Ngày 14 tháng 12 năm 2009
Bạn ta,
Ngày 15 tháng 12 năm 2009
Bạn ta,
Theo tạp chí Boating, tờ báo của những người lắm tiền nhiều bạc sống đời cao sang quyền quí kiểu "trên ô tô dưới thì ca nô, nằm giường Tầu đắp thêm nệm gấm, trên đầu lại xịt dầu thơm, dầu thơm" như một bài ca tả những tay chơi Nam kỳ xưa mà Vương Hồng Sển có dẫn trong một cuốn sách của cụ, thì những ông chủ tầu, chủ du thuyền không là những tay nịnh đầm, những người hùng, những hiệp sĩ oai phong như nhiều người có thể lầm tưởng.
Tờ báo này cho biết là nếu người đi cùng trên tầu, trên du thuyền của các chủ tầu này có không may ngã xuống sông, xuống biển, thì cứ 100 chủ tầu, chủ du thuyền, chỉ có 13 người chịu bỏ tầu nhẩy xuống nước cứu bồ.
Thực ra, nói là "người đi cùng trên tầu" cho nhẹ, chứ trong cuộc thăm dò của tờ Boating, những người đó là vợ hay chồng -- nguyên chữ trong bài báo là "spouses" -- của chủ thuyền, chủ tầu.
Như vậy, đó phải là vợ hay chồng của chủ tầu, mà thường thì là vợ, vì số chủ tầu, chủ thuyền phụ nữ không nhiều lắm. Hầu như chủ tầu, chủ du thuyền bao giờ cũng là những người đàn ông áo sơ mi không cài cúc, phanh ngực, quần shorts, giầy boatshoes có giây bằng da, miệng ngậm tẩu bull dog, kính aviator, mũ lưỡi trai đứng hiên ngang cạnh tay lái tầu trong gió biển, gió sông lồng lộng.
Oai hùng và đẹp biết là chừng nào!
Vậy mà trong số 100 người như thế, chỉ có 13 người dám nhẩy xuống nước cứu vợ. Và 87 người kia thì tiếp tục đứng trên tầu, trên du thuyền cho gió sông, gió biển lồng lộng vuốt ve mái tóc.
Nhẩy xuống để... tóc gió thôi bay hay sao?
Như thế thì tồi thật.
Tại sao các chàng lưỡng lự rồi đi đến quyết định ở lại trên tầu? Tầu của chàng chưa chìm nên không thể nói là thuyền trưởng phải ở lại chết theo thuyền.
Vậy thì các chàng nghĩ gì?
Nghĩ tới cái bảo hiểm nhân thọ các chàng è cổ đóng cho vợ nay là lúc tốt đẹp nhất để đòi bồi thường cho bõ những ngay cơ cực?
Hay tới bầy cá mập đang bơi cạnh nàng? Làm sao phân biệt đâu là nàng, đâu là cá mập? Lỡ mắt mũi kèm nhèm nhìn gà hóa cuốc, nhìn vợ thành con great white, con tiger, con hammerhead, rồi cứu lầm con cá mập thay vì cứu vợ thì sao? Mang tiếng chết!
Trong khi những người đàn ông không giầu có, hào hoa như các chàng, không du thuyền, không ca nô gì hết, nhưng đi xe với chúng tôi, có té xuống sông, xuống biển (?) là chúng tôi tông cửa xe nhẩy xuống cứu cái một. Không những nhẩy xuống cứu, mà chúng tôi còn mở cửa cho lên xe nữa chứ.
Vậy mà có người nói xấu chúng tôi rằng khi một người đàn ông mở cửa xe cho một người đàn bà lên xe, thì một trong hai thứ phải mới: hoặc cái xe mới, hoặc người đàn bà mới.
Ừ nói cái xe mới mua mà để cho đứa phàm phu tục tử mở lấy leo lên xe để hỏng để sứt sát xe cậu ư? Vậy thì cậu đành mở cho nó lên vậy.
Còn nếu nó mới, mà xe cũ thì chiều nó một chút có sao, nó đỡ chê xe mình cũ!
Nhưng đây đúng là một câu nói vu khống đầy ác ý. người nghĩ ra câu đó chắc chắn đang ở với một người không còn mới nữa, nên phải bịa đặt ra nhận xét đầy ác độc đó để cho nàng chịu cho chàng mua xe mới, chứ không là người tử tế bao giờ hết.
Chỉ có người đàn ông đi cái SUV Honda Passport cao vòi vọi, khi đi với một người mặc mini lên không nổi, thì đứng cạnh, mở cửa cho đương sự lên, rồi nếu cần, tiện tay tiện chân giúp nó leo lên thì cũng có sao. Trước mua vui sau làm nghĩa chứ mất mát gì đâu.
Còn lúc xuống, thì giúp mở cái cửa cho đương sự ra khỏi xe thật lẹ cho khuất mắt thì đúng rồi còn nói chi nữa? Đâu cần phải mới, xe cũng như người mới làm những việc như vậy.
Chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng mở cửa xe cho lên cho xuống. Và vì thế, người không có tầu và du thuyền vẫn lịch sự, đáng yêu hơn những người có tầu, có du thuyền là thế.
Ngày 16 tháng 12 năm 2009
Bạn ta,
Cách đây khoảng vài tuần, trong mục Ann Landers, một độc giả có đưa ra mấy đề nghị để giữ cho cuộc hôn nhân được lâu bền, và trong số những đề nghị đó, có một đề nghị lúc đầu đọc lên tôi không mấy tin là có thể làm được công việc nó được trao phó.
Không tin vì tôi thấy nó không cần thiết, và có làm theo, thì cũng khó mà có chuyện nhờ nó, đời sống giữa người đàn ông và đàn bà có thể tốt đẹp hơn.
