Ngày 28 tháng 6 năm 2010
Bạn ta,
Đàn ông Mỹ là những người hiền hết sức. Tưởng tượng chỉ đổi đi vài ba chữ trong cái quảng cáo mà tôi thấy đăng đi đăng lại mấy tháng nay trên tờ Washington Post thì người ta không thể đoán được những chuyện gì có thể xẩy ra cho tờ báo này nữa.
Nhẹ thì chị em chúng tôi xuống đường kêu gọi 4-Không: không đọc, không mua, không nhắc, không đăng quảng cáo cho tờ Post. Nặng ra thì cả trăm xe cứu hỏa huy động từ Virginia, Maryland, Delaware cũng không cứu nổi tòa báo.
Mới đây nhất, trong số báo chủ nhật vừa qua, tôi lại trông thấy nó. Nó chiếm nguyên một trang. ở giữa trang là hình một con chó được đóng khung rất đẹp. Ngay dưới bức hình con chó, là dòng chữ này: Because your live-in boyfriend said, "me or the dog". Now you need a pet-friendly apartment.
Như thế là làm sao?
Thì bạn đọc lại, chầm chậm một chút là thấy ngay. Chỉ hai câu ngắn, chúng ta thấy bầy ra ngay một hoàn cảnh khá rõ: một cặp đang ở với nhau, nàng có con chó, nàng rất yêu con chó, người bạn trai đang sống chung với nàng thì không yêu chó. Có thể chàng bị dị ứng với lông chó. Có thể chàng không yêu mấy con bọ chó rất thân thiết với con chó. Có thể chàng không thích đắp chung cái chăn với con chó của nàng, mà con chó của nàng thì lại có một cái tật rất xấu, đó là cứ chờ chàng quay đi, là nó nhẩy lên giường của hai người, chui vào trong chăn nằm. Chàng mà quên tắm một bữa là bị nàng đuổi ra nằm phòng khách ngay, trong khi con chó vài ba tháng không tắm, không đánh răng rửa mặt, không vệ sinh cá nhân, không cuộn giấy tròn treo trong căn phòng nhỏ, không deodorant bao giờ, thì nó không hề bị đuổi ra phòng khách nằm bao giờ. Chàng rất yêu nàng, nhưng chàng không thể đem quả tim trao luôn cho cả con chó của nàng. Chàng cũng không muốn chia nàng với con chó. Nhưng chàng tưởng chàng ngon lắm. Bề gì cũng đi... hai chân như nàng, cũng văn học nghệ thuật, cũng làm cho nàng cười, làm cho nàng khóc, chàng lại còn làm cho nàng cảm thấy được là một người đàn bà đích thực. Nên khi chịu hết nổi cảnh sống chung hòa bình với con chó, chàng hạ một tối hậu thư với nàng: "Me or the dog". Em hãy có một quyết định, hãy làm một hành động lựa chọn: anh hay con chó.
Chàng tin là nàng sẽ hỏi thăm, kiếm một tay chuyên chả chìa và rựa mận, gọi tới, nhờ đem con chó đi để hôm sau, trong căn apartment của hai người sẽ vang lừng mùi hương nhục, thứ thịt ăn xong, hai ba ngày sau, moi kẽ răng ra vẫn còn thơm. Và hai người sẽ ăn đời ở kiếp với nhau, hạnh phúc bán sale không hết, con chó dễ ghét sẽ không còn lạng quạng trong đời chàng nữa.
Trong tất cả những điều chàng mơ ước vừa kể trên, có được một điều đúng: con chó dễ ghét sẽ không còn trong đời chàng. Nàng đi kiếm một cái apartment khác, cái thứ apartment chịu cho nàng nuôi chó để nàng và chó dọn tới, cho chàng ở lại một mình, không bị con chó phá quấy đời tư nữa.
Me or the dog. Hãy chọn đi, hãy chọn anh hay con chó của em. Có anh thì không có chó. Có chó thì không có anh. Nàng lập tức có ngay quyết định. Nàng làm một sự lựa chọn rất nhanh. Con chó được đưa lên ưu tiên hàng đầu. Ðời sống của nàng không thể không có con chó. Nhưng không có chàng thì đời nàng cũng chẳng sao hết. Nàng đi kiếm apartment mới để ở với con chó.
Câu tục ngữ Ăng lê "Love me, love my dog" chàng quên không đem ra áp dụng. Ðáng lẽ yêu nàng, chàng phải yêu luôn con chó của nàng, yêu cả đường đi của nàng, và ghét nàng thì hãy ghét cả tông chi họ hàng nhà nàng. Chàng đánh một trận đánh ngược lên đồi để định đẩy con chó ra khỏi vị trí chiến lược, trận đánh chàng nắm chắc phần thua nên chàng bị xù là phải.
Quảng cáo viết thật lạ. Thay vì viết "Pets and kids OK" như chúng ta đã đọc được bao nhiêu lần trong những quảng cáo cho thuê mướn nhà cửa, thì tờ Post đã viết cái quảng cáo như trên cho địa chỉ dịch vụ kiếm nhà trên Internet. Ðọc qua là thấy ra bao nhiêu chuyện, là thấy cách ứng xử trong đời sống có những lối bất ngờ như vậy.
Nhưng viết một cái quảng cáo cho dịch vụ kiếm nhà, kiếm apartment mà cũng phải bầy ra một thái độ ghê khiếp như thế sao? Giữa hai thứ, chọn lấy con chó, quăng người bạn ra đường ư?
Chuyện ngoài đời, trong cuộc sống thực của chúng ta có thể không phải lúc nào những lựa chọn cũng như vậy. Nhưng điều đọc thấy trong cái quảng cáo, nếu Freud đúng, cho thấy có rất nhiều sự sai lầm, không đúng, không tốt đẹp trong liên hệ giữa con người với nhau của người viết quảng cáo cũng như những người đọc cái quảng cáo đó mà không có thái độ.
Người viết quảng cáo có nhiều phần là một phụ nữ. Sự thù hận, khinh bỉ, ghét bỏ đàn ông của ngồi viết được thấy rất rõ. Người viết sẵn sàng từ bỏ, quăng đi một liên hệ với người (đàn ông) để giữ liên hệ với một con vật. Liên hệ người với người của nàng nhất định phải không tốt. Ðó là điều đáng tiếc, nếu không muốn nói là đáng lo ngại.
