August 6, 2009

August 7, 2009

Ngày 3 tháng 8 năm 2009

Bạn ta,

Ðã nhiều lần, tôi tự hỏi người phụ nữ ở căn nhà trong khu Xóm Chùa, Tân Ðịnh cách đây gần năm mươi năm không biết nay đã trôi giạt về đâu. Nàng có còn sống không, có còn ở trong nước không, và nếu còn sống thì có còn mắc cái tính rất xấu mà má nàng đã đổ riệt cho nàng trong buổi chiều hôm ấy khi một người bạn học lớp đệ nhất của tôi và tôi đứng ở sau nhà nàng không.

Hồi ấy, tôi hay đến nhà bạn tôi để học thi. Một chiều, học xong, chúng tôi pha ly cà phê đứng uống ở sân sau, và nghe được câu chửi của mẹ nàng. Chỉ một câu, mẹ nàng đưa ra được những phê phán không tốt đẹp lắm về nàng. Ðó là cái tội mê chuyện dâm dục và cái tính mê tiền, mê bạc của nàng. Mẹ nàng hỏi nàng rằng tại sao nàng lại mê người đàn ông bạn trai của nàng quá như vậy, và đây là nguyên văn đoạn sau: "Bộ nó có con c… bịt vàng sao?"

Câu chửi của má nàng hay tuyệt. Chỉ một câu thôi mà bà cũng bầy ra được hết những cái xấu của nàng. Những ngày sau, chúng tôi chờ ở trước nhà coi người phụ nữ mê hai chuyện đó thì mặt mũi ra sao. Chúng tôi thấy nàng còn trẻ và rất xinh, không có vẻ gì là đam mê nhiều thứ khó kiếm như thế.

Chúng tôi cũng không tin là trên đời lại có người đàn ông có được cả hai thứ mà má nàng nói là nàng thích như thế. Nhưng hôm nay, đọc bản tin của AFP gửi đi từ Ottawa thì tôi nghĩ có thể có những người đàn ông như thế thật.

Một công ty chuyên sản xuất dụng cụ y khoa, công ty X4 Labs, nhận được một đơn đặt hàng rất lạ. Công ty X4 Labs phải nhờ một công ty kim hoàn giúp một tay trong việc vẽ kiểu và sản xuất món hàng đó.

Ðơn đặt hàng là của một người Ả Rập Sauđi. Người này đặt làm một chiếc máy bơm chim bằng vàng y. Người ta chỉ biết ông ta sống tại Jeddah và sẵn sàng chi 50 ngàn đô la cho cái máy giúp gia tăng chiều dài bộ phận chiến lược của ông. Những cái máy đó (mà nhiều người đàn ông mua nhưng lại chối bai bải là không bao giờ mua) giá bán ở Mỹ chỉ khoảng dưới 400 đô la là cùng. Nếu chế tạo đúng những đòi hỏi của ông, thì tốn phí là gần 50 ngàn đô la.

Người đàn ông này muốn có một cái đặc biệt hơn những cái bán ở các tiệm. Trước hết, ông muốn nó phải bằng vàng 18 carat. Ông còn muốn gắn vào đó 40 viên kim cương và mấy viên hồng ngọc. Ông nói rõ phải giao hàng vào đầu tháng 10, và phải giao tận nơi bằng xe thiết giáp.

Công ty X4 Labs nhận lời. Và như thế, tháng 10 tới đây, tại Jeddah, Ả Rập Sauđi sẽ có một người có cái … bao kiếm (?) bằng vàng gắn kim cương và hồng ngọc, tha hồ làm 4 bà vợ (mà Hồi giáo cho phép lấy) vui lòng.

Không biết ông làm cái gì mà lại có một đời sống sung sướng như thế. Khi nào không dùng (?) thì lại lôi cái máy ra hì hục bơm, mat mũi cứ đờ đẫn ra trong thấy ghét hết sức. Tôi nghĩ ở cái xứ ấy, chắc chỉ cần có vài ba cái giếng dầu sau nhà là có tiền tiêu mệt nghỉ. Máy bơm sau nhà hoạt động thì máy bơm trong nhà cũng hoạt động. Ngoài nhà bơm sùng sục thì trong nhà cũng bơm … hùng hục.

Tôi nhớ đến trang 1094 cuốn Hán Việt Từ điển của Nguyễn Văn Khôn, ngay dưới chữ "xuất tiến" nghĩa là chi và thu, là chữ "xuất tỉnh thuế". Bản in nhòe nhoẹt làm cho cái dấu hỏi trên chữ "i" không rõ lắm nên lần đầu tiên tôi trông thấy đã vô cùng hoảng hốt: cái ấy mà cũng đánh thuế hay sao. Nhưng đọc mấy giòng định nghĩa ở dưới của Nguyễn Văn Khôn thì tôi yên trí trở lại, đó là thuế đánh vào các mỏ khoáng vật.

Lan man mãi cũng chỉ để nói là chuyện bịt vàng là có thật.

Nhưng bịt vàng mà lại bịt cho cái máy bơm, cho dù có nạm kim cương và hồng ngọc đi chăng nữa thì cũng không ra gì.

Phải bơm lên mới giữ được (các) mẹ cháu thì là dở. Chi bằng có nhiêu xài nhiêu, mà xài được thì cũng vẫn là còn hơn là phải bịt vàng cái máy, bơm hì hục suốt ngày.

Hơn nữa, bịt vàng là bịt cái máy chứ ai lại bịt luôn cả cái đó nữa.

Ðau à nha!


Ngày 4 tháng 8 năm 2009

Bạn ta,

Hôm qua, trong mục Obituary, mục cáo phó của một tờ báo ở đây, tôi đọc được một cái cáo phó rất lạ. Người qua đời là một phụ nữ hưởng thọ ngoài bẩy mươi tuổi. Cụ có một đời sống khá dài, ra đời và lớn lên ở một thị trấn nhỏ miền trung tây Hoa kỳ, học đại học ở miền đông, lập gia đình với một nhà ngoại giao, từng theo chồng tới một số nước Á châu, Phi châu, cuối cùng về sống tại vùng thủ đô sau khi cụ ông nghỉ hưu và con cái trưởng thành, có gia đình ra ở riêng. Cụ bị ung thư, và qua đời sau một thời gian ngắn ở bệnh viện.

Nhưng những chi tiết vừa kể thì không có gì đáng nói. Câu cuối của cái cáo phó mới lạ. Câu này cho biết những người còn sống trong gia đình của cụ, cũng tương tự như đoạn chúng ta viết "Tang gia đồng khấp báo" rồi kê ra ở dưới tên của chồng, con, dâu rể, cháu chắt vân vân. Câu cuối của cái obituary viết như thế này: "Survivors include her husband Thomas Stanford, her two sons Bruce and Sean, five grandchildren and her beloved Mr. Alex and Mr. Rigg".

Cụ để lại trần thế cụ ông, hai con trai và năm cháu nội, cùng với hai ông Alex và Rigg yêu quí, như cái cáo phó viết. Những trang cáo phó trong báo tiếng Việt thì cũng viết tương tự, chỉ có khác là thỉnh thoảng con cháu cho luôn đống bằng cấp vào sau tên cho cả nước ghen tức mà chết bớt đi thôi. Nhưng điều kỳ lạ của cái cáo phó báo tin cụ bà Stanford qua đời, là tên của hai ông Alex và Rigg yêu quí được ghi ở cuối.

