Ngày 18 tháng 6 năm 2012
Bạn ta,
Người Mỹ có thể có sáng kiến dành ngày chủ nhật thứ ba của tháng Sáu để làm ngày của những người cha, Father's Day, nhưng điều đó không có nghĩa là người Mỹ thương cha của họ hơn chúng ta thương yêu các ông bố của chúng ta.
Trái lại, có thể chúng ta thương yêu các ông bố nhiều hơn người Mỹ là đằng khác.
Người Mỹ, chỉ có trong ngày chủ nhật thứ ba của tháng sáu, năm nay là ngày 17, mới dành ra để nhớ về người cha, nghĩ về người đàn ông cho chúng ta một nửa mầm sống, để các hãng bán thiệp, ca vát, eau de cologne, sơ mi... gia tăng được số bán, và ngày Father's Day ở Mỹ cũng chỉ có từ gần một trăm năm nay, và được tổng thống Mỹ ký một tuyên cáo nhìn nhận chính thức từ năm 1966 và cử hành mỗi năm từ năm 1971.
Trong khi với chúng ta, ngày nào cũng là ngày của cha, và người cha được nhắc, một cách đầy lo sợ cũng như một cách đầy lăng mạ không biết bao nhiêu lần mỗi ngày.
Nhắc nhiều như vậy thì người cha phải ở thường xuyên trong đầu chúng ta, ở chóp lưỡi, đầu môi của chúng ta mỗi giây mỗi phút trong những lúc thức tỉnh của chúng ta. Mà như thế, thì chúng ta tưởng nhớ, nghĩ về người cha của chúng ta cũng như của người khác nhiều hơn, thường hơn là người Mỹ, và có thể còn cả các dân tộc khác nữa mà chúng ta không biết tới mà thôi.
Những câu hô thán bầy tỏ ngạc nhiên hay lo sợ, e những chuyện không may xẩy ra cho người cha, hay cho chính mình để không còn dịp chung sống với người cha là những câu chúng ta nghĩ, nói ra, thốt lên mỗi ngày không biết bao nhiêu lần.
"Bỏ cha," "bỏ bố," "chết cha," "thấy cha..." được dùng ở đầu những câu bầy tỏ những lo lắng, ngạc nhiên như ở trên.
"Bỏ cha, bỏ bố " là chết, không còn được ở với cha, với bố nữa. "Đánh bỏ bố nó đi" nghĩa là đánh cho nó chết, cho nó không còn được sống với bố nó nữa. Rõ ràng là một lời hăm dọa, cầu mong những bất hạnh lớn nhất xẩy ra cho phía bên kia.
"Chết cha" là mong cho thân sinh của phía bên kia chết, biến phía bên kia thành một đứa con côi cút khổ đau. Con có cha như nhà có nóc. Cầu mong cho cha đối phương chết là cầu mong cho nó bị toàn những bất hạnh giáng xuống. Trong trường hợp khác như khi nói "chết cha, stock lại xuống nữa rồi!" có nghĩa là lo sợ vì một việc không may, không tốt đẹp có thể xẩy ra.
"Thấy cha" là cha nó chết, làm cho nó khổ, cho nó bỏ mạng để nó xuống âm phủ gặp cha nó.
Khi nói "đau thấy cha," hay "đau thấy tía" thì có nghĩa là đau lắm, cha chết rồi, còn chạy xuống cõi âm gặp cha để than thở. "Sợ thấy cha" có nghĩa là sợ lắm.
"Thấy cha mày nghe mày" là một câu hăm dọa, với một nửa câu được dấu đi, đáng lẽ phải nói đầy đủ là "Tao đánh cho mày thấy cha mày nghe mày", nghĩa là đánh đau lắm, đến nỗi có thể bỏ mạng
Nhiều khi, không vì lo lắng, người cha cũng được nhắc đến như trong câu hát, "...
Chết cha, con ma nào đây, thằng Tây chết liền, thằn lằn cụt đuôi..."
Người cha cũng thường được nhắc đến trong những trường hợp khác như khi nói câu "bố bảo cũng không dám làm." Đây là một cách nói lên lòng tôn kính dành cho người cha, người chúng ta luôn luôn nghe lời, vâng lệnh. Việc phải khó lắm, nguy hiểm lắm người ta mới đành phải trái lời cha. Tuy trái lời, nhưng lòng tôn trọng vẫn còn. Trái lời là vì nguy hiểm hay đe dọa quá lớn mà thôi.
Người Mỹ cũng không bao giờ có một trò chơi hào hứng bằng chúng ta. Bao nhiêu người trong chúng ta thoát khỏi nỗi khổ đau khi bị những tên bạn quái ác biết được tên bố và giờ ra chơi cứ lôi tên người đàn ông chúng ta yêu quí đó ra... nói nhẹ thôi khi đi qua mặt chúng ta? Chỉ ở Việt Nam mới có trò chơi độc ác làm cho bao nhiêu đứa trẻ đau khổ suốt mấy năm trời ở những năm tiểu học.