Nhưng nếu quảng cáo này được viết để cho người đàn ông lựa con chó thay vì lựa liên hệ với một phụ nữ thì sao? Thì sẽ xuống đường biểu tình, lăn xuống đất ăn vạ, giẫy lên đành đạch như đỉa phải vôi, hét ầm lên rằng quảng cáo sexist, độc ác, không thân thiện với phụ nữ....
Nếu không thì người viết phải là một nhà chính trị, đã quá chán ngán các sinh hoạt chính trị ở thủ đô nốc Mỹ, và phải quay lại với lời khuyên của tổng thống thứ 33 của nước Mỹ, ông Harry S. Truman. Ông Truman nói: "In Washington, if you need a friend, get a dog". ở thủ đô Mỹ, nếu cần bạn, thì kiếm con chó về mà nuôi.
Người viết đoạn quảng cáo không cần một người bạn, chỉ cần có bạn mà thôi. Mong sao nàng tim được con chó có nhiều nét người và người bạn có nhiều chất chó mà chơi.
Tôi thì rất thích chó. Nấu kiểu nào cũng được cả.
Ngày 29 tháng 6 năm 2010
Bạn ta,
Từ bao nhiêu năm nay, tôi vẫn nghĩ, một cách sai lầm và nguy hiểm, rằng những câu hỏi mà vị mục sư hay linh mục chủ lễ đặt ra cho người đàn ông và người đàn bà trước khi tuyên bố hai người là vợ chồng, chỉ là những câu hỏi có tính cách hình thức, hỏi để cho có hỏi, và trả lời cũng để cho có trả lời mà thôi. Ai chẳng nghĩ rằng những câu trả lời cho những câu hỏi đó đã có từ lâu, từ rất lâu rồi chứ có khi nào cả hai đợi cho đến lúc dẫn nhau ra đứng trước bàn thờ mới nghĩ coi có hay không bao giờ đâu.
Phải "I do... I do... I do..." từ lúc người đàn ông hỏi xin cái bàn tay có những cái móng rất nhọn và rất sắc, với lớp sơn mầu rất đỏ ấy. Và người đàn bà cũng thế, từ lúc nhận lời tặng người đàn ông cái bàn tay có những cái móng rất nhọn và rất sắc, với lớp sơn mầu rất đỏ ấy của mình. Cả hai đều có sẵn những câu trả lời cho những câu hỏi như có thương yêu, bảo bọc, chăm sóc, vâng lời, trung thành, có bên này sợ bên kia như sợ cọp cái, bên kia chỉ coi bên này như cọp... giấy, trong những lúc giầu sang phú quý cũng như lúc nghèo khó, trong những lúc khỏe mạnh và luôn cả những lúc ốm đau sầu não... cho đến khi cái chết chia cắt chúng ta không?
Những câu trả lời cho những câu hỏi đó thường là "có". Nhưng trả lời "Có" rồi sau đó vẫn có những trường hợp vi phạm, những trường hợp nghĩ lại, những trường hợp không tôn trọng những lời hứa, những cam kết như thường. Bởi thế mới trở thành chuyện hỏi cho có lệ và trả lời cho có lệ.
Vậy mà vẫn có người coi những câu hỏi, những câu trả lời đó là nghiêm trọng lắm, không phải là chuyện đùa bao giờ.
Tôi tin ít nhất cũng có hai người như vậy, đó là cặp tân hôn trong bản tin của Associated Press mà tôi đọc được hôm qua.
Người đàn ông tên là Rafael Pittman. Người phụ nữ tên là Shelly. Thứ bẩy tuần trước, hôm 18 tháng 7, hai người ra nhà thờ ở Boston để làm đám cưới. Trong khi chờ cô dâu Shelly tới, chú rể Rafael hốt hoảng té xỉu ngay trước bàn thờ. Phái viên của thông tấn xã AP mô tả Rafael là hốt hoảng: "A jittery bridegroom..." Nhà báo nói thì phải đúng. Rafael hốt hoảng đến nỗi té xỉu.
Tại nhà thờ, trong lúc đứng chờ mục sư cử hành lễ cưới mà hốt hoảng thì nhất định không phải vì lo sợ tình hình kinh tế đang trong cơn khủng hoảng, đồng Yen của Nhật xuống giá, ảnh hưởng tới nền kinh tế Hoa Kỳ… Nhất định những chuyện đó, dẫu nghiêm trọng cách mấy, không thể làm cho Rafael hoảng hốt đến độ ngất xỉu.
Rafael đang lo những chuyện khác. Lo kiểu "đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh". Rafael lo những chuyện đang mai phục chờ chàng ở phía trước, ở ngay sau chuyến đi từ bàn thờ làm lễ cưới ra đến cửa trước của nhà thờ. Cuộc đời của chàng sẽ không bao giờ còn như trước nữa. Có lẽ đó mới là những điều khiến cho Rafael hoảng hốt.
Có thể chàng đang đứng đó, cặp nhẫn trong tay chú nhỏ ring bearer, người bạn phù rể ở cạnh, người nhạc sĩ phong cầm sửa soạn chơi bài Here Comes The Bride, ông mục sư đã mở sẵn cuốn thánh kinh đến đoạn dùng để đọc trong lễ cưới, họ hàng hai bên gia đình trong những bộ quần áo đẹp nhất ngồi đầy đủ trên những hàng ghế. Cô dâu Shelly có lẽ còn đang sửa lại chiếc vương miện lần cuối, kéo chiếc garter lên cao hơn trên đùi một chút...
Và chàng nghĩ đến những câu hỏi mà mục sư chủ lễ sắp hỏi chàng... "Do you Rafael Pittman promise to..." Rafael Pittman, cậu có hứa là sẽ thế này. thế kia với Shelly không... thì Rafael té xỉu.
Xe cứu thương được gọi đến. Chàng được vực ra xe. Shelly cũng vừa vặn đến. Shelly quyết không bỏ chàng... Câu hát trong bài hát cũ bỗng trở lại... "Do not forsake me oh my darling... On our wedding day... Wait... wait along..." Cưng ơi, đừng bỏ em một mình... trong ngày cưới của chúng ta... đợi chút... đợi chút... Et toi aussi, si tu m'abandonnes... chàng bỗng thành Gary Cooper, nàng bỗng thành Grace Kelly trong High Noon, cuốn phim cao bồi cổ điển.
