July 19, 2012

July 20, 2012


Ngày 16 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Đoạn video xem được trong internet về chuyến đi mới đây của một nhóm người đến đảo Song Tử Tây, một hải đảo thuộc quần đảo Trường Sa, cho thấy cảnh một sĩ quan hải quân Cộng Sản Việt Nam đứng giải thích cho những người trong chuyến đi về một cột mốc bằng xi măng dựng trên đảo.
Bằng giọng Bắc đặc sệt, người quân nhân này vừa chỉ vào tấm bia xi măng vừa nói rằng cột mốc là một bằng cớ quan trọng có thể dùng để trưng ra làm bằng cớ về chủ quyền của Việt Nam trên đảo. Anh ta chỉ vào tấm bia có từ ngày 22 tháng 8 năm 1956 do hải quân Việt Nam Cộng Hòa dựng lên nhân một chuyến đi thị sát nghiên cứu và thăm đảo. Tấm bia ghi rõ quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Phước Tuy của Việt Nam Cộng Hòa. Anh ta nói rằng tấm bia rất quan trọng vì nó chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên đảo. Anh nói thêm đó là bằng chứng lịch sử xác thực do hải quân của "chế độ cũ", tức là chế độ Ngô Đình Diệm dựng lên. Kế đó, anh nói thêm đó là tấm bia ghi rõ Việt Nam Cộng Hòa chứ không phải Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Rồi anh chỉ vào một chi tiết khác của tấm bia và nói đó là biểu tượng của "ngụy quân Sài Gòn và chính phủ Ngô Đình Diệm."
Mẹ kiếp, các con muốn dùng những thứ ấy trong những tranh chấp về lãnh thổ với Bắc Kinh thì trước hết, các con phải thay đổi ngay cái lối ăn nói mất dậy của các con. Tiếp tục gọi chính phủ ở miền nam vĩ tuyến thứ 17 là "ngụy quyền" thì các tài liệu, lập luận của các con liên quan đến Trường Sa và Hoàng Sa sẽ không có giá trị gì hết.
Các con coi Việt Nam Cộng Hòa là "ngụy quyền", là "chính quyền lập ra để chống lại chính quyền hợp pháp của nhân dân chống xâm lược". Các con coi chỉ có các con mới là chính quyền hợp pháp (tức là chính phủ Việt Nam Cộng Hòa của cả hai nền cộng hòa ở nam vĩ tuyến 17 là bất hợp pháp) thì tại sao các con lại lôi các tài liệu bằng chứng lịch sử của chính quyền "ngụy" ra để chống lại lập luận xâm lược của Tầu Đỏ bây giờ?
Các con phải bỏ ngay cái lối ăn nói mất dậy của cả lò nhà các con mỗi khi nói về các chính phủ ở nam vĩ tuyến 17 trước năm 1975 thì mới có thể trưng ra những bằng cớ hợp pháp về chủ quyền của Việt Nam tại các đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Làm như thế mới có được sức mạnh đoàn kết của toàn dân mà các con rất cần vào lúc này. Phải công khai nhìn nhận các nỗ lực và hy sinh của người dân và quân đội Việt Nam Cộng Hòa đối với toàn vùng lãnh thổ của đất nước. Ngày nào mà các con không chịu công nhận và ghi ơn những hy sinh của các chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa ở Hoàng Sa trong trận hải chiến kéo dài từ ngày 17 đến ngày 19 tháng 1 năm 1974, và tiếp tục cái lối ăn nói mất dậy gọi Việt Nam Cộng Hòa là "ngụy", thì ngày đó các con sẽ vẫn chỉ là một bọn phản quốc, sẵn sàng cắt đất, dâng đảo ngoài khơi và sẵn sàng ăn cứt cho bọn Tầu Cộng.
Nên nhớ tấm bia của quân đội Việt Nam Cộng Hòa dựng lên ngày 22 tháng 8 năm 1965 không có nghĩa là chỉ từ ngày đó trở đi, chủ quyền của Việt Nam mới có trên đảo, mà còn cả trước đó nữa. Bắc Kinh không hề có bất cứ một chứng cớ nào có thể đưa ra về chủ quyền của chúng trên các đảo này.
