December 23, 2009

December 25, 2009

Ngày 21 tháng 12 năm 2009

Bạn ta,

Sau khi Holly Madison, Kendra Wilkinson và Bridget Marquardt dọn ra, người đàn ông mà đời sống là niềm mơ ước thầm kín cũng như lộ liễu của rất nhiều người đàn ông trên thế giới này, Hugh Hefner, chủ bút của tờ Playboy, đã lại mở cửa nhà để đón 3 cô bạn gái khác, Crystal Harris , Karissa và Kristina Shannon để thay thế cho 3 cô bạn gái cũ đã "bỏ đi như những dòng sông nhỏ …"


Image: Snapper Media

Karissa và Kristina là hoa thơm nên đón cả cụm về là phải. Hai chị em sinh đôi chỉ mới 19 tuổi. Crystal Harris 22 tuổi. Cả ba cô, đem tuổi tác cộng lại vẫn chưa bằng số tuổi 83 của Hugh Hefner.

Ba người càng ngày càng xuất hiện nhiều hơn với Hugh Hefner. Nhiều người đàn ông ở Mỹ đã phải vào bệnh viện vì ghen tức đến trào máu ra ở họng. Một số khác bỏ đi theo Cộng Sản, phản đối việc tài sản phân chia không đồng đều, tài nguyên bị tóm lại trong tay một người, ngược lại hẳn với những điều Karl Marx rao giảng. Nhiều người đang phát điên.

Mà điên người lên cũng có lý. Người thì không có một con ma nào, tối tối về nhìn cái trần nhà mà khóc ngất. Trong khi đó, ông chủ báo Playboy có của ăn, của để, dùng không hết mà không chịu ban phát cho thiên hạ.

Hugh Hefner năm nay 83 tuổi. Thất thập cổ lai hy, xưa nay sống được tới 70 tuổi đã là hiếm. Vậy mà chàng vượt được quá số 70 tới 13 năm. Không những thế, chàng còn có tới 3 em bé đậu trên tay thì hỏi sao mà không bị chúng ghen, chúng ghét.

Hồi Uy Viễn tướng công bồng một người em bé bỏng về, người em bé bỏng hỏi tướng công bao nhiêu tuổi, tướng công khai nửa thế kỷ trước, tướng công chỉ mới 23 tuổi. Lúc ấy, Uy Viễn tướng công 73 tuổi, vẫn còn thua Hugh Hefner 10 tuổi. Uy Viễn chỉ có một người em bé bỏng. Hugh Hefner có 3 . Uy Viễn tướng công đỗ đạt, binh nghiệp đều hơn Hugh Hefner nhưng thua xa Hefner về số em bé.

Càng nghĩ, những người đàn ông càng phát điên lên. Xe Rolls Royce cứ hai ba năm người ta lại đổi xe mới trong khi những người đàn ông kia cứ cái Chevrolet cà cộ chạy hoài, vừa chạy vừa rên, nhớt nhiếc (?) châm hoài vẫn thiếu.

Nhưng các chàng không hề biết là các chàng bị Hugh Hefner lừa hết. Thử không có cái tài sản vài chục triệu, không có căn nhà lớn để party tối ngày, mang lại những cơ hội để gặp gỡ các cầu thủ, các ca sĩ, diễn viên cho các em bé thì liệu có em nào chịu dọn vào ở chung?

Chắc chắn là không.

Rồi còn cái chuyện "đó" nữa.

Emile Henriot, một nhà văn Pháp viết trong một tiểu thuyết của ông rằng ở gần tuổi 50, mọi chuyện đều đi xuống để chấm dứt. Nhân vật của Henriot bỗng thấy cái cảm giác đau đớn khi thấy mình xuống dốc, cái gì cũng hư vô, không sao chống lại được.

Stendhal, một nhà văn khác cũng rầu rĩ khi thấy mình sắp ngũ tuần.

Mà đó là mới ngũ tuần. Chiếc xe chạy hơn 100 ngàn dặm chỉ muốn quăng đi cho rảnh nợ. Lúc thì ho, lúc thì hen, ngồi vào lái chỉ sợ đi xa một chút là nó lăn đùng ngã ngửa ra ăn vạ. Vậy thì có giao cho tài xế trẻ, lái giỏi cách mấy thì cũng vậy mà thôi. Nhọc cái thân già mà đã chắc được gì.

Thế nên Hugh Hefner 83 tuổi, coi vậy mà đã chắc gì được vậy? Bệu rệu thấy rõ. Má hóp, răng giả tháo ra lắp vào, tay chân lạng quạng lứng cứng không khéo bị mắng cho nát mặt.

Ở tuổi 83 đó, cách nào không phải nghe những tiếng thở dài trong đêm.

Có lẽ những tiếng thở dài đó là những âm thanh gây đau đớn nhất cho những người đàn ông trong những đêm khuya khoắt.

Cho nên nghĩ lại thì thấy cái trần nhà không bao giờ thở dài lại là điều hạnh phúc chăng?