Hai ông này là những người chồng cũ của cụ chăng? Chắc không phải, vì ở đoạn trên, những chi tiết của cái obituary không hề nói đến những cuộc hôn nhân khác của cụ. Hay hai ông Alex và Rigg yêu quí (her beloved Mr. Alex and Mr. Rigg) là hai ông bồ của cụ? Chắc không phải. Người viết obituary, nếu không là cụ ông, thì cũng phải là hai ông con trai, không lẽ mấy người đàn ông này lại cho hai ông bạn trai của vợ, của mẹ mình vào trong cáo phó. Chịu chơi thì cũng vừa vừa thôi chứ.

Cả buổi sáng tôi thắc mắc về chi tiết này. Chỉ sợ sau này, khi chết, mấy chú em ở lại, viết cáo phó lại cẩn thận ghi hết tên của mấy (?) người quen vào, vừa gây phiền nhiễu cho các đương sự (kiểu như... bà Alex và bà Rigg chẳng hạn) lại vừa tốn giấy. Nhất định phải dặn dò kỹ các ông em này để các ông tha cho người chết cái tội làm phiền người sống.

Vào sở, có việc xuống thư viện thì tôi nhớ là có một người chắc chắn có thể giải đáp thắc mắc của tôi: bà thủ thư. Tôi đi kiếm bà ngay, thì được giải thích cho biết ngay hai ông Alex và Rigg không phải là bạn trai của cụ bà mà cũng không phải là chồng trước của cụ.

Hai ông là hai cậu chó của cụ. Và theo bà thủ thư ở thư viện thì bây giờ rất nhiều người làm vậy: ghi tên của chó và mèo vào cáo phó để báo tin buồn chó mất chủ -- táng gia cẩu -- cho thân bằng cố hữu biết mà chia buồn.

Thế mà từ hơn một ngày, tôi nghi oan cho cụ, và "...đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh..." sợ cho mình.

Nhưng chắc còn phải lâu lắm, những cái cáo phó trên các báo Việt ngữ mới có những Vện, Mực, Luốc, Lem, Vá, Ðốm... đồng bái tạ được. Bởi vì có khi cụ vừa nằm xuống, mấy ông con đã lôi Vện, Mực, Luốc, Lem, Vá, Ðốm... làm một trận rựa mận thì ở đó mà bái với chẳng tạ.


Ngày 5 tháng 8 năm 2009

Bạn ta,

Ở Mỹ, khi bị chặn lại ở ngoài đường, và nếu có chuyện rắc rối, người bị chặn có thể được cảnh sát đọc cho nghe mấy câu trước khi bắt giữ đem về bót. Câu mà cảnh sát Mỹ có nhiệm vụ phải đọc lên trước khi đặt câu hỏi cho bất cứ một người nào có thể gọi nó là những lời cảnh cáo cũng được, mà gọi nó là những nhắc nhở về quyền của người bị cảnh sát chặn lại cũng được. Nó là Miranda Rights. Nó nhắc cho những người gặp rắc rối với luật pháp, và với nhân viên công lực rằng họ có quyền giữ im lặng, họ có quyền có luật sư ở bên cạnh và nếu không có khả năng thuê luật sư, nhà chức trách sẽ chỉ định luật sư cho họ, và những lời họ khai với cảnh sát sẽ có thể được đem dùng ở tòa để kết án họ sau này.

Những người muốn dẹp việc buộc cảnh sát đọc cho các nghi can nghe Miranda Rights thì nói rằng các thành phần phạm pháp được che chở quá đáng, các thành phần này có thể lợi dụng những kẽ hở để thoát. Những người muốn giữ lại thì cho rằng Miranda Rights bảo vệ cho những người vô tội, bị hàm oan, đồng thời đảm bảo nước Mỹ không trở thành một nước cảnh sát trị, một điều mà ai cũng sợ.

Thực ra thì Miranda Rights có được đem ra đọc hay không cũng không quan trọng bao nhiêu. Hầu hết mọi trường hợp những kẻ phạm tội vẫn bị trừng phạt và người vô tội thì không việc gì phải lo. Ðó là đối với cảnh sát hay nhân viên công lực ở ngoài đường.

Nhưng cũng có những trường hợp những lời khai tự nguyện sau đó bị đem ra dùng để kết tội, hay đương sự không có quyền giữ im lặng và khi bị tra hỏi không được có luật sư bên cạnh, thì tại sao không thấy Tối Cao Pháp Viện nhấc một ngón tay lên để bênh vực, can thiệp cho họ bao giờ?

Phải nhắc bà Sonia Sotomayor mới được.

Những lời khai, những lời tự thú, những câu chuyện kể trong những lúc vô tình nhất, từ những thuở hồng hoang xa lắc, từ thời tiền sử,( tức là trước khi có con Ðường Vào Tình Sử của Ðinh Hùng), vẫn có thể bị lôi ra để kết án, để gây khó dễ, độc ác và dễ sợ còn hơn cảnh sát và công tố viện, thì chưa thấy một nỗ lực nào được đưa ra để bảo vệ những trường hợp đáng thương đó.

Thí dụ trong một lúc đương sự đang vui, thì được / bị hỏi là hồi đi Úc du học, có bao giờ đi nhẩy đầm không chẳng hạn. Ðương sự có thể hồn nhiên trả lời là có, nghĩ rằng ai chẳng đi nhẩy đầm, thì sau đó, vài năm, năm năm, mười năm, thế nào cũng có bữa chuyện nhẩy đầm với mấy con... Kangaroo và Koala ở Úc bị lôi ra để nhiếc móc, xỉa sói. "Ối chao ơi, hồi ấy tôi ở nhà, có người chặn tôi ở cửa trường, đưa "phong thư tình ngây dại," tôi nhất định không nhận vì tôi nghĩ đến anh ở bên ấy một mình vò võ đi về khu học xá, ai ngờ anh đi nhẩy đầm tối ngày với chúng nó... lại còn nhẩy xì lô đi bộ nữa chứ đâu có thèm paso doble hay bossa nova, bebop cho nó xa xa hộ tôi một chút... Thôi, anh đi ra ngoài phòng khách mà ngủ đi... Bỏ cái tay dơ dáy ôm mấy con đầm Úc béo ú ra, đừng có đụng vào tôi nữa...Ối giời ơi, thảo nào cứ ư ử than thở thôi em xanh mắt bồ câu / vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau (thơ Cung Trầm Tưởng)... Sao không đi hầu hạ chúng nó ngay kiếp này đi cho tôi bình yên..."

Mà giữ im lặng cũng không được. Cái tội khinh bỉ, coi thường, nhục mạ thẩm phán được quàng ngay vào cổ. Mà mở miệng nói thì thế nào cũng hố. Mà hố thì chỉ có chết đứ đừ.

Rồi thêm kiểu hỏi cung đúng theo lối hỏi tù ở những gulag mà Solzhenitsyn đã tả: dựng cổ dậy hỏi vào lúc ba giờ sáng, khi bộ máy tự vệ mỏi mệt nhất, dễ nhận tội bị đổ lên đầu nhiều nhất thì kiếm đâu ra luật sư để ngồi cạnh cố vấn trả lời?

Các thứ lời khai, các chi tiết moi móc được ở tất cả mọi nơi, từ bạn bè thân quen đến sơ giao đều được ghi chép đầy đủ vào những bộ nhớ mấy trăm megabyte, lúc nào cũng có thể lôi ngay ra được để buộc tội thì các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện ở đâu không ra cứu những người này?

Có cần phải bắt những người hỏi cung đó đọc cho nạn nhân nghe mấy câu tương tự như Miranda Rights không? Có cần nhắc cho các nạn nhân này biết rằng họ được quyền giữ im lặng, tất cả những gì nói ra đều có thể bị đem ra buộc cho đủ mọi thứ tội sau này, rằng đương sự có quyền được có luật sư ngồi cạnh, nếu không có tiền thuê luật sư thì ráng chịu không?

