Ngày 8 tháng 4 năm 2012
Bạn ta,
Câu tục ngữ "mẹ gà con vịt" vẽ ra một liên hệ rất bất bình thường nhưng không phải là không có.
Konrad Lorenz, một nhà tâm lý học loài vật đã nghiên cứu rất nhiều hiện tượng này nơi loài ngỗng, vịt và thiên nga và thấy là những loài chim này, ngay sau khi đục được cái vỏ trứng để ra ngoài, thì bất cứ một sinh vật nào chúng thấy ở cạnh chúng, chúng đều coi là mẹ ngay. Konrad Lorenz là người đầu tiên đặt cho hiện tượng này cái tên imprinting, và những khám phá của ông về imprinting đã được khoa học nhìn nhận. Hình ảnh ông đi trước, một bầy vịt, ngỗng đi sau đã được tạp chí LIFE dùng để thâu tóm công trình nghiên cứu của ông khi ông qua đời năm 1989.
Những con vịt, ngỗng này coi Konrad Lorenz là mẹ của chúng. Chúng đi theo ông mỗi sáng để được cho ăn, được dẫn ra hồ bơi lội.
Mới đây, ở North Carolina người ta thấy một liên hệ khá kỳ lạ của một con thiên nga không giống như những trường hợp mà Konrad Lorenz đã nghiên cứu. Liên hệ đó không phải là giữa mẹ và con như những trường hợp imprinting thường thấy. Một con hắc thiên nga với bộ lông đen tuyền và cái mỏ mầu đỏ, giống thiên nga chỉ thấy ở Úc, bỗng nhiên xuất hiện ở thị trấn Palm City thuộc tiểu bang North Carolina.
Tại sao nó tới đó, nó đi những đâu mà lại lạc tới Bắc Mỹ, cách xa nơi nó ra đời cả trên mười ngàn dặm? Nhưng dù có được những câu trả lời cho những câu hỏi đó thì người ta vẫn còn một thắc mắc khác về nó. Đó là liên hệ của nó và cái máy hors-bord gắn trên một chiếc thuyền nhỏ.
Con hắc thiên nga này quấn quít bên cạnh cái máy hors-bord ở một bến tầu tại Palm City suốt mấy tuần lễ từ khi nó lạc tới North Carolina. Nhưng liên hệ đó không phải là một liên hệ mẹ con.
Con hắc thiên nga ra đời cũng phải vài năm ở Úc trước khi nó giang hồ đến Mỹ. Vì thế cái máy tầu không thể là mẹ nó như trong hiện tượng imprinting. Cái máy hors-bord không ở cạnh khi nó nở từ trong trứng ra. Cái máy tầu cũng không dẫn nó đi ăn hay ra hồ tập bơi, tập bay như những con thiên nga mẹ, hay như nhà khoa học Konrad Lorenz. Và nhất là nó không hành động giống như một con thiên nga với mẹ. Nó rượt đuổi người chủ chiếc thuyền máy mỗi lần ông ra bến, đưa thuyền xuống nước. Hành động của nó có tất cả những nét của một người phụ nữ ghen.
Người ta tin chắc rằng con hắc thiên nga này đang yêu chiếc máy hors-bord. Chiếc máy tầu là tình nhân của nó. Ai đụng đến cái máy tầu là nó đuổi đánh.
Loài thiên nga trắng cũng như đen nổi tiếng là chung tình. Trống và mái ở với nhau suốt đời. Khi một con chết, con còn lại buồn đau trong một thời gian rất lâu. Robert Kincaid trong The Bridges of Madison County của Robert James Waller cũng nhắc tới chi tiết thủy chung này của một con thiên nga trong bức thư gửi Francesca Johnson.
Loài thiên nga Úc ưa sống hợp quần thành bầy hai, ba trăm con. Con hắc thiên nga ở Palm City xa nhà, xa bầy, tìm được đối tượng để yêu thì đối tượng chỉ cứ lù lù một cục thép cù lần, khét lẹt mùi xăng. Câu chuyện tình của nó được viết thành tin đăng trên báo địa phương, và làm cảm động Stan và Faith Chiras. Hai người xin phép đưa nó về trang trại với cái hồ nước khá rộng của họ để cho nó có bạn với bốn con hắc thiên nga khác và khoảng mười con ngỗng trời mà hai người đã nuôi từ lâu để con thiên nga lãng mạn này có bạn, đỡ đơn lẻ, phải tìm tình yêu nơi cái hors-bord.
Nó có hạnh phúc không, nó có tìm được tình yêu ở cái hồ nước trong trại của vợ chồng Stan và Faith Chiras không, những chi tiết đó không được báo chí cho biết. Nhưng chắc nó phải nhớ cái máy hors-bord lắm, nếu tính thủy chung có thật nơi loài thiên nga.
