Ngày 23 tháng 8 năm 2010
Bạn ta,
Cuối tuần qua, ở mục Personal Plus của tờ Washington Post, tôi đọc được một lời rao tìm bạn mà tôi nghĩ là không ai có thể viết hay hơn được. Tôi tin chắc người phụ nữ đăng đoạn lời rao đó sẽ nhận được vài ba chục lá thư xin làm quen là ít.
Ngắn, gọn, không mầu mè, đi thẳng vào vấn đề, đọc xong thì hiểu ngay, không khoe khoang nào là nhà văn nữ, là từng viết diễn văn cho tòa Bạch Ốc, là thông minh, là tài chính ổn định... như mấy đoạn lời rao bên cạnh.
Nàng viết như thế này: "The woman you should have married. ISO of warmhearted, bright DWM, 50-60..."
Nàng không tự nhận là giống người mẫu của Victoria's Secret, không bomb shell, sexy... Nàng chỉ nhận nàng là người phụ nữ mà bạn đáng lẽ đã phải lấy làm vợ. Nàng kiếm một người đàn ông thông minh, tính tình đôn hậu, da trắng, đã chấm dứt những liên hệ pháp lý của một đời sống hôn nhân trước. Nói để bạn biết ngay ở đây: điều kiện DWM (Divorced White Male) không có bạn ở trong.
The woman you should have married... Người đàn ông nào mà chẳng có những lúc thầm kín nghĩ về một, hai người phụ nữ như thế.
Những người phụ nữ như vừa mới bước ra khỏi thơ của Ðinh Hùng, của Nguyên Sa, vẫn còn "gói mây trong áo", vẫn còn "để nắng thu vàng giữa lối đi", vẫn còn "gió mùa thu cuốn bao dư vị", vẫn còn thấy "từ biệt hoàng hôn trong mắt em / tôi đi tìm những phố không đèn", vẫn còn "... dầm mưa lén bước về / áo trùng hơi thở, mặt sầu che..."
Ðáng lẽ. Phải chi. Giá mà. Lý ra. Nếu... thì bây giờ mình như thế nào, trong lúc không có mặt của người... nữ chủ nhiệm đều sẽ nói như thế.
Người đăng lời rao dùng should have và quá khứ phân từ của động từ to marry để nói về một chuyện đã không xẩy ra nhưng đáng lẽ đã phải xẩy ra. Không dùng might have, would have, hay could have, mà should have cho mạnh. Might have là lẽ ra đã có thể... Không có chuyện có thể ở đây. Would have hay could have là lẽ ra đã... Chưa đủ mạnh. Should have married... đáng lẽ đã phải cưới làm vợ. Mạnh hơn nhiều. Chuyện cưới nàng làm vợ đã có biết bao nhiêu là lý do rất vững đi kèm. Nhưng chuyện đó đã không xẩy ra. Thời cuộc? Số mệnh? Ðời sống?
Ðáng lý ra đã phải cưới làm vợ. The woman you should have married... Có người chỉ đưa ra được có một cái tên. Có người danh sách dài hơn trong cái danh sách ấy.
Ðó là những ai? Là cái má lúm đồng tiền? Là đôi mắt giết người, là cái cằm chẻ, là cái răng khểnh, là cái lưng mặc áo dài rất đẹp, là cái kiểu ngồi Solex, là mùa thi năm tú tài 2 năm 1962, là căn nhà trọ ở Kilburn Parade, là mùa đông ở Christchurch, New Zealand, là cái bếp ở căn apartment bên cạnh đại học Victoria, là quán cà phê ở lối lên cable car, là bài thơ Ðường đọc ở thư viện Pasadena, là cái croissant cùng ăn trong bãi đậu xe?
Người rao trên báo là người ấy? Là cái địa chỉ ở San Diego, là cái số điện thoại ở Arcadia? Làm thế nào được. Làm sao là tất cả những người ấy.
Lời rao trên báo của nàng thoạt dầu đọc lên thì nghe thật hay, nhưng đọc lại, và duyệt qua lại những sự quen biết cũ, cập nhật hóa chúng lên một chút, kéo cho chúng thêm hai mươi, ba mươi năm nữa, đặt chúng vào những khung cảnh mới, nhuộm cho chúng chút "mầu thời gian", đừng can thiệp vào sự kéo tới của mấy chục năm trên mái tóc, ở những khóe mắt, khóe miệng, có thể người ta thấy lời rao của nàng đã mất đi rất nhiều appétit.
Thí dụ đó là người khuyên đừng gặp lại để thấy ba cái áo dài cũ... chập lại mặc cũng không vừa nữa? Là người cảnh cáo rằng nay là gái 5 con muốn... lôi phắt đi chôn chứ không còn mòn con mắt nữa? Là người đàn bà nhận không ra ở phi trường O'Hare cách đây mấy năm? Là người mà ông chồng (đương kim) than thở rằng vì nàng mà ông đã tàn một đời trai từ hơn hai chục năm nay?
