March 7, 2012

March 9, 2012

Ngày 5 tháng 3 năm 2012

Bạn ta,

Trong những năm trung học, tôi nói dối rất dở. Thí dụ khi không làm bài tập, bị giáo sư gọi lên khám vở thì chỉ biết có một câu cả trường đã dùng nát bấy: để quên ở nhà.

Học sinh Mỹ có câu hay hơn: the dog ate my home work, bài tập làm ở nhà bị con chó ăn mất rồi. Dĩ nhiên là không ai tin, nhưng ít nhất nó cũng khá hơn câu để quên vở ở nhà. Tuy thế, dẫu cho nói thế nào thì cũng vẫn bị cho ăn hai con zéro, cuối tháng tha hồ mà giải thích với ông cụ khi trình học bạ lấy chữ ký, nếu không biết bắt chước, giả mạo chữ ký của ông cụ như những chàng trai thế hệ (?) khác.

Chó nào ăn bài tập làm ở nhà? Nhưng chó quả có ăn nhiều thứ rất lạ.

Cách đây hai hôm, trong phần tin tức buổi sáng của ABC, tin closer -- một bản tin thường có nội dung vui một chút, tạo chút "ấn tượng" cuối cùng còn lãng đãng với người nghe sau khi nghe xong tin tức --là chuyện một con chó nuốt mất chiếc nhẫn cưới mà chú rể định đeo cho cô dâu tại buổi lễ ở nhà thờ.

Con chó nuốt chiếc nhẫn thì nhiều người thấy, không thể lầm được, mà cũng không có chuyện chú rể nói dối cô dâu như khi bị giáo sư đòi xét vở bài tập.

Nhưng con chó không nhả ra, cho dù có dỗ dành cách mấy đi chăng nữa. Mà lễ cưới thì chỉ còn vài tiếng nữa sẽ diễn ra.

Chiếc nhẫn vào một đường, không thể ra cùng một đường đã dùng để đi vào. Nếu ra, chiếc nhẫn sẽ ra bằng đường khác. Mà cũng không dễ gì, muốn là ra ngay được.

Chiếc nhẫn đã ở trong dạ dầy cùng với nhiều thứ khác. Dạ dầy bóp, nghiền, nhào các thứ, tiết ra cường toan để tiêu đi. Nhưng chiếc nhẫn thì không thể tiêu hay nghiền bóp nát ra được. Nó sẽ tiến ra khỏi dạ dầy, vào ruột non, đoạn ruột luộc lên, ăn với lá húng rất ngon đó để các chất bổ dưỡng được hút ra nuôi cơ thể con chó. Lần nữa, chiếc nhẫn không bị sứt sát gì, vẫn còn nguyên viên kim cương to mà chú rể đã phải moi móc hết tiền bạc trong nhà mới mua được để đeo lên ngón tay áp út bàn tay trái của nàng. Khi không rút được gì từ cái vòng platine đó, cơ thể con chó sẽ đẩy chiếc nhẫn sang khúc ruột lớn hơn mà người ta hay nhồi mỡ, tiết, hạt tiêu, đậu phọng vào, nướng lên ăn với lá mơ, thứ lá miền Nam đặt cho cái tên hơi kỳ quái đó cùng với những thứ cặn bã khác để chờ khi chủ cột cái xích vào cổ, dẫn ra đường, lén tặng cho hàng xóm một bãi cho đáng đời thằng cha Á châu ghét chó ở sân cỏ đằng trước.

Con chó yêu quí lúc ấy hơi khuỵu chân sau xuống, mặt mũi đau khổ như ông Tố Hữu nghe tin Sít-ta-lin chết, thân run lên, và từng khúc ngắn được tống ra ngoài, rơi lăn lóc trên những lá cỏ.

Lúc ấy, chủ chiếc nhẫn mới đến bên đống cứt chó còn đang nóng hổi đó, lấy cái que, khều thật khéo, mắt không chớp, tìm cái vòng làm bằng platine và cục kim cương to có thể ném vỡ đầu con chó... Tìm thấy, lau qua cho sạch là có thể đem đeo vào tay cho nàng được.

Lý thuyết là như thế.

Nhưng để đón chiếc nhẫn chạy ra ngoài, đám cưới có thể sẽ phải hoãn lại. Mà có hoãn thì cũng không biết hoãn đến bao giờ, vì việc hoàn tất chu trình vận hành của chiếc nhẫn qua những khúc ruột ấy không thể biết là sẽ mất bao nhiêu thì giờ. Chỉ có cách phải bám sát con chó, chờ con chó rít lên, cào cửa, quíu cẳng lại đòi ra đường thì chạy theo mà thu hồi cái nhẫn.

Còn đám cưới? Đám cưới vẫn phải diễn ra đúng ngày giờ. Khách khứa xa gần đã đến, không thể hoãn lại. Thế còn cái nhẫn, vật tượng trưng cho tình yêu của chàng dành cho nàng, vẫn phải có chứ.

Và bạn biết người đàn ông nhanh trí và đầy sáng tạo đó đã làm gì để có chiếc nhẫn tại đám cưới không? Chàng nhờ người đem con chó vào bệnh viện, đặt lên bàn, dùng máy quang tuyến chụp cái bụng nó. Tấm phim cho thấy rõ chiếc nhẫn trong bụng chó. Tấm phim được đem tới nhà thờ, và khi chàng tuyên bố: with this ring, I thee wed -- với chiếc nhẫn này, tao cưới mày (theo kiểu dịch Anh Việt của người Việt tị nạn ở Mỹ), thì ring bearer, người mang chiếc nhẫn trao cho chú rể đeo vào tay cô dâu trong các lễ cưới ở đây, đưa ngay tấm phim cho cô dâu thấy... lòng thành của chú rể.

Con chó ăn mất chiếc nhẫn rồi. Bằng cớ đây. Ai mà giận được chàng.

Nhưng có điều sau khi lấy được chiếc nhẫn đeo cho nàng, có lẽ phải lâu lắm chàng mới dám hôn tay nàng, hôn ngón tay đeo nhẫn của nàng, hôn chiếc nhẫn chứng tích tình yêu của đôi ta.

Rửa cách mấy mà cứ nghĩ chuyến đi của nó từ đầu này sang đầu kia của con chó là lại thấy thoang thoảng mùi rất lạ.


Ngày 6 tháng 3 năm 2012

Bạn ta,

Ai có gọi tôi là cực đoan thì tôi xin chịu. Tôi biết tôi bị cái bệnh không chữa được mà hai câu ca dao này nói rất đúng:

Yêu ai yêu cả đường đi
Ghét ai ghét cả tông chi họ hàng

Đã ghét thì mặt đất có cái vết chân của người không ưa cũng ghét.

Ghét như đào đất đổ đi là như vậy.

Đó là dưới đất. Trên trời thì đội trời chung là không được.

Bất cộng đái thiên, không đội trời chung có thể hiểu theo hai cách. Cách mà chúng ta thưởng hiểu là hai người có những mối thù ghê gớm lắm dến độ phải giải quyết bằng cách một trong hai phải chết, phải ra đi như trong các truyện kiếm hiệp. Nhưng câu này cũng có thể hiểu được là hai bên không ưa nhau, nên đội chung một bầu trời, thở chung một thứ không khí, đạp chung một mặt đất là khó chịu, là không vui, là bực bội nhất định phải bỏ đi một nơi khác.

Hiểu theo cách thứ hai không quá sắt máu, không đòi phải giết phía bên kia. Nhưng ở gần, ở chung một bầu trời, một lãnh thổ, là chịu không được.

Alec Baldwin, một diễn viên điện ảnh Hollywood là người không ưa ông Bush. Trong lần ông Bush tranh cử nhiệm kỳ 2, Alec Baldwin có nói rằng nếu ông Bush tái đắc cử, người diễn viên này sẽ dọn đi nước khác để sống, chừng nào ông Bush không còn ở trong tòa Bạch Ốc nữa , Alec mới về.

Nhưng Alec vẫn không đi đâu cả, Alec vẫn đội trời chung với người mà chàng ghét.

Tuy thế, bề gì nước Mỹ cũng vẫn là đất nước của Alec. Có bực bội ông Bush rồi nói như vậy cũng chẳng sao. Nếu có không lánh đi một nơi khác như đã quả quyết mà tiếp tục ở lại Mỹ thì cũng chẳng có gì đáng nói.

Một số người khác cũng ghét ông Bush, ghét cả nước Mỹ như Rosie O’Donnell hay Michael Moore thì vẫn ở lại Mỹ. Cả hai nhìn đâu cũng thấy những xấu xa của nưóc Mỹ. Đến độ gần như đồng ý với loạt khủng bố 911. Nhưng họ là người Mỹ, họ ghét nước Mỹ . Tuy thế nước Mỹ là đất nước của họ. Họ có quyền ở lại. Tôi không có quyền chỉ trích họ về việc họ ghét nước Mỹ.

Tôi chỉ không hiểu thái độ của một số người mà một cuộc thăm dò mới đây cho thấy.

Những người này không như trường hợp của Rosie O’Donnell hay Michael Moore, hay Alec Baldwin , những người ra đời ở nước Mỹ, xứ sở của cha ông họ đã vài ba đời. Không ưa, thì nước Mỹ vẫn là quốc gia của họ. Họ không thể đi nơi khác được.

Nhưng có những ngưòi đến sống tại nước Mỹ, rồi quay ra ghét cay ghét đắng quốc gia này mới lạ.

Họ ghét tất cả mọi thứ, từ tôn giáo của nuớc Mỹ, ghét qua tiếng Mỹ, ghét cả người Mỹ.

Nhưng họ lại đòi đủ mọi thứ ở nước Mỹ. Đòi trường đại học phải dành cho chỗ riêng để quì đọc kinh mỗi ngày 5 lần. Không cho thì kiện. Đòi được che mặt chụp hình lấy bằng lái xe. Đòi được đội khăn trùm đầu để đi học. Không được thì hét nhắng lên là bị kỳ thị.

Một số mua võ khí, đi Afghanistan, Pakistan học khủng bố, âm mưu phá chỗ này, tấn công chỗ kia.

Có thể tôi suy nghĩ giản dị hơn. Đó là nếu đã ghét nưóc Mỹ, xã hội và con người Mỹ như thế thì tại sao không trở về những nơi cho đọc kinh mỗi ngày 5 lần, trùm khăn kín mít để khỏi khổ sở như đang sống ở cái vùng đất của bọn ngoại đạo, bọn infidel này?

Tôi thì không bao giờ trở lại cái đất có công an bịt miệng linh mục, hay không ưa ai thì bắt giam nguời ấy, đem phụ nữ bán ra nưóc ngoài, đẩy người dân đi làm mọi cho các nước.

Nhưng những người ghét Mỹ thậm tệ mà tôi vừa nhắc tới ở trên thì nếu muốn, có thể về nước của họ để sống cho tha hồ thoải mái.

Tiếp tục sống ở cái nước mà mình thù ghét, đi làm, đóng thuế để cái chính phủ này dùng tiền thuế mình đóng mua súng đạn giết anh em của mình thì coi sao tiện?

