September 23, 2010

September 24, 2010

Ngày 20 tháng 9 năm 2010

Bn ta,

Tôi tin là bất cứ chuyện gì cũng có thể xẩy ra ở nước Mỹ, quốc gia với hơn 300 triệu người này.

Thí dụ chuyện những hài nhi sơ sinh bị bảo sinh viện trao lầm cho mẹ như trường hợp của hai em bé Callie và Rebecca mà báo chí, truyền hình, truyền thanh ồn ào mấy hôm nay. Nhìn những chiếc vòng plastic ghi tên người mẹ đeo ở cổ tay, cổ chân của những đứa bé, những chiếc vòng được gắn ngay khi chúng vừa lọt lòng mẹ, thì người ta phải nghĩ là chuyện con người này về nhà với người kia làm sao có thể xẩy ra được. Vậy mà chuyện như thế vẫn xẩy ra, và không phải chỉ một lần.

Gần ba mươi năm trước, cũng có một vụ tương tự ở Florida mà báo chí đã nói đến rất nhiều. Vụ mới đây, nếu không vì tình cờ Paula Johnson biết được rằng Callie không phải là con đẻ của cô, thì Rebecca cũng sẽ không bao giờ biết em bị trao lầm cho Tamara Whitney Rogers. Hai em sẽ lớn lên và sẽ không bao giờ biết được mẹ thật của mình. Và Paula cũng như Tamara cũng không bao giờ biết là mình nuôi con người khác. Hai người đàn bà này sẽ thương yêu Callie và Rebecca, sẽ nuôi dậy chúng, bảo bọc chúng, cho chúng ăn học, gúp chúng có gia đình riêng, bế ẵm con cái của chúng như chúng là con thật và như mình là mẹ thật của chúng.

Nhất định phải có những trường hợp như thế, trường hợp những người mẹ và những đứa bé không bao giờ biết mình đã trở về từ nhà hộ sinh với đứa con không phải của mình, với người mẹ không đẻ ra mình.

Hai gia đình của Callie và Rebecca đều không muốn làm bất cứ gì để tạo thêm những xúc động tâm lý cho hai đứa bé vào lúc chúng còn quá nhỏ. Có thể Callie và Rebecca sẽ tiếp tục ở với gia đình hiện nay, hai gia đình mà các em đã biết, đã quen từ lúc lọt lòng đến nay.

Nếu đã xẩy ra những trường hợp các hài nhi bị trao lầm cho mẹ, và những người mẹ này không hề hay biết rằng mình nuôi con người khác, thì cũng có thể xẩy ra những trường hợp khác phát sinh từ những lầm lẫn của các bảo sinh viện.

Ðó là thế nào chẳng có những trường hợp người chồng đưa vợ vào bệnh viện để sinh con, và mấy hôm sau, khi đến đón vợ và con, thì bị nhà bảo sinh trao lầm một người phụ nữ khác.

Nếu đã có những người mẹ bị trao lầm con vẫn mang về nhà nuôi mà không hay biết gì, thì người đàn ông bị (hay được) nhà bảo sinh trao lầm một người đàn bà khác bảo đem về nhà săn sóc, nuôi nấng, vâng lời, sợ như sợ cọp cái... vì đó là vợ của mình thì cũng đâu có gì kỳ lạ. Chuyện đó nhất định phải xẩy ra, phải đã xẩy ra.

Không ai sẽ đem người phụ nữ bị trao lầm đó ra thử DNA để xác định liên hệ với người chồng. Dấu tích di truyền chỉ xuất hiện giữa mẹ và con, hay cha và con. Không thể thử DNA để biết người phụ nữ đó là vợ hay không là vợ của người đàn ông.

Do đó, người đàn ông tiếp tục ở với người đàn bà mà nhà bảo sinh trao lầm, và không mảy may thắc mắc gì hết. Nhà bảo sinh trao lại thị chắc phải đúng. Cái vòng plastic ghi tên mà nàng đeo ở tay có tên của nàng, thì chính là nàng rồi còn thắc mắc chi nữa.

Người đàn bà vẫn tính tình kỳ quái như xưa, vẫn thỉnh thoảng chờ đến 2 giờ sáng mới dựng cổ ông chồng dậy để "nghe tui nói chuyện này, tui phải nói ra không thì tui điên lên mất"; vẫn bắt đổi chiếc ca vát mầu tươi lấy một chiếc mầu đậm vì cái kia trông đĩ quá; vẫn thù ghét một hai cái tên thường được dùng để đặt cho phụ nữ vì nghe thấy nó là... lộn cả ruột, chỉ muốn móc mắt, moi mề mấy đứa có những cái tên đó cho hả dạ; vẫn lâu lâu khóc ầm lên rằng từ ngày "lấy tui về, anh chẳng mua cho tui cái quần cái áo nào, đến lúc phải ra ngoài với anh, tui không có cái gì để mặc sốt cả"; vẫn lâu lâu ré lên rằng "anh chẳng thương yêu gì tui hết... mắc mớ gì anh khai tuổi thật của tui ra cho mấy con bạn của tui?"; vẫn sáng sáng chiếm cái buồng tắm cả tiếng đồng hồ, vẫn thay tới cái áo thứ tư mới ra được cửa; thỉnh thoảng ngồi lên xe của ông chồng vẫn ngó trước ngó sau xem có gì khác lạ không, rồi thắc mắc có cái kẹp tóc lạ nào rơi trên đệm không, tấm che nắng tại sao lại được kéo xuống trong khi thằng chả đi làm có một mình, tại sao y lại nghe đi nghe lại bài "Tưởng Rằng Ðã Quên" của TCS, tại sao hôm qua lại về nhà sớm hơn, tại sao đôi giầy mình để ở trong bếp được cất vào tủ hôm chủ nhật tuần trước khi mình đi California, tại sao tự nhiên đòi ăn bún bò Huế...

Như thế thì làm sao mà biết được rằng mình bị tráo một người đàn bà khác?