Nàng nhẩy lên xe cứu thương. Mục sư Jason Sutton cũng nhào lên theo, tay cầm quyển thánh kinh. Xe chạy được một khúc thì Rafael tỉnh. Mục sư hỏi Rafael và Shelly những câu dùng để hỏi chú rể và cô dâu trong lễ thành hôn. Cả hai đưa ra những câu trả lời đúng như chờ đợi. Hai người đeo nhẫn cho nhau. Chú rể Rafael hôn cô dâu, rồi cho xe cứu thương quay trở lại nhà thờ. Cả hai lên xe limousine để chạy thẳng tới buổi tiếp tân cho kịp giờ.
Chưa gì hai người đã thực hiện xong lời cam kết sẽ yêu nhau trong lúc cả bệnh tật, đau yếu cũng như trong những lúc khỏe mạnh. Chàng đi theo nước, thiếp theo chàng. Chàng lên xe bông, thiếp lên theo đã đành. Chàng lên xe cứu thương, thiếp cũng đi theo, mời cả mục sư cầm quyển thánh kinh và cặp nhẫn lên theo. Chàng có mà chạy đằng trời.
Có lẽ thấy xỉu thì nàng gọi xe cứu thương. Lên xe cứu thương, nàng lên theo, không cách gì thoát nổi nên lên xe bông cho rồi chăng? Thôi thì chúng ta chúc "bình an dưới thế cho người thiện tâm" vậy chứ biết sao bây giờ.
Ngày 30 tháng 6 năm 2010
Bạn ta,
Ở nước Mỹ từ mấy chục năm nay, tôi nghĩ mình đã làm được nhiều thứ, vậy mà thỉnh thoảng vẫn thấy hình như có một vài chuyện chưa làm được. Tôi biết chắc như thế, vì cái cảm tưởng thiếu sót ấy thường xuyên ở trong đầu mình. Tôi không biết nó là cái gì, nhưng tôi vẫn tin còn một vài ba chuyện chưa làm được.
Vài ba chuyện chưa làm được ấy không phải là những chuyện khó mà nhiều người Mỹ khác cũng không làm được, chẳng hạn như bay một chuyến nữa lên không gian như thượng nghị sĩ John Glenn, hay làm một cuốn phim như Stephen Spielberg. Không, không phải những chuyện kinh khủng như thế. Vài ba chuyện nhỏ thôi, biết như thế mà vẫn không nghĩ vài ba cái chuyện nhỏ đó là chuyện gì.
Nhưng sáng nay thì tôi biết, sau khi đọc lá thư của một độc giả viết cho mục Dear Abby.
Cách đây mấy tuần, mục này có đăng bức thư của một phụ nữ than thở rằng chồng bà thỉnh thoảng lại ra trước cửa làm ướt cái sân cỏ một cái, bất kể bao nhiêu lần nàng phản đối. Abby trả lời rằng trò chơi đó là dấu tích còn sót lại từ tổ tiên loài vật của chúng ta, khi những con thú đực tìm cách khẳng định chủ quyền lãnh thổ của chúng bằng cách làm ướt một cái gốc cây, một tảng đá, một bụi rậm để những con khác biết mà không vi phạm lãnh thổ cũng như các phi tần mỹ nữ của chúng. Cách giải thích đầy nhục mạ đó đã được đông đảo độc giả hưởng ứng.
Nhưng bức thư mới ngày hôm qua mới là điều làm tôi kinh ngạc.
Bức thư nói rằng việc người đàn ông ra trước nhà làm ướt cái sân cỏ có thể là không thích đáng (inappropriate), nhưng sự thật là tất cả mọi người đàn ông đều làm chuyện đó ở chỗ lộ thiên, ở ngoài... it may be (inappropriate), but the fact remains that all men pee outdoors...
Vậy mà tôi cứ nghĩ là những người dân của cái quốc gia văn minh bậc nhất thiên hạ này không biết đến cái thú của những công dân có 4 ngàn năm văn hiến là chúng ta. Tôi tưởng chỉ có chúng ta mới làm công việc mang lại khoái lạc hạng tư ở ngoài đồng: "Thứ nhất quận công, thứ nhì ỉa đồng", rồi lại "Thứ nhất là đỗ thám hoa, thứ nhì lấy vợ, thứ ba ỉa đồng" chứ ở cái quốc gia mà nhà nào cũng có từ một cái nhà cầu trở lên lại vẫn có người cạnh tranh với loài chó trong việc làm ướt những cái gốc cây và những vòi nước cứu hỏa hay sao. Nhưng thực là như vậy.
Mà nghĩ lại, thì tại sao lại không, tại sao lại không mỗi ngày ra vườn sau làm ướt vườn một cái. Chỉ cần một cái một ngày thôi, nước Mỹ sẽ làm được những điều tốt đẹp không thể nói ra hết được, bạn biết là mỗi lần giật nước trong cầu, là hơn 2 gallon nước chẩy ra đường cống. Nếu 1 người mỗi ngày tiết kiệm được hơn 2 gallon nước, thì 1 năm, số lượng nước tiết kiệm sẽ là khoảng 1000 gallon. Nếu đàn ông ở nước Mỹ làm công việc đó, thì số nước tiết kiệm được mỗi năm là một con số hết sức lớn.
Trong khi đó, lượng nước mà những người này đổ xuống vườn, ngõ trước, sân sau sẽ giữ cho cây cỏ tươi tốt quanh năm. Ðó là một lối giải thích mà tôi nghe được ở đây. Mà cũng có lý vô cùng.
Ernest Hemingway, lúc sinh thời, khi còn sống ở Florida thường hay tới một quán rượu để gặp bạn bè. Tửu nhập tiểu xuất. Thỉnh thoảng tác giả của The Sun Also Rises lại chạy ra cái cây bên hông quán rượu... viết vài hàng. Cái cây đó nay vẫn còn. Chủ quán cẩn thận vây lại, đóng thêm cái bảng với hàng chữ "Papa peed here" cho du khách và độc giả ái mộ tới tìm lại dấu tích của Hemingway.
Ông Yeltsin hồi trước khi lên làm tổng thống Nga, trong một chuyến đi thăm Hoa Kỳ cũng làm ướt một khúc sân bay ở Washington.
Vậy mà hai ông vẫn là những người hết sức danh giá. Người thì Nobel Văn Chương, người thì làm tới tổng thống nước Nga. Vì thế nên đàn ông Mỹ có đái ngoài đường thì cũng có sao đâu.
