September 16, 2010

September 17, 2010

Ngày 13 tháng 9 năm 2010

Bn ta,

Những con guinea pig, tiếng Pháp là cobaye hay cochon d'Inde, tiếng Việt, theo Ðào Duy Anh, là con chuột bạch hay chuột tầu, chưa bao giờ bị đưa vào danh sách những con vật có thể gặp nguy cơ tuyệt chủng, nhưng điều này không còn có thể nói chắc được nữa.

Gọi nó là chuột thì miệt thị nó quá. Nó sạch sẽ, trông không có vẻ du côn, mất dậy như chuột, mặt mũi không thể bị đem ra so sánh với bộ mặt quắt queo, không đẹp trai của người (mặt chuột kẹp) bao giờ. Trông nó giống những con thỏ hơn, chỉ khác là tai của chúng ngắn. Có lẽ gọi nó bằng một cái tên khác, con bọ, thì hơn.

Loài gậm nhấm gốc Nam Mỹ này thường được dùng trong phòng thí nghiệm, và cũng còn được nuôi trong nhà như chó, mèo, chim, cá...

Ở trong nhà, nó sống lặng lẽ trong chuồng với cóng nước, vài ba thứ hạt và một cái bánh xe lồng để thỉnh thoảng leo vào chạy chơi cho đỡ cuồng cẳng.

Người ta vẫn nghĩ là nó hiền lành như thế, đời sống không có gì hào hứng, tẻ nhạt hết ăn rồi ngủ. Nhưng những điều một con bọ ở Pontypridd, South Wales thuộc miền nam nước Anh vừa làm mới đây có thể trở thành tai họa cho cả loài bọ không chừng. Nếu không may, chúng sẽ bị săn bắt cho đến khi tuyệt chủng.

Con bọ đực Sooty được nhốt riêng trong một cái chuồng cạnh chuồng của 24 chị bọ khác. Một đêm nó làm thế nào, đến nay, nhân viên của phòng thí nghiệm vẫn không biết, trốn được ra ngoài chuồng, rồi làm cách nào, cũng không ai rõ, chui được vào chuồng của các chị bên cạnh.

Sáng hôm sau, nhân viên không thấy nó trong chuồng, tưởng nó trốn ra ngoài đi bụi đời luôn. Nhưng có người đếm lại số bọ cái ở chuồng bên thì thấy thừa một con. Chính là nó, đang lăn ra ngủ ở góc chuồng. Người ta bắt nó đưa về chuồng của nó trở lại. Nó ngủ li bì suốt hai ngày sau, không ăn uống gì hết.

Rồi nó thức dậy, sinh hoạt bình thường. Nhân viên trong phòng thí nghiệm không có lý do gì để thắc mắc về chuyến đi bụi đời của Sooty nữa. Cho đến hơn một tháng sau, thì thình lình tất cả 24 chị bọ ở chuồng bên cạnh đều làm... mẹ cùng một lúc.

Tổng cộng số bọ con là 43 con. Như thế, nếu suy nghĩ theo lối thường tình nhất, thì có 19 chị đẻ đôi ra 38 con bọ con. Còn 5 chị kia mỗi chị 1 con. Tất cả là 43 con bọ nhỏ.

Vì không còn một con bọ đực nào khác ở phòng thí nghiệm nên mọi người nghĩ ngay thủ phạm là Sooty. Nếu đúng như vậy, thì trong đêm đi bụi đời đó, Sooty đã ghé vào thăm các chị, và lần lượt, các chị bọ xếp hàng nhờ Sooty giúp cho đời sống trong phòng thí nghiệm đỡ buồn tẻ.

Nghĩ đến cảnh ngày mai, ngày mốt bị lôi ra cấy cho đủ mọi loại vi khuẩn, vi trùng, chích cho đủ mọi loại thuốc để xem phản ứng, rồi chết thảm thương, xác bị mổ, cắt nát bấy trước khi quăng vào thùng rác, thì các chị, trong khung cảnh ấy, chắc dễ dãi hơn những lúc khác, không làm bộ làm tịch, khoe con nhà trâm anh, thế phiệt, quần áo toàn St John (không sale) nước hoa nước hoét thơm lừng, ỏn ẻn, đòi anh bọ phải Ph. D. từ mấy trường Ivy League mới cho cầm tay, cầm chân vân vân.

Các chị cứ thế "l'amour c'est pour rien... tình cho không biếu không" lia chia suốt đêm chơi tới cùng, giăng mùng chơi tới... sáng luôn.

Và sau đêm đó, mỗi chị vác 1 cái bầu kỷ niệm đêm yêu cuồng sống vội với anh bọ.

Chuyện anh bọ Sooty làm quá, nếu chỉ trong phòng thí nghiệm biết với nhau thôi thì không sao, nhưng những chi tiết về chuyến giang hồ của anh được phổ biến trên khắp các báo. Thông tấn xã Reuters còn đăng hình của anh trong bản tin sáng hôm qua nữa mới là phiền nặng.

Các ông Tầu săn cọp đến nỗi giống thú này gần tuyệt chủng, thế giới chỉ còn trên dưới 8 ngàn con chỉ để lấy một vài bộ phận đem nấu nướng ăn cho bổ khúc chiến lược của các ông. Cọp sắp hết, hải cẩu, tê giác cũng khốn đốn thì nay có chuột tầu, có bọ. Thuốc bổ có kinh hồn lắm, Ðường Minh Hoàng cũng chỉ rượt được Dương Quí Phi một... cái, trong khi ăn uống kham khổ như trong phòng thí nghiệm, thì Sooty rượt 24 chị chạy có... bầu luôn. Thế thì giống bọ này giỏi thật. Phải nấu mới được. Cái này thì chồng ăn, chắc chắn vợ phải khen rối rít mới đúng.

