August 13, 2009

August 14, 2009

Ngày 10 tháng 8 năm 2009

Bạn ta,

Hồi còn ở Virginia, trong building của tôi có một người đàn ông mang lộn một chiếc nịt vú của ai để quên trong máy sấy về nhà, và vì thế, ông ta, theo tôi đoán, đã phải giải thích đến hụt hơi về cái nịt vú không cùng cỡ với những chiếc... cơ hữu trong nhà.

Ông có thể tình thì ngay, lý thì rất gian. Cắt nghĩa thế nào cũng không xong, nên ông ta đã phải gửi lại một lời nhắn cho chủ nhân nhờ chủ nhân đến giải thích cho vợ ông để ông được tha bổng. Ông có được sự trợ giúp đó hay không thì tôi không biết. Nhưng tôi mong ông thoát hiểm. Vì một chuyện gần giống như thế vừa xẩy ra cho tôi.

Tuần trước, tôi bỏ giặt một số quần áo, cuối tuần đến lấy mang về nhà. Ðếm đủ 25 cái mắc áo, tôi mang tất cả về treo vào tủ. Và sáng hôm chủ nhật, tìm một chiếc áo để đi với chiếc ca vát mới, thì không thấy trong những món vừa lấy từ tiệm giặt ủi về hôm trước.

Lẫn vào trong đó, là năm món lạ hoắc. Một chiếc sơ mi lụa, một bộ tailleur của St. John, hai chiếc quần jeans trông rất không giống của tôi. Nhưng chúng lại đang ở trong tủ áo của tôi, giữa những chiếc sơ mi và quần của tôi. Làm sao chúng vào trong tủ áo của tôi?

Tôi biết chắc đó là lỗi của mấy cô đầm Hispanic ưa trững giỡn với mấy cậu Hispanic ở tiệm giặt ủi. Mải nghĩ đến cuộc vui buổi tối thứ bẩy, mấy cô trao lầm cho tôi năm món quần áo không phải của tôi. Mà tôi thì cũng mải nghĩ vài ba chuyện khác, không kiểm soát lại cẩn thận, chỉ mang thẳng ra xe, quăng vào thùng sau, rồi tối mới mang từ xe vào thẳng nhà.

Một lầm lẫn nhỏ của mấy cô đầm Hispanic đó có thể tạo ra những tai họa khủng khiếp không ai có thể đoán trước được.

Thí dụ người đàn ông đi làm về, mở cửa vào nhà, đã thấy những món quần áo đó bầy trên bàn phòng khách. Một giọng nói lạnh tanh chào hỏi, rồi cuộc hỏi cung bắt đầu.

... Anh đi làm về đấy à? Tôi thấy mấy thứ này anh để quên trong tủ, nên đem ra cho anh đấy. Lần sau, nhớ đừng có đem về nhà. Anh cũng nên nể tôi một chút chứ. Bây giờ lại lo cả chuyện giặt giũ quần áo cho nó nữa à? Tôi biết không phải là của tôi vì tôi đâu có bao giờ dám đụng tới St. John. Lại hai cái quần jeans Ralph Lauren với DKNY nữa... Người ta sướng quá nhỉ, giặt quần áo cũng không phải đụng tới cái ngón tay, có người đưa ra tiệm cơ. Mà cô này là ai vậy, anh cũng khéo chọn lắm đấy chứ. Mặt mũi không biết như thế nào, nhưng không đến nỗi to béo như con lợn mà anh vẫn thỉnh thoảng chê ỏng chê eo. Sao, nó tên là gì, nghề ngỗng thế nào, hay chỉ ăn với diện vì đã có người bòn nơi khố bện, đãi nơi quần hồng rồi? Anh định làm gì bây giờ? Tôi muốn nói chuyện với nó. Ðồ đĩ thối, chốn chúa lộn chồng, đồ trôi sông, lạc chợ, đồ chằng ăn, trăn quấn, đồ mèo mả, gà đồng, đồ voi giầy ngựa xé, đồ lòng lang, dạ thú, đồ cái thứ phải đóng bè chuối trôi sông cho gà mổ mắt...Tôi không ngờ tôi hết lòng hết dạ với anh như thế suốt mấy chục năm nay, tưởng anh là người tử tế, biết suy nghĩ, mà hiểu tôi chứ. Con cái đẻ ra tôi nuôi dậy nên người. Mẹ anh cũng một tay tôi lo lắng, đỡ đần... Ai ngờ anh đi theo con đĩ, còn phải cúc cung phục vụ nó, giặt quần giặt áo cho nó mà cũng không nên thân, mang về nhà cho ô uế căn nhà của mẹ con tôi. Tôi không thể để cho các con tôi gọi anh là bố chúng nó nữa. Anh có thể đi theo nó ngay lúc này. Luật sư của tôi sẽ liên lạc với anh ngày mai. Anh đừng có đụng vào người tôi nữa. Anh đi đi... Híc híc...

Nhẹ ra là như thế. Nặng thì không thèm chơi đạn bọc cao su như lính Do Thái dùng để bắn vào người biểu tình Palestine, mà là đạn bắn thủng áo giáp, đạn cop killer xuyên phá.

Ngày mai, tôi sẽ mang những món của người phụ nữ tên là J. Paterson trả lại tiệm giặt ủi. Hy vọng mấy chiếc áo sơ mi đàn ông của tôi không bị giao lộn cho người khác, và nếu có bị trả lộn thì cũng không có một người đàn bà nào bị oan, bị những lời đay nghiến, hậm hực vì cái chuyện tình ngay mà lý cũng rất ngay này.

Vì đoạn độc thoại ở trên chỉ là tưởng tượng, và tôi mong người bị trao lầm cũng không có người để... cho một trận như vậy.

Cái trần nhà không bao giờ nặng lời với bạn nó bao giờ.


