June 13, 2012

June 15, 2012


Ngày 11 tháng 6 năm 2012
Bạn ta,
Danh từ "phao" có nhiều nghiã khác nhau. "Phao" có thể là một miếng bấc nhỏ buộc vào sợi dây câu, cho nổi trên mặt nước để báo cho biết có cá cắn mồi ở dưới. "Phao" cũng còn có nghĩa là dụng cụ dùng để cấp cứu, giúp cho người sắp bị chìm dưới nước khỏi chết đuối.
Có thể là chính qua cách dùng này, ngày nay, "phao" có thêm một nghĩa khác nữa là tài liệu đem bất hợp pháp vào phòng thi để các thí sinh gặp bài thi khó có thể lôi ra dùng, như người ngã xuống nước được quăng cho cái phao.
Thực ra, trước năm 1975, tại các trường học dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, chuyện cóp bài, lén mở sách ra xem trong các kỳ thi trong lớp cũng như tại các trường thi cũng có chứ không phải là không. Nhưng so với trò chép bài, cóp pi và quay phim ở Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc bây giờ thì trò quay phim của các học sinh thời trước là đồ bỏ, là tay mơ, dở hết chỗ nói.
Hồi ấy, tại các kỳ thi lục cá nguyệt trong lớp, việc coi thi để ngăn chặn trò quay phim, cóp bài diễn ra nghiêm ngặt đã đành. Tại các kỳ thi trung học phổ thông, tú tài 1 và tú tài 2, luôn cả ở mức đại học, việc quay phim, gian lận thực sự là rất khó. Trước khi phát đề thi, các giám thị đều nhắc thí sinh phải đem nộp hết các tài liệu mang theo. Các tài liệu, gọi là "phim" nếu bị bắt sau đó, cho dù là chủ nó không dùng, thí sinh cũng bị đuổi ra khỏi phòng thi ngay lập tức.
"Phim" thường được viết trong những miếng giấy rất nhỏ, dấu trong những cây bút , trong tay áo, dưới ghế, trong ngăn kéo bàn, trong nhà cầu, trong cạp quần, trong cả áo lót của các nữ thí sinh. Nhưng chúng vẫn bị tìm ra gần hết. Ngoài ra, việc ngó sang người bên cạnh, làm hiệu với nhau, trao đổi giấy nháp đều bị cấm ngặt. Các sinh viên Văn Khoa Sài Gòn đều nhớ cảnh linh mục Thanh Lãng đeo chiếc kính đen vào, mùi nước hoa thơm lừng đi vần vũ trong phòng thi là mọi âm mưu quay phim của các sinh viên đều biến thành mây, thành khói hết.
Nhưng "phao" ở Việt Nam ngày nay thì "hoành tráng" hơn nhiều. "Phao" có khi được in bằng computer mang công khai vào lớp. Các thí sinh tha hồ quay xuống bàn dưới, sang bàn bên cạnh, nhoài người lên bàn trước, hỏi nhau công khai, trao đổi "phao" với nhau, nhận bài giải ném từ hành lang vào, và giám thị ngồi lù lù trong lớp thì không có bất cứ một hành động nào để ngăn chặn những việc làm gian lận công khai đó. Có những trường hợp giám thị còn mách nước cho thí sinh một cách không thèm dấu giếm gì.
Tất cả những cảnh như vừa kể nếu chỉ nghe nói thì không ai có thể tin được. Nhưng những cảnh đó đã được thu lại rất rõ bằng video của một thí sinh ngồi ngay trong phòng thi. Khoảng năm hay sáu video clip thu được trong phòng thi của trường trung học phổ thông Đồi Ngô thuộc tỉnh Bắc Giang đã được đưa lên internet, và vì thế, người ta mới được thấy cảnh gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua. Tại trung tâm thi tốt nghiệp Đồi Ngô, có 12 phòng thi với 39 nhân viên phụ trách việc coi thi. Tổng số thí sinh là 273 người.
Cuộc thi toàn quốc vừa được báo cáo (láo) là diễn ra tốt đẹp thì một loạt video clip thu cảnh gian lận được gửi lên internet. Đến lúc ấy người ta mới lôi vụ này ra thảo luận. Và trong khi nhà chức trách chưa nói gì đến việc điều tra, hay có biện pháp với các giám thị và các học sinh quay cóp trong phòng thi, thì một giới chức cao cấp giáo dục nói là sẽ phải có biện pháp đối với những người thu được các video clip có cảnh gian lận. Báo Tuổi Trẻ số mới nhất cho biết thí sinh thu những video clip này đang rất lo sợ bị kỷ luật và trả thù.
