Ngày 2 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Trong tiếng Anh, thành ngữ "kiss and tell" không nhất thiết phải là "tell all", kể hết về cái hôn, về những cái hôn với một người khác sau khi hai người đã chia tay … hoàng hôn.
"…bài hát cho anh giờ đã hát cho mọi người…" như lời của một bài hát nọ. Bài hát viết cho anh kể lại chuyện riêng tư kín đáo của chúng ta em đem hát lung tung cho người khác nghe thì … đểu thật.
Nhưng đó lại là chuyện đã xẩy ra ở chung quanh chúng ta, xẩy ra cho nhiều người. Bao nhiêu kín đáo riêng tư của anh và của em, em đem kể ra hết trơn hết trọi, em chê anh là đồng hồ hư, kim bao giờ cũng chỉ đúng 6 giờ rưỡi. Em công bố hết bí mật đời anh cho mọi người.
Chúng ta đã thấy sau khi những cuộc tình lớn chấm dứt là thế nào cũng có một bên lôi hết chuyện hai người ra nói. Rielle Hunter viết về chuyện vụng trộm của nàng với John Edward, nguyên ứng viên tổng thống Dân Chủ bốn năm trước. Nàng nói rằng nàng viết cuốn sách cho con gái để con gái biết vì đâu mà có nó. Nhưng con gái nàng với John Edward thì hiện nay còn quá nhỏ, chưa biết đọc. Mà có đọc được thì vài ba năm sau là lại quên hết thì viết ra làm gì nếu không phải là để được nhà xuất bản trả cho mẹ nó một món tiền. Tại sao không nói (cha nó) ra rằng viết kiếm ít tiền có phải là lương thiện không? Một đứa bé mới 4, 5 tuổi thì biết gì mà đọc.
Nhưng cũng có những trường hợp kiss and tell thật chứ không phải là kiểu hồi ký tell all thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy.
Clark Gable, ông vua không ngai của điện ảnh Mỹ, một người chỉ cần nhếch mép cười nhẹ một cái là bao nhiêu trái tim phụ nữ thế giới thổn thức ầm ầm. Bao nhiêu người đã từng mơ được hôn chàng một cái cho bõ những ngày cơ cực, để coi bộ ria con kiến của chàng cạ vào môi của mình sẽ như thế nào. Bởi vì thời ấy, chỉ có vài ba người phụ nữ làm được việc đó. Betty Grable, Vivian Leigh, Marilyn Monroe, Carole Lombard … và ít người khác ở Hollywood. Nhưng có một người, tôi không nhớ là ai, hình như là một ngôi sao điện ảnh Mỹ, có lần nói rằng Clark Gable bị halitosis nặng. Halitosis là bệnh thối mồm. Chàng có thể nheo mắt lại, tay kéo nàng về phía chàng, nụ cười làm hàng ria run lên nhè nhẹ… rồi chàng cắn lấy môi dưới của nàng, nhai ngấu nghiến, hơi thở dồn dập và … thối ơi là thối.
Thế là mất cha nó hứng. Miếng steak chàng ăn buổi chiều, mấy lát hành sống, vài ba tép tỏi cùng với mấy ly đỏ cùng ào ào xông lên. Môi chàng rời môi nàng, chàng nói nhẹ: I love you… và mùi hơi thở của chàng lại bỗng càng thối dữ dội.
Thế thì còn chó đâu là romantica với lại nửa mùa lãng mạn nữa. Nàng nín thở, hôn lại, nhưng vẫn nhớ đến cái mùi hơi thở của chàng. Thôi thì cố gắng chút nữa. Được trả mấy trăm đô la (thời 1940, 1950) chứ ít sao. Vài năm sau, nghĩ lại vẫn còn thấy tức. Người sao mà dễ sợ đến thế? Nó biết ở sân quay nó sẽ hôn mình, vậy mà nó không thèm đánh răng, xúc cái miệng trước khi hôn mình. Nó tưởng nó là vua không ngai thì mồm nó không thối hay sao? Thế là liền gọi tờ Photoplay đến nói hết về cái hôn mà bao nhiêu phụ nữ ước mơ lộ liễu cũng như thầm kín cho mọi người biết mà khỏi ham hố.
Đó là chuyện Clark Gable, chuyện nửa thế kỷ trước. Ngày nay, niềm mơ ước thầm kín và lộ liễu của nhiều người đàn ông là hôn được Angelina Jolie một cái. Một cái xong rồi muốn ra sao thì ra. Nhung chưa ai nói cho chúng ta biết hôn Angelina Jolie ra làm sao. Chao ôi, đôi môi ấy, mái tóc ấy, cặp mắt ấy… Bao nhiêu người đàn ông trên thế giới đã mơ ước làm được điều đó. Hôn Angelina Jolie một cái, đến được Paris một lần, rồi thì có chết cũng … đáng đời trai thế hệ (?).
Nhưng có thật là như thế không?
Hỏi Brad Pitt thì chàng không nói, hỏi Billy Bob Thornton cũng không cậy răng được. Nhưng mới đây, một diễn viên Tô Cách Lan James McAvoy, sau khi đóng vài ba cảnh hôn hít Angelina Jolie trong phim Wanted có cho biết ấn tượng (?) sau những cái hôn ấy với tờ In Touch Weekly. Và theo người đàn ông mà nhiều người nghĩ là may mắn này, thì hôn Angelina Jolie chán lắm. Chàng kể đó là những cái hôn lập cập, vụng về, mồ hôi mồ kê nhễ nhại và nói chung là không hay lắm. Nói thẳng ra là chán chết. It was awkward, sweaty and not very nice.
Thì ra là như vậy.
Nhận định của một người vừa hôn Angelina Jolie vài quả thì phải đúng chứ sai làm sao được?
Awkward là vụng về.
Sweaty là nhiều mồ hôi, rít rìn rịt, dính lép nhép.
Not very nice là không hay lắm đâu.
Thế thì có gì khá hơn những cái chúng ta đã biết đâu! Đó là chưa kể tới những cái hôn mà phía bên kia né với tránh vì chỉ sợ làm … hỏng tóc của em.
Mà cũng chưa kể tới chuyện có thể là nàng bị halitosis nữa ấy chứ.
Đôi môi sầu mộng ấy! Niềm mơ ước thầm kín và lộ liễu của nhiều người mà sao lại như thế?
Đôi môi bơm cả kilô botox bỗng thua cả miếng thịt bò Đại Hàn ở sân sau vườn nhiều thì ham hố làm gì cho mệt?
Ngày 3 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Tuần san People đã cho tôi biết thêm một điều rất lý thú mà tôi không hề biết trước đây.
Tôi vẫn tưởng danh từ bachelor trong tiếng Anh, là người đàn ông chưa bao giờ lập gia đình, như những định nghĩa của Ed Wynn (a man who never makes the same mistake once) một người không bao giờ phạm phải lỗi lầm một lần nào, hay Vô Danh (a man who never told his wife a lie...), là người không nói dối vợ bao giờ.
Nhưng nhờ đọc số People đặc biệt viết về 100 người đàn ông độc thân có giá nhất nước Mỹ, tôi mới biết được rằng bachelor là người đàn ông tự do, mặc dù đã từng vào... tù ra khám không biết bao nhiêu lần cũng mặc. Chỉ cần tự do là đủ điều kiện để được gọi là bachelor, như Milton Berle đã nói: Chỉ cho tôi coi người đàn ông làm những gì ông ta muốn, tôi sẽ chỉ cho bạn coi một người đàn ông độc thân (show me a man who does what he wants, and I'll show you a bachelor). Hay một người không hay cãi cũng vậy: Years ago, a man who refused to fight was called a coward. Now they call him a bachelor. Có ai để cãi đâu mà chẳng không hay cãi.
Thiếu gì những trường hợp "hết nạn ấy đến nạn này, xe hoa mấy lượt, xe cây vài lần". Chỉ thỉnh thoảng mới có được cậu chưa bao giờ biết nói dối vợ vì chưa bao giờ có vợ để thấy cần phải nói dối.
Như vậy, những người đàn ông "xe hoa mấy lượt, xe cây vài lần" ấy không hề bị coi là damaged goods -- hàng hóa bị hư hại -- mà trái lại, vẫn được coi là rất có giá. Bạn tôi, một giáo sư đại học ở vùng này có lần cũng nói rằng ở cái tuổi của bạn tôi, thì "xe hoa mấy lượt, xe cây vài lần" còn hơn là chưa một chuyến xe hoa nào. Bằng ấy tuổi mà vẫn chưa một chuyến xe hoa nào mới là có chi bất thường, bất ổn: nếu không là một confirmed bachelor (một cách để gọi một người đàn ông đồng tính luyến ái) thì cũng là thứ ma chê quỉ hờn, thứ có mà... chó nó lấy (như ông cụ bạn tôi vẫn nói).