Ðọc lá thơ rồi tôi mới biết niềm mơ ước thầm kín nhất của mình, điều mình vẫn chưa làm được từ khi sang Mỹ đến nay hóa ra người Mỹ làm đều đều mỗi ngày.
Nhưng mơ ước của tôi có hơi khác một chút. Tôi muốn thực hiện ở một chỗ khác, không ở ngoài đường, không trước nhà, sau vườn, nhưng mấy cái xổ số mua mãi chưa trúng nên vẫn chưa thực hiện được. Vẫn phải tới đó làm việc mỗi ngày đành chịu vậy.
Ngày 1 tháng 7 năm 2010
Bạn ta,
Ở Liên Hiệp Âu Châu đang bận rất nhiều công việc. Kế hoạch hợp nhất Âu châu để trở thành một đơn vị kinh tế trong cố gắng đối phó với Mỹ châu và Á châu là bận tâm hàng đầu của liên hiệp. Nhiều tiêu chuẩn khác cũng sẽ được đặt ra để giúp thống nhất các nước Âu châu thành một khối chặt chẽ hơn, hợp nhất hơn, hữu hiệu hơn. Thí dụ chocolat phải có bao nhiêu phần trăm cocoa, phó mát phải có những chất liệu gì ở trong, kích thước của nhà tiêu và nhà tiểu công cộng v.v... Người Thụy Sĩ sẽ không phải nhăn mặt khi nếm chocolat hay phó mát của Tây Ban Nha, của Anh và người du khách Ðức sẽ không ngỡ ngàng khi vào trong cái nhà cầu ở vùng Provence chẳng hạn...
Và mới đây, tại Evian-Les-Bains, một thị trấn nghỉ mát ở chân núi Alpes thuộc nước Pháp, người ta đã đem chiếc áo mưa ra thảo luận để đi tới những tiêu chuẩn về kích thước chung cho nó.
Bạn có thể yên trí không cần thắc mắc, đem đổi hay quăng đi chiếc áo mưa London Fog kiểu trench coat, double-breasted, khuy bằng da rất đẹp và đắt tiền, mặc vào trông không khác gì thanh tra Clouseau trong The Pink Panther mà bạn mua ở Harrods trong chuyến đi Luân Ðôn năm ngoái. Liên Hiệp Âu Châu sẽ không đòi bạn phải xuống gấu cho dài ra, hay nới cái lưng cho rộng thêm. Bạn nhất định không phải lo những chuyện đó. Cứ mùa thu này lôi nó ra mặc, đội thêm cái mũ bằng tweed, tay cầm cái tẩu Dunhill bằng gỗ thạch thảo…
Liên Hiệp Âu Châu không thắc mắc về cái áo mưa London Fog đó. Áo của bạn cỡ Large hay Extra Large, hay Medium, hay Small hay Extra Small thì Âu châu cũng kệ bạn.
Các chuyên gia ở Evian-Les-Bains sau khi họp với nhau đã đưa ra quyết định theo đó, kích thước của những chiếc áo mưa sản xuất tại Âu châu phải phản ảnh được sự đổi thay về kích thước của các công dân phái nam của Âu châu trong ba bốn mươi năm qua, nghĩa là phải thay đổi.
Tờ Brussels Eurocrats ấn hành tại thủ đô Bỉ đã cho biết như thế trong một số báo mới đây. Theo tờ báo này, khuyến nghị kể trên được đưa ra bởi ủy Ban Tiêu Chuẩn Âu Châu - European Committee on Standards. ủy Ban nói rằng các hãng sản xuất áo mưa nên điều chỉnh lại để sản xuất những chiếc áo mưa đúng với tiêu chuẩn mới của Âu châu. Những thứ đang được bầy bán tại Âu châu không còn đúng với tiêu chuẩn mới này nữa. Chiều dài của những chiếc áo mưa này là 16 cm, tức là 6.4 inches. ủy Ban Tiêu Chuẩn coi là ngắn. Theo tài liệu của ủy Ban, kích thước mới phải là 17 cm chiều dài (tức 6.8 inches) và 5.6 cm đường kính (2.3 inches) thì mới đúng với tiêu chuẩn của Âu châu.
Người ta có thể nghĩ Âu châu đã làm chuyện này trong nỗ lực đòi lại vai trò lãnh đạo của Âu châu trước hai cuộc thế chiến. Âu châu sau trận đệ nhất và đệ nhị thế chiến đã sa sút thảm hại. Gần đây, khi chiến tranh lạnh cáo chung, Âu châu càng bi thảm hơn. Nước Anh mà còn dám tự nhận là cường quốc ư? Luôn cả Pháp nữa. Hai nước này vẫn được cho tiếp tục giữ chức hội viên thường trực của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong khi Ấn Ðộ và Nhật thì không được quy chế hội viên thường trực là điều thậm vô lý. Rồi Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ... Các nước này mà hơn những quốc gia ở Mỹ châu La Tinh sao?
Việc làm của Liên Hiệp Âu Châu rất có thể là do từ mặc cảm tự ti mà ra. Biết là thua về nhiều lãnh vực khác, Âu châu bèn quay sang một chuyện kín đáo hơn, rồi tuyên bố Âu châu... hùng mạnh hơn các nước khác trên thế giới, cho nhân loại sợ cho bõ ghét.
Nhưng chỉ làm vài con tính người ta cũng thấy ngay là Âu châu nói... phét. Hoàn toàn không có chuyện... Âu châu đã gia tăng được chiều dài lên 1 cm trong ba mươi năm nay.
Bây giờ nếu chúng ta tạm công nhận là có chuyện đó, là Âu châu có gia tăng được 1 cm trong mấy thập niên, tức là mấy mươi năm trước đó, chiều dài là 15 cm... Cứ như thế, tính lùi lại, thì vào năm 1488, năm mà Lê Thánh Tông đang trị vì, một trong những giai đoạn hưng thịnh vào bậc nhất của lịch sử Việt Nam, thì Âu châu có chiều dài là một con số zero tổ bố. Và khi Kha Luân Bố tìm ra được Mỹ châu, thì chiều dài ở Âu châu cũng chỉ là một con số không. Qua tới khi người Âu mon men sang Việt Nam, thì các ông Tây thời đó mới chỉ 9 hay 10 cm là cùng.
