March 21, 2012

March 23, 2012

Ngày 19 tháng 3 năm 2012

Bạn ta,

Một ngày nào đó, chúng ta sẽ phải xin lỗi nước Lèo và người Lèo vì những cách đối xử không mấy tốt đẹp mà chúng ta dành cho quốc gia và những người bạn láng giềng này.

Chúng ta chỉ nói được có một điều tử tế duy nhất về nước Lèo, đó là cái giường của dân tộc này:

Trăng rằm mười tám trăng treo
Anh đóng giường Lèo cưới vợ Nha Trang

Câu ca dao này cho thấy giường kiểu Lèo được quí trọng lắm. Hẳn nó phải đẹp, phải tốt lắm mới được trọng như vậy. Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức cho biết đó là loại giường chạm trổ đẹp. Sửa soạn cho ngày trọng đại, người đàn ông trong ca dao đã phải đóng một cái giường Lèo thật đẹp để đón vợ về.

Giường Lèo, do đó, là loại giường hạng nhất. Chỉ những người tử tế, có cuộc sống tốt đẹp, gương mẫu (?) mới được nằm trên nó. Không tử tế, tốt đẹp thì nơi ngả lưng được chuyển ra cái chuồng heo, tệ hơn nữa thì nằm chèo queo:

Một vợ nằm giường Lèo
Hai vợ nằm chuồng heo
Ba vợ nằm chèo queo...

Ngoài chiếc giường, nước Lèo không có được bất cứ một chuyện gì tốt đẹp, và tử tế.

Nói chuyện xa xôi, hiểm trở, khó khăn, người ta đưa nước Lèo ra: Đường xa chớ ngại Ngô, Lào (tức là Lèo), như một câu trong Kiều.

Quốc gia ấy xa xôi đến độ bị khinh bỉ thậm tệ như trong câu ca dao: Thừa con mà gả cho Lào (Lèo), cho Ngô.

Trong khi những nước khác được chúng ta chiếu cố nhiều đến món ăn của họ thì nước Lèo chỉ được nhắc tới bằng một món ăn rất thiếu văn minh, món mắm ngóe: Đi xứ Lèo ăn mắm ngóe. Câu tục ngữ nghe đầy vẻ mạo hiểm và liều lĩnh ở trong. Món mắm ngóe của nước Lèo rõ ràng không được thưởng thức nhiều như các món ăn chơi lịch lãm khác: Ở nhà Tây, ăn cơm Tầu, lấy vợ Nhật, lái xe Hoa kỳ...

Thế rồi không biết từ lúc nào, dân tộc Lèo bị đổ cho cái tính không thật, gian dối, cuội, không giữ lời hứa, thiếu chữ tín. Đặc biệt là chỉ ở miền Nam, người dân nước láng giềng phía tây của chúng ta mới bị đổ cho những cái tội ghê khiếp đó. Miền Bắc thì không. Miền Bắc gọi quốc gia này là Lào. Miền Nam, tên quốc gia này là Lèo. Và dường như chỉ sau đệ nhất cộng hòa lối gán ghép, đổ oan cho dân tộc này mới xuất hiện.

Lèo được cho đồng nghĩa với xạo, thất hứa, với bậy bạ, nhảm nhí. Lèo là tĩnh từ để mô tả một danh từ, một trạng từ để bổ nghĩa cho động từ, một danh từ để thay cho Cuội, nhân vật trong cổ tích Việt Nam nổi tiếng là hay nói láo, có thể nói láo từ sáng đến tối, từ sớm mai tới chiều, không lúc nào ngưng nghỉ.

Nhất định người Lào không xấu xa và tồi tệ như thế. Có thể những điều không tốt đẹp về nước Lào là do một số lãnh tụ và những lối hành xử kỳ lạ của họ chăng? Như mấy ông Khong Le, Phoumi Nosavan, Phoumeuil (Phu Mơi?), Phouceuil (Phu Cơi?) của những năm nhiễu nhương hồi thập niên 60.

Nhưng chúng ta thì nhất định dùng tên của quốc gia này để nói về cái tính không chân thật. Khi nói một người quê quán ở Vientiane thì không nhất thiết giấy khai sinh của ông ta ghi Vientiane là nơi sinh, mà chỉ là một cách để nói ông ta là người Lèo. Mà ông ta là người Lèo thì nghĩa là ông ta nói láo thành thần, không bao giờ biết nói thật.

Hứa Lèo là hứa mà không giữ lời.

Công chúa Lèo là một phụ nữ hay hứa Lèo, hẹn Lèo.

Tuy thế, tất cả vẫn chưa ghê rợn bằng một thứ người mà một người bạn tôi đã gặp: ông ta là người Hoa, họ Hứa và sinh quán ở nước Lào. Ông ta có tên là Hứa Lèo.

Toàn là những điều bịa đặt đầy ác ý về nước Lào và dân tộc Lào. Không biết người Lào nhìn chúng ta như thế... lào?

Chẳng lẽ cứ gạt đi rằng chuyện lước Lào biết thế … lào mà lói (?) sao?


Ngày 20 tháng 3 năm 2012

Bạn ta,

Laila Ali nhất định phải làm nhiều người yếu bóng vía không dám đến gần mặc dù nhan sắc của cô ở trên mức trung bình nhiều. Bức hình ở tờ Playboy làm chứng cho điều đó.