Ngày 11 tháng 8 năm 2009

Bạn ta,

Sau này, khi lịch sử viết về đệ nhị cộng hòa, chắc các nhà chép sử sẽ không thể bỏ quên, không thể không nhắc tới câu nói hay nhất của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Câu nói ấy của ông càng nghĩ càng đúng, và những người làm cho câu nói đó đúng thêm, lại chính là những người rất thù ghét ông Thiệu. Ông Thiệu phải biết ơn những người ấy, vì nhờ họ, điều ông nói ra hơn ba mươi năm nay vẫn đúng và càng ngày càng đúng hơn.

Ðó là câu: "Ðừng tin những gì Cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm."

Kỳ lạ một điều là chính những người Cộng sản lại giúp cho ông Thiệu để biến câu phát biểu của ông thành một câu hay nhất. Nó tóm gọn được những điều càng nghĩ càng thấy đúng, không những trước, mà còn luôn cả sau năm 1975 cũng vẫn còn đúng.

Thực ra, ông Thiệu chỉ có công sắp xếp lại những ý tưởng đã có từ trước thành hai vế cho cân đối mà thôi.

Chứ chân lý không do ông tìm ra. Ai cũng đều biết như thế. Nhưng phải chờ đến ông, sự việc mới được xếp như một định lý không cần phải chứng minh nữa. Câu mà ông xướng lên, đem thay thế những sự việc khác vào vẫn được như thường.

Thí dụ đừng tin những gì phụ nữ nói, hãy nhìn những gì họ làm.

Hay đừng tin những gì Gloria Steinem nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Gloria Steinem làm.

Gloria Steinem, người phụ nữ đi hàng đầu của phong trào phụ nữ giải phóng, có lần nói rằng cô không thể sống, làm tình được trong cảnh ngục tù, ý nói trong khuôn khổ của hôn nhân (I cannot mate in captivity), thì cũng đã trao bàn tay cho một người đàn ông, đã đi vào một đời sống hôn nhân như những người phụ nữ không giải phóng khác.

Chuyện ấy, tuy vậy, cũng là nhỏ. Gloria nói là không nên lấy chồng, nhưng sau đó, cô đi lấy chồng. Nói một đằng, làm một nẻo. Không thể tin những điều cô nói là như thế. Việc cô làm thì hoàn toàn khác, trái ngược hẳn với điều cô nói.

Nhưng đó không phải là trường hợp duy nhất mà Gloria nói một đằng, làm một nẻo. Theo Betty Friedan, một trong những nhân vật lãnh đạo của phong trào phụ nữ giải phóng, tác giả cuốn The Feminine Mystique, cuốn sách ra đời năm 1963 làm nền tảng cho những suy nghĩ của các phụ nữ giải phóng, và mới đây, cuốn Life So Far: A Memoir, thì Gloria Steinem còn hô hào phụ nữ đừng cạo lông chân, lông nách và đừng dùng son phấn nữa để giải phóng khỏi những áp đặt vô lý của đàn ông từ bao nhiêu lâu nay. Cơ thể của chúng ta (phụ nữ) chúng ta toàn quyền làm những gì chúng ta muốn. Không phải nghe bọn đàn ông mà cạo lông chân, lông nách. Cứ phơi phới một đời tự do (chữ của Mai Thảo).

Nhưng Gloria, người đưa ra lời kêu gọi đó, thì lại không bao giờ thực thi những điều cô hô hào. Nghĩa là Gloria thì cạo, không những lông chân, mà luôn cả lông nách, còn son phấn thì rõ ràng là có dùng.

Tội nghiệp những phụ nữ dại dột nghe theo lời hô hào của Gloria và quăng hết dao cạo đi để cho bọn đàn ông đáng ghét trông vào mà sợ.

Và bọn đàn ông sợ thật. Như người phụ nữ làm ở tiệm Roy Roger's cách đây mấy năm đã gây kinh hoàng cho một người đàn ông trung niên Á châu mỗi trưa khi chàng ghé mua cái hamburger. Nàng có một bộ lông tay không thua gì mấy người anh em họ xa của chúng ta, mấy cậu đười ươi orang utang ở Mã Lai và Nam Dương. Hai nách của nàng thì lông tua tủa xòe ra như đang cặp hai con chó đen, và trên môi của nàng, là một bộ ria đến nay, mỗi khi chiều xuống, nhớ lại, người đàn ông trung niên ấy vẫn còn hết hồn. Tưởng tượng nàng gặp chàng trên một khúc đường vắng vẻ, nàng cười lỏn lẻn buông lời hoa nguyệt ghẹo chàng, chàng bỏ chạy, nàng đuổi theo, rút râu ra hành hung chàng thì chỉ có chết... như Bùi Giáng đã có mấy lần than thở:

Em về giũ áo đười ươi
Lầm than chín bệ từ người gặp ta...

Nhưng số người theo Gloria Steinem không nhiều nên buổi tối những người đàn ông tội nghiệp không điên lên vì sợ.

Càng nghĩ, càng thấy không nên tin vào những gì chúng nó nói, mà hãy nhìn kỹ những gì chúng nó làm là như vậy.

Chúng nó, là Cộng sản, dĩ nhiên.


Ngày 12 tháng 8 năm 2009

Bạn ta,

Có lúc, tôi cứ nghĩ trong hoàng gia Anh, chắc chỉ có bà già Victoria là khó chịu nhất, mặt mũi lúc nào cũng khó đăm đăm, cái quạt phành phạch trong tay, mặt vênh lên với câu "tao không vui" (I am not amused) làm điên đầu những người đứng gần nàng như mấy ông thủ tướng Peel, Palmerston hay Gladstone.

Nhưng Victoria vẫn không khó chịu bằng má của Charles.

Má của Charles có lần đi Úc chơi. Hành lý của nàng mang theo khoảng hơn hai mươi tấn. Trong đó có cả một cái bệ cầu bọc da mềm để đỡ cái đít vương giả. Nàng chê mấy cái bàn cầu ở Úc không xứng với người phong lưu. Nhưng chuyện mang theo cái bệ cầu trong chuyến đi thăm Úc không làm bao nhiêu người bực bội. Ai mà thèm mất công bênh vực cho những cái bàn cầu bao giờ. Cho dù nàng có mang cái bàn cầu bịt vàng, nạm kim cương thì những chất bã của đồ ăn, có đại yến đi chăng nữa, thì qua những phản ứng hóa học trong ruột, khi tiến ra ngoài, vẫn giống hệt như của bọn thường dân chỉ mì gói và hamburger, TV dinner cả đời.