Tại những trung tâm thi ở các tỉnh khác, hình ảnh chụp ở sân trường cho thấy "phao" thi quăng trắng xóa trên lối đi, trên thảm cỏ, ngoài phòng thi.
Như vậy là thế nào? Hăm dọa trừng phạt người đưa ra bằng cớ gian lận trong khi chưa nói gì đến việc có biện pháp với các thí sinh cóp bài và các giám thị để mặc cho trò gian lận diễn ra? Có một quốc gia nào trên thế giới làm như thế không? Ở Mỹ, chính phủ cho người tố cáo các tội ác được hưởng mọi biện pháp bảo vệ để người đó không thể bị hãm hại. Trong một số trường hợp, người "thổi còi" (whistle blower) còn được cho một căn cước mới và được đưa đi sống tại một nơi không một ai biết, đó là chương trình witness protection tức là chương trình bảo vệ nhân chứng.
Nhưng ở Việt Nam, người "thổi còi" thì liền bị hăm trừng phạt. Vậy thì làm sao làm sạch được xã hội?
Nghĩ cho cùng thì ngay chính bác Hồ cũng thuổng tập thơ của một anh Tầu để nhận vơ Ngục Trung Nhật Ký là của bác. Các tài liệu viết bằng tiếng Pháp đả kích chế độ thực dân Pháp của cụ Phan Văn Trường ở Paris thì bác nhận là của bác để bọn đàn em hít hà nói là bác thông thạo năm bẩy thứ tiếng. Mẹ kiếp làm bồi tầu, làm phụ bếp thì học tiếng Anh tiếng Pháp tử tế ở đâu mà cứ nhắng lên là thông thạo Anh Pháp ngữ?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khoe có cử nhân Luật trong … rừng. Ngày nay, ở đâu cũng có thể mua bằng giả nên mới có những đứa không biết một chữ tiếng Anh, chưa ra khỏi Việt Nam bao giờ cũng có bằng cấp đại học Mỹ xài chơi.
Thế thì việc chó gì phải dùng "phao" đi thi? Cứ mua vài cái bằng dổm về, vừa dọa được bu nó vừa trèo lên chức này chức nọ ngay.
Học báo chí (?) cũng được trao chức giám đốc to đùng, mặc áo đầm mầu hồng váy ngắn cũn cỡn, đi giầy cao gót đỏ thanh sát công trường như con nhãi ranh con cậu Tô Huy Rứa thì hà tất phải quay cóp làm gì mới có bằng để bị quay video trông chán vô cùng.
Ra chúng nó là như … rứa vậy sao?
Bố khỉ.
Các video clip trong khi đó lại cho thấy rất rõ một khẩu hiệu vẽ trên tường của lớp học nơi diễn ra kỳ thi ở Đồi Ngô câu này:" THI ĐUA HỌC TỐT, DẠY TỐT".
Tốt cái … con củ gì đây?

Ngày 12 tháng 6 năm 2012
Bạn ta,
Một thành phố ở miền trung Thụy Điển, thành phố Sormland, vừa có một dự luật mới mà một số người cho là vi phạm quyền tự do của đàn ông ở đó nếu dự luật được thông qua.
Dự luật này do một đảng nhỏ với chủ trương tả khuynh đề nghị. Đảng gồm đa số là phụ nữ, thành lập năm 1917 sau khi tách ra khỏi đảng Dân Xã Công Nhân.
Dự luật đòi các nam nhân viên, công cũng như tư chức khi sử dụng các nhà cầu công cộng nam nữ dùng chung không được đứng khi hành sự nữa. Các ông phải hạ cái bệ cầu xuống và ngồi xuống trước khi làm công tác thủy lợi.
Dự luật nói rằng đàn ông thường nhắm rất dở nên nước nôi vung vãi ra cả bên ngoài bồn, làm cho sàn nhà cầu lúc nào cũng ướt nhẹp. Người đến sau thường phải dẫm lên những vũng nước các chàng để lại. Để tránh tình trạng này, những người đàn ông sử dụng nhà cầu sẽ phải ngồi xuống hết. Không còn có trò đàng hoàng đứng… đắn (?) như trước nữa.
Thực ra, biện pháp này tôi cũng đã thấy ở Mỹ mấy lần, ở vài ba căn nhà tôi có dịp đến thăm. Tất cả đều là những gia đình mà phe đàn ông là thiểu số: chỉ có ông chồng là đàn ông. Vì thế, việc xử ép phe thiểu số cũng dễ. Việc kiểm soát sự tuân thủ lệnh trên cũng không khó. Hễ thấy cái bàn cầu dựng lên là biết ngay có người phạm luật. Khách đến nhà cũng bị căn dặn ngay từ ngoài cửa. Không chịu tuân theo lệnh của gia chủ thì cố mà giữ nước đi tới nơi khác tự do hơn mà xả.
Với thứ luật lệ đó, nhân vật đóng vai chính trong phim Mrs Doubtfire, người đàn ông giả phụ nữ do Robin Williams đóng sẽ không thể bị khám phá. Vào nhà cầu mà ngồi thụp xuống thì ai dám nghi ngờ phái tính của chàng.
Nhưng vai Mrs Doubtfire lại đứng hiên ngang để làm việc thoát nước nên chuyện giả phụ nữ của chàng bị khám phá ra ngay.
Chuyện đứng mà làm việc đó mà bị cấm thì những người đàn ông sẽ mất đi bao nhiêu lạc thú. Bởi lẽ đứng thẳng làm việc đó sướng hơn là ngồi xuống rất nhiều.
Một phụ nữ quí tộc nước Anh có lần đã nói ngay ở Quí Tộc Nghị Viện rằng bà không thua gì mấy ông đàn ông cả, chỉ có một điều là bà không thể viết tên của mình trên tuyết được như các ông mà thôi. Điều đó cho thấy là đứng chình ình viết tên mình trên tuyết là chuyện nhiều người thèm lắm mà không làm được.
Nhưng có lẽ phải bổ túc một chi tiết khác nữa cho câu nói của bà, đó là bà sẽ không bao giờ có thể điều khiển để dòng nước bắn tan xác những mẩu thuốc lá mà người ta quăng vào những cái bồn cầu. Có thể nói chắc rằng không một người đàn ông nào lại không từng chơi trò chơi hào hứng đó mỗi lần đi làm thủy lợi. Đó là chưa nói tới nghệ thuật bắn vòng cầu lên những vùng cao khi cần thiết, nếu cái urinoir được gắn hơi cao một chút như hồi còn bé, khi chiều cao chưa đạt được hết cỡ.
Và nếu phải ngồi xuống như vậy, ông Trạng Quỳnh làm sao chửi cha sứ Tầu bằng nghệ thuật "vũ qua Bắc Hải" được. Cứ ngồi thụp xuống làm sao … mưa qua biển Bắc cho ướt đầu mấy anh Tầu?
Nhất là trong tình hình biển Đông ngày nay.
Đái được lên đầu mấy thằng Tầu … lạ thì sướng biết là bao.

Ngày 13 tháng 6 năm 2012
Bạn ta,
Ca khúc nền của phim High Noon với Gary Cooper và Grace Kelly nghe mấy chục năm trước đến nay tôi chỉ còn nhớ được có mấy câu đầu:
Do not forsake me oh my darling
On this our wedding day
Đừng bỏ em nhé, anh yêu, trong ngày cưới của chúng ta… Mấy câu đau sót đó cùng với mấy câu dịch sang tiếng Pháp của bài hát:
Si toi aussi, tu m’abandonnes, ô mon unique amour, toi
Cả hai lời Anh và lời Pháp đều bầy ra cảnh đau lòng. Bỏ nhau thiếu gì lúc để làm. Tại sao lại làm công việc đó ngay trong ngày cưới?
Đúng một năm trước đây, ngày 11 tháng 6 năm 2011, một phụ nữ 25 tuổi đã "xù show", cho người đàn ông hơn cô 60 tuổi đứng một mình ở bàn thờ khi cô quyết định không tiến tới với chương trình đám cưới của hai người nữa.
Câu hát của bài High Noon tưởng không còn có thể đúng hơn với cảnh ngoài đời của hai người được.
