August 27, 2009

August 28, 2009

HTML clipboard

Ngày 24 tháng 8 năm 2009

Bạn ta,

Liên tiếp mấy ngày hôm nay, hộp thư e-mail của tôi đã nhận không biết bao nhiêu là những thư chia buồn từ hai ba cái cáo phó của những người tôi không hề quen biết bao giờ.

Một số người có tên trong cái mailing list, trong đó có địa chỉ của tôi, hễ nhận được là lập tức gửi lại cho những người khác cũng có tên trong danh sách ấy, và vì thế, tôi nhận được cả vài chục cái thư chia buồn kèm theo những mẩu tin buồn.

Họ gửi đi những cái tin buồn, những lời chia buồn đúng là theo kiểu trúng ai nấy chịu, theo kiểu võ khí có sức hủy diệt hàng loạt (mass destruction weapons) mà ông Bush kiếm không ra ở Iraq.

Cáo phó là loan báo cho mọi người biết về tin buồn, tin một người qua đời. Chuyện qua đời của một người là tin buồn, tang quyến cần được bạn bè của người ấy gửi lời chia buồn. Nhưng đó là khi có những sự quen biết với người có tang.

Thế giới mỗi ngày có cả triệu người chết. Nhưng gần hết là những cái chết không liên quan gì với chúng ta, nên chúng ta vẫn sống qua ngày đó một cách bình thường, hoàn toàn không buồn chút nào để phải cần chia buồn, mà cũng không vui để phải góp vui.

Vài trăm người chết mỗi ngày ở Darfur, Phi châu chẳng hạn. Mắc mớ gì tới chúng ta?

Cũng thế, những cái cáo phó gửi theo kiểu hàng loạt như vậy, gửi theo kiểu trúng ai người ấy chịu, thì những người không quen biết với tang gia sẽ phải làm gì?

Chắc phải bấm cái nút delete nó đi, đưa nó vào waste basket, cái thùng rác như một vài công ty sản xuất nhu liệu vẫn dùng cách giải quyết những trường hợp đó.

Như vậy, cái tin buồn ấy, vì lối gửi hàng loạt, đã làm cho cái tin đáng lẽ phải tạo xúc động cho người nhận, lại bị đưa thẳng vào thùng rác, mặc dù người nhận không hề có thái độ bất tôn kính với tang gia.

Nhưng vẫn phải làm công việc dọn dẹp cái hộp thư e-mail của mình.

Như vậy, người gửi, thay vì để bầy tỏ lòng thương cảm với tang gia, thì lại làm cho tên tuổi của người quá vãng bị xúc phạm khi cái cáo phó bị đưa vào thùng rác để xóa đi.

Tại sao không gửi lời chia buồn cho địa chỉ của chính người hay gia đình đang có tang?

Chuyện một người qua đời là một sự mất mát rất lớn. Sự mất mát ấy phải được người quen, bạn bè đón nhận bằng một thái độ thương cảm. Người chết khi đang còn tuổi trẻ thì tiếc cho công chưa thành, danh chưa toại, gia đình con cái còn quá nhỏ. Nếu là người lớn tuổi, dù đau yếu quá lâu, thời gian còn lại trên mặt đất không vui thì cái chết cũng vẫn làm cho người quen biết xúc động, ngậm ngùi về một cuộc sống đã chấm dứt.

Nhưng với những người không quen biết thì khó có thể có được những xúc động hay ngậm ngùi cần phải có như thế.

Ðó là chưa nói tới việc có những người khó tính hơn thì lại thấy rất bực bội khi bị ném cho một cái tin chết chóc trong lúc đang cần một chuyện đem lại hy vọng tốt đẹp cho buổi sáng.

Nhớ đã lâu, một xướng ngôn viên truyền thanh ở đây, trước khi đọc những cáo phó của các gia đình có tin buồn cho phổ biến trên làn sóng điện, đều cẩn thận xin lỗi là chỉ có tin buồn gửi thính giả.

Việc phổ biến những cáo phó này bằng phương tiện truyền thanh rất cần thiết và có ích. Tin tức loan đi nhanh chóng, người nghe nhận ra vài ba cái tên trong gia đình có tin buồn sẽ có thể liên lạc với tang gia nhanh chóng.

Nhưng người xướng ngôn đọc những bản tin cáo phó thì lại có một câu quen dùng là "Sáng nay chúng tôi không có tin buồn nào gửi quí vị."

Ô hay sao lại ác thế này? Ðang bắt đầu một ngày, thắt cái ca vát đẹp, kiếm cái áo sơ mi tươi tắn, khoác cái jacket vào tung tăng ra xe đi làm, hy vọng một ngày mới tử tế hơn thì bị cô xướng ngôn viên xin lỗi là không có cái tin buồn nào gửi cho nghe!

Thưa cô, tôi đang lơn tơn vui với một niềm vui nhỏ sáng nay. Ðang còn vui được một chút thì cô muốn cho nghe cái tin buồn, nhưng cô không có nên phải xin lỗi lia chia.

Ðừng cô ạ. Mỗi ngày cho tôi chọn một niềm vui chứ chọn hộ cho cái tin buồn làm gì cho khổ đời nhau?

Cũng như sáng ra, mở e-mail ra thì thấy những cái tin buồn không dính líu gì tới mình cả.

Ðọc đi đọc lại, vẫn chỉ thấy bật ra câu cuối của bài sonnet d’Arvers:

"Quelle est donc cette femme?"


Ngày 25 tháng 8 năm 2009

Bạn ta,

Nguyễn Khuyến qua đời năm Kỷ Dậu, năm 1909, lúc đó, Việt Nam chưa có nhật trình, nên không cái chết của người ba lần đỗ đầu bảng này không được thông báo bằng những cái cáo phó đăng trên báo.