Thế rồi nếu Âu châu giữ được đà tăng trưởng này, cứ mỗi ba mươi năm lên tăng thêm được 1 cm, thì đến năm 4488, ở Âu châu sẽ có giống người... lúc nào cũng "ba chân (?), bốn cẳng"" hay sao? Thế thì cái áo mưa lúc ấy sẽ cồng kềnh lắm. Ông già Darwin chết đã lâu chứ giả sử ông còn ở với chúng ta thì cách gì ông sống nổi sau khi nghe thuyết tiến hóa của ông được Liên Hiệp Âu Châu đem ra diễu chơi như thế này.
Tiến hóa gì mà nhanh thế hở mấy ông trong Liên Hiệp Âu Châu?
Hay là ủy Ban Tiêu Chuẩn Âu Châu đã lấy ý kiến của các phụ nữ Âu châu trước khi đưa ra khuyến cáo đó? Hay là Âu châu gồm toàn những cường quốc thứ thiệt cả?
Nhưng tôi vẫn thấy câu slogan quảng cáo của một hãng thuốc lá Mỹ dùng để quảng cáo cho thuốc King Size của họ là câu hay nhất và an ủi được nhiều người nhất: It's not how long you make it. It's how you make it long.
Chẳng sợ ông Âu châu nào hết. Cứ cái trench coat London Fog mua năm ngoái lôi ra mặc là đẹp chán... vẫn vừa như thường. One size fits all. Thơ... Hồ Xuân Hương dịch sang tiếng Anh đấy!
Ngày 2 tháng 7 năm 2010
Bạn ta,
Bạn hỏi tôi ghét ai nhất, tôi có thể nói ngay là tôi ghét các nhà làm tự điển nhất. Nhất là nhũng người viết những cuốn tự điển tôi có ở bàn làm việc và phải mỗi ngày gặp các vị này.
Thực ra nói ghét thì không đúng hẳn. Tôi cũng yêu họ lắm chứ. Tôi biết ơn các vị này rất nhiều vì những giúp đỡ của họ. Nhưng nhiều lúc thì cũng ghét họ không để đâu cho hết.
Bạn tưởng tượng cần đi gặp một người quen, sau khi lần mò mãi với tấm bản đồ, qua bao nhiêu con đường, rẽ phải, quẹo trái, trời thì tối, số nhà khó nhìn, tìm được đến nhà người bạn, gõ cái cửa hay bấm cái chuông thì được nghe, hay đọc một lời nhắn lại là người bạn đang ở một địa chỉ khác, cách đó vài con đường, đi tới đó mà gặp.
Bạn bực bội, quay ra xe, lại bắt đầu chuyến đi tìm một địa chỉ khác sau khi đã lặn lội đường xá xa xôi mất bao nhiêu thì giờ, chỉ để được biết là người bạn không có nhà. Nhưng ít ra, người bạn ấy không thể có mặt cùng một lúc ở hai địa chỉ. Chuyến đi tìm địa chỉ mới tuy gây bực bội nhưng người bạn không thể làm gì khác. Song nếu người bạn có thể có mặt ở cả hai nơi cùng một lúc nhưng vẫn bắt chúng ta tới địa chỉ kia mới cho gặp thì bực bội là phải. Ghét chàng cũng là có lý.
Và đó là trường hợp của những người soạn tự điển và việc làm rất khó chịu của họ. Chúng ta tới với các ông trong những lúc cần đến sự giúp đỡ của các ông nhất. Mà thường là những lúc "lửa tắt cơm sôi", những lúc cấp bách cần đến sự giúp đỡ càng nhanh càng tốt, thì các ông bước ra, bảo chúng ta đến một chỗ khác các ông sẽ giúp. Chúng ta lại phải chạy đôn chạy đáo đến một địa chỉ khác trong khi các ông có thể giúp chúng ta ngay lập tức, tại cái chỗ chúng ta vừa tìm đến sau khi mất bao nhiêu công sức đó.
Bạn tra một chữ, dò lần theo thứ tự ABC mãi mới kiếm ra được chữ ấy thì được cho biết đi kiếm một chữ khác vì chữ bạn vừa tìm được có nghĩa cùng với chữ kia, ở một trang khác.
Trò chơi này, ngay từ năm 1931, các cụ trong Hội Khai Trí Tiến Ðức khi soạn bộ Việt Nam Tự Ðiển đã bắt đầu biết chơi. Thí dụ ở trang 318 và 319, các cụ cho những người cần sự giúp đỡ của các cụ về vài cái định nghĩa chạy đôn đáo bao nhiêu chỗ khác nhau rồi cuối cùng các cụ mới chịu giúp.
Thí dụ bạn tìm được chữ "lờ lợ" thì các cụ không định nghĩa cho ngay mà bắt đi tìm chữ "lợ lợ" mới giúp. Ngay dưới đó, là chữ "lơi lả" thì các cụ chỉ cho đi kiếm chữ "lả lơi". Chữ "lỡi" thì phải đi kiếm chữ "lễ". Rồi "lơm" thì các cụ bảo xem "đơm". "Lờm lợm" đồng nghĩa vói "lợm lợm". "Lơn" thì phải kiếm "lan". "Lờn" phải tra "nhờn". "Lờn lợt" thì đi kiếm "lợt lợt" mà hỏi. "Lởn vởn" được cho biết là đồng nghĩa với "lảng vảng". "Lợp xợp" được cho biết là cùng nghĩa với "lớp xớp". "Lợt" đồng nghĩa với "nhợt" mà coi.
Những chữ ở cùng một vần, khác nhau cái dấu nặng hay dấu huyền thì còn dễ. Những chữ khác cả cách đánh vần của mẫu tự đầu thì mất thì giờ hơn. Người tra phải lật sang một vần khác mới được các cụ giúp chỉ bảo cho.
Tại sao các cụ không định nghĩa "lởn vởn" rồi cho biết là đồng nghĩa với "lảng vảng" và định nghĩa "lảng vảng" rồi ghi thêm là cùng nghĩa vói "lởn vởn"? Các cụ có biết cảnh đi tìm nhà, đến được căn nhà người bạn thì bị chỉ cho đi tìm ở một căn nhà khác khổ sở và bực bội đến chừng nào không? Trong đời các cụ, thế nào các cụ chẳng đã có lần gặp cảnh đó. Tại sao các cụ không hiểu là trò chơi của các cụ trong cuốn tự điển cũng độc ác hệt như trò đi kiếm nhà, đến nơi phải đi thêm một chỗ khác nữa? Người bị các cụ làm khổ nghi là các cụ, khi làm công việc đó, các cụ chỉ muốn gây khó dễ cho bọn hậu sinh cần đến sự giúp đỡ của các cụ. À chúng mày cần chúng tao thì chúng tao "đì" - xem chữ "làm khó" - cho chúng mày biết tay chúng tao... Các cụ chỉ lừa lừa có được dịp là các cụ bảo chúng ta đi chỗ khác chơi ngay lập tức, các cụ thật là ác.
