July 15, 2010

July 16, 2010

Ngày 12 tháng 7 năm 2010

Bạn ta,

Chuyện "...tay bưng thúng nếp lên chùa / thắp hương lạy Phật xin bùa em đeo...", và sau khi xin được bùa, em đem cái bùa ấy về đeo ở cổ để thành một trong mười điều thương (điều thương thứ ba: "ba thương cổ yếm đeo bùa...") của những câu ca dao có thể sắp không còn chỉ là... ca dao nữa, mà sẽ là chuyện thật đến nơi. Chuyện bùa yêu thuốc dấu là có thật. Ðã đội gạo, lại còn yếm thắm mà bỏ bùa thì người bị bỏ bùa rất khó sống. Ca dao đã nói vậy. Ít ra là phải "ốm lăn ốm lóc", "dạ sầu" "ruột héo như bầu đứt dây..." Bùa có thật.

Thực ra, ngay từ bây giờ, với 1/10 ounce Falling In Love do công ty Philosophy Cosmetics chế tạo và bán với giá $60, người ta có thể gia tăng được khả năng hấp dẫn của mình lên rất nhiều, để những kẻ đứng gần, sau khi phát hiện ra những phân tử pheromones mà Falling In Love phát ra và cho lượn lờ bay chung quanh, sẽ đi theo, quấn sát lấy người xức Falling In Love như một con chó con bám chủ ngay. Pheromones, những phân tử không mùi vị giống như một hóa chất do cơ thể con người phát ra. là chất mà theo các khoa học gia, làm cho người này hấp dẫn người khác. Nó là thủ phạm gây ra đủ mọi chuyện vui và rắc rối trong đời sống này.

Những nghiên cứu mới của khoa học cho thấy tình yêu lãng mạn, trước đây vẫn được coi là những "đặc sản" của các nhà thơ, các nhà văn, các phim ảnh sướt mướt ướt mấy cái khăn mùi xoa (five-hankie movie), thực ra lại là sản phẩm của cả tình cảm con người lẫn những hóa chất mà cơ thể con người phát ra. Công ty Philosophy Cosmetics cho biết sản phẩm Falling In Love của họ chỉ bắt chước những chất hóa học của con người và dựa trên những dữ kiện khoa học để chế ra sản phẩm của công ty mà thôi.

Pheromones có thể là giải thích cho những cú sấm sét - coup de foudre - chăng? Khoa học nói rằng mái tóc, đôi mắt, nụ cười, cái răng khểnh có thể làm phát sinh ra những phản ứng hóa học dây chuyền và đưa tới những chân tay lính quýnh, nói năng cà lăm lia lịa, hơi thở hào hển bất thường. Bất cứ cái gì có thể tái tạo được những phản ứng hóa học đó là bùa. Falling In Love, sản phẩm của Philosophy Cosmetics là bùa. Bùa làm cho chemistry tác động trở lại.

Và như vậy, những điều mà người ta vẫn tưởng là tin nhảm trước kia đều là tin... đúng cả. Thí dụ như khi ngồi ta nói the chemistry is gone, khi sự hấp dẫn không còn nữa, có thể là hai bên, hay một bên không tiết ra những pheromones nữa. Em không yêu anh nữa, anh không yêu em nữa, chúng ta không yêu nhau nữa vì mấy cái hóa chất trong người chúng ta nó không còn nữa vậy thôi. Không có con đĩ chó nào đứng giữa hai chúng ta hết.

Nhưng có thể chúng ta không còn phải phó mặc cho yếu tố hóa hoc tự nhiên trong người chi phối cuộc sống tình cảm của chúng ta nữa. Trong vòng 10 năm nữa, có thể sẽ có một thứ thuốc xịt vào mũi để giúp những trường hợp the chemistry is gone, theo giáo sư James H. Fallon, giáo sư đại học y khoa Irvine. Thứ thuốc này sẽ giúp gia tăng và củng cố tình yêu của những cặp yêu nhau.

Lúc đó, thế giới sẽ khác đi biết là bao nhiêu. Thay vì phải vài trăm bông hồng gửi đến nhà, vài chục bài thơ quăng vào cửa, vài đêm ôm đàn gào thét, rên rỉ dưới ban công nhà nàng hát hết vài chục bài Karaoke làm ô nhiễm không khí cả khu xóm, thì Romeo chỉ cần kiếm chai Falling In Love xịt vào người, rồi ưỡn ẹo qua lại trước mặt Juliet cho pheromones bay tới bay lui thì có mà cả họ nhà Capulet chạy ra chặn cũng không cản được cuộc tình của đôi trẻ.

Thế rồi khi cái chemistry giữa hai phía bắt đầu nhạt đi, yếu đi, thì đôi ta lại ra đầu đường kiếm một lọ thuốc xịt mũi. Tổng tượng sáng ra đầu tóc bù xù, răng chưa đánh, mặt chưa rửa, son phấn nhạt nhòa, mascara lem luốc, cái bụng bia chẩy gần xuống đầu gối, râu ria chưa cạo, hai bên đang ngán ngẩm chán ngán nhìn nhau ở bàn ăn sáng thì bỗng nhớ ra lọ thuốc xịt mũi vừa mua tối hôm trước, cả hai bên vùng dậy, chạy đi kiếm lọ thuốc xịt mũi, bơm nửa lọ vào mũi là lại có thể quay lại yêu nhau tưởng như chưa bao giờ yêu nhau như thế, và để cứ thế "nhìn nhau cũng đủ lãng quên đời". Cần quái gì phải "vai kề một mái thơ phong nguyệt". Ðôi ta cứ ngồi nguyên như thế ở trong bếp là cũng "hạnh phúc nhìn nhau mỉm miệng cười".

