June 28, 2012

June 29, 2012


Ngày 22 tháng 6 năm 2012
Bạn ta,
Ở Mỹ, khoảng năm 1977, 1978, khi việc cầm được trong tay tờ báo từ trong nước gửi ra còn rất khó, tôi đã đọc được một bài viết khá dài trên tờ Nhân Dân đề cập đến tệ nạn chửi thề và văng tục ở Hà Nội.
Bài báo nói rằng chuyện ăn nói tục tĩu, chửi thề là chuyện hết sức phổ biến, mà ngay cả các nữ sinh viên, luôn cả các giáo sinh sư phạm, các cô giáo tương lai cũng làm. Bài báo còn kể ra khá đầy đủ những câu chửi luôn luôn ở cửa miệng của các thành phần này. Tuy tất cả đều được viết tắt nhưng đọc qua ai cũng hiểu ngay chúng là những câu, những chữ gì. Hiểu ngay và chán nản, và lo sợ, khi thấy nét thanh lịch của đất nghìn năm văn vật Thăng Long đã mất hẳn. Thứ ngôn ngữ ở bến xe, đầu đường xó chợ, cặn bã của xã hội đã thay thế cho lối ăn nói văn vẻ, lịch sự và học thức đã từng một thời của Hà thành ngày trước. Thứ ngôn ngữ của thị Nở, của Chí Phèo mà Nam Cao cực tả đã trở thành ngôn ngữ thường ngày ở đầu môi của luôn cả các nhà giáo tương lai.
Nếu nói rằng ngày xưa ở miền Nam, người ta không chửi thề và không văng tục là không đúng. Cũng có chửi nhau, người ta cũng mời nhau ăn đủ thứ của ngon vật lạ, gọi nhau bằng những danh từ nôm na nhất thường dùng để chỉ một số bộ phận kín đáo, hay cầu mong cho những điều tồi tệ nhất xẩy ra cho phía bên kia, cho các thành viên gia đình của đối phương, bao gồm nhiều đời trước cũng như sau, hay đề nghị làm một số chuyện rất bất kính với tiền nhân của phía bên kia vân vân.
Nhưng những thứ ngôn ngữ đó thường chỉ thấy ở một thành phần, giai cấp nào đó trong xã hội.
Học sinh miền Nam cũng có chửi thề và nói tục. Điều đó có thật. Nhưng các nữ sinh thì gần như không bao giờ. Chuyện học sinh chửi thề, văng tục thì cũng chỉ thấy ngoài lớp học, trong sân chơi, ngoài cổng trường, những lúc bỏ lớp trốn học, lêu bêu trên đường phố. Chửi thề và văng tục là một chuyện bình thường trong tiến trình trưởng thành của các thanh, thiếu niên. Chửi thề và nói tục cũng là cách để xả bớt những ẩn ức, bất mãn, bực bội trong đời sống. Nhưng vào lớp, về nhà, trước mặt người lớn, cả với người lạ thì luôn luôn có nỗ lực tự chế.
Nói chung, người Việt Nam chửi thề và nói tục rất nhiều. Võ Phiến đã đưa ra nhận định như thế trong một tùy bút của ông. Nhưng không thấy Võ Phiến nói về thói quen này nơi các phụ nữ, những thành phần có học thức, văn hóa ở miền Nam.
Tuần qua, tờ Tuổi Trẻ trong nước có đăng liên tiếp mấy bài về chuyện văng tục và chửi tục ở Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Nội.
Bài báo thuật lại từng chữ của một câu chửi như thế này:" Ê, Đ.M. con Linh đến rồi kìa. Con mặt l. này làm đ. gì mà lâu thế."
Chỉ với hai câu, người ta tìm được 3 tiếng tục tĩu. Đó là một đoạn nghe được tại một quán nước ở cạnh khu Nhà Thờ Lớn thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Trong một số báo sau đó, một độc giả cho biết trò chửi thề, văng tục được thấy cả ở các học sinh lớp 2 và lớp 3. Một lá thư khác viết cho tòa báo thì nói các học sinh lớp 4 và lớp 5 cũng chửi thề văng tục dữ dội. Lớp 2 và lớp 3, lớp 4, lớp 5 là các lớp tiểu học.
Tuổi học các lớp đó là 7 tuổi đến 10 tuổi. Tôi cố nhớ lại hồi tiểu học, ở các lớp tương đương với các lớp 2,3,4 và 5 bây giờ tôi biết những gì. Cố mãi mà cũng chỉ nhớ là biết được khoảng 5 hay 6 tiếng tục học lóm từ những người bạn nhỏ ở trường, của nhà hàng xóm khi ông đội xếp tên là Mậu đánh chửi bà vợ mỗi tối. Biết thôi, chứ không đem dùng bao giờ. Ở trường và trong lớp đã đành. Ở nhà, dưới cái hẻm bên cạnh nhà với mấy người bạn nhỏ cùng xóm thì lại càng không. Câu đe dọa dễ sợ nhất của một người bạn, câu "Ông cáo bố mày là mày ăn roi mây chết nát đít con ơi!" cũng đủ để răn đe chàng thiếu niên Hà thành bỏ ngay mấy câu chửi thề tục tĩu mới học được ở sân trường. Ghê khiếp lắm thì chàng cũng chỉ có câu " Ô lê manh (haut les mains), anh mày chết, chị mày đui… một chọi một lên Cột Đồng Hồ…" mặc dù không hề biết đường lên Cột Đồng Hồ ra làm sao.
