Ngày 30 tháng 8 năm 2010
Bạn ta,
Ông Trời trong khoảng thời gian vài ba năm trở lại đây có một trò chơi rất lạ: thỉnh thoảng ông mở sổ, kiếm lấy cái tên, rồi gọi một vài người, bắt theo ông, và tính đến nay, đã có ít nhất năm người trong số bạn của tôi bị ông gọi.
Trong khi những người ấy không có lý do gì để bị gọi đi hết. Tất cả đều không hút thuốc, rượu thì có người uống, có người không, mà nếu có uống, thì cũng chỉ là mấy lon bia xúc miệng buổi sáng. Những người bị gọi lại toàn là những người cha tốt, những người chồng ngoan ngoãn, những công dân tài giỏi, văn học nghệ thuật cùng mình, toàn là những người không nên bị gọi đi quá sớm như thế.
Tại những buổi tiễn đưa những người bạn này, có một câu tôi cứ được nghe nói mãi vào tai, câu "Trời kêu ai nấy dạ".
Ðây là một câu thậm vô lý. Làm như ông Trời muốn làm gì cũng được không bằng. Ông muốn gọi, ông phải có lý do. Không thể cứ lấy ngón tay di chuyển trên cuốn sổ, trúng cái tên nào là khum hai tay làm cái loa, gọi tên người ấy, thì người có tên tất tưởi chạy lên trình diện ông.
Chúng ta không thể để ông Trời muốn làm gì cũng được như từ trước đến nay nữa.
Những người nói câu "Trời kêu ai nấy dạ" đều nói với một giọng buông xuôi, sẵn sàng làm theo đúng cái mệnh lệnh vô lý ấy của ông Trời mà không bao giờ đặt vấn đề với ông. Ít nhất cũng phải hỏi lại ông là tại sao, đòi ông cho biết lý do, nếu không thì không thể cứ nhắm mắt tuân theo lệnh của ông được.
Những người bạn của tôi cũng lại là những người hiền lành quá sức. Hễ ông Trời gọi, là rối rít dạ ầm lên rồi theo ông. Bất kể những khổ đau của những người họ để lại.
Nên tôi thấy cần phải nói chuyện lại với ông Trời. Không thể cứ để mặc cho ông làm... Trời như thế được. Trời kêu mà không dạ thì Trời làm gì nào?
Chuyện không dạ Trời cũng không có gì khó cả.
Dễ nhất là gọi cho hãng điện thoại, yêu cầu không phổ biến số điện thoại của mình cho bất cứ ai. Không in tên và số điện thoại trong điện thoại niên giám cái đã. Như thế, ông Trời hết cách kiếm thấy trong những cuốn điện thoại niên giám mà AT&T hàng năm vẫn gửi cho ông.
Không những không in trong niên giám, mà còn không phổ biến cho bất cứ ai. Trời có gọi 411 cũng không được tiết lộ.
Hết gọi. Mà không gọi được thì làm sao... dạ?
Nhưng nếu ông Trời tìm được số của chúng ta, thì chúng ta vẫn có hai, ba cách để... né ông Trời.
Cách thứ nhất là ngó Caller ID xem ai gọi đã rồi mới trả lời. Thấy số của Trời thì không... dạ gì hết. Cho nghe chuông reo đã đời, Trời chán quá, phải bỏ xuống, gọi... người khác.
Cách thứ hai là nói mấy câu vào voice mail, để nếu Trời gọi, Trời sẽ nghe máy nhắn nói rất tử tế: "Chúng tôi rất tiếc không thể trả lời quí vị, kể cả ông Trời vào lúc này, xin để lại lời nhắn, số điện thoại, chúng tôi sẽ gọi lại ngay."
Chuyện gọi hay không gọi lại là tùy chúng ta. Trời để lại số thì đừng có gọi. Vài lần, Trời sẽ chán, không thèm gọi nữa. Hay nếu có ai nhấc máy lên thì nhờ nói lại là đi vắng, không có nhà, xin gọi lại sau...
Cách thứ ba là dùng dịch vụ trả lời. Với hai ba chục một tháng, dịch vụ này sẽ... dạ ông Trời hộ chúng ta.
Nếu không thì có thể cho Trời cái số beeper cho Trời gọi mệt nghỉ luôn. Hay cũng có thể cho Trời cái số của tên luật sư vừa cãi xong vụ li dị, cưa hết một nửa cuộc đời của bạn, lại không cho bạn thăm nom con cái chẳng hạn. Hay cái hãng vừa mới kéo cái xe của bạn hồi tuần trước. Hay vài ba anh chị xếp hắc ám, lông lá cho chúng nó... dạ bớt đi.
Như vậy, Trời thực sự cũng không phải là bất trị, bạn thấy không? Tiếc nhất mấy người bạn tôi trước đây không biết mà làm...
Ngày 31 tháng 8 năm 2010
Bạn ta,
Một nhân vật phụ nữ của tiểu thuyết Lê Xuyên, trong những lúc tình tứ nhất, thỉnh thoảng lại vùng dậy hỏi người đàn ông: "Mà có thương tui hôn?" Người đàn ông trả lời, bao giờ cũng bằng giọng miễn cưỡng, là có thương. Những lúc khác, cô bắt người đàn ông phải thề bồi đủ thứ. Nhưng có vẻ cô còn rất nhiều nghi ngờ những lời thề cho qua chuyện của chàng nên thỉnh thoảng lại phải hỏi, để được trấn an bằng câu trả lời mà sự thực cô không tin lắm. Những khẳng định của chàng, tuy thế, cũng giúp để tiếp tục những cuộc hẹn hò mà tác giả Lê Xuyên có biệt tài kéo hàng mấy tuần lễ trên mặt báo.