Nếu "xe hoa mấy lượt, xe cây vài lần" mà vẫn được coi là bachelor thì lại đúng như bạn tôi, một tay khoa bảng đầy người, vẫn nói ở đây:
B.A. là Bachelor and Available, độc thân và... có thể dùng được.
M.A. là Married and Available, là có má sấp nhỏ nhưng vẫn... có thể dùng được.
Ph. D là Pushing Hard for a Divorce là đẩy mạnh để... ra tù.
Ra tù xong thì lại có bằng B.A. mấy hồi, bằng cấp nào chàng cũng có là vậy.
Ngày 4 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Bạn hỏi tôi làm gì trong ngày mồng 4 tháng 7, ngày Độc Lập của nước Mỹ.
Xin thưa tôi đi làm như thường. Tôi không đi pic nic hay barbecue ngoài công viên. Không nhắng lên làm những bài thơ kệch cỡm, giả trá thương cảm những George Washington, Thomas Jefferson, John Hancock... (dẫu cho ông Hancock có ký cái tên của ông to đến đâu chăng nữa trong bản tuyên ngôn độc lập để Anh hoàng George thấy cho rõ, theo lời ông ) kiểu thơ phú vô duyên như các nhà thơ của nước ta như họ đã từng viết bao nhiêu thứ thơ với thẩn về các ông Kim, Mao, Xít... vân vân.
Mà cũng không viết những câu đau đớn như Langston Hughes: "I, too, sing America..." vì bị bỏ ra ngoài...
Để việc đó cho những người Mỹ làm đủ rồi.
Nhưng tôi cũng mừng độc lập, cũng để ra vài ba phút mỗi ngày, chứ không phải chỉ riêng trong ngày mồng 4 tháng 7 mỗi năm, tưởng nhớ đến những người đã đem lại độc lập cho mình.
Những người ấy không có những tên tuổi lớn như mấy ông mà bạn cũng biết ở trên. Có khi để ý kiếm cũng không ra tên các ông. Thí dụ làm sao kiếm ra tên người nghĩ ra cái đĩa giấy chẳng hạn. Hay người nghĩ ra việc nấu sẵn những đĩa thức ăn, bỏ vào những chiếc khay rồi làm cho đông lạnh lại, người tiêu thụ chỉ cần cho vào lò vi ba chừng vài ba phút là có ngay bữa tối chẳng hạn. Hay cái mở đồ hộp, hay những gói mì ăn liền, hay các ông McDonald, đại tá (?) Sanders, Burger King... và rất nhiều người khác nữa, những người đã cho biết bao nhiêu người trên thế giới những cuộc sống độc lập và tự do, không phải sống đời kìm kẹp, nô lệ.
Những người đó đều đáng được ghi nhớ.
Sẽ có lúc người ta phải dựng tượng, xây đài tưởng niệm ghi nhớ công ơn của những thùng mì gói và người sáng chế ra chúng.
Người sáng chế ra chúng, món mì gói, không bao giờ có thể hiểu được là phát minh và sản phẩm của ông/bà đã giúp những người đàn ông bị mẹ làm cho hư đốn, thứ người "thổi cơm chẳng chín, quét nhà chẳng nên" có được sự độc lập, sự tự tin về bữa tối, bữa trưa và bữa sáng, những ngày mưa gió bão bùng, những ngày tuyết ngập kín lối ra, những lúc mà nguy cơ xẩy ra đại chiến chỉ còn gang tấc, những biện pháp trừng phạt, chế tài kinh tế, cấm vận, bao vây, phong tỏa, những hăm dọa về nhà với má, không thèm nấu nướng gì cho con chuột (Do not cook, starve the rat -- khẩu hiệu của phụ nữ giải phóng hồi thập niên 60) được sống hùng, sống mạnh, đầu ngẩng cao lên, chân đi hăng hái, không còn lo sợ bị bắt bí, săng ta, black mail, gây khó dễ nữa.
Những hộp súp nấu theo kiểu Ý có viên thịt, có pasta, spaghetti hay ra gu kiểu Ái Nhĩ Lan, thịt bò hầm kiểu Anh... Những hộp TV Dinner với những lựa chọn có thể làm choáng ngợp những người đàn ông xách giỏ vào chợ, cuống quít trước giờ chợ đóng cửa. Muốn roast beef có roast beef, muốn Salisbury Steak là có Salisbury Steak, muốn cơm chiên kiểu Creole, muốn gà chiên tẩm bột cũng có, muốn thịt băm bọc rau cải... muốn gì có nấy.
