August 12, 2010

August 13, 2010

Ngày 9 tháng 8 năm 2010

Bạn ta,

Trưa nay tôi đi ăn ở một tiệm gần sở.

Tiệm không đông lắm nên tôi tìm được một chỗ gần cửa sổ sáng sủa, ở cái bàn tôi vẫn quen ngồi. Ngồi xuống, tôi mới thấy bàn bên cạnh có một người đàn ông lớn tuổi. Tôi biết đó là một người đàn ông lớn tuổi nhờ mái tóc bạc trắng. Ông phải là một người đàn ông Á châu. Ông mặc một chiếc jacket mầu nhạt. Ông cũng diện lắm đấy chứ. Đâu có như mấy ông già tôi hay gặp ở ngoài đường. Cái kiểu thôi tôi già rồi, không ăn diện nữa đâu.

Đó là giọng của ông bố tôi khi còn sống. Con cái mua cho cái áo tử tế thì cất đi … để dành. Không biết để dành đến bao giờ.

Vài phút sau thì có một người đàn ông trẻ hơn bưng mấy món tới bàn, ngồi xuống. Tôi đọc nốt tờ báo, không để ý đến hai người bàn bên cạnh, nên lại càng không biết liên hệ của hai người như thế nào. Tôi cũng không biết hai người là người Hoa hay người Thái, hay người Việt nữa. Nhưng sau một lúc thì tôi nghe thấy tiếng Việt. À thì ra đó là hai người Việt. Họ nói chuyện rất khẽ. Cách hơn một mét, tôi không nghe rõ họ nói gì với nhau. Nhưng rồi tôi bỗng nghe thấy người đàn ông trẻ nói với người đàn ông lớn tuổi bằng một giọng cũng không lớn lắm: "Bố uống thuốc nhé bố."

Đó là một cái giọng rất nhỏ nhẹ. Qua câu nói đó, tôi biết hai người là cha con. Người con đưa người cha đi ăn. Trong khi ăn, ông con nhắc ông bố uống thuốc.

Tôi ngạc nhiên về câu nói của người con. Lúc ấy tôi đã biết ông là con trai của người đàn ông lớn tuổi.

Tại sao lại có cái giọng nhẹ nhàng thế? Cũng là những câu nhắc nhở, nhưng tôi nghe nhiều lần bằng cái giọng lớn hơn. Những câu nói bằng cái "volume" lớn đó cũng có nét cộc lốc hơn: "Uống thuốc… uống bây giờ nhá…" Đại khái là như thế. Nhiều lần, những câu nói như thế thiếu cái chủ từ để trở thành nhũng cái lệnh. Nét ân cần không thấy ở trong.

Tôi ngó ông cụ kỹ hơn. Cụ có đeo cái earbud ở tai. Nhất định không phải là cái máy trợ thính. Hình như cụ đeo để nghe nhạc trong chiếc iPod? Hay cụ đeo để dùng điện thoại cho tiện?

Những chi tiết như thế thì có gì quan trọng? Có. Quan trọng. Quan trọng là vì tai của cụ vẫn còn tốt. Cụ không cần máy trợ thính. Không phải hét lên vào tai cụ cụ mới hiểu như những cụ già khác.

Những cụ khác thường bị quát, bị hét vào tai, các cụ không được nghe những câu nhẹ nhàng như câu: "Bố uống thuốc nhé bố". Tôi nghe không thấy cái dấu than ở cuối câu. Câu có chủ từ nên không còn là một mệnh lệnh nữa. Nó có sự ân cần ở trong. Tưởng tượng đôi tai già nghễnh ngãng nghe câu được câu chăng, bị quát cho một câu vào tai, bảo uống thuốc rồi ngay sau câu ra lệnh đó, kèm theo một câu khác tưởng rằng đôi tai già ấy không nghe thấy đại khái "Có mấy viên thuốc nhắc mãi mới uống…ăn thì chậm, hết đổ đến vãi… lần sau biết vậy không cho đi nữa… khổ ơi là khổ…"

Tội nghiệp những đôi tai già nghễnh ngãng. Tôi thấy điều đó khi đến thăm ông Mai Thảo trước khi ông chết. Đầu óc còn tinh tường, tỉnh táo, sáng suốt, nghe gì hiểu ngay, nói khẽ cũng vẫn nghe. Nhưng xác thì đã buông xuôi. Nằm đó nhưng vẫn nhớ tiếng còi trên sông Hồng, bầy thỏ ngày sinh nhật, những tấm ảnh của chị Ngần…

Ông bố tôi cũng thế. Trước khi chết còn ra hiệu cho tôi lấy cái bút để viết xuống tờ giấy tên của những đứa con. Nét nguệch ngoạc nhưng vẫn đọc được khá rõ.

Những cái đầu còn tỉnh đó nghĩ gì khi bị quát vào tai, kèm theo vài ba câu bạc bẽo?

Cái vòng đã xoay ngược trở lại. Hơn năm mươi năm trước, người đàn ông già chắc phải có lần dẫn người con đi ăn ở một tiệm ăn nào đó. Người con lúc ấy khoảng 5 hay 6 tuổi, cũng đổ, cũng vãi, cũng đánh vật mãi vẫn chưa thanh toán xong bát phở nhỏ. Chắc cậu bé không bị quát cho một trận.

