July 9, 2010

July 9, 2010

Ngày 5 tháng 7 năm 2010

Bạn ta,

Thiên tài ngôn ngữ nào đã để lại cho tiếng Việt của chúng ta thành ngữ "sức mấy"?

Tôi nghĩ có nhiều cơ hội thiên tài này vẫn còn sống với chúng ta. Nhưng ở đâu trong thế giới vô cùng này? Làm sao tôi kiếm được ông hay bà, nhưng có phần chắc là ông nhiều hơn, để cám ơn ông/bà về món quà ông/bà đã tặng cho tiếng Việt của chúng ta.

Món quà ấy, hai chữ "sức mấy", đã đem lại bao nhiêu là niềm vui trong đời sống từ mấy chục năm nay.

Tôi nhớ khoảng năm 1963, tôi có đi gặp một sinh viên mới từ Sài Gòn qua. Trong câu chuyện với anh khi chúng tôi gặp nhau lần đầu, tôi được nghe anh dùng thành ngữ này mấy lần. Tôi tin chắc đó là một thành ngữ mới mà anh đã mang theo từ trong nước. Trước đó, tôi chưa nghe nó bao giờ. Như thế, chỉ trong có vài ba năm trời không ở Sài Gòn, tiếng Việt của tôi đã bị bỏ lại đằng sau, không được cập nhật hóa bằng một số từ ngữ, mà "sức mấy" là một.

Sau khi nghe nó mấy lần, tôi hiểu ngay cái thành ngữ đầy vẻ thách thức, cao ngạo, khinh mạn, ăn chắc đó, và nó nhanh chóng gia nhập số ngữ vựng hàng ngày của tôi.

Từ đó đến nay, nó vẫn tiếp tục được nghe thấy, được dùng trong cách ăn nói của rất nhiều người. Ngay cả các nhân vật chính trị mà cách ăn nói đòi hỏi khá nhiều sự cẩn trọng, từ ngữ này cũng được các vị đó đem dùng. Cả hai ông Thiệu và Kỳ đều đã dùng nó trước công chúng nhiều lần. Và thấp thoáng, nó còn thấy xuất hiện trong ngôn ngữ của các nhà văn, nhà báo miền Bắc liền ngay sau năm 1975 chứng tỏ ngoài tuổi thọ đáng kể của nó, nó còn vượt được qua cả những lằn ranh chính trị, ý thức hệ Quốc cộng. Nó tiếp tục ở lại với chúng ta đến tận ngày nay trong khi thông thường, những thứ từ ngữ thời thượng như thế chỉ có những đời sống dài trên dưới khoàng mười năm như ông Mai Thảo vẫn nói.

Tại sao nó sống dai như thế?

Có thể sự sống dai của nó phần nào nằm ở cái khả năng trị bách bệnh của nó.

Thay vì phải dở giọng ngoa ngoắt, đanh đá như mấy câu:

Bao giờ rau diếp làm đình
Gỗ lim thái ghém thì mình lấy ta

Bao giờ trạch đẻ ngọn đa

Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình...

những câu vừa chua vừa phách, gây bực bội, phẫn nộ rất nhiều của phía bị cự tuyệt, thì người ta chỉ cần nói: " Sức mấy!"

Ngắn gọn và nhẹ nhàng. Thái độ phách lối vẫn còn nguyên mà không cần phải ca dao dài dòng.

Phía bên kia nghe là hiểu ngay, dẹp bỏ nỗ lực của chiến lược "đẹp trai không bằng chai mặt".

Thành ngữ "sức mấy" còn có thể bầy tỏ một sự ngạo mạn không cách gì có thể ngạo mạn hơn.

Dùng thành ngữ này mà cho vào hai câu trong bài Tình Cầm của Hoàng Cầm thì người nghe có thể điên lên được:

Nếu anh còn trẻ như năm trước
Quyết đón em về sống với anh...

Cứ thử thay "anh" bằng "em" "quyết đón" bằng "sức mấy" mà coi.

Thành ngữ này hay như thế... sức mấy mà không sống dai cho được!


Ngày 6 tháng 7 năm 2010

Bạn ta,

Bạn là người thích uống bia và đã uống thử đủ các thứ bia trên đời, nhưng tôi nghĩ còn một thứ bia bạn chưa uống. Bạn phải thu xếp đi Utah uống thử thêm loại bia mới của tiểu bang này mới gọi được là mùi đời đã nếm đủ.

Nó không chỉ là bia ôm, thứ bia bạn uống đã nhiều phen, mà là bia ôm... đồm.