Về nước, khóa các giếng dầu lại, không chơi với bọn ngoại đạo, ra sa mạc dựng lều da dê lên sống, thỉnh thoảng mời nhau cụng ly dầu hỏa uống chơi cho lịch sự.

Tưởng tưọng một người sang nhà hàng xóm, thấy chủ nhà vặn máy lạnh cho chạy tối đa, lạnh quá liền đòi chủ nhà phải tắt máy lạnh đi cho mình khỏi lạnh thì còn việc nào vô lý bằng?
Không thích lạnh thì về nhà mở máy nóng, can cớ chi sang nhà người ta rồi bắt nguời ta ngưng chạy máy lạnh cho mình khỏi bị lạnh?

Nhưng đó lại là những điều vô lý mà nước Mỹ đang hải gánh chịu mà phần nào được nhìn thấy qua kết quả của một cuộc thăm dò những người Hồi giáo đang sống tại Hoa kỳ.

Đa số cho thấy một thái độ rất không ưa nước Mỹ. Không ưa đến độ tin là vụ 911 là do chính Hoa kỳ tạo ra, không tin là những người cướp máy bay lao xuống Trung Tâm Mậu Dịch Thế giới là người Ả Rập, và nước Mỹ là nguồn gốc của tất cả mọi tội ác xấu xa nhất của thế giới.

Tội nghiệp, tại sao phải tiếp tục sống ở cái xứ đáng ghét như vậy.


Ngày 7 tháng 3 năm 2012

Bạn ta,

Tại một tiệc cưới tháng trước, chúng tôi được nghe bài Thoi Tơ, bài hát một thân hữu của chú rể hát tặng cho tân lang và tân giai nhân, vẽ ra cảnh sống hạnh phúc mà ít người trong chúng ta có được.

Hai người trong bài hát không có những âu lo về trời gió, trời mưa, những ngại ngần, những tiếc nuối về mùa hè, mùa đông...

Đó là một cuộc sống tuyệt đẹp mà lời ca của Đức Quỳnh bầy ra cho một kết hợp lứa đôi may mắn.

Chàng thì chữ nghĩa đầy người, thơ phú rất giỏi, chữ tốt văn hay. Nàng thì có giọng hát để hát lên những lời thơ của chàng, rồi lại cứ như là Chức Nữ, con Trời, ngồi quay tơ, dệt lụa; dệt xong là chàng may áo cho cả hai người bằng đôi tay thoăn thoắt (...xong rồi ông (?) thợ khéo tay / chiếc áo thời trang đã cắt... ) như trong thơ Vũ Hoàng Chương. Thế rồi nếu thiếu tơ, nàng xe thêm... Chỉ tiếc khi hát, chữ "xe" lên hơi cao để nghe thành "xé" nên hơi kỳ một chút.

Bài hát là một ca khúc rất thích hợp cho một tiệc cưới. Nó là một ước mơ hạnh phúc, một lời chúc tốt lành cho cặp vợ chồng, nếu chúng ta không quá khó khăn và câu nệ vào vài đoạn lời ca của bài hát.

Nhưng người bạn ngồi chung bàn tối hôm ấy cứ nhất định nói rằng ông không thể là người đàn ông hạnh phúc trong bài ca. Ông không muốn hạnh phúc như thế. Hỏi mãi thì ông nói rằng cho ông việc khác thì ông làm ngay nhưng nếu cứ bắt ông cái thước vắt trên cổ, cái kéo trong tay, lấy ni tấc rồi cắt, rồi may, rồi đơm khuy, làm khuyết... thì ông không chịu. Ông thấy nó không đàn ông lắm. Ông thấy nó không oai. Ông thấy nó làm sao ấy. Đàn ông làm việc gì khác chứ không may áo cho mình và cho vợ. Ông có thể đổ rác, hút bụi, ngay cả chùi bếp hay buồng tắm, nhưng nhất định là không cắt may được. Đề nghị ông làm bếp cho nàng sau khi nàng mổ cá, đánh vẩy, ướp nước mắm, ông chỉ cần chiên nó lên, ông cũng không chịu. Đề nghị ông xào cho đĩa rau muống tỏi, hay làm đĩa trứng bắc, ông cũng không chịu nốt. Ông khẳng định là ông không nấu bếp, rằng cái bếp trong căn apartment ông đang ở là nơi sạch sẽ, gọn gàng nhất trong nhà, nơi ông chỉ... luộc nước bằng microwave để pha ly cà phê instant mỗi buổi sáng.

Nhẩm lại lời của bài hát thì tôi thấy ông có lý. Đo đo, cắt cắt thì không được. Phải không thuộc ni tấc, không biết cả "kích tùng bao rộng, vạt bao dài" như Đông Hồ Lâm Tấn Phác trong bài Mua Áo của tập Cô Gái Xuân mới là ngon. Chứ nàng hỏi kích thước, cứ nói tuồn tuột sao cũng có ngày mạng vong vì nói tầm bậy tầm bạ, bị nghi là kích thước của "đứa khác" thì chỉ có chết. Không thể cắt đo quần áo cho hai người, cho mình lẫn cho nàng được.

Vậy mà những tiệc cưới hồi gần đây, người ta rất hay được nghe bài hát này, thay cho một bài hát khác cũng có cảnh "gom mây trời anh may áo cưới..." của những đám cưới trước đây. Như vậy thì có khá gì hơn. Bài nào chàng cũng phải lo may quần áo cho nàng. Kỳ chết.

