạn nhất thành phố: This coupon entitles the holder to have one candlelight dinner (with the issuer of the coupon) at the most romantic restaurant in town!

Những tiệm được coi là khá romantic ở nơi tôi sống với một bữa tối có ánh nến, có rượu chát, có piano ở góc, có saxophone, có tiếng balai quét nhẹ trên mặt trống … có thể làm cái bóp vơi đi khá nhiều. Cái bóp đó nhất định không phải là của người cầm chiếc coupon (the holder) mà là của người đã phát hành nó (the issuer). Khả năng tiết kiệm của chiếc coupon này hoàn toàn không có gì đáng nói. Một chiếc coupon khác thì cho the holder của chiếc coupon một chục hoa muốn gì tùy thích và được giao tận nhà nội trong ba ngày. Theo thời giá hiện nay thì một chục bông hồng là khoảng $120.00. Chiếc khác thì cho người cầm coupon được quyền mua những chiếc áo ngủ, vớ, giây nịt vớ trị giá $200.00 tại tiệm bán quần áo lót gần nhà. Chi phí dĩ nhiên do người cấp coupon thanh toán. Một coupon khác thì được dùng để đi nghe nhạc , xem ciné, khiêu vũ… Cứ như thế , phía phát hành coupon tha hồ chi mệt nghỉ. Nhưng cũng có những dịch vụ không tốn kém tiền bạc bao nhiêu, thí dụ coupon cho người cầm coupon được xoa lưng nửa tiếng, dịch vụ xoa lưng do chính người cấp coupon phụ trách, và phải để cho xoa đủ nửa tiếng mới được: This coupon entitles the holder to one sensous backrub, performed by the issuer of the coupon. Time limit: No less than 30 minutes in duration. Một coupon khác thì cho holder được tắm bằng dầu thơm, có nhạc nhẹ, có champagne bên bồn tắm có nến lung linh… và tắm xong thì người phát coupon sẽ phụ trách dịch vụ dùng khăn lau cho thật là khô, khô không còn một giọt nước nào, khô từ đầu đến chân, khô từ trong ra ngoài. Coupon này cũng không tốn phí là bao nhiêu, chỉ mất sức lao động một chút thôi. Một coupon khác thì cho người holder thưởng thức hai giờ trong vòng tay của người phát hành coupon trước lò sưởi, trên chiếc đu ngoài hàng hiên, hay trên chiếc sofa, hay trên giường … Good for 2 hours of cuddling with the coupon issuer in one of the following locations: in front of a roaring fire, on a porch swing, on a cozy couch or in bed… Người nhận được coupon cũng có thể dùng để đổi lấy một bữa tối tại nhà, do chính người cấp coupon nấu. Điều kiện duy nhất: quần áo tươm tất. Tại sao phải tươm tất thì không thấy nói. Coupon này cần phải xé quăng đi ngay, nếu tài nấu bếp của người phát hành coupon chỉ là món mì Nhật hay mì Đại Hàn.

Ngoài ra, còn có những coupon khác để đổi lấy những sinh hoạt không thể nói ra ở đây.

Như vậy thì tập coupon này cũng rất có lý, và rất nên dùng đấy chứ. Nhưng đã gọi là coupon thì tại sao chúng không đem lại những tiết kiệm cho người cầm nó là … tôi?

Mà tại sao đến bây giờ nó mới xuất hiện, mới được gửi đến tận nhà tôi, mà không xuất hiện cách đây, thí dụ hai chục năm chẳng hạn. Khi ấy, chàng thừa sức làm tất cả những dịch vụ đó.

Chứ bây giờ thì còn làm ăn thế quái nào được nữa.

Sao mà khổ thế hở Giời! Giời sao lại nỡ phụ lòng người thế này?


Ngày 8 tháng 11 năm 2011

Bạn ta,

Tôi biết hôm nay chưa phải là ngày ấy. Còn những hơn một tuần lễ nữa nhưng tôi vẫn muốn nhắc bạn , sợ bạn bận rộn quên đi để rồi lại phải chờ cả năm nữa mới tới ngày 19 tháng 11 để trả cho được mối thù ôm suốt cả một năm.

Bạn không phải là người duy nhất ghét cái câu vô duyên ấy. Ở nước Mỹ cũng có những người ghét nó không thua bạn chút nào. Và tôi cũng ghét nó hệt như bạn.

Tôi không biết câu ấy xuất hiện từ hồi nào. William Safire, người đầy chữ đầy nghĩa, tôi nghĩ thế nào cũng phải đề cập đến câu ấy nhưng tìm đọc hết những cuốn sách của ông tôi vẫn không thấy ông nhắc đến nó. Đành chịu vậy.

Ở những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng của nước Anh, người ta không nói "Have a good day" bao giờ. Người Úc nói "Good day mate" hay nhanh hơn là "G’day mate!" Nhưng đó là lúc gặp nhau. Chia tay nhau thì không "Have a good day" bao giờ. Kiwi Tân Tây Lan cũng không. Chỉ "See ya…" Nói rõ hơn thì là … xem ông / xem bà sau này – see you later – là đủ.

"Have a good day" hình như chỉ có người Mỹ nói. Có khi là "Have a good one".

"Have a good day" thì hiểu được. Chúc ông, chúc bà, chúc cô, chúc cậu có một ngày tốt. Nhưng "Have a good one" thì là cái gì? "One" là đại danh từ. Nó đại diện cho một danh từ đứng phía trước khi người nói không muốn nhắc lại danh từ ấy nữa. Nhưng trước đó, có cái danh từ quái nào đâu? Vậy thì nói cái câu vô nghĩa đó để làm gì? Mà ngay câu "Have a good day" cũng đã chắc gì là tốt đẹp? Thí dụ chàng đang trên đường ra tòa để gặp nàng và luật sư của nàng, chàng được tặng lời chúc "Have a good day" thì chàng phải làm gì? Phải quăng hết cái "Good day" đó lại cho cái đứa vừa nói câu đó chứ. Này nhá… trả lại cái good day, đem về nhà mà ăn với nhau cho nó bổ, nó béo… cậu không có nhận cái good day hôm nay đâu… có sẵn thì cứ mang về xào nấu, chiên, hấp lên mà ăn với nhau… tha cho cậu đi mà…

Ở Mỹ thế nào chẳng có những người điên lên vì câu chúc vớ vẩn đó, nên ngày 19 tháng 11 mỗi năm mới được dành để căm hờn cái câu "Have a good day " đó.

Với những người thù ghét câu chúc này, câu chúc còn thường đi kèm theo một cái "happy face", một cái vòng tròn, hai cái chấm nhỏ và một đường cánh cung ở dưới để thay cho nụ cười, nếu lời chúc được viết xuống giấy.

Ngày 19 tháng 11 là ngày để trả mối thù ôm theo suốt cả năm đó.

Trong ngày này, nhân viên của các cửa tiệm, các cơ sở làm ăn sẽ được chủ dặn là thay vì nói "Have a good day" thì phải nói "Have a bad day". Ngày 19 tháng 11 đã được một tổ chức vận động để chính thức trở thành "Have a bad day day".

Cuộc vận động mới bắt đầu cách đây không lâu, nhưng "nhất bộ khởi vạn lý", chuyến đi dài cũng phải khởi đầu bằng bước đầu tiên. Vài năm nữa, người ta sẽ không còn ngỡ ngàng khi nghe chào "Have a bad day" . Bởi vì nếu "Have a good day" không có ý nghĩa gì, không mang lại bất cứ một chuyện tử tế nào, thì "Have a bad day" sẽ mang lại chuyện không tốt lành hay sao?

Chắc không phải thế.

Vậy thì nhớ là vào ngày 19 tháng 11, cứ thoải mái gửi tặng nàng và luật sư của nàng vài chục câu "Have a rotten, wretched, damnable, awful, bloody day".

Nhưng với bạn thì tôi vẫn "Have a good day" như thường.


Ngày 9 tháng 11 năm 2011

Bạn ta,

Cách dây đã lâu, truyền hình Mỹ có chiếu cuốn phim về một phụ nữ Mỹ – do Sally Struthers đóng—sang Việt Nam đi tìm chồng mất tích ở Bắc Việt trong thời chiến. Đó là một cuốn phim rất dở do những người không biết gì về Việt Nam thực hiện. Các vai phụ được chọn một cách cẩu thả cũng đóng góp không nhỏ cho sự thất bại của cuốn phim.

