Ngày 8 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Tục ngữ ca dao Việt Nam có hai câu thật tàn ác với phụ nữ:
Trai ba mươi tuổi còn xoan
Gái ba mươi tuổi đã toan về già
Gái ba mươi tuổi đã toan về già
Hai câu nay chắc phải xuất hiện từ hơn một, hai thế kỷ trước, khi xã hội Việt Nam còn rất trọng nam khinh nữ. Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô. Có một con trai là kể như đã có con, có con gái, cả chục, thì cũng vẫn bị kể như không con. Nữ nhân ngoại tộc. Con trai mới đáng kể, để tiếp nối dòng họ, để nối dõi tông đường.
Thế rồi cứ đàn ông là phải hay, phải đẹp, và ngược lại, cái gì liên quan đến phụ nữ cũng đều bị coi là dở, là tệ.
Đàn ông nông nổi giếng khơi
Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu
Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu
Ngay đến tuổi tác, đàn ông bao nhiêu tuổi cũng không bị coi là già. Mà cứ phụ nữ thì, như hai câu ca dao dẫn ở trên, tuổi ba mươi đã bị coi là "sắp" già.
May mà còn được một chút nhẹ tay như chúng ta thấy ở chữ "toan". Toan là sắp sửa, là dự tính, là chưa hoàn toàn. Mới toan về già thôi trong khi các ông thì ba mươi vẫn còn "xoan".
Trong tiếng Việt chữ "xoan" có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là một giống cây có hoa mầu tím nhạt, trái nhỏ bằng đầu ngón tay cái, hình bầu dục. Người có khuôn mặt giống như loại trái cây này thì được coi là đẹp, mặt trái xoan. Chắc chữ "xoan" trong hai câu lục bát không có nghĩa như thế. Nghĩa thứ hai của "xoan" là mù như trong danh từ sẩm xoan là một thể hát sẩm của những người mù ở miền bắc Việt Nam.
Chữ "xoan" không còn một nghĩa nào khác theo các từ điển Việt ngữ vì thế, người ta tin rằng chữ này, chữ "xoan" là một biến thể gượng gạo của chữ "xuân" mà ra. Còn xuân là còn trẻ.
Còn xuân kén những trai tơ
Hết xuân ông lão cũng vơ làm chồng
Hết xuân ông lão cũng vơ làm chồng
Đang xuân là đang còn tuổi trẻ. Nhưng tại sao xuất hiện chữ "xoan" trong hai câu lục bát?
Lý do là vì âm vận. Để khỏi bị cưỡng vận với chữ "toan" ở câu tám, người ta đã phải đổi "xuân" thành "xoan".
Thế nên hai câu lục bát độc ác với phụ nữ mới thành "trai ba mươi tuổi còn xoan / gái ba mươi tuổi đã toan về già".
Chuyện này có thể đúng. Một hai thế kỷ trước, phụ nữ khổ lắm chứ không được như bây giờ. Các ông thì nằm khểnh, gọi là giùi mài kinh sử, chờ vua mở cuộc thi, mơ thi đỗ thành ông cống, ông nghè, để mặc cho vợ lo từ "A đến Z", như lối nói của ngày nay. Ở thôn quê thì các bà vợ lo chuyện đồng áng, tuy không phải đích thân ra ruộng lo việc cấy cầy thì cũng sáng tinh mơ phải dậy lo đâm bèo cho lợn, lo cơm nước cho thợ cầy, thợ cấy.
Cám ơn cái cối cái chầy
Đêm đêm giã gạo có mày, có tao
Cám ơn cái cọc bờ ao
Đêm đêm vo gạo có tao, có mày
Đêm đêm giã gạo có mày, có tao
Cám ơn cái cọc bờ ao
Đêm đêm vo gạo có tao, có mày
Không tinh sương đã lọ mọ dậy lo đủ mọi thứ trong nhà, thì cũng lại phải "lặn lội thân cò nơi quãng vắng / eo xèo mặt nước buổi đò đông" như bà Tú Xương vất vả nuôi chồng"quanh năm buôn bán ở mom sông / nuôi đủ năm con với một chồng". Ông Tú thì lúc nào cũng "bít tất tơ, giầy Gia Định bóng" xuống phố hàng Thao đập ngón chầu, mấy ngón xuyên tâm, lạc nhạn ông đều xuất sắc.
Sống như vậy thì làm sao mấy ông đàn ông già cho được. Hết cao lâu, tửu điếm lại tỉnh bơ:
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng
Chuyện phó thác cho nàng nuôi con đã đành, lại đẩy cả mẹ cho nàng lo luôn để chàng rảnh rang đi chơi thì đúng là một anh đàn ông vô tích sự.
Đỗ đạt làm quan to như cụ nghè Tam Nguyên Yên Đổ mà cũng vẫn để cho cụ bà vất vả "… thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tả chân nam đá chân chiêu…"
Các phụ nữ thời ấy già là phải. Lại không được các cụ ông cho đi sửa sắc đẹp, vào ra mỹ viện soành soạch thì lấy đâu ra mà trẻ, mà đẹp:
Trắng da là bởi phấn nhồi
Đen da là bởi em ngồi chợ trưa…
Đen da là bởi em ngồi chợ trưa…
Chàng đi qua, ngó thấy nàng nước da trắng ngày xưa bây giờ đen đúa thì đổ vấy cho người đàn ông khác:
…Khi xưa em trắng sao giờ em đen
Hay là lấy phải chồng hèn?
