April 18, 2012

April 20, 2012

Ngày 16 tháng 4 năm 2012

Bạn ta,

Linus, cậu nhỏ em của Lucy Van Pelt, bạn thân của Charlie Brown là một nhân vật trong loạt truyện bằng tranh Peanuts của Charles M. Schulz.

Linus yêu cô giáo, cô Othmar, của chú vô cùng.

Linus có lần nói rằng chú không bao giờ nói rằng chú tôn thờ cô Othmar, chú chỉ nói rằng chú yêu cái chỗ đất mà cô đi bộ và đặt chân lên. I’ve never said I worship her. I just said I’m very fond of the ground on which she walks!

Kể nói như vậy là yêu quá đi mất rồi. Chắc Linus học được của một câu người Việt hay nói: "Yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai, ghét cả tông chi họ hàng." Yêu thì con đường người ấy đặt chân lên cũng yêu. Ghét mà thấy "nó" đi trên đoạn đường ấy thì lấy cuốc, lấy xẻng đào lên, đổ đi ra chỗ khác để khỏi bẩn chân. "Ghét như đào đất đổ đi" là như vậy.

Nhưng yêu con đường có dấu chân người đặt xuống thì chắc đã nhiều người làm. Chẳng phải chỉ riêng có Linus biết làm việc đó. Con đường có vết chân người yêu dấu đặt lên thì hình như cỏ xanh hơn, hoa thơm hơn như nhiều người đã quả quyết.

Bất kể trên con đường ấy, đã vài ba chục con chó để lại dấu tích trong những chuyến đi lăng quăng của chúng. Thế nên yêu thì yêu vậy thôi chứ cái thảm cỏ đầy kỷ niệm của lũ chó mất dậy để lại như những con đường của thủ đô Paris thì có can đảm lắm cũng không dám lăn xuống cỏ mà ngâm nga "…ta thèm một chút hương man dại / và ngủ như loài muông thú kia…" như mấy câu nghe rất dại dột của ông Đinh Hùng đã viết trong Đường Vào Tình Sử.

Mấy con chó mất dậy đã ghé lại thì cho dù bước chân của người yêu bé bỏng có đi vài ba lần đi qua thì cũng đành im lặng thở dài mà tạm quên đi thôi.

Vậy nên có cậu thi sĩ ngớ ngẩn nào nhờ làm giùm một việc là cúi xuống hôn hộ cậu cái khúc đường ấy thì nên xắn tay áo lên chửi cho cậu một trận nhớ đời mới phải:

"…Hôn giùm anh nền đá lát công trường
Nơi yêu dấu Lê Nin từng dạo bước
…"

Nền đá lát ở Matxcơva đã bao nhiêu mùa mưa nắng, đã bao nhiêu bãi cứt chó nằm trơ gan cùng tuế nguyệt, rồi lại mấy em phu lục lộ béo quay, béo xưng béo xỉa trông nhan sắc cứ như em Nina Khruschev quơ những nhát chổi lên rồi mà còn nham nhở nhờ cúi xuống hôn một cái thì thối biết là chừng nào.

Phải chửi cho cái nhà anh thối tha ấy một trận là ít, nếu không thì phải bóp cổ cho cái đứa bệnh hoạn kia lè lưỡi ra mới phải.

Tỉnh táo thì phải như vậy. Nhưng rất có thể, đã có nhiều đứa cúi xuống hôn những viên đá lát ở một cái công trường nào đó nơi cậu Liên Xô lạ hoắc nọ từng lê gót giầy ở trên. Trò ngu xuẩn tương tự đó mới đây đã được thấy ở Hà Nội. Một số thanh niên Hà thành đã quì xuống, hít lấy hít để cái ghế mà Bi Rain, một ca sĩ Nam Hàn đã ngồi lên trong một chuyến trình diễn ở Hà Nội hôm tháng 3 vừa qua.