Cuối cùng, chúng tôi hỏi ông có thể làm được những gì để khỏi mang tiếng là một người đàn ông vô tích sự, thì ông không nghĩ ra được một việc gì có thể làm được để thay thế cho công việc đo, cắt, may quần áo cho vợ, để không có eo, cắt vẫn có eo, để tà búp(?), bâu tươi(?)... cho nàng diện.

Không trách ông vẫn ế sưng, ế chẩy không ma nào chịu rước đi. Chúng tôi ít nhất cũng biết đơm cái khuy áo, lên cái gấu quần để đi nhẩy đầm từ hồi còn đi học.

Nhưng có lẽ ông nói đúng, may quần áo cho vợ thì kỳ quá. Thế thì tại sao cứ hát bài Thoi Tơ hoài vậy?


Ngày 8 tháng 3 năm 2012

Bạn ta,

Có lẽ ít người làm được như Nguyễn Khuyến, lúc gần bẩy chục, ngồi xuống làm một bài thơ dặn dò con cháu không thiếu một điều gì để làm đúng theo khi qua đời. Từ đồ khâm liệm (chớ nề xấu tốt, kín chân tay đầu gót thì thôi) đến cỗ bàn, văn tế (đừng có viết văn mà đọc, trướng đối đừng gấm vóc làm chi) phúng viếng (chớ thu, chẳng qua nợ để cho người sống, chết đi rồi còn ngóng vào đâu) nhưng lại đòi rước cờ biển vua ban, thuê thợ kèn thổi hai bên, mỗi bên dăm thằng, chôn xong rưới cho một ít rượu hoa, bia đề giản dị (rằng: Quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu.)

Dặn dò, trối trăng như vậy là quá kỹ, không như bao nhiêu người khác chết không kịp trối, trong khi có biết bao nhiêu điều cần phải nói lại với người sống mà không nói kịp.

Chúc thư thì lại thường dính đến chuyện tiền bạc, tài sản, pháp lý nhiều hơn. Ai lại viết chúc thư nói như lời cà chớn của bài Lời Người Ra Đi của Trần Hoàn, người nhạc sĩ vỏn vẹn sáng tác được có hai ba bài, nhưng lại được trao cho trách nhiệm trông coi văn hóa nước ta bao giờ. Kiểu "đừng có cúng, đừng làm gà, mà có cúng, đừng mời thầy, đừng mời ai cả em ơi..." Nghe bần tiện thấy rõ.

Những dặn dò như vậy nay đã có thể làm được dễ dàng bằng dịch vụ của một công ty nhỏ ở California, công ty Final Thoughts. Công ty này nhận lưu giữ những lời dặn dò, những ý tưởng cuối cùng (final thoughts), và khi người viết qua đời, những điều dặn dò này sẽ được gửi đi bằng e-mail cho những địa chỉ đã được cung cấp từ trước. Đến nay, đã có trên mười ngàn người sử dụng dịch vụ e-mail này của Final Thoughts, mà đa số là những thành phần dưới bốn mươi tuổi.

Đây là một chi tiết đáng nói, vì xã hội Mỹ là một xã hội không chịu chấp nhận cái chết. Già thì không muốn cũng phải chấp nhận. Nhưng trẻ thì thường hay nghĩ rằng không thể nào có chuyện chết. Vậy thì tại sao đa số lại là những thành phần chưa đến bốn mươi như bài báo trong tờ LA Times mới đây cho biết? Hay cái chết vẫn được nghĩ tới, nay mới lộ ra khi những người này sử dụng dịch vụ của Final Thoughts? Mà khi những người chưa già lắm này ghi lại những dặn dò, trăng trối thì họ viết những gì? Chắc chắn không dặn dò kiểu hỏa thiêu đem tro ném xuống chân cầu Madison County như Robert Kincaid và Francesca Johnson trong tiểu thuyết dựng thành phim của Robert James Waller.

Có thể là những điều khác, như: "... Em cấm anh không được cho con mẹ T. đến nhà quàn. Em ghét cái mặt nó không chịu được. Nó mà dẫn xác đến, em trợn mắt lè lưỡi ra là nó đứng tim, nó chết ngay tại chỗ cho coi. Đám tang xong thì anh phải bán nhà đi khỏi cái xóm mình đang ở. Em không muốn anh tiếp tục sống cạnh nhà con mẹ B. nữa. Em thấy nó gian lắm. Nó thấy em đi qua là nó nhổ nước miếng xuống đất rồi quay ngoắt vào nhà, mà nó thấy anh thì nó cười ngỏn ngoẻn nhe răng ngựa ra trong khi em thì có làm gì nó đâu. Sau ba năm, anh muốn lấy ai thì lấy, em không cấm, nhưng anh không được lấy con mẹ N., con mẹ L., con mẹ C. Anh mà lấy một trong mấy con mẹ này thì em hiện hồn về em bóp cổ anh, em xé xác mấy con voi dầy ngựa xé này ra chứ đừng có mà trêu ngươi em. Quần áo của em, anh đem cho Salvation Army, cấm không được cho mấy con chằng ăn trăn quấn ấy đụng tới. Nữ trang thì đeo hết cho em rồi hãy chôn. Cái hộp bích qui em cất trong garage, dưới mấy thùng bột giặt, bọc bằng bao plastic thì mang đốt đi cho em. Cấm anh không được mở ra coi. Anh mà không nghe lời em, đêm em hiện về em lấy dây điện em xiết cổ anh. Trong ấy chỉ có đống hình và thư của mấy con đĩ bạn anh thôi. Không cần phải xem nữa. Ảnh chúng nó bị vẽ râu và chọc mắt rồi thì xem làm gì nữa. Luôn cả quyển sổ điện thoại mà anh tưởng mất, đi kiếm cả tháng không ra hồi đó nữa. Chúng nó ở trong đó hết. Hơn nữa, mấy con đĩ ngựa ấy cũng đâu còn ở những số điện thoại cũ nữa mà kiếm. Bây giờ em đã ra đi, anh muốn làm gì với những đứa khác thì làm, em không biết thì không sao, nhưng cấm anh không được lạng quạng trở lại với mấy con đĩ ngựa kia. Em nghĩ tới chúng nó mà vẫn còn lộn ruột. Có đứa dám gọi em là sư tử trong thư viết cho anh mà em bắt được. Chúng nó hỗn như thế sao chịu được. Anh phải nghe lời em: chủ nhật phải ra thăm mộ em, đi một mình, không được hẹn hò đứa nào trong ngày hôm ấy. Có đi chơi với con nào thì cấm không được đeo mấy cái ca vát em mua cho, mấy cái sơ mi, giầy, jacket em chọn cho anh hồi em còn sống. Em thiêng lắm, nói cho anh biết trước. Đừng có chọc em cho em điên tiết lên, nghe chửa..."

Tưởng tượng người còn sống mà nhận được những cái e-mail như thế thì sống làm gì cho mệt.


Ngày 9 tháng 3 năm 2012

Bạn ta,

Bạn có thấy là ở Mỹ, càng ngày càng nhiều chó, mèo được đặt cho những cái tên thường trước đây chỉ dành cho người không?

Những Max, Belle, Ginger, Walter, Sam càng ngày càng thấy nhiều hơn ở chó và mèo. Nhưng cũng không phải là chỉ có chó và mèo mới được đặt cho những cái tên người như vậy, mà luôn cả những đồ vật -- những thứ không thể gọi thì "dạ" hay "vâng" rồi chạy lại -- cũng được đặt cho những cái tên rất người. Robert Kincaid trong The Bridges Of Madison County của Robert James Waller đặt cho cái pick-up của chàng một cái tên rất không có vẻ pick-up chút nào khiến cho khi đọc cuốn sách này lần đầu, độc giả lơ đãng có thể không hiểu tại sao chàng lại mua cái máy mới gắn cho... ông bạn (?) của chàng để ông bạn chạy cho khỏe nữa.

Những chuyện như thế, khi chưa quen thì thấy kỳ cục, quen rồi thì thấy cũng không sao cả, có khi còn thấy có lý nữa là khác.

Thí dụ cái tên Sue mà người ta đặt cho khủng long Tyrannosaurus Rex đang được trưng bầy tại viện bảo tàng lịch sử thiên nhiên Field ở Chicago chẳng hạn.

Đó là một cái tên thật ngắn, thật gọn và thật dễ nhớ đối với những người trí nhớ đang dần dần bỏ đi như tôi. Không cần phải La Tinh dài dòng văn tự, Tyrannosaurus Rex, mà cũng chẳng còn cần phải viết tắt cho ngắn lại là T-Rex nữa. Cứ Sue là đủ.

Tôi thích cái tên Sue này từ vài chục năm nay, từ hồi còn đi học, khi căn nhà tôi ở trọ chỉ cách nhà nàng có một cái giậu holly ( tức là cây ô rô) xanh rờn. Sáng sáng Susan House ngồi xe bố chở đi học thì đúng là Mán: Xu hào (Sue House) rủng rỉnh Mán ngồi xe... như ông Tú Vị Xuyên cũng đã có lần "gặp" nàng.

Bạn phải đồng ý là người đầu tiên đến với chúng ta bằng một cái tên nào đó, thì từ đó trở đi về sau, những người khác không thể mang cái tên ấy mà không gợi lại cho chúng ta người đầu tiên (mang cái tên mà chúng ta đã quen) đó. Không một ai được quyền có cái tên đó nữa, nếu không là Sue ở trường Princess Margaret của tôi. Nói chi đến một chị (?) nhan sắc nản chí bầu cua như Sue ở Chicago.

Sue... mới này sống cách đây 65 triệu năm trước, cao 4 mét, dài 13 mét, đo từ đầu mũi đến đuôi. Răng của Sue to bằng cái chân người, khi đói, nàng gặp thứ nhỏ nhắn như bạn, thì chỉ một miếng, có khi còn không bõ dính răng. Và nàng được đặt cho cái tên Sue, cái tên tóc rất vàng, và chân rất dài, thích nhẩy Bossa Nova mà tôi quen hồi ấy. Ngó nàng thì thấy không giống Sue của tôi bao nhiêu. Giận hết sức.

Có điều kỳ cục là Sue mới -- Tyrannosaurus Rex -- mang cái tên rất đàn bà ấy nhưng cho đến nay, các khoa học gia, các nhà cổ sinh vật học vẫn chưa biết khủng long Sue là khủng long đàn bà hay đàn ông nữa mặc dầu bộ xương đào được ở North Dakota là bộ xương hóa thạch đầy đủ và toàn vẹn nhất từ trước tới nay. Tại nơi đào được bộ xương, người ta không thấy có những bịch silicone nên không thể nói chắc đó là một khủng long đàn bà, từng ra vào các thẩm mỹ viện của các madam ở California mỗi năm vài ba lần để căng (da mặt) kéo (da bụng), bơm (vú) hút (mỡ). Cũng không thấy có những thùng bia lăn lóc bên cạnh để biết đó là khủng long đàn ông. Loài đẻ trứng không cần những cái xương chậu nở nên khủng long nam nữ đều... coi chung như tử vi trên các báo. Càng khó cho việc xác định phái tính của khủng long T-Rex.

