LẠI TIẾNG VIỆT Ở HẢI NGOẠI
Tờ Herald Sun, một
nhật báo ở Melbourne, trong số phát hành đề ngày 22 tháng 2 vừa qua cho biết
trên các chuyến xe điện chạy giữa các trạm Victoria Gardens và St Kilda tức là
trên tuyến 12, và tuyến 109 chạy giữa ga Box Hill và Port Melbourne, kể từ tuần
trước, tiếng Việt đã được dùng trong các thông báo gắn trên các toa xe. Tuyến
đường này chạy ngang qua khu Abbotsford, một khu có đông đảo người Việt sinh
sống mà theo một tài liệu, thì cứ 10 người dân sinh sống ở đó thì có 1 người
Việt. Đây là một tỉ số rất lớn.
Phải như bản tin này
được đọc thấy trên báo trước năm 1975 khi chúng tôi còn đang du học ở Úc, Tân
Tây Lan thèm nói, thèm đọc tiếng Việt, thèm nghe tiếng Việt, thèm gặp người Việt,
thuở xa quê hương nhớ mẹ hiền... thì chúng tôi đã mừng vui biết là bao. Nhưng
hôm nay, đọc bản tin này tôi giật bắn mình lên, vừa hoảng hốt, vừa lo sợ. Tôi
nghĩ đến những tấm bảng viết bằng tiếng Việt ở Thái, ở Đài Loan, Hàn quốc, ở
Nhật... với nội dung mang đầy nét nhục mạ người Việt. Nhẹ thì nhắc khi ăn buffet
đừng lấy quá nhiều, ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu, đừng xả rác, khạc nhổ, nặng thì
cảnh cáo máy thu hình chống trộm cắp đang hoạt động, tội ăn cắp sẽ bị nghiêm trị.
Nặng hơn nữa thì nói thẳng người Việt hay ăn cắp trong siêu thị như tại một cửa
tiệm ở Đài Loan. Tất cả đều được viết bằng tiếng Việt, bằng thứ chữ (quốc ngữ)
do cố Alexandre de Rhodes góp công sáng chế và được các ông Phạm Quỳnh, Nguyễn
Văn Vĩnh, Tản Đà... nâng niu gìn giữ.
Chao ơi là thảm
thương cho cái tiếng Việt, "chữ quốc ngữ, chữ nước ta, con cái nhà đều phải
học, miệng thì đọc, tai thì nghe..." Cái tiếng Việt mà các cảnh sát viên
Nhật ở thị trấn Yoshikawa và Saitama phải phái người sang tận Việt Nam để học,
nhưng không phải là để đọc và thưởng thức văn chương của Đoàn thị Điểm, Cao Bá
Quát, Trần Tế Xương, Nguyễn Công Trứ, Phan Huy Vịnh, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng...
mà là để thông dịch trong những cuộc điều tra những vụ trộm cắp mà những người
Việt chiếm đa số những vụ phạm pháp ở Nhật hiện nay. Theo báo chí, trong số
1197 vụ trộm cắp ở Nhật trong năm qua thì có 814 là do người Việt phạm phải, tức
là 68%.
Hỡi ơi, hình ảnh tốt
đẹp mà các cụ Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, Cường Để... trong phong trào Đông du
trước đây, rồi mấy thế hệ du học sinh Việt Nam tạo được trong lòng người dân
Nhật trong những năm 50, 60 và 70 đã trở nên tồi tệ như vậy rồi sao?
Tôi hốt hoảng và lo
sợ, nghĩ là những tấm bảng trên những toa xe điện ở Melbourne nội dung cũng như
những tấm bảng ở Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan... thì đau biết là bao
nhiêu.
Tưởng tượng trên
những toa xe điện, xe bus ấy xuất hiện những tấm bảng song ngữ Anh Việt nhắc nhở
các hành khách một số chuyện mà người ta không thấy ở một ngôn ngữ nào khác thì
chúng ta thấy thế nào? Không bằng tiếng Tây Ban Nha, không bằng tiếng Hàn, không
bằng tiếng Nhật, không bằng tiếng Hoa... tất cả đều là những tiếng được rất
nhiều người sử dụng.