Nhưng hậu sinh ngày nay rất là khả úy. Mới nứt mắt 7, 8 tuổi đã văng tục chửi thề, đòi mây mưa với mẹ của bạn thì giỏi thật.
Tại sao lại có tình trạng như báo Tuổi Trẻ cho biết?
Chuyện bình thường của những năm mới lớn? Cũng có.
Bực bội, phẫn uất, bất mãn trong đời sống? Rất nhiều.
Nền giáo dục đã hoàn toàn phá sản? Rất đúng. Giáo viên không khả năng, cách giảng dậy dốt nát, gian lận thi cử trở thành chuyện bình thường ở khắp nơi, đạo đức gia đình băng hoại …
Trong khi đó, tờ Tuổi Trẻ vẫn duy trì một mục có tựa là Theo Gương Bác. Đọc mục này, người ta thấy những bài có tựa đề như "30 Năm Tôi Đi Tìm Hồ Chí Minh", "Bốn Chữ "Thật" Trong Di Chúc Hồ Chí Minh", "Tấm Gương Đạo Đức Hồ Chí Minh", "Hoạt Động Theo Gương Bác", "Hồ Chí Minh Trong Tôi", "Học Bác Về Thái Độ Trước Cái Xấu", "Tình Bác Sáng Đời Ta", "Học Tập Theo Tấm Gương Đạo Đức Hồ Chí Minh"
Mẹ kiếp học nhiều thế để rồi trở thành một lũ cháu mất dậy, khốn nạn ăn nói vô giáo dục như vậy sao?
Học được cái gì của một tên vồ vợ của Lê Hồng Phong, hại bao nhiêu đồng chí, bán Phan Bội Châu cho Pháp, thuổng thơ của người khác nhận là của mình, già đời người còn đòi gái trẻ, con rơi con rớt hai ba đứa, sai đàn em giết đào nhí ném ở đê Yên Phụ…
Hay nhờ học được những thứ đó nên bọn cháu ngoan Bác Hồ mới trở thành một lũ khốn nạn, mất dậy giàn trời, ngôn ngữ kinh khủng như thế?

Ngày 23 tháng 6 năm 2012
Bạn ta,
Một cuộc khảo sát hồi cuối năm ngoái đã cho thấy trình độ học sinh trong nước tồi tệ đến mức độ nào.
Thực ra phải nói là các giáo viên dốt đến mức độ nào mới đúng.
Người ta đã tới một kết luận như thế sau khi đọc một bài báo có tựa nguyên văn như thế này: "Giáo Viên Ngoại Ngữ Không "Thông" Ngoại Ngữ."
Tựa bài báo đã nói được hết. Và đây không phải là một tờ báo phản động hay một tờ báo Việt ngữ ở hải ngoại. Bài báo xuất hiện trên tờ Công An Nhân Dân, tờ báo của Đảng Ủy Công An Trung Ương và Bộ Công An xuất bản ở Hà Nội. Không còn có thể nói đó là một bài báo do "kẻ xấu" viết để "bôi bác chế độ" và các sinh hoạt ở trong nước.
Dậy ngoại ngữ mà không "thông" ngoại ngữ thì dậy cái gì bây giờ?
Cuộc khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 40% giáo viên dậy tiếng Anh ở Việt Nam ngày nay có thể nghe và hiểu các bài giảng của các chuyên gia giảng dậy. Khoảng 30% hiểu được chừng một nửa các bài giảng và khoảng 30% thì không hiểu gì hết.
Các chuyên gia giảng dậy đây là các giáo sư ngoại quốc, có thể là các giáo sư Anh, Mỹ, Úc được thuê mướn để huấn luyện các giáo sư Việt Nam về tiếng Anh.
Như vậy, khoảng 30% không hiểu gì hết nhưng vẫn được đưa vào lớp để dậy tiếng Anh cho các học sinh. Khoảng 30% khác (những người lĩnh hội được 50% bài vở của các giáo sư ngoại quốc) cũng được cho dậy. Chỉ có 40% là có khả năng thực sự để dậy Anh ngữ. Bài báo cho biết tình trạng này không phải chỉ thấy ở các tỉnh miền núi, mà người ta gặp cả những thầy cô loại này ở cả Sài Gòn và Hà Nội.
Thế thì ở các tỉnh nhỏ thì tiếng Anh được dậy như thế nào?
Chuyện dậy học không thể cứ "sỏi đá cũng thành cơm" được. Không biết tiếng Anh thì không thể dậy tiếng Anh được. Theo bài báo, nhiều người được trao nhiệm vụ dậy tiếng Anh là những người được chuyển từ các thành phần dậy tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Hoa sang. May phúc thì có 30% hiểu chút chút tiếng Anh, 30% kia là vịt nghe sấm.
Có lẽ chính vì như thế mới có những công trình dịch thuật Việt Anh mà người ta đã được thấy qua một đĩa CD thực hiện để gửi cho "các bạn nước ngoài" nghe và hy vọng họ sẽ biết đến nhạc Việt như chính nhóm thực hiện rêu rao, trong đó có những bài như Hà Nội Niềm Tin Và Hy Vọng ( Hanoi Is The Faith And Hope); Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội ( Are You The Autumn Of Hanoi); Sài Gòn Đẹp Lắm (Saigon So Nice) … Chỉ mới nghe những tựa bài hát được viết bằng tiếng Anh như ở trên cũng đủ kinh hoàng về khả năng tiếng Anh của nhóm.