Cụ Thiều Chửu cũng không tốt với bọn hậu sinh tìm sự giúp đỡ của cụ. Trong cuốn Hán Việt Tự Ðiển của cụ, cụ cũng thỉnh thoảng bắt bọn tra tự điển của cụ đi tới cái địa chỉ khác. Sau khi tìm ra bộ, đếm được số nét, kiếm được đúng cái chữ ấy, thì cụ quăng cho một chữ khác khoảng vài chục nét cho mà đi tìm để mở mang đầu óc. Thí dụ kiếm được chữ "dịch" ở trang 589 thì cụ bảo đi kiếm chữ khác; kiếm được chữ "hưu" ở trang 642 thì cụ chỉ đi kiếm chữ khác, chữ "ngan" ở trang 643 thì cụ cho biết chữ ấy cũng giống như một chữ khác; chữ "tráng" được cụ chỉ cho là như chữ... cố mà kiếm lấy.
Cụ Thiều Chửu và tất cả các cụ trong Hội Khai Trí Tiến Ðức chắc không còn cụ nào còn sống cho đến ngày nay. Chứ các cụ mà còn sống, lại sang đây, chui vào học một lớp English As A Second Language, đụng phải đúng giáo sư là bạn thì vui biết chừng nào.
Thí dụ các cụ hỏi "negativity" là gì, thì bạn cứ xin các cụ kiếm "negativeness" là ra ngay. hay "nurserymaid" thì chịu khó đi kiếm "nursemaid"; "pleat" là "plait"; "residua" là số nhiều của "residuum" ...
Cứ vậy cho đi tìm cái địa chỉ mới mệt nghỉ luôn, cho chừa cái tật làm tự điển mà còn nghĩ cách làm khổ bọn thỉnh thoảng có việc nhờ đến các cụ.
Nói chơi vậy chứ tôi yêu các cụ vô cùng. Không có tự điển làm sao sống nổi bây giờ...
ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
(Bài số 81)
Bản ghi chép do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 81 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 8 năm 2010.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
LÃM THÚY
Trong bài học hôm nay, Thúy muốn anh nói về những chữ viết tắt mà những người như Thúy và QA thường gặp trong đời sống hàng ngày. Có chuyện này Thúy muốn hỏi anh, đó là hôm nọ Thúy đọc lén bức thư của cô bạn gái của con trai Thúy viết cho con trai Thúy và thấy ở cuối thư, cô bé này viết XOXOXO. Thúy không biết có phải hai cô cậu đã biết lén thưởng thức cognac rồi hay không thưa anh?
BBT
XO là hai chữ viết tắt của EXTRA OLD. XO ngon hơn VS (viết tắt của VERY SPECIAL) và VSOP (viết tắt của VERY SUPERIOR OLD PALE) nhiều. Nhưng cô có thể yên tâm, hai cô cậu không nói chuyện cognac ở đây. X là KISS và O là HUG. XOXOXO là gửi một cái hôn, một cái ôm, một cái hôn, rồi lại một cái ôm…
LÃM THÚY
Ôi thôi chết. XOXOXO như thế còn nguy hơn XO cognac nhiều.
QA
Thúy đừng lo. Mấy chữ đó là những chữ phải có ở cuối thư của các cô, các cậu. Viết chơi đó mà thôi. Nhưng thưa anh, người Mỹ có vẻ thích viết tắt lắm thì phải. Người Việt hình như không.
BBT
Có chứ. Người Việt cũng viết tắt nhưng không nhiều như người Anh và người Mỹ vì tiếng Việt đơn âm, không cần phải viết tắt. Người Mỹ cần viết tắt hơn chúng ta. Thí dụ nói NATO thì ngắn và nhanh hơn NORTH ATLANTIC TREATY ORGANIZATION nhiều. Trong tiếng Việt, khi nói rõ và đầy đủ Minh Ước Liên Phòng Bắc Đại Tây Dương thì cũng không dài hơn MƯLPBĐTD chút nào. Nhưng chúng ta cũng nói tắt, viết tắt, nhiều khi chỉ là để đùa giỡn một chút. Thí dụ Việt Minh viết tắt là VM. Vê Em là Vem, đánh cái dấu nặng cho là thành Vẹm. Nói láo như Vẹm…CL là Cờ Lờ, là Cần Lao. BL là Bờ Lờ, là Buôn Lậu. TTS là Tạch Tạch Sè là Tiểu Tư Sản vân vân.
Trước năm 1975, báo chí Mỹ dùng những chữ ARVN để gọi quân đội Việt Nam Cộng Hòa : ARMY OF THE REPUBLIC OF VIETNAM; VNAF là VIETNAM AIR FORCE… Chúng ta gọi mấy ông Quân Cảnh là CU XÊ (QC); XÊ Ô XÊ XÊ (CÔCC) hay Con Ông Cháu Cha vân vân.
Tất cả đều là những hình thức viết tắt. Có một số chữ viết tắt chúng ta cũng nên biết trong lúc nói hay đọc tiếng Anh. ASAP chẳng hạn. ASAP là AS SOON AS POSSIBLE thí dụ nói PLEASE DO IT ASAP nhất định là nhanh hơn là nói PLEASE DO IT AS SOON AS POSSIBLE.
Hai cô chắc phải biết khá nhiều những chữ viết tắt vậy để tôi hỏi QA: ATM là gì?
QA
QA biết ơn nó lắm. Đêm hôm khuya khoắt cần tiền mặt thì kiếm cái AUTOMATIC TELLER MACHINE là có tiền ngay. Nhưng thưa anh, PIN là viết tắt của những chữ gì?
BBT
PIN có thể viết tắt của nhiều chữ. Nhưng vì cô vừa đề cập đến chữ ATM thì PIN là những chữ viết tắt của PERSONAL IDENTIFICATION NUMBER, là những chữ hay số mà cô đặt ra, chỉ có riêng cô biết để lấy tiền trong máy ATM. Thế còn hai chữ ID là viết tắt của chữ gì cô Thúy, như những tấm thẻ mà chính phủ đang đòi những người di dân phải mang trong người?