Ngoài hai đề nghị về cách treo cuộn giấy trong nhà cầu, chịu khó hạ hay nhấc cái bàn cầu lên để khỏi gây khó chịu cho người kia, bức thư của người độc giả viết rằng không nên chiếm hết chỗ trong buồng tắm cho các chai lọ của mình, chia xẻ với phía bên kia và đừng dùng các thứ của phía bên kia.
Nghĩa là đã có riêng một tiệm chạp phô cho mấy chục thứ phấn son, nước hoa, gương lược, sơn móng tay vài ba chục mầu... thì đừng độc quyền thêm cái tủ và cái kệ trong nhà tắm nữa. Nhất là đừng dùng các thứ của phía bên kia.
Đoạn trên thì dễ hiểu. Không nên lấn đất giành dân quá, đừng da beo kiểu ngưng bắn ở Việt Nam. Nhưng còn đoạn khuyên đừng dùng các thứ của phía bên kia? Người đàn ông nào dùng son phấn của phụ nữ? Mascara? Eye shadows? Eye liner? Phấn nền, son môi...?
Nếu chàng lấn sang các món vừa kể, thì cuộc hôn nhân nhất định có vấn đề. Nên để ý coi khi nàng vắng nhà, chàng có lén đeo cái nịt vú, đội tóc giả, đi giầy cao gót của nàng... uốn éo trước gương không. Nếu có, thì nên dành dụm ít tiền cho chàng đi giải phẫu là vừa.
Tôi còn đang không tin có những chuyện như vậy thì đọc được một bản tin ngắn nói rằng phụ nữ rất thích dùng nước hoa, cologne, after shave của đàn ông, và mùi đang được ưa thích, là mùi Gendarme của đàn ông. Tờ People cho biết Sharon Stone (phim Basic Instincts) và Brittany Daniel (trong chương trình Dawson's Creek) đều thích dùng những thứ (nước hoa) của đàn ông.
Như vậy là sau những chiếc dao cạo, là mấy chai eau de Cologne, và luôn cả after shave của những người đàn ông cũng sẽ không được để cho yên nữa.Tuần trước, tại một tiệm ãn, một người đàn ông Á châu đã đau khổ suốt một bữa tối vì một phụ nữ ở bàn bên đeo một chiếc ca vát Versace đẹp hơn của chàng, thì bây giờ, chàng lại còn đau khổ hơn nữa khi biết là những vi phạm chủ quyền không chỉ ở nơi những chiếc ca vát, mà luôn cả những thứ thầm kín nhất của chàng: những mùi dầu thơm chàng ưa dùng. Chai Eau Sauvage mùi chanh nhè nhẹ, vừa đàn ông, vừa quyến rũ, chai Brut ,chai Acqua Di Giò của chàng không còn là những thứ bất khả xâm phạm nữa. Những thứ ấy sẽ bị đem dùng không kiêng nể gì hết. Trên xe điện, trong thang máy, rồi đây, khi những mùi quen thuộc ấy phả sang, chàng chờ đợi một người đàn ông dã man (sauvage) thô bạo, cục xúc (Brut)... thì Sharon Stone bước tới, ãn mặc (?) hệt như đoạn nàng ngồi ở quận cảnh sát khai cung, thỉnh thoảng lại đổi vị trí đôi chân làm Michael Douglas điên cuồng lên thì... khổ biết là chừng nào.
Nhưng có lẽ khó cho chàng nhất là khi về nhà, tuy vẫn mấy cái mùi quen thuộc chàng dùng đã cả mấy chục năm, và buổi sáng ra đi, chàng còn dùng nó, thì những mùi đó lại có thể gây khó khăn cho chàng.
Anh đi chơi với... con nào hôm nay? Thì mùi Eau Sauvage còn đầy trên người chứ còn gì nữa? Mùi của anh à? Thôi đừng có chối nữa. Mấy con ngựa đó bây giờ cũng dùng nước hoa đàn ông nữa chứ ngồi đó mà độc quyền... Đứa nào đây? Thành thật khai báo với cách mạng coi...
Đoạn đối thoại có thể là như thế. Tình thì ngay, lý thì cùng hung cực ác. Chạy Trời cũng không thoát.
Tuy thế, cũng có thể thấy mùi Eau Sauvage thì lại... yên trí, không hỏi han, tra vấn, lục hỏi, lấy cung gì hết.
Và chàng thoát hiểm.
Cứ lấn qua mà dùng Eau Sauvage... của tui. Không sao hết.
Ngày 17 tháng 12 năm 2009
Bạn ta,
Trong suốt hơn 20 nãm qua, tôi cứ tưởng đã tìm được bà cố tổ của tôi -- thực ra, bà cũng là bà cố tổ của cả bạn nữa -- nơi người phụ nữ mà các nhà khảo cổ đặt cho cái tên khá tối tân là Lucy, khi Donald Johanson và toán phụ tá làm việc chung với ông tìm được sọ của nàng ở một bờ sông thuộc Ethiopia.
Lucy nằm chết trên một bến cát đã hóa thạch, còn in nguyên những dấu chân của nàng sau một chuyến đi có lẽ là nhọc nhằn lắm. Buổi chiều của 3 triệu 200 ngàn năm trước vẫn còn nóng bên bờ sông, cây cối xác xơ trơ trụi lá như những vết tích tìm được trong các phiến đá cho thấy.