Nhưng hãi hùng nhất là bài Hà Nội Mùa Vắng Những Cơn Mưa được dịch là Hanoi This Season Absent The Rains , trong đó có những câu như "Cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh" được dịch là "the first cold of Winter make your towel’s gently in the wind" hay "Em bên tôi một chiều tan lớp" thành "You inside me after class"…
Bản dịch của những bài hát đó là những câu tiếng Anh bậy bạ, bất chấp mọi qui luật văn phạm, chữ nghĩa cũng sai thảm hại, không cách gì có thể sửa chữa được.
"Công trình" ấy do một nhóm tên là BSP Entertainment gồm các thành phần mà chính họ tự khai là bác sĩ, nghệ sĩ, sinh viên ở Sài Gòn thực hiện để phổ biến ra ngoài nước . Các báo Người Lao Động, Phụ Nữ vồ ngay lấy những cuốn CD gồm 10 ca khúc này rồi hô hoán lên rằng công trình đó là để "Chắp Cánh Cho Ca Khúc Việt Bay Xa."
Thật là khốn khổ cho tiếng Anh. Bản dịch tiếng Anh nghe đã thất học như thế, đến phần trình diễn thì người nghe không thể nhận ra đó là tiếng Anh nữa.
Nếu có một đứa dốt thì cũng phải có đứa ít dốt hơn một chút để thấy những sai sót về văn phạm, ngữ vựng. Nhưng không, hoàn toàn không nên mới ra nông nỗi đó. Một bọn xúm lại dịch, rồi in, rồi hát, rồi thu thanh 10 bài hát với tiếng Anh cóc nhái đó là thế nào?
Là kết quả của nền giáo dục dốt nát thế chứ còn gì nữa!
Rồi lại một bọn vồ lấy đem phổ biến cùng khắp mới là khổ đời tiếng Anh học bậy bạ của những thứ thầy dốt như vậy.
Được học ở trường mà còn dốt đến thế, nói chi đến việc học lóm ở dưới bếp của mấy cái nhà hàng ở Luân Đôn trước kia.
Đứa dốt ấy là thằng chó nào thì con cháu nhà nó biết.

Ngày 24 tháng 6 năm 2012
Bạn ta,
Đọc tờ Công An Nhân Dân mấy hôm trước tôi tìm được một bài nhan đề "Ấm Lòng Tình Đảng, Chan Chứa Lòng Dân".
Đó là nguyên văn tựa đề bài viết về chuyến đi thăm của Nông Đức Mạnh tại huyện Hòa Vang, tỉnh Đà Nẵng hồi năm 2005.
Ngay ở đoạn đầu của bài báo, là mấy câu này: " Bà con ùa ra, vây quanh Tổng Bí Thư, chân tình, ngây ngất như đón người thân trở về gia đình. Những cái bắt tay, những nụ cười rạng rỡ. Tất cả tạo nên sự đầm ấm đến nao lòng".
Phải nói ngay đó là một bài viết rất hay để tâng bốc nhân vật cao nhất nước thời ấy.
Rất hay nhưng cũng rất thối.
Viết như thế thì không thể bố lếu bố láo hơn được.
Ngay cái tựa cũng thối hoắc. Giả dối, rỗng tuếch.
"Ấm Lòng Tình Đảng." Làm thế nào có được chuyện đó? Đảng mà có lòng, có tình sao? Có nhìn thấy bằng mắt, có sờ thấy được bằng tay không? Làm ơn chỉ cho tôi đi. Lòng ở đâu, tình ở đâu qua những chuyện nhân danh Đảng diễn ra ở cái đất nước khốn khổ ấy như đợt cải cách ruộng đất đấu tố, giết cả trăm ngàn người, hay việc làm mới đây dâng lãnh thổ cho Tầu Cộng, cưỡng đoạt đất đai, ức hiếp người dân vốn đã vô cùng khốn khổ ? Thế còn "Chan Chứa Lòng Dân" là thế nào? Người dân nào nhìn thấy đồng chí Nông Đức Mạnh mà "chan chứa ân tình," chỉ cho coi một cái.
Hay chỉ có những câu chửi thầm dành cho cái tổ chức khốn nạn bán nước gây ra bao nhiêu chuyện cùng khốn cho cả nước từ mấy chục năm nay?
Và người dân nào là người "chan chứa" trong lòng khi thấy cái bản mặt nham nhở của người đàn ông họ Nông, một đứa từng bao lần chỉ nói vòng nói vo không dám nhận chính cha ruột của nó?
Mẹ kiếp bị lùa ra đón Nông Đức Mạnh mà "chân tình, ngây ngất như đón người thân trong gia đình trở về." Bố khỉ là nói láo. Trông thấy họ Nông mà đã thấy ngay "sự đầm ấm đến nao lòng."là nói phét.