May cho chàng, mà cũng may cho cô. Cô không biết chàng thực sự nghĩ sao về cô, chàng có yêu cô thật lòng không. Cô không biết nên vẫn hạnh phúc với chàng, mặc dù thỉnh thoảng lại phải hỏi để được nghe câu trả lời cô đã nghe bao nhiêu lần trước đó.
May cho chàng vì cô không thể có cách nào biết được là chàng có yêu cô không. Chàng có thể có, có thể không, cô không có cách nào biết được. Nên chàng thoát hiểm, nếu chàng không thực sự yêu cô.
Nhưng đó là hơn hai mươi năm trước. Thời gian đã quá lâu, trước những khám phá mới trong lãnh vực khoa học, những khám phá có thể khiến cho chàng không cách gì dấu được tình cảm đích thực về cô. Hơn nữa, không gian nơi diễn ra những cuộc gặp gỡ giữa hai người thì cũng tiện cho cả hai. Không gian không phải là một phòng thí nghiệm để máy móc có thể theo dõi và đưa ra kết luận là chàng nói thật hay không nói thật.
Hai người chắc cũng biết lơ mơ rằng khi người ta yêu, đôi mắt sẽ sáng lên, khuôn mặt rực rỡ, hào quang chói lọi.
Nhưng cũng có khi đang cơn đói, mùi thức ăn từ bếp đưa lên, phản ứng ghi nhận trên mặt cũng không khác khi người ta yêu nhau là mấy. Những khám phá mới đây của Andreas Bartels, một sinh viên ban tiến sĩ tại đại học Luân Ðôn, vừa được đem thuyết trình trong cuộc họp của Society for Neuroscience ở New Orleans tuần trước, có thể soi sáng những xó góc còn khá tối tăm mà hiểu biết của con người chưa đến được.
Những bức hình chụp não bộ (MRI) có thể giúp tìm ra được câu trả lời thực cho nhân vật phụ nữ trong tiểu thuyết của Lê Xuyên. Những phản ứng ở một số khu vực trong óc con người, từ 6 đến 20 khu vực, có thể cho biết câu trả lời của người đàn ông trong tiểu thuyết Lê Xuyên nói thật hay không khi bị người phụ nữ hỏi có yêu cô không. Trong số những khu vực ấy, có 4 nơi các khoa học gia thấy là cùng có những phản ứng giống nhau khi 11 phụ nữ và 6 người đàn ông tham dự cuộc thí nghiệm có những tình cảm mãnh liệt về đối tượng tình yêu của họ. Những phản ứng đó có thể đo được và chụp thấy rõ trên não động đồ.
Những khu vực cho thấy hoạt động bất thường nằm ở anterior cingulate cortex, gần đường chia giữa bộ óc, cùng với những khu có tên là putamen và caudate.
Rồi đây, người ta có thể kèm với bó hoa cái não động đồ do một phòng thí nghiệm cung cấp và chứng thực là đương sự không nói... ghét thành yêu.
Hay phía bên kia cũng có thể đưa phía bên này tới phòng thí nghiệm chụp một cái coi thực hư ra sao.
Lúc ấy, chuyện thề bồi sẽ không còn cần thiết nữa. Lôi nhau đi chụp bức hình óc là biết ngay. Yêu cái trương mục với sáu hàng số của phía bên kia hình chụp cũng cho biết ngay. Cuộc đời sẽ bớt đi bao nhiêu là phiền toái.
Bấy giờ thử hỏi bao nhiêu người làm được như ông thân sinh của nhà thơ Phùng Quán vẫn dậy ông từ lúc còn rất nhỏ:
...Yêu ai cứ bảo rằng yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu...
Mà nói ghét thành yêu là máy chụp hình não biết liền.
Vừa không thể nói dối được, và cũng không cần nói dối nữa.
Nhiều người có thể không thích nó vì coi nó là một sự vi phạm tự do tư tưởng của con người.
Nhưng một số thì lại rất thích nó, vì nó có thể được dùng như một biện pháp răn đe như võ khí nguyên tử đã được dùng một cách hữu hiệu trong mấy chục năm chiến tranh lạnh giữa Nga và Mỹ. Không phe nào có thể nói dối mà bên kia không biết được nữa.
Nhưng hay nhất, là nhờ nó, không cần phải nói dối, cũng chẳng cần cầm dao dọa giết.
Ngày 1 tháng 9 năm 2010
Bạn ta,
Phải thú thật với bạn rằng cho đến nay, tôi vẫn chưa gặp, chưa thấy, và lại càng không biết nó là cái gì. Hay là đã gặp, đã quen, đã biết mà không biết, không ngờ?
Nhưng như bạn, tôi cũng nghĩ là chắc nó phải đẹp lắm.
Không biết nó là cái gì là vì sau khi nhờ mấy cuốn tự điển dẫn đi, tôi vẫn ở nơi khởi đầu của chuyến đi. Nghĩa là không biết thêm gì hơn về nó hết.