Nó sẽ nhớ cái máy tầu lúc nào cũng dịu dàng, không bao giờ to tiếng với nó, không bao giờ mè nheo, đay nghiến, nói dai, nói giang ca, nói chàm ràm, nói bậy, nói bạ, nói dấm, nói dẳn, nói ngoa, nói ngoắt, nói 629 kiểu mà nhà làm tự điển Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ đã ghi từ trang 973 đến 985 của cuốn Việt Nam Tự Điển hai ông hợp soạn.
Cái máy hors-bord mà tiếng Pháp, theo cuốn Petit Larousse tôi có, nơi trang 519 của ấn bản 1962, được xếp vào loại danh từ giống đực (nom masculin invariable).
Nên chắc gì đưa con hắc thiên nga tới trại của Stan và Faith Chiras lại là điều tốt đẹp cho nó. Biết đâu nó chỉ yêu cái máy hors-bord hiền lành và ít gây phiền nhiễu cho nó như ở bến tầu Palm City?
Ngày 9 tháng 4 năm 2012
Bạn ta,
Henry Kissinger, theo Seymour M. Hersh trong cuốn The Price of Power: Kissinger in the Nixon White House (New York: Summit Books, 1983), mỗi lần chán đời, ưu sầu, là chàng ăn. Và khi chàng ăn, thì chàng mập và xấu trai kinh khủng.
Khi chàng thèm ăn, thì chàng có thể làm bất cứ gì để có ăn. Vận mạng của Đài Loan được định đoạt trong bản thông cáo chung Thượng Hải, mà để có văn kiện này, thì hình như nhà cầm quyền Hoa lục chỉ mất có một con vịt quay Bắc Kinh. Điều này, chính Henry Kissinger nói ra. Chàng nói rằng với một con vịt quay Bắc Kinh ngon, muốn gì chàng cũng ký.
Hồi ấy chắc chưa có thuốc Prozac nên lịch sử và chính trị Ðông Á mới có chủ trương "lưỡng quốc nhất chế" lôi thôi cho đến bây giờ, để Hoa lục dựa vào đó làm vất vả Đài Loan từ đó đến nay.
Kissinger khi trong óc thiếu seratonin thì buồn bã, ưu sầu, ăn uống bậy bạ, gây tai hại cho tình hình thế giới như thế. Những người không phải là ngoại trưởng Mỹ thì phản ứng khác hẳn.
Chúng tôi đi shop. Chúng tôi shop cho đến khi chúng tôi té gục -- shop till you drop-- như nhiều người ở Mỹ đã cho thấy.
Đây là một thứ bệnh, danh từ y khoa gọi là oniomania, do một nhà tâm lý học người Đức nhận diện cách đây gần một thế kỷ. Ở Mỹ, theo Hội Tâm Lý Học Hoa kỳ (The American Psychological Association), có khoảng mười lăm triệu người bị hội chứng này. Những người mắc bệnh này thường tạo kẹt xe kinh khủng ở gần các khu buôn bán. Họ làm cho việc tìm được một chỗ đậu xe ở các mall là một cực hình trần ai khoai củ. Bệnh nhân ra khỏi nhà từ sáng sớm, thường là trước giờ mở cửa của các cửa tiệm. Cửa mở, họ xông vào, credit card trong tay, đúng lời căn dặn trong những quảng cáo của American Express là không bao giờ ra khỏi nhà mà không mang theo – don’t leave home without it. Họ khuân một đống đồ ra quầy trả tiền, rồi quăng cái thẻ mua chịu ra, cà cho nát, cho mỏng teng, cho rách...
Ở mười lăm triệu người, thì bệnh đã phát. Trong khi đó, khoảng bốn chục triệu người Mỹ thì còn đang trên đường phát bệnh. Trong những con số này, khoảng 90% là phụ nữ. Đặc biệt là theo tài liệu của Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ, rất ít đàn ông mắc thứ bệnh quái ác này.
Trong ngôn ngữ hàng ngày, họ là những người mắc chứng mua sắm không thể kiểm soát được, compulsive shoppers. Mua sắm trở thành việc làm họ không còn làm chủ được nữa. Mua sắm quay trở lại kiểm soát mọi suy nghĩ của họ.
Những cái tủ áo đầy nghẹt trong nhà, vài trăm đôi giầy trong garage (nếu ở dinh Malacanang thì con số có thể lên đến 6 ngàn đôi), bàn phấn khoảng gần một trăm đôi bông tai để phục vụ hai cái tai, ví tay vài chục cái, thắt lưng mấy chục cái, găng tay ba chục đôi... Rất nhiều thứ chưa được giải phóng ra khỏi những gói giấy ở tiệm mang về.
Vậy nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục đi shop tiếp. Phải quay trở lại mall, quơ thêm vài ba đống nữa thì chúng tôi mới thấy nhẹ người đi chút ít.