Nhưng trước khi chết, cụ Nguyễn có để lại một di chúc bằng chữ Hán, và được môn sinh là Trần Tán Bình dịch sang thơ Nôm ngay tại tang lễ. Bản di chúc này cho thấy Nguyễn Khuyến là một con người giản dị khiêm tốn. Cụ Nguyễn dặn dò chuyện ma chay rất kỹ, đừng văn tế, đừng cỗ bàn, đừng minh tinh, đề chủ, đồ khâm liệm cũng không nề xấu tốt, tống táng lăng nhăng qua quít, không nhận phúng điếu, chỉ có cờ biển vua ban thì đem rước đầu tiên, một việc làm mang ý nghĩa tôn kính nhà vua hơn là muốn khoe khoang với thiên hạ về bằng cấp, tước vị lúc sinh thời...

Cho nên nếu gia đình cụ Nguyễn có cáo phó đăng trên báo, thì chắc cũng chỉ là đôi ba dòng giản dị.

Mà cho dù là nếu có cáo phó thì chắc cũng không do ông phó bảng Nguyễn Hoan, tri phủ Kiến Xương, Thái Bình viết, vì ông Hoan, trưởng nam của cụ, đã qua đời trước cụ Nguyễn.

Nhưng ông Nguyễn Hoan, cho là còn sống khi cụ Nguyễn qua đời, và nếu như ông có viết cái cáo phó đăng nhật trình báo tin cái chết của thân phụ, thì chắc ông cũng chỉ viết dăm ba dòng khiêm tốn, giản dị. Qua những bài như Xuân Nhật Thị Tử Hoan (Ngày Xuân Khuyên Con Là Hoan), hay Thị Tử Hoan (Dặn Con Là Hoan) cụ Nguyễn để lại, thì người ta thấy ngay ông Nguyễn Hoan được thân sinh dậy cho đức khiêm tốn, một cách sống giản dị, thanh bần: Danh cư quá mãn ưu lăng tiết nghĩa là danh quá lừng lẫy e lấn át mất khí tiết, hay: Hoạn đào chỉ dĩ khinh tâm trạo nghĩa là bể hoạn sóng gió chỉ nên chèo với tấm lòng coi nhẹ...

Tưởng tượng cái cáo phó thông báo đại tang của ông Nguyễn Hoan mà lại được viết như thế này:

Chúng tôi đau đớn báo tin cha, ông chúng tôi là cụ Nguyễn Khuyến, tự Tam Nguyên... đã qua đời ngày, tháng, năm 1909...

Con trai trưởng: Nguyễn Hoan, phó bảng, tri phủ Kiến Xương, Thái Bình

Con dâu: X cử nhân giáo khoa Việt Hán, giáo sư Việt văn trường trung học XYZ (?)

Cháu nội: Y, sinh viên đang học ở Quốc Tử Giám, ban quản trị kinh doanh, sẽ tốt nghiệp năm 19...

Thì cụ Nguyễn còn đang nằm đấy, sẽ chán như thế nào. Chuyện cụ chết là chuyện không có gì vui của dòng họ Nguyễn, đáng lẽ con cái phải đau buồn, nhưng ông con trai cụ lợi dụng ngay cái chết của bố để lôi tí bằng cấp, chức vụ ra giật le với làng xóm thì ông đau khổ nỗi gì đây? Cụ Nguyễn đọc cái cáo phó ấy làm sao có thể tin nổi rằng ông trưởng nam có buồn khổ trước cái chết của cụ. Cái cáo phó đầy huênh hoang ấy chắc chắn làm cho cụ thấy ngay là ông con của cụ chỉ nhân dịp đại tang, viết cái cáo phó, lôi hết bằng cấp, chức vụ của mình ra khoe, rồi lại khoe luôn cả cho vợ, tức là con dâu cũng là người có học, đỗ tới cử nhân giáo khoa Việt Hán (?), lại còn đi dậy học nữa mới hung tàn. Rồi luôn cả con trai của ông ta, tức là cháu nội cụ đang học ở Văn Miếu, chưa ra trường, cũng được bố lợi dụng ông nội chết lôi lên báo cho thiên hạ biết tay.

Rất may, gia đình cụ Yên Ðổ không làm cái công việc nực cười đó, những điều kể trên chỉ là sản phẩm của tưởng tượng chứ không hề là một chủ ý xúc phạm ông Nguyễn Hoan mà cụ đã khóc bằng đôi câu đối này:

Bảng vàng bia đá nghìn thu, tiếc cho người ấy
Tóc bạc da mồi trăm tuổi, thiệt lắm con ơi!

Nhưng bạn có biết là ở ngoài đời thật, đã có cái cáo phó nhâng nháo với những khoe khoang bằng cấp, chức vụ của con trai, con gái, cháu nội như vậy không? Chuyện kinh khiếp đó chẳng phải là sản phẩm của trí tưởng tượng bao giờ.

Vì trí tưởng tượng của một người bình thường, dẫu có để cho chắp cánh, bay lượn một cách hung hãn, hoang dại, khùng điên nhất cũng không thể sản xuất ra được một cái cáo phó ghê rợn như thế. Trong lúc đau đớn của đại tang, ai lại làm vậy bao giờ.


Ngày 26 tháng 8 năm 2009

Bạn ta,

Cuốn Từ Ðiển Tiếng Việt của Trung Tâm Từ Ðiển Ngôn Ngữ xuất bản năm 1992 ở Hà Nội có những cách định nghĩa rất kỳ cục, lại thêm rất nhiều sai sót, làm khó chịu những người khi có việc phải dùng tới nó.

Nhưng cũng có những trường hợp định nghĩa không kỳ cục, không sai, nhưng hết sức là tức cười. Tức cười vì người soạn từ điển không theo một lối, một qui ước về định nghĩa nào.

Thí dụ về những giống thú, khi định nghĩa, thì phải cho biết nó thuộc về họ nào, những chi tiết về tầm vóc, cách sinh hoạt vân vân. Ðịnh nghĩa về hổ thì phải cho biết nó họ mèo, cao bao nhiêu, dài bao nhiêu, sống ở đâu, những vùng nào, sống thành bầy như sư tử hay sống một mình, kiếm ăn như thế nào, hiện đang bị đe dọa và có thể bị tuyệt chủng hay không vân vân.