Nhưng cái này khó hơn cho các con trong những tranh cãi về lãnh thổ với Bắc kinh. Tấm bia của Việt Nam Cộng Hòa dựng lên ngày 22 tháng 8 năm 1956 thì ngày 14 tháng 9 năm 1958, tức là sau ngày dựng tấm bia hai năm, thì thủ tướng của các con gửi cha nó một công hàm cho Chu Ân Lai nói rằng nhà nước của các con "ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 58 của chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung quốc". Cũng trong bức công hàm ô nhục đó, Phạm Văn Đồng còn viết thêm là sẽ "chỉ thị cho các cơ quan nhà nước tôn trọng quyết định của Bắc Kinh trong mọi quan hệ với nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa trên mặt bể".
Rành rành ra như thế rồi thì làm thế nào các con vô hiệu hóa được cái công hàm khốn nạn đó. Chính thủ tướng của các con đã ngu xuẩn và nhanh nhảu viết bức công hàm đó chỉ 10 ngày sau khi Bắc kinh tuyên bố láo lếu về chủ quyền của bọn chúng, và tình nguyện nhìn nhận, tôn trọng quyết định ngang ngược xâm lăng của bọn Tầu.
Đến nay, các con mới quýnh quáng không biết ăn làm sao, nói làm sao vì cái miệng mắc bố nó cái quai công hàm bán nước của Phạm Văn Đồng.
Trong khi đó, sau 38 năm các con vẫn chưa dám nói về trận hải chiến ở Hoàng Sa và các hy sinh của hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Các con vẫn không dám gọi thẳng bọn Tầu khốn nạn là bọn xâm lược thì các con chống Tầu thế chó nào được.
Và các con vẫn tiếp tục đàn áp những tiếng nói yêu nước khi người dân Việt lên tiếng về việc lãnh thổ của cha ông bị bọn chó Bắc kinh xâm chiếm thì các con sẽ không bao giờ có được hậu thuẫn và ủng hộ rất cần của toàn dân để chống lại Trung quốc.
Mẹ kiếp bay giờ đã thấy rõ đứa khốn nạn chó dại nào bán nước cầu vinh chưa?

Ngày 17 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Trong bài thơ tôi không nhớ rõ của ai, có một câu đại khái từ nay, chiếc bàn chải răng trong buồng tắm của anh sẽ không còn cô đơn đứng một mình trong chiếc ly thủy tinh nữa. Câu thơ đó tôi không thể nhớ đúng từng chữ một có nghĩa là từ ngày có em, anh hết một mình, cái bàn chải đánh răng (của anh) cũng có bạn, không còn phải bơ vơ bên cái lavabo trong cái toilet lạnh lẽo của nhà anh nữa.
Như vậy thì thích quá đi chứ. Và luôn cả đôi sleepers của anh cũng không còn phải nằm cô đơn ở chân giường nữa. Một đôi khác sẽ nằm bên cạnh chúng. Chỉ ban đêm, khi một trong hai đứa đi tiểu thì một đôi mới phải nằm một mình.
Câu "…nhà mình toàn ánh trăng thề…" như một ca khúc nọ, hay được sửa bậy thành "nhà mình toàn tiếng … chửi thề" thì cũng không khác nhau là mấy, nếu nhìn lại cái ly thủy tinh trong buồng tắm có hai cái bàn chải đánh răng của đôi ta. Từ nay chúng cũng như "đũa có đôi" rồi. Đáng lẽ phải vui lên chứ tại sao lại chửi thề?
Nhưng có thể phải chửi thề thật chứ không đùa đâu. Theo một cuộc nghiên cứu mới đây thì hai cái bàn chải đánh răng không nên để cho ở chung trong một cái ly thủy tinh. Nếu cần, nên để cho chúng cách nhau ít nhất vài phân nếu không muốn vi trùng, vi khuẩn từ cái bàn chải này nhẩy qua đoàn tụ gia đình với đám vi trùng vi khuẩn của cái bàn chải kia. Theo cuộc nghiên cứu này, thì những chiếc bàn chải đều chứa khoảng 10 triệu con vi trùng gây ra đủ các loại bệnh như cảm cúm, herpes, bệnh nướu răng, sâu răng và nhiều bệnh khác. Những vụn thức ăn (của tô bún mắm em ăn hồi chiều) còn bám ở những chiếc bàn chải sẽ giúp cho các loại vi trùng những môi trường tốt để sinh sôi nẩy nở. Thế là vi trùng của em nhảy sang làm bạn với vi trùng của anh để rồi tha hồ chui vào cơ thể của anh.
Như vậy mà không chửi thề làm sao được.