Lucy có cái đầu nhỏ, bộ óc cũng nhỏ, răng to, mặt phẳng, khác hẳn những anh chị em họ xa là loài hắc tinh tinh và đười ươi sống quanh đó với cái trán hẹp, vẹt về phía sau, phần hàm to, xoải ra phía trước. Theo bức chân dung do một họa sĩ dựa trên những mô tả của các nhà nhân chủng học vẽ lại, nàng trông thảm lắm, nên mãi một hồi sau tôi mới đủ can đảm nhận là có liên hệ họ tộc với nàng. Buổi sáng đứng... trang điểm trong buồng tắm, thật khó mà có thể tin rằng tấm nhan sắc nhìn thấy trong gương như thế lại là dòng giõi của Lucy, một người đàn bà tay dài gần chấm đầu gối, hai chân ngắn, cặp vú mướp teo tóp sẵn sàng lăng mạ những kích thước và kiểu cách của các sản phẩm trong những cuốn catalogue mà Victoria's Secret không biết vì lý do gì cứ gửi mãi đến địa chỉ của tôi sau hai ba lần dọn nhà.
Lucy chỉ còn có cái sọ. Những khúc xương khác của nàng có thể đã bị sư tử, linh cẩu tha đi gặm ở những nơi khác. Hay cũng có thể gia đình nàng chẻ ra lấy tủy ăn cho khỏe.
Chiếc sọ của Lucy đưa tới một thuyết cho rằng giống Ardipithecus ramidus là thủy tổ của chúng ta, và từ Ethiopia, khu vực thường được gọi là cái sừng của Phi châu, tổ tiên chúng ta đã ra đi khắp nơi trên thế giới. Vừa đi vừa đẻ, hồi sau thì đến vùng Vân Nam, Lạng Sơn, Cao Bằng để thành chúng ta ngày nay...
Mấy năm trước, tôi cứ tưởng tượng một ông già lem luốc chân lấm tay bùn ở đâu đó tại Bắc Trung Việt một hôm quyết định đi về phía Bắc và lập ra giòng họ chúng tôi. Phải mất nhiều ngày tôi mới dám nhận cụ là họ hàng liên hệ với mình. Nhưng cụ thì chắc dễ nhận họ hàng với một người tóc tai, quần áo không đến nỗi nào như tôi.
Chúng tôi vừa nhận được ra nhau, đang vui với cụ, nỗi vui mừng thiết lập được liên hệ họ tộc sau bao nhiêu khó khăn, thì các nhà nhân chủng và khảo cổ lại đưa ra Lucy thì có chán không. Làm sao dám nghĩ nàng, trông vẫn giống khỉ hơn là giống loài homo sapiens ngày nay, lại là tổ tiên của chúng ta.
Nhưng rồi sau khi an ủi rằng hồi đó làm gì có các thẩm mỹ viện của các ma-đam để vào căng, kéo, bơm, hút... được như phụ nữ ngày nay, mà Lucy trông đã như thế thì thực ra đã là khá lắm rồi, đòi hỏi chi nhiều, gây khó khăn cho Lucy! Nên tôi đã vui vẻ nhận Lucy, người phụ nữ giống khỉ ấy làm bà cố tổ. Còn đang vui với niềm an ủi ấy, thì gia đình khảo cổ và nhân chủng học Richard Leaky cho biết Lucy vẫn chưa phải là bà cố tổ của tôi và của bạn. Cái sọ mới tìm ra ở Kenya mới là ông cố tổ của chúng ta. Lucy chỉ là hậu duệ của người đàn ông thuộc giống Australopithecusanamesis. Chính người đàn ông sống cách đây 3 triệu 500 ngàn năm mới là tổ tiên của chúng ta. Cái sọ vỡ nát như quả trứng gà bị những bánh xe bus chạy cán qua cán lại nhiều lần được chắp lại, và dựa trên những mảnh xương sọ này, tuy óc vẫn nhỏ như Lucy, nhưng răng lại nhỏ hơn, tôi vẫn khó có thể tin người đàn ông thô lậu, xấu trai này là tổ tiên của chúng ta.
Nhà nhân chủng học Richard Leaky
Tưởng tượng trên người ông là tấm da dê, tay lăm lăm cục đá để ném mấy con thú đem về cho mẹ cháu ăn chiều, nói năng kỳ lạ, không ra tiếng, chỉ là vài âm thanh khọt khẹt, tóc tai, râu ria bù xù cả mấy tháng không tắm gội, thỉnh thoảng lại gãi rột rột, đầu chỉ nghĩ được mấy miếng thịt rừng đã có mùi ở một hốc núi nào đó và món quà (niềm vui truyền giống) bố cháu định tặng cho mẹ cháu đang nằm chờ ở cái ổ rơm... thì nản biết là chừng nào. Không văn học nghệ thuật chút nào hết có nản chí bầu cua không cơ chứ.
Nhưng biết đâu nhờ những hình ảnh mà các nhà khảo cổ dựng lại về Lucy và và về người đàn ông mới tìm được này, các bố cháu của ngày hôm nay bỗng thấy các mẹ cháu đẹp một cách não nùng, và các mẹ cháu thì chợt thấy các bố cháu trông cũng không đến nỗi nào.
Mấy cục hột soàn nặng chình chịch kéo cái tay dài xuống gần chạm đầu gối là dấu hiệu của sự giầu sang, tiền bạc chứ không hề là nét thừa hưởng của Lucy và người đàn ông ở Kenya bao giờ.
Nên các bố cháu có ăn nói như chó cắn ma, thì các mẹ cháu cũng chẳng nên đòi hỏi chi nhiều. So với người đàn ông ở Kenya, các bố cháu như thế là được lắm rồi. Còn các mẹ cháu thì cũng hơn Lucy... mấy lần ấy chứ.
Ngày 18 tháng 12 năm 2009
Bạn ta,
Sợi tóc bạc đầu tiên bạn tìm thấy trên đầu là lúc nào, bạn nhớ không? Saint-Exupéry ví nó như mối tình đầu tiên trong đời. Không bao giờ quên được sợi tóc bạc thứ nhất đó.