Còn những người phụ nữ bị trao cho những người đàn ông không phải là chồng mình thì cũng lại... chẳng thấy gì lạ cả. Vẫn cái xưởng cưa ồn ào suốt đêm, vẫn cái bụng làm bối rối các tiệm phở, không biết đâu là thùng nước lèo, đâu là bụng của khách, vẫn cái con người lười thôi thây, trây xác ấy, vẫn tối tối tranh luận với mình như Hamlet: "Rửa chân hay không rửa chân, đó mới là câu hỏi..."

Nên những người đàn bà ấy cũng chẳng hề thắc mắc gì, cứ chịu khó nghe tiếng ngáy, tiếng cười vô duyên, tiếng lon bia rơi vào thùng rác và tiếng ợ làm bạt vía hàng xóm mỗi chiều, mùi mồ hôi dầu và cái cằm lởm chởm râu chưa cạo...

Mà nếu biết là bị tráo thì có cần phải mang trả lại không? Lâu rồi thì cũng quen hết, như trường hợp của hai em bé Callie và Rebecca vậy. Lúc đi vào bảo sinh viện thì với Whoopy Goldberg, lúc về thì với Cindy Crawford thì cũng có gì khác nhau đâu...

Mọi đổi thay chỉ tạo thêm những thiệt hại tâm lý không cần thiết mà thôi. Cứ giữ Cindy Crawford cũng được...


Ngày 21 tháng 9 năm 2010

Bn ta,

Ao ước biến thành một thực thể khác chắc phải là trò giải trí khá tuyệt vọng của nhiều người.

Uy Viễn tướng công học hành, thi cử hiển đạt, có đào non thua vài chục tuổi, có "thuyền quyên một gánh giữa đồng" cùng bài hát "ứ hự", lên làm quan to, rồi lại xuống làm lính... ai cũng tưởng như vậy là ngài sống một cuộc đời đã đầy đủ, nhưng không, ngài vẫn muốn thành cây thông trong kiếp sau để đưa ra một câu thách đố với đời: "ai mà chịu rét thì trèo với thông." Ông Tản Ðà than thở kiếp sau không thèm làm người nữa, ông muốn "làm con chim nhạn tung trời mà bay."

Không biết hai nhà thơ họ Nguyễn này bây giờ ở đâu. Cây thông nào là Nguyễn Công Trứ và con nhạn nào là Nguyễn Khắc Hiếu? Cây thông đứng trên đầu non bên "vách đá cheo leo" có bao giờ được con nhạn ghé ngang chưa...

Người ước làm cây thông, người ước thành con nhạn, làm sao biết được hai ông già này thực hiện được hay không thực hiện được điều mong ước đó.

Thế rồi luôn cả bạn, chẳng đã có một lần bạn muốn thành một người khác rồi sao? Thí dụ thành một người đàn bà, thành Sharon Stone hay Demi Moore... xem nó ra làm sao một lần như bạn có nói. Cũng như tôi, nhiều lần đã toan muốn thành thái tử Charles cho rồi nhưng sau khi nhìn lại Camilla Parker Bowles thì đành thôi, tạm bỏ ý tưởng điên cuồng và dại dột đó.

Làm Sharon Stone hay Demi Moore thì hơi khó hơn là làm thái tử Charles như ước mơ thầm kín của đời tôi. Trường hợp của bạn thì lại càng khó. Bạn thiếu hẳn những "tài sản" cần có để trở thành hai cô đào này. Thế mà có người đã làm... gần được. Mà lại có tiền nữa mới là đáng nói. Ðọc tờ Maxim số mới nhất, tôi được biết Brian Zembic, một người đàn ông 37 tuổi ở Las Vegas là một tay cờ bạc gạo, vừa làm được chuyện là có những món tài sản cần có để làm Demi Moore và Sharon Stone. Brian nhận đánh cá với mấy người bạn để lấy 100 ngàn Mỹ kim. Ðiều kiện là chàng phải chịu cho hai cái túi silicone vào ngực, và để nguyên như thế trong một năm.

Sau đúng một năm, Brian nhận đủ 100 ngàn Mỹ kim, nhưng thay vì giải phẫu tháo hai bịch silicone ra để trở lại đời sống bình thường trước đây, thì Brian cứ để nguyên như vậy cho đến nay, tức là quá hạn mà những người bạn của chàng đòi hỏi được gần một năm.

Khi được hỏi tại sao nhận đủ tiền rồi mà vẫn giữ nguyên hai bịch silicone trong người cho nó … nặng, thì Brian trả lời rằng muốn để nguyên như vậy thêm một thời gian nữa để cảm thông với các phụ nữ. Rồi Brian nói thêm rằng sau khi cho hai cái túi silicone vào người, thì Brian thấy được đời sống của người phụ nữ như thế nào, và những người đàn ông là những con heo ra làm sao: "... Having breasts gives you insight into what life is like for woman. You start to see what pigs men are..."

Brian Zembic tưởng nói như thế là sẽ chiếm được cảm tình của phụ nữ, sắp được phụ nữ năm châu bốn biển tôn vinh lên thành anh hùng của phụ nữ đến nơi.

Nhưng chàng lầm to. Có hai cái bịch silicone đó đâu đã thành phụ nữ ngay được như chàng nghĩ. Mà nếu có thành phụ nữ thì cũng là thứ phụ nữ xuất hiện thường xuyên trong những cơn ác mộng kinh khủng nhất của đời chúng ta: một... "chị đàn bà" râu ria lởm chởm, lông lá đầy người, chân cẳng như đười ươi mà lại có hai cái vú. Trong những cơn ác mộng ấy, bao giờ tôi cũng mơ thấy mình đắm tầu lên hoang đảo hơn hai mươi năm, rồi một ngày, "chị đàn bà" này lóp ngóp bò lên bãi cát sau khi tầu của nàng cũng đắm như tầu của tôi, đi về phía tôi, nơi tôi đang sống bình yên, hạnh phúc từ hơn hai thập niên.

Thì tôi phải làm gì? Lập tức tôi mơ thấy mình nhào xuống biển, bơi qua cái eo đầy cá mập đói ăn từ lâu, để cố hết sức bơi sang đảo bên cạnh tị nạn chính... chị "đàn bà" đó.