Cô là một võ sĩ quyền Anh. Trong trận so găng đầu tiên Laila Ali chỉ mất 31 giây, cô hạ đối thủ knock out. Kể từ đó đến nay, Laila đã KO thêm bao nhiêu người khác. Đó là một thành tích rất đáng kể.

Những người không là võ sĩ chuyên nghiệp cũng đã rất đáng sợ, nói chi đến một người thắng knock out bao nhiêu trận như thế.

Chưa hết, nếu liều lĩnh không sợ Laila, thì vẫn còn một người khác trong nhà của Laila đáng sợ không kém, nếu không nói là có thể còn đáng sợ hơn như vậy. Người đó là cha cô, Muhammad Ali, cựu vô địch quyền Anh hạng nặng từng hạ hết Sonny Liston, rồi George Foreman, Leon Spink và vài ba cây đấm hạng nặng khác.

Có gia phả như vậy thì dẫu đẹp cách mấy, cũng không ai nên đến gần mới phải. Ở với nhau mà lỡ có xẩy ra chuyện gì, thì con gái xử trước, cho đo ván, đếm đến mười cũng không gượng dậy nổi, rồi tới phiên nhạc phụ đến nói phải quấy bằng đôi găng Everlast thì làm sao toàn thây được.

Cứ nghĩ như thế, thì ai chẳng tin là Laila sẽ ở vậy suốt đời, bầu bạn với đôi găng.

Nhưng thế giới vẫn có người liều lĩnh hơn chúng ta nghĩ. Một trong những người đó là Johnny McClain một huấn luyện viên quyền thuật. Johnnny McClain là chồng của Laila Ali.

Johnny McClain là huấn luyện quyền Anh, và cũng là ông bầu giàn xếp và tổ chức những trận đấu cho Laila Ali.

Như vậy thì Johnny McClain không cần phải lo ngại gì hết. Johnny McClain có thể sống đời hạnh phúc với Laila, mà không có gì đáng phải sợ trong cuộc hôn nhân đó.

Johnny McClain sẽ không bao giờ phải ấm ức vì bị vợ đánh. Johnny McClain có bị đánh, cũng không cần phải tìm cách đánh lại, khác hẳn những cặp vợ chồng Mỹ khác: không đánh lại được thì vừa ức vừa đau.

Chuyện ấy có thể giải quyết bằng cách hôm sau, đến phòng tập, cứ kiếm một sparring partner kha khá một chút để tập với Laila chẳng hạn, rồi đứng ở dưới võ đài ngó lên, và … thưởng thức trận đấu. Chỉ cần cố gắng tự chế để không vỗ tay, hay nhẩy lên hét lớn, hay ôm lấy sparring partner của Laila mà vừa hôn, vừa cám ơn ầm ỹ mỗi khi Laila bị trúng đòn là được.

Sau trận đấu tập đó, nhanh nhẹn nhẩy lên võ đài, xoa bóp, an ủi, khuyến khích Laila thì mọi chuyện sẽ đều tốt đẹp trở lại. Lòng đang sôi sục vì tức giận, sẽ nguôi thù hận lập tức.

Ngoài ra cũng còn những cách khác để kiểm soát (?) tình cảm bực bội của mình. Thí dụ đưa Laila lên New York, đến phố Tầu, kiếm mấy tay đấm bóp ở cái công viên gần đó nhờ đấm bóp hộ. Theo tôi biết, các chuyên viên đấm bóp này đều có võ cả. Họ luôn luôn nhìn ngắm để lượng định khả năng chịu đấm bóp của khách trước khi quyết định có nhận đấm bóp hay không, vì nhiều người có thể không chịu nổi. Phụ nữ kiểu như Laila Ali thì chắc phải chịu được. Chờ cho đến khi màn đấm bóp sắp bắt đầu, thì kín đáo bỏ vào túi chuyên viên đấm vài chục bạc, nheo mắt, và nói nhỏ câu tiếng Bắc kinh giả cầy: "Đả đả, đàm đàm, đả đả kinh thiên động địa... I pay you good money, you beat the hell out of that punching bag (?) for me, okay?" Trong lúc đó, có thể ghé một tiệm Tầu nào đó, kiếm một tô mì, ăn cho lại sức để ra xem đấm tiếp.

Vậy mà không được sao? Có thế mới dám đến gần Laila Ali chứ. Nhưng dù sao, Laila Ali cũng vẫn chỉ có hai quả đấm.

Cảnh ở tòa vung tay lên, rít lên qua kẽ răng rằng "luật sư của me sẽ nói chuyện với you" dễ sợ hơn hai quả đấm của Laila nhiều.


Ngày 21 tháng 3 năm 2012

Bạn ta,

Thỉnh thoảng đọc lại đống báo cũ thế mà lại hay vô cùng. Tôi mới tìm được một bản tin của tờ The New York Times cách đây cả chục năm thuật lại câu phát biểu của ứng cử viên tổng thống Cộng Hòa George W. Bush hôm lễ Lao Động ở Naperville, Illinois về Adam Clymer, một phái viên của tờ The New York Times. Bài báo tường thuật rõ ràng, đầy đủ, nguyên văn, không viết tắt hay né tránh gì hết.