Tôi nghĩ là có. Chứ mấy cái lời khai với cảnh sát, ra tòa, có luật sư giỏi vẫn thoát như OJ Simpson. Chỉ những nạn nhân của những vụ hỏi cung ở nhà mới tan xác mà thôi.

Các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện lúc chúng tôi cần thì chẳng thấy ma nào hết. Chán thế đấy...


Ngày 6 tháng 8 năm 2009

Bạn ta,

Chúng ta đã có tử vi nam nữ xem chung, tiệm hớt tóc unisex cắt cho cả đàn ông lẫn đàn bà, bít tất one size fits all cỡ chân nào đi cũng được, những chiếc mũi plastic cùng một kiểu ngự trên những khuôn mặt phụ nữ ở California, những thứ thuốc trị bá chứng của các ông thầy thuốc quảng cáo trên báo từ nhiều năm nay thì cớ gì chúng ta không có những chữ dùng cho mọi trường hợp?

Chữ "tốt" mà người đàn ông già nọ hay dùng, rồi cả đống đàn em ngu dốt của ông ta bắt chước dùng theo nhắng lên một hồi, nay đã bắt đầu biến đi để chúng ta đỡ phải nghe cái chữ nguyên là một tĩnh từ, được dùng làm trạng từ một cách rất khó chịu như lao động tốt, học tập tốt, làm tốt vân vân.

Bây giờ có hai chữ cũng đang trên đường được dùng một cách văng mạng, bừa bãi, thiếu suy nghĩ và lười biếng, là hai chữ "sâu sắc".

Hai chữ này không mới mẻ gì, nhưng ngày nay chúng được dùng thường hơn, với những nghĩa mới, đi ra khỏi những định nghĩa và cách dùng nguyên thủy của chúng.

Tự điển Khai Trí Tiến Ðức định nghĩa sâu sắc là sâu và sắc. Tự điển Lê Văn Ðức định nghĩa là sâu và sắc bén, có thêm nghĩa khôn ngoan và hiểm độc. Tự điển Thanh Nghị định nghĩa là thâm trầm, thâm thúy. Hai chữ này trong vai trò tĩnh từ đi sau những danh từ như ý tưởng, thì nó có nghĩa là thâm thúy; đi sau danh từ mưu mẹo, thì nó nghĩa là khôn ngoan, có khi là hiểm độc; đi sau một người, nó có nghĩa là thâm trầm.

Ngày nay hai chữ "sâu sắc" được đem dùng làm trạng từ, phụ nghĩa cho động từ để khoác thêm những ý nghĩa mới. Trong một bài viết của ông Nguyễn Minh Cần (Chuyện Nước Non, Văn Nghệ xuất bản năm 1999) hai chữ này xuất hiện rất gần nhau, tất cả ba lần: tình cảm nồng thắm, sâu sắc (trang 230); vết thương lòng sâu sắc (trang 231); để lại những dấu vết sâu sắc (trang 234).

Trong những trường hợp vừa kể, thì việc dùng hai chữ này cũng không có gì quá đáng để nêu ra. Có chăng là chúng xuất hiện quá gần nhau, trong cùng một bài viết. Người viết văn nên tránh làm như thế. Nhưng ở những chỗ khác trong các báo chí hay ngôn từ của nhiều người, hai chữ "sâu sắc" có vẻ đang được bạ đâu dùng đó. Thay vì tìm những chữ thích đáng hơn, thì tiện tay, người ta kéo hai chữ này vào như lối trị bệnh bằng... noni nhàu vậy.

Thí dụ thay vì nói hai chính phủ bất đồng nghiêm trọng, thì người ta quăng hai chữ "sâu sắc" vào cho khỏi mất công nát óc: hai chính phủ bất đồng sâu sắc. Trong trường hợp này, sâu sắc mang ý nghĩa tiêu cực, không mấy tốt đẹp.

Nhưng hai chữ này cũng lại được dùng trong trường hợp ý nghĩa tốt đẹp, tích cực: hai bên đã quan hệ sâu sắc với nhau. Có cần phải lười biếng lôi đại "sâu sắc" vào trong khi chúng ta đã có trạng từ "thắm thiết" vẫn dùng bao lâu nay không?

Tại sao phải nói là thay đổi sâu sắc trong khi có thể nói thay đổi quan trọng, thay đổi từ cốt lõi, thay đổi từ căn bản? Tại sao phải nói ảnh hưởng sâu sắc trong khi có thể nói ảnh hưởng nghiêm trọng? Tại sao phải nói mâu thuẫn sâu sắc trong khi có thể nói mâu thuẫn cơ bản, mâu thuẫn nặng nề?

Tại sao phải làm cho ngôn ngữ nghèo đi bằng lối viết, lối nói "xuống cấp" như thế? Tại sao phải bỏ bao nhiêu trạng từ, tĩnh từ chính xác hơn, đích đáng hơn, đúng hơn, hay hơn, phong phú hơn, thích hợp hơn đã có sẵn bằng hai chữ "sâu sắc" vừa nghèo nàn vừa bầy ra sự lười biếng của người sử dụng tiếng nói?


Ngày 7 tháng 8 năm 2009

Bạn ta,

Tuy là thành viên của Liên Hiệp Âu Châu -- European Union -- từ năm 1973 và chỉ thua Ðức về con số đại biểu trong Nghị Viện Âu Châu, nước Anh không bao giờ hoàn toàn hài lòng về tư cách hội viên của mình trong tổ chức này.

Anh không muốn bị buộc phải thay thế đồng Bảng của họ bằng đồng Euro để thống nhất về mặt tiền tệ với các nước trong lục địa; những tranh chấp về thịt bò của Anh trong vụ bò điên với các nước hội viên khác chỉ là hai trong số những bất đồng giữa Anh với Liên Hiệp Âu Châu.

Và những bất đồng đó, hầu như người ta có thể đọc thấy rất thường trên báo chí Anh, nền báo chí mà Liên Hiệp Âu Châu mô tả là chuyên bóp méo sự thật, và những bài viết về đường lối của Liên Hiệp Âu Châu trên các trang báo Anh là những thứ bài vở đầy thành kiến và sai lạc (.. a digest of bias and error ) chỉ toàn đưa ra những chuyện không tốt đẹp và bất lợi cho Liên Hiệp Âu Châu.

Thí dụ khi viết về những giới chức có trách nhiệm áp dụng các biện pháp an toàn chung cho Âu châu, báo Anh so sánh những người này với những thành phần cộng tác với Ðức Quốc Xã -- Nazi collaborators. Viết như thế thì quả là có thành kiến và sai lạc thật, đúng như nhận xét của Liên Hiệp Âu Châu trong một phúc trình mới đây.

Nhưng báo chí của Anh cũng nổi tiếng là rất ái quốc sô vanh, cứ của Anh là đúng, là hay, là tốt, là đẹp. Cái mặc cảm cường quốc, lúc nào cũng muốn làm đàn anh thiên hạ nay vẫn còn. Anh vẫn bám lấy ghế của mình trong Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mặc dầu kể từ sau thế chiến, nhiều nước đã qua mặt nước Anh về nhiều phương diện để xứng đáng hơn Anh, và luôn cả Pháp, để trở thành hội viên chính thức và thường trực của Hội Ðồng Bảo An, như Ðức, như Nhật Bản, hay luôn cả Ấn độ, Á Căn Ðình...