Những cứu tinh đó cũng rất cần phải được ngợi ca, phải được ghi nhớ là đã đem lại độc lập cho chúng ta chứ. Có nhất thiết phải là Washington, Adams, Paine, Franklin, Revere... đâu.
Những người ấy, tôi nhớ đến mỗi ngày mỗi lần đứng trước cái freezer trong nhà bếp. Không chỉ những bậc vĩ nhân ấy, mà luôn cả những người phát minh ra cái máy giặt, máy sấy, những thứ máy móc đóng góp không nhỏ cho đời sống độc lập, tự do và có thể là rất hạnh phúc (thật sự chứ không chỉ là những khẩu hiệu rỗng tuếch của nước ta) cho con người.
Và những người ấy mới xứng đáng nhất để ghi nhớ, để tường niệm, để nghĩ đến mỗi ngày sống trong độc lập, tự do.
Vậy thì mỗi ngày đều là ngày độc lập của những người đàn ông tự do.
Ngày 5 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Tôi nghĩ ông Tú Xương, tay chơi của làng Vị Xuyên tỉnh Nam Định, nếu còn sống chắc ông sẽ thích cái sản phẩm này lắm.
Ông có ở xa xôi đến đâu, thế nào tôi cũng phải gửi cho ông, như người phụ nữ gửi rau sắng chùa Hương đến tận nhà cho ông Tản Đà để ông già núi Tản khỏi phải lặn lội lên tận chùa Hương, hay ngồi ở nhà mà than "con đò ngại tốn, con đường ngại xa" vậy.
"Hoa hoa công tử ", hay là Playboy theo cách dịch của mấy ông bạn đồng văn của chúng ta, "giầy giôn anh diện, ô Tây anh cầm " là người xứng đáng để nhận món quà lịch lãm và hào hoa này hơn ai hết.
Chàng là tay chơi, mà lại thích chơi cho lịch, cho đài các thì phải có nó.
Nó đây là cái áo mưa của Prada.
Người tử tế như bạn, nghe nói cái áo mưa của Prada, chắc đã nghĩ ngay đến một cái trench coat mầu kaki nhạt, hai hàng nút phía trước, ngực cài chéo, cầu vai, thắt lưng như chiếc trench coat của bạn. Nhưng bạn lầm to.
Prada tung ra loại áo mưa này để chỉ dùng một lần rồi bỏ chứ không phải như cái trench coat có cái nhãn London Fog mà bạn mặc đi mặc lại mấy mùa thu vừa qua. Nó là thứ cần thiết còn hơn là cái ô mà ông Tú bị mất rồi chỉ lo "rầy gió mai mưa, lấy gì đi sớm về khuya với tình".
Không có nó thì phiền lắm, phiền hơn là cái ô ông mất ở nhà cô đầu nhiều. Nhất là vào thời đại hiện nay. Không có nó thì ông còn vất vả hơn là đã có lần ông từng đau khổ thú nhận:
Thua bạc ra đi với mẹ nhà
Bệnh gì không bệnh, bệnh tim la...
Bệnh gì không bệnh, bệnh tim la...
Ông Tú cần những chiếc áo mưa, không phải bất cứ áo mưa gì cũng được, "hoa hoa công tử " thì phải áo mưa Prada.
Làm sao một người đã khăn nhiễu tím, ô lục soạn, bít tất tơ, giầy Gia Định bóng... mà lại chịu dùng mấy thứ áo mưa nhà quê của những hãng latex vô danh tiểu tốt được.
Phải là áo mưa Prada. Tay chơi mà. Áo mưa cũng phải có tên hiệu nổi tiếng, do các nhà vẽ kiểu thời trang sản xuất thì mới được.
Chẳng lẽ nàng mặc toàn St. John, Versace, Dior... còn chàng thì Hugo Boss, nếu không cũng là Ralph Lauren, hay hạng bét ra cũng là Banana Republic mà đến lúc ấy lại móc túi lấy ra cái của Sheik, hay Trojan, Lifestyles, Prime, Magnum, Gold Circle Coins... thì nhà quê nhà mùa quá. Có thể vì cái áo mưa cù lần, không có tên tuổi nổi tiếng, bị đuổi về nhà nhìn trần nhà thì còn gì chán bằng.
Và do đó, Prada đưa ra sản phẩm của họ.