Người Mỹ cũng không kiêng tên cha như chúng ta.
Nhưng thế nào chẳng có người trong ngày Father's Day sẽ kiêng thứ nước uống còn có cái tên văn vẻ, chữ nghĩa là quốc đả phụ: nước đánh cha, tức là nước đá chanh.
Kiêng tới độ không uống nước đá chanh thì chỉ có người Việt Nam mới có thể thương bố như vậy.
Ngày Father’s Day, tôi nhớ người đàn ông ngày tôi còn bé hay cạ râu vào má tôi, tập cho tôi đi xe đạp, chở tôi đi bằng xe đạp lên Bờ Hồ ăn kem, cho tôi đi học đàn và học vẽ, người đã dậy cho tôi yêu sách vở, chữ nghĩa, thơ văn, viết lách... người nhiều lần tôi cũng đã làm buồn lòng không ít, người tôi bế lần cuối hơn một chục năm trước ra xe cứu thương để vào bệnh viện, và cũng là người sáu chị em chúng tôi đặt tay vào cái contact điện để hỏa thiêu nhục thể.
Vào những ngày như thế, tôi nhớ ông bố tôi vô cùng.
Ngày 19 tháng 6 năm 2012
Bạn ta,
Tôi biết bọn chó đẻ ở Hà Nội đang nhẩy cẫng lên, khen nhau rối rít khi đọc bản tin nói rằng Việt Nam được xếp hạng nhì trên thế giới, nơi người dân có được đời sống hạnh phúc, sau có Costa Rica và trước Colombia, hai quốc gia ở Trung Mỹ trong bảng xếp hạng hơn 150 nước trên thế giới.
Bảng xếp hạng này do một tổ chức tên là quĩ Kinh Tế Mới (New Economics Foundation) một tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu các lãnh vực kinh tế, xã hội và môi trường trụ sở đặt tại Anh quốc thực hiện. Có tất cả 151 quốc gia liệt kê trong bảng xếp hạng được công bố hôm 14 tháng 6 vừa qua.
Bảng xếp hạng dựa trên mức độ hài lòng với cuộc sống, tuổi thọ trung bình và dấu chân sinh thái.
Một giới chức thuộc quĩ Kinh Tế Mới nói rằng một số nước có đời sống kinh tế cao nhưng lại gây ra nhiều tai hại về môi sinh nên bị đánh giá thấp, trong khi các nước Phi châu thì bị xếp hạng thấp hơn nữa vì tuổi thọ trung bình của người dân và đời sống kinh tế quá thấp ở đó.
Việt Nam được xếp hạng cao hơn nước Anh (thứ 41), Nhật (thứ 45), cao hơn cả Đức, Ý, Canada, Mỹ (thứ 105) và Nga (thứ 122). Việt Nam còn được xếp hạng cao hơn cả Malaysia, Singapore, Đại Hàn…
Như vậy, theo bảng xếp hạng, đời sống của người Việt hạnh phúc hơn, sung sướng hơn người dân của 149 nước khác, và chỉ thua có Costa Rica.
Nói theo kiểu ngôn ngữ trong nước thì … hết biết.
Nếu cho rằng người dân Việt Nam hài lòng với cuộc sống thì không biết tại sao ở Việt Nam, ai cũng muốn ra khỏi cái đất nước khốn khổ ấy để đi ở chui tại Nga, Đông Âu, hay tìm mọi cách trốn ra các nước ngoài, đút lót tiền bạc để được đưa đi làm tôi mọi cho các nước bị xếp hạng ở dưới như Malaysia, Singapore, Đài Loan, Nhật…? Sống hạnh phúc, hài lòng với cuộc đời sao vẫn phải xếp hàng, thoát y cho những con thú đực đến xem đồ đạc để chúng mua về làm nô lệ tình dục cho những thứ đui, què, mẻ sứt ở Hoa Lục, Đài Loan, Nam Hàn?
Hài lòng ở đâu, chỉ thấy dân chúng xuống đường kiện đòi bồi thường cho đất đai bị cướp, phản đối công an cảnh sát đòi hối lộ, tác yêu tác quái, hành hung người dân đến thiệt mạng trong bao nhiêu vụ chết người trong tay bạo hành của công an cảnh sát? Hài lòng ở đâu khi mặc cái áo in mấy chữ nói lên chủ quyền của đất nước cũng đủ để bị bắt giam, bị đạp giầy lên mặt, bị đưa đi phục hồi nhân phẩm, bị bịt miệng cấm nói như một linh mục khi bị đưa ra tòa, với hình ảnh chụp còn rành rành ra đó? Hài lòng ở đâu khi bọn cầm quyền trộm cướp thì nhà cửa rềnh rang, cấp nhỏ cũng xây nhà bạc tỉ, một cán bộ cấp trung bị trộm cũng mất hàng trăm ngàn tiền Mỹ dấu trong nhà trong khi người dân càng ngày càng cùng khốn?
Tuổi thọ của người dân cách nào cao hơn được tuổi thọ của người Nhật, của dân mấy nước Bắc Âu, Canada?