Còn thêm một chuyện khác. Đó là cái bồn cầu, dùng xong mà không đậy nắp lại thì các loại vi khuẩn, vi trùng sẽ theo nước từ bồn cầu bốc hơi bay lên, bạ đâu cũng bám vào, kể cả những chiếc bàn chải đánh răng để trong toilet. Như vậy, các vi khuẩn của em lại bay tới ngự trị trên chiếc bàn chải của anh, và anh dùng nó để đánh răng thì… của em sẽ nhanh nhẹn xâm nhập vào cơ thể của anh qua đường miệng.
Như vậy thì làm sao chịu được.
Chiếc bàn chải của anh có thể vui mừng khi có cái bàn chải của em ở cạnh nhưng nghĩ lại thì không nên chút nào.
Anh sẽ phải bắt chúng nó không được ở bên nhau nữa. Có thể em sẽ thắc mắc, sẽ hỏi anh rằng bộ anh không còn yêu em nữa hay sao mà lại rẽ thúy chia uyên hai cái bàn chải của đôi ta?
Thế nên anh sẽ phải giải thích ngay cho em về quyết định đó. Tình yêu của chúng ta vẫn còn, nhưng hai cái bàn chải nên tạm xa nhau thì anh mói tiếp tục sống bên em được.
Thành ra có thể phải làm như Mao Trạch Đông mà lại hay. Theo y sĩ riêng của Mao Trạch Đông thì Mao không bao giờ dùng bàn chải đánh răng. Răng của chàng lúc nào cũng như có một lớp bọc mầu xanh nhạt. Lý do là vì chàng chỉ dùng bã trà để chà răng như thói quen của những người nông dân ở quê chàng. Mao không đánh răng bao giờ vì chàng lý luận rằng con cọp có đánh răng đâu mà nó vẫn sống.
Chàng cũng không tắm như chúng ta tắm hàng ngày. Ở Trung Nam Hải, chàng nằm một đống trên giường để cho các em hộ lý lấy khăn lau cho …sạch.
Cục cưng Giang Thanh không được đánh răng chung với chàng trong toilet nên chán đời lập đảng với Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn hoành hành một thời.
Hay là cách hay nhất vẫn là để cho hai cái bàn chải đứng chung trong cái ly thủy tinh như cũ?
Và tiếp tục đánh răng với những thứ bốc hơi bay từ cái bồn cầu mà em vừa dùng xong?
Tại sao lại có cái bài báo ác độc này để cứ nghĩ tới nó là không muốn đánh răng nữa. Hay là kín đáo có một cái bàn chải khác, dùng xong thì cho vào microwave hấp cho chết mấy con vi trùng, vi khuẩn khốn nạn của em cho đỡ thắc mắc.
Yêu em anh muốn xài chung
Sợ con vi khuẩn (của em) nó lồng sang anh…

Ngày 18 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Ở Beaverton, một thị trấn nhỏ thuộc tiểu bang Oregon, có một ngôi nhà đang được rao bán. Trước căn nhà có một tấm bảng hệt như những tấm bảng rao bán nhà của các nhân viên địa ốc dựng phía trước.
house2_uni
Nhưng đọc kỹ thì tấm bảng có hơi khác một chút. Mấy hàng chữ trên bảng nguyên văn như thế này: "Husband left us for a 22-year-old. House for sale by a scorned, slightly bitter, newly single owner".
Chủ nhà, một phụ nữ tên là Elle Zober cho biết người chồng bỏ cô và các con để đi theo một phụ nữ 22 tuổi. Chủ nhà cho biết thêm cô là một phụ nữ bị phụ rẫy, hơi chua chát cuộc đời một chút, và nay đang là một "newly single owner".
Có lẽ chưa bao giờ có một tấm bảng rao bán nhà lại mang một nội dung mới lạ như thế.
Cô nhận cô là người phụ nữ bị "scorned". Trong vở kịch nhan đề The Mourning Bride, nhà soạn kịch William Congreve của văn học Anh cũng đã đề cập tới người phụ nữ như thế trong câu: "Hell hath no fury like a woman scorned". Câu này nghĩa là không thể có một cơn giận dữ nào ghê gớm hơn là một người đàn bà bị phụ rẫy. Nhưng câu này cũng có nhiều người cho là của William Shakespeare. Tuy thế, quan trọng là chữ "scorned". Động từ to scorn trong tiếng Anh được tự điển định nghĩa là "to reject contemptuously"nghĩa là bị bỏ, bị bác bỏ một cách đầy khinh bỉ.