Tưởng tượng với cái sản phẩm của Prada ấy, những tiếng suýt soa sẽ nghe thấy lớn hơn. Có thể còn có cả tiếng huýt sáo cùng với vài ba tràng pháo tay (mà không cần phải nhờ em-xi khẩn khoản nài nỉ xin quí vị một tràng pháo tay cho các nghệ sĩ (?) trình diễn) đầy ngưỡng mộ và thán phục thì còn gì vui hơn. Tự ái được vuốt ve tối đa. Ego được cho lên tầu bay, bay vòng quanh thế giới vài ba vòng. Cái tên Prada , như thế, có thể cứu nguy được cho những tự ái bầm dập bao nhiêu lâu nay.
Prada nhất định sẽ thành công với sản phẩm mới này, như tờ TIME cũng phải lôi ra giới thiệu.
Nhưng không phải là những chiếc áo mưa Prada này không gây rắc rối cho người tiêu thụ.
Thí dụ nhìn thấy cái nhãn hiệu Prada, biết đâu chẳng có người đề nghị đừng dùng, phí của, xin mang về làm kỷ niệm thì sao? Vất vả đấy.
Hay cũng có khi đương sự không ưa Prada, cho dù là ví tay, hay quần jeans, mà đòi của Versace hay Diane Von Furstenberg, Gucci... mới chịu thì biết làm sao giải quyết đây?
Mà không có thì cứ nghĩ đến cái nạn của ông Tú là lại sợ điên người lên mất thôi.
Ngày 6 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Trang quảng cáo trong tờ New Yorker số tuần này làm tôi thắc mắc cả một buổi.
Thực ra thì nó khá thành công khi tạo ngay được sự chú ý của người đọc. Nhưng nó làm, ít nhất, một số người không biết nó muốn nói gì, và muốn giúp bán cái gì.
Bức hình đen trắng chiếm 2/3 trang báo chụp ba người đàn ông cởi trần. Người phía bên trái trông có vẻ ít khi, nếu không nói là không cầm đến quả tạ hay bước chân vào phòng tập bao giờ. Nhưng chàng lại giống chúng ta nhất. Người đứng giữa có vẻ là người không ra khỏi phòng tập hay rời những quả tạ bao giờ. Nhìn đâu cũng thấy bắp thịt, thân hình chàng là một chữ "V" toàn hảo. Ngực nở, bụng sáu múi, bắp tay trên dưới nở đều. Người thứ ba ở phía bên phải của bức ảnh , có vẻ có tập, nhưng không quá đáng như người đứng giữa, và nhất định phải tập nhiều hơn người phía bên trái.
Không có vẻ ba người này làm kiểu mẫu bán quần tắm đàn ông vì những chiếc quần họ mặc trên người không được chụp cho rõ lắm. Vậy thì quảng cáo phải để mời mua một sản phẩm nào khác.
Ở dưới là chữ Variety, nghĩa là đa dạng, khác nhau, không đồng nhất, không cùng một thứ.
Dòng chữ ở cuối có thể lại càng làm người đọc thắc mắc nhiều hơn nữa: Being a girl just got better. Là phụ nữ càng ngày càng tiện hơn, tốt hơn, thích hơn, vui hơn vân vân. Muốn hiểu thế nào cũng được. Nhưng vì muốn hiểu thế nào cũng được nên người đọc lại càng thắc mắc hơn. Có phải là phụ nữ ngày nay không còn bị cha mẹ đặt đâu phải ngồi đấy, nên được tha hồ lựa chọn, rồi chỉ chỗ cho cha mẹ ngồi hay không?
Tại sao dưới chữ Variety lại có hàng chữ này: 3 sizes in 1 box? Ba cỡ trong một hộp là gì? Là trong hộp, có 3 cỡ đàn ông? Gầy ốm, bắp thịt trước đã và trung trung? Hộp gì mà lớn thế, đựng được cả ba người đàn ông trong hình? Ngày nay chuyện mua người vẫn còn diễn ra hay sao?
Không lẽ đàn ông bây giờ được đóng hộp, mỗi hộp ba người, muốn cỡ nào cũng có ngay? Nếu không thì quảng cáo này mời mua sản phẩm nào?