Như vậy, điều ông Bush nói không có gì là tục tĩu cả. Nếu tục tĩu, thì tờ New York Times, tờ báo chủ trương in tất cả những gì có thể in được như câu châm ngôn (All the news that is fit to print) đọc được ngay ở trang đầu, đã không in những gì ông Bush, thống đốc Texas nói. Hơn nữa, trong tiếng Anh, khi nói một điều gì không thể in lên báo được -- unprintable -- thì đó phải là điều tục tĩu ghê gớm (not fit to be printed, as because of obscenity -- trang 1555, Webster's New World Dictionary Of The American Language, ấn bản 1976).

Nhưng bài báo in lại không thiếu một nét những chữ ông Bush dùng, vậy thì điều ông nói không có gì tục tĩu hết.

Ông chỉ sơ suất khi nói điều đó vào một chiếc hot mike, chiếc máy vi âm đang mở, và vì thế, tất cả những gì ông nói đều đi qua máy khuếch âm, rồi ra hệ thống loa nên mọi người đều nghe thấy, và vì đang là mùa tranh cử, mọi sơ suất như vậy đều có thể bị làm cho lớn chuyện. Có thế thôi.

Ông Bush chắc chắn đã phải có vài ba điều hậm hực về Adam Clymer của tờ The New York Times, nên khi vừa trông thấy ông nhà báo này, ông Bush liền nói với ông Cheney, ứng cử viên phó tổng thống trong liên danh Cộng Hòa rằng: "There's Adam Clymer, major league asshole from the New York Times."

Chữ mà một số người cho là nặng, là chữ "asshole." Chữ này là một danh từ lóng có nghĩa là cái lỗ mà cơ thể dùng để tống chất phế thải ra ngoài. Khi dùng nó để mô tả hay để gọi một người, thì sự khinh miệt, ghê tởm, thù ghét người đó phải lên đến mức không thể nào cao hơn được nữa.

Ông Bush lấy tay chỉ cho ông Cheney khi nhìn thấy nhà báo của tờ The New York Times và nói đại khái coi kìa, thằng cha Adam Clymer, cái lỗ to tổ chảng mà cơ thể dùng để tống chất phế thải ra ngoài của tờ The New York Times.

Vì ghét ông Adam Clymer nên chắc chắn ông không dùng những chữ văn vẻ (?) như câu tiếng Việt ở trên. Muốn trung thực, bỏ đi nét văn vẻ, thì phải nói ông Bush đã gọi ông Clymer là cái lỗ đít.

Nhưng cũng lại có thể ông Bush rất mến mộ ông Clymer thì sao?

Ở các sở, người ta hay chuyển cho nhau đọc tờ giấy kể lại vụ tranh luận của các bộ phận trong cơ thể con người về câu hỏi bộ phận nào là boss, là xếp, oai hơn, mạnh hơn, quyền uy hơn tất cả. Cuộc tranh luận chưa đi đến đâu vì bộ phận nào cũng cho mình là boss hết. Cái đầu, hai tay, hai chân, mắt, miệng... tất cả đều nhận là xếp, là boss, không bộ phận nào chịu nhượng bộ. Lên tiếng cuối cùng là cái lỗ mà cơ thể dùng để tống chất phế thải ra ngoài. Các bộ phận kia chưa nghe phát biểu đã khinh bỉ cười lớn. Cái lỗ bực quá, bèn quyết định dậy cho các bộ phận kia một bài học. Nó liền đình công, bế quan tỏa cảng, không mở cửa hoạt động. Một ngày, hai ngày, ba ngày cơ thể còn chịu được. Qua ngày thứ tư, thứ năm thì cơ thể bắt đầu nổi điên. Đến ngày thứ bẩy, thứ tám thì cơ thể khủng hoảng nặng. Ngày thứ chín, thứ mười thì cơ thể chịu hết nổi, bèn xuống nước, nhượng bộ và công nhận cái lỗ mà cơ thể dùng để tống chất phế thải ra ngoài là boss.

Vậy thì theo câu chuyện vừa kể, thì rất có thể ông Bush vô cùng quí mến ông Adam Clymer thì sao?

Thỉnh thoảng, khi lái xe ngoài đường, chính tôi cũng được gọi là asshole bởi ít nhất ba hay bốn người lái xe. Có lần một người đàn bà trẻ và xinh đẹp còn giơ ngón tay giữa lên, ngoắc ngoắc cho tôi thấy rõ làm tôi mừng muốn chết, vì cứ tưởng là được mời làm vài ba chuyện khác hào hứng hơn là những việc vẫn làm là làm thinh, làm biếng, làm bộ, làm bảnh, làm reo, làm phách, làm ẩu, làm báo, làm bậy, làm... bé, làm lớn, làm càn, làm cao, làm cha, làm dáng, làm dữ, làm điệu, làm giặc, làm khách, làm khó, làm lành, làm lẽ, làm liều, làm mai, làm mưa, làm gió, làm ngơ, làm oai, làm phúc, làm sang, làm tàng, làm tin, làm trời...

Vậy thì gọi người khác là cái lỗ đít có khi lại là một việc làm đầy ngưỡng mộ thì sao?


Ngày 22 tháng 3 năm 2012

Bạn ta,

Sau bao nhiêu năm ra vào, lui tới mỗi tuần ít nhất cũng phải dăm ba lượt với ông McDonalds, cuối cùng nhờ mấy dòng ngắn trong tờ Playboy tôi mới cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm và đỡ hậm hực đi được một chút.

Bạn coi, một bên thì cứ hamburger hoài hoài mà không thấy phía bên kia đáp lễ bằng tô bún bò để loay hoay với đôi đũa cho bên này vui, thì người dễ tính và hiền nhất cũng phải hậm hực.