Dấu chân sinh thái của Việt Nam mà sạch sẽ hơn ở các nước Úc, Tân Tây Lan, và luôn cả Singapore thuộc Á châu sao?
Cậu Saman Abdallah giải thích vòng vo về bảng xếp hạng đó. Càng nghe cậu càng không hiểu lối đánh giá của tổ chức New Economics Foundation.
Sao không hỏi chính phủ Đan Mạch nghĩ sao về Việt Nam khi quyết định ngưng một chương trình viện trợ cho Việt Nam hồi tháng trước? Sao không đọc phúc trình về nhân quyền ở Việt Nam của bộ Ngoại Giao Mỹ vừa phổ biến để biết người Việt Nam hài lòng đến mức độ nào về đời sống?
Chứ ngồi ở Luân Đôn viết cái phúc trình tào lao xịt bộp đó làm mẹ gì? Chỉ để bọn chó đẻ có thêm cái cớ nhâng nháo nhận là chúng nó xứng đáng ngồi tiếp trên đầu trên cổ của những người Việt Nam khốn khổ ở trong nước.
Cách hay nhất cho cậu hiểu mức độ hạnh phúc của người dân Việt là bắt cậu về Việt Nam sống vài tháng, rồi cho nghe đài nhà nước ông ổng khoe là theo chính tổ chức của cậu, người Việt Nam hạnh phúc xếp hàng thứ nhì trên thế giới.
Cho đáng kiếp nhà cậu. Bố cậu!
Ngày 20 tháng 6 năm 2012
Bạn ta,
Trong một số Playboy, tôi đọc được một câu có thể dùng để phá tan tất cả các bức tường băng bất kể bề dầy ở mức độ nào, hữu hiệu còn hơn cả những chiến lược mà Tây phương đã dùng để kéo sập bức tường Berlin, chấm dứt giai đoạn chiến tranh lạnh hơn mười năm trước.
Nhân vật chính trong truyện ngắn, tôi nhớ hình như là của John Updike, có một cách làm quen, bắt chuyện lần nào cũng thành công, mà lần nào chàng cũng chỉ dùng có câu: You smell so good... what is it?
Giản dị hết sức. Nửa đầu khen một cái đã. Nửa sau bắt đương sự phải trả lời, để sau đó, đẩy đưa câu chuyện. Mà thường thì đương sự trả lời ngay. Lý do là vì vừa được khen, đang còn sung sướng chết ngất, bị hỏi thêm một câu về cái nguyên do làm phát sinh ra lời khen đó thì phải trả lời chứ: Cô/ bà thơm lắm... mùi gì vậy?
Câu trả lời là cái tên của loại nước hoa. Aria, hay Contradiction, hay Allure... Rồi sau đó, là những chuyện khác nữa cứ từ tốn kéo ra. Lần nào nhân vật trong truyện ngắn đó của Updike cũng thành công rực rỡ. Các ông Khruschev, Brezhnev... có sống dậy cũng không thể làm hồi sinh được chiến tranh lạnh nữa.
Nhưng bây giờ, có thể lối khai mở đó sẽ không còn thành công nữa.
Khen thơm phức thì được. Nhưng hỏi mùi gì thì chưa chắc đã được trả lời. Nếu đó là thứ nước hoa không bán ở ngoài tiệm, nếu đó là thứ nước hoa được pha chế riêng cho người đang xức nó. Người bị hỏi có thể sẽ quay lại quăng ra mấy câu hỏi liên tiếp: Tại sao muốn biết? Biết làm gì? Muốn mua hả? Mua cho ai? Không nói được.
Cuộc đối thoại chấm dứt. Nhân vật của John Updike sẽ cứng họng, chịu thua không sao cứu vãn được tình hình.
Và nếu người có mùi nước hoa kỳ lạ đó muốn nói về cái mùi được đặc biệt pha chế riêng cho nàng, nàng sẽ phải viết xuống giấy, ký tên cho phép như một tác giả bảo vệ tác quyền của mình, thì người kia mới mua được. Những chi tiết quái đản này tôi vừa được biết khi đọc được trong Internet một bài viết về những loại nước hoa được pha chế riêng đang được nhiều khách hàng chiếu cố.
Trò này cũng lại xuất phát từ miền tây nước Mỹ.
Xức một mùi nước hoa mà được nhận ra cũng có thể sung sướng lắm chứ. Như trong phim Scent Of A Woman, đoạn Al Pacino trong vai đại tá khiếm thị Frank Slade ngửi và nhận ra, nói đúng tên của mùi nước hoa người phụ nữ trẻ lần đầu tiên ông gặp trong quán ăn. Nhưng trong một sở làm, ba bốn chị một hôm cùng rú lên vì thấy mấy chị kia cũng dùng một thứ nước hoa mua ở Nordstrom như mình thì không có gì vui hết. Và đó là lý do phải đi kiếm một mùi đặc biệt không ai có cho khỏi tức cái...mình.