Nhưng nhìn kỹ, người ta sẽ thấy hình một chiếc hộp nhỏ có chữ Always. Tôi chợt nhớ những lần đi chợ, hình như tôi cũng đã nhìn thấy nó. Và dăm ba lần trong những đoạn quảng cáo trên màn ảnh truyền hình. Những đoạn quảng cáo đó luôn luôn trình bầy hình ảnh những người phụ nữ trẻ trung, vui tươi lúc thì chạy, lúc thì nhẩy, lúc thì khiêu vũ trong lúc sử dụng sản phẩm của công ty Always. Coi vài ba lần thì những người đàn ông ngây thơ nhất trên đời cũng phải hiểu. Hiểu rằng sản phẩm đó không (?) cần thiết (?) cho họ. Hiểu để khi đi chợ biết mà né sang những kệ khác kẻo lạng quạng nó đổ vào người thì quê không để đâu cho hết được.
Như thế, trang quảng cáo trên tờ New Yorker có chủ đích bán thứ sản phẩm ấy. Bên cạnh hình cái hộp mầu xanh và trắng, là hình vẽ ba cái sản phẩm ấy, với ba cỡ khác nhau, nhỏ, trung và lớn.
À thì ra vậy, mỗi hộp có ba cỡ cho các ngày khác nhau. Light, medium, heavy. Hạng nhẹ, hạng trung và hạng... nặng.
Nếu vậy thì cứ viết rõ là light, medium và heavy. Tại sao lại phải dùng hình ba người đàn ông để tượng trưng cho ba cỡ nhẹ, trung và nặng? Vừa khó hiểu vừa đụng chạm danh dự, tự ái của những người đàn ông. Quảng cáo như thế, thì thể nào những người tiêu thụ chẳng lẩm bẩm một mình trong buồng tắm:" Chà... bữa nay... nặng đây, lôi thằng cha bắp thịt ra xài... như vậy là vẫn còn năm thằng cha không tập tạ nhiều để cho mấy hôm... nhẹ... còn mấy thằng cha trung trung thì xài hết từ hôm qua mất rồi..."
Ăn nói kiểu đó thì chán cho chúng tôi biết là chừng nào. Tại sao không dùng ba bức hình, bức chụp cảnh mưa bụi, mưa rào và bão có phải là dễ hiểu mà lại không đụng chạm tới chúng tôi không nào.
Đau ở chỗ cỡ nào, có tập hay không tập, có bắp thịt hay không có bắp thịt thì cũng bị đem ra ví như cái băng vệ sinh mới là chán chứ!
ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
(Bài số 146)
TO WISH
Bản ghi chép lại do Trúc Giang thực hiện. Bài học số 146 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 8 năm 2012.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
TRÚC GIANG
Thưa chú, lần nữa cháu muốn chú nói thêm về động từ TO WISH. Vẫn còn một vài điều cháu chưa nắm vững về động từ này.
QA
QA cũng muốn hỏi anh thêm về động từ này. QA nghĩ có hai động từ TO WISH, một dễ và một khó.
BBT
Tôi hiểu cô QA muốn nói một dễ và một khó là thế nào rồi. Đúng. Có một động từ TO WISH không rắc rối lắm. Đó là khi TO WISH được dùng để đưa ra những lời chúc, những điều chúng ta mong muốn xẩy ra cho người khác, thường thì là những điều tốt đẹp.
Trong trường hợp này, chúng ta cho WISH một túc từ, một OBJECT. Chúng ta dùng một danh từ đi theo TO WISH. Thí dụ nói tôi chúc anh thành công thì nói thế nào đây Trúc Giang?
TRÚC GIANG
Có phải là I WISH YOU SUCCESS không thưa chú?
BBT
Đúng rồi. TO WISH trong thí dụ của Trúc Giang có HAI túc từ, tức là HAI OBJECTS. YOU là OBJECT; SUCCESS cũng là OBJECT. Một OBJECT là trực tiếp, tức là DIRECT OBJECT. Và một OBJECT là gián tiếp túc từ, tiếng Anh gọi là INDIRECT OBJECT. Nhưng làm thế nào phân biệt DIRECT và INDIRECT OBJECT? Dễ thôi. Chúng ta đặt câu hỏi với động từ WISH, hỏi WISH CÁI GÌ? WISH WHAT? Trả lời câu hỏi đó, chúng ta có DIRECT OBJECT.
QA cho biết trong câu I WISH YOU SUCCESS thì DIRECT OBJECT là gì nào?
QA
Thưa anh, QA sẽ hỏi WISH WHAT? và trả lời cho câu hỏi CHÚC CÁI GÌ, đó là SUCCESS. Vậy thì DIRECT OBJECT của WISH là SUCCESS.