Nhưng tiền đồ của thế giới sắp khá. Bệnh mua sắm có thể chữa được bằng thuốc. Đại học Stanford ở California đang thí nghiệm một loại thuốc có thể giúp bệnh nhân sau khi uống thuốc, và thuốc ngấm, thì cho dù là đã ra đến cửa với một kế hoạch mua sắm chi tiết, qui mô, cũng sẽ quay vòng trở lại, thay quần áo, ở nhà làm một người Mỹ bình thường và khỏe mạnh. Thuốc giúp gia tăng seratonin trong óc, và khi lượng seratonin tăng lên tới mức bình thường, thì chúng tôi bình thường trở lại. Không đi mua sắm bậy bạ nữa, ăn nói hợp lý hơn, không lô gích một chiều nữa, không gây sự không lý do nữa, không nạt nộ người chung quanh nữa, không đòi về nhà má nữa vân vân.
Thí nghiệm của trường Stanford không biết đến bao giờ mới có kết quả, nhưng giới doanh thương Mỹ đang tìm cách chặn không để cho loại thuốc này được bầy bán trước Thanksgiving và Giáng Sinh, thời gian mua sắm kinh hoàng nhất ở Hoa kỳ. Các bệnh nhân khỏi bệnh thì làm sao kinh tế Hoa kỳ khá đây?
Nhưng biết đâu, chuyện chữa bệnh mua sắm chỉ là mục tiêu phụ, còn mục tiêu chính là chữa bệnh ăn nói chàm ràm thì sao? Mà như thế thì trước hay sau Thanksgiving và Giáng Sinh có gì quan trọng lắm đâu?
Hay là cứ vào bếp lục cơm nguội ăn như Kissinger cũng đã chết ai chưa.
Ngày 10 tháng 4 năm 2012
Bạn ta,
Khi dọn đến địa chỉ hiện nay, tôi tìm được ở ngăn tủ trong phòng ngủ bức tượng nhỏ tạc hình một người ngồi sau chiếc bàn làm việc bừa bộn giấy tờ, sách vở chất đống nghều nghễu cao hơn đầu người, và ở chân bàn, là hàng chữ neatness is the sure sign of a sick mind.
Tôi thích nó ngay, vì cái bàn của ông ta không khác gì bàn làm việc của tôi.
Ngay từ trước khi có bức tượng --mà tôi không cách gì trả lại chủ nhân nó-- tôi vẫn thấy chuyện gọn gàng, thứ tự, ngăn nắp có điều gì không... ổn. Nghĩa là cái bàn làm việc không bao giờ nên gọn gàng, ngăn nắp. Nó phải bừa bộn như của tôi thì trông nó mới có đời sống, có bàn tay người. Một cái bàn ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng thì nó như cái bàn của một nhà hành chánh, một ông đốc phủ sứ, mỗi ngày có nhân viên vào thu dọn, phủi bụi. Cái bàn sạch sẽ nhưng chủ nó chỉ là một... đốc phủ sứ.
Hàng chữ ở chân bàn -- neatness is the sure sign of a sick mind -- nói đúng được điều tôi vẫn mơ hồ nghĩ trong đầu từ lâu mà không xếp lại thành một câu: sự gọn gàng, thứ tự, sạch sẽ, ngăn nắp là dấu hiệu rõ ràng của một đầu óc bệnh hoạn.
Nhờ nó, tôi có được cách giải thích rất thuyết phục cho tình trạng bừa bộn nơi cái bàn làm việc của tôi. Sạch sẽ, gọn gàng là bệnh hoạn. Bừa bộn, không thứ tự, không ngăn nắp là một đầu óc bình thường và khỏe mạnh.
Tại sao phải ngăn nắp và thứ tự trong khi bừa bộn và mất trật tự vẫn làm được việc? Và cái bàn làm việc của tôi trong phòng ngủ tiếp tục bừa bộn, không thứ tự, không gọn gàng gì hết. Mẹ tôi sang thăm, nói là trông ngứa mắt quá, tôi đề nghị vài giọt thuốc nhỏ mắt cho đỡ ngứa, nhưng xin tha cho cái bàn của tôi.
Hôm nay, đọc được một khám phá của Home & Garden Television, tôi lại càng thấy không nên gọn gàng, ngăn nắp và thứ tự chút nào.
Một cuộc thăm dò do Home & Garden Television thực hiện cho thấy là có một số người tìm thấy được sự thỏa mãn qua việc giữ gìn nhà cửa cho ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng, thứ tự, nhiều hơn là làm tình (... get more satisfaction from keeping their homes neat and attractive than they do from sex.)
Biết được chi tiết này, tôi lại thắc mắc không biết người ở căn nhà này trước khi tôi dọn vào là người như thế nào, có giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng không, hay cũng bừa bộn như tôi để phải khuân bức tượng nhỏ với câu nhận định tương quan giữa sự ngăn nắp, gọn gàng và sức khỏe tâm lý về nhà bầy chơi?
Tôi biết người ở căn nhà này trước tôi là một phụ nữ nhờ cái tên trên phong bì những bức thư tiếp tục tới nằm trong hộp thư của tôi sau khi tôi dọn đến cả mấy tháng trời.