Nhớ lại trong những năm còn bé, những lần chúng tôi được nhà trường dẫn đi xếp hàng đón tổng thống Diệm đi công du Mỹ về nước, hay khi chào mừng tổng thống Nam Hàn Lý Thừa Vãn đến thăm Việt Nam chúng tôi thực sự cũng chỉ thấy vui vì được nghỉ học một buổi mà thôi. Hoàn toàn không hề thấy "đầm ấm đến nao lòng" trong những lần như thế.
Cũng không thấy "ngây ngất như đón người thân trở về gia đình".
Bộ bọn nhãi ranh chúng tôi hồi học đệ lục, đệ ngũ trung học không biết "ngây ngất", "đầm ấm đến nao lòng" hay sao?
Yêu cụ Diệm thì có đấy. Bắc kỳ di cư mà. Nhưng chúng tôi không thấy "ngây ngất, đầm ấm đến nao lòng" bao giờ. Đứa nào nói dối đứa ấy chết ngay tại chỗ.
Người Việt Nam tử tế không bao giờ có thứ tình cảm nham nhở và thối tha như bài báo của tờ Công An Nhân Dân đã viết. Viết như vậy là vô liêm sỉ, là không tự trọng, là coi thường người đọc, là viết láo viết lếu.
Những trang báo với kiểu viết lách như thế chỉ nên dùng để làm sạch cơ thể sau khi đi bài tiết.
Nhưng cũng lại thương cho cái hậu môn bị chùi bằng những thứ giấy in những bài báo như vậy.
Tội nghiệp cho cái hậu môn vô cùng.
Nhất là mới đây người ta biết được chuyện Nông Đức Mạnh lấy vợ, lấy một con nạ dòng tên là Đỗ thị Huyền Tâm 46 tuổi, bốn đời chồng và có thời dính líu với Nông Quốc Tuấn, con trai của Mạnh, thua Tuấn tới ba tuổi.
Một thứ chó dại sống loạn luân bẩn thỉu như thế mà cũng "được" dân chúng ra đón "chan chứa, ngất ngây đầm ấm đến nao lòng" thì người đọc bài báo làm sao không văng tục ra cho được!

Ngày 25 tháng 6 năm 2012
Bạn ta,
Cách đây mấy năm, cuộc thăm dò ý kiến hơn một ngàn người của Zogby đã đưa người ta lại gần hơn với câu chuyện mà hơn một chục năm trước gần như ai cũng nghĩ là chỉ có thể xẩy ra ở Hollywood với Demi Moore trong phim Indecent Proposal.
Demi Moore, vai chính trong cuốn phim, được một người đàn ông đề nghị qua một đêm với ông ta, và để đổi lại, ông ta sẽ trả cho cô và chồng cô một triệu Mỹ kim.
Đề nghị kể trên, sau đó đã trở thành điều suy nghĩ cho khá nhiều người xem cuốn phim. Cuộc thăm dò của Zogby cũng đặt ra câu hỏi là nếu có người hứa sẽ trả một triệu Mỹ kim để được qua một đêm với chồng hay vợ của người được hỏi, thì câu trả lời sẽ như thế nào.
Kết quả của cuộc thăm dò cho thấy người Mỹ vẫn là một dân tộc có một trình độ đạo đức cao, một số lớn vẫn coi trọng hôn nhân và coi những ràng buộc trong hôn nhân là những cam kết thiêng liêng, cao quí. Trong số hơn một ngàn người được hỏi, thì khoảng 3/4 không chấp thuận đề nghị đó. Chỉ có 11.5% đồng ý, và 9.1% nói là có thể chấp thuận nhưng còn phải suy nghĩ kỹ.
Nhưng đó là những câu trả lời trong một tình trạng kinh tế khả quan của nước Mỹ. Ngày nay, kinh tế không tốt đẹp, thì những câu trả lời có thể khác, có thể không còn như cuộc thăm dò đã cho thấy.
Gia đình Kiều kín cổng cao tường, bố làm viên ngoại, gia tư bậc trung, êm đềm trướng phủ màn che, vậy mà lúc gia đình gặp khó khăn, với bốn trăm lượng, Kiều phải bán mình cho thanh lâu, luân lạc suốt mười lăm năm trời.
Mà bốn trăm lượng, theo giá vàng hôm nay, chỉ được gần một trăm ngàn Mỹ kim.
Một triệu một đêm là một đề nghị có thể sẽ làm nhiều người nghĩ lại.
Tưởng tượng Raquel Welch, hay Demi Moore, hay Meg Ryan, hay Catherine Zeta-Jones, hay Gwyneth Paltrow, hay Brooke Shields, hay Charlize Theron... một hôm đem đề nghị ấy đưa cho mẹ cháu để mượn bố cháu một đêm, hôm sau mang trả tận nhà, không sứt mẻ khúc nào, trong túi có tấm lệnh phiếu ngân hàng trả cho mẹ cháu một triệu Mỹ kim thì mẹ cháu nghĩ sao?
Tôi nghĩ mẹ cháu có thể không nhận, mẹ cháu sẽ hét lên câu ca dao... hủ lậu "chồng em nào phải trâu cầy / mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm!" để từ chối phắt cái đề nghị đó.
Mẹ cháu từ chối vì yêu, vì thương bố cháu, sợ bố cháu cố quá rồi … quá cố nên một triệu Mỹ kim mẹ cháu cũng không thèm.