BBT
Thế thì OBJECT kia là INDIRECT. Nhưng chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi WISH CHO AI? WISH TO WHOM? Trả lời cho câu hỏi đó là INDIRECT OBJECT. Chúc cho ai? Trả lời là YOU. Do đó trong câu I WISH YOU SUCCESS thì YOU là INDIRECT OBJECT.
BBT
Dùng một thí dụ khác là I WROTE A LETTER TO HER thì Trúc Giang cho biết đâu là DIRECT và đâu là INDIRECT OBJECT/
TRÚC GIANG
A LETTER là DIRECT OBJECT. HER là INDIRECT OBJECT. Cháu đặt câu hỏi WROTE WHAT? thì cháu tìm ngay ra DIRECT OBJECT là LETTER. Cháu hỏi WROTE TO WHOM? thì tìm được HER là INDIRECT OBJECT.
BBT
Còn QA, cho biết DIRECT OBJECT và INDIRECT OBJECT của câu này: I BOUGHT A SWEATER FOR MY MOTHER. Cô sẽ thấy câu này cũng có thể sắp xếp lại như thế này: I BOUGHT MY MOTHER A SWEATER. Ý nghĩa của hai câu hoàn toàn không khác gì nhau.
QA
QA hỏi BOUGHT WHAT thì thấy ngay DIRECT OBJECT là SWEATER và BOUGHT FOR WHOM thì có ngay INDIRECT OBJECT là MY MOTHER.
BBT
Thôi, như vậy là tạm đủ về một động từ TO WISH. Muốn khỏi quên thì hát mấy câu này là nhớ ngay: WE WISH YOU A MERRY CHRISTMAS, WE WISH YOU A MERRY CHRITMAS AND A HAPPY NEW YEAR…
Còn nhiều dịp khác chúng ta cũng có thể dùng TO WISH, Trúc Giang kể thử ra nghe coi.
TRÚC GIANG
I WISH YOU A HAPPY BIRTHDAY, A HAPPY WEDDING ANNIVERSARY, A GOOD HOLIDAY, A SUCCESSFUL CAREER, A LONG LIFE…
BBT
Còn QA?
WE WISH THEM A NICE TRIP, A PROSPEROUS NEW YEAR, A LONG, HAPPY LIFE TOGETHER, A BON VOYAGE…
BBT
Bây giờ chúng ta sẽ nói về những trường hợp khác của động từ TO WISH. Chúng ta dùng động từ TO WISH khi chúng ta muốn tình hình khác đi, khác hẳn với hiện tình. Thí dụ tình hình địa ốc hiện không tốt lắm. THE REAL ESTATE MARKERT IS BAD. Chúng ta ước gì thị trường nhà cửa khá hơn. Muốn diễn tả ý đó, thì chúng ta dùng động từ chính đi sau động từ WISH lùi lại một TENSE.
Nói WE WISH THE REAL ESTATE MARKET IS BETTER có đúng không?
QA sẽ nói thế nào?
QA
QA sẽ giữ nguyên WISH ở PRESENT TENSE. Động từ theo sau WISH là IS. QA lùi IS là PRESENT TENSE lại một TENSE để thành WAS. Do đó, QA sẽ phải nói là WE WISH THE REAL ESTATE MARKET WAS BETTER.
BBT
Đúng rồi. Người làm chung sở với Trúc Giang là người bừa bộn, bàn giấy không gọn gàng thứ tự chút nào. Trúc Giang ước gì cô ấy gọn gàng hơn thì Trúc Giang sẽ nói thế nào?
TRÚC GIANG
MY CO-WORKER IS VERY MESSY. I WISH SHE WAS TIDIER.
BBT
Tôi sẽ đi Washington vào tuần tới nhưng không muốn đi chút nào. Tôi ước gì mình không đi Washinton vào tuần tới. QA nói thử bằng tiếng Anh coi.
QA
I AM GOING TO WASHINGTON NEXT WEEK. I WISH I WAS NOT GOING NEXT WEEK.
BBT
Trúc Giang đang đi nếm rượu ở Napa Valley. Cô viết 1 tấm Post Card cho bạn ở Orange County nói là ước gì có bạn ở Napa Valley đi nếm rượu cùng với cô thì viết thế nào?
TRÚC GIANG
I WISH YOU WERE HERE WITH US.
BBT
QA cho nghe ba câu thí dụ của cô coi.
QA
I DO NOT HAVE THE ANSWER TO YOUR QUESTION. I WISH I KNEW THE ANSWER.
THEY ARE ALWAYS LATE. WE WISH THEY ARRIVED ON TIME.