Nhưng cũng thật là kỳ, trong khi nó là sự kiêu hãnh thầm kín của bao nhiêu người đàn ông, thì cũng chính nó là sự hốt hoảng của không biết bao nhiêu phụ nữ.
Tôi có người bạn, cách đây mười mấy năm, sinh nhật thứ ba mươi không làm cho cô khóc nhiều bằng hôm tìm thấy sợi tóc bạc đầu tiên sau đó vài ngày, mặc dù thanh toán nó thì cũng đâu có khó khăn gì. Nhiều lắm là một đường nhíp, một cái nhăn mặt là xong chứ việc gì phải hốt hoảng như vậy.
Nhưng đã có sợi đầu tiên, thì sẽ có những sợi khác sau đó. Có lẽ sự hốt hoảng phát sinh từ điều lo sợ đó.
Tuy vậy, một hôm, đi cắt tóc, cắt xong, ngó xuống chân, thấy đống tóc vừa rơi khỏi chiếc khăn choàng trắng xóa trong khi người khách duy nhất trong tiệm là mình,thì chẳng chỉ riêng người bạn mười mấy nãm trước, bất cứ ai cũng sẽ phải hốt hoảng.
Đứng trước mặt là hai lựa chọn: chai thuốc nhuộm hay một cái nhún vai.
Ối giào ơi, mối sầu như tóc bạc / cắt mãi lại dài ra... Phan Khôi mà cũng ngán ngẩm như thế huống chi.
Trên bàn, lọ tiêu càng ngày càng vơi, và lọ muối thì cứ mỗi ngày lại đầy hơn.
Nhưng vẫn không dùng giải pháp chai thuốc nhuộm. Nhuộm mái tóc có thể đẩy tạm lọ muối qua một bên. Nhưng chừng một hai tuần sau, lọ muối lại đòi xuất hiện. Cơn gió mạnh một chút, mái tóc bị gió làm ngả nghiêng, những chân tóc lộ ra.
Còn... xuân đâu nữa. Mùa đông đã quá nửa rồi đó.Nên không nhuộm vẫn là hay hơn cả.
Một hôm có người hỏi tại sao không... chai thuốc nhuộm? Mà nhuộm có đem lại lợi ích gì không? Cái mái mùa đông tuyết phủ, có cào đi cho sạch, mà trong nhà lạnh tanh thì có ích gì. Nhưng nếu trên mái tuyết phủ mà trong nhà, lò sưởi vẫn cháy hừng hực thì giải pháp nào hay hơn?
Trả lời người hỏi: Ấy để mãi mới được đấy... nuôi hơn năm mươi năm mới được mái tóc có mầu như thế, tại sao lại nhuộm đi?
Thế là mái tóc GiápThân (?) đà nhuộm tuyết... Nghe gần như câu TrầnTế Xương thăm Phan Sào Nam. Ừ không nhuộm đấy, có sao không?
Sao đấy chứ. Thỉnh thoảng đi chơi với người bạn, lại bị hỏi là dẫn con (gái) đi chơi đấy ư. Câu hỏi làm cả hai người cùng sướng điên lên. Một người thì vui vì có mái tóc... đẹp. Một người thì được khen là trẻ. Nhưng một trong hai người bị nói dối mà không muốn tin.
Mái tóc chưa bạc hết, thì gọi là hoa râm. Người bạn đồng nghiệp trong sở thì tóc không bạc đều như hòa bình tại chỗ, kiểu da beo. Một hôm chàng tức quá, ra tiệm nhờ cô thợ cắt tóc -- bằng giọng Huế chay của chàng -- tui không ưa dài nữa... tui ưa cắt ngắn.
Muốn cắt ngắn, có...cắt ngắn. Về nhà, mái tóc loang lổ da beo bị mẹ cháu lăn ra cười, gọi chàng là con Dalmatian thứ 102...
Thế là theo tướng...chó, chàng đứng hạng tư: Nhất bạch, nhị hoàng, tam khoanh, tứ đốm. Rõ ràng là hoa râm thì chẳng ra làm sao cả. Nửa nạc, nửa mỡ, nửa quê, nửa tỉnh, nửa phân, nửa cỏ. Già lắm thì chưa, mà trẻ thì không còn nữa. Hay là nhuộm trắng luôn, cho thành bạch kim, cho sexy như Jean Harlow, như Kim Novak đã có thời? Cũng không được.
Tuần qua, trong một tờ báo tôi đọc được một lời rao kiếm bạn, người đăng nói rõ muốn kiếm một người "bạn nam tuổi từ 55-58, tóc hoa râm, cao trên 5'5"..."
Những mái tóc hoa râm bỗng thấy không còn bị xếp hạng... tư nữa.
Lời rao tuy không đưa đến việc ngồi xuống viết lá thư xin kết bạn, nhưng nhất định những người đàn ông tóc hoa râm bỗng thấy... không còn là hạng bét nữa. Cũng còn được lắm đấy chứ.
ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
(Bài số 58)
Bản chuyển tả do Nhã Lan thực hiện. Bài học số 58 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 1 năm 2010.
QUỲNH ANH:
Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống hàng ngày. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
Nhân mới đây QA nghe lại bài Diana của Paul Anka, thấy câu YOU AND I WILL BE AS FREE, AS THE BIRDS UP IN THE TREES nên QA nghĩ trong Anh ngữ chắc phải có nhiều kiểu so sánh và ví von như thế.Trong bài học chiều nay, QA nhờ thầy dậy cho hai người học trò trung niên này những câu dùng để so sánh, hay ví von trong tiếng Anh. QA thấy có một số câu ví von của người Anh và người Mỹ rất giống như cách chúng ta nói trong tiếng Việt như AS HARD AS IRON, AS HEAVY AS LEAD, AS LIGHT AS A FEATHER, AS QUICK AS A FLASH .... Nhưng cũng có những cách so sánh hoàn toàn khác với chúng ta phải không, Nhã Lan?
NHÃ LAN
Đúng vậy. Chúng ta nói DỄ NHƯ ĂN CƠM SƯỜN nhưng người Mỹ chắc không nói như thế. Người Mỹ cả đời có ăn đĩa cơm sườn nào đâu mà ví von như chúng ta.
BBT
Đúng như cô Nhã Lan nói, người Mỹ không nói AS EASY AS EATING A PLATE OF RICE AND RIBS mà họ nói là dễ như ABC. AS EASY AS ABC. Nhưng tôi xin nói ngay ở đây là tôi sẽ không thể đem hết những câu ví von của người Mỹ ra nói trong một bài học. Tôi sẽ chỉ nêu ra những cách ví von rất đặc biệt của tiếng Anh, có khi rất lạ lùng, rất khó hiểu nhưng lại rất hay gặp khi chúng ta nghe người Mỹ và người Anh nói chuyện. Một số những câu ví von khác, chúng ta có thể cứ dịch thẳng từ tiếng Việt sang, người nghe vẫn có thể suy nghĩ một lúc là hiểu được ngay.
QA
Tuy nhiên, nếu dịch tối như hũ nút, tối như đêm Ba Mươi, tối như bưng sang tiếng Anh thì cũng không cách gì hiểu được.
BBT
Tôi đề nghị là trước tiên, chúng ta học những cách ví von trong tiếng Anh nhưng lại rất giống cách chúng ta nói trong tiếng Việt bằng cách dịch những câu ví von tiếng Việt sang tiếng Anh như những câu cô QA vừa kể ra ở trên.
Thí dụ trắng như tuyết là AS WHITE AS SNOW. Tôi sẽ đưa ra một câu cho cô Nhã Lan để cô dịch sang tiếng Anh. Sau đó, cô Nhã Lan sẽ đố cô QA một câu, cô QA trả lời, rồi sau đó, cô QA đố lại cô Nhã Lan một câu ví khác. Cô Nhã Lan dịch thử câu ví von này sang tiếng Anh coi: đẹp như tranh …
NHÃ LAN
AS PRETTY AS A PICTURE. Khỏe như trâu.
QA
AS STRONG AS AN OX. Đen như than.
NHÃ LAN
AS BLACK AS COAL. Xẹp lép như cái bánh kẹp.
QA
AS FLAT AS A PANCAKE. Cứng như đá.
NHÃ LAN
AS HARD AS ROCK. Ngu như lừa
QA
QA chịu thua. Nhưng QA cũng không nghĩ lừa là giống vật ngu xuẩn.
BBT
Cô QA nói đúng. Người Anh người Mỹ nói AS STUBBORN AS A MULE nghĩa là cứng đầu, bướng như con la. Những điểm tương đồng giữa những câu ví của Việt Nam với Mỹ có lẽ cũng chỉ có thế. Như đã nói ở trên, tôi sẽ kể ra đây một số câu ví trong tiếng Anh hơi kỳ cục một chút nhưng chúng ta nên biết vì đó là cách nói đặc biệt của họ. Thí dụ AS AMERICAN AS APPLE PIE. Mỹ như cái bánh táo. Người ta nói như thế vì món bánh táo là món đặc biệt của người Mỹ, hệt như bánh chưng của người Việt Nam vậy.
QA
Người Mỹ có nói giống nhau như hai giọt nước không anh?
BBT
Không. Tiếng Anh nói AS ALIKE AS TWO PEAS IN A POD, giống nhau như hai hạt đậu trong trái đậu. Hai cô biết con hải ly chứ, con beaver trong tiếng Anh, con vật biểu tượng cho nước Canada. Con hải ly lúc nào cũng bận rộn, thoăn thoắt xây những cái đập của chúng. Vậy thì người Anh sẽ dùng nó để ví von chuyện gì?
NHÃ LAN
Về sự bận rộn luôn tay của nó, chúng ta nói AS BUSY AS A BEAVER. Ở Mỹ không có bèo nên không ai ví rẻ như bèo. Người ta nói rẻ như gì thưa anh?
BBT
AS CHEAP AS DIRT, rẻ như bụi đất. Chúng ta nói sạch như lau như ly. Cái còi dùng để cho vào miệng thổi nên chúng ta không nỡ để cho nó dơ dáy. Vậy thì cô QA sẽ nói thế nào nếu cái còi tiếng Anh là A WHISTLE?
QA
AS CLEAN AS A WHISTLE. QA biết một câu ví rất lạ lùng AS CUTE AS A BUTTON. Tại sao vậy thưa anh?
BBT
Tại vì người Anh , người Mỹ thấy cái nút áo … xinh quá nên nói như thế. Chúng ta thì không thấy như vậy. Cái cúc áo có gì mà xinh để ví von AS CUTE AS A BUTTON! Hai cô nên nhớ là chúng ta, ngay khi cùng là người Việt Nam, cùng nói tiếng Việt, vẫn có thể nhìn sự vật rất khác nhau. Ông Nguyễn Tất Nhiên viết: Em hiền như ma soeur nhưng một người bạn của tôi học trường ma soeur thì lại không nghĩ như thế. Những người thuộc các xã hội, văn hóa khác thì lại càng khác chúng ta về cách nhìn. AS FRESH AS A DAISY là tươi như hoa cúc. Ông Nguyên Sa thấy mầu áo vàng thì về yêu hoa cúc. Một thi sĩ Mỹ có thể sẽ không thấy như thế. Tôi mà thấy áo nàng vàng thì về yêu lọ mù tạc để ăn với miếng steak chẳng hạn. Nhưng người Mỹ lại nói là AS KEEN AS MUSTARD, nghĩa là sâu sắc như mù tạc. AS HIGH AS A KITE thì tạm hiểu được: cao như diều. Thế còn AS NEAT AS A NEW PIN là gì, cô Nhã Lan?
