Ngày 23 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Mae West, cô đào vamp của điện ảnh Mỹ trong những năm 30, 40 đã để lại cho đời mấy chục câu nói hay tuyệt, những câu ỡm ờ, hai ba nghĩa làm bao nhiêu người đàn ông sướng gần chết, đồng thời cũng còn nói lên được nét hấp dẫn rất lồ lộ của chính cô.
Một trong những câu nói ấy của cô nguyên văn như thế này: "Is that a gun in your pocket, or are you just happy to see me?" Cô nói câu này trong phim She Done Him Wrong mà cô đóng chung với Cary Grant.
Cô trông thấy chàng và thắc mắc có phải chàng để khẩu súng trong túi quần, hay đó chỉ vì chàng quá mừng (?) khi trông thấy cô.
Cô nghĩ mình phải hấp dẫn lắm nên gặp cô là chàng đã mừng gần chết, cũng có thể là chàng có khẩu súng để trong túi quần thật. Nhưng có thế nào thì chàng trông cũng rất oai và hấp dẫn.
Tuy vậy, không phải ai cũng có đôi mắt tinh như cô và cũng không phải ai cũng hấp dẫn như chàng. Vì thế mới thành chuyện ở phi trường San Francisco hôm 19 tháng 7 vừa qua.
Jonah Falcon 41 tuổi, là một diễn viên và cũng là một nhà văn sống tại New York. Hôm ấy chàng từ San Francisco bay về New York. Tại cửa an ninh lên máy bay, nhân viên của TSA, cơ quan an ninh vận tải liên bang, chàng bị hỏi là chàng có để gì trong túi quần trái không mà sao chàng lại … phồng lên quá cỡ thợ mộc như thế. Chàng trả lời là không. Nhân viên an ninh lại hỏi chàng có cái bướu gì ở đùi trái không, chàng cũng trả lời không.
Bản tin không cho biết đó là một nam nhân viên hay là một nữ nhân viên. Nhưng có điều gần như chắc đó là một nam nhân viên. Có thể vì thế cho nên chàng mới bị hỏi đi hỏi lại tới hai lần về cái phồng phồng (?) trong quần. Phải chi người nhân viên an ninh đó là Mae West, thì nàng chỉ cần nháy mắt một cái, hỏi chàng có để súng trong túi quần không hay đó chỉ là vì chàng quá vui khi thấy nàng. Hỏi và không cần trả lời, chàng sẽ được Mae West cho đi luôn.
Nhân viên an ninh phi trường chắc không đọc tờ Rolling Stones bao giờ, vì trong một bài báo viết về chàng mang tựa đề "Mr. Big", người đọc được biết chàng là người có kích cỡ "khác thường" từ khi mới 10 tuổi, theo chính tiết lộ của má chàng.
Mới 10 tuổi mà đã khác (?) thường như thế, thì nay, 41 tuổi, chắc chàng phải là Mr. Bigger (?) mới đúng. Và chính vì thế nên chàng bị căn vặn lên căn vặn xuống ở phi trường San Francisco hồi tuần trước khi đi qua cửa an ninh. Chàng sau đó đã phải nói thật với nhân viên an ninh về "thiết bị" của chàng, nhưng cũng có than phiền một chút vì trước đó, chàng đã phải đi qua máy chụp quang tuyến toàn thân, hình hiện lên màn ảnh không thiếu một món gì. Vậy mà chàng vẫn bị hỏi mới phiền. Nhưng cũng phải thông cảm các biện pháp an ninh vì khủng bố có thể chế tạo bom bằng một loại plastic không hiện lên trên máy quang tuyến.
Chàng nói thật với nhân viên rằng cái phồng phồng ấy là đồ đạc (?) của chàng. Nhân viên an ninh xin phép để khám bằng tay, nhưng lại không dám đặt hẳn tay lên "nó", mà chỉ xoa nhẹ chung quanh. Nhưng chỉ xoa nhẹ chung quanh thì làm sao biết được thật giả. Người ta vẫn nghi chàng mang bom trong người nên dùng một loại bột rắc lên ống quần trái của chàng coi có phải là chất nổ hay không. Mãi mấy phút sau chàng mới được lên máy bay.