Henri Millon de Montherlant, một tiểu thuyết gia Pháp (1896-1972) có lần viết rằng khi bạn đến tuổi 50, nhìn lại những người phụ nữ quen biết trong đời, thì bạn bỗng thấy họ cũng thường thôi, chẳng có gì đáng để nhớ cả.
Cho nên lời rao của nàng có thể rất hấp dẫn với một số người, nhưng có thể không đối với những người khác. Ít nhất là không, đối vói Montherlant và những người đọc ông ta.
Ðôi tình nhân trẻ dưới trăng thề thốt với nhau rằng không lấy được nhau thì họ chết. Ðịnh mệnh độc ác không cho họ lấy nhau. Họ giữ đúng lời nguyền, nửa thế kỷ sau, họ qua đời, người nọ trước người kia khoảng vài năm.
Không biết có bao giờ họ nghĩ tới nhau được như đoạn lời rao kia không?
Nhưng hãy tưởng tượng lời rao đó là của một người đàn ông thì tôi sợ sự tốt đẹp không bao giờ có được ở trong đầu của người đọc được quá vài ba phút. Cứ tưởng tượng chàng tuổi tác ngoài nửa thế kỷ, mái tóc muối đang thắng tiêu, cặp mắt kính dầy như hai cái đít chai coca, cái bụng bia hai ba người ôm không xuể, ăn nói vô duyên, gàn dở, vô tích sự vào hạng nhất thế giới.
Ðẩy người đàn ông này ra với người đàn bà mà đáng lẽ ra chàng đã phải cưới làm vợ... Biết đâu họ chẳng hợp nhau như... cái cắm điện và cái outlet trên tường?
Mà như vậy thì đoạn lời rao vẫn là có lý nặng chứ có sai gì đâu... Những cái vung méo vẫn tìm được những cái nồi méo chứ. Giờ này làm gì còn vung tròn với nồi tròn nữa.
Ngày 24 tháng 8 năm 2010
Bạn ta,
Luật pháp Mỹ hầu như luôn luôn thiên vị phụ nữ trong những tranh tụng tại tòa về vấn đề con cái khi cuộc hôn nhân chấm dứt. Tình trạng này tuy nay đã được cải thiện đôi chút, nghĩa là đã có thêm nhiều người đàn ông được tòa cho giữ con, nhưng hầu như chỉ những khi người mẹ làm những công việc thiếu đạo đức hay nếu những đứa con ở với người mẹ, an toàn đời sống của chúng bị đe dọa thì người mẹ mới bị tòa không cho giữ con.
Nhưng tòa án không phải chỉ thiên vị phụ nữ trong những trường hợp tranh tụng liên quan đến con cái, mà luôn cả trong các trường hợp khác hơn là con cái, tòa cũng vẫn thiên vị phụ nữ, và người đàn ông thường là phía bị thiệt.
Thí dụ trong những tranh chấp đòi quyền giữ những con chó khi cuộc hôn nhân chấm dứt, các tòa án ở Mỹ cũng vẫn nhẹ nhàng hơn với phụ nữ. Theo một con số thống kê thì cứ 100 vụ tranh chấp giữa các cặp có nuôi chó, thì tòa giao cho phụ nữ giữ con chó của hai người tới 81 vụ.
Chỉ có 19% những người đàn ông được tòa cho giữ chó.
Chuyện cho ai giữ chó không ngừng ở quyết định cho con chó theo người vợ hay người chồng về nhà. Chuyện cho giữ chó còn kéo theo nhiều chuyện khác.
Thí dụ quyền thăm viếng, trách nhiệm cấp dưỡng những con chó.
Quyền thăm viếng có thể bị hạn chế nếu phía được giữ nêu lý do phía bên kia bạo hành con chó, không cho nó làm ướt cột đèn, gây ô nhiễm cho sân cỏ chẳng hạn. Nếu phía bên kia có vài ba biện pháp đối với mấy con chó mất dậy, vô giáo dục... bằng cách xích lại, nhốt vào chuồng chó, khóa mõm, gửi đi học ở trường dậy vâng lời, hét vào tai chúng tên một loại cây giống như cây bạc hà, hình như là cây húng, để khủng bố tinh thần chúng, thì phía bên được giữ chó có thể nại những chuyện đó ra để xin tòa không cho người đàn ông đến thăm mấy con chó đẻ đó nữa.
Thế rồi thỉnh thoảng, phía được giữ chó lại lôi phía bên kia ra tòa đòi tăng tiền cấp dưỡng để đuổi kịp những gia tăng của các loại thực phẩm chó. Những cách hành hạ phía không được giữ chó nhiều hay ít tùy thuộc thêm vào tài sáng tạo của các luật sư của người vợ.
Những người đàn ông ở nước Mỹ khổ vô cùng.
Ðó là chuyện chó.
Tại tòa, nếu người đàn bà Mỹ được tòa thiên vị trong những tranh chấp liên quan đến con chó, thì những tranh chấp liên quan đến những con mèo cũng vậy. 81% phụ nữ ly dị chồng được giữ chó thì chắc chắn cũng phải bằng ấy phần trăm được giữ mèo.
Người đàn ông Mỹ phải nuôi chó của vợ thế nào thì cũng sẽ phải nuôi mèo của vợ như thế. Người vợ không những được nuôi mèo, có mèo mà người đàn ông lại còn phải cấp dưỡng cho mèo của người vợ cũ. Không có chuyện bình đẳng trong những vụ tranh tụng dính dáng tới những con vật nuôi trong nhà. Phụ nữ gần như bao giờ cũng thắng tại tòa án.
Và nếu nói đến những con vật nuôi trong nhà thì ngoài chó và mèo, còn cả những con chim nữa. Trường hợp tranh tụng về những con chim thì cũng không khác những vụ tranh tụng liên quan đến mèo và chó bao nhiêu.
Chắc chắn đa số phụ nữ Mỹ tại những phiên tòa ly dị sẽ lại được tòa cho giữ những con chim mà trước đó người vợ và người chồng đã cùng nuôi.
Rồi những người đàn bà được giữ chim cũng sẽ lại đưa ra những đòi hỏi và những điều kiện tương tự như những người được giữ chó hay giữ mèo vậy. Cũng những vấn đề của chuyện thăm viếng, cấp dưỡng vân vân.
Phía không được giữ chim phải trả tiền cho phía được giữ chim. Nhiều người đàn ông Mỹ ở tuổi ngoài bốn mươi, năm mươi sau những năm với biết bao nhiêu khó khăn trong cuộc sống hôn nhân, một ngày bừng mắt dậy, thì mất con mất cái, mất nhà, mất cửa, mất chó, mất mèo, mất chim... khổ không nói sao cho hết.
Trong khi đó, phụ nữ Mỹ vẫn tiếp tục đòi bình đẳng với đàn ông. Chưa bình đẳng thì đã như hôm nay, đến lúc bình đẳng rồi thì còn như thế nào nữa.
Ðọc cái thống kê ai cũng phải sợ phát sốt phát rét lên là thế.
Ngày 25 tháng 8 năm 2010
Bạn ta,
Sau khi xuất hiện ở cuối hai câu thơ của Nguyễn Khuyến, và có thể trong một lần khác với Hồ Xuân Hương, nó biệt tích luôn. Dường như không ai còn thấy nó ở trong một bài thơ nào khác. Nó là chữ "teo" trong "chiếc thuyền câu bé tẻo teo", trong "ngõ trúc quanh co khách vắng teo" ở hai bài thơ Nôm của cụ Nguyễn.
Lý do có thể là dùng nó rất khó mà hay hơn được mấy lần chúng ta đã thấy như ở trên. Bài Thu Ðiếu của Nguyễn Khuyến nhờ chữ "teo" mà hay hơn rất nhiều. Chiếc thuyền không chỉ nhỏ, chỉ bé, mà "bé tẻo teo". Nghĩa là bé lắm. Chiếc thuyền trên mặt nước ao mùa thu se lạnh, như nhỏ thêm, như bé thêm nữa khiến nỗi cô đơn của người ngồi trên thuyền cũng tăng theo. "Vắng teo" cũng thế. Là vắng lắm. Cái ngõ chỉ xào xạc những chiếc lá trúc rơi rụng trên đất, không một tiếng chân người. Vừa vắng, lại vừa lặng. Ðó là "vắng teo". Không ai dám dùng lại nó nếu không thể dùng hay hơn là Nguyễn Khuyến.
Từ đó, chữ "teo" này đã được mặc cho những cái nghĩa rất mới và đi trên bao nhiêu con đường khác. Vậy mà nó bị các nhà làm tự điển đối xử rất bất công. Tự điển của Lê văn Ðức in năm 1970 có khá nhiều tiếng mới, cũng chỉ ghi những nghĩa nguyên thủy của nó như ở trang 1377.
"Teo" được định nghĩa là nhót lại, co rút lại, còn rất nhỏ khi là tĩnh từ. Khi là động từ, chữ này được nhà làm tự điển ghi là càng ngày càng nhỏ lại. Cuốn Từ Ðiển Tiếng Việt in năm 1996 của Hà Nội (trang 872) cũng không khá hơn, chỉ toàn những nghĩa cũ của chữ "teo".
Cả hai cuốn đều không định nghĩa động từ "teo" là sợ, là hãi, là rét, là ngán, là nhát... như những nghĩa mới mà chúng ta đặt thêm cho nó trong những năm 60 ở Việt Nam. Sau một đời sống năm năm, mười năm, nó xứng đáng được ghi vào tự điển. Vậy mà nó vẫn bị bỏ ở ngoài mặc dù nó là một chữ rất hay, dùng ở đâu và lúc nào cũng được.