Thế thì tại sao lại... Sue? Người ta giải thích rằng khủng long được đặt cho cái tên đó là vì người tìm ra bộ xương là Sue Hendrickson. Cho Sue nọ (Sue Hendrickson) tìm thấy Sue kia (Tyrannosaurus Rex) là hợp lý. Nhưng chưa biết khủng long là đàn bà hay đàn ông, tại sao lại dùng tên phụ nữ đặt cho nó? Tại sao không là Sam, để nếu là đàn ông, thì là Samuel, là đàn bà, là Samantha có... hàng hai mà lại còn an toàn hơn không?

Hay là dựa trên tính tình của loài khủng long Tyrannosaurus Rex, nói chung, là hung dữ, ác, độc, ăn sống nuốt tươi không tha cái gì hết, nói nhiều, cãi chầy cãi cối, nấu hủ tiếu thường cũng thành hủ tiếu "dai", nấu rau muống cũng thành rau "đay", chiên khoai cũng thành khoai "nghiền" mà đi đến kết luận là phải đặt cho bộ xương một cái tên đàn bà?

Cái đó, chỉ có toán khoa học gia đào bới được bộ xương hóa thạch của khủng long Tyrannosaurus Rex mới nói được. Nhã Ca, trong một truyện dài viết sau năm 1975 cũng nhận mình là khủng long.

Không biết tại sao nữa. Cũng không biết tại sao nhiều phụ nữ bị gọi lén là khủng long. Hay đổi qua, gọi tất cả các khủng long móng đỏ, nước hoa thơm lừng là... Sue hết cho tiện?


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 134)

POLITE ENGLISH

Bản ghi chép lại do Trúc Giang thực hiện. Bài học số 134 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 5 năm 2012.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

TRÚC GIANG

Thưa chú, hai đứa con lớn của cháu mấy hôm nay lại bầy đặt có một lối ăn nói mới. Cháu không biết con chị nói cái gì mà cứ bị con em sửa, bắt phải nói lại, thế là con chị cứ WOULD LIKE thế này, WOULD LIKE thế kia. Mấy tháng trước hai đứa có ăn nói như thế đâu. Như vậy là sao vậy thưa chú? Tự nhiên hai đứa đổi hẳn cách ăn nói nghe kỳ ghê vậy đó.

BBT

Cô nên lấy đó làm vui thì hơn. Tôi chắc ở trường, thầy cô mới dậy cách ăn nói cho lễ phép nên nó về nhà sửa lưng, bắt bẻ con chị chứ gì. Cô nên mừng vì con gái cô được dậy cho ăn nói lễ phép thay vì cứ I WANT cái này, I WANT cái kia như khi còn ở nhà với mẹ hồi chưa đi học. Nói vậy không phải là tôi chê cô không dậy các con ăn nói lễ phép, mà vì cha mẹ nhiều khi quá bận nên không có thì giờ đem chuyện đó ra nói và dậy con thôi. Hơn nữa, chúng nó nghe cô giáo và thầy giáo và học ở bạn bè nhiều hơn là học ở mẹ.

QA

Như vậy có phải là cha mẹ chúng, như QA và Trúc Giang không biết dậy con ăn nói lễ phép sao, thưa anh?

BBT

Không đúng. Hai cô chắc chắn đã dậy chúng đi thưa về trình, ăn nói lễ phép với ông bà, cha mẹ bằng tiếng Việt rồi đấy chứ. Nhưng có thể tiếng Anh thì chưa. Hai cô biết là ở Mỹ cũng phải có những chương trình chuyên dậy cho trẻ con cách ăn cách nói sao cho đúng phép lịch sự và lễ phép để dùng trong những lúc ra ngoài. Người Mỹ mà còn như vậy huống chi chúng ta là người sử dụng tiếng của họ. Có một phụ nữ chỉ chuyên nói chuyện về phép lịch sự, bà là người thẩm quyền nhất về những cách ăn nói, hành xử sao cho đúng phép và lịch sự, cho cả người lớn nữa. Đó là Emily Post. Bà qua đời từ năm 1960 nhưng những cuốn sách bà viết về phép tắc lịch sự vẫn còn được dùng cho đến ngày nay. Trên nhiều tờ báo còn có mục ASK MISS MANNERS để độc giả hỏi và được giải đáp về phép lịch sự. Trong đó có cả cách ăn nói. Học ăn , học nói, học gói, học mở là như vậy.

TRÚC GIANG

Trở lại với chuyện mấy đứa con của cháu thì như vậy không nên nói I WANT hay sao chú?

BBT

Khi mới học tiếng Anh, chúng ta được dậy những câu, những chữ dễ và giản dị. Qua khỏi giai đoạn đó, chúng ta từ từ được dậy cách ăn nói sao cho lịch sự như trường hợp các con của cô ở trường vậy. Để cho dễ nghe hơn, lịch sự hơn, chúng ta tránh dùng động từ WANT, nghe có vẻ đòi hỏi, ra lệnh quá. Thay vì I WANT COFFEE, người ta thay thế WANT bằng WOULD LIKE để thành I WOULD LIKE SOME COFFEE nghe nhẹ nhàng, lịch sự hơn. Cũng lại còn tùy vào giọng nói nữa, chính cái INTONATION cũng có thể làm cho câu I WANT… nghe nhẹ đi nhiều. Nhưng I WOULD LIKE thì nhất định là nhẹ hơn, dễ nghe hơn, dễ lọt tai hơn, dẫu cho INTONATION, lên giọng, xuống giọng như thế nào cũng thế.

