August 20, 2016

August 20, 2016

NHỮNG MẨU NHẮN TIN

Chúng thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trên những trang báo Việt ngữ, có khi chúng bị đẩy vào những chỗ khuất lấp, nép cạnh những quảng cáo không liên quan gì tới những nội dung của chúng. Những quảng cáo rao bán mắm muối, thịt cá, địa ốc, tiệm ăn, nhà hàng... thì dính gì tới những mẩu nhắn tin tìm người quen ấy, như một ông thiếu uý ở một tiểu khu nào đó thuộc quân đoàn I, một người hàng xóm cũ, một người di tản từ năm 1975 tìm hai ba người thất lạc trong chuyến vượt biên bằng thuyền hồi những năm 80, muốn tìm lại một người gặp lần cuối tại đảo Galang, một người bạn tù nằm chung một góc phòng giam... Ngoài việc chúng xuất hiện trên những trang báo, chúng còn được nghe thấy trong mục nhắn tin hàng tuần của một chương trình phát thanh nọ. Mỗi lần thấy chúng, tôi cũng tò mò đọc xem có còn ai kiếm mình không. Một người bạn cũ ở Sài Gòn, thời học trung học, một quen biết thời tuổi trẻ, trong một tiệm nước bên một ly cà phê... những gặp gỡ vài ba chục năm, có khi hơn nửa đời người...

Những đoạn nhắn tin, tìm người ấy vẫn còn, tuy theo tôi nghĩ, có phần tuyệt vọng. Không biết có bao nhiêu người còn để mắt đọc những dòng nhắn tin trên những trang báo, hay đón nghe chương trình nhắn tin với thời lượng không bao nhiêu trên làn sóng phát thanh. Những lời nhắn ấy bay trong không gian không bao giờ nghe lại được nữa.

Nhưng chúng vẫn được đọc thấy, nghe thấy. Những người nhắn vẫn nuôi những hy vọng sẽ tìm được những người cũ, không biết đã trôi giạt về những chân trời góc biển nào, trong khi Kiều thì cũng chỉ luân lạc có 15 năm. Những thất lạc của chúng ta thì dài hơn nhiều. Mười năm, hai chục, ba chục năm, hơn nữa cũng có. Những chi tiết có khi rất rõ như địa chỉ của căn nhà cuối cùng, người ấy có mấy anh em, con cái tên là gì, cha mẹ làm gì, cả những cái tên gọi thân mật ở nhà, xuống thuyền vượt biên tháng mấy, năm nào hay di tản ngay trong những chuyến đầu của cuối tháng 4. Cũng có khi nghe được tin tần chót từ Mỹ ở tiểu bang thành phố nào rồi dọn đi một địa chỉ khác và bặt tin luôn...

Bao nhiêu nước đã chảy qua cầu. Những địa chỉ đầu tiên hay cuối cùng ấy không mấy người con nhớ. Cuộc sống hối hả và thay đổi, di chuyển quá nhiều làm sao còn lúc nào ngồi xuống moi móc trí nhớ ra những tháng ngày cũ. Nhưng ngần ấy thứ thỉnh thoảng vẫn trở lại. Người em bặt tin trong một trận đánh hồi tháng 3, gia đình vẫn hy vọng chỉ mất tích, đứa con vượt biển đã thoát, người đàn ông đi tù về cũng vượt biển từ năm 85 rồi sau một hai lá thư là bặt tin từ đó...

Nhưng cũng từ đó đã bao nhiêu chuyện xẩy ra, bao nhiêu đổi thay cho cả hai phía, người nhắn cũng như người được nhắn. Người được nhắn có khi chỉ để lại tấm thẻ bài trong một góc rừng nào đó, hay một ngôi mộ không tên ở một hòn đảo xa vắng của Indonesia, Malaysia, Thái không chừng. Đứa con có thể đang sống đâu đó ở nước Mỹ và đã lâu không còn nhớ về gia đình cũ của nó, mà đời sống của nó củng chẳng có bao nhiêu chuyện đáng để kể cho cha mẹ, anh em ở nhà. Người đàn ông vượt biển có thể đã có những liên hệ mới, ràng buộc mới nên không thể liên lạc lại với người vợ và những người con của đời sống cũ. Cũng có thể có những lúc quả tim lỡ một nhip đập, và ý tưởng nhắn một mẩu tin tìm người nhen nhúm nhưng rồi lại thôi. Cũng có những mẩu nhắn tin chỉ nghe qua cũng hiểu được nửa chuyện. Như lời nhắn tìm cô em của một người bạn hồi ấy hay đi qua nhà nay "duyên ghé về đâu" (như lời bài hát của Lê Trọng Nguyễn). Những năm tháng xa cách nay đã dài hơn cả thời gian hai người tình già của Phan Khôi là 24 năm rất nhiều. Hai bên chắc nay đều đã lục tuần cả. Tìm được thì làm gì đây ?

...Khi tôi ngồi xuống ở bên em
Mở tập thư xưa đọc trước đèn
Vẫn ngọn đèn mờ trang giấy lạnh
Tiếng mùa thu lạnh tiếng mưa đêm...
(
Đinh Hùng)

Hay là như Lý Thương Ẩn trong Dạ Vũ Ký Bắc, đêm mưa gửi về bắc:

Quân vấn qui kỳ vị hữu kỳ
Ba sơn dạ vũ trướng thu trì
Hà dương cộng tiễn tây song chúc
Khước thoại Ba Sơn dạ vũ thì

Tạm dịch:

Người hỏi ngày về, chưa thể nói
Ba Sơn mưa tối ngập ao thu

Bao giờ khêu lại tim nến cũ
Kể chuyện bên song vợi nỗi sầu


Nhưng những mẩu nhắn tin vẫn thỉnh thoảng còn để nuôi tiếp những hy vọng đã từ gần nửa thế kỷ.