"Teo" mang nghĩa mới này khi nó được dùng làm động từ. Nó không hề làm cho chủ từ nhỏ đi, bé lại. Thí dụ khi nói "tôi teo quá" chẳng hạn.
Kích thước vật lý của tôi vẫn là 5 feet 9, nặng 170 cân Anh. Nói xong câu "tôi teo quá", chiều cao và trọng lượng của tôi vẫn không có gì thay đổi. Nỗ lực nhịn ăn cho xuống bớt vài chục cân Anh vẫn tiếp tục được duy trì và vẫn tiếp tục không đem lại kết quả.
"Teo" ở đây là sợ. Nhưng tại sao nó lại có cái nghĩa mới như thế?
Tôi nghĩ là nó được dựa trên một đổi thay về kích thước mà không phải lúc nào cũng thấy được, hay cũng có thể nói là không phải lúc nào cũng cho người khác thấy được.
Và đúng lúc đó, thì chữ "teo" hiện ra. Chỉ có nó mới nói được hết nỗi hoảng sợ kinh hồn mà người ta đang phải đối đầu. "Teo" quá là sợ quá, là hãi hùng quá, là kinh hoàng quá.
Khi sợ, khi bị khủng bố, khi bị đe dọa gây nguy hại cho đời sống, cho cơ thể, thì nỗi hoảng sợ đó lập tức đưa tới những đổi thay vật lý. Sự bình tĩnh mất đi, ảnh hưởng tới tiếng nói. Cơ thể co quắp lại. các bộ phận cơ thể nếu có thể giảm bớt được diện tích, thể tích, thì sẽ nhỏ đi.
Ruột gan teo tóp lại đã đành, cả một số bộ phận khác cũng teo nhỏ lại. Những đổi thay đó không do đầu óc sai khiến, mà la những phản ứng mà cơ thể không điều khiển được. Mồ hôi toát ra, bay hơi, cơ thể hạ giảm nhiệt độ, thân nhiệt xuống thấp hơn. Lập tức một bộ phận được kéo sát lên cho nằm sát hơn vào cơ thể để nhận lấy nhiệt độ của cơ thể giữ cho khỏi bị lạnh. Bên cạnh nó, một bộ phận khác cũng thay đổi kích thước, không còn hùng mạnh như trước nữa.
Teo. Teo lại. Sợ teo người (?) luôn. Teo quá.
Nhưng tiếng Anh hình như chưa có động từ tương tự như "teo" của chúng ta. Hay chúng ta tặng họ một động từ, món quà nhỏ chúng ta, chút đóng góp cho cái ngôn ngữ cưu mang chúng ta từ vài chục năm nay, như to kowtow là khấu đầu của người Trung Hoa; như bungalow là căn nhà gỗ của người Ấn Ðộ; như dinkum của người thổ dân Úc... Thí dụ to kell chẳng hạn. To kell là... teo thì nghe cũng được đấy chứ.
Còn "teo" thì là gì nếu xin được cụ Lê Văn Ðức cho thêm vào từ điển của cụ?
Tại sao không đề nghị một định nghĩa cho nó? Chẳng hạn "teo" là... cheo tim có được không nhỉ? Có điều ông Clinton thì có thể teo chứ bà Clinton thì không thể nói là... teo được. Phụ nữ oai kinh khủng, họ không teo bao giờ hết. Ðàn ông sợ họ là phải.
Ngày 26 tháng 8 năm 2010
Bạn ta,
Mục RSVP do Letitia Baldrige phụ trách xuất hiện mỗi tuần một lần, được rất nhiều báo ở Hoa Kỳ đăng lại, trong đó, người viết trả lời và cố vấn các độc giả về đủ mọi vấn đề, về đủ mọi lãnh vực, đưa ra đủ mọi giải pháp cho đủ mọi thắc mắc. Nhưng vì bao biện quá nhiều lãnh thổ như thế, thỉnh thoảng Letitia Baldrige cũng lảng xẹt.
Thí dụ như hôm nay chẳng hạn.
Một độc giả viết cho RSVP nói rằng một nữ đồng nghiệp của bà/cô/ông có một thứ mùi khủng khiếp làm cả sở kinh hoàng. Ai ai cũng khổ vì cái mùi (body odor) từ cơ thể của nữ đồng nghiệp này phát ra, nhưng không một người nào có đủ can đảm để hành động. Người viết xin được cố vấn phải làm gì vì cả sở đã hết chịu nổi.
Letitia Baldrige đề nghị người độc giả viết thư nhờ phòng nhân viên nói hộ, nếu không thì cũng có thể nhờ một cấp chỉ huy làm công việc đó. Khi thảo luận với đương sự, nên có sẵn một vài thứ deodorants để làm quà cho nàng.
Như vậy là tầm bậy.
Trước hết phải tìm hiểu người viết lá thư ấy là đàn ông hay đàn bà, tương quan giữa người viết với đương sự như thế nào, nhan sắc của người viết (nếu người viết thư là phụ nữ) so sánh với nhan sắc của đương sự ra sao, có yếu tố ghen ghét, hận thù ở trong không... vân vân.
Chỉ sau khi có được những chi tiết như thế thì mới trả lời được. Chưa chi đã trả lời ngay là chỉ có hố. Letitia Baldrige hố nặng.
Ngoại trừ trường hợp lá gan không sản xuất được enzyme FMO3, enzyme có khả năng vô hiệu hóa protein có tên là trimethylamine ở một số người, mà Shakespeare mô tả trong kịch The Tempest là một thứ mùi rất xưa như mùi cá (a very ancient and fish-like smell) thì cái mùi tự nhiên của người đồng nghiệp không cách gì có thể dễ sợ như thế, nếu nó (người đồng nghiệp) không đẹp hơn, không mặc quần áo đắt tiền hơn, không trẻ hơn, không có kép ngon lành hơn người viết thư.
Những thứ mùi của cơ thể thực ra là những mùi thơm nhất, đáng quí nhất, nhưng chúng ta đã bị xã hội và các hãng sản xuất nước hoa tuyên truyền, làm cho chúng ta tin đó là những mùi cần phải dẹp đi, đánh át đi, ngụy trang đi đằng sau những thứ son phấn, nước hoa, aftershave, deodorant...
Ðó là những cái mùi hết sức hấp dẫn mà tổ tiên của chúng ta không bao giờ ghê sợ, trái lại, còn yêu thích ghê gớm là đằng khác. Những cái mùi đó chỉ xuất hiện khi người ta bắt đầu trưởng thành về mặt tính dục. Trẻ nhỏ không hề có những mùi đó. ở các loài vật hạ đẳng, những thứ mùi đó chỉ xuất hiện vào một mùa nào đó để chuyện tìm nhau cho dễ. Hết mùa yêu nhau, mùi đó lại biến mất. Nhưng loài người, thì những mùi đó còn mãi.
Nó là cái mùi mà một ông vua Việt Nam mong giữ lại được trong chiếc áo cũ của người cung phi yêu dấu đã ra đi. Nó là mùi của nàng, của "O Bằng", không bao giờ là mùi hương nhu, mùi bồ kếp hết. Muốn có mùi hương nhu hay mùi bồ kếp thì ra ngồi ở gốc cây hương nhu, cây bồ kếp cho nó mát chứ gấp cái áo cũ của nàng lại làm quái gì cho nó chật cả hoàng cung.
Trước khi biết được những chi tiết quan trọng về nàng, Letitia Baldrige đã cố vấn sắc đẹp ngay, nào là nói cho khéo, nào là mang theo quà vài chai deodorant cho nàng xức cho bõ những ngày cơ cực...
Letitia Baldrige có thể chưa bao giờ ngồi cạnh một đồng nghiệp lâu lâu cao hứng không biết làm gì, tung ra một quả võ khí hóa học tục gọi là nước hoa, cho các đồng nghiệp được dùng ké nước hoa miễn phí mấy tiếng đồng hồ để về nhà lại khổ vì những lời cật vấn về nguồn gốc của cái mùi nước hoa ghê rợn đó nên mới đề nghị tặng quà cho nàng vài thứ deodorant. Letitia Baldrige cũng có thể chưa bao giờ phải ngồi trong một căn phòng kín với một diện tích chỉ hơn cái xe bus một chút với những mùi nước hoa khác nhau hòa trộn cùng với những tinh thể mỡ, dầu ăn bay từ mấy món xào nấu ở nhà quện vào những thớ vải trên áo vài ba đồng nghiệp.
Trong những trường hợp như thế, thì hãy nghĩ tới những biện pháp can thiệp, dẫu cho tế nhị và ngoại giao cách mấy đi chăng nữa, thì chuyện mất lòng nhất định vẫn xẩy ra như thường. Chúng ta sống trong một xã hội với trình độ văn minh rất cao. Vì lẽ đó, bệnh hơi thở hôi là bệnh rất khó chữa. Khó chữa vì không biết mà chữa. Không biết vì không ai nỡ nói thật với ngồi có hơi thở làm héo vườn hoa hồng, làm chết cá ao anh mỗi khi đi qua.
Cách hay nhất là không nói gì hết, Biện pháp phòng chống là đi ra tiệm Army Surplus bán quần áo nhà binh thặng dư kiếm mua lấy cái mặt nạ hơi độc đem vào sở, khi nào chai-nước-hoa-biết-đi xẹt ngang qua, thì lôi ra đeo vào.
Chẳng lẽ lại hét lên rằng nước hoa... ai vừa mũi người ấy thì kỳ quá.
Phải chi nó là mùi Guerlain hay Donna Karan thì cũng được đi.
Nếu không, cứ để tự nhiên có phải là nhân quyền của đồng nghiệp không bị vi phạm không nào.
ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
(Bài số 89)
Bản ghi chép do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 88 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 10 năm 2010.
QUỲNH ANH:
Ðây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
Và đây là câu hỏi của QA. Tuần qua, ở nhà, QA có một party nhỏ cho con gái lớn sắp trở lại trường. Tiệc đã bắt đầu thì hai người bạn của con gái QA xuất hiện. QA muốn nói với hai người bạn này rằng ở lại chơi, càng đông càng vui chứ có sao đâu. QA muốn nói như vậy để mời hai người bạn của con ở lại nhưng không biết nói thế nào cho đúng. QA biết là có một cách nói giản dị lắm, không rườm rà như QA rằng PLEASE STAY. MORE PEOPLE ARE GOOD. Xin anh cho biết nói thế nào cho gọn mà đầy đủ ý nghĩa.
LÃM THÚY
Thúy biết. Ðây cũng là câu Thúy học lóm của mấy đứa con: THE MORE THE MERRIER, nghĩa là càng nhiều người hơn thì càng vui hơn, càng đông càng vui có phải không thầy?
BBT
Ðúng vậy. Ðó là cách nói giản dị hơn cách nói của QA nhiều mà nghe Ăng lê hơn. Ðây là một cách nói rất thường thấy trong khi chúng ta nói chuyện hàng ngày.
Chúng ta dùng cách so sánh hơn (COMPARATIVE) cho cả hai vế: THE MORE và THE BETTER. Chúng ta cũng thường gặp phải những trường hợp cần dùng lối nói này. Thí dụ càng sớm càng tốt, càng ít càng tốt. QA nó thử càng sớm càng tốt bằng tiếng Anh coi.
QA
THE SOONER THE BETTER.
BBT
Trong trường hợp nào cô sẽ nói như thế?
QA
Thí dụ QA muốn người bán nhà trả lời QA sớm, QA có thể nói thế này: I ASKED THE OWNER TO GIVE US THE ANSWER THE SOONER THE BETTER.
BBT
Hay lắm. Thế còn Lãm Thúy?
LÃM THÚY
THE LAWYER TOLD ME TO SAY THE LESSER THE BETTER.
BBT
QA nói thử câu này bằng tiếng Anh coi: Càng biết ông ấy, tôi càng không hiểu gì về ông ấy.
QA
THE MORE I KNOW HIM, THE LESS I UNDERSTAND HIM.
BBT
Thúy nói càng gặp bà ấy tôi càng quí bà ấy hơn.
LÃM THÚY
THE MORE I SEE HER, THE MORE I LIKE HER.
BBT
Ðã lâu lắm rồi, tại một tiệm bán chó mèo ở Washington DC, tôi thấy một tấm poster có hàng chữ mà tôi dịch tạm sang tiếng Việt như thế này: càng biết người ta, tôi càng yêu con chó của tôi hơn. QA thử dịch ngược trở lại tiếng Anh coi.
QA
THE MORE I KNOW PEOPLE, THE MORE I LOVE MY DOG. QA nhớ tổng thống Harry Truman có nói rằng ở Washington, muốn có bạn thì kiếm con chó mang về nuôi. Bộ người ở Washington dễ sợ lắm hay sao?
BBT
Thì cô cứ xem ông Bush và ông Obama thì thấy rõ. Tuổi trẻ bao lăm mà đầu như một câu trong bài Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác. Chúng ta có thể thay thế MORE , LESS với SOONER, LESSER, FEWER, EARLIER, LATER, FASTER, QUICKER, SLOWER … cần nhớ tất cả đều trong thể so sánh hơn (COMPARATIVE) là được.
Lãm Thúy cho nghe hai câu và QA cho nghe hai thí dụ trước khi chúng ta chuyển sang một đề tài khác.
LÃM THÚY
THE LESSER WE SEE THEM THE BETTER.
THE SLOWER YOU DRIVE, THE SAFER IT IS.
QA
THE FASTER THE CAR RUNS, THE MORE GASOLINE IT BURNS.
THE EARLIER WE GO TO BED, THE MORE SLEEP WE GET.
BBT
Cám ơn hai cô. Tuần qua có một khán giả của chương trình hỏi về thì CONTINUOUS TENSES và cách dùng của chúng, đặc biệt là thì PRESENT CONTINUOUS. Thì PRESENT CONTINUOUS được tạo thành với động từ TO BE ở thì hiện tại (PRESENT TENSE OF TO BE) và PRESENT PARTICIPLE của động từ chính. Muốn có PRESENT PARTICIPLE, hiện tại phân từ, chúng ta thêm cái đuôi ING vào chữ cuối của động từ là được: VERB+ING. Chuyện này, ai cũng đã biết.
