November 14, 2013

November 15, 2013

Ngày 11 tháng 11 năm 2013
Bạn ta,
Đáng lý ra, tôi phải yêu những cái mũ liège lắm. Gọi nó là mũ liège vì nó được làm bằng liège, một thứ bấc, bọc bên ngoài bằng một lớp vải trắng, thỉnh thoảng phải dùng phấn nước đánh lên một lớp cho trắng.
Kiểu mũ ấy lại có lúc đi đôi rất hợp với chiếc áo dài trắng, quần trắng như trong mấy chiếc ảnh cũ của một người giáo sinh trường sư phạm Đông Dương ở Hà Nội mà tôi tìm thấy trong tập ảnh cũ của người đàn ông đầu tiên ở trong làng lên tận Hà Nội học để trở thành "chú giáo Bảo", ông bố của tôi.
Kiểu mũ mà còn có người gọi là mũ thuộc địa ấy rất thông dụng trong những năm 30, 40, 50 ở Việt Nam mà chính tôi cũng có một cái và bị ông bố bắt phải đội mỗi lần ra khỏi nhà, đi học.
Và cũng chính vì thế mà tôi bắt đầu ghét nó. Tôi chỉ đội nó từ nhà đến nhà người bạn ở đầu xóm, gửi nó lại và để đầu trần đi học. Không đội nó vì bị mấy người bạn chế là đồ nhà quê. Từ đó, tôi không bao giờ đội nó nữa, trong suốt những năm ở trung học.
Kiểu mũ ấy thực ra rất tốt. Nó làm mát đầu người đội dưới cái nắng của một xứ nhiệt đới. Nhưng nó quả thật là "nhà quê" như những người bạn tôi nói. Nó xuất xứ từ Ấn độ khi nước này còn là thuộc địa của người Anh. Nó nhanh chóng tiến sang những quốc gia thuộc địa khác thuộc vùng nhiệt đới và đến Việt Nam cùng với người Pháp hồi những năm 30, và nó nhập ngay vào cách ăn mặc của người Việt. Nhưng có một chi tiết hơi khác giữa những cái mũ liège ở miền Bắc và những chiếc ở miền Nam. Những chiếc mũ liège ở miền Nam dầy hơn, to hơn những chiếc ở miền Bắc, trông như cái của ông Albert Schweitzer đội khi làm việc và sống ở Phi châu.
Ngay sau khi di cư vào Sài Gòn, tôi được dẫn đi mua một cái trong một tiệm trên đường Lê Thánh Tôn và bắt đầu ghét nó liền từ đó.
Nhưng tôi chỉ thật sự ghét nó, ghét cay ghét đắng nó, ghét như đào đất đổ đi, ghét luôn cả tông chi họ hàng nhà nó, ghét đến độ thành dị ứng với nó, cứ trông thấy nó là phải nhìn đi chỗ khác… là khi nó xuất hiện với mầu cứt ngựa trên những con đường Sài gòn hôm 30 tháng 4 gần bốn chục năm trước.
Sau đó, thỉnh thoảng tôi lại thấy nó trong những bức ảnh chụp ở Hà Nội, trong một tiệm sửa mũ nón, trên đầu của những người dân thường, lố nhố trong những đám đông trong mấy ngày lễ, Tết nhất quanh bờ hồ, gần đền Hùng, lối vào chùa Hương… Cứ thoáng trông thấy nó là khó chịu hết sức. Tôi hiểu những người dân thường ấy cần cái mũ che mưa che nắng để đội lên đầu chứ cũng chẳng là bộ đội bộ điếc gì. Tiền bạc không có, lấy gì kiểu cọ thay vì cái mũ cối ấy.
Nhưng tôi vẫn ghét nó.
Tôi không biết đến đời kiếp nghiệp lai nào thời trang mới ghé lại, tiền bạc mới dễ dàng hơn để người ta dẹp hẳn nó đi, thay nó bằng những chiếc mũ khác.
Trong thời gian chờ đợi ngày ấy đến, thì tôi đành phải tiếp tục ghét nó vậy.
Ngoài ra, còn có một lý do khác để ghét nó, đó là nó làm cho người đội nó xấu trai đi rất nhiều.

