Ngày 7 tháng 12 năm 2009
Bạn ta,
Một người bạn gọi cho tôi quá nửa đêm hôm qua hỏi tôi đã đọc bài viết của một người vừa từ Mỹ về Việt Nam tham dự cuộc hội nghị do nhà nước tổ chức chưa, và hỏi tôi rằng có từ ngữ gì đúng nhất để gọi những người như ông ta không.
Tôi trả lời là có đọc và nghĩ là có một danh từ mà từ nhiều năm nay, nhiều người quả quyết là của Vladimir Lenin có thể dùng để gọi những người như tác giả bài viết ấy. Nhưng cả những người đọc Lenin rất kỹ cũng không thấy Lenin dùng những chữ ấy trong bất cứ một bài viết hay một cuốn sách nào của ông ta.
Useful idiots, hay useful idiots of the West, là danh từ được dùng để gọi những thành phần ở các nước Tây phương, có cảm tình với Liên Bang Sô Viết nhưng vẫn bị phe Cộng sản khinh bỉ.
Useful idiots, những kẻ xuẩn động hữu ích. Trong số những người từng bị coi là hạng người này có Jean Paul Sartre, Langston Hughes, George Bernard Shaw… và nhiều nhiều nữa. Langston Hughes sang hẳn bên Nga sống, rồi sau cũng thất vọng, lại trở về để chết ở Hoa kỳ. George Bernard Shaw rất có cảm tình với chủ nghĩa Cộng sản của Lenin và Stalin nhưng cuối cùng cũng tỉnh mộng. Jean Paul Sartre thì tiếp tục mơ mộng cho đến cuối đời.
Đọc bài viết của ông Việt kiều này, tôi thấy tức cười hơn là bực mình ông ta như một số người.
Bài viết của ông kể lại chuyến về Việt Nam mới đây. Không cần phải đọc kỹ, người ta vẫn thấy ra những điều ông vừa nói ra lại bị ngay những điều ông viết gần đó chửi cha lên.
Toàn bài viết là những lời xưng tụng nước Việt Nam của những người Cộng Sản, các nhân sự, các anh công an đi theo sát ông ta, nhà cửa, đường xá… thỉnh thoảng ông lại lôi vài ba câu triết lý không dính dáng gì tới những chuyện ông ta làm, những điều ông ta viết và nói cũng như những chuyện chung quanh ông ta.
Tôi thất vọng về bài viết của ông ta. Bài viết không thuyết phục được bao nhiêu người, để lại nhiều sơ hở, lý luận trẻ con, cố tình bỏ đi những điều đáng nói, cần phải nói.
Tôi rất kinh ngạc khi ông lớn tiếng ca ngợi cái chế độ đang càng ngày càng nhận chìm dân tộc và đất nước Việt Nam xuống bùn đen làm cho đất nước và người dân đang bị những nước một thời thua kém Việt Nam vượt lên trên.
Nhưng kinh ngạc hơn là những chi tiết chính ông tiết lộ. Ông cho biết đã nhiều lần về Việt Nam và lần nào bước chân vào phi trường Tân Sơn Nhất, ông cũng luôn mang một nỗi sợ hãi thầm kín.
Đó là nguyên văn trích trong bài viết của ông, là điều chính ông thú nhận. Ông sợ bị công an mời làm việc. Ông sợ bị trục xuất.
Nếu chưa bao giờ về Việt Nam mà ông nơm nớp lo sợ thì người ta có thể hiểu được. Nhưng ông cho biết đã nhiều lần về, thế mà lần nào xuống phi trường ông cũng sợ hãi. Đáng lý ra thì sau lần về đầu tiên không bị trục xuất, không bị gọi lên làm việc, ông phải có thái độ khác, đó là không còn sợ nữa mới phải. Nhưng về nhiều lần, mà lần nào cũng sợ bị trục xuất, lần nào cũng sợ bị gọi lên làm việc. Như thế là thế nào? Cái chế độ đó hung hiểm như vậy sao? Cái chế độ đó phản phúc, lừa lọc đến thế sao? Không thì tại sao đã về trót lọt một lần, hai lần, ba lần mà vẫn tiếp tục phải lo sợ nơm nớp như thế?
Nếu đã không bị trục xuất, không bị mời làm việc thì phải bình tĩnh lại, phải xét lại toàn bộ vấn đề, phải dẹp đi những nghi ngờ, phải xóa đi những điều nghĩ xấu về chế độ, về đất nước, phải bỏ hết những điều đó từ ngay sau vài ba chuyến mới phải chứ. Đằng này suốt trong những lần về sau đó, nhiều lần, lần nào cũng vẫn lo sợ nơm nớp thì cái chế độ ấy hung hiểm thật. Nó có thể đớp ông bất cứ lúc nào không biết.
Ông hiểu điều đó. Ông vẫn là kẻ đứng ngoài trong hai mươi năm qua, trong những lần về Việt Nam. Ông, và đây là nguyên văn trong bài viết của ông, như là một đứa con ghẻ trên chính quê hương mình.
Con ruột được thương yêu, nâng niu, chiều chuộng. Con ghẻ thường bị đối xử không mấy tử tế nếu không nói là bị ngược đãi. Như cô Tấm bị mẹ ghẻ hành hạ. Như anh chàng Lực trong Cây Tre Trăm Đốt, bị bóc lột tối đa. Con ghẻ thì bị đối xử như thế đấy.
Ông về nước nhiều lần, lần nào cũng lo sợ nơm nớp và bao giờ cũng thấy mình là đứa con ghẻ trên chính quê hương.
Về Việt Nam lần này, ở phi trường ông được hướng dẫn cho vào lối đi dành cho đại biểu về tham dự đại hội nên sổ thông hành của ông được đóng dấu ngay lập tức, ông lại còn được nhân viên chào nghiêm chỉnh với nụ cười. Ông viết tiếp là ở đâu ông cũng thấy những nụ cười, những lời chào hỏi trân trọng.
Nhưng xin hỏi ông là ông có thấy một người Đại Hàn nào sống ở Mỹ, về thăm quê hương bị đối xử như con ghẻ không? Bao nhiều người Đài Loan về Đài Bắc có cái cảm tưởng kinh khủng như thế? Những người Ấn độ, Pakistan ở Mỹ, ở Anh về thăm nhà có thấy họ là con ghẻ trên quê hương của họ không?
Chắc là không.
Cuối bài viết, ông lại tiết lộ những điều ghê khiếp khác. Ông viết là ngày 24 tháng 11 trên chuyến bay mà ông gọi là "đi" California, ông không còn sợ tổ quốc, sợ chế độ, sợ công an, sợ cộng sản nữa.
Vậy thì trước đây ông sợ những thứ ấy lắm sao? Có đứa con nào về thăm cha mẹ lại nơm nớp như thế không?
Chắc không, vì đứa con về nhà thì nó biết cha mẹ, anh em nó sẽ vui mừng đón nó. Xưa kia, những người Việt Nam khi về nước, dẫu trong lúc chiến tranh còn vô cùng khốc liệt, Mỹ Diệm, Thiệu Kỳ còn vô cùng "ác ôn", cũng không ai có những lo sợ như ông bao giờ. Không ai lo bị trục xuất, lo bị gọi lên làm việc, sợ hãi đủ mọi thứ.
Bây giờ, đề nghị ông làm một chuyện dễ thôi. Ông thử về Việt Nam lần nữa đi, nhưng về như các Việt kiều khác xem cách đón ông ở phi trương sẽ như thế nào. Cứ về để xem viên sĩ quan cấp tá có còn đón ông thân mật vui vẻ không. Về coi có còn được chào nghiêm chỉnh với nụ cười không.
Ông viết trong một đoạn khác rằng ngôn ngữ khẩu hiệu trong nước đã nhẹ nhàng đi, cũng vẫn chữ của ông đó. Chữ Đảng, ông cho biết được nghe rất ít, những anh công an cũng luôn nở nụ cười , bắt tay.
Tất cả với ông đều là những chuyện lạ, ông không thấy trong những lần về nước trước đây. Như vậy, những lần trước, ngôn ngữ không nhẹ nhàng, Đảng được lôi ra nhiều hơn, các anh công an chính trị không cười, không bắt tay.
Vậy thì ông nơm nớp lo sợ là phải.
Ngay ở một câu sau đó, ông viết "như các cô chiêu đãi viên hàng không Việt Nam vẫn cố cười dù là rất không muốn."
Như thế la thế nào? Cười phải được lệnh. Không muốn cười, được lệnh là phải cười như các cô chiêu đãi viên.
Vậy thi cảnh ở phi trường, cái dấu đóng nhanh vào cuốn sổ thông hành, những trân trọng, thân mật vui vẻ đều là giả hết đấy ông ạ. Về với tư cách Việt kiều thì như thế nào, ông đã biết trong những chuyến đi trước.
Bây giờ nói qua chuyện khác. Ông cho biết được đưa đi đây đó bằng xe của nhà nước. Vì thế, ông đã không thấy cảnh biểu tình ở khu Thái Hà, ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng của người dân, ông không thấy cảnh hòa thượng Quảng Độ bị xúc phạm, linh mục Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng tại tòa, những đồng nghiệp của ông, các luật sư Lê thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định , Lê Trần Luật … bị truy tố chỉ vì họ muốn đòi tự do, dân chủ cho người dân. Ông là luật sư, ông nghĩ thế nào về việc chỉ cần mặc cái áo có hàng chữ Hoàng Sa Trường Sa cũng bị bắt về đồn công an?
Tại các cuộc họp, ông có thấy ai, hay chính ông dám nêu vấn đề bôxít, vấn đề ngư dân Việt Nam bị tầu lạ tấn công, hiếp đáp ngay trong lãnh hải của Việt Nam không? Ông có dám hỏi về cái lưỡi bò Trung quốc quét xuống gần đất nước chúng ta không?
Chứ nhẩy lên sân khấu hò hét Việt Nam! Hồ Chí Minh thì làm được cái con mẹ gì!
Ông ngồi trên xe, ở khách sạn làm sao thấy được cảnh đất nước tan hoang vì một bọn chó má, hèn nhát chỉ biết bắt nạt dân trong khi khúm núm trước ngoại bang, để ngay những chiếc tầu khốn nạn đâm vào tầu của ngư dân Việt Nam cũng chỉ mơ hồ nói là "tầu lạ" vì sợ phạm húy.
Ở một đoạn, ông đặt ra một câu hỏi cho chính ông: "Tôi tự hỏi mình có làm được như thế không?" Làm được như thế là về nước phục vụ không lương như một giáo sư kiến trúc gốc Việt ở Pháp (mà ông kể) đã làm trong suốt nhiều năm qua.
Ông không trả lời câu hỏi của chính ông. Ngay sau câu hỏi đó, ông "thầm vui mừng và hãnh diện vì trong hàng ngũ nhà giáo gốc Việt ở hải ngoại đang có nhiều anh chị em về Việt Nam âm thầm làm việc, đóng góp như vậy".
Ông chỉ dám "thầm" vui thôi. Vì ông không dám nói là ông sẽ về. Làm sao ông có thể nhẩy cẫng lên, hét ầm là ông vui quá vì thấy có người về nước làm việc không lương mà ông không làm? Ông hô hoán lên là vui mừng trong khi ông không nói gì về chuyện về nước thì kỳ lắm.
Ông thấy những người về nước làm việc không công thì ông hãnh diện.
Tại sao ông hãnh diện? Ông không có lý do gì để hãnh diện cả. Giả như những người về nước làm việc là anh, em của ông, là con của ông, nhờ được ông dậy dỗ về quê hương đất nước nên đã bỏ nước Mỹ, nước Pháp về giúp Việt Nam thì ông hãnh diện một chút cũng không sao. Nhưng những người đó dính dáng gì đến ông mà ông hãnh diện.
Ông chỉ có thể hãnh diện, vợ con ông chỉ có thể hãnh diện nếu ông quyết định "đi" Hoa kỳ đóng cửa văn phòng luật của ông, bồng bế vợ con về nước ,mở văn phòng luật làm ăn, dùng hết thù lao để xây dựng đất nước.
Bây giờ ông nên về. Đất nước đẹp như thế mà cứ ở Mỹ thì coi sao tiện. Bây giờ về nuớc là đúng. Không còn phải cầm súng bắn vào anh em đồng bào nữa.
Ông nên về nước là hơn. Đất nước, cán bộ, chiêu đãi viên hàng không cười với ông như thế thì vui kể gì. Không về làm những người ấy không cười nữa, tiếp tục hung ác trở lại, ậm ọe, hoạnh họe ở phi trường , lại làm nhiều người Việt về nước bị đối xử như con ghẻ, lại còn đòi hối lộ mới đóng dấu cho vào rồi gọi lên làm việc thì buồn cho thân phận đất nước quá.
Ông về coi hòa thượng Quảng Độ, linh mục Lý sắp ra tù để đi chơi với Hà Sĩ Phu, tổ chức sinh nhật cho Trần Khải Thanh Thủy, kiếm chồng cho luật sư Lê thị Công Nhân, dọn dẹp đất nước lại để phụ nữ khỏi phải mang thân đi làm nô lệ tình dục ở nước ngoài.
Có được những việc thì có hét Việt Nam! Hồ Chí Minh! thì cũng được.
Trở lại những chữ useful idiots thì dẫu cho đó không phải là những tiếng của Lenin nghĩ ra thì những chữ ấy vẫn đã có sẵn, lôi ra dùng vẫn rất có lý vậy.
ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
(Bài số 57)
Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 57 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 12 năm 2009.
QUỲNH ANH:
Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống hàng ngày. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
NHÃ LAN
Tuần qua, chương trình có nhận một e-mail của một sinh viên đại học Hà Nội xin nhờ thầy Trúc cắt nghĩa thành ngữ IT SOUNDS GREEK TO ME. Nhân đây, Nhã Lan cũng muốn nhờ thầy giáo có giúp thì giúp cho trót, đó là nhờ thầy giảng luôn những thành ngữ của tiếng Anh có tên của các quốc gia ở trong.
QA
Như chúng ta vẫn hay nói Tết Công Gô chẳng hạn.
BBT
Nhưng kể những thành ngữ ấy ra ở đây có bị đổ cho tội lăng mạ, hạ nhục, có thái độ kỳ thị, bất kính dành cho các quốc gia đó không?
QA
Chắc không đâu. Chỉ để cười trong những lúc nói đùa với nhau chứ khi ăn nói chính thức thì ai lại làm vậy. Cũng như QA còn nghe nhiều người nói là Tết Ma Rốc để nói là còn lâu lắm, có thể là không bao giờ nữa. Vậy ông thầy cứ thoải mái. Thí dụ cách đây mười mấy năm người Mỹ vẫn gọi con heo mọi là VIETNAMSE POT BELLIED PIGS chẳng hạn. Chúng ta có bực bội phản đối gì đâu.
BBT
Như thế thì được. Trở lại với thành ngữ của anh sinh viên đại học Hà Nội. Khi nói IT LOOKS hay IT SOUNDS LIKE GREEK TO ME thì câu đó có nghĩa là nghe hay đọc mà chẳng hiểu gì hết, cứ như là tiếng Hy Lạp vậy. Câu này không hề có ý coi thường ngôn ngữ của Socrates hay Platon, hay Homer bao giờ.
NHÃ LAN
Nhưng thưa anh, có những thành ngữ nào trong tiếng Anh mang ý nghĩa coi thường, khinh bỉ, nhục mạ một quốc gia nào không?
BBT
Có, và có khá nhiều. Nguyên do là những xích mích giữa nước Anh và quốc gia kia. Hồi thế kỷ thứ 17, Anh và Hà Lan có những chuyện không vừa lòng nhau phát xuất từ những tranh chấp về chính trị và quân sự, kinh tế giữa hai nước. Người Anh dùng danh từ DUTCH nghĩa là Hà Lan để chỉ những chuyện gì xấu xa, không hay, không đẹp. Thí dụ DUTCH COURAGE là thành ngữ tương đương với những chữ ANH HÙNG RƠM trong tiếng Việt vậy. DUTCH COURAGE là hung hăng, liều lĩnh, can đảm nhờ có uống chút rượu. Anh hùng là anh hùng rơm/ ta cho bó lửa hết cơn anh hùng.
QA
QA biết một thành ngữ khác, đó là TO GO DUTCH, ý nghĩa của nó cũng không đẹp lắm phải không thưa anh?
BBT
TO GO DUTCH hay DUTCH TREAT cùng nghĩa như nhau.
TO TREAT là thết đãi, khoản đãi, mời ai đi ăn, trả tiền hết cho người được mời.
NHÃ LAN
Đúng rồi, tuần trước Nhã Lan đi ăn với hai con gái. Nhã Lan định đứng dậy trả tiền thì cô út nói : IT IS OUR TREAT MOM! Và nó đi trả tiền. Như vậy, nói THEY TREATED ME TO DINNER có được không ?
BBT
Được. Nhưng ai ăn người ấy trả thì đó là TO GO DUTCH . QA định nói gì đây?
QA
Hồi QA còn làm ở hãng cũ, thỉnh thoảng đi ăn trưa với mấy cô bạn. Ra cửa một cô bao giờ cũng cẩn thận nhắc: LET’S GO DUTCH! Như vậy có gì xấu cho nước Hà Lan đâu?
BBT
Nhưng cảnh ăn xong, chia chác cái giấy tính tiền thì với một số người, đó là hành động bị coi là bần tiện, keo kiệt, không rộng rãi, hào phóng. Hành động đó liền bị mấy ông Ăng lê đổ ngay cho là cư xử, giữ tiền khư khư, hà tiện, keo kiệt như mấy người Hà Lan luôn.
DUTCH UNCLE là một người ăn nói thẳng, có khi trở thành bất lịch sự, tính hay lên lớp, day bảo, phê bình người khác, là một người rất khó ưa. Những thành ngữ khác không tử tế với người Hà Lan là DUTCH WIFE nghĩa là một phụ nữ làm điếm. DUTCH WIDOW cũng cùng nghĩa trên. DUTCH CAP là cái vòng ngừa thai. DOUBLE DUTCH là chuyện tầm bậy tầm bạ, chuyện tào lao xịt bộp. DUTCH METAL là vàng giả. DUTCH CONCERT là những tiếng động ồn ào thô tục.
NHÃ LAN
Nhã Lan biết là có lúc trong lịch sử, người Anh cũng không ưa người Pháp lắm. Vậy tiếng Anh có đối xử tử tế với người Pháp không?