Hôm trước, cần định nghĩa về loài sâm cầm, tôi dùng cuốn tự điển này thì được đọc một định nghĩa chưa bao giờ thấy trước đây ở bất cứ một cuốn tự điển nào.

Một định nghĩa bình thường thì có thể sẽ như thế này: chim sống ở ao, sông, hồ thuộc họ vịt; chim trống sải cánh có thể tới 60cm chim mái nhỏ hơn, ăn tạp, ưa nước, không thuận khí hậu lạnh vân vân.

Nhưng ở trang 839, người ta đọc được những giòng nguyên văn như thế này để giải thích hai chữ sâm cầm: "chim sống ở nước, lông đen, mỏ trắng, sống ở phương Bắc, trú đông ở phương Nam, thịt ngon và thơm."

Nhà làm từ điển trong khi không cho biết những chi tiết như kích thước, tầm vóc, cách sinh hoạt để người đọc có được một hình ảnh rõ hơn về giống chim này thì lại cung cấp những chi tiết hoàn toàn không cần thiết và thích hợp. Những chi tiết không cần thiết và không thích hợp trong định nghĩa của sâm cầm là "thịt ngon và thơm".

Ðang mô tả, đang định nghĩa loài chim thấy khá nhiều ở Hồ Tây ngoại thành Hà Nội, chàng lôi tắp nó xuống bếp cắt tiết, đánh đĩa tiết canh, thịt thì luộc, cổ cánh đem băm nấu canh. Nên chua thêm "thịt ngon và thơm" vào định nghĩa.

Làm từ điển mà tham ăn như vậy thì xấu quá. Mà nhà làm từ điển này lại là người rất hay ăn. Cái tật hay ăn của chàng được thấy khá nhiều lần trong cuốn từ điển. Thí dụ chàng định nghĩa gà đồng: ếch, nói về mặt thịt ăn được và ngon (trang 370). Hay rươi: giun đất, thân có nhiều tơ nhỏ, sinh theo mùa, ở vùng nước lợ, có thể ăn được(trang 827). Hay ếch: loài ếch nhái không đuôi, thân ngắn, da trơn sống ở ao đầm, thịt ăn được (trang 367). Hay trứng lộn: trứng vịt, trứng gà đã ấp dở, bắt đầu thành hình con, dùng để luộc làm món ăn (trang 1037). Hay măng: mầm tre, vầu non mới mọc từ gốc lên, có thể dùng làm thức ăn (trang 614). Hay mực: động vật ở biển, thân mềm, chân ở đầu và có hình tua, có túi chứa chất lỏng đen như mực, thịt ăn được (trang 648). Hay thỏ: thú gậm nhấm, tai to và dài, lông dầy mượt, nuôi để lấy thịt và lông (trang 929). Hay mướp: cây trồng thân leo, hoa đơn tính mầu vàng, quả dài, dùng làm thức ăn (trang 649) và cùng trang, dưới 5 giòng, là mướp đắng... cũng dùng làm thức ăn...

Như thế, bất cứ gì, thực vật hay động vật, cứ ăn được là chàng cẩn thận ghi vào từ điển: ăn được, dùng để ăn, ăn ngon...

Những chữ kể trên (chưa có thì giờ tìm hết nhưng chắc phải còn nhiều) khi dùng Việt Nam Tự Ðiển của hội Khai Trí Tiến Ðức hay Việt Nam Tự Ðiển của Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ, người ta không thấy cái ám ảnh ăn uống như trong cuốn Từ Ðiển Tiếng Việt của Trung Tâm Từ Ðiển Ngôn Ngữ. Nếu có thêm chi tiết ăn được hay không, thì cũng là rất ít. Không nhiều như nhà làm từ điển tham ăn của Hà Nội.

Có phải vì những cuốn tự điển kia được soạn trong lúc các nhà làm tự điển được ăn uống tử tế và đầy đủ không?

Khi đói, dứt khoát là không nên làm từ điển.


Ngày 27 tháng 8 năm 2009

Bạn ta,

Dẫu có nói gì đi chăng nữa thì người ta vẫn phải công nhận Elsie Poncher là một người phụ nữ tử tế. Cho dù bây giờ nàng quyết định không để cho ông chồng tiếp tục ở cái chỗ ông đã ở từ năm 1986. Bề gì thì Elsie Poncher cũng đã cho ông ở đó suốt 23 năm. Bây giờ thì Elsie Poncher muốn đưa ông đi chỗ khác.

Chỉ riêng chuyện nàng để cho ông chồng ở đó không thôi cũng đủ cho thấy nàng là người tốt. Lại còn để cho ông ở đó suốt bằng ấy năm trời trong một tư tế rất là quái đản mà không một người vợ bình thường nào chịu để cho người chồng của mình làm như thế, dẫu cho là chỉ nửa tiếng đồng hồ (?), nói chi tới suốt 23 năm.

Trước khi chết, ông yêu cầu nàng, thay vì đặt ông nằm ngửa trong quan tài, thì để cho ông nằm sấp và đem chôn ông trong tư thế đó.

Thực ra, nói chôn cũng không đúng. Quan tài đựng xác của ông được gắn rất kín, và để vào trong một cái ngăn ở trên mặt đất.

Và trong cái ngăn ngay phía dưới ngăn của ông, là xác của một người phụ nữ đẹp vào bậc nhất thế kỷ thứ 20.

Người phụ nữ ấy là Marilyn Monroe. Ông chồng của Elsie Poncher mua được cái ngăn kéo đặt quan tài ngay ở phía trên cái ngăn của Marilyn Monroe.