Hay là lấy phải chồng hèn?
Chuyện đó chưa chắc. Vào tay anh mà cứ đẩy em ra ngồi chợ trưa thì cách nào em trắng được.
Nhưng phải nói cho ngay là ngày xưa, chúng ta già sớm lắm, không càng ngày càng trẻ như bây giờ.
Nguyễn Khuyến xưng là lão khi mới có ngoài năm mươi:
Ông chẳng hay ông tuổi đã già
Năm lăm, ông cũng lão đây mà…
Năm lăm, ông cũng lão đây mà…
Bây giờ thì làm gì có chuyện năm mươi bị coi là già. Một cuộc nghiên cứu mới đây nói là chúng ta trẻ hơn 20 tuổi so với mấy thế hệ trước. Mở báo ra đọc, thấy những lời rao của các tuổi sáu mươi mấy, bẩy mươi muốn kiếm bạn, mà còn đòi nếu hợp sẽ tiến xa hơn. Sáu mươi mấy, cả đàn ông cũng như đàn bà vẫn đi nhẩy đầm đều đều. Nhăn nheo một chút thì bơm hút căng kéo. Tóc bạc thì nhuộm đen nhánh. Tóc rụng thì đeo tóc giả. Thất thập không còn cổ lai hi nữa.
Nhưng đó là bề ngoài. Bề trong, bộ đồ lòng vẫn còn rất tốt so với các thế hệ trước nhờ ăn uống, thuốc men đầy đủ.
Nhưng khi đọc lại hai câu lục bát độc ác ở trên, tôi thấy có nhiều phần không phải nguyên thủy xuất xứ từ tiếng Việt, mà chúng ta chỉ dịch lại, đọc chơi cho các bà bực mình mà thôi. Nguyên văn là của Trung Hoa. Hai câu ấy như thế này:
Nam tử tam thập nhất chi hoa
Nữ tử tam thập lão nhân gia
Nữ tử tam thập lão nhân gia
Nghĩa tiếng Việt của hai câu này là đàn ông ba mươi tuổi là một cành hoa, đàn bà ba mươi tuổi là bà già. Hai câu này được một người đàn ông độc ác nào đó dịch sang thành lục bát và còn truyền tụng cho đến ngày nay.
Đã đến lúc phải cải chính, nói lại cho đúng.
Ngày 9 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Báo điện tử VN Express có một mục thường xuyên nhan đề "Muôn Kiểu Giao Thông Việt Nam" với những hình ảnh chụp được trên những con đường Việt Nam xe cộ nườm nượp chạy đủ kiểu. Có lẽ phải nói đó là những bức ảnh chụp đủ kiểu vi phạm giao thông của các loại xe di chuyển trên đường mới đúng.
Những kiểu vi phạm mà những người không ở Việt Nam khó có thể hình dung ra được của các loại xe hai bánh, ba bánh, bốn bánh… tất cả không hề biết tôn trọng luật lệ giao thông là gì.
Những xe hai bánh chở những số lượng hàng hóa không ai có thể nghĩ ra được. Có lẽ số hàng hóa chất lên những chiếc xe sức chở chỉ nổi hai người là tối đa. Người ta đã thấy nhũng chiếc xe này được chất lên những lượng hàng hóa không ai có thể tưởng tượng nổi.
Nhưng trong một xứ nghèo, người ta phải làm bất cứ gì để kiếm sống cái đã. Chở vài trăm kilô hàng đi bán thì ai còn ngồi tính xem chất hàng như vậy có an toàn hay không. Mà nếu không an toàn thì làm được gì?
Nhưng còn những chiếc xe không chở hàng mà chạy ẩu, bất kể luật lệ giao thông thì sao? Tuần trước, có mấy bài báo, không chỉ trên tờ Việt Nam Tin Nhanh, mà trên cả vài ba tờ báo khác cũng có đăng về một cảnh giao thông ở góc đường Trần Bình Trọng và Trần Nhân Tông ở Hà Nội. Ở giao lộ này, một trong hai con đường là đường một chiều. Nhưng video thu được trong buổi chiều ngày 2 tháng 7 thì cho thấy rất nhiều xe hai bánh gắn máy cứ "vô tư" chạy ngược chiều, trái hẳn với luật giao thông cho phép. Trời lúc ấy chưa tối hẳn, những vi phạm được thấy rất rõ. Những người lái xe đều quần áo tươm tất, không có vẻ là những người chở hàng liều lĩnh, bất kể luật giao thông chỉ cốt cho xong việc, mau chóng được việc để về nhà. Tại ngã tư này, đoạn video cho thấy một người ngoại quốc to lớn mà cảnh sát cho biết là một người đã sống ở Hà Nội khoảng năm năm. Người đàn ông này bước xuống đường và chặn những người đi ngược chiều lại, nhắc họ bằng tiếng Việt rằng họ vi phạm giao thông, chạy ngược chiều và yêu cầu quay đầu xe trở lại. Bị chặn, một số người đã làm theo lời yêu cầu của người đàn ông ngoại quốc nọ. Nhưng cũng có mấy trường hợp, người lái xe lách qua một bên để chạy ngược chiều tiếp. Có một hai người bị túm lấy yên xe thì rồ ga chạy thật nhanh để … tiếp tục vi phạm.
Đoạn video chỉ dài khoảng 4 phút mà đã thấy cả chục người lái xe vi phạm. Thử tưởng tượng đoạn video dài hơn thì còn thấy được bao nhiêu vụ vi phạm như vậy nữa? Mà đó là ở một góc đường đông người ngay giữa thủ đô Hà Nội. Nếu ở những khúc đường khác, ở những thành phố khác thì còn thế nào nữa.
Phải nói ngay là hồi xưa, ở Sài Gòn cũng có cảnh vi phạm giao thông. Nhưng những chuyện đó không ở một mức độ như người ta thấy trong đoạn video ở Hà Nội tuần trước. Ở ngã tư đèn xanh, đèn đỏ cũng có những chiếc xe không dừng lại ở vạch sơn trên đường. Một số lấn lên phía trước, dần dần chạy ra gần tới giữa ngã tư và chỉ chờ cho đèn lưu thông đổi sang mầu cam, là các chàng đã vội tống ga chạy tới, không chờ tới đèn xanh nữa.
Tuy thế, cũng không bao giờ có cảnh người ngoại quốc phải xuống đường hướng dẫn giao thông bao giờ.
Không biết người đàn ông Tây phương nọ nghĩ sao về trình độ dân trí của những người lái xe ở Hà Nội? Văn minh, văn hoá, công dân giáo dục ở đâu? Toàn một bọn thú vật nhông nhông đi ngoài đường hay sao? Không biết ngượng, không biết xấu hổ à?
Chán ơi là chán.
Nhưng đừng có tưởng ở đây không có những thứ ấy nhá. Cứ chạy xe ở khu Little Sai Gon mà coi. Cũng đổi lane lia lịa, chẳng ra hiệu bao giờ, lấn lên trước, mặt mũi sưng xỉa, táo bón như vừa bị chồng, vợ, bồ già bồ trẻ chửi mắng cho một trận ở nhà không bằng.
Tuần qua, tôi phải vào ngân hàng Bank Of America ở góc Bolsa và Magnolia. Xong việc, tôi mở cửa bước ra thì đúng lúc ấy có một người đàn ông và một người đàn ba bước tới cửa. Tôi giữ cửa, nép sang một bên cho hai người đi vào. Hai nhà quí tộc mặt lạnh lùng (trôi theo giòng nước mắt?) bước vào, không thèm nhìn người đàn ông già xấu trai này lấy một giây. Lạnh lùng, khó đăm đăm.
Tôi định gọi họ, nhắc họ làm rơi vài ba thứ mà lại thôi. Tôi đã định nói: "Excuse me sir, madam… I think you dropped all your civilization, your courtesy, your nicety, your gentleness, your culture … in the parking lot… Oh no… Maybe you don’t have any. Have a nice day!"
Khốn khổ cho …chúng nó. Làm chó gì có chút văn minh, tử tế, lịch sự nào mà … nói là đánh rơi ngoài chỗ đậu xe. Tôi chỉ muốn làm như ông Bá Dương, tác giả cuốn sách ông viết về những điều thô bỉ của người Hoa, các đồng bào của ông, mà buông tay ra, để mặc cho cái cửa đập vỡ cha nó hai cái mặt kém văn hóa đó đi cho rồi…
Ngày 10 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Người Anh có một câu tục ngữ đại khái dịch sang tiếng Việt là đã có được cái bánh rồi lại còn đòi được ăn luôn nó nữa. Nguyên văn câu tiếng Anh là "Have one’s cake and eat it too."
Câu này thoạt nghe có vẻ không ổn. Nhưng nếu hiểu là được ai cho cái bánh, tưởng là để cất đi, để dành dùng trong một dịp khác, nhưng lại đem ra ăn luôn, rồi còn muốn đem về nhà để dùng sau. Hiểu như thế thì câu tục ngữ rõ nghĩa hơn, nghe hợp lý hơn. Nghĩa bóng của nó là làm một lúc được cả hai việc đều có lợi cho bản thân mình trong khi những việc đó có thể bất lợi hay có hại cho người khác. Nên có một sự lựa chọn, và chỉ nên có một sự lựa chọn thì hơn. Làm cả hai việc thì bất công cho những người khác. Làm vậy thì ăn người quá đáng, khôn vặt quá sức, không nhường cho ai, không cho ai khôn cùng với mình cả.
Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng có những câu nói tương tự. Ý nghĩa của những câu nói ấy đều là cái gì cũng muốn cả, không chịu hy sinh, bớt đi một thứ để có thứ kia, là không nên đòi có được cả mọi thứ cùng một lúc.
Người Pháp có câu "Vouloir le beurre et l’argent du beurre" nghĩa là vừa muốn có bơ (để ăn), lại còn muốn được cả tiền thu được qua việc bán chỗ bơ đó nữa.
Người Nga nói là không thể ngồi một lúc trên cả hai cái ghế. Người Nepal nói không thể một lúc có cả hai tay đầy những kẹo được…
Như vậy, trò khôn vặt, trò ăn người thì dân tộc nào cũng có cả.
Ngoại trưởng Hoa kỳ vừa sang thăm Việt Nam. Đây không phải là lần đầu tiên bà tới Việt Nam. Vậy mà bà vẫn không hiểu gì về Việt Nam hết. Việt Nam không có một câu tục ngữ nào tương đương với câu "Have a cake and eat it too" của người Anh và người Mỹ. Vì thế, sau mấy lần họp với nhà cầm quyền Hà Nội, bà mới biết là Hà Nội muốn được ăn bánh, lại còn muốn có nguyên cả cái bánh mang về.