Ði Úc, một nước vẫn còn trong khối Thịnh Vượng Chung, bề gì cũng dễ. Tuy khuynh hướng cộng hòa khá mạnh ở Ðại Dương châu, nhưng việc Úc dẹp hoàng gia cũng còn lâu mới xẩy ra được. Nữ hoàng vẫn còn được người dân Úc trọng nể mặc dù những chuyến đi thăm của nàng không đem lại lợi ích gì mà trái lại, có khi chỉ mang lại toàn những điều không vui như người Maori ở Tân Tây Lan, bên kia biển Tasman, vẫn tin từ bao lâu nay. Bởi vậy, có nhõng nhẽo đòi có cái bệ cầu bọc da mềm mới chịu vào ngồi nghĩ việc nước thì các kangarookoala vẫn tha, không phiền trách gì nàng.

Nhưng trong một lần đi thăm La Mã, cái khó tính của nàng đã làm cho người Ý phẫn nộ.

Nàng có lẽ chưa bao giờ nghe câu của thánh Ambrose (340-397) khuyên thánh Augustine: "Si fueris Romae, Romano vivito more; Si fueris alibi, vivito sicut ibi", nghĩa là khi ở La Mã thì hãy sống như người La Mã; khi ở chỗ khác, thì hãy sống như người ta sống ở đó.

Nàng ra lệnh đồ ăn thức uống của nàng không được có một nhánh tỏi nào. Một chút hơi tỏi cũng không được. Hành cũng thế. Pasta cũng cấm luôn. Sốt cà chua cũng không được . Ðến nước Ý, xứ sở của pasta, sốt cà chua, tỏi... nàng nhất định không đụng tới mấy thứ ấy. Không đụng đến chúng thì cứ nhẹ nhàng, sao phải nhắng lên như thế. Không coi tự ái dân tộc Ý ra chi hết.

Thế nhưng chê đồ ăn Ý thì nàng ăn gì ở nước Ý?

Mang theo mấy thùng saveloy, tức là món hot dog bán đầy đường ở Mỹ nhưng được người Anh trân quý nhé? Hay mấy món rau luộc mềm nhũn, nát bấy ra? Hay fish and chips gói trong giấy báo vừa đi vừa lấy tay móc ra ăn?

Sao mà khó thế? Khó lắm, tắm cũng... xát xà bông chứ có mặc triều phục lúc đi tắm đâu.

Khó như vậy cần phải bỏ xuống thuyền vượt biên sang Poulo Bidong hay Galang ở vài tháng, ném cho cái pizza vừa có tỏi vừa có sốt cà chua xem có mừng mừng tủi tủi ăn liền không hay là vẫn cứ cơm phải ba món, hai món xào một món canh mới chịu ăn như đòi hỏi của các nhà quí tộc di tản chúng tôi sau khi vào đất liền được một... tuần?

Nhưng tại sao chê tỏi? Có là Dracula không mà sợ tỏi, hay chê ăn tỏi không lich sự, sợ ăn tỏi rồi không ai dám đến gần quá một thước?

Bây giờ, ở tuổi nàng, thì ngay quận công Philip cũng còn phải chắp tay sau đít đi cách ba bước ở phía sau thì ai còn dám đến gần quá một thước nữa mà lo kiêng tỏi?


Ngày 13 tháng 8 năm 2009

Bạn ta,

Cách đây ít lâu, một độc giả của mục Ann Landers có kể một lối để dành tiền đi du lịch khá lý thú.

Vợ chồng ông, theo thư ông viết cho Ann Landers, cứ mỗi lần yêu nhau, ông lại bỏ một Mỹ kim vào con heo đất ở đầu giường. Ông không nói hai người làm như thế (bỏ heo đất để dành) trong bao nhiêu lâu, mà chỉ cho biết vợ chồng ông đủ tiền để thực hiện một chuyến du lịch Hawaii, lại còn có vài trăm cầm theo để tiêu trong chuyến đi.

Một chuyến đi Hawaii, rẻ nhất cho mỗi người cũng phải $1,500.00, gồm vé máy bay đi Maui, và sáu đêm ở khách sạn Sheraton như phụ trang du lịch tuần này cho biết. Cứ cho là cầm theo $500.00 để tiêu vặt thì chuyến đi sẽ tốn khoảng $3,500.00 cho cả hai người.

Nếu cứ 4 ngày, ông lại để dành được một đô la thì một năm ông để được $91.00.

Cứ 4 ngày một đô la bởi lẽ không thể có chuyện ngày nào cũng để dành được một đồng. Lý do là vì có khi ông ốm, bà đau, thỉnh thoảng bà lại bắt chước Nam Hàn, Bắc Hàn ngưng bắn vài hôm, có khi giận nhau, không chiến đấu được. Lúc trẻ tuổi có thể khác, khi nhiều tuổi khoảng cách có thể dài hơn giữa những lần ra trận. Và muốn để dành được số tiền $3,500.00 ông bà phải mất 38 năm.

Bức thư của người độc giả này xuất hiện trên báo đã làm cho rất nhiều người ghen tức. Ghen tức vì không làm được như cặp vợ chồng hạnh phúc đó.

Trước hết, phải có 38 năm. Cộng trừ nhân chia nhiều... nơi để được 38 năm là không được.

Những lần lẻ tẻ đó, mỗi lần may ra mời nhau được một cái vé xe điện và tô phở là nhiều. Không có cách gì để dành được $3,500.00 để mà đi Hawaii.

Cũng có khi ghen tức vì có ở với nhau 38 năm thật đấy, nhưng sức vóc cũng có thể không đủ để có nổi $3,500.00 đi du lịch. Có khi cố gắng lắm cũng chỉ may ra mời nhau nổi một chầu bò bía là cùng. Thảm lắm.