Chỉ có bàn tay xúc cho muỗng phở mà những sợi phở khó dậy cứ vuột ra ngoài…

Người đàn ông ở bàn bên cạnh chắc phải nhớ lại điều đó. Và ông nhẹ nhàng với ông cụ với mấy viên thuốc.

Tôi nhớ ông cụ của tôi vô cùng. Phải chi mà…

Tôi vẫn nhớ tiệm phở ở phố Cầu Gỗ Hà Nội của những năm 1950.


Ngày 10 tháng 8 năm 2010

Bạn ta,

Vừa nhắc đến ông Kim Thánh Thán, nhà phê bình thuộc trường phái ấn tượng của văn học Trung Hoa thế kỷ thứ 17, và ước gì ông còn sống đến bây giờ, thì sáng nay, tôi thấy là nếu ông còn ở với chúng ta, có thể ông sẽ vất vả, trần ai khoai củ nặng chứ không ít.

Vất vả vì một điều ông viết xuống trong tập phê bình tuồng Tây Tương Ký. Ông viết lại những phút vui trong đời, và trong những phút vui trong đời đó, có lần ông đã rất thích thú khi nghe tin một kẻ gian xảo, mưu mô thâm hiểm vừa chết. Như vậy là ông có thiếu tôn trọng người chết, ông không nghĩ tốt về người chết, ông vui mừng khi người chết... chết.

Ông viết nguyên văn như thế này: "Sáng sớm mới thức dậy, nghe như có tiếng gia nhân than thở rằng: Có người nào mới chết ban đêm. Tôi liền hỏi ai chết, thì chính là một kẻ giảo quyệt mưu mô nhất trong thành. Chẳng cũng khoái ư?"

Ông mô tả người chết là "giảo quyệt, mưu mô" nhất trong thành phố. Ðó toàn là những mô tả không đẹp, bất lợi cho tên tuổi, tiếng tăm của người chết. Và như vậy là không được. Nếu ông nói hay viết những điều đó ra tại Raleigh, tiểu bang North Carolina, Hoa kỳ.

Nghị viện tiểu bang North Carolina vừa chấp thuận và ban hành một luật mới cấm sử dụng các ngôn từ không đẹp trước tử thi người quá cố để tỏ lòng tôn kính đối với người chết và tang gia.

Ông Thánh Thán là con người văn học vẫn được quí mến và nể trọng từ lâu. Tưởng ông không tầm thường, không người trần mắt thịt, không tham sân si tận mạng, không "oán thiên, vưu nhân" như nhiều người khác, nên khi đọc những điều ông viết mà tôi trích lại ở trên, tôi mừng vô kể. Mừng là vì có vui như ông một chút cũng không sao hết. Bình thường cả thôi. Lâu lâu cũng cho chúng tôi vui như ông Thánh Thán khi nghe tin kẻ giảo quyệt mưu mô chết một cái chứ. Tại sao phải giả bộ đau khổ, đeo cái mặt đưa đám vào, rưng rưng ngấn lệ, nói toàn những lời giả dối bên quan tài của Bin Laden chẳng hạn.

Bây giờ, việc làm thích thú đó, tức là chửi bới cậu Bin Laden tắt bếp lại là việc không thể làm được ở Raleigh, North Carolina mới là chán.

Mà như thế là mất đi hẳn một niềm sướng khoái trong đời còn chi.

Tưởng tượng đứng trước xác chết một người nọ, cứ phải nói rằng ông ơi, ông ngon lắm, ông không bao giờ bán cụ Phan Bội Châu cho Pháp lấy tiền bao giờ; ông cũng không vồ chị Minh Khai, vợ của đồng chí Lê Hồng Phong; ông chẳng hề hủ hóa với người phụ nử Tầy đẻ ra Nông Ðức Mạnh; ở Paris thì ông không theo em bé Marie Bière bao giờ; sang Trung quốc thì không dám cả gan mê Ðặng Dĩnh Siêu, vợ Chu Ân Lai, cũng không mê luôn cô đầm Nga Vera Vasilieva; trong nước thì chưa bao giờ ở với cô Ðỗ Thị Lạc, tức là "chị Thuần" ở Ðại Kiều và Pắc Bó, mà cũng không hề có con gái với... chị; 62 tuổi ông không thèm ngủ với cô Nông Thị Xuân 22 tuổi đẻ con trai là Nguyễn Tất Trung, giao cho Vũ Kỳ nuôi, đổi tên thành Vũ Trung, rồi lại cũng không bao giờ ngủ luôn cả với cô Nông Thị Vàng, em ruột cô Xuân ; ông cũng không định lấy cô Nguyễn thị Phương Mai đến khi cô Mai đòi có xe hoa mới về dinh nên phải thôi... ông cũng không bao giờ có vợ Quảng Ðông tên là Tăng Tuyết Minh bao giờ... Ông là người tuyệt hảo, không bao giờ lấy tên giả là Tăng Lan viết cuốn Vừa Ði Ðường Vừa Kể Chuyện để ca ngợi mình một cách cực kỳ vô liêm sỉ vân vân...