BBT
Có, và không. Tử tế là khi người Anh nghĩ nước Pháp là tượng trưng cho tình yêu, cho lãng mạn, tuy có thể có nhiều dục vọng ở trong.
Thí dụ FRENCH KISS chẳng hạn. FRENCH KISS là cái hôn không chỉ nhẹ trên má, mà là hôn môi rất … dữ dằn. FRENCH LETTER là cái bao cao su ngừa thai.
FRENCH LEAVE là ra về mà không chào ai, một việc làm bị coi là bất lịch sự với chủ nhà. Thí dụ khi nói WHERE IS HE? DID HE TAKE FRENCH LEAVE AGAIN?
Nhưng người Pháp đáp lễ người Anh ngay lập tức. Người Pháp gọi cái bao cao su ngừa thai là CAPOTE ANGLAISE và cái lối lỉnh ra về không chào chủ nhà là FILER À L’ANGLAISE.
QA
Bữa nọ, QA đang đứng trong bếp thì nghe con trai nói chuyện với bạn nó. Trước đó nó nói gì QA nghe không rõ. Nhưng vừa bước vào phòng, QA nghe nó nói PARDON MY FRENCH! QA nhớ là nó có bao giờ học tiếng Pháp ở trường đâu mà nó xin lỗi bạn về tiếng Pháp của nó. Câu ấy QA dùng thì đúng hơn vì QA không biết được bao nhiêu tiếng Pháp, khi làm xướng ngôn viên thì nhiều khi lại gặp những danh từ, những tên tiếng Pháp, QA phải điện thoại về nhà nhờ chị của QA chỉ cách đọc. Khi biết mình đọc sai, QA mới phải xin lỗi chứ, phải không thưa thầy?
BBT
Cô nói đúng. Đọc sai những chữ tiếng Pháp trong bản tin, xin lỗi thính giả là phải. Nhưng cô nhớ là không bao giờ nói PARDON MY FRENCH! Cô QA phải nhớ như thế. PARDON MY FRENCH! là câu chúng ta dùng sau khi hay trước khi nói ra một điều, một chữ không được lễ phép cho lắm, nếu không nói là thô tục, tục tĩu.
Cô nói thử câu này bằng tiếng Anh coi: NÓI XIN LỖI ÔNG/ BÀ hay NÓI ÔNG / BÀ THA LỖI CHO CHỨ ANH TA LÀ MỘT TÊN S.O.B.
QA
PARDON MY FRENCH, BUT HE IS THE GREATEST S.O.B. OF ALL.
BBT
Câu này thì chắc chắn hai cô phải biết: DO IN ROME AS ROMANS DO.
NHÃ LAN
Ở La Mã thì phải làm, phải hành xử như người La Mã.
QA
Người Việt thì nói là đi xứ Lào ăn mắm ngóe.
BBT
Cô QA kéo chúng ta lại gần với Việt Nam hơn. Nhân nói gần Việt Nam, tôi muốn kể ra đây một thành ngữ liên quan đến Trung Hoa, nước ở ngay cạnh chúng ta. Tên quốc gia này cũng xuất hiện trong một hai thành ngữ tiếng Anh. Khi nói đến những thứ tin đồn, thường là xấu, mức độ chính xác không được bao nhiêu, thường là những điều phóng đại đầy ác ý, người Anh có thành ngữ CHINESE WHISPERS.
NHÃ LAN
Hình như còn một thành ngữ nữa liên quan đến Trung Hoa mà Nhã Lan nghe mấy người bạn Việt Nam dùng để nói về một chuyện nào vừa chậm, vừa lâu . Mấy người ấy nói tầu … tầu gì đó, Nhã Lan không nhớ. Anh có biết thành ngữ ấy không?
BBT
Tôi nghĩ đó là SLOW BOAT TO CHINA, nghĩa là chậm rì chậm rịt. Thí dụ chúng ta nói: IT TAKES SUCH A LONG TIME, LIKE A SLOW BOAT TO CHINA.
Nước Thổ Nhĩ Kỳ ngoại việc tặng cho Anh ngữ tên gọi con gà Tây là TURKEY còn có một thành ngữ khác nữa là YOUNG TURKS. Danh từ này tôi nhớ là tờ Newsweek đã dùng để gọi mấy ông tướng trong vụ đảo chính lật đổ tổng thống Diệm. YOUNG TURKS là danh từ để chỉ những người tuổi trẻ, hung hăng, khó kiểm soát thuộc một công ty, một tổ chức, một đoàn thể, một nhóm. Ông Nguyễn Cao Kỳ, chính là người được báo Mỹ dùng danh từ YOUNG TURK để mô tả hồi đó.
QA
Còn nước bạn ngay sát nước Mỹ ở phía Nam có xuất hiện trong thành ngữ nào không thưa anh?
BBT
Có, một thành ngữ mà tôi biết là MEXICAN STANDOFF. Thành ngữ này có nghĩa là một trường hợp đối đầu nhưng không đưa tới đâu, như hai tay súng Mexico đứng gườm nhau nhưng không bên nào rút súng ra bắn. MEXICAN STANDOFF là một trường hợp bế tắc, không có khai thông, hệt như cuộc đối đầu trong vụ Liên Xô đưa phi đạn tới Cuba hồi thập niên 60. Cả hai không phía nào muốn chiến tranh cả. Rốt cuộc Liên Xô tháo phi đạn mang về nước. Hoa kỳ cũng không muốn phí một viên đạn nào.
QA
Hôm nay, QA muốn xin anh giải thích cách dùng của ANOTHER, THE OTHER, THE OTHERS và OTHERS.
BBT
Cô hỏi tới 4 trường hợp, tưởng là khó nhưng thực ra thì dễ, không khó chút nào. Nhưng tôi muốn nói về EACH OTHER và ONE ANOTHER vì hai trường hợp này cũng có OTHER và ANOTHER nhưng lại không liên quan gì đến mấy trường hợp cô hỏi.
EACH OTHER và ONE ANOTHER nghĩa là NHAU. EACH OTHER và ONE ANOTHER là REFLEXIVE PRONOUNS, tiếng Việt gọi là HỖ TƯƠNG ĐẠI DANH TỰ. Hỗ là đắp đổi bên này cùng bên kia, là có qua có lại. Tương là đối lẫn nhau, cùng nhau.
Thí dụ ông ấy giúp tôi. Nhưng tôi không giúp gì ông ấy cả: HE HELPS ME.
Nhưng khi ông ấy giúp tôi, tôi giúp ông ấy, chuyện giúp đỡ là có qua, có lại nên HE HELPS ME AND I HELP HIM. Nói vậy lôi thôi quá. Nói cho gọn lại để thành chúng tôi giúp nhau thì chúng ta nói WE HELP EACH OTHER.
Như thế, EACH OTHER là nhau, qua lại giữa HAI người. Cô định nói gì đây, cô QA?
QA
WE HELP EACH OTHER là chúng tôi giúp nhau. Vì có hai người nên dùng EACH OTHER. EACH OTHER là túc từ (OBJECT) của động từ HELP phải không ông thầy?
BBT
Cám ơn cô QA đã nhắc tôi về chi tiết này. EACH OTHER và ONE ANOTHER luôn luôn giữ vai trò túc từ (OBJECTS), không bao giờ là chủ từ (SUBJECTS).
Gọi cho đúng thì EACH OTHER và ONE ANOTHER là HỖ TƯƠNG TÚC TỪ ĐẠI DANH TỪ.
Trở lại với ONE ANOTHER, chúng ta dùng cho nhưÕng trường hợp từ ba người trở lên.
LIKE A PIECE OF CREPE THAT COVERS THE MIRROR
PEOPLE OF THE SAME COUNTRY MUST LOVE ONE ANOTHER…
NHÃ LAN
Nhiều điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng. Câu này chắc anh lại sắp nói là người Mỹ mượn của người Việt Nam chứ gì!
BBT
Đó là cách dùng theo những luật văn phạm xưa. Bây giờ, và theo cuốn sách hướng dẫn cho các nhà báo của hãng thông tấn Associated Press, thì chúng ta, khi không nói đến một con số nào rõ ràng, như 2 hay 3, hay nhiều hơn nữa, thì cứ thoải mái dùng hoặc EACH OTHER hoặc ONE ANOTHER mà không ai được quyền bắt bẻ gì hết.
Bây giờ qua mấy chữ cô QA hỏi.
NHÃ LAN
Mấy chữ QA hỏi là tĩnh từ hay đại danh từ thưa anh?
BBT
ANOTHER là tĩnh từ. Chữ này rất kỳ lạ. Có khi ANOTHER nghĩa là KHÁC mà cũng lại có nghĩa là GIỐNG HỆT.
ANOTHER đi trước một danh từ số ít.
Thí dụ ANOTHER DAY, ANOTHER BOOK, ANOTHER SUNDAY nghĩa là gì, cô QA?
QA
Nghĩa là một ngày khác, một cuốn sách khác, Một Chủ Nhật Khác như tựa đề của cuốn tiểu thuyết của Thanh Tâm Tuyền QA có ở nhà mà chưa đọc. Thế khi nào thì ANOTHER là khác, nhưng lại có nghĩa là giống hệt?
BBT
THIS MAN IS ANOTHER ELVIS, nghĩa là đây là một ông Elvis khác. Nhưng ông này lại rất giống Elvis thật, giống về khả năng, về giọng hát, về dáng dấp.
ANOTHER thực ra là AN OTHER, dùng với những trường hợp bất định. THIS MAN IS ANOTHER ELVIS nghĩa là đây là một Elvis Presley khác. Có rất nhiều người giả làm Elvis mà đây là một trong những người ấy.
Nhưng khi thu hẹp lại, thí dụ đôi giầy có hai chiếc. Đây là một, chiếc kia nằm trong gầm giường. CHIẾC KIA là THE OTHER, không thể là ANOTHER được. Ông ấy có ba, bốn chiếc xe, đây là một, đây là một chiếc khác thì chúng ta dùng ANOTHER.
Có một người kia có hai con mắt, một con dùng để khóc người. Con mắt còn lại thì nhìn lại mình, nhìn cuộc tình phai…
Con mắt còn lại đó phải nói tiếng Anh là gì cô Nhã Lan?
NHÃ LAN
THE OTHER EYE…
BBT
Có thể nói ANOTHER EYE được không cô QA?
QA
Không được, vì ông Trịnh Công Sơn chỉ có hai mắt, một con ông ấy dùng để khóc người. Con mắt kia đã được xác định rồi, nên phải dùng THE OTHER EYE.
BBT
Bây giờ tới THE OTHER. Đây là đại danh từ, dùng để thay cho một danh từ. Vì thế nên sau nó KHÔNG cần có một danh từ nào đi theo. Nó là chủ từ và là túc từ.
Thí dụ cô Nhã Lan có hai chiếc áo da. Cô thích một chiếc. Còn chiếc kia, cô không thích lắm. Cô nói bằng tiếng Anh coi.
NHÃ LAN
I HAVE TWO LEATHER JACKETS. I LIKE THE BLACK JACKET. I HATE THE OTHER. THE OTHER IS BROWN.
BBT
Cám ơn cô Nhã lan. Cô dùng THE OTHER làm túc từ rồi lại dùng nó làm chủ từ. Còn cô QA?
QA
WE HAVE TWO CARS. I DRIVE THE SILVER CAMRY TO WORK. THE OTHER IS AN OLD CAR. I ONLY DRIVE THE OTHER DURING THE WEEKEND.
BBT
THE OTHERS là số nhiều dùng cho các trường hợp xác định.
Thí dụ cô Nhã Lan nhận được 10 tấm thiệp Giáng Sinh. Cô chỉ trả lời 4 tấm. Còn 6 tấm kia, cô bỏ thùng rác thì cô nói thế nào?
NHÃ LAN
Thưa anh, thực ra, Nhã Lan không bao giờ làm như thế. Nhận được 10 tấm thì trả lời cả 10, không dám quẳng thùng rác bao giờ. Nhưng ông thầy bắt nói thì đành phải nói ra đây cho đúng điều học được trong lớp:
I RECEIVED 10 CHRISTMAS CARDS. I ANSWERED 4 AND THREW AWAY THE OTHERS.
BBT
QA cho nghe một câu với THE OTHERS coi.
QA
THERE WERE 55 GIRLS IN MY CLASS. ONLY 10 GOT OUT. THE OTHERS ARE STILL IN VIETNAM.
BBT
Cuối cùng là OTHERS. OTHERS là đại danh từ bất định.
Thí dụ WE WAITED FOR 2 HOURS FOR THE BUS. ONLY 2 PASSENGERS, MY FRIEND AND I GOT ON BOARD. OTHERS WAITED FOR THE NEXT BUS.
Chúng ta dùng OTHERS vì chúng ta không quen biết những hành khách đó, cũng lại không biết có bao nhiêu người. Nhưng trong thí dụ của QA thì cô quen tất cả 54 người trong lớp học của cô ở Sài Gòn. Có 10 cô đi sang Mỹ. Còn 45 người khác thì kẹt lại. QA quen biết tất cả 45 người đó, nhớ cả tên tuổi nên những người đó là trường hợp xác định. Cô dùng THE OTHERS là đúng. Trường hợp đợi xe bus, chúng ta không biết những người kia, cũng không biết có mấy người nên phải dùng OTHERS.
Còn một câu này hay quá, không nói ra không được. Đó là câu tục ngữ ONE PERSON’S PEACH IS THE OTHER PERSON’S POISON.
QA
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television vào tuần tới. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị và hẹn gặp lại quí vị trong bài học tới.
CHỮ NGHĨA CHÚNG TA
Cô Jennifer Nguyễn
Merci là danh từ. Mille fois merci là vạn cảm.
Trong câu Je vous remercie hay Je t’en remercie thì remercie(r) là động từ nghĩa là cảm ơn nhưng lại đã có ý từ chối ở trong.
Động từ remercier cũng còn có một nghĩa khác là đuổi việc, sa thải một nhân viên như remercier un employeù.
Ông Trần văn Thế (tvtran8888@yahoo.com)
"Victory has a thousand fathers" là câu tổng thống Kennedy dùng khi ông tuyên bố nhận trách nhiệm cho vụ Bay of Pigs, vụ CIA Mỹ giúp những người Cuba lưu vong tấn công Cuba và bị thảm bại ở vịnh Con Heo. Câu này nguyên văn là "Victory has a thousand fathers but defeat is an orphan" nghĩa là chiến thắng thì có cả ngàn người cha (ai cũng nhận chiến thắng là công lao của mình) nhưng thất bại thì là một đứa con mồ côi (không ai nhận là tác giả).
Vietnamization là chữ của chính phủ Nixon, do bộ trưởng quốc phòng Melvin Laird dùng lần đầu năm 1969 khi ông trình bầy kế hoạch rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam trong khi gia tăng lực lượng cho Việt Nam Cộng Hòa để giúp Việt Nam tự vệ.
Cuối năm 1969, tổng thống Nixon cũng dùng danh từ này trong một bài diễn văn nói về đa số thầm lặng (silent majority) ở Washington.
Tổng thống Thiệu không thích danh từ Việt Nam hóa vì chữ này nghe hệt như luận điệu của Hà Nội nói rằng Mỹ trao trách nhiệm lại cho quân "bù nhìn đánh thuê" của miền Nam.
Chiến đấu cơ Zero của Nhật tên chính thức là Mitsubishi A6M được đem ra sử dụng lần đầu tiên năm 1940 tức là Chiêu Hòa năm thứ 15, theo lịch Koki của Nhật là năm 2600. Vì hai con số zero của năm 2600 nên loại chiến đấu cơ này còn được gọi là Rei-sen, cách gọi tỉnh lược của Rei (zero) Shiki (loại) sentoki (chiến đấu cơ).
Cô Nguyễn T.D., San Antonio, Texas
Cô không nên đổi tên thành Tường Dung, vì tên cũ của cô rất đẹp. Tôi tin rằng ông thân của cô đã dùng hai chữ cuối trong câu đầu của bài Thanh Bình Điệu để đặt tên cho cô. Đây là bài thơ của Lý Bạch viết để ngợi ca Dương Quí Phi nhân ngày lễ hội hoa thược dược năm khai nguyên đời Đường:
I
Vân tưởng y thường hoa tưởng dung
Xuân phong nhất hạm lộ hoa nùng
Nhược phi Quần Ngọc Sơn đầu kiến
Hội hướng dao đài nguyệt hạ phùng
(Trông mây tưởng là xiêm y, nhìn hoa ngỡ là dung mạo / gió xuân lướt qua hiên, hoa đượm sương móc / nếu như không gặp được ở đầu núi Quần Ngọc / thì cũng phải gặp dưới trăng ở Dao Đài)
II
Nhất chi nùng diện lộ ngưng hương
Vân vũ Vu Sơn uổng đoạn trường
Tá vấn Hán cung thùy đắc tự
Khả liên Phi Yến ỷ tân trang
(Một cành (thược dược) thắm đẹp, sương đọng hương thơm / thú mây mưa ở Vu Sơn chỉ là giấc mơ đoạn trường vô ích / thử hỏi khắp cung vua Hán, ai được như nàng / đáng tiếc là (Triệu) Phi Yến cũng phải nhờ vào chuyện điểm trang)
III
Danh hoa khuynh quốc lưỡng tương hoan
Thường đắc quân vương đới tiếu khan
Giải thích xuân phong vô hận hận
Trầm Hương đình bắc ỷ lan can
(Hoa đẹp lừng danh, sắc đẹp nghiêng thành, đôi bên cùng vui vẻ / luôn luôn được nhà vua nhìn ngắm tươi cười / làm cho tiêu tan mối sầu vô hạn của gió xuân / là lúc tựa lan can ở phía bắc đình Trầm Hương)
Trần Trọng Kim dịch:
I
Mây tưởng áo xiêm, hoa tưởng mặt
Được gió xuân, khí chất tốt bừng
Trên Quần Ngọc đã thấy chăng
Hoặc Dao Đài gặp dưới trăng ngày nào
II
Một cành đỏ tốt hương một khối
Buồn mây mưa trên núi vu sơn
Hỏi Hán cung đã ai hơn
Họa chăng Phi Yến mới toan sánh cùng
III
Khuynh quốc với danh hoa vừa thích
Đáng quân vương khúc khích vui cười
Gió xuân xiết nỗi bùi ngùi
Trầm hương đình bắc dựa ngoài lan can.