Và như thế, giống gậm nhấm này sắp khổ thân đời đến nơi. Bộ phận giúp vui các chị bọ sẽ được thu mua về, các tay đầu bếp sẽ nghĩ ra đủ cách để nấu phục vụ các Ðường Minh Hoàng tân thời. Của con cọp, thì nấu được mấy bát mà nay cọp cũng bị săn gần tuyệt giống. Của mấy con bọ thì bao nhiêu mới đủ một tô? Phải bao nhiêu con hy sinh mới giúp cho Dương Quí Phi vui được mấy phút?

Do đó, giống bọ sắp sửa phải đếm những ngày cuối cùng trên thế giới trong một tương lai rất gần chỉ vì tài của Sooty.

Sinh nghề, tử nghiệp là thế.


Ngày 14 tháng 9 năm 2010

Bn ta,

Càng ngày tôi càng thấy người Việt Nam là những người hiền. Hiền không biết nói sao cho hết.

Hôm nay, tôi lại càng thấy chúng ta hiền vô cùng, sau khi đọc bản tin của Pháp Tấn Xã về một cặp vợ chồng nọ ở Thornaby-on-Trees, Anh quốc.

Tòa vừa cho phép cặp vợ chồng này ly dị, lý do là vì người vợ, Pauline Turner, trong suốt 38 năm chung sống với người chồng, John Turner, hôm nào nàng cũng thay đổi vị trí của đồ đạc ở trong nhà một lần.

Nghĩa là 38 năm, tổ ấm của hai người mỗi ngày có một cách bầy biện khác nhau. Tất cả khoảng 13 ngàn 800 kiểu, nếu không kể những ngày hai người đi du lịch, không có nhà, hay những hôm Pauline ốm đau, sầu não ê ẩm mình mẩy, không đủ sức để xê dịch bàn ghế trong nhà.

John Turner nói trước tòa rằng ông không còn có thể chịu nổi việc làm mỗi ngày của nhà trang trí nội thất này nữa. Mỗi ngày mỗi thay đổi vị trí của bàn ghế thì cũng mệt thật chứ. Cuốn sách đang ở một vị trí quen thuộc, nàng kê lại cái bàn, xếp lại cái ghế, xoay cái sofa sang một hướng khác, cuốn sách cũng di chuyển theo, buổi tối về nhà định đọc nốt thì nó đã đi làm lại cuộc đời ở một nơi khác. Mỗi ngày mỗi phải đi tìm nó. Ðiên người là phải. Hay buổi tối khuya thức dậy, mắt nhắm, mắt mở cứ hướng chân giường đi tới, đúng năm bước thì đến cửa nhà tắm, trong cơn mơ, tưởng cách cửa nhà tắm khoảng 2 bước, là cái bồn cầu, rồi cứ nhắm hướng đã quen mà làm công tác thủy lợi, thì sáng ra chỉ có chết vì lụt lội. Tất cả chỉ vì trong ngày, lúc chàng đi làm, nàng đã xoay lại cái giường, bầy lại cái tủ...

Người chồng không phát điên thì mới là chuyện lạ.

Ông cho biết cũng cố gắng rất nhiều để làm quen với trò chơi của nàng nhưng không được. Ông quyết định dọn nhà tới một căn mobile home, nơi một số đồ đạc được bắt ốc chặt xuống sàn nhà để coi vợ có bớt được trò chơi này không, thì ông thấy cũng không được. Pauline tháo ốc, kê lại bàn ghế cho bõ ghét, mỗi ngày. Cuối cùng, John Turner phải dọn đi hồi đầu năm nay vì không thể tiếp tục hợp tác với trò chơi của vợ nữa.

Nhưng thực ra, trò chơi của Pauline là một trò chơi vô hại, trong khi nhất định nó phải đem lại cho nàng rất nhiều thích thú lắm thì nàng mới mỗi ngày mỗi hì hục làm như thế. Tưởng tượng đang ngồi ghế coi TV, thì bỗng thấy cái bàn ăn kê hơi lệch, không nằm ngay ở dưới cái đèn. Phải kê lại, nhưng sau đó, cái tủ sách sẽ làm cho lối đi bị chật. Kê lại cái tủ sách. Cái đèn đọc sách phải xích sang bên cửa sổ. Nhưng như vậy thì lại đụng phải chậu cây treo ở trên trần. Hạ chậu cây xuống, cho nó lên cái TV ngồi chơi. Nhưng cái ăng ten lại đụng phải cái đèn halogen làm hình ảnh không rõ nữa. Ðưa cái đèn sang góc bên kia thì phải dịch cái ghế bành sang theo thì đọc sách mới tiện. Còn cái bàn sa lông thì phải nhích ra một chút mới có lối đi...

Thế là vươn vai đứng dậy, kê lại đồ đạc.

Người chồng về nhà, có vẻ không hài lòng lắm. Thôi thì mai kê lại vậy... Cứ thế suốt 38 năm trời, ngày nào nàng cũng có việc để bận rộn tay chân. Ông không làm được như bức hí họa của một số Nhân Văn Giai Phẩm, trong đó, người chồng sau khi bị người vợ chỉ dậy mãi cho cách vẽ tranh, ông bèn đóng cái đinh lên tường, treo bà vợ lên cho hết nói... John Turner không chịu được, bèn nộp đơn xin ly dị.

Trong khi đó, ông không cần phải làm như thế. Chỉ đợi thêm vài năm nữa, nàng sẽ không còn hơi sức để mà kê đồ đạc lại nữa. Lúc ấy, chàng cứ ngồi chơi, cười cười ngó Pauline không còn hùng hục nổi nữa, chỉ ngồi một chỗ, đau khổ vì muốn kê lại mấy món đồ đạc mà chẳng cũng... khoái ư (nói theo kiểu Kim Thánh Thán)? Việc gì phải lôi nhau ra tòa như vậy.