Chúng tôi thưởng thức những thứ chẳng ra gì của các ông trong khi các ông không ăn thử vài ba món của chúng tôi thì các ông cũng phải để cho chúng tôi bất bình một chút chứ.

Thực ra thì thỉnh thoảng cũng có những người ở phía bên kia vào tiệm gọi tô phở, nhưng phở vẫn bị coi là món quà bình dân. Phở chưa bao giờ được đưa vào danh sách của những món của những tay ăn chơi sành sỏi. Niềm ấm ức vẫn tiếp tục là thế.

Nhưng chúng ta đã được "vô trường công tử" nhẩy ra cứu nguy, đem lại những kiêu hãnh cần thiết cho đời sống ở nước Mỹ, giúp chúng ta ngẩng mặt được lên một chút.

Đó là công của "vô trường công tử".

Nhờ đọc đoạn tin của tờ Playboy, tôi mới biết là mãi đến bây giờ người ta mới biết đến công tử, biết và trân quí, trong khi công tử đã được Lý Lạp Ông, một nhà văn Trung Hoa thuộc thế kỷ thứ 17 đề cập đến trong cuốn Nhân Tình Ngẫu Ký của ông từ mấy trăm năm nay.

Gặp "vô trường công tử " một lần, họ Lý nhớ suốt đời. Tại sao thích, yêu "vô trường công tử " thì Lý Lạp Ông không nói ra được. Duy có điều ông coi "vô trường công tử " là một thứ hết sức lạ trong trời đất. Ông để dành ra một số tiền mỗi năm để đợi tới mùa là đi kiếm mua "vô trường công tử " về cho bõ những ngày cơ cực, đến độ người nhà gọi đó là món tiền để chuộc sinh mệnh của ông. Suốt mùa, ông phải luôn luôn có "vô trường sinh mệnh" bên cạnh, không tối nào là không về với "vô trường công tử". (Xem Nhân Sinh Đích Nghệ Thuật, The Importance of Living của Lâm Ngữ Đường, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê)

"Vô trường công tử " là tên người Trung Hoa gọi con cua, loài sinh vật hình như không có ruột mà Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh cũng có ghi ở trang 563.

Tờ Playboy đã viết về một món cua của chúng ta và coi đó là một món cực kỳ văn minh, tiến bộ mà các tay ăn chơi sành điệu phải kiếm để thưởng thức.

Đó chỉ là món cua rang muối, nhưng đọc trong tờ Playboy, thì ai cũng phải nghĩ món cua này là món ăn chơi quí phái lắm.

Sharon Boorstin, người viết mấy dòng ngắn ngủi đó, đã phải nhờ đến vị giác và khứu giác mới kiếm ra mùi tỏi và vị ngọt của đường, chút bơ và phó mát Parmesan để khuyên các tay ăn chơi sành sỏi đi kiếm "vô trường công tử" cho bõ những ngày cơ cực.

Ôi tưởng gì chứ món cua rang muối thì có gì là quí phái đâu. Chúng tôi đâu có thua gì Lý Lạp Ông trong chuyện ăn cua. Chỉ không làm như họ Lý là viết những câu thảm thiết mà Lâm Ngữ Ðường trích lại như "Ôi cua, cua, cua! Đời của người và đời của ta kết liền với nhau từ lúc sinh ra cho đến lúc chết chăng!"

Nhưng có sao đâu, miễn là các tay chơi nhà quê của nước Mỹ thấy được cái đẹp, cái ngon của cua, thứ quà hạng bét của chúng ta, và coi đó là món ăn chơi cực kỳ quí phái là được rồi.

Trong khi mấy ai trong chúng ta viết được những lời lẽ tốt đẹp gần như thế về cái hamburger của McDonalds. Nhiều người vẫn nói rằng trả thù cũng hệt như thịt nguội, phải ăn lúc nguội mới ngon. Nhưng cua rang muối thì càng nóng càng ngon. Không thể nguội được.


Ngày 23 tháng 3 năm 2012

Bạn ta,

Khiêm tốn, cái đức tính mà chúng ta bị nhồi vào đầu ngay từ những năm còn rất bé, đến nay vẫn không chịu bỏ đi hay bớt bớt đi như những điều dậy dỗ khác.

Bao nhiêu năm rồi mà hễ cứ đưa cái ý của mình ra thì phải gọi nó là "ngu" (ý), hay "thiển"(ý); nói về mình, tự xưng thì là "thiểm" hay "thiệm", đề cập đến văn chương của mình thì "chuyết bút", cây bút vụng về của tôi; nhắc tới vợ thì "chuyết thê", chị vợ nhà quê thô lậu, vụng về, ấm ớ hội tề của tôi vân vân...

Cứ cái gì xấu xí, đần độn, ngốc nghếch, dở ẹc thì nhận là của mình cái đã. Bần tăng, bần đạo, bần sĩ cũng là những lối nói về mình một cách khiêm cung vậy. Hay nhận nhà mình là "nhà tôm", là tệ xá,hàn gia, trong khi gọi tôn người khách đến thăm là "rồng".

Mỗi người Việt đi ra đường, mặc dù đi bộ, ai cũng cầm theo mấy cái... ống nhún thật tốt để mà nhún nhường, mà phải là ống nhún MacPherson hạng nhất chứ không chịu hạng nhì bao giờ.