Không còn thấy sự cần thiết của những đêm trăng sáng bên bờ nước, gió thổi qua rặng liễu, phong thơ tình... ngây dại nữa. Không cần Shakespeare, Tagore, Lý Thương Ẩn, Ðinh Hùng, Nguyên Sa... tỏ tình hộ nữa. Cũng chẳng cần bất cứ một nỗ lực làm đẹp nào nữa. Có nhiêu xài nhiêu. Không nước hoa, không deodorant, không eau de Cologne gì hết. Cũng không quần áo đẹp làm gì cho phí tiền. Cứ chiến tranh hóa học chúng tôi dùng là đối phương chỉ từ chết tới trọng thương. Vẩy vài ba ounce Falling In Love lên người thì phía bên kia chỉ có bám theo cái áo da thú bò lết theo, chẳng cần tay cầm cái chầy vồ, tay túm lôi tóc về hang đá nữa.

Nhưng đó là khi muốn ở lại. Giả sử không muốn ở lại thì sao? Lúc ấy sẽ phải có những thứ thuốc để hóa giải tác dụng của pheromones. Cứ trang bị một bình thuốc giải bùa, trong uống ngoài xoa thì còn may ra. Chứ lúc ấy mà lôi The Gardener của Tagore như: "Free me from your spells..." (bài 48) hay "What call from the dark urges you? What awful incantation have you read among the stars in the sky, that with a sealed secret message the night entered your heart, silent and strange?" (bài 63) ra mà năn nỉ xin được giải thoát khỏi những bùa chú của... nó thì chắc chết vẫn hoàn chết, không chữa được.


Ngày 13 tháng 7 năm 2010

Bạn ta,

Phải lâu lắm, kể từ khi một tờ Playboy cũ gói trong một chiếc bao giấy lần đầu tiên được người bạn tốt bụng đưa lén cho mượn dưới gầm bàn, cho đến khi tôi có thể cầm đọc nó một cách công khai, và mỗi tháng, nhận được nó gửi đến tận nhà qua đường bưu điện.

Tờ báo của Hugh Hefner trong suốt mấy chục năm qua, đã dùng đủ mọi cách để thuyết phục mọi người rằng nó là tờ báo đáng để đọc, đều là những người bình thường, khỏe mạnh, lịch sự và tử tế. Tờ Playboy số nào cũng bỏ ra một trang để tự quảng cáo và đưa ra một thuyết phục về những độc giả của nó.

What Sort of Man Reads Playboy? Ðộc giả Playboy là người như thế nào? Câu trả lời là một bức ảnh chụp một người đàn ông đẹp trai, quần áo bảnh bao bên cạnh một phụ nữ rất trẻ và rất đẹp, và dưới bức ảnh những câu mà tờ báo đưa ra để phụ đề: đó là một người đàn ông biết sống, biết sống đẹp, biết hưởng thụ những thứ tốt đẹp trên đời, lợi tức thường niên trên trung bình, lái một chiếc xe hơi kiểu nào đó vân vân.

Người độc giả đích thực của tờ Playboy dĩ nhiên không bao giờ phải chờ nghe những câu quảng cáo thuyết phục đó. Người độc giả ấy không cần phải đọc xong những câu quảng cáo vẽ ra một mẫu người tốt đẹp như vậy rồi mới tưởng đó là mình, và chạy ào ra tiệm sách để mua tờ báo đem về đọc, để vẫn thấy cái xe đậu trước cửa chưa là cái Lamborghini, chưa phải là cái Alpha Romeo... và lương chưa ở mức 60 ngàn trở lên. Nhưng vẫn có rất nhiều người đọc tờ Playboy. Hơn 5 triệu người.

Người độc giả đích thực không cần làm những việc đó. Họ là những người tìm thấy những truyện ngắn, những bài viết của John Updike, Vladimir Nabokov, Tom Wolfe... trong những trang báo. Nhưng dường như tờ báo vẫn cần phải thuyết phục những người không đọc tờ báo này rằng tờ Playboy có rất nhiều bài đáng đọc, tờ báo tặng các độc giả mua dài hạn chiếc T-shirt có in hàng chữ: "I read Playboy for the articles!" như một lời giải thích chẳng phải vì những bức hình rất đẹp mà có tờ Playboy trong tay.

Tờ Playboy dần dần tạo được cho nó chỗ đứng xứng đáng. Những bài phỏng vấn của nó có được những người trả lời như Jimmy Carter, Henry Kissinger, Lech Walesa... những người ít ai trước đó có thể tưởng tượng sẽ để cho phái viên của tờ Playboy đến gần.

Ông cụ tôi mấy lần ghé thăm, thấy nó nằm trong đống báo chí của tôi cũng không nói gì. Cụ coi nó chỉ như những tờ National Geographic, Photography, Time, Newsweek, US News...

Tờ Playboy như vậy đã tiến vào được mainstream, được chấp nhận như một thứ báo tử tế.

Và người làm tờ báo này cũng có được phần nào nể trọng. Cách đây chừng vài ba tháng, tôi thấy một bức hí họa trên tờ The New Yorker. Bức hí họa vẽ một cặp vợ chồng đầy vẻ ưu tư ngồi nhìn đứa con trai dáng chừng 7 hay 8 tuổi gì đó đang đứng ngó ra ngoài cửa sổ, tay chắp sau lưng. Người chồng nói với người vợ bằng giọng đầy âu lo rằng hồi trước, đứa con của hai người chỉ ước ao lớn lên được làm Hugh Hefner, chủ nhiệm của tờ Playboy, nhưng bây giờ, tự nhiên nó đổi ý, chỉ muốn làm tổng thống Mỹ...