Tôi lục tìm hết trí nhớ thì chưa hề thấy cảnh đó ở Việt Nam trước năm 1975 bao giờ. Thế hệ của ông cụ tôi thì có thích Tino Rossi, Maurice Chevalier … thật. Nhưng các cụ bầy tỏ lòng hâm mộ một cách thầm lặng chứ đâu có bao giờ làm chuyện mất nhân phẩm như thế. Thế hệ của chúng ta, có người yêu James Dean, Elvis Presley, Beatles cũng thế. Ngồi nghe những ban nhạc, những giọng ca này trình diễn vẫn bằng những cách rất nghiêm túc. Lũ con tôi lớn lên ở Mỹ cũng không đứa nào nghe nhạc mà lăn lộn như … Mỹ.

Thế thì tại sao lại có cảnh hôn hít cái ghế mà một người đàn ông Đại Hàn vừa đặt đít lên?

Hay đó là cách hành xử của những người đã quen với cái lối bầy tỏ sự tôn thờ, sùng thượng mà họ đã thường nhìn thấy những người lớn của họ đã làm? Thương xót thì phải gấp mười lần lòng yêu mến dành cho cha mẹ. Tiếc nhớ thì phải "…đau đòi đoạn, ngất đòi cơn…" như người dân Bắc Triều Tiên khóc Kim Nhật Thành, rồi Kim Chính Nhật. Khóc không to thì chỉ có chết đòn.

Trong cái lối bầy tỏ xúc động thối tha như thế thì cúi xuống hôn cái ghế còn nóng hôi hổi hơi … đít của Bi Rain là chuyện có thể hiểu được.

Cha chú của chúng nó ôm đít của mấy anh Liên Xô, Trung Cộng thế nào, thì nay, chúng làm như thế chứ có gì lạ đâu.

Nhưng đợi xem mấy con chó dại ở Hà Nội chết đi thì bọn dòi bọ khóc lóc ra sao.


Ngày 17 tháng 4 năm 2012

Bạn ta,

Mấy hôm trước tình cờ vào đọc tờ Tuổi Trẻ trong internet, tôi thấy được một chuyện khá ngạc nhiên, đó là đến bây giờ, tờ báo này vẫn còn một mục gọi là "Theo Gương Bác" với những bài viết như được rặn ra để nói về những điều Bác dậy, nào là thái độ của Bác trước cái xấu; tìm hiểu tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh; Bác Hồ, niềm tin tất thắng; Việt Bắc nhớ Bác Hồ; Tình Bác sáng đời ta; Đêm nghe tiếng đò đưa nhớ Bác; Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người; 30 năm đi tìm Hồ Chí Minh; Hồ Chí Minh cái tên gợi lên bao nhiêu nỗi xao xuyến, xúc động; cuộc vận động tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Tư tưởng Hồ Chí Minh, sinh khí của một học thuyết; bốn chữ "thật" trong Di Chúc Bác Hồ vân vân.

Liếc sơ qua tựa của những thứ bài vở như vừa kể trên, tôi không hiểu có được bao nhiêu người thật sự tin vào những điều được viết xuống trong mục "Theo Gương Bác", và có ai đọc những thứ ấy xong rồi mang về nhà bảo con cháu đọc và nghiền ngẫm thật kỹ những thứ bài vở như vậy không. Hay là liếc xong rồi đem vào nhà cầu vừa chửi thề vừa chùi đít lia lịa.

Nhưng những thứ bài vở như vậy vẫn được viết xuống, không phải chỉ ở riêng tờ Tuổi Trẻ, mà còn ở cả những tờ báo khác, bên cạnh những tin tức, những bài báo với nội dung, tinh thần chửi cha chửi mẹ cái gọi là những tấm gương của Bác.

Ngay trên tờ Tuổi Trẻ số mới nhất đề ngày 19 tháng 4, người ta đọc thấy những thứ tin như nữ sinh bị đánh hội đồng, đường dây gái gọi từ web sex, tuyển sinh chui, bán bằng giả… những số báo trước thì đăng tin ông già 70 rủ rê em bé đến mang thai, giáo viên dụ học sinh làm chuyện người lớn, cách ăn chơi của thiếu gia ở Việt Nam, rượu, bạch phiến, lừa đảo, buôn bán trẻ em phụ nữ ra nước ngoài, Tầu và Nam Hàn vào tận trong nước để mua phụ nữ Việt Nam, tệ nạn bán dâm bùng nổ khắp nước, công an đánh chết người, biểu tình đòi chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa bị bắt bỏ tù, đại gia mua xe Rolls Royce, máy bay riêng, quịt nợ hàng tỉ trốn ra nước ngoài…

Như thế thì mấy chục năm có những lời dậy dỗ của Bác, lũ con cháu của Bác chẳng hấp thụ được cái cứt gì, không áp dụng được phần nào những điều gọi là của Bác dậy. Trái lại, bọn cháu ngoan của Bác chỉ là một bọn mất dậy, hư đốn, vô giáo dục đến cùng cực đang làm tan hoang cái đất nước như chưa bao giờ thấy trong lịch sử.