Thế thì uất lên làm cái gì cho mệt cái thân già?


Ngày 22 tháng 12 năm 2009

Bạn ta,

ASBO là những chữ viết tắt của Anti-Social Behavior Order, bộ luật của nước Anh qui định phạt những hành vi chống lại xã hội.

Những hành vi chống lại xã hội có thể là cầm cái đinh kéo một đường dài trên nước sơn của cái Ferrari đắt tiền chẳng hạn. Hay là nhét mấy cái đinh vào quả táo đem cho trẻ trong đêm Halloween. Đó là những việc làm độc ác của những tâm địa thù ghét xã hội và người chung quanh.

Nhưng bộ luật này cũng vừa được nại ra để phạt một cặp vợ chồng ở New Castle, Anh quốc trong một trường hợp rất lạ lùng.

Vì chuyện này, thành phố New Castle nhiều mỏ than đá từ nay không còn chỉ nổi tiếng vì câu tục ngữ "to carry coal to New Castle", tương đương với câu "chở củi về rừng" của chúng ta nữa.

New Castle sẽ nổi tiếng vì những biện pháp trừng phạt nhắm vào một cặp vợ chồng tên là Caroline và Steve Cartwright.

Tại tòa New Castle, những tiếng rên rỉ, la thét, gầm rú vọng từ nhà của cặp vợ chồng này được mô tả là những thứ âm thanh không tự nhiên, nghe như đang có án mạng xẩy ra, như có người đang bị bóp cổ, đâm bằng dao…

Những tiếng động đó gây rất nhiều phiền nhiễu cho những người sống bên cạnh nhà của Caroline và Steve. Trong số những người than phiền về những tiếng động đó còn có một người đưa thư , một phụ nữ dẫn con đi học qua nhà của Caroline và Steve.

Hai người khai tại tòa rằng không hề có chuyện người này đâm người kia, người kia bóp cổ người này hay án mạng đang có thể xẩy ra. Họ chỉ làm những tiếng động đó trong lúc họ ở trên giường. Và họ cũng không hề biết là những tiếng động đó thoát được ra ngoài và làm phiền những người chung quanh.

Một người hàng xóm của cặp này nói là cô thường xuyên mất ngủ vì những tiếng quát tháo, la thét kéo dài hàng mấy tiếng đồng hồ từ nhà bên cạnh vọng qua.

Như vậy là suốt đêm. Thế còn ban ngày thì sao? Người phụ nữ dẫn con đi học mà còn nghe thấy tiếng la thét thì sáng ra cũng vẫn còn. Người đưa thư đi qua thì phải là giấc trưa.

Tiếng động vẫn còn.

Thế là gần hết ngày rồi còn chi là ngày nữa.

Khi có đơn than phiền, thành phố cho người đến điều tra thì máy đo tiếng động đặt trong các nhà bên cạnh đo được những âm thanh cao tới 47 decibels trong khi theo những qui định về sức khỏe của Tổ Chức Y Tế Thế Giới nói rõ là 30 decibels cũng đủ để làm cho người ta mất ngủ.

Tòa ra phán quyết cấm Caroline và Steve la hét, gầm thét hay lớn tiếng trong những lúc hành sự.

Nhưng chuyện to tiếng, la thét là chuyện không phải là hiếm. Có khi không vui, không đạt yêu cầu thì bị chê trách thành tiếng. Những khi vui vẻ, cách ngợi khen có thể trong hình thức những tiếng la hét, gầm rú, có khi lại kèm theo những tiếng chửi … yêu rất tục tĩu.

Nhiều cặp vợ chồng đã ở được với nhau lâu dài hạnh phúc cũng nhờ những âm thanh cuồng nộ (The Sounds Of The Fury của William Faulkner) đó. Những tiếng la thét là những khuyến khích, những lời khen, những cách biểu dương cho người khác nghe thấy. Chuyện đó thì thường. Nỡ lòng nào đưa đôi trẻ ra tòa.

Hay là ghen, vì chẳng bao giờ thấy phía bên kia la lên được một tiếng. Cứ im lặng thở dài thì có chán không cơ chứ.

Ra đường trông thấy tơ người
Về nhà trông thấy tằm tôi, tôi buồn…

Thế là đem đơn khiếu nại cho bõ ghét. Và vì thế mới thành chuyện cho New Castle nổi tiếng. Chứ nổi vì than thì chán chết.

Nhưng đệ cái đơn cho cảnh sát cũng là "than" đấy chứ. "Than" phiền đó chứ.


Ngày 23 tháng 12 năm 2009

Bạn ta,

Năm tới tháng Hai không phải là tháng có 29 ngày. Cứ 4 năm mới có 1 năm có tháng Hai 29 ngày. Như vậy phải đợi đến năm 2012 mới lại có ngày 29 để tháng Hai khỏi phải ấm ức chỉ có 28 ngày.