Bởi lẽ kê bàn ghế thì chỉ có thể làm trong một chiều dài thời gian nào đó, trong khi kê một thứ khác thì có thể kéo dài rất lâu, tới lúc chân tay không còn nhấc lên nổi cũng vẫn còn kê được như thường.

Ðó là trò kê tủ đứng. Trò này có thể chơi lúc nào cũng được. Giữa đêm, nếu có làm thì cũng không gây tiếng động làm phiền nhà hàng xóm như khi kê lại cái bàn, cái ghế. Lại không cần sức khỏe chân tay. Chân tay cũng không cần phải cất nhắc. Cứ ngồi nguyên một chỗ phóng ra, vì thế, tuổi tác không là trở ngại cho trò kê tủ đứng, mà trái lại, càng già, kê càng ác liệt và độc đáo. Mục tiêu trúng đòn chỉ có thể uất lên mà chết, thí dụ kê nhẹ bằng mấy câu như: "... Ông tưởng ông là học giả đấy à? Có mấy quyển sách cũ chứ báu vật gì đâu mà bắt tôi khóa cửa xe... Hồi nẫy ông nói Ăng lê nghe cứ như giọng Oxford ấy nhỉ... Cạo râu cắt và cằm hả? Sao không cắt mấy câu khôi hài nhạt ấy đi cho chúng tôi nhờ, mà cái cằm lại lành lặn hơn không? Ông kể chuyện diễu, lúc nào đến lúc phải cười nhớ ra hiệu nhé..."

Ðó, kê tủ đứng vào giữa họng như vậy mà những người đàn ông Việt Nam có bao giờ phàn nàn về chuyện kê tủ đứng đâu. Vẫn cứ là yêu vợ như điên mới là hiền chứ.


Ngày 15 tháng 9 năm 2010

Bn ta,

Một ngày nào đó, chúng ta sẽ phải xin lỗi nước Lào và người Lào vì những cách đối xử không mấy tốt đẹp mà chúng ta dành cho quốc gia và những người bạn láng giềng này.

Chúng ta chỉ nói được có một điều tử tế duy nhất về nước Lào, đó là cái giường của dân tộc này:

Trăng rằm mười tám trăng treo
Anh đóng giường Lèo cưới vợ Nha Trang

Câu ca dao này cho thấy giường kiểu Lèo được quí trọng lắm. Hẳn nó phải đẹp, phải tốt lắm mới được trọng như vậy. Việt Nam Tự Ðiển của Lê Văn Ðức cho biết đó là loại giường chạm trổ đẹp. Sửa soạn cho ngày trọng đại, người đàn ông trong ca dao đã phải đóng một cái giường Lèo thật đẹp để đón vợ về.

Giường Lèo, do đó, là loại giường hạng nhất. Chỉ những người tử tế, có cuộc sống tốt đẹp, gương mẫu mới được nằm trên nó. Không tử tế, tốt đẹp thì nơi ngả lưng được chuyển ra cái chuồng heo, tệ hơn nữa thì nằm chèo queo:

Một vợ nằm giường Lèo
Hai vợ nằm chuồng heo

Ba vợ nằm chèo queo
...

Ngoài chiếc giường, nước Lào không có được bất cứ một chuyện gì tốt đẹp, và tử tế.

Nói chuyện xa xôi, hiểm trở, khó khăn, người ta đưa nước Lào ra: Ðường xa chớ ngại Ngô, Lào, như một câu trong Kiều.

Ðất nước xa xôi đến độ bị khinh bỉ thậm tệ như trong câu ca dao: Thừa con mà gả cho Lào, cho Ngô.

Trong khi những nước khác được chúng ta chiếu cố nhiều đến món ăn của họ thì nước Lào chỉ được nhắc tới bằng một món ăn rất thiếu văn minh, món mắm ngóe: Ði xứ Lào ăn mắm ngóe. Câu tục ngữ nghe đầy vẻ mạo hiểm và liều lĩnh ở trong. Món mắm ngóe của nước Lào rõ ràng không được thưởng thức nhiều như các món ăn chơi lịch lãm khác: Ở nhà Tây, ăn cơm Tầu, lấy vợ Nhật, lái xe Hoa kỳ...

Thế rồi không biết từ lúc nào, dân tộc Lào bị đổ cho cái tính không thật, gian dối, cuội, không giữ lời hứa, thiếu chữ tín. Ðặc biệt là chỉ ở miền Nam, người dân nước láng giềng phía tây của chúng ta mới bị đổ cho những cái tội ghê khiếp đó. Miền Bắc thì không. Miền Bắc gọi quốc gia này là Lào. Miền Nam, tên quốc gia này là Lèo. Và dường như chỉ sau đệ nhất cộng hòa lối gán ghép, đổ oan cho dân tộc này mới xuất hiện.

Lèo được cho đồng nghĩa với xạo, thất hứa, với bậy bạ, nhảm nhí. Lèo là tĩnh từ để mô tả một danh từ, một trạng từ để bổ nghĩa cho động từ, một danh từ để thay cho Cuội, nhân vật trong cổ tích Việt Nam nổi tiếng là hay nói láo, có thể nói láo từ sáng đến tối, từ sớm mai tới chiều, không lúc nào ngưng nghỉ.

Nhất định người Lào không xấu xa và tồi tệ như thế. Có thể những điều không tốt đẹp về nước Lào là do một số lãnh tụ và những lối hành xử kỳ lạ của họ chăng? Như mấy ông Khong Le, Phoumi Nosavan, Phoumeuil (Phu-Môi?), Phouceuil (Phu-Côi?) của những năm nhiễu nhương trong thập niên 60.

Nhưng chúng ta thì nhất định dùng tên của quốc gia này để nói về cái tính không chân thật. Khi nói một người quê quán ở Vientiane thì không nhất thiết giấy khai sinh của ông ta ghi Vientiane là nơi sinh, mà chỉ là một cách để nói ông ta là người Lèo. Mà ông ta là người Lèo thì nghĩa là ông ta nói láo thành thần, không bao giờ biết nói thật.

Hứa Lèo là hứa mà không giữ lời.

Công chúa Lèo là một phụ nữ hay hứa Lèo, hẹn Lèo.

Tuy thế, tất cả vẫn chưa ghê rợn bằng một thứ người mà một người bạn tôi đã gặp: ông ta là người Hoa, họ Hứa và sinh quán ở nước Lào. Ông ta có tên là Hứa Lèo.

Toàn là những điều bịa đặt đầy ác ý về nước Lào và dân tộc Lào. Không biết người Lào nhìn chúng ta như thế... lào?

Chẳng lẽ cứ gạt đi rằng chuyện lước Lào biết thế làolói sao?


Ngày 16 tháng 9 năm 2010

Bn ta,

Grand Rapids, một thị trấn nhỏ ở Michigan chắc chắn sẽ không bao giờ có trong danh sách những nơi tôi sẽ đi tới trong những chuyến đi du lịch sau này.

Tại sao phải đến một cái nơi thiếu văn minh, mọi rợ, chậm tiến, bán khai đến như thế? Tại sao phải đến chơi một nơi mà quyền tự do ăn nói bị hạn chế một cách khôi hài như vậy?

Tôi tưởng sau vụ Timothy Boomer, người đàn ông 26 tuổi làm nghề thảo chương viên điện toán bị phạt $75.00 và phải làm việc 4 ngày trong 1 trường mẫu giáo về "tội"-- trong ngoặc kép-- văng tục hồi hơn một năm trước, Grand Rapids phải tỉnh ra, thức dậy, ngửi ly cà phê buổi sáng và tiến vào thế kỷ mới chứ.

Nhưng không, Grand Rapids lại vöøa lôi một người đàn ông khác tên là Jeffery Richards ra tòa về "tội"--lại vẫn trong ngoặc kép-- hành xử quyền tự do ngôn luận để bầy tỏ một thái độ giận dữ của ông ta bằng vài ba chữ mà ngay cả tờ Washington Post, một tờ báo rất bảo thủ cũng không thèm viết tắt nữa.

Jeffery Richards 27 tuổi bị đưa ra tòa vì đã dùng ngôn ngữ không được thanh tao lắm trước mặt một nhóm học sinh nhỏ trên xe bus của nhà trường. Jeffery Richards nói rằng anh bực bội vì con gái của anh bị người lái xe bus xô đẩy và nạt nộ.

Người cha yêu con, hết lòng bảo vệ con ấy, trong một phút bực bội, xác nhận là đã văng ra một ít … nho. Và nay, người cha này có thể bị tới 90 ngày tù nếu bị tòa án kết tội dựa trên một bộ luật có cách đây 102 năm và mới chỉ được nại ra có hai lần, một lần năm 1999 và một lần năm 2000.

Những người thi hành luật pháp ở Grand Rapids ở đâu trong những năm vừa qua? Họ có ở nước Mỹ không? Nếu có, họ có thức tỉnh, có ngủ mê không?

Họ có biết rằng ngôn ngữ của nước Mỹ đã được giải phóng khỏi những cái chấm chấm như trong hai cuốn Tục Ngữ Ca Dao của Nguyễn Văn Ngọc để viết nguyên chữ, và sau những chữ tự ý đục bỏ (expletive deleted) xuất hiện cả mấy trăm lần trong những đoạn băng từ tính của ông Nixon, thì nước Mỹ đã ăn nói thoải mái đi nhiều lắm không? Trước đó, Robert Kennedy ngồi nghe ông Johnson nói chuyện, đã bặm môi dưới vào răng trên để làm thành chữ "F" mà ống kính máy vô tuyến truyền hình thu lại đầy đủ. Ðến thời ông và bà Clinton, thì nhân viên trong tòa Bạch Ốc được nghe đầy tai như tờ US News & World Report cho biết thì nhằm nhò gì mấy tiếng chửi thề của hai người đàn ông trẻ tuổi nọ? Ðưa hai người đàn ông này ra tòa, phạt mỗi người vài chục, bắt làm việc cộng đồng vài trăm giờ có biến thị trấn Grand Rapids thành một nơi chốn sạch sẽ hơn không? Dân chúng sống ở đó có hiền lành, lương hảo hơn không?

Chắc chắn là không. Còn lũ trẻ, bịt tai chúng được bao nhiêu lâu nữa trước khi chúng cũng... lầu lầu kinh sử?

Ðó là chưa nói đến chuyện văng ra vài chùm nho cũng là một điều tốt cho sức khỏe tâm thần là khác. Văng ra chút nho còn có thể là một thứ thuốc xoa dịu cơn đau đi đáng kể. Hãy thử cầm cái búa, đóng cây đinh và giả bộ lầm ngón tay là cái đinh xem. Ðau lắm chứ không đùa. Nhưng nếu văng ra đủ thứ Trời Ðất, hét lên động từ thông tục chỉ sự giao hợp, nhất định cảm giác do cái búa chạm mạnh vào ngón tay sẽ giảm cường độ đi rất nhiều.

Chửi thề trong những lúc ấy là điều cần thiết. Cũng như đang trong trại học tập cải tạo, nói thầm với người bạn tù bên cạnh về ước muốn làm chuyện mây mưa, chăn gối với thân mẫu của Hồ Chủ Tịch, và tuy biết là chẳng ngon lành gì, nhưng nói điều ước muốn đó ra chắc cũng giúp người tù cải tạo đỡ đi phần nào khổ đau.

Chửi thề, văng tục ra không sướng thì tại sao tất cả các ngôn ngữ trên thế giới đều có tiếng chửi thề, và không một dân tộc nào lại không biết chửi thề và nói tục?

Biết chửi thề cũng là chuyện cần thiết. Chứ nếu không, tại sao cuốn ESL Resource Book tôi được phát hồi ba chục năm trước khi còn dậy học, lại có gần một chục trang toàn những tiếng chửi thề tục tĩu để dậy cho các học viên?

Và nếu không lý thú thì tại sao bài đó lại là bài lý thú nhất và được ghi chép kỹ nhất?

Không dậy cho họ, để khi bị văng tục, bị chửi vào mặt rồi cứ "Thank you very much" như cái máy sao?

Lâu lâu văng tục vẫn có thể là những người đàng hoàng, tử tế và đạo hạnh mà.

Grand Rapids là một thị trấn nhà quê dễ sợ.


Ngày 17 tháng 9 năm 2010

Bn ta,

Bài hát ru nghe mấy chục năm trước bỗng nhiên trở lại lẩn quẩn trong đầu, ám ảnh tôi từ mấy ngày hôm nay:

...

Tay cầm bầu rượu nắm nem
Mảng vui quên hết lời em dặn dò

Gánh vàng đi đổ sông Ngô

Ðêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương

...

Người đàn ông có một đời sống không lấy gì làm mực thước, khuôn mẫu, đi hết Ðồng Ðăng, Kỳ Lừa, chùa Tam Thanh, Lạng Sơn... vui thú sông hồ kiểu ông Tản Ðà cứ "túi thơ đi khắp ba Kỳ, lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng"... mà tại sao lại là nhân vật chính trong bài hát ru, để những hình ảnh của ông ta cứ ở lại mãi trong đầu của những đứa bé Việt Nam?

Mấy câu cuối là những trách móc rất nhẹ nhàng, bầy ra một sự chịu đựng, nhẫn nhục suốt đời của những người phụ nữ.

Anh đi nhậu, ngất ngưởng tay chai đế, tay gói nem, anh quên hết lời em dặn dò...

Bao nhiêu năm rồi cũng vẫn thế. Trong ca dao thì dịu dàng hơn: mảng vui quên hết lời em dặn dò...

Ngoài đời thật thì: tại sao anh không nhớ tôi nói gì? Bộ anh không nghe tôi nói gì sao? Anh có thèm nghe tôi nói bao giờ đâu! Nói với anh thì vào tai này ra tai kia, thà vạch cái đầu gối của cái chân rất đẹp này để mặc mini jupe (hồi xưa) của tôi ra nói với nó còn hơn là nói với anh...

Nhưng có lẽ bây giờ thì tôi bắt đầu hiểu tại sao mấy câu hát ru cứ lẩn quẩn trong đầu từ mấy hôm nay. Lý do có thể là bài báo tôi đọc được về hai cách nghe của đàn ông và đàn bà, theo đó, đàn ông và đàn bà có hai lối nghe khác nhau hoàn toàn, mà mấy câu ca dao có cả trăm năm nay cũng đã nhận ra.

Tôi không còn thắc mắc vì sao không có một câu ca dao nào than thở, phiền trách người phụ nữ không nghe những lời dặn dò của những người đàn ông, mà chỉ thấy có những lời thống trách của phụ nữ về chuyện nghe ngóng của người đàn ông.

Theo một khám phá mới của trường y khoa Indiana tại Indianapolis, thì đàn ông chỉ dùng có một nửa bộ não để nghe, phần bên trái, phần có tên là temporal lobe, khu vực được coi là liên hệ tới nghe và nói. Cuộc thí nghiệm của đại học dùng 10 người đàn ông và 10 người đàn bà, tất cả đều được cho nghe vài ba đoạn của một cuốn tiểu thuyết. Những hình chụp quang tuyến cho thấy là ở những người đàn ông, chỉ có khu vực temporal lobe là có hoạt động trong khi nơi các phụ nữ, cả hai phía của não bộ đều có những hoạt động. Cuộc nghiên cứu cho thấy là việc tiếp thu ngôn ngữ của đàn ông và đàn bà khác nhau và hiện nay, khoa học chưa thể nói chắc đó là vì cách nuôi dậy trẻ trai và trẻ gái khác nhau, hay vì những đường dây... được cho chạy khác nhau ở não người nam và người nữ.

Có điều là cùng một chuyện, hai người tiếp thu, hiểu, ghi nhận và hoài ức rất khác nhau.

Những người đàn ông chỉ nghe bằng nửa bộ óc thì dĩ nhiên không thể ghi nhận được nhiều như những người đàn bà. Không thể ghi nhận được nhiều thì hồi ức cũng thua kém. Hồi ức thua kém thì không thể nhớ được những gì đã nói, đã xẩy ra mười năm, hai mươi, ba mươi năm trước, nên khi bị lôi những chuyện cũ ra thì các chàng ú ớ thảm hại. Lúc ấy, các nhà khảo cổ mới ra tay làm việc. Cái tội mảng vui, không tay súng tay cầy mà tay chai, tay đĩa đồ nhậu thì chỉ có chết.

Lúc ấy, những cái tên cũ (cho dù rất đẹp ấy) làm sao nhớ cho hết được, những nơi chốn, những chuyện đã làm hay không làm... sẽ được lôi ra, đào bới, khai quật và hỏi cung thì ai mà toàn thây cho được?

May ra thì đức Ðạt Lai Lạt Ma mới có một quá khứ ngoài chuyện tranh đấu cho Tây Tạng thì mới không có gì để nói. Nhưng thế giới có được bao nhiêu người như Tenzin Gyatso, Ðạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng?

Trong khi "chúng tôi" nghe bằng hai bên não, và "chúng nó" thì chỉ nghe bằng một bên nên mới khốn khổ đời trai.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


TIẾNG NGOẠI QUỐC TRONG ANH NGỮ

QUỲNH ANH

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Lãm Thúy, Quỳnh Anh và Bùi Bảo Trúc xin kính chào quí vị.

