Ngày 27 tháng 2 năm 2012
Bạn ta,
Tuần trước, tại một cuộc họp mặt, tôi được chủ nhà giới thiệu một phụ nữ nói là từ miền đông tới thăm California.
Nghe vài ba câu về miền đông của bà thì tôi thấy ngay là cái miền đông mà tôi đã sống gần ba chục năm hoàn toàn khác với những mô tả của bà.
Không lẽ thành phố Falls Church, nơi tôi cũng đã từng sống vài năm lại khác với thành phố Falls Church của bà nhiều đến thế sao.
Bà nói rằng người dân ở Falls Church lịch sự hơn ngưòi ở California, nói trắng ra là người ở quận Cam này nhiều. Chuyện người Mỹ ở tiểu bang này khác người Mỹ ở tiểu bang kia là chuyện ai cũng biết. Người New York khác người Washington, khác với người ở Houston, khác với người Mỹ ở Chicago, khác với người Mỹ ở California. Người Mỹ miền đông bảo thủ hơn, người Mỹ ở California cấp tiến hơn. Những chuyện điên đều ở California này hết. Đó là theo những nhận định của một số người Mỹ.
Theo khá nhiều người thì chỉ ở California mới có những thứ như Britney Spears, Paris Hilton, Dennis Rodman ... Các nơi khác ở nước Mỹ làm sao có được những của … quí đó .
Nhưng những mô tả của bà về miền đông thì quá khác với miền đông tôi biết. Bà nói rằng ngưòi Mỹ ở vùng bà ở, và bà nhấn mạnh rằng đó là những người Mỹ trắng, là những người hết sức tử tế và lịch sự, nên bà chỉ chơi với người My và không quen biết bao nhiêu người Việt.
Điều bà nói rõ ràng chỉ có một mục đích duy nhất. Đó là để cho người nghe (là tôi) hiểu và phục bà là người quí phái. Bà chơi toàn với Mỹ, ở nhà khu Mỹ, hàng xóm toàn Mỹ trắng chứ đâu có như những người Việt ở California, mở cửa ra khỏi nhà là không đụng Việt cũng đụng Mễ như bạn tôi, Lê Đình Điểu đã có lần viết:
Bước tới Bolsa bóng xế tà
Lèo Miên chen Mễ, Mễ chen Hoa...
Bà nói thêm về căn nhà của bà và đưa ra một cái giá nhà chắc là trước khi cái bong bóng địa ốc bị nổ.
Nhưng tôi vẫn một lòng thán phục bà. Bà sang Mỹ trong có một thời gian hơn hai chục năm đã có cơ sở khang trang như bà nói, lại ở với toàn Mỹ trắng, chơi với toàn Mỹ trong khi cái thân tôi thì phải ở một chỗ kiếm cả tuần mới thấy một cặp Mỹ trắng mỗi chiều dắt nhau đi tản bộ đến nỗi có lần, để làm quen, tôi đã phải hỏi đùa là (hai người) đã biết thân phận của người thiểu số chưa, thì cả hai đều phá ra cười ngặt nghẽo.
Tôi không biết bà làm gì, mà cũng không cần biết nên không hỏi. Bà vẫn tiếp tục nói về thành phố bà ở. Khu phố ấy tôi cũng biết. Không thể sánh với những khu nhà giầu như McLean hay Sleepy Hollow, hay Old Town Alexandria ở Virginia. Nhưng bà nói về căn nhà và cứ nói mãi về những người bạn Mỹ mà bà cho biết toàn là những nguời danh giá .
Nghe những tiếng Anh thỉnh thoảng bà chêm vào trong câu chuyện thì tôi thấy chắc những người bạn Mỹ của bà cũng phải vất vả lắm mới hiểu bà khi bà nói với họ bằng tiếng Anh.
Bà tiếp tục phê bình không thuận lợi về người Việt ở California. Bà cho rằng người Việt cứ xúm nhau lại thì làm sao thành người Mỹ được, làm sao nói được tiếng Mỹ để tiến vào và hội nhập vào xã hội Mỹ.
Bà hỏi tôi có thích California không và có muốn sang Falls Church, Virginia ở không. Và chính khi bà hỏi tôi có thích dọn đi Falls Church không, thì tôi biết bà chẳng nên khinh bỉ người Việt ở California là không nói được tiếng Anh. Nói tiếng Anh mà như bà thì thà không nói có lẽ hay hơn.
Bà hỏi tôi, sau khi nói về thị trấn Falls Church, nguyên văn, tôi có "interesting" không.
Chao ôi, khinh bỉ người Việt California không nói được tiếng Anh để rồi nói tiếng Anh như thế đấy. Mà cũng chưa phải là nói tiếng Anh, mới chỉ là tiếng Việt chêm vào mấy chữ tiếng Anh thôi.
Tôi trả lời rằng tôi không "interesting" chút nào. Tôi là người vô duyên, ăn nói quàng xiên, tào lao xịt bộp nên tôi không "interesting" gì hết. Tôi không duyên dáng, không thú vị, không đáng để ý, không đáng chú ý gì hết nên không thể là người "interesting" được.
Bà hơi kinh ngạc hỏi tại sao tôi lại quay sang nói những chuyện không liên quan gì đến việc bà hỏi tôi. Tôi đáp rằng bà hỏi tôi có "interesting" không, thì tôi hiểu rằng bà hỏi là tôi có duyên dáng, thú vị, đáng để ý, đáng chú ý không thì tôi trả lời như thế, là không, vì nghĩa của chữ "interesting" mà tôi hiểu cũng như được ghi trong tự điển là như thế.
Bà nguýt tôi một cái tưởng như đổ mấy cái building. Rồi bà bỏ sang một góc khác để (chắc là) khoe tiếp căn nhà ở toàn khu Mỹ trắng, bạn của bà toàn là Mỹ trắng chứ đâu có như cái người đàn ông già mà lại còn xấu trai bà vừa mới nói chuyện.
Hôm sau, bạn tôi, chủ nhà tổ chức họp mặt gọi điện thoại cho tôi và nói rằng bà nghĩ tôi là người vô duyên nhất mà bà gặp trong chuyến đi California.
Không biết làm cách nào nói cho bà biết rằng về khía cạnh vô duyên, người đàn ông xấu trai ấy còn thua bà rất nhiều. Xin nhường chức quán quân vô duyên ấy cho bà.
Tôi nói với người bạn rằng tôi thì cũng chẳng "interesting" gì nhưng nhất quyết là không "interested" nơi một phụ nữ như thế. Nghĩa là tôi thì không "interesting" không duyên dáng, lý thú hay hấp dẫn gì, nhưng thích bà (interested) thì nhất định là không. Không một chút nào. Không một ly ông cụ nào.
Ngày 28 tháng 2 năm 2012
Bạn ta,
Hình như chúng ta càng ngày càng trẻ ra. Không cần phải bôi vài ba chục lọ kem dưỡng da, rồi lại cả hộp Shisedo đắp lên mặt mỗi tối, hay để hai lát dưa chuột lên mắt và vài ba tháng đi chích Botox một lần, chúng ta vẫn đang càng ngày càng trẻ ra.
Thượng nghị sĩ John McCain năm 71 tuổi vẫn ra tranh cử tổng thống.
Ông Reagan khi tranh cử tổng thống và bị đối thủ coi là già, ông nói với ứng cử viên Mondale rằng ông không bao giờ đem chuyện tuổi tác của ông Mondale ra nói để bị coi là kỳ thị. Ý nói ông không già, chỉ có ông Mondale trẻ (người non dạ) mà thôi.
Ông Reagan đắc cử, ngồi ở ghế tổng thống hai nhiệm kỳ tổng cộng tám năm.
Sáng hôm qua, trong chương trình ABC, Diane Sawyer mặc một chiếc áo vàng tươi và một chiếc váy nhiều mầu sặc sỡ. Nàng tuổi tác ít ra cũng phải đã ngoài 60. Những mầu sắc như thế trước đây, ở tuổi nàng, ai dám mặc.
Cách đây ít năm, cứ khoảng ngoài 40 là người ta phải chọn những mầu nào coi cho nhã một chút để khỏi bị chê là trẻ quá. Đó là những mầu nâu, mầu xám, mầu tím than. Sơ mi thì cứ mầu trắng, ca vát đỏ sậm, hay nâu đậm cho đạo mạo.
Fernadel trong phim Sous Le Ciel De Provence vừa quàng vào cổ cái ca vát mầu hơi tươi một chút đã bị vợ cằn nhằn là sao lại chọn chiếc ca vát mầu quá trẻ đó.