Nhưng có những lúc thái độ khiêm cung ấy cũng làm điên đầu không biết bao nhiêu người.

Cuối tuần qua, ở nhà người bạn, chúng tôi bị một người rất khiêm từ trong cách ăn nói tra tấn hành hạ trong gần nửa tiếng đồng hồ. Sau mấy câu khiêm nhượng mở đầu, ông làm ngược hẳn lại những điều khiêm tốn đó. Ông nhất định không tự xưng là một ca sĩ, ông thề sống thề chết ông không biết hát, ông quả quyết ông không hát trước đám đông bao giờ. Mọi người bắt đầu hơi tin ông, vì thấy ông quần áo kim tuyến sáng lóng lánh ghê quá, không hát thì mặc mấy thứ ấy làm gì... thì ông cất tiếng hát.

Ông hát không phải chỉ một bài để chứng minh ông không phải ca sĩ, mà ông hát liên tiếp bốn bài. Đến bài thứ tư, thì không ai còn dám vỗ tay nữa, sợ bị phục kích ở ngoài cửa, trùm poncho lên đầu đánh cho chừa cái tật hay vỗ tay làm hiểu lầm, gây ngộ nhận, tạo bực mình, phiền nhiễu cho những người khác. Chúng tôi chờ ông đi xuống rồi mới quyết định ở lại vui tiếp với chủ nhà, nhưng trong lòng vẫn nơm nớp sợ ông hát cho một trận nữa đáng đời bọn khách khứa không biết đem cái tấm thịnh tình ra yêu cầu ông hát thêm.

Ông khôn kinh khủng. Ông rào trước rằng ông không phải là ca sĩ nên nếu ông hát dở nhiều thì phải tha thứ cho ông, mà nếu ông hát dở ít, thì phải nâng đỡ ông. Nhưng đằng nào ông cũng được lên hát cho bọn khách chết với giọng ca vàng của ông.

Trò chơi của ông rất nguy hiểm. Nó có thể lan sang những sinh hoạt khác nữa thì khổ chúng ta. Thí dụ sẽ có người nói rằng không phải là thợ cưa, rồi lôi cây vĩ cầm ra kéo. Người nghe sẽ không biết phản ứng cách nào. Ông không nhận là thợ cưa. Nên ông không cưa. Ông chỉ kéo violon. Ông kéo vĩ cầm chứ ông cưa hồi nào mà đòi làm khó ông?

Người khác có thể không nhận là nhà thơ, nhưng vẫn cứ ra mắt một tập thơ, thì làm sao bắt lỗi là thơ dở như thế mà vẫn in. Hay nhất định cãi rằng không phải là nhà văn mà cứ viết truyện đăng báo. Khiêm tốn thì có đấy nhưng tại sao làm thơ, in thơ lại không nhận là nhà thơ và viết văn thì lại không nhận là nhà văn? Cứ làm như thế, thì ở tòa sẽ có người không nhận là luật sư, ở phòng mạch cầm cái ống nghe luồn vào ngực áo bệnh nhân và nói không là y sĩ có được không?

Không được.

Cầm cái micro lên sân khấu, cứ hát. Không cần cà chua mang về cho vợ nấu canh thì đừng lên hát. Không nhận là thi sĩ thì đừng in thơ để cứu lấy những cái cây trong rừng. Không nhận là nhà văn thì cứ làm con... vịt. Chứ đi như vịt, kêu như vịt thì là con vịt, không thể là nhà văn hay nhà thơ được. "He walks like a duck; quacks like a duck... He must be a duck" như bạn tôi vẫn nói.

Muốn hát, cứ lên mà hành hạ người ngồi dưới. Muốn ra mắt sách thì cứ là nhà thơ, nhà văn. Dõng dạc, đường bệ. Muốn làm Hemingway thì nên làm nhà văn. Không nên vác súng đi bắn sư tử ở Phi châu rồi nhận là giống Hemingway-nhà-văn và bắt phu khuân vác gọi mình là nhà văn như trong The Snows of Kilimanjaro...

Hemingway sống, viết và chết luôn luôn, mãi mãi là một nhà văn.

Không cần vờ vịt khiêm tốn gì hết.


Ngày 24 tháng 3 năm 2012

Bạn ta,

Bạn thấy có chán không, lúc chúng ta vừa bắt đầu biết "làm trai", thì ba chuyện cần phải biết làm để có thể được coi là con người văn học, lịch thiệp, hào hoa gần như đã hoàn toàn biến mất.

Tổ tôm, trò chơi với 120 quân bài, cần năm chân không còn ai trong hạng tuổi chúng ta biết chơi nữa. Thứ chè sản xuất ở châu Mạn Hảo thuộc tỉnh Vân Nam không tìm đâu ra được để uống. Và bản Nôm Thúy Kiều thì khó kiếm hết sức, mà nếu có kiếm ra, cũng chỉ để bầy trong tủ sách thỉnh thoảng lôi ra phủi bụi chứ mấy ai còn đọc được.

Cả ba thứ có thể làm nên con người sành sỏi không còn ở với chúng ta nữa:

Làm trai biết đánh tổ tôm
Uống chè Mạn Hảo, xem Nôm Thúy Kiều

Đứng cạnh câu ca dao tả cảnh ăn chơi ngày trước, chúng ta cù lần, nhà quê, thiếu văn hóa một cách thảm hại. Tổ tôm không biết đánh, chè Mạn Hảo không có để uống, phải uống trà Tầu trong tiệm mì và truyện Kiều thì đọc đến bản Kiều chú giải của Trần Trọng Kim đủ để đi thi tú tài là hết sức.

Chúng ta sinh sau đẻ muộn, nghe ông Tú Xương đi ăn chơi ở phố hàng Thao với ngón trống chầu bay bướm mà thèm. Bít tất tơ thì không có, giầy Gia Định như của ông Tú cũng không nốt. Làm sao mà chơi cho lịch, chơi cho đài các như Uy Viễn tướng công để đời biết tay cho được.

Đến chuyện uống thì cũng quanh đi quẩn lại mấy thứ ấm ớ: hết Heineken thì Bud, Miller hay Michelob... hay Tsing Tao, Alsace, Molson, Dominion của Tầu, Pháp, Gia Nã Đại hay Tân Tây Lan là cùng.

Chán những thứ vừa kể thì uống gì đây?

Chẳng lẽ uống nước trung tiện như tờ Playboy đã có lần giới thiệu?

Người lịch lãm, tay chơi thứ thiệt có thể vào web site: http://www.jonessoda.com/beverages/jones-sugar-free-whoopass-6-pack.html mua một thùng 6 lon giá $12.99. Loại nước này do công ty Jones Soda sản xuất, và tên của nó là Whoop Ass. Mà Whoop Ass, theo chỗ tôi hiểu, là cái trung tiện. Công ty Jones Soda gọi nó là energy drink, loại nước uống tăng cường sinh lực. Và các tay chơi sành sỏi đọc Playboy nay có một thức uống mới, nước trung tiện, vừa thanh lịch, vừa để giúp tăng cường sinh lực.

Nước trung tiện làm bằng gì, pha chế ra sao, mùi vị như thế nào, uống như thường hay khi thưởng thức phải bịt mũi? Whoop Ass có phải là loại nước hơi không? Uống loại nước này có hay ợ như khi uống các loại nước có gas khác không? Khi ợ, tiếng có bình thường không, mùi ra làm sao?

Thoạt nghe nói về loại nước uống có cái tên đó, ai mà chẳng có những thắc mắc hợp lý như thế.

Nhưng tìm hiểu để giải tỏa những thắc mắc trên, dẫu cho là hợp lý cách mấy thì cũng đành chịu. Và vì thế, chúng ta lại cứ phải tiếp tục sống một cách cù lần và buồn nản như từ bao nhiêu năm nay. Vẫn không biết đánh tổ tôm, vẫn không có chè Mạn Hảo, và xem Nôm, hay xem lông (?) Thúy Kiều như một cụ ông tôi quen đã có lần đọc cho nghe và giải thích đó là dị bản (?) của câu ca dao vẽ hình ảnh một tay tài tử hào hoa trước cụ vài ba thế hệ.

Và chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ, quê hương ruồng bỏ, lạc loài, bị khinh rẻ, muốn cho lịch lãm con người, không đánh được tổ tôm, không kiếm được chè Mạn Hảo, không xem được Nôm cũng như lông(?) Thúy Kiều, lại bị đề nghị uống nước trung tiện thì làm sao chạy theo kịp văn minh?

Uống cái gì bây giờ?


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 136)

SOME COMPOUND ADJECTIVES

Bản ghi chép lại do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 136 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 6 năm 2012.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

LÃM THÚY

Thưa anh tuần qua có một khán giả của chương trình gửi cho Thúy một bức thư nhờ hỏi anh sự khác biệt giữa A FOUR-STOREY BUILDING và A FOUR-STOREYED BUILDING là gì và tại sao lại nói A FOUR-STOREYED BUILDING, STOREYED có phải là một PAST PARTICIPLE không mà tại sao trong tự điển không thấy có động từ TO STOREY.

BBT

Cám ơn cô và bức thư đặt ra mấy câu hỏi rất thú vị. Tôi xin trả lời ngay rằng không có gì khác biệt giữa A FOUR-STOREY BUILDING và A FOUR-STOREYED BUILDING. Thứ nhất, cả hai đều có nghĩa là một tòa cao ốc (có) 4 tầng. Thứ hai, STOREYED không phải là một PAST PARTICIPLE vì không hề có một động từ nào là TO STOREY trong tiếng Anh.

Nhưng trả lời như thế có thể chưa đủ, chưa hoàn toàn thỏa mãn thắc mắc của người hỏi. Tôi muốn nhân dịp này nói thêm về một cách để tạo ra những tĩnh từ trong Anh ngữ mà chúng ta có thể làm. Đây là một trong mấy cách để tạo thêm những tĩnh từ mà chúng ta có thể dùng, đồng thời cũng để làm giầu cho kho ngữ vựng và cách nói tiếng Anh của chúng ta.

QA

QA nghĩ chữ STOREYED trong nhóm chữ A FOUR-STOREYED BUILDING nguyên là một danh từ, danh từ STOREY nghĩa là tầng (nhà) phải không thưa anh?