Và vì thế, ông mới xin với Elsie là khi ông chết, đừng đốt, đừng chôn, cứ bỏ xác ông vào, cho nằm sấp, rồi đặt quan tài vào cái ngăn ông mua của Joe DiMaggio, chồng cũ của Marilyn Monroe khi Joe và Marilyn chia tay nhau hồi năm 1962.

Ông nói là ông muốn nằm sấp chỉ để ngó (?) xuống Marilyn mà thôi. Thấy khi qua đời, ông đã 82 tuổi, Elsie Poncher tin là nếu ông không ngó thì ông cũng chẳng làm ăn gì được nữa. Nên Elsie cho ông toại ý. Thế là ông được cho nằm trên (?) Marilyn Monroe trong suốt 23 năm qua ở nghĩa trang Westwood Village Memorial Park.

Marilyn Monroe được cho vào cái ngăn của nàng năm 1962. Ðúng 24 năm sau, thì có người vào nằm ở trên. Người đàn ông 82 tuổi ấy là chồng của Elsie Poncher.

Mới đây, Elsie cần tiền trả tiền nhà. Nàng đang ở căn nhà trị giá hơn một triệu. Nàng phải vất vả lắm mới tiếp tục ở lại được căn nhà ấy. Nàng liền nghĩ tới ông chồng quá cố từ hơn hai mươi năm. Cho ông thỏa mãn như vậy đủ rồi. Hai mươi bốn năm nằm trên Marilyn Monroe chứ bộ một chị khác, hay một ông Mỹ bệu rệu nào khác đâu. Nàng cần căn nhà hơn ông. Hai mươi ba năm ở đó đã là quá đủ. Nàng bèn rao bán đấu giá cái ngăn của ông để lấy tiền trả tiền nhà. Nàng đặt giá sơ khởi là 500 ngàn đô la. Sau khoảng 10 ngày, một người đàn ông Nhật chán không muốn khi chết bị chôn ở Nhật, đã trả 4 triệu 602 ngàn 100 đô la để mua cái ngăn ở trên cái ngăn của Marilyn Monroe.

Nhưng chỉ hai ba ngày sau, người đàn ông Nhật này nghĩ lại. Chắc ông thấy là đem xác sang gửi ở Los Angeles thì chán chết. Thỉnh thoảng lạng quạng bò ra ngoài chơi, lạc đường xuống quận Cam đi ngoài đường toàn gặp những nhân loại với những khuôn mặt bí xị, nhường đường cho đi cũng không tặng lại cho một cái nhếch mép, giữ cửa cho đi ra cũng vẫn cứ tiếp tục buồn xa vắng, đạp phải chân người khác thì vẫn cứ nghiêm và buồn, nói điện thoại cầm tay mà lúc nào cũng như hét lên, mặt mũi lúc nào cũng như vừa ăn một củ gừng to tổ chảng thì làm sao sống?

Nghĩ lại thì thấy dẫu sao, ở lại Nhật, kiếm chỗ nào gần nơi có Kim Các Tự, hay lầu Bạch Hạc, nghe tiếng chuông chùa ở Edo, ngó lên thấy hoa anh đào ở hoàng cung chắc là có lý hơn.

Thế là ông Nhật đổi ý. Không mua nữa. Giá như mua mà được nằm gần người nữ diễn viên khi nàng đang đóng River Of No Return, hay Gentlemen Prefer Blondes, hay Seven Years Of Itch … thì cũng được đi, dẫu có tiêu hơn 4 triệu 600 ngàn đô la cũng được. Chứ vào nằm bên cạnh một cụ bà 83 tuổi thì thà ở nhà hát karaoke với mẹ cháu còn sướng hơn nhiều.

Cái ngăn đó nay được bán cho người trả 4 triệu 500 ngàn. Nhưng nếu vẫn còn có người muốn được nằm gần Marilyn Monroe thì hiện còn một cái cách vài ba ngăn được bán với giá 250 ngàn đô la. Ngăn bên cạnh của Marilyn đã có người mua. Người đàn ông mua nó là Hugh Hefner, chủ bút tờ Playboy.

Nhưng cũng tội cho người đàn ông này.

Sống làm chồng khắp người ta, chết xuống âm phủ thành ma không vợ.

Nên chàng đành phải lo trước cho mình cái chỗ nằm cạnh Marilyn Monroe. Thỉnh thoảng cô đơn quá, quay sang bên cạnh, quờ quạng còn thấy bà cụ ngoại bát tuần (?) chứ quờ tay sang chỉ thấy cái gối ôm … ướt nhẹp thì chán biết là chừng nào!

Chỉ tội cho Marilyn Monroe cho đến nay vẫn chưa được yên nghỉ như mấy chữ khắc trên tấm bia: REST IN PEACE.

Thỉnh thoảng lại có một anh đười ươi vào xin nằm cạnh thì có chán đời không cơ chứ.

Tưởng tượng một anh nằm sấp ở trên, một anh nằm ngửa ở dưới. Một anh nằm nghiêng phía bên trái, một anh nằm nghiêng phía bên phải thì làm sao mà yên giấc nghìn thu cho được?


Ngày 28 tháng 8 năm 2009

Bạn ta,

Những chi tiết bên cạnh vụ Jasmine Fiore, một kiểu mẫu áo tắm bị giết ở California mới đây đã cho những người không biết gì về chuyện bơm ngực những hiểu biết hết sức mới lạ.

Báo chí cho hay nạn nhân sau khi bị giết, còn bị nhổ hết hai hàm răng, tất cả các ngón tay đều bị cắt để cảnh sát không thể tìm ra tên tuổi của nạn nhân qua hình quang tuyến chụp tại các phòng răng và qua dấu tay lưu trữ tại các cơ quan công lực.

Nhưng cảnh sát vẫn tìm ra căn cước của nạn nhân nhờ những mã số ghi trên những bao silicone độn trong ngực nạn nhân.

Chi tiết này, với những người chưa bao giờ bơm vú và cũng không hề có kinh nghiệm về những bộ ngực được bơm (không phải của mình), là những chi tiết hoàn toàn mới lạ.