Các phụ nữ có vẻ rất đồng ý với chuyện này, và công việc làm ăn của Sarah Horowitz, pha chế những mùi nước hoa theo yêu cầu của khách hàng, có chiều hướng đi lên. Nhưng với những cái giá khá cao, khoảng gần $300 cho mỗi 1/4 ounce perfume oil, người ta chưa thấy được cái ngày ai cũng một mùi riêng như tiên đoán của Internet.
Những người đàn ông có hai ba nơi để tặng nước hoa sẽ gặp vất vả. Mỗi nơi một mùi riêng có thể gây đủ mọi thứ phiền nhiễu cho các chàng. Không thể gửi hai ba nơi đó cùng một mùi, mùi Dona Karan trong cái chai rất kiểu cọ chẳng hạn. Hai ba cái nơi ấy sẽ đòi mỗi nơi một mùi thì phiền lắm. Làm sao hết cái mùi vừa chia tay ý thức hệ ở ga xe điện ngầm khi đến gặp cái mùi thứ nhì? Mà phụ nữ mũi tốt hơn đàn ông rất nhiều, đã tốt lại còn được chống đỡ bằng những miếng plastic (?) thì phân biệt mùi chắc phải giỏi hơn. Lập tức chàng sẽ bị quay như ông Clinton bị hạch về Monica. Không thể cứ vung ngón tay, chối bay chối biến như ông Clinton được.
Vậy thì phải làm gì để thoát hiểm?
Vạn ứng Nhị Thiên dầu. Chai dầu Nhị Thiên Đường chứ còn gì nữa. Vừa đánh át được cái mùi kia, vừa gây được thương cảm cho một người vừa trúng phải cơn gió độc, như bài học tôi học được của một trong những cha đẻ của nền ngoại giao Việt Nam, đại sứ P.Đ.L. lúc sinh thời mà tôi rất yêu quí.
Nhưng chai dầu này có thể sẽ bị dẹp, như tổng thống Nga Vladimir Putin đang tìm cách để ngăn không cho Hoa kỳ thiết lập một hệ thống phòng thủ chống phi đạn vậy. Lúc ấy, quần áo sực nức mùi phở lại là an toàn nhất...
Ngày 21 tháng 6 năm 2012
Bạn ta,
Middleborough, một thị trấn nhỏ ở tiểu bang Massachusetts, sẽ là nơi tôi không đến thăm trong chuyến đi về miền Đông mùa hè năm nay.
Tôi đã quyết định như thế. Middleborough bị gạch hẳn danh sách những nơi tôi định đi tới trong tháng 8 tới đây.
Thoạt đầu, tôi định tới Middleborough để thăm người bạn lâu ngày không gặp.
Nhưng nay, tôi sợ đến thăm nó rồi tôi sẽ không còn tiền để trở về miền Tây nữa. Cảnh sát có thể không nhận cái thẻ debit ATM của tôi, mà tôi tin là tôi sẽ bị phạt nhiều nếu tới Middleborough.
Thị trấn này mới đây với 183 phiếu thuận và 50 phiếu chống đã thông qua một dự luật đề nghị phạt những người chửi thề 20 dollars mỗi lần bật ra một tiếng, một câu chửi thề tục tĩu ở những nơi công cộng.
Thị trấn này mấy năm nay bị nhiều người phàn nàn là ở các khu buôn bán, việc chửi thề công khai và lớn tiếng đã khiến cho những người qua lại lui tới những nơi ấy rất khó chịu. Một số người khó chịu đến độ quyết định không đến đó nữa. Thiệt hại kinh tế có thể không lớn lắm nhưng hình ảnh của thị trấn đã bị tổn thương không ít.
Việc chửi thề và văng tục ở những nơi không coi là công cộng thì vẫn được. Nhưng văng ra ở những chỗ riêng tư, vắng người ấy thì còn gì là thú vị nữa.
Tuy nhiên, việc biên phạt và áp dụng bộ luật này sẽ khó chứ không phải là dễ. Có những chữ không còn bị coi là tiếng chửi thề nữa thì làm thế nào phân biệt lúc tục lúc không. Ngày nay, chúng có thể được dùng để làm cho nghĩa của câu nói mạnh hơn thí dụ chữ "fucking" mà phó tổng thống Joe Biden đã dùng mấy lần trước báo chí như khi ông nói "a fucking deal" hay "a fucking break", hay "a fucking choice", và có cả một lần khi ông ghé sát vào tai của tổng thống Obama trong một cuộc họp báo.
Cũng có những chữ trước đây bị coi là tục tĩu nhưng nay thì không, như chữ "damn" trong câu Clark Gable (vai Rhett Butler) của phim Gone With The Wind dùng khi chia tay với Scarlet O’Hara: "Frankly my dear, I don’t give a damn."
Tôi cũng thỉnh thoảng văng ra vài ba chữ cho đỡ bực bội. Nay bị cấm thì… bực lắm.
Mà có rất nhiều lần, không văng ra thì không chịu được.
