April 5, 2012

April 6, 2012

Ngày 2 tháng 4 năm 2012

Bạn ta,

Tuy đứng cùng một phe với Mussolini trong những năm đệ nhị thế chiến, nhưng không bao giờ Hitler dành cho Mussolini và nước Ý của ông trùm Phát Xít này một chút nể trọng nào.

Nước Ý của Mussolini, theo Hitler, có quyển sách mỏng nhất thế giới trong đó ghi tên các anh hùng, dũng tướng, trong khi quyển sách dầy nhất thế giới, lại là cuốn sách ghi những chuyện tình ái của người Ý, đàn ông cũng như đàn bà. Theo Hitler, mấy cậu người Ý chỉ giỏi chuyện trai gái, đến lúc ra trận thì dở ẹc, dở nhất thế giới.

Nhưng Hitler thực ra cũng không ngoa ngôn quá lắm khi nói như thế. Người Ý quả là có huê tình, có phong nguyệt thật. Bé nứt mắt ra mà đã giỏi thì như Romeo và Juliet. Già mà vẫn đại phong tình thì như Giovanni Giacomo Casanova De Seingalt.

Trò phong tình của người Ý còn lan sang cả những thứ trên người của họ: thời trang, quần áo, xe hơi... Tất cả những thứ cần thiết để phục vụ đời sống tình ái, người Ý đều giỏi. Các studio nổi tiếng nhất thế giới về vẽ kiểu quần áo, ca vát, đồng hồ, xe thể thao đều ở nước Ý. Các hãng Ford và Volkswagen đều đã phải nhờ studio Ghia của Ý vẽ kiểu xe Mustang và Karman chẳng hạn.

Thế thì người Ý chắc phải giỏi trò tán nhau lắm. Không thế mà bao nhiêu phụ nữ Mỹ phải lũ lượt đi sang Ý cho đàn ông Ý cấu đít ở ngoài đường, trên xe bus, xe điện... cho bõ những ngày cơ cực.

Nhưng có thể nào nước Ý ngày nay đang trên đà đi xuống sau những lúc hưng thịnh nhất về tình ái đó chăng? Có thể nào trò huê tình của người Ý cũng cùng một số phận tàn phai, sụp đổ tan tành như đế quốc La Mã sau khi đã lên đến tột đỉnh của văn minh không?

Người ta có thể nghĩ vậy khi biết là ở La Mã hiện nay, rất nhiều đàn ông đang phải ghi tên, đóng tiền đi học những lớp dậy tán tỉnh, quyến rũ, rù quyến phụ nữ. Học phí cho một khóa hai ngày là gần hai trăm đô la Mỹ và trường dậy đã có khá nhiều học viên đủ mọi loại tuổi, từ 19 đến 60 tuổi, nhưng hầu hết là hạng tuổi ba mươi, bốn mươi.

Các học viên được dậy những gì. Lớp sẽ do các giảng viên như thế nào, giờ thực tập các học viên sẽ phải làm gì, có bài tập làm ở nhà (homework) không, và bài tập đó là gì thì bản tin của Reuters không nói rõ.

Mà đó lại là những điều nhiều người muốn biết, nhưng không biết hỏi ai, chẳng lẽ ném ra hai trăm Mỹ kim để thỏa mãn tính tò mò. Nhưng bản tin có thể làm cho nhiều người cảm thấy tự tin hơn. Giỏi có tiếng như người Ý mà cũng còn phải đi học huống chi mình. Có bị ngúng nguẩy, xí, nguýt cho một cái thật dài, rồi bỏ đi thì cũng chẳng sao. Tắt đèn làm lại cho đến khi một tay túm được tóc, tay kia vác cái chầy vồ, kéo về hang đá là xong.

Seduction, là môn dậy của các lớp học này. Seduction không chỉ là tán tỉnh (court), mà còn tiến xa hơn thế nữa. Tán tỉnh là mới đứng ở bờ suối, chờ con hươu đến uống nước để bắn và trong khi chờ đợi, thì thả lời ong bướm, khen chị rằng chị có đôi chân ít lông, tóc dính mỡ lợn trông đẹp ác, cái mũi đeo cục xương xuyên giữa hai lỗ mũi trông sexy chết được. Trò này đã có từ thời đồ đá, khi tổ tiên chúng ta vừa rời những cái ổ trên cây bước xuống đồng bằng săn bắn, kéo nhau vào hang đá để ở. Mấy chục ngàn năm trước là như thế.

Bây giờ có hơi khác một chút.

Cái chầy vồ không còn lúc nào cũng vác theo nữa. Và thay vì túm tóc kéo về, thì mời leo lên cái xe. Thay vì quăng về phía góc hang đá nàng đang ngồi miếng thịt hươu còn rỏ máu vừa cắt bằng cục đá lửa có cạnh sắc, thì trước mặt là miếng filet mignon, hai ly đỏ, tiếng vĩ cầm nỉ non bài Fascination...