Vai Fernandel đóng trong phim là một người đàn ông mới 40 tuổi. Hôm sau, người phụ nữ trẻ chàng gặp trong chuyến xe hàng thì lại nói tại sao chàng đeo chiếc ca vát mầu già như thế, phải đeo mầu tươi hơn, trẻ hơn mới được.
Như vậy là chúng ta bị những người chung quanh bắt phải già. Ngoài bốn mươi, ông bố tôi đã được, thực ra không biết phải nói là được hay bị, gọi là cụ. Cụ giáo, cụ hiệu trưởng, cụ thanh tra. Thôi thì cho đó là chuyện gọi chức vụ đi. Nhưng chúng ta quả là đã bị những người chung quanh bắt là già đi.
Năm mươi tuổi Nguyễn Khuyến lên lão, đã vườn Bùi chốn cũ lụ khụ trở về nghỉ hưu. Bây giờ năm mươi ai dám nói là già?
Báo Orange County Register tuần qua có một bài viết về một cặp tân hôn. Tân lang 100 tuổi. Tân giai nhân 90 tuổi. Chúc hai người chúc gì? Bách niên giai lão chăng? Cụ ông đã một trăm rồi còn chi? Chúc hạnh phúc đến lúc đầu bạc răng long ư ? Cả hai mái đầu đều đã bạc. Mấy hàm răng không thể long được nữa. Có thể tháo ra để đầu giường mỗi tối chứ long ở đâu mà long.
Đọc những trang tìm bạn trên các báo người ta thấy những lời rao tìm bạn của những người trên 60 kiếm những người cũng trên 60. Nhớ lại mấy chục năm trước, khi ông cụ tôi và các bạn của cụ bằng tuổi ấy, có ai dám làm chuyện đó đâu. Gợi ý ra với các cụ là bị gạt phắt đi ngay lập tức.
Bây giờ, các cụ vẫn còn rối rít tìm nhau làm con cháu chóng cả mặt. Tại một cư xá của các cụ ở đây, những vụ đánh ghen lại thỉnh thoảng diễn ra vì cụ ông tránh một cụ bà ở lầu 2 để dùng bữa với cụ bà khác ở một lầu khác.
Một bản tin truyền hình nói là sáu mươi tuổi bây giờ là 40 tuổi của hồi cách đây 20 năm. Như vậy, 70 tuổi nay chỉ là 50 tuổi chứ già ở chỗ nào. Tuổi 70 vẫn lái xe ào ào, vẫn nhuộm tóc, đeo tóc giả đi nhẩy đầm, kiếm bạn trai cũng như bạn gái, làm đám cưới linh đình, rồi lại còn ra tranh cử tổng thống và tin chắc là nếu đắc cử, sẽ ngồi ở tòa Bạch Ốc ít nhất 4 năm nữa.
Bởi thế, Diane Sawyer ngoài 60 vẫn quần áo rực rỡ, bầy chân cẳng ra như mới hai mươi mấy. Không ai bắt bẻ rằng ngoại lục tuần rồi mà còn áo quần xí xọn.
Những người đàn ông và những người đàn bà bỗng thấy cái ca vát mầu tươi, cái áo rực rỡ, bộ suit mầu nhạt, đôi giầy mầu đỏ, mầu vàng trở nên mời gọi hơn, muốn vào tiệm mang về nhà cho tiện việc sổ sách.
Nhìn chung quanh chắc chúng ta cũng đã thấy những đổi thay như thế. Không còn phải kiếm những thứ mầu đậm, ảm đạm nữa. Phải kiếm cái ca vát, cái áo tươi một chút. Tại sao phải đạo mạo? Tại sao phải già? Tại sao phải chọn cái mầu cho nhã? Tuổi tác là cái gì? Là mấy con số thôi chứ là cái gì:
Em đủ mười phương từ tuổi nhỏ
Ngần ấy phương anh tới tuổi già
Tuổi ư? Hồn vẫn đầy trăm gió
Thổi suốt đêm ngày cõi biếc ta
Già ư? Cứ để cho anh nhận hết. Còn em? Cứ tuổi nhỏ như thơ ông Mai Thảo. Và mặc kệ cho trăm ngọn gió thổi vào cõi đời còn xanh biếc của chúng ta.
Cõi biếc ấy là cõi không già, không có tuổi vậy.