Nàng có nhiều phần không phải là người gọn gàng ngăn nắp nên mới có bức tượng nhỏ đó. Nàng không thích thu dọn nhà cửa sạch sẽ, như vậy nàng tìm thấy sự thỏa mãn ở đâu?
Nàng có giống như người đàn ông Á châu cao niên sống bừa bãi thiếu ngăn nắp tìm thấy sự thỏa mãn trong sự biếng lười như Bạch Ngọc Thiềm trong cái thư trai ông gọi là Dong Am, cái am biếng nhác, hay nàng thấy được thỏa mãn nơi cái thú... khác?
Bức biếm họa trong tờ báo đi kèm bài viết vẽ một người đàn bà quần áo trên người rất ít trong khi người đàn ông, tay cầm thùng nước, tay kia vác cái chổi, mặt mũi tươi vui đi... dọn nhà, quét tước, lau chùi phòng ốc. Người đàn ông có vẻ như không nhìn thấy người phụ nữ rất sexy đứng bên cạnh vì chàng đã tìm thấy lạc thú trong việc giữ cho nhà cửa sạch sẽ gọn gàng như kết quả cuộc thăm dò của Home & Garden Television chăng?
Đúng hay không đúng thì khó biết được, vì sự bừa bộn của tôi chỉ là dấu hiệu của một đầu óc không... bệnh hoạn.
Nhưng có thể vì kết quả cuộc thăm dò này, nhiều người đàn ông sẽ không bị bắt dọn dẹp nhà cửa nữa không chừng!
Ngày 11 tháng 4 năm 2012
Bạn ta,
Abby, như chúng ta đã đồng ý nhiều lần, nên về hưu, gác bút, log off cái computer của nàng, cất nó xuống basement, và nghỉ viết mục trả lời các thắc mắc của độc giả mà nàng đã phụ trách quá lâu trên các báo Mỹ.
Nhưng nàng vẫn cứ tiếp tục viết, và càng tiếp tục viết, nàng càng cho thấy là nên qui ẩn cho rồi. Nên, từ rất lâu mới đúng.
Mới đây, Abby góp ý với một độc giả muốn có câu trả lời cho những gợi ý, những thúc giục, những lời khuyên là nên đẻ thêm một hai đứa con nữa trong khi chiếc đồng hồ nội bộ (?) của người độc giả này đang hối hả chạy những vòng cuối trước khi sợi dây thiều lăn đùng ra khiến cái đồng hồ chết ngắc.
Cái internal clock -- đồng hồ nội bộ-- ở cái tuổi của chúng ta, hoặc đã ngưng chạy, hay vẫn còn đang chạy, nhưng bằng những nhịp cực kỳ rối loạn, làm những đêm mùa đông bỗng như hừng hực lửa của nắng hè, những đổi thay của tâm tính, những cáu bẳn vô lý hơn mọi vô lý thường ngày, mức estrogene càng ngày càng xuống thấp... mà lại còn bị nhắc thêm vài câu hối thúc như vậy thì người nghe khó chịu là phải.
Chẳng lẽ lại hét lên câu hăm dọa mà tôi mới đọc được trên cản sau chiếc xe đậu gần sở: My estrogene is low and I have a gun -- này, estrogene của tôi đang xuống thấp và tôi có súng trong tay đấy nhé.
Với những đề nghị như thế, không thể chỉ nói không phải việc của ông / bà. Câu này thường quá, những góp ý sẽ còn trở lại nữa. Câu trả lời như thế nghe như những che dấu không cần thiết. Người nghe nhất định sẽ nghĩ ra trong đầu những lý do khác ghê rợn hơn nhiều.
Cũng không thể hăm dọa, răn đe mà không kèm theo những hành động đi kèm, thí dụ nói rằng nếu muốn, tôi có thể đẻ thêm một chục đứa nữa (bằng cách sinh mười chẳng hạn, cho kịp vòng quay cuối của chiếc kim đồng hồ nội bộ) trong khi không cách nào làm được nữa.
Lại cũng không nên nói rằng mấy quả grade A còn lại trong hộp... trứng đã thối hết như một phụ nữ tôi quen vẫn nói. Không được. Ai lại vạch... trứng cho người xem như thế.
Abby trả lời người độc giả nọ rằng cứ nói là xưởng của chúng tôi đóng cửa thế là xong. Our factory is closed. Xưởng đóng cửa, tiệm đóng cửa, phẹc mê bu tích, không sản xuất nữa. Chấm dứt.
Abby tưởng trả lời như vậy là xong. Như trường hợp xưởng đóng cửa trong lúc khó khăn kinh tế, sản xuất đình lại tại các xí nghiệp quốc doanh không lời lãi cuối cùng phải dẹp như ở các nước Cộng sản cũ để cắt bỏ những gánh nặng đè lên các quốc gia này. Trong những trường hợp đó, đóng cửa là chấm dứt, là không còn một hoạt động nào khác nữa. Là công nhân thất nghiệp dài cổ, là chủ nghĩa Cộng sản với hệ thống kinh tế do trung ương thiết kế phá sản thê thảm là đúng.