Chắc mấy lớp học ở La Mã dậy cũng bài bản như vậy là cùng. Carlo Della Torre, một trong những giảng viên của lớp học này nói rằng seduction dựa trên khung cảnh khoảng 60%, dựa trên đương sự làm công việc tán tỉnh quyến rũ khoảng 30% và đối tượng chỉ 10%. Như vậy, khung cảnh quan trọng nhất. Không thể giữa trưa nắng lôi nàng vào quán hủ tiếu, gọi bình trà Hai Con Cua, đánh vật với cái dầu cháo quẩy vừa dai vừa nhạt thếch rồi, cầm tay nàng mà tỏ tình được. Ít ra cũng phải cái quán ngó xuống biển đêm lấp lánh bạc, tiếng sóng vỗ trong kè đá, thoảng chút gió lùa qua những chiếc cửa kính ở bờ biển La Jolla hay gần cầu Kim Môn ở Cựu Kim Sơn...

Còn 30% kia thì phải sạch sẽ một chút, đừng có hà tiện nước hai ba tuần mới tắm một lần, tóc tai như mấy anh Cro Magnon trong hang mới bò ra.

Còn 10% kia thì cứ là Cindy Crawford, là Sharon Stone, là Củng Lợi là được.

Ôi nếu như thế thì cớ gì phải sang tận nước Ý, chi hai trăm đô la mà làm gì? Cứ làm đúng vài ba điều ở trên là đứa nào cũng chết. Hay tại đàn bà Ý hồi này quá khó chịu nên mới cần phải một khóa học như thế? Hay là những cú cấu đít của đàn ông Ý không còn ăn khách nữa?


Ngày 3 tháng 4 năm 2012

Bạn ta,

Phụ nữ Mỹ, thực ra, chưa hoàn toàn được giải phóng mặc dù trong phong trào giải phóng, phụ nữ Mỹ có đi những bước đầu thật.

Họ kéo nhau xuống đường hồi thập niên 60 ở New York, ở San Francisco tháo nịt vú chất thành núi (?) rồi nổi lửa đốt, một hành động hoàn toàn có tính cách tượng trưng, nói là để dẹp những gò bó (?) mà đàn ông bắt họ đeo. Không phụ nữ nước nào làm nổi chuyện đó.

Nhưng rồi sau đó, ở Mỹ, các hãng sản xuất quần áo lót, trong đó có cả những cái nịt vú, đã phát triển rất mạnh với những số bán hàng năm làm tủi hổ những con số trong những bản ngân sách của một số quốc gia trên thế giới. Những tờ báo như The Washington Post, New York Times, Los Angeles Times hầu như hàng ngày đều có những quảng cáo bán các thứ gò bó (?) đó. Như thế, việc tháo bỏ những gò bó (?) đó chỉ được làm để trình diễn trong khi sự thực, phụ nữ giaœi phóng vẫn lén mua những gò bó (?) đó về mặc cho bõ những ngày cơ cực.

Và vì thế, nhiều việc làm đáng lẽ phải như thế kia, thì vẫn thế... nọ.

Thí dụ việc trả tiền khi đi chơi với những người đàn ông chẳng hạn. Tưởng là huề nhau thì ai ăn nấy chi, không có trò đối xử với nhau như những ngày trước khi giải phóng, "chúng tôi" không muốn bị đối xử khác, cứ coi "chúng tôi" ngang với quí vị, không cần phải nhường chỗ cho "chúng tôi" trên xe điện, cũng không cần phải mở cửa, nép sang một bên, nhường cho "chúng tôi" đi trước. "Chúng tôi" thừa sức để làm những việc đó một mình.

Nhưng "chúng tôi", theo một cuộc thăm dò mới đây, vẫn muốn phía bên kia trả tiền khi đi chơi với "chúng tôi", và nếu phía bên kia không chịu chi thì "chúng tôi" không chơi với nữa.

Tất cả các phụ nữ trả lời cuộc thăm dò của Sara Fitzgerald thuộc sáng hội Heritage ở thủ đô đều nói rằng người đàn ông nên trả cho buổi đi chơi đầu tiên, nếu người đàn ông mời người đàn bà đi chơi.

Chỉ trong trường hợp cuộc đi chơi đó là một thảm họa, thì chi phí mới nên cưa làm hai, mỗi người một nửa.

Nhưng nếu người phụ nữ là người lên tiếng mời người đàn ông đi chơi thì sao? Chuyện này càng ngày càng thấy diễn ra thường hơn. Thay vì trâu đi tìm cọc, thì cọc vùng dậy, nhắng lên đi tìm trâu vậy. Cứ ở yên một chỗ, không chịu đi bước đầu, đưa sáng kiến, trâu bỏ đi mất, rồi ngồi đó mà tiếc hùi hụi hay sao? Nhưng rủ trâu đi chơi thì cọc trả tiền hay trâu trả tiền?

Cuộc thăm dò cho thấy là trâu vẫn nên / phải trả tiền, nếu không thì chia đôi, mỗi bên một nửa.

Như vậy, thì hà tất phải đem ra tranh luận. Cứ phía các ông làm cử chỉ đẹp, thò tay ra sau đít, lấy cái bóp ra, cà cho chết cái miếng plastic đi cho rồi.

Ngay cả trong những trường hợp hai người trở thành một cặp, nghĩa là đi chơi với nhau trong một thời gian dài, thì vẫn phụ nữ là người quyết định chàng hay nàng chi tiền. Đa số những người trả lời cuộc thăm dò nói là phụ nữ không nên đề nghị trả tiền, mà chỉ nên chấp nhận một cách nhã nhặn, từ bi, nhân từ, độ lượng, khoan dung (graciously, theo từ điển Anh Việt Nguyễn Đình Hòa trang 103) để cho người đàn ông trả tiền. Và đa số phụ nữ cũng đề nghị để trả đấy, nhưng nếu người đàn ông nhét cái bóp trở lại vào túi, chấp nhận một cách nhã nhặn, từ bi, nhân từ, độ lượng, khoan dung (graciously, theo từ điển Nguyễn Đình Hòa trang 103) để cho nàng trả, thì chuyến đi chơi đó có thể là chuyến chót của hai người, và người đàn ông có thể trở thành chủ nhân ông của hãng... kẹo dưới mắt nàng từ đó.

Còn thế nào là thảm họa trong một chuyến đi chơi để cái bill được cưa làm hai mỗi người một nửa?

Thảm họa có thể là trong khi hai người đang ngồi ăn, thì một miếng rau xanh quái ác từ đĩa salad bám vào răng cửa của nàng giữa lúc nàng đang trợn mắt, trề môi xa xả chỉ trích những người bạn gái cũ của chàng mặc dù chàng không còn bất cứ một dính líu gì tới họ nữa chẳng hạn. Bữa ăn tối bị hỏng. Chai Goldwater Estate Marlborough Roseland năm 1997 khá đắt tiền của Tân Tây Lan bỗng trở thành chua lét. Chàng bèn cứ để mặc cho miếng rau nằm nguyên ở đó, không thèm kín đáo ra hiệu cho nàng lấy nó đi nữa để cười một mình trong bụng. Đó là thảm họa.

Nhưng tại sao lại bắt nàng trả một nửa cái bill trong khi miếng rau xanh dính ở răng nàng đã đem lại cho chàng nhiều sướng khoái đến như thế? Chàng phải trả chứ. Và vì thế, trường hợp nào thì chàng cũng lãnh hết.

Vì thế mà phụ nữ ở nước Mỹ vẫn chưa được giải phóng hoàn toàn là như vậy.


Ngày 4 tháng 4 năm 2012

Bạn ta,

Trong một số Playboy, tôi đọc được một câu có thể dùng để phá tan tất cả các bức tường băng bất kể bề dầy ở mức độ nào, hữu hiệu còn hơn cả những chiến lược mà Tây phương đã dùng để kéo sập bức tường Berlin, chấm dứt giai đoạn chiến tranh lạnh.

Nhân vật chính trong truyện ngắn, tôi nhớ hình như là của John Updike, có một cách làm quen, bắt chuyện lần nào cũng thành công, mà lần nào chàng cũng chỉ dùng có câu: "You smell so good... what is it?"

Giản dị hết sức. Nửa đầu khen một cái đã. Nửa sau bắt đương sự phải trả lời, để sau đó, đẩy đưa câu chuyện. Mà thường thì đương sự trả lời ngay. Lý do là vì vừa được khen, đang còn sung sướng chết ngất, bị hỏi thêm một câu về cái nguyên do làm phát sinh ra lời khen đó thì phải trả lời chứ:" Cô/ bà thơm lắm... mùi gì vậy? "

Câu trả lời là cái tên của loại nước hoa. Aria, hay Contradiction, hay Allure... Rồi sau đó, là những chuyện khác nữa cứ từ tốn kéo ra. Lần nào nhân vật trong truyện ngắn đó của Updike cũng thành công rực rỡ. Các ông Khruschev, Brezhnev... có sống dậy cũng không thể làm hồi sinh được chiến tranh lạnh nữa.

Nhưng bây giờ, có thể lối khai mở đó sẽ không còn thành công nữa.

Khen thơm phức thì được. Nhưng hỏi mùi gì thì chưa chắc đã được trả lời. Nếu đó là thứ nước hoa không bán ở ngoài tiệm, nếu đó là thứ nước hoa được pha chế riêng cho người đang xức nó. Người bị hỏi có thể sẽ quay lại quăng ra mấy câu hỏi liên tiếp: "Tại sao muốn biết? Biết làm gì? Muốn mua hả? Mua cho ai? Không nói được."

Cuộc đối thoại chấm dứt. Nhân vật của John Updike sẽ cứng họng, chịu thua không sao cứu vãn được tình hình.

Và nếu người có mùi nước hoa kỳ lạ đó muốn chia xẻ cái mùi được đặc biệt pha chế riêng cho nàng, nàng sẽ phải viết xuống giấy, ký tên cho phép như một tác giả bảo vệ tác quyền của mình, thì người kia mới mua được. Những chi tiết quái đản này tôi vừa được biết khi đọc được trong Internet một bài viết về những loại nước hoa được pha chế riêng đang được nhiều khách hàng chiếu cố.

Xức một mùi nước hoa mà được nhận ra cũng có thể sung sướng lắm chứ. Như trong phim Scent Of A Woman, đoạn Al Pacino trong vai đại tá khiếm thị Frank Slade ngửi và nhận ra, nói đúng tên của mùi nước hoa người phụ nữ trẻ. Nhưng trong một sở làm, ba bốn chị một hôm cùng rú lên vì thấy mấy chị kia cũng dùng một thứ nước hoa mua ở Nordstrom như mình thì không có gì vui hết. Và đó là lý do phải đi kiếm một mùi đặc biệt không ai có cho khỏi tức cái...mình.

Các phụ nữ có vẻ rất đồng ý với chuyện này, và công việc làm ăn của Sarah Horowitz, pha chế những mùi nước hoa theo yêu cầu của khách hàng, có chiều hướng đi lên. Nhưng với những cái giá khá cao, khoảng gần $300 cho mỗi 1/4 ounce perfume oil, người ta chưa thấy được cái ngày ai cũng một mùi riêng như tiên đoán của Internet.

Những người đàn ông có hai ba nơi để tặng nước hoa sẽ gặp vất vả. Mỗi nơi một mùi riêng có thể gây đủ mọi thứ phiền nhiễu cho các chàng. Không thể gửi hai ba nơi đó cùng một mùi, mùi Dona Karan trong cái chai rất kiểu cọ chẳng hạn. Hai ba cái nơi ấy sẽ đòi mỗi nơi một mùi thì phiền lắm. Làm sao hết cái mùi vừa chia tay ý thức hệ ở ga xe điện ngầm trước khi đến gặp cái mùi thứ nhì? Mà phụ nữ mũi tốt hơn đàn ông rất nhiều, đã tốt lại còn được chống đỡ bằng những miếng plastic thì phân biệt mùi chắc phải giỏi hơn. Lập tức chàng sẽ bị quay như ông Clinton bị hạch về Monica. Không thể cứ vung ngón tay, chối bay chối biến như ông Clinton được.

Vậy thì phải làm gì để thoát hiểm?

Vạn ứng Nhị Thiên dầu. Chai dầu Nhị Thiên Đường chứ còn gì nữa. Vừa đánh át được cái mùi kia, vừa gây được thương cảm cho một người vừa trúng phải cơn gió độc, như bài học tôi học được của một trong những cha đẻ của nền ngoại giao Việt Nam, đại sứ P.Đ.L. lúc sinh thời mà tôi rất yêu quí.

Nhưng chai dầu này có thể sẽ bị dẹp, như Nga đang tìm cách để ngăn không cho Hoa kỳ thiết lập một hệ thống phòng thủ chống phi đạn vậy. Lúc ấy, quần áo sực nức mùi phở lại là an toàn nhất...


Ngày 5 tháng 4 năm 2012

Bạn ta,

Có một động từ trong tiếng Anh để chỉ một việc chúng ta ai cũng ít nhất một lần đã làm trong đời, nhiều thì không sao đếm cho xuể, vài trăm, vài ngàn lần... vậy mà nếu có ai nhờ chúng ta dịch sang tiếng Việt, thì chúng ta sẽ lập tức gặp khó khăn ngay.

Chúng ta có thể sẽ phải diễn ra bằng nhiều chữ, chứ không thể có ngay trong tiếng Việt một chữ ngắn gọn, tương đương cho động từ to date của tiếng Anh.

Chỉ với một chữ như thế, to date, trong tiếng Việt, chúng ta sẽ phải nói là hẹn hò đi chơi với ai, hẹn ai, hẹn gặp, hẹn đi chơi với một người, thường là khác phái... như những cuốn tự điển Anh Việt mà tôi vẫn dùng.

Đó -- to date -- là một sinh hoạt của những cuộc sống bình thường mà xã hội nào cũng có, thời nào cũng có. Kiều "date" Kim Trọng, chờ Vương ông, Vương bà đi chơi, chạy tót sang đánh đàn cho cậu nghe. Cao Bá Quát cũng có "date" vài ba cô nên mới viết:

"…giai nhân nan tái đắc,
trót yêu hoa nên dan díu với tình
..."

Có "dan díu" là có "date". Nhưng nói rằng họ Cao hẹn đi chơi với cô nào thì nghe kỳ quá. Cứ "date" là hiểu ngay.

"Date" là đi chơi, đi xi nê, đi ăn, đi nhẩy đầm, đi uống cà phê với một người với những toan tính dài lâu hay ngắn hạn, với những toan tính gian ác hay cũng có khi rất hiền lành.

Laura Zigman, một nhà văn phụ nữ ở thủ đô Mỹ vừa cho in một cuốn tiểu thuyết về những phụ nữ độc thân, trong đó, cô mô tả cái khung cảnh rất không thuận tiện và không dễ dàng cho các phụ nữ ở miền đông nước Mỹ.

Cuốn tiểu thuyết của cô có cái tựa rất lạ kỳ. Tôi chưa tìm được nó để đọc nên không biết tại sao nó mang cái tựa đề khủng khiếp như thế. Tác giả có cần phải đặt cho nó cái tựa như vậy không?

Cái tựa của nó là "Dating Big Bird."

Cả ba chữ đều dễ hiểu cả, đều trong phạm vi của những từ vựng học được ngay từ mấy bài đầu của bộ Anglais Vivant mà chúng ta vỡ lòng tiếng Anh trong năm đầu của bậc trung học.

Đọc nó lên thì chưa thấy gì. Nhưng cứ thử lẩm nhẩm dịch nó sang tiếng Việt mà coi. Kỳ cục không thể tả được. Cái tựa như thế thì làm sao mà dịch được. Mà không dùng những chữ mà chúng ta đã biết để dịch thì phải dùng chữ gì đây?

Dịch là "Hẹn Hò Đi Chơi Với Chim To" chăng?

Không được ư? Không ổn ư? Thế thì dịch là gì? "Hẹn Hò Đi Chơi Với Đại Điểu" được không? Không được. Nghe vẫn kỳ kỳ thế nào ấy. Nửa phân, nửa cỏ, nửa quê, nửa tỉnh, nửa nôm na mách qué, nửa chữ nghĩa đao to búa lớn.

Nhưng chắc chắn chuyện đi chơi, hò hẹn này không thể xẩy ra giữa một phụ nữ và một con đà điểu Phi châu, một con Emu ở Úc, con Moa ở Tân Tây Lan nay đã tuyệt chủng, mặc dù đó là những con chim to thật(?) hay gọi chúng là những con chim thật to (?) thì đều đúng cả. Cũng không thể là hò hẹn đi chơi với Big Bird, một nhân(?) vật trong chương trình Sesame Street có bộ lông vàng chóe. Người ai lại đi chơi với chim... giả bao giờ.

Vậy thì "Big Bird," trong tựa đề là chim lớn, thực ra là gì?

Chắc phải là một người đàn ông. Đó là tên gọi thân mật của ông ta? Là đặc điểm của ông ta? Là một hành động nhìn nhận và nói lên sự khác thường của ông? Là một lời khen ngợi? Là một lời cảnh cáo?

Bạn thấy cái tựa sách ghê chưa? Bằng ấy thắc mắc cứ quay cuồng trong đầu tôi từ mấy hôm nay, từ khi cuốn sách được đề cập phớt qua trong tờ Washington Times cách đây khoảng năm hay sáu ngày. Tôi phải tìm đọc nó trong cuối tuần này. Hy vọng tìm được trong các tiệm sách lớn ở đây, vì nơi tôi ở không phải là Stockport, một thị trấn ở tây bắc nước Anh, nơi danh từ "bird" bị cấm dùng để chỉ bất cứ một cái gì khác hơn là các giống có lông vũ, có cánh, hai chân, biết bơi hay biết bay .

Tôi hy vọng tác giả Laura Zigman không nói về những con chim này. Nhưng như vậy thì ghê quá. Mới đọc qua cái tựa đã mặc cảm tự ti cùng mình rồi, đọc xong, thấy càng thua kém thì làm sao sống nổi với đời?


Ngày 6 tháng 4 năm 2012

Bạn ta,

Theo đoạn tin ngắn tôi vừa đọc được trong một tờ báo mấy tháng trước, thì phụ nữ Mỹ sắp có thêm được một sản phẩm mới để giúp họ làm đẹp, trong khi những người đàn ông ở Mỹ cũng sẽ bớt khó chịu khi thấy vợ lại tiêu thêm một số tiền nữa để mua thêm mỹ phẩm chất đầy một góc nhà, biến cái góc thành một cái tiệm chạp phô.

Một công ty mỹ phẩm của Hòa Lan vừa phát triển được một cách trồng một loại rong đặc biệt để dùng trong việc chế tạo son môi, kem bôi mặt và dưỡng da. Loại rong này rất đắt tiền và rất được ưa chuộng, nhưng trước đây rất khó trồng, và số lượng sản xuất không đủ cung cấp cho các công ty sản xuất mỹ phẩm.

Nhưng ngày nay, người ta có thể gây giống và trồng nó rất dễ dàng sau khi các khoa học gia tìm được một môi trường mới để trồng chúng. Phí tổn trồng cũng rất rẻ. Theo những tiết lộ của bản tin, thì loại rong này rất hợp với cứt lợn ướt (nguyên văn: moist pig shit).

Như vậy, một sản phẩm tưởng phải tìm đủ mọi cách để tiêu đi, tránh tạo ô nhiễm cho đất đai, và các nguồn nước uống thì nay lại được trao cho một công dụng khác.

Cứt lợn không còn bị khinh miệt, dè bỉu nữa, mà trái lại còn có hy vọng tìm lại được danh dự và giá trị là đằng khác.