Tình hình ở vùng biển ngoài khơi Việt Nam hồi gần đây đã khiến cho Hoa kỳ quay lại chú ý tới toàn vùng Đông Nam Á. Đồng minh cũ của Việt Nam là bọn Ba Tầu nay lộ ra bộ mặt thật rất khốn nạn khiến Hà Nội phải nghĩ tới việc đi tìm kẻ thù cũ là nước Mỹ. Hà Nội nghĩ rằng may ra nước Mỹ có thể giúp được mình trong lúc khó khăn này.
Bắc kinh đang gia tăng sức mạnh quân sự của họ trong vùng ở mức độ chóng mặt, đe dọa an ninh của tất cả các nước trong vùng biển Đông trong đó có cả Việt Nam, Philippines. Philippines quyết định gia tăng lực lượng hải và không quân, nhờ Mỹ giúp đỡ để tự vệ và đối phó với những đe dọa mới. Việt Nam cũng muốn được Hoa kỳ trợ giúp. Hà Nội muốn mua võ khí của Hoa kỳ và được Hoa kỳ huấn luyện, trang bị, yểm trợ. Nhưng theo luật, nước Mỹ không thể làm việc đó với các quốc gia với những thành tích nhân quyền tồi tệ, bóp nghẹt tự do của người dân, đàn áp các thành phần đối lập, bất đồng chính kiến. Thượng nghị sĩ John McCain đã có lần nói rõ như thế.
Mà Việt Nam thì đang làm tất cả những việc như vừa kể trên. Mọi ý kiến khác với ý kiến của nhà cầm quyền đều bị đàn áp dã man, tự do tôn giáo bị hạn chế, các lãnh tụ tôn giáo bị đối xử tàn tệ, công dân không được hưởng tất cả mọi hình thức tự do, nhân quyền tiếp tục bị chà đạp. Ngay cả việc các công dân đòi hỏi chủ quyền của đất nước, biểu tình phản đối những vi phạm lãnh thổ cũng bị ngăn cấm, đàn áp, xách nhiễu.
Ngoại trưởng Hoa kỳ nêu những điều này lên để nói thẳng là nếu Việt Nam không thay đổi thái độ và tiếp tục không tôn trọng quyền tự do của người dân thì Hoa kỳ sẽ không thể trợ giúp Việt Nam, thu hồi các hạn chế nhắm vào Việt Nam hiện nay. Bà Clinton nói thẳng với nhà cầm quyền Hà Nội rằng dân chủ và thịnh vượng phải đi song song, Hoa kỳ sẽ không thể thay đổi lập trường hiện nay đối với Việt Nam nếu Hà Nội tiếp tục bóp nghẹt các tiếng nói dân chủ, hạn chế quyền tự do của người dân. Hoa kỳ nói rõ là Việt Nam không thể được Hoa kỳ trợ giúp trong khi Hà Nội tiếp tục đường lối đàn áp và hạn chế tự do, dân chủ.
Nói tóm lại là Hà Nội sẽ không thể được cho ăn bánh trong khi không đưa ra bất cứ một thái độ tôn trọng cái bánh, đòi được mang cái bánh về nhà để ăn với nhau. Đã đến lúc Hà Nội cần phải cho thắy họ hiểu câu tục ngữ này của người Mỹ.
Ngày 11 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Khi dọn đến địa chỉ hiện nay, tôi tìm được ở ngăn tủ trong phòng ngủ bức tượng nhỏ tạc hình một người ngồi sau chiếc bàn làm việc bừa bộn giấy tờ, sách vở chầt đống nghều nghễu cao hơn đầu người, và ở chân bàn, là hàng chữ neatness is the sure sign of a sick mind.
Tôi thích nó ngay, vì cái bàn của ông ta không khác gì bàn làm việc của tôi.
Ngay từ trước khi có bức tượng --mà tôi không cách gì trả lại chủ nhân nó-- tôi vẫn thấy chuyện gọn gàng, thứ tự, ngăn nắp có điều gì không... ổn. Nghĩa là cái bàn làm việc không bao giờ nên gọn gàng, ngăn nắp. Nó phải bừa bộn như của tôi thì trông nó mới có đời sống, có bàn tay người. Một cái bàn ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng thì nó như cái bàn của một nhà hành chánh, một ông đốc phủ sứ, mỗi ngày có nhân viên vào thu dọn, phủi bụi. Cái bàn sạch sẽ nhưng chủ nó chỉ là một... đốc phủ sứ.
Hàng chữ ở chân bàn -- neatness is the sure sign of a sick mind -- nói đúng được điều tôi vẫn mơ hồ nghĩ trong đầu từ lâu mà không xếp lại thành một câu: sự gọn gàng, thứ tự, sạch sẽ, ngăn nắp là dấu hiệu rõ ràng của một đầu óc bệnh hoạn.
Nhờ nó, tôi có được cách giải thích rất thuyết phục cho tình trạng bừa bộn nơi cái bàn làm việc của tôi. Sạch sẽ, gọn gàng là bệnh hoạn. Bừa bộn, không thứ tự, không ngăn nắp là một đầu óc bình thường và khỏe mạnh.
Tại sao phải ngăn nắp và thứ tự trong khi bừa bộn và mất trật tự vẫn làm được việc? Và cái bàn làm việc của tôi trong phòng ngủ tiếp tục bừa bộn, không thứ tự, không gọn gàng gì hết. Mẹ tôi sang thăm, nói là trông ngứa mắt quá, tôi đề nghị vài giọt thuốc nhỏ mắt cho đỡ ngứa, nhưng xin tha cho cái bàn của tôi.