Làm tổng thống Mỹ mới nhiều trò vui chứ làm Hugh Hefner thì đã ăn thua gì. Ý nói Hugh Hefner và tờ báo của ông ta vẫn còn hiền lành chán. Tờ Playboy được coi là hiền hơn ông tổng thống Mỹ. Việc đứa bé muốn trở thành tổng thống Mỹ làm cha mẹ đứa bé lo âu nhiều hơn là khi nó muốn làm chủ nhiệm tờ Playboy.

Tờ Playboy đã trở thành một tờ báo đáng để đọc. Nó đã có thể được đọc một cách công khai mà người đọc không còn bị những phê phán vội vàng như trước kia nữa.

Nhưng có một điều mà tôi thấy rất lạ là khi tới thăm căn phòng con trai lớn của tôi ở Berkeley khi nó tốt nghiệp, tôi không thấy dấu tích tờ báo đó trong đống sách báo nó quăng ra thùng rác trước khi dọn khỏi nơi nó thuê để ở trong mấy năm học tại San Francisco.

Nó không có thì giờ đọc hay nó hiền quá? Bây giờ tôi tin là cả hai lý do đều đúng cả.


Ngày 14 tháng 7 năm 2010

Bạn ta,

Hồi còn ở căn nhà gần Ngã Sáu Sài Gòn, cạnh nhà tôi là một gia đình có bà mẹ xung khắc nặng với cô con gái tuổi chừng hai mươi mấy gì đó. Thỉnh thoảng không biết cô làm gì sai trái, cô lại bị mẹ la cho một trận nên thân.

Trong số những câu tôi nghe được và nhớ mãi, là câu đại khái nếu cụ biết sinh ra đứa con gái hư đốn như cô, thì thà cụ đẻ ra quả trứng, đem luộc lên ăn còn có lý hơn. Nhìn cô nhóng nhảnh, quần áo điệu bộ, son phấn thơm lừng và mặt mũi rất dễ nhìn đi ngang qua cửa nhà tôi mỗi buổi sáng, tôi thấy cụ không nên đẻ ra quả trứng để luộc ăn chút nào. Cụ không đẻ ra quả trứng coi bộ có vẻ có lý hơn nhiều. Cụ đẻ ra quả trứng là sai lầm biết bao nhiêu. Tôi vẫn tiếc không nói được với cô điều suy nghĩ đó trước ngày rời khỏi Việt Nam.

Nhưng nếu việc cụ ước ao đó - đẻ ra trái trứng - mà cụ có thể làm được một cách dễ dàng, thì cụ có nhiều cơ hội giầu to. Và nếu cụ lại là sinh viên của một trong tám đại học ở đông bắc Hoa Kỳ, các trường thường được gọi chung là Ivy League gồm Brown, Colombia, Cornell, Dartmouth, Harvard, Princeton, Yale và đại học Pennsylvania, thì cái trứng của cụ có thể đem lại cho cụ rất nhiều tiền. Cụ vừa khỏi phải đẻ ra cô con gái làm cụ bực mình, lại vừa có tiền trong khi còn giúp cho những cặp hiếm muộn.

Những cặp hiếm muộn này đăng báo kiếm mua trứng của các sinh viên theo học các trường Ivy League vì muốn những đứa con sinh ra từ những cái trứng đó sẽ trở thành những thần đồng học hành giỏi giang, thông minh nhờ cái giống tốt của các nữ sinh viên cung cấp trứng.

Nhưng có được trứng của các nữ sinh viên này không phải là dễ và rẻ tiền. Hiện vẫn chỉ có rất ít nữ sinh viên Ivy League chịu bán trứng. Và nếu họ chịu bán, thì không rẻ chút nào. Giá ít nhất là $3,500 và cao nhất là $10,000. Với vài chục ngàn quả trứng mà những người phụ nữ này có sẵn trong người, việc trở thành triệu phú không phải là chuyện khó làm. Không nên đem luộc lên như bà cụ hàng xóm của tôi bao giờ là thế.

Theo OPTIONS National Fertilities Registry, một văn phòng ở Los Angeles làm công việc trung gian giữa phía tìm mua trứng và phía có trứng, thì số người đăng quảng cáo kiếm trứng Ivy League đã tăng gấp đôi mỗi năm kể từ khi văn phòng này khởi sự hoạt động năm 1992.

Nhưng tại sao lại chỉ đi kiếm trứng mà không đi kiếm... thứ khác?

Có phải vì sự tin tưởng cho rằng đóng góp của người mẹ mới nhiều, mới là chính yếu, do đó mới cần phải đi kiếm trứng của nữ sinh viên Ivy League? Có phải vì đóng góp của người cha không quan trọng, nghĩa là bất cứ ai cũng có thể làm được, nên chỉ cần cái trứng Ivy League là đủ? Như vậy thì đau cho những người cha biết là bao nhiêu! Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống... là ở đâu?

Hay là vì đóng góp của người cha đã đủ đảm bảo rồi. nên chỉ cần cái trứng tốt là chắc chắn sau này đi thi, điểm SAT trên 1200, Intelligent Quotient (thương số thông minh) trên 140 điểm ngay? Nhưng tại sao lại thiếu tự tin như thế? Hai vợ chồng đã giỏi giang, tháo vát, tạo dựng lên cơ nghiệp để có đủ tiền mua mấy cái trứng sẵn sàng trả cả chục ngàn Mỹ kim thì cũng phải là người bảnh lắm rồi chứ. Thế thì tại sao không cứ cây nhà lá vườn, có nhiêu xài nhiêu, có gì dùng nấy cũng đã là ngon lành chán rồi không? Việc gì phải tự ti mặc cảm để phải đi kiếm mấy cái trứng Yale, Harvard, Princeton, Dartmouth... mà làm gì?