Thí dụ bị người bạn rủ đi ăn cơm … lạ ở Middleborough chẳng hạn. Làm sao không văng ra mấy câu tục tĩu cho được? Nhẹ ra thì cũng đòi mây mưa với má của quí ông Ôn Gia Bảo, Hồ Cẩm Đào, Giang Trạch Dân, Đặng Tiểu Bình, Chu Ân Lai … chứ. Hay bước chân vào cái chợ, thấy những sản phẩm độc hại chế tạo tại cái nước khốn nạn đang gây sự với người Việt Nam, ngang ngược và hỗn hào trong mọi hành động đối với người Việt ở biên giới, ở các đảo của chúng ta, tại các vùng có tài nguyên của chúng ta đang bị đào khoét ăn cướp đi, tại những vùng tô giới nhường đứt cho bọn … lạ. Không thể tử tế, trong sáng như ở những lúc khác được.
Hay khi nghĩ về các lãnh tụ Lê Khả Phiêu, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Nông Đức Mạnh, Hồ Chí Minh, Phạm văn Đồng …cùng với đồng bọn của chúng nó thì cách gì có thể không muốn làm chuyện dâm dục với má của những thứ chó đẻ đó? Hay khi đọc thấy tin bọn nhãi ranh, con gái thằng này, con trai thằng nọ nhâng nháo được đưa vào những chức vụ chỉ để giúp đưa cả nước xuống đất đen, lao xuống cái mả mẹ nhà chúng nó, hay chuyện chúng nó biến nguyên mấy thế hệ người dân thành những thứ dùng bằng giả, thi gian, học lận, tạo đủ mọi tiếng xấu xa khi ra nước ngoài, làm cho đất nước bị khinh miệt như một nhà tu thấy xấu hổ khi cầm cái thông hành Việt Nam trong những lần đi ngoại quốc…
Tôi nhớ câu đầu một bài thơ của Trạch Gầm:
Đù má cho tao chưởi mày một tiếng
Đất nước của ông cha sao mày cắt cho Tầu…
Đất nước của ông cha sao mày cắt cho Tầu…
Chỉ mới nghĩ đến bằng ấy chuyện đã thấy không chửi thề không được rồi. Làm sao đến Middleborough đây?
Ngày 22 tháng 6 năm 2012
Bạn ta,
Tuần tới, có ngày thứ ba cuối cùng của tháng 6, theo cuốn Chase's 2000 Calendar of Events, cuốn sách ghi những ngày quan trọng trong năm, được dành ra để nghĩ và nhớ đến những người, mà theo cuốn lịch vừa kể trên, đã đem lại niềm vui cho người đọc suốt năm -- who bring you joy all year long.
Những người ấy, vẫn theo cuốn Chase Calendar, xứng đáng để được độc giả "celebrate" -- tôi xin không dịch chữ này vì dịch ra thì đụng chạm nhiều lắm-- ít nhất một lần trong năm (... deserve to be celebrated by their readers at least once a year.)
Đó là những người mà cầm tờ báo lên, tôi mở ngay đến trang của họ để đọc trước. Những người ấy có thể là William Safire của tờ New York Times, hay Ellen Goodman của tờ Boston Globe, hay George F. Will của tờ Newsweek...hay Andrew A. Rooney trong chương trình 60 Minutes của hệ thống truyền hình CBS trước đây.
Họ quả là có mang lại niềm vui cho độc giả thật. Hôm nào không có William Safire thì có Ellen Goodman, thiếu Ellen Goodman thì có George F. Will...
Người ta đọc William Safire vì kiến thức của ông, vì chữ nghĩa của ông, đọc George Will vì quan điểm rất bảo thủ của ông, đọc Ellen Goodman vì cái nhìn rất phụ nữ của bà, đọc Mike Royko (đã qua đời năm 1977) của tờ Chicago Tribune vì óc hài hước của ông.
Những người này, tiếng Anh gọi là columnist, tiếng Việt không biết phải gọi là gì. Columnist là một người viết được trao cho giữ riêng một cột báo, viết thường xuyên cho khu đất đó của mình.
Những columnists cao thủ ở Việt Nam trước đây là Hiếu Chân, Mai Nguyệt trong báo Tự Do, là Ký Giả Lô Răng, ký giả Ba Tê của tờ Tiến Tuyến... những người làm mới ngôn ngữ, đưa ra những cái nhìn hài hước, cay độc mà cũng lại rất thông minh, rất trí tuệ cho người đọc suốt bao nhiêu năm. Người ta đọc báo thường chỉ vì bài viết của các ông.
Gọi họ là... cột nhân? Không ổn lắm. Nửa Nôm nửa Hán. Thuyền nhân thì được, chứ cột nhân nghe... vừa chán vừa kỳ quá.
Dùng chữ của các ông bạn đồng văn, ký mục gia, nghe cũng kỳ cục không kém. Người trông lịch sự như mấy ông vừa nhắc tên ở trên mà bị gọi bằng cái tên nghe chán như thế sao?