Làm như vậy để bị coi là... heo chăng? Vậy thì đành chịu vậy. Tôi làm được gì khác (?) với "chị"?

Les deux poches de silicone ne font pas la femme. Pascal đã nói như thế. Hai cái túi silicone không làm thành phụ nữ.

Không biết Brian Zembic đã bị những người đàn ông chung quanh làm gì để quay sang coi tất cả đàn ông đều là heo hết? Họ làm gì với người "đàn ba" dễ sợ đó? Họ có bơi qua eo biển đầy cá mập chưa ăn sáng từ mấy hôm như tôi không? Hay là tại vì bơi nên thành heo?

Trong khi đó, một người đàn bà để một bộ râu rất đẹp như người đàn bà làm cho tiệm Roy Rogers tôi vẫn trung thành ghé lại trong những buổi trưa mười mấy năm tröôùc có là đàn ông chưa? Tại sao nàng không chịu cạo phứt đi cho tôi và các khách hàng của nàng đỡ sợ, đỡ nơm nớp lúc nào cũng chỉ lo nàng kéo vào hôn một cái, hay rứt vài sợi râu ra quất cho nát mặt...

Hay nàng có bộ râu như thế để thông cảm cho những người đàn ông như Brian quyết định giữ lại hai bịch silicone vậy?

Chúng tôi cần hai bịch silicone của Brian cũng như các phụ nữ cần bộ râu của người phụ nữ ngồi ở quầy Roy Rogers vậy.


Ngày 22 tháng 9 năm 2010

Bn ta,

Luật pháp Mỹ hầu như luôn luôn thiên vị phụ nữ trong những tranh tụng tại tòa về vấn đề con cái khi cuộc hôn nhân chấm dứt. Tình trạng này tuy nay đã được cải thiện đôi chút, nghĩa là đã có thêm nhiều người đàn ông được tòa cho giữ con, nhưng hầu như chỉ những khi người mẹ làm những công việc thiếu đạo đức hay nếu những đứa con ở với người mẹ, an toàn đời sống của chúng bị đe dọa thì người mẹ mới bị tòa không cho giữ con.

Nhưng tòa án không phải chỉ thiên vị phụ nữ trong những trường hợp tranh tụng liên quan đến con cái, mà luôn cả trong các trường hợp khác hơn là con cái, tòa cũng vẫn thiên vị phụ nữ, và người đàn ông thường là phía bị thiệt.

Thí dụ trong những tranh chấp đòi quyền giữ những con chó khi cuộc hôn nhân chấm dứt, các tòa án ở Mỹ cũng vẫn nhẹ nhàng hơn với phụ nữ. Theo một con số thống kê thì cứ 100 vụ tranh chấp giữa các cặp có nuôi chó, thì tòa giao cho phụ nữ giữ con chó của hai người tới 81 vụ.

Chỉ có 19% những người đàn ông được tòa cho giữ chó.

Chuyện cho ai giữ chó không ngừng ở quyết định cho con chó theo người vợ hay người chồng về nhà. Chuyện cho giữ chó còn kéo theo nhiều chuyện khác.

Thí dụ quyền thăm viếng, trách nhiệm cấp dưỡng những con chó.

Quyền thăm viếng có thể bị hạn chế nếu phía được giữ nêu lý do phía bên kia bạo hành con chó, không cho nó làm ướt cột đèn, gây ô nhiễm cho sân cỏ chẳng hạn. Nếu phía bên kia có vài ba biện pháp đối với mấy con chó mất dậy, vô giáo dục... bằng cách xích lại, nhốt vào chuồng chó, khóa mõm, gửi đi học ở trường dậy vâng lời, hét vào tai chúng tên một loại cây giống như cây bạc hà, hình như là cây húng, để khủng bố tinh thần chúng, thì phía bên được giữ chó có thể nại những chuyện đó ra để xin tòa không cho người đàn ông đến thăm mấy con chó đẻ đó nữa.

Thế rồi thỉnh thoảng, phía được giữ chó lại lôi phía bên kia ra tòa đòi tăng tiền cấp dưỡng để đuổi kịp những gia tăng của các loại thực phẩm chó. Những cách hành hạ phía không được giữ chó nhiều hay ít tùy thuộc thêm vào tài sáng tạo của các luật sư của người vợ.

Những người đàn ông ở nước Mỹ khổ vô cùng.

Ðó là chuyện chó.

Tại tòa, nếu người đàn bà Mỹ được tòa thiên vị trong những tranh chấp liên quan đến con chó, thì những tranh chấp liên quan đến những con mèo cũng vậy. 81% phụ nữ ly dị chồng được giữ chó thì chắc chắn cũng phải bằng ấy phần trăm được giữ mèo.

Người đàn ông Mỹ phải nuôi chó của vợ thế nào thì cũng sẽ phải nuôi mèo của vợ như thế. Người vợ không những được nuôi mèo, có mèo mà người đàn ông lại còn phải cấp dưỡng cho mèo của người vợ cũ. Không có chuyện bình đẳng trong những vụ tranh tụng dính dáng tới những con vật nuôi trong nhà. Phụ nữ gần như bao giờ cũng thắng tại tòa án.

Và nếu nói đến những con vật nuôi trong nhà thì ngoài chó và mèo, còn cả những con chim nữa. Trường hợp tranh tụng về những con chim thì cũng không khác những vụ tranh tụng liên quan đến mèo và chó bao nhiêu.

Chắc chắn đa số phụ nữ Mỹ tại những phiên tòa ly dị sẽ lại được tòa cho giữ những con chim mà trước đó người vợ và người chồng đã cùng nuôi.

Rồi những người đàn bà được giữ chim cũng sẽ lại đưa ra những đòi hỏi và những điều kiện tương tự như những người được giữ chó hay giữ mèo vậy. Cũng những vấn đề của chuyện thăm viếng, cấp dưỡng vân vân.

Phía không được giữ chim phải trả tiền cho phía được giữ chim. Nhiều người đàn ông Mỹ ở tuổi ngoài bốn mươi, năm mươi sau những năm với biết bao nhiêu khó khăn trong cuộc sống hôn nhân, một ngày bừng mắt dậy, thì mất con mất cái, mất nhà, mất cửa, mất chó, mất mèo, mất chim... khổ không nói sao cho hết.

Trong khi đó, phụ nữ Mỹ vẫn tiếp tục đòi bình đẳng với đàn ông. Chưa bình đẳng thì đã như hôm nay, đến lúc bình đẳng rồi thì còn như thế nào nữa.

Ðọc cái thống kê cũng phải sợ phát sốt phát rét lên là thế.


Ngày 23 tháng 9 năm 2010

Bn ta,

Có thể rồi đây, những câu giải thích của người đàn ông cho những vết son dính trên cổ, những mùi nước hoa không quen bám ở tóc, những sợi tóc lạ vương trên vai áo, những địa chỉ ghi trên những miếng giấy tìm thấy trong đống quần áo bỏ giặt, những lần chuông điện thoại reo, nhấc lên không thấy tiếng trả lời, những số điện thoại viễn liên của những thành phố ở hai ba tiểu bang khác, những cái biên lai thẻ mua chịu trả cho một tiệm hoa, một tiệm ăn, một khách sạn người vợ chưa một lần ghé đến sẽ không còn rắc rối, vòng vo, khó tin, đần độn, dại dột như hiện nay nữa.

Người chồng có thể chỉ cần nói: "Em ơi, sẽ có một ngày, rất có thể anh sẽ trở thành tổng thống Mỹ đấy..."

Chỉ cần nói như vậy là xong hết. Không cần phải kể lể dài dòng là đang đi ngoài đường, đang nhớ tới em và con ở nhà, thì một con mụ vô duyên, lạ hoắc, dơ dáng dại hình, không chịu ngó đường, ngó xá gì hết... chơn đến nỗi té cái rầm vào người anh, dính cả son trên cổ, rụng cả tóc vào vai, bám cả nước hoa vào tóc, rơi cả cái địa chỉ vào trong túi... Chỉ cần nói: "Em tin anh đi, rồi đây có ngày em sẽ thành đệ nhất phu nhân đấy... Lúc ấy em tha hồ mà giống Annette Benning như trong The American President, còn anh thì đẹp không thua gì Michael Douglas..." Chỉ cần nói như thế là không ai còn thắc mắc, cật vấn, vặn vẹo gì thêm, sẽ không phải kiếm thêm dăm ba cái giải thích khác để mà "parce que" nữa.

Tất cả những câu giải thích đó đều trở thành không cần thiết nếu thuyết của Lee Sigelman, một giáo sư dậy môn chính trị học ở đại học George Washington thủ đô Hoa Kỳ, đưa ra mới đây được coi là đúng. Thuyết của Sigelman là đa số những người chồng không trung thành với vợ sẽ trở thành những tổng thống vĩ đại của nước Mỹ. Giáo sư Sigelman đã đi tới kết luận vừa kể sau khi phân tích, nghiên cứu thành tích làm việc của những người được đưa vào ngồi ở tòa Bạch Ốc từ khi có nước Mỹ đến nay. Ông thấy là những ông tổng thống Mỹ hay đi ngang về tắt nhất là những người thành công hơn những ông tổng thống suốt đời chỉ biết có một đệ nhất phu nhân. Giáo sư Sigelman quả quyết rằng những tổng thống Mỹ thành công nhất là những người có những sinh hoạt ở bên ngoài chiếc giường vợ chồng nhiều nhất - the most successful presidents are indeed those who are sexually active outside the marital bed.

Ngoài ra, theo giáo sư Sigelman, thì các cử tri cũng ngầm muốn các tổng thống Mỹ đi ăn tiệm thay vì cứ "cơm nhà, quà đệ nhất phu nhân" hoài. Ông viết như thế trong một luận văn nhan đề Presidents, Extramarital Sex and the Public: Testing A Rational Theory do đại học George Washington ấn hành mới đây.

Dùng những đánh giá về thành tích làm việc của các tổng thống trong lịch sử Mỹ của một số sử gia trong thập niên vừa qua, giáo sư Sigelman đưa các dữ kiện vào máy điện toán để so sánh mức độ thành công của các tổng thống Mỹ có đi hoang và những tổng thống Mỹ chân chỉ hạt bột.

Kết quả của những so sánh này cho thấy các ông Franklin Delano Roosevelt, Lyndon Baines Johnson và John Fitzgerald Kennedy là những tổng thống giỏi ở cả hai mặt trận. Cả ba ông đều lung tung ghê gớm nhưng cũng lại là những tổng thống rất thành công trong lịch sử Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, giáo sư Sigelman không thể giải thích tại sao ông Warren Harding lại không thành công trong chức vụ tổng thống trong khi thành tích "ngoại giao" của ông thì không một ông tổng thống nào địch nổi.

Ngược lai, ông Abraham Lincoln, người được các sử gia coi là tổng thống vĩ đại nhất của nước Mỹ thì lại chỉ có biết cơm do bà Mary Todd nấu và quà của bà Mary Todd tặng.

Ông Warren Harding thì tùm lum mà vẫn không là tổng thống giỏi. Ông Abraham Lincoln thì hiền lành, cơm nhà quà vợ nhưng vẫn là một vĩ nhân lịch sử Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, ông Lincoln lúc nào cũng có cái vẻ ưu tư, sầu não. Ông sầu não từ lâu lắm chứ chẳng phải vì những âu lo do cuộc nội chiến Nam Bắc gây ra. Ông không có bức hình nào cười cả. Lúc nào cũng như sẵn sàng đi đưa đám vậy, hay là tổng thống vĩ đại thì phải... buồn?

Thuyết của ông Sigelman không đúng trong hai trường hợp này. hay tại vì bất cứ chuyện gì đi tới cực đoan thì không còn đúng nữa. Lạng quạng vừa thôi thì thành tổng thống giỏi. Lạng quạng quá như Warren Harding thì lại dở ẹc. Hiền vừa vừa thôi thì thành tổng thống tồi. Hiền quá thì lại thành ông Lincoln: vĩ đại nhưng mà buồn phiền.

Nghe thuyết của ông Sigelman thì ngưi ta thy đúng trong trưng hp ông Carter. Cả đời chỉ biết có Rosalyn Carter nên làm tổng thống dở ơi là dở.

Bây gi thy ông Obama chỉ biết có mẹ cháu Michelle, dân Mỹ đâm ra hốt hoảng là vậy.

Hay là cứ không cho có tham vọng làm tổng thống là xong ngay. Lại cơm nồi National, quà tại gia vậy?


Ngày 24 tháng 9 năm 2010

Bn ta,

Trong cuốn Nam Nhân Ðích Nhất Bán Thị Nữ Nhân của Trương Hiền Lượng, một nhân vật nữ, Hoàng Hương Cửu, có nói với người chồng trước khi ông ta bỏ đi đại khái rằng: "...thôi bây giờ anh bỏ tôi anh đi theo bọn xét lại phản động, bọn Lưu Thiếu Kỳ, bọn theo Nga, bọn tư bản... thì tôi cũng chẳng biết làm gì ngoài việc chúc anh bình an mà thôi..."

Tuyệt nhiên không nhẩy đong đỏng lên văng ra những lời lăng mạ thậm từ về những con ngựa trời, những con đĩ chó phá tan hạnh phúc của hai vợ chồng... tui. Ðọc đoạn đối thoại kỳ lạ đó tôi nghĩ làm thế nào có trên đời những câu nói đầy nét chính trị trong một hoàn cảnh thuần tình cảm như thế được. Nước Trung Hoa là một nước cộng sản thật, nhưng trong chuyện tình cảm mà Lưu Thiếu Kỳ, phe xét lại, tư bản cũng chen được chân vào ư? Nước Trung Hoa dưới thời bác Mao đã đổi thay đến như thế chăng? Ðó là nước Trung Hoa của Lý Thương Ẩn, của Vương Bột, của Lưu Trường Khanh, của Vi Ứng Vật, của những câu thơ Ðường xanh mầu áo tư mã sao?

Người ta không còn phản ứng bình thường nữa à? Ít ra thì cũng phải lôi vài ba con khuyển kỹ, mã kỹ (đĩ chó, đĩ ngựa) ra mà chửi cho chúng nó mục mả lên chứ. Tại sao lại cho thằng chả đi theo Lưu Thiếu kỳ cho hành động của nó đầy nét chính trị như thế?

Nhưng mới đây tôi lại được nghe một câu khá gần gũi với câu của nhân vật phụ nữ Hoàng Hương Cửu trong tiểu thuyết của Trương Hiền Lượng.

Mới đây đọc lại một cuốn sách viết về ông bà Clinton, tôi không hiểu bà Clinton có bao giờ cầm trong tay cuốn sách của Trương Hiền Lượng không. Vì khi đọc cuốn sách ở đoạn trích thuật một câu nói của bà, tôi tưởng như đang đọc đoạn đối thoại của các nhân vật trong tiểu thuyết họ Trương.

Cuốn sách viết là khi bị một nhà báo hỏi về cuộc điều tra không biết đến bao giờ mới kết thúc của công tố viên Kenneth Starr nhắm vào chồng bà, có nói rằng bà tin rằng tất cả những khó khăn rắc rối hiện nay đang đổ xuống đầu ông Clinton chỉ là một âm mưu của phe hữu - a right wing conspiracy.

Như thế, theo bà, những chuyện đau đầu của tổng thống Clinton (trong vuï Monica Lewinsky) hoàn toàn là sản phẩm của những "thao tác" chính trị, và phe đứng sau những hành động này là phe hữu. Hai ông bà vì những khuynh hướng chính trị đối nghịch với phe hữu, nên phe hữu dựng lên những chuyện không hay về ông Clinton để phá tan mọi thành quả của ông, bôi bẩn những sự tốt đẹp về ông. Nói như bà Clinton, thì phải hiểu ngay rằng những vụ Paula Corbin Jones, Gennifer Flowers, Monica Lewinsky... đều đều là sản phẩm của phe hữu. Ngay cả chiếc áo xanh nước biển của Monica cũng là do phe hữu tạo ra. Cái vết trên áo cũng của phe hữu...

Nghe xong câu nói của đệ nhất phu nhân, ai cũng thấy bà là người tuyệt vời. Những hình ảnh không mấy tốt đẹp mà báo chí tô vẽ lên về bà đều sai lạc hết. Bà là người hết lòng vì chồng, cảm thông và hiểu những khó khăn của chồng, nhìn xuyên qua được tất cả những đòn hiểm ác, những âm mưu độc địa của phe thù ghét ông. Bà không hề ném cái chân đèn, quyển thánh kinh vào ông Clinton... Những vết sước trên mặt ông không do móng tay của bà tạo ra... Bà không bao giờ gọi ông là son of a bitch (đồ chó đẻ) như tờ US News and World Report đã nói. Những điều không tốt đẹp về bà biết đâu lại chẳng cũng nằm trong âm mưu của phe hữu nhắm vào phu nhân của tổng thống.

Và câu nói của bà về âm mưu của phe hữu đã giải thích được những thắc mắc của tôi từ bao nhiêu lâu nay. Ðó là tại sao với những Paula, Gennifer, Monica... bà Clinton vẫn đứng bên ông, tươi cười, vẫn vẫy tay chào đám đông khi đi bên tổng thống Clinton. Những suy nghĩ thông thường của tôi luôn luôn phác ra cảnh hai người đi hai trực thăng khác nhau, hai cặp mắt phải không bao giờ gặp nhau, người vợ phải giữ một nét mặt trang nghiêm, lạnh lùng, môi phải mím lại, phải dấu cặp mắt sau cặp kính đen, một khoảng cách văn minh phải được duy trì trong những lúc xuất hiện bên cạnh người chồng.

Và nếu người chồng có bất cứ một nỗ lực nào để tiến lại gần, để cầm lấy tay, thì một cái giọng lạnh toát như nước đá qua kẽ răng của hai hàm răng nghiến chặt vào nhau: "Leave my mommy (?) alone... take your bloody hands off me... don't touch me with that hand of yours... you s.o.b..." Kệ mẹ tôi, đừng đụng bàn tay máu me vào người tui... đừng đụng vào tôi với cái bàn tay ấy... đồ con trai của chó...

Ðó nhất định không phải là cách phản ứng trong thế giới ngày nay. Phản ứng phải như bà Clinton. Bao nhiêu âm mưu độc địa của phe hữu bị bẻ gẫy hết bằng câu nói của đệ nhất phu nhân.

Ôi giào ôi, chuyện ông bà kể cho tôi nghe chỉ là âm mưu của bọn hữu khuynh ấy mà.

Thế là im hết.

Mà nào phải chỉ có bọn hữu khuynh mà thôi đâu.

Ai nói trông thấy thằng chả đi với một đứa da trắng thịt mềm thơm phức ở khu Bolsa thì chắc chắn phải là âm mưu thâm độc của bọn Phát Xít định chia rẽ chúng ta. Nếu không thì cũng phải là đòn độc của Klu Klux Klan, của tân Nazi, của cộng sản đệ tam, của cộng sản đệ tứ, của bọn Zionist chủ trương lập quốc Do Thái, của Tổ Chức Giải Phóng Palestine, của Minh Ước Liên Phòng Bắc Ðại Tây Dương, của Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á, của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, của Ngân Hàng Thế Giới, của bọn Triad Tam Ðiểm Hội Hương Cảng, của Mafia, của tàn dư phân chủng apartheid Nam Phi, của Taleban, của Khmer Ðỏ, của Saddam Hussein, của mấy cậu ayatollah ở Iran... chứ làm sao mà thật cho được.

Bằng ấy thế lực nó phá hạnh phúc của chúng ta thì phải sáng suốt như Hillary Clinton mới đáng mặt phụ nữ thông minh chứ. Bạ cái gì cũng tin ngay là hỏng hết...


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


CÁCH DÙNG ĐỘNG TỪ WISH

QUỲNH ANH

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh phụ trách. Chương trình xin kính chào quí vị.

Chương trình hôm nay sẽ đề cập tới thắc mắc của một độc giả ở Houston. Và đó cũng là thắc mắc của Quỳnh Anh và luôn cả Lãm Thúy nữa. Mời Lãm Thúy.

LÃM THÚY

Thúy thấy một động từ Thúy dùng nhiều lần mà vẫn không biết có dùng đúng không, đó là động từ TO WISH.

QA

TO WISH là CHÚC thì dễ. Chúc sinh nhật, chúc năm mới, chúc sức khỏe , chúc ai may mắn thì QA nghĩ là mình dùng đúng. Nhưng còn những trường hợp khác như AO ƯỚC, MUỐN, ƯỚC MUỐN thì QA nghĩ có thể QA cũng như Lãm Thúy đều chưa chắc là mình hiểu rõ cách dùng của động từ TO WISH và dùng nó một cách chính xác thưa anh.

BBT

Cô QA nói rất đúng. TO WISH khi dùng để chúc ai thì giản dị lắm. Cứ dùng động từ TO WISH rồi sau đó, chúng ta dùng một danh từ là đủ. Danh từ ấy nên có một tĩnh từ đi đằng trước để nói lên điều chúc tốt đẹp mà chúng ta muốn gửi.

Thí dụ I WISH YOU LUCK là đủ. Thêm một tĩnh từ trước để thành I WISH YOU GOOD LUCK.

Nhưng thí dụ I WISH YOU BIRTHDAY thì chưa đủ phải không cô QA?

QA

Phải nói rõ hơn chứ nói vậy làm sao biết chúc sinh nhật như thế nào phải không Thúy?

LÃM THÚY

Vâng, phải nói rõ là I WISH YOU A HAPPY BIRTHDAY.

Chúc Giáng Sinh vui vẻ thì cũng cần nói rõ: I WISH YOU A MERRY CHRISTMAS...

QA

AND A HAPPY NEW YEAR.

BBT

I WISH YOU A HUNDRED YEARS OF HAPPINESS, TILL YOUR HAIR TURN WHITE AND YOUR TEETH BECOME LOOSE

LÃM THÚY

Đó là chúc trăm năm hạnh phúc, đến đầu bạc răng long phải không thưa anh?

Động từ TO WISH trong những trường hợp để nói lên lời chúc, lời mừng như vậy thì Thúy và Quỳnh Anh biết cách dùng rồi. Nhưng động từ TO WISH còn có nghĩa là ao ước, ước muốn ...

QA

Đúng rồi, như trong tiếng Việt nói là PHẢI CHI MÀ đó Thúy. Động từ TO WISH cũng dùng được như thế phải không thầy Trúc? QA có lần nghe con gái nói về anh nó như thế này : I WISH HE WERE HERE TONIGHT. Tại sao lại HE WERE thưa anh? Thường thì HE WAS chứ?

BBT

Để tôi hỏi QA lại cho rõ nhá. Lúc ấy, anh nó có nhà không?

QA

Không, bữa ấy cháu phải đi học tối. Em nó ở nhà thấy xem truyền hình nhìn thấy có mẹ đang học Anh ngữ. Thấy anh nó không có nhà lúc QA đang ở trong truyền hình, nó nói I WISH HE WERE HERE TONIGHT. Nói như vậy đúng phải không thưa anh?

BBT

Đúng. Những điều cô vừa nói là cách dùng của động từ TO WISH khi muốn nói lên một sự ao ước, một ước muốn. Hỏi cô Lãm Thúy thế này nhá: khi cô đã có cái xe BMW rồi, đã đậu nó trong garage rồi thì cô có còn phải mơ mộng nhìn lên trời rồi nói rằng ước gì có cái BMW lái chơi nữa không?

LÃM THÚY

Có rồi thì ước ao gì nữa. Phải không có mới ước chứ.

QA

Đúng. Không có thì mới ước ao. Do đó, động từ TO WISH khi dùng với nghĩa ước ao một chuyện không có thật thì phải dùng SUBJUNCTIVE MOOD. Nghĩa là động từ TO BE phải là WERE hết cho tất cả các ngôi, các đại danh từ I, YOU, HE,SHE, WE, THEY đều phải dùng với WERE hết phải không anh? Như vậy QA hiểu rồi. Tháng trước, QA nhận được tấm bưu thiếp của cậu em đi Hawaii chơi chụp ở bãi biển WAIKIKI, đằng sau cậu viết : I WISH YOU WERE IN HAWAII! À thì ra thế. Lúc ấy cậu em đi chơi vui vẻ, QA thì đang talk show trên đài Little Saigon Radio nên gửi cho cái post card chọc quê đấy mà.

BBT

Nhưng QA và Thúy nên cẩn thận điều này. Đó là động từ WISH thì ở hiện tại, nhưng mệnh đề phụ đi sau thì động từ phải ở bàng thái cách, hay nói cho giản dị hơn , là ở quá khứ, riêng TO BE thì là WERE tất cả .Lãm Thúy cho một hai thí dụ coi.

LÃM THÚY

I WISH I WERE ON THE MOON

I WISH I MET CHÚ CUỘI

I WISH I WON THE LOTTERY

I WISH I HAD ANOTHER DAUGHTER

I WISH I COULD SWIM LIKE MICHAEL PHELPS

BBT

Hay lắm. Bây giờ tôi đố hai cô mấy câu này nghĩa là gì:

I WISH I COULD MARRY HER

THEN I WOULD BUY BRICKS FROM BÁT TRÀNG AND BUILD A POND. I WOULD LAY THE BRICKS THIS DIRECTION AND THAT DIRECTION TO FORM A HALF MOON POND FOR HER TO WASH HER FEET.

QA

Để QA nghĩ coi. QA chắc đó là mấy câu ca dao Việt Nam được anh dịch sang tiếng Anh cho mấy cô đầm Ăng Lê phải không?

Ước gì anh lấy được nàng

Thì anh mua gạch Bát Tràng về xây

Xây dọc rồi lại xây ngang

Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân

Như vậy là anh chàng chưa lấy được nàng. Mới chỉ ao ước thôi. Vậy nên phải dùng SUBJUNCTIVE MOOD.

BBT

Đó là anh ta đang ngồi đây, tưởng tượng ra cảnh anh lấy được nàng. Anh đang ngồi, anh đang mơ mộng. Chuyện lấy được nàng chưa xẩy ra.

Nhưng cũng có lúc chuyện uớc ao lại là chuyện xẩy ra trong quá khứ. Động từ TO WISH trong thì quá khứ. Những trường hợp như thế cũng có đấy chứ phải không hai cô?

LÃM THÚY

Thưa có. Hồi năm 1975, có cô bạn rủ Thúy đi cùng với gia đình cô ấy. Thúy không chịu vì còn gia đình ở nhà. Thế là vài tháng sau ngày Sài Gòn đổi chủ, Thúy cứ tiếc hùi hụi. Như vậy là WISH trong quá khứ phải không anh? Vậy thì mệnh đề sau phải như thế nào?

QA

Quỳnh Anh nghĩ mệnh đề sau để nói về điều ao ước của Thúy phải là PAST PERFECT, đó là HAD và PAST PARTICIPLE phải không anh?

BBT

Đúng vậy. Cô Thúy phải nói thế nào đây?

LÃM THÚY

I WISHED I HAD GONE WITH HER IN APRIL 1975.

BBT

Như vậy có đúng như cách nói của QA , PHẢI CHI MÀ TUI ĐI VỚI CỔ HỒI ĐÓ không?

QA

Điều đó đúng. Nhưng giọng Nam kỳ của anh dở quá.

BBT

Nếu tôi nói I WISH I WERE YOUNGER LIKE YEARS BEFORE, I WOULD DO VERYTHING TO TAKE YOU HOME TO LIVE WITH ME thì nghĩa là làm sao đây cô QA?

QA

Anh đọc thơ Hoàng Cầm đó phải không?

Nếu anh còn trẻ như năm cũ
Quyết đón em về sống với anh.

BBT

Quá đúng.

Động từ TO WISH có thể dùng để nói lên một ước ao như câu vừa kể. Có khi được dùng để nói lên một sự tiếc nuối.

LÃM THÚY

Thí dụ I WISH I COULD STAY A BIT LONGER nghĩa là tôi ước gì tôi ở lại chơi lâu hơn, nhưng tiếc quá, các cháu chỉ cho phép mẹ đi chơi khuya đến 10 giờ tối thôi.

QA

Thí dụ QA đi làm về nhà thấy các con vẫn còn ngồøi xem TV, chén bát chưa rửa gì hết, thì QA nói I WISH YOU WOULD TURN THAT TV OFF.

BBT

Hay là mẹ QA lại xuống bếp rửa chén bát cho các con? Đó là để trách móc. Hơi hơi phiền một chút.

LÃM THÚY

Đúng rồi. Mấy tháng trước , con gái Thúy vừa thấy Thúy đi làm về thì nói ngay: I WISHED YOU HAD REMEMBERED MY BIRTHDAY vì cháu tưởng Thúy quên ngày sinh nhật của cháu. Nhưng làm sao mà dám quên.

BBT

Động từ TO WISH cũng được dùng trong một trường hợp mà chắc Lãm Thúy và Quỳnh Anh cũng đã nghe nhiều lần. Thí dụ nghe một người nói với hai cô rằng nếu ông ấy muốn, thì cả chục bà ở khu Bolsa sẽ xin tình nguyện về nấu nướng giặt giũ cho ông ta. Nghe vậy thì cô QA sẽ phải nói như thế nào?

QA

QA không quen nói nặng hay sỗ sàng với ai, nhưng trong trường hợp ấy, QA sẽ phải nói là "SỨC MẤY!"

Vậy thì tiếng Anh nói như thế nào?

BBT

YOU WISH! Mà phải nói cho đúng , nhấn mạnh vào đúng chỗ mới có nghĩa là sức mấy. Cũng như trong tiếng Việt, chúng ta phải nhấn đúng vào chữõ đó mới có nghĩa. Thí dụ không thể nói bằng giọng buồn bã và đều đều mà phải nói là SỨC MẤY! mới có nghĩa.

LÃM THÚY

Đó là INTONATION phải không anh? Không phải là STRESS. STRESS là nhấn mạnh một hai hay âm trong một chữõ. INTONATION là sự lên xuống giọng trong một câu. Thúy nhớ đã được học như thế ở trường.

Tiếng Việt cũng có INTONATION phải không anh?

BBT

Đúng. Như khi chúng ta nói BỎ ĐI TÁM vậy. Phải lên giọng xuống giọng nó mới có nghĩa.

QA

Anh vừa nói câu BỎ ĐI TÁM, trong tiếng Anh có câu giống như vậy không? QA phải học để nói với các con ở nhà. Thỉnh thoảng muốn giỡn với tụi nó, QA rất cần câu BỎ ĐI TÁM trong tiếng Anh để dùng.

BBT

Trong tiếng Anh có một câu gần giống như BỎ ĐI TÁM trong tiếng Việt. Khi nói cũng phải lên giọng xuống giọng cho đúng mới có nghĩa là BỎ ĐI TÁM. Đó là COME OFF IT!

QA

COME OFF IT!

LÃM THÚY

COME OFF IT!

BBT

Tôi vừa nói gì mà hai cô nói tôi BỎ ĐI TÁM vậy?

QA

Chúng em không dám đâu. Như thế, INTONATION quan trọng quá đi chứ.

BBT

Rất quan trọng. Lên xuống giọng có thể đổi hẳn nghĩa của câu nói . Thí dụ như câu I BEG YOUR PARDON chẳng hạn. Câu này nghĩa là xin lỗi ông / xin lỗi bà. Nhưng tùy theo cách nhấn, lên giọng, nó có nghĩa là xin lỗi, nhấn cách khác, nó có nghĩa là ông bà nói gì vậy, xin nói lại.

LÃM THÚY

Xin thầy biểu diễn ... cho chúng em nghe rồi đoán coi có đúng không nhá.

BBT

I BEG YOUR PARDON (xuống giọng ở cuối câu)

QA

Đó là xin lỗi ông, xin lỗi bà. Thí dụ đang đi, đụng vào người ta thì nói như vậy phải không anh? I BEG YOUR PARDON.

BBT

Đúng. Nhung khi tôi nói I BEG YOUR PARDON? (lên giọng) thì là sao?

LÃM THÚY

Thì anh chẳng đụng phải ai té lăn cù ra cả. Anh chỉ muốn nói là ông / bà nói gì làm ơn nói lại phải không?

BBT

Đúng vậy. Nhưng cũng có khi người ta nói ngắn lại là PARDON ? hay BEG PARDON? hay PARDON ME?

Có khi lại nói khác cách nói ở trên nữa thưa hai cô. Thí dụ khi có người nói với tôi rằng tôi vừa già vừa xấu, vừa ăn nói vớ vẩn thì tôi sẽ nói khác. Phải có giọng mỉa mai, bực bội ở trong, như I – BEG – YOUR- PARDON.

QA

Nói vậy cũng như trong tiếng Việt mình nói là ÔNG NÓI GÌ ĐÓ? NÓI LỘN CHO NÓI LẠI ĐÓ!

LÃM THÚY

Lúc nẫy Thúy nói là STRESS khác với INTONATION. Thúy thấy tiếng Anh lộn xộn hết sức. Lúc nhấn âm đầu, lúc nhấn âm thứ hai, lúc lại nhấn âm thứ ba. Làm sao biết mà nhấn. Có qui luật nào không thưa anh?

BBT

Hoàn toàn không. Cách duy nhất là nghe rồi bắt chước. Hay dùng tự điển có phiên âm quốc tế gọi là IPS tức là INTERNATIONAL PHONETIC SYMBOLS. Ngày xưa tôi quen lối chú thích này. Tự điển tôi dùng hồi đó là cuốn ADVANCED LEANERS’ DICTIONARY OF CURRENT ENGLISH của đại học Oxford.

QA

QA thấy không có qui luật nào hết. Thí dụ CANADA có 3 âm. BANANA cũng có 3 âm. Vậy mà đọc lên thì khác nhau.

BBT

Cô QA đưa ra 1 thí dụ rất hay. Hai chữ đều có 3 âm. Cả ba đều là những âm A. Nhưng CAÙ-NA-DA trong khi BA--NA. Thế rồi tĩnh từ của CANADA thì đọc lại khác CA--DIAN chứ không phải là CAÙ-NADIAN.

LÃM THÚY

Nhưng chữ DEMOCRAT mới còn ghê hơn. Lúc thì nhấn vào âm đầu, lúc thì âm thứ hai...

BBT

Đúng rồi:

Âm đầu: DEMOCRAT

Âm thứ hai: DEMOCRACY

Âm thứ ba: DEMOCRATICAL

Âm thứ ba: DEMOCRATICALLY

Bây giờ ôn lại một vài điều chúng ta thảo luận trong bài hôm nay.

Cách dễ nhớ nhất là sau WISH ở thì hiện tại, mệnh đề sau ở quá khứ (PAST TENSE).

Sau WISH ở thì quá khứ, chúng ta dùng thì tiền quá khứ (PAST PERFECT) trong mệnh đề sau.

LÃM THÚY

I WISH WE HAD MORE TIME FOR THIS PROGRAM

QA

I WISHED I HAD SPENT MORE TIME LEARNING ENGLISH

BBT

Như vậy là hai cô hiểu rất rõ và dùng chính xác động từ WISH rồi đó.

QA

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây tạm chấm dứt. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin cảm ơn sự theo dõi của quí vị và xin hẹn gặp lại quí khán giả trong chương trình tuần tới.