Trong một cảnh được hiểu là diễn ra tại một bản nhỏ thuộc vùng thượng du Bắc Việt, khán giả nghe được một giọng đàn ông lè nhè mời bạn bè ngồi với ông ở một chiếu tiệc dùng những món do vợ ông ta nấu. Ông ta gọi vợ là "bà xã".

Tôi không xem tiếp cuốn phim đó nữa chính vì hai chữ "bà xã" này.

Thứ nhất, hai chữ "bà xã" không hề có trong tiếng Việt miền Bắc, và lại càng không thể có trong ngôn ngữ của đồng bào Thái ở vùng thượng du.

Thứ hai, tôi ghét hai chữ "bà xã" vô cùng. Tôi ghét hai chữ này không kém hai chữ "ông xã".

"Ông xã" là người chồng. "Bà xã" là người vợ. Lai lịch của những chữ này có thể là từ cái chức vụ cũ ở miền đồng quê miền Bắc có từ thời vua Lê Thái Tổ. Đó là cái chức chỉ huy thấp vào bậc nhất: xã trưởng, người đứng đầu vài ba thôn, dưới cả chức vụ lý trưởng.

Người giữ chức vụ đứng đầu xã, ông xã trưởng, thường bị coi là thiếu hẳn những nét văn minh tiến bộ của thị thành. Vì công việc và trách nhiệm của chức vụ đảm nhận, ông còn là người không có được bao nhiêu cảm tình của người dân trong xã. Bởi thế, tất cả những nét xấu xa, hủ lậu, lạc hậu, quê mùa, dốt nát đều được đổ lên đầu của ông xã trưởng cho bõ ghét. Có thời, chức vụ của ông và ông lý trưởng đã bị các báo Phong Hóa và Ngày Nay đưa lên chế diễu suốt nhiều năm bằng những bức hí họa. Ông xã trưởng được họa sĩ vẽ thành một nhân vật to béo như một con lợn và được đặt cho cái tên là Xệ. Ông lý trưởng mắt ba vành sơn son, lại thêm tính tình lẩn thẩn quê mùa thì cho mang cái tên Toét. Nhiều họa sĩ khác sau đó cũng khai thác những nét hủ lậu, thiếu văn minh của các ông Xã Xệ và Lý Toét.

Từ những nguồn gốc không mấy vẻ vang, hiển hách lắm, những chữ "ông xã" được đưa vào khẩu ngữ hàng ngày để gọi người chồng. Hai chữ này được đem ra dùng trước vì phụ nữ không được trao cho giữ chức vụ hành chính ở trong làng. Người phụ nữ, khi dùng hai chữ "ông xã" để gọi đùa người đàn ông trong gia đình của bà thì bà không ngờ là bằng việc đó, bà đã đi bước đầu tiên của lối nói đầy nhục mạ và rẻ rúng nhắm vào những người đàn ông Việt Nam.

Trong những năm đầu của thập niên 60, một số đông đảo những người chồng Việt Nam bị cho mang cái tên "ông xã", bên cạnh sự thân mật cũng mang theo đầy vẻ rẻ rúng, miệt thị.

Khi những người đàn ông quay lại để gọi những người đàn bà là bà xã thì những người đàn ông này cũng gián tiếp, nhưng chính thức nhìn nhận mình là ông xã, chồng của những người đàn bà mà các ông vừa giọi là bà xã.

Những chữ "nhà tôi", "bố cháu", "mẹ cháu", "má sấp nhỏ", "ông già thằng Mi Xen", "má con Mạc Gô", "già tía thằng Tí Cu", "cha thằng Đực Nhỏ"… đầy những thân tình bị thay thế bằng "ông xã" và "bà xã" đầy hình ảnh ngu đần, trì độn, quê kệch.

Tôi nghĩ thế nào cũng có ngày những người đàn ông đang sống trong hạnh phúc, sau bữa cơm chiều, kéo chiếc ghế ngồi xuống bên cạnh những người đàn bà hạnh phúc không kém và nói rằng các ông sẽ không bao giờ gọi các bà là "bà xã" nữa vì ông thấy các bà rất mực thông minh, sang trọng, tỉnh thành… vì tiếp tục gọi các bà là "bà xã" là không coi các bà có những điều tốt đẹp vừa kể trên hay sao.