Jonah Falcon cho biết chuyện như vậy đã xẩy ra vài ba lần nên chàng đã quen. Lên máy bay, chàng tweet cho bạn bè, và nhờ đó, chuyện ở phi trường San Francisco mới được nhiều người biết.
Nhưng nhân viên an ninh ở phi trường đáng lẽ ra đã có thể làm một việc khác giản dị và chắc ăn hơn. Đó là cho chàng nuốt một viên Viagra rồi bảo chàng ngồi chờ. Nếu nửa tiếng sau, yêu cầu chàng đứng dậy, bước đi vài bước mà thấy chàng nhấc chân trái (?) lên một cách khó khăn thì để cho chàng lên máy bay. Nếu chỉ có tóc (?) chàng dựng ngược lên như Kinh Kha ở bến sông Dịch thì lột quần áo chàng ra, nhất định sẽ thấy khẩu súng hay chất nổ dấu trong túi quần.
Rất nhiều người đàn ông khi nghe chuyện của chàng thì không còn những ao ước thầm kín như trước đây nữa. Nhất là khi báo chí như tờ Huffington Post tiết lộ rằng chàng thất nghiệp đã vài năm nay, và từ hơn 15 năm nay, chàng không có được một liên hệ "chất lượng" với bất cứ một phụ nữ nào cả.
Như vậy, có kích cỡ như chàng thì cũng có khác gì những người đàn ông khác trên thế giới này đâu. Đã thất nghiệp dài (?) người ra lại còn bị phiền nhiễu bao nhiễu lần ở phi trường như vậy thì 13 inches 5 mà làm gì?
Cứ có nhiêu xài nhiêu là được rồi.
Ngày 24 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Tối hôm qua tôi đi ăn với một người bạn. Ngồi vào bàn thì tôi thấy phía sau lưng người bạn tôi, quay lại phía tôi, là một phụ nữ mà tôi đoán là còn khá trẻ. Mái tóc nâu nhạt của cô được cột cao. Cô mặc một chiếc áo hở lưng, hai sợi spaghetti vắt ngang qua vai.
Tôi không thể không nhìn cô, vì ở chả vai phải của cô, là hai hàng chữ xâm mầu xanh đậm. Bằng tất cả mọi nỗ lực kín đáo, tôi tìm cách cố đọc những chữ ấy. Nhưng một sợi dây của chiếc áo lót cô mặc lại che đi mất mấy chữ. Mà những chữ khác thì những con mắt già của tôi không nhìn thấy rõ mấy.
Tôi cố nhưng vẫn không sao đọc được. Chẳng lẽ đứng dậy, ghé sát mắt vào lưng cô để đọc.
Tôi không dám tính tới chuyện đó, vì nói thật, tôi vẫn nghĩ những người xâm mình nói chung thường không hiền. Chỉ sợ đang nheo mắt để đọc, người ấy quay lại ném ra vài câu nạt nộ thì vô duyên biết là bao. Những chữ xâm trên lưng của cô là những chữ Việt rất đẹp. Người xâm phải là người khéo tay, chuyên nghiệp, không phải là những bàn tay tầm thường và vụng về xâm những cái sọ người, con dao găm, quả tim rướm máu… mà tôi đã thấy rất nhiều. Tôi đã từng đọc được những hàng chữ xâm rất dữ dằn, nói trắng ra là rất tục tĩu. Người dám xâm những chữ ấy lên người thì nên dè chừng là vừa.
Ngồi cùng bàn với cô là hai người thanh niên cao lớn, những cánh tay đầy bắp thịt cuồn cuộn. Nên việc lại gần hơn để đọc những chữ ấy lại càng không nên. Nhưng không đọc được thì không được.
Curiosity can kill the cat. Câu tục ngữ tiếng Anh khuyên không nên có những tò mò vô ích và nguy hiểm.
Tuy thế, tôi vẫn cứ thắc mắc những chữ ấy là gì. Cuối cùng, tôi nghĩ nếu không đọc được thì ấm ức biết là bao. Xa nhà, ở Mỹ, thấy hàng chữ Việt mà sao lại không tìm cách để đọc. Vài ba phút nữa, cô ăn xong sẽ ra về, biết làm thế nào gặp lại để đọc. Cơ hội có thể sẽ không bao giờ trở lại nữa.