Nó đây là cái "dáng huyền", hay cái "bóng huyền" mà chúng ta đã nghe bao nhiêu lần trong lời của vài ba bản nhạc. Nhưng có lẽ nếu hỏi ngay những người viết những bài nhạc có nhắc đến nó ở trong, tôi cũng không nghĩ là sẽ có được những giải thích thỏa đáng.
Bởi vì những chữ đó không hề có trong các tự điển.
Bóng hồng thì có, như đoạn Kim Trọng nhìn thấy Kiều lần đầu tiên: bóng hồng nhác thấy nẻo xa...
Nhưng đây là bóng huyền và dáng huyền.
Tự điển có tất cả những chữ huyền khác, ngoại trừ dáng huyền, bóng huyền.
Những chữ huyền trong tự điển thì có nghĩa là sắc tím đen, là nghĩa lý sâu kín, là thanh tịnh, là dây đàn, là treo lên.
Tất cả những nghĩa vừa kể đều không thể đi với hai danh từ dáng hay bóng. Không lẽ đó là cái bóng... đen, tím rịm. Hay cái dáng của sợi dây đàn? Hay cái bóng của người được... treo lên?
Những cái bóng hay dáng như thế thì hà tất phải đau khổ, hạnh phúc như trong lời mấy ca khúc:
... ngây thơ dáng huyền...(Ngọc Bích)
Huyền vi thì có: ôi phút huyền vi môi sát môi / kề vai nghe tiếng gọi luân hồi (Ðinh Hùng)
Nhưng dáng và bóng huyền thì không.
Huyền đi với châu là đeo hạt châu. Huyền châu nghĩa bóng là mắt đẹp. Từ đó, chúng ta có mắt huyền. Rồi mắt mơ huyền, hay mắt huyền mơ để mô tả đôi mắt đẹp. Rồi đến mắt huyền nhung hay mắt nhung huyền. Tất cả đều dùng để tả đôi mắt rất đẹp.
Dáng huyền hay bóng huyền không lẽ chỉ để nói đến đôi mắt? Chúng tôi mất công đi sửa sang kỹ như thế, tốn không biết bao nhiêu tiền để các ông nhớ có mỗi đôi mắt thôi... á? Sao lại bất công như thế?
Hay dáng huyền, bóng huyền là cái dáng... đen, cái bóng đen thùi lùi?
Trắng da là bởi phấn nhồi
Da đen là bởi em ngồi chợ trưa...
Chắc không đúng, nghe chung toàn lời bài hát thì thấy em trắng bốp chứ đen hồi nào đâu.
Có thể từ mắt huyền, nghĩa là mắt đẹp: đôi mắt huyền ơi, xinh xinh cô em đôi mắt dịu dàng, hồn đắm mơ say, tim tôi rộn ràng tình cô thờ ơ...(Thông Ðạt)
Từ mắt huyền, là mắt đẹp do danh từ huyền châu ra, đẩy thêm một chút thì vẫn giữ được ý nghĩa đẹp, nhưng cái đẹp được chuyển sang một khu vực khác, không còn ở đôi mắt nữa, mà là toàn thể con người nhan sắc đó... hỡi người nhan sắc đa tình ấy, ta đã lòng son cháy ước mơ (Vũ Hoàng Chương).
Thế rồi chúng ta có dáng huyền và bóng huyền chăng?
Nhưng hai cái bóng này nó ra làm sao? Nghe nói hoài rồi đấy chứ, mà có biết nó to béo, cao hay lùn bao giờ đâu?
Mà bóng với dáng huyền thì có... dữ không? Biết hỏi ai cho ra điều đó bây giờ?
Ngày 2 tháng 9 năm 2010
Bạn ta,
Tôi tin rằng mẩu tin ngắn trên một nhật báo ở thị trấn Bristol thuộc miền nam nước Anh mới đây có thể tạo ra những thái độ hoàn toàn mới đối với loài tôm hùm, một thứ hải sản đắt tiền rất được nhiều người chiếu cố.
Với những người bị dị ứng nặng đối với tất cả các thứ tôm, cá biển, bản tin này không làm họ thích hơn hay ghét thêm loài tôm hùm, nhưng từ nay, họ cũng phải nhìn nó bằng một cách rất khác.
Nó không chỉ là loài sinh vật họ hàng xa với cua, cũng hai cái càng lớn ngoài việc dùng để đưa thức ăn vào miệng, loài hải vật này còn có thể dùng hai càng làm những thứ võ khí lợi hại trong những lúc giao tiếp với loài người nữa. Nó phải được nể trọng hơn.
Bản tin của tờ báo cho biết một người đàn ông 24 tuổi vào siêu thị, lén ăn cắp 2 con tôm hùm, dấu vào trong quần rồi lẻn ra cửa. Ðược vài bước thì người này thét lên một tiếng rồi té lăn xuống đất. Một trong hai con tôm hùm mà anh ta bỏ vào trong quần cắp lấy bộ phận chiến lược của anh và nhất định không buông ra.
