September 9, 2010

September 10, 2010

Ngày 6 tháng 9 năm 2010

Bn ta,

Hôm nay, trong mục Personals Plus, mục tìm bạn của tờ Washington Post, tôi đọc được trong tiểu mục Seniors Seeking Seniors, mục các thành phần cao niên tìm nhau, một đoạn lời rao tôi nghĩ bạn cần phải đọc.

Ðọc xong đoạn lời rao này, tôi phục người đặt lời thứ nhì cho một bài hát tôi nghe đã phải gần năm mươi năm nay vô cùng.

Tôi không biết ông là ai, nếu còn ở với chúng ta, chắc bây giờ ông phải trong hạng tuổi cao lắm. Ông ở đâu, tôi không biết nhưng vẫn hy vọng ông còn đâu đó trong thế giới này, để tôi xin gửi tới ông những lời cám ơn chân thành nhất, và những sự mến mộ vô biên. Nhờ ông, tôi không rõ những người khác nghĩ về ông như thế nào, nhưng riêng tôi, đã có được biết bao nhiêu nụ cười mỗi lần hát những lời ca ông đặt mấy câu đầu trong ca khúc của Lam Phương, một bài hát về đất nước quê hương, có nắng lên thơm nồng, có đàn cháu con Lạc Long, được ông sửa thành một chuyện tình hết sức lãng mạn của một cặp cao niên mỗi chiều ra bờ sông ngồi tình tự với nhau rồi ôm nhau té xuống đống sình của con sông.

Tôi yêu lời ca thứ nhì của bài hát ấy vô cùng. Nó rất tình cảm, nó rất người (... bà già lấy le ông già...), nó rất trong sáng (...ra bờ sông...) nó rất lãng mạn (...nói chuyện tâm tình, ôm nhau...) và nó rất có hậu, kết của nó duyên dáng biết là bao (... té lộn xuống sình...) Ít có được cặp già nào còn chơi đẹp với nhau, còn tình tứ với nhau được như thế.

Thì ít nhất, chúng ta cũng cứ nghĩ là như thế. Chuyện tình ướt rượt như thế làm sao có được ở một đôi tình nhân già như thế. Tình già như trong bài thơ của Phan Khôi thì khi hai kẻ gặp lại nhau nơi đất khách quê người, ngó nhau đôi mắt còn có đuôi thì nhiều lắm tuổi tác của cả hai cũng chỉ năm mươi mấy sáu mươi mấy là cùng, nếu cộng thêm hai mươi bốn năm từ cái ngày trong căn nhà nhỏ, một ngọn đèn mờ mà tác giả kể ở đầu bài thơ.

Tuổi ấy nghĩ đã chán lắm rồi, sao còn lôi nhau ra bờ sông té xuống sình cho được. Nên mấy câu hát được đặt thêm cho lời thứ nhì đó luôn luôn làm cho người nghe phải bật lên cười.

Nhưng đoạn lời rao kiếm bạn trong tờ Post có thể sẽ khiến cho chúng ta phải nghĩ lại.

Ðoạn lời rao đó nguyên văn như thế này: Young 72, retired but active, well-travelled, ISO petite, slim lady N/S, 60-65, for companionship (able to travel) plus happy LTR.

Trước hết là tuổi của người rao. Cụ khai là 72 tuổi, nhưng cụ nhất định coi mình còn trẻ, không 72 years old như cách nói tuổi thông thường, mà 72 years young. Hơn đứt ông Mai Thảo mới sáu mươi mấy đã (nhường cho em trẻ) lãnh hết mấy cái già cho mình:

Em đủ mười phương từ tuổi nhỏ
Ngần ấy phương anh tới tuổi già...

Cụ cho biết đã về hưu nhưng vẫn còn hoạt động, từng đi du lịch nhiều nơi, muốn kiếm một phụ nữ không hút thuốc, tuổi từ 60 đến 65 tuổi, nhỏ người, không to béo để làm bạn (có thể đi du lịch đó đây với cụ ông) và một liên hệ lâu dài (LTR: long term relationship).

Và chính những chữ cuối là những chữ bạn cần đọc.

Cụ 72 tuổi mà vẫn dám ra chợ mua chuối xanh, chờ tuần tới chín vàng, ăn là vừa. Vẫn tin là còn có mặt vào tuần tới, không như mấy cậu trẻ hơn cả mấy tuổi, chưa chi đã chỉ dám mua chuối chín để ăn trong ngày. Cụ muốn có bạn, không phải chỉ để yêu cuồng sống vội, yêu hôm nay biết ngày mai ra sao, có nhẩy lên bàn thờ ngồi không mà tính chuyện yêu nhau dài lâu, thật lâu, đậm sâu, như trâu, mọc râu, còn lâu...

Cụ 72 tuổi còn vững tin vào mộng đẹp ngày xanh trong khi mấy ông cụ non lúc nào cũng khoe có thông hành, có cả visa sẵn, chờ lúc nào Trời vừa gọi một cái là nhẩy cẫng lên hét lớn "Thưa Trời có... em đây ạ!"

André Maurois trong bức thư thứ 19 của cuốn Lettres à L'Inconnue có viết rằng Thần Chết vốn dễ tính, ai ve vãn thì cũng được Thần chiều ý liền.

Ông già kiếm bạn gái và câu hát nhảm đã cho tôi một buổi sáng tuyệt đẹp.

Phải mỗi tội chưa kiếm được người chịu ra bờ sông chứ chuyện tâm tình và sình thì thiếu gì.


Ngày 7 tháng 9 năm 2010

Bn ta,

Tôi không thể nào nhớ được tên người đã nói câu "le moi est haissable".

Cuốn Petit Larousse mà tôi có cũng không giúp gì được. Ở trang 667 của ấn bản 1962, câu này chỉ được dẫn như một thí dụ cho đại danh từ số ít ngôi thứ nhất "moi", mà không cho biết tác giả là ai. Không có tác giả, tức là của dân gian, và như vậy, thì tất cả dân tộc Pháp đều ghét "cái tôi" ư? Sao lại có cái dân tộc khiêm tốn, nhún nhường, không ích kỷ đến như thế!

Le moi est haissable, "cái tôi" đáng ghét, nhưng thực ra, có lẽ phải dịch là "cái tao" mới đúng.

"Tôi" là đại danh từ ngôi thứ nhất, là tiếng tự xưng khi nói chuyện với người khác. Nhưng trong cách tự xưng đó, sự khiêm tốn, nhún nhường đã có sẵn rồi. Tự xưng là "tôi" hay " tớ", là tự hạ mình xuống làm kẻ hầu người hạ cho người đứng trước, người đang nói chuyện, đang đối thoại với mình.

Xưng "tao" thì sấc xược và phách lối, hỗn hào hơn nhiều. Vậy thì "cái tao" mới là cái đáng ghét. Ðối tác của "tao" "mày". Mày tao là cách xưng hô không lịch sự lắm. Phải thân tình lắm nếu không thì lại là người trên nói với kẻ dưới ngay.

Mày tao không phải là tutoyer. Tutoyer khi yêu dùng cũng được, lại càng rất được nữa mới đúng:

Je dis tu à tous ceux que j'aime ( Barbara / thơ Prévert)

Nhưng mày tao trong tiếng Việt thì khác. Không ai muốn bị những người không thân thiết lắm gọi là "mày", xưng là "tao" hết.

Ngoại trừ người Việt di tản, nhất là những người Việt di tản sống tại Mỹ. Không biết sự kiện này bắt đầu ở đâu và vào lúc nào. Nếu cần định ra một mốc thời gian thì có thể nó bắt đầu sau năm 1975 khi người Việt đến Mỹ.

Trong những giao tiếp hàng ngày, khi những cuộc đối thoại bằng tiếng Anh được đem kể lại, thì hầu như tất cả những người Việt mà tôi quen, già cũng có, trẻ cũng có, người trước kia làm to, người trước kia không làm to, nam cũng như nữ đều cho phép những người đối thoại với mình xưng là "tao" và gọi mình bằng "mày" một cách thoải mái.

Nghe câu chuyện được kể lại, để ý thì có thể thấy người kể để cho phía bên kia, có khi là một thanh niên trẻ, tự xưng là "tao" và gọi người kể truyện, có khi là một cụ lục tuần, thất tuần, là "mày". Có lần tôi thắc mắc hỏi một cụ ông đang cao hứng kể một câu chuyện, trong đó, anh chàng người Mỹ nào đó tuổi chắc chỉ bằng cháu của cụ, mà cụ cứ cho gọi cụ là "mày", xưng "tao", tôi sốt ruột quá, chặn cụ lại để hỏi tại sao cụ lại để cho những điều vô lễ như thế xẩy ra, thì cụ hứ cho một cái, không thèm trả lời, tiếp tục kể nốt chuyện, cho anh chàng Mỹ nọ... hỗn láo tiếp.

Tại sao đại danh từ "I" trong tiếng Anh lại cứ phải được dịch là "tao" "you" thì nhất định phải là "mày"?

Tôi nghĩ tôi tìm ra được nguyên do.

Nguyên do là vì chúng ta là những người rất khiêm cung, lúc nào cũng muốn hạ mình xuống, tâng người khác lên. Do đó mà khi kể lại câu chuyện có mình ở trong, chúng ta đẩy nhẹ chúng ta thấp xuống một chút, và lịch sự đưa người kia lên. Do đó mà mới có nhưng đoạn đối thoại kỳ lạ như thế, cho phía bên kia gọi chúng ta bằng "mày", xưng "tao" rất tự nhiên.

Ở bên Tây chắc không có chuyện như vậy. Cứ xưng là "moi", gọi phía bên kia là "toi" là tiện nhất, là không ai vô lễ với ai, là không ai phải tự hạ thấp xuống với ai cả.

Chỉ trừ khi kể lại chuyến đi chơi bằng xe lửa thì nên dấu chuyện đã làm trong đêm khi xe chạy từ Pháp sang Ðức: đêm đó, kẹt quá, "moi" phải leo đại lên đầu toa, "moi" đi tiểu tùm lum...

"toi""toa" trong những lúc như thế không sao mà phân biệt được. Chỉ có cách lấy tay sờ đầu, nếu thấy đầu không ướt thì là... toa tầu. Ướt thì là "toi" vậy.

Nhưng vẫn đỡ hơn là mày tao như ở bên Mỹ nhiều.


Ngày 8 tháng 9 năm 2010

Bn ta,

Ðúng vào lúc tôi có quyết định làm bức tượng thay vì làm chim bồ câu, thì sự lựa chọn của tôi không còn là một quyết định khôn ngoan và hợp lý nữa.

Tôi suy nghĩ đến bạc đầu và đi tới quyết định gạt bỏ giải pháp lựa chọn làm chim bồ câu, không phải vì sợ làm chim bồ câu sớm muộn gì cũng vào cái chảo trong các tiệm cơm Tầu, để cho các thực khách tại những đám cưới mời nhau dùng... chim ngay cho nóng, làm bộ ngượng, rồi vẫn ăn như điên, mà vì những lý do khác.

Nhưng bây giờ, muốn làm tượng cũng không được nữa.

Ở gần sở cũ c ủa tôi có rất nhiều chim bồ câu. Chúng làm tổ trên những nóc nhà cao, trong những công ốc của chính phủ. Chuyện ăn uống của chúng được các du khách lo, chúng chẳng bao giờ đói. Chúng chỉ bay ào ào, đáp xuống cho có ăn, ăn xong thì đi ỉa bậy, cứ kiếm mấy bức tượng ở công viên gần đó mà oanh kích tự do, làm ông nào cũng mặt mũi, đầu tóc trắng xóa những … cứt chim. Thỉnh thoảng, chúng cũng lầm tôi là tượng, cho một bãi lên đầu, lên vai đến khổ.

Nhưng bầy bồ câu ở công trường Trafalgar, Luân Ðôn thì khác. Tôi có cảm tưởng chúng nó tử tế hơn, không mất dậy như những con bồ câu ở gần quốc hội Mỹ. Những con ở công trường Trafalgar không ào xuống như ăn cướp, mà chúng rất từ tốn. Hai đứa con tôi hồi còn nhỏ rất yêu chúng, chủ nhật nào cũng đòi đi công trường Trafalgar cho chim ăn và chơi với bốn con sư tử dưới chân tượng đô đốc Nelson, hay tượng Sir Charles James Napier, tượng Sir Henry Havelock gần đó. Bầy chim bồ câu dạn người bay là là đáp xuống đậu trên tay, trên vai du khách chờ được cho ăn như chúng đã làm từ cả gần một thế kỷ nay.

Nhưng nếu đô trưởng Luân Ðôn thực hiện được ước muốn của ông, thì mấy pho tượng, trừ tượng thủy sư đô đốc Lord Horatio Nelson, người có công đánh tan hạm đội Pháp Tây Ban Nha ở gần Gibraltar, sẽ bị cho ra bờ sông Thames đứng chơi, và bầy bồ câu sẽ bị đưa đi nơi khác.

Thế là chọn không làm bồ câu, chọn làm "tượng thờ nghìn bệ những công viên" (thơ Mai Thảo) cũng không xong, cũng không được những giọt mưa rớt xuống mặt, bị cứt chim rơi xuống tóc kể như là không được.

Sở dĩ có chuyện chọn làm tượng mà không làm chim là vì mấy hôm trước tôi đọc được một câu thật hay viết trên bậc cửa của một toa xe điện ngầm. Vị triết gia vỉa hè có một câu hay tuyệt: Nên sớm chọn lấy trong đời một quyết định, đó là làm pho tượng hay làm con bồ câu ở công viên.

Làm con chim câu, như những con rất du côn ở gần sở tôi, hay như những con rất đàng hoàng và tử tế ở công trường Trafalgar, đều chung nhau một trò chơi rất đểu, đó là ỉa lên đầu những pho tượng.

Không thể sống trong đời sống chỉ làm có một việc là ỉa đái lên đầu những pho tượng. Không thể cả đời cứ sống như thế mãi được. Làm công việc ấy không có gì vui cả.

Nhưng làm những pho tượng, cả đời chỉ để cho những con bồ câu ỉa lên đầu thì cũng có gì vui? Nhất định là không vui rồi. Cứ đứng "trơ trơ như đá, vững như đồng" như phỗng đá của Nguyễn Khuyến có thể cũng có những điều hài lòng khác. Không phản ứng lại, không vung được cả cánh tay để xua chim đi, cho chim khỏi ỉa xuống mình có thể là một hành động tuyệt đẹp của một Thiền sư.

Cuốn Thiền Nhục Thiền Cốt của Nyogen Senzaki kể chuyện Thiền sư Hakuin bị một cô gái trong làng đổ cho là cha của cái bầu cô đang mang. Cha mẹ cô gái giận lắm, đến chửi rủa Hakuin thậm tệ. Hakuin nghe chửi đầy tai, chỉ nói lại có một câu: "Vậy sao?" Cô gái sinh con, đem đưa cho Thiền sư Hakuin nuôi. Hakuin đi xin sữa về nuôi đứa bé. Một năm sau, cô gái ân hận, thú thật anh bán cá ngoài chợ mới là cha đứa bé. Cha mẹ cô gái đến xin lỗi, xin đem cháu về nuôi. Hakuin trao đứa bé lại, và cũng vẫn chỉ nói: "Vậy sao?"

Hai bức tượng của Napier và Havelock sắp ra bờ sông đứng với những oan khuất của những bãi cứt chim lại còn không làm được cả việc của Thiền sư Hakuin là hỏi lại một câu.

Nhưng bị đem ra bờ sông Thames bầy thì chán chết, làm tượng đứng bờ sông mà làm gì. Sao mà chán theá này hở Giời ơi là Giời!

Nhưng bị đạp lên đầu, bị xô xuống đất, bước lên người cũng có cái vui riêng, và một lương tâm trong sáng. Làm tượng vẫn hơn làm bọn bồ câu mất dậy chuyên ỉa lên đầu tượng.


Ngày 9 tháng 9 năm 2010

Bn ta,

Trong Ðông Dương Tạp Chí số 22, cụ Nguyễn Văn Vĩnh có viết một bài nhan đề "Gì Cũng Cười" về cái "thói lạ" của chúng ta, đó là thế nào cũng cười. Hay, dở, phải hay quấy cứ nhăn răng ra hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang.

Cụ bực bội viết vài ba chục dòng nữa để nói về sự bất bình của cụ đối với cái cười mà cụ coi là không đúng chỗ của người Việt Nam chúng ta.

Cụ Vĩnh rõ ràng là không ưa cái thói hay cười kỳ lạ ấy. Cụ xếp bài viết của cụ vào loạt bài có tựa chung là "Xét Tật Mình". Ðã coi đó là cái tật, thì nó phải xấu lắm. Cụ không thích những cái cười ấy của chúng ta.

Cụ Vĩnh mất khi còn trẻ, mới ngoài năm mươi tuổi. Cụ không hay cười, lại có vẻ ghét tiếng cười. Ðiều đó làm người ta nghi có thể cụ mất vì bệnh tim. Những người bị bệnh tim, theo Trung Tâm Ngăn Ngừa Bệnh Tim Mạch tại đại học Maryland ở gần thủ đô Mỹ, là nhưng người bị bệnh làm mất đi óc hài hước và không thích cười. Và vẫn theo những khám phá mới đây của trung tâm y khoa này, óc hài hước giúp ngăn chặn được các bệnh về tim. Cụ Vĩnh không thích cười, cụ còn ghét cả những người hay cười nữa. Ðiều đó cho thấy những người bị bệnh tim thường không nhanh chóng nhìn ra được khía cạnh hài hước của vấn đề và do đó, họ cười ít hơn. Ngay cả trong những hoàn cảnh tốt đẹp, họ cũng nhìn ra những điều không tốt và thường dễ nổi cáu, bực tức hơn là những người bình thường.

Phải viết nguyên một bài để nói về sự bực bội trước tiếng cười như cụ Vĩnh đã làm thì đúng là cụ có vấn đề với quả tim, như khám phá mới đây của khoa học đã cho thấy.

Tiếng cười là thang thuốc bổ -- Laughter, The Best Medicine -- không phải chỉ là tên một mục trong tờ Reader's Digest nữa, mà cười có thể thực sự giúp người ta khỏe mạnh, yêu đời, lạc quan, giảm bớt được căng thẳng tâm thần, ưu sầu và nhờ đó, tránh được những khó khăn về tim.

Nhưng cười được nhiều khi cũng khó lắm khi mà chung quanh, cảnh trí bầy ra như trong hai câu của Nguyễn Ðức Sơn:

Mẹ con bản mặt lầm lì
Bà con mắc chứng xầm xì suốt đêm...

Cảnh như thế, thì khó cười quá. Muốn tim mạch khỏe mạnh không phải là dễ. Ðóng vai Tí Quạu có vẻ dễ hơn.

Tưởng tượng buổi tối đang ngồi xem Tonight Show của Jay Leno hay Late Show của David Letterman cười thoải mái để đối xử tử tế một chút với quả tim theo lời khuyến cáo của đại học Maryland, thì cái TV yêu quí bị tắt, người tắt máy ngồi xuống bên cạnh để đóng vai nàng thơ của Nguyễn Ðức Sơn (...bản mặt lầm lì...) ngó vào khoảng không, hứ một cái rồi mới vừa chê vừa mắng cả hai tài năng chọc cười của Mỹ là "vô duyên" thì trái tim không ngủ yên đó biết ngay là gió bão sắp kéo tới.

Không biết đó là chuyện gì, mắt bão nằm ở đâu, tuần trước hay tuần này, đã lỡ miệng nói cái gì, hay vừa có ai báo cáo nhảm, ném lựu đạn, pháo kích lầm, oanh tạc trải thảm bừa bãi trúng bậy vài ba nơi hiểm yếu... Mấy câu khôi hài không thấy có tiếng cười phụ họa. Không khí đầy thuốc súng còn hơn tình hình Trung Ðông.

Muốn cứu vãn cho sức khỏe quả tim một chút mà cũng thấy khó quá.

Ðứng dậy đi lên lầu với quyển sách thì bị gọi giật lại. Tưởng là những câu đay nghiến như thường lệ, nhưng lần này, là những tiếng khóc, than rằng không còn communicate nữa, không còn đối thoại, chia xẻ, không còn dành thì giờ cho nhau nữa, sống như thế thì thà đừng ở chung với nhau nữa...

Biết thừa chỉ là những hăm dọa, chứ hạnh phúc có bao giờ dễ như ăn cơm sườn vậy. Cứ cho nhau mừng hụt mãi mà làm gì.

Thế là ngồi xuống, trái tim không được để ngủ yên thì bóp cho nó chết luôn đi cho rảnh nợ.

Chao ơi, trong cảnh như thế thì làm sao cười được mà cụ Vĩnh cứ bực bội chúng tôi mà làm gì thưa cụ?

Và cả đại học Maryland nữa, tìm ra chuyện cái cười là thang thuốc bổ tim, mà không thuyết phục được những người và việc làm héo hắt nụ cười làm niềm vui thì khám phá làm gì cho... tủi?


Ngày 10 tháng 9 năm 2010

Bn ta,

Sau này, khi lịch sử viết về đệ nhị cộng hòa, chắc các nhà chép sử sẽ không thể bỏ quên, không thể không nhắc tới câu nói hay nhất của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Câu nói ấy của ông càng nghĩ càng đúng, và những người làm cho câu nói đó đúng thêm, lại chính là những người rất thù ghét ông Thiệu. Ông Thiệu phải biết ơn những người ấy, vì nhờ họ, điều ông nói ra gần boán mươi năm nay vẫn đúng và càng ngày càng đúng hơn.

Ðó là câu: "Ðừng tin những gì Cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm."

Kỳ lạ một điều là chính những người Cộng sản lại giúp cho ông Thiệu để biến câu phát biểu của ông thành một câu hay nhất. Nó tóm gọn được những điều càng nghĩ càng thấy đúng, không những trước, mà còn luôn cả sau năm 1975 cũng vẫn còn đúng.

Thực ra, ông Thiệu chỉ có công sắp xếp lại những ý tưởng đã có từ trước thành hai vế cho cân đối mà thôi.

Chứ chân lý không do ông tìm ra. Ai cũng đều biết như thế. Nhưng phải chờ đến ông, sự việc mới được xếp như một định lý không cần phải chứng minh nữa. Câu mà ông xướng lên, đem thay thế những sự việc khác vào vẫn được như thường.

Thí dụ đừng tin những gì phụ nữ nói, hãy nhìn những gì họ làm.

Hay đừng tin những gì Gloria Steinem nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Gloria Steinem làm.

Gloria Steinem, người phụ nữ đi hàng đầu của phong trào phụ nữ giải phóng, có lần nói rằng cô không thể sống, làm tình được trong cảnh ngục tù, ý nói trong khuôn khổ của hôn nhân (I cannot mate in captivity), thì sau ñoù, đã trao bàn tay cho một người đàn ông, đã đi vào một đời sống hôn nhân như những người phụ nữ không giải phóng khác.

Chuyện ấy, tuy vậy, cũng là nhỏ. Gloria nói là không nên lấy chồng, nhưng sau đó, cô đi lấy chồng. Nói một đằng, làm một nẻo. Không thể tin những điều cô nói là như thế. Việc cô làm thì hoàn toàn khác, trái ngược hẳn với điều cô nói.

Nhưng đó không phải là trường hợp duy nhất mà Gloria nói một đằng, làm một nẻo. Theo Betty Friedan, một trong những nhân vật lãnh đạo của phong trào phụ nữ giải phóng, tác giả cuốn The Feminine Mystique, cuốn sách ra đời năm 1963 làm nền tảng cho những suy nghĩ của các phụ nữ giải phóng, và mới đây, cuốn Life So Far: A Memoir, thì Gloria Steinem còn hô hào phụ nữ đừng cạo lông chân, lông nách và đừng dùng son phấn nữa để giải phóng khỏi những áp đặt vô lý của đàn ông từ bao nhiêu lâu nay. Cơ thể của chúng ta (phụ nữ) chúng ta toàn quyền làm những gì chúng ta muốn. Không phải nghe bọn đàn ông mà cạo lông chân, lông nách. Cứ phơi phới một đời tự do (chữ của Mai Thảo).

Nhưng Gloria, người đưa ra lời kêu gọi đó, thì lại không bao giờ thực thi những điều cô hô hào. Nghĩa là Gloria thì cạo, không những lông chân, mà luôn cả lông nách, còn son phấn thì rõ ràng là có dùng.

Tội nghiệp những phụ nữ dại dột nghe theo lời hô hào của Gloria và quăng hết dao cạo đi để cho bọn đàn ông đáng ghét trông vào mà sợ.

Và bọn đàn ông sợ thật. Như người phụ nữ làm ở tiệm Roy Roger's cách đây mấy năm đã gây kinh hoàng cho một người đàn ông Á châu mỗi trưa khi chàng ghé mua cái hamburger. Nàng có một bộ lông tay không thua gì mấy người anh em họ xa của chúng ta, mấy cậu đười ươi orang utang ở Mã Lai và Nam Dương. Hai nách của nàng thì lông tua tủa xòe ra như đang cặp hai con chó đen, và trên môi của nàng, là một bộ ria đến nay, mỗi khi chiều xuống, nhớ lại, người đàn ông Âu châu hiền lành ấy vẫn còn hết hồn. Tưởng tượng nàng gặp chàng trên một khúc đường vắng vẻ, nàng cười lỏn lẻn buông lời hoa nguyệt ghẹo chàng, chàng bỏ chạy, nàng đuổi theo, rút râu ra hành hung chàng thì chỉ có chết... như Bùi Giáng đã có mấy lần than thở:

Em về giũ áo đười ươi
Lầm than chín bệ từ người gặp ta...

Nhưng số người theo Gloria Steinem không nhiều nên buổi tối những người đàn ông tội nghiệp không điên lên vì sợ.

Càng nghĩ, càng thấy không nên tin vào những gì chúng nó nói, mà hãy nhìn kỹ những gì chúng nó làm là như vậy.