Gọi các chàng (xin lỗi hai cụ Hiếu Chân và Mai Nguyệt đã qua đời) là gì thì các chàng cũng không bao giờ là những người sung sướng.
Buổi sáng, những người đàn ông bình thường và khỏe mạnh chỉ thắc mắc hôm nay... ăn sáng ở đâu, ăn gì vân vân. Nhưng các columnists thì câu hỏi đầu tiên là hôm nay viết cái gì...
Và các chàng chỉ trở lại tình trạng bình thường của đầu óc khi tìm ra được đề tài để viết.
Nhưng tìm đâu? Andy Rooney nói rằng ý tưởng để viết thì ở khắp nơi. Điều làm cho người columnist khác những người khác là ông ta luôn luôn đi tìm, đi kiếm. Khi ý kiến bay ngang qua mặt, ông ta vồ lấy nó ngay và ngồi xuống viết. Không có gì ông ta không viết được. Chỉ cần sắp xếp các ý tưởng đó theo một thứ tự nào đó, là có một bài cho cột báo.
Nghe Andy Rooney nói như thế, thì làm một columnist cũng chẳng khó gì. Nhưng Ellen Goodman, một cây bút phụ nữ thì nói rằng việc làm của người columnist cũng giống như làm... tình với một nymphomaniac (người mắc chứng mộ nam cuồng, chứng điên loạn vì quá mê thích đàn ông), đó là xong một bài(?), là lại phải lo viết ngay một bài khác, rồi một bài khác nữa, rồi lại một bài khác nữa nữa, không bao giờ xong.
Nếu đúng columnists là những người "hạnh phúc" như thế, thì ai bảo làm columnist là khổ? Mà đó là các columnists viết mỗi tuần một bài.
Còn những người ngày nào cũng viết một bài, không bao giờ sai hẹn thì có nên được cho một ngày nghỉ không?
Đến như con cá chuối cũng còn có được một ngày tuyệt hảo (A Perfect Day for Bananafish / truyện ngắn của J.D. Salinger) nữa là!
ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
(Bài số 144)
SO / SUCH / TOO
Bản ghi chép lại do Trúc Giang thực hiện. Bài học số 144 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 7 năm 2012.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
BBT
Hôm nay chúng ta sẽ nói về SO và SUCH cùng với TOO và cách dùng của mấy tiếng này.
SO và SUCH cùng với TOO có thể hiểu là VERY, là quá, quá sức, rất nhiều. Tất cả đều được dùng để làm cho ý nghĩa của những tiếng đi sau chúng trở thành mạnh hơn . Chúng ta bắt đầu với SO.
Trong Anh ngữ, SO đi với tĩnh từ (ADJECTIVES) hay trạng từ (ADVERBS) để làm cho nghĩa của những tĩnh từ và trạng từ này mạnh hơn. Thí dụ IT IS SO HOT IN ARIZONA DURING THE SUMMER. HE ALWAYS DRIVES SO FAST. Chữ SO làm cho mức độ nóng ở Arizona thêm nóng hơn và việc lái xe nhanh của ông ta trở thành nhanh hơn. Trúc Giang cho biết HOT là loại tiếng gì và FAST là loại tiếng gì. WHAT PARTS OF SPEECH ARE THEY? Sau đó Trúc Giang cho nghe mấy thí dụ của cô coi.
TRÚC GIANG
HOT là ADJECTIVE và FAST là ADVERB. Sau động từ TO BE chúng ta dùng ADJECTIVES và sau các động từ khác chúng ta dùng ADVERBS phải không thưa chú?
BBT
Thì nói chung là như thế cái đã. Cũng có vài ba động từ khác chúng ta dùng với ADJECTIVES. Hai cô sẽ thấy bao giờ cũng có những trường hợp đặc biệt. Thí dụ TO FEEL chẳng hạn. I FEEL HAPPY thì HAPPY là ADJECTIVE. Sau động từ TO FEEL, như hai cô thấy đó, chúng ta dùng tĩnh từ HAPPY mà KHÔNG dùng trạng từ HAPPILY. Còn thí dụ của Trúc Giang đâu?
TRÚC GIANG
THE EMPIRE STATE BUILDING IN NEW YORK CITY IS SO TALL.
HE WORKED SO HARD FOR THE FINAL EXAM.
BBT
Đúng rồi. TALL là ADJECTIVE và HARD là ADVERB. Còn QA?
QA
HIS CHILDHOOD WAS SO WONDERFUL.
TIME GOES BY SO QUICKLY.
WONDERFUL là ADJECTIVE và QUICKLY là ADVERB.
BBT
Cám ơn hai cô. Bây giờ nói qua SUCH. Sau SUCH chúng ta dùng một danh từ (NOUN). Có thể thêm một tĩnh từ đi trước cũng được. Thí dụ HE IS SUCH A GOOD SINGER. Cũng có thể nói HE IS SUCH A SINGER. Tuy không có tĩnh từ GOOD đi cùng nhưng chúng ta cũng hiểu ngay ông ấy là một người hát hay. QA cho nghe hai câu với SUCH coi.
QA
THEY LIVE IN SUCH A BIG HOUSE.
HE WAS SUCH A LOUSY LEADER.
TRÚC GIANG
WE WAITED FOR SUCH A LONG TIME.
THEY SAVED SUCH A LOT OF MONEY.
BBT
Bây giờ chúng ta chuyển sang một cách đặt câu khác mà hai cô chắc cũng đã gặp trong lúc nói chuyện. Đó là cách đặt câu QUÁ… ĐẾN NỖI. Cách đặt câu này có HAI phần. Một nửa đưa ra NGUYÊN DO dùng với SO hay SUCH nghĩa là QUÁ, nửa kia nói về HẬU QUẢ được đưa vào bằng mệnh đề THAT với ý nghĩa ĐẾN NỖI.
Thí dụ IT IS SO HOT là nửa diễn tả NGUYÊN DO, tiếng Anh gọi là CAUSE.
Nửa sau bắt đầu bằng THAT để nói về hậu quả của nguyên do đó. Hậu quả tiếng Anh là EFFECT. Trời nóng quá đến nỗi gì đây? IT IS SO HOT THAT I MUST TURN ON THE A/C (AIR CONDITIONER). Trong câu này, IT IS SO HOT là nguyên do, là CAUSE. THAT I MUST TURN ON THE A/C là hậu quả, là EFFECT.
QA và Trúc Giang cho nghe 2 thí dụ với SO…THAT coi.
QA
THE FILM WAS SO GOOD THAT I SAW IT 2 TIMES.
THE MUSIC IS SO LOUD THAT I CANNOT HEAR HIM.
TRÚC GIANG
MY NEPHEW WAS SO HEAVY THAT I COULD NOT LIFT HIM UP.
HIS ENGLISH IS SO FLUENT THAT PEOPLE THINK HE WAS BORN HERE.
BBT
Bây giờ hai cô sẽ cho nghe những thí dụ với SUCH…THAT để cũng diễn tả ý nghĩa QUÁ … ĐẾN NỖI. Nhớ là sau SUCH chúng ta dùng gì nào, Trúc Giang?
TRÚC GIANG
Sau SUCH chúng ta dùng danh từ, có thể có một tĩnh từ đi trước cũng được. Đây là hai câu của cháu: NEW YORK IS SUCH A LARGE CITY THAT PEOPLE CANNOT SEE IT IN ONE DAY.
THIS IS SUCH AN INTERESTING BOOK THAT I FINISHED IT IN ONE SITTING.
QA
QA có hai câu này: MY DAUGHTER IS SUCH A CAREFUL WORKER THAT SHE ALWAYS CHECKS EVERYTHING TWICE.
SAN FRANCISCO IS SUCH AN EXPENSIVE CITY THAT WE HAD TO MOVE TO HOUSTON.
BBT
Với SO và SUCH, mệnh đề theo sau có thể là AFFIRMATIVE (xác định) như trong câu I WAS SO MAD THAT I THREW EVERYTHING AWAY. Mệnh đề sau cũng có thể là NEGATIVE, tức là thể phủ định như I WAS SO MAD THAT I DID NOT TALK TO HIM AGAIN. Với SUCH cũng vậy: IT WAS SUCH A COLD WINTER THAT WE HAD TO SPEND A LOT FOR HEATING. Hay NEGATIVE như câu này: IT WAS SUCH A COLD WINTER THAT THEY DID NOT GO ANYWHERE FOR THE HOLIDAY. Khi dùng những câu này, chúng ta nhớ là phải lên giọng, phải nhấn mạnh vào SO hay SUCH. Không cần phải nhấn vào THAT. Nói như thế thì mới diễn được hết ý nghĩa của câu và điều chúng ta định nói.
TOO cũng có nghĩa là quá, tương đương với VERY và SO. Nhưng mệnh đề đi sau bao giờ cũng là NEGATIVE. Thí dụ IT WAS TOO COLD THAT I COULD NOT GO SWIMMING. Như vậy, TOO…THAT nghĩa là QUÁ … ĐẾN NỖI KHÔNG… QA cho nghe hai thí dụ với TOO…THAT coi.
QA
THE HOUSE IS TOO EXPENSIVE THAT THEY CANNOT BUY IT.
THE FOOD IS TOO SALTY THAT WE CANNOT EAT IT.
TRÚC GIANG
HE IS TOO NASTY THAT PEOPLE DON’T WANT TO TALK TO HIM.
GERMAN IS TOO DIFFICULT THAT PEOPLE CANNOT MASTER IT IN ONE OR TWO YEARS.
BBT
Chúng ta có thể làm cho câu ngắn lại bằng cách đặt câu TOO…TO+VERB. Thí dụ THE TEA IS TOO HOT THAT I CANNOT DRINK IT QUICKLY. Chúng ta rút ngắn lại để thành: THE TEA IS TOO HOT TO DRINK IT QUICKLY.
QA và Trúc Giang đổi các thí dụ của hai cô thành cách đặt câu mới với TOO…TO+VERB coi.