Anh đau quá, không thể chờ đến khi có sấm sét để tôm hùm nhả ra như chúng ta vẫn được tuyên truyền nhảm trong những năm thơ ấu rằng tôm, cua, rùa, ba ba chỉ sợ những sấm cùng sét và chỉ mở miệng khi nghe tiếng ông trời thịnh nộ, nên đành phải thú thật với các nhân viên của siêu thị, nhờ gọi xe cứu thương . Xe hồng thập tự đến nơi, các nhân viên cấp cứu phải dùng kìm mới giải thoát anh khỏi những "ràng buộc âu yếm" của cái càng tôm hùm.
Ðược đưa vào bệnh viện, anh được các y sĩ khâu lành vết thương, nhưng bệnh viện cho biết anh sẽ không bao giờ làm được công việc truyền giống, kiếm tí con để nối dõi tông đường được nữa. Một y sĩ làm việc tại bệnh viện nói rằng anh đã tiết kiệm được mấy trăm bạc đáng lẽ phải trả cho bệnh viện để cắt ống dẫn tinh, triệt sản (vasectomy). Anh được con tôm hùm làm giúp, miễn phí, tuy có hơi đau một chút.
Nhưng trong cái rủi, vẫn có cái may: vì đã bị tôm hùm cắp cho đau gần chết nên người thanh niên này không bị chủ chợ kiện về tội trộm nữa.
Chuyến ăn hàng của người thanh niên này thua nặng. Nếu ở Hà Nội cách đây vài chục năm, thế nào anh cũng bị mấy đứa bé nhà ở đường Sinh Từ, khúc gần Văn Miếu lêu lêu hát... cho mấy câu tức có thể chết được: "Thua thủa thùa thua... về nhà bảo mẹ mua cua cắp... ngón tay (?)".
Bạn của mấy đứa bé đó bây giờ đã lớn, đã bớt nói bậy, hát bậy nhiều, và trong trường hợp của người thanh niên ở Bristol, thì không phải là cua cắp, mà là tôm hùm cắp nên anh thoát, được tạm tha, không bị... hát.
Có điều từ nay, loài tôm hùm sẽ được đối xử tử tế hơn. Có đi chôm đồ ở chợ thì cũng không thể bỏ chúng vào nơi chốn thiếu tôn trọng như thế được nữa. Loài tôm hùm cũng có danh dự và tự trọng. Nhét chúng vào chỗ thiếu tôn trọng như thế thì không được. Con tôm hùm đó chắc phải tức giận lắm nên mới tự giải thoát khỏi sợi thun cột cái càng để ra đòn. Cắp cho là phải.
Nhưng đoạn tin này có thể dẫn tới những chuyện khác kinh khiếp hơn. Còn nhớ ở Manassas, Virginia, một phụ nữ giận người chồng vũ phu, đã chờ người đàn ông ngủ, lấy dao cắt của chàng quăng ra đường. May mà cảnh sát tìm thấy, đem vào bệnh viện, bác sĩ khâu lại được. Bây giờ, với cái tin trong tờ báo ở Bristol, loài tôm hùm có thể sẽ được trao cho những công tác mới để khỏi phải dùng tới lưỡi dao nữa. Cứ quăng một con tôm hùm với hai càng được mài thêm cho sắc vào lòng chàng là xong ngay.
Với công tác mới để thay cho "...một nhát dao bay nghìn thuở đẹp..." loài tôm hùm sẽ được chiếu cố nhiều hơn. Trước mua... vui(?), sau nấu cháo thì tôm hùm là nhất.
Tưởng tượng sau khi đôi càng làm được công việc thay cho lưỡi dao oan nghiệt, người ta đặt nó lên mặt bếp, thò tay vuốt nhẹ từ giữa hai mắt nó xuống dọc theo lưng, con tôm hùm bị thôi miên đờ đẫn ra, hết cục cựa (như một y sĩ chuyên gây mê đầy kinh nghiệm với các bệnh nhân ở nhà thương và những con tôm hùm ở trong bếp mà tôi quen đã chỉ cách) sau đó chỉ việc cầm nó lên, bỏ vào nồi nước sôi, vài phút sau là có thể sauce mayonnaise, tiêu, muối, chanh... chúng ta, người thì tăng thêm phần dự trữ cholestérol, người thì về nhà làm nhạc sĩ độc tấu Tây ban cầm, tay trémolo suốt đêm. Hạnh phúc biết là chừng nào, trong khi nạn nhân đang dẫy đành đạch tay cầm bộ phận... rời(?) chạy tới chạy lui không biết phải làm gì...
Nhờ đó, từ nay, có gọi nó là tôm... hùm thì cũng không thấy là một xưng tụng quá đáng nữa.
Ngày 3 tháng 9 năm 2010
Bạn ta,
Tối hôm qua, khi đi tìm một bài báo trong tờ Harper's số phát hành cách đây mấy tháng, tình cờ tôi đọc được quảng cáo của một tổ chức bảo vệ cây rừng thật là tuyệt.
Nửa trên của trang quảng cáo là bức hình chụp một khu rừng cây với những thân cổ thụ xanh mướt, và phía dưới là câu hỏi liệu những cây mọc đã vài trăm năm ấy, ngày mai có bị biến thành giấy đi cầu không.
Mỗi ngày, theo tổ chức bảo vệ cây rừng, hàng ngàn mẫu rừng đang bị phá trụi, từ British Colombia ở Gia Nã Ðại, đến Amazon ở Nam Mỹ, sang California và Alaska ở Hoa kỳ, luôn cả Siberie thuộc Nga và Malaysia để biến thành bột giấy, hay gỗ để đóng đồ đạc.