Trước khi đọc được những chi tiết này, những ngươi cù lần , kinh nghiệm sống không có bao nhiêu, cứ tưởng là dịch vụ chỉnh trang đô thị chỉ gồm việc cắt hai đường cắt, nhồi hai bịch silicone hay hai bịch nước biển vào, rồi khâu lại. Sau đó, người được chỉnh trang đô thị ngồi dậy, nhồi nhét các bộ phận vừa được tăng cường vào những chiếc nịt vú mới mua với những chữ D thay cho những chữ A, B kém mở mang và về nhà kiếm vài ba cái áo size nhỏ hơn mặc vào cho chật ních, rồi đi dạo phố Bolsa. Nhưng nay thì những người đàn ông cù lần đó đã biết là trên những cái bịch plastic, silicone, nước biển đó có những con số để không có thể lầm lẫn được. Thí dụ không thể bịch của người này lại tưởng là bịch của người khác được nữa.

Hệt như những bộ phận gắn trong xe hơi, trên máy bay và các sản phẩm kỹ nghệ khác, những cái bịch này đều có số hết.

Từ nay, câu mà người ta hay nói rằng giầy dép còn có số nữa là con người ta, có thể sửa lại thành bịch silicone cũng còn có số nữa là con người ta.

Sự kiện những cái bịch ấy có số đã làm cho việc làm của cảnh sát dễ dàng và giản dị đi nhiều. Nếu những cái bịch trong người của cô nữ kiểu mẫu Jasmine Fiore không có mã số thì tới nay chưa chắc cảnh sát đã tìm ra được căn cước của nạn nhân.

Các hồ sơ của các phòng giải phẫu thẩm mỹ đều ghi lại những chi tiết này, số bao nhiêu, đặt vào cho ai, ai trả tiền, đã sang tên cho ai, chủ nhân của chúng là ai, có phải là người đang mang chúng trong người hay là một người khác, bảo hiểm của công ty nào, chi phí bảo trì là bao nhiêu, do ai trả, ai là người được quyền sử dụng (?) chúng …

Nếu những con số và các dữ kiện kể trên có thể được ghi trên những cái bịch đó thì tại sao lại không gắn trên thêm các kỹ thuật khác để tiện về theo dõi hơn. Thí dụ hệ thống định vị bằng vệ tinh GPS để cho biết chúng (?) đi những đâu, đang ở đâu nếu muốn tìm chúng. Kỹ thuật mới cũng có thể ghi lại rõ những áp xuất (?) ở trên những cái bịch đó để có thể biết là chỉ có một hệ thống áp xuất (?) hay nhiều hệ thống áp xuất khác nhau ở trên (?) chúng. Các dữ kiện này có thể được nạp vào máy điện tóan ở nhà để có thể truy cập vào máy và biết được hành trình và hoạt động của chúng.

Tiện biết là chừng nào.

Và nếu mấy con chó mèo có thể được gắn cho mấy cái micro chip, mấy cái mạch vi điện tử có các dữ kiện về địa chỉ, chủ nhân của chúng thì tại sao những người phụ nữ không thể đem những người đàn ông đi gắn những cái micro chip để không ai có thể lẫn lộn chủ quyền được. Thí dụ phải có password chúng mới có thể hoạt động được. Không đúng mã số, thì chúng cứ tiếp tục xuội lơ, trên bảo dưới không nghe. Những cái micro chip đó cũng có thể nạp một chương trình điện toán vào để sau khi hoàn tất phi vụ, nó sẽ phát ra một câu đại khái "Thank you, (tên chủ nhân)" và một cái ngáp lớn để phía bên kia không biết là mệt quá buồn ngủ hay chán quá, ngáp chơi cho vui.

Và nếu cái tên không phải là cái tên của phía bên kia thì có bị đánh cho mấy đấm, cào mấy đường cho đáng đời cái thứ hay đi ăn cơm tiệm, rồi đạp thẳng ra ngoài cửa cho mà về nhà với mẹ cháu có phải vui không nào.

Bùi Bảo Trúc


ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 45)

Bản chuyển tả do Nhã Lan thực hiện. Bài học số 45 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 9 năm 2009.

QUỲNH ANH:

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống hàng ngày. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

NHÃ LAN

Hôm nay Nhã Lan có thư của một khán giả gửi cho chương trình muốn được giải thích về động từ TO MIND. Nhã Lan thấy đây cũng là một động từ rất lý thú mà Nhã Lan chỉ mới biết được có vài ba nghĩa của nó.

BBT

Cô Nhã Lan nói đúng, tôi nghĩ động từ TO MIND ít nhất cũng 4 nghĩa khác nhau. Nó cũng còn vài ba nghĩa khác nữa, nhưng ít khi gặp nên tôi sẽ không đề cập ở đây. Trước hết, hãy nói về những nghĩa thường gặp nhất của động từ này. Sau đó là một số idiom, một số thành ngữ có động từ TO MIND ở trong. Và cuối cùng, cách dùng nó sao cho đúng.

QA

QA biết một nghĩa của động từ TO MIND. QA hiểu TO MIND với nghĩa là quan tâm, lưu tâm, để ý, coi chuyện gì đó là quan trọng. Vừa tuần qua, QA đưa hai cô con gái đi shopping. Buổi chiều QA hỏi hai đứa muốn ăn gì, ăn cơm Tầu hay ăn cơm Việt thì cả hai đều nhún vui nói "I DON’T MIND". QA hiểu câu đó có nghĩa là không quan trọng, không nhất thiết phải là cơm Tầu hay cơm Việt. QA không thích câu này. Nhưng nghe nó cũng còn nhẹ hơn là câu " I DON’T CARE!" nghĩa là không cần.

Con gái lớn của QA thỉnh thoảng nói "WHATEVER YOU SAY, MOM!" thì lại dễ nghe hơn phải không thưa thầy?