Và các phụ nữ này cũng sẽ hứa không bao giờ gọi chồng là "ông xã" nữa, dù cho đang trong cơn nóng giận, mất khôn cách mấy đi chăng nữa.

Sau đó, chỉ còn các phụ nữ Mỹ là còn tiếp tục gọi chồng là "hubby" và những người đàn ông sẽ gọi vợ là "the missis" hay "the missus" cho nhà quê nhà mùa với nhau chơi.

Chứ mặt mũi sáng như gương Tầu thế kia mà bị gọi là bà xã thì chịu gì nổi? Bị gọi là "bà xã" thì thà bị gọi là "con mẻ" còn vui hơn.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 119)

SOME USEFUL SUFFIXES

Bản chuyển tả do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 119 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 1 năm 2012.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

BBT

Hôm nay, tôi sẽ nói về hai ba cách không khó lắm để có thể có thêm được một số chữ mới. Đó là gắn những cái đuôi vào phía sau một số danh từ để tạo thành những tĩnh từ và trạng từ mới với ý nghĩa rất gần với các danh từ mà chúng ta đã biết rồi, đã có rồi.

Văn phạm gọi những chữ gắn vào phía đuôi, phía sau của các danh từ để biến các danh từ này thành tĩnh từ và trạng từ là tiếp vĩ ngữ, SUFFIXES. Tiếp là gắn vào, làm cho dài thêm ra. Vĩ là đuôi và ngữ là chữ. Tiếp vĩ ngữ, SUFFIXES, là những chữ gắn vào phía cuối, phía đuôi của những tiếng khác như ba tiếp vĩ ngữ FUL, LESS và LY mà chúng ta có thể gắn vào đuôi của một số chữ để tạo thành những tiếng khác. FUL nghĩa là có nhiều, là có, là đầy những. LESS là không có, thiếu vắng. Hai tiếp vĩ ngữ FUL và LESS gắn vào đuôi một số danh từ sẽ biến chúng thành tĩnh từ. Tiếp vĩ ngữ LY được thêm vào các tĩnh từ để biến chúng thành trạng từ (ADVERB) dùng cho việc phụ nghĩa các động từ.

Lãm Thúy đã bao giờ gặp những tĩnh từ có tiếp vĩ ngữ FUL ở cuối chưa?

LÃM THÚY

Có. Thúy nhớ đã gặp chữ CHEERFUL chắc là từ danh từ CHEER được thêm cái đuôi FUL vào để thành CHEERFUL. Còn danh từ này nữa: WONDERFUL từ danh từ WONDER là kỳ diệu được thêm SUFFIX FUL ở cuối.

BBT

Trái với FUL là tiếp vĩ ngữ LESS nghĩa là không có, là thiếu, là vắng. QA chắc phải biết một số tĩnh từ với cái đuôi LESS ở cuối chứ?

QA

QA biết HOMELESS từ danh từ HOME. JOBLESS từ danh từ JOB. HEARTLESS từ danh từ HEART. CARELESS từ danh từ CARE. Tất cả đều được gắn thêm cái đuôi là tiếp vĩ ngữ LESS vào cuối.

BBT

Đúng vậy. Có một số danh từ có thể dùng với cả FUL và LESS. Những danh từ khác thì được tạo thành tĩnh từ bằng những cách khác, hay dùng những tiếp vĩ ngữ khác.

Thúy có biết danh từ nào được dùng với cả FUL lẫn LESS không?

LÃM THÚY

Thí dụ danh từ CARE chẳng hạn. CAREFUL là cẩn thận. CARELESS là vô ý, là không cẩn thận. MIND là đầu óc. MINDFUL là để tâm, lưu ý, để ý. MINDLESS là không để ý đến.

QA

QA biết các danh từ này có thể dùng với cả FUL và LESS. Danh từ HOPE là hy vọng có thể đi với FUL để thành HOPEFUL là đầy hy vọng và LESS để thành HOPELESS là tuyệt vọng. Danh từ ART nghĩa là nghệ thuật, đi với FUL để thành ARTFUL nghĩa là có nghệ thuật, và với LESS để thành ARTLESS là thiếu nghệ thuật, xấu xí.

