August 5, 2010

August 6, 2010

Ngày 2 tháng 8 năm 2010

Bn ta,

Ðã nhiều lần, trong những bức thư viết cho bạn, tôi vẫn nói rằng nước Anh là quốc gia xứng đáng làm anh thiên hạ về rất nhiều mặt.

Người Anh, tuy thế, vẫn bị (người Pháp) coi là về phương diện lịch sự, thua xa người Pháp. Nhưng một chuyện mới xẩy ra hồi gần đây có thể làm cho nhiều người phải nghĩ lại về chuyện lịch sự của người Anh.

Còn nhớ hồi mới vỡ lòng học Anh ngữ, một trong những câu đầu tiên chúng ta học, là câu "I am sorry". Người Anh đụng một chút là xin lỗi nhau lia lịa. Vợ, chồng, con cái, quí tộc cũng như dân giả, già trẻ, lớn bé câu đầu lưỡi bao giờ cũng là "I am sorry", không thì "Please accept my apology", hay "I do apologize for..."

Một bản tin của Reuters cho biết cảnh sát Anh, Scotland Yard, mấy tháng trước có mở cuộc điều tra và khiển trách một toán cảnh sát viên vì một trong số cảnh sát viên này đã không xin lỗi gia đình một người tình nghi là buôn bán bạch phiến trong khi lục soát nhà đương sự ở Luân Ðôn.

Ðọc bức thư phổ biến trong nội bộ Scotland Yard, người ta thấy nước Pháp, quốc gia vẫn chê nước Anh về mặt lịch sự phải nghĩ lại, và nên nhìn nhận nước Anh không hề thua nước Pháp về mặt lịch sự chút nào.

Theo Scotland Yard, một toán cảnh sát được phái tới nhà của một người tình nghi buôn bán ma túy để lục soát. Và trong khi thi hành công tác trao phó, một trong tám cảnh sát viên thuộc nhóm đã thả một cái trung tiện ở ngay trong nhà của nghi can.

Thả xong, cảnh sát viên này vẫn tiếp tục nhiệm vụ lục soát, không một lời xin lỗi. Công tác hoàn tất, toán cảnh sát ra về nhưng gia đình nghi can vẫn không được một câu xin lỗi mà họ chờ đợi.

Gia đình này khiếu nại với Scotland Yard vì trát tòa chỉ cho phép cảnh sát lục soát tư gia của họ để tìm kiếm tang vật mà không hề cho phép bất cứ một hoạt động nào khác. Việc thả một quả trung tiện gây ô nhiễm không khí cho căn nhà không được ghi trong trát. Quả trung tiện của cảnh sát có thể bị coi là một loại võ khí bất hợp pháp không được phép dùng trong công tác lục soát nhà nghi can. Trung tiện là thứ hơi do những phản ứng hóa học trong cơ thể con người, và khi được cho thoát ra ngoài, có thể tạo ô nhiễm cho không khí. Nỗ lực không để cho thứ hơi này tiến vào phổi đòi hỏi phải nín thở, và hành động này, nếu kéo dài quá lâu có thể gây chết người. Trung tiện có thể được coi là một loại võ khí hóa học mà một hiệp ước quốc tế đã cấm ngặt sau khi hơi ngạt được đem dùng trong những năm đệ nhất thế chiến tại mặt trận Âu châu.

Thoạt đầu khi đọc bản tin này, người ta có thể nghĩ việc gia đình kia đòi cảnh sát Anh xin lỗi là một đòi hỏi phi lý, nhưng nghĩ lại thì không. Gia đình này có tất cả mọi lý do để đòi Scotland Yard xin lỗi về việc làm của cảnh sát viên trong toán được phái tới lục soát. Ngoài sự ô nhiễm không khí gây ra cho căn nhà, hành động thả trung tiện của người cảnh sát còn là một việc làm trái phép.

Trong lịch sử Việt, cũng đã xẩy ra một trường hợp tương tự. Ông Cống Quỳnh, một nhân vật tai quái sống trong thời vua Lê, chúa Trịnh có lần làm cho chúa Trịnh phật lòng khiến chúa Trịnh phải có biện pháp trừng phạt ông. Chúa sai lính đến đại tiện vào nhà của Cống Quỳnh. Cống Quỳnh không tìm cách ngăn chặn toán lính do chúa Trịnh phái đến nhưng chỉ đồng ý cho họ vào làm đúng việc chúa Trịnh ra lệnh cho họ làm, đó là đại tiện vào nhà của ông, ngoài ra, làm bất cứ một việc khác là không được. Nghĩa là đại tiện thì được, nhưng tiểu tiện thì dứt khoát là không được.

Kẹt một nỗi là hai chuyện này có lúc phải đi đôi với nhau. Do cấu trúc đặc biệt của cơ thể, người ta có thể tiểu mà không cần đại. Nhưng hễ đại thì phải có tiểu đi kèm mới được. Không thể đại mà không tiểu.

Chúa ra lệnh đại. Cống Quỳnh đồng ý nhưng vì lệnh chúa không nói là có tiểu. Cống Quỳnh cứ lệnh chúa thi hành: đại thì OK nhưng tiểu thì không OK. Không làm đúng như thế thì chết với Cống Quỳnh, mà ông trạng này không phải là tay vừa. Lính phủ chúa cố hết sức nhưng không thể không ra ngoài lệnh của chúa nên đành đi về, không đại tiện vào nhà Cống Quỳnh mà không gây lụt lội cho nhà ông được.

Trong trường hợp ở Luân Ðôn, các cảnh sát viên chỉ được lệnh lục soát kiếm ma túy tại nhà nghi can. Trát tòa không hề cho phép cảnh sát thả trung tiện. Thả xong lại không xin lỗi là sai quấy không thể chối cãi được.

Ở những nước khác, có thể cảnh sát, khi nhận đơn khiếu nài, sẽ đưa một lực lượng hùng hậu đến thả một đống trung tiện vào nhà nghi can cho cả gia đình đương sự ngạt thở chết luôn. Nhưng cảnh sát Anh đã hành sử một cách văn minh hơn, đó là mở cuộc điều tra và kết luận hành động của cảnh sát viên trong vụ này là khiếm nhã (rude) và không đúng tác phong nghề nghiệp (unprofessional).

Có lẽ trên thế giới chỉ có cảnh sát Anh là có lối giải quyết như vậy.

Lịch sự biết là chừng nào.


Ngày 3 tháng 8 năm 2010

Bn ta,

Cũng cùng một giống nhai lại, bò không được đối xử tử tế bằng trâu.

Trâu được mục đồng đưa ra đồng ăn cỏ. Bò thì bị đuổi từng đàn ra bãi, tối lùa về, không có được sự săn sóc người ta dành cho trâu. Chiều về, mục đồng còn đưa trâu đi tắm. Bò thì không.

Trong khi bò cũng làm việc không thua gì trâu, cũng cầy bừa, kéo xe như trâu nhưng lại bị giết để ăn thịt nhiều hơn trâu, lại bị vắt sữa cho người uống. Phở thì bao giờ cũng phải là phở bò, không bao giờ có phở trâu. Steak luôn luôn phải là beef steak, steak bò. Không ai ăn steak trâu, vì thịt trâu thua xa thịt bò.

Vậy mà bò bị đổ cho đủ mọi tính xấu: ngu như bò; sợ như bò thấy nhà táng; bướng như bò... Trâu không bao giờ bị chê là ngu, là bướng. Lúc nào cũng được nhẹ nhàng: trâu ơi ta bảo trâu này, trâu ra ngoài ruộng, trâu cầy với ta, cấy cầy vốn nghiệp nông gia, ta đâu, trâu đấy, ai mà quản công...

Bò có bao giờ được âu yếm như vậy đâu.

Cuốn tiểu thuyết Animal Husbandry của Laura Zigman lại tặng thêm loài bò một lời lăng mạ mới nữa. Theo Laura Zigman, bọn đàn ông tất cả đều là những con bò đực, sau khi thiết lập được quan hệ thân mật với những con bò cái rồi, thì chúng liền bỏ những con bò cái lập tức để đi tìm những con bò cái mới. Bò đực thì bạc tình. Bò cái thì ngu, yêu cuồng sống vội cho nát đời hoa. Oan uổng cho giống bò biết là bao nhiêu.

Có phải những thái độ như thế với loài bò đã khiến cho bò quay ra phục thù và làm cho loài người khốn khổ như chúng ta đang thấy hay không?

Ðầu tiên, loài bò lẳng lặng phát chứng điên, để không ai dám ăn chúng nữa. Hết điên, bò quay ra rủ cừu mắc bệnh lở miệng, long móng ở Âu châu cho bọn người sợ chơi.

Nhưng đó chỉ là một trò trả thù nhẹ của bò. Một trò khác của bò là dùng võ khí hóa học đánh lại loài người để trả thù những hành động không tốt của người dành cho chúng.

Trên những cánh đồng, tại các trại nuôi bò, loài thú này cứ nhẩn nha gậm cỏ, nhai, nuốt vào bụng, và trong lúc tiêu hóa thực phẩm, một lượng hơi methane được bào chế trong ruột của chúng. Thỉnh thoảng chúng cho hơi thoát ra ngoài bằng cửa hậu. Trung tiện của bò có một lượng hơi methane rất lớn. Loại hơi này làm ô nhiễm môi trường sống và làm cho nhiệt độ địa cầu gia tăng đáng kể, gây hiệu ứng nhà kính (greenhouse effect) mạnh gấp 21 lần hơi carbonic do xe cộ và các nhà máy chạy bằng than đá gây ra. Theo những ước tính của các khoa học gia ở Tokyo, nơi bản nghị định thư 1997 được ký để giảm bớt mức ô nhiễm và hơi nhà kính, thì cừu và bò, nói rõ hơn, trung tiện của cừu và bò đóng góp đến 15% toàn bộ hơi methane thải ra ở khắp thế giới.

Bom hơi ngạt của bò tai hại gấp bao nhiêu lần các thứ hơi mù tạc, hơi serin của Iran, Iraq...