Nhưng quảng cáo nhấn mạnh nhất vào sự kiện cây rừng bị đem nghiền nát, làm bột chế giấy đi cầu. Người viết rất khéo khi nhấn mạnh vào chi tiết này, làm cho việc đốn cây trở thành vô lý, phải ngăn chặn cho bằng được.
Thực ra thì cây rừng còn được dùng vào nhiều việc khác nữa rất cần thiết cho đời sống. Sản phẩm gỗ không thể thiếu trong thế giới con người mặc dù rất nhiều vật liệu khác không chế biến từ cây rừng cũng đang được dùng như plastic, và các kim khí chẳng hạn.
Những thứ chế biến hay lấy từ cây rừng cũng không phải là không cần thiết cho đời sống. Rất cần thiết là khác. Nên việc khai thác cây rừng không phải luôn luôn là điều có thể tránh được. Người ta vẫn trồng rừng để thay thế cho những khu bị phá. Chỉ có thể nói là diện tích rừng mới trồng để thay cho diện tích bị phá không đủ mà thôi.
Giấy đi cầu đưa ra hình ảnh một sản phẩm nghe qua rất tầm thường tưởng là không cần thiết cho đời sống nhưng thực ra thì ngược lại. Những cuộn giấy tròn mà chúng ta không bao giờ đặt lên một ưu tiên cao trong những thứ cần có trong nhà, thực ra, lại rất cần, không có không được. Cứ thử tưởng tượng không có nó, làm sao chúng ta sống nổi.
Ngay cách treo chúng trong buồng tắm, theo một số chuyên gia về luật gia đình, cũng có thể là nguyên nhân đi tới chuyện vợ chồng bỏ nhau. Người muốn treo cho những tờ giấy nằm sát tường, người muốn treo để nó nằm phía bên kia, không ép vào tường. Những bất đồng giữa hai bên từ chuyện treo cuộn giấy đã đưa tới bao nhiêu tan vỡ tại tòa.
Không có chúng làm sao có thể sống được. Dùng giấy báo thì mực in có thể để lại những mầu sắc không cần thiết, ngoài ra, đường ống có thể bị nghẹt, làm hỏng hệ thống thoát nước.
Những cuộn giấy đi cầu, do đó, không phải là những sản phẩm không cần thiết, chỉ làm phí bột giấy, làm cho cây rừng bị đốn xuống một cách vô ích.
Giấy dùng vào những việc khác thì có thể đừng được, chứ giấy đi cầu thì không.
Thí dụ những tờ giấy gói quà chẳng hạn. Những tờ giấy này, bất kể được in lên những hình vẽ, mầu sắc đẹp đến đâu đi chăng nữa, cũng chỉ để bị xé một cách thô bạo trong những tiệc sinh nhật, trong những ngày sau hôm Giáng Sinh hay năm mới. Không bao giờ chúng được dùng lại, hay có được một đời sống lâu dài hơn.
Hay những tấm thiệp vô bổ của Hallmark để thương mại hóa những ngày sinh nhật, những dịp lễ lạc mà người ta bầy ra để bắt chúng ta tiêu tiền một cách phi lý.
Tại sao tổ chức bảo vệ cây rừng lại cứ nhắm vào giấy đi cầu để vận động thế giới đừng đốn cây, phá rừng trong khi những cuộn giấy đi cầu hết sức cần thiết cho thế giới chúng ta đang sống?
Tại sao không dùng một sản phẩm khác, và sửa câu viết trong quảng cáo thành: Có nên biến những cây cổ thụ này thành những tập thơ của các mầm non thi ca vừa tổ chức ra mắt tuần qua hay không?
Viết như thế, chắc chắn sự hưởng ứng sẽ rất đáng kể. Cây rừng sẽ thoát những lưỡi cưa, rừng sẽ được tha cho sống. Và để nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc khỏi phải than thở trong mấy trang đầu của cuốn "Thơ, v.v...và v.v..." ( Văn Nghệ xuất bản năm 1996) rằng ông đã mua phải hàng trăm tập thơ dở. Ông có vẻ rất không vui về chuyện đó.
Nếu có tiếc thì nên tiếc là giấy, chế từ bột gỗ của cây rừng, được dùng để in những tập thơ dở như thế. Chứ còn dùng bột gỗ để làm những cuộn giấy đi cầu thì hoàn toàn hợp lý và rất nên làm. Không có giấy đi cầu thì vất vả ngay.
Không có những tập thơ dở mà Nguyễn Hưng Quốc mua phải, thì thế giới vẫn hạnh phúc như thường. Thiếu những cuộn giấy đi cầu thì không hạnh phúc chút nào.
ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
CHỬI THỀ
QUỲNH ANH:
Ðây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
Thưa anh, hôm nay QA muốn hỏi anh về một chuyện nghĩ thì cũng hơi khó nói. Nhưng vì thỉnh thoảng mấy đứa con Quỳnh Anh nghe QA nói mấy chữ tiếng Anh, chúng nó cứ trợn mắt lên nói rằng mẹ không được nói như thế. QA không biết tại sao.
BBT
Có thể QA đã nói một hai chữ mà vì phát âm không đúng nên các con mới chữa mẹ như vậy đó. Cô cho biết cô nói gì mà các cháu bắt bẻ mẹ nào.