Nhiều người tin là tác giả bức thư chỉ muốn chọc quê các độc giả khác. Nếu chủ tâm của ông là như thế, thì ông đã thành công rực rỡ. Suốt mấy năm nay, tôi hậm hực về thành tích của ông vô cùng.

Tôi không tin chuyện đó là chuyện thật.

Thì hôm tuần trước, một độc giả khác viết cho Ann Landers một bức thư cũng dùng lối để dành đó, và sau 50 năm ở với nhau, ông đã có thể mời bà đi ăn tối ở một tiệm ăn rất sang, cơm Tây rượu chát, bạch lạp lung linh, vĩ cầm nỉ non... Và tháng giêng năm 2001, ông sẽ mua vé đưa bà đi chơi vòng quanh thế giới. Tất cả đều bằng tiền bỏ heo đất để dành ở đầu giường.

Nhưng có khác với tác giả bức thư đầu một chút. Ðó là tác giả bức thư đầu tiên chỉ có một con heo đất ở đầu giường. Ðập con heo đất, ông đủ tiền đưa bà đi Hawaii, tiết lộ làm nhiều người vẫn còn ấm ức vì bị thua đậm.

Tác giả bức thư thứ hai cho biết ông và bà có hai con heo đất ở đầu giường.

Mỗi lần hai ông bà yêu nhau, ông bỏ một đồng vào con heo đất số 1. Và mỗi lần bà... nhức đầu, bà "hổng chiệu đâu", hay bà giận ông, hay bà chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh với ông, ông cũng bỏ một đồng vào con heo đất số 2.

Ông cho biết trong bức thư gửi Ann Landers rằng bằng những đồng tiền để dành đó, ông đã có quà kỷ niệm cho bà nhân ngày kỷ niệm kim hôn ( 50 năm ).

Ông cho biết bữa ăn tối rất lãng mạn đó được trả bằng tiền để dành của con heo đất số 1.

Và chuyến đi vòng quanh thế giới được trả bằng tiền lấy từ con heo số 2.

Bạn có bao giờ ăn ở một tiệm ăn đắt tiền như thế không? Có thể nào tiền ăn to hơn tiền một chuyến đi vòng quanh thế giới không?

Hay là tổn phí cho chuyến đi du lịch vẫn lớn hơn bữa ăn tối.

Nếu vậy thì không ai thèm ghen tức với ông già viết lá thư thứ hai cả.

Tôi cũng thấy đỡ tủi nhiều lắm.


Ngày 14 tháng 8 năm 2009

Bạn ta,

Một nhân vật phụ nữ của tiểu thuyết Lê Xuyên, trong những lúc tình tứ nhất, thỉnh thoảng lại vùng dậy hỏi người đàn ông: "Mà có thương tui hôn?" Người đàn ông trả lời, bao giờ cũng bằng giọng miễn cưỡng, là có thương. Những lúc khác, cô bắt người đàn ông phải thề bồi đủ thứ. Nhưng có vẻ cô còn rất nhiều nghi ngờ những lời thề cho qua chuyện của chàng nên thỉnh thoảng lại phải hỏi, để được trấn an bằng câu trả lời mà sự thực cô không tin lắm. Những khẳng định của chàng, tuy thế, cũng giúp để tiếp tục những cuộc hẹn hò mà tác giả Lê Xuyên có biệt tài kéo hàng mấy tuần lễ trên mặt báo.

May cho chàng, mà cũng may cho cô. Cô không biết chàng thực sự nghĩ sao về cô, chàng có yêu cô thật lòng không. Cô không biết nên vẫn hạnh phúc với chàng, mặc dù thỉnh thoảng lại phải hỏi để được nghe câu trả lời cô đã nghe bao nhiêu lần trước đó.

May cho chàng vì cô không thể có cách nào biết được là chàng có yêu cô không. Chàng có thể có, có thể không, cô không có cách nào biết được. Nên chàng thoát hiểm, nếu chàng không thực sự yêu cô.

Nhưng đó là hơn hai mươi năm trước. Thời gian đã quá lâu, trước những khám phá mới trong lãnh vực khoa học, những khám phá có thể khiến cho chàng không cách gì dấu được tình cảm đích thực về cô. Hơn nữa, không gian nơi diễn ra những cuộc gặp gỡ giữa hai người thì cũng tiện cho cả hai. Không gian không phải là một phòng thí nghiệm để máy móc có thể theo dõi và đưa ra kết luận là chàng nói thật hay không nói thật.

Hai người chắc cũng biết lơ mơ rằng khi người ta yêu, đôi mắt sẽ sáng lên, khuôn mặt rực rỡ, hào quang chói lọi.

Nhưng cũng có khi đang cơn đói, mùi thức ăn từ bếp đưa lên, phản ứng ghi nhận trên mặt cũng không khác khi người ta yêu nhau là mấy. Những khám phá mới đây của Andreas Bartels, một sinh viên ban tiến sĩ tại đại học Luân Ðôn, vừa được đem thuyết trình trong cuộc họp của Society for Neuroscience ở New Orleans tuần trước, có thể soi sáng những xó góc còn khá tối tăm mà hiểu biết của con người chưa đến được.

Những bức hình chụp não bộ (MRI) có thể giúp tìm ra được câu trả lời thực cho nhân vật phụ nữ trong tiểu thuyết của Lê Xuyên. Những phản ứng ở một số khu vực trong óc con người, từ 6 đến 20 khu vực, có thể cho biết câu trả lời của người đàn ông trong tiểu thuyết Lê Xuyên nói thật hay không khi bị người phụ nữ hỏi có yêu cô không. Trong số những khu vực ấy, có 4 nơi các khoa học gia thấy là cùng có những phản ứng giống nhau khi 11 phụ nữ và 6 người đàn ông tham dự cuộc thí nghiệm có những tình cảm mãnh liệt về đối tượng tình yêu của họ. Những phản ứng đó có thể đo được và chụp thấy rõ trên não động đồ.

Những khu vực cho thấy hoạt động bất thường nằm ở anterior cingulate cortex, gần đường chia giữa bộ óc, cùng với những khu có tên là putamencaudate.