Nhưng nếu những chuyện lũ con cháu của Bác đang làm là áp dụng đúng những tấm gương Bác để lại để xuất sắc trong những trò lừa đảo, gian ác, dâm đãng vồ vợ đồng chí, chơi chán rồi đem thủ tiêu, con rơi, con rớt mấy đứa … thì chúng chính là con cháu của Bác rồi còn chi. Học đường là chỗ dậy các trò gian dối, để nữ sinh được dẫn vào đường dâm loạn, để giáo viên dụ dỗ cưỡng bức học sinh, để học sinh hành hung bạn bè, thầy cô giáo, quay video gian dâm với nhau rồi đưa lên internet như báo chí trong nước đã nói rất rõ.

Hay như thế mới là những bài học Bác dậy cho lũ cháu của Bác? Vậy thì báo chí trong nước vẫn tiếp tục những bài báo vớ vẩn về gương Bác để lại là đúng rồi còn chi nữa.


Ngày 18 tháng 4 năm 2012

Bạn ta,

Trí nhớ của tôi về những quả trứng ngày nay hết sức mơ hồ sau những hăm dọa về những cái hại mà trứng mang lại. Tôi đã quên hẳn chúng đến độ ngày nay tôi không còn nhớ jumbo là bao lớn, nhỏ là chừng nào, và large ra sao nữa. Tất cả chỉ vì những khám phá về cholesterol, những gì cholesterol có thể gây ra cho tim mạch con người, mà trứng thì lại rất nhiều cái chất quái ác ấy.

Thế là đang mỗi ngày hai quả sunny side up, medium done với mấy miếng thịt xấy, hai miếng bánh mì nướng có phết bơ và mứt vỏ cam, một tách trà Earl Gray với một chút sữa như những ngày còn ở cái lưu học xá thời đi học, tôi phải vĩnh biệt những quả trứng, không bao giờ trở lại với chúng nữa.

Chính vì đã quên hẳn chúng trong suốt bao nhiêu năm, mà mới đây tôi phải đi tìm mấy quả trứng trong siêu thị để giúp trí nhớ.

Tất cả cũng chỉ vì một câu nhận định của Quentin Letts viết trên tờ London's Mail về nghệ thuật diễn xuất của Jerry Hall, vợ cũ của Mick Jagger, ca sĩ chính trong ban The Rolling Stones.

Jerry Hall mới đây đã xuất hiện trong một vở kịch ở Luân Đôn, vở The Graduate. Trên sân khấu, Jerry Hall thủ vai bà Robinson, vai đầu tiên trong sự nghiệp kịch nghệ của nàng, và trong một cảnh với ánh sáng lờ mờ, người nữ kiểu mẫu này đã cởi hết quần áo cho nghệ thuật sân khấu.

Quentin Letts là cây bút phê bình nghệ thuật của tờ London's Mail. Nhận định về đoạn diễn xuất của Jerry Hall, Quentin Letts viết rằng chàng chỉ trông thấy hai quả trứng chiên trong ánh đèn lờ mờ của sân khấu -- Two fried eggs in the gloaming, that's what I saw.

Là người không bao giờ biết nấu bếp, nhưng tôi cũng biết phân biệt ba kiểu trứng trong các bữa sáng: luộc, chiên hay (trứng) bắc. Luộc thì để nguyên vỏ. Chiên hay bắc thì phải đập vỏ. Chiên thì cứ quăng vào chảo. Trứng bắc thì hơi khác một chút là phải đánh lên. Chiên thì... xẹp lép. Luộc thì còn giống... chữ "O": O tròn như quả trứng gà... Khỏa thân mà được/bị mô tả là hai cái trứng bắc thì không được chút nào. Nhưng trứng chiên thì cũng chán lắm. Mà đó lại là Jerry Hall khi khỏa thân dưới mắt của Quentin Letts trong tờ London's Mail. Nghĩ mãi mà tôi vẫn không thể tưởng tượng ra được Jerry Hall và hai quả trứng chiên trong ánh sáng lờ mờ trên một sân khấu ở Luân Đôn là như thế nào nữa.