Và loài người đang phải cuống cuồng lo đối phó với võ khí hóa học của bò. Người ta đang tìm cách thay đổi cách ăn uống của bò, không thể cứ thụ động lo bò trắng răng như trước được nữa. Phải tìm cách đưa vi khuẩn Brevibacillus parabrevis vào thức ăn của bò và cừu. Loại vi khuẩn này sẽ biến hơi methane thành khí carbonic. Thí nghiệm cho thấy là biện pháp này có thể giảm đến 16% hơi methane tại các khu nuôi bò.

Ðó là trung tiện của bò. Ðại tiện của bò (tức là bullshit trong tiếng Anh) thì vẫn tiếp tục thấy đầy ra tại các cuộc đại hội, các cuộc họp hành của đảng Cộng sản Việt Nam nên nước ta vẫn chưa thấy dấu hiệu là sắp khá hơn chút nào.

Loài bò độc thật. Nhưng làm thế nào được. Bò thì phải sản xuất ra bullshit, cứt bò chứ. Mà đỉnh cao trí tuệ thì là một lũ bò chứ là cái con gì vào đây nữa?


Ngày 4 tháng 8 năm 2010

Bn ta,

Lần đầu tiên nói chuyện với ông cụ thân sinh ra người bạn, tôi cứ ngẩn ra mấy lần, cố gắng tìm cách xác định ai đang nói với ai, và ai là người dám gọi cụ là "mày" thế nọ, "mày" thế kia.

Ông cụ lúc ấy đã ngoài thất tuần, cứ bị gọi bằng "mày", nghe bất nhẫn quá.

Nhưng rồi lúc sau thì tôi hiểu. Cụ thuật lại nguyên văn lời người kia nói với cụ, không đổi ngôi thứ, đại danh từ cứ giữ nguyên, không đổi thứ nhất thành thứ ba, thứ hai thành thứ nhất gì hết.

Nhưng vì người nói chuyện với cụ là một người Mỹ, cụ kể lại cho tôi nghe, và cứ gặp đại danh từ thứ hai số ít "you", tức là cụ, là cụ dịch sang tiếng Việt bằng "mày" hết.

Vì thế nên mới nghe, tôi tưởng cụ bị ai xúc phạm, ăn nói hỗn hào với cụ.

Nếu được dịp nghe chuyện, bạn cũng sẽ thấy rất nhiều người Việt làm những việc hệt như cụ. Nhất là khi các vị này kể lại chuyện ở sở. Các vị đều... để cho Mỹ gọi bằng "mày" hết mới chán.

Thế rồi cả mấy cụ bà, khi kể chuyện con dâu Mỹ nói với các cụ, các cụ cũng cho những cô Mỹ này gọi các cụ bằng "mày" luôn.

Tại sao lại như thế? Lý do, theo tôi nghĩ, chỉ là tại vì chúng ta rất là dễ yêu. Chúng ta khiêm tốn, chúng ta nhún mình, tự hạ mình xuống.

Thuật lại chuyện, các cụ lớn tuổi cũng khiêm cung cho người khác gọi các cụ bằng "mày", khỏi thưa gửi, kính cụ thế này, bẩm cụ thế kia gì hết.

Tôi chợt nghĩ ra điều đó buổi tối khuya hôm qua khi đọc lại cuốn hồi ký của Tô Hoài, cuốn Cát Bụi Chân Ai.

Ở cuối cuốn sách, trang 307, Tô Hoài viết lại chuyện ra phi trường Gia Lâm xem trao trả tù binh Mỹ. Ông kể Phan Nhật Nam, một nhà văn quân đội miền nam, cũng có mặt ở phi trường để tường thuật nội vụ. Tô Hoài cho biết thêm về Sài Gòn, Phan Nhật Nam viết trên báo nói là Hà Nội buồn, không thấy các văn nhân, nghệ sĩ Hà Nội ở sân bay.

Chuyện chỉ có thế, nhưng khi ông Tô Hoài viết lại thì ông dùng đủ mọi kiểu viết lách mất dậy, vô giáo dục để lăng mạ Phan Nhật Nam, một người cũng cầm bút như ông, với những chi tiết vừa bịa đặt vừa hỗn láo.

Ông kể là Phan Nhật Nam mê món thịt gà luộc trong khách sạn Hà Nội đến độ phải xin mấy miếng bỏ vào áo tám túi mang về.

Ðại úy dù Phan Nhật Nam, một tay chơi, một dân nhậu khét tiếng ở miền nam bị lăng nhục như thế đấy! Miếng ngon họ Phan có bao giờ thiếu trong đời mà đến nỗi phải xin vài miếng thịt gà luộc bỏ túi. Bịa đặt thì cũng nên khôn ngoan và thông minh một chút chứ ông Tô Hoài! Vẫn cái lối suy nghĩ của thời trước năm 1975 khi nói về miền nam, coi ai sống ở nam vĩ tuyến 17 cũng đều đói khát cả.

Cuốn sách ông Tô Hoài viết năm 1990 sao còn ngớ ngẩn đến là như vậy?

Nhưng như thế vẫn chưa ghê. Ðề cập đến chuyện Phan Nhật Nam viết báo than không gặp các văn nhân nghệ sĩ Hà Nội, ông Tô Hoài viết nguyên văn như thế này: "... ông đây từ sáng sớm đã đứng uống bia Trúc Bạch trong quầy nhìn ra đám tù binh... và xem mày ngọ nguậy lên xuống, giơ máy ảnh."