Rồi đây, người ta có thể kèm với bó hoa cái não động đồ do một phòng thí nghiệm cung cấp và chứng thực là đương sự không nói... ghét thành yêu.

Hay phía bên kia cũng có thể đưa phía bên này tới phòng thí nghiệm chụp một cái coi thực hư ra sao.

Lúc ấy, chuyện thề bồi sẽ không còn cần thiết nữa. Lôi nhau đi chụp bức hình óc là biết ngay. Yêu cái trương mục với sáu hàng số của phía bên kia hình chụp cũng cho biết ngay. Cuộc đời sẽ bớt đi bao nhiêu là phiền toái.

Bấy giờ thử hỏi bao nhiêu người làm được như thân sinh của nhà thơ Phùng Quán vẫn dậy ông từ lúc còn rất nhỏ:

...Yêu ai cứ bảo rằng yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu...

Mà nói ghét thành yêu là máy chụp hình não biết liền.

Vừa không thể nói dối được, và cũng không cần nói dối nữa.

Nhiều người có thể không thích nó vì coi nó là một sự vi phạm tự do tư tưởng của con người.

Nhưng một số thì lại rất thích nó, vì nó có thể được dùng như một biện pháp răn đe như võ khí nguyên tử đã được dùng một cách hữu hiệu trong mấy chục năm chiến tranh lạnh giữa Nga và Mỹ. Không phe nào có thể nói dối mà bên kia không biết được nữa.

Nhưng hay nhất, là nhờ nó, không cần phải nói dối, cũng chẳng cần cầm dao dọa giết.

Thế giới sẽ dễ sống biết là chừng nào!


ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 43)

Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 43 sẽ được phát trong tuần lễ từ 17 đến 23 tháng 8 năm 2009 trên Hồn Việt Television.

QUỲNH ANH:

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống hàng ngày. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

Thưa thầy, trước khi trả lời câu hỏi của khán giả Hồn Việt, cho QA hỏi trước đã. Thầy thiên vị cho QA một chút. Bề gì QA và Nhã Lan cũng cắp sách theo thầy từ hơn một năm nay. Thầy giảng cho QA và Nhã Lan chữ này là gì: số 4 và sau đó là chữ EVER.

Tại sao lai có cách viết như vậy và viết như vậy nghĩa là gì?

BBT

Ðây là cách viết tắt, dùng những chữ đồng âm. Những chữ đồng âm ( HOMOPHONES) đọc lên nghe gần giống nhau, nhưng viết thì khác nhau. Thí dụ FOUR và FOR. FOUR là 4 và FOR là để, để cho. Viết cả xuống thì mất công quá nên thay vì FOR, người ta viết con số 4 để đọc lên cũng vẫn là FOR.

4EVER là để mãi mãi, để cho vĩnh viễn, để kéo dài mãi mãi. Lẽ ra phải viết là FOREVER.

Thí dụ trên cái bảng số xe của nhà báo Vũ Kiểm, người ta đọc thấy tên của một phụ nữ và con số 4, rồi chữ EVER. Ðọc lên thì thành một câu tỏ tình rất khéo, nói rằng nàng là người đẹp muôn đời của chàng.

QA

Thưa anh, lối viết đùa nghịch đó còn thấy ở đâu nữa không?

NHÃ LAN

Nhã Lan xin trả lời hộ cho ông thầy. Có. Như ở gần nhà Nhã Lan tuần trước Nhã Lan thấy có tấm bảng với hàng chữ PIANO 4 SALE chắc là nó đấy. Không phải là "dương cầm bốn bán". Chủ nhà quảng cáo muốn bán cái dương cầm. Ðáng lẽ phải viết là PIANO FOR SALE phải không thầy?

QA

À như vậy thì trò chơi chữ này QA còn thấy ở mấy cái quảng cáo: HOUSE 4 RENT tức là HOUSE FOR RENT, nhà cho thuê. Hiểu rồi. Nhưng thưa thầy, ngoài con số 4 này, còn có con số nào khác được dùng như thế nữa không?

BBT

Có chứ. 2 là TWO, mà cũng là TO là để cho. Thí dụ FOOD TO GO chủ tiệm lười không muốn viết hẳn chữ TO ra thì viết con số 2 vào đó thành FOOD 2 GO.

Tôi cũng nhớ bảng số xe của Nicole Brown Simpson, vợ của OJ Simpson có những chữ này: L84AD8. Ðọc lên thì thành LATE FOR A DATE nghĩa là tôi phải chạy nhanh vì sợ đến chỗ hẹn với người tình thì muộn mất.

Ở chỗ tôi bỏ quần áo giặt có một tiệm sửa giầy bên cạnh có tấm bảng SHOE REPAIR WHILE U WAIT.

NHÃ LAN

Chữ U đó là YOU phải không anh? Sửa giầy trong lúc quí vị ngồi đợi. SHOE REPAIR WHILE YOU WAIT.

QA

Mấy tháng trước, QA dọn nhà phải đi thuê chiếc xe của hãng U-HAUL chắc cũng là lối chơi chữ này . U-HAUL là quí vị khuân, vác, dọn lấy, đáng lý phải viết là YOU HAUL. Ở Houston trước năm 1984, QA có gia đình người bạn bán hàng cho tiệm UtoteM, thì chữ U cũng là YOU phải không anh?

BBT

Ðúng thế. UtoteM cũng được viết là U-tote-M hay U TOTEM đều là một, nghĩa là quí khách vào mua rồi tự khuân lấy bỏ vào bao mang về. TOTE là cái bao, cái bị, cái gói xách. TO TOTE là mang theo, bỏ trong bao , trong giỏ, trong bị và mang theo. UtoteM cũng giống như những tiệm 7-Eleven vậy. Nhưng U TURN thì chữ U đó là chữ U chứ không phải là YOU, không phải là đại danh từ ngôi thứ HAI. U TURN là quẹo chữ U.

QA

Cám ơn thầy Trúc. Bây giờ QA xin gửi anh lá thư của một khán giả ở Texas. Ông Nguyễn Thái muốn học những idioms về trăng vì sắp đến tết Trung Thu. Ông biết MOON CAKE là bánh Trung Thu, FULL MOON FESTIVAL là hội trăng tròn, là hội trông trăng, là Trung Thu nhưng ông cũng muốn biết thêm những idiom khác nữa.