Tưởng tượng đứng trước cái xác ướp lờ mờ đèn đỏ ở Ba Ðình mà lúc nào cũng nói về cậu này này bằng tất cả mọi thứ ngôn từ tốt đẹp nhất, nhắc đến cậu phải dàn ra cả đống những tiếng để xưng tụng nào là "kính yêu" với "kính mến" thì còn đâu là đời trai hiên ngang nữa!

Luật ở Raleigh, North Carolina đem xài thì chán là như thế đấy.

Nhưng ghé thăm cái xác già này rồi ra cửa suýt soa rằng cái xác đó đẹp trai thì nhất định là … bịnh. Có khen đẹp hơn bác Mao thì cũng vẫn …bịnh. Bịnh này tiếng Anh gọi là necrophealiac, nghĩa là bệnh thích hành dâm với xác chết.


Ngày 11 tháng 8 năm 2010

Bạn ta,

Theo một cuộc nghiên cứu mới đây (Playboy số tháng 6) thì mỗi năm một người Mỹ trung bình ngồi trong nhà cầu hai tuần lễ.

Hai tuần lễ là nửa tháng. Một năm có mười hai tháng, người Mỹ trung bình bỏ 1/24 thời gian của một năm để ngồi trong nhà cầu. Một năm có năm mươi hai tuần, thì chỗ lẻ, hai tuần ấy được dùng để ngồi trong căn... phòng nhỏ đi về có nhau đó.

Hai tuần lễ là một thời gian khá dài, là mười bốn ngày, là hai trăm ba mươi sáu tiếng đồng hồ, là gần bằng số giờ nghỉ phép thường niên mà một công chức liên bang được giữ lại mỗi năm. Nếu dùng tất cả giờ nghỉ thường niên mà người công chức này hiện có nhưng chưa dùng, ông ta sẽ ngồi trong nhà cầu gần đúng hai tuần lễ.

Có khi ngồi lâu, có khi ngồi mau, nhưng trung bình là hai tuần lễ mỗi năm.

Thực ra chi tiết này không có gì đáng nói, chính những chi tiết khác mà cuộc nghiên cứu này cho biết mới đáng kể. Đó là người Mỹ, một nửa số người được thăm dò cho biết là họ vào trong nhà cầu không phải chỉ làm công việc thải các chất bã trong người ra, mà còn để đọc sách, báo và nghĩ về một triệu thứ quan trọng khác.

Trái với người Việt Nam, khi khinh bỉ một tác phẩm của một nhà văn nào, thì chúng ta nói rằng sách của ông ta chỉ đáng đọc trong nhà cầu, người Mỹ vào nhà cầu ngồi để đọc những cuốn sách hay nhất.

Ở đó, người độc giả mới thưởng thức hết mình được tác phẩm mà không bị vợ lừ mắt hăm dọa, sai làm việc này việc nọ, bị điện thoại phá rầy (khi điện thoại gọi đến, không muốn trả lời, chỉ cần nói đang ở trong nhà cầu, đang cần sự yên tĩnh nghỉ ngơi là không ai dám bắt ra trả lời ngay bao giờ.)

Ở bên Tầu, ngày xưa, muốn suy tưởng, muốn nghĩ cách giải quyết một chuyện khó, muốn tìm lại được sự bình lặng của tâm hồn, người ta vào núi Lư. Ở Mỹ, cầm theo cuốn sách hay tờ báo vào nhà cầu đóng cửa lại, là nghĩ chuyện gì cũng ra. Khỏi phải đi kiếm đường vào Lư Sơn như mấy ông Tầu.

Hiểu được nhu cầu cần một thứ, bất cứ gì để đọc khi vào nhà cầu, một nhà xuất bản ở Mỹ -- The Bathroom Readers' Institute, tạm dịch là Xí Sở Độc Giả Học Viện -- đã xuất bản một bộ sách để đọc trong nhà cầu cho những người không muốn mang theo những tác phẩm lớn kiểu như Chiến Tranh Và Hòa Bình, hay Cuốn Theo Chiều Gió, hay Lộc Đỉnh Ký... những cuốn sách đọc phải mất liên tiếp... hai tuần là ít, để làm phiền những người cần dùng nhà cầu nhăn nhó, bồn chồn ngồi đứng không yên ở bên ngoài. Bộ sách này nay đã ra được đến hơn hai chục cuốn . Đó là những cuốn sách in đẹp bằng giấy tốt, cứng, độc giả không thể quen tay, xé ra vài trang để hoàn tất tốt đẹp chuyến vào thăm nhà cầu. Những cuốn sách này gồm những bài sưu tầm từ nhiều nguồn gốc khác nhau, mỗi bài chỉ dài trung bình khoảng một chuyến vào thăm nhà cầu nếu không trở ngại. Trong trường hợp chuyến đi gặp trở ngại đòi hỏi phải lưu lại lâu hơn những chuyến bình thường, người đọc có thể đọc chậm lại hay đọc thêm một bài khác cũng không sao.