Trong ngày này, theo một tục lệ rất cổ có từ thế kỷ 13 ở Tô Cách Lan, các phụ nữ chưa chồng được quyền đi hỏi chồng thay vì ngồi nhà chờ những người đàn ông tới ngỏ lời trước.

Những phụ nữ này chắc chắn đã phải để mắt tới một hai người đàn ông nào đó trong làng rồi, nên chỉ chờ cho đúng đến ngày 29 của tháng 2 nhuận là chị em lập tức lên đường. Và khi các nàng hỏi, là các chàng phải nhận lời cầu hôn của các nàng ngay, không được phép từ chối. Ai từ chối sẽ phải nộp phạt cho làng 3 Bảng Anh, một khoản tiền không nhỏ ở Tô Cách Lan trước đây. Nhiều người đàn ông sợ phải nộp phạt, nên đành trao duyên cho các nàng vậy.

Trong ngày đi hỏi chồng như thế, các phụ nữ Tô Cách Lan cũng đặt ra những tiêu chuẩn để tìm các chàng chứ không phải là bạ ai cũng xin bàn tay cho bõ những ngày cơ cực như nhiều người có thể nghĩ.

Cách đây vài năm, một tài liệu mật về những tiêu chuẩn kén chồng của các phụ nữ này bị lộ ra ngoài. Tập tài liệu có tựa đề là What I Want In A Man ghi những điều các phụ nữ tìm kiếm ở những người đàn ông trong ngày 29 tháng 2. Những tiêu chuẩn này khác nhau tùy theo tuổi tác của những người phụ nữ. Thí dụ phụ nữ trong hạng tuổi từ 20 đến 30 thì đi kiếm những người đàn ông nhất định là phải rất khác những người mà các phụ nữ trong hạng tuổi 50 đi tìm. Tập tài liệu này không những chỉ giúp ích cho phụ nữ trong việc tuyển chọn, mà còn giúp cho cả những người đàn ông biết mà giữ mình.

Tôi nghĩ vì thế, bạn cũng cần biết nên chép ra một số chi tiết...

Trong hạng tuổi 20 đến 30, các phụ nữ tìm những người đàn ông có các tiêu chuẩn sau đây:

-Đẹp trai

-Duyên dáng

-Thành công về tài chính

-Biết nghe nàng nói chuyện

-Ăn nói giỏi

-Khỏe mạnh

-Phục sức lịch sự

-Biết thưởng thức những cái hay và đẹp trên đời

-Lúc nào cũng có thể gây ngạc nhiên thích thú cho người đối diện

-Là một người tình đầy sáng tạo và lãng mạn

Ở tuổi ngoài 30, người đàn ông mà phụ nữ đi kiếm phải:

-Trông được

-Biết mở cửa xe, kéo ghế cho phụ nữ

-Có tiền để mời nàng đi ăn ở những nhà hàng sang trọng

-Biềt nghe nhiều hơn là nói

-Biết cười đúng chỗ mỗi khi nàng kể chuyện diễu

-Đủ sức để giúp nàng khuân vác khi đi chợ

-Có ít nhất một cái ca vát

-Biết thưởng thức một bữa ăn ngon nàng nấu ở nhà

-Nhớ ngày sinh nhật nàng và ngày kỷ niệm hai người gặp nhau

-Lãng mạn với nàng ít nhất mỗi tuần một lần

Ở tuổi 40, phụ nữ tìm người đàn ông:

-Không quá xấu trai

-Không vội lái xe đi trong khi nàng chưa... ngồi vào xe

-Có công ăn việc làm tử tế, lâu lâu đi ăn McDonald một lần cũng được

-Biết gật gù ra chiều hiểu những gì nàng nói

-Nhớ lúc nào cần cười khi nghe chuyện tiếu lâm

-Có sức khỏe để thỉnh thoảng kê lại bàn ghế

-Mặc áo sơ mi che kín bụng

-Nhớ hạ nắp bồn cầu xuống sau khi dùng

-Nhớ thay cuộn giấy khi hết giấy

-Cuối tuần cạo râu

Ở tuổi 50, phụ nữ kiếm đàn ông biết:

-Giữ lông mũi và lông tai vừa phải, không dài quá

-Không gãi ở chốn công cộng

-Không ợ to ở tiệm ăn

-Không ngủ gật khi nàng nói chuyện

-Không kể lại một câu chuyện cười quá năm lần

-Khỏe mạnh để thỉnh thoảng đứng dậy khỏi cái sofa trước máy truyền hình

-Mặc quần áo lót sạch và biết đi hai chiếc vớ cùng mầu

-Biết thưởng thức TV dinner của nàng... nấu

-Nhớ tên của nàng

-Thỉnh thoảng cạo râu

Ở tuổi 60 các phụ nữ kiếm những ngươi đàn ông thế này:

-Không làm trẻ con sợ mất ngủ mỗi khi trông thấy mặt

-Nhớ cầu tiêu ở chỗ nào trong nhà

-Biết nhắm khi đi tiểu

-Ngáy nhỏ khi có khách đến thăm nhà

-Gắn răng vào trước khi cười

-Đủ sức khỏe để tự đứng dậy một mình

-Mặc quần áo ngay cả khi ở nhà một mình

-Nhớ chỗ để bộ răng giả để khỏi mất công đi kiếm

Ở tuổi 70, các bà kiếm người đàn ông:

-Còn thở...