BBT

Trung Thu đúng ra phải là MID-AUTUMN FESTIVAL. Hai cô nhớ là người ta không nói MID FALL FESTIVAL. Bao giờ cũng là MID-AUTUMN FESTIVAL. MID là MIDDLE, nghĩa là giữa. Thay vì nói MIDDLE OF THE DAY, chúng ta nói MID-DAY, MIDDLE OF THE NIGHT, chung ta noi MID-NIGHT, MID-WEEK, MID-YEAR, MID-AUGUST… vân vân.

Trăng thì có khi tròn là FULL MOON, khi chỉ có nửa, là HALF MOON, có khi chỉ là cái lưỡi liềm, là NEW MOON, là CRESCENT.

Có một loại bánh trông như hình mặt trăng lưỡi liềm thì người ta gọi nó là gì, đố cô QA.

QA

QA nghĩ nó là những cái CROISSANT. Nhưng cũng thấy nó được viết là CRESCENT phải không anh?

BBT

Ðúng rồi. CROISSANT là cách viết mượn từ tiếng Pháp. CRESCENT là viết theo tiếng Anh nhưng không thường thấy như CROISSANT viết theo kiểu Pháp.

Hai cô đoán xem ý của thành ngữ này là gì nhé.

NOBODY CAN PLEASE HIM: HE IS ASKING FOR THE MOON.

NHÃ LAN

Nhã Lan biết. Câu này là câu mẹ Nhã Lan hay nói về em trai của Nhã Lan hồi cậu ấy còn bé. Mẹ Nhã Lan bảo rằng nó đòi ông trăng trên trời, ai mà chiều cho được. Như vậy thì người Anh nói có khác người Việt đâu.

BBT

Ðúng lắm. Theo hai cô thì mặt trăng thường là mầu gì?

QA

QA nghe nói trăng vàng nhiều hơn. Ít khi nghe nói trăng có mầu khác. Không ai nói trăng đỏ hay trăng xanh cả.

BBT

Thực ra thì chúng ta cũng nói trăng xanh đấy chứ. Gạo trắng trăng xanh hay trăng thanh mà.

NHÃ LAN

Nhưng chắc rất ít khi có trăng xanh phải không QA?

BBT

Tôi đưa đẩy có một chút mà hai cô đã tiến lại được rất gần một thành ngữ khác của tiếng Anh với chữ BLUE MOON . BLUE MOON là trăng xanh, hiện tượng lâu lắm mới thấy. Từ đó trong Anh ngữ có thành ngữ ONCE IN A BLUE MOON. ONCE là một lần. ONCE IN A BLUE MOON là một lần khi có trăng mầu xanh.Thí dụ khi tôi nói rằng ông ấy chỉ thỉnh thoảng lắm, năm thì mười họa mới ghé lại đây thì QA nói bằng tiếng Anh như thế nào đây.

QA

QA thử nói coi có đúng ý ông thầy không nhá: HE ONLY COMES HERE ONCE IN A BLUE MOON.

BBT

Cám ơn cô. Không sai một chút nào, không sai một dấu phẩy, một dấu chấm. Thế còn khi nói thế này: HE PROMISED HER THE MOON thì nghĩa là làm sao đây cô Nhã Lan?

NHÃ LAN

Nhã Lan nghĩ anh chàng này quả là lớn gan. HE PROMISED là anh ấy hứa. HE PROMISED HER là anh ấy hứa cho cô ấy, với cô ấy. HE PROMISED HER THE MOON nghĩa là anh ấy hứa cho cô ấy cả ông trăng trên trời.

BBT

Kiểu như hứa là "gom mây trời anh may áo cưới" vậy mà. Thế nhưng vẫn có người tin phải không Nhã Lan.

NHÃ LAN

Nhã Lan thì không tin.

BBT

Nói chuyện không tin thì thành ngữ Anh về mặt trăng còn có câu này nữa. TO HOPE FOR A LASTING PEACE IN THE MIDDLE EAST IS LIKE ASKING FOR THE MOON.

QA

QA nghe câu này quen lắm. Tiếng Việt cũng nói là đòi ông trăng trên trời vậy phải không Nhã Lan, nghĩa là muốn có một cái gì không thể nào có trong cuộc đời này vậy mà.

BBT

Ðúng vậy. Cô Nhã Lan hiểu câu đó như thế nào? TO HOPE FOR A LASTING PEACE IN THE MIDDLE EAST IS LIKE ASKING FOR THE MOON.

NHÃ LAN

Câu ấy nghĩa là hy vọng có được hòa bình trường cửu cho Trung Ðông thì cũng hệt như đòi ông trăng trên trời phải không ạ?

BBT

Thêm một thành ngữ nữa với mặt trăng nhé hai cô.

TO REACH FOR THE MOON, cũng có khi nói là TO REACH FOR THE STARS nghĩa là cố gắng đạt được một điều gì, một chuyện gì hết sức khó khăn. Thí dụ khi nói I AM NOT ASKING YOU TO REACH FOR THE MOON thì cũng có nghĩa như I AM NOT ASKING YOU TO DO THE IMPOSSIBLE THINGS. Tôi không đòi anh phải làm công việc đào sông lấp biển, chuyển núi, dời sông, bay lên mặt trăng …

NHÃ LAN

Mà tôi chỉ nhờ anh mang cái thùng rác ra cửa mỗi sáng thứ hai mà thôi.

BBT

Hay tôi chỉ xin làm ơn giảm thì giờ trang điểm từ 4 tiếng đồng hồ trước gương xuống còn 2 tiếng đồng hồ chẳng hạn. Ðó là TO REACH FOR THE MOON.

Trong tiếng Việt, chúng ta nói chuyện ấy đã mấy con trăng, mấy mùa trăng rồi thì hai cô nghĩ câu nói đó có nghĩa như thế nao?

QA

QA nghĩ nói vậy là chuyện ấy xưa lắm rồi, đã bao nhiêu tháng, đã bao nhiêu năm rồi. Ðể QA đoán thử coi có đúng không nhá: MANY MOONS AGO.

NHÃ LAN

Có lẽ trước khi có lịch, nhân loại tính thời gian bằng mặt trăng nên trong truyện ROOTS của Alex Haley, Nhã Lan thấy người Phi châu cũng dùng mặt trăng để nói về năm tháng. Nhã Lan muốn nhờ ông thầy dịch bài đồng dao này: ÔNG GIẲNG ÔNG GIĂNG, ÔNG GIẰNG BÚI TÓC, ÔNG KHÓC , ÔNG CƯỜI, MƯỜI ÔNG MỘT CỖ, ÐÁNH NHAU VỠ ÐẦU…

BBT

MISTER "MỦN" MISTER MOON

ONE MISTER MOON IS PULLING THE OTHER MISTER MOON’S HAIR BUN

ONE MISTER MOON IS CRYING

ONE MISTER MOON IS LAUGHING

TEN OF THEM ARE SHARING A BANQUET

AND FIGHT ONE ANOTHER

CAUSING INJURIES TO THEIR HEADS

QA

QA hy vọng người Mỹ nghe sẽ hiểu.

BBT

Tôi thừa biết hai cô chỉ muốn làm khó tôi đấy thôi. Robert Frost, một nhà thơ lớn của văn chương Mỹ đã nói rằng thơ là thứ bị thất lạc khi đem dịch sang một thứ tiếng khác (Poetry is what gets lost in translation).

Dịch MISTER MOON( có dấu HỎI) MISTER MOON thì đến các thân phụ của người Mỹ cũng không thể hiểu được.

QA

Ðầu giờ, anh có giảng qua về chữ EVER khi cắt nghĩa 4EVER, nhưng QA muốn anh nói thêm về chữ này. QA biết EVER là TRẠNG TỪ, là ADVERB để phụ nghĩa, nói thêm cho động từ nhưng Nhã Lan và QA xin anh giảng thêm về EVER trong những ý nghĩa và cách dùng khác .

BBT

Thực ra thì EVER cũng dễ dùng, không có gì khó cả. EVER là trạng từ. Thêm EVER vào trong câu thì nó làm cho ý nghĩa mạnh hơn. EVER có nghĩa là CÓ KHI NÀO, CÓ BAO GIỜ, CÓ TRƯỜNG HỢP NÀO, CÓ CÁCH NÀO…

Thí dụ câu hỏi HAVE YOU VISITED PARIS? nghĩa là ông hay bà đã đi thăm Paris chưa thì câu hỏi đó là một câu bình thường thôi. Nhưng thêm EVER vào thì nghĩa mạnh hơn.

NHÃ LAN

HAVE YOU EVER VISITED PARIS? nghĩa là ông bà đã có bao giờ, từ bé đến lớn, từ thuở cha sinh mẹ đẻ, từ thời ông Bảo Ðại đến giờ đã đặt chân tới thủ đô ánh sáng chưa phải không ông thầy? Nhưng nói thì phải nhấn mạnh vào EVER mới có nghĩa, thưa anh.

BBT

Cô lái xe chắc dễ sợ lắm, chỉ muốn nhấn mạnh một chút, cô đạp lút chân ga rồi còn gì.

QA

QA xin đặt một câu khác. IF YOU VISIT LOS ANGELES AGAIN, PLEASE COME AND SEE US. QA có thể thêm EVER vào để cho nghĩa mạnh hơn, để cho lời mời khẩn khoản hơn phải không anh? IF YOU EVER VISIT LOS ANGELES AGAIN, PLEASE COME AND SEE US.

BBT

DID YOU GO TO HỘI AN? Dùng thêm EVER thành DID YOU EVER GO TO HỘI AN?

EVER còn có nghĩa là mãi mãi. Cuối thư, có khi người ta viết AS EVER hay AS ALWAYS nghĩa là tôi sẽ mãi mãi, luôn luôn là bạn, là người yêu, là người tôi bộc, là đầy tớ, là xếp của ông hay của bà…

NHÃ LAN

EVER như vậy cùng nghĩa với ALWAYS. FOREVER là mãi mãi, là bất tận… Như khi Nhã Lan nói MY YOUNGER DAUGHTER MISSES THE DOG FOREVER được không.

BBT

Dĩ nhiên là được. Ðể cho ý nghĩa mãi mãi, không bao giờ dứt, để cho mạnh hơn, lâu hơn, dài hơn, người ta nói FOREVER AND EVER. AT LAST HE CAME. I MUST HAVE WAITED FOR HIM FOREVER AND EVER.

FOREVER AND ONE DAY cũng vậy. Nghĩa là lâu lắm, hết FOREVER rồi lại còn thêm một ngày nữa.

Nhưng FOREVER thực ra chỉ có nghĩa là mãi mãi, hoài hoài, hoài hủy, là rất lâu mà thôi. Cô Nhã Lan cho hai thí dụ với FOREVER coi.

NHÃ LAN

LAST NIGHT, I COULD NOT SLEEP BECAUSE THE DOG NEXT DOOR WAS BARKING FOREVER.

MY TWO DAUGHTERS ARE FOREVER ON THE PHONE.

BBT

Còn cô QA, cho tôi nghe một câu với FOREVER.

QA

THE ENGLISH LESSON CANNOT GO ON FOREVER

Thưa quí khán giả, vì bài học Anh ngũ với thầy Trúc không thể kéo dài vô tận nên chương trình hôm nay xin kết thúc ở đây.

Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan và Quỳnh Anh xin cảm ơn sự theo dõi của quí vị và xin hẹn gặp lại quí khán giả trong chương trình tuần tới của Hồn Việt Television.


CHỮ NGHĨA CHÚNG TA


Ông Phạm Ước, Alington, Virginia

Lôi thôi, theo Việt Nam tự Ðiển của hội Khai Trí Tiến Ðức (trang 311 bvà 315) còn viết là loi thoi. Cả hai có nghĩa là không thứ tự, không đều, so le, xốc xếch.