Trong chương trình hôm nay, Lãm Thúy và QA sẽ vẫn đóng vai học viên để truy bài, khảo bài ông giáo Trúc và hỏi vấn đáp ông thầy về những chuyện liên quan đến tiếng Anh. Lãm Thúy và QA mời quí vị đặt câu hỏi với ông giáo và QA sẽ chuyển lại để cho ông giáo phải nặn óc trả lời, bù lại những lần ông khó khăn với học sinh hồi ông còn đi dậy học ở Việt Nam.

Chương trình hôm nay xin chuyển tới thầy Trúc một vài câu hỏi mà chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày nhận được.

LÃM THÚY

Một khán giả của Hồn Việt Televison hỏi rằng người Việt khi nói tiếng Việt có chêm vào nhiều tiếng mượn của tiếng Pháp, và nay, nhiều người chêm rất nhiều tiếng Anh, vậy thì người Anh và người Mỹ có làm như thế không?

BBT

Có. Cũng giống như người Việt, khi dùng một số tiếng mượn của tiếng nước ngoài, có thể vì không có tiếng tương đương trong tiếng Việt hay cũng có thể là vì muốn cho thấy, hay làm ra vẻ là có trình độ. Thí dụ khi nói : Cái PHILOSOPHIE trong đời sống của MOI là LAISSEZ (LAISSER) FAIRE. Trong câu này có tới 3 tiếng mượn của tiếng Pháp: PHILOSOPHIE là triết lý. MOI là tôi, LAISSEZ (LAISSER) FAIRE là phóng nhiệm chủ nghĩa. Nói bằng tiếng Việt thì phải là quan niệm sống của tôi là không can thiệp vào chuyện của người khác. Bây giờ, chúng ta chêm tiếng Anh vào một cách thoải mái. Tôi đã nghe những câu đại khái: Cái đó là cái SYMPTOM mà các bác sĩ DIAGNOSE mới thấy được. Việc TREATMENT phải TAKE TIME. Nhiều khi không đủ DOSE thì không WORK.

Người nói những câu như thế đã dùng thẳng tiếng Pháp và tiếng Anh vào. Người nghe có thể hiểu, có thể không hiểu.

QA

Vâng QA cũng định nói như thế. Câu hỏi của vị khán giả gửi cho chương trình cũng như thắc mắc của QA là tiếng Anh có cho nhập tịch luôn những tiếng nước ngoài không? QA tin là có.

BBT

Đúng vậy. Những tiếng đi mượn ấy đã trở thành tiếng Anh. Như trong trường hợp tiếng Việt, khi nói tôi đi uống CÀ PHÊ với ông bạn ở cái RESTAURANT cách nhà mấy BLOC. Những chữ CÀ PHÊ, RESTAURANT và BLOC đã trở thành tiếng Việt gốc Pháp và gốc Mỹ. Người nghe hiểu ngay. Cô Lãm Thúy có biết một trường hợp nào mà tiếng Anh mượn, rồi lấy luôn của tiếng nước ngoài không?

LÃM THÚY

Hình như Thúy có biết một số chữ. Thúy nhớ ngay ra chữ này vì Thúy gặp hoài: DELUXE.

BBT

Đúng, chữ này tiếng Anh mượn của tiếng Pháp rồi lấy luôn. Nó là từ hai chữ DE LUXE. Người Anh và người Mỹ lúc thì viết rời thành hai chữ DE LUXE, lúc thì viết liền để thành một chữ là DELUXE. Nhưng khi họ nói thì không người Pháp nào hiểu nổi. Học đọc là ĐI LẮC XI. Thị dụ A DELUXE HOTEL là một khách sạn hạng sang.

AU LIEU DE là thay vì, thì người Mỹ sau khi Mỹ hóa đi một chút thì thanh IN LIEU OF. Thí dụ HE GAVE A CHECK IN LIEU OF CASH nghĩa là ông ấy đưa cho tôi tấm ngân phiếu thay vì tiền mặt.

QA

QA thấy chữ ROUTE chắc cũng mượn của tiếng Pháp nhưng người Mỹ lại đọc là RAO-T có phải không thầy?

BBT

Rất đúng. Người Mỹ mượn thành ngữ EN ROUTE DE của người Pháp rồi Mỹ hoá thành IN ROUTE TO như khi nói IN ROUTE TO WASHINGTON DC, I STOPPED IN NEW YORK là trên đường đi Washington, tôi ghé lại New York.

LÃM THÚY

Chắc còn nhiều lắm phải không thưa anh?

BBT

Nhiều lắm, tiếng Anh mượn của tiếng Pháp rất nhiều. Vào tiệm ăn thì DEMI TASSE, À LA CARTE, MAITRE D’HÔTEL, ENTRÉE, CRÈME BRULÉE, vân vân.

QA

Thế còn tiếng của các nước khác thì sao? Tiếng Anh đi vay mượn có nhiều không ?

BBT

Có. Nhiều lắm. Tiếng Anh cũng mượn một số từ Hoa ngữ rồi giữ luôn, không chịu trả nữa.

TEA chẳng hạn . TEA là TRÀ của tiếng Hoa. Những trận bão ở Thái Bình Dương , tiếng Anh mượn của tiếng Quảng Đông , gọi là TYPHOON. TYPHOON là ĐẠI PHONG. Người Mỹ nay cũng đã bắt đầu quen với chữ FENGSHUI là PHONG THỦY; CHEONGSAM là TRƯỜNG SAM; COOLIE là KHỔ LỰC; GINSENG là NHÂN SÂM; SAMPAN là TAM BẢN...

Ngoài ra, tiếng Anh cũng còn du nhập những tiếng mà các quân nhân Mỹ nghe thấy ở các nước Á châu rồi mang về Mỹ. Gốc gác của nhũng chữ này không được tử tế lắm. Thí dụ như MAMA SAN là BÀ, PAPA SAN là ÔNG, nửa Anh, nửa Nhật chắc từ những bar rượu ở Okinawa mà ra.

LÃM THÚY

Thúy có được nghe chữ này vài ba lần: chữ GOOK nghĩa là gì?

BBT

Chữ này được dùng để gọi người Á châu một cách đầy miệt thị. Nguyên nó xuất xứ từ cuộc chiến tranh Cao Ly. Những người dân Cao Ly gặp người lính Mỹ, muốn tỏ tình thân thiện thì chỉ vào người Mỹ rồi nói MIGUK rồi chỉ vào mình và nói HANGUK nghĩa là Mỹ quốc và Hàn quốc. Các ông lính Mỹ nghe chữ được chữ không, thế là quay lại gọi những người Cao ly là GOOK hết. Cái lối gọi tắt đó cũng thấy tại Việt Nam. Nhiều người Mỹ nói I WAS IN NAM IN 1967 thay vì nói I WAS IN VIETNAM IN 1967.

QA

Thế còn tiếng Tây Ban Nha? QA thấy ở miền đông Hoa kỳ không nghe nhiều tiếng mượn từ tiếng Tây Ban Nha như ở California. Chắc tại California có nhiều người từ Nam Mỹ sang sinh sống. Bây giờ nghe chào ADIOS thì có lẽ chẳng ai còn phải hỏi nghĩa là gì nữa phải không Thúy?

BBT

Tiếng Anh ở Hoa kỳ mượn rất nhiều tiếng Tây Ban Nha. ALLIGATOR chẳng hạn, là con cá sấu. ARMADA là hạm đội; ARROYO là cái cống, cái rãnh nước; AVOCADO là quả trạng sư; BANANA là quả chuối; BARBECUE là thịt nướng; CAFETERIA là nhà hàng ăn; CANOE là cái xuồng; CARGO là hàng chở trên tầu; CHOCOLATE là xúc cù là; CIGAR, CIGARETTE là xì gà, thuốc lá; EMBARGO là cấm vận; MOSQUITO là con muỗi; PAPAYA là quả đu đủ; TANGO, TUNA và nhiều nữa.

LÃM THÚY

Còn tiếng Việt đã có tiếng nào bứơc vào tiếng Anh chưa thưa anh?

BBT

Có, nhưng ít lắm. Tôi chơi ô chữ, khi thấy HANOI HOLIDAY hay VIETNAM HOLIDAY, hay ASIAN HOLIDAY thì nhất định phải là TET. Sau trận Mậu Thân thì chữ TET tiến vào tiếng Anh của người Mỹ. Kể ra tiến vào như vậy thì cũng tội quá. Phải mất vài ngàn người chết ở Huế thì chữ TET mới được cho vào tiếng Mỹ thì đau vô cùng. Chữ AODAI cũng thấy trong một cuốn tự điển của nhà xuất bản RANDOM HOUSE. Chữ PHO đã xuất hiện khá nhiều mà không cần phải chú thích như người ta đã đọc thấy nhiều lần trong tờ Orange County Register. Như vậy, PHO đang tiến vào tiếng Anh.

QA

Còn tiếng Nhật, QA nghĩ người Mỹ cũng đã gần gũi người Nhật rất lâu nên thế nào tiếng Nhật chẳng xâm nhập vào tiếng Anh. QA nhận ra mấy chữ như BONSAI, HAIKU, KIMONO, KARAOKE... Tất cả là tiếng Nhật phải không anh?

BBT

BONSAI là BỒN TÀI; HAIKU là BÀI CÚ; KIMONO là KIMONO; KARAOKE là KARA và OKE, KARA là KHÔNG, OKE là viết tắt của chữ ORCHESTRA, là hệ thống nhạc để hát mà không cần ban nhạc.

Ngoài ra còn có những chữ khác như AIKIDO, BUSHIDO,HARAKIRI, KAMIKAZE, KENDO, SAMURAI, SAKE, SUSHI, SASHIMI, SUMO, FUTON, TATAMI, SOY, TOFU, UDON, WASABI, SAYONARA ... Đó chỉ là một số tiếng mà tôi nhớ được.

LÃM THÚY

Thúy nghĩ chữ KHAKI không phải nguyên ngữ là tiếng Anh , mà là tiếng của nước khác phải không anh?

BBT

KHAKI là tiếng Ấn độ. Nước Anh chiếm Ấn độ và cũng mượn nhiều tiếng mang về chính quốc. PAJAMAS chẳng hạn. PAJAMAS là tiếng PUNJAB, nghĩa là quần và áo. BANGALORE là một thứ mìn. MONSOON là mùa gió mùa. SAHIB là ông chủ; RAJA là ông hoàng; RANI là bà chúa; TURBAN là cái khăn vấn trên đầu; SARI là áo phụ nữ; COBRA là rắn đeo kính; MAHOUD là quản tượng. Cô đọc các tác phẩm của Rudyard Kipling, một nhà văn Anh, tác giả của cuốn JUNGLE BOOK thì thấy người Anh mượn nhiều chữ của Ấn độ lắm.

QA

QA nghĩ nước Ý cũng đem sang Mỹ nhiều tiếng lắm phải không anh? SPAGHETTI, ESPRESSO, CAPPUCCINO , PASTA ... toàn là các món ăn. Ảnh hưởng của Ý chắc là còn nhiều nữa.

LÃM THÚY

Thúy nghĩ trò ăn chơi thì các ông người Ý rất giỏi nên những chữ về quần áo, thời trang chắc cũng chạy sang tiếng Anh nhiều lắm.

BBT

Các cô có biết chữ CARPET là cái thảm cũng là tiếng Ý không? CORRIDOR là hành lang; GALLERY là bảo tàng viện; GRAFITTI là chữ viết bậy trên tường; MASK là mặt nạ; MODEL là kiểu mẫu; BROCCOLI là một loại rau; CANDY là kẹo; CAULIFLOWER là xúp lơ; COFFEE, CONFETTI; LATTE là sữa. PIZZA, SALAMI, SUGAR, NOVEL, SONNET, DIVA, MANDOLIN, PIANO, OBOE, ORCHESTRA, TROMBONE, VIOLIN, VIOLA, CELLO … và nhiều nữa.