Cái mặc cảm tự tôn, cái thái độ ái quốc sô vanh của Anh còn được thấy qua một bài báo viết về việc tiêu chuẩn hóa cỡ của những bao cao su ngừa thai -- condom size standardization-- mà nhiều nước Âu châu đang kêu gọi.

Việc tiêu chuẩn hóa có khi là việc cần thiết. Thí dụ các lực lượng trong Liên Minh Phòng Thủ Bắc Ðại Tây Dương có thể được trang bị nhiều kiểu súng khác nhau, nhưng dùng chung một thứ đạn. Việc này sẽ giúp công tác tiếp tế đạn dược ngoài chiến trường giản dị đi rất nhiều. Các nước trong liên minh Varsovie của Cộng Sản trước đây cũng đã làm như thế.

Nhưng có thể Anh cũng đúng khi phản đối việc tiêu chuẩn hóa cỡ của bao cao su ngừa thai.Tại sao phải tiêu chuẩn hóa? Ðạn thì tiêu chuẩn hóa vì nòng súng có thể chế tạo cùng cỡ. Nhưng đây không phải là trường hợp võ khí dùng ngoài chiến trường để binh sĩ Hòa Lan hết đạn, sẽ có thể dùng đạn tiếp tế cho các binh sĩ Pháp hay Anh chẳng hạn. Làm thế được là vì súng Anh, Pháp hay Hòa Lan có thể khác về khả năng tác xạ, tốc độ bắn, nhưng nòng súng thì cùng một cỡ để có thể dùng cùng một cỡ đạn.

Ðề nghị tiêu chuẩn hóa bao cao su ngừa thai không rơi vào trường hợp như vừa kể. Các bao cao su ngừa thai thường được chế tạo bằng những chất có khả năng đàn hồi, co giãn được. Con người ta sinh ra đời, đa số bình đẳng với nhau. Ngoại trừ một số rơi vào trường hợp ngoại lệ. Những trường hợp ngoại lệ đó không nhiều, vậy thì tại sao phải tạo rắc rối cho đời sống vốn đã nhiêu khê như hiện nay. Từ bao nhiêu năm nay, có bao nhiêu người phàn nàn mà nay phải đòi thay đổi.

Báo chí Anh rõ ràng không ưa đề nghị này, đề nghị mà người ta tin là do Ðức đưa ra. Một tờ báo người ta đọc được ở Anh, đã chạy hàng tít lớn này: BIG HANS, SMALL WILLI.

Hans là tên khá thường thấy tại Ðức. Willi là tiếng lóng gọi cái xúc xích, nguyên thủy trong tiếng Ðức là wiener, kẹp trong miếng bánh mì để thành món hotdog. Nghĩ là chưa đủ, tờ báo Anh này còn đăng một bức hình chụp một chiếc thước kẻ được lồng trong một cái bao cao su ngừa thai, và cái bao, khi mở hết, chỉ tới được ngấn 15cm5, tức là gần được 5 inches.

Người Anh rõ ràng là khinh bỉ cái cỡ bao cao su của người Ðức. Họ phản đối việc tiêu chuẩn hóa vì sợ sẽ gặp khó khăn với những bao cao su có cái cỡ tiêu chuẩn quá nhỏ của lục địa. Họ muốn cứ tiếp tục sản xuất những bao cao su với những cỡ khác nhau.

Chẳng gì sản phẩm này cũng do một công dân Anh, một sĩ quan cấp tá trong quân lực Anh sáng chế hồi thế kỷ thứ 17, được người Pháp gọi xỏ lá là capote anglaise để nước Anh phải đáp lễ lại bằng cách đổ sang cho Pháp: French letter. Người Anh không muốn tiêu chuẩn hóa chúng. Và do đó, trong tương lai, có thể nước Anh sẽ không tuân theo tiêu chuẩn chung của Liên Hiệp Âu Châu để cứ tiếp tục sản xuất những cỡ khác nhau, với cỡ lớn nhất được đặt cho cái tên là British size, trong khi những cỡ khác được gọi chung là European Union size.

Có thể nhờ đó, số du khách đến Anh để xem... Big Ben sẽ tăng lên chăng?

Nhưng người Anh có thể chưa nghe cái quảng cáo của một hãng thuốc lá Mỹ quảng cáo cho những điếu thuốc King Size của họ. Ðó là câu: It is not what you make it long but it is how long you make it.

Câu này thì tôi thua, không dịch được. Nhưng đọc lên thì thấy yên tâm vô cùng.


TẠP GHI


THƯ GỬI BỌN CHÓ ÐẺ

610x.jpg (610×602)

Gửi bọn chó đẻ (*) ở Hà Nội:

Tao không thể dùng bất cứ một từ ngữ nào khác hơn để gọi chúng mày. Bởi vì chúng mày chính là một bọn chó đẻ.

Càng ngày những việc chúng mày làm và những việc chúng mày không dám làm đều cho thấy chúng mày là một bọn chó đẻ không hơn không kém.

Vừa có tin nói là chúng mày đang áp lực chính phủ Indonesia dẹp bỏ những di tích ở Galang, những chứng tích ghi lại thảm cảnh của mấy trăm ngàn người Việt, những người phải bỏ đất nước ra biển liều chết đi tìm sự sống. Những người tị nạn khốn khổ ấy trong khi bị chúng mày đối xử tàn tệ đến nỗi phải bỏ trốn đi thì lại được những người dân Indonesia giúp đỡ, bảo bọc trên đường lánh nạn. Thực là đau đớn và chua xót cho người dân Việt cùng da vàng máu đỏ, cùng tổ quốc, giống nòi với chúng mày thì bị chúng mày ngược đãi đối xử như quân thù quân hằn trong khi ở Indonesia, những người xa lạ không cùng giòng máu Việt lại dành cho họ những đối xử tử tế, nhân đạo vào những lúc khốn cùng nhất.

Mấy tấm bia ghi lại những đối xử tốt đẹp ấy đã bị chúng mày tìm mọi cách để đục phá cho bằng được, để xóa hết những dấu tích xấu xa của chúng mày, nhưng lại là những ghi dấu lòng tử tế nhân đạo của người dân Indonesia không cùng huyết thống.

Chúng mày tuy phá được những tấm bia trên mấy hòn đảo năm 2005 nhưng những điều xấu xa của chúng mày thì vẫn còn nguyên. Chúng mày tưởng làm như thế là những chuyện xấu xa của chúng mày tan biến đi hết hay sao? Người dân ở các đảo nơi có những tấm bia bị phá đó sẽ còn nhớ mãi vì sao lại có những tấm bia đó, họ sẽ luôn luôn nhớ những con thuyền mỏng manh cập vào những đảo ấy, chở theo những thân tàn ma dại vì chúng mày mà phải bỏ nước ra đi.

Chúng mày phá được những tấm bia đó thì vẫn còn cả triệu người Việt ở hải ngoại ghi nhớ vì sao họ phải bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ quê hương, bỏ mồ mả tổ tiên đi tha hương tìm sống. Người Việt ở trong nước cũng sẽ còn nhớ mãi những điều đó. Chúng mày sẽ không thể xóa được những điều xấu xa đó. Không bao giờ.

Chúng mày làm đủ mọi cách để dẹp những tấm bia trên những hòn đảo xa lạ cách xa đất nước ngàn dặm, trong khi có rất nhiều điều chúng mày phải làm, nhưng lại không làm, và chắc là không dám làm ở ngay trong nước cũng như ở những nơi nằm sát cạnh Việt Nam.

