August 19, 2010

August 20, 2010

Ngày 16 tháng 8 năm 2010

Bạn ta,

Tôi nhớ là không có được mấy bức ảnh chụp hồi còn bé. Hồi ấy, rất ít người có máy chụp ảnh. Thỉnh thoảng lắm tôi mới có dịp để chụp một bức ảnh, thường là ở tiệm. Cũng có những bức ảnh chụp rồi không biết chúng đi đâu. Như có một lần, trong dịp Tết năm nào không nhớ, tôi đang đi trên cầu Thê Húc với ông bố thì có một người đàn ông, mà tôi chắc là một người Pháp chận chúng tôi lại, và xin chụp hình tôi.

Chắc tôi phải … đẹp lắm mới được người lạ xin chụp bức ảnh .

Dĩ nhiên là bức ảnh tôi không bao giờ được nhìn thấy. Người chụp tôi không quen, không có dịp gặp lại làm sao xin được bức hình. Có thể nó được in ra, gửi về Pháp cho gia đình người chụp bức ảnh, có thể đằng sau bức ảnh ấy có ghi mấy chữ đại khái Jeunne Annamite hay Enfant Indigène. Gia đình của người đàn ông chắc phải ngạc nhiên lắm khi thấy đứa bé thổ dân ở cái thuộc địa xa xôi đang chiến tranh mù mịt đó lại có được bộ quần áo bảnh bao như vậy. Cũng áo blouson dạ, có fermeture để kéo lên kéo xuống đỡ … buồn, dưới chân lại đi đôi dép đế crêpe kiển fisherman’s shoes như tôi mới biết tên gọi hồi gần đây.

Bức ảnh có thể không còn nữa. Người đàn ông Pháp ấy biết đâu cũng đã ra đi từ lâu. Cuốn album (mà đã chắc gì bức ảnh được dán trong ấy) có thể cũng đã bị quăng vào thùng rác từ nhiều năm nay.

Nhưng mới đây, có một bức ảnh chụp từ hơn nửa thế kỷ, đúng ra là phải gần 60 năm trước, do một người tìm thấy gửi cho tôi. Bức ảnh tôi không nhớ được chụp trong dịp nào mà lại chỉ có một người đàn ông khoảng ngoài ba mươi và một đứa bé 7 hay 8 tuổi. Bức hình đen trắng đằng sau không có "phông" như những bức ảnh chụp thời đó. Chắc người đàn ông nghĩ chỉ có hai bố con, bầy vẽ ngồi ghế phía sau có "phông" vẽ hàng liễu rủ , cảnh hồ Gươm làm gì.


photo

Người đàn ông tóc đen nhánh. Mới hơn ba mươi tuổi, tóc đen là phải. Ông mặc một bộ veste có cả gilet ở trong. Cổ sơ mi nhọn, ca vát thắt nút đơn . Ông hiệu trưởng trường tiểu học Ngô Sĩ Liên Hà Nội mà cũng diện gớm. Còn đứa bé thì đội trên đầu cái mũ nồi mà tôi chắc cái sợi dạ trên đỉnh mũ không còn nữa vì đứa bé cầm cái sợi ấy trong ta và xoay cho cái mũ beret quay quay thì làm sao còn dính được ở trên mũ nữa. Đứa nhỏ mặc áo sơ mi, cổ sơ mi nằm bên ngoài, đè lên cổ áo blouson kéo fermeture lên cao. Đứa bé cười tít mắt lại, hàm răng đều như những hột ngô. Hai má phính chưa có một cái mụn trứng cá nào.

Đứa bé đang nghĩ gì? Chắc đang nghĩ tới mấy viên kẹo sỏi trong túi mà bố nó vẫn mua cho nó những lần "lên phố", hay đang nhớ mấy câu hát bậy vừa học được từ mấy đứa bé trong xóm.

Chắc nó đã có nghe Điện Biên Phủ, Cánh Đồng Chum, Na Sản, De Lattre … mà những bản tin đài phát thanh đã nhắc tới nhiều lần hồi đó đó. Nó có thể nghĩ tới những trò chơi với mấy đứa em, tiệm kem Phi Điệp, Cẩm Bình, quán Mụ Béo ở bờ Hồ, những chuyến xe điện chạy ngang Quốc Tử Giám xuống Đống Đa, trên đường đi Hà Đông, cuốn phim Một Ngày Tại New York với Gene Kelly, hay cuốn Ivanhoe có Robert Taylor, phim Quo Va Dis cảnh Neron ăn tảng thịt cừu chùi tay mỡ vào hai cô tóc vàng mà đến nay nó vẫn ao ước có lần làm được, hay phim Les Trois Mousquetaires với tiếng gươm kêu loảng xoảng của các chàng ngự lâm pháo thủ …

Lúc bức ảnh ấy được chụp, thì một người hơn tôi mấy tuổi mà vài chục năm sau tôi mới quen, có thể đang ngồi trên một bậc tam cấp với chiếc đàn ghi ta đầu tiên của chàng như trong một bức ảnh cũ. Đó là Trịnh Công Sơn. Một người khác mãi 10 năm sau tôi mới quen, không biết đã bắt đầu chơi những trò tinh nghịch chưa, đó là Đinh Ngọc Mô của mấy năm cuối trung học. Lúc ấy, mấy người mà vài ba chục năm sau tôi mới gặp chắc có người chưa ra đời, có người nếu đến nhà … mời đi chơi chắc sẽ được nhắc là phải thay tã cho em rồi hãy … bế em đi chơi.

Người đàn ông trong ảnh là bố tôi. Và đứa bé thì là tôi. Tôi vẫn nhận ra đứa bé ấy. Mấy cái răng bầy ra trong ảnh bây giờ vẫn còn.

Bức ảnh quí biết là chừng nào. Tự nhiên bằng ấy chuyện lúp xúp kéo nhau trở về. Tôi được biết bức ảnh được chụp ở Hà Nội, tại một tiệm chụp ảnh ở phố Huế. Bức ảnh được gửi cho chú tôi, và gia đình chú tôi còn giữ được. Cô em họ nghĩ tôi muốn xem lại nên gửi sang cho. Trong hình, tôi còn nhỏ hơn cả mấy đứa cháu nội.

Bức ảnh, nếu nhận được vài chục năm trước chắc tôi đã quăng đi, hay ít nhất, cũng cắt bỏ một nửa, giữ lại nửa có hình ông hiệu trưởng trường Ngô Sĩ Liên, vì tôi quả thực thấy đứa bé trông chán quá. Nhưng bây giờ nhận được, thì bức ảnh lại đáng quí biết bao. Vì thế, ảnh chụp có không giống mình, có xấu cách mấy đi chăng nữa thì chúng ta cũng vẫn nên giữ. Một phần , một đoạn đời của chúng ta ngừng tạm ở đó. Khi người mẹ còn rất trẻ, khi mấy đứa em còn rất bé, khi đầu óc còn trong sáng , không ưu tư, không sầu não, chưa biết chiến tranh, chưa biết chết chóc phân ly …

Và quả như tôi đã nghĩ, khi đưa bức ảnh cho mấy đứa cháu xem, hai đứa lớn hét lên rằng sao bố (?) chúng nó có thể xấu trai đến là như vậy!


Ngày 17 tháng 8 năm 2010

Bạn ta,

Kiss and Tell, trò chơi của khá nhiều người, cho đến nay vẫn chưa có một cách nào để có thể đối phó lại một cách hữu hiệu.

Mà đó là những trường hợp có "kiss" thật. Tuy thế, nếu có "kiss" thật, đem chuyện "kiss" đi "tell" thì cũng không oan uổng, chỉ có hành động "tell" không mấy hào hiệp, mã thượng, anh hùng và văn minh, đáng trách mà thôi.

Người làm công việc "tell" đó có thể viết nguyên một cuốn sách, hay gọi mấy tờ báo lá cải tới, kể hết mọi chuyện, phơi ra tất cả các thứ thật cũng như bịa đặt ra để kiếm chút tên tuổi hay tiền bạc. Như những người có liên hệ ít nhiều với Diana đã làm chẳng hạn. Người chết, Diana, không thể lên tiếng biện hộ, bào chữa được cho mình. Người làm công việc "tell" tha hồ bịa đặt.

Nhưng khi không có chuyện "kiss", mà vẫn cứ "tell" thì phải làm sao?

Mục Dear Abby mới đây có một độc giả đưa ra được giải pháp hay tuyệt. Abby không đóng góp thêm được bao nhiêu cho bức thư của người độc giả ở New Jersey.

Ðộc giả này đưa ra góp ý của mình sau khi thấy câu trả lời của Abby quá dở về vụ một thiếu nữ 14 tuổi bị người bạn trai cũ bịa đặt nói là đã ngủ với cô. Abby khuyên nạn nhân nên bắt kẻ phao tin nhảm phải đến trước mặt cô và xin lỗi, cam đoan chuyện đó không hề xẩy ra. Nhưng làm được chuyện đó thì cần gì phải nói nữa.

Tác giả viết bức thư ở New Jersey đề nghị là nếu có ai mách cô (nạn nhân) rằng đương sự X khoe nhắng lên rằng y đã ngủ với cô, thì cô chỉ cần nói rằng " Ðúng... nó có thử, nó có cố gắng làm chuyện đó, nhưng không được vì nó (?) nhỏ quá" -- Yes, he tried, but he was sooo small.

Nhất định câu nói đó sẽ được đem mách lại cho kẻ phao tin đồn nhảm. Và nghe những nhận định như thế, thì đương sự chỉ có cách đào cái lỗ, chui xuống, lấp lại thì mới hết xấu hổ.

Và trò bịa đặt, mạ lỵ đó phải chấm dứt.

Thế nhưng đó là trường hợp một người đàn ông, một người phái nam bịa đặt chuyện để bôi bẩn một thiếu nữ, một phụ nữ. Khi xẩy ra một trường hợp ngược lại, kẻ phao vu, bịa đặt là một phụ nữ, tuy ít khi xẩy ra nhưng cũng đã xẩy ra, phao vu những điều bịa đặt như vậy thì nạn nhân phải làm gì?

Không thể dùng câu mà người viết lá thư ở New Jersey ra dùng được. Không thể nói là "Ðúng... nó có thử, có cố gắng, nhưng không được vì nó (?) nhỏ quá" được.

Cũng không thể nói là "Ðúng... nó có thử, có cố gắng, nhưng không được vì nó (?) to quá" được.

Nói như vậy, nói là đương sự "nhỏ" hay "to" quá, cách nào cũng là những lời khen ngợi (?) dành cho kẻ bịa đặt, phao vu, mạ lỵ, bởi lẽ "nhỏ" cũng hay mà "to" cũng tốt. Kẻ vu cáo không đáng được dành cho những lời ngợi khen đó.