Mà đã chắc gì những đứa con sẽ SAT 1200 điểm, IQ trên 140 như chính các khoa học gia ở học viện y khoa và khoa học truyền giống thuộc trung tâm y khoa Saint Barnabas, Livingstone, New Jersey đã nói?

Nếu đã không có gì chắc chắn như thế thì làm sao đứa con sẽ có được những khả năng đặc biệt về ăn nói (nhiều), suy luận (một chiều), tính khí (gàn bướng) như ... bố cháu (?) ở nhà?

Mà cũng đã chắc gì chân cẳng được như Christie Brinkley, đồ đạc được như Raquel Welch, cái nốt ruồi, cái miệng, đôi mắt được như Cindy Crawford?

Không được, không nên đi kiếm Ivy League mà làm gì. Những đứa con trai và những đứa con gái sau khi đọc xong bản tin của AP về những vụ mua trứng Ivy League này nên làm ngay một việc, đó là chạy về nhà ôm lấy cha mẹ hôn mỗi người một cái và cám ơn cha mẹ không đi kiếm Ivy League trước đây. Bởi vì nếu cha mẹ chúng đã làm việc đó, biết đâu khi đứng trước gương, chúng lại thấy thấp thoáng hình ảnh cựu ngoại trưởng Henry Kissinger... trong gương thì sao?

Thì chán lắm chứ còn sao nữa.

Mà cũng cần cám ơn mẹ là đã không đẻ ra quả trứng luộc lên ăn nữa chứ. Ăn trứng nhiều cholesterole lắm. Không nên chút nào.


Ngày 15 tháng 7 năm 2010

Bạn ta,

Sản phẩm bạn tiên đoán nhất định sẽ phải có thì nay đã có rồi. Bản tin AP cho biết có thể vào mùa hè năm nay, Vasomax sẽ được cơ quan quản trị thực phẩm và dược phẩm của chính phủ liên bang cho phép bán ở Hoa Kỳ.

Người Mỹ, dân tộc khi uống thì uống instant coffee, khi ăn thì ăn fast food, khi chụp ảnh thì muốn có ảnh liền nên họ không muốn phải chờ đợi bao giờ. Cái gì cũng phải ngay lập tức, liền tức thì. Ðợi khổ lám. Ðợi gì cũng khổ. Cả những chuyện trước đây không ai khó chịu khi phải chờ, phải đợi thì nay cũng không ai muốn phải chờ đợi cả. Vasomax, những viên thuốc mầu trắng hình tam giác sắp được bán ở Hoa Kỳ sẽ giúp những thời gian chờ đợi được cắt ngắn đi đáng kể. Trong khi Viagra phải mất một tiếng đồng hồ mới có công hiệu thì nay, thời gian chờ cho Vasomax có hiệu quả sẽ chỉ còn từ 15 đến 30 phút. Vasomax nhanh hơn Viagra từ hai đến bốn lần. Mà trong những hoàn cảnh cần dùng tới Viagra, cắt ngắn được thời gian chờ đợi là điều hết sức cần thiết.

Bạn tưởng tượng coi, viên thuốc xanh, hình quả trám do Pfizer bào chế được chiêu với một ly nước lạnh, xong rồi còn phải ngồi chờ 60 phút sau mới thấy động tĩnh thì phiền lắm. Trong 60 phút ấy có biết bao nhiêu chuyện có thể xẩy ra để làm cho việc uống viên thuốc đó trở thành vô ích, không cần thiết nữa.

Thí dụ một cú điện thoại rủ phía bên kia đi shopping chẳng hạn. Hay một câu nói xóc hông, chọc ruột khiến viên Viagra đã tan vào trong ruột cũng không thể nào dẫn máu đi tới khu vực chỉ định, mà chạy ngược lên phía trên đầu, trên cổ để người nghe trào máu họng ra thì làm sao còn hiệu quả nữa. Biết bao nhiêu viên Viagra đã không hoàn tất chức năng trao phó chỉ vì thời gian chờ đợi quá lâu mà ra cả.

Cái "mood" quan trọng lắm. ...I am in the mood for love... như lời bài hát của Doris Day mà thuốc chưa chịu ngấm thì thua. Cảnh bắt nó nuốt viên thuốc, rồi ngồi xuống bên cạnh nó với cái đồng hồ, dẫu cho có là cái đồng hồ Rolex, thì cũng còn đâu là romantica nữa. A watched kettle never boils, đặt cái ấm nước lên lò bếp rồi ngồi canh chừng bên cạnh, chờ cho nó sôi thì còn lâu nó mới chịu sôi. Cũng như bụng đói mà cơm không chịu chín cho thì chán không thể tả được. Thỉnh thoảng Trạng Quỳnh nấu món mầm đá cho Chúa Trịnh ăn thì Chúa khen ngon, chứ hôm nào cũng nấu mầm đá, Chúa không được... "đá bèo", quay ra đá Trạng thì Trạng chỉ có chết.

Mà khi cái "mood" đi qua thì bao nhiêu toan tính của cả hai phía, phía bên dùng thuốc cũng như bên bắt phía bên dùng thuốc đều hỏng hết. Mười Mỹ kim. tiền mua viên Viagra bị tiêu phí, không làm được bất cứ một việc gì để giúp cho tình trạng sống chung hòa bình được cải thiện là như thế.

Viagra bắt chờ lâu quá. Và khi mức độ bất tiện do sự chờ đợi tạo ra lên đến mức không thể chịu được nữa, thì Vasomax xuất hiện. Nhu cầu đẻ ra Vasomax. Do công ty Zonagen ở Texas chế tạo, Vasomax đã được đem thí nghiệm tại Anh quốc và kết quả, theo tin của AP, rất đáng khích lệ trong việc giúp làm sống lại một bộ phận trên cơ thể người đàn ông hệt như thuốc Viagra, nhưng thời gian chờ đợi cho nó sống lại thì được cắt giảm đi đáng kể.

Như vậy, tuy chưa đánh bại được mì ăn liền, chưa được như instant coffee, chưa qua mặt được phim Polaroid, nhưng Vasomax cũng sẽ thay đổi được rất nhiều đời sống của nước Mỹ. Thời giờ phí phạm cho những sự chờ đợi được cắt giảm đi đáng kể. Người Mỹ sẽ có được thêm nhiều thì giờ để làm những việc khác có lý hơn, gia tăng được khả năng sản xuất, làm cho nền kinh tế phát triển thêm nữa.

Trung bình so với Viagra, loại thuốc mới tiết kiệm được từ nửa tiếng đến 45 phút. Có người tiết kiệm được mỗi tháng... nửa tiếng. Nhưng cũng có người mỗi ngày tiết kiệm được một tiếng rưỡi. Những người này có thể ra tiệm sách, kiếm quyển sách trong tủ sách Học Làm Người có nhan đề Sống Mỗi Ngày Lợi Ðược Một Giờ của Nguyễn Hiến Lê về để nghiên cứu cách làm giầu. Chẳng mấy chốc, nền kinh tế Mỹ sẽ lại thừa sức đánh bại các nước trong Liên Hiệp Âu Châu vừa hăm là với đồng Euro, các nước này sẽ đè bẹp nền kinh tế Mỹ.

Vậy nên Vasomax ra đời rất đúng lúc để cứu nền kinh tế Hoa Kỳ khỏi bị đồng Euro đe dọa.

Ai ngờ được những viên thuốc ấy lại làm được chuyện lớn như vậy. Người Mỹ sẽ rất siêng năng dùng loại dược phẩm mới này. Bởi lẽ làm sao mà cưỡng lại được, khi ly nước được đặt lên mặt bàn ngủ, viên thuốc được nhét vào tay, với cái lệnh ra bằng một giọng lạnh lùng: "Uống đi, để mà còn tiết kiệm thì giờ cho nước Mỹ. Hoa Kỳ có phát triển, có lớn mạnh được hay không là nhờ viên thuốc này đấy... Biết không hở? Hở? Hở? Uống nhanh lên còn giúp phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nước Mỹ!"


Ngày 21 tháng 10 năm 1999

Bạn ta,

Homo neanderthalensis, hay neanderthal, là giống người Âu châu tiền sử đã biến mất hoàn toàn khỏi mặt đất từ hơn 25 ngàn năm trước, chỉ để lại vài ba dấu tích mơ hồ ở một thung lũng gần Dusseldorf thuộc nước Ðức.

Tuy không có chứng tích rõ ràng cho thấy giống neanderthal có tiếp xúc với giống homo sapien, tức là giống người hiện nay, giống homo neanderthalensis vẫn bị giống homo sapien đổ cho đủ mọi chuyện xấu xa ghê rợn nhất trên đời.

Cứ nói đến neanderthal, là người ta nghĩ ngay tới hình ảnh của một sinh vật tiền sử lông lá đầy mình, khoác độc một mảnh da thú trên lưng, một tay cầm chiếc chầy bằng đá, một tay nắm tóc một sinh vật giống cái lôi xềnh xệch về hang. Lối nhìn đó không công bằng chút nào vì giống neanderthal không phải là giống duy nhất có lối dẫn vợ về nhà như thế, hơn nữa, nó còn không công bằng ở sự kiện giống neanderthal không còn có mặt để tự biện hộ trước những cáo buộc kinh khủng đó. Vì thế, giống neanderthal vẫn tiếp tục bị đổ thêm cho những chuyện khác không kém phần ghê khiếp. Trong tiếng Anh, neanderthal còn có nghĩa là một con người thô lậu, vụng về, thiếu văn minh, lịch sự.

Mới đây, một toán khảo cổ học Pháp Mỹ, dựa trên một số xương tìm thấy ở một hang đá tại Moula-Guercy ở miền nam nước Pháp, đã đi đến kết luận là giống neanderthal thỉnh thoảng cũng lôi nhau ra ăn cho đỡ buồn.

Các nhà khảo cổ cho biết đã tìm được trong chiếc hang đá ngó xuống sông Rhone một số xương hươu nai lẫn trong đống xương của sáu người(?) neanderthal, hai trẻ em, hai thiếu niên và hai người lớn.

Khi thấy tất cả những xương này đều có vết cắt tạo nên bởi cạnh sắc của những cục đá lửa, dụng cụ mà giống neanderthal biết cách chế tạo và sử dụng vào thời đó, các nhà khảo cổ cho là sáu người neanderthal này đã bị ăn thịt khoảng hơn 100 ngàn năm trước bởi các đồng loại. Các nhà khảo cổ này còn nói rằng sự kiện những xương người được tìm thấy cùng với xương hươu nai cho thấy người neanderthal ăn thịt nhau không phải là vì đói (vì đã có hươu nai để ăn), mà họ ăn thịt vì những lý do khác, có thể vì hận thù hay quá yêu mến những người bị ăn thịt. Nghĩa là ghét thì ăn cho bõ ghét, mà yêu thì ăn cho bõ yêu. Ðằng nào cũng là ăn thịt người cả.

Nhưng tại sao dám nói chắc rằng hễ cứ có những vết cắt đó là người neanderthal ăn thịt người, ăn thịt đồng loại?

Những bộ xương tìm thấy trong các hốc núi ở Nepal cũng có vết cắt của những ông lạt ma trong lễ thiên táng lóc thịt xác người chết cho kên kên ăn, một tục lệ vẫn còn phổ cập ở quốc gia trong vùng Hy Mã Lạp Sơn, có trở thành bằng cớ để các nhà khảo cổ học tuyên bố người Nepal ăn thịt người không?

Hay những bộ xương cháy chưa hết trong lễ hỏa táng của những người nghèo không có tiền mua củi để đốt, bị đẩy xuống sông Hằng cho cá ăn có trở thành chứng cớ là người Ấn ăn thịt người không?

Biết đâu những người neanderthal cũng có tục thiên táng (aerial burial) như người Nepal của thế kỷ 20 rồi nay, sau 100 ngàn năm, bị hiểu lầm và bị đổ cho tội ăn thịt người chỉ vì thờ thần sông nên không thể thủy táng, thờ thần lửa nên không hỏa táng, thờ thần đất nên không thổ táng, phải táng lên trời, thiên táng vào bụng kên kên?

Nhưng cho là có ăn thịt người thì cũng đâu phải là một cái tội xấu xa trong thời điểm của hơn 100 ngàn năm trước. Nhân loại rất văn minh của thế kỷ thứ 20 còn làm những chuyện kinh khiếp hơn là ăn thịt năm hay sáu người ở thung lũng sông Rhone rất nhiều lần. Thí dụ những lò thiêu người ở Auschwitz, ở Nassau, những mồ tập thể ở Huế, ở Kosovo, ở Căm Bốt, những vụ tàn sát diệt chủng ở Phi châu. Ít nhất những người neanderthal cũng giết để ăn, không giết để giải trí như homo sapien của thế kỷ 20. Neanderthal cũng như những con sư tử, báo, linh cẩu ở lâm viên Serengeti, giết để ăn, khác hẳn những người đi săn như Hemingway, săn thú chỉ để mang về cái đầu treo trên lò sưởi.

Người ta không lên án hay chống lại việc giết súc vật để ăn thịt, mà chỉ phản đối việc săn bắn để giải trí. Những người neanderthal ở cái hang ngó xuống sông Rhone không treo cái đầu đồng loại trong hang đá để triển lãm thành tích bao giờ. Có thể họ ăn vì quá thương yêu những người mà họ yêu quí nhất, không muốn những người ấy mãi mãi lìa xa họ và mất họ vĩnh viễn.

Ngày nay, thỉnh thoảng chúng ta cũng nói một câu tương tự như người neanderthal mấy chục ngàn năm trước chứ có không đâu. Thì như khi chúng ta nói Cindy Crawford hay Heidi Klum trông... ngon quá chẳng hạn.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 83)

Bản ghi chép do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 83 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 8 năm 2010.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

Tuần qua QA nhận được thư của một thính giả, ông Phạm Đình Bảng viết nhờ thầy Trúc HELP ông để ông hiểu hết về động từ này. QA nghĩ HELP đâu phải là một động từ rắc rối lắm đâu mà cần phải hỏi ông thầy.

BBT

HELP là một động từ qui tắc, REGULAR VERB nên muốn có PAST TENSE và PAST PARTICIPLE chúng ta chỉ cần thêm ED vào cuối là xong, đúng như QA nói. Nhưng nếu muốn rắc rối thì cũng có thể rắc rối được.

LÃM THÚY

Thúy cũng nghĩ như chị QA. Nhưng cũng như các chuyện khác trong đời sống, muốn rắc rối là có rắc rối ngay.

BBT

Trước hết, để tôi nói về cách dùng của TO HELP. Sau động từ này, chúng ta có thể dùng GERUND, tức là một danh động từ tạo thành bởi VERB+ING. Thí dụ HE HELPED ME CHANGING THE TIRE. Hay chúng ta cũng có thể dùng một động từ nguyên mẫu INFINITIVE mà ý nghĩa không khác gì câu trên: HE HELPED ME TO CHANGE THE TIRE. Cô QA nói rằng HELP không rắc rối thì cho nghe hai thí dụ với GERUND và INFINITIVE coi.

QA

THE U.S. IS HELPING HAITI REBUILDING PORT-AU-PRINCE.

THE U.S. IS HELPING HAITI TO REBUILD PORT-AU-PRINCE.

BBT

Cám ơn cô QA. Bây giờ đến lượt Lãm Thúy.

LÃM THÚY

CAN YOU HELP ME SETTING THE TABLE FOR DINNER?

CAN YOU HELP ME TO SET THE TABLE FOR DINNER?

BBT

HELP có khi là danh từ, nghĩa là sự giúp đỡ. YOU ARE A GREAT HELP. Câu này cũng có thể là một câu nói mỉa mai, cay cú khi nói bằng giọng mỉa mai và cay cú: YOU ARE REALLY SUCH A GREAT HELP INDEED!

QA

Có nhiều lần khi vào những cửa tiệm ở đây , QA cứ bị mấy ông bà SALESPERSONS hỏi CAN I HELP YOU? MAY I HELP YOU? CAN I BE OF ANY HELP TO YOU? làm QA mất hẳn cái thú đi WINDOW SHOPPING một mình. Trong những trường hợp đó, QA phải trả lời thế nào?

LÃM THÚY

Thì chị cứ trả lời NO là xong chứ cần gì phải dài dòng nữa!

