CÁO PHÓ
Tôi không nhớ đã đọc cái cáo phó đầu tiên hồi nào nhưng chắc không phải ở Hà Nội.
Hồi ấy (trước năm 1954) ở Hà Nội chỉ có hai tờ nhật báo là tờ Tia Sáng và tờ
Giang Sơn mà tôi (mới biết "đọc báo" ) cầm chúng lên, ở tuổi lên 8 hay lên 9,
tôi chỉ thích xem những bức hí họa của hai họa sĩ Mạnh Quỳnh và Dzuy Nhất cùng
với những truyện bằng tranh mà phòng thông tin Hoa Kỳ cung cấp cho các báo này,
trong đó có một truyện tuyên truyền chống Cộng rất hấp dẫn của George Orwell,
Trại Thú Vật (Animal Farm). Thỉnh thoảng tôi cũng tò mò đọc những bản tin về
chiến sự và nhờ đó, biết lơ mơ về những trận đánh ở Na Sản, Cánh Đồng Chum, Điện
Biên Phủ, rồi hội chợ ở Bờ Hồ, đức Quốc Trưởng Bảo Đại đi đâu, làm gì... Nhưng
những mẩu cáo phó thì không và cũng vì hình như chúng rất ít thì phải. Ngay hồi
chú tôi tử trận ở Đại Đồng, Bùi Chu năm 1954 gia đình tôi cũng không đăng cáo
phó trên hai tờ Tia Sáng và Giang Sơn ở Hà Nội. Có lẽ phải tới khi vào Sài Gòn
khoảng cuối những năm 50 tôi mới đọc những thứ tin này.
Tôi không biết những tờ báo tiên phong của nền báo chí Việt Nam có đăng những
cáo phó không, nhưng khi tôi biết đọc "nhựt trình" thì chúng đã có rồi, khoảng
những năm cuối của thập niên 50 ở Sài Gòn. Rất tiếc cụ Vương Hồng Sển không còn
nữa để hỏi cụ.
Phải tới khoảng giữa những năm 50 tôi mới tìm đọc chúng. Cáo phó là thông báo về
sự qua đời của một người mà gia đình của người đó muốn gửi tới bạn bè và quyến
thuộc. Nhưng chúng được viết theo một lối văn đặc biệt không biết ai là người
đầu tiên viết xuống để sau đó được những người khác viết theo. Có thể trong lúc
tang gia bối rối, gia đình không có thì giờ cho câu cú văn chương để viết mẩu
tin thông báo chuyện buồn của gia đình. Thế là cứ theo những cáo phó đã đọc thấy
trước và viết lại. Chính vì thế mà tôi tìm đọc chúng trên những tờ báo hồi ấy.
Và cũng đó mà lần đầu tiên tôi biết những từ ngữ như vãng sinh miền cực lạc, qui
tiên, phiêu diêu nơi tiên cảnh, hưởng nhan Thánh Chúa...
Bẵng đi mấy năm không ở trong nước, không đọc báo Việt ngữ, đến khi đọc lại báo
chí trong nước, thì bỗng một hôm đọc thấy tên một người bạn cũ thời trung học.
Người bạn này nhập ngũ sau khi hỏng kỳ thi tú tài. Sau đó thỉnh thoảng chàng trở
lại trường thăm bạn bè. Có người đùa chúc chàng sớm vinh thăng lon mới. Và ít
lâu sau, chàng được vinh thăng thật. Rồi xuất hiện trong những cáo phó những từ
ngữ mới như truy thăng, anh dũng hy sinh, truy tặng bảo quốc huân chương với
nhành dương liễu...
Thế là những mẩu cáo phó lại nghe khác hẳn những cáo phó vẫn đọc được trước đó.
Và cũng từ đó, tôi chú ý đọc chúng thường hơn. Đó là trong những buổi chiều tan
sở ngồi ở một quán cà phê đọc mấy tờ báo vừa phát hành. Cuộc chiến càng ngày
càng khốc liệt thì những trang cáo phó càng nhiều tên tuổi hơn. Và tuổi tác của
người chết cũng gần với tôi nhiều hơn. Có những người hơn hai hay ba tuổi, có
những người bằng tuổi và có những người thua vài tuổi. Có những người chưa vợ
con và có những người để lại mấy đứa con còn rất nhỏ. Đó là những mẩu cáo phó
của thời chiến. Cuộc chiến càng dữ dội cuối thập niên 60 và đầu những năm 70 thi
những cáo phó như thế càng đọc thấy nhiều hơn. Tuổi của những người ra đi cũng
xấp xỉ tuổi của tôi hồi ấy.
Rồi bẵng đi một vài năm sống ở Mỹ, tôi bỗng thấy trong những tin cáo phó đọc
thấy trên mấy tờ báo Việt ngữ, tuổi tác của những người ra đi rất gần với tuổi
của mình trong hoàn cảnh không còn chiến tranh tang tóc nữa. Lác đác không còn
nhiều những trướng hợp hưởng dương dưới 50 tuổi nữa mà đã được coi là hưởng thọ
nghĩa là đã sống được trên tuổi 50. Rồi thoắt một cái, những cái tuổi trên 60
cũng ập tới, và nay, những tuổi trên 70 cũng trở thành rất thường. Thỉnh thoảng
lại thấy tên một người bạn vừa gặp vài tháng trước.
Nhưng vẫn có một cách viết cáo phó tôi thấy rất kỳ lạ. Đó là những câu như "...
đau đớn báo tin XYZ đã được Chúa gọi về..."Tôi nghĩ là được Chúa gọi về phải là
một hạnh phúc, môt ân sủng thì tại sao gia đình phải đau đớn ? Tôi có đem hỏi
một linh mục thì được ngài cho biết nói như vậy là không đúng. Chúa không bao
giờ muốn con của người phải chịu những khổ đau. Nhưng một bữa tôi đã bị một
người đàn ông phản bác kịch liệt nói rằng bài báo tôi viết đề cập tới chuyện đó
là xúc phạm tới tôn giáo của ông và tôi hoàn toàn sai lầm mặc dù tôi có dẫn lờì
của linh mục T.Q.T. nay đã khuất.
Mấy chục năm đọc những cáo phó từ khi những người ra đi hơn tuổi, rồi bằng tuổi
và nay là những người ít tuổi hơn có khi cả chục tuổi. Một ông bạn tôi tuần
trước viết cho cái e-mail và kết bằng câu "Chẳng cũng khoái ư!"
Nghe cứ như Nguyễn Hiến Lê dịch Lâm Ngữ Đường vậy.