Thế nên đề nghị của người độc giả viết lá thư cho Dear Abby không thể dùng để đối phó với trường hợp kẻ phao vu, bịa đặt là phụ nữ.

Tưởng tượng những cú điện thoại gọi đến tận nhà của bạn bè nạn nhân nói rằng nạn nhân(?)-- trong trường hợp này là một người đàn ông-- là một người rất tài giỏi về chiến thuật và chiến lược, xuống đông, đông tĩnh, lên đoài, đoài tan, cốt để hạ uy tín và đạo đức của chàng, rồi nói thêm rằng đương sự mới xứng đáng, mới yêu chàng, mới được chàng yêu lại nhắm tạo những rắc rối cho những liên hệ mới của chàng... thì phải giải quyết như thế nào?

Khó nhưng không phải là không có cách. Bạn tôi ở đây, dường như cũng có lần bị một chuyện tương tự. Chàng nói với bạn(?) chàng rằng lần tới, điện thoại gọi đến, cho dù là đêm khuya canh vắng hay sớm mai đầu ngày, cứ hỏi lại phía bên kia rằng "tốt" thế sao lại bỏ, uổng quá đi thôi!

Chắc phải hết.


Ngày 18 tháng 8 năm 2010

Bạn ta,

Hình như chỉ từ khi ra khỏi Việt Nam, báo chí Việt ngữ mới có trò in kèm theo hình của chủ nhân các cơ sở, các dịch vụ trong những quảng cáo đăng trên báo.

Việc in kèm những bức hình này thực ra cũng có cái lý của nó. Người đăng quảng cáo kèm theo bức hình là để muốn được nhận diện khi thân chủ đến với cơ sở của mình. Ông hay bà muốn, sau khi bỏ tiền đăng quảng cáo, khách sẽ đến với mình chứ không tới với các đồng nghiệp khác, nhất là trong các dịch vụ được trả commission, hoa hồng, thay vì được trả lương cố định.

Trong suốt bao nhiêu năm ở Việt Nam, có lẽ chỉ có ông Khánh Sơn, thực ra, luôn luôn là Maitre Khánh Sơn, hay Prof Khánh Sơn, chuyên sống về nghề tử vi, bói toán, mới có hình đăng trên báo. Trong hình, bao giờ ông cũng có vẻ chững chạc, đạo mạo và thông thái. Người ta tìm đến với ông chắc cũng phần nào nhờ nét thông thái trong hình. Vậy chuyện ông in hình trên báo là hợp lý.

Chủ nhân một tiệm trang điểm cô dâu, bán hay cho thuê áo cưới cũng nên đăng kèm vài ba bức hình của mình. Những bức hình đẹp cô đăng ở các quảng cáo sẽ làm nhiều người muốn chạy lại nhờ cô trang điểm. Chủ nhân của các cơ sở làm đẹp này nên dùng những bức ảnh đắc ý nhất. Những bức ảnh đó là những quảng cáo rất hữu hiệu cho dịch vụ làm đẹp của tiệm.

Các thẩm mỹ viện cũng thế, nhưng nên tìm những bức ảnh cũ thì tốt hơn. Mời du khách đến thăm xứ sở của mình thì nên dùng những hình ảnh thanh bình xưa cũ. Dùng những bức Việt Nam bi thảm Ðông Dương, bản dịch của Ðường Bá Bổn thì rất không nên. Các chủ nhân nên dùng những bức ảnh, như Bernard Shaw vẫn nói về bức tượng của ông: "The damn thing gets younger and younger everyday." Ông than thở ông thì già đi mà nó thì cứ mỗi ngày mỗi trẻ ra.

Nhưng các dịch vụ khác thì không cần phải chọn những bức ảnh đẹp nhất để đăng báo. Thí dụ như dịch vụ địa ốc chẳng hạn. Cứ kiếm những bức xấu đẹp tùy người đối diện là được. Chúng tôi đi mua nhà chứ không đi tuyển lựa hoa hậu Mỹ quốc. Nhà ở khu tốt, giá phải chăng, điều kiện dễ dàng là chúng tôi mua. Người bán xấu hay đẹp, có duyên hay vô duyên, kèm bên cạnh tên những chữ viết tắt không thấy trong bất cứ một cuốn niên giám đại học nào, không là yếu tố quyết định để mua nhà.

Trong dịch vụ mua bán xe cũng thế. Không lẽ bán xong cái xe, lại muốn đi theo chủ của chiếc Jaguar về luôn sao. Do đó, không cần hình đẹp trong những quảng cáo này.

Trong những dịch vụ khác, nên kiếm những bức hình càng xấu càng tốt. Những bức hình xấu và dữ tợn có thể lại có tác dụng tốt cho dịch vụ được quảng cáo trên báo.

Thí dụ văn phòng luật sư thì phải dùng những bức hình hung tợn, da mặt như cái lốp xe hơi, nhan sắc của những gangsters, sát nhân kiểu John Cochran, luật sư cãi cho OJ Simpson trước đây. Hay nếu không thì phải mặt mũi kiểu chó đẻ như Benjamin Brafman hay Lee Bailey, lúc nào cũng như muốn ăn tươi nuốt sống phía bên kia.

Trong những trường hợp như thế, cứ tìm bức hình xấu nhất, dữ tợn nhất, khủng khiếp nhất, trước khi căng da mặt, sửa mũi, bơm môi thì lại càng tốt.