BBT

Cũng được. Nhưng muốn dài dòng thì nói: NO THANKS, I AM JUST LOOKING… NO, THANK YOU, I HAVE BEEN HELPED… NO, THANK YOU, I JUST WANT TO LOOK AROUND FIRST… NO, THANK YOU, DON’T WORRY ABOUT ME, I AM OKAY

Đó là không cần đến sự giúp đỡ của các nhân viên của cơ sở thương mại. Thế còn HELP WANTED là gì cô Thúy?

LÃM THÚY

Thúy biết hai chữ này vì mấy tháng trước, Thúy bận vài chuyện nên phải treo cái bảng HELP WANTED ngoài cửa tiệm. Trong có nửa tiếng Thúy tìm được người giúp coi cửa tiệm ngay. HELP WANTED là cần người giúp việc. Hạnh phúc, theo Thúy, là không phải mở trang HELP WANTED trong báo ra đọc mỗi sáng.

QA

QA thấy chữ này: HELPER nghĩa là gì thưa anh?

BBT

HELPER là người giúp chúng ta một chuyện gì đó. Đọc trang kiếm người làm việc chắc cô QA phải đã thấy chữ này: KITCHEN HELPER. Thế thì KITCHEN HELPER nghĩa là gì?

QA

Là người phụ bếp, không phải là bếp chính. Gọi là HELPING HAND được không thưa anh?

BBT

Được. Nhưng HELPING HAND có nghĩa rộng hơn. KITCHEN HELP là người phụ bếp. Khi nói tôi cần giúp một tay thì nói thế này: I NEED A HELPING HAND FOR THIS JOB. Trong một ca khúc của JIM REEVES, bài I LOVE YOU BECAUSE có câu EVERY SINGLE THING I TRY TO DO, YOU ARE ALWAYS THERE WITH A HELPING HAND, DEAR. HELPING HAND đây là một bàn tay đưa ra để giúp đỡ ai làm một chuyện gì đó.

Khi có người giúp chúng ta, chúng ta nói thế nào để cám ơn sự giúp đỡ đó? Cô Thúy…

LÃM THÚY

THANK YOU… YOU ARE VERY HELPFUL. Câu này Thúy học của con gái khi nó nói qua điện thoại. Thúy biết HELPFUL là tĩnh từ, là có ích. Trái với HELPFUL là HELPLESS phải không thưa anh?

BBT

Thường thì là như thế, trái với FUL là LESS. Trong Anh ngữ, chúng ta có thể lấy một danh từ, thêm cái đuôi FUL vào là thành tĩnh từ, nghĩa là có nhiều cái đó. Thí dụ USE là công dụng. Nhiều công dụng hay có ích, dùng được vào nhiều việc là USEFUL. Trái với FUL là LESS nên USELESS là vô ích, không giúp được gì hết. Trước khi nói tiếp về HELPFUL, cô QA cho nghe hai tĩnh từ tạo thành từ danh từ có cái đuôi FUL và LESS coi.

QA

JOY thành JOYFULL, thành JOYLESS.

LÃM THÚY

Nhưng chắc không phải tất cả đều như JOYFUL, JOYLESS, USEFUL và USELESS. Thúy thấy như THANKFUL là biết ơn. THANKLESS là vô bổ, vô ích, không có lợi ích gì hết chứ không phải là không biết ơn, phải không anh?

BBT

Đúng vậy. I AM THANKFUL FOR WHAT HE DID TO ME là tôi rất biết ơn những gì anh ấy làm cho tôi. Nhưng A THANKLESS JOB là một công việc vô bổ, không có lợi ích gì, không ai thèm ban cho một câu cám ơn.

Trở lại với HELPFUL và HELPLESS mà Thúy nêu ra. HELPFUL là có ích, cũng có cùng nghĩa như USEFUL. Lenin gọi những trí thức Tây phương theo Cộng sản là USEFUL IDIOTS.

Nhưng HELPLESS thì lại có nghĩa khác. Đứa bé mới ra đời, không được mẹ cho ăn, cho mặc thì không làm sao sống được. NEW BORN BABIES ARE HELPLESS. SOMETIMES I FEEL SO HELPLESS.

QA

Có chữ này, QA nghe một lần, không hiểu nghĩa là gì, tra tự điển không thấy: SECOND HELPING.

BBT

Chắc cô nghe tại một bữa tiệc, bàn tiệc phải không? SECOND HELPING là lấy thức ăn lần thứ hai. Chủ nhà có thể nhắc khách ở bàn tiệc : THERE IS ENOUGH FOOD FOR A SECOND HELPING. Muốn hỏi chủ nhà lấy thêm một đĩa nữa thì QA nói thế nào?

QA

CAN I HAVE A SECOND HELPING?

BBT

Danh từ HELPING như trong câu THE HOSTESS GAVE ME A HUGE HELPING nghĩa là bà chủ nhà lấy cho tôi một phần ăn ê hề, tú hụ.

Xong rồi bà chủ nhà còn nhắc PLEASE HELP YOUSELF TO SOME SALAD TOO.

HELP YOURSELF là cứ tự tiện, cứ tự nhiên, lấy thêm thức ăn. HELP YOURSELF là tự giúp lấy chính mình. Lãm Thúy nói bằng tiếng Anh câu này coi: Ông Trời giúp ai tự giúp mình.

LÃM THÚY

GOD WILL HELP YOU IF YOU HELP YOURSELF. Câu này mẹ của Thúy hay nói với con cái ở nhà lắm. Thúy nói vậy có đúng không?

BBT

Đúng thì có đúng. Văn phạm không sai ở đâu. Nhưng câu tục ngữ tiếng Anh thì nguyên văn thế này: GOD HELPS THEM THAT HELP THEMSELVES. Thế còn SELF HELP là gì nào QA?