BBT

Như các cô đã thấy, hai tiếp vĩ ngữ FUL và LESS tạo ra những tiếng mới với ý nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau, phản nghĩa lại với nhau như những thí dụ hai cô vừa dẫn ra ở trên. Nhưng lại có những danh từ đi với cả FUL và LESS để tạo thành những tĩnh từ có ý nghĩa rất xa nhau, không dính líu gì tới nhau cả. Thí dụ ARMFUL là đầy tay. ARMLESS lại nghĩa là không có tay. Đồng thời lại có những danh từ chỉ đi với FUL hay chỉ đi với LESS. Thí dụ SPOONFUL nhưng không có chữ nào là SPOONLESS trong tiếng Anh. MOUTHFUL thì có, nhưng không có MOUTHLESS.

Có những danh từ chỉ đi với LESS mà không đi với FUL như HOMELESS là vô gia cư, không nhà. Không có tĩnh từ HOMEFUL. JOBLESS nghĩa là thất nghiệp cũng vậy, không có JOBFUL. Có HEARTLESS là vô cảm, không có tình thương, nhưng không có chữ HEARTFUL. Chắc chắn chúng ta cũng đã gặp những chữ CHILDLESS, SHIRTLESS, SHOELESS, MOTHERLESS, FATHERLESS

Bây giờ hai cô cho nghe ba câu với các tĩnh từ mới học coi.

LÃM THÚY

MY NEIGHBORS ARE A CHILDLESS COUPLE.

MISTER NGUYEN IS JOBLESS MORE THAN A YEAR NOW.

A RECENT ACCIDENT SHOWED THE CHINESE ARE HEARTLESS PEOPLE.

QA

CAREFUL DRIVERS SELDOM HAVE ACCIDENTS.

MANY PEOPLE FEEL HOPELESS IN THIS ECONOMY.

THERE IS A HOMELESS MAN STANDING NEAR THE POST OFFICE.

BBT

Như vậy, hai cô biết thêm được một số tiếng mới nhờ hai tiếp vĩ ngữ FUL và LESS. Đó là cách chúng ta có thêm được ngữ vựng mới để dùng. Mỗi khi thấy có những tiếng có cái đuôi FUL hay LESS, chúng ta biết ngay đó là những tĩnh từ. Chúng ta có thể đoán ra ý nghĩa của chúng bằng cách cắt cái đuôi ra để xem nó đến từ danh từ nào, và nhờ đó, đoán ra nghĩa của chúng.

Thí dụ gặp những chữ này , cô QA có đoán được ra nghĩa không… A THOUGHTFUL MAN, A MEANINGFUL ACT, A LOVELESS MARRIAGE.

QA

THOUGHTFUL là do danh từ THOUGHT nghĩa là ý tưởng, sự suy nghĩ. A THOUGHTFUL MAN là một người quan tâm đến những người khác, lưu ý, để ý đến người khác. A MEANINGFUL ACT do danh từ MEANING là ý nghĩa. MEANINGFUL ACT là một hành động đầy ý nghĩa. A LOVELESS MARRIAGE từ LOVE mà ra. LESS là không có. A LOVELESS MARRIAGE là một cuộc sống hôn nhân không tình yêu.

BBT

Vừa rồi là những tĩnh từ được tạo thành từ danh từ với cái đuôi FUL và LESS ở cuối. Chúng ta có thể thêm vào cuối những tĩnh từ này một tiếp vĩ ngữ khác, tiếp vĩ ngữ LY, và chúng ta có ngay những túc từ để đi với các động từ. Cô Thúy thử biến các tĩnh từ sau đây thành ADVERBS tức là túc từ và dùng với một động từ coi… WONDERFUL, CHEERFUL, HOPELESS…

LÃM THÚY

WONDERFULLY. LOUIS ARMSTRONG PLAYED THE TRUMPET WONDERFULLY.

CHEERFULLY. THEY ANSWERED CHEERFULLY THAT THEY WOULD GO TO THE WEDDING PARTY.

HOPELESSLY. THEY HOPELESSLY DREAM OF GOING TO AMERICA AS REFUGEES.

BBT

Còn QA. Cô thử dùng các trạng từ mới từ các tĩnh từ này coi… CARELESS, HOPEFUL, TEARFUL.

QA

CARELESSLY. THE BOY CARELESSLY OPENED THE DOOR AND THE DOG GOT OUT.

HOPEFULLY. HE HOPEFULLY WAITED OUTSIDE THE CLASS FOR THE RESULT.