Cô xâm những chữ ấy trên lưng. Cô lại mặc cái áo hở lưng. Thế thì rõ ràng là cô muốn người ta đọc những chữ xâm trên lưng.
Đường đời vạn nẻo biết cô sẽ về đâu. Thế thì phải đọc cho bằng được.
Tôi đứng lên, bước qua bàn cô, chào cô và hai người thanh niên ngồi cùng bàn với cô. Tôi xin lỗi cô và nói là tôi tò mò muốn biết những chữ cô xâm trên lưng là gì.
Cô còn trẻ, khoảng gần ba mươi là cùng, mặt mũi hiền lành, giọng miền Bắc. Tôi nói thêm là nếu ghé sát cô mà đọc thì sỗ sàng và bất lịch sự quá nên nhờ cô đọc cho nghe. Cô vui vẻ làm ngay.
Nhưng trí nhớ của tôi càng ngày càng tệ, hôm nay tôi cố gắng nhiều lắm mà không sao nhớ lại được nguyên văn hai câu bẩy chữ đó. Lờ mờ tôi chỉ nhớ đại khái đó là hai câu (có đối) bầy tỏ lòng thương tiếc người cha đã mất.
Tôi buột miệng hỏi thêm đó có phải là cha cô không. Cô gật đầu. Tôi chia buồn với cô. Cô cho biết chuyện xẩy ra cũng hơn một năm rồi. Tôi cám ơn cô và trở lại bàn.
Hai câu thơ nói lên những tiếc thương rất lớn của một người mất cha. Ở tuổi của cô mà còn có người đau đớn về sự mất mát đó thì hơi hiếm. Nhất là ở cái nơi mà cô đã sống. Đọc những tờ báo trong nước, tôi thấy rõ điều đó. Những chuyện như lừa đảo, cướp bọc, giết người … thì nghe thường hơn. Vậy mà vẫn có thứ tình cảm tử tế tốt đẹp như thế ở một số người. Lại ở một phụ nữ còn trẻ, phục sức tối tân như cô.
Tôi tưởng tượng ra cảnh đám tang xong, cô buồn bã đến một tiệm xâm mình nào đó ở Hà Nội, nhờ xâm cho cô hai câu thơ ấy lên vai…
…trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
rọi suốt trăm năm một cõi đi về…
rọi suốt trăm năm một cõi đi về…
Suốt trăm năm, nỗi nhớ thương người cha đã mất đã được xâm lên vai, để cô gánh lấy mãi mãi.
Tại sao tôi không biết hai câu thơ ấy? Nếu biết, chắc tôi phải nhờ xâm lên vai hai câu đó hồi mười mấy năm trước?
Xa quê hương, nhớ mẹ hiền. Hay, nhưng thường quá rồi. Mà lại chỉ về người mẹ. Không có câu nào về người cha. Tôi đã đọc được câu ấy trên tay của mấy chú bé đánh giầy ở nhà hàng Thanh Thế từ lâu rồi. Hai câu thơ bẩy chữ của cô mới hay.
Gặp cô và được đọc cho nghe hai câu thơ ấy tôi bỗng tin là không phải người nào xâm mình cũng dễ sợ cả. Tôi vẫn không biết hai câu thơ ấy của ai. Cô mang đến nhờ người xâm hay chúng có sẵn trong tiệm xâm mình? Nhưng dù cho thế nào đi chăng nữa, thì việc cô đi xâm chúng trên lưng để mang theo nỗi nhớ thương người cha đã ra đi phải nói là đẹp quá. Cha của cô nay đang ở đâu đó chắc hẳn phải vui lắm. Nỗi nhớ thường trực trên vai của con gái. Nỗi nhớ luôn luôn ở đó, đi theo cô khắp nơi. Cái bướu của người gù cũng thế, bóng nắng đổ xuống đường luôn luôn là nhắc nhớ về người đã ra đi.
Tôi mong người chết vẫn có thể nhìn thấy những điều như thế và đọc được những chữ đó.
Ngày 25 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Như thế, bạn tôi đã thoát.
Chàng nói với tôi bằng giọng rất vui mừng rằng chàng đã thoát.