Không biết bao giờ thì loại bia nâu và nặng này mới được bán ra khỏi tiểu bang để đến nơi chúng ta ở, nên cách duy nhất có thể uống được nó, là phải đi Utah một chuyến.

Tôi dịch tên nó là bia ôm đồm vì tên Mỹ của nó là Polygamy Porter. Polygamy là đa thê, một lối sống mà nay tiểu bang này không cho phép nữa, nhưng một số tín đồ đạo Mormon, tôn giáo với một số tín đồ đông đảo nhất tiểu bang Utah, vẫn còn thực hành một cách không chính thức.

Bạn nghĩ ra được cách dịch khác thì xin cứ việc. Nhưng tôi thì chỉ nghĩ được cách dịch như thế. Có ôm nhé. Lại có cả đồm nữa. Vật thì là bia ôm đồm chứ còn gì nữa?

Ðây là một loại bia mới vừa được đưa ra thị trường. Bia mới nên cần quảng cáo, và phải là quảng cáo bắt mắt, làm người ta phải đi kiếm mua mới là quảng cáo thành công. Công ty bia này đã tìm được người viết cái quảng cáo tuyệt hay.

Quảng cáo vừa nhắm mời người uống bia uống thêm, không ngưng ở hai chai như kiểu uống cà chớn của tôi, mà là uống tiếp nhiều chai. Không những thế, quảng cáo còn mời khách mua thêm vài ba chai về cho các bà vợ nữa.

Lời lẽ thật tốt đẹp. Vui chơi nhưng không nên quên mẹ cháu ở nhà. Nhớ mua vài chai "to go" mang về nhà cho mẹ cháu.

Nhưng quảng cáo này đã bị chống đối dữ dội. Công ty bia muốn thuê chỗ để dựng những tấm bảng bảng quảng cáo. Công ty bị từ chối. Và nay, văn phòng kiểm soát rượu của tiểu bang Utah đang lôi mẫu quảng cáo ra nghiên cứu để có thể cấm hẳn những quảng cáo này vì cho rằng nội dung có ý miệt thị, báng bổ đạo Mormon.

Nguyên văn hai câu trong mẫu quảng cáo là:

Why have just one?
Take some home for the wives.

Tại sao lại chỉ một? Mua thêm vài chai về cho các bà vợ.

Câu trên thì có gì là báng bổ đạo Mormon? Mời dùng thêm mấy (chai bia) nữa chứ có mời cưới thêm vài... chai nữa đâu mà nói là diễu cợt đạo Mormon?

Thế rồi câu kế tiếp là để nhắc nhở những người chồng đi uống bia một mình rằng làm thế là xấu lắm, ích kỷ lắm, nên mua thêm vài chai nữa mang về cho các bà vợ thì có gì sai quấy đâu?

Ừ thì "wives" là số nhiều của "wife", nghĩa là "các bà vợ". Nhưng nếu chủ từ lẩn trong mệnh lệnh cách là số nhiều (you) thì được quyền nhiều bà vợ chứ! Hay các ông này lại đưa ra quy luật mới về văn phạm là "you" phải luôn luôn số ít?

Ôi sao mà làm khó nhau như vậy! Ðâu phải vì cha của Osama Bin Laden có trên hai chục bà vợ, một bà sinh nghịch tử Osama làm khốn khổ nước Mỹ rồi quay ra... không cho quảng cáo bia ôm đồm luôn?

Uống bia (?) là phải uống nhiều mới là trai như tục ngữ vẫn nói:

Trai năm chai, bẩy két
Gái chính chuyên chỉ biết (vần với két) một... trai.
..

Làm sao (trai) lại chỉ một ... chai cho được?


Ngày 7 tháng 7 năm 2010

Bạn ta,

Tôi không thể tiếp tục giữ im lặng khi nghe câu nói của Paul Newman, người diễn viên điện ảnh tôi ưa thích từ bao nhiêu năm nay, về những cái hamburger vì tôi là người rất yêu chúng.

Mến mộ Paul Newman thì tôi vẫn còn mến mộ, nhưng lên tiếng về câu nói của Paul, câu nói mà tôi nghĩ là có ý nhục mạ những (?) chiếc hamburger của tôi, thì tôi vẫn phải làm.

Paul Newman nói rằng khi người ta đã sẵn có miếng steak ở nhà, thì tại sao lại còn phải ra ngoài kiếm cái hamburger làm gì nữa? (I have a steak at home. Why should I go out for a hamburger? )

Câu nói của Paul Newman nghe thì có vẻ là hợp lý lắm: một bên là miếng steak, một bên là chiếc hamburger. Bất cứ một ai cũng phải nghĩ ngay rằng miếng steak phải ngon hơn, phải đáng để được lựa chọn hơn là chiếc hamburger.