Những bức hình xấu như thế lại làm cho thân chủ hay những người dự tính nhờ giúp đỡ tại tòa yên tâm hơn. Trông càng dễ sợ càng ăn khách. Chứ luật sư mà trông hiền thì có giỏi thật đấy, nhưng trông không bảo đảm chút nào.


Ngày 19 tháng 8 năm 2010

Bạn ta,

Tôi đã cố, nhưng không thể nào tìm được xuất xứ đích xác định nghĩa về hạnh phúc mà chúng ta nghe đã rất nhiều lần từ mấy chục năm qua: Ở nhà Tây, đi xe Hoa kỳ, ăn cơm Tầu, lấy vợ Nhật.

Nó có từ bao giờ, ai là người xướng nó lên lần đầu tiên, ở đâu, trong dịp nào vân vân. Tôi xin chịu.

Nhưng rõ ràng là những định nghĩa này phải có sau ông Tú Vị Xuyên, vì nếu có từ thời ông còn sinh tiền, trước năm 1906, chắc chắn chúng ta phải đọc được những thứ ấy trong thơ của ông. Ông là người rất mới trong ngôn ngữ: nhẫn ma dê, rượu sâm banh, sữa bò... thơ ông đầy những thứ như thế. Nhưng ông không đề cập đến những hạnh phúc ở nhà Tây, đi xe Hoa kỳ, ăn cơm Tầu, lấy vợ Nhật. Ông có ăn cao lâu (quịt) và có ước muốn lấy vợ đầm (...Cụ sứ có cô con gái đẹp / Lăm le xui bố cưới làm chồng...) còn những thú vui kia thì không thấy ông nhắc.

Vậy thì nó phải xuất hiện khá lâu sau đó, khi những chiếc xe Hoa kỳ bắt đầu chạy trên đường phố Việt Nam. Thời những năm 1920, theo Vương Hồng Sển, chưa có xe Hoa kỳ ở Ðông Dương (Sài Gòn Tạp Pín Lù, Văn Nghệ xuất bản năm 1994, trang 165). Vậy thì phải đến những năm 30 hay 40, mới có xe Hoa kỳ, chạy êm, đẹp và hay hơn những Hotchkiss, Bugatti, Alfa Roméo... mà cụ Vương kể trong sách của cụ.

Từ đó đến nay, những thứ đem lại cho chúng ta hạnh phúc đã thay đổi. Xe Hoa kỳ không còn tốt nhất nữa. Nhà Tây thua nhà Mỹ xa. Cơm Tầu nhiều dầu, mỡ, không tốt cho tim mạch. Phụ nữ Nhật không còn chiều chồng như trước nữa, họ cũng nói nhiều, nói dai, nói ác, hành hạ những người đàn ông Nhật đến điều, cho các chàng ăn hủ tiếu dai, canh rau đay, thịt băm nghiền như điên, đến nỗi các salarymen tan sở phải bò đi hát karaoke đến khuya mới lén về nhà, mắt không còn hừng hực lửa như các võ sĩ ngày xưa nữa...

Do đó, mấy thứ đem lại hạnh phúc cho thế hệ ông cụ tôi hay trước đó một chục năm, nay không còn tạo được hạnh phúc nữa. Bây giờ, hạnh phúc có thể chỉ còn ba thứ, thay vì bốn, đó là ở nhà Mỹ, lái xe Nhật, và ăn cơm mẹ nấu.

Thỉnh thoảng nhớ lại những thứ một thời đem lại hạnh phúc cho các cụ, tôi cứ thắc mắc không biết các dân tộc khác có được những suy nghĩ tỉ mẩn như các cụ chúng ta không?

Tôi cho là không. Có thể ít có dân tộc nào vọng ngoại nhiều như chúng ta, và hạnh phúc với những thứ họ có, không cần đi tìm kiếm đâu xa chăng?

Nhưng sáng nay một người bạn e-mail cho tôi mấy định nghĩa về địa ngục thiên đường khiến tôi nghĩ cũng có người có những suy nghĩ khá giống chúng ta. Vậy thì nhân loại khi mưu tìm hạnh phúc cũng giống nhau đấy chứ.

Và đây là thiên đường, địa ngục như định nghĩa của cái e-mail ấy:

Heaven is when you have an American salary, a British home, Chinese food, a German car and a Latin lover.

Hell is when you have an American car, a British lover, a Chinese house, German food and a Latin salary.

Lương Mỹ thì vui hơn lương Mễ, lương El Salvador, Honduras, Nicaragua, Colombia... ở Mỹ châu La Tinh nhiều.

Nhà Ăng Lê thì tốt hơn nhà Trung Hoa. Trước tiên là cái cầu tiêu. Ngồi cái fosse Anglaise oai và thoải mái hơn cái bô (ở góc nhà, dùng chung với một chục người khác, dùng xong đem đi đổ xuống sông) trong những căn nhà ở Thượng Hải như tờ Washington Post vừa cho biết rất nhiều.

Cơm Tầu vẫn được coi là hơn các thứ cơm khác. Ðồ ăn của Ðức thì ngoài món hamburger (thịt nghiền kiểu Hamburg), không ai nhớ nổi người Ðức... ăn gì nữa.

Người tình La Tinh (Ý, Tây Ban Nha, Nam Mỹ) thì nhất định phải hay hơn người tình Ăng Lê như trong một hài kịch của Monty Python mấy năm trước: No Sex, We Are British.