Thoát cái thiệp faire-part mà nhiều người bạn khác của chàng đã nhận được từ mấy tháng qua, rồi lại được nhắc nhở ân cần, kỹ lưỡng vài ba lần là "phải đi nhá!" từ phía người gửi. Chàng nói là khá nhiều người trong số này không hiểu tại sao họ nhận được, vì họ không quen biết bao nhiêu với người gửi.
Chúng tôi gọi đó, những cái faire-part, là những cái giấy phạt. Tưởng tượng nhận được một cái faire-part như thế, còn cẩn thận được ghi thêm "and friend" (và bạn), thì cho dù là đang độc thân, cũng phải một tấm check gửi đi với ba hàng số bắt đầu bằng con số 2 hay số 3, hay số 4, tùy theo mức độ thân sơ, là khổ thân rồi.
Mà đó chỉ là một cái faire-part. Nhận 2 cái, hay 3, hay 4 cái trong một tháng thì chịu sao thấu.
Nhất là chúng lại từ những quen biết không sâu đậm lắm. Chuyến đi Âu châu dự tính cho mùa thu có thể phải hủy. Hay những món quà sinh nhật cho lũ cháu nội ngoại cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Vì thế, nghe nói có người sắp lên xe hoa (lần thứ …mấy), lại ở cái tuổi ngũ thập, lục thập… là phát nóng lạnh. Thân thiết không bao nhiêu, cái faire-part như là một cách gây quĩ giống như các chính khách mùa tranh cử. Cứ mỗi lần nghe hăm dọa như thế, là tôi lại nín thở, chờ cho qua cơn hoạn nạn.
Nhưng nếu là chỗ thân tình mà không được mời thì chắc phải giận. Mình như thế này (?) mà bạn mình tìm được niềm vui lại nỡ lòng nào quên phắt mình đi. Tôi đã phải khiếu nại ít nhất là hai lần trong mấy năm qua.
Nhưng khi mức độ thân tình không được bao nhiêu, chiều dài của sự quen biết cũng không nhiều lắm mà nhận được cái faire-part thì đúng là "bị mời". Bạn tôi thoát, mừng là phải. Chàng nên gửi cái thiệp "Thank You", cám ơn đã cho chàng lọt sổ.
Chàng đầu đuôi cho tôi nghe về người gửi, nói là tấm thiệp mời (nếu chàng nhận được), là một sự phiền hà tạo ra cho chàng.
Chàng không thân đương sự. Chàng cũng không quen biết những khách mời của đương sự. Bị ấn vào một cái bàn toàn những nhân vật lạ hoắc, có khi lại là những người chàng rất sợ thì làm sao … sống? Chàng sẽ rất phiền là như thế. Đó có thể là dịp vui của đương sự. Nhưng chàng thì không dính dáng gì tới chuyện vui của đương sự. Tại sao làm khổ chàng? Đã có chung với nhau cái địa chỉ từ mấy năm, nay lại còn vấn danh, nạp thái… mà làm chi? Đi nát cái ngõ ra rồi còn … chạm ngõ nữa sao? Thế rồi đã vài phen chửi nhau như chửi chó, gọi nhau bằng đủ mọi thứ tên, nay còn vấn danh cái gì nữa!
Nghe chàng nói, tôi hiểu niềm vui của chàng.
"Let me not to the marriage of true minds…" William Shakespeare đã viết câu đầu của bài Sonnet 116 như thế. Không bao giờ nên xen vào giữa hai kẻ yêu nhau, can thiệp vào dự tính hôn nhân của họ. Bài thơ 14 câu là một tuyên ngôn về tình yêu của nhà thơ ở Stratford-on-Avon. Chúng ta không nên có ý kiến về những cuộc hôn nhân như thế. Tôi đọc cho chàng nghe câu thơ đó. Nhưng chàng vẫn tiếp tục coi cái faire-part, nếu chàng nhận được, là một sự can thiệp vào hạnh phúc của chàng.
Tôi an ủi chàng, nhắc lại chuyện chàng được tha trong danh sách những người mời. Vậy mà chàng vẫn ấm ức. Chàng lại quay ra tiếc chàng không bị mời. Vì nếu bị mời, chàng sẽ gửi một tấm thiệp với hàng chữ "It is a dirty job, but somebody has to do it!". Chuyện chẳng hay ho gì, thối là đằng khác, nhưng vẫn sẽ phải có người làm chuyện đó chứ!