QA
Thưa anh, QA hôm ấy giặt xong đống quần áo thì cùng hai cô con gái xếp quần áo khô lại. QA cầm tấm khăn trải giường lên rồi bảo hai cháu giúp QA xếp lại. Vừa nói xong thì cả hai đứa giơ ngón tay lêøn miệng suỵt QA , nói rằng mẹ nói tục. QA không hiểu tại sao.
BBT
Tôi hiểu rồi. Cô nói cái khăn trải giường bằng tiếng Anh phải không?
QA
Dạ thưa đúng. Chữ đó tại sao lại bị mấy đứa con coi là tục tĩu, QA không biết.
BBT
Tôi biết. Trong Anh ngữ có những cặp mà chỉ đọc hơi khác một chút là ý nghĩa khác hẳn. Trong ngữ học, người ta gọi là minimal pairs. Thôi không nên đi vào chi tiết ở đây.
Thí dụ chữ LED là dẫn dắt, hướng dẫn, chỉ đường. Và chữ LET là để cho. Hai chữ này đọc lên nghe rất giống nhau nhưng nghĩa lại rất khác nhau.
HE LED THE MAN IN là anh ấy DẪN người ấy vào.
HE LET THE MAN IN là anh ấy ÐỂ CHO người ấy vào.
QA
QA không nói chữ đó.
BBT
Tôi hiểu, tôi chỉ muốn đưa ra làm thí dụ thôi. Cô nhờ các con xếp hộ cái khăn trải giường , mà nói hơi sai một chút thì ý nghĩa kỳ cục lắm. Chữ khăn trải giường là SHEET. Âm "I" dài. Không kéo dài âm "I" ra thì nó có nghĩa khác ngay. "I" ngắn thì nghĩa là phân (SHIT). Chắc tại thế nên các con cô mới nghĩ là mẹ văng tục ra.
QA
Trời ơi. Bây giờ QA mới biết. Hỏi chúng, chúng chỉ cười.
BBT
Cô là một phụ nữ tử tế hiền lành, cô không ra ngoài để gặp phải những trường hợp phải nghe những thứ ngôn từ tục tĩu đó. Các con của cô, chúng đi học, ra trường nghe bạn bè nói thì biết hết.
QA
Những trường hợp như thế có nhiều không thưa anh?
BBT
Khá nhiều. Hồi còn học tiếng Anh ở trung học Việt Nam, tôi cũng không biết những chữ ấy. Sách vở hồi ấy không viết hẳn ra, bao giờ cũng chỉ viết tắt. Bây giờ thì viết và nói chúng ra một cách thoải mái. Cô biết rằng mãi đến những năm 50, cuốn tiểu thuyết Lady Chatterley’s Lover của DH Lawrence vẫn bị cấm ở nước Anh. Muốn đọc nguyên bản thì phải mua ở Ý trong khi chính DH Lawrence là một nhà văn lớn của văn học Anh thì tác phẩm của ông không được phổ biến ở nước Anh. Tác giả Henry Miller của văn chương Mỹ cũng mãi đến những năm 50, 60 mới được phổ biến rộng rãi ở Hoa kỳ.
LÃM THÚY
Thế thì ông thầy học mấy tiếng tục tĩu đó ở đâu?
BBT
Ở Sài gòn thời ấy, sách vở trong thư viện không có cuốn nào viết thẳng những tiếng tục ấy ra. Nghe thì tôi có nghe , nhưng không biết những chữ ấy viết như thế nào. Nhưng khi đến Sydney trên đường đi New Zealand thì ngay trong buổi chiều đầu tiên, tôi lần mò ra phố uống cà phê, vào một tiệm cà phê ở King’s Cross, trong toilet của tiệm cà phê, tôi học được tất cả những gì cần biềt về những chữ tục tĩu để dùng.
QA
Thầy Trúc mà cũng ăn nói tục tĩu hay sao?
BBT
Nhiều là khác. Thực ra, biết mấy tiếng chửi thề tục tĩu cũng là cần thiết. Hồi còn dậy ESL, Anh Ngữ Sinh Ngữ Thứ Hai tại một community college ở miền đông, tôi có dậy các học viên một số tiếng chửi thề tục tĩu.
LÃM THÚY
Anh dậy những thứ đó trong lớp? Sao hồi Thúy đi học, không bao giờ có ông thầy nào dậy những thứ … hay như vậy. Anh dậy là nhớ đến đâu dậy đến đó hay có sách vở?
BBT
Chúng tôi dùng một cuốn sách nhan đề là ESL RESOURCE BOOK. Cuốn sách cung cấp những tài liệu để dậy các trình độ Anh ngữ khác nhau. Ở chương cuối, cuốn sách có khoảng 8 trang đầy những chữ tục tĩu và chửi thề căn bản trong tiếng Anh. Vì thế, tôi dậy theo sách chứ không dám nhớ gì dậy nấy.
QA
Nếu QA ở trong lớp, QA sẽ hỏi ông thầy tại sao lại đem nhũng thứ đó ra dậy. Bây giờ QA hỏi anh đấy. Tại sao lại đem dậy cái thứ ấy.