Nhất là nếu đó là một cái filet mignon, một cái steak Tartar, hay một cái chateaubriand máu tươi còn chẩy ròng ròng với hũ mù tạc Dijon, và một ly Merlot. Có những miếng steak này ở nhà thì nhất định là hay lắm. Nhưng nếu nói có miếng steak ở nhà rồi, thì tại sao còn phải đi kiếm cái hamburger nữa là không được.

Là được nơm bỏ đó. Là phụ bát cơm nguội. Bát cơm nguội vẫn có thể cần đến trong những lúc đói lòng. Cũng như đang cơn buồn ngủ, gặp đúng cái chiếu manh lù lù vác xác đến. Chiếu manh còn như thế huống chi là những chiếc hamburger.

Có biết bao nhiêu người ở trên đời này còn sống sót được cho tới ngày nay chính là nhờ những chiếc hamburger: khi cần đến, có nó ngay. Nó không bao giờ biết làm khó dễ, eo sèo, ỉ eo... thì tại sao lại nỡ đối xử không tử tế, không có trước có sau với nó như thế?

Bây giờ nói qua về miếng steak ở nhà.

Chuyện có sẵn miếng steak ở nhà không hề có nghĩa cứ xuống bếp là có ngay. Phải làm một số chuyện, bắt đầu là lôi miếng thịt ra khỏi tủ lạnh hay freezer cái đã. Nếu nó được lấy ra từ freezer thì phải bỏ ra ngoài, trên cái counter của cái bếp nửa ngày cho tan đá chứ nó lạnh... ngắt như con cá chết thì làm sao giải quyết vấn đề?

Chờ cho tan đá xong, còn phải ướp nó nữa chứ, tùy muốn ăn nó như thế nào, như với tỏi hay với hành, với chút rượu, hay với dầu olive...

Như thế cũng đã xong đâu! Còn phải lấy cái búa gỗ -- meat tenderizer -- đập cho nó mềm ra rồi mới quay ra với cái lò, vặn lên đúng một nhiệt độ nào đó như mẹ (?) vẫn dặn. Bỏ nó vào chảo, lật qua lật lại (?) cho chín đều bên ngoài, lâu mau tùy muốn rare hay medium hay well done...

Chao ôi là nhiêu khê, mất bao nhiêu thì giờ quí báu.

Tại sao không đi kiếm cái hamburger cho vui đời di tản? Ðây nhé hamburger là loại thức ăn nhanh: fast food. Gọi là có ngay, không bao giờ õng ẹo, treo cao giá... thịt(?), đòi hỏi phải qua bao nhiêu là giai đoạn sửa soạn (?) như miếng steak ở nhà. Búng tay một cái là có hamburger chạy ra phục vụ ngay lập tức. Còn gì vui bằng!

hamburger đâu phải là thứ dở, nuốt không trôi và đã chắc gì ngày nào cũng miếng steak được đâu! Phải thay đổi đi chứ. Cứ steak mãi ngày này qua tháng khác làm sao được. Hôm nào cũng cơm nhà, steak mẹ cháu thì làm sao các hàng quán bên ngoài sống được.

Hãy nhìn hoàng thái tử Charles của nước Anh coi. Ông có miếng steak ngon như thế mà vẫn phải đi kiếm cái hamburger, thà với hamburger còn hơn với miếng steak ở Kensington trong khi miếng steak của ông đâu có dở! Miếng steak của ông là niềm mơ ước thầm kín của bao nhiêu người trên thế giới, nhưng ông vẫn cần cái hamburger.

Hơn nữa, chính miếng steak của ông đâu phải lúc nào cũng chỉ thích được ông lôi vào bếp đâu. Miếng steak đó cũng có lúc chán ông, trong khi ông lại chính là niềm mơ ước của bao nhiêu... miếng steak khác ở nước Anh.

Và những cái hamburger mà Paul Newman nói đến một cách thiếu tôn trọng thì cũng vẫn được những người như thái tử Charles ưa hơn là miếng steak lạnh tanh ở nhà, không thấy sao?

Có thể miếng steak của Joanne Woodward ngon với ông. Nhưng không thể vì vậy, ông nhục mạ những chiếc hamburger.


Ngày 8 tháng 7 năm 2010

Bạn ta,

Nước Mỹ thỉnh thoảng lại cuống cuồng lên vì một vài chuyện nghĩ lại thì đúng là không đâu vào đâu cả.