Tôi nhắc chàng đã có Mike Rowe của chương trình Dirty Jobs của Discovery Channel.
Nói mãi chàng mới yên.
Ngày 26 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Một ý kiến của một kinh tế gia thuộc đại học Dokkyo vừa được cho thả nổi tại Nhật và lập tức, nhiều người tin là trong giai đoạn khó khăn kinh tế hiện nay của Nhật, ý kiến của giáo sư Takuro Morinaga không phải là dở.
Rất có thể một nhà làm luật nào đó sẽ dùng nó làm nền để soạn ra một dự luật trình quốc hội, và biết đâu nó sẽ được thông qua, trở thành luật thì một số người sẽ khốn khổ vì nó.
Những kodanshi, tức là những hiếu tử nam, những người đàn ông đẹp trai, những kyoshyia, kinh sư ốc, những người đàn ông giỏi tán gái sẽ vất vả.
Những kodanshi, tức là những hiếu tử nam, những người đàn ông đẹp trai, những kyoshyia, kinh sư ốc, những người đàn ông giỏi tán gái sẽ vất vả.
Giáo sư Morinaga chia đàn ông Nhật ra làm 4 nhóm: nhóm đẹp trai, nhóm trung bình, nhóm tương đối xấu trai và nhóm xấu trai. Ông chia nhóm như vậy và đưa ra những đề nghị để đánh thuế các nhóm này.
Thành phần đẹp trai sẽ bị đánh thuế rất nặng. Họ sẽ phải đóng thuế ở mức gấp đôi hiện nay. Thành phần tương đối xấu trai sẽ được giảm 10% thuế mà họ đang phải đóng và những người cực kỳ xấu trai sẽ được giảm thuế 20%.
Thành phần hiếu tử nam kodanshi sẽ đóng thuế khoảng 80% lợi tức của họ. Nhưng nếu tính thêm cả thuế địa phương thì số tiền họ phải đóng cho sở thuế sẽ là 90% lợi tức.
Mục tiêu của các đề nghị đó của giáo sư Morinaga là gia tăng lợi tức cho chính phủ đồng thời giúp giảm bớt con số đàn ông độc thân hiện nay ở Nhật. Theo những thống kê mới nhất thì đàn ông Nhật trong hạng tuổi từ 30 đến 35 vẫn còn khoảng 50% độc thân. Lý do là kinh tế Nhật đang rất khó khăn. Trong khoảng thời gian 10 năm qua, lợi tức của những thành phần này đã giảm đi rất nhiều, từ trung bình 47 ngàn đô la xuống còn 28 ngàn.
Trong khi đó, phụ nữ Nhật chỉ muốn có chồng với mức lương cao. Nếu cứ tiếp tục tình trạng như hiện nay, thì chỉ có đàn ông đẹp trai kiếm được vợ. Xấu trai thì rất khó kiếm được vợ. Mà dân số nước Nhật thì đang càng ngày càng giảm vì nhiều người đàn ông không có vợ mà không có vợ thì làm sao có con. Dân số Nhật đang tăng ở mức âm và trong tương lai, nước Nhật sẽ không còn người làm việc nữa. Nhật sẽ phải nhập cảng người từ các nước khác vào Nhật để làm việc. Tương lai kinh tế sẽ rất đen tối. Nhưng hiện nay, người ta vẫn chưa tìm được cách nào để khuyến khích phụ nữ Nhật chịu đẻ con, chịu đẻ thêm con.
Vậy thì chỉ có cách khuyến khích những thành phần chưa có vợ chịu khó kiếm vợ và các phụ nữ thì chịu lấy chồng, chịu lấy cả những thành phần không đẹp trai lắm. Những người không đẹp trai nếu được giảm thêm thuế, thì lợi tức của họ sẽ tăng và nhờ đó mà kiếm được vợ.
Nhưng làm thế nào xếp hạng những người đàn ông Nhật? Theo đề nghị của giáo sư Morinaga, chính phủ sẽ thiết lập một hội đồng để phân hạng mức độ đẹp trai và xấu trai của đàn ông. Lúc ấy người ta sẽ không thể nói là xấu đẹp tùy người đối diện nữa. Xấu đẹp sẽ do hội đồng quyết định và dựa vào mức độ đẹp hay xấu trai họ sẽ bị đánh thuế nhiều hay ít.
Nếu thế, đàn ông Nhật sẽ bị đàn ông của các nước khác qua mặt hết vì các chàng sẽ không chịu chăm sóc nhan sắc của họ nữa. Cứ đầu bù tóc rối, cứ xấu trai tàn tệ để bớt thuế.
Vậy thì còn ai dám nói là mình đẹp trai nữa?
Đẹp trai để mà bị đóng thuế nặng, mất nhà mất cửa, thành rojo seikatsusha tức là lộ thượng sinh hoạt giả, ra đầu đường xó chợ mà sống hay sao?
Lúc ấy thì có ma mới chịu khớp con ngựa (là ngựa) ô rồi đưa chàng về dinh chăng…
Ngày 27 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Đã gần 60 năm tôi chưa trở lại căn nhà ấy. Đúng ra là 58 năm từ buổi tối gia đình chúng tôi leo len một chiếc xe vận tải nhà binh Pháp từ trong thành phố Hà Nội ra phi trưòng Gia Lâm đáp chiếc Dakota của hãng hàng không Côte D’Azur bay vào Sài Gòn.
Căn nhà cũ vẫn còn mãi trong trí nhớ. Căn nhà hai tầng ở đường Sinh Từ, đi vài bước thì tới chùa Bà Ngô mà tôi được cho biết ngày xưa chính là làng Bích Câu nơi xẩy ra câu chuyện gặp gỡ giữa chàng thư sinh Tú Uyên và người con gái đi thăm chùa nhân dịp xuân về.
Chùa Bà Ngô
Đi xuống một đoạn nữa, là phố Văn Miếu, băng ngang qua đường, là Quốc Tử Giám, nơi tôi đã nhiều lần trốn nhà vào bắt chuồn chuồn, leo lên Khuê Văn Các hay chơi đi trốn đi tìm sau những con rùa đội bia tiến sĩ.
Ngược lại, là ngôi trường tôi đã học bốn năm, trưòng Lý Thường Kiệt, ngôi trường ba tầng ăn thông sang phố hàng Đẫy, cạnh cái ngõ bà Lang Trọc. Đi một quãng nữa là đến phố Cửa Nam, bắt vào phố Hàng Bông Thợ Ruộm, ở góc phố là nơi tôi học những bản đàn đầu tiên của một người nhạc sĩ trẻ và rất hiền, và trong lớp ấy, tôi đã được nghe một ngưòi con gái khoảng 15 hay 16 mà tôi cho là đẹp đến lịm người, hát bài Tình Thắm của Vũ Nhân tôi còn nhớ đến tận bây giờ "... Tôi nhớ một chiều xa xôi chớm thu, em đến thăm tôi một chiều khi nắng vàng, cỏ cây dường như khoe sắc thắm, nghiêng nghiêng đón gót ngưòi đi, yêu đương dâng sóng tình mến..."
Rạp Kinh Đô cũng ở gần đó, nơi tôi đã xem Cuốn Theo Chiều Gió, Ivanhoe, Les Chevaliers De La Table Ronde... Không bao xa là phố Huế , quay ngược trở lại là phố Hoà Mã, nơi tôi được cho học vẽ với một hoạ sĩ nổi tiếng thời ấy.
Căn nhà của gia đình tôi không lớn, hai tầng, có cái sân thượng phía sau, cái bể nước cạnh chân cầu thang. Phòng ngủ của chúng tôi ở trên gác, nơi tôi đã lén đọc Cổ Học Tinh Hoa, Đông Chu Liệt Quốc, Tâm Hồn Cao Thượng, Thằng Người Gỗ, Đoạn Tuyệt, Hồn Bướm Mơ Tiên, Nửa Chừng Xuân khi chưa được mười tuổi.