Ông Tô Hoài xưng "ông", và gọi Phan Nhật Nam là "mày".

Phan Nhật Nam chỉ vì là đại úy trong ban Liên Hợp Quân Sự Bốn Bên, ra Hà Nội công tác, than là không gặp được ai trong số văn nghệ sĩ Hà Nội, liền bị ông Tô Hoài xưng "ông", gọi bằng "mày" ngay lập tức.

Họ Phan, nếu có than là không gặp các nhà văn Hà Nội, thì cũng chỉ muốn nói lên sự thất vọng là đã ra đến Hà Nội mà không được gặp các tác giả Phan Nhật Nam có thời từng say mê. Ðiều đó không có gì đáng để ông Tô Hoài phải lôi ngay giọng vô giáo dục ra để nói.

Trong số những người mà Phan Nhật Nam muốn gặp đó có thể có luôn cả tác giả Dế Mèn Phiêu Lưu Ký thì sao? Thế mà tác giả Dế Mèn Phiêu Lưu Ký nỡ lòng nào đem lối ăn nói mất dậy ra để đãi họ Phan như thế?

Nếu cuốn hồi ký được viết ngay sau cuộc trao đổi tù binh năm 1973, thì người ta còn có thể hiểu được. Lúc ấy, ông Tô Hoài cần phải chứng tỏ nhiều thứ với nhiều người để được hưởng vài ba chuyến xuất ngoại, đi chơi vung vít, được bồi dưỡng về mặt ăn uống vân vân. Nhưng tới năm 1990, như ông ghi ở cuối cuốn hồi ký, mà ông vẫn phải lôi cách ăn nói như thế ra thì quả thật ông Tô Hoài là một thứ người vô giáo dục, mất dậy, hoàn toàn không thể tha được.

Nghĩ lại, tôi càng thấy ông cụ thân sinh ra bạn tôi dễ yêu biết là chừng nào.

Vừa khiêm tốn, vừa là người có giáo dục và lịch sự. Ông Tô Hoài làm sao có được những nét đó.


Ngày 5 tháng 8 năm 2010

Bn ta,

Theo tạp chí Boating, tờ báo của những người lắm tiền nhiều bạc sống đời cao sang quyền quí kiểu "trên ô tô dưới thì ca nô, nằm giường Tầu đắp thêm nệm gấm, trên đầu lại xịt dầu thơm, dầu thơm" như một bài ca tả những tay chơi Nam kỳ xưa mà Vương Hồng Sển có dẫn trong một cuốn sách của cụ, thì những ông chủ tầu, chủ du thuyền không là những tay nịnh đầm, những người hùng, những hiệp sĩ oai phong như nhiều người có thể lầm tưởng.

Tờ báo này cho biết là nếu người đi cùng trên tầu, trên du thuyền của các chủ tầu này có không may ngã xuống sông, xuống biển, thì cứ 100 chủ tầu, chủ du thuyền, chỉ có 13 người chịu bỏ tầu nhẩy xuống nước cứu bồ.

Thực ra, nói là "người đi cùng trên tầu" cho nhẹ, chứ trong cuộc thăm dò của tờ Boating, những người đó là vợ hay chồng -- nguyên chữ trong bài báo là "spouses" -- của chủ thuyền, chủ tầu.

Như vậy, đó phải là vợ hay chồng của chủ tầu, mà thường thì là vợ, vì số chủ tầu, chủ thuyền phụ nữ không nhiều lắm. Hầu như chủ tầu, chủ du thuyền bao giờ cũng là những người đàn ông áo sơ mi không cài cúc, phanh ngực, quần shorts, giầy boat shoes có giây bằng da, miệng ngậm tẩu bull dog, kính aviator, mũ lưỡi trai đứng hiên ngang cạnh tay lái tầu trong gió biển, gió sông lồng lộng.

Oai hùng và đẹp biết là chừng nào!

Vậy mà trong số 100 người như thế, chỉ có 13 người dám nhẩy xuống nước cứu vợ. Và 87 người kia thì tiếp tục đứng trên tầu, trên du thuyền cho gió sông, gió biển lồng lộng vuốt ve mái tóc.

Nhẩy xuống để... tóc gió thôi bay hay sao?

Như thế thì tồi thật.

Tại sao các chàng lưỡng lự rồi đi đến quyết định ở lại trên tầu? Tầu của chàng chưa chìm nên không thể nói là thuyền trưởng phải ở lại chết theo thuyền.

Vậy thì các chàng nghĩ gì?

Nghĩ tới cái bảo hiểm nhân thọ các chàng è cổ đóng cho vợ nay là lúc tốt đẹp nhất để đòi bồi thường cho bõ những ngay cơ cực?

Hay tới bầy cá mập đang bơi cạnh nàng? Làm sao phân biệt đâu là nàng, đâu là cá mập? Lỡ mắt mũi kèm nhèm nhìn gà hóa cuốc, nhìn vợ thành con great white, con tiger, con hammerhead, rồi cứu lầm con cá mập thay vì cứu vợ thì sao? Mang tiếng chết!

Trong khi những người đàn ông không giầu có, hào hoa như các chàng, không du thuyền, không ca nô gì hết, nhưng đi xe với chúng tôi, có té xuống sông, xuống biển (?) là chúng tôi tông cửa xe nhẩy xuống cứu cái một. Không những nhẩy xuống cứu, mà chúng tôi còn mở cửa cho lên xe nữa chứ.

Vậy mà có người nói xấu chúng tôi rằng khi một người đàn ông mở cửa xe cho một người đàn bà lên xe, thì một trong hai thứ phải mới: hoặc cái xe mới, hoặc người đàn bà mới.

Ý nói cái xe mới mua mà để cho đứa phàm phu tục tử mở lấy leo lên xe để hỏng để sứt sát xe cậu ư? Vậy thì cậu đành mở cho nó lên vậy.

Còn nếu nó mới, mà xe cũ thì chiều nó một chút có sao, nó đỡ chê xe mình cũ!

Nhưng đây đúng là một câu nói vu khống đầy ác ý. Người nghĩ ra câu đó chắc chắn đang ở với một người không còn mới nữa, nên phải bịa đặt ra nhận xét đầy ác độc đó để cho nàng chịu cho chàng mua xe mới, chứ không là người tử tế bao giờ hết.

Chỉ có người đàn ông đi cái SUV cao vòi vọi, khi đi với một người mặc mini lên không nổi, thì đứng cạnh, mở cửa cho đương sự lên, rồi nếu cần, tiện tay tiện chân giúp nó leo lên thì cũng có sao. Trước mua vui sau làm nghĩa chứ mất mát gì đâu.

Còn lúc xuống, thì giúp mở cái cửa cho đương sự ra khỏi xe thật lẹ cho khuất mắt thì đúng rồi còn nói chi nữa? Ðâu cần phải mới, xe cũng như người mới làm những việc như vậy.

Chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng mở cửa xe cho lên cho xuống. Và vì thế, người không có tầu và du thuyền vẫn lịch sự, đáng yêu hơn những người có tầu, có du thuyền là thế.


Ngày 6 tháng 8 năm 2010

Bn ta,

Thường thì tôi không có thói quen chạy đi mua ngay món hàng vừa thấy trong quảng cáo trên báo, hay nghe được trong truyền thanh hay truyền hình, vì thế, dẫu cho cầu thủ Michael Jordan có dùng thứ nước hoa gì, Heidi Klum có mặc cái nịt vú hiệu nào, Tiger Wood có lái kiểu xe gì đi nữa, thì tôi cũng không làm theo họ mà phải tìm cách có ngay những sản phẩm họ quảng cáo.

Nhưng có thể tôi sẽ tìm mua một thứ nước hoa -- không biết có thể gọi đó là nước hoa không -- mà tôi vừa đọc thấy được trong tờ Playboy.

Helmut Lang, một nhà họa kiểu thời trang vừa tung ra thị trường một mùi mới, mùi Helmut Lang. Mùi này được mô tả là mùi của buổi sáng, sau một đêm say đắm, nồng nàn, tha thiết, sôi nổi, nóng bỏng, nồng nhiệt (tĩnh từ passionate, theo định nghĩa của tự điển Nguyễn Ðình Hòa) nhưng khó khăn(?) -- nguyên văn: the smell of the morning after a passionate but difficult night.

Mô tả như thế thì có vẻ hơi loanh quanh khó hiểu, nên người đặc trách thị trường cho công ty Helmut Lang bèn nói thẳng ra rằng đó là mùi ngay sau khi chàng vừa làm tình xong.

Tôi hoàn toàn không biết cái mùi này như thế nào. Nó là mùi mồ hôi? Mồ hôi thì thơm sao được? Nếu vậy thì làm thế nào gọi nó là nước hoa?

Loài người sau bao nhiêu tiến hóa, không còn phải tự quảng cáo bằng những cái mùi đặc biệt khi... cần nhau như các sinh vật hạ đẳng nữa, nên cái mùi đó dần dần biến mất khỏi con người. Vậy thì Helmut Lang căn cứ vào đâu, dựa vào chỗ nào để pha chế ra cái mùi đó?

Tôi muốn biết cái mùi ấy như thế nào và xem những người nào sẽ mua nó, mua nó để làm gì, và tại sao phải mua nó.

Thông thường thì nếu quả có cái mùi đó, thì nó cũng có một đời sống hết sức ngắn ngủi. Chuyến đi vào buồng tắm, xà phòng thơm, body lotion, cologne... sẽ khiến cho nó không thể ở lâu trên người được.

Bây giờ mua nó về, thoa, xức nó lên người trước khi ra đường (hay về nhà?) thì quả là lạ.

Cho là có ở dơ, ít chịu tắm thì cái mùi ấy thông thường cũng phải che đi, đậy lại không để cho người khác biết. Vì có thể nó không thơm tho gì, mà có khi còn nguy hiểm(?) nữa là đằng khác.