Thí dụ thái độ cuống cuồng lên hiện nay về bệnh than chẳng hạn.

Bệnh than, còn gọi là thán thư, đã xuất hiện từ rất lâu và số người mắc bệnh này không phải là ít. Ngó chung quanh người ta thấy ngay trong nhà, hay trong số những người quen biết chung quanh, gần như ai cũng mắc bệnh này thì phải.

Bệnh không gây chết người nhưng có thể đem lại những hậu quả tâm lý vô cùng khốc hại nơi những người sống gần bên hay có những tiếp xúc lâu dài với người bệnh.

Ảnh hưởng của bệnh ở những người phải ở gần người bệnh về mặt tâm lý thường là trạng thái bần thần, buồn nản, thất vọng, u sầu, chán chường, không còn bất cứ một tha thiết nào với đời sống nữa, ý chí muốn sống hoàn toàn từ bỏ những người này.

Ảnh hưởng về mặt sinh lý nơi những người ở cạnh hay có tiếp xúc với những người bị bệnh than là một sự mệt mỏi toàn diện thể xác, tứ chi rã rời, tai ù, miệng đắng và khô đắng, chỉ muốn mở cửa tung chạy ra ngoài.

Bệnh thường phát ra vào buổi tối, có khi khuya khoắt, nửa đêm về sáng. Lúc bệnh phát, bao giờ người bệnh cũng bắt đầu bằng mấy câu để gọi ông Trời, thí dụ như "Ối Trời ơi, sao mà tôi khổ thế này, sao ông Trời không cho tôi chết đi cho rảnh nợ..." làm như bệnh đã trở thành hết thuốc chữa, chỉ còn đợi ngày ra nghĩa địa.

Tiếp theo, là những kể lể không sót bất cứ một chi tiết nhỏ nào về những chuyện tưởng như đã chìm lấp vào lịch sử của mấy chục năm nội chiến. Tất cả những điều mà người bệnh cho là đã gây khổ đau, phiền não cho người bệnh đều được nhà chép sử lôi ra biên chép đầy đủ, chú thích cẩn thận với phần thư mục sách đọc thêm, các sử liệu hết trang này sang trang khác tưởng như không bao giờ hết.

Những quen biết đã chấm dứt từ nhiều năm nay đều được đem ra làm mới lại, quan hệ được tái thiết lập giữa hai người không còn thấy nhau từ rất nhiều năm để những kể lể có thêm tài liệu dẫn chứng, những lời buộc tội khó gỡ hơn. Những chuyện bé được xé ra to, để những cáo buộc trầm trọng thêm.

Nhưng nhiều nhất vẫn là những lời phàn nàn, ta thán về đủ mọi người chung quanh. Ðàn ông, phụ nữ, già trẻ lớn bé... tất cả đều bị gán cho đủ các thứ tội kinh khủng nhất trên đời, nào nhà quê, nào thất học, cà chua và cà chớn... rồi thòng câu "vậy mà chúng nó vẫn còn được đối xử tử tế hơn tôi (bệnh nhân của bệnh than)..."

Bệnh nhân cũng lại mang những điều ấy đem đi nói cùng khắp, tạo cho mình hình ảnh của nạn nhân khủng khiếp của những đàn áp, những trù giập, những vi phạm nhân quyền không cách gì tưởng tượng ra nổi.

Bệnh than này, chúng ta thấy rất nhiều mà có bao giờ chúng ta hốt hoảng như nước Mỹ hiện nay đâu. Bệnh than chúng ta quan sát lâu nay không hề được truyền qua những chiếc phong bì gói anthrax bao giờ. Bệnh cứ tự phát, chẳng cần lây từ bất cứ ai truyền qua.

Người sống cạnh lúc nào cũng như ôm cái hồ... Than Thở ở Ðà Lạt, cả ngày cả đêm nghe than van không lúc nào dứt. Lúc khác thì cứ hệt như đang đi đụng phải ông Trần Khánh Dư vừa bị vua Trần Nhân Tôn lột chức, đuổi về Chí Linh Hải Dương, vừa đi vừa ngâm nga:

"Một gánh càn khôn quẩy xuống ngàn
Hỏi rằng "Chi đấy?" gửi rằng "Than!"... "

Gì chứ bệnh than chúng ta có từ bao nhiêu lâu nay có chết ông Ả Rập nào đâu?

Than lắm chúng tôi bịt tai, bịt mắt, bịt miệng, không nghe than, không nhìn than, không... than là hết chứ gì!


Ngày 9 tháng 7 năm 2010

Bạn ta,

Hơn hai mươi năm trước, sau cố gắng làm hai quả ốp la không đi tới đâu, tôi bỏ hẳn mọi nỗ lực trở lại cái bếp.

Hai quả trứng cháy đen dính chặt vào lòng chảo, cậy cách nào cũng không ra, nên mặc dầu sau đó được bầy cho cách tráng lòng chảo trước bằng một lớp Spam, tôi vẫn không thử vào bếp thêm một lần nào nữa.

Rồi những loại nồi soong có tráng teflon để không làm dính đồ ăn cũng không kéo được thiên tài nấu bếp trở lại với bếp nước mặc dầu nó có thể giúp tránh những thảm họa như lần thử làm đĩa ốp la đầu tiên và duy nhất trong đời.

Những ứng dụng của chất teflon không dừng ở đó, mà còn được đem dùng để giúp tránh mọi hình thức... dính dáng ở những nơi khác nữa.

Như trên người (?) của ông Clinton chẳng hạn. Có lẽ vì ông Clinton được tráng teflon, nên không có gì bám hay dính được vào người ông, và lần nào ông cũng thoát hiểm như mọi người đều đã thấy. Ông được báo chí gọi là tổng thống teflon không phải là không có lý do.

Mới đây, teflon còn được đem dùng trong lãnh vực thời trang, may mặc như ở những bộ veste của Ted Baker, một công ty sản xuất quần áo của Anh vừa xuất cảng sang Mỹ các sản phẩm của họ. Những bộ suit, những chiếc tuxedo của Ted Baker được đảm bảo là không gì có thể dính vào, làm hỏng được nhờ có tráng một lớp teflon.

Tưởng tượng không bao giờ còn phải nhìn thấy cảnh các chàng rút khăn tay ra, lau hay phủi bụi trước khi ghé ngồi xuống như các tay chơi rẻ tiền trước đây ( sợ dơ bộ đồ vía, coi cái đít quần hơn giai nhân trước mặt), những người đàn ông mặc bộ suit của Ted Baker bạ đâu cũng có thể ngồi ngay xuống, lết trên đất, quì gối để tỏ tình thì còn gì lãng mạn và cảm động cho bằng.

Với giá $625, chắc chắn những bộ quần áo teflon của Ted Baker sẽ bán rất chạy.

Những bộ suit này còn được đặt cho cái tên là Party Animal, như một cam kết là ở party, đồ ăn thức uống có lỡ đổ vào cũng không làm hư quần áo, tốn tiền giặt khô chưa chắc đã hết, mà còn có thể ngăn ngừa được bao nhiêu chuyện khác, chẳng cứ chỉ là những ly Bloody Mary hay mấy miếng roast beef, vài tảng mỡ cừu mà thôi.

Những bộ quần áo teflon còn có thể tạo một cảm tưởng rất an toàn cho những giọng hát trên sân khấu. Những thứ mà khán thính giả ngồi dưới ném lên sân khấu nhắm vào người hát để bầy tỏ thái độ không thân thiện với giọng hát sẽ không tiếp tục ở lại trên các bộ quần áo có chất teflon. Chỉ cần phủi nhẹ, các giọng hát này sẽ có thể tiếp tục đứng trên sân khấu hát cho đủ quota (3 hay 4 bài) để trừng phạt khán thính giả cho bõ ghét mà không sợ quần áo giữ lại các vết tích của lập trường phản đối tỏ bầy với giọng hát của mình.

Tương tự, các tác giả ra mắt sách, rất nhiều người, cũng sẽ thấy an tâm hơn khi mặc những thứ quần áo có teflon. Ngoại trừ trường hợp những giọng ca hay các nhà văn, nhà thơ e ngại các lời xưng tụng, ngợi khen hiếm hoi đụng phải teflon cũng như nước đổ đầu vịt, nước đổ lá khoai, trôi tuồn tuột xuống cống hết, không còn gì mang về nhà hăm dọa mẹ cháu thì mới không ưa teflon.

Nhưng nếu những lời ngợi khen đụng phải teflon lập tức trôi tuột đi, không bám lại được, thì những lời cằn nhằn, mè nheo, eo sèo, ỉ ôi, nhiếc móc, cũng có trôi đi không?

Nếu có thì tại sao không mua bộ... áo giáp này về mặc?


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 82)

Bản ghi chép do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 82 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 8 năm 2010.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

LÃM THÚY

Tuần qua, chương trình nhận được thư hỏi về cách dùng chữ BOTH và nhờ anh giải thích.

