February 13, 2016

February 12, 2016

MỐI TÌNH ĐẦU

Nếu trở lại được Sài Gòn (mà chắc tôi sẽ không bao giờ làm được) tôi sẽ đăng trên báo mẩu nhắn tin nhắn như thế này:
"Tìm chiếc mobylette mới đi được có hơn một năm, mất tại sân trường Chu Văn An năm 1962. Sẵn sàng chuộc lại bất cứ tình trạng nào. Cam đoan không làm khó dễ. Xin liên lạc tại địa chỉ sau đây..."
Đăng thì đăng vậy chứ hy vọng tìm lại nó chắc không có được bao nhiêu. Tính từ đó đến nay là đã 54 năm. Bình thường chiều dài thời gian ấy nhất định là dài hơn đời sống của một chiếc xe mobylette. Trong tình trạng lý tưởng nó cũng không thể sống lâu được như thế, huống chi đã bao nhiêu chuyện vật đổi sao dời thì làm thế nào còn nó được nữa. Tôi có nó từ mùa hè năm đệ tam, sau khi đỗ (vớt) trung học phổ thông vì quá dốt toán (từng oanh liệt rớt hai lần vì bị zéro điểm toán). Khi bảng vàng (?) ghi tên rõ ràng ở nha khảo thí, tôi được ông bố dẫn đi mua nó ở đường Minh Mạng như một phần thưởng vì đã có được cái bằng mà sau đó tôi cũng chẳng buồn mang về nhà.
Tôi nhớ được ông bố tôi dẫn đi mua nó ở một tiệm bán xe nằm trên đường Minh Mạng. Thời ấy mua xong là có thể chạy liền, chẳng cần đăng bộ hay phải thi bằng lái gì hết. Xe cũng không cần bảng số, cứ tự do phơi phới lôi ra chạy "rodage" cho máy...quen. Mỗi tuần được phát 5 đồng đổ xăng để đi học (thì ít). Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Đi chơi nhiều, hết xăng thì vặn một cái nút gần pédale trái là... đạp như xe đạp để đến trường. Trò này cũng được lôi ra dùng để tiết kiệm xăng phòng khi cần đến để đi chơi.
Có nó được hai ngày thì người bạn ngồi cạnh mang tới tận nhà kìm búa lắp vào cái porte bagage một cái yên bọc trên cái yên simili cũ. Hỏi chàng sao lại tử tế như thế thì chàng đáp một cách rất ngon lành rằng để chở chàng... đi chơi cho êm. Sau đó, mỗi ngày đi học, chàng đều gửi xe đạp của chàng ở gần nhà tôi để ngồi trên cái yên simili chàng tặng (?) tôi, và chúng tôi đi học.
Trong ba tháng hè kế tiếp, tôi dùng nó để đi học tiếng Anh với Frances Nolting, con của đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Thời ấy Sài Gòn còn an ninh lắm. Nhà nàng ở trên đường Hiền Vương, ra vào dễ dàng, cho tới khi ông Nolting bị ám sát hụt thì chuyện học tiếng Anh của tôi với Frances mới chấm dứt. Cái mobylette ấy cũng vài ba lần chở cô Mỹ ấy trên yên sau chứ bộ. Hơn nửa thế kỷ rồi không biết bà già Frances có còn nhớ cái lưng của người trai đất Việt ngày ấy không. Và cái yên simili chắc cũng đã quên mấy cái váy đầm của con gái cụ sứ rồi.
Trở lại trường, phần thưởng cho cái bằng trung học phổ thông đã cho hai chàng tuổi trẻ những buổi trốn học huy hoàng nhất. Trò trốn học bắt đầu từ năm đệ tứ, qua đến năm đệ nhị thì những tên học trò học dốt nhất cũng trốn học thành... thần. Những giờ toán, lý hóa gần như thầy trò không bao giờ biết mặt nhau. Hai người trai thế hệ (?) có mặt trong thư viện, bên xe bò khô, bò bía, tiệm sách Khai Trí, Phúc Thành, Việt Bằng, Xuân Thu, hay bên kia cổng mấy trường nữ trung học nhiều hơn.
Nhớ mấy câu của Đinh Hùng:
Ôi khoái lạc những giờ trốn học
Những bình minh xuân đẹp, những chiều thu
Bao cảnh nước mây đằm thắm hẹn hò
Khi biếng gặp nhớ nhung pha mầu áo...
 
Năm học đệ nhị qua đi một cách dễ dàng. Cái mobylette đưa chúng tôi đi nhiều nơi khác kỳ thú nữa. Các rạp chiếu bóng thường trực Vĩnh Lợi, Nguyễn Huệ, Casino Đa Kao... Những lúc trong một ngôi chùa ở Thủ Đức, những chiều ngồi trên bến sông Sài Gòn nhìn qua Thủ Thiêm:
Vứt mẩu thuốc cuối cùng xuống dòng sông
Mà lòng mình phơi trên kè đá
Trời không xanh, không tím, không hồng
Những ống khói tầu mệt lả...
(Thanh Tâm Tuyền)
Từ chỗ chúng tôi ngồi nhìn ra sông Sài Gòn là những chiến hạm của hải quân, mùi dầu, mùi nắng chiều, những cây dừa nước quằn quại bên kia sông. Chúng tôi không biết phải làm gì trong những ngày trước mặt. Hai câu thơ không biết của ai cứ trở đi trở lại mãi trong đầu:
Tôi chẳng chờ ai, chẳng đợi ai
Buồn hoang phong kín tuổi đôi mươi...
Hai câu cũng chẳng hay ho gì, nghe hơi rẻ tiền là đằng khác. Sau mùa hè, chúng tôi trở lại với năm cuối của trung học. Cái mobylette vẫn tiếp tục là phương tiện trốn học của chúng tôi.
...Hỡi thành đô với linh hồn bách thảo
Còn nhớ ta chăng, tuổi trẻ tóc bay
Làm học trò nhưng không sách cầm tay
Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ...
(Đinh Hùng)
Thỉnh thoảng những tiếng đông của chiến tranh đã bắt đầu vọng về. Kỳ thi tú tài I đã khiến một vài người bạn trong lớp rời khỏi trường. Chúng tôi trở lại trường cho năm cuối của trung học. Đang vui với cái tú... đơn vừa cầm trong tay được hai ba tháng thì nó bỏ tôi. Tôi cẩn thận khóa nó bằng hai cái khóa vậy mà sau khi học được hai giờ đầu định trốn đi ngồi cà phê Brodard thì không thấy nó. Nghĩ một người bạn nào nghịch phá dời nó đi chỗ khác, tôi đi kiếm nó ở khắp khu nhà xe cũng không thấy. Thôi cũng như ông Tú Xương bị mất ô ở nhà cô đầu vậy:
...Sợ rồi rầy gió mai mưa
Lấy gì đi sớm về trưa với tình...
Thế là lại trở về với chiếc xe đạp vậy. Cho đến sau kỳ thi tú tài 2 và sau đó tôi rời Việt Nam đi du học.
Thỉnh thoảng tôi cũng nghĩ tới nó. Không biết nó trôi giạt về đâu. Nó "sống" như thế nào. Nó bị / được bán cho ai. Chủ mới của nó đối xử với nó ra sao. Nó có được một đời sống tử tế không. Cái yên sau có được đỡ lấy một sự dịu dàng thân mến không. Hay nó trải qua những ngày tháng nhọc nhằn của một kiếp xe lôi...
Còn người mở được hai cái khóa lấy nó đi thì ông ta còn lấy đi niềm vui, lẽ sống của bao nhiêu người nữa. Chắc ông cũng không cách nào nhớ nổi cái mobylette của tôi. Tôi không giận ông nữa. Mong ông qua cơn túng thiếu chứ không dính vào những chuyện khác.
Tôi mất cái xe thì cũng mất vào tay của một người Việt chứ có đi đâu như một người đã nói trong một truyện cổ tôi đọc đã lâu vậy.

Chuộc được nó tôi cũng chẳng biết sẽ làm gì với nó cả. Cũng hệt như tìm lại được mối tình đầu ấy mà. Nhiều lắm là nhìn nhau mà... lệ ứa là cùng. Có nói cũng không cùng mà thôi...