Chúng nó, là Cộng sản, dĩ nhiên.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


NHỮNG CÁI TÊN THƯỜNG GẶP

QUỲNH ANH

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách.

Lãm Thúy, Quỳnh Anh và Bùi Bảo Trúc xin kính chào quí vị.

Trong chương trình hôm nay, QA muốn thầy Trúc nói về những cái tên thường gặp trong các nước nói tiếng Anh và những danh từ chung phát sinh ra từ nhữõng cái tên đó.

LÃM THÚY

Vâng, đó cũng là thắc mắc của Thúy. Thí dụ ở Việt Nam, có cái tên này cũng đẹp lắm, tên của một loài hoa thường được dùng để đặt cho phụ nữ, thế rồi cái tên ấy biến thành một danh từ chung. Đó là SEN. Rồi nó biến thành cô sen, con sen, con nhài, con nụ, những danh từ chung, không viết hoa nữa để có nghĩa là cô đầy tớ gái. Trong tiếng Anh có những trường hợp đó không thưa anh?

BBT

Có, và có rất nhiều. Còn nhiều hơn cả trong tiếng Việt. Có, thưa cô Lãm Thúy.

QA

QA thì muốn biết là tên người Anh có khác tên người Ái Nhĩ Lan, người Tô Cách Lan không hay tất cả đều có tên giống nhau?

BBT

Cũng có những cái tên đặc biệt của người Tô Cách Lan, người Ái Nhĩ Lan. Tên SEAN (CONNERY) chẳng hạn, đây là tên Tô Cách Lan. Tên IAN (FLEMMING) cũng là tên Tô Cách Lan, cùng với KIRK (Douglas), BRUCE (Lee), MALCOLM, NEIL...

Đây là vài tên Ái Nhĩ Lan thường gặp: AILEEN, BARRY, KATHLEEN, KEVIN, MAUREEN, MOIRA, OONA, OSCAR, PATRICK, SHEILA ... Nhưng các tên này cũng thấy nhiều ở Mỹ do những người di dân mang sang đây nên dần dần chúng mất hẳn cái gốc Ái Nhĩ Lan và Tô Cách Lan đi.

Tại Việt Nam, có những cái tên người miền Bắc đặt cho con cái nhưng không thấy ở miền Nam. Thí dụ tên ĐÍCH, ĐỊCH, HÒE chẳng hạn. Không thấy những người Việt miền Nam mang những cái tên vừa kể.

LÃM THÚY

Trong tuần báo Việt Tide mới đây, anh vừa trả lời một độc giả về ba cái tên DICK, TOM and HARRY. Có phải ba cái tên này có rất nhiều ở nước Mỹ không?

BBT

Khá nhiều thưa hai cô vì thế khi nói DICK, TOM AND HARRY, thì những chữ này nghĩa là tất cả mọi người. Kiểu như chúng ta nói MẤY ÔNG SOÀI, ỔI, MÍT vậy, nghĩa là tất cả mọi người.

Nhưng tên JOHN là tên chúng ta thấy nhiều nhất. Và từ cái tên JOHN này, cũng có nhiều danh từ chung từ đó mà ra. Có những tiếng thanh tao, có những tiếng thô tục.

JOHN có nghĩa là cái nhà cầu, là khách làng chơi đi mua hoa.

A DEAR JOHN LETTER là một lá thư tuyệt tình của một phụ nữ gửi cho người đàn ông.

QA

QA nghe con trai QA xin mẹ mua cho bộ LONG JOHNS. QA không biết là cái gì. Đến lúc con mua về QA mới biết là bộ quần áo mặc lót bên trong về mùa đông.

BBT

APPLEJOHN nghĩa là trái táo tầu khô nhăn nhúm. Tổng thống James Madison bị báo chí gọi là Applejohn vì ông nhỏ bé, mặt mày nhăn nhúm nhu quả táo tầu.

LÃM THÚY

Cố tổng thống JOHN KENNEDY có khi còn được gọi là JACK. Vậy JACK có phải là JOHN không? Tên JACK cũng có nhiều danh từ chung phát sinh từ nó phải không thưa anh?

BBT

Đúng là như thế. Ở Scotland, JOHN còn là JOCK. JOHN cũng là JACK.

Nhưng JACK có nhiều danh từ chung xuất phát từ cái tên này hơn.

Có điều không biết tại sao tên JACK đi với những chữ khác để thành những danh từ ý nghĩa hết sức kỳ lạ.

JACKASS là con lừa đực . JACK RABBIT là con thỏ rừng. Tên JACK cũng hợp với một số danh từ khác để thành những dụng cụ. JACK HAMMER là búa tạ. TIRE JACK là cái kích, con đội, JACK KNIFE là con dao gấp lưỡi lại được; JACK OF ALL TRADES là người việc gì cũng làm được. Nhưng khi nói JACK OF ALL TRADES MASTERS OF NONE nghĩa là người cái gì cũng làm thì không chuyên, không giỏi về một nghề nào cả. Đố cô QA biết JACK IN THE BOX là gì nào...

QA

JACK-IN-THE-BOX như tên tiệm hamburger đầu đường gần đài Little Saigon, là một món đồ chơi có một hình nhân đựng trong cái hộp, mở nắp thì lò so đẩy bật người hình nhân này ra đúng không anh? Còn BLACKJACK là gì thưa anh?

BBT

BLACKJACK là một môn cờ bạc mà tôi không biết chơi nên không thể giải thích ở đây.

LÃM THÚY

Thế còn HIJACK là gì? Có cùng nghĩa với SKYJACK không?

BBT

Hai chữ này đồng nghĩa. Nhưng SKYJACK là cướp máy bay, buộc phi công phải bay đi một đường khác theo ý của không tặc. Không tặc là SKYJACKER hay HIJACKER.

HIJACK thì có thể dùng cả trong trường hợp cướp một tầu hàng, một xe bus, một chiếc xe.

QA

QA có cái khóa để chống ăn cắp xe . Tại sao lại gọi nó là LOWJACK?

BBT

LOW là chữ phản nghĩa của HI. Vì thế LOWJACK là để chống lại HIJACK. HIJACK là cướp xe. LOWJACK là chống cướp xe.

LÃM THÚY

Thế còn JACKPOT như khi Thúy mua số, mong đem được cái JACKPOT mang về. Tại sao lại gọi lô độc đắc là JACKPOT?

BBT

JACKPOT nguyên uỷ là cái hũ đựng tiền trong bàn POKER. Không ai được lấy số tiền đó ngoại trừ người có hai quân JACK hay hai quân bài cao hơn. Vì thế người ta gọi cái hũ đựng tiền là JACKPOT.

JACK-O-LANTERN là quả bí đỏ, khoét hai con mắt, cái mũi, bỏ cây nến vào trong vào ngày lễ ma. Đủ về JOHN, JACK chưa hai cô?

QA

Tạm thôi thưa thầy. Thế còn tên THOMAS có nhiều chữ phát xuất từ nó không thưa anh? THOMAS gọi ngắn lại là TOM. TOMCAT có là danh từ bắt nguồn từ TOM không thầy Trúc?

BBT

Thưa đúng. TOMCAT là con mèo đực. TOM TURKEY là con gà tây trống. Nhưng TOMBOY thì ại là một cô gái tính tình nghịch ngợm, phá phách, không thích kim chỉ, vá may.

TOMMY là một ổ bánh mì.

Trong tự điển WEBSTER mà tôi có ở nhà, tra chữ TOM các cô sẽ thấy khoảng 40 danh từ bắt đầu bằng TOM.

LÃM THÚY

Thế còn WILLIAM, BILL, BILLY thì có danh từ nào được tạo thành từ cái tên này không thưa anh?

BBT

Có chứ: BILLY GOAT là con dê đực. BILLY CLUB là cái dùi cui, cái gậy ma trắc của cảnh sát. HILLBILLY hay HILLYBILLY là tiếng gọi những người dân quê sống trong vùng núi ở WEST VIRGINIA, KENTUCKY, TENNESSEE, thường là có ý dè bỉu.

WILLY BOY hay LITTLE WILLY là một người đàn ông yếu đuối, không có nhiều nét đàn ông

JIMMY là cái xà beng, là đồ nghề của ăn trộm.

QA

Từ nẫy tới giờ, anh toàn đưa nhữõng thí dụ với tên của con trai, của đàn ông. Thế tên phụ nữ có được biến thành nhiều danh từ chung như thế không?

BBT

Cũng có, nhưng không nhiều bằng tên phái nam. Từ MARGARET, người ta viết ngắn lại thành MAGGIE, rồi MAG. MAGPIE là con chim chèo bẻo. Có lẽ tại nó nói nhiều chăng?

Tên SUSAN có danh từø LAZY SUSAN nghĩa là cái khay đựng thức ăn có thể xoay được cho mọi người ngồi ở đâu trong bàn cũng đều lấy được các món bầy ở trên khay. Không biết tại sao đổ cho cô SUSAN cái bệnh lười rồi gọi cái khay đó là LAZY SUSAN. Chắc tại cái khay xoay được, người ta không cần phải đứng dậy, nhoài người ra mới lấy được thức ăn chăng.

QA

Trong vườn nhà QA có một loại hoa mà con gái QA gọi là BLACK-EYE-SUSAN , tên đó có thật không hay con gái QA đặt ra để đánh lừa QA ?

BBT

Đó là tên thật. BLACK-EYE-SUSAN là một giống cây cùng họ với cúc. Cánh mầu vàng, nhị mầu đen ở giữa. Có thể danh từ CHRYSANTHEMUM dài quá, lôi thôi quá nên người ta rút ngắn là thành SUSAN, rồi thấy cái nhị đen thì ghép luôn vào cho QA sợ chơi chứ có gì đâu. BLACK-EYE-SUSAN là tên thật.

LÃM THÚY

Thế còn BROWN BETTY là từ ELIZABETH mà ra phải không thưa anh? Hình như mấy cái tên phụ nữ thì có khuynh hướng được dùng để đặt tên cho các món ăn đúng không anh?

BBT

Cô Thúy nêu ra một điểm rất lý thú. Tôi cũng nghĩ như thế. BETTY BROWN là một loại bánh làm bằng táo, vụn bánh mì, nho khô, đường, bơ và vài thứ gia vị khác. Một thứ bánh khác giống như pancake có mùi cam để ăn với chút rượu brandy đổ lên trên thì tên là CRÊPE SUZETTE .

MAGARITA là một thứ cocktail pha bằng tequila, chanh với chút muối miết lên miệng ly là do từ 1 cái tên gốc La Tinh: Margarita.

LÃM THÚY

Thúy có một người bạn Mỹ tên là RICHARD nhưng ông rất ghét khi bị gọi là DICK. Thúy biết RICHARD có thể gọi một cách thân mật là DICK. Hay tại ông ấy không muốn thân mật với mọi người, kể cả các bạn làm cùng sở?

QA

QA cũng có nghe nói về một trường hợp tương tự. Như thế là sao vậy anh?

BBT

Tôi biết, nhưng có thể hơi khó nói. Trong tiếng lóng Mỹ, DICK và PETER là những chữ có nghĩa là bộ phận của người đàn ông. Một cái tên khác cũng bị oan uổng nhiều, đó là tên CLYDE, cũng có nghĩa thô tục như PETER và DICK.

QA

Như vậy thì những người không đi đó đây nhiều như anh làm sao mà biết được.

BBT

Cô định nói là HEAD OF THE ROAD AND CORNER OF THE MARKET đó sao?

QA

HEAD là ĐẦU; ROAD là ĐƯỜNG. CORNER là GÓC; MARKET là CHỢ. Là ĐẦU ĐƯỜNG GÓC CHỢ phải không?

LÃM THÚY

Là ĐẦU ĐƯỜNG XÓ CHỢ đó QA. Không, ông thầy chỉ là người nhiều bạn, hay đi chơi đây đó chứ ai dám nói ong thầy đầu đường xó chợ bao giờ.

QA

Cám ơn Thúy.

Vừa rồi là hai cái tên đàn ông mang ý nghĩa tục tĩu. Thế thì tên phụ nữ có bị cho biến thành những danh từ không thanh tao như thế không?

BBT

Rất buồn là có. Tên FRANCES là tên rất hay. Nói tắt lại là FANNY. FANNY cũng có nghĩa là phía đằng sau của người ta, chỗ người ta đặt lên cái ghế khi ngồi đó thưa hai cô. Ở nước Anh, FANNY có nghĩa là các bộ phận ở phía trước và luôn cả phía sau.

DOROTHY là tên phụ nữ. Gọi ngắn lại thành DOLL. Trước khi DOLL mang nghĩa là con búp bê thì nó có nghĩa là bồ bịch, bạn gái, mèo .

Tên JOAN và JANE gọi thân mật là JUG. Nhưng chữ này không còn bao nhiêu người dùng nữa vì nó mang nghĩa khác mất rồi. JUG là một cái bình thí dụ A JUG OF MILK là một bình sữa. Nhưng nay, chữ JUGS , khi dùng ở số nhiều, thì lại là một bộ phận trên người của phụ nữ mà các ông không có.

QA

Những điều anh vùa kể làm QA thấy từ nay gọi tên một số người bạn không còn tự nhiên nữa. Không biết thì thôi, biết rồi, gọi lên bây giờ lại thấy kỳ kỳ.

BBT

Cô QA không nên nghĩ như thế. Cứ việc gọi như thường. Thí dụ cái tên PETER là cái tên đi liền, không thể tách rời ra khỏi chú bé nhà bên cạnh nhà của QA chẳng hạn. FRANCES là tên rất đẹp của bạn con gái QA. Cứ nghĩ như thế là không còn thấy kỳ kỳ nữa.

LÃM THÚY

Cũng như người Mỹ sẽ hiểu tên MỸ DUNG là cái tên rất đẹp . Biết rồi họ sẽ không cười nữa. Tên PHÚC cũng thế.

BBT

Còn tên LÃM THÚY thì có nghĩa gì cô biết không nào?

QA

Xin chịu. QA chỉ biết tên đọc lên nghe hay mà thôi.

BBT

Lãm Thúy là thu góp lại những sắc mầu xanh. Trong truyện Kiều, hiên Lãm Thúy là cái hiên ngồi ở đó như thu góp lại được tất cả mầu xanh của cỏ cây.

Thế bây giờ tôi đố hai cô là khi chúng ta nói CÁI ÔNG GÌ GÌ ẤY thì tiếng Anh nói thế nào?

QA

Mấy con QA dậy QA nói là MISTER SO AND SO và MISTER SUCH AND SUCH phải không thưa thầy?

BBT

Đúng. Nhưng ngắn hơn thì là JOHN DOE , nếu là đàn ông và JANE DOE, nếu là đàn bà. Khi muốn đưa ra 1 thí dụ, không nên nói MISTER JOHN SMITH, vì ở Mỹ có khoảng vài trăm ngàn người mang cái tên này. Có thể mấy ông ấy KHÔNG thích chúng ta dùng tên của họ nên đưa chúng ta ra tòa thì phiền lắm. Vậy thì hay nhất là dùng JOHN DOE và JANE DOE như chúng ta nói NGUYỄN VĂN MỖ, NGUYỄN VĂN SOÀI NGUYỄN VĂN ỔI vậy.

LÃM THÚY

Có câu này Thúy muốn hỏi anh: ROB PETER TO PAY PAUL nghĩa là gì?

BBT

ROB PETER TO PAY PAUL là cướp của Peter để trả cho Paul nghĩa là tìm cách giải quyết một vấn đề nhưng lại tạo ra một khó khăn khác.

QA

Cám ơn thầy Trúc. Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây tạm chấm dứt. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin cảm ơn sự theo dõi của quí vị và xin hẹn gặp lại quí khán giả trong chương trình tuần tới.