Nhưng thực ra, không phải xường máy nào, sau khi đóng cửa cũng buồn bã, chán nản như thế. Một số nhà máy, khi đóng cửa, phải bồi thường cho nhân viên bị cho nghỉ việc. Nhiều khi công nhân được những món tiền đáng kể. Do đó, cửa nhà máy có thể đóng, nhưng đó không phải là chấm dứt mọi chuyện. Người công nhân có tiền, có thể vui chơi tiếp (?) hay đi kiếm một xưởng máy mới (?) còn tiếp tục thu dụng họ. Nên trả lời như Abby có thể là không đúng.
Tôi đọc câu trả lời của nàng xong, thì ấm ức ghê lắm. Trả lời thiếu sót như vậy mà cũng đòi trả lời, giải đáp thắc mắc, gỡ rối tơ lòng cho người khác. Nhưng tôi cũng không biết phải thêm vào câu trả lời của nàng những gì để cho hợp lý hơn.
Thì sáng hôm qua, một độc giả ở Lansing, Michigan viết cho Abby với một đề nghị nhỏ để thêm vào câu trả lời của Abby. Người độc giả này, mà tôi tin chắc là một phụ nữ, đề nghị Abby thêm vào câu này: But the playground is still open.
Xưởng máy tuy đóng cửa vì thiếu nguyên liệu, vì không thể sản xuất được nữa, vì không có nhu cầu sản xuất nữa, vì khó khăn kinh tế hay vì những nguyên do khác, nhưng sân chơi, sân giải trí của xưởng máy thì vẫn tiếp tục mở cửa cho các công nhân của xưởng máy bị đóng cửa vào chơi như thường.
À, như thế mới được. Xưởng máy đóng cửa, nhưng tại sao phải đóng cửa một tiện nghi (?) mà các công nhân trước kia vẫn được phép sử dụng?
Phải mở cửa chứ. Xưởng máy của Abby có thể đã đóng cửa, và sân chơi của cái xưởng đó có thể cũng đã dẹp luôn, những cái cầu tuột (?) những cái đu, những bồn cát để xúc cát (?) chơi có thể đã đóng như trường hợp xưởng của Abby, nhưng những sân chơi ở các xưởng máy khác vẫn tiếp tục mở thì sao?
Ồ, trả lời như Abby là sai sót thấy rõ. Khi không cho đóng cửa sân chơi luôn mà cũng gỡ rối tơ lòng độc giả thì sao được!
Ngày 12 tháng 4 năm 2012
Bạn ta,
Benjamin Franklin, một trong những cha đẻ của nước Mỹ, trong những lúc không giúp soạn bản Tuyên Ngôn Độc Lập và Hiến Pháp Hoa kỳ, thì hình như ông chỉ có một trò chơi ưa thích, đó là thả diều trong những khi trời nổi dông bão để đến nỗi suýt bị sét đánh, và thì giờ còn lại, có vẻ như ông chỉ dùng để nghĩ ra những câu nói làm khổ đời không biết bao nhiêu đứa bé trong những năm thơ ấu ngắn ngủi của chúng.
Thí dụ những câu như đi ngủ sớm, dậy sớm sẽ làm cho người ta vừa giầu có vừa khôn ngoan (Early to bed and early to rise makes a man rich and wise), hay việc hôm nay đừng để đến ngày mai (Never put off until tomorrow what you can do today)... Ông không bao giờ đồng ý với những chuyện vô cùng thích thú đó của bọn trẻ con. Ông toàn nói những điều ngược lại với những chuyện đem lại quá nhiều niềm vui của chúng.
Ông cụ tôi là người thuộc rất nhiều câu dậy đời quái ác đó của ông, và thường xuyên đem ra cho chúng tôi nghe. Tôi ghét cay ghét đắng ông già Franklin là vậy. Ông già này suýt bị sét đánh chết trong một buổi chơi diều và nhờ đó, chế ra cái thu lôi tiên để lại cho đời, không hề biết rằng thói quen để việc hôm nay đến ngày hôm sau, cái tính hay diên kỳ, trì hoãn, lần lữa, triển hoãn, để lại đến ngày khác mà ông khuyên nên bỏ, cũng có cái khía cạnh tốt đẹp của nó, đó là chúng ta luôn luôn có vài ba việc để làm trong ngày mai. Không bao giờ có chuyện ngày mai không biết phải làm gì.
Nên con số những người hay để việc hôm nay đến ngày mai có vẻ khá đông.
Khi còn sống, một lần sang thăm tôi, mẹ tôi để quên trong tủ áo phòng tôi chiếc khăn quàng lụa, không biết quà của ai trong mấy chị em chúng tôi biếu cụ. Tôi định gửi lại cho cụ, nhưng rồi cái tính mà Benjamin Franklin ghét lại nổi lên đùng đùng trong người, và chiếc khăn treo trong tủ áo vẫn tiếp tục được treo ở chỗ cũ đó.
Ít lâu sau, thì tôi quên luôn là trong tủ áo còn có cái khăn quàng của mẹ tôi. Khi dọn nhà, xếp quần áo vào thùng, tôi thấy nó, định gửi đi, nhưng những việc lặt vặt khác lại thình lình hiện ra sau chuyến dọn nhà, đẩy chuyện gửi cái khăn quàng sang Gia Nã Đại xuống một ưu tiên dưới, vả lại, mẹ tôi nhất định còn có vài chiếc khăn khác.
Rồi một buổi sáng đi làm, tôi cần chiếc áo lạnh. Mở tủ áo, thì tôi thấy từ chiếc mắc áo treo chiếc áo lạnh, rơi ra chiếc khăn quàng mầu nâu có in những chiếc lá vàng, chiếc khăn quàng mẹ tôi để quên ở nhà tôi.
Hơn một năm, mà mùi nước hoa mẹ tôi dùng vẫn còn mơ hồ thoang thoảng trong những thớ lụa. Cái mùi mẹ tôi dùng đã bao nhiêu lâu nay, mùi Coco Chanel, vẫn còn nguyên một cách kỳ lạ. Chiếc khăn lúc vắt trên vai, lúc trùm mái tóc, mùi mẹ tôi, mùi tay, mùi tóc... tìm kỹ chắc cũng còn nguyên trong đó.
Tôi nghĩ những cái mùi mà mấy chị em chúng tôi đã biết, đã quen từ mấy chục năm nay vẫn còn trong những sợi tơ dệt chiếc khăn quàng lụa đó.
Mới vừa hôm nào...
Bây giờ thì tôi không cần phải gửi cái khăn ấy đi đâu nữa. Và lương tâm cũng không còn cắn về cái tội trì hoãn, không gửi lại cho mẹ tôi cái khăn quàng ngay nữa.
Trái lại, chuyện trì hoãn, lần lữa khiến tôi không gửi ngay chiếc khăn cho mẹ tôi lại hóa ra hay, một việc rất đáng làm, hay nói đúng ra, là rất đáng trì hoãn, rất đáng để không làm.
Chứ mau mắn, không để việc hôm nay đến ngày mai mà làm ngay, gửi lại cho cụ chiếc khăn thì làm sao bây giờ tôi có một kỷ niệm rất đẹp của mẹ tôi ở với tôi. Gửi rồi phải... tranh giành với mấy chị em tôi sau khi mẹ tôi mất hồi ấy hay sao?
Ông già Benjamin Franklin lần nữa, lại sai lầm nặng.
ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
(Bài số 138)
NEGATIVE QUESTIONS
Bản ghi chép lại do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 138 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 6 năm 2012.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
BBT
Ngay từ những bài học đầu tiên, tất cả nhưÕng ai học Anh ngữ cũng đều đã được dậy về thể nghi vấn, tức là INTERROGATIVE MOOD, hay QUESTION FORM, và tôi tin là hai cô đều đã biết cách đặt câu hỏi trong tiếng Anh. Với các động từ TO BE, SHALL, WILL, CAN, MUST, COULD, WOULD, SHOULD, MAY vân vân thì cách dùng chúng để đặt câu hỏi rất dễ. Trúc Giang còn nhớ không?
TRÚC GIANG
Cháu nhớ là chúng ta đưa các động từ này lên đầu, cho đứng trước chủ từ, theo sau là động từ chính thì thành câu hỏi ngay phải không thưa chú?
BBT
Thì Trúc Giang đặt thử ngay vài câu hỏi coi.
TRÚC GIANG
ARE YOU GOING TO EUROPE THIS YEAR?
CAN WE STOP AT THE NEXT GAS STATION?
WILL THEY COME TO THE MEETING?
BBT
Còn QA?
QA
SHOULD HE HELP THEM?
MAY WE JOIN YOU FOR DINNER?
MUST I RETURN THE BOOK TODAY?
BBT
Đúng rồi. Bây giờ qua những động từ khác. Chúng ta biến những câu xác định thành câu hỏi như thế nào đây QA?
QA
Chúng ta dùng động từ TO DO ở PAST, hay PRESENT TENSE thưa anh. Thí dụ HE LIVES IN TEXAS đổi sang thể hỏi sẽ thành DOES HE LIVE IN TEXAS? THEY WENT TO MEXICO FOR VACATION thành DID THEY GO TO MEXICO FOR VACATION?
BBT
Đó là thể hỏi, là những câu hỏi mà thường thì chúng ta có thể không biết câu trả lời sẽ như thế nào. Thí dụ câu trả lời cho câu hỏi DOES HE SPEAK SPANISH? có thể là CÓ, ông ta biết nói tiếng Tây Ban Nha và cũng có thể là KHÔNG, ông ấy không biết nói tiếng Tây Ban Nha.