NHÃ LAN
AS NEAT AS A NEW PIN là gọn gàng như cái kim mới. Nhã Lan nghĩ cái kim mới thì sạch chứ sao lại NEAT, gọn gàng?
QA
Thì văn hóa, cách nhìn khác nhau như ông thầy nói mà. Thế còn thưa anh, câu ví von này nghĩa là gì: AS NUTTY AS A FRUIT CAKE?
BBT
Hai cô chắc biết món fruit cake chứ. Giáng Sinh là dịp người ta hay ăn thứ bánh này. Fruit cake là món bánh cũng chẳng ngon gì. Fruit cake làm bằng trái cây khô và vài ba thứ hạt như hạnh nhân, hột điều. Mấy thứ hạt đó, tiếng Anh là NUT. Nhưng NUTTY vừa có nghĩa là có nhiều hạt, laiï còn có nghĩa là khùng khùng, điên điên, dở người. AS NUTTY AS A FRUIT CAKE là điên điên , dại dại như cái bánh fruit cake. Nhưng trong tiếng lóng Mỹ, danh từ fruit cake vừa là một người ngu đần, vừa là một người đàn ông đồng tính luyến ái. Câu ví trên có hai ba nghĩa khác nhau, muốn hiểu thế nào cũng được.
NHÃ LAN
Thế còn tại sao người ta lại nói là AS PROUD AS A PEACOCK?
QA
Nhã Lan thấy mấy con công đi đứng không? Nhất là khi mấy anh công muốn giựt le mấy chị công. Chao ôi, vừa xòe lông cánh, lông đuôi ra, luôn cả mấy cái lông trên đầu cũng dựng lên, kêu quác quác rồi lại đi vòng vòng quanh mấy chị. Thế mà không phải là dáng kiêu kỳ, bàn tay năm ngón anh vẫn kiêu sa hay sao… Nhưng thưa thầy câu này nghĩa lý thế nào, tại sao lại nói như vậy: AS SNUG AS A BUG IN A RUG?
BBT
Câu cô vừa nói thực ra không có ý nghĩa gì hết. Đây chỉ là một câu nói cho có vần có điệu mà thôi. SNUG là nằm gọn. BUG là con sâu, con bọ. RUG là cái thảm. AS SNUG AS A BUG IN A RUG . Hai cô hồi các cháu còn nhỏ, quấn tã cho chúng xong trông có giống con sâu không? Đặt xuống nôi, chặn hai cái gối lại, đắp cho cái chăn lên thì có đúng là AS SNUG AS A BUG IN A RUG không?
Câu ví này thì tôi không hiểu. Nhưng chúng ta vẫn nghe người Mỹ nói, và nếu chúng ta dùng thì phải dùng như cách dùng của họ: AS TOUGH AS OLD BOOTS. Thông thường thì đôi giầy mới mua về, bao giờ cũng làm cho chân chúng ta bị đau. Đi nhiều lần, da mềm đi, giãn ra, thì không đau chân nữa mới phải. Nhưng người ta vẫn nói AS TOUGH AS OLD BOOTS. Câu này nữa: AS WISE AS AN OWL.
QA
QA thấy là người Việt chúng ta rất ghét những con chim cú. Nào là hôi như cú, nào là cú kêu là điềm gở. Nhưng người Anh người Mỹ lại rất yêu chúng. Cú được coi là giống vật thông minh nên chắc vì thế, người ta mới nói là khôn ngoan như cú phải không thầy? AS WISE AS AN OWL.
BBT
Cũng như AS SICK AS A PARROT, đau yếu, bệnh hoạn như vẹt. Tôi chưa thấy con vẹt nào trông có vẻ đau yếu cả. Nhưng AS MAD AS A BEAR WITH A SORE HEAD, bực bội, tức tối như con gấu bị nhức đầu thì có lý hơn. Tuy vậy, tôi nghe câu ví này thường hơn: AS MAD AS A WET HEN là cáu bực như con gà mái bị trời mưa.
NHÃ LAN
Nhã Lan thấy câu này dễ hiểu hơn : AS QUIET AS A MOUSE. Nhưng mẹ Nhã Lan thì lại ví câm như thóc.
BBT
Người Mỹ không trồng lúa, không ăn cơm nên không nói như thế. Người ta nói AS SILENT AS A CLAM.
QA
Vậy thì giống Việt Nam, chúng ta nói câm như hến. QA nhớ câu lù đù như chuột chù đội vỏ trứng không biết tiếng Anh có nói như thế không?
BBT
Gần như thế. Mole là con chuột chũi, cả đời chỉ ở trong hang, mắt quen bóng tối, ra sáng lóa mắt trông không thấy đường nên trong Anh ngữ, câu tương đương với câu của cơ QA là AS BLIND AS A MOLE. Cũng có khi nói AS BLIND AS A BAT. Cô Nhã Lan nghĩ con sư tử thì trong câu ví von sẽ như thế nào?
NHÃ LAN
Vua Richard của nước Anh rất can đảm nên được gọi là KING RICHARD THE LION-HEARTED. Sư tử thì can đảm nên người ta chắc sẽ nói AS BRAVE AS A LION phải không thưa anh?
BBT
Đúng. Con chồn, con cáo rất tinh ranh , khôn ngoan và xảo quyệt nên người ta cũng dùng nó trong cách ví von. Tôi gợi ý cho cô QA nhé: CUNNING là mưu mô, xảo quyệt.
QA
AS CUNNING AS A FOX. QA cũng nghe người ta nói AS SLY AS A FOX. Như thế SLY cũng là CUNNING chăng?