BBT

Thư chỉ viết có thế thôi sao? Vì chữ BOTH có thể là tĩnh từ (ADJECTIVE), đại danh từ (PRONOUN) và liên từ (CONJUNCTION). Thôi để tôi nói về cả ba trường hợp vậy. Tuy khác nhau về từ loại, nhưng trong cả ba trường hợp kể trên, BOTH vẫn có một điểm chung, đó là BOTH được dùng với HAI người, HAI vật, HAI sự kiện, không bao giờ với MỘT hay BA.

Khi BOTH là ADJECTIVE, nó đứng trước một danh từ. Danh từ này luôn luôn là số nhiều, và luôn luôn là HAI mặc dù không nói ra. Thí dụ BOTH HOUSES, BOTH GIRLS, BOTH BOOKS, BOTH CITIES.

BOTH FATHER AND SON BECAME PRESIDENTS.

QA

Như vậy, động từ theo sau cũng phải ở số nhiều phải không thưa anh?

BBT

Đúng thế. Mời cô Lãm Thúy cho nghe hai thí dụ với BOTH đóng vai tĩnh từ coi BOTH HOUSES và BOTH GIRLS.

LÃM THÚY

THE REALTOR SHOWED US 2 PROPERTIES IN WESTMINSTER. BOTH HOUSES WERE BUILT IN THE 1980'S.

BOTH GIRLS GRADUATED FROM HIGH SCHOOL LAST YEAR AND BOTH SISTERS WENT TO HARVARD.

BBT

Còn QA?

QA

BOTH BOOKS ARE ABOUT THE WAR IN VIETNAM.

BOTH CITIES, THE HAGUE AND AMSTERDAM, ARE UNDER THE SEA LEVEL.

BBT

Bây giờ chúng ta nói qua trường hợp BOTH là đại danh từ. Khi đã là đại danh từ rồi thì không còn cần phải có danh từ đi sau nữa. BOTH đại diện cho HAI người hay HAI vật, và làm chủ từ hay túc từ cho câu. Thí dụ BOTH USE THE SAME ADDRESS. Nói như vậy theo Thúy nghĩ thì có mấy người ở cùng cái địa chỉ ấy?

LÃM THÚY

HAI người. BOTH bao giờ cũng có nghĩa là HAI. Để Thúy thử dùng BOTH đại danh từ làm túc từ anh coi có đúng không: I LIKE BOTH DRESSES. I DECIDED TO BUY BOTH. Câu đầu BOTH là tĩnh từ, theo sau có danh từ để cho biết có hai cái áo. Câu sau BOTH là đại danh từ, thay thế cho hai chiếc áo, làm túc từ OBJECT cho động từ TO BUY.

BBT

Cám ơn Thúy. Thế khi nói BECAUSE THE FLOWERS ARE SO SWEET SMELLING, HE PICKED BOTH có đúng không QA?

QA

Đúng thưa ông thầy. BOTH là đại danh từ đóng vai túc từ. Nhưng ông ấy không nên làm việc hoa thơm đánh cả cụm. Cô chị cũng xinh mà cô em cũng đẹp phải không Thúy? Bây giờ QA sẽ dùng BOTH là chủ từ và túc từ cho thầy coi. BOTH APPLIED TO GO TO YALE UNIVERSITY AND THE UNIVERSITY ACCEPTED BOTH.

BBT

Cám ơn cô QA. Như vậy là có HAI sinh viên xin học ở Yale và trường nhận cả HAI. BOTH ở đầu câu là đại danh từ, chủ từ của APPLIED và BOTH cuối câu là túc từ của động từ ACCEPTED. Bây giờ đến lượt cô Thúy.

LÃM THÚY

I HAVE TWO BOYS AT HOME. BOTH WANT TO STUDY MEDECINE. I FULLY SUPPORT BOTH.

BBT

Cũng có khi chúng ta dùng BOTH, vẫn là PRONOUN, với OF US, OF YOU hay OF THEM để thành BOTH OF US, BOTH OF YOUBOTH OF THEM. Nhớ là trong những trường hợp đó, chúng ta luôn luôn có HAI người, đóng vai chủ từ và túc từ đều được. QA cho một thí dụ với BOTH OF US coi.

QA

BOTH OF US ARE ALWAYS ON TIME FOR THE LESSON .

LÃM THÚY

Thúy có thể nói BOTH OF MY SONS được không? Nếu được, Thúy sẽ nói BOTH OF MY SONS ARE GOOD AT SPORTS. Hay là I LOVE BOTH OF MY SONS EQUALLY.