Nhưng cũng có những câu hỏi mà chúng ta đã lại biết phần nào câu trả lời, và câu trả lời RẤT CÓ THỂ là KHÔNG. Trong trường hợp đó, thì chúng ta dùng những câu hỏi ở một dạng khác, ở dạng phủ định: NEGATIVE QUESTIONS, tức là câu hỏi phủ định.
Trong tiếng Việt cũng có cách hỏi như thế, sử dụng câu hỏi phủ định. Khi chúng ta hỏi ÔNG ẤY CÓ LÁI XE KHÔNG? thì câu trả lời có thể là CÓ và cũng có thể là KHÔNG. Nhưng khi hỏi bằng câu hỏi phủ định, NEGATIVE QUESTION như ÔNG ẤY KHÔNG LÁI XE HAY SAO? thì trong đầu người hỏi có thể đã có sẵn câu trả lời rồi, và câu trả lời có nhiều phần là KHÔNG.
Trúc Giang biết cách đặt câu hỏi phủ định, NEGATIVE QUESTIONS không? Nếu biết thì đổi câu hỏi DOES HE DRIVE? thành câu hỏi NEGATIVE coi.
TRÚC GIANG
Để đổi một câu hỏi thường thành câu hỏi phủ định NEGATIVE, cháu chỉ cần thêm NOT vào câu hỏi thường để thành DOES HE NOT DRIVE? phải không thưa chú?
BBT
Đúng lắm. Nhưng nghe câu hỏi vừa rồi, người ta có cảm tưởng như Trúc Giang đang nói chuyện với nữ hoàng Anh trong điện Buckingham hơn là nghe Trúc Giang nói chuyện ở Little Saigon với bạn bè. Lý do là vì câu hỏi DOES HE NOT DRIVE? nghe kiểu cách quá, hình thức quá, nghi thức quá, nghe không có nét tự nhiên như trong những đối thoại hàng ngày. Nghĩa là một đằng FORMAL, một đằng INFORMAL. Bạn bè với nhau thì INFORMAL. Trái với INFORMAL là FORMAL, như khi nói chuyện với … nữ hoàng Anh chẳng hạn.
QA
Vậy thì thưa anh, làm sao để hỏi một cách INFORMAL?
BBT
Trong INFORMAL SPEECH, tức là trong cách nói thông thường hàng ngày, không kiểu cách, không điệu bộ thì chúng ta nói tắt lại. Thay vì DOES HE NOT DRIVE? thì chúng ta nói tắt DOES NOT lại để thành gì nào QA?
QA
DOES NOT khi nói tắt sẽ thành DOESN’T. Như vậy, phải nói là DOESN’T HE DRIVE phải không thưa thầy?
BBT
Đúng thế. Cũng vậy, DO NOT thành DON’T; CANNOT thành CAN’T; WILL NOT thành WON’T; SHALL NOT thành SHAN’T; MUST NOT thành MUSTN’T vân vân. Trúc Giang cho nghe mấy thí dụ với SHOULD, DID và HAVE trong NEGATIVE QUESTIONS coi.
TRÚC GIANG
SHOULD HE NOT BUY THAT HOUSE IN SAN DIEGO? SHOULDN’T HE BUY THAT HOUSE IN SAN DIEGO?
DID SHE NOT ANSWER THE PHONE? DIDN’T SHE ANSWER THE PHONE?
HAVE THEY NOT HAD THEIR DINNER? HAVEN’T THEY HAD THEIR DINNER?
BBT
QA cho nghe thí dụ về NEGATIVE QUESTIONS của cô với WILL NOT, SHALL NOT, MUST NOT coi.
QA
WILL HE NOT BE IN LONDON FOR THE OLYMPICS? WON’T HE BE IN LONDON FOR THE OLYMPICS?
SHALL WE NOT TALK TO HIM AGAIN? SHAN’T WE TALK TO HIM AGAIN?
MUST I NOT INVITE HIM TO THE PARTY? MUSTN’T I INVITE HIM TO THE PARTY?
BBT
Nhưng những câu hỏi NEGATIVE cũng còn được dùng trong một số những trường hợp khác nữa. Thí dụ chúng ta có thể dùng câu hỏi phủ định vì muốn được phía bên kia xác định lại một chuyện mà chúng ta đã biết, đã tin là như vậy rồi. Thí dụ khi hỏi DIDN’T I MEET YOU BEFORE IN SAIGON? thì tôi đã nghi là có gặp anh đâu đó ở Sài Gòn trước năm 1975 rồi.
TRÚC GIANG cho nghe thí dụ của cô, khi hỏi mà trong đầu cô đã tin là chuyện đó đã xẩy ra rồi coi.
TRÚC GIANG
DIDN’T WE TALK ABOUT IT LAST NIGHT AT DINNER? nghĩa là cháu tin là đã nói về vụ đó lúc ăn tối hôm qua rồi mà nay người kia lại đem ra nói trở lại.
QA
DIDN’T HE PAY FOR THE TICKET LAST MONTH? là bộ nó không trả cái giấy phạt hồi tháng trước rồi hay sao?