HE IS VERY SICK. WE WISH HE FELT BETTER NOW.
BBT
Nhớ là lùi lại một TENSE . Nếu WISH ở PRESENT TENSE thì động từ đi theo phải ở PAST TENSE hay PAST CONTINUOUS. Trúc Giang cho nghe thí dụ của cô coi.
TRÚC GIANG
I WISH I WAS A MILLIONAIRE.
HE WISHES HE HAD A WAND AND COULD CHANGE EVERYTHING.
SHE WISHES SHE WON THE LOTTERY.
BBT
Bây giờ chúng ta chuyển sang những chuyện đã xẩây ra trong quá khứ mà chúng ta ước là không xẩy ra.
QA có bao giờ gặp phải những trường hợp như thế không?
QA
Có thưa anh. Năm 1975, cả nhà QA không chịu đi cùng với anh QA ra bến tầu nên kẹt lại. WE STAYED IN OUR HOME IN SAIGON. Vậy thì nếu QA nói WE WISH gì đây thưa anh?
BBT
Trong trường hợp đó, QA sẽ không dùng PAST TENSE mà phải dùng PAST PERFECT để thành WE WISH WE HAD GONE TO THE AIRPORT WITH OUR BROTHER.
QA
Thưa anh, có cần nói WE WISHED tức là PAST TENSE không?
BBT
Không cần thiết. WE WISH (PRESENT TENSE) hay WE WISHED (PAST TENSE) đều được cả. Chỉ cần động từ chính phải ở PAST PERFECT là đủ. Trúc Giang cho nghe ba thí dụ với PAST PERFECT coi.
TRÚC GIANG
MY DAD WISHES / WISHED HE HAD VOTED FOR MISTER McCAIN.
MY HUSBAND WISHES HE HAD BOUGHT A BMW INSTEAD OF A LEXUS.
WE WISH WE HAD PURCHASED THE HOUSE IN 2004.
BBT
Còn QA?
QA
I WISH I HAD STUDIED NURSING WHEN I FIRST CAME TO THE US.
MY SON WISHED HE HAD MAJORED IN BUSINESS.
MY NEIGHBOR IN SAIGON WISHED HE HAD LEFT VIETNAM BEFORE APRIL 1975.
TRÚC GIANG
Thưa chú, cháu nhớ có lần nghe một người nói I WISH I WERE 10 YEARS YOUNGER. Nói vậy có đúng không? Cháu nghĩ I WAS chứ tại sao lại I WERE?
BBT
Trúc Giang hỏi câu rất hay. Đúng, người ta có thể nói I WERE sau động từ TO WISH thay vì I WAS. Thực ra I WISH I WERE mới đúng. Nhưng ngày nay, càng ngày người ta càng chuyển sang dùng I WISH I WAS nhiều hơn. Người ta dùng I WERE để muốn người nghe hiểu rõ trong thực tế, chuyện KHÔNG xẩy ra như thế. I WERE là bàng thái cách, SUBJUNCTIVE MOOD nhưng hai cô không biết cũng không sao. Nói I WISH I WERE hay I WISH I WAS đều đúng cả. Trước đây, theo các nhà văn phạm truyền thống thì I WAS là không đúng, có khi còn bị coi là thô tục nữa. Nhưng nay thì không còn ai nghĩ như vậy nữa.
QA
Còn câu này thỉnh thoảng cháu nghe hai đứa con lớn của cháu hay nói với nhau. Không biết đứa kia nói gì, một đứa liền trả lời mà cháu nghe rất rõ là YOU WISH! Thế thì YOU WISH! nghĩa là gì thưa chú?
BBT
YOU WISH! có nghĩa tương đương trong tiếng Việt là "Ham lắm!" cũng có thể là "Sức mấy!" Thí dụ cô sẽ nói gì nếu có ai nói với cô rằng người ấy sẽ cám ơn cô rất nhiều, sẽ pha cho cô ly cà phê nếu cô rửa cho ông ta cái xe, đổ đầy bình xăng rồi mang đến đậu trước cửa nhà ông ấy?
TRÚC GIANG
Chắc cháu sẽ phải nhún vai nói thật to vào tận mặt ông ấy rằng YOU WISH! đúng không thưa chú?
Thưa chú, cháu có mấy câu nữa muốn hỏi chú và nhờ chú giảng nghĩa cho ngay bây giờ không biết có được không?
BBT
YOU WISH!
QA
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây thì xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.