BBT

Nhất định là đúng rồi. I DO ENJOY WORKING WITH BOTH OF YOU. Cám ơn hai cô. MANY THANKS TO BOTH OF YOU. Bây giờ tới BOTH là liên từ, chữ dùng để nói hai tiếng lại với nhau. Thí dụ nói HE IS FLUENT BOTH IN ENGLISH AND SPANISH. BOTH trong trường hợp này được dùng để nói về hai việc, sự kiện giống nhau, ngang nhau. Ông ấy nói thông thạo tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Mức độ thông thạo của ông ngang nhau khi nói tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Tôi nhớ một câu đọc được trên cản một chiếc xe hồi tuần trước: IF YOU ARE BOTH RICH AND HANDSOME, THEN I AM SINGLE. Trong câu này, BOTH cũng là CONJUNCTION, liên từ nối hai tĩnh từ RICH và HANDSOME. Cô QA cho nghe một thí dụ với BOTH là liên từ coi.

QA

MY SON IS BOTH READY AND WILLING FOR THE SUMMER JOB. Đến lượt Thúy phải không Thúy?

LÃM THÚY

Hôm nọ Thúy đi shop với con gái. Hai mẹ con thấy một ông trông không đẹp trai lắm đi cạnh một cô rất trẻ và rất đẹp. Con gái Thúy nói nhỏ với Thúy rằng: HE MUST BE BOTH RICH AND FAMOUS.

BBT

Đó là những cách dùng của BOTH. Trong tiếng Anh có vài ba thành ngữ với BOTH hai cô cũng nên biết. TO HAVE BOTH FEET ON THE GROUND nghĩa đen là hai chân đứng trên mặt đất. Nghĩa bóng là gì, theo cô QA?

QA

Chắc TO HAVE BOTH FEET ON THE GROUND nghĩa bóng là thực tế, là chân chạm đất, là không đi trên mây phải không thưa anh? Thí dụ MY SON IS A YOUNG MAN WITH BOTH FEET ON THE GROUND BUT HIS COUSIN IS A DREAMER.

BBT

Đúng. Nhưng thành ngữ này thì tôi chịu không biết tại sao nó lại có nghĩa như trong câu : MR SMITH IS BOTH SHEETS IN THE WIND AT THE MOMENT. Câu vừa rồi có nghĩa là ông ấy đang say khướt vào lúc này.

LÃM THÚY

Thưa anh, từ đầu giờ học đến bay giờ, Thúy thấy BOTH chỉ được dùng trong những câu xác định (AFFIRMATIVE), Thúy không thấy BOTH được dùng trong thể phủ định (NEGATIVE). Người ta có dùng BOTH trong câu phủ định không? Thí dụ nói BOTH OF THEM ARE NOT HERE thì có đúng không?

BBT

Nói BOTH OF THEM ARE NOT HERE thì cũng được. Nhưng có một cách nói khác trong trường hợp chúng ta muốn diễn tả ý nghĩa CẢ HAI ĐỀU KHÔNG. Đó là cách dùng NEITHER NOR.

QA

QA nghe ông hàng xóm không phát âm NI-THƠ như anh vừa nói, mà là NAI-THƠ. Như vậy thì thầy đúng hay ông hàng xóm đúng? Hay cả hai đều đúng?

BBT

Cám ơn cô QA với câu hỏi của cô. Cả hai đều đúng cả. Ông hàng xóm của cô nếu không là Ăng Lê thì phải là Úc, không Úc thì Tân Tây Lan. Vì đó là cách phát âm chữ NEITHER ở Anh, Úc, Tân Tây Lan hay những nước thuộc địa của Anh trước đây. Người Mỹ phát âm là NI-THƠ. Nhưng ý nghĩa và cách dùng thì giống nhau.

LÃM THÚY

Nghĩa là cũng dùng cho HAI, nhưng nghĩa là cái này không, cái kia cũng không, cả hai đều không , trái ngược hẳn BOTH là cả hai đều có, phải không anh?

BBT

Đúng thế. Khi dùng NEITHER NOR, chúng ta nhớ hai điều: thứ nhất là động từ không cần ở thể phủ định nhưng nghĩa vẫn là phủ định. SHE SPEAKS NEITHER ENGLISH NOR SPANISH. Không nói SHE DOES NOT SPEAK NEITHER ENGLISH NOR SPANISH. QA cho nghe một thí dụ với NEITHER NOR coi. Nhớ là NEITHER NOR được dùng với ý nghĩa phủ định ở trong.

QA

MY MOTHER LIKES NEITHER JAPANESE NOR KOREAN FOOD.

BBT

Còn Lãm Thúy?

LÃM THÚY

I HAVE MET NEITHER HIM NOR HIS SISTER BEFORE.