LÃM THÚY
ID CARD là IDENTIFICATION CARD , là thẻ căn cước. Hai chữ này còn được dùng như động từ như trong một bản tin Thúy vừa đọc trong báo: THE POLICE COULD NOT ID THE BODY là cảnh sát không xác định được tên tuổi, căn cươÙc của tử thi.
BBT
Đúng rồi. Thường thì người ta viết tắt trong những trường hợp viết đầy đủ ra thì dài quá, có khi khó đọc nữa. Thí dụ T-Rex dễ nhớ, dễ đọc và dễ viết hơn là TYRANNOSAURUS REX nhiều. Cứ gọi là T-Rex là hiểu ngay đó là một loài khủng long như chúng ta đã thấy trong phim JURASSIC PARK mấy năm trước.
QA
Cũng như AIDS phải không thưa anh? Nhưng AIDS là viết tắt của những chữ gì?
BBT
AIDS là ACQUIRED IMMUNE DEFICIENCY SYNDROME và HIV là những chữ viết tắt của HUMAN IMMUNODEFICIENCY VIRUS. Như vậy, hai cô thấy viết tắt tiện hơn nhiều phải không?
Ở Việt Nam bây giờ, những chữ AIDS đã rất phổ thông. Có một lúc, người ta dùng SIDA để nói về hội chứng suy hoại tính miễn nhiễm. SIDA là cách viết tắt của tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha . AIDS là kiểu viết của tiếng Anh. Người Hoa dùng chữ ÁI DI vì khi đọc lên, hai chữ này rất gần với âm của chữ AIDS đồng thời lại có nghĩa là bệnh (DI) lây qua những sinh hoạt tình ái (ÁI).
LÃM THÚY
Thúy thấy có những chữ viết tắt đọc lên lại có ý nghĩa. Thí dụ mấy bà mẹ phẫn nộ trước những vụ lái xe say rượu gây tai nạn đã thành lập một tổ chức nghe tên cũng rất phẫn nộ: MADD, viết tắt của MOTHERS AGAINST DRUNK DRIVING. Thầy có biết một trường hợp nào như thế không?
BBT
Tôi nhớ được có một trường hợp. Dó là phi đạn HAWK, viết tắt của HOMING ALL THE WAY KILLER, phi đạn phòng không được bố trí ở Đà Nẵng trước kia. Hay PEN CLUB thì PEN là những chữ viết tắt của POETS, PLAYWRIGHTS, ESSAYISTS, EDITORS , NOVELISTS. Nhưng PEN lại có nghĩa là bút. PEN CLUB là hội Văn Bút. Những trường hợp như thế cũng không ít nhưng hỏi vấn đáp như cô thì tôi chỉ nghĩ ra được hai trường hợp.
Có những chữ viết tắt bị xuyên tạc để mang những nghĩa khác, nhiều khi rất độc ác. Thí dụ ngay sau khi xẩy ra tai nạn phi thuyền con thoi Challenger làm thiệt mạng 7 phi hành gia thì có người nghĩ ngay ra những chữ NASA, nguyên là NATIONAL AERONAUTICS AND SPACE ADMINISTRATION phải đọc là NEED ANOTHER SEVEN ASTRONAUTS. Chắc hai cô đã biết VIP là VERY IMPORTANT PEOPLE nhưng lại có người quả quyết VIP là VERY IGNORANT PEOPLE. Cứ nghĩ như thế thì sẽ thấy thoải mái, vui vẻ, không một mảy may ghen tức khi nhìn các ông các bà VIP được đối xử đặc biệt, được ngồi ghế hàng đầu tại các buổi lễ lạc.
Nhưng VP hay VEEP thì lại là VICE PRESIDENT.
QA
Thưa anh, MC là viết tắt của những chữ gì?
BBT
MC, cũng có khi viết là EMCEE như khi nói HE EMCEED FOR THEIR WEDDING. EMCEE là động từ. TO EMCEE có nghĩa giống như TO HOST. MC là những chữ viết tắt của MASTER OF CEREMONY, là người quản trò, là hoạt náo viên cho một buổi tiệc, người giới thiệu chương trình cho một buổi trình diễn âm nhạc.
Nhân đề cập tới chữ VEEP, tôi lại nhớ có hai chữ này viết tắt giống nhau nhưng nghĩa lại rất khác. Thực ra thì có nhiều trường hợp như thế. Đó là MP. MP vừa là MEMBER OF THE PARLIAMENT là dân biểu, vừa là MILITARY POLICE là quân cảnh. Nhưng PM thì lại là PRIME MINISTER, và cũng là POST MERIDIEM là quá ngọ, là những giờ sau 12 giờ trưa, trong khi AM là ANTE MERIDIEM là từ 12 giờ đêm trở đi đến 11 giờ sáng.
LÃM THÚY
Thúy thấy hai chữ này mà không biết là những chữ viết tắt của chữ gì: UK như IN THE UK. UK là gì thưa anh?
BBT
UK là nhũng chữ viết tắt của UNITED KINGDOM là nước Anh, nói cho giản dị. Nhìn bản đồ, chúng ta thấy ENGLAND thỉ là một phần của hòn đảo phía bắc nước Pháp. Trên ENGLAND là SCOTLAND. Bên tay trái ở phía nam của ENGLAND là xứ WALES. Cộng England, Scotland và Wales người ta có GREAT BRITAIN viết tắt là GB. Hòn đảo bên cạnh ở phía tây là IRELAND. Mỏm đầu của hòn đảo này là NORTHERN IRELAND. GREAT BRITAIN và NORTHERN IRELAND là UNITED KINGDOM, viết tắt là UK.
QA
QA thấy những chữ HMS trên một tầu chiến của nước Anh. Vậy HMS là gì thưa anh?
BBT
HMS là HER MAJESTY’S SHIP là chiến hạm của Nữ Hoàng. Bà Hoàng này kỳ lắm, cái gì ở nước Anh cũng là của bà hết. Mấy cái thùng thư ở góc đường cũng đề chữ HM MAIL là HER MAJESTY’S MAIL. Khi nào có vua thì "H" trở thành HIS MAJESTY. Bây giờ còn nữ hoàng thì "H" là chữ viết tắt của HER.