Nhưng một triệu Mỹ kim thực ra có thể làm được rất nhiều thứ. Cái condo ở La Jolla chẳng hạn. Sáng sáng chạy sang bên kia đường, đánh răng, xúc miệng, nhổ xuống biển, rửa chân một cái rồi bước về nhà ăn sáng cũng được đấy chứ. Hay cùng với bố cháu đi một chuyến tới chân núi Kilimanjaro bắn một con sư tử như Hemingway đã làm cũng đâu có dở lắm. Nếu không thì một chuyến đi Paris, ngồi bateau mouche chạy dưới dạ cầu, đọc cho mẹ cháu nghe vài bài thơ ngắn của Prévert cho bõ những ngày cơ cực cũng được quá chứ... Chưa hết, còn có thể có cục đá vài carat đeo vào tay mẹ cháu cho mẹ cháu đi lệch người sang một bên mà không được hay sao?
Chỉ cần một đêm, là sáng hôm sau có thể huy hoàng như thế đấy. Mà có mất mát bao nhiêu đâu.
Nếu bố cháu trình bầy cho mẹ cháu những điều có thể thực hiện được với một triệu Mỹ kim, thí bỏ cho những con mụ đàn bà kể trên một buổi tối, sau đó, bà lại quản lý tiếp đời người đàn ông trung niên, thì biết đâu mẹ cháu chẳng chịu. Bố cháu mà có "lạng quạng thì cũng chẳng mòn / chính chuyên thì cũng chẳng sơn son mà thờ" chi bằng thả cho đi một đêm, sáng hôm sau mang về một triệu cho rồi.
Nhưng chỉ sợ mẹ cháu bác hết, từ chối hết mấy chị có tên ở trên mà nhất định chỉ cho bố cháu qua đêm với Whoopi Goldberg thì sao?
Lúc đó, liệu bố cháu có còn sẵn sàng bán mình để kiếm một triệu cho mẹ cháu không? Hay là bố cháu sẽ bĩu môi, xua tay, nhất định gìn vàng giữ ngọc (?) cho riêng mẹ cháu?

Ngày 26 tháng 6 năm 2012
Bạn ta,
Nguyên Sa có một bài thơ mang những hình ảnh rất khác những bài thơ khác của ông. Đang đường phố Paris, chim én, bầu trời đục, mờ sương, đang tháp Eiffel kiễng chân ngó những chuyến métro qua vồi vội, ông đưa người đọc thơ ông lên con thuyền gác mái giữa dòng sông, uống rượu suốt đêm trăng rằm để rồi sợ chén nghiêng cạn mất trăng...
Trong bài thơ này, tôi thích nhất câu: "... gọi nàng bằng tên họ Giai Nhân..."
Gọi nàng bằng tên họ Giai Nhân khác với khen nàng đẹp, vì khen nàng đẹp thì thường quá, chúng ta làm đã nhiều lần. Khai sinh lại cho nàng bằng cái tên mới, cái tên ngợi ca sắc đẹp của nàng, là khiến nàng hết cãi, hết làm khách, làm điệu, làm bộ, vờ vịt khiêm tốn rằng "... em xấu... ỉn à, sao anh xạo quá cỡ thợ mộc vậy... mà anh nói gì em nghe không rõ, nói lại nghe coi đặng không..."
Đứa nào lạng quạng chưa nhận, cậu đặt thêm cho cái biệt hiệu Nhan Sắc nữa là hết đường cãi.
Tán đến như thế là nhất. Bài thơ ông làm đã lâu, "người con gái đứng gần" mà ông gọi tên không biết có thật hay không, bây giờ, nếu nàng có thật, có đứng gần, có ở trên con thuyền gác mái giữa dòng sông thật, cũng không nên làm thế nữa.
Nàng tử tế, không làm gì thì thôi, chứ nếu nàng kiện ông thì cũng đến khổ đời ông mất thôi. Kiểu tán của ông bây giờ không còn ăn khách nữa mà có khi lại còn nguy hiểm, hao tổn tiền bạc nữa là khác.
Tôi vừa phải khuyên một người bạn ở đây nên bỏ hẳn lối ăn nói hào phóng của chàng đi để tránh những hậu quả không tốt. Bạ ai chàng cũng "Chào người đẹp!". Cứ hào phóng trong những lời khen tặng như thế sao cũng có ngày mang họa. Chi bằng lúc nào cũng mặt mũi khó đăm đăm, không bao giờ quăng ra một câu hào phóng vô bổ như thế nhiều khi lại là hay.
Ở Fort Worth, tiểu bang Texas vừa xẩy ra một vụ gần giống như lời lẽ của bài thơ Nguyên Sa, và người phụ nữ được gọi là người đẹp ấy nổi cáu, than phiền, làm đơn khiếu nại, người đàn ông hào phóng trong cách ăn nói, một ông giáo dậy tiểu học, bị phạt hai mươi ngày không lương.
Câu nguyên văn mà ông thầy giáo này dùng là "Hello, good looking", một câu ông nghĩ là để chào, và đồng thời cũng vừa để khen người đồng nghiệp, thì lại chính là câu làm cho ông vất vả. Đồng nghiệp của ông coi đó là một câu sách nhiễu tình dục (sexual harassment), nàng kiện, chàng bị cho nghỉ hơn một tháng trước khi bị phạt hai mươi ngày không lương.