Tháng 6 năm 2011, Crystal Harris quyết định bỏ cho chàng một mình ở lại đúng vào ngày đáng lẽ đám cưới diễn ra. Nàng ôm con chó, chất quần áo lên chiếc xe chàng mua cho nàng, luôn cả cái nhẫn kim cương chàng đeo cho nàng và bỏ đi mất đất.
Người đàn ông bị bỏ lại là Hugh Hefner, chủ nhiệm sáng lập tờ Playboy, 86 tuổi, hơn nàng đúng 60 tuổi.
Em đi bỏ lại con đường
Bờ xa cỏ dại vô thường nhớ em
Em đi bỏ lại dặm trường
Ngàn dâu cố quận muôn trùng nhớ thêm
Bùi Giáng đã viết mấy câu lục bát trên. Trịnh Công Sơn đem viết lại thành ca khúc, thêm vào đó mấy câu làm bản nhạc càng nghe càng thấy ngậm ngùi, tan nát.
Một người đàn ông khác mà tôi biết thì hạnh phúc hơn. Đêm tân hôn người phụ nữ trẻ hỏi chàng bao nhiêu tuổi. Chàng gợi ý cho nàng làm một con tính thì biết ngay tuổi của chàng: ngũ thập niên tiền nhị thập tam…
Nửa thế kỷ trước chàng mới 23 tuổi. Cộng vào đó năm mươi năm. Chàng 73 tuổi. Nhưng tuổi của nàng thì không thấy Uy Viễn tướng công nói ra. Nàng bao nhiêu? Mười tám, hai mươi?
Thuở ấy tuổi vàng hay tuổi đá
Yêu nhau ai tính tuổi bao giờ
…(Vũ Hoàng Chương)
Không thấy nói là nàng bỏ đi. Sau đó mấy năm, chàng còn xin tái ngũ xin ra trận đánh Pháp sau khi tầu chiến Pháp kéo tới bắn phá Đà Nẵng.
Crystal Harris bỏ chàng ở lại một mình. Còn ném lại một câu tàn nhẫn, gọi chàng là "two-second man", người đàn ông hai giây để nói về khả năng kéo dài những nỗ lực giúp vui (của chàng) cho nàng.
Cố lắm cũng chỉ được hai giây
Em buồn, em chán, em bỏ anh ngay giữa đường…
Nàng bỏ chàng, nhưng không như người phụ nữ trong mấy câu của Trần Tế Xương:
Tháo nhẫn ma dê ném xuống sông
Thôi, thôi, tôi cũng mét xì ông…
Người phụ nữ bỏ đi, thấy không tiện tiếp tục đeo cái nhẫn nên ra bờ sông quăng cha nó xuống nước, cám ơn chàng rồi bỏ đi. Nhưng Crystal Harris thì đem bán cái nhẫn được 90 ngàn đô la. Và hôm nay, một năm sau, nàng quyết định trở về với chàng. Nàng cẩn thận tweet cho bạn bè rằng "Yes, I am his #1 girl again. Yes, we are happy . Hope that clears up any confusion." Vâng, tôi lại là người số 1 của chàng. Vâng, chúng tôi hạnh phúc. Hy vọng điều này sẽ đánh tan mọi hiểu lầm…
Đọc bản tin của AP, tôi không thể không nhớ một bài thơ, bài số 46, trong tập The Gardener của Rabindranath Tagore. Xin chép lại ở đây cho bạn đọc chơi:
Em đã bỏ tôi và ra đi.
Tôi nghĩ mình sẽ phải khóc than, thương tiếc, đem hình bóng cô đơn của em vào tim, viết thành ca khúc bằng vàng.
Nhưng số mệnh trớ trêu cay nghiệt, mà cuộc đời thì ngắn ngủi.
Tuổi hoa niên theo năm tháng úa dần; ngày xuân chóng qua; những bông hoa mỏng manh tàn tạ vô ích, và bậc trí giả răn rằng đời sống chỉ là những hạt sương đọng trên lá sen.
Liệu tôi có nên quên đi tất cả những điều này để hướng mắt nhìn theo người đã quay lưng bỏ tôi ra đi?
Làm vậy thì quá vô lễ và điên dại , vì cuộc đời ngắn ngủi.