LÃM THÚY
Chút xíu nữa Thúy quên. Tại sao Lbs lại là POUND? Rồi còn Oz là viết tắt của chữ gì?
BBT
Lb là viết tắt của LIBRA, tiếng La Tinh. Oz là OUNCE, viết tắt của ONZA, từ tiếng Ý mà ra.
QA
QA bữa nọ dịch một bản tin thì gặp mấy chữ này NAACP. QA biết đó là tổ chức của người Mỹ da đen nhưng không nhớ những chữ ấy là viết tắt của những chữ gì. Anh làm ơn cho biết.
BBT
NAACP đọc là N-DOUBLE-A-C-P, không đọc là N-A-A-C-P. Đó là những chữ viết tắt của NATIONAL ASSOCIATION FOR THE ADVANCEMENT OF COLORED PEOPLE nghĩa là tổ chức tranh đấu cho sự tăng tiến của người da mầu. Nhân nói đến NAACP thì phải nhắc tổ chức mà nhiều người gọi là hội 3 chữ "K" tức là KKK. Đây là những chữ viết tắt của KLU KLUX KLAN, một tổ chức chủ trương kỳ thị ở vài ba tiểu bang miền nam.
Bây giờ tôi đố hai cô TGIF là gì?
QA
QA biết vì ở gần nhà QA có một tiệm ăn tên là TGI FRIDAY. Tiệm ăn ngày thứ Sáu phải không thưa anh?
BBT
Không phải. T là THANK; G là GOD; I là IT’S; F là FRIDAY. THANK GOD IT’S FRIDAY Cám ơn Thượng đế, nay đã là thứ Sáu của con rồi… nguyên một chương trình ăn chơi suốt week-end sắp bắt đầu.
Nhân đây, để tôi kể cho hai cô nghe một câu chuyện liên quan đến viết tắt. Có một người đàn ông nọ đang ở trong thang máy thì có một phụ nữ cũng bước vào. Ông nói với cô :T.G.I.F. như để làm quà, nhắc cô thứ Sáu đến rồi. Cô nói: S.H.I.T. Ông hơi ngạc nhiên nhưng cũng nói lại với cô: T.G.I.F. Và lần nữa, cô lại đáp: S.H.I.T. Hai cô cũng biết S.H.I.T. đọc lên thì là chữ gì rồi. Người đàn ông bực quá, nói với cô rằng tại sao ông chỉ muốn nhắc cô thứ Sáu đến rồi mà cô lại văng S.H.I.T. ra với ông, thì cô trả lời rằng thưa ông, tôi thấy ông lầm ngày nên tôi nhắc ông: S.H.I.T. là SORRY HONEY, IT’S THURSDAY chứ tôi văng tục ra hồi nào…
LÃM THÚY
Con trai Thúy sắp lên đại học. Cậu bắt đầu nói chuyện bằng cấp ghê lắm. Nhân tiện, anh cho biết M.A. là gì. Thúy gọi M.A. là bằng MA cậu tức lắm. Cậu nói phải nói là bằng EM MÊ vì có bằng ấy thì các em mê chết bỏ luôn.
BBT
Hay tuyệt. Nhưng trước hết, B.A. là BACHELOR OF ARTS. B.S. là BACHELOR OF SCIENCE. B.E. là BACHELOR OF ECONOMICS hay BACHELOR OF ENGINEERING…Nhưng LLB thì lại là BACHELOR OF LAWS. M.A. là MASTER OF ARTS. M.S. là MASTER OF SCIENCE. LLM là MASTER OF LAWS. Ph. D. là PHILOSOPHY DOCTOR.
QA
QA nghe ông anh của QA giảng nghĩa B.A., M.A., và Ph. D. khác cách giải thích của anh. Anh có biết cách giải thích đó không?
BBT
Có. Bachelor còn có nghĩa là người độc thân. Vì thế, có một cách giải thích khác: B.A. là BACHELOR AND AVAILABLE nghĩa là độc thân và sẵn sàng lên xe bông. M.A. là MARRIED BUT AVAILABLE là có vợ rồi, nhưng ai dụ là bỏ nhà đi theo liền. P.H.D. là PUSHING HARD FOR A DIVORCE. Cựu phó tổng thống Al Gore đang làm P.H.D.. Sau đó, ông sẽ lại có bằng B.A. Có phải đó là cách giải thích của anh QA không? Một ông bạn của tôi nghe một người khoe là mới có Ph. D. trong khi chẳng thấy ông đi học hồi nào. Bạn tôi nói chắc Ph.D. đó là PIZZA HUT DELIVERER. Mới đây còn có một ông ở một tỉnh nhỏ tại miền bắc Việt Nam, một chữ tiếng Anh không biết vậy mà vẫn có bằng tiến sĩ. Vậy Ph. D của ông chắc là Phí Đời thì có.
Bây giờ lại hỏi hai cô, ESL là gì và TOEFL là gì?
LÃM THÚY
Thúy biết ESL là ENGLISH AS A SECOND LANGUAGE còn TOEFL thì chịu thua.
QA
QA nhớ là khi ghi tên đi học ở đại học, QA phải thi TOEFL nên biết TOEFL là TEST OF ENGLISH AS A FOREIGN LANGUAGE.
BBT
Có thể hai cô cũng thấy những chữ này rồi: FYI.
LÃM THÚY
Thúy coi phim James Bond có lần thấy tập hồ sơ mật của 007 với hàng chữ FYE ONLY thì con gái Thúy giảng FYE là FOR YOUR EYES ONLY nghĩa là đặc biệt dành riêng để cho James Bond đọc mà thôi. Nhưng FYI thì Thúy chưa thấy bao giờ.
QA
Có lần ba QA nói FYI cũng như trong văn thư, công văn ở các sở Việt Nam trước đây người ta ghi " Để Kính Tường" hay " Để Kính Trình" vậy. FYI là FOR YOUR INFORMATION.
BBT
Đó chỉ là một số những chữ viết tắt mà chúng ta thường gặp. Không thể nào kể hết ra đây được. Mỗi ngành sinh hoạt lại có những ngữ vựng riêng và có những chữ viết tắt riêng và càng ngày càng có nhiều chữ viết tắt mới. Ngay cả người Mỹ cũng không thể nào biết hết được.
QA
Bài học Anh ngữ thứ 81 của chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television xin tạm chấm dứt ở đây. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin gửi lời chào tạm biệt quí vị.