BBT

Thứ hai là khi dùng NEITHER NOR, động từ luôn luôn ở NGÔI THỨ BA SỐ ÍT. QA cho nghe một câu dùng NEITHER NOR với động từ TO BE coi.

QA

NEITHER MR SMITH NOR MRS SMITH IS AT HOME.

Nhưng nếu dùng BOTH thì động từ phải ở số nhiều phải không thưa anh? BOTH MR AND MRS SMITH ARE AT HOME.

BBT

Đúng vậy. Cô Thúy cho thí dụ dùng NEITHER NOR với TO HAVE.

LÃM THÚY

NEITHER JACK NOR MIKE HAS A CAR. Động từ TO HAVE ngôi thứ BA số ÍT là HAS. Nếu dùng BOTH thì Thúy phải nói BOTH JACK AND MIKE HAVE CARS.

BBT

Tôi sẽ không nói về EITHER OR trong bài hôm nay vì sợ sẽ làm cho hai cô rối trí. Để một lần khác.

Nhưng vì vừa học NEITHER NOR nên tôi muốn nói qua một cách nói khác. Chắc hai cô đã nghe hai chữ ME TOO nhiều lần. Nhưng hai chữ này nhiều khi bị dùng sai, ý nghĩa bị lạc hẳn đi. Thí dụ có người nói: I LOVE WASHINGTON IN SPRING. Nếu đồng ý với câu nói đó, nếu cũng thích Washington vào mùa xuân, thì cô QA nói thế nào?

QA

ME TOO! Nghĩa là tôi cũng vậy, tôi cũng thích Washington vào mùa xuân.

BBT

Nhưng nếu một người nói với người kia rằng I LOVE YOU thì người kia đáp lại ME TOO có được không?

LÃM THÚY

Chắc không được. Nếu người nói câu I LOVE YOU là một phụ nữ, mà người đàn ông đáp ME TOO! thì chẳng hóa ra là ông ấy cũng vậy, cũng yêu ông ấy hay sao? Không được. Như vậy là ông ấy khôn quá. Ông ấy yêu ông ấy chứ yêu cô ấy bao giờ!

BBT

Cám ơn cô Thúy. Đáp lại thì phải nói là I LOVE YOU chứ ME TOO thì dứt khoát là không được.

ME TOO! là cách nói vừa lười biếng vừa sai trong thí dụ ở trên.

Nếu đồng ý thì nên nói I DO TOO. Hay SO DO I. SO DID I. SO HAVE I. SO CAN I. SO AM I. SO WILL I. Bây giờ tôi sẽ nói một câu, hai cô đồng ý với tôi thì nói lên sự đồng ý đó nhé. I HAVE AN OLD CAR.

QA

SO HAVE I hay SO DO I.

BBT

I LIVED IN SAIGON FOR MANY YEARS.

LÃM THÚY

SO DID I.

BBT

I WILL TAKE A VACATION AT THE END OF THE YEAR.

QA

SO WILL MY FAMILY.

BBT

THEY COULD RETIRE SOON.

LÃM THÚY

SO COULD HE.

BBT

Đó là đồng ý với một phát biểu xác định. Bây giờ qua tới những phát biểu phủ định. Thí dụ SHE DOES NOT LIKE HOT WEATHER. Câu vuốt đuôi sẽ như thế nào QA?

QA

SO DO I có đúng không thưa anh?

BBT

SO nghĩa là cũng thế, dùng trong ý nghĩa xác định AFFIRMATIVE.

LÃM THÚY

Vậy thì dùng NEITHER NOR phải không QA?

BBT

Không. Chỉ cần một nửa sau, NOR là được. SHE DOES NOT LIKE HOT WEATHER AND NOR DO I. Không nói NOR DON'T I vì NOR đã có nghĩa phủ định rồi.

I AM NOT HUNGRY Thúy

LÃM THÚY

NOR AM I. NOR ARE WE. NOR ARE THEY. NOR ARE YOU.

BBT

I CANNOT SKI AT ALL

QA

NOR CAN I. NOR CAN WE. NOR CAN THEY. NOR CAN SUSAN.

BBT

Để kết thúc bài học, đây là một câu của William Shakespeare: NEITHER A LENDER NOR A BORROWER BE nghĩa là đừng là người cho vay mà cũng đừng là người đi vay, vì tiền cho vay sẽ không trở lại cũng như người vay tiền của chúng ta.

QA

Với lời khuyên của Shakespeare, bài học Anh ngữ thứ 82 của chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television cũng tạm chấm dứt ở đây. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin gửi lời chào tạm biệt quí vị.