Ngày 12 tháng 11 năm 2013
Bạn ta,
Hồi học lơp đệ Tam, tương đương với lớp 10 ngày nay, chúng tôi được dậy một bài văn của Rabelais nhan đề Mouton de Panurge.
Panurge là bạn của Pantagruel, và là con của Gargantua. Trong một chuyến đi xa với Pantagruel, Panurge có chuyện cãi nhau với một nhà buôn tên là Dindenault vì bị Dindenault lừa bán cho một món hàng với giá cắt cổ. Để trả thù Dindenault, Panurge mua một con cừu của Dindenault rồi quăng con cừu vừa mua xuống biển. Con cừu này kêu ầm lên và tiếng kêu của nó lôi kéo luôn cả bầy cừu của Dindenault và luôn cả Dindenault nhẩy theo xuống biển và Dindenault cuối cùng chết đuối dưới biển.
Mouton de Panurge trở thành một danh từ để chỉ những người làm theo, bắt chước những người khác một cách mù quáng bất kể những hành động bắt chước đó hay dở ra sao cũng cứ làm như những con cừu nhẩy xuống biển vì thấy con cừu của Panurge bị ném xuống nước.
Mới đây, một em-xi trong nước vừa bị một trận "vỡ mặt" chỉ vì nhắm mắt nhắm mũi nói một câu vô cùng vô duyên, câu "xin quí vị một tràng pháo tay" để cho "các đồng bào miền Trung đang bị bão lũ".
Miền Trung bị bão Hải Yến kéo qua, tuy không bị nặng như ở Phi Luật Tân, nhưng trận thiên tai vẫn gây tàn phá, thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều vùng. Các nạn nhân đang khốn đốn với trận bão thì em-xi xin "một tràng pháo tay" cho đồng bào.
Câu "xin một tràng pháo tay" là một câu vô duyên khủng khiếp nhưng lại được lôi ra dùng nhiều nhất. Hình như làm em-xi là phải lận lưng câu này để lúc nào bí, không biết nói gì, thì lôi ra dùng ngay. Câu xin xỏ này là một câu được những em-xi bạ đâu dùng đó, một thứ thuốc đem dùng để trị bách bệnh, nhưng không chữa được bệnh nào cả.
Đó là một câu khinh thường, nhục mạ các nghệ sĩ trình diễn và luôn cả khán giả nữa.
Vỗ tay là việc làm tự ý của khán giả để bầy tỏ sự tán thưởng gửi cho người trình bầy một bản nhạc, một bản đàn, một vở kịch hay một bài nói chuyện của diễn giả. Thế thì tại sao phải "xin quí vị một tràng pháo tay" cho ca sĩ, nhạc sĩ, kịch sĩ, diễn giả? Vì những người ấy quá dở, dở đến nỗi phải xin cho họ một tràng pháo tay để an ủi họ hay sao?
Xin xỏ như vậy là nhục mạ những nghệ sĩ trình diễn, những kịch sĩ, diễn giả… cho rằng họ tệ, họ dở, hát hỏng, đàn địch, nói chuyện, diễn thuyết không ra gì đến độ phải xin cho họ tràng pháo tay.
Còn về phía khán giả thì nếu thấy hài lòng, thán phục thưởng thức khả năng trình diễn, diễn xuất, hùng biện của các nghệ sĩ, diễn giả thì khán giả tất nhiên sẽ tự động bầy tỏ sự tán thưởng đó, không cần phải được nhắc nhở, chỉ vẽ. Ông Tú Xương đi nghe hát ả đào có bao giờ được yêu cầu đánh một hồi trống chầu để tán thưởng giọng hát của ca nhi đâu? Đề nghị ông cho một vài tiếng trống chầu thì có mà chết với ông, ông cho vào thơ bêu riếu cho mà xấu cả mấy đời.
Thế thì xin một tràng pháo tay của khán giả có khác gì nói với khán giả rằng này, các ông không biết thưởng thức gì hết cả, thực bất tri kỳ vị, miếng ngon ăn vào mồm cũng không biết, ca nhi, nhạc sĩ ca hát như thế mà cứ như là đàn gẩy tai trâu cả… Vỗ tay lên chứ, sao cứ ngồi trơ mắt ra như thế kia?
Câu "xin quí vị một tràng pháo tay" không biết do một người vô ý thức nào nghĩ ra, thế là những con cừu của Panurge nhao nhao lên giọng bắt chước, bất kể hay dở thế nào cứ thế mà "xin quí vị một tràng pháo tay". Đang đứng đực mặt ra trên sân khấu, không biết nói gì… thế là em-xi "xin quí vị một tràng pháo tay" cho giọng hát, cho ban nhạc, cho chuyên viên ánh sáng, cho diễn giả…
Có lẽ những người xin làm em-xi, mà chuyện xin làm này là có thật, lúc vận động để được ban tổ chức cho lên sân khấu đều phải viết trong résumé xin việc rằng sẽ nói rất nhiều lần câu "xin quí vị một tràng pháo tay" và đã từng dùng câu này nhiều lần nên nay làm rất quen miệng thì phải.
Trong những trường hợp như thế thì "xin quí vị một tràng pháo tay" là rất nên, rất cần và rất đúng. Vì em-xi vô duyên và ăn nói dở ẹc như vậy thì cần cho một tràng pháo tay lắm đấy chứ.
Như cô em-xi ấm ớ ăn nói tầm bậy tầm bạ trong một chương trình nhạc ở Hà Nội mới đây bị chửi cho nát mặt vậy.