Jerry Hall, nữ kiểu mẫu đắt giá của những năm 70 mà nay... vậy sao, mà nay là hai quả trứng chiên ốp la ư? Tôi đã trông thấy những quả trứng chiên của những bữa sáng trước đây. Theo hình ảnh mà tôi còn ghi lại được trong óc thì Jerry Hall không thể là hai quả trứng chiên. Mà hai quả trứng chiên thì cũng nhất định không là Jerry Hall được. Hay là trứng chiên trong mấy chục năm qua đã có những thay đổi mà tôi không biết. Mà cũng có thể là Jerry Hall sau khi ở với Mick Jagger rồi thì cũng đổi khác, để trông giống như hai quả trứng chiên?

Tôi muốn xem hai quả trứng chiên để có một hình ảnh rõ hơn về Jerry Hall, nhưng nhớ lời thề không để cho cholesterol đến gần mình nên lại thôi.

Chẳng lẽ đùng đùng kiếm cái vé đi Luân Đôn, tìm đến khu Mayfair, kiếm cái vé coi vở kịch The Graduate chỉ để xem hai quả trứng chiên? Như vậy chắc không được. Hay vào siêu thị, khuân một tá trứng về, học chiên trứng rồi chiên thử xem Jerry Hall ra sao?

Nhưng ở quầy trả tiền, trong lúc chờ đến lượt trả tiền, tôi thấy có tờ People trên giá báo bên cạnh. Và mở tờ People ở phía trên của góc phải, là bức hình chụp Jerry Hall trong một cảnh diễn tập của vở kịch The Graduate.

Và theo những khu vực mà bức ảnh cho thấy về Jerry Hall, thì nhất định hai quả trứng chiên đó không giống như những quả trứng chiên mà tôi vẫn thấy trong những bữa ăn sáng trước đây.

Nhưng nếu Quentin Letts vẫn quả quyết đó là những quả trứng chiên, thì... mẹ của những quả trứng ấy chắc không thể là những con gà thường được.

Chúng phải là đà điểu Phi châu, vì ngay như đà điểu Úc (emu) cũng không thể đẻ ra những quả trứng như thế được.

Nhờ bức ảnh của tờ People, lại có thêm một điều khác tôi biết về Quentin Letts, đó là chuyện bếp nước chàng còn dở hơn tôi rất nhiều: chàng không biết phân biệt trứng chiên và trứng luộc. Bởi lẽ nhìn bức hình Jerry Hall trong tờ People thì nhất định không thể là trứng đà điểu chiên được. Luộc thì may ra.

Viết phê bình sao mà dở thế!


Ngày 19 tháng 4 năm 2012

Bạn ta,

Sáng nay, đọc một bản tin của tờ Los Angeles Times xong, tôi không biết sẽ phải nghĩ gì nữa.

Theo tờ báo này, thì cứ ba thì có một, cứ ba mươi thì có mười, cứ chín chục thì có ba chục. Đó là những con số rất lớn, những tỉ lệ hết sức đáng kể.

Còn nhớ mấy năm trước, thống kê cảnh sát cho biết là cứ hai mươi lăm chiếc xe chạy ngang trong buổi tối thứ sáu ở xa lộ vòng đai thủ đô, thì có một chiếc do người say rượu lái, tôi đã nghĩ là quá nhiều. Nhưng so với con số của tờ Los Angeles Times đưa ra sáng nay thì con số của cảnh sát thủ đô Mỹ thua rất xa.

Theo tờ báo này, thì con số người lái xe say rượu ít hơn con số người không rửa tay sau khi dùng buồng tắm rất nhiều. Và đó là một con số đáng sợ.

Ba người bước ra từ phòng rửa tay, có một người không rửa tay. Gọi là phòng rửa tay cho lịch sự, chứ thực ra, phải gọi là nhà cầu, nhà tiêu, nhà tiểu mới đúng.