Vậy thì hãy lại đây, những đêm mưa với những bước chân lộp bộp; hãy cười lên mùa thu vàng lá; hãy lại đây hỡi tháng Tư vô tư , reo rắc những nụ hôn đi khắp mọi nơi.
Em hãy lại đây, em, và em nữa, tất cả hãy lại đây!
Hỡi những người yêu của ta, các em biết chúng ta chỉ là những phàm nhân, tất cả rồi đều phải chết. Liệu có khôn ngoan không khi để cho con tim tan nát, đau khổ vì người đã đem lòng đi nơi khác? Vì cuộc đời ngắn ngủi.
Thật là tuyệt vời khi ngồi ở một góc, mơ mộng viết thành vần điệu rằng em là tất cả thế giới của tôi.
Thật là anh hùng khi ôm lấy nỗi buồn của mình và nhất định không để cho ai an ủi vỗ về.
Nhưng một khuôn mặt tươi mát nhìn qua cừa và nhướng mắt lên nhìn tôi.
Tôi đành phải lau khô nước mắt và đổi điệu bài ca.
Vì đời người thì ngắn ngủi. (*)
Và thế là em đã trở về.
Dù đến, dù đi, tôi cũng xin tạ ơn đời, tạ ơn em đã cho tôi…(TCS)
Tuổi già mà còn được như vậy thì cũng … tạm. Còn hơn cứ nằm nhìn cái trần nhà thì chán biết là dường nào. Thông cảm cho chàng. Tội nghiệp chàng mà!
---------
(*) You left me and went on your way.
I thought I should mourn for you and set your solitary image in my heart wrought in a golden song.
But ah, my evil fortune, time is short.
Youth wanes year after year; the spring days are fugitive; the frail flowers die for nothing, and the wise man warns me that life is but a dewdrop on the lotus leaf.
Should I neglect all this and gaze after one who has turned her back on me?
That would be rude and foolish, for time is short.
Then , come, my rainy nights with pattering feet; smile, my golden autumn; come, careless April, scattering your kisses abroad.
You come, and you, and you also!
My loves , you know we are mortals. Is it wise to break one’s heart for the one who takes her heart away? For time is short.
It is sweet to sit in a corner to muse and write in rhymes that you are all my world.
It is heroic to hug one’s sorrow and determine not to be consoled.
But a fresh face peeps across my door and raises its eyes to my eyes.
I cannot but wipe away my tears and change the tune of my song.
For time is short.

Ngày 14 tháng 6 năm 2012
Bạn ta,
Theo cuốn Chase Calendar of Events, cuốn lịch ghi các ngày nghỉ, ngày kỷ niệm trong năm, những ngày được dành ra để cử hành, để đánh dấu, để làm một chuyện đặc biệt nào đó, hay nhiều khi cũng chẳng đặc biệt, thú vị gì, có khi lại là những chuyện hết sức vớ vẩn ở nước Mỹ, thì tuần này là tuần lễ ôm toàn quốc, National Hug Holiday Week, tuần lễ để ôm và được ôm lại.
Tuần lễ này được dành để tôn vinh, nhìn nhận và bầy tỏ sự cảm kích của chúng ta dành cho người khác qua một hình thức rất giản dị là một cái ôm.
Đoạn văn chương lổn nhổn ở trên là cố gắng dịch lại những chi tiết của tuần lễ ôm toàn quốc in trong cuốn Chase Calendar.
Tôi hy vọng tuần lễ này sẽ giúp một người đàn ông Á châu sống quá nửa đời ở ngoài nước Việt Nam thấy thoải mái với những cái ôm bất kể những nỗ lực rất lớn của chàng để làm cho có vẻ Tây một chút, để chàng thấy thoải mái hơn trong những cái ôm vào lúc mà chung quanh chàng cái gì cũng có thể ôm được, hết xe ôm, bia ôm rồi cơm tấm bì sườn chả cũng... ôm luôn.
Trong khi chàng thì vẫn không thoải mái mấy trong những lần có người ôm chàng, hôn lên má phải lẫn má trái của chàng. Chàng cứ đứng nguyên bất động, không một nỗ lực nào để trả lại cái... ân huệ đó.
Tôi nghĩ có thể cái ôm đầu tiên trong đời chàng đã theo chàng mãi suốt mấy chục năm nay, và cái ôm đầu tiên ấy đã khiến chàng không bao giờ có thể thoải mái, thưởng thức những cái ôm kế tiếp từ đó đến nay.