BBT
Chúng ta cũng dùng NEGATIVE QUESTION khi muốn nói ra ý kiến của mình một cách lịch sự, nhẹ nhàng hơn một chút, thí dụ WOULDN’T IT BE NICE TO INVITE HIM TO DINNER TONIGHT? Nói như vậy, đề nghị của chúng ta dễ nghe hơn, nó chỉ là một gợi ý, không hề là một mệnh lệnh hay đề nghị có chút áp lực ở trong. Trúc Giang và QA mỗi cô cho nghe một thí dụ tương tự coi.
TRÚC GIANG
COULDN’T WE GO TO THE MOVIE THEN TO THE RESTAURANT?
QA
SHAN’T WE RENT A MOVIE AND STAY HOME TO WATCH IT?
BBT
Cũng lại có khi chúng ta dùng những câu NEGATIVE QUESTIONS để bầy tỏ một sự ngạc nhiên về một chuyện chưa xẩy ra như chúng ta chờ đợi thí dụ HASN’T HE RETIRED FROM THE TEACHING JOB? là bộ ông ấy chưa về hưu hay sao?
Trúc Giang thì có gì làm cho cô ngạc nhiên vì chưa xẩy ra, kể cho nghe coi.
TRÚC GIANG
HAVEN’T THEY HAD ANY CHILDREN?
QA
HASN’T HE GONE BACK TO VIETNAM TO LIVE?
BBT
NEGATIVE QUESTIONS còn được dùng để đưa ra những lời yêu cầu, những đề nghị, và luôn cả nhưÕng lời phàn nàn bằng cách mở đầu những câu hỏi phủ định với WON’T YOU…? WOULDN’T YOU…? hay WHY DON’T YOU …? Trúc Giang và QA cho nghe thí dụ của hai cô coi.
TRÚC GIANG
WON’T YOU KEEP YOUR VOICE DOWN A LITTLE BIT?
QA
WOULDN’T YOU TURN OFF YOUR CELL PHONE NOW?
BBT
Tôi luôn luôn có những đề nghị này mà chưa bao giờ nói ra được…WHY DON’T YOU GO AND FLY A KITE? Hay WHY DON’T YOU GO AND JUMP INTO THE RIVER? Hay WHY DON’T YOU JUST GET LOST?
TRÚC GIANG
Thưa chú, ở đoạn trên, có một thí dụ dùng ARE YOU NOT GOING, chúng ta nói tắt lại thành AREN’T YOU GOING … Viết tắt và nói tắt IS NOT thành ISN’T và ARE NOT thành AREN’T thì cháu biết rồi. Nhưng khi TO BE ở ngôi thứ nhất thí dụ AM I NOT thì viết tắt và nói tắt như thế nào?
BBT
Cám ơn Trúc Giang hỏi câu này. Thí dụ AM I NOT HERE TODAY, khi nói tắt hay viết tắt sẽ là AIN’T I…
QA
Nhưng thưa anh, QA nhớ có lần anh nói rằng AIN’T không phải là chữ nên dùng vì nó không được chấp nhận là thứ tiếng Anh tử tế, có học và đúng văn phạm. Anh còn nói rằng nó thường được dùng bởi các thành phần ít học, thất học. Vậy tại sao hôm nay anh lại dậy khác với điều anh vẫn nói trước đây?
BBT
Cô nói đúng. AIN’T vẫn bị coi là không chỉnh, không đúng về mặt văn phạm, là thứ ngôn ngữ đầu đường xó chợ, thường chỉ được nghe thấy trong thứ tiếng Anh thất học, hay BLACK ENGLISH. Các nhà văn phạm thường tránh dùng AIN’T, nhưng gần đây, đã có khuynh hướng chấp nhận nó trong ngôn ngữ thường đàm (COLLOQUIAL ENGLISH) cùng với AREN’T dùng cho tất cả các ngôi thứ nhất, thứ hai và thứ ba.
Trong khi đó, chính thức, viết tắt của AM NOT là AMN’T. Chữ này hơi khó đọc và cũng ít khi được dùng. Phiên âm quốc tế của nó là aement. Thế nên chúng ta cứ dùng AIN’T I thay vì AM I NOT hay ARE’NT I nghe … khó chịu quá.
Sau đây là một câu mà chúng ta rất thường nghe trong khi nói chuyện với người Anh và người Mỹ chắc các cô cũng đã có lần gặp: IF IT AIN’T BROKE, DON’T FIX IT nghĩa là đừng có lợn lành chữa thành lợn què.
Hay câu này nữa: YOU AIN’T HEARD NOTHING YET nghĩa là còn nữa, chưa hết đâu.
QUỲNH ANH
Vâng, thưa quí vị, những câu chuyện liên quan đến tiếng Anh của chương trình vẫn còn nhiều, chưa hết đâu, nhưng chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây thì xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới cùng với các chương trình khác của Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc , Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.