BBT
Lớp tiếng Anh tôi phụ trách là ESL dành cho người lớn. Anh ngữ cho người lớn khác với Anh ngữ dậy cho trẻ em. Tôi thấy cần phải dậy nhũng chữ tục tĩu và mấy câu chửi thề vì các học viên , trong đời sống hàng ngày không phải lúc nào học cũng nói chuyện với tổng thống Hoa kỳ để mà phải ăn nói lịch sự tử tế. Tưởng tượng bị chửi vào mặt mà cứ cười tươi rói Thank you sir, Thank you madam thì không được. Phải hiểu phía bên kia nói gì để ít nhất, nếu không đáp lễ thì cũng phải hét lêøn Will you stop it, hay Shut up, hay Watch your language chứ.
LÃM THÚY
Thúy đồng ý. Học để biết chứ không dám đem ra dùng đâu. Nhưng như thế bộ người Mỹ hay chửi thề và văng tục lắm hay sao?
BBT
Nhà văn Võ Phiến viết trong một tùy bút của ông rằng nguòi Việt Nam là một dân tộc chửi thề dữ nhất, nhiều nhất. Nhưng tôi thấy những dân tộc nói tiếng Anh cũng là những dân tộc nói tục và chửi thề vào hàng khủng khiếp nhất nhì thế giới.
Có những khi chúng ta nói tục mà chúng ta không biết.
QA
Thí dụ như thế nào anh cho biết để QA tránh.
BBT
Mấy chục năm trước, khi vỡ lòng học tiếng Anh, thế hệ chúng tôi học bộ sách của ông bà Carpentier Fialip. Bộ sách được viết từ thập niên 30. Tiếng Anh là một sinh ngữ sống lại được nói ở nhiều nơi trên thế giới. Nhiều chữ mới đã được thêm vào, và cũng nhiều chữ có những nghĩa hoàn toàn mới. Có những chữ chúng tôi học trong sách là những chữ bình thường nhưng bây giờ chúng có những nghĩa khác, và những nghĩa mới này có khi rất tục tĩu. Vô tình, ngây thơ như QA, sẽ có khi dùng những chữ tục tĩu mà không biết.
QA
Như vậy, khi dùng chúng, người ta nói tục một cách hồn nhiên. Hình như người ta gọi đó là Innocent English phải không thưa anh? QA không nghĩ ra được chữ nào. Anh cho một hai thí dụ để QA biết mà tránh.
BBT
Vâng thưa cô, trong Anglais Vivant Sixième Bleu, chúng tôi được dậy con lừa là ASS, con gà trống là COCK. Nhưng bây giờ, hai chữ này ít thấy ai dùng trong ý nghĩa nguyên thủy và nghiêm túc nữa. Người ta dùng danh từ DONKEY để gọi con lừa. Người ta dùng danh từ ROOSTER để chỉ con gà trống.
LÃM THÚY
Thế thì nguy quá. Không biết thì cứ văng tục ra mới khổ. Trở lại chi tiết anh nói lúc nẫy, người Mỹ chửi thề nói tục ghê lắm phải không anh? Các nhà lãnh đạo chắc ăn nói cẩn thận hơn phải không thưa anh?
BBT
Không. Các ông Nixon, Clinton và Bush đều là những người ăn nói tục tĩu kinh hoàng.
Ông Nixon, trong những đoạn chuyển tả các cuốn băng từ tính thu tại phòng Bầu Dục, người ta đã phải bỏ đi không biết bao nhiêu là những câu chửi thề tục tĩu và thay thế bằng hai chữ EXPLETIVE DELETED nghĩa là tiếng tục tĩu đã được đục bỏ.
Ông Clinton và bà Clinton đều là hai cao thủ về chửi thề và văng tục. Tổng thống Bush chửi thề cũng dễ sợ. Ông McCain là người nóng tính. Mà nóng tính thì dễ lộ ra ngôn ngữ. Trong tiếng Anh, người ta hay nói swearing, cussing like a sailor nghĩa là ăn nói tục tĩu, chửi thề như thủy thủ. Ông McCain ở trong hải quân, làm sao không chửi thề cho được.
QA
Mỹ chửi thề có khác Việt Nam không . Họ chửi thề như thế nào?
BBT
Rất khác. Không có dân tộc nào chửi như người Việt. Ða số người Việt thờ cúng tổ tiên nên lôi tiền nhân, cha mẹ của phía bên kia ra gán cho làm nhiều điều không tốt là phía bên kia điên lên. Vì thế, nếu đem dịch sang tiếng Anh những câu câu chửi của người Việt thì người Mỹ sẽ không hiểu tại sao người bị chửi lại tức giận như vậy. Người Mỹ sẽ không hiểu tại sao nhắc dến ông nội, ông ngoại, cao tằng tổ khảo, thúc bá đệ huynh của người kia lại đem lại sướng khoái cho người chửi.
LÃM THÚY
Như vậy người Mỹ khi chửi thì không nhắc tới các cụ ở trên bàn thờ bao giờ. Có lẽ chỉ ở Việt Nam và những nước thờ cúng tổ tiên người ta mới kiêng tên tiền nhân không đặt cho con cái và từ đó, chửi là xúc phạm tới tổ tiên người kia là đủ. Thế thì người Mỹ chửi cái gì?