Ngoại trừ một số động từ khiếm khuyết DEFECTIVE VERBS không có PRESENT PARTICIPLE, tất cả các động từ khác đều có PRESENT PARTICIPLE. Chúng ta không có MUST+ING, MAY+ING, WOULD+ING… là vì các động từ MUST, MAY, WOULD đều là các động từ khiếm khuyết. Khiếm khuyết là thiếu. Chúng không có tất cả các thì như các động từ khác.
LÃM THÚY
Thưa anh, Thúy nhớ CONTINUOUS TENSE được dùng để chỉ những việc đang xẩy ra, đang diễn ra vào lúc đang nói. Nhưng trong câu này thì chuyện đâu có đang xẩy ra: THE PRESIDENT IS FLYING TO LONDON NEXT WEEK. Tại sao NEXT WEEK là tương lai mà QA lại thấy bài báo dùng PRESENT CONTINUOUS?
BBT
Cô Thúy thắc mắc rất đúng. Thì PRESENT CONTINUOUS có thể đươc dùng để nói về một việc sẽ diễn ra trong tương lai gần (NEAR FUTURE), một việc đã được dự tính, sửa soạn trước và có phần chắc là sẽ diễn ra trong vài ba ngày tới, trong một tương lai rất gần. Cô Thúy có dự tính gì trong một hai ngày tới không, nếu có, cô dùng thì PRESENT CONTNUOUS để nói về việc đó được không?
LÃM THÚY
I AM DRIVING TO SAN JOSE THIS WEEK-END.
THEY ARE COMING FOR THE WEDDING AT THE END OF THE MONTH.
BBT
Còn QA?
QA
MY SON IS RETURNING TO SCHOOL IN TWO WEEKS’ TIME.
THEY ARE HELPING US TO CLEAN THE GARDEN TOMORROW.
BBT
Ðã nói về PRESENT CONTINUOUS thì phải nói cho hết. Thì này cũng có thể được dùng để nói về một việc diễn ra trong khoảng thời gian này, không nhất thiết phải xẩy ra đúng vào lúc chúng ta đang nói. Thí dụ khi tôi nói I AM READING A VERY INTERESTING BOOK BY MAI THẢO thì trong tay tôi có đang có cuốn sách của ông Mai Thảo không?
LÃM THÚY
Có thể có và có thể không. Có thể anh đang đọc cuốn sách đó ở nhà, đã đọc từ mấy hôm nay, chưa đọc hết, lát chiều về đọc tiếp. Không cần phải đang cầm trong tay cuốn sách ấy. Nhưng nếu đang cầm cũng không sao. Thúy có thể nói I AM WATCHING A KOREAN FILM AT HOME trong lúc Thúy đang ngồi đây học tiếng Anh với anh cũng vẫn được như thường. HOW ABOUT YOU, QA?
QA
I AM KNITTING A SWEATER FOR MY NIECE BECAUSE WINTER IS COMING VERY SOON.
BBT
Như vậy, hai cô còn thắc mắc gì về CONTINUOUS TENSE nữa không? Nếu không, chúng ta sẽ học một số idioms chăng?
LÃM THÚY
Vâng, đề nghị anh dậy một số idioms về FOOD.
BBT
Idioms về FOOD thì nhiều lắm, chúng ta sẽ không đủ thì giờ. Tôi sẽ chỉ kể ra ở đây những idioms có những chữ liên quan đến thức ăn nhưng lại không dùng để ăn mà tôi nghĩ là rất lý thú mà thôi. Thí dụ hai cô thế nào chẳng đã nghe HE IS OUT TO LUNCH rồi phải không? Cau ấy có thể hiểu là ông ấy đi ăn trưa rồi, nhưng cũng còn có nghĩa là ông ấy điên điên, khùng khùng như khi nói EVER SINCE SHE LEFT HIM, HE HAS BEEN OUT TO LUNCH.
QA
Thưa anh, nói về một thứ thường dùng để ăn nhưng lại không ăn, QA nghĩ HOT POTATO là một trường hợp như thế. Anh cho QA nghe một thí dụ để biết cách dùng nó được không?
BBT
HOT POTATO nghĩa là một chuyện nhức đầu, rất khó làm, có thể gây khó khăn cho người ta. Thí dụ tổng thống Obama lôi chuyện xây đền Hồi giáo ở New York ra nói và sau đó bị đả kích dữ dội, thì chuyện ông ủng hộ việc xây dền Hồi giáo là một củ khoai nóng, cầm thì phỏng tay, ăn không được. THE PLAN TO BUILD A MOSQUE IN NEW YORK WAS A HOT POTATO FOR PRESIDENT OBAMA.
LÃM THÚY
Thúy thấy có một chương trình truyền hình tên là MORNING JOE mỗi sáng trong tuần. Thúy biết đó là chương trình của JOE SCARBOROUGH nhưng Thúy được con trai giảng nghĩa JOE là ly cà phê. Ðiều đó có đúng không?
BBT
Ðúng. Lý do là một ông bộ trưởng hải quân, ông JOSEPH DANIELS hồi năm 1913 ra lệnh cấm thủy thủ uống rượu trên tầu và từ đó, thủy thủ trên các tầu hải quân Mỹ uống nhiều cà phê hơn và họ gọi cà phê là JOE , theo tên của ông bộ trưởng. Ngày nay, A CUP OF JOE là một ly cà phê.
QA
QA nghe mấy đứa con thỉnh thoảng nói với nhau rằng IT’S APIECE OF CAKE, nhưng nhìn quanh, QA không thấy cái bánh nào cả. Vậy A PIECE OF CAKE là gì thưa anh?
BBT
A PIECE OF CAKE được dùng để mô tả một việc gì rất dễ, dễ như trở bàn tay. Người Việt có một câu cũng gần như thế: DỄ NHƯ ĂN CƠM SƯỜN. Thí dụ TO HIM, THE TEST WAS A PIECE OF CAKE. Trong khi đó, TO SELL LIKE HOT CAKES thì lại tương đương với câu ÐẮT NHƯ TÔM TƯƠI. THE NEW CD’S BY MICHAEL JACKSON ARE SELLING LIKE HOT CAKES.
LÃM THÚY
Nhân đang có vụ trứng nhiễm vi khuẩn salmonella, trong tiếng Anh có nhiều idioms với EGG không thưa anh?
BBT
Có. Ðây là hai idioms với EGG. Muốn nói một người hay gặp rắc rối, hay dính vào những chuyện không hay, như con cừu đen trong gia đình, tiếng Anh gọi là A BAD EGG. Thí dụ HE HAS MANY FRIENDS, BUT MOST ARE BAD EGGS.
TO PUT ALL OF ONE’S EGGS IN ONE BASKET là trông vào có một điều, một chuyện mà thôi, như một người đầu tư bỏ hết tiền vào trong một chương trình, đó là một việc làm dại dột, lỡ công ty ấy lỗ to thì tiền bạc đổ vào cũng mất hết. SO WE HAVE TO DIVERSIFY OUR INVESTMENTS. Nhưng NEST EGG thì lại có nghĩa là một món tiền để dành hay đầu tư vào một chương trình nào đó, tiền bỏ trong quĩ về hưu cũng là NEST EGG.
QA
QA còn nghe hai chữ này nữa mà không biết nghĩa của chúng. Ðó là WET NOODLE.
BBT
WET NOODLE là một sợi mì ướt. Sợi mì ướt thì mềm nhũn. Dùng một sợi mì ướt mà đánh ai thì người ấy nhất định không thấy đau gì hết. Khi nói anh ấy đáng bị quất cho hai chục sợi mì ướt HE DESERVES TWENTY LASHES WITH A WET NOODLE nghĩa là tội của anh ấy nhẹ, nên phạt cũng nhẹ thôi, đánh cho hai chục sợi mì ướt. Nhưng USE YOUR NOODLE thì lại không có nghĩa là dùng sợi mì để đánh ai, mà chỉ có nghĩa là động não, dùng óc của mình, dùng đầu óc để suy nghĩ, phán đoán. CROSSWORD PUZZLES REQUIRE THE USE OF YOUR NOODLE.
Người Anh rất thích uống trà, vì thế khi nói IT IS MY CUP OF TEA thì ý nghĩa của thành ngữ này là gì Thúy biết không?
LÃM THÚY
Thúy nghe một câu ngược lại câu đó: IT IS NOT MY CUP OF TEA. Thúy nghĩ câu ấy được dùng để nói về một điều gì mình không thích. Trong khi IT IS MY CUP OF TEA thì nghĩa là một chuyện gì, một điều gì mình rất thích.
BBT
Ðúng thế. Nhưng tùy theo từng trường hợp, câu IT IS NOT MY CUP OF TEA có thể có những nghĩa khác nhau.
IT IS NOT MY CUP OF TEA có thể có nghĩa đó không phải là việc của tôi. Nó cũng có thể có nghĩa là chuyện ấy quá khó với tôi.
QA
Thưa anh, IT IS MY CUP OF TEA , đó là điều tôi ưa thích có cùng nghĩa với APPLE OF ONE’S EYE không?
BBT
Nghĩa thì hơi gần thôi. Khi nói SHE IS THE APPLE IN HER FATHER’S EYE thì câu ấy nghĩa là cô ấy là cục cưng của cha cô ấy. Quả táo thì ngon lắm. Trong mắt cha cô, cô là quả táo. Nghiã là cha cô ấy yêu cô ấy lắm.
Còn AN APPLE A DAY WILL KEEP THE DOCTOR AWAY là một điều tin tưởng có từ mấy trăm năm nay. Người ta tin quả táo vừa ngon vừa bổ. Mỗi ngày ăn một quả táo thì sức khỏe tốt, lương y bất đáo gia.
QA
Bài học Anh ngữ thứ 89 của chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television tạm chấm dứt ở đây. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin gửi lời chào tạm biệt quí vị.