Loi thoi theo Ðào Duy Anh là lơ thơ, có vẻ tiêu điều như trong câu 1502 của Kiều: Loi thoi tơ liễu mấy cành Dương quan

Dương quan là tên một cửa ải ở Cam Túc.

Thơ Vương Duy có nhắc đến cửa ải này:

Tây xuất Dương quan vô cố nhân nghĩa là ra cửa Dương quan đi về hướng Tây là không còn cố nhân nữa. Dương quan mang ý nghĩa tống biệt.

Loi thoi tơ liễu mấy cành Dương quan là cảnh Kiều tiễn Thúc Sinh về thăm nhà.

Tuần hiểu theo nghĩa cũ là 10 ngày. Một tháng có 3 tuần: 10 ngày đầu là thượng tuần; 10 ngày sau đó là trung tuần; 10 ngày cuối của tháng là hạ tuần.

Tuần cũng có nghĩa là 10 năm khi nói về tuổi tác: thất tuần là 70 tuổi.

Hưởng dương / Hưởng thọ

Người sống được đến năm 50 tuổi thì gọi là hưởng dương. Người sống được quá 50 tuổi mới qua đời thì gọi là hưởng thọ.

Anh hồn dùng cho đàn ông. Hương hồn dùng cho đàn bà.

Ông Lê Cửu Hoàn, Garden Grove, California.

Má chín là người mại bản, cũng gọi là mãi biện, làm công việc môi giới trung gian trong các dịch vụ buôn bán, thường làm luôn công việc thông ngôn. Tiếng Pháp gọi là comprador, nghĩa là người thông ngôn cho các nhà buôn ngoại quốc ở Trung Hoa trước đây.

Má chín cũng là bá chín như được ghi trong Việt Nam Tự Ðiển của Khai Trí Tiến Ðức.

Ba sao do chữ tam tinh, tức là sao Tâm, ba ngôi sao trong chùm sao Thần Nông. Vào mùa thu, sao Thần Nông ở giữa trời là lúc nửa đêm.

Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời (Kiều: câu 1638)

Câu này nói về cảnh lẻ loi của những phụ nữ trong cảnh lẽ mọn, cảnh của Kiều nhớ Thúc Sinh khi Thúc Sinh về thăm nhà. Có một cách giải thích nói rằng nủa vành trăng khuyết ba sao giữa trời là chữ Tâm trong tên của Thúc Sinh, Thúc Kỳ Tâm.

Cụ Vũ Ðình Khôi, Houston, Texas

Bogeyman cũng viết là boogyman, bogyman, boogieman hay boogey monster là một sản phẩm tưởng tượng mang hình dáng của một người đàn ông hung ác. Bogeyman xuất xứ từ Tô Cách Lan. Nhân vật tưởng tượng này thường được người ta lôi ra để dọa trẻ con, nói là không ngoan thì bị bogeyman bắt.

Bogeyman có điểm giống ông Ba Bị của Việt Nam:

Ba Bị chín quai
Mười hai con mắt
Hay bắt trẻ con

Bogeyman cũng có thể hiểu là ông Kẹ. Ông Kẹ nguyên có tên là ông Ghẹ.

Tổng thống Obama mới đây đã gọi những nhà làm luật Cộng Hòa bóp méo đề nghị cải tổ hệ thống chăm sóc sức khỏe của hành pháp, dùng chiến thuật tạo kinh hoàng để hù dọa người dân là bogeymen .

Cụ Phạm Ðông Hải, chris_phm@yahoo.com

Các trường hợp unreal presentunreal past đã được đề cập tới trong những bài đầu của chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày của bài về Conditional Sentences ( điều kiện cách). Chúng tôi sẽ trở lại để nói về các câu điều kiện trong một bài tới. Những vấn đề văn phạm này phải nói đi nói lại nhiều lần vẫn chưa thể coi là đủ.

Cô Lâm Ngọc San, Santa Ana, California

Giọng cockney là giọng của giới bình dân, thợ thuyền Luân Ðôn, nhất là những người sống ở khu nhà nghèo East End. Một vài nhân vật kịch của George Bernard Shaw cũng nói giọng cockney như trong Pygmalion My Fair Lady. Giọng Michael Caine là giọng cockney. Giọng này không phải là giọng của giới có học và thượng lưu của nước Anh.

Tiếng Úc có ba thứ: Broad Australian, General Australian Cultivated Australian. Broad Australian là giọng bình dân của Steve Irwin (The Crocodile Hunter) người chuyên bắt cá sấu trong các phim tài liệu thiên nhiên đã qua đời cách đây 3 năm.

Người Tân Tây Lan tự cho rằng tiếng Anh của họ là tiếng Anh hay nhất ở bên ngoài nước Anh (the best English spoken outside England). Nhưng điều này chỉ có người Tân Tây Lan nhận với nhau.

Ông Trần Lâm, Westminster, California

Sắp đến giỗ thứ 42 của Ðinh Hùng. Ông qua đời ngày 24 tháng 8 năm 1967 tại Sài Gòn vì ung thư ruột, hưởng dương 47 tuổi.

Ðinh Hùng sinh ngày 3 tháng 7 năm 1920 tại Hà Ðông. Ông là em vợ của Vũ Hoàng Chương. Hai tập thơ ông để lại là Mê Hồn Ca (1954) và Ðường Vào Tình Sử (1961). Tập Ðường Vào Tình Sử được giải Văn Chương Toàn Quốc năm 1962. Thơ của ông là thơ Tượng Trưng lời lẽ trau chuốt sáng ngời. Một bài thơ tựa là Tình Tự Dưới Hoa được Phạm Ðình Chương phổ nhạc đặt cho tên là Mộng Dưới Hoa. Bài Một Tiếng Em được Nguyễn Hiền phổ thành Mái Tóc Dạ Hương. Bài Chiều Tím do Ðan Thọ viết nhạc trước và Ðinh Hùng viết lời sau.

Ðinh Hùng viết tiểu thuyết dã sử ký tên là Hoài Ðiệp Thứ Lang, viết thơ trào phúng ký là Thần Ðăng.