Còn gì dại dột hơn là mang nó trên người. Chỉ hôi thôi cũng đã là không nên để nó bám trên người lâu, huống chi nó còn có thể là lý do để bị hạch hỏi lôi thôi nữa thì thoa, xịt lên người làm gì trong khi chúng ta tiêu không biết bao nhiêu là tiền cho những thứ nước hoa có khả năng chặn đứng cái mùi đó.

Và bây giờ, người ta sản xuất đúng cái mùi đó để bán. Tại sao?

Bỗng tôi hiểu. Người ta sẽ mua chúng vì cùng những lý do mua những thứ nước hoa để át chúng đi. Ðó là để tự quảng cáo cho mình, để cho mọi người biết rằng mình vẫn... còn.

Trong khi họ không còn đi làm nữa.

Vậy thì có khác gì... khoe vẫn còn là một người đàn ông bình thường,khỏe mạnh, còn mấy(?) cái sở, lại vừa mới... tan sở xong. Oai biết là chừng nào!

Rồi nếu mùi Helmut Lang được nhiều người dùng, thì thế giới sẽ phải chào vĩnh biệt lối ăn mặc sạch sẽ tươm tất như ngày nay để thay bằng kiểu đầu bù tóc rối, đuôi áo sơ mi nhầu nát lòi ra ngoài quần ở phía sau, ca vát trễ xuống cổ, thắt lưng lệch sang một bên, một vết son nhạt dính trên cổ áo, và những vết móng tay cào rướm máu trên lưng... kiểu thời trang của người trai thế hệ(?) vừa từ mặt trận trở về.

Lúc ấy, có gân cổ lên nói phét cũng bằng thừa, cũng không cần nữa, chỉ trên môi một nụ cười bí mật, và thoang thoảng trên người toát ra mùi Helmut Lang, là chung quanh thế nào cũng có người uất lên, thở hơi cuối cùng vì ghen tức.

Chao ơi là hạnh phúc. Phải có mùi Helmut Lang là như vậy.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 86)

Bản ghi chép do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 86 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 9 năm 2010.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

LÃM THÚY

Tuần này, một người bạn của Thúy nhờ anh giải thích động cách dùng động từ USED TO. Đây cũng là thắc mắc của Thúy. Thúy thấy động từ này rất kỳ lạ, nó không giống bất cứ một động từ nào khác mà Thúy biết.

BBT

Đồng ý. Đây là một động từ khá lý thú và cũng thường gặp nên chúng ta sẽ nói rõ hơn về nó.

QA

Thể nguyên mẫu của nó là gì thưa anh? QA muốn nói nó có INFINITIVE không, và trước nó có TO không, hay là nó cũng giống như các động từ CAN, MUST, MAY?

BBT

Nó không có INFINITIVE, trước nó không có TO. Nó chỉ xuất hiện trong thì quá khứ. Không hiện tại (PRESENT), không tương lai (FUTURE). Nó được dùng cho tất cả các ngôi thứ nhất, thứ hai và thứ ba. I USED TO, YOU USED TO, HE USED TO, SHE USED TO, WE USED TO và THEY USED TO.

Nó được dùng như thế nào? Nó được dùng với một động từ ở sau: USED TO+VERB.

LÃM THÚY

Thưa anh, chúng ta có dùng USED TO trong câu hỏi (QUESTION FORM) và trong câu phủ định (NEGATIVE FORM) không?

BBT

Thúy hỏi một câu rất hay. Có và không. Có thể dùng USED TO trong các câu hỏi và trong các câu phủ định nhưng thường thì không nên dùng USED TO trong QUESTION và NEGATIVE.

QA

Thế USED TO+VERB được dùng để nói lên điều gì thưa anh? QA biết USED TO đề cập đến chuyện trong quá khứ, nhưng quá khứ gì?

BBT

USED TO được dùng cho hai trường hợp chính. Thứ nhất, chúng ta dùng nó để nói về một thói quen , một việc chúng ta thường làm, hay làm, làm nhiều lần trong quá khứ, nhưng bây giờ thì không còn làm những việc, những hành động đó nữa. Các thói quen, các hành động thường làm đó, những việc thường diễn ra đó đã chấm dứt.

Thí dụ trước đây ông ấy hút mỗi ngày một bao. Chuyện hút thuốc là một thói quen, một việc ông thường làm, nhưng bây giờ đã ngưng, đã thôi rồi. Cô Thúy thử nói câu đó bằng tiếng Anh coi.

LÃM THÚY

HE USED TO SMOKE A PACK A DAY. Cũng có thể nói thế này được phải không thầy: HE USED TO CHAIN SMOKE.

BBT

Đúng lắm. Cô QA cho nghe thí dụ của cô đi.

QA

MY SON USED TO GO TO THE GYM TWICE A WEEK.

I USED TO COOK THREE MEALS A DAY FOR MY KIDS.

BBT

Như vậy, cả hai cô đều hiểu rõ USED TO được dùng cho những thói quen, tập quán trong quá khứ.

Trường hợp thứ hai mà chúng ta dùng USED TO là khi chúng ta muốn nói về một sự kiện, một thực tế, một điều chúng ta tin tưởng, nghĩ, một sự thật trong quá khứ.