Rong sẽ được sản xuất trong những đống cứt lợn ướt, cung cấp cho các hãng sản xuất mỹ phẩm để được chế tạo thành mỹ phẩm như son môi, kem bôi mặt, dưỡng da...

Những thứ sản phẩm này sẽ được bán đi khắp thế giới, sang Mỹ, sang Anh, sang Pháp. Các phụ nữ sẽ mua về dùng. Những cặp môi của các phụ nữ dùng các sản phẩm này sẽ khêu gợi hơn, da mặt sẽ mịn màng hơn, cơ thể sẽ đẹp hơn. Tất cả đều nhờ những đống cứt lợn ướt ở Hà Lan hay ở một nước nào đó ở Âu châu. Những cây rong mọc lên từ những đống cứt lợn ướt ấy, sẽ được dùng để tô lên môi, bôi lên mặt, đắp trên tay, trên bụng, trên đùi của phụ nữ.

Và như thế, để làm đẹp, người ta sẽ làm bất cứ gì, kể cả việc đưa lên mặt những sản phẩm lấy từ những đống cứt lợn ướt. Các phụ nữ Phi châu bôi phân lạc đà lên mặt, phụ nữ Ấn bôi phân bò, và bây giờ, các mỹ phẩm xuất phát từ những đống cứt lợn được bôi lên mặt phụ nữ Tây phương.

Rồi đây làm thế nào kiếm được "môi em như mật đắng" mà Thanh Tâm Tuyền nhắc trong Dạ Tâm Khúc, hay "hy vọng thơm như má chớm đào" nơi người tình của Đinh Hùng? Hay đã tới lúc người ta phải nhắc như Hoàng Anh Tuấn: "Có đi ngang xin em đừng đánh phấn"? Làm thế nào tìm được "Mùi phấn em thơm mùa hạ cũ" hay "Em đi mắt có thơ mùa hạ / má phấn hồng in bóng phượng hoa" mà Đinh Hùng cứ nói mãi trong Đường Vào Tình Sử? Thay vào đó, chỉ còn "nhớ hồn thảo mộc lẫn mùi hương", son phấn, kem bôi mặt còn ghê rợn hơn những tảng mỡ heo được quết lên mặt của các phụ nữ Tân Ghi Nê.

Lúc ấy, Trần Dạ Từ sẽ sai bét: "Lần đầu ta ghé môi hôn / Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang..." Sẽ không có ve sầu kêu hết hồn gì hết, mà sẽ là heo con, lợn con ré lên bên tai, đòi lại đống cứt lợn ướt của chúng.

Hay tại như thế mà Nguyên Sa phải năn nỉ, "van nàng lau hết mùi son phấn / đừng để làm phai hương rượu trong"?

Tại sao người ta độc ác đến như thế? Những cái bong bóng lãng mạn cuối cùng nay bị những đống cứt lợn ướt làm nổ bung.

Nhưng biết đâu cũng có những người đàn ông rất vui vẻ khi thấy những cái nửa tốt lành hơn -- better half / better halves -- mua các sản phẩm chế tạo bằng rong mọc lên từ những đống cứt lợn ướt về bôi lên mặt. Những việc mà những người đàn ông này ao ước làm được từ lâu nay, thì chính những người đàn bà ấy tự tay làm cho họ. Hay các chàng cũng có thể mua vài lọ kem, mấy thỏi son về tặng nàng bôi cho mát mặt và kín đáo cười sung sướng?

Chẳng cũng khoái ư?


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 137)

TO WONDER: A USEFUL VERB

Bản ghi chép lại do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 137 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 6 năm 2012.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

Thưa anh, tuần qua chương trình nhận được thư của một cụ cao niên ở Houston, Texas, cụ Nguyễn Tố, nhờ anh giải thích cách dùng của động từ TO WONDER, động từ mà cụ cho là rất hữu ích vì nó được dùng trong rất nhiều trường hợp.

BBT

Cụ nói rất đúng nên toàn bài hôm nay chúng ta sẽ chỉ nói về động từ này mà thôi. Chúng ta biết do động từ TO WONDER chúng ta có danh từ WONDER. Danh từ này có ba, bốn nghĩa khác nhau. Trước hết WONDER nghĩa là một điều kỳ lạ, gây kinh ngạc, tạo ngạc nhiên hay nể phục cho mọi người. Thí dụ LÊ QUÍ ĐÔN WAS A WONDER nghĩa là cậu bé họ Lê là một con người tuyệt vời, cậu đã tạo ra rất nhiều ngạc nhiên, nể phục nơi mọi người, về tài năng, thành tích, mức độ thông minh vân vân… Truyện kể Lê Quí Đôn lúc mới 6 tuổi, theo cha đến nhà ông lý trưởng chơi và chỉ liếc mắt đọc qua quyển sổ thuế một lần là thuộc hết tên của những người dân làng nên khi nhà ông lý bị cháy, Lê Quí Đôn đã có thể nhớ và viết lại nguyên văn, đầy đủ cuốn sổ thuế của làng.