TEARFULLY. SHE TEARFULLY TOLD US ABOUT HER ESCAPE FROM VIETNAM.

BBT

Hai cô thấy là nhờ các tiếp vĩ ngữ FUL, LESS và LY chúng ta biết thêm được khá nhiều chữ mới.

Thí dụ với HOPE, chúng ta có HOPEFUL, HOPEFULLY, HOPELESS và HOPELESSLY. Tổng cộng chúng ta biết thêm được 4 tiếng mới từ một tiếng chúng ta đã biết. Nên nhớ là nếu chữ cuối là LY thì có nhiều phần đó là ADVERB. Nếu là LESS hay FUL thì chúng là ADJECTIVES.

LÃM THÚY

Tuần qua, Thúy có nhận được một lá thư của khán giả hỏi thầy một số điều. Ông nhờ giải thích sự khác biệt giữa BESIDE BESIDES.

BBT

BESIDE là một GIỚI TỪ dùng với nơi chốn, văn phạm gọi là PREPOSITION OF PLACE. Thí dụ THE SCHOOL WA BUILT BESIDE A LIBRARY.

Trong khi đó, BESIDES có "S" là trạng từ như trong câu BESIDES WORKING AS A TEACHER, HE WRITES FOR A MAGAZINE. BESIDES cũng là giới từ như trong thí dụ SHE SPEAKS ENGLISH BESIDES RUSSIAN nghĩa là cô ấy ngoài tiếng Nga còn nói cả tiếng Anh.

LÃM THÚY

Thư cũng hỏi EVERY DAY viết rời thành hai chữ và EVERYDAY viết thành một chữ có khác nhau không.

BBT

Rất khác nhau. EVERY DAY là mỗi ngày, không có một ngoại lệ nào , ngày nào cũng thế, cũng có một số việc. Trong khi EVERYDAY nghĩa là bình thường, không có gì đặc biệt. QA có thể cho hai thí dụ với EVERY DAY (viết rời) và EVERYDAY (viết liền thành một chữ) được không?

QA

MY SON WORKS OUT IN THE GYM EVERY DAY nghĩa là ngày nào con trai QA cũng tập ở phòng tập thể dục.

WE LEARN EVERYDAY ENGLISH WITH THIS PROGRAM nghĩa là chúng tôi học Anh ngữ thường đàm, Anh ngữ trong đời sống hàng ngày với chương trình truyền hình này.

LÃM THÚY

Thưa anh, còn HOW DO YOU DO?HOW ARE YOU? khác nhau thế nào?

BBT

HOW DO YOU DO? KHÔNG phải là một câu hỏi mà chỉ là một cách khác để chào nhau khi mới gặp nhau, khi được giới thiệu lần đầu tiên. Người ta dùng HOW DO YOU DO? để thay cho HELLO. Từ HOW DO YOU DO, người ta nói nhanh, nuốt bớt một vài âm để thành HOWD’YDO và sau đó thành HOWD’Y, để cuối cùng trở thành HI.

HOW DO YOU DO được người Anh dùng nhiều hơn người Mỹ. Trong khi đó, HOW ARE YOU? là câu hỏi thăm về sức khỏe nhưng thực ra, người hỏi cũng không hẳn là muốn biết đầy đủ về tình trạng sức khỏe của người kia. Câu trả lời thường là I’M FINE THANKS. AND YOU?

Có một câu mà ai cũng biết, câu thường được dùng để nói về một người vô duyên, đó là A BORE IS SOMEONE WHO WHEN ASKED "HOW ARE YOU?" WILL TELL YOU nghĩa là một anh chàng vô duyên, nhạt nhẽo, A BORE, là người mà khi được hỏi câu HOW ARE YOU? thì liền ngồi xuống, đầu cua tai nheo lôi hết hồ sơ bệnh lý của anh ta ra nói cả tiếng đồng hồ cho người hỏi nghe đầy lỗ tai luôn về đủ mọi thứ bệnh của mình. Vì thế, khi bị hỏi HOW ARE YOU? thì cứ trả lời I’M OKAY, I’M FINE… I’M GREAT… I’M GOOD… I’M WONDERFUL là đủ. Không ai muốn nghe những chuyện bệnh tật ốm đau sầu não, vợ ốm con đau của mình cả.

QUỲNH ANH

Thưa quí vị chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.