Thí dụ nói hồi xưa tôi sống ở Sài Gòn. Chuyện tôi sống ở Sài Gòn là một điều đã xẩy ra trong quá khứ. Chuyện đó không phải là thói quen, tập quán, mà là một việc làm bây giờ không làm nữa. Tôi phải nói thế nào trong tiếng Anh, cô Lãm Thúy?

LÃM THÚY

I USED TO LIVE IN SAIGON. Thưa anh có thể nói I USED TO KNOW HER VERY WELL được không?

BBT

Được chứ. Chuyện tôi thân với cô ấy là chuyện đã xảy ra trong quá khứ, cách đây mười năm, hai mươi năm. Nhưng nay, tôi không thể nói rằng tôi biết cô ấy rõ lắm nữa vì cô ấy đã đổi thay nhiều, tôi không gặp thường nữa nên tôi chỉ có thể nói I USED TO KNOW HER . NOT NOW. NOT ANY MORE.

Bây giờ QA cho hai thí dụ với USED TO để nói về những chuyện trước đây thì có, trước đây thì đúng nhưng nay thì không còn xẩy ra, không còn đúng nữa.

QA

MY BROTHER USED TO BE AN OFFICER IN THE NAVY.

HOUSES IN ORANGE COUNTY USED TO COST QUITE A BIT.

BBT

Bây giờ tôi hỏi cô QA hai câu này có khác nhau gì không: SHE SANG AT THIS NIGHT CLUBSHE USED TO SING AT THIS NIGHT CLUB.

QA

Cả hai đều nói về những việc làm trong quá khứ. Câu SHE SANG AT THIS NIGHT CLUB nghĩa là cô ấy hát tại hộp đêm này. Có thể cô đến chơi với bạn, rồi lên hát một bài cho vui, một lần ấy thôi, và cũng có thể cô ấy là ca sĩ hát thường xuyên ở đó.

Câu SHE USED TO SING AT THIS NIGHT CLUB thì có nghĩa là cô ấy thường hay tới hát ở cái hộp đêm đó. Có thể cô ấy nhiều lần tới đó hát , cũng có thể cô ấy là ca sĩ của hộp đêm. Nghe USED TO, chúng ta hiểu ngay rằng việc làm mà động từ theo sau diễn tả là một hành động, một việc làm, một điều xẩy ra nhiều lần nhưng nay không còn xẩy ra nữa.

BBT

Hồi nẫy tôi nói là chúng ta không dùng USED TO trong thể phủ định (NEGATIVE) và nghi vấn (QUESTION) . Thực ra thì chúng ta có thể, nhưng không nên. Các nhà văn phạm nói như thế. Thực ra thì ngoài đời ít ai nói I DID NOT USE TO OWN A CONDO IN ORANGE COUNTY, và cũng không có bao nhiêu người nói DID HE USE TO WORK FOR THE GOVERNMENT?

LÃM THÚY

Thúy còn nghe HE IS USED TO nữa. HE IS USED TO có phải là hiện tại của USED TO không thưa anh?

BBT

Không. Nhưng cô hỏi một câu rất hay. Chút xíu nữa thì tôi quên. TO BE USED TO khác hẳn với USED TO. TO BE USED TO nghĩa là quen vơi một chuyện gì đó, một điều gì đó.

Nhưng điểm quan trọng là sau TO BE USED TO chúng ta dùng một danh từ hay một danh động từ, một GERUND, nột VERB+ING. Không bao giờ dùng một động từ INFINITIVE. Đừng nghĩ sau chữ TO là chúng ta phải dùng một INFINITIVE.

Thí dụ nói HE IS USED TO LIVE ALONE là sai. Phải nói như thế nào QA?

QA

QA nghĩ phải nói thế này mới đúng: HE IS USED TO LIVING ALONE.

BBT

Lãm Thúy cho nghe hai câu với TO BE USED TO coi.

LÃM THÚY

WE ARE USED TO STAYING UP LATE

THEY ARE USED TO GETTING UP EARLY

BBT

Nhưng TO BE USED TO cũng dùng với một danh từ. QA cho hai thí dụ với TO BE USED TO dùng với danh từ coi.

QA

I AM NOT USED TO COLD WEATHER.

MY SON IS USED TO BLACK AND STRONG COFFEE.

BBT

Thúy dùng TO BE USED trong câu hỏi thì nói thế nào?

LÃM THÚY

IS HE USED TO COLLEGE LIFE AFTER 3 MONTHS?

ARE THEY USED TO LIVING AWAY FROM HOME NOW?

BBT

Bây giờ chúng ta chuyển qua TO GET USED TO nghĩa là làm quen với, tập cho quen với. Sau TO GET USED TO chúng ta cũng dùng danh từ (NOUN) hay danh động từ tức là GERUND (VERB+ING). Nếu bây giờ hai cô dọn sang Úc sống chắc phải mất vài tháng mới quen với giọng Úc. QA sẽ nói thế nào làm quen với giọng Úc.

QA

AFTER THREE MONTHS IN SYDNEY, WE GOT USED TO AUSTRALIAN ACCENT.

I DO NOT THINK I CAN GET USED HAVING AMERICAN FOOD EVERYDAY.