WONDER cũng có nghĩa là kỳ quan như kim tự tháp của Ai Cập, vịnh Hạ Long của Việt Nam. Thí dụ THE SEVEN WONDERS OF THE WORLD là 7 kỳ quan của thế giới. Một nghĩa nữa của danh từ WONDER là một hiện tượng, một hành động, một biến cố tạo kinh ngạc cho mọi người như chiến thắng của vua Quang Trung trong lịch sử Việt, hay khi chúng ta nói PENICILLIN IS A WONDER DRUG, thuốc trụ sinh Penicillin là một thần dược.

NO WONDER trong câu NO WONDER HE IS LATE cũng có nghĩa như I AM NOT SURPRISED THAT HE IS LATE, hay IT IS NO WONDER HE IS LATE. Thúy cho nghe hai thí dụ dùng NO WONDER coi.

LÃM THÚY

SHE WORKS AT 2 JOBS. NO WONDER SHE IS ALWAYS TIRED hay IT IS NO WONDER SHE IS ALWAYS TIRED.

HIS CAR BROKE DOWN. NO WONDER HE COULD NOT COME hay IT WAS NO WONDER HE COULD NOT COME.

BBT

Còn Quỳnh Anh?

QA

THEY STAYED UP VERY LATE LAST NIGHT. (IT WAS) NO WONDER THEY COULD NOT GET UP EARLY.

THE BOY WENT OUT WITH NO WARM CLOTHES ON. (IT WAS) NO WONDER HE CAUGHT A VERY BAD COLD.

BBT

NO WONDER nói tiếng Việt như thế nào Lãm Thúy?

LÃM THÚY

Thúy nghĩ NO WONDER trong tiếng Việt là CHẲNG TRÁCH, THẢO NÀO, HÈN GÌ …

BBT

Cám ơn cô. Gần giống như NO WONDER là SMALL WONDER. Cách nói ấy ý nghĩa cũng giống như khi nói I AM NOT VERY SURPRISED, tôi không mấy ngạc nhiên, hệt như khi chúng ta nói thế này: THEY HAD SOME MONEY FROM A RICH UNCLE. SMALL WONDER THEY BOUGHT A VERY BIG HOUSE hay I AM NOT VERY SURPRISED THEY BOUGHT A VERY BIG HOUSE.

Hai cô cho nghe mỗi cô một câu với SMALL WONDER coi.

QA

HE STUDIED VERY HARD. SMALL WONDER HE PASSED THE EXAM WITH FLYING COLORS nghĩa là đậu với điểm A hay Bình, Ưu như ở Việt Nam thời trước.

LÃM THÚY

SMALL WONDER THEY HATED COMMUNISM SO MUCH: THE FATHER SPENT YEARS IN A HANOI PRISON.

BBT

Bây giờ chúng ta sẽ nói về động từ TO WONDER. Động từ này cũng có vài ba nghĩa khác nhau. TO WONDER nghĩa là kinh ngạc, ngạc nhiên. Thí dụ PEOPLE OFTEN WONDER AT THE ECONOMY OF JAPAN nghĩa là người ta thường ngạc nhiên về nền kinh tế của Nhật.

QA

QA có thể nói như thế này: I AWAYS WONDER AT THE NEW I-PHONE.

LÃM THÚY

Còn Thúy thì thấy là PEOPLE WONDER AT THE LIVES OF HOLLYWOOD STARS.

BBT

Đây là một cách dùng khác nữa của TO WONDER. Trong trường hợp này, theo sau TO WONDER bao giờ cũng là một mệnh đề bắt đầu bằng IF. Thí dụ I WONDER IF IT IS GOING TO RAIN TONIGHT. Khi nói như thế, người ta không mấy tin là trời sẽ mưa tối nay. I WONDER IF cũng cùng nghĩa với I DOUBT IF nghĩa là tôi nghi, tôi không chắc, tôi không tin… Thúy và QA mỗi cô cho nghe một thí dụ với rất nhiều nghi ngờ ở trong coi.

LÃM THÚY

WE ALL WONDER IF THE WAR WILL BREAK OUT BETWEEN CHINA AND VIETNAM nghĩa là chúng tôi đều không mấy tin là chiến tranh sẽ xẩy ra giữa Bắc Kinh và Việt Nam.

QA

THEY WONDER IF MRS CLINTON WILL STAY HOME DOING NOTHING là người ta không tin bà Clinton sẽ ở nhà không làm gì cả sau khi rời bộ ngoại giao.

BBT

TO WONDER cũng được dùng để đưa ra những đề nghị, những yêu cầu, những gợi ý. Thí dụ I WONDER IF YOU CAN HELP ME / SHOW ME HOW TO GET TO THE POST OFFICE / EXPLAIN THIS LESSON AGAIN…

Câu I WONDER IF cũng có thể hiểu là tôi không biết (I DON’T KNOW) như khi chúng ta nói: I WONDER IF HE IS AT HOME NOW nghĩa là tôi không biết liệu ông ấy có nhà hay không. QA và Thúy cho nghe mỗi cô hai thí dụ với cách dùng như vừa kể coi.