Tôi nghĩ có thể chàng chỉ hát lên một câu hát như bạn đọc lên câu thơ của Nguyên Sa mà thôi chứ chẳng định sách nhiễu ai hết. Hank Williams, người ca sĩ hát nhạc đồng quê của thập niên 50, nay đã qua đời, có một bài hát tựa đề là Hey, Good Lookin', bài hát nghe thật sầu thảm, nhất là khi nghe với giọng nasal twang, giọng mũi của chàng. Nhưng đó lại là ca khúc khiến chàng rất nổi tiếng. Cũng như bài thơ rất hay của Nguyên Sa, bài ca của Hank Williams lôi ra dùng vào lúc này để chào hỏi là mang họa vào thân ngay.
Không biết khi ra trước hội đồng kỷ luật của trường, ông giáo ở Fort Worth giải thích thế nào mà đến nỗi bị nặng thế. Có thể ông đã nhận tội là khen nàng coi được nên ông bị quàng cho cái tội sách nhiễu người nữ đồng nghiệp vào cổ rồi bị mất hai chục ngày lương. Tội nghiệp ông. Ông vừa tốt, vừa lịch sự, lại hào phóng nên lãnh cái búa tạ.
Chứ nếu ông cứ cãi phăng đi rằng ông không hề định nói điều ông nói ra thì đã sao? Cứ nhận là có nói "Hello, good looking" nhưng tại sao đồng nghiệp lại dám nhận rằng nàng là... good looking? Tui hello đứa good looking chứ bộ tui nói đồng nghiệp sao? Nè, cái gương đây, soi lại xem có còn dám nhận là good looking nữa không? Ô hay sao lại nhận vơ thế này nhỉ? Ðây nói bên ấy, sao "du" động lòng? "Du" được coi là good looking hồi nào, nói nghe coi nào? Nói "du" nghe, tui biết một người đàn ông trung niên, lúc y béo và xấu trai nhất, y vẫn còn coi đặng hơn "du" nữa à nha... Tui nhất định không chào "du" bằng câu "Hello, good looking" mà sao " du" cứ nhận hoài vậy?
Cãi như thế thì nhất định người con gái tên họ Giai Nhân cũng phải ôm hồ rượu sang thuyền khác lập tức. Ở đó mà kiện với cáo...
Không nên hào phóng trong cách ăn nói chút nào là vậy.

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 145)
EXCUSE MY FRENCH !
Bản ghi chép lại do Trúc Giang thực hiện. Bài học số 145 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 8 năm 2012.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
BBT
Hôm chúng ta sẽ nói về một số câu, một số từ ngữ người Anh và người Mỹ hay dùng mà chúng ta nên biết. Đó là những câu ngắn hay những chữ của tiếng Pháp mà người Anh mượn để dùng, một số nay đã trở thành rất quen thuộc. Tôi không định sắp xếp chúng thành một bài học như thường lệ vì thực ra, hai cô muốn nhớ cũng được mà không muốn nhớ cũng chẳng sao. Nhưng biết được chúng thì cũng tốt. Đem chúng ra dùng thì lại càng hay hơn.
TRÚC GIANG
Như vậy, người Anh và người Mỹ cũng hay đem chúng ra dùng lắm hay sao, thưa chú?
QA
Thưa anh, chắc cũng như ba QA và những bác cùng thế hệ với ba QA trong lúc nói chuyện bằng tiếng Việt cũng dùng khá nhiều tiếng Pháp. Nhưng người Mỹ có xưng "moa / toa" như người Việt, như mấy bác bạn của ba má QA không?
BBT
Xưng "moa / toa" như người Việt thì người Anh và người Mỹ không làm. Nhưng chêm tiếng Tây vào thì có. Ở Mỹ, tôi chỉ thấy Miss Piggy, một trong những muppet của chương trình Sesame Street là xưng "MOI" thôi. Miss Piggy luôn luôn coi mình là một cô đầm Pháp, nhưng chỉ biết có một tiếng "MOI" mà thôi.
TRÚC GIANG
Cháu có nghe nhiều lần câu này, có phải nó được dùng trước khi người ta lôi mấy câu tiếng Pháp ra nói với nhau không, đó là câu EXCUSE MY FRENCH!
BBT
À, câu này khá đặc biệt. Người Anh đã có những lúc trong lịch sử rất không ưa người Pháp. Thế nên, cứ cái gì không hay, không lịch sự, hơi thô tục là họ đổ cho người Pháp, tiếng Pháp. Thí dụ cái bao cao su ngừa thai thì người Anh gọi nó là FRENCH LETTER, bức thư tình của mấy ông Tây, bà đầm. Người Pháp liền trả đũa bằng cách gọi nó là CAPOTE ANGLAISE. Thế là huề cả làng. Trở lại câu EXCUSE MY FRENCH, cũng có khi người ta nói PARDON MY FRENCH, một trong hai câu này được dùng trước hay sau khi người ta văng ra một tiếng tục tĩu hay một câu chửi thề và đổ vấy cho nó là một câu tiếng Tây mặc dù nó là 100% tiếng Anh. Thí dụ sau khi văng tục, sau một câu chửi thề như WHAT THE HELL ARE YOU TALKING ABOUT? người ta liền nói tiếp câu EXCUSE / PARDON MY FRENCH! Câu EXCUSE MY FRENCH hay PARDON MY FRENCH là câu nói cũng giống như khi chúng ta nói trong tiếng Việt rằng "Nói ông bà tha lỗi cho nhá…" Rồi sau đó văng tục ra cho … lịch sự.
