April 2, 2015

April 3, 2015

VĂN HÓA CHÉM LỢN

Mahatma Gandhi (thánh Cam Địa) của Ấn Độ có lần nói một câu nguyên văn như thế này: “The greatness of a nation and its moral progress can be judged by the way its animals are treated.” Mức độ vĩ đại và những tiến bộ về đạo đức của một nước có thể nhìn thấy qua cách đối xử mà (người dân) của quốc gia ấy dành cho thú vật.
Người Ấn thờ nhiều giống thú và cách đối xử mà họ dành cho những con vật này quả là rất nhân đạo nhưng cũng có thể nói là nhiều khi quá đáng đến mức độ khó hiểu nếu không muốn nói là không thể hiểu được. Người Ấn thờ bò, thờ khỉ, thờ chuột… những con thú này được đối xử có khi còn tử tế hơn cả cách đối xử mà người Ấn đối xử với nhau như những người dân ở Mumbay đã nói lên tại một cuộc biểu tình mới đây khi chính phủ của bang cấm giết bò, cấm ăn thịt bò, cấm bán thịt bò trong khi những vụ hiếp dâm phụ nữ cùng với những vụ đốt cô dâu vì các cô không đem về những khoản hồi môn như đã hứa trước khi về nhà chồng càng ngày càng gia tăng.
Như vậy, mặc dù người Ấn (nói chung) có đối xử với (một số) thú vật nhân đạo thật, nhưng sự tử tế và nhân đạo đó cũng chưa tới được mức độ mà thánh Cam Địa muốn thấy. Người Ấn để bò đi nghênh ngang ngoài đường, cho những bấy khỉ khủng bố những ngôi chợ, mặc tình cướp phá, gây kinh hoàng cho những người bán hàng nghèo khổ mà không ai dám làm gì chúng, hay cung phụng đồ ăn thức uống cho những con chuột được nuôi béo mẫm trong những ngôi đền mặc dù chuột tạo ra rất nhiều thiệt hại cho mùa màng của người nông dân Ấn.
Rõ ràng là nếu xét theo câu nói của Gandhi thì nước Ấn chưa thể được coi là một quốc gia vĩ đại, và những tiến bộ về đạo đức của Ấn cũng chưa được coi là cao lắm. Nhưng ít ra thì người Ấn cũng đã có được một người nói một câu về cách đối xử với loài vật đáng để chúng ta suy gẫm.
Bây giờ mùa xuân đã qua, Tết đã hết vì thế tưởng cũng nên nói đôi ba điều về chuyện chém lợn ở Bắc Ninh. Khoảng thời gian trước tết năm nay, chuyện này được đem ra nói khá ồn ào nhân có một văn thư của một tổ chức bảo vệ thú vật quốc tế. Tổ chức này đề nghị dẹp hẳn chuyện lôi mấy con lợn ra giữa sân đình rồi dùng dao chém những con thú này làm đôi trong tiếng kêu thét kinh hoàng của những con vật trước khi chết, máu me ộc ra nhuộm đỏ một khúc sân. Cảnh giết mấy con lợn này quả là kinh khiếp. Máu me tung toé thật dễ sợ. Nhưng kinh hoàng hơn là cảnh những người đứng xem. Dân làng đông đảo đã đành. Còn có cả những người tới từ các nơi khác đến xem. Trong đó có cả những đứa trẻ mới lên năm, lên bẩy tuổi. Khi những con lợn này còn đang giẫy chết, máu còn đang phun ra thì một số người, cả những người bế trên tay những đứa bé lăn xả vào, cầm những tờ giấy bạc quệt vào những vệt máu lợn để mang về nhà lấy may.
Lễ hội chém lợn năm nay vẫn được tổ chức như mọi năm. Bất chấp những ý kiến muốn dẹp hẳn trò vui máu me đó. Những ý kiến muốn duy trì trò chơi đẫm máu đó nói rằng trò chém lợn là một nét văn hóa cổ truyền của người Việt cần phải được giữ lại. Ở Việt Nam, bây giờ cái gì cũng trở thành văn hóa cả. Ăn uống cũng là văn hóa. Từ chức cũng là văn hóa. Chém lợn cũng là văn hóa. Ở huyện Kỳ Sơn tỉnh Hòa Bình còn có một ngôi làng văn hóa có cái tên không ai dám đọc to lên. Thế thì chém lợn là văn hóa cần được giữ lại là phải.


Nhưng xã hội, thế giới tiến bộ thì cũng có những thứ không còn thích hợp với đời sống con người hôm nay nữa thì cũng phải đào thải chúng đi chứ! Cứ nhân danh văn hoá để giữ chúng lại làm sao được?
Như chuyện ăn thịt người chẳng hạn. Trước đây, chắc chắn chúng ta đã từng ăn thịt người ở một thời điểm nào đó. Nhưng rồi con người tiến bộ, văn minh, chúng ta bỏ cái … văn hóa ăn thịt người đi chứ còn có ai ngày nay ở Việt Nam nhìn nhau nuốt nước miếng một cách thèm thuồng nữa đâu?

Vậy thì văn hoá, truyền thống, thói quen vẫn có thể dẹp bỏ được đấy chứ. Thế thì có nên … chém lợn cho có văn hóa nữa hay không? Hay chỉ vì miếng thịt lợn được chia mà nhất định giữ lại cái trò chém lợn kinh hãi này để đổ tiếng xấu cho cả tỉnh Bắc Ninh văn học của quan họ, của bao nhiêu khoa bảng chỉ vì vài ba anh già đầu óc đặt sệt những thứ cặn bã dơ bẩn nhất của một đất nước đã có một thời rất mực đẹp tươi kỳ vĩ?