Là một phụ nữ bị ruồng bỏ, bị phụ rẫy, đáng lẽ cô có thể làm mạnh hơn như thế. Cô chỉ nêu chi tiết bị chồng bỏ để theo một phụ nữ trẻ tuổi hơn mà cô cũng chỉ thấy hơi chua chát cuộc đời một chút (slightly bitter) thì cô quả là hiền. Cô cho biết là có thảo luận với chồng cũ, và người đàn ông này đồng ý để cho cô viết mấy hàng chữ trên tấm bảng rao bán căn nhà. Cô nói rằng cô chỉ muốn tạo chú ý của người mua nhà mà thôi. Cô nói thêm rằng ông chồng cũ của cô còn đồng ý trả một nửa chi phí cho tấm bảng đó.
Tuy nhiên, một hàng chữ nhỏ ở tấm bảng có viết rõ: "Adulterers need not apply".
Dứt khoát là không bán cho những … đứa ngoại tình. Cô cho viết thêm như thế. Nhưng lập trường đó có thể không cần thiết. Những đứa ngoại tình có thể cũng không thích căn nhà đó. Có thể họ sợ súi quẩy nên sẽ không ưa căn nhà có cái huông … ăn vụng bị bắt gặp đó.
Một chi tiết khác của tấm bảng là mấy chữ "newly single owner". Những chữ này có thể hiểu theo hai cách. Nếu "single owner" là chủ duy nhất của căn nhà thì những chữ này có nghĩa là việc chia tài sản đã xong, người chồng cũ không còn dính dáng gì tới căn nhà nữa. Do đó, việc mua bán căn nhà và giấy tờ sẽ giản dị đi nhiều, vì không cần phải có chữ ký hay sự đồng ý của người chồng cũ nữa.
Nhưng nếu "single" được hiểu là độc thân thì "newly single owner" sẽ được hiểu là chủ nhà (owner) vừa mới (newly) trở lại với tình trạng độc thân (single).
Thế thì căn nhà có nhiều cơ hội sẽ bán được rất sớm. Người mua có thể đề nghị chủ cứ ở lại tiếp cũng được. Khỏi phải dọn nhà đi đâu cho tốn hơi tốn sức.
Hay tuyệt.
Cô nói rằng sao cũng được, còn hơn là để cho căn nhà bị "foreclosed"

Ngày 19 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Mấy năm trước, khi còn phải lái xe mỗi ngày đi Santa Monica làm việc, có vài ba lần tôi thấy một người đàn ông đứng xin tiền ở đoạn exit từ xa lộ số 10 vào đường Olympic tay cầm tấm bảng viết một dòng chữ khá đặc biệt.
Ở miền đông, nơi tôi đã sống nhiều năm, cũng như ở miền tây nay tôi đang sống, hay đúng ra là ở khắp nước Mỹ, những người xin tiền ở ngoài đường phố thường cầm và giơ cao những tấm bảng, nhiều khi chỉ là một tấm bìa giấy, viết mấy chữ đại khái "Will work for food!", hay "Homeless, please help!" để xin tiền. Cầm tấm bảng đỡ phải mỏi miệng nói. Người đi ngang động lòng trắc ẩn thì ngừng lại, cho vài ba đồng, nhiều khi cũng chẳng mấy tin vào những lời lẽ trên tấm bảng của những người ấy.
Người đàn ông đứng đường ở Santa Monic có thể cũng biết điều đó. Homeless sao lại quần áo sạch sẽ như thế, sẵn sàng làm việc sao lại đứng ở góc đường tháng này qua tháng khác, suốt mấy mùa đông lại đến hè…? Ai mà tin cho được.
Có thể người đàn ông ấy đọc được những suy nghĩ đó, nên chàng viết rất rõ trên tấm bảng chàng cầm trên tay và chìa cho những người lái xe dừng lại ở đèn đỏ những chữ : "Why lie? I need a beer!"
Tấm bảng nói thẳng: tại sao lại phải nói dối là đang homeless , đang ngủ đường ngủ chợ, xin giúp đỡ, hay sẵn sàng làm việc để đổi lấy thực thẩm trong khi lười chẩy xác ra, đứng góc đường xin tiền ngày này qua ngày khác? Chi bằng cứ nói thẳng: tôi cần tiền mua lon bia uống chơi có hơn không!
Hôm ấy khi tôi ngừng ở đèn đỏ thì chàng tiến lại gần xe tôi. Tôi bỏ 2 tờ 1 đồng vào tay chàng, và nói: "Have a Heineken on me!" Chàng cười và nói : "God bless…" Tôi đến sở vui hơn mọi ngày. Ít nhất tôi không cảm thấy bị lừa như những lần cho tiền trước đó.
Tại sao không nói thật ra như vậy có phải hơn không?
Tuần qua, đài truyền hình ở Ohio có tường thuật một phụ nữ với cách xin tiền còn hay hơn và thành thật hơn người đàn ông xin tiền uống bia ở Santa Monica nhiều.
Chrissy Lance là một phụ nữ 37 tuổi, không có chồng nhưng có 1 con nhỏ, nhà ở Rittman, Ohio. Cô là sinh viên đại học bán thời gian, và đi làm cũng bán thời gian, tiền kiếm được chi đủ sống và trả "bills" như cách nói của người Mỹ. Vì thế, cô quyết định đứng góc đường xin tiền cho một món chi tiêu mà cô rất cần. Đài truyền hình Fox chiếu cảnh cô mặc bikini đứng ở góc đường Manchester và Carnegie thuộc thị trấn Akron , tiểu bang Ohio nơi có nhiều xe cộ qua lại. Cô cầm một tấm bảng lớn với hàng chữ nói rõ cô không phải là người homeless không nhà. Cô chỉ cần tiền để cải thiện tình trạng của cơ thể, vòng số 1 của cô. Cô mặc bikini nên người ta có thể thấy là cô nói thật. Mấy chữ viết trên tấm bảng cô giơ cao là : "NOT HOMELESS! NEED BOOBS". Không phải là vô gia cư! Chỉ cần có vú (to) mà thôi.
BOOB JOB
Cô là người thành thật. Cô không dấu chuyện cô cần tiền để làm gì. Cô cho mọi người thấy ngay là cô nói thật. Nhìn cô, ai cũng phải thấy ngay là tình hình của cô quả thực rất cần cải thiện. Bộ bikini trên người nói thẳng ra điều đó. Cô nói rằng cô muốn có đủ tiền cho "em bé" (need money for her little ladies) của cô. Cô cần khoảng 5 ngàn đô la để biến các "em bé" (little ladies) thành những bà … lớn (full grown women).
Chrissy Lake đứng bên một chiếc Harley Davidson dựng ở mé đường. Xe cộ đi chậm lại, một số người cho cô tiền, cô bỏ trong một chiếc túi da. Một người đàn ông đứng cạnh cho biết ông là bạn, đứng đó để giữ an ninh cho cô. Trong hai tiếng đồng hồ, cô nhận được 46 đô la. Như thế, nếu muốn có được 5 ngàn đô la, cô sẽ phải đứng ngoài đường khoảng 220 giờ.
Sau khi chuyện của cô được đưa lên truyền hình và internet, cô được nhiều người từ nhiều quốc gia trên thế giới liên lạc để giúp cô. Nếu tôi lái xe đi ngang chỗ cô đứng, chắc tôi sẽ ngừng lại giúp cô như đã vui vẻ giúp người đàn ông ở Santa Monica. Cả hai đều là những người thành thật, đáng được giúp đỡ.
Có điều hiện nay cô là một người chung thủy, trước sau như một. Sợ là sau khi dao kéo đụng vào, cô sẽ không còn là người chung thủy nữa.
Lúc ấy cô sẽ có "ngực tấn công, mông phòng thủ" rồi thì trước (?) sau làm sao còn như một được nữa.
Lúc ấy sẽ "ngổn ngang gò đống (?) kéo lên", sẽ "thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay".
Những đồng tiền người ta tặng cô sẽ đi về đâu?

Ngày 20 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Trong một số Playboy, tôi đọc được một câu có thể dùng để phá tan tất cả các bức tường băng bất kể bề dầy ở mức độ nào, hữu hiệu còn hơn cả những chiến lược mà Tây phương đã dùng để kéo sập bức tường Berlin, chấm dứt giai đoạn chiến tranh lạnh hơn hai chục năm trước.
Nhân vật chính trong truyện ngắn, tôi nhớ hình như là của John Updike, có một cách làm quen, bắt chuyện lần nào cũng thành công, mà lần nào chàng cũng chỉ dùng có câu:" You smell so good... what is it? "
Giản dị hết sức. Nửa đầu khen một cái đã. Nửa sau bắt đương sự phải trả lời, để sau đó, đẩy đưa câu chuyện. Mà thường thì đương sự trả lời ngay. Lý do là vì vừa được khen, đang còn sung sướng chết ngất, bị hỏi thêm một câu về cái nguyên do làm phát sinh ra lời khen đó thì phải trả lời chứ: Cô/ bà thơm lắm... mùi gì vậy?
Câu trả lời là cái tên của loại nước hoa. Aria, hay Contradiction, hay Allure... Rồi sau đó, là những chuyện khác nữa cứ từ tốn kéo ra. Lần nào nhân vật trong truyện ngắn đó của Updike cũng thành công rực rỡ. Các ông Khruschev, Brezhnev... có sống dậy cũng không thể làm hồi sinh được chiến tranh lạnh nữa.
Nhưng bây giờ, có thể lối khai mở đó sẽ không còn thành công nữa.
Khen thơm phức thì được. Nhưng hỏi mùi gì thì chưa chắc đã được trả lời. Nếu đó là thứ nước hoa không bán ở ngoài tiệm, nếu đó là thứ nước hoa được pha chế riêng cho người đang xức nó. Người bị hỏi có thể sẽ quay lại quăng ra mấy câu hỏi liên tiếp: Tại sao muốn biết? Biết làm gì? Muốn mua hả? Mua cho ai? Không nói được.
Cuộc đối thoại chấm dứt. Nhân vật của John Updike sẽ cứng họng, chịu thua không sao cứu vãn được tình hình.
Và nếu người có mùi nước hoa kỳ lạ đó muốn chia xẻ cái mùi được đặc biệt pha chế riêng cho nàng, nàng sẽ phải viết xuống giấy, ký tên cho phép như một tác giả bảo vệ tác quyền của mình, thì người kia mới mua được. Những chi tiết quái đản này tôi vừa được biết khi đọc được trong Internet một bài viết về những loại nước hoa được pha chế riêng đang được nhiều khách hàng chiếu cố.
Xức một mùi nước hoa mà được nhận ra cũng có thể sung sướng lắm chứ. Như trong phim Scent Of A Woman, đoạn Al Pacino trong vai đại tá khiếm thị Frank Slade ngửi và nhận ra, nói đúng tên của mùi nước hoa người phụ nữ trẻ lần đầu tiên ông gặp trong quán ăn. Nhưng trong một sở làm, ba bốn chị một hôm cùng rú lên vì thấy mấy chị kia cũng dùng một thứ nước hoa mua ở Nordstrom như mình thì không có gì vui hết. Và đó là lý do phải đi kiếm một mùi đặc biệt không ai có cho khỏi tức cái...mình.
Các phụ nữ có vẻ rất đồng ý với chuyện này, và công việc làm ăn của Sarah Horowitz, pha chế những mùi nước hoa theo yêu cầu của khách hàng, có chiều hướng đi lên. Nhưng với những cái giá khá cao, khoảng gần $300 cho mỗi 1/4 ounce perfume oil, người ta chưa thấy được cái ngày ai cũng một mùi riêng như tiên đoán của Internet.
Những người đàn ông có hai ba nơi để tặng nước hoa sẽ gặp vất vả. Mỗi nơi một mùi riêng có thể gây đủ mọi thứ phiền nhiễu cho các chàng. Không thể gửi hai ba nơi đó cùng một mùi, mùi Dona Karan trong cái chai rất kiểu cọ chẳng hạn. Hai ba cái nơi ấy sẽ đòi mỗi nơi một mùi thì phiền lắm. Làm sao hết cái mùi vừa chia tay ý thức hệ ở ga xe điện ngầm khi đến gặp cái mùi thứ nhì? Mà phụ nữ mũi tốt hơn đàn ông rất nhiều, đã tốt lại còn được chống đỡ bằng những miếng plastic(?) thì phân biệt mùi chắc phải giỏi hơn. Vậy thì phải làm gì để thoát hiểm?
Vạn ứng Nhị Thiên dầu. Chai dầu Nhị Thiên Đường chứ còn gì nữa. Vừa đánh át được cái mùi kia, vừa gây được thương cảm cho một người vừa trúng phải cơn gió độc, như bài học tôi học được của một trong những cha đẻ của nền ngoại giao Việt Nam, đại sứ Phạm Đăng Lâm lúc sinh thời mà tôi rất yêu quí.
Nhưng chai dầu này có thể sẽ bị dẹp, như tổng thống Nga Vladimir tìm cách ngăn không cho Hoa kỳ thiết lập một hệ thống phòng thủ chống phi đạn vậy. Lúc ấy, quần áo sực nức mùi phở lại là an toàn nhất...