BBT

Đúng là như thế. Chúng ta có thể dùng ngay chính danh từ STOREY làm tĩnh từ cũng được, như trường hợp A FOUR-STOREY BUILDING. Trong nhóm chữ này, STOREY là một danh từ được dùng như một tĩnh từ. Nó đi trước danh từ BUILDING để nói thêm, để làm cho rõ nghĩa danh từ BUILDING. Đó là công việc của một tĩnh từ. Chúng ta có khá nhiều trường hợp như thế. Thí dụ HOSPITAL BED là giường bệnh viện. HOSPITAL là danh từ. Đặt trước danh từ BED, danh từ HOSPITAL cho chúng ta biết thêm về danh từ BED nên HOSPITAL là một danh từ làm công việc của một tĩnh từ. Đây là mấy thí dụ khác: PRESIDENT ELECTION là cuộc bầu cử tổng thống; HOME WORK là bài làm ở nhà; CHILD CARE là công việc giữ trẻ; KITCHEN WARES là đồ dùng trong bếp vân vân. Lãm Thúy thử đưa ra vài trường hợp khác coi.

LÃM THÚY

Thúy có thể nói LIBRARY BOOKS là sách thư viện, hay GAS PRICES là giá xăng nhớt, hay SCHOOL YEAR là năm học, hay MARKET DEMAND là nhu cầu của thị trường vân vân.

QA

QA cũng có vài thí dụ về những trường hợp đem danh từ làm tĩnh từ thí dụ GRAMMAR LESSON là bài học văn phạm, LANGUAGE CLASS là lớp học ngôn ngữ, GOVERNOR CANDIDATES là ứng cử viên tranh chức thống đốc, WAR REPORTER hay WAR CORRESPONDENT là phóng viên chiến tranh.

BBT

Trong những trường hợp như thế, các danh từ đã biến thành tĩnh từ rồi, mà tĩnh từ trong Anh ngữ thì không thay đổi cho dù trong những khi chúng mang ý nghĩa số nhiều. Thí dụ một cái sào dài 10 feet thì nói thế nào đây QA? Nhắc cô cái sào tiếng Anh gọi là POLE.

QA

Phải nói là A TEN-FOOT POLE chứ không bao giờ là A TEN-FEET POLE cả, vì danh từ FOOT đã trở thành tĩnh từ, mà tĩnh từ thì không thay đổi.

BBT

Đúng rồi. Trong Anh ngữ có một câu thỉnh thoảng chúng ta cũng nghe, nguyên văn như thế này: I WOULD NOT TOUCH A THING/ A PERSON/ A PROBLEM (vật gì hay người nào hay chuyện gì đó) WITH A TEN-FOOT POLE nghĩa là gì đây Thúy?

LÃM THÚY

Thúy nghĩ câu ấy nghĩa là tôi sẽ không đụng tới những thứ ấy cho dù bằng cái sào dài 10 feet. Nghĩa là những thứ ấy dễ sợ lắm. Tôi không dám đến gần.

BBT

Người Việt sẽ nói làm sao đây cô QA?

QA

QA nghĩ người Việt sẽ nói là không dính, không dây với hủi phải không thưa anh? Nhưng câu ấy bây giờ không nên dùng nữa vì nó xúc phạm quá đáng những người bị bệnh Hansen.

BBT

Đúng. Để tôi kể cho hai cô nghe thêm một thí dụ khác. Tôi đọc thấy trong một bản tin trên một tờ báo nọ nguyên văn như thế này: Bắt được con rắn có 8 chân ngay ở Sài Gòn. Có phải người ta mới tìm ra được một loài rắn có 8 chân không?

LÃM THÚY

Thúy nghĩ không thể có rắn 8 chân. Vẽ rắn thêm chân thì được nhưng rắn ở ngoài thiên nhiên thì không thể có chân được. Một cái cũng không có, lấy đâu ra tám cái chân.

BBT

Đúng vậy. Tôi nghĩ người dịch bản tin này đã dịch từ câu tiếng Anh có thể là AN EIGHT-FOOT SNAKE. Cũng lại là FOOT chứ không bao giờ là FEET vì FOOT được dùng như một tĩnh từ như chúng ta vừa nói ở trên. Cô QA nghĩ đáng lẽ phải dịch như thế nào mới đúng?

QA

QA nghĩ phải dịch là MỘT CON RẮN DÀI 8 BỘ (FOOT / FEET) chứ không thể dịch là CON RẮN CÓ 8 CHÂN được. FOOT / FEET có hai nghĩa vừa là BỘ vừa là CHÂN nên mới thành chuyện.

BBT

Cũng thế, chúng ta nói A FOUR-STAR GENERAL là một ông tướng 4 sao chứ không nói A FOUR-STARS GENERAL, và không nói A FIVE-STARS HOTEL , một khách sạn 5 sao mà phải nói là A FIVE-STAR HOTEL vì STAR là danh từ được dùng làm tĩnh từ nên không thay đổi khi ở số nhiều.

Bây giờ chúng ta chuyển sang một cách khác nữa để có thêm một cách để biến một danh từ thành một tĩnh từ như trong trường hợp A FOUR-STOREYED BUILDING. Trong cách này, người ta dùng một danh từ và ghép thêm cái đuôi ED vào cuối (NOUN+ED) để biến nó thành một tĩnh từ. Khi thêm cái đuôi ED vào cuối của một danh từ, danh từ đó sẽ biến thành một tĩnh từ để có nghĩa là CÓ, là WITH. Thí dụ khi nói A ONE-ARMED BANDIT thì những chữ này nghĩa là gì cô QA?