Ngày 29 tháng 2 năm 2012
Bạn ta,
Mấy chục năm trước, thỉnh thoảng có dịp ngồi ăn trưa với ông cụ hàng xóm, tôi lại phải nghe suốt bữa những lời than thở bực mình về vật giá trong ngày. Cụ nhắc lại thời giá của hơn ba chục năm trước, hồi những năm 1930, 1940 một chiếc xe đạp Alcion giá có mười mấy đồng, bộ quần áo may đẹp cũng chỉ vài đồng bạc, những bữa đi ăn tiệm chỉ mấy hào … Ông Tú Xương thì than …
Vừa đồng bạc lớn ông lang Sán
Lại mấy hào con chú Ích Sinh…
Toàn là những thứ tiền đến thời của chúng tôi thì không còn thấy dùng nữa.
Bây giờ thì là những đồng xu Mỹ. A penny saved is a penny earned. Một xu tiết kiệm được là một xu kiếm được.
Nhưng không còn ai ngồi mà đếm mấy đồng xu đỏ nữa. Những cách nói có từ lâu chắc cũng sẽ ra đi. Not a penny to my name, không một xu dính túi.
Nhiều ý kiến đã muốn dẹp hẳn những đồng xu này. Lý do là vì không còn ai tiêu chúng nữa, mà phí tổn để đúc chúng lại cao hơn trị giá đích thực của chúng. Từ ngoài đường về nhà, gần như người Mỹ nào cũng móc hết những đồng bạc kim khí ra, ném lên bàn, chỉ giữ lại những đồng 5 xu, 10 xu , 25 xu. Những đồng 1 xu thì gạt sang một bên chờ một hôm nào có nhiều, ra ngân hàng mang theo đổi thành tiền giấy. Nhưng phải một trăm đồng mới thành một đô la giấy. Ít khi nhớ mang chúng theo nên những đồng xu mầu đỏ với chân dung nhìn nghiêng của tổng thống Abraham Lincoln tiếp tục nằm trong những góc kẹt của những chiếc ngăn kéo, trong những góc nhà cho đến khi dọn dẹp căn phòng hay đổi địa chỉ đến một nơi khác mới lại thấy chúng.
Chúng cũng chẳng an ủi được người tiêu thụ bao nhiêu. Thay vì đề giá 20 đô la, người ta đề 19 đô la 99 xu. Ai là người tin cái giá đó là giá rẻ hơn 20 đô la? Cộng thêm mấy xu thuế là thành trên hai chục đô la ngay. Mà cho dù có đúng là 19 đô la 99 xu, đưa tờ giấy 20 đô la ra, mấy ai chúng ta giơ tay chờ nhà hàng trả lại 1 xu đó.
Khách không thèm lấy 1 xu, mà chủ tiệm nhiều khi cũng chẳng thèm lấy. Thế là có cãi hũ nhỏ, cái hộp nhỏ cho khách bỏ đồng 1 xu, hay nhiều khi là ba, bốn đồng xu vào cái hũ ấy. Không ai biết chúng đi đâu.
Nhưng thỉnh thoảng chúng cũng làm được việc. Thí dụ khi tính tiền, giá món hàng phải trả là 15 đô la lẻ một xu chẳng hạn. Người mua đưa ra tờ giấy 20 đô la. Một số tiệm trả lại bằng một tờ giấy năm đồng , xí xóa một xu lẻ đó. Nhưng cũng có những tiệm nhất định lấy cho đủ một xu bằng cách trả lại cho khách 4 đô la 99 xu. Lúc ấy, nếu có cái hũ để sẵn vài đồng xu của những vị khách trước, thì chỉ cần thò tay lấy một xu trong hũ đưa cho nhà hàng đúng hệt như hàng chữ viết bên ngoài hũ: You give one, you take one. Thừa thì cho một xu. Thiếu thì lấy một xu.
Khi thấy nhà hàng nhất định lấy cho đủ một xu mặc dù phải phá đồng 5 đô la ra để trả lại 4 đô la 99 xu vừa lẻ loi, vừa nặng chình chịch đó, lục trong ví, trong túi không sao có được một xu để đưa cho người thu tiền khó tính và độc ác đó, thì người ta mới thấy sự lợi ích của đồng một xu.
Cầm lấy 4 đồng 99 xu mà giận điên lên trong khi phía bên kia thì lặng lẽ cười khoái chí vì vừa chọc giận được một người khách.
Nếu có thể tránh được, chuyện trở lại tiệm chắc không bao giờ xẩy ra nữa.