Ngày 13 tháng 11 năm 2013
Bạn ta,
Đã lâu lắm tôi không nghe bài hát ấy nên lục lọi trí nhớ mãi mà trong đầu cũng chỉ còn được một hai câu: "Em chỉ yêu có anh binh nhì, dầu rằng đồng lương của anh thì rất ít, mà tài chiến đấu của anh thì không ai bằng…"
Tôi đã vào trong internet cũng không tìm thấy được những chi tiết khác như tên tác giả hay lời đầy đủ của bài hát. Không thấy một ca sĩ hải ngoại nào hát và thu thanh nó.
Trong các video ca nhạc có những bài nhạc gọi là nhạc lính thì cũng chỉ thấy mấy bài với giọng nam thì quân phục toàn của các đơn vị dữ dằn, dây biểu chương trên vai, ở cổ áo ít ra thì cũng hai ba hoa mai vàng… giọng nữ thì cứ như mười chín đôi mươi, áo dài đẹp ơi là đẹp. Chỉ phải tội chàng thì hơi béo, bụng phệ, tóc tai nhuộm rất kỹ, còn nàng thì cũng son phấn hơi nhiều, lông nheo giả chớp lia lịa …
Hình như chúng ta đã quên họ rồi. Trong những lễ lạc thì gần như bao giờ cũng thấy lon lá đầy người, chẳng thấy cái cánh gà nào trên tay áo. Chắc nhiều người thấy mình chỉ có cái cánh gà nên cũng không muốn phải đứng cạnh những bông hoa trên cổ áo nên lại càng không muốn xuất hiện.
Thế nên những chiếc cánh gà và bài ca về tình yêu với anh binh nhì không còn trông thấy, nghe thấy nữa. Trong khi chính những người lính ấy mới là những người đóng góp nhiều nhất, nằm xuống nhiều nhất để lại thân thể nhiều nhất trên chiến trường. Nhưng không ai nhắc về họ. Những ca khúc thì hết "phi đạo chạy dài, anh cất cánh bay lên…" rồi lại hoa biển, tuyết trắng, trùng dương nổi sóng lắc lư con tầu đi… Hoàn toàn không thấy những bước chân tội nghiệp bám theo xích M-113, đu leo lên những chiếc xe 10 bánh lao vun vút trên những con đường bụi lầm.
Hai hôm trước là Ngày Cựu Chiến Binh Mỹ. Cũng có lễ lạc, diễn hành… nhưng người ta không chỉ thấy các quan to súng dài. Bức tượng ở gần bức tường chữ V bằng đá đen là tượng ba người lính, một da trắng, một da đen và một Hispanic nét mặt mỏi mệt đều là những người lính không lon lá gì.
Bức tượng Thương Tiếc ở ngoài nghĩa trang quân đội Biên Hòa tạc một người lính, cây súng trên đùi cũng vẻ mặt mỏi mệt. Nhưng bức tượng ấy cũng đã bị kéo đổ bây giờ không biết đã bị quăng đi đâu.


Bỗng nhớ Nguyễn Bắc Sơn vô cùng…

…Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui

Ngày vui đời lính vô cùng ngắn
Mặt trời thoăt đã ở phương Tây
Nếu ta lỡ chết vì say rượu
Linh hồn ta chắc sẽ thành mây bay
 
Linh hồn ta chắc sẽ thành đom đóm
Vơ vẩn trong rừng động Thái An
Miền Bắc sương mù giăng bốn quận
Che mua dùm những nắm xương tàn…
Con đom đóm đã ở lại Thái An. Không còn ai nhắc đến nó nữa.