Hôm nay, đọc được một khám phá của Home & Garden Television, tôi lại càng thấy không nên gọn gàng, ngăn nắp và thứ tự chút nào.
Một cuộc thăm dò do Home & Garden Television thực hiện cho thấy là có một số người tìm thấy được sự thỏa mãn qua việc giữ gìn nhà cửa cho ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng, thứ tự, nhiều hơn là làm tình (... get more satisfaction from keeping their homes neat and attractive than they do from sex.)
Câu này bạn có thể đọc ở trang 13 của tờ Newsweek số đề ngày 31 tháng 7, số mới nhất.
Biết được chi tiết này, tôi lại thắc mắc không biết người ở căn nhà này trước khi tôi dọn vào là người như thế nào, có giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng không, hay cũng bừa bộn như tôi để phải khuân bức tượng nhỏ với câu nhận định tương quan giữa sự ngăn nắp, gọn gàng và sức khỏe tâm lý về nhà bầy chơi?
Tôi biết người ở căn nhà này trước tôi là một phụ nữ nhờ cái tên trên phong bì những bức thư tiếp tục tới nằm trong hộp thư của tôi sau khi tôi dọn đến cả mấy tháng trời.
Nàng có nhiều phần không phải là người gọn gàng ngăn nắp nên mới có bức tượng nhỏ đó. Nàng không thích thu dọn nhà cửa sạch sẽ, như vậy nàng tìm thấy sự thỏa mãn ở đâu?
Nàng có giống như người đàn ông Á châu sống bừa bãi thiếu ngăn nắp tìm thấy sự thỏa mãn trong sự biếng lười như Bạch Ngọc Thiềm trong cái thư trai ông gọi là Dong Am, cái am biếng nhác, hay nàng thấy được thỏa mãn nơi cái thú... khác?
Bức vẽ trong tờ Newsweek đi kèm đoạn tin ngắn vẽ một người đàn bà quần áo trên người rất ít trong khi người đàn ông, tay cầm thùng nước, tay kia vác cái chổi, mặt mũi tươi vui đi... dọn nhà, quét tước, lau chùi phòng ốc. Người đàn ông có vẻ như không nhìn thấy người phụ nữ rất sexy đứng bên cạnh vì chàng đã tìm thấy lạc thú trong việc giữ cho nhà cửa sạch sẽ gọn gàng như kết quả cuộc thăm dò của Home & Garden Television chăng?
Đúng hay không đúng thì khó biết được, vì sự bừa bộn của tôi chỉ là dấu hiệu của một đầu óc không... bệnh hoạn.
Nhưng có thể vì kết quả cuộc thăm dò này, nhiều người đàn ông sẽ không bị bắt dọn dẹp nhà cửa nữa không chừng!
Ngày 12 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Mấy hôm trước, đọc một bản tin của tờ Los Angeles Times xong, tôi không biết sẽ phải nghĩ gì nữa.
Theo tờ báo này, thì cứ ba thì có một, cứ ba mươi thì có mười, cứ chín chục thì có ba chục. Đó là những con số rất lớn, những tỉ lệ hết sức đáng kể.
Còn nhớ mấy năm trước, thống kê cảnh sát cho biết là cứ hai mươi lăm chiếc xe chạy ngang trong buổi tối thứ sáu ở xa lộ vòng đai thủ đô, thì có một chiếc do người say rượu lái, tôi đã nghĩ là quá nhiều. Nhưng so với con số của tờ Los Angeles Times đưa ra thì con số của cảnh sát thủ đô Mỹ thua rất xa.
Theo tờ báo này, thì con số người lái xe say rượu ít hơn con số người không rửa tay sau khi dùng buồng tắm rất nhiều. Và đó là một con số đáng sợ.
Ba người bước ra từ phòng rửa tay, có một người không rửa tay. Gọi là phòng rửa tay cho lịch sự, chứ thực ra, phải gọi là nhà cầu, nhà tiêu, nhà tiểu mới đúng.
Và dĩ nhiên là những người vào đó không chỉ để rửa tay. Để rửa tay mà không rửa tay thì còn gì để nói? Họ vào để làm những việc khác hơn là để rửa tay, và vì làm những việc khác đó nên mới cần phải rửa tay. Cần rửa tay, mà không rửa tay mới ghê!
Tờ Los Angeles Times nói rằng con số đó là con số tính chung cả đàn ông cũng như đàn bà. Và phụ nữ, vẫn theo tờ báo ấy, ở dơ không thua gì đàn ông. Nghĩa là cả hai phía đều một trong ba người, không rửa tay gì hết.
Đọc xong bản tin của tờ báo, tôi nhớ lại những kinh nghiệm ở ngoài những phòng rửa tay mà tôi đã trải qua không phải là một, mà nhiều lần. (Những) người ấy từ trong bước ra, tay vẫn khô queo, đưa tay lên "vuốt tóc tôi / thở dài trong lúc thấy tôi vui".
Bây giờ thì tôi có thể hiểu tại sao những tình cảm lại trái ngược, tương phản nhau như thế. Bên thì buồn, bên thì vui. Thì ra phía bên kia thở dài thương hại cho người đàn ông dại dột, khù khờ, ngây thơ, không biết gì hết, được vuốt tóc thì mừng quá đỗi, vui ra mặt trong khi không hề biết phía bên kia thuộc thành phần một phần ba, mười phần ba chục, ba chục phần chín mươi.