Như vậy, đồng penny cũng có thể là một thứ có thể dùng để chọc tức người khác hay trả thù cho bõ ghét.
Một người lái xe nọ, bị cảnh sát phạt mấy chục bạc. Ông đến quận cảnh sát với khoảng năm ngàn đồng một xu, chở bằng mấy thùng để trả tiền phạt. Cảnh sát không nhận, nại lý do là không có người đếm tiền. Người bị giấy phạt thì nói là không có chi phiếu hay tiền giấy. Kết cục cảnh sát vẫn thắng. Chỉ là để làm khó nhau mà thôi.
Nhưng vô duyên nhất là con số 9/10 của một xu. Đây là cái gì? Ai tìm được 9/10 của 1 xu, xin chỉ chỗ. Chắc nó phải trở thành một món sưu tầm quí lắm.
Tìm thì không thấy, không sờ được,không nhặt lên được. Nhưng 9/10 xu thì vẫn thấy lù lù ở ngoài đường, ở bảng giá xăng tại những cây xăng của các thành phố Mỹ.
Giá 4 đô la 99, 9/10 xu có thấp hơn 5 đô la không?
Nhất định là không. Nhưng nó vẫn xuất hiện trên bảng giá tại các trạm xăng. Ghi nó trên bảng giá làm gì? Ai tin là giá xăng ghi như thế là rẻ, là thấp hơn 5 đô la?
Nhớ con cò trong ca dao Việt Nam:
Tôi có lòng nào ông hãy sáo măng
Có sáo thì sáo nước trong
Đừng sáo nước đục đau lòng cò con
Con cò xin được chết yên lành, sạch sẽ, ngon lành vì đằng nào cũng chết.
Người lái xe cũng vậy. Đằng nào cũng phải chi trên 5 đô la 1 ga lông xăng. Thì cứ tính cho đủ, cho đúng trên 5 đô la, chúng tôi vẫn ngậm đắng nuốt cay, giữ khuôn mặt vui tươi và trẻ trung để trả cái giá đó.
Đừng giả bộ an ủi, tử tế, nhẹ nhàng với chúng tôi trong khi lưỡi dao dấu sau lưng sắp chém chúng tôi nát cổ không một mảy may thương sót.
Ngày 1 tháng 3 năm 2012
Bạn ta,
Nhớ ít ngày trước khi có những cuộc di tản đưa một số người Việt ra khỏi nước, có nhiều người nói là đi sang Mỹ chỉ làm bồi bếp, rửa chén cho Mỹ. Rồi sau những chuyến di tản đó, lại cũng có người trong chính phủ Hà Nội gọi những người Việt di tản năm 1975 là bọn đĩ điếm.
Chuyện đi tới một quốc gia rất nhiều xa lạ và một xã hội mới thì những việc làm không xứng ý lắm vẫn phải nhận là chuyện thường. Những kinh nghiệm làm việc có từ trước thì thường không thể đem ra dùng ở cái quê hương mới của những người Việt bỏ nước ra đi.
Thế nên chuyện làm bồi bếp thì cũng có chứ không phải là không.
Thí dụ muốn xin vào làm trong tiệm ăn McDonalds chẳng hạn. Ai cũng phải đi từ dưới lên trên. Phải biết cọ rửa cái nhà cầu, cái bếp, cái lò chiên trước khi leo lên được những công việc khác. Nhờ thế mà những người làm việc cho công ty McDonalds đều biết rõ tất cả mọi công việc trong tiệm.
Nhưng rồi khi kinh nghiệm đã có, tiếng Anh nói khá hơn, thì không ai chịu đứng nguyên một chỗ.
Nước Mỹ được cái là không cầm chân bất cứ ai. Chỉ có chính mình cầm chân mình thì có. Câu mà người Mỹ hay nói để khuyến khích mọi người đi lên, nuôi dưỡng và thực hiện những giấc mơ của mình là The sky is the limit, nghĩa là trời cao là hạn chế của chúng ta, tức là không có gì là hạn chế cả.
Thỉnh thoảng đi ăn cưới ở đây, tôi nhìn thấy một cảnh mà ba mươi năm trước thì không thể nào tưỏng tượng ra được.