Còn xe thì xe Ðức đang dẫn đầu trước tất cả mọi loại xe Mỹ. Ði Chevrolet thì thà đi cái Mercedes, cái BMW, cái Audi... còn hơn.

Như vậy là nhà cửa, xe cộ, đồ ăn thức uống tất cả đều được nói tới trong các định nghĩa tôi mới được nghe về hạnh phúc.

Nhưng không có câu nào nói về vợ là làm sao?

Không hiểu được. Hay không thế mới là hạnh phúc, thiên đường và... địa ngục?


Ngày 20 tháng 8 năm 2010

Bạn ta,

Hán Việt Từ Ðiển của Ðào Duy Anh định nghĩa quân tử là người tài đức xuất chúng, người phẩm hạnh ngay thẳng, người có nhân cách hoàn toàn, theo Khổng giáo. Trong khi đó, Từ Ðiển Tiếng Việt của Trung Tâm Từ Ðiển Ngôn Ngữ của Hà Nội thì giải thích danh từ quân tử là người có tài, có đức trong thời phong kiến cổ đại ở Trung quốc.

Nhưng danh từ quân tử Tầu thì không có từ điển nào ghi.

Quân tử Tầu là chữ của miền Nam. Miền Bắc, trong sự tôn kính dành cho nước của Mao Trạch Ðông, không thể có danh từ đó. Tầu là danh từ thiếu tôn kính mà nhà nước hết sức tránh để khỏi làm mất lòng người đồng chí phương Bắc, đến độ cuốn Người Ðàn Bà Tầu (tức là bản dịch cuốn Ðài Gương) của Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu, khi được in lại, tựa đề cũng phải sửa thành Người Ðàn Bà Trung Quốc.

Nhưng ở miền Nam thì chữ Tầu được dùng thả cửa, cho cả những ý xấu cũng như ý tốt. Cơm Tầu, ghẻ Tầu, phim Tầu, đàn bà Tầu, phố Tầu... và quân tử Tầu.

Quân tử Tầu hơi khác với những định nghĩa của quân tử thường tìm thấy trong các từ điển.

Quân tử Tầu cũng có nghĩa là quân tử, cũng tử tế, ngay thẳng, cũng tốt bụng nhưng hơi ngu một chút, ngu trong ý nghĩa tốt đẹp nhất của nó.

Không đánh người ngã ngựa là quân tử. Không đánh mà còn giúp cho nó leo lên ngựa, lại dúi cho nó vài chục để nó đi đường ghé tiệm ăn cơm Tầu cho bõ những ngày cơ cực sau khi nó đối xử với mình không ra gì, là quân tử Tầu.

Như thế, quân tử Tầu là người tốt, quá tốt đến độ hơi ngu một chút là khác. Nhưng quân tử Tầu vẫn là người tốt. Trong đời chúng ta chắc chắn đã gặp bao nhiêu người như thế, thứ người có lối hành xử không thông thường, kiểu như vừa bước ra khỏi một pho truyện Tầu nào, không Tam Quốc thì Ðông Chu, không Ðông Chu thì cũng trong bộ Cổ Học Tinh Hoa. Có lẽ vì thế, để dễ hiểu, và để phân biệt với các loại quân tử khác, chúng ta có chữ quân tử Tầu.

Nhưng đã đến lúc phải cho danh từ này về hưu, xếp nó vào những chữ cổ, không dùng nữa, vì một số lý do.

Thứ nhất, người Trung Quốc không bao giờ có những chữ tương đương nào với ý nghĩa tốt đẹp dành cho chúng ta, người Việt. Vậy thì tại sao phải tiếp tục tử tế với người Trung Quốc, dùng danh từ quân tử Tầu, trong đó, chữ Tầu mang toàn những hình ảnh tốt đẹp trong khi họ có bao giờ tử tế với chúng ta đâu. Nước Anh và nước Pháp chơi nhau đến nơi đến chốn. Cái bao cao su ngừa thai, phòng bệnh người Pháp gọi là capote anglaise thì người Anh gọi là French letter. Không nhường nhau một ly. Ông bỏ nước Anh của chúng tôi xuống dưới đó, thì chúng tòi cũng bỏ nước Pháp của các ông xuống ngay.

Thứ hai, người quân tử ở nước Tầu nay không còn nữa. Mà đó là khẳng định của ông Bá Dương, tác giả cuốn Người Trung Quốc Xấu Xí, một nhà báo ở Ðài Loan. Người Trung Quốc qua cái nhìn của ông Bá Dương, là một dân tộc hay đấu đá nhau, tính tình nhỏ nhen, bần tiện, ăn ở dơ dáy, nói năng thô tục, bất lịch sự không thể nói hết. Ông kể chuyện một số du khách Trung Quốc sang thăm Hoa kỳ đã vô cùng kinh ngạc trước lối sống lịch sự của người Mỹ, luôn miệng xin lỗi, cám ơn, nhường nhau đi trước ở cửa ra vào, ngoài đường phố...

Người Trung Quốc thì không thế. Nhưng có lẽ Trung Quốc đang tìm cách thay đổi những hình ảnh không tốt bằng cách sửa mình cho văn minh hơn. Họ đang cố bỏ thói xấu khạc nhổ của 2/3 tổng số dân Hoa lục bằng cách phạt mỗi cú nhổ một số tiền tương đương với 6 Mỹ kim và phải cúi xuống lau ngay cho sạch chỗ vừa nhổ xuống. Ðiều này là điều cần thiết, vì nếu không, 2/3 của dân số 1 tỷ 300 triệu người cùng đứng lên, nhổ xuống một cái thì sẽ có nhiều người chết đuối nếu không biết bơi để thoát ra bãi đờm và nước bọt đó.

Xong chuyện khạc nhổ, bây giờ qua chuyện xin lỗi. Ông Giang Trạch Dân hồi ấy đi công du mấy nước về liền (nín khạc nhổ một lúc) ra trước cuộc họp báo nói rằng ông đi đâu cũng thấy mọi người lịch sự, ông nghĩ đó là bài học tốt. Mọi người nên xin lỗi nhau nhiều hơn. Và nước Mỹ, theo ông Giang Trạch Dân, nên đi bước đầu là xin lỗi Trung Quốc về vụ chiếc phi cơ trinh sát của hải quân Mỹ làm rơi chiếc phản lực cơ F-8 làm thiệt mạng một hoa tiêu của không lực Trung Quốc. Chừng nào cái cột đèn xin lỗi đã gây ra tai nạn cho người lái chiếc xe húc vào cột đèn thì người Mỹ mới cần xin lỗi Trung Quốc.

Sau đó, nói chuyện đòi tiền sau, như vụ oanh tạc lầm vào sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Nam Tư trước đây.

Người ngợm đất nước như thế thì không thể có lý do nào để chúng ta dùng chữ quân tử Tầu nữa. Nham nhở vừa thôi chứ!


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 88)

Bản ghi chép do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 88 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 10 năm 2010.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

Thưa anh, trong bài trước anh có nói về trạng từ rất kỹ. Nhưng có ba tiếng trạng từ QA chưa hoàn toàn hiểu rõ. Chúng có vẻ giống nhau nhung QA biết chắc chúng không giống nhau hoàn toàn. Đó là VERY, SO và TOO. Làm thế nào phân biệt và dùng chúng sao cho đúng thưa anh.

LÃM THÚY

Thúy biết cả ba đều có nghĩa là rất nhiều, nhiều một cách bất thường, nhiều lắm. Nhưng chắc không thể dùng chữ này thay thế cho chữ kia được. Chắc chắn chúng phải khác nhau không ít.

BBT

Cô Thúy nói đúng. Thí dụ nói trời nóng. IT IS HOT. Nhưng nếu nóng nhiều như tuần trước ở Arizona, Texas hay Washington DC thì nói IT IS HOT chưa đủ. Chúng ta cần một trạng từ để nói rõ là trời rất nóng, "cái nóng nung người, nóng nóng ghê" như cái nóng làm khổ cụ Nguyễn Khuyến.

Và đó là lúc chúng ta cần ba trạng từ VERY, SO và TOO. Trạng từ VERY thì dễ dùng. VERY là rất, là nhiều lắm, là dữ dội lắm. IT IS VERY HOT. Hai cô chắc chắn không có điều gì thắc mắc về cách dùng của nó. VERY nghĩa là rất, nhưng chúng ta vẫn có thể chịu nổi. HOUSES ARE VERY EXPENSIVE IN ORANGE COUNTY. Nhà ở Orange County đắt lắm, nhưng cố gắng thì vẫn mua được. Dĩ nhiên chúng ta không kể những căn nhà chỉ cần băng ngang qua đường là có thể rửa tay bằng nước biển Thái Bình Dương.

Hai câu thí dụ ở trên có thể chấm câu ngay, không cần phải nói gì thêm mà người nghe vẫn hiểu ngay là trời rất nóng và nhà cửa ở Orange County rất đắt.

Nhưng với SO và TOO thì khác.

Thí dụ nói IT IS SO HOT thì nghe có vẻ chưa đủ. Chúng ta còn chờ nghe một điều gì khác theo sau chi tiết trời nóng đó.

QA

QA nhớ là hình như phải thêm THAT và một mệnh đề phụ nữa thì câu mới có đầy đủ ý nghĩa. QA nhớ có nghe con trai , xưa nay vẫn làm biếng đi tắm lắm, bữa hôm trời nóng đã phải nói IT WAS SO HOT THAT I HAD TO SHOWER THREE TIMES… Không biết nói vậy có đúng không.

BBT

Đúng chứ sao không. Những câu có SO thì thường theo sau là một mệnh đề bắt đầu bằng THAT. Đây là cách đặt câu tương đương với câu tiếng Việt khi chúng ta nói QUÁ ĐẾN NỖI. Thúy cho nghe hai thí dụ với SO…THAT coi.

LÃM THÚY

THE BOOK WAS SO GOOD THAT I FORGOT ABOUT DINNER.

MY SON WALKS SO FAST THAT I CAN NOT CATCH UP WITH HIM.

BBT

Còn QA?

QA

THE BOY LIVING NEXT TO US IS SO BIG THAT HE TOTALLY BLOCKS THE FRONT DOOR.

IT WAS SO COLD THAT THE CAR COULD NOT START.

BBT

Cám ơn hai cô. Nhớ là nếu dùng SO thì nên có một mệnh đề phụ đi theo sau. Nhưng nếu muốn, bỏ THAT đi cũng được. Ý nghĩa của câu vẫn không thay đổi. Thí dụ hai câu của Lãm Thúy có thể nói ngắn lại như thế nào?

LÃM THÚY

THE BOOK WAS SO GOOD I FORGOT ABOUT DINNER.

MY SON WALKS SO FAST I COULD NOT CATCH UP WITH HIM.

BBT

Còn QA?

QA

THE BOY LIVING NEXT TO US IS SO BIG HE TOTALLY BLOCKS THE DOOR.

IT WAS SO COLD THE CAR COULD NOT START.

BBT

Chúng ta dùng TOO trong trường hợp quá độ , quá độ đến nỗi chúng ta không thể làm được, không làm sao giải quyết được, giàn xếp được.

Cách đặt câu với TOO là như thế này: IT IS TOO HOT TO JOG. TO JOG là một INFINITIVE, một động từ nguyên mẫu có TO đằng trước. Và tuy chúng ta không thấy NOT ở đâu, nhưng việc mà động từ INFINITIVE gợi ý đã KHÔNG XẨY RA. Trời quá nóng để chạy bộ tức là không có việc chạy bộ diễn ra. QA cho hai thí dụ với TOO coi.

QA

IT IS STILL TOO EARLY TO SHOP FOR CHRISTMAS.

THE MAN IS TOO OLD TO JOIN THE ARMY.

BBT

Mời cô Thúy.

LÃM THÚY

IT IS TOO EXPENSIVE TO LIVE IN TOKYO WITH MY BUDGET.

SENATOR JOHN McCAIN IS TOO OLD TO RUN IN 2012.

QA

Tuần qua chương trình nhận được thư của một thính giả yêu cầu ông thầy giảng cách dùng chữ EVER trong tiếng Anh.

BBT

Cô QA hay vị thính giả này đã quá cẩn thận đây? TOO CAREFUL nên phải nói rõ là cách dùng EVER trong tiếng Anh. Tôi nghĩ tiếng nước khác chắc không có chữ EVER đâu. EVER là một ADVERB, một ADVERB OF FREQUENCY cho chúng ta biết động từ trong câu có xẩy ra thường xuyên không, hay ít khi, hay họa hoằn hay không bao giờ.

EVER nghĩa là bao giờ, thường được dùng trong câu hỏi.

Thí dụ DID YOU EVER LIVE IN TOKYO?

QA

Thưa anh, trạng từ này có thể dùng với tất cả các thì, các TENSES hay chỉ được dùng trong một số thì mà thôi?

BBT

Cô QA hỏi câu rất hay. Chúng ta có thể dùng EVER với các thì PRESENT, PAST, PRESENT PERFECT, PAST PERFECT nhưng không dùng với các thì tương lai (FUTURE) và liên tiến (CONTINUOUS TENSES).

LÃM THÚY

Nhưng thưa anh, không dùng FUTURE thì làm sao diễn tả ý nghĩa EVER, có bao giờ trong tương lai? Thí dụ trong hai câu Kiều : Mai sau dầu có bao giờ/ Đốt lò hương ấy, so tơ phím này… nếu dịch sang tiếng Anh mà không được dùng FUTURE thì dịch thế nào?

BBT

Có một số trường hợp chúng ta không thể dùng động từ trong thì tương lai, mà dùng thì hiện tại, nhưng ý nghĩa thì vẫn là tương lai. Thí dụ WHEN I RETIRE, không bao giờ nói WHEN I SHALL RETIRE… Ngoài WHEN, còn AS SOON AS, BEFORE, AFTER… cũng không dùng với thì tương lai. Cứ dùng PRESENT TENSE, ý nghĩa vẫn là FUTURE như thường…

Hai câu Kiều có thể dịch tạm như thế này: THEN ONE DAY, IF YOU EVER REKINDLE THE INCENCE BURNER AND RETUNE THIS MOON GUITAR… Không dùng FUTURE mà ý nghĩa tương lai vẫn có ở đó.

Trở lại với EVER. Chữ EVER này được dùng trong những câu hỏi để làm cho nghĩa mạnh hơn.

Bỏ EVER đi câu hỏi vẫn có nghĩa. DID YOU LIVE IN TOKYO? vẫn đầy đủ ý nghĩa ông có sống ở Tokyo không? Nhưng thêm EVER vào thì câu trở thành ông có bao giờ sống ở Tokyo không? Câu sau ý nghĩa mạnh hơn. Người hỏi có vẻ nghi ngờ, thêm EVER vào để nhấn mạnh, xin ngôi thứ hai nói rõ hơn, đã có hay không bao giờ.

LÃM THÚY

Như vậy, EVER chỉ được dùng trong câu hỏi thôi sao? Chúng ta không thể dùng nó trong câu xác định (AFFIRMATIVE)?

BBT

Đúng và không đúng. Khi hỏi DID YOU EVER LIVE IN TOKYO? Câu trả lời xác định không thể nói : YES, I EVER LIVED IN TOKYO. Phải nói YES I DID. Nhưng EVER cũng có thể được dùng trong câu xác định. Tôi sẽ trở lại trong vài phút nữa. Bây giờ nói tiếp về EVER.

Trả lời câu hỏi DID YOU EVER LIVE IN TOKYO? với câu trả lời phủ định (NEGATIVE) chúng ta dùng NEVER. Thí dụ NO I NEVER hay I NEVER DID.

QA cho nghe hai thí dụ với EVER trong thể hỏi coi.

QA

DO YOU EVER THINK OF MOVING BACK TO PARIS?

DID HE EVER STUDY IN GERMANY?

LÃM THÚY

HAVE THEY EVER MET HIM BEFORE?

HAD SHE EVER VISITED NEW DELHI?

BBT

Cám ơn hai cô. Bây giờ chúng ta sẽ nói về trường hợp EVER được dùng với một mệnh đề xác định. Đây cũng là một cách đặt câu chúng ta cần biết vì có nhiều trường hợp chúng ta sẽ phải dùng đến lối đặt câu này.

Chắc chắn hai cô thể nào cũng đã trải qua những trường hợp phải dùng đến lối đặt câu như thế. Tưởng tượng có người mời ngồi vào trong chiếc Rolls Royce Ghost máy 6 lít 6, 12 xi lanh thì phải nói thế nào cho chủ xe vừa lòng?

LÃM THÚY

Chắc phải ca cái xe bằng một câu như đây là chiếc xe đẹp nhất mà tôi đã được thấy. Nói thế nào thưa anh? Anh phải dậy Thúy và QA câu này để có khi cần phải nói còn biết mà nói.

BBT

Chúng ta dùng PRESENT PERFECT: I HAVE EVER SEEN. Mệnh đề chính luôn luôn là câu so sánh nhất (SUPERLATIVE) THIS IS THE MOST EXPENSIVE CAR.

Cả câu sẽ là THIS IS THE MOST EXPENSIVE CAR (THAT) I HAVE EVER SEEN. Bây giờ mời cô QA cho nghe thí dụ của cô với lối đặt câu này coi.

QA

THEY ARE THE MOST MISERABLE YEARS I HAVE EVER LIVED IN SAIGON.

MY DAUGHTER GAVE ME THE MOST BEAUTIFUL BIRTHDAY CARD I HAVE EVER RECEIVED.

LÃM THÚY

SHE COOKED THE MOST TERRIBLE DINNER I HAVE EVER TOUCHED.

WE HAD THE BEST WINE WE HAD EVER TASTED IN EUROPE.

BBT

EVER cũng còn xuất hiện trong những nhóm chữ (PHRASES) như thế này, luôn luôn với so sánh nhất (SUPERLATIVE). THE MOST POWERFUL CAR EVER. Câu này có thể hiểu là chiếc xe mạnh nhất (mà công ty đã sản xuất). THE MOST RUTHLESS RULER EVER. Cô QA cho nghe thí dụ của cô coi.

QA

MY BEST VACATION EVER.

THE MOST FAMOUS RESTAURANT EVER.

LÃM THÚY

THE BEST LOVED ACTRESS EVER.

THE LONGEST FILM EVER.

BBT

Còn ít phút tôi sẽ nói về một số idioms liên quan đến ngón tay, FINGERS. Thúy nói thử câu này bằng tiếng Anh coi: Nó không nhấc một ngón tay để giúp tôi. Cứ dịch từng chữ một sang tiếng Anh là đúng.

LÃM THÚY

HE DID NOT LIFT A FINGER TO HELP ME.

BBT

Đúng rồi. Lại rất IDIOMATIC nữa. IDIOMATIC là tiếng Anh dùng đặc ngữ hệt như người Anh và người Mỹ.

TO CROSS ONE’S FINGERS hay TO KEEP ONE’S FINGER CROSSED là ra dấu tay để chúc , hy vọng một chuyện tốt đẹp sẽ xẩy ra cho người kia. Thí dụ tôi sắp đi thi, cô QA sẽ nói gì với tôi nếu cô muốn mọi chuyện hanh thông, xuôi chèo mát mái?

QA

I WILL KEEP MY FINGERS CROSSED FOR YOU hay I WILL CROSS MY FINGERS FOR YOU.

BBT

Khi nói những gì gần sát ngay cạnh chúng ta, không phải kiếm đâu xa, sẵn sàng để dùng, tiếng Anh nói AT ONE’S FINGERTIPS. Thúy cho nghe thí dụ của cô đi.

LÃM THÚY

AT HIS DESK, HE HAS EVERYTHING AT HIS FINGERTIPS.

Thưa anh, Thúy biết thành ngữ TO GIVE SOMEBODY ONE’S HAND nghĩa là nhận lời cầu hôn của ai đó. Nhưng TO GIVE SOMEBODY THE FINGERS có cùng nghĩa như thế không?

BBT

Không. Hoàn toàn không. Thành ngữ cô vừa hỏi bao giờ danh từ FINGER cũng ở số ít. Không bao giờ số nhiều. Việc làm mà thành ngữ này diễn tả cũng không bao giờ nên làm. TO GIVE SOMEBODY THE FINGER (số ít) là một hành động tương đương với một câu chửi thề hết sức tục tĩu.

Qua một thành ngữ khác: TO POINT THE FINGER AT là chỉ tay buộc tội, qui lỗi cho ai đó. Thúy cho một thí dụ với TO POINT THE FINGER AT coi.

LÃM THÚY

THE GARAGE DOOR WAS BROKEN AND SHE POINTED THE FINGER AT HER BROTHER.

QA

THEY SAY IN WASHINGTON PEOPLE LIKE TO POINT FINGERS AT OTHER PEOPLE.

BBT

Còn một thành ngữ nữa tôi muốn chỉ cho hai cô. TO SNAP ONE’S FINGER AT nghĩa là khinh bỉ, không để ý tới, không quan tâm tới, bỏ qua. Thí dụ MOST YOUNG PEOPLE SNAP THEIR FINGERS AT NO TEXTING LAWS.

QA

Bài học Anh ngữ thứ 88 của chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television tạm chấm dứt ở đây. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin gửi lời chào tạm biệt quí vị.