QA

Thưa anh, vậy thì chúng ta nên bỏ luôn động từ WANT trong khi nói chuyện hay sao?

BBT

Không hẳn thế. Chỉ khi người ta muốn lịch sự, bớt vẻ hoạnh họe, ra lệnh, đòi hỏi thì mới bỏ WANT để thay thế bằng WOULD LIKE mà thôi. Thực ra, người ta vẫn dùng WANT được, nhưng đi trước nó là WOULD thì nghe cũng nhẹ đi, lịch sự hẳn ra, không khác gì WOULD LIKE . Thí dụ I WOULD WANT MORE SUGAR WITH MY COFFEE thì cũng không khác gì I WOULD LIKE MORE SUGAR IN MY COFFEE.

TRÚC GIANG

Bây giờ cháu mới thấy khi nói WHAT DO YOU WANT? nghe đầy vẻ gây sự hơn là WHAT WOULD YOU LIKE… và WHAT WOULD YOU WANT…

BBT

Đúng vậy. WOULD LIKE và WOULD WANT khi dùng trong thể hỏi thì nghe như một lời đề nghị hơn là một lời hạch sách hay một lời đòi hỏi, ra lệnh. Có điều là trong cách nói lễ phép này thì gần như bao giờ cũng là những câu hỏi. Tuy là những câu hỏi nhưng lại là những đề nghị, những ý kiến, những gợi ý. Khi nói OPEN THE DOOR thì đó là một mệnh lệnh. Nhưng khi nói WOULD YOU (LIKE TO) OPEN THE DOOR? thì lại là một lời yêu cầu, một lời thỉnh cầu, một đề nghị.

QA

QA còn nghe một động từ khác cũng được dùng trong những câu như vậy. QA nhớ đó là động từ TO MIND thì phải.

BBT

Đúng vậy. Động từ TO MIND là một động từ chúng ta cũng nên biết. TO MIND là để ý, là coi chừng… thí dụ như TO MIND THE BABY là coi em bé, TO MIND THE STORE trông coi cửa hàng… Nhưng MIND YOUR HEAD thì lại không phải là để ý đến chuyện suy nghĩ, đầu óc của mình mà là coi chừng đụng đầu như những tấm bảng ở cạnh những cái cửa thấp tại một vài ngôi đền ở Nhật. MIND YOUR P’S AND Q’S có nhiều cách giải thích khác nhau đại khái là coi chừng, để ý đến các chi tiết, hãy hành động một cách tử tế, lịch sự… MIND YOUR BUSINESS, nói tắt là MYB nghĩa là hãy lo, hãy để ý đến chuyện của mình, đừng xía vào chuyện người khác. TO MIND còn có nghĩa là quan tâm, coi trọng một chuyện gì đó. MIND YOUR MANNERS chẳng hạn là hãy lễ phép, coi chừng lời ăn tiếng nói, giữ lịch sự. Trong những câu phủ định thì TO MIND lại có nghĩa là không để ý, không lý gì tới, không coi là quan trọng.

PLEASE DON’T MIND HIS TALKING / THE BOY’S CRYING / THAT MAN’S BRAGGING… hay trong những câu như I DON’T MIND WAITING / TALKING TO HIM / PAYING A BIT MORE / DRIVING IN THE SNOW… là không phiền, không lấy làm buồn phải đợi, phải nói chuyện với ông ấy, phải trả thêm chút ít, phải lái xe dưới trời tuyết. Trúc Giang cho nghe mấy thí dụ coi. Sau TO MIND nhớ dùng danh từ (NOUN) hay danh động từ tạo thành bởi VERB+ING tức là GERUND.

TRÚC GIANG

WE DON’T MIND SHARING THE HOUSE WITH HIM.

THEY DON’T MIND LETTING HER USE THE PHONE.

QA

QA cũng xin thêm hai thí dụ: MY DAUGHTER DOESN’T MIND COOKING FOR THE FAMILY DURING THE WEEKEND. MISTER WILLIAMSON DID NOT MIND SPEAKING TO US SLOWLY IN ENGLISH WHEN WE FIRST CAME.

BBT

Bây giờ chúng ta nói về cách dùng của TO MIND trong những câu nói lễ phép. Trong những trường hợp này, chúng ta dùng động từ TO MIND trong thể hỏi. Khi đó, câu chúng ta dùng có nghĩa là ông, bà có phiền không nếu tôi mở cửa, bật đèn, có một thắc mắc … trong tiếng Anh sẽ là WOULD (DO) YOU MIND ME OPENING THE DOOR? (HIM) TURNING ON THE LIGHT? (US) HAVING A QUESTION? Trúc Giang và QA cho nghe thí dụ của các cô coi.

TRÚC GIANG

WOULD YOU MIND THEM SMOKING INSIDE THE HOUSE? WOULD YOU MIND HER COMING A BIT LATE?

QA

WOULD THEY MIND HER PLAYING THE STEREO THAT LOUD? WOULD HE MIND US COOKING WITH NƯỚC MẮM IN THE KITCHEN?

BBT

Rồi, bây giờ qua những câu với TO MIND để xin phép. Chúng ta sẽ thấy cách dùng này giống hệt như cách chúng ta nói trong tiếng Việt: "Phiền ông làm cái gì đó …" WOULD YOU MIND CLOSING THE DOOR? WOULD YOU MIND SAYING THAT AGAIN? Trúc Giang cho nghe hai câu của cô, rồi đến lượt QA.

TRÚC GIANG

WOULD YOU MIND EXPLAINING THIS NEW WORD?

WOULD YOU MIND SPEAKING A LITTLE BIT LOUDER?