Cái ôm đầu tiên của chàng là của cô rửa chén bát ở cái lưu học xá chàng sống hồi ấy. Cô nặng khoảng hơn hai trăm cân Anh, đôi giầy của cô to gấp hai đôi giầy của chàng. Cô cao hơn chàng nguyên một cái đầu. Cô hôi nách khủng khiếp, và có một bộ ria khá đẹp nếu ở trên môi một người đàn ông.
Một buổi chiều mùa đông, chàng sinh viên trẻ tuổi đi học về muộn, vào phòng ăn kiếm cái gì dằn bụng, thì ở bếp, cô rửa chén đang mở radio nghe nhạc. Bản Tamoure, một bài top hit hồi đó, hồi năm 1963 vừa trỗi lên, thì chàng bước vào, cô đang rửa chén, liền đưa tay ra sau chùi vào... đít quần, rồi chạy ào tới phía chàng, cô ôm chàng, bắt nhẩy Tamoure với cô. Cô ôm chàng thật chặt. Và mùi mỡ cừu và mùi hôi nách của cô là hoài niệm không thể phai về chiếc ôm đầu tiên ấy. Cả hai theo chàng cho đến bây giờ. Chiếc ôm của cô, sau đó chàng mới biết, là một cái bear hug, là cái ôm của một con gấu, chàng suýt gẫy hết xương sườn vì cái ôm ấy. Bộ ria của cô quét trên mặt chàng đến nay cảm giác rờn rợn vẫn còn nguyên. Chàng nhớ cho đến bây giờ. Nhớ đời cái ôm ấy.
Từ đó trở đi, chàng rất sợ ôm. Freud đã chết rồi, chàng không thể đi Vienna, leo lên chiếc divan của Freud để nói hết những điều bị đè nén, đẩy xuống tiềm thức, chôn ở vô thức để thỉnh thoảng trồi lên, ảnh hưởng vào ý thức của chàng. Freud không còn nữa nên không ai có thể giải thích những điều đó cho chàng để chàng quẳng gánh lo đi và vui sống, thưởng thức những cái ôm không của những cái thân thể hơn hai trăm cân Anh, mùi mỡ cừu quyện mùi hôi nách, bộ ria xanh mướt của cô rửa chén.
Nhưng suốt tuần lễ ôm này, chàng phải đi làm, mà ở sở, chạy lăng quăng xin người này cái ôm, người kia cái ôm trong khi tháng trước vừa được dùng để tạo ý thức về sách nhiễu tình dục (sexual harassment awareness month) tại nơi làm việc thì bộ có dự định đi xin trợ cấp thất nghiệp hay sao mà đi kiếm vài cái ôm như cuốn Chase Calendar đề nghị?
Hay là chiều nay đi chợ, lôi một két dầu gió xanh Heineken ra quầy trả tiền mang về nhà làm bia... ôm cho khỏi tủi thân đây?
Sao National Hug Holiday Week mà chán như thế này?
Hay là vì tuần lễ này cũng lại là tuần lễ nhức đầu toàn quốc -- National Headache Week-- như cuốn Chase Calendar đã ghi mà nhiều người cố tình bỏ qua?

Ngày 15 tháng 6 năm 2012
Bạn ta,
Bộ ngoại giao Hoa kỳ lại vừa đề cập tới Việt Nam trong tập báo cáo thường niên về nhân quyền thế giới, theo đó, Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm nhân quyền và hạn chế rất nhiều quyền tự do của của người dân Việt.
Vài ngày sau, Việt Nam liền cho thấy nước ta nhân đạo hơn nước Mỹ rất nhiều. Qua một quyết định của nhà cầm quyền liên quan đến những chuyện đang ầm lên ở Việt Nam, người ta thấy quả thật nhà nước Việt Nam có nhân đạo hơn nước Mỹ nhiều. Mà cũng không chỉ hơn nước Mỹ, mà nhà nước, chính phủ ta còn hơn luôn cả một đồng minh thân cận của Mỹ là nước Anh về mặt nhân đạo.
Còn nhớ năm 1963, vụ Christine Keeler, một cô gái gọi (call girl) hạng sang nổ ra, lập tức báo chí ở Luân Đôn liền nêu đích danh ông John Profumo, bộ trưởng bộ Chiến Tranh (Secretary of State for War) của chính phủ Harold MacMillan và kể rành rọt về những dính líu của ông với cái ổ điếm ấy. Vì tên tuổi bị nêu ra trên báo, John Frofumo phải từ chức, chính phủ MacMillan cũng đổ theo.
Ở Mỹ, mới đây, thống đốc New York Ellliot Spitzer cũng phải từ chức thống đốc sau khi tờ New York Times cho biết ông có dùng dịch vụ bán dâm của một cơ sở tên là Emperors Club VIP.
Trong một số vụ khác, những quyển sổ ghi tên tuổi của các khách hàng đã làm cho nhiều tai to mặt lớn thuộc các lãnh vực công cũng như tư đều phát sốt phát rét. Bao nhiêu người đã phải từ bỏ các chức vụ quan trọng chỉ vì tên tuổi của họ bị công bố. Một số thành phố Mỹ còn nêu tên và đăng hình của những khách mua dâm bị cảnh sát bắt, xe cộ của họ bị tịch thu. Thủ đô Washington là một trong số những thành phố làm công việc vừa kể.
Nhiều gia đình tan vỡ vì những vụ mua dâm đó khi tên tuổi của khách tìm hoa bị công bố.
Tại Việt Nam, những vụ bán dâm của một số hoa khôi, hoa hậu, diễn viên, người đẹp có tên tuổi mới đây bị báo chí khui ra cho thấy chuyện mua bán dịch vụ tình dục có liên quan đến nhiều phụ nữ nổi tiếng ở Sài Gòn cũng như ở Hà Nội. Báo chí nêu đích danh của những phụ nữ này. Các bài báo cũng cho biết nhiều tai to mặt lớn đã chi những khoản tiền rất lớn để trả cho các dịch vụ mua dâm này. Số người có khả năng bỏ ra hàng mấy ngàn đô la để vui chơi được mô tả là các đại gia, tức là những người lắm tiền nhiều bạc ở Việt Nam, và chắc chắn phải có luôn cả một số các nhân vật cao cấp trong chính quyền.
Người dân chờ đọc những bài báo kế tiếp để xem những tên tuổi ấy là ai. Nhưng các độc giả đã bị một phen thất vọng vì Lê Đức Hiền, phó cục trưởng Cục Phòng Chống Tệ Nạn Xã Hội của nhà cầm quyền, cho biết những tên tuổi của các khách mua hoa sẽ không được công bố . Việc không công bố các tên tuổi này là việc, nguyên văn lời của Lê Đức Hiền, "mang tính nhân đạo của chính phủ ta".
Thế là các khách mua hoa thở phào nhẹ nhõm. Tên tuổi của các chàng được giữ kín. Không có ai phải làm công việc tự trọng là từ chức như các ông John Profumo của Anh hay Elliot Spitzer của Mỹ cả. Các chàng vẫn tiếp tục ngồi ở các chức vụ đang giữ, tiếp tục lãnh đạo quốc gia, ăn lương của nhà nước và tham nhũng, tiếp tục khoe là theo đúng gương của bác Hồ đặt ra.
Mấy con mụ vợ gốc gác bần cố nông cũng không thể đùng đùng nhảy cỡn lên để chửi cha mấy thằng chồng hư đốn.
Và như thế, là chính phủ đã tỏ ra hết sức nhân đạo, không ác ôn, côn đồ Cộng phỉ như ở các nước Anh và Mỹ.
Nhà nước sẽ yêu cầu các chính phủ khác im mồm lại, không được nói đến chúng tôi, đổ cho chúng tôi tội vô nhân đạo được vì các ông lôi tên của các khách làng chơi ra khiến họ phải từ chức, không còn ngồi tiếp để ăn bẩn như các tai to mặt l…ớn (?) của chúng tôi.
Trong khi chúng tôi cứ dã man vô nhân đạo công bố hết tên của hoa hậu này, hoa khôi nọ, luôn cả các "má mì" và ma cô ma cạo cho hậu thế soi chung.
Chứ nêu tên của mấy thằng khốn nạn kia ra để rồi chết hay sao?
Phải nhân đạo mới được.
Tổ cha nhà chúng nó. Đúng là nói như Vẹm thật.