QA

Như anh vừa nói ở trên, ONE-ARMED BANDIT là một tên cướp CÓ (WITH) một tay. Nói cách khác thì phải là A BANDIT WITH ONE ARM. Danh từ ARM là cánh tay được gắn thêm ED vào cuối để có nghĩa là CÓ MỘT TAY.

BBT

Đúng rồi. Có vẻ tên cướp này ghê lắm. Nó chỉ có một tay nhưng nó cướp các nạn nhân rất dễ dàng. Cô có biết nó hành nghề ở đâu không?

LÃM THÚY

Ở Las Vegas, ở Reno phải không thưa anh? Bỏ tiền vào cái khe của máy, kéo cái cần xuống là lại mất toi mấy đồng quarters ngay thì cái máy đó không phải là những tên cướp có một tay sao anh? Nạn nhân của nó là những người đi "kéo máy" như chúng ta vẫn nói. Nó là độc thủ thảo khấu vậy.

BBT

Đúng rồi. ONE-ARMED BANDIT là tiếng lóng để gọi mấy cái SLOT MACHINE. Thế cô QA, cô gọi tướng Moshe Dyan, tướng độc nhãn của quân đội Do Thái là gì?

QA

QA nghĩ phải gọi ông ấy là THE ONE-EYED GENERAL.

Đúng thế.

BBT

Thế còn người thuận tay trái nói thế nào đây cô Thúy?

LÃM THÚY

A LEFT-HANDED PERSON.

BBT

Đúng vậy.

Sau đây là một vài thí dụ khác cũng với cách tạo thành bằng cách nối vào cuối danh từ hai chữ ED: A LOW-CEILINGED (CEILING+ED) ROOM là một căn phòng có trần thấp; A FLOWERED (FLOWER+ED) SHIRT là cái áo sơ mi có in hình hoa; A BIG-HEARTED (HEART-ED) PERSON là một người có trái tim độ lượng; A TALENTED (TALENT+ED) CHILD một đứa trẻ có thiên khiếu; A MONEYED (MONEY+ED) CANDIDATE một ứng cử viên nhiều tiền bạc như ông Mitt Romney; A WHITE-FEATHERED (FEATHER+ED) PHAESANT một con bạch trĩ; A LEMON-FLAVORED (FLAVOUR+ED) DRINK là gì QA?

QA

A LEMON-FLAVORED DRINK là nước uống có pha mùi chanh.

Thưa anh, cách ghép thêm ED vào cuối các danh từ ngoài nghĩa là CÓ, chúng còn nghĩa nào khác nữa không?

BBT

Có chứ. Cách ghép thêm ED và cuối danh từ còn có nghĩa là mặc, hay đeo trên người thí dụ A BLACK-TIED (TIE+ (E)D) DINNER là một dạ tiệc khách phải mặc lễ phục, đeo ca vát đen. STOCKINGED (STOCKING+ED) FEET là chân đi vớ. EVENING-DRESSED (DRESS+ED) GALA là một bữa tiệc khách khứa phải mặc dạ phục. A TOP-HATTED (HAT+(T)ED) COSTUME là một bộ lễ phục của đàn ông có cả mũ. WHITE-GLOVED (GLOVE+(E)D) SERVERS là những người phục vụ đeo găng tay trắng tại một dạ tiệc hay tiếp tân. CAMOUFLAGED (CAMOUGLAGE+(E)D) SOLDIERS là những người lính mặc quân phục ngụy trang; A WHITE-SUITED (SUIT+ED) INVITEE là một người khách mặc lễ phục trắng; HIGH-HEELED (HEEL+ED) SHOES là giầy cao gót; UNIFORMED (UNIFORM+ED) STAFF là nhân viên mặc đồng phục; HARD-HATTED (HAT+(T)ED) WORKER là một công nhân viên đội nón an toàn; A HELMETTED (HELMET+(T)ED) RIDER là một người đi xe mô tô đội mũ an toàn…

BBT

Cách ghép thêm ED vào cuối danh từ còn mang một nghĩa khác nữa, đó là bị ảnh hưởng bởi (AFFECTED BY). Ở Canada, một di dân đã được cho nhập cảnh thì gọi là A LANDED (LAND+ED) IMMIGRANT; một tài sản nằm trên một khu đất, không phải là vàng bạc, tiền thì gọi là LANDED (LAND+ED) PROPERTY nghĩa là bất động sản…

Một điều cần nhớ ở đây là khi chúng ta có những tĩnh từ ghép (COMPOUND ADJECTIVES) được tạo thành bởi HAI CHỮ (như A LEFT-HANDED PERSON) thì hai chữ đó cần một dấu nối (HYPHEN) ở giữa. Các COMPOUND ADJECTIVES này phải có HYPHEN nếu chúng đi trước các danh từ. Thí dụ HIGH-HEELED SHOES thì cần HYPHEN nhưng nếu đằng sau không có danh từ thì không cần dấu nối (HYPHEN) thí dụ A WELL-KNOWN WRITER nhưng THE WRITER IS WELL KNOWN không cần HYPHEN.

LÃM THÚY

Nhưng nếu quên không có dấu nói, ý nghĩa có khác lắm không thưa anh?

BBT

Khác lắm chứ. Thí dụ A ONE ARM MAN và A ONE- ARM MAN rất khác nhau. A ONE ARM MAN không có dấu nối nghĩa là một người có mang một món võ khí. A ONE-ARM MAN là người chỉ có một cánh tay.

QUỲNH ANH

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới cùng với các chương trình khác của Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc , Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.