BBT
Rất tiếc tôi không thể nêu ra vài câu ở đây. Tiếng gần nhất với một tiếng chửi của Việt Nam là gọi người kia là người làm một chuyện rất tục tĩu với mẹ của anh ta. Trong mục phỏng vấn của báo Playboy mấy năm trước, tôi đọc được một bài phỏng vấn Lisa Marie Presley, con gái của vua nhạc rock. Cô là một phụ nữ xinh đẹp, đôi mắt sầu mộng giống bố y hệt. Nhưng khi cô mở miệng ra thì tôi thấy chưa có ai ăn nói tục tĩu như cô. Cứ cách vài ba chữ lại là một tiếng chửi thề.
QA
QA nhớ cạnh nhà có một chú nhỏ, chắc chú ấy hay chửi thề lắm nên một hôm đang chơi trước cửa, chú bị mẹ đuổi vào nhà bắt đi xúc miệng. Mẹ chú gọi chú là potty mouth. QA không hiểu cái ấy là cái gì.
BBT
Trong tiếng Anh, người ăn nói tục tĩu gọi là người có cái potty mouth. Potty là cái bô đi cầu. Potty mouth là người có cái miệng như cái bô đi cầu toàn phát ra những lời ăn tiếng nói tục tĩu, dơ dáy.
Chắc chú nhỏ phải ăn nói tục tĩu lắm. Người Mỹ chửi thề và văng tục kinh khủng. Học sinh, sinh viên, lính tráng , các ông lớn nhỏ đều chửi thề ghê khiếp.
LÃM THÚY
Tiếng Anh có nhiều tiếng chửi thề không thưa anh?
BBT
Nhiều lắm lắm. Rất nhiều chữ chỉ thay đổi đi một chút, cho một tĩnh từ đi phía trước là thành tiếng tục tĩu ngay. Trong Anh ngữ, danh từ bao giờ cũng đi sau tĩnh từ nên nhiều khi phải nghe mãi đến cuối câu mới biềt là chửi ai, văng tục vào mặt ai.
QA
Họ văng những cái gì thưa anh ?
BBT
Thì cũng là những bộ phận trên người, những công việc bài tiết, tình dục. Thí dụ ông Jesse Jackson đã có lần nói mấy câu có nhiều nét miệt thị nhắm vào ông Obama và thêm vào đoạn cuối là ông muốn cắt một bộ phận của ông Obama quăng đi cho rồi. Rồi cũng có khi vô tình mình chửi người khác mà không biết.
LÃM THÚY
Anh đã có bao giờ gặp phải chuyện như thế chưa?
BBT
Có 1 lần hồi còn làm việc ở Washington. Một người bạn và tôi ngồi trong studio phát thanh, bạn tôi muốn biết chương trình phát thanh còn mấy giây thì hết. Tôi xem giờ và nói HAI MƯƠI. Lập tức người đàn ông ngồi ở phòng phát thanh hùng hổ đúng dậy thiếu điều muốn nhẩy chồm tới túm cổ áo của tôi. Ông ta nói là tôi chửi ông ta. Tôi hết sức ngạc nhiên nói là không hề có chuyện đó. Ông vẫn rất tức giận, nói rằng tôi chửi ông ấy là đồ Do Thái dơ dáy. Tôi kêu oan , thì ông hỏi có phải tôi gọi ông là HYMIE khôg. Lúc ấy tôi mới biết ông nghe lầm HAI MƯƠI thành HYMIE nên đùng đùng nổi giận. Tôi cầm cuốn tự điển Việt Anh ra, đưa cho ông xem chữ HAI MƯƠI nghĩa là TWENTY ông mói thôi. HYMIE là chữ chửi thề rất tục tĩu đối với người Do Thái.
QA
Vậy thì làm sao mà biết được. Sách vở không ghi làm sao biết mà né, mà tránh.
BBT
Cô lầm. Ở Việt Nam có 1 cuốn tự điển danh từ kinh tế tài chính. Cuốn tự điển rất dầy, rất nhiều chữ. Nhưng trong đó, người ta có thể tìm thấy rất nhiều chữ tục tĩu của tiếng Mỹ.
Tôi hoàn toàn không hiểu tại sao cuốn sách ấy lại ghi cả những chữ đó, nhữngchữ không hề liên quan đến các sinh hoạt kinh tế tài chính.
LÃM THÚY
Và Thúy cũng không hiểu tại sao hai lãnh vực kinh tế tài chính lại cần cả những chữ tục tĩu đó. Nhưng có biện pháp nào để ngăn chặn trò chửi thề này để cho không khí bớt ô nhiễm không thưa anh?
BBT
Năm ngoái, ở Michigan, 1 người đàn ông bị còng tay đưa về bót và ra tòa về tội chửi thề ở nơi công cộng. Ông ta không chửi ai cả, chỉ văng tục vị bực bội làm rớt cái bơi chèo xuống sông. Nhưng vì gần đó có nhiều trẻ nhỏ nên cảnh sát bắt ông. Ông bị toà phạt 100 đô la.
QA
Như vậy là nhẹ. Nhưng không bao giờ có thể cấm được chửi thề. QA biết các con QA đều có văng tục và chửi thề nhưng chúng về nhà thì không dám. Thực ra, sống ở bên ngoài, chúng phải biết những thứ ngôn ngữ đó vì chửi thề cũng là 1 khía cạnh của đời sống.
Bài học Anh ngữ của chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television tạm chấm dứt ở đây. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin gửi lời chào tạm biệt quí vị.