Đó là những câu tiếng
Việt như thế nào?
Những câu hỏi thăm
đường tôi viết cho mẹ tôi hồi năm 1976 trong những tấm flashcards để mỗi khi ra
đường ở Canada khỏi phải nói tiếng Anh bằng phương pháp... Trần Ra Hiệu?
Hay là những tấm bảng
nội dung làm tởn hồn cả những người lăn lộn khắp ngang cùng ngõ hẻm của Sài Gòn
năm xưa?
Thí dụ đừng xả rác,
đừng khạc nhổ, đừng phóng uế, đừng nói to, đừng nói chuyện về Việt Nam kiếm mối
đem bạch phiến trở lại Úc kiếm tí tiền du lịch, buôn bán ma túy để đầu độc thanh
niên Úc trả ơn cho quốc gia này đã cưu mang những người đến Úc tị nạn... biết
bao nhiêu điều có thể viết trên những tấm bảng gắn trên những tấm biển gắn trên
những toa xe điện và xe bus ở Melbourne.
Ở khu town house tôi
ở có một tấm bảng viết bằng tiếng Việt cảnh cáo đừng đem những chiếc shopping
carts vào trong khu. Đọc những dòng chữ Viêt đó là thấy máu sôi lên. Tại sao
không là những dòng chữ viết bằng tiếng Tây Ban Nha mà phải bằng "tiếng nước
tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi "?
Tôi chưa đọc được
những tấm bảng trên những toa xe điện ở Melbourne nhưng vẫn mong nội dung của nó
chỉ là để chỉ đường, lên xuống các ga, ấm ớ như mấy câu tôi viết cho mẹ tôi ở
Toronto hồi mấy chục năm trước.
Chứ nếu không thì,,, đau lòng cò con lắm!
CHẾT / QUA ĐỜI / QUÁ VÃNG / MẤT...
Tối thứ tư (2/3/2016)
rạng ngày thứ năm khoảng gần 2 giờ sáng tôi còn thức, đang ngồi một mình với một
chai Châteauneuf du Pape, không biết làm gì, bèn mở e-mail ra, thì đọc được lời
nhắn của một người bạn vỏn vẹn mấy chữ : "NNBích chết rồi, trên chuyến bay đi
Manila."
Chỉ có thế. Phải đợi
tới hôm sau tôi mới có được những chi tiết khác về sự ra đi của Bích.
Tôi hơi ngạc nhiên
nghĩ tại sao người nhắn lại cộc lốc thế. Một cái tin về một người mà cả hai
chúng tôi đều rất thân và yêu mến, mà chỉ mấy chữ như vậy thôi sao. Ít ra thì
cũng vài ba chi tiết khác cho cái tin khủng khiếp và quá đột ngột ấy nhẹ đi phần
nào chứ. Chẳng hạn cũng phải cho biết nguyên do làm Bích qua đời, bên cạnh có ai
không, sự ra đi có yên lành, thanh thản, nhẹ nhàng không... Nhưng thực ra, điều
làm cho tôi "sốc" nhiều hơn hết, là chữ "chết" trong cái tin nhắn. Tôi nghĩ chữ
"chết" nặng quá, vô tình quá, lạnh nhạt, dữ dội quá. Tại sao lại không là một
chữ khác? Không là những chữ dành cho vua chúa ngày trước như "thăng hà" hay "băng
hà" đã đành. Nhưng thiếu gì những cách nói, những chữ khác hơn là chữ "chết" để
có thể dùng cho sự ra đi của một người mà chúng tôi rất thân như Nguyễn Ngọc
Bích, một người chúng tôi yêu quí từ gần nửa thế kỷ nay?
Tại sao không là "mãn
phần", "ra đi", "quá vãng"...và hàng chục chữ khác để nói về chuyện Bích không
còn ở với chúng tôi nữa. Nhưng khi tôi thử dùng những chữ ấy thay thế cho chữ "chết"
trong câu nhắn qua e-mail của bạn tôi để thông báo về chuyện Bích không còn ở
với chúng tôi nữa thì tôi thấy... "không được" như cách nói của Mai Thảo khi ông
còn sống.