BBT

Mời cô Thúy

LÃM THÚY

I USED TO HATE MY JOB BUT I GET USED TO IT NOW.

HE GOT USED TO DRIVING ON THE LEFT AFTER ONE WEEK IN LONDON.

BBT

Bấy nhiêu cũng là tạm đủ về USED TO nhưng có một chữ USED này nữa thì hai cô chắc đã biết : USED CAR. USED là PAST PARTICIPLE của động từ TO USE được dùng như một ADJECTIVE. USED CAR là xe cũ, là SECOND-HAND CAR. Đặc biệt những chiếc xe đắt tiền thì người ta không dùng USED hay SECOND-HAND mà dùng PRE-OWNED nghĩa là xe đã có một, hai đời chủ. Có thể dùng những chữ USED hay SECOND HAND là xúc phạm tới những chiếc Rolls, những chiếc Jaguar, những chiếc Mercedes chăng?

QA

Học tiếng Anh QA thấy có một điều này rất khó chịu, đó là những danh từ đếm được (COUNTABLE NOUNS) và những danh từ không đếm được ( UNCOUNTABLE NOUNS). Anh cho biết có qui luật nào không, nghĩa là làm sao biết những gì thì đếm được và những gì thì không đếm được?

BBT

Rất tiếc là không có một qui luật nào cả. Nói chung thì những thứ trừu tượng thì không đếm được. Thí dụ HONESTY, MORAL, INTELLIGENCE, LOVE, HAPPINESS, ADVICE, INFORMATION, ELECTRICITY, GAS, POWER Cũng có những thứ rất cụ thể nhưng lại vẫn không đếm được. Thí dụ WATER, BLOOD, SUGAR, BUTTER.

LÃM THÚY

Với những danh từ đó, Thúy biết là động từ theo sau bao giờ cũng là số ít. Nhưng khi muốn diễn tả ý nghĩa nhiều, như Thúy uống nhiều cà phê thì không thể dùng MANY được, mà phải dùng MUCH. Vấn đề ở đây là nếu không biết danh từ ấy là UNCOUNTABLE mà cứ dùng MANY là sai hết. Làm thế nào để khỏi bị mấy đứa con của Thúy ở nhà bẻ bai suốt ngày đến là khổ cho Thúy.

BBT

Cô biết như vậy là được một nửa rồi. Muốn diễn tả ý nghĩa nhiều, chúng ta dùng MANY với COUNTABLE NOUNS và MUCH với UNCOUNTABLE NOUNS. Nói MANY MONEY thì bị sửa. Phải nói là MUCH MONEY mới không bị mấy quả trứng qua mặt mấy con vịt mẹ.

Nhưng chúng ta có một cách để ăn gian. Dùng A LOT OF hay LOTS OF hay TONS OF cho cả hai loại danh từ đếm được cũng như không đếm được là bọn "trứng" hết làm phách.

Thí dụ LOTS OF COURAGE hay LOTS OF BOOKS đều được cả. Hay A LOT OF COURAGE, A LOT OF BOOKS đều đúng.

Tuy nhiên, trò ăn gian này không phải lúc nào cũng đem ra dùng được. Đó là khi muốn nói ít thì phải phân minh, rõ ràng. Với danh từ đếm được, chúng ta dùng A FEW. Với danh từ không đếm được, chúng ta dùng A LITTLE. Thí dụ A FEW STUDENTS nhưng A LITTLE PATIENCE.

Không có chữ để dùng cho cả hai. Cùng lắm, chúng ta dùng SOME cũng được: SOME HOUSES, SOME WATER.

Hai cô có thể nhớ câu này của Winston Churchill để khỏi quên MANY, MUCH và FEW. Đó là câu Winston Churchill dùng để ghi nhận công trạng của không quân Hoàng Gia Anh khi thủ đô Luân Đôn nhờ các phi công này mà thoát khỏi bị không quân Đức san bằng thành bình địa.

Trong bài nói chuyện ngày 20 tháng 8 năm 1940, vào lúc cao điểm chiến dịch oanh tạc của không quân Đức, thủ tướng Anh Winston Churchill nói NEVER WAS SO MUCH OWED BY SO MANY TO SO FEW.

MUCH dùng với danh từ không đếm được, hiểu ngầm đó là món nợ, lòng biết ơn. MANY dùng với danh từ đếm được, đó là người dân Anh. FEW nghĩa là ít, dùng với danh từ có thể đếm được, đó là các phi công Hoàng Gia Anh. Câu của Winston Churchill tạm dịch là chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại lại có một món nợ lớn đến như thế của rất nhiều người (mắc nợ ) một số người ít ỏi như vậy. Sau bài diễn văn này, người Anh gọi các phi công Hoàng Gia Anh là THE FEW một cách ưu ái và thân mến.

Thủy quân lục chiến Hoa kỳ cũng dùng chữ THE FEW để nói về các quân nhân trong binh chủng này, nghĩa là không phải ai cũng có thể trở thành một quân nhân thủy quân lục chiến: THE FEW, THE PROUD, THE MARINES.

QA

Bài học Anh ngữ thứ 86 của chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television tạm chấm dứt ở đây. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin gửi lời chào tạm biệt quí vị.