QA
THE HOUSE IS TOO EXPENSIVE TO BUY.
THE FOOD IS TOO SALTY TO EAT.
TRÚC GIANG
HE IS TOO NASTY TO TALK TO.
GERMAN IS TOO DIFFICULT TO MASTER IN ONE OR TWO YEARS.
BBT
Chắc hai cô cũng nghe mấy câu này rồi: TOO GOOD TO BE TRUE và TOO GOOD TO BELIEVE. QA sẽ dùng những câu đó trong trường hợp nào?
QA
QA sẽ dùng câu TOO GOOD TO BE TRUE nếu có ai nói là có thể mua một cái I-pad mới với giá 50 dollars chẳng hạn. Đó là chuyện quá tốt đẹp, quá hay để có thể là sự thực. Còn Trúc Giang?
TRÚC GIANG
Hay có ai nói là xăng ở gần sở của cháu được bán với giá 99 cents 1 gallon. Như thế thì quá tốt, quá rẻ, không thể tin được là chuyện đó có thể là sự thực. TOO GOOD TO BELIEVE, nghe không tin được.
QA
Thưa anh, QA có thắc mắc này phải hỏi anh ở đây. Bữa nọ QA đứng trong garage bỗng nghe thấy mấy đứa con nói chuyện với nhau. Không biết chúng đang nói gì, QA chỉ nghe cậu con trai nói đi nói lại với em nó rằng "I CAN’T HELP IT! I CAN’T HELP IT!" QA liền nói với con rằng em nó cần gì thì con nên giúp nó chứ tại sao lại nhất định không chịu giúp em… Con gái QA nói rằng HELP đây không phải là giúp mà là nghĩa khác. Nó nói nó không thể cắt nghĩa cho QA hiểu được.
QA nghĩ HELP là giúp đỡ nhưng tại sao con gái QA lại nói vậy? Bộ HELP còn có một nghĩa khác hay sao thưa anh?
BBT
Đây là một cách dùng khác của động từ TO HELP. Nói đầy đủ thì phải là CAN’T (CANNOT) HELP SOMETHING. Thành ngữ này nghĩa là không thể ngăn chặn hay tránh không để cho một chuyện gì, một việc gì đó xẩy ra. Thí dụ có nhiều người rất thích chơi video games chẳng hạn. Nhiều người biết như vậy mất thì giờ, bài vở, công việc bị ảnh hưởng tai hại nhưng họ không sao bỏ video games được. Có trường hợp cháu giết bà để lấy tiền chơi games như báo ở Việt Nam mới đây có đăng. THEY CAN’T STOP PLAYING VIDEO GAMES. THEY CAN’T HELP IT. QA hiểu chưa nào?
QA
Thưa vậy thì QA hiểu rồi. Cũng như nhiều người biết thuốc lá có hại nhưng vẫn hút. THEY CAN’T HELP IT.
TRÚC GIANG
Cũng như có những người vừa lái xe vừa TEXT bất kể luật cấm và bị cảnh sát phạt rất nặng. Như thế cũng là THEY CAN’T HELP IT phải không thưa chú?
BBT
Đúng vậy. Bây giờ qua một cách đặt câu khác. Đó là CAN’T (CANNOT) HELP BUT DO SOMETHING nghĩa cũng là cố KHÔNG làm một việc gì đó mà không được. Thí dụ tôi không ưa ông ấy nhưng bữa đi ăn cưới, tôi bị cho ngồi chung bàn với ông ấy. Vậy thì theo hai cô, tôi có chào ông ấy không?
QA
YOU CAN’T HELP IT! YOU CAN’T HELP BUT SAY HELLO TO HIM.
TRÚC GIANG
Con gái cháu đòi thức khuya coi TV. Cháu thấy nó cũng tội nhưng vẫn phải bắt nó tắt TV đi ngủ. I CAN’T HELP BUT SEND HER TO BED.
BBT
Nhớ là với CAN’T HELP BUT thì chúng ta dùng INFINITIVE WITHOUT TO, động từ nguyên mẫu KHÔNG CÓ TO như hai thí dụ của hai cô ở trên. Nhưng lại còn một cách nói khác nữa, đó là bỏ chữ BUT đi, để thành CAN’T HELP và sau đó, chúng ta dùng VERB+ING. QA đổi câu thí dụ của cô, bỏ BUT đi sẽ như thế nào?
QA
YOU CAN’T HELP SAYING HELLO TO HIM.
TRÚC GIANG
Câu của cháu sẽ thành: I CAN’T HELP SENDING HER TO BED.
BBT
Bài hôm nay đã khá dài rồi. Chúng ta phải ngừng ở đây…
TRÚC GIANG
Mặc dù cháu muốn học nữa. Nhưng WE CAN’T HELP IT.
QA
Đúng rồi. WE CAN’T HELP BUT END THE LESSON RIGHT HERE.
BBT
Cám ơn hai cô. WE CAN’T HELP ENDING THE LESSON HERE.
QA
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây thì xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.