BBT
Đúng vậy. Câu ví này thì rất lạ: AS DEAD AS A DOOR NAIL. Chết như cây đinh trên cửa. Nghĩ lại thì cũng đúng. Lấy búa đóng cây đinh vào cánh cửa thì nó nằm im, hết ngọ nguậy. AS DEAD AS A DOOR NAIL. Cô QA, trái dưa chuột làm cô nghĩ tới điều gì?
QA
QA thấy nó tươi, mát. Hay là AS COOL AS A CUCUMBER?
BBT
Điều đó đúng. Nhưng COOL có hai nghĩa. Một là mát. Nghĩa thứ hai là tỉnh queo coi như không có chuyện gì xẩy ra. Kiểu như người Anh, như khi thái tử Charles bị một người cầm dao xông đến gần, chàng vẫn tỉnh queo, đọc tiếp bài diễn văn. Đó là COOL, là AS COOL AS A CUCUMBER. Nhân nói tới CUCUMBER mà không nhắc tới củ dền thì cũng thiếu sót. Củ dền mầu gì cô Nhã Lan?
NHÃ LAN
Nhã Lan nghĩ nó mầu đỏ. AS RED AS A BEET đúng không thưa anh?
BBT
Câu này thì nghe hơi lạ tai nhưng nghĩ lại thì cũng đúng. AS FIT AS A FIDDLE. Hai cô biết FIDDLE là cái ARCHET trong tiếng Pháp tức là cái cung kéo đàn, đàn nhị, đàn vĩ cầm, trung hồ cầm. FIT là vừa, là mạnh khỏe. TO KEEP FIT là giữ gìn sức khỏe. Cái FIDDLE hay cái ARCHET mà ốm đau sầu não, những sợi lông đuôi ngựa chùng xuống thì làm sao kéo đàn. Hay AS OLD AS THE HILLS. Chúng ta nói trăng bao nhiêu tuổi trăng già / núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non. Nhưng người Anh thì lại nghĩ khác. Đồi già, núi già … vì thế mà có câu ví AS OLD AS THE HILLS.
QA
Có phải vì vậy nên khi nói ai già thì tiếng Anh nói là OVER THE HILLS phải không thưa anh?
BBT
Có thể. Nhưng OVER THE HILLS có nghĩa là sau khi leo lên đến đỉnh đồi, tuổi sung mãn nhất của đời sống, thì người ta bắt đầu xuống giốc.Trên 65 tuổi chẳng hạn. Nói HE IS OVER THE HILLS là nói ông ta đã già háp, già cúp bình thiếc rồi.
Còn câu này nữa: AS POOR AS A CHURCH MOUSE là nghèo như con chuột ở nhà thờ. Đố hai cô là một sự kiện, một vật gì rất khan hiếm, rất hiếm thấy thì người ta nói làm sao.
QA
Xin chịu.
NHÃ LAN
Như bạn của Nhã Lan vẫn giả giọng Huế nói con chó không có răng mô… Chắc không được, chó nhiều răng chứ có ít bao giờ đâu.
BBT
Cô đã đi đến được rất gần, sao không nói tiếp: AS SCARCE AS HEN’S TEETH, hiếm như răng gà. Gà mới không có răng mô chứ.
À tiếng Anh cũng có một cách ví hệt như người Việt, như khi chúng ta nói mềm hay trơn như lụa. Người Anh sẽ nói là AS SMOOTH AS SILK. Trơn thực ra là SLIPPERY. Câu ví von với SLIPPERY là AS SLIPPERY AS AN EEL. Trơn như da lươn, chúng ta cũng nói vậy.
NHÃ LAN
Có một câu nào hoàn toàn ngược với lối ví von của người Việt không thưa anh?
BBT
Nếu bẻ queo đi thì cũng có. Hai cô chắc đã nghe câu biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Nghe là nghe người khác giảng, nói cho mà vỡ trí khôn ra. Nhưng nếu hiểu dựa cột mà nghe là nghe cái cột thì cái cột như thế phải biết nói. Nhưng tiếng Anh lại nói là AS DUMB AS A POST, câm như cái cột nhà. Cái cột nhà câm nên chúng ta đi hay đụng phải nó. Lục Vân Tiên, người con chí hiếu trong truyện của cụ Nguyễn Đình Chiểu vì thế mới đụng phải cột nhà và lại phải cõng cụ bà chạy vô nhà là như thế. Không, cụ Chiểu không viết thế. Bọn con cháu tinh nghịch của cụ mới nói như thế. Xin lỗi cụ.
NHÃ LAN
Cám ơn thầy Trúc, chỉ từ một câu hát của Paul Anka, thầy lôi ra mấy chục câu ví von trong tiếng Anh. Cám ơn QA đã truy bài ông thầy giùm cho khán giả Hồn Việt Television.
QA
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television vào tuần tới. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị và hẹn gặp lại quí vị trong bài học tới.
CHỮ NGHĨA CHÚNG TA
Cụ Nguyễn Sinh, Garden Grove, California
Anagram (tiếng Anh) / Anagramme (tiếng Pháp) là tự mê, trò chơi hoán đổi vị trí của những chữ để thành những chữ mới như (Nguyễn) THỨ LỄ thành THẾ LỮ, (Trần) KHÁNH GIƯ thành KHÁI HƯNG.
Đây là một vài thí dụ:
MOTHER-IN-LAW: WOMAN HITLER
SLOT MACHINES : CASH LOST IN ‘EM
A GENTLEMAN: ELEGANT MAN
CLINT EASTWOOD: OLD WEST ACTION
Trong ngôn ngữ thường đàm (colloquial), nhất là ở miền nam Hoa kỳ, nhiều chữ bị nói sai như WOULD OF chính ra phải là WOULD HAVE + PAST PARTICIPLE, ME chính ra phải là MY (POSSESSIVE ADJECTIVE).