Chúng tôi sống mấy năm ở căn nhà ấy, mấy mùa đông, mùa xuân mùa hạ. Những con ve sầu cuối cùng tôi bắt được, nay cháu chắt ba bốn đời của nó đã trở lại, đã ngoi lên những cái gốc cây ở vườn hoa Canh Nông nếu chúng đúng giờ, cứ 17 năm trở lại, ngoi lên mặt đất một lần.
Có thể chúng tôi vẫn ở lại căn nhà đó nếu mấy tháng trước người chú ruột không tử trận ở Đại Đồng, Bùi Chu, thân thể bị chặt nát, và nếu không có những người bạn thình lình xuất hiện đến kiếm ông bố tôi, rủ ông ở lại Hà Nội bằng cái giọng hơi có vẻ hăm dọa, rồi một hai lần, lá cờ đỏ được treo lén trong Văn Miếu.
Một buổi sáng, tôi được cho đi chơi ở bờ Hồ với ông bố. Khi đứng uống nước ở trước tòa thị chính, thì máy phóng thanh đọc một bản tin mà tôi không nghe, chỉ nhớ bản tin vừa dứt thì ông bố tôi nói với tôi rằng ông sẽ phải đưa gia đình vào Sài Gòn.
Hà nội không thể ở lại được nữa.
Để tránh những con mắt nghi ngờ của những người bạn đến tận nhà rủ ở lại, mẹ tôi sưả soạn kín đáo cho chuyến đi, may cho chị em chúng tôi mỗi đứa một cái túi để đeo vào lưng. Căn nhà không bán cho ai, mà để lại cho gia đình mấy người em họ của ông bố tôi quyết định ở
lại.
Căn nhà là sản nghiệp đầu tiên của bố tôi, một ông giáo còn trẻ tuổi mua được nhờ bán những cuốn sách giáo khoa do ông viết cho một hai nhà xuất bản ở Hà Nội.
Nếu ông tiếc của, tiếc căn nhà, thì nay, tôi chắc cũng không khác mấy người bạn học ở trường tiểu học Sinh Từ mà tôi đã liên lạc được sau những xa cách không phải là một hai đại dương, mà là hơn nửa thế kỷ. Họ đứng lại nguyên một chỗ, những người ông bố tôi gặp lại trong mấy chuyến về thăm Việt Nam và mô tả họ là những nông dân và thợ thuyền lao động, không nói thì không thể nhận ra.
Từ ngoài đường vào nhà là một cái ngõ nhỏ chung với một gia đình bên cạnh cũng là một ông giáo. Nơi đó ông bố tôi dựng cái xe đạp Terrot, cái yên sau ông đã chở mẹ tôi, lúc khác thì chúng tôi. Những buổi tối ông vừa đạp xe vừa nói chuyện với tôi cho tôi khỏi buồn ngủ. Cũng ở cái ngõ nhỏ đó, tôi và hai chú em đã đánh những trận thư hùng bằng hai thanh kiếm làm bằng tre sau những lần xem các phim Ivanhoe và Hiệp Sĩ Bàn Tròn.
Cũng ở ngoài cửa, là nơi diễn ra những trận đáo, đáo lỗ, đáo bật tường, mùa nào thức ấy, mùa quay có quay, mùa bi có bi, mùa chọi nút bia có nút bia, mùa bắn nhau bằng đạn giấy, mùa thả diều có diều, mùa thả thuyền dưới cống có thuyền giấy để thả... Tôi xa căn nhà ấy đúng 58 năm.
Tôi chưa về thăm lại nó. Tôi cũng không nghĩ là sẽ về thăm được nó. Nhớ hai câu Kiều ông bố tôi đọc cho tôi khi tôi nói với ông là chắc không thể trở về được, như tựa cuốn truyện của Thomas Wolfe: You Can’t Go Home Again.
Hai câu Kiều đó là :
Thôi con còn nói chi con
Sống nhờ đất khách, chết chôn quê người
Sống nhờ đất khách, chết chôn quê người
Thoắt mà đã hơn một nửa thế kỷ. Nghĩ lại thấy Hạ Tri Chương đời Đường vẫn còn hạnh phúc hơn trong bài Hồi Hưong Ngẫu Thư mà ông viết sau nửa thế kỷ xa nhà . Ông vẫn về được nhà.
Còn tôi thì mãi mãi là không.