Ngày 14 tháng 11 năm 2013
Bạn ta,
Bão Hải Yến được coi là trận bão lớn nhất từ trước đến nay đã thổi vào Phi Luật Tân. Hơn 10 triệu người dân của đảo quốc này đã bị những ảnh hưởng tàn khốc mà trận thiên tai này gây ra. Điều này có nghĩa là khoảng 10% dân số Phi là nạn nhân của bão.
Theo Liên Hiệp Quốc thì con số người chết có thể lên đến 10 ngàn người, và số những người mất nhà cửa, lâm cảnh màn trời chiếu đất là hơn 600 ngàn người. Thiệt hại về tài sản hiện chưa biết là bao nhiêu nhưng nhất định không phải là nhỏ. Theo một con số ước lượng của Đức thì thiệt hại có lên đến hơn 10 tỉ đô la. Là một quốc gia không giầu có gì cho cam, Phi đang rất cần thế giới trợ giúp cấp thời để cứu sống các nạn nhân.
Liên Hiệp Quốc ước đoán Phi cần tới cả mấy trăm triệu đô la để giúp các nạn nhân làm lại cuộc đời, và nhất là sống qua những khó khăn rất lớn hiện nay.
Anh quốc cho biết sẽ gửi khoảng 15 triệu đô la. Úc gửi gần 10 triệu. Nhật cũng gửi 10 triệu. Indonesia, một nước không dư giả gì hứa gửi 2 triệu. Đại Hàn gửi 5 triệu. Liên Âu gửi 4 triệu. Tân Tây Lan gửi 2 triệu 500 ngàn. Canada hứa giúp 5 triệu. Hoa kỳ sẽ gửi 20 triệu ngoài các nỗ lực cứu trợ khác.
Mấy con số vừa kể là những chi tiết mới nhất theo những hãng tin quốc tế. Có thể những khoản tiền này sẽ tăng thêm trong những ngày tới. Trong khi đó, chưa thấy một con số nào từ các nước Ả Rập và liên bang Nga.
Đặc biệt Trung quốc hứa sẽ chuyển MỘT TRĂM NGÀN đô la và MỘT TRĂM NGÀN khác qua Hồng Thập Tự Trung quốc. Tổng cộng là HAI TRĂM NGÀN đô la để trợ giúp cho Phi Luật Tân.
Trung quốc có một nền kinh tế đứng thứ nhì trên thế giới và lúc nào cũng tuyên bố là láng giềng tốt của các nước trong vùng. Ai cũng biết giữa Trung quốc và Phi Luật Tân đang có những tranh chấp ở biển Đông. Trung quốc ngang nhiên lấn chiếm một số đảo của Phi và Việt Nam. Đáng lẽ vào lúc này, trong khi Phi đang tang gia bối rối, Bắc kinh xắn tay áo nhẩy vào trợ giúp, đóng góp cho nỗ lực cứu trợ thiên tai bằng tiền bạc và nhân lực thì hình ảnh của Trung quốc, một nước lớn lúc nào cũng chỉ hăm dọa các nước khác bằng võ lực sẽ bớt đi những điều xấu xa của một tên du côn chuyên cậy lớn bắt nạt người khác.
Trước nhu cầu cứu trợ hết sức lớn của Phi, số tiền HAI TRĂM NGÀN đô la bên cạnh những đóng góp nhiều gấp mấy chục lần như của Indonesia thì "anh lớn" hiện nguyên hình của một tên tham lam, ích kỷ khốn nạn chỉ biết đến mình, cậy khỏe bắt nạt yếu.
Trong khi đó, mở lại những trang báo cũ, cũng không lâu lắm, người ta thấy sau trận động đất ở Tứ Xuyên (12 tháng 5 năm 2008), thế giới đã xúm lại gửi tiền giúp Bắc kinh. Một nước như Lào cũng giúp 5 triệu 500 ngàn đô la như chính Tân Hoa Xã loan báo ngày 17 tháng 5 năm 2008. Nhật tặng gần 10 triệu, Đại Hàn 5 triệu.
Một nước nhiều xích mích với Trung quốc là Ấn độ gửi giúp 5 triệu.
Số tiền 200 ngàn đô la để giúp Phi sau trận bão khủng khiếp này là một sự lăng mạ, sỉ nhục khi để cạnh những trợ giúp của thế giới văn minh và tử tế dành cho Phi trong lúc khốn cùng. Số tiền 200 ngàn này đồng thời lại bầy ra hình ảnh của một tên du côn xấu xa cùng cực chỉ biết cậy lớn ăn hiếp các nước yếu.
Tinh thần của Khổng Tử đâu rồi? Những lời khuyên nhân ái và tử tế của cụ để mất rồi chăng?
Nhưng tại sao lại muốn xây một viện Khổng Tử ở Việt Nam và lại còn được bọn đười ươi ở Hà Nội đồng ý cho xây? Để dậy những trò lưu manh, bất lương, thiếu văn hóa thiếu đạo đức như người ta vừa thấy qua việc gửi 200 ngàn đô la cứu trợ cho Phi Luật Tân hay sao?
Tục ngữ Anh có câu "A friend in need is a friend indeed" gần giống như câu "nhà khó mới biết con có hiếu, nước loạn mới biết tôi trung". Và bây giờ, cháy nhà ra mặt chuột, sau trận bão thì lòi mặt một bọn chó dại lúc nào cũng chỉ vục mặt vào ăn, đớp, lợi dụng bạn bè, bắt nạt hàng xóm, ăn trộm ăn cướp. Chúng nó đang ở Bắc kinh ấy mà.

Cũng cần nhắc ở đây một chi tiết nhỏ là chính phủ Phi đã gửi giúp Trung quốc 450 ngàn đô la sau trận động đất ở Tứ Xuyên, tức là hơn gấp 2 lần số tiền Bắc Kinh gửi cứu trợ bão Hải Yến cho Phi.