QA

SELF HELP là tự mình làm lấy. Thí dụ ra Home Depot mua gỗ về đóng lấy cái bàn. Em trai của QA có mấy cuốn SELF HELP để tự đóng lấy đồ đạc, sửa nhà.

BBT

Đúng vậy. Những người khéo tay, thích làm lấy cái bàn, cái tủ trong nhà được gọi chung là SELF HELPERS hay DO-IT-YOURSEVERS. Họ là khách hàng thường xuyên của HOME DEPOT như con trai của tôi vậy.

Bây giờ chúng ta bước qua một cách dùng khá đặc biệt của động từ HELP.

Trong lối nói này, động từ HELP luôn luôn đi với CAN trong thể phủ định là CANNOT hay nói ngắn lại là CAN’T. Đó là khi nói về một không thể làm bất cứ gì để thay đổi, cải thiện, để làm cho tình thế, cho chuyện tốt đẹp hơn. Trong trường hợp đó, chúng ta có câu I, YOU, HE, SHE, WE, THEY CAN’T HELP IT.

Thí dụ hai cô đi South Coast Plaza, thấy đôi giầy vừa ý quá. Vào xem, đi ra, quay trở lại, nghĩ nó phải hợp với chiếc áo ở nhà lắm. Ra xe, nổ máy, ngồi thừ ra, cuối cùng tắt máy, chạy vào tiệm, đưa cái thẻ plastic ra cà, mang đôi giầy về mới yên tâm để về nhà. Mua xong, chủ đôi giầy phải tự nói với mình như thế nào?

LÃM THÚY

I CAN’T HELP IT!

QA

Có thể nói CAN’T HELP IT là không nhịn được không thưa anh? Thí dụ đọc Anh Phải Sống của Khái Hưng, QA khóc quá là khóc. I CAN’T HELP IT. I CAN’T HELP CRYING được không ?

BBT

Được chứ. Thêm vào sau HELP một GERUND như QA là rất đúng chứ sao lại không! I CAN’T HELP LAUGHING. Thúy cho nghe mấy thí dụ với cách dặt câu như trên coi.

LÃM THÚY

I CAN’T HELP PICKING UP THAT CUTE LITTLE BABY.

HE CAN’T HELP BELIEVING WHAT SHE SAYS.

BBT

Chúng ta cũng có thể nói CAN’T HELP BUT và sau đó là một động từ nguyên mẫu không có TO (INFINITIVE WITHOUT TO) cũng để diễn tả ý nghĩa không có một lựa chọn nào khác hơn là, hay không thể làm gì khác ngoại trừ…

I CAN’T HELP LAUGHING đổi thành I CAN’T HELP BUT LAUGH. Hai câu này cùng nghĩa như nhau. QA đổi HE CAN’T HELP LISTENING TO HER TALKING ON THE PHONE thành CAN’T HELP BUT coi.

QA

HE CAN’T HELP LISTENING TO HER TALKING ON THE PHONE

HE CAN’T HELP BUT LISTEN TO HER TALKING ON THE PHONE

BBT

Dĩ nhiên để nói về những chuyện trong quá khứ, chúng ta dùng COULD NOT hay nói ngắn lại thành COULDN’T. Thúy cho nghe thử hai câu với COULDN’T HELP đi.

LÃM THÚY

WHEN I SAW HIM WITH HIS NEW HAIR CUT, I COULDN’T HELP LAUGHING hay I COULDN’T HELP BUT LAUGH.

I FOUND OUT WHAT HE SAID AND COULDN’T HELP GETTING REALY MAD AT HIM.

I FOUD OUT WHAT HE SAID AND COULDN’T HELP BUT GET MAD AT HIM.

BBT

Còn cô QA?

QA

I COULDN’T HELP NOTICING THE RING ON HER FINGER.

I COULDN’T HELP BUT NOTICE THE RING ON HER FINGER.

THEY COULDN’T HELP SHOUTING OUT AT HIM AT THE AIRPORT.

THEY COULDN’T HELP BUT SHOUT OUT AT HIM AT THE AIRPORT.

BBT

Hai cô nhớ là cách dùng này không có thể xác định AFFIRMATIVE và cũng rất ít khi dùng trong thể hỏi. THUY CAN’T HELP LOOKING AT THE CLOCK. YOU CAN’T HELP BUT CHECK THE TIME. Tại sao vậy?

LÃM THÚY

I CAN’T HELP IT BECAUSE I HAVE TO GET HOME BEFORE SIX. I CAN’T HELP BUT BE HOME BEFORE SIX.

BBT

Muốn nhớ những cách dùng này, hai cô nên để trong xe CD của Elvis Presley với bài CAN’T HELP FALLING IN LOVE và CD của PATSY CLINE với bài I CAN’T HELP IT IF I’M STILL IN LOVE WiTH YOU nghe vừa mùi mẫn vừa khỏi quên cách dùng TO HELP mà chúng ta đề cập tới trong bài học ngày hôm nay.

Bài của Elvis Presley thì bắt đầu thế này: WISE MEN SAY , ONLY FOOLS RUSH IN. BUT I CAN’T HELP FALLING IN LOVE WITH YOU.

Bài của Patsy Cline thì có hai câu đầu: TODAY I PASSED YOU ON THE STREET AND MY HEART FELL AT YOUR FEET. I CAN’T HELP IT IF I’M STILL IN LOVE WITH YOU…

QA

Bài học Anh ngữ thứ 83 của chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television tạm chấm dứt ở đây. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin gửi lời chào tạm biệt quí vị.