TRÚC GIANG
Cháu nghĩ lại thì chính cháu cũng đã có dùng một vài câu hay một vài chữ tiếng Pháp rồi chứ không phải là không đâu. Cháu nhớ lúc học xong khóa về computer, cháu gửi đơn đi xin việc và kèm theo cái RÉSUMÉ. Bản tiểu sử kê khai kinh nghiệm làm việc, bằng cấp là cái RÉSUMÉ, một danh từ cháu nghĩ là tiếng Pháp vì chữ RÉSUMÉ có hai cái dấu "sắc" có đúng không thưa chú?
BBT
Đúng vậy. RÉSUMÉ là lý lịch ngắn gọn để nộp kèm đơn xin việc hay mang theo khi đi phỏng vấn xin việc. Tôi tin là cả hai cô đã vài ba lần nhận được thiệp mời dự tiệc cưới. Cuối những tấm thiệp đó có những chữ gì QA nhớ không nào?
QA
QA nhớ đó là những chữ RSVP. QA biết đó là những chữ viết tắt nhưng không biết RSVP là viết tắt của những chữ gì. QA chỉ biết là thiệp mời muốn người nhận trả lời vì ở dưới có kèm theo số điện thoại, và nay, ghi thêm cả địa chỉ e-mail nữa.
BBT
RSVP là viết tắt của những chữ Pháp RÉPONDEZ S’IL VOUS PLAIT nghĩa là xin phúc đáp, xin vui lòng trả lời. Dịch từng chữ thì là xin hãy trả lời nếu việc đó làm ông bà vui.
QA
Cám ơn anh. QA nghĩ danh từ "boa" ở Việt Nam cũng là tiếng Pháp có phải không?
BBT
Đúng rồi. Hồi trước năm 1975, ở Sài Gòn người ta không nói là "boa". Hồi ấy, chúng tôi nói đầy đủ là POURBOIRE. POUR tiếng Pháp nghĩa là để. BOIRE là uống. POURBOIRE là tiền TIPS, tiền chúng ta thưởng cho nhân viên phục vụ trong các nhà hàng, tiệm ăn. Chúng ta nói lịch sự là POURBOIRE, nghĩa là tiền cho những người này để họ đi uống nước, uống cà phê nếu thấy họ phục vụ chúng ta cẩn thận, nhanh chóng, lễ độ.
QA
QA đọc thấy trên báo các văn phòng lo dịch vụ di trú có dùng chữ FIANCE. Đó cũng là tiếng Pháp phải không thưa anh?
BBT
Đúng vậy. Nhưng nếu muốn cho quảng cáo đầy đủ và rõ ràng hơn thì phải ghi cả FIANCÉ và FIANCÉE. Danh từ FIANCÉ là vị hôn phu. Danh từ FIANCÉE có thêm chữ E ở cuối là vị hôn thê. Bảo lãnh thì bảo lãnh cả vị hôn thê lẫn vị hôn phu chứ không lẽ chỉ bảo lãnh cho các cô thôi hay sao?
QA
Mấy chữ này thì QA cũng đã dùng và biết nó là tiếng Pháp: À LA MODE nghĩa là chưng diện, điệu đàng phải không anh?
BBT
Gần đúng vậy. À LA MODE đúng ra là thời trang, là "đúng mốt" như chúng ta vẫn nói, là STYLISH, là ELEGANT.
Nhưng BOEUF À LA MODE thì lại là món thịt bò nấu với rượu, cà rốt và hành Tây. À LA CARTE là các món được ghi trong menu. HORS D’OEUVRES là những món ăn chơi, khai vị, thường không có trong menu. Chữ khác là APPETIZER. Từ tiếng Pháp, còn có câu chúc ăn ngon miệng là BON APPETIT. Ở Mỹ, người ta dùng nhiều tiếng Pháp trong menu cho sang và đắt tiền. Như ENTRÉE là món chính trong bữa ăn.
TRÚC GIANG
Thưa chú, cháu còn nghe câu này nữa, C’EST LA VIE. Câu này nghĩa là gì?
BBT
C’EST LA VIE, đây cũng là câu nhiều người Mỹ hay nói. Nghĩa đen, dịch từng chữ một thì câu ấy có nghĩa đó là đời sống. Cũng có thể hiểu C’EST LA VIE là đời sống như vậy đó. Câu này tương đương với những chữ SUCH IS LIFE trong tiếng Anh. Đời sống đó có thể khó khăn, không tốt đẹp, nhưng đó là cuộc đời, chúng ta nên chấp nhận nó. Hồi còn nhỏ, ở trung học, chúng tôi còn thêm một câu nghe rất vô nghĩa lý, nhưng vẫn thêm vào cho thành đôi, cho Pháp Việt đề huề, đó là ĐỜI, C’EST LA VIE, TÌNH C’EST L’AMOUR. Cùng với hai câu đó còn có thêm câu vớ vẩn này: L’HOMME SANS AMOUR COMME LE CANH CUA SANS CÀ CHUA nghĩa là người ta mà không có tình yêu thì cũng như canh cua không có cà chua.