QA

WE WONDER IF THE ECONOMY IS GETTING BETTER hay WE DON’T KNOW IF THE ECONOMY IS GETTING BETTER SOON.

LÃM THÚY

THEY WONDER IF THE FISH IN THE GULF OF MEXICO IS NOW SAFE FOR EATING hay THEY DON’T KNOW IF THE FISH IS SAFE FOR EATING. Thưa anh, Thúy có thể thay DON’T KNOW bằng WANT TO KNOW được không?

BBT

Cũng được. Nhưng dùng DON’T KNOW thì hơn vì trong WONDER IF đã có hàm nghĩa là nghi ngờ, tức là đã có nhiều phần không tin ở trong rồi. WANT TO KNOW chỉ mới là muốn biết mà thôi.

Sau đây là một lối đặt câu khác với động từ TO WONDER. Và bây giờ TO WONDER mới có nghĩa là TO WANT TO KNOW.

Trong cách đặt câu này, theo sau động từ TO WONDER là 5 QUESTION WORDS, gọi tắt là 5Ws, đó là WHAT, WHEN, WHERE, WHO, WHY và HOW (HOW bắt đầu bằng H). Thí dụ I WONDER WHAT / WHEN / WHERE / WHO / WHY / HOW

QA thử đặt một câu với I WONDER WHAT… coi.

QA

I WONDER WHAT IS HIS NAME?

BBT

Cám ơn cô. Tôi biết gần như chắc chắn cô sẽ nói như thế. Nhưng nói như thế là không đúng. Thứ nhất, cuối câu KHÔNG có dấu hỏi (?) tức là KHÔNG CÓ QUESTION MARK.

Thứ hai, mệnh đề theo sau động từ WONDER KHÔNG PHẢI LÀ CÂU HỎI, NOT A QUESTION. Do đó, chúng ta KHÔNG nói WHAT IS HIS NAME? mà phải nói WHAT HIS NAME IS. QA nói lại coi.

QA

I WONDER WHAT HIS NAME IS.

BBT

Lãm Thúy cho nghe thí dụ với TO WONDER WHEN / WHERE / WHO, nhớ đừng dùng dấu hỏi QUESTION MARK ở cuối và các mệnh đề sau WHEN, WHERE và WHO KHÔNG PHẢI Ở THỂ HỎI (INTERROGATIVE).

LÃM THÚY

I WONDER WHEN HIS PLANE WILL LAND.

I WONDER WHERE MISTER OBAMA WAS BORN.

I WONDER WHO WILL BE THE NEXT PRESIDENT AFTER MISTER OBAMA.

BBT

Đúng rồi. Còn QA cho nghe các thí dụ với WHY và HOW coi. Cũng vẫn phải nhớ không có dấu hỏi (?) ở cuối câu và mệnh đề theo sau TO WONDER KHÔNG PHẢI là thể hỏi (INTERROGATIVE).

QA

I WONDER WHY SHE IS ALWAYS LATE FOR CLASS.

I WONDER HOW HE GETS THE JOB SO EASILY.

BBT

Liên quan đến danh từ WONDER, chúng ta biết là có một tĩnh từ, một ADJECTIVE từ danh từ đó. Tĩnh từ này được tạo thành bằng cách nối cho nó cái đuôi, cái tiếp vĩ ngữ FUL để WONDER thành WONDERFUL nghĩa là tuyệt vời, là EXTREMELY GOOD, là VERY GOOD. Cho nghe một câu với WONDERFUL coi Lãm Thúy.

LÃM THÚY

MY CHILDREN THINK I AM A WONDERFUL COOK BECAUSE THEY NEVER DO THE COOKING.

QA

THE WEATHER OF CALIFORNIA IS WONDERFUL, EVEN IN WINTER.

BBT

Chúng ta có thể biến một số tĩnh từ thành ADVERBS tức là trạng từ bằng cách thêm tiếp vĩ ngữ LY vào cuối thí dụ SLOW thành SLOWLY, FAIR thành FAIRLY, WEAK thành WEAKLY… Vậy WONDERFUL thêm cái đuôi LY thì thành gì nào?

QA

Thành WONDERFULLY nghĩa là EXTREMELY WELL. Thí dụ Thúy có thể nói CURRY GOES WONDERFULLY WELL WITH TARO nghĩa là cà ri rất ngon nếu nấu chung với khoai sọ. Nói vậy được không thầy?

BBT

Thí dụ của QA vừa đúng về mặt văn phạm, lại vừa ngon nữa. Còn Thúy cho nghe thí dụ của cô coi?

LÃM THÚY

MY NIECE DID WONDERFULLY IN HER FIRST YEAR AT COLLEGE.

BBT

YOU TWO ARE WONDERFUL STUDENTS. YOU DID WONDERFULLY IN THE CLASS. NO WONDER TIME GOES SO FAST. THANK YOU.

QUỲNH ANH

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới cùng với các chương trình khác của Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc , Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.