Như thế, một nửa dân tộc Hoa kỳ trau dồi kiến thức trong những lúc thoải mái như vậy, chẳng trách đất nước này xứng đáng làm anh thiên hạ. Tưởng tượng một nửa nội các của chính phủ Mỹ, một nửa quốc hội Hoa kỳ là những người đem những chuyện quan trọng vào suy ngẫm trong nhà cầu như cuộc thăm dò cho biết, thì tương lai thế giới không thể nào không tốt đẹp được.

Nhà cầu của những người có chữ nghĩa và đầu óc phải có ít nhất một cuốn sách ở trong. Nhiều thì là nguyên một tủ sách như nhà người bạn của tôi ở đây. Tủ sách của chàng có một tấm bảng viết câu danh ngôn dường như của chính chàng nguyên văn như thế này: "Đừng bao giờ cho ai mượn sách của bạn. Hãy nhìn tủ sách của tôi: toàn sách đi mượn cả."

Trong đó có cả mấy cuốn sách của tôi viết.

Có điều là không ai có thể nói rằng những người này đọc sách mà không tiêu.


Ngày12 tháng 8 năm 2010

Bạn ta,

Đã lâu tôi không vào thư viện công cộng nên không biết các thủ thư xếp cuốn sách của Laura Doyle do nhà xuất bản Simon & Schuster ấn hành hồi đầu năm nay và có lúc đã ở trong danh sách mười cuốn sách bán chạy nhất của Amazon vào loại sách nào.

Nhiều năm trước, tôi đọc được hình như trong Reader's Digest, câu chuyện kể một độc giả hỏi thăm người quản thủ thư viện, nhờ tìm hộ cuốn sách nhan đề "Đàn Ông Là Xếp Chúa Trong Nhà", và được trả lời là ông ta có thể kiếm cuốn sách đó trong kệ sách dành cho các loại sách truyện cổ tích, thần tiên.

Ngoài đời thật không thể có thứ xếp chúa nào như thế, ý nói trong truyện thần tiên thì may ra.

The Surrendered Wife là tựa cuốn sách của Laura Doyle. Bạn muốn dịch là Người Vợ Hồi Chánh hay Người Vợ Đầu Hàng, Người Vợ Chịu Thua... hay thế nào cũng được. Cuốn sách này không biết phải đi tìm ở tủ sách dành cho loại sách học làm người, khéo tay làm lấy (self help), tham khảo, tâm lý, triết học hay chính trị?

Tác giả, Laura Doyle, là một phụ nữ sống ở miền tây Hoa kỳ, một bữa sáng tỉnh dậy và thấy không thể tiếp tục đối xử với chồng như nàng vẫn làm từ lâu nay được nữa nếu muốn cứu vãn cuộc hôn nhân của hai người.

Laura Doyle chợt nhớ nhà của hai người đã có mấy chiếc thảm chùi chân đặt ở cửa trước, cửa sau, buồng tắm, nhà xe... và vì thế, chồng nàng nên được dùng vào việc khác.

Muốn chùi chân thì cứ dùng những cái thảm chùi chân là đủ.

Laura Doyle quyết định tha cho người chồng "chức năng" làm thảm chùi chân.

Không những thế, Laura còn quyết định ngưng hẳn mọi nỗ lực để kiểm soát, phê bình, chỉ trích, ngắt lời, dậy dỗ, chỉ bảo, cho ăn canh rau đay, hủ tiếu dai, bắt ngậm bồ hòn... và họp thượng đỉnh (?) với chồng mỗi tuần ít nhất một lần cho dù nàng không ở trong tình trạng đầu óc để họp.

Laura Doyle viết xuống tất cả những điều đó cộng thêm với một số ý kiến của mấy người bạn, và kết quả là cuốn sách mà nàng đặt cho cái tựa The Surrendered Wife, Người Vợ Hồi Chánh.

Cuốn sách trở thành best seller, bán chạy nhất tại nước Mỹ, nước Mỹ của thế kỷ thứ hai mươi mốt, xứ sở của phong trào phụ nữ giải phóng, của những người đàn bà lái xe ngồi ghế sau -- back seat driver -- chuyện gì cũng nhẩy vào đòi can thiệp, chiếc nhẫn ở tay người chồng được lấy ra, xỏ vào mũi những người đàn ông này, lôi đi; đất nước của những người đàn bà đang cố hết sức để đổi cái váy của mình cho những người đàn ông để mặc quần...

Trong một bối cảnh như thế, thì cuốn sách của Laura Doyle ra đời và bán chạy như tôm tươi.

Ai là những người mua cuốn sách đó? Phụ nữ, dĩ nhiên, và luôn cả đàn ông nữa. Nhưng chắc chắn người đọc có những lý do khác nhau để đọc nó, và đọc nó xong rồi thì cũng rút tỉa ra nhiều điều rất khác nhau.

Một phía đọc để xem lịch sử và tiến bộ của con người đang bị âm mưu kéo giật lùi lại như thế nào, và phía kia thì đọc để nhớ lại những cổ tích nghe trong thời thơ ấu, khi người đẹp trong tranh bước ra, cơm nước cho chàng học trò nghèo, khi Châu Long thay chồng giúp bạn, khi trái thị biến thành người vợ hiền thảo, khi "chồng giận thì vợ làm lành, miệng cười tủm tỉm rằng anh giận gì..."