Hai cô có biết chữ CÚ cũng là do tiếng Pháp mà ra không? Người Mỹ cũng dùng vài ba thành ngữ có chữ COUP ở trong. Thí dụ cuộc đảo chính lật đổ tổng thống Diệm thì người ta dùng luôn cả danh từ tiếng Pháp để gọi là COUP D’ÉTAT.
Hai cô nghe danh từ này chưa: COUP DE FOUDRE. Nhắc tuồng cho hai cô một chút nhé: danh từ FOUDRE là sấm sét.
TRÚC GIANG
COUP DE FOUDRE là cú sấm sét, là trời gầm phải không chú?
BBT
Không phải. Hai cô có biết LOVE AT FIRST SIGHT trong tiếng Anh nghĩa là gì không nào?
QA
LOVE AT FIRST SIGHT là gặp lần đầu là yêu liền phải không thưa anh?
BBT
Thì đúng là thế. COUP DE FOUDRE là câu tương đương với LOVE AT FIRST SIGHT. Trông thấy lần đầu là bủn rủn chân ta, té cái ầm vào cái … tình yêu như bị sét đánh vậy. Cú sấm sét là như thế. Hai cô chắc đã biết EAU DE COLOGNE và EAU DE TOILETTE rồi, nên khỏi nói ở đây. Thế còn EAU DE VIE là gì nào?
QA
QA nhớ anh vừa nói ở đoạn trên VIE là đời sống. Vậy EAU DE VIE là nước uống có đúng không?
BBT
Không phải vậy. EAU DE VIE lại là rượu mạnh, là whisky hay cognac.
Đố hai cô biết kiểu tóc của cô Mai Khanh của đài Hồn Việt và tóc của Mỹ Linh ca sĩ ở Việt Nam người ta gọi là gì nào?
TRÚC GIANG
Là tóc ngắn.
BBT
Thì đúng rồi. Nhưng tiếng Pháp có cách gọi mà người Anh và người Mỹ cũng mượn để dùng là À LA GARCONNE. Hai cô cũng biết GARCON là cậu con trai. Danh từ này còn có nghĩa là người bồi làm việc trong các nhà hàng ăn. Búng tay kêu "chóc" một cái rồi kêu GARCON nghe cho giống Tây.
Chào nhau GOODBYE thì người Anh cũng nói tiếng Tây là AU REVOIR nghĩa là cho đến lúc gặp lại nhau, tương tự như SEE YOU AGAIN.
QA
Còn bánh mì ba ghét cũng là từ tiếng Pháp phải không thưa anh?
BBT
BAGUETTE là bánh mì Tây. Người Mỹ không biết BAGUETTE còn có nghĩa là đũa nữa. Họ gọi đũa là CHOPSTICKS.
Chuyện kể một chú bé Việt Nam học tiếng Pháp cứ lập đi lập lại: BAGUETTE là đũa. Rồi chú nói ngắn lại thành BAGUETTE đũa, BAGUETTE đũa... Mẹ chú nghe thấy, không biết là chú đang học bài liền nói vọng từ bếp lên rằng ba ghét đũa thì lấy nĩa cho ba ăn cơm sao cứ ngồi đó mà nói hoài vậy… Chữ này cũng được dùng khá nhiều ở Mỹ: CROISSANT cũng được mượn của tiếng Pháp.
QA
Thưa anh, QA còn nghe chữ DEMITASSE hôm bữa đi uống cà phê với người bạn. QA nghi đây cũng là từ tiếng Pháp quá.
BBT
DEMI là nửa. TASSE là cái tách, cái ly bằng sứ. DEMITASSE là ly cà phê nhỏ bằng nửa ly bình thường dùng để uống cà phê Ả Rập hay cà phê ESPRESSO. Đúng, đó cũng là tiếng mượn của mấy ông Tây. Dĩ nhiên là còn CAFÉ AU LAIT là cà phê sữa nữa. Người Mỹ cũng dùng chữ này thay vì COFFEE WITH MILK nghe dài hơn và WHITE COFFEE nghe hơi nhà quê.
TRÚC GIANG
Thưa chú, BON VOYAGE cũng là tiếng Pháp chứ?
BBT
Đúng. Nhưng thường BON VOYAGE được dùng để chúc A GOOD TRIP khi người ta đi xa bằng máy bay hay tầu biển chứ không dùng ở bến xe bus hay ga xe lửa bao giờ. Chữ ADIEU cũng được dùng để chào từ biệt. ADIEU là do hai chữ À DIEU là phó mặc, gửi cho Thượng Đế, nhờ Thượng Đế bảo vệ, phò hộ. Chào người sắp lên đường như vậy là rất chu đáo.
Người Mỹ cũng mượn chữ VOILÀ! của tiếng Pháp để diễn tả một ý tương tự như SEE THAT? Hay THERE IT IS! Khi nói chữ này, người nói còn có ý ngầm khoe là mình đúng, mình có lý, làm đúng hay tiên đoán điều gì đó và điều đó xẩy ra đúng như tiên đoán.
Người Anh người Mỹ còn mượn của người Pháp rất nhiều nữa nhưng phần nhiều là những chữ hai cô không cần biết trong lúc nói chuyện hàng ngày nên tôi không kể ra ở đây. Để dành cho những lần khác vậy.
QA
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây thì xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.