QA

WOULD YOU MIND MOVING THE CAR JUST A LITTLE BIT?

WOULD YOU MIND LETTING ME GET OUT?

BBT

Bây giờ đến cách trả lời những câu xin phép hay yêu cầu như ở trên.

Khi được hỏi MAY I SIT DOWN? mà chúng ta đồng ý để cho người hỏi ngồi xuống thì Trúc Giang trả lời thế nào?

TRÚC GIANG

YES, OF COURSE… YES, CERTAINLY… YES, SURE.

BBT

Thế QA sẽ trả lời thế nào nếu có người đến xin ngồi xuống cùng bàn với cô, như trong cafeteria của trường chẳng hạn: WOULD YOU MIND ME SITTING HERE WITH YOU?

QA

Thì QA cũng nói như Trúc Giang YES , OF COURSE…YES, CERTAINLY…YES, SURE…

BBT

Trả lời như thế thì chắc chắn người sinh viên kia sẽ mang khay thức ăn lunch cao chạy xa bay ngay lập tức, khôn hồn thì đi chỗ khác kiếm chỗ mà ngồi.

QA

Tại sao vậy thưa anh?

BBT

WOULD YOU MIND ME SITTING HERE ? nghĩa là cô, bà có phiền chuyện tôi ngồi xuống cùng bàn với cô, bà không? Trả lời như QA thì nghĩa là có, dĩ nhiên, chắc chắn là tôi phiền lắm đấy. Trả lời như thế thì ai còn dám ngồi xuống nữa!

QA

Vậy thì QA phải trả lời thế nào?

BBT

Nếu muốn người sinh viên kia ngồi xuống bàn với cô thì cô phải nói là NO, OF COURSE NOT… CERTAINLY NOT AT ALL... như thế mới có nghĩa là tôi không phiền chút nào hết. Nhưng muốn chắc ăn, cho dù được hỏi là MAY I SIT HERE? hay WOULD YOU MIND ME SITTING HERE? thì cứ nói thế này: PLEASE SIT DOWN hay PLEASE DO SIT DOWN là không còn ai hiểu lầm lòng hiếu khách của cô nữa.

TRÚC GIANG

Cám on chú. Cháu hỏi có một câu mà chú dẫn đi xa quá là xa. Vậy nhân đây, xin chú giảng cho mấy idiom với MIND mà cháu tin là phải có khá nhiều.

BBT

Đúng là như thế nhưng tôi sẽ không thể nói hết được các idiom với MIND đâu. Tôi sẽ chỉ đưa ra vài ba idiom thường gặp mà thôi. Lý do là vì thì giờ không cho phép.

Trước hết là MIND YOU. Đây là một câu dùng để cảnh cáo, nhắc người nghe về một chuyện nào đó. Chúng ta dùng nó ở đầu câu để làm người nghe phải chú ý, phải lắng tai nghe. Thí dụ MIND YOU, SHE IS NOT EASY TO TALK TO nghĩa là coi chừng nhé, bà ấy không phải là người dễ nói chuyện đâu. QA có thể cho nghe hai thí dụ với MIND YOU coi.

QA

MIND YOU, THE EXAM IS NEXT WEEK!

MIND YOU, THE CAR NEEDS SERVICE AND OIL CHANGE.

TRÚC GIANG

MIND YOU, THE KIDS NEED VACCINATION VERY SOON.

MIND YOU, THIS MEDICINE IS OUT OF DATE.

BBT

Mấy idiom khác thì khá dễ đoán. Đố Trúc Giang câu này nghĩa là gì: WHAT IS ON YOUR MIND?

TRÚC GIANG

WHAT IS ON YOUR MIND? nghĩa là ông đang nghĩ gì vậy?

BBT

HE IS NOT IN HIS RIGHT MIND là gì QA?

QA

HE IS NOT IN HIS RIGHT MIND nghĩa là ông ấy không thể suy nghĩa một cách bình thường. Ông ấy hơi điên phải không thưa anh?

BBT

Đúng thế. Trúc Giang hiểu câu này như thế nào? YOU HAVE TO MAKE UP YOUR MIND QUICKLY.

TRÚC GIANG

YOU HAVE TO MAKE UP YOUR MIND QUICKLY là câu mà cháu phải nói với mấy đứa con mỗi khi đưa chúng nó đi McDonalds… cứ hết thích Big Mac rồi lại đổi qua quarter pounder … tụi bay phải quyết định nhanh lên.

BBT

OUT OF SIGHT, OUT OF MIND là gì QA?

QA

Ra ngoài tầm mắt thì cũng ra ngoài đầu óc. Xa mặt cách lòng chăng thưa thầy?

BBT

Đúng vậy. Trúc Giang dịch thử câu này sang tiếng Việt coi có hiểu đúng không: AFTER SHE LEFT, HE ALMOST LOST HIS MIND .

TRÚC GIANG

Sau khi cô ấy bỏ đi, anh ấy gần như phát điên luôn.

BBT

QA hiểu câu này thế nào: HE HAS A ONE TRACK MIND?

QA

QA hiểu câu ấy là anh ta có lối suy nghĩ một chiều, lúc nào cũng chỉ nghĩ tới có một thứ, thí dụ như tiền bạc mà thôi.

BBT

Thế còn NEVER MIND là gì đây Trúc Giang?

TRÚC GIANG

NEVER MIND là đừng có để ý tới chuyện đó, đừng coi nó là quan trọng, quên đi…

BBT

OKAY… NEVER MIND…

QUỲNH ANH

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới cùng với các chương trình khác của Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc , Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.