Đúng vậy, không thể
dùng những chữ nghĩa lạnh tanh đó để nói về sự vắng mặt rồi sẽ là mãi mãi của
Nguyễn Ngọc Bích.
Người đàn ông luôn
luôn với với một nụ cười, một ánh mắt lạc quan suốt bằng ấy năm mà tôi biết ông,
từ năm 1972 cho đến nay, ở Sài Gòn rồi qua Virginia, và cuối cùng trong những
năm một người ở Virginia, một người ở California... lúc nào cũng nhiệt tình, trẻ
trung, vui vẻ như hồi còn ở Princeton, Columbia, Georgetown, George Mason... nơi
chàng đi học trong những năm 50, 60, 70.
Nói Nguyễn Ngọc Bích
"quá vãng"... "mãn phần "... nghe không ổn chút nào. Nghe không... thân tình
chút nào. Ai lại nói Bích "quá vãng" trên máy bay. Cũng không ai nói Bích "qua
đời" trên chuyến bay đi Manila. Nghe không được. Đó là những sự ra đi hình như
không nhanh chóng. Sự từ giã không nhanh chóng và thanh thản, nhẹ nhàng như sự
ra đi của Bích, bạn tôi.
Lẩm nhẩm đọc lại
e-mail của người bạn trong internet bỗng nhiên tôi thấy chính bạn tôi mới đúng
khi dùng chữ "chết" trong thông báo về Bích. Lời nhắn ngắn ngủi và hơi cộc lốc
của chàng mới hay nhất và đúng nhất, đúng với tâm trạng của chúng tôi trước sự
ra đi vĩnh viễn của Bích.
Phải thân lắm, phải
gần gũi lắm mới dùng chữ ấy.
Nguyên Sa, một người
không thiếu gì chữ nghĩa, trong một bài thơ viết nhân đám tang của một người bạn
mà tôi nghĩ là rất thân của ông, Nguyễn Duy Diễn, đã mở đầu như thế này :
Diễn đã chết, Diễn
đã chết
Chúng tôi nhẩy múa hò reo...
(Đám tang Nguyễn Duy Diễn)
Chúng tôi nhẩy múa hò reo...
(Đám tang Nguyễn Duy Diễn)
Vậy thì lạnh nhạt, vô
tình... ở chỗ nào? Phải thân tình, gần gũi... lắm đấy chứ!
Bỗng tôi chợt nhớ
chính tôi cũng đã có vài ba lần chữ nghĩa như thế. Có một vài lần tôi hỏi ông
chú tôi về ông bà nội của tôi, hai bà cô, hai ông chú của tôi, những người không
còn ở với chúng tôi nữa, tôi luôn luôn dùng chữ "mất". Thí dụ "ông mất hồi ấy
chú mấy tuổi?"... Tôi không dùng những chữ như "qua đời", "thất lộc", "quá vãng"...
những chữ nghe sách vở, không gần gũi, thân mật, gia đình chút nào. Chữ tôi dùng
trong những câu hỏi là chữ "mất", nghe có sự kính trọng ở trong, nhưng thân tình
và gần gũi thì không có. Những người ấy đều đã ra đi từ lâu, tôi không biết gì
về "họ" cả. Vẫn có những xa cách mà tôi thì không làm sao cho gần gũi hơn được.
Nhưng khi ông bà cụ
của tôi qua đời, thì khi ngồi nhớ lại, tôi thấy sau những xúc động ban đầu, tôi
đã nói về cái chết của hai ngưòi một cách rất bình thản và tự nhiên. Không phải
chữ nghĩa cao siêu, văn học nghệ thuật, sách vở... gì hết.
Này đây là Đinh Hùng:
Khi anh chết các em về đây nhé...
Vậy thì cứ thoải mái
nói Nguyễn Ngọc Bích đã chết. Nhưng lòng thương mến dành cho người bạn này thì
to lớn vô cùng,
Bích đã chết. Bích ơi
là Bích!
Tôi nhớ và tiếc bạn.