Và dĩ nhiên là những người vào đó không chỉ để rửa tay. Để rửa tay mà không rửa tay thì còn gì để nói? Họ vào để làm những việc khác hơn là để rửa tay, và vì làm những việc khác đó nên mới cần phải rửa tay. Cần rửa tay, mà không rửa tay mới ghê!

Tờ Los Angeles Times nói rằng con số đó là con số tính chung cả đàn ông cũng như đàn bà. Và phụ nữ, vẫn theo tờ báo ấy, ở dơ không thua gì đàn ông. Nghĩa là cả hai phía đều một trong ba người, không rửa tay gì hết.

Đọc xong bản tin của tờ báo, tôi nhớ lại những kinh nghiệm ở ngoài những phòng rửa tay mà tôi đã trải qua không phải là một, mà nhiều lần. (Những) người ấy từ trong bước ra, tay vẫn khô queo, đưa tay lên "vuốt tóc tôi / thở dài trong lúc thấy tôi vui".

Bây giờ thì tôi có thể hiểu tại sao những tình cảm lại trái ngược, tương phản nhau như thế. Bên thì buồn, bên thì vui. Thì ra phía bên kia thở dài thương hại cho người đàn ông dại dột, khù khờ, ngây thơ, không biết gì hết, được vuốt tóc thì mừng quá đỗi, vui ra mặt trong khi không hề biết phía bên kia thuộc thành phần một phần ba, mười phần ba chục, ba chục phần chín mươi.

Biết đâu trong số những người tôi quen, lại chẳng có một số thuộc thành phần ấy. Và người đàn ông hiền lành, không đa nghi, hồn nhiên, không hề biết những người nước hoa thơm lừng đó lại chính là những người chủ trương bảo tồn nguồn nước cho thế giới, không phung phí nước cho việc rửa tay?

Vậy mà, chao ôi, chúng tôi đã nắm tay nhau đi trong hạnh phúc ngập tràn, ở Wellington, ở Sydney, ở Sài Gòn, ở Hán Thành, ở Tokyo, ở Hương Cảng, ở Paris, ở Luân Đôn, ở Madrid, ở Roma, ở Hoa Thịnh Đốn, ở Nữu Ước, ở Toronto, ở Montreal, ở Los Angeles, ở San Jose, ở San Diego...

Không những chỉ nắm tay nhau, mà còn "kỷ niệm thơm từ năm ngón tay/ trăng lên từng nét gợn đôi mày", còn "ngón tay phơ phất mùi hoang thảo / lượn nét mây vờn sợi tóc mai", còn "mười ngón tay dâng lửa nguyện cầu"...như trong Đinh Hùng nữa mới là phiền chứ.

Làm tất cả bằng ấy chuyện với những bàn tay hà tiện nước. Sao đời của tôi lại khổ đến chừng ấy được? Bây giờ phải làm gì đây? Làm thế nào để "tấm son gột rửa bao giờ cho phai"?

Cứ tưởng tượng ra những chuyện đã diễn ra mà kinh, mà khiếp cho mình.

Tại sao tờ Los Angeles Times lại làm công việc tàn ác như thế? Có cần phải khơi lại những thương tích đã lành từ bao nhiêu lâu nay bằng những nhát dao đâm nát ra như thế không? Tại sao người đàn ông đang mơ giấc mộng dài, lại phải lay cho chàng dậy một cách phũ phàng như thế? Tại sao không để cho "ngón tay não nuột tàn nhung bướm / gỡ cánh hoa phai lả mái đầu"?

Hay tại sao không chịu rửa tay kỹ cho chúng tôi nhờ một chút?


Ngày 20 tháng 4 năm 2012

Bạn ta,

Lĩnh, thứ hàng tơ mặt bóng đã có một thời được quí lắm: không phải ai cũng có thể váy lĩnh mặc chơi cho mát được.

Người đã khó kiếm cái váy lĩnh huống chi mấy con chó. Bởi thế, khi nói "chó có váy lĩnh" thì đó là chuyện chắc phải khó lắm, phải hoang đường lắm, ít khi, nếu không nói là không thể, xẩy ra được.