Tại những đám cưới đắt tiền, tổ chức ở những khách sạn hạng sang ở California cũng như ở miền đông Hoa kỳ như Washington, Virginia thì bao giờ cũng có cảnh nguời ngồi dự tiệc là ngưòi Việt, bạn hữu, gia đình cô dâu, chú rể. Và những người phục vụ thì gần như bao giờ cũng là mắt xanh, tóc vàng, có khi là những người Mỹ gốc Phi châu, hay những người nói tiếng Tây Ban Nha.
Nhìn cảnh ấy, rồi nghĩ lại thì lại thấy các vai trò được đổi ngược hoàn toàn. Khi mới sang Mỹ, đặt được chiếc va ly, gói hành lý xuống đất, là phải vội vàng đi kiếm việc. Mà việc bưng các đĩa thức ăn ra phòng tiệc là những việc người di tản mới sang không với được tới. Phải có tiếng Anh, phải biết cách đi đứng, bưng những cái khay, mở những chai rượu. Chân ướt chân ráo mới đến thì chỉ được làm trong bếp là nhiều.
Nhưng nhìn những chiếc áo đắt tiền, kim cương lóng lánh tại bàn tiệc thì làm sao tưởng tưọng những người ấy trong chuyến đi tới nước Mỹ, chỉ có cái va ly rất khiêm tốn hay một cái túi ni lông là nhiều.
Những tin tức làm xao động nước Mỹ từ hai, ba năm nay là những tin về những người di dân bất hợp pháp, những người nhập cảnh lậu vào nước Mỹ.
Không có giấy tờ làm việc hợp lệ, họ phải làm bất cứ việc gì có thể kiếm ra tiền. Và một trong nhũng việc dễ kiếm nhất, là việc làm ở các tiệm ăn.
Và có một hiện tượng càng ngày càng thấy tại các tiệm ăn của người Việt Nam ở miền đông cũng như miền tây, đó là những nguòi làm việc trong bếp, rửa chén, dọn bàn, thì rất nhiều là những người gốc Trung và Nam Mỹ.
Lý do là vì lương trả cho họ không cao lắm. Họ không đem chuyện của tiệm ra nói cho tiệm khác biết. Và họ cũng không biết mở ngay bên cạnh một tiệm khác để cạnh tranh với tiệm của chủ.
Những người này, một số tuy chưa biết hỏi bằng tiếng Việt khách dùng món gì trong thực đơn, nhưng nếu khách hỏi xin quả ớt, miếng chanh, cái ly đá thì họ làm được, mà còn làm nhanh nữa.
Một người đàn ông Mexico làm việc cho tiệm ăn gần nhà tôi, khi được khen là đẹp trai còn biết cám ơn và nói không dám hệt như một người đàn ông Bắc kỳ khách sáo.
Một người gốc Honduras làm việc cho một tiệm phở ở Virginia thì sau mấy năm, nhớ nhà, quyết định trở về nước và nhờ ông chủ tiệm chỉ bí quyết nấu phở. Ông ta về nuớc, mở một tiệm phở rất nhiều khách vì khi về nước, ông không quên mang theo một phụ nữ Việt Nam từng làm việc chung với ông ở trong bếp của tiệm phở. Hai người trở thành chủ nhân một tiệm phở duy nhất ở Honduras.
Nhưng không phải nguời di dân lậu nào cũng làm những việc như thế. Hầu hết không có nghề chuyên môn, học hành lại ít, tiếng Anh không nói được nên việc đòi hỏi sức mạnh là việc họ làm nhiều nhất.
Nhìn những người ấy, chỉ thóang qua cũng biết họ là người Trung hay Nam Mỹ đứng chờ người thuê mướn làm công việc chân tay thấy tội nghiệp hết sức. Họ sống gần cộng đồng người Việt, ăn uống theo kiểu ngưỗi Việt vừa rẻ vừa ngon. Tiệm bán bánh mì thịt nổi tiếng ở Little Saigon lúc nào cũng có những người khách như thế. Ở tiệm bán các món nấu sẵn, họ chỉ trỏ một lúc cũng mua được những món ăn chiều, đủ cả cá kho, canh cải, canh bí, canh mướp đắng, thịt kho trứng… hệt như những người đàn ông Việt Nam dở chyện nấu nướng thấy rất nhiều ở California.
Tội nghiệp, họ cũng kiếm sống hệt như những người di tản Việt Nam vậy.
Trong khi người Việt kim tuyến hột soàn lóng lánh thì những người Trung và Nam Mỹ ở trong những khu gần Little Saigon thì vẫn vất vả không biết đến bao giờ mới hết.