BBT

Ðồng ý với cô QA. Nhưng hai cô thấy gì đặc biệt khi động từ TO MIND trong câu vừa rồi không? Ðó là nó xuất hiện trong thể phủ định trong một số trường hợp.

I DON’T MIND HIS SINGING nghĩa là tôi không phiền, cũng không vui về chuyện hát hỏng của ông ta.

I DON’T MIND THE WEATHER là tôi không quan tâm mấy về thời tiết lạnh cũng không sợ mà nóng cũng không bực bội.

I DON’T MIND HIS BLUNTNESS là tôi không phiền, lưu ý, quan tâm về cái lối ăn nói sống sượng huỵch toẹt của anh ta. Chỉ họa hoằn lắm nó mới được dùng trong thể xác định (AFFIRMATIVE).

NHÃ LAN

Anh cho Nhã Lan hỏi câu này, cũng là tiếng Anh của mấy cô con gái ở nhà. Hai đứa con Nhã Lan thỉnh thoảng nói với nhau MYOB là gì thưa anh? Nhã Lan hiểu lơ mơ trong đó có MIND cái gì đó phải không anh?

BBT

Ðúng, cô nghe đúng đó nhưng MYOB không chỉ có MIND không, mà còn chữ Y viết tắt của YOUR; chữ O viết tắt của OWN; chữ B viết tắt của BUSINESS. MYOB viết nguyên và đầy đủ, không viết tắt là MIND YOUR OWN BUSINESS là hãy lo chuyện của mình đi, đừng có xía vào chuyện người khác. Nói toàn câu MIND YOUR OWN BUSINESS thì dài quá, người ta nói tắt cho ngắn gọn lại. MYOB. Cũng như khi nói I WANT YOU TO FINISH THIS ASAP. ASAP bây giờ thấy xuất hiện thường hơn trong những thư từ, văn thư , thư trong e-mail. ASAP là viết tắt, nói tắt của AS SOON AS POSSIBLE là càng sớm càng tốt.

MYOB được dùng thay thế cho câu này nghe "rùng rợn" hơn: IT IS NONE OF / NOT YOUR BUSINESS. Chuyện không phải của anh, của ông, bà, chị… Muốn nói cho mạnh hơn một chút thì thêm chữ BLOODY vào. BLOODY cũng không tục tĩu cho lắm vì nay, chữ này càng ngày càng được nhiều người dùng : NONE OF YOUR BLOODY BUSINESS!

Nhưng cẩn thận là nói xong có thể chiến tranh lớn chứ không nhỏ đâu.

NHÃ LAN

Trong một tấm post-card của cô bạn đi Nhật gửi cho, QA thấy hình cái cửa trong một ngôi chùa cổ, với hàng chữ MIND YOUR HEAD nghĩa là coi chừng cái đầu phải không thầy? Nhưng tại sao lại phải dặn dò du khách MIND YOUR HEAD?

BBT

MIND YOUR HEAD nghĩa là coi chừng đụng đầu. MIND ở đây có nghĩa là coi chừng. Cái chùa cổ ở Nhật được xây cho những người Nhật với chiều cao khiêm tốn. Du khách nước ngoài cao hơn nên phải cảnh cáo bằng tấm bảng ghi hàng chữ đó.Thí dụ muốn căn dặn "coi chừng lời nói" thì QA phải nói thế nào bằng tiếng Anh?

QA

MIND YOUR WORDS hay MIND WHAT YOU SAY. QA nhớ có xem một tấm poster của thời đệ nhị thế chiến với hàng chữ MIND WHAT YOU SAY! WORDS CAN SINK SHIPS! nghĩa là gì thưa thầy?

BBT

Tôi chắc đó là tấm bích chương cảnh cáo người dân Mỹ là phải coi chừng lời ăn tiếng nói, có gián điệp ở khắp nơi và những bí mật quân sự khi bị lộ ra, địch có thể dùng những tin tức mật đó để đánh chìm tầu của chúng ta.

TO MIND còn có nghĩa là coi chừng, chăm sóc, coi sóc. Cô Nhã Lan nói câu này bằng tiếng Anh coi. Xin làm ơn để ý em bé trong lúc tôi lên lầu một chút.

NHÃ LAN:

PLEASE MIND THE BABY WHILE I GO UPSTAIRS.

QA

QA còn nghe câu này nữa: WHO IS MINDING THE STORE? Anh giảng cho nghe tại sao lại có câu này?

BBT

Thực ra, khi nói câu này, thì chúng ta không có cái cửa tiệm nào để phải đứng coi tiệm cả. Ðây là một lối nói. Thí dụ cả nhà ngồi say sưa coi phim bộ Hồng Kông, chợt có người nhớ ra là cửa trước nhà mở toang, nồi bún bò đang sôi sùng sục ở trong bếp, món BBQ sắp cháy ở sân sau … người ấy hét lên rằng WHO IS MINDING THE STORE? thì câu ấy chỉ có nghĩa là ai coi chừng mọi chuyện đây, kéo hết vào phòng khách coi phim bộ trộm nó khiêng nhà đi cũng không biết…

Ðộng từ TO MIND còn có nghĩa là để ý, lưu ý, coi chừng. Thí dụ khi nói YOU SHOULD MIND THE MAN LIVING NEXTDOOR AND HIS PITBULL nghĩa là phải coi chừng người đàn ông bên cạnh nhà với con pitbull dữ tợn của ông ấy. Nhìn chung thì động từ này có nghĩa là để ý, coi chừng, suy nghĩ, quan tâm, coi một chuyện gì đó là quan trọng.

Nhân đây, tôi muốn hai cô biết một câu cũng hay gặp lắm. Ðó là câu MIND YOU , bao giờ cũng là MIND YOU, không bao giờ là YOU MIND. Câu này được nói cho ngôi thứ HAI, tức là người đang nói chuyện, đang đối diện với chúng ta. MIND YOU nghĩa là tôi muốn ông coi chừng, tôi muốn ông hiểu, tôi muốn ông biết rõ là …

MIND YOU, THE BUS LEAVES AT 10 O’CLOCK. Nhã Lan cho nghe vài thí dụ coi, dùng MIND YOU như để nhắc nhớ, dặn ai coi chừng chuyện gì đó…

NHÃ LAN

MIND YOU, THANKSGIVING IS COMING SOONER THAN YOU THINK.

MIND YOU, THE ELECTRIC BILL IS STILL ON THE TABLE.

QA

QA chắc phải có lý do nào người ta mói nói MIND YOU phải không anh? Chứ tại sao khi không lại chẳng có chủ từ gì hết, chỉ có cái túc từ YOU ở sau.

BBT

Cô nói đúng. Ðáng lẽ phải nói đầy đủ là I WANT TO REMIND YOU THAT nghĩa là tôi muốn nhắc ông rằng. TO REMIND là nhắc, làm cho ai nhớ tới chuyện gì, vật gì, hay là ai đó, người nào đó.

QA

Như khi QA nói SHE REMINDS ME OF HER MOTHER. Hay PLEASE REMIND ME TO GIVE YOU THE BOOK.

NHÃ LAN

Bây giờ, xin anh dậy cho lớp của anh mấy idiom hay gặp có động từ TO MIND và danh từ MIND là đầu óc, tâm hồn … như anh đã hứa.

BBT

Tôi không quên đâu. Tưởng tượng hai cô đưa con vào tiệm ăn, các cháu cứ đọc tờ menu mãi, sốt ruột quá, mẹ nói với con như thế nào, chọn món gì thì chọn đi, quyết định đi, ăn cho nhanh còn đi shop tiếp. Cô Nhã Lan nói thử coi. Quyết định là TO MAKE UP ONE’S MIND.

NHÃ LAN

COME ON, MAKE UP YOUR MIND! WE DO NOT HAVE ALL NIGHT.

BBT

HAVE YOU MADE UP YOUR MIND?

I HAVE MADE UP MY MIND. I DO NOT WANT A LEXUS.

Cô QA thử dịch câu này sang tiếng Anh nhé: "Những tâm hồn lớn suy nghĩ giống nhau."

QA

Tâm hồn là MIND. Lớn là GREAT. Nghĩ là THINK. Giống nhau là THE SAME. GREAT MINDS THINK THE SAME.

BBT

Ðúng. Văn phạm thì đúng. Nhưng người ta nói GREAT MINDS THINK ALIKE cho vần hơn. MINDS và ALIKE vần với nhau tuy không toàn bích lắm.

Bây giờ tôi có một câu rất gần với lối nói của người Việt. Xa mặt, cách lòng. Câu này cũng dùng danh từ MIND nghĩa là đầu óc, tâm hồn. Thôi, để nói luôn cho hai cô nghe vậy.

SIGHT là thị giác, là mắt nhìn. OUT OF SIGHT nghĩa là ở khuất lấp, ở chỗ không nhìn thấy, ngoài khả năng của thị giác, không trong tầm mắt là OUT OF SIGHT. Thì …

NHÃ LAN

Thì OUT OF MIND luôn. Toàn thể câu tục ngữ là OUT OF SIGHT, OUT OF MIND. Ðúng không thưa thầy?

BBT

Ðúng. Nhân dùng chữ SIGHT là thị giác, là sự nhận biết bằng mắt để chỉ cho hai cô câu tục ngữ vừa kể trên, tôi chắc hai cô thế nào trong đời chẳng đã có lần có được tình cảm này: LOVE AT FIRST SIGHT. Nghĩa là gì cô QA?

QA

QA biết câu này vì mấy tháng trước QA dẫn con gái lên thăm đại học. Cháu nó thấy trường Riverside là mê luôn. Nó đòi đi học ở đó thay vì đi thêm các trường khác. Anh nó nói IT WAS LOVE AT FIRST SIGHT FOR HER. Tức là thấy là thích ngay.

BBT

Còn hơn thế nữa. LOVE AT FIRST SIGHT dễ sợ hơn nhiều. Thấy lần đầu là chân tay bủn rủn, mắt tóe sao, sấm sét nổ đùng đùng như thể Trương Chi trông thấy Mỵ Nương lần đầu ở dinh quan thừa tướng.

NHÃ LAN

Nhã Lan gọi đó là cú sấm sét. Nhưng tại sao trong tiếng Việt lại có lối nói nghe Tây quá vậy?

BBT

Tại vì câu đó chúng ta mượn của Tây. Nguyên văn tiếng Pháp là COUP DE FOUDRE, cú sấm sét. Chúng ta đi quá xa rồi , bây giờ phải quay trở lại. Câu này cũng nên biết: NEVER MIND. Câu này nghĩa là đừng lo, đừng ngại, đừng sợ.

QA

Gần nhà QA có một căn nhà có treo trước cổng cái bảng trên có vẽ hình một con chó Nhật xinh lắm. Một bữa QA nhìn kỹ tấm bảng thì đọc rõ thấy câu: NEVER MIND THE DOG! BEWARE OF THE OWNER!

QA không biết động từ BEWARE là gì.

BBT

Câu này được dùng để cảnh cáo ai đi gần sân nhà của ông ta. Thông thường thì người ta nói BEWARE OF THE DOG! Nghĩa là coi chừng chó dữ như bên Tây nhà cửa có treo bảng CHIEN MÉCHANT! Là chó dữ. Nhưng con chó gần nhà cô QA nhỏ xíu thì việc gì phải sợ thế nên ông chủ nhà cẩn thận: Ðừng sợ chó, coi chừng chủ nhà!

NEVER MIND được dùng để trấn an, khuyên không nên sợ hãi, không cần phải quan tâm. Thí dụ cô Nhã Lan dẫn con vào tiệm xem cái áo. Con gái đắn đo về cái giá tiền. Cô nói với cháu là đừng lo, đừng ngại giá tiền, mẹ mua cho con làm quà sinh nhật thì cô nói thế nào?

NHÃ LAN

NEVER MIND THE COST! IT IS MY BIRTHDAY PRESENT TO YOU.

BBT

Ðúng lắm. Còn cô QA cho nghe một thí dụ với NEVER MIND coi.

QA

Bữa đó QA đến nhà cô bạn Mỹ của con gái QA chơi, vô ý QA làm bể cái ly uống nước. Bà chủ nhà nói ngay NEVER MIND, IT IS ALREADY CRACKED… Không sao đâu, cái ly đã nứt từ trước rồi. Vậy NEVER MIND nói cách khác là NO STAR WHERE phải không thầy?

BBT

Muốn biết phải hay không phải, cô về nói thử với con của cô ở , mấy đứa Mỹ con của cô nói tiếng Anh như gió, coi chúng có hiểu không. Tôi cũng biết nhiều câu Việt Mỹ đề huề như thế… Còn một thành ngữ này hai cô cũng nên biết: MIND YOUR P’S AND Q’S. Thành ngữ này có nghĩa là nên để ý, cẩn thận từ lời ăn tiếng nói cho đến mọi chuyện chúng ta làm. Lý do là vì khi không viết hoa, không dùng chữ capital, thì chữ "p" và chữ "q" có thể lầm chữ nọ thành chữ kia. Cũng như chúng ta nói "chữ TÁC đánh chữ TỘ, chữ NGỘ đánh chữ QUÁ." Ông Trần Tế Xương vì không MINDS HIS P’S AND Q’S , trông thấy chữ KIÊN, đọc thành chữ TIỆP nên thi không đậu.

NHÃ LAN

Thưa anh, khi nói là tôi đã chán ông ấy lắm rồi, tôi chỉ muốn bỏ ông ấy ra ngoài đầu óc của tôi thì nói thế nào?

BBT

Coi bộ có vấn đề rồi đó. QA nói thử coi: Tôi muốn giữ cho ông ấy ở ngoài cái đầu óc của tôi.

QA

I WANT TO KEEP HIM OUT OF MY MIND có đúng không thưa thầy?

BBT

Không thể nào đúng hơn được.

NHÃ LAN

Nhã Lan có nghe Willie Nelson hát bài YOU ARE ALWAYS ON MY MIND cảm động lắm. Còn Ray Charles thì có bài GEORGIA ON MY MIND.

QA

Anh cho QA hỏi là dùng ON MY MIND hay IN MY MIND?

BBT

Dùng IN cũng được mà ON cũng được. Nhưng trong trường hợp khi nói là nhớ, đừng quên, ghi vào đầu thì chúng ta nói KEEP IT IN MIND. Hay khi nói trong đầu tôi, tôi không bao giờ quên những ngày ở Huế thì chúng ta cũng nói IN: IN MY MIND ARE THE DAYS I SPENT IN HUE.

Bây giờ còn một thành ngữ nữa tôi muốn hai cô biết. Ðó là TO BE OUT OF ONE’S MIND, nghĩa là gì, cô Nhã Lan đoán thử coi.

NHÃ LAN

TO BE OUT OF ONE’S MIND là điên, là khùng, là ngớ ngẩn, là mát dây.

BBT

Ðúng rồi. ARE YOU OUT OF YOUR MIND? WHY ARE YOU CUTTING UP YOUR MONEY? Nghĩa là gì cô QA?

QA

ARE YOU OUT OF YOUR MIND? WHY ARE YOU CUTTING UP YOUR MONEY? Nghĩa là ông điên hay sao? Tại sao ông lại cắt nát tiền như thế này?

BBT

Cám ơn cô QA. Bây giờ cô Nhã Lan cho một câu thí dụ với TO BE OUT OF ONE’S MIND.

NHÃ LAN

PRINCE CHARLES MUST BE OUT OF HIS MIND TO DIVORCE PRINCESS DIANA.

BBT

Hay lắm. QA muốn hỏi gì đây?

QA

QA muốn anh giảng cách dùng của TO MIND. QA thấy rắc rối quá.

BBT

Thực ra thì cũng không khó như cô nghĩ đâu.

Sau TO MIND, chúng ta dùng VERB+ING. Thí dụ DO YOU MIND SPEAKING A LITTLE LOUDER?

DO YOU MIND NOT SMOKING?

Chỉ có cách trả lời những câu này thì nên cẩn thận mà thôi.

Tôi nhớ có một lần đang ngồi ăn trưa trong cafeteria của đại học thì có một nữ sinh viên với một khay thức ăn tiến đến và hỏi tôi: DO YOU MIND ME SITTING HERE? Bằng tất cả sự hiếu khách cùa tôi, tôi trả lời YES! Cô liền bưng khay thức căn đi bàn khác. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng ngồi ăn tiếp. Tuy nhiên, khi người sinh viên thứ ba đến xin ngồi cùng bàn đều rồi lại cũng bỏ đi như những giòng sông nhỏ thì tôi lẩm bẩm câu hỏi của họ và câu trả lời của tôi để xem tại sao cứ hỏi, rồi lại bỏ đi bàn khác ngồi, thì một lúc sau tôi hiểu. DO YOU MIND ME SITTING HERE? là ông có phiền khi tôi ngồi xuống đây không. Tôi trả lời YES thì câu trả lời cho thấy là tôi phiền lắm. Bỏ đi là phải. Người thứ tư đến hỏi, tôi đứng dậy, nói nhanh: PLEASE SIT DOWN!

QA

Trả lời YES không được sao anh?

BBT

Phải trả lời NO, OF COUSE NOT! Là thưa không, chẳng phiền gì hết… Hay là đứng dậy, cầm cái đàn ghi ta và hát lớn "hãy ngồi xuống đây bên con vực này ngó xuống thương đau" như nhạc Lê Uyên Phương là ngồi xuống ngay.

QA

Thưa quí vị khán giả, chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television vào tuần tới. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị và hẹn gặp lại quí vị trong bài học tới.