Trong những năm thơ ấu, đó là một trong những câu tôi thù ghét nhất. Bị nói câu đó vào mặt là bị ném cho một đảm bảo chắc chắn một chuyện gì không thể có được, không thể xẩy ra được. Cho đó là khả năng là một việc gì, hay một ao ước.

"Như thế thì đến chó cũng có váy lĩnh." Chỉ một câu đó, mọi ước muốn, toan tính lập tức tan tành.

Nhưng chuyện chó có váy lĩnh để mặc ngày nay không còn là điều khó xẩy ra được nữa. Chó không những đã có áo lông đắt hơn váy lĩnh rất nhiều lần, mà còn có được nhiều thứ khác hơn nữa chúng ta khó có thể tưởng tượng ra được để cập nhật hóa câu tục ngữ đã cũ.

Ngày nay, chó đã có thể có kim cương để đeo, được chủ cho hưởng gia tài, đánh bạt con cái của người viết di chúc để trở thành thừa kế duy nhất như đã nhiều lần xẩy ra. Chúng còn có thể nước hoa thơm lừng làm đau lòng biết bao nhiêu người nữa là khác.

Từ năm mươi năm trước, năm đầu ở đại học, từ khi được tặng chai eau de Cologne Old Spice đến nay, lúc nào tôi cũng có một chai trong buồng tắm, tuy thỉnh thoảng cũng thay đổi bằng Brut, Aqua di Giò, Eau Sauvage, Clinique... Old Spice không gắt như Clinique, không ngọt như Eau Sauvage, không ngựa như Aqua di Giò của Giorgio Armani. Old Spice không bám quá lâu ở người dùng cũng như ở những người không dùng nó (?). Nhưng nó theo tôi lâu nhất là vì cái giá rất thoải mái của nó. Cái giá thoải mái đó khiến lúc nào cũng có hai, ba chai trong nhà, trong ngăn kéo bàn giấy ở sở.

Thế mà nay, chó cũng không thèm có nữa mới đau lòng những người dùng Old Spice từ bao nhiêu năm nay.

Chó đã có eau de Cologne riêng của chúng. Chai eau de Cologne 100ml của chó được bán với giá gần ba chục Mỹ kim là một sự nhạo báng độc ác với những người đàn ông dùng Old Spice.

Oh My Dog! là tên của eau de Cologne chó. Tôi thấy nó sáng hôm qua trong chương trình Good Morning America. Buổi sáng bỗng không còn đẹp nữa. Bước vào cái buồng tắm, ngó chai Old Spice Limited Edition mà tủi thân không sao nói hết được.

Old Spice, đến chó cũng không thèm dùng thứ eau de Cologne rẻ tiền như thế. Mặt mũi như thế mà... eau de Cologne còn rẻ hơn eau de Cologne của chó. Những câu như thế làm sao không vang vang trong hai tai suốt cả buổi sáng cho được.

Tưởng tượng cảnh sau khi làm ướt cái cột đèn, cậu chó chạy về nhà, lôi chai Oh My Dog! ra, xịt vài cái vào những vị trí chiến lược trên dưới, rồi ưỡn ẹo chạy ra đường kiếm mấy chị trong khu phố, tiếng huýt sáo bỗng vang lừng nổi lên, hòa lẫn với những tiếng sủa ủng oẳng từ bốn phương tám hướng vọng đến thì còn gì có thể tạo nhiều đau đớn, lăng mạ hơn được nữa?

Những Old Spice, Aqua di Giò, Clinique... đã bao giờ làm được những điều đó chưa? Chắc chắn là chưa.

Vào lúc váy lĩnh trở nên lỗi thời, mất đi những thái độ trọng vọng, và loài chó cũng có thể có được dễ dàng, thì váy lĩnh được thay thế bằng eau de Cologne, niềm vui cuối cùng của những người đàn ông trong buồng tắm những buổi sáng, sau khi những chiếc dao cạo lướt trên da mặt, cũng bị xâm phạm và lấy đi vĩnh viễn.

Cái mặt như thế mà dùng thứ eau de Cologne rẻ tiền hơn là Cologne của chó.

Chán cho chính mình thì không thể có sự chán nản nào lớn hơn và bi thảm hơn được nữa.