Biết đâu trong số những người tôi quen, lại chẳng có một số thuộc thành phần ấy. Và người đàn ông hiền lành, không đa nghi, hồn nhiên, không hề biết những người nước hoa thơm lừng đó lại chính là những người chủ trương bảo tồn nguồn nước cho thế giới, không phung phí nước cho việc rửa tay?
Vậy mà, chao ôi, chúng tôi đã nắm tay nhau đi trong hạnh phúc ngập tràn, ở Wellington, ở Sydney, ở Sài Gòn, ở Hán Thanh, ở Tokyo, ở Hương Cảng, ở Paris, ở Luân Đôn, ở Madrid, ở Roma, ở Hoa Thịnh Đốn, ở Nữu Ước, ở Toronto, ở Montreal, ở Los Angeles, ở San Jose, ở San Diego...
Không những chỉ nắm tay nhau, mà còn "kỷ niệm thơm từ năm ngón tay/ trăng lên từng nét gợn đôi mày", còn "ngón tay phơ phất mùi hoang thảo / lượn nét mây vờn sợi tóc mai", còn "mười ngón tay dâng lửa nguyện cầu"...như trong Đinh Hùng nữa mới là phiền chứ.
Làm tất cả bằng ấy chuyện với những bàn tay hà tiện nước. Sao đời của tôi lại khổ đến chừng ấy được? Bây giờ phải làm gì đây? Làm thế nào để "tấm son gột rửa bao giờ cho phai"?
Cứ tưởng tượng ra những chuyện đã diễn ra mà kinh, mà khiếp cho mình.
Tại sao tờ Los Angeles Times lại làm công việc tàn ác như thế? Có cần phải khơi lại những thương tích đã lành từ bao nhiêu lâu nay bằng những nhát dao đâm nát ra như thế không? Tại sao người đàn ông già đang mơ giấc mộng dài, lại phải lay cho chàng dậy một cách phũ phàng như thế? Tại sao không để cho "ngón tay não nuột tàn nhung bướm / gỡ cánh hoa phai lả mái đầu"?
Hay tại sao không chịu rửa tay kỹ cho chúng tôi nhờ một chút?
ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
(Bài số 147)
CONDITIONAL SENTENCES (AGAIN !)
Bản ghi chép lại do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 147 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 9 năm 2012.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
LÃM THÚY
Thưa anh, trong bài học hôm nay, Thúy xin anh trở lại lần nữa với CONDITIONAL SENTENCES , tức là ĐIỀU KIỆN CÁCH mà anh đã một hai lần giảng trong mấy lần trước, vì Thúy vẫn chưa thấy hoàn toàn hiểu rõ lắm về những câu này.
QA
Vâng thưa anh, QA thấy CONDITIONAL SENTENCES có lẽ là những câu khó nhất trong văn phạm tiếng Anh. Vậy nên QA đồng ý với Thúy là xin anh giảng lại lần nữa cách dùng CONDITIONAL.
BBT
CONDITIONAL SENTENCES với người Việt quả là có rắc rối thật. Lý do là vì chúng ta, những người nói tiếng Việt, không có cùng những ý niệm về điều kiện như người Anh. Chúng ta không phân biệt những trường hợp khác nhau của các điều kiện như trong tiếng Anh. Chúng ta đưa ra những điều kiện và sau đó, hiểu ngầm rằng nếu những điều kiện ấy trở thành sự thật thì hậu quả sẽ như thế nào. Chúng ta không đặt vấn đề những điều kiện đó có thể xẩy ra được hay không như trong Anh ngữ. Tuy nhiên, CONDITIONAL SENTENCES cũng không khó lắm đâu. Để hai cô coi sau đây.
LÃM THÚY
Như vậy, CONDITIONAL SENTENCES có hai phần, một nửa đưa, đặt ra điều kiện, hay nói đúng ra là giả thiết, giả sử và phần thứ hai nói lên kết quả nếu những giả thiết ở trên trở thành sự thật.
BBT
Thực ra, nói đúng thuật ngữ văn phạm thì một CONDITIONAL SENTENCE gồm có một mệnh đề chính và một mệnh đề phụ.
IF CLAUSE là mệnh đề phụ nêu ra một điều kiện hay giả thuyết, và một MAIN CLAUSE tức là mệnh đề chính nói về hậu quả của giả thuyết hay điều kiện của IF CLAUSE. MAIN CLAUSE có thể đi trước và cũng có thể đi sau IF CLAUSE . Thí dụ NẾU TRỜI MƯA, CHÚNG TA SẼ Ở NHÀ, hay CHÚNG TA SẼ Ở NHÀ NẾU TRỜI MƯA. Cả hai câu đều ý nghĩa giống nhau.
QA
Thưa anh, có thể nói là CLAUSE nào đi trước, đi đầu thì ý nghĩa của nó mạnh hơn không?
BBT
Đúng. Hệt như chúng ta nói trong tiếng Việt vậy. Ý nghĩa của cả hai đều giống nhau, không khác gì nhau hết. Chỉ có chi tiết Ở NHÀ hay TRỜI MƯA được làm cho mạnh hơn mà thôi.
LÃM THÚY
Thúy nhớ là trong tiếng Anh cũng có tới BA TRƯỜNG HỢP điều kiện hay giả thuyết khác nhau. Và đó là điểm rắc rối, khó hiểu, dễ lẫn lộn của những người học nói tiếng Anh như Thúy phải không thưa anh?
BBT
Thúy nói đúng. Trong Anh ngữ, có BA loại câu CONDITIONAL. Chúng ta sẽ lần lượt nói đến cả ba trường hợp.
Thứ nhất là những giả thuyết hay những điều kiện CÓ THỂ XẨY RA, CÓ THỂ TRỞ THÀNH SỰ THẬT và CÓ NHIỀU PHẦN SẼ XẨY RA, SẼ DIỄN RA TRONG LÚC NÀY HAY TRONG TƯƠNG LAI. Thí dụ khi tôi nói NẾU TÔI BẮT ĐƯỢC TRÙM BẠCH PHIẾN MEXICO thì theo Lãm Thúy, chuyện ấy có thể xẩy ra được không?
LÃM THÚY
Chắc không bao giờ xẩy ra được. Cũng như khi Thúy nói NẾU TÔI TRÚNG POWER BALL 200 TRIỆU vậy. Đó là chuyện NEVER IN MY LIFE… không bao giờ xẩy ra hết. Nhưng nếu Thúy nói NẾU TÔI KIẾM ĐƯỢC SỐ ĐIỆN THOẠI CỦA ÔNG ẤY, hay NẾU TÔI GẶP BÀ ẤY CUỐI TUẦN NÀY thì đó là những chuyện có thể xẩy ra, hay xẩy ra cũng không khó lắm.
QA
Trong đời sống hàng ngày, chúng ta có trước mặt bao nhiêu là giả thuyết, có những cái dễ xẩy ra như NẾU QA GHÉ SOUTH COAST PLAZA ĐỂ MUA SẮM hay NẾU QA CÓ THÌ GIỜ CUỐI THÁNG NÀY… Trong khi những điều kiện khác thì khó xẩy ra hơn như NẾU CON TRAI QA QUAY SANG HỌC LUẬT, hay NẾU CHIẾN TRANH XẨY RA TẠI BIỂN ĐÔNG chẳng hạn.
BBT
Cám ơn hai cô. Như vậy, hai cô đã hiểu thế nào là những giả thuyết dễ xẩy ra và những giả thuyết khó xẩy ra.
Với những điều kiện hay giả thuyết DỄ XẨY RA, CÓ THỂ XẨY RA hay CHẮC SẼ XẨY RA, chúng ta dùng PRESENT TENSE trong IF CLAUSE và trong MAIN CLAUSE, chúng ta dùng hoặc PRESENT TENSE hay FUTURE TENSE là được.
Lãm Thúy cho nghe hai thí dụ của cô coi.
LÃM THÚY
IF I FIND HIS PHONE NUMBER, I GIVE IT TO YOU.
IF I SEE HER THIS WEEK-END, I WILL REMIND YOU TO HER.
QA
IF I GO TO SOUTH COAST PLAZA, I WILL GET A NEW PAIR OF SHOES.
IF I HAVE SOME SPARE TIME THIS MONTH, I WILL DROP BY TO SEE THEM.
BBT
Có một chi tiết này hai cô cần nhớ ở đây, đó là nếu đảo ngược thứ tự của hai mệnh đề thì KHI VIẾT, chúng ta KHÔNG DÙNG COMMA, TỨC LÀ DẤU PHẨY ở giữa để tách hai mệnh đề ra khỏi nhau. Thí dụ I WILL DROP BY TO SEE THEM (KHÔNG COMMA) IF I HAVE SOME SPARE TIME. Nhưng nếu cho IF CLAUSE đi trước thì chúng ta phải có COMMA ở giữa hai mệnh đề: IF I HAVESOME SPARE TIME, I WILL DROP BY TO SEE THEM.
QA
Thưa anh, còn trong những IF CLAUSE với những điều kiện hay giả thuyết khó hay không thể xẩy ra được, thì chúng ta phải dùng thì gì, tức là TENSE gì?
BBT
Đây chính là điều làm cho CONDITIONAL SENTENCES rắc rối như hai cô đã nói. Trả lời cho câu hỏi của QA, chúng ta dùng PAST TENSE trong IF CLAUSE và trong MAIN CLAUSE, chúng ta dùng WOULD, COULD, SHOULD, MIGHT và INFINITIVE WITHOUT TO. Thí dụ IF I CAUGHT THE MEXICAN DRUG LORD, I COULD GET A 10 MILLION REWARD. Thúy cho nghe thí dụ của Thúy với các giả thuyết gần như không bao giờ xẩy ra hay rất khó có thể trở thành sự thật coi.
LÃM THÚY
IF I SAW INSIDE HIS HEAD, I WOULD KNOW WHAT TO DO.
IF CHINA ATTACKED VIETNAM, THERE WOULD BE A LARGER WAR.
QA
Đây là hai thí dụ của QA. IF MY SON CHANGED HIS MAJOR, HE COULD TAKE UP LAW.
IF WAR BROKE OUT, VIETNAM MIGHT LOSE SOME MORE LAND.
BBT
Có một chi tiết cần nhớ trong những câu CONDITIONAL này. Đó là chúng ta dùng WERE cùng với I, HE, SHE và IT chứ không dùng I WAS, HE WAS, SHE WAS và IT WAS. Bao giờ cũng dùng WERE cho tất cả các ngôi I WERE, YOU WERE, HE WERE, SHE WERE, IT WERE, WE WERE và THEY WERE. QA cho nghe hai câu với I WERE coi.