Ngày 26 tháng 12 năm 2009

Bạn ta,

Cuối tuần qua, tại một bữa ăn ở nhà người bạn, tôi bị xếp ngồi cạnh một người vô duyên có thể vào hạng nhất nhì của thế giới không Cộng sản.

Nàng không đến nỗi xấu, chỉ phải tội vô duyên. Tất cả các chuyện chúng tôi nói nàng đều góp tiếng, và mặc dầu chưa nói hết hoặc cũng có khi người nghe chưa hiểu nàng nói những gì, thì nàng đã cười nấc lên từng chập. Chỉ thiếu có việc đứng lên nói to: "Xin quí vị một tràng pháo tay" như mấy ông emcee ở mấy cái đám cưới là nét vô duyên của nàng được trang bị không còn thiếu bất cứ cái gì nữa. Tôi cứ nghĩ nàng có thể xin làm cho những chương trình truyền hình hài hước, để khi các kịch sĩ hài hước đứng lên kể chuyện diễu, nàng có thể cười sặc sụa bất cứ lúc nào, các đài truyền hình khỏi phải dùng canned laughter -- tiếng cười đóng hộp -- mà nhờ nàng, chương trình vẫn có tiếng cười đúng hiệu lệnh khi cần.

Đã thế nàng còn có lối ăn nói rất kỳ lạ. Mấy lần nàng nói với tôi mà tôi không biết, vì lối đặt câu thiếu chủ từ và túc từ của nàng, tôi đành để cho cái bàn và cái ghế trả lời nàng vậy. Lối nói trống không thường chỉ được dùng khi đã thân mật với nhau lắm, hay chưa thân đủ, vẫn còn chút ngượng ngùng, mà tôi với nàng thì không nằm (?) ở trong cả hai trường hợp. Đành cứ để nàng nói trống không với bàn ghế vậy.

Tôi quay sang làm bạn với chai Clos du Bois rồi thêm nửa chai gì nữa mà tôi không nhớ tên, mặc cho nàng làm người phụ nữ thông thái, góp chuyện với tất cả những người đàn ông khác trong bàn, thỉnh thoảng cười rú lên những tràng cười ghê rợn.

Nhưng nàng nhất định không để cho tôi yên. Lúc sau, nàng quay sang nói với tôi, vẫn cứ trống không, rằng: "Này... say rồi đấy nhé..."

Nàng gọi tôi là "anh đồ tỉnh, anh đồ say...", tiếc nàng không là Hồ Xuân Hương duyên dáng để có thêm câu sau: "Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày..." Tôi bực quá, ngồi uống tiếp. Nàng vẫn không tha, hỏi tôi làm sao lái xe về nhà. Tôi đáp là tôi sẽ... bơi về nhà. Và khi nàng rú lên cười, thì tôi đứng dậy, bỏ bàn tiệc, về sớm.

Từ hôm đó đến hôm nay, tôi ăn uống vẫn chưa thấy ngon trở lại. Vẫn ấm ức không ít. Tại sao tôi phải làm quân tử Trung Hoa Dân Quốc (ngày xưa gọi là quân tử Tầu) để không nói lại nàng một câu nào cho hả giận? Tại sao không cho nàng uống thử thuốc của chính nàng?

Nhưng tôi không làm được gì để... bánh qui lại cho nàng.

Mãi cho đến hôm qua, đọc cuốn sách về Sir Winston Churchill một người từng đụng dăm ba người đàn bà độc địa còn hơn người phụ nữ ở bàn tiệc của tôi nhiều, thì tôi nghĩ là tôi đã có cách để nói phải quấy với nàng trong lần gặp gỡ tới.

Winston Churchill đụng lần thì với Lady Astor, một phụ nữ đanh đá bậc nhất ở Quí Tộc Nghị Viện, lần thì Bessie Braddock, cũng một nữ lưu đáo để không kém trong một bữa tiệc.

Cuốn sách kể Bessie Braddock nói với Winston Churchill một câu giống hệt như câu tôi được nghe tuần trước. Thấy Sir Winston uống đã nhiều, Bessie Braddock nói với ông rằng, "Winston, you are drunk." Sir Winston nói ngay: "Madam, I may be drunk, but you are ugly, and tomorrow, I will be sober."

Thưa bà, có thể tôi say rượu thật đấy, nhưng bà thì xí gái kinh hồn, sáng ngày mai, tôi sẽ tỉnh rượu.

Sir Winston Churchill, người cứu được nước Anh trong Đệ Nhị Thế Chiến thì nay, sau khi ông qua đời gần bốn chục năm nay rồi mà ông vẫn còn giúp được người đàn ông Á châu này bớt đi những ấm ức từ suốt mấy ngày vừa qua.