Như khi những người dân Việt sinh sống bằng nghề đánh cá ở miền Trung mới đây bị một bọn vô lại khốn nạn ngang ngược cấm đánh cá ở ngay vùng biển của nước Việt Nam thì chúng mày tránh, né không dám lên tiếng. Chúng mày khiếp nhược, run sợ không dám nói tới quốc tịch của những chiếc tầu gây phiền nhiễu, tạo thiệt hại vật chất, sinh mạng cho người đánh cá Việt Nam trong khi ai cũng biết đó là những chiếc tầu của hải quân Trung Cộng, treo cờ Trung Cộng, thủy binh mặc đồng phục hải quân Trung Cộng, và chuyện đó chính báo chí Trung Cộng cũng công nhận, không thèm che giấu.

Nhưng chúng mày thì không dám hé miệng can thiệp, bênh vực cho nhũng người đánh cá Việt Nam khốn khổ đó.

Bọn tứ ngược, như chữ của Nguyễn Trãi dùng trong Bình Ngô Ðại Cáo, ngang nhiên đem quân chiếm lấy những đảo của Việt Nam thì chúng mày không dám hé môi nói được lấy một nửa tiếng để phản đối. Những hy sinh của các chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa can đảm đánh lại bọn bá quyền Trung quốc trong vụ quần đảo Hoàng Sa thì bị chúng mày lờ đi không dám nhắc đến. Hạm trưởng Ngụy Văn Thà, người sĩ quan hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã làm cho chữ "Ngụy" trở thành đẹp đẽ biết là bao. Ngụy như thế thì chúng tao là Ngụy hết. Chúng tao là Ngụy, là những người cùng lý tưởng, cùng dòng máu anh hùng của hạm trưởng hộ tống hạm Nhựt Tảo HQ 10.

Chúng mày lờ sự hy sinh cao quí của thiếu tá Ngụy Văn Thà đi để che dấu cái thái độ hèn nhát bán nước của chúng mày và cái công hàm mà tên thủ tướng mặt chó Phạm Văn Ðồng gửi Chu Ân Lai để tặng không Trường Sa và Hoàng Sa cho Tầu đỏ. Gọi đó la bán nước thì cũng không đúng, vì đổi lại, chúng mày cũng không được bọn Tầu khốn nạn trả cho một cắc.

Ngày nay, ở Sài Gòn, chỉ cần mặc cái áo có hình quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng bị bắt vì phạm húy. Những ai lên tiếng về đất nước, về sự vẹn toàn của tổ quốc là bị đàn áp thẳng tay như đã thấy.

Sự im lặng của chúng mày, cách hành động của chúng mày trong vụ Bản Giốc, trong những tranh chấp ở biển Ðông chỉ là để che giấu những việc làm đê hèn của chúng mày.

Nay chúng mày đòi Indonesia dẹp chứng tích cuối cùng về giai đoạn bi thảm của Việt Nam trên đảo Galang cũng là vì chúng mày sợ sự thật, chúng mày sợ những dấu tích đó sẽ tiếp tục làm cho hình ảnh của chúng mày xấu đi.

Nhưng chúng mày có bao giờ tử tế và tốt đẹp đâu.

Chúng mày nhắm mắt để cho bọn chó má đem phụ nữ trẻ em Việt Nam bán cho các ổ điếm ở Campuchea, đưa đi làm tôi tớ ở các nước ngoài, tổ chức những vụ bán nô lệ như thời mọi rợ cho những thằng đàn ông Cao Ly, Ðài Loan, Malaysia … đến xem và mua về làm nô lệ tình dục, để mặc cho phụ nữ Việt bị nhốt trong những lồng kính ở Singapore cho khách mua dâm tới xem mà lựa chọn... Chúng mày táng tận lương tâm để cho bọn cai phu ngoại quốc đánh đập công nhân Việt Nam ngay ở trong nước, rồi còn để cho những thằng công nhân Tầu khốn nạn ngang nhiên kéo đến đánh đập những người dân Việt sống ở gần công trường xây cất ngay trên quê hương của mình.

Chúng mày im thin thít.

Nhưng chúng mày lại rất hăng hái, dùng đủ mọi thủ đoạn đê hèn nhất để tìm cách che giấu những việc làm chó má của chúng mày, nói là những di tích ấy bầy ra những hình ảnh không đẹp của chúng mày.

Ðể tao chỉ cho chúng mày một chỗ thực sự lăng mạ chúng mày coi chúng mày có dám làm gì không. Mới đây, tại cuộc lễ dâng đất cho bọn Tầu Cộng mà chúng mày gọi là cắm cột mốc biên giới, bọn Tầu khốn nạn dựng ngay gần nơi diễn ra cuộc lễ một bức tường với những hình ảnh của cuộc nổ súng ở biên giới miền bắc giữa hai bọn chó dại. Ðứng từ xa nhìn cũng thấy đó là những hình chụp bọn lính Tầu tiến đánh một số vị trí trong lãnh thổ Việt Nam. Trong trận này, bọn Tầu còn gây thiệt hại nặng cho cái hang chồn Păc Bó, cái mả tổ Cộng Sản của chúng mày. Ðó, có giỏi thì đòi Trung Cộng dẹp những bức hình đó coi có dám làm không.

Tao mong sao chúng mày chết đi sớm chừng nào may chừng ấy cho dân tộc Việt Nam. Chừng đó, tao bảo đảm mồ mả chúng mày sẽ không bao giờ được để cho nguyên vẹn, kể cả cái xác thối của thằng đại lưu manh chó đẻ ở Ba Ðình đang làm bẩn cái tên lịch sử Cần Vương quá đẹp của Ðinh Công Tráng và Phan Ðình Phùng này.

Lịch sử chắc chắn sẽ không nhẹ tay với bọn chó đẻ là chúng mày.

Ký tên:

Một người Việt Nam không Cộng Sản

--------

(*) Với những đứa từng gọi "thằng Diệm" và "thằng Thiệu" thì cách gọi này dành cho chúng mày vẫn còn là nhẹ. Nếu có phải nói thêm điều gì về cách xưng hô này thì chắc phải là đôi ba lời xin lỗi mấy con chó vì cách gọi đó đã cho chúng mày được làm con những con chó ấy.


ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 42)

Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 42 sẽ được phát trong tuần lễ từ 10 đến 16 tháng 8 năm 2009 trên Hồn Việt Television.

*********

QUỲNH ANH:

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại. Hình như Nhã Lan có câu hỏi.

NHÃ LAN

Thưa anh, Nhã Lan muốn hỏi anh mấy chữ TSK … TSK… TSK… Nhã Lan đọc thấy trong một truyện ngắn ý nghĩa của những chữ đó là gì và cách phát âm như thế nào.

BBT

(Chặc lưỡi) Chà … cũng khó đấy chứ không dễ đâu (lại chặc lưỡi).

NHÃ LAN

Anh không giảng được à?

QA

Anh vừa giải thích cho Nhã Lan xong đó thôi. TSK …TSK…TSK là chặc lưỡi đó mà.

NHÃ LAN

À ra thế. Nhã Lan đọc đi đọc lại cả chục lần mà không biết TSK là gì. Bây giờ hiểu rồi. Thế thì Nhã Lan có thêm hai câu hỏi khác. Nhã Lan cứ nghe con gái lúc đồng ý thì À HÁ, lúc không đồng ý thì Ứ Ư. Nhã Lan nghe thì hiểu, nhưng không biết viết xuống như thế nào.

BBT

"À há" viết là UH HUH!. Còn "Ứ ư" viết là UH UH!

QA

Mấy chữ này cũng là những thắc mắc của QA. Nhân tiện đây, QA hỏi thêm anh là khi hắng giọng, không phải như là khi ho, hay ngứa cổ, mà khi muốn làm cho người khác chú ý đến mình, hay chú ý đến điều mình sắp nói thì người Mỹ nói thế nào?

BBT

(Hắng giọng) đó là âm thanh chúng ta làm trong những trường hợp như thế. Nhưng tiếng Anh thì viết là AHEM. Kiểu như mấy ông già xưa như ông Bang Bạnh, hay mấy nhân vật trong truyện của Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng cứ ậm ọe làm oai "Hừm … hừm … " theo lối viết của chúng ta vậy.

QA

Những chữ như thế gọi chung là gì thưa thầy? QA thấy là cũng cần phải biết những chữ đó. Không lẽ kêu đau … IT HURTS thì nói bằng tiếng Anh mà lại kêu UI GIA bằng tiếng Việt…UI GIA … IT HURTS! thì kỳ quá.

BBT

Những tiếng như thế gọi chung là TÁN THÁN TỪ (INTERJECTIONS). INTERJECTIONS là tiếng dùng để bầy tỏ những tình cảm mạnh. Những tiếng hô thán này không có liên hệ gì về mặt văn phạm hay liên quan đến phần còn lại của câu văn hay câu nói.

Cô QA muốn kêu đau, tiếng Việt thì UI GIA … ÐAU QUÁ! Tiếng Anh thì là OUCH! IT HURTS!

NHÃ LAN

Nghe cũng gần giống tiếng Việt đó phải không QA?

BBT

Có một số tiếng trong tiếng Anh nghe gần giống như tiếng Việt. Nhân loại sau khi phát triển và văn minh hơn thì đi sang những ngả đường khác nhau. Nhưng xưa kia, những tiếng kêu đau, suýt soa, sướng khóai thì rất giống nhau.

ÚI CHÀ chẳng hạn. Nghe rất giống WOW.

Khi một người Mỹ hay một người Anh nói GEE hay GEE WHIZ thì hai cô nghĩ người đó diễn tả tình cảm gì?

QA

Nghe suýt soa lắm. GEE WHIZ nghe như kinh ngạc lắm. Thí dụ QA thấy Nhã Lan có cái bóp Gucci, QA nói GEE WHIZ … THAT HANDBAG IS REALLY BEAUTIFUL! được không thưa thầy?

BBT

Ðúng. Những chữ như WOW; GEE ; GEE WHIZ; DARN; WELL, I’LL BE DARNED; SON OF A GUN … đều là những tán thán từ bầy tỏ ngạc nhiên, nể phục, thích thú. Ðừng quên những cái dấu than (!) ở sau.

NHÃ LAN

Thế còn khi đặt ngón tay lên miệng để ra hiệu cho người khác im lặng, đừng nói thế nào thưa anh?

BBT

PSSS! Hay HUSH! Có một bài hát ru em tựa là HUSH LITTLE BABY tôi nhớ có câu đầu thế này …

HUSH, LITTLE BABY, DON’T SAY A WORD / MAMA’S GONNA BUY YOU A MOCKINGBIRD

HUSH nghĩa là yên đi, đừng khóc, đừng nói chuyện nữa.

QA

Mấy đứa con QA khi còn bé, đi học mẫu giáo về là biết ngay được mấy chữ nói hoài ở nhà trong khi mẹ thì nghe hiểu nhưng không biết viết thế nào. Cho ăn cái gì lạ là nhún vai, trợn mắt, thè lưỡi ra … QA không biết hai đứa nói gì vậy ông thầy?

BBT

Chắc là EEWW, nghe giống Ý… Ẹ QUÁ không? Cũng có khi người ta nói là YUCK hay YUCKY.

NHÃ LAN

Nhã Lan nghĩ những tán thán từ bầy tỏ kinh ngạc thì còn nhiều lắm. Một buổi không hết đâu. Nhã Lan muốn biết những tiếng khác để dùng trong những trường hợp khác như là sung sướng, vui mừng, hân hoan chẳng hạn. Xin anh cho vài chữ để còn dùng.

BBT

Chắc chắn hai cô phải đã nghe chữ này rồi: AWESOME phải không?

QA

Ðúng đó. QA nghe mỗi ngày chắc phải hàng chục, hai chục lần chữ AWESOME! Không thì TERRIFIC! Hay FANTANSTIC, hay SUPER, COOL, NEAT, ALL RIGHT…

BBT

Còn mấy chữ này nữa: YES SIR!; HOORAY!

Bây giờ, để diễn tả sự bực bội, người ta nói IT IS A SHAME! Hay WHAT A SHAME!; THAT IS A REAL SHAME!

NHÃ LAN

Thế khi Nhã Lan thấy chán, thấy không còn hy vọng gì nữa, như người ta hay nói là "Hết thuốc chữa!" thì tiếng Anh có cách nói tương tự không thưa thay?

BBT

Có. Người ta nói WELL, THAT’S LIFE!; C’EST LA VIE!; THAT’S HOW IT IS!; THAT’S THE WAY IT IS! như nhà báo Walter Cronkite vẫn nói vào cuối bản tin của đài truyền hình CBS.

ALAS! là "Than ôi!" AHA! là "Tôi biết rồi nhá!"

Một nhân vật trong truyện bằng tranh PEANUTS, chú bé Charlie Brown thì hay nói GOOD GRIEF! Khi bực bội, buồn, chán, thất vọng, mỉa mai … Charlie Brown đều đưa mắt ngó lên trời rồi nói GOOD GRIEF!

Những tiếng chúng ta vừa nghe đều có thể dùng được ở khắp nơi, không cần kiêng cữ gì hết.

OOPS! I DROP THE BOOK

NHÃ LAN

OOPS … là UI GIA phải không anh?

BBT

Cũng không phải hoàn toàn là như thế. Ðụng phải ai, đạp phải chân người ta, muốn xin lỗi thì OOPS! I AM SO SORRY…

QA

QA xin chuyển sang đề tài khác. Tuần qua, có một khán giả quen QA có hỏi QA là làm sao phân biệt COUNTABLE NOUNSUNCOUNTABLE NOUNS, danh từ có thể đếm được và danh từ không thể đếm được.

BBT

Danh từ là tên gọi các đồ vật, sự vật, người, súc vật, cây cỏ vân vân. Nhưng danh từ cũng có thứ đếm được COUNTABLES và UNCOUNTABLES.

Thông thường thì những vật cụ thể, có thể sờ mó thấy được là danh từ đếm được. COUNTABLE NOUNS có thể là số nhiều hay số ít. QA cho thử mấy thí dụ về COUNTABLE NOUNS coi.

QA

SCHOOL; CAR; TELEPHONE; KEY; POLICEMAN; COMPUTER; PROGRAMMER; JOURNALIST…

BBT

Cám ơn cô QA. UNCOUNTABLE NOUNS là những danh từ không đếm được, thường là những danh từ trừu tượng. Thí dụ KNOWLEDGE; INTELLIGENCE; MORAL; INFORMATION.

Cũng có những danh từ cụ thể, có thể sờ thấy được cũng được xếp vào loại không đếm được. Thí dụ WATER; LUGGAGE; FURNITURE

NHÃ LAN

Nhưng khác với các danh từ đếm được, UNCOUNTABLE NOUNS thì luôn luôn là số ít phải không thưa anh?

BBT

Ðúng, cô Nhã Lan. COUNTABLE NOUNS có thể là số ÍT (SINGULAR) và cũng có thể là số nhiều (PLURAL) nhưng UNCOUNTABLE NOUNS thì KHÔNG có PLURAL, không có số nhiều, luôn luôn là số ít.

Hai cô cho biết tôi nói thế này có đúng không?

I DRINK MANY BEERS (SAI vì BEER là danh từ không đếm được).