QA

Bây giờ QA gửi anh một lá thư khác. Vị khán giả này nói rằng SHOULD HAVE và SHOULD NOT HAVE có gì khác nhau không?

BBT

À đây là một câu hỏi rất lý thú. SHOULD HAVE là thể XÁC ĐỊNH. SHOULD NOT HAVE là thể PHỦ ĐỊNH.

Nhưng SHOULD HAVE là việc đã KHÔNG XẨY RA TRONG KHI ĐÁNG LẼ NÊN XẨY RA.

I SHOULD HAVE KNOWN IT. Đáng lẽ tôi phải biết điều đó.

QA

Nhưng thực ra thì tôi KHÔNG biết phải không thầy?

BBT

Vâng, đúng. I SHOULD HAVE COME EARLIER. I SHOULD HAVE WRITTEN MORE OFTEN. I SHOULD HAVE SAID NO TO HIM.

LÃM THÚY

Như vậy thì SHOULD NOT HAVE là ĐÃ CÓ LÀM, nhưng ĐÁNG LẼ RA KHÔNG NÊN phải không ạ?

BBT

Thưa đúng. I SHOULD NOT HAVE SAID THESE THINGS. YOU SHOULD NOT HAVE LEFT THE DOOR OPEN. HE SHOULD NOT HAVE SENT THAT LETTER. SHE SHOULD NOT HAVE STAYED OUT LATE.

Toàn là những chuyện KHÔNG nên làm nhưng lại đã xẩy ra, và những chuyện NÊN làm thì lại KHÔNG xẩy ra.

QA

QA muốn nhờ anh giải thích những khác biệt giữa SHOULD, COULD, WOULD, MIGHT cho rõ. QA trước đây cứ tưởng tất cả đều giống nhau nhưng hình như không. Anh nói rõ hơn được không?

BBT

SHOULD là NÊN, khi nói về bổn phận. HE SHOULD CALL HIS MOTHER MORE OFTEN nghĩa là cậu ấy nên gọi cho mẹ thường xuyên hơn.

COULD là có thể, khi nói về khả năng. THEY COULD HELP US là họ có thể giúp chúng tôi, vì họ có khả năng tài chính.

WOULD là sẵn sàng, là đồng ý, là sẵn lòng. I WOULD TALK TO HER ABOUT IT nghĩa là tôi sẵn sàng thảo luận với cô ấy về việc đó.

MIGHT là có thể nhưng không phải là khả năng. I MIGHT VISIT PARIS WHEN I GO TO ENGLAND NEXT YEAR.

QA

QA nghĩ thế nay có đúng không: Ông ấy đang ở bệnh viện. Nếu nói về trách nhiệm hay bổn phận thì dùng SHOULD. Nếu nói về khả năng, có xe, tiện đường đi làm, không phải lái 100 miles thì nói là COULD. Khi nói rằng ông ấy tử tế, QA thấy tội nghiệp thì nói WOULD. Khi QA có việc vào bệnh viện, đi qua khu ông ấy nằm, tuy không phải là người nhà, không có trách nhiệm, QA cũng không ghét bỏ hay thương gì ông ấy, nếu tiện thì ghé thăm, QA dùng MIGHT được không?

BBT

Quá đúng.

LÃM THÚY

Thưa anh, sự khác nhau giữa CAN và COULD là thế nào? COULD là quá khứ của CAN thì cứ thế mà dùng có được không thưa anh?

BBT

Đúng, nhưng COULD thì lịch sự, nhẹ nhàng hơn. CAN YOU HELP ME... thì không lịch sự bằng COULD YOU HELP ME...

BBT

QA còn thắc mắc gì nữa không?

QA

Đây không phải là thăc mắc của khán giả, mà là thắc mắc của QA. Hồi xưa, QA học tiếng Anh thì được dậy là có những danh từ đếm được, COUNTABLE NOUNS và có những danh từ không đếm được là những UNCOUNTABLE NOUNS. Nhưng tại sao QA lại thấy chữ WATERS? WATER là danh từ không đếm được mới đúng chứ.

BBT

WATER là COUNTABLE và cũng là UNCOUNTABLE. Khi nói nó uống nhiều nước, thì WATER KHÔNG CÓ S. HE DRINKS A LOT OF WATER.

Nhưng khi WATER nghĩa là vùng biển, là biển thì có thể đếm được.

Thí dụ PIRATES NOW OPERATE IN MANY WATERS. Hay US NAVY SHIPS ARE IN THE WATERS OFF SOMALIA.

LÃM THÚY

Thế còn chữ PEOPLE đã là số nhiều rồi, tại sao có khi có chữ S ở cuối?

BBT

Cô Lãm Thúy hỏi rất hay. PEOPLE tự nó đã là số nhiều. Thí dụ nói trong phòng thu hình có 5 người, thì chúng ta nói THERE ARE FIVE PEOPLE IN THE STUDIO. Chữ PEOPLE này KHÔNG có S ở cuối.

Nhưng khi PEOPLE có S ở cuối, thì PEOPLES có nghĩa là CÁC DÂN TỘC. Thí dụ THE PEOPLES OF VIETNAM, CAMBODIA AND LAOS LIVE IN THE SOUTH OF CHINA.

QA

Thế còn chữ FAMILY, danh từ này số ít hay số nhiều?

BBT

Danh từ FAMILY vừa là số ít vừa là số nhiều.

MY FAMILY WAS IN SAIGON BEFORE 1975.

NOW, MY FAMILY ARE IN AUSTRALIA, JAPAN, CANADA AND AMERICA.

QA

Cám ơn thầy Trúc. Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây tạm chấm dứt. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin cảm ơn sự theo dõi của quí vị và xin hẹn gặp lại quí khán giả trong chương trình tuần tới.