Lần tới gặp nhau, thế nào cũng có người được nghe Winston Churchill lấy điếu xì gà đang ngậm trong miệng ra, rồi bằng giọng Harrow, mắng cho chừa cái tật vô duyên đi...

Tôi đã tỉnh ngay khuya hôm đó, không cần phải chờ đến sáng ngày hôm sau vì thực ra, tôi cũng không hề say bao giờ. Nhưng nàng, tôi còn phải chịu đựng sự vô duyên của nàng đến bao giờ đây?


Ngày 27 tháng 12 năm 2009

Bạn ta,

Ông Võ Phiến là một nhà văn hàng đầu của Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Trung là giáo sư đại học Văn Khoa Sài Gòn trước năm 1975. Cả hai ông đều cho là người Việt Nam chửi tục và hay chửi tục.

Trong một tùy bút, ông Võ Phiến đã phân tích những cách chửi của người Việt rất lý thú. Ông Nguyễn Văn Trung, trong một tầi liệu giảng huấn cho lớp dự bị văn khoa, cũng mổ xẻ ngọn ngành một số những câu chửi của người Việt.

Chúng ta trong đời sống chắc chắn đã nghe chửi ít nhất là một lần. Có thể là nhắm vào chúng ta, và cũng có thể nhắm vào người khác mà chúng ta, vì có mặt ở đó, trong tầm bay lượn của những tiếng chửi, và nghe thấy. Chính miệng chửi tục thì có thể một số người trong chúng ta không làm. Nhưng số đó khá hiếm. Đến ngay nhà chùa cũng chửi, không tục nhưng cũng vẫn là hai ba chữ nặng lời: bá ngọ.

Người miền Bắc chửi tục một kiểu, miền Trung và miền Nam có những tiếng tục khác để chửi. Nhưng tất cả đều dùng những thứ ngôn từ để xúc phạm tối đa tổ tiên, gia đình, dòng họ phía bên kia, mời phía bên kia ăn những chất phế thải từ trong người tiết ra, những bộ phận cơ thể thường thì được che kín đi được lôi ra để mời phía bên kia thưởng thức, hay xếp hạng, ví phía bên kia như những loài vật hạ đẳng.

Có lẽ chỉ có người Nhật là dân tộc duy nhất trên thế giới không chửi tục. Họ đánh mất trò chửi tục sau khi Minh Trị lên ngôi, giải phóng dân Nhật, cho phép dùng thứ ngôn ngữ trong hoàng gia nên người thường dân Nhật bỏ luôn lối ăn nói cũ, trong đó có những câu chửi tục để dùng kính ngữ với nhau.

Lũ trẻ ra đời ở ngoài Việt Nam có một số không biết chửi bằng tiếng Việt vì cha mẹ chúng không dùng, hay ít dùng ở nhà. Chúng được bù lại bằng những câu chửi tục tĩu nhất bằng tiếng Anh. Không tin cứ đến California là thấy ngay điều này là đúng.

Mấy chục năm trước, trong lúc đi ngòai đường ở Úc, ở Mỹ … khi chuyện người Việt gặp nhau còn khó, cứ thấy cậu nào da bủng mũi tẹt, chúng tôi chửi thử một câu thật khẽ khi đi ngang, và nếu bị phía bên kia cự nự thì đúng là một anh Mít. Hồi ấy, Mít chúng tôi nhận ra nhau bằng cách đó.

Ở Mỹ mấy chục năm, không nghe chửi tục có lúc tôi cũng thấy nhớ.

Nhưng dễ gì được nghe để tìm lại những kỷ niệm cũ.

Hương âm vô cải mấn mao thôi… Tiếng quê hương không thay đổi, chỉ có những sợi tóc mai đã bạc như thơ Hạ Tri Chương.

Những câu chửi từ dưới căn ngõ của căn nhà đường Sinh Từ, những bài chửi vần điệu từ đầu căn hẻm ở Ngã Sáu Sài Gòn của hai vợ chồng sửa xe đạp, của những người bạn học cùng lớp đã lâu lắm không được nghe lại nhưng chắc cũng không thay đổi bao nhiêu.

Tuần trước, một người bạn chuyển vào e-mail một địa chỉ để đề nghị tôi nghe chửi. Và hôm qua tôi vào thử địa chỉ phaocongsan.com.

Chao ôi là vui.

Bao nhiêu câu chửi lâu ngày không nghe, được nhắc lại không thiếu một câu nào. Cũng những câu đòi mây mưa với dăm ba người phụ nữ, cũng mời đối phương ăn uống đủ thứ của ngon vật lạ, cũng gọi đối phương bằng tên những con vật mà người Việt coi là xấu xa, dơ dáy nhất.

Đó là những trao đổi bằng điện thoại, những đoạn điện đàm với lúc thì đồn công an ở chợ An Đông, lúc thì với trụ sở công an ở Gò Vấp, ở phường Nguyễn Văn Của, ở lăng Ba Đình …

Phía gọi tới những số điện thoại này là nhiều tiếng nói khác nhau giọng miền Nam. Phía trả lời có khi là giọng Bắc, có khi là giọng miền Nam. Phía gọi tới khi nghe bên kia trả lời thì có lúc nói năng rất lễ phép, khi biết người trả lời là thứ có chức phận mới khai pháo. Có khi bên kia vừa trả lời đã bị chửi phủ đầu ngay. Đó là những nhắc nhở phía bên kia về việc cảnh sát bắt bớ người biểu tình chống Bắc kinh, đặt vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, việc bịt miệng cha Nguyễn Văn Lý, việc bỏ tù luật sư Lê thị Công Nhân, những vụ đàn áp dân oan khiếu kiện… kèm theo phần ghi âm những đoạn điện đàm đó là những đoạn video có cảnh công an đánh dân, cảnh một phụ nữ thoát y để phản đối chính phủ ởû Hà Nội cướp đất, cướp nhà của bà…

Tiếng người gọi đến chửi liên tục, phía bên kia không một người nào trả lời những chi tiết liên quan đến những vấn đề như cha Lý, Hoàng Sa, Trường Sa, tầu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị Tầu ức hiếp. Phía nhận điện thoại chỉ đáp lại bằøng những câu chửi tục tĩu nên lại càng bị chửi dữ dội hơn.

Tiếng người chửi không phải chỉ có một, mà là nhiều giọng khác nhau, cả nam lẫn nữ. Và nghe kỹ thì thấy đó là tiếng Việt không pha một chữ tiếng Anh hay tiếng Pháp nào. Điều đó cho thấy người gọi điện thoại là những người ở trong nước. Những người ấy phải bực bội lắm, phẫn nộ lắm mới nghĩ ra trò chơi giải trí bằng điện thoại như vậy.

Có người sẽ nói chửi tục như vậy để làm gì, có làm được gì không. Dĩ nhiên là không làm được gì cả. Nhưng chửi được ra lời cũng hả được một đôi chút. Phía bên kia không trả lời cũng là một hình thức trả lời. Đêm về thế nào chẳng nghĩ lại những câu chất vấn.

Trò chơi này có thể sẽ bị những con người lịch sự và có văn hóa, giáo dục ở nước ngoài cho là vô ích và không nên làm, và nếu chống Việt Cộng thì cũng có những cách khác hơn là đòi giao hợp với mẹ của ông Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, Nông Đức Mạnh ...

Nhưng nếu tôi còn ở Việt Nam, và nếu may mắn còn sống sau những năm đi tù, thì nhất định tôi cũng sẽ phải góp tiếng trong những đoạn điện đàm vô cùng lý thú đó.

Chắc chắn sẽ tục tĩu không hơn thì cũng bằng những người điện thoại chửi công an nhà nước.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 59)

Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 59 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 1 năm 2010.

QUỲNH ANH

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống hàng ngày. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

NHÃ LAN

Có người nhờ Nhã Lan yêu cầu anh giải thích về thì quá khứ trong tương lai. Thế nào là quá khứ trong tương lai? Tại sao lại có thể có chuyện quá khứ trong tương lai được? Tiếng Anh gọi thì này là gì?

BBT

Có thể có quá khứ trong tương lai. Không phải là BACK TO THE FUTURE mà là PAST IN THE FUTURE.

Thực ra, quá khứ trong tương lai, nghe thì rắc rối, nhưng cũng không có gì là khó hiểu. Chúng ta cũng dùng thì này khá thường.

Tiếng Anh gọi thì này là FUTURE PERFECT. Thì quá khứ trong tương lai, như tên của nó đã nói khá rõ, là thì được dùng để nói về một việc, một diễn biến, một biến cố hiện nay, vào lúc này chưa xẩy ra nhưng theo dự tính, theo sự kỳ vọng, chờ đợi của người nói, thì sẽ xẩy ra, sẽ trở thành quá khứ trước một việc nào đó, một thời điểm, một ngày giờ nào đó trong tương lai.

Cô Nhã Lan có bao giờ thấy những trường hợp như thế chưa?

NHÃ LAN

Bây giờ thì Nhã Lan hiểu là chính Nhã Lan cũng nhiều lần dùng thì qúa khứ trong tương lai rồi mà không biết. Nhưng trong tiếng Việt thì giản dị hơn nhiều. Thí dụ khi Nhã Lan nói với con gái rằng thôi, đừng đợi mẹ nữa, khi mẹ về thì con đã ngủ rồi. Nhã Lan lúc ấy chưa về. Mà con Nhã Lan cũng chưa ngủ, nhưng Nhã Lan nghĩ là khi từ phi trường về khoảng 2 giờ sáng, thì con gái Nhã Lan đã ngủ từ lâu rồi.

QA

Còn QA thì bữa nọ, con gái QA nói với anh nó rằng khi lên đại học thì anh nó đã xong bằng MA rồi.

BBT

Hai thí dụ mà hai cô đưa ra cho thấy như vậy hai cô đã hiểu khi dùng FUTURE PERFECT. Bây giờ qua đến cách lập thành thì FUTURE PERFECT.

Thực ra cũng không khó gì.

Trước hết phải dùng WILL hay SHALL cái đã.

Sau đó, chúng ta thêm động từ TO HAVE nguyên mẫu (INFINITIVE WITHOUT TO) không có TO.

Như vậy, chúng ta sẽ có WILL hay SHALL và HAVE. Sau đó, là PAST PARTICIPLE của động tữ chính.

Cô Nhã Lan, cô nói là các con cô đã đi ngủ. Động từ đi ngủ, vào giường là TO BE IN BED. Thế quá khứ phân từ, PAST PARTICIPLE của TO BE IN BED là gì?

NHÃ LAN

Là BEEN IN BED.

QA

Còn thí dụ của QA, học xong học trình MA là TO FINISH HIS M.A. Quá khứ phân từ của TO FINISH là FINISHED.

BBT

Bây giờ, cô Nhã Lan nói lại câu khi mẹ về thì con đã đi ngủ rồi bằng tiếng Anh coi.

NHÃ LAN

WHEN I WILL COME HOME, YOU WILL HAVE BEEN IN BED. Nói vậy đúng chưa thầy?

BBT

Đúng một nửa. YOU WILL HAVE BEEN IN BED. Đó là FUTURE PERFECT TENSE, rất đúng. Nhưng câu thứ nhất thì sai, câu WHEN I WILL COME HOME. Câu này sai. Hai cô nhớ là sau các trạng từ WHEN, BEFORE, WHILE, AS, BY THE TIME, UNTIL, AS SOON AS, AS LONG AS, WHENEVER, ANYTIME … chúng ta KHÔNG dùng WILL hay SHALL mặc dù việc làm đó, chuyện đó sẽ xẩy ra trong tương lai.

WHEN I GET HOME chứ KHÔNG bao giờ nói WHEN I WILL GET HOME.

BEFORE WE GO TO THE AIRPORT chứ KHÔNG bao giờ nói BEFORE WE WILL GO TO THE AIRPORT.

Nhớ là với WHEN chúng ta dùng PRESENT TENSE mà vẫn có nghĩa tương lai, không cần dùng WILL hay SHALL. Thí dụ nói WHEN I AM 75 YEARS OLD, chứ không nói WHEN WILL BE 75 YEARS OLD.

WHEN I GET HOME. WHEN THE RECESSION ENDS. WHEN MISTER OBAMA RETIRES. WHEN I RETURN TO HANOI. WHEN THE WAR COMES TO AN END IN IRAQ. WHEN THE U.S. CAPTURES OSAMA BIN LADEN. Bây giờ để nghe thí dụ của cô QA.

QA

WHEN I GO TO COLLEGE NEXT YEAR, MY BROTHER WILL HAVE FINISHED HIS GRADUATE DEGREE.

BBT

Đúng lắm. Cô Nhã Lan cho nghe một câu khác nữa.

NHÃ LAN

Nhã Lan đi đám cưới con cô bạn. Nhã Lan chúc cháu mau có tin vui: THIS TIME NEXT YEAR, YOU WILL HAVE BECAME A MOTHER.

BBT

Tức là Hôm nay cô nhận thiệp hồng
Sang năm, cháu đã tay bồng tay mang
. Còn cô QA?

QA

QA tưởng tượng ba của cô dâu sẽ nói thế này: TO DAY IS YOUR HAPPIEST DAY. NEXT YEAR, I WILL HAVE HAD MY FIRST GRANDCHILD.

BBT

Xin dịch thử sang tiếng Việt coi có đúng không nhé:

Hôm nay con lên xe bông
Sang năm bố đã là ông ngoại rồi

Cô Nhã Lan nói câu này bằng tiếng Anh coi: Vào năm 2015, tôi sẽ (đã) ở Mỹ được 40 năm.

NHÃ LAN

IN 2015, I SHALL HAVE LIVED IN THE US FOR 40 YEARS.

BBT

Cô QA dịch câu này sang tiếng Việt coi: WHEN HE GETS THE COMPENSATION, HIS CHEEKS WILL HAVE BEEN SWOLLEN.

QA

Chờ được nạ thì má đã sưng phải không thưa thầy?

BBT

Chịu hai cô là giỏi. Câu vừa rồi là để dịch chơi thôi chứ người Mỹ thường không nói như vậy. Hai cô đúng là hỏi đâu biết đó. Thế còn cô Nhã Lan, cô nói câu này bằng tiếng Anh coi: Vào tuần tới, chúng ta sẽ (đã) học với nhau 60 bài tiếng Anh.

NHÃ LAN

BY NEXT WEEK, WE SHALL HAVE GONE THROUGH 60 LESSONS IN ENGLISH.

(CÒN TIẾP KỲ SAU)


CHỮ NGHĨA CHÚNG TA


Cô Nguyện Trần, Michigan, Illinois

Danh từ time trong tiếng Anh khi dịch qua tiếng Việt cần tới 3 chữ.

Thời giờ, thì giờ: I have no time for this nonsense (tôi không có thì giờ cho chuyện vô lý này).

Giờ: Your time is up (đã hết giờ rồi).

Thời gian: I spent some time in New York (tôi có một thời gian sống tại New York).

Một thính giả ở Pháp

Lùn mã tử

Mã tử là đạn không có đầu đạn, chỉ nổ mà không thể sát hại.

Lùn mã tử là danh từ để chỉ một cách miệt thị một người đại ngôn, khoác lác quá đáng. Chữ lùn được thêm vào để biến hình ảnh thiếu thước tấc nhưng lại có tính hay nói phóng đại của người này giảm bớt giá trị.

Cô Trần Việt Hương , Los Angeles, California

Đây là bài thơ của Đinh Hùng mà cô hỏi:

Hồi Chuông Giáng Sinh

Khi mắt em rung bóng giáo đường
Chiều mưa trên mái tóc tha hương
Anh đi trong gió và anh nguyện
Tìm những hồn đau lạc biển sương

Anh đợi em về đêm Giáng Sinh
Nghe hồi chuông vọng thấu tâm linh
Mùi hương thoảng gót chân hoài niệm
Thương nhớ từ đâu bỗng hiện hình

Tuyết xuống phương nào: hoa tiết trinh
Người đi nhòa lửa nến vô hình
Anh mơ theo những vì sao lạ
Giữa một trời thiêng, mộng hiển linh

Chiều lạnh quê xa tuyệt bóng hình
Thương em nhầu nếp áo đồng trinh
Nghẹn ngào lệ thấm lời kinh nguyện
Không một hồi chuông đêm Giáng Sinh

Đêm xuống mênh mang bóng giáo đường
Linh hồn thập tự cũng tha hương
Nơi đâu tuyết phủ nhòa biên giới
Rung động ngàn sao những tiếng chuông

Em chắp đôi tay khấn nguyện thầm
Ngàn sao vọng lại một hồi âm
Bài kinh tín mộ từ nguyên thủy
Còn ngát mùi hoa, đượm khói trầm

Ông Nguyễn Năm, Bakersfield, California

Tái ông thất mã hay ông già họ Tái mất ngựa là truyện của Hoài Nam Tử (tên thật là Lưu An) kể một ông già sống gần cửa ải có con ngựa bỏ sang nước Hồ. Người chung quanh đến hỏi thăm, ông nói rằng mất ngựa là phúc cho ông. Vài tháng sau, con ngựa trở về, quyến theo một con ngưa khác. Hàng xóm mừng ông tự nhiên có thêm con ngựa. Ông nói chuyện ấy có thể là họa. Ít lâu sau, người con trai của ông lấy con ngựa mới ra cưỡi, bị ngựa đá gẫy chân. Người biết chuyện đến an ủi ông thì ông nói biết đâu đó lại là điều may mắn. Năm ấy có loạn, nhà vua bắt lính, con trai ông bị tật ở chân nên được miễn dịch, nhờ vậy mà cha con còn sống được với nhau.

Cụ Mây Ngàn, Westminster, California

Cám ơn bức thư dài của cụ. Giải thích của cụ về mấy câu ca dao liên quan đến Đồng Đăng và Lạng Sơn rất hợp lý. Nhưng có những điều chúng ta nói sai, lâu ngày cứ để cho … sai tiếp.

Cụ rất đúng. Thay vì Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa thì phải là Lạng Sơn có phố Kỳ Lừa mới phải. Các bản đồ đều cho thấy phố Kỳ Lừa là thuộc Lạng Sơn, không ở trong địa phận của Đồng Đăng.

Thêm nữa, câu thứ 3 là Ai lên xứ Lạng cùng anh, xứ Lạng là Lạng Sơn, nên Kỳ Lừa là một phần của Lạng Sơn cùng với hòn Vọng Phu (Tô Thị) và động Tam Thanh mà Ngô Thì Sĩ khi làm đốc trấn Lạng Sơn đã ghi lại trong một bài thơ của ông, chứ không thuộc Đồng Đăng.

Con cò bay lả bay la
Bay qua cửa phủ (Lạng Sơn), bay vào Đồng Đăng

Như vậy, phủ Lạng Sơn và Đồng Đăng là hai nơi khác nhau, qua Lạng Sơn mới vào Đồng Đăng.

Câu "râu ông nọ cắm cằm bà kia" theo giải thích của cụ là đem lá dâu của nhà ông nọ ném vào nong tằm của bà kia nghe rất có lý. Nhưng "râu ông nọ cắm cằm bà kia" cũng có thể đúng. Có thể đó là những giàn xếp vá víu luộm thuộm của một gánh hát hoặc sơ sót hoặc vì thiếu những món hóa trang theo nghĩa đen và hiểu theo nghĩa bóng là những cách thức giải quyết không hợp lý và không có giá trị.