Không nhẩy dựng lên ném ra đủ mọi thứ ngôn ngữ kinh hoàng nhất... nước Mỹ.

Đó, người ta đọc cuốn sách của Laura Doyle là vì những lý do như thế.

Cũng như người Mỹ tiêu tốn bao nhiêu tiền mua những cuốn sách chỉ cách xuống cân, tiêu mỡ và kết quả là quá nửa người Mỹ có cân đo quá khổ. Những cuốn sách đều chung phần số, ra nằm trong mấy thùng giấy chất trong ga ra xe.

Mấy điều Laura Doyle viết trong cuốn sách đó, có thể mới, lạ với các độc giả Mỹ. Các ông già Lê Quí Đôn, Nguyễn Trãi đã dậy chúng tôi từ vài trăm năm nay, không tin cứ đến đây chúng tôi chỉ vài ba người phụ nữ đoan chính, dịu dàng của chúng tôi cho mà... coi.

Hiền dễ sợ luôn! Hiền ác!


Ngày 13 tháng 8 năm 2010

Bạn ta,

Trong những ca khúc của Ðoàn Chuẩn và Từ Linh, bài tôi thích lại không phải là bài hay nhất của hai ông. Thu Quyến Rũ viết năm 1950 là một ca khúc thua hẳn những bài khác như Lá Thư, Cánh Hoa Duyên Kiếp, Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay...

Nhưng tôi thích bài ca này vì một câu trong bài và trong câu ấy, có một chữ, một chữ hai ông dùng mà tôi nghĩ là hay vô cùng:

... Mầu áo xanh là mầu anh trót yêu...

Bài hát mở ra là một chuỗi hình ảnh về mùa thu: trời xanh, những cơn mưa, lá vàng rơi rụng, cánh chim ngập ngừng, bông hồng lả lơi, và một tà áo, tà áo mầu xanh. Ðặt những hình ảnh của thu bên cạnh người phụ nữ trẻ, người viết lời cho ca khúc dần biến tất cả những thứ ấy thành người phụ nữ. Những đám mây cuốn về cuối trời mang theo mầu xanh của mùa thu. Mầu xanh của mây trở thành mầu xanh của tà áo, rồi mầu xanh của tà áo biến thành người yêu dấu. Người yêu biến thành mùa thu mà anh chờ đợi. Và sau đó, chờ đợi mùa thu là chờ người yêu dấu đã ra đi. Mầu xanh của trời đất thành niềm nhớ mầu xanh của tà áo. Mầu xanh của tà áo gợi lại người yêu cũ.

Yêu người, yêu sang mùa thu, yêu mầu xanh của tà áo, yêu mầu xanh của trời đất, yêu mối tình đã xa...

... Mùa thu quyến rũ anh rồi...

Nhưng có phải vậy không? Có phải mùa thu khơi niềm nhớ, khiến cỏ cây đẹp tươi, làm gợi lại chuyện đã qua, và quyến rũ chàng không? Người viết chỉ tự đánh lừa mình. Nhưng ở một câu trên đó, người viết lời ca đã thú nhận: có trót yêu mầu xanh. Mầu xanh của mây trời mùa thu, mầu xanh của tà áo người yêu dấu mà không ai còn có thể phân biệt được nữa.

Trạng từ "trót" là chữ hay tuyệt. Cứ thử thay nó bằng "vẫn", hay "đã", hay "lỡ", ý nghĩa sẽ không còn như trước nữa.

Mầu áo xanh là mầu anh "vẫn" yêu. Dùng trạng từ "vẫn", chuyện yêu mầu áo xanh chỉ là một việc xẩy ra trong quá khứ. Có yêu thật, nhưng chỉ yêu vừa vừa thôi. Cũng như mầu áo xanh là mầu anh "đã" yêu. "Vẫn" " đã" chỉ nói ra chi tiết tình yêu với tà áo xanh đã có trong quá khứ. " Vẫn" có kéo dài thêm một chút.

Hay mầu áo xanh là mầu anh "lỡ" yêu cũng không được. Trạng từ "lỡ" bầy tỏ một hành động có thể sai lầm. Lỡ là có thể không muốn nhưng chuyện đã xẩy ra, ngăn chặn không được, có thể là một việc làm sai nhưng làm xong rồi mới biết.

Như vậy, thay bằng bất cứ một trong ba chữ "vẫn", "đã" hay "lỡ" đều không được.

Chỉ có thể "trót" mà thôi.

"Trót" là trạng từ phụ nghĩa cho một động từ khi muốn nói hành động đó đã xẩy ra mà không thể ngăn chặn được, dẫu cho là có muốn ngăn chặn cách mấy đi chăng nữa.

Mầu áo xanh là mầu anh "trót" yêu nghĩa là anh đã yêu mầu xanh của tà áo em, nhiều khi nghĩ lại có muốn yêu bớt đi một chút hay không yêu cái mầu đó nữa cũng khó quá, nếu không nói là không thể được. Anh chịu thua rồi. Anh trót... dại rồi. Ông già anh có bảo anh rằng không được yêu em thì anh cũng phải chịu tội bất hiếu vậy chứ anh không làm gì khác hơn được, anh nhất định phải trái ý ông già. Bây giờ làm sao đây? Trời sao "bất nhơn" quá (*) thế này, cứ cho mây xanh bay về đây làm cái gì cho anh nhớ em chết luôn. Mùa thu quyến rũ anh rồi em biết không? Em quyến rũ anh gần chết rồi đây nè. Bắt đền em đấy! Anh hổng có chiệu đâu...

Tán em bé bằng câu đó thì có mà chạy đằng trời.

Cám ơn hai ông Ðoàn Chuẩn và Từ Linh. Yêu bài hát của hai ông biết là chừng nào!

(*) Thương sao thương quá bất nhơn
Bữa nay gặp mặt, thương hơn bữa nào (Ca dao)


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 87)

Bản ghi chép do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 87 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 9 năm 2010.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

Thưa anh, đây là câu hỏi cây nhà lá vườn, câu hỏi của QA. Trong các bài học của chương trình Anh ngữ, anh đã nhiều lần nhắc đến những tiếng trạng từ, tức là những ADVERBS trong tiếng Anh nhưng QA thú thật không hiểu rõ lắm nên xin anh nói về trạng từ và những khác biệt giữa ADVERBS và ADJECTIVES.

LÃM THÚY

Vâng, Thúy cũng muốn được giải thích về cách so sánh của ADVERBS, cách so sánh đó có khác với cách so sánh của ADJECTIVES không.

BBT

ADVERBS hay trạng từ trong tiếng Việt, là tiếng làm một lúc 3 công việc nên ADVERBS không bao giờ không có việc làm để phải xin tiền trợ cấp thất nghiệp bao giờ.

ADVERBS là những tiếng phụ thêm nghĩa của một động từ (VERB) , một tiếng tĩnh từ (ADJECTIVE) một trạng từ khác (ADVERB). Như vậy, không có nó thì cũng phiền lắm, hệt như nấu nướng mà không có gia vị thêm vào.

Khi nó đi với một động từ, nó cho chúng ta biết thêm về động từ ấy. Thí dụ nói HE WORKS rồi ngưng ở đó, người nghe sẽ chỉ biết ông ấy làm việc, nhưng không biết ông ấy làm việc như thế nào, nhanh hay chậm, cẩn thận hay cẩu thả, đúng hẹn hay không đúng hẹn. Chúng ta cần trạng từ để cho chuyện ông ấy làm việc rõ hơn. Nếu muốn làm cho câu HE WORKS rõ hơn nữa, QA sẽ nói thế nào?

QA

HE WORKS FAST. HE WORKS LATE. FAST và LATE là ADVERBS, là trạng từ làm công việc giúp rõ nghĩa cho động từ WORKS.

BBT

Cô Lãm Thúy cho nghe hai thí dụ với ADVERDS coi.

LÃM THÚY

I DO NOT LIKE TO DRIVE SLOWLY. MY SON STUDIES HARD FOR THE NEXT TEST. SLOWLY và HARD là ADVERBS phụ nghĩa cho động từ DRIVE và STUDIES.

BBT

Công việc thứ 2 của ADVERBS là để phụ nghĩa cho một tĩnh từ (ADJECTIVE). Thí dụ THIS COFFEE IS GOOD nghĩa là cà phê này ngon. Nhưng ngon thế nào, ngon nhiều, ngon ít, rất ngon, hay hơi hơi ngon thôi, chúng ta sẽ cần ADVERB để nói rõ hơn về mức độ ngon của cà phê bán ở tiệm ấy. QA nói thử về cà phê ở tiệm ấy coi.

QA

THE COFFEE IS VERY GOOD.

THE COFFEE IS QUITE GOOD.

BBT

Đúng rồi, VERY và QUITE là ADVERBS làm ý nghĩa rõ thêm cho tĩnh từ GOOD. Mời cô Lãm Thúy…

LÃM THÚY

HER SPANISH IS BEAUTIFUL nghĩa là tiếng Tây Ban Nha của cô ấy rất hay. Muốn làm cho rõ thêm tĩnh từø BEAUTIFUL, Thúy sẽ nói HER SPANISH IS ABSOLUTELY BEAUTIFUL. ABSOLUTELY là tuyệt. ABSOLUTELY BEAUTIFUL là hay tuyệt, tuyệt đẹp.

HOUSES IN HOLLYWOOD ARE EXPENSIVE. Muốnnói đắt kinh khủng chúng ta thêm trạng từ EXTREMELY: HOUSES IN HOLLYWOOD ARE EXTREMELY EXPENSIVE.

BBT

Cám ơn hai cô. Các thí dụ hai cô cho nghe đều đúng. Nhưng cô Thúy vừa dùng hai chữ "kinh khủng" nên tôi muốn chỉ hai cô một chữ rất gần với cách nói của cô Thúy. Trong tiếng Việt chúng ta cũng noi như thế. Thí dụ cái xe đẹp ác. Đẹp ác là đẹp lắm, là rất đẹp, là đẹp kinh khủng, là đẹp khủng khiếp, là đẹp dễ sợ, là đẹp kinh hồn, đẹp tắt thở luôn. Nói bằng tiếng Anh, chúng ta dùng trạng từ AWFULLY. Tĩnh từ AWFUL là xấu. THE HOUSE LOOKS AWFUL là cái nhà xấu, không đẹp. AWFULLY là trạng từ nghĩa là kinh khủng. Nói cô ấy tốt thì chúng ta nói SHE IS NICE. Nhưng cô ấy tốt kinh khủng , thì người Mỹ nói: SHE IS AWFULLY NICE.

QA nói thử bằng tiếng Anh câu này coi: Ông thật là tử tế, tốt bụng.

QA

YOU ARE AWFULLY KIND. Nhưng thưa anh, nói như thế có ý nghĩa mỉa mai nào không?

BBT

Hoàn toàn không. Khi cám ơn, chúng ta cũng có thể nói THAT IS AWFULLY KIND OF YOU! để cho ý nghĩa mạnh hơn mà thôi. Nói YOU ARE VERY KIND cũng cùng nghĩa như câu cô nói. Nhưng câu của cô nghe hay hơn.

Một trạng từ nữa nghe cũng hơi kỳ nhưng ý nghĩa lại mạnh hơn những trạng từ thường nghe khác. Đó là trạng từ BADLY. Khi nói HE WAS BADLY WOUNDED thì nghĩa của câu là ông ấy bị thương nặng. Nhưng khi nói I NEED A VACATION BADLY thì lại có nghĩa là tôi cần được nghỉ vài bữa, cần lắm, cần muốn chết được. Cũng có khi nói I WANT IT BAD, kéo dài chữ BAD ra để thành I WANT IT BAAAAD!

BAD và BADLY trong hai câu vừa kể đều là ADVERBS.

Công việc thứ 3 của trạng từ là phụ nghĩa cho một trạng từ khác. HE TALKS FAST. Để nói rằng ông ấy nói nhanh lắm , chúng ta có thể dùng một trạng từ phụ nghĩa cho trạng từ chính của câu. QA cho một thí dụ coi.

QA

HE TALKS VERY FAST. HE TALKS QUITE FAST.

LÃM THÚY

HE TALKS PRETTY FAST. THIS CAR IS PRETTY EXPENSIVE

BBT

Chữ PRETTY cô Thúy dùng cũng là một trạng từ. Trạng từ này có khi được dùng trong những trường hợp rất lạ. Thí dụ HE HAD A PRETTY BAD ACCIDENT. HER SINGING IS PRETTY AWFUL. Đã AWFUL lại dùng PRETTY, đã BAD lại dùng PRETTY để phụ nghĩa. Trong cả hai trường hợp, PRETTY chỉ có nghĩa là khá, là nhiều.

LÃM THÚY

Bây giờ, Thúy muốn anh giảng cách so sánh của ADVERBS. Trong một bài trước, anh có chỉ cách so sánh các tĩnh từ ADJECTIVES hơn (COMPARATIVE) và hơn nhất (SUPERLATIVE). Vậy thì thưa anh, người ta có so sánh trạng từ ADVERBS hơn và hơn nhất không?

BBT

Có. So sánh ADVERBS cũng khá giống cách so sánh ADJECTIVES. Trạng từ, ADVERBS trong tiếng Anh cũng có trạng từ ngắn với MỘT âm. QA biết những trạng từ ngắn nào nói thử coi.

QA

Trong mấy thí dụ ở trên, QA cũng đã thấy mấy trạng từ ngắn rồi. Đó là LATE trong câu HE WORKS LATE; HARD trong câu HE STUDIES HARD và FAST trong câu HE TALKS FAST.

BBT

Đúng rồi, đó là những trạng từ ngắn, SHORT ADVERBS. Chúng ta thêm ER và cuối để so sánh hơn (COMPARATIVE) và EST vào cuối để so sánh hơn nhất (SUPERLATIVE) hệt như so sánh tĩnh từ ngắn vậy.

Cô Thúy cho nghe thí dụ so sánh hơn với LATE và FAST coi.

LÃM THÚY

I CAME LATE BUT HE CAME LATER.

HE WORKS HARDER THAN HIS BROTHER.

BBT

Đúng rồi. LATE thành LATER; HARD thành HARDER.

QA cho nghe thí dụ của cô đi.

QA

CUBANS SPEAKS SPANISH FASTER THAN MEXICANS DO.

WE CAME TO THE AIRPORT SOONER THAN RICHARD.

BBT

Còn so sánh nhất thì chúng ta thêm THE ở trước và thêm EST vào cuối của trạng từ ngắn. Thí dụ THE FASTEST, THE LATEST, THE HARDEST. Tôi đưa ra 1 thí dụ rồi hai cô cho nghe thí dụ của hai cô nhé.

MANY ANIMALS CAN RUN FAST BUT THE CHEETAHS CAN RUN THE FASTEST OF ALL.

QA

THE JAPANESE PEOPLE WORK THE HARDEST IN THE WORLD.

LÃM THÚY

THE BUFFALOES MUST DRINK MUDDY WATER BECAUSE THEY COME THE LATEST OF ALL ANIMALS.

BBT

Trâu chậm uống nước đục. Cám ơn cô. Đó là so sánh các trạng từ ngắn. Các trạng từ tận cùng bằng LY không so sánh như các trạng từ ngắn. Thí dụ SLOWLY thì không so sánh hơn là SLOWLIER và so sánh hơn nhất không là SLOWLIEST. Chúng ta dùng MORETHE MOST thí dụ MORE SLOWLY và THE MOST SLOWLY. Thí dụ I ASK HIM TO SPEAK MORE SLOWLY. Mời cô QA.

QA

HE ALWAYS WALKED MORE QUIETLY.

LÃM THÚY

NOW I UNDERSTAND HER MORE CLEARLY.

BBT

So sánh nhất của SLOWLY là MOST SLOWLY như khi chúng ta nói THE ECONOMY OF ITALY RECOVERS THE MOST SLOWLY OF ALL EUROPE. QA cho một câu với THE MOST LOUDLY coi.

QA

AN EMPTY BUCKET ALWAYS SOUNDS THE MOST LOUDLY.

BBT

Chắc cô QA định nói thùng rỗng kêu to đây. Ai mà nổ dữ thế này? Bây giờ đến lượt Lãm Thúy.

LÃM THÚY

THE TANGO IS THE MOST BEAUTIFULLY PERFORMED DANCE FROM ARGENTINA.

BBT

Đến đây, tôi nhắc hai cô là trong cách dùng so sánh, có một số trạng từ không theo các qui luật trên. Vì không theo qui luật, chúng là những trường hợp IRREGULAR. Chúng là các trạng từ bất qui tắc. Đó là BADLY , WORSEWORST; LITTLE , LESSLEAST; WELL , BETTER BEST; WELL, BETTERBEST . Thí dụ IT IS BETTER LATE THAN NEVER, muộn còn hơn không. HE WHO LAUGHS LAST WILL LAUGH BEST.

QA

Thưa anh, có thể nói là đa số ADVERBS tận cùng bằng LY không?

BBT

Đa số thì như vậy. Không phải là tất cả. Có nhiều trường hợp chúng ta lấy một tĩnh từ, thêm cái đuôi LY vào cuối là chúng ta có một ADVERB. Thí dụ QUICK thành QUICKLY; MAIN thành MAINLY; HIGH thành HIGHLY vân vân. Nhưng LOVELY, FRIENDLY, WOMANLY, FATHERLY … không phải là ADVERBS mà là ADJECTIVES.

Hai cô nên cẩn thận những trường hợp này: HARD và HARDLY đều là trạng từ nhưng nghĩa rất khác nhau. Cô Lãm Thúy hiểu hai câu này như thế nào: HE WORKS HARD và HE HARDLY WORKS.

LÃM THÚY

HE WORKS HARD là anh ấy làm việc chăm chỉ, anh ấy hay làm, chăm làm lắm. HE HARDLY WORKS là anh ấy ít khi làm việc lắm.

BBT

Đúng vậy. HARDLY là ít khi, khó, không thường xuyên. HE HARDLY COMES HERE là anh ấy ít khi đến đây. I CAN HARDLY HEAR YOU là tôi nghe anh không rõ. WE HARDLY KNOW THEM là chúng tôi không quen biết họ lắm.

QA

QA muốn biết LATE LATELY có cùng nghĩa không?

BBT

LATE là muộn. HE COMES HOME LATE EVERY NIGHT.

Nhưng LATELY thì lại có nghĩa là gần đây. LATELY, HE COMES HOME LATE ALMOST EVERY NIGHT nghĩa là gần đây anh ấy về nhà rất muộn, gần như mỗi ngày.

LÃM THÚY

Thưa anh, tuần qua có một khán giả nhờ giải thích câu I DON’T BUY HIS EXPLANATION. Ông hỏi câu ấy có nghĩa là tôi không thích lời giải thích của ông ta không? Theo ông, phải thích thì mới mua. Không mua thì là không thích có phải không?

BBT

Động từ TO BUY, BOUGHT, BOUGHT trong trường hợp này có nghĩa là chấp nhận, chịu, nghe lọt tai. I DON’T BUY HIS EXPLANATION là tôi không tin cách giải thích của ông ấy. TO BUY TIME là mua thì giờ. IRAN IS ONLY TRYING TO BUY TIME. TO BUY THE FARM là chết, thường là hết một cách thình lình và vì bạo động. TO BUY cũng có nghĩa là hối lộ bằng tiền bạc. IN MEXICO, PEOPLE CAN BUY THE POLICE AND EVEN THE COURT EASILY. TO BUY cũng có nghĩa là trao đổi, đổi vật này lấy vật kia: HE BUYS HER LOVE WITH EXPENSIVE GIFTS.

QA

Thưa anh, hai câu này hình như có khác nhau: DO YOU HAVE TIME? DO YOU HAVE THE TIME?

BBT

Có khác nhiều. DO YOU HAVE TIME? Là anh có thì giờ không? Anh có thì giờ để làm một việc gì đó không? DO YOU HAVE TIME FOR A CUP OF COFFEE? Còn DO YOU HAVE THE TIME? Thì lại nghĩa là anh có đồng hồ không? Bây giờ là mấy giờ rồi? Xin anh cho biết giờ…

QA

Bài học Anh ngữ thứ 87 của chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television tạm chấm dứt ở đây. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin gửi lời chào tạm biệt quí vị.