WE NEED MANY INFORMATIONS ABOUT AUSTRALIA (SAI vì INFORMATION là danh từ không đếm được)

HE KNOWS MANY KOREANS (ÐÚNG vì KOREAN là danh từ có thể đếm được)

THEY BUY MANY APPLES FROM THAT SHOP (ÐÚNG vì APPLES là danh từ đếm được)

Và vì thế, động từ đi sau bao giờ cũng ở NGÔI THỨ BA SỐ ÍT (THIRD PERSON SINGULAR) chắc ăn nhất, ở thì hiện tại, cứ thêm "S" vào cuối.

QA cho hai thí dụ với danh từ không đếm được theo sau là động từ ngôi thứ ba số ít coi

QA

GOOD WOOD IS BETTER THAN GOOD PAINT.

THE FURNITURE IN THIS HOTEL IS FROM INDONESIA

BBT

Ðúng. Câu đầu tiếng Anh thì không hay lắm. Chỉ đúng thôi. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. GOOD REPUTATION IS BETTER THAN BEAUTIFUL CLOTHINGS là gì cô QA?

QA

Tốt danh hơn lành áo.

BBT

Câu sau cũng đúng. FURNITURE chúng ta nghĩ là phải đếm được. Nhưng trong tiếng Anh thì lại là danh tù không đếm được. Thôi, học tiếng của người ta thì phải theo người ta vậy. Muốn dùng danh từ này trong số ít thì phải thêm A PIECE OF ở trước. Chúng ta đếm các MÓN (PIECE) đồ đạc. Thí dụ WE NEED A FEW PIECES OF FURNITURE FOR THE APARTMENT.

NHÃ LAN

Vậy Nhã Lan nói A PIECE OF INFORMATION hay A PIECE OF ADVICE có được không?

BBT

Ðược chứ sao lại không. Nhưng cẩn thận, IDEA là ý kiến. Ai cầm được, sờ được ý kiến? Vậy mà IDEA lại là danh từ đếm được. Như khi chúng ta nói TWO IDEAS ARE BETTER THAN ONE. OPINION cũng thế. WE NEED OTHER OPINIONS.

QA

QA hiểu là chúng ta KHÔNG dùng A và AN trước các danh từ KHÔNG ÐẾM ÐƯỢC phải không Anh?

BBT

Ðúng. Chúng ta cũng không dùng MANY với các danh từ UNCOUNTABLE. Nếu cần, thì dùng MUCH.

NHÃ LAN

MANY với COUNTABLE NOUNS và MUCH với UNCOUNTABLE NOUNS. Nhã Lan nói HE DOES NOT HAVE MUCH MONEY được không?

BBT

Ðược.

QA

Như thế MONEY là UNCOUNTBALE NOUN sao thầy? QA nghĩ tiền thì phải đếm được chứ?

BBT

Cô nghĩ đúng. Nhưng khi đếm, chúng ta đếm đồng đô la, đồng Bảng Anh, đồng Mark của Ðức, đồng Yen của Nhật, đồng Franc của Pháp, đồng Lira của Ý… Cô không đếm ONE MONEY, TWO MONEYS phải không?

Chúng ta nói THE RENT IS 500 POUNDS. POUND, đồng Bảng Anh là danh từ đếm được nên có "S" ở cuối, là số nhiều.

NHÃ LAN

Thế thì khi không rõ đó là danh từ đếm được hay danh từ không đếm được, mà muốn chắc ăn là nói đúng, không sợ thầy cho zéro, không phải nghĩ MANY hay MUCH thì có cách nào không thưa anh? Kiểu như ONE SIZE FITS ALL, tử vi nam nữ xem chung, hớt tóc nam nữ UNISEX HAIR CUT thì nói thế nào thưa anh?

BBT

Thì chúng ta dùng A LOT OF, hay LOTS OF, hay TONS OF…

QA

Thí dụ QA nói WE USE A LOT OF NEWS FROM REUTERS là đúng phải không anh? Hay HE SPENT LOTS OF TIME WITH THE CHILDREN.

THE OWNERS OF THE HOUSE BRING TONS OF FURNITURE WITH THEM.

MY TWO CHILDREN NEED A LOT OF MONEY FOR COLLEGE EDUCATION.

BBT

Nhưng số ít thì không có những chữ dùng chung cho cả COUNTABLE NOUNS lẫn UNCOUNTABLE NOUNS được.

Khi nói ÍT, trái với NHIỀU thì với COUNTABLE NOUNS, chúng ta dùng A FEW. A FEW MEN DO NOT GO BALD.

A FEW VIETNAMESE LIVE IN ISRAEL.

A FEW TIGERS ARE FOUND IN VIETNAM.

NHÃ LAN

Dùng cho UNCOUNTABLE NOUNS thì Nhã Lan biết rồi. Tiếng Anh dùng A LITTLE. Thí dụ A LITTLE PATIENCE; A LITTLE RAIN IS NEEDED IN TEXAS; A LITTLE HOPE; A LITTLE LOVE phải không thầy?

BBT

Cô rất đúng. Có một số danh từ các cô nên biết để khỏi dùng sai. Ðó là những danh từ cứ nghĩ thì tưởng là đếm được nhưng thực ra lại là UNCOUNTABLE NOUNS, không đếm được.

ADVICE là lời khuyên; BAGGAGE là hành lý; BREAD là bánh mì (MỘT Ổ là A LOAF OF BREAD thì LOAF đếm được; cũng nói TWO SLICES OF BREAD); EQUIPMENT là trang cụ…

QA

Như vậy, khi nào nghi ngờ thì dùng A LOT OF, LOTS OF hay TONS OF. Chỉ khi số ít thì A FEW cho danh từ đếm được và A LITTLE cho danh từ không đếm được.

NHÃ LAN

Còn mấy phút, nhân vừa học các danh từ đếm được và không đếm được, Nhã Lan đề nghị anh dậy cho mấy thành ngữ có chữ COUNT là đếm có được không anh?

BBT

Ðồng ý.

COUNT là đếm. Nhưng COUNT ON lại là tin vào, dựa vào. Thí dụ YOU CAN TRUST HIM thì cùng nghĩa với YOU CAN COUNT ON HIM.

Nhưng COUNT SOMEBODY OUT như COUNT ME OUT thì lại nghĩa là đừng tính, đừng kể cả tôi vào đó, tôi không muốn tham gia vào việc đó.

Hai cô nhớ chuyện cô Bê Rét, chuyện ngụ ngôn cụ Nguyễn Văn Vĩnh dịch của La Fontaine chứ. Cô Bê Rét đội liễn sữa đi chợ, cô tưởng tượng bán sữa, mua gà, mua bò về nuôi, ăn nên làm ra, rồi nhẩy cẫng lên, làm đổ liễn sữa thế là tiêu hết giấc mơ. Bài học của câu chuyện ngụ ngôn là DO NOT COUNT YOUR CHICKENS BEFORE THEY HATCH.

HE IS NO COUNT nghĩa là ông ta là người không quan trọng, không tính, không gồm ông ta vào cũng chẳng sao.

COUNTLESS là rất nhiều, đếm không xuể. COUNTLESS PEOPLE STILL BELIEVE IN FORTUNE TELLING.

NHÃ LAN

THANKS THẦY TRÚC, I HAVE LEARNED COUNTLESS THINGS FROM YOUR ENGLISH CLASS.

BBT

Cám ơn cô Nhã Lan, cám ơn cô QA, cám ơn quí vị khán giả đã theo dõi chương trình Anh ngữ của Hồn Việt Television.

QA

Kính thưa quí vị, bài học Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày hôm nay kết thúc ở đây.

Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan và Quỳnh Anh xin cảm ơn sự theo dõi của quí vị và xin hẹn gặp lại quí khán giả trong chương trình tuần tới của Hồn Việt Television.


CHỮ NGHĨA CHÚNG TA


NHỮNG BÀI THƠ CỦA THỜI ÐẠI QUÁI ÐẢN

DELETE

Anh muốn delete nụ cười ấy

Anh muốn delete đôi mắt ấy

Anh muốn delete tiếng nói ấy

Anh muốn delete mùi nước hoa ấy

Anh muốn delete cái số điện thoại ấy

Anh muốn delete buổi chiều ấy

Buổi sáng ấy, mùi bàn tay ấy, mùi mái tóc ấy, cái ngày hôm ấy

Anh muốn delete em

Và tất cả những thứ kể trên

Delete những điều anh đã nói với em và em đã nói với anh

Nhưng cái computer của anh cứ hiện ra câu hỏi ấm ớ

Rằng anh có thực sự muốn delete những thứ ấy không

Và mặc dù anh đã trả lời là "CÓ" cả mấy chục, mấy trăm lần rằng anh muốn, rằng anh rất muốn delete chúng vĩnh viễn, mãi mãi, delete chúng cho hết luôn, cho chúng đi khuất mắt

Xóa chúng ra khỏi cái đĩa cứng ấy

Bỏ chúng vào sọt rác, trả lời "CÓ" cho tất cả những câu hỏi ấm ớ đó

Vậy mà chúng cứ vẫn ở lại, vẫn còn nguyên ở đó, và lại hiện ra trên màn hình của cái computer khốn khổ khốn nạn này

Trong buổi chiều hôm nay.

Tại sao anh không thể delete em được.

Ðể cái computer và bộ nhớ khốn nạn của nó

Vẫn làm khổ anh như chiều hôm nay.

EM SẼ KHÔNG CÓ TÊN TRONG TRANG CÁO PHÓ

Anh biết sẽ không có tên em trong trang cáo phó, ở cuối cùng của đoạn tin buồn

Mặc dù trang cáo phó sẽ đầy đủ tên của lũ em, của lũ con, của những đứa cháu nội và ngoại của anh

Nhưng tên em thì sẽ không có.

Bởi lũ con anh, cùng với mấy đứa em

Thì lại không biết.

Mà anh thì lúc ấy cũng lại không còn ở đó

Ðể viết xuống cái tên của em. Cái tên anh đã gọi suốt trong bao nhiêu năm và bao nhiêu tháng

Cùng với những ngày mưa, và những ngày nắng

Cùng với cả cái ngày đầu tiên khi chúng ta gặp nhau vài chục năm trước.

Những tháng, những năm anh đem em theo suốt bao nhiêu con đường, bao nhiêu thành phố, bao nhiêu đoạn của đời sống anh đã sống.

Lũ em của anh, và lũ con và cháu anh thì cũng lại càng không biết.

Anh biết tên em sẽ không có trong trang cáo phó

Em vẫn như một kẻ đứng ngoài

Nhưng với anh, thì em đã ở trong tim óc của anh suốt bằng ấy năm, bằng ấy tháng

Và bây giờ, em không có tên trong trang cáo phó

Cáo phó chỉ viết cái tên và cái số năm anh ở trong cuộc đời.

Không ghi lại những tháng, những năm anh có em. Quả thật là những con số vô tình.

Anh biết em sẽ có mặt ở nhà quàn

Nhưng em sẽ không quấn được một chiếc khăn trắng

Mặc dù em vẫn đứng đó

Anh thì không thể ngồi dậy nắm lấy tay em vĩnh biệt

Nhưng anh biết em sẽ có ở đó

Hãy ném cho anh một cục đất, ném cho anh một bông hoa, hãy đứng ở góc chờ cho anh đi khuất

Em sẽ không có tên ở trang chia buồn của mấy người bạn.

Em sẽ không được chia buồn

Em sẽ không có tên trong trang cáo phó

Anh sẽ buồn biết là bao nhiêu

Và như thế thì làm sao mà phiêu diêu nơi miền cực lạc được!

NOT AVAILABLE

Khi anh gọi thử cái số điện thoại ấy

Thì một giọng lạ hoắc đã trả lời

Anh nào muốn nói chuyện với cái giọng ấy

Như vậy là cái số ấy đã không còn là của em nữa

Em đã bỏ đi

Em đã không dùng cái số ấy

Cái Area Code ấy, những con số chẵn lẻ ấy

Những con số nhiều lần anh gọi cho em trước kia bao giờ cũng nói là em không available

Trong khi chỉ vài phút trước em còn nói chuyện với anh

Không available là không available hay available mà không available?

Anh vẫn nghĩ là em vẫn còn available

Hay anh là người tẩn mẩn hay nghĩ vớ vẩn

Bây giờ, cái tiếng nghe lạ hoắc ấy trả lời anh

Thì ra anh gọi lộn số.

Em thì vẫn available

Anh mong như vậy

CÁI QUẦN LÓT

Cuối cùng thì anh phải bỏ nó vào thùng rác

Nó đi theo anh cũng đã cả hơn mười năm

Nó là cái quần lót cuối cùng trong số những cái em mua cho anh trước khi em bỏ đi

Bây giờ thì nó đã thê thảm lắm

Anh thì làm gì biết vá may, khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa

Ðơm cái nút áo còn vụng thiu vụng thối

Mà nó nào phải là cái áo để anh đem bỏ cành hoa sen

Ðể may ra một "chị" nào thương tình mang về khâu chỗ sứt chỉ, rồi từ đó dẫn đến cả chục chuyện khác

Cái quần lót chẳng đẹp đẽ gì

Anh, dẫu can đảm và liều lĩnh lắm, cũng chẳng bao giờ dám mặc nó ra đến ngoài cửa

Nhưng nó đi theo anh được đến cả mười năm

Cùng với cả gần hai chục chiếc quần khác để thay đổi nên nó mới còn "sống" được đến ngày hôm nay

Mặc dù nó đã rách tệ hại

Mỗi lần mặc nó là anh lại nhớ em

Nhớ em ngồi gấp nó sau những lần giặt giũ

Trước khi gấp nó, lại còn cẩn thận lộn trong ra ngoài

Như những chiếc áo lót và những chiếc bít tất

Anh thì cứ để trong máy sấy lôi ra mặc dần

Khi hết quần áo trong máy sấy thì đem những thứ mới giặt chưa sấy bỏ sang

Vậy mà nó cũng ở với anh hơn mười năm

Từ miền đông sang miền tây

Sau khi quen biết thêm vài ba người khác

Nhưng cũng may, chẳng ai thèm hỏi nó của "đứa nào" cho anh như những chiếc ca vát, những chiếc sơ mi em mua cho anh.

Nó im lìm và âm thầm nên không bị xúc phạm, chê bai như những cái ca vát, hay những cái sơ mi khi những "đứa ấy" biết đó là những thứ em mua cho anh

Vì trong bóng tối lờ mờ, họ chẳng bao giờ trông thấy nó

Anh phải quăng nó đi

Không thể bỏ vào bao rác chờ xe của Salvation Army hay Purple Heart đến lấy đi

Anh không muốn nó ôm lấy một ông homeless nào

Dẫu sao thì anh cũng phải tôn trọng em một chút

Mặc dù em cũng sẽ chẳng bao giờ biết điều đó

Không, thật đấy, anh không còn yêu em nữa, cũng như em cũng không còn yêu anh nữa, nhưng anh vẫn còn tôn trọng em

Nên anh quăng cái quần lót cũ vào thùng rác.