QA
IF I WERE 20 YEARS YOUNGER, I WOULD GO BACK TO COLLEGE.
IF I WERE IN LONDON NOW, I WOULD BE ABLE TO SEE THE OLYMPICS.
LÃM THÚY
Đây là thí dụ của Thúy: IF I WERE STILL IN VIETNAM, I WOULD NEVER LIVE IN HA NOI.
IF I WERE A MULTI MILLIONAIRE, I WOULD BUY A BEACH HOUSE IN CALIFORNIA.
BBT
Khi có những giả thuyết hay những điều kiện chắc chắn không bao giờ có thể xẩy ra được vì chúng là những giả thuyết trong quá khứ thì chúng ta dùng PAST PERFECT trong IF CLAUSE và WOULD, COULD, SHOULD, MIGHT + HAVE + PAST APRTICIPLE trong MAIN CLAUSE.
Thí dụ khi tôi nói NẾU TỔNG THỐNG DIỆM CÒN SỐNG thì QA thấy giả thuyết của tôi thế nào?
QA
Điều giả thuyết đó KHÔNG BAO GIỜ CÓ THỂ XẨY RA ĐƯỢC , vì tổng thống Diệm đã bị ám sát chết năm 1963, tức là trong quá khứ, đó là chuyện chúng ta sẽ không thể làm bất cứ gì để thay đổi được.
LÃM THÚY
Thí dụ của Thúy về một giả thuyết không bao giờ có thể xẩy ra được là NẾU THÚY Ở LẠI SÀI GÒN. Chuyện đó không thể xẩy ra được vì Thúy đã rời Sài Gòn sang Mỹ từ mười mấy năm nay rồi.
BBT
Đây là thí dụ của tôi: IF THEY HAD BOUGHT THAT HOUSE IN 1999, THEY COULD HAVE SOLD IT FOR 5 MILLION DOLLARS. Còn thí dụ của QA và Lãm Thúy thì như thế nào?
QA
IF PRESIDENT DIEM HAD NOT DIED IN 1963, THE SITUATION OF VIETNAM COULD HAVE BEEN DIFFERENT.
IF SAI GON HAD NOT BEEN LOST, I MIGHT HAVE BECOME A SCHOOL TEACHER.
LÃM THÚY
IF THE ECONOMY HAD NOT BEEN BAD, I COULD HAVE OPENED ANOTHER SHOP.
IF I HAD STAYED A BIT LONGER, I COULD HAVE MET HIM.
BBT
Bây giờ, hai cô đã hiểu rõ hơn về CONDITIONAL SENTENCES, tôi chỉ cho hai cô thêm một điều nữa về các câu điều kiện này. Đó là chúng ta có thể bỏ hẳn IF đi và đưa ĐỘNG TỪ CHÍNH LÊN TRƯỚC CHỦ TỪ, ý nghĩa của câu sẽ không đổi thay, ý sẽ còn nguyên như cũ.
Thí dụ IF I WERE YOUGER, I WOULD JOIN THE ARMY, bỏ IF đi, đưa động từ chính lên trên chủ từ thì Thúy sẽ nói thế nào?
LÃM THÚY
WERE I YOUNGER, I WOULD JOIN THE ARMY.
BBT
Đúng rồi. QA đổi thử câu này coi, bỏ IF ở đầu đi. IF PRESIDENT DIEM HAD NOT DIED IN 1963…
QA
HAD PRESIDENT DIEM NOT DIED IN 1963, THE SITUATION OF VIET NAM WOULD HAVE BEEN DIFFERENT.
IF SAIGON HAD NOT BEEN LOST thành HAD SAIGON NOT BEEN LOST, I MIGHT HAVE BECOME A SCHOOL TEACHER.
LÃM THÚY
IF THE ECONOMY HAD NOT BEEN BAD thành HAD THE ECONOMY NOT BEEN BAD và IF I HAD STAYED A BIT LONGER thành HAD I STAYED A BIT LONGER…
BBT
Còn một chút xíu này nữa về CONDITIONAL SENTENCES hai cô cũng nên biết. Đó là trong một số trường hợp, chúng ta có thể thay IF bằng IN CASE hay IN THE EVENT…nghĩa là TRONG TRƯỜNG HỢP.
Thí dụ IF YOU NEED MONEY, YOU CAN GO TO ANY ATM. Bỏ IF đi, chúng ta thay bằng IN CASE hay IN THE EVENT nghĩa là TRONG TRƯỜNG HỢP để thành IN CASE YOU NEED MONEY hay IN THE EVENT YOU NEED MONEY.
QA cho nghe hai câu với cách đặt câu tôi vừa đề nghị coi.
QA
IF YOU WRITE TO HIM, SEND MY REGARDS thành IN CASE hay IN THE EVENT YOU WRITE TO HIM, SEND MY REGARDS.
IF WE GO TO ROME, WE MUST DO LIKE THE ROMANS DO thành IN CASE hay IN THE EVENT WE GO TO ROME, WE MUST DO LIKE THE ROMANS DO.
LÃM THÚY
IF MY BOSS CALLS, TELL HIM I AM SICK thành IN CASE hay IN THE EVENT MY BOSS CALLS, TELL HIM I AM SICK.
IF IT RAINS HARD, WE CAN CALL A TAXI thành IN CASE hay IN THE EVENT IT RAINS HARD, WE CAN CALL A TAXI.
QA
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây thì xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.