Hai câu cụ hỏi, HE CALLS ME NAMES và HE CALLS ME NAME nghĩa rất khác nhau.
HE CALLS ME NAMES (số nhiều) nghĩa là ông ta chửi tôi, lăng mạ tôi, gọi tôi bằng đủ mọi thứ danh từ xấu xa nhất trên đời.
HE CALLS ME NAME (số ít) là ông ta gọi tên tôi. Đáng lẽ phải nói là HE CALLS MY NAME. Nếu dùng ME thì phải nói HE CALLS ME BY MY NAME.
TEA không chỉ có nghĩa là trà. Tại nước Anh và các quốc gia chịu ảnh hưởng của nước Anh, TEA còn có nghĩa là bữa chiều như DINNER ở Mỹ.
A CUPPA nói đúng ra phải là A CUP OF TEA.
Ông Trần Gia Hòa, San Jose, California
Ôn Như Hầu là tước vua Lê Hiển Tông ban cho Nguyễn Gia Thiều, tác giả của Cung Oán Ngâm Khúc.
Ôn Như là tên tự của Lương Văn Can (1854-1921) tức là cụ Cử Can, một trong những sáng lập viên của Đông Kinh Nghĩa Thục. Cả ba con trai của cụ Lương Văn Can là các ông Lương Trúc Đàm, Lương Nghị Khanh và Lương Ngọc Quyến đều hy sinh trong công cuộc chống Pháp.
Ôn Như cũng là hiệu của Dương Quang, một danh sĩ đời Thiệu Trị, quê ở Vân Đình, Hà Đông, thân phụ của Dương Khuê và Dương Lâm (bạn của Nguyễn Khuyến). Dương Thiệu Tước, Dương Nguyệt Ánh là những người của dòng họ Dương này.
Tchya là tên hiệu của Đái Đức Tuấn (Tôi Chỉ Yêu Agnes) sinh năm 1908 tại Thanh Hóa, qua đời năm 1969 tại Sài Gòn. Xuất thân làm tham tá ở nha học chính Đông Dương từ năm 1930 cho đến năm 1940. Có thời sống tại Côn Minh, Trung quốc. Năm 1950 ông dậy tại Quốc Học Huế, từng đeo lon đại úy trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Ông viết cho tờ Tự Do ở Sài Gòn với bút hiệu Mai Nguyệt cùng với Nguyễn Hoạt trong mục Nói Hay Đừng.
Ông Trần Hoành, Aspen, Colorado
Đài gương là cái bàn trang điểm, có giá gương của phụ nữ, chỉ các phụ nữ giàu sang, quyền quý:
Tiện đây xin hỏi một điều
Đài gương soi lấy dấu bèo cho chăng (Kiều)
Ma vật ông vải không đúng. Phải là sa vật ống vải mới đúng.
Sa là một bộ phận của khung dệt.
Rậm rật như sa vật ống vải hay lật đật như sa vật ống vải nghĩa là một tình trạng lộn xộn như khi cái sa lăn cuốn chỉ khiến cái ống vải lăn theo.
Ông Tuấn Nguyễn (thnguyen1446@yahoo.com)
Tuần lễ là bẩy ngày.
Tuần là 10 ngày tức là 1/3 của tháng. Mười ngày đầu là thượng tuần. Mười ngày sau là trung tuần. Mười ngày còn lại của tháng là hạ tuần.
Tuần cũng có nghĩa là 10 năm khi nói về tuổi tác. Thất tuần là 70 tuổi.
Tuần là lễ cúng người chết. Tuần bách nhật là cúng 100 ngày.
Suy Tôn Ngô Tổng Thống là ca khúc của Chính Nghĩa và Quang Minh, bút danh của Ngọc Bích và Thanh Nam. Câu đầu tiên sau vài ba tháng được đổi đi một chữ: Ai bao năm từng lê gót nơi quê người, LÊ GÓT được đổi thành IN GÓT. Bài ca này bị một ông Việt kiều về nước dự đại hội với nhà cầm quyền Cộng Sản mô tả là "buồn cười". Chúng tôi không thấy buồn cười ở chỗ nào cả. Chỉ thấy chính người viết bài báo ấy … buồn cười.
Cô/ Bà Hạnh, Seattle, WA
Court of Saint James’s là triều đình của nước Anh. Các đại sứ của các nước ngoài trình ủy nhiệm thư tại đây. Khi nói the ambassador to the Court of Saint James thì đó có nghĩa là đại sứ tại triều đình hoàng gia Anh.
House of Windsor là hoàng gia Anh. Người đứng đầu của House of Windsor là nữ hoàng Elizabeth đệ Nhị.
England chỉ là một phần của United Kingdom. England cùng với Scotland và Wales là Great Britain. Great Britain cùng với Northern Ireland là United Kingdom.
Bài thơ bà hỏi là của Vương Hàn. Thơ Đường mà dịch sang tiếng Anh thì … không ra gì cả. Đây là bài Lương Châu Từ bản dịch của Witter Bynner:
A SONG OF LIANG-CHOU
They sing, they drain their cups of jade
They strum on horseback their guitars
Why laugh when they fall asleep drunk on the sand?
How many soldiers ever come home?
Họ hát, họ uống cạn những chiếc chén bằng ngọc
Họ đánh đàn trên lưng ngựa
Tại sao lại cười khi họ say ngủ trên cát?
Có bao nhiêu chiến sĩ về được nhà?
Nguyên văn chữ Hán:
Lương Châu Từ
Bồ đào mỹ tửu, dạ quang bôi
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc vấn
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?
Trần Trọng San dịch:
Rượu bồ đào, chén dạ quang
Muốn say, đàn đã rền vang giục rồi
Sa trường say ngủ, ai cười
Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu?