December 3, 2009

December 4, 2009

Ngày 30 tháng 11 năm 2009

Bạn ta,

Nhu cầu là mẹ đẻ của sáng kiến (Necessity is the mother of invention). Câu này không biết ai nói là hay đến là làm vậy?

Chỉ cần một chút sáng kiến, người ta có thể thay đổi hẳn đời sống của nhân loại, và làm đầy cái túi tiền của mình. Người Mỹ hay nói là nếu bạn có thể làm được một cái bẫy chuột hay hơn, tốt hơn những cái bẫy chuột mà chúng ta đang có, đang dùng, thì thế giới sẽ xếp hàng đến cửa nhà chúng ta để xin mua cái sáng kiến đó.

Hôm qua, đọc trong internet, tôi được biết một phụ nữ ở Chicago vừa có một sáng kiến rất kịp thời trong mùa cúm năm nay, đúng vào lúc mà những chiếc mặt nạ, những chiếc khẩu trang đang khan hiếm rất khó kiếm.

Để thỏa mãn nhu cầu, nước Mỹ đã phải thuê những nước khác sản xuất khẩu trang cần trong mùa cúm. Nhưng nếu cúm H1N1 bùng phát, thì những nước đang sản xuất khẩu trang như Mexico có thể sẽ không giao hàng mà Hoa kỳ đặt để đem dùng ngay ở trong nước.

Nhiều người lo sợ là nếu cúm heo trở thành dịch, khẩu trang khan hiếm kiếm không ra thì làm sao ra đường. Không lẽ lại học bài của ông Tú Vị Xuyên để "ra phố khăn ngang trùm lấy mặt / vào trường, quần rộng xắn lên khu".

Người có sáng kiến để giúp những người không kiếm được khẩu trang vẫn có thể ra đường đi làm, đi chơi, đi shop được là Elena Bodnar, giám đốc một cơ sở nghiên cứu ở Chicago tên là Trauma Risk Management Research Institute. Bà là một y sĩ gốc Ukraine di cư sang Mỹ được mấy năm nên nói tiếng Anh vẫn còn đặc sệt giọng Ukraine.

Sáng kiến của bà là cái nịt vú của các phụ nữ đem dùng để chống lại cúm, hay hơi độc. Đang đi ngoài đường, có báo động khủng bố tấn công bằng hơi ngạt, bằng võ khí hóa học, thì chỉ cần thò tay vào trong áo, cởi cái khóa, kéo nó ra ngoài, đeo vào mặt, che kín phần mũi và miệng, thế là vi khuẩn cúm heo, hóa chất độc không cách nào chui vào mũi vào miệng được.

Giản dị như thế mà không ai nghĩ ra.

Bà đã trình bầy sáng kiến của bà tại đại học Harvard hôm mồng 1 tháng 10 vừa qua. Bà cho biết không cần để ý tới 34 hay 36, 38. Và cũng không cần quan tâm đến những cup size A, B, C, D… Cứ đeo vào là vi khuẩn chịu thua ngay. Bà cho hay bà có sáng kiến này khi chữa trị cho các nạn nhân của tai nạn lò nguyên tử Chernobyl hồi năm 1986. Bà cho biết là kiểu nào dùng cũng được. Khóa trước, hay khóa sau, push-up hay có khung bằng dây thép, có đăng ten hay không… kiểu cọ gì cũng tốt, của Victoria’s Secret, Fredrick of Hollywood, Bali, Lou, Cacique, Maiden … thứ nào cũng được.

Nhưng còn mấy ông thì sao? Trong diễn văn đọc khi nhận giải thưởng ở đại học Harvard , bà nói rằng "Chuyện phụ nữ có hai cái vú chẳng pải là một điều tuyệt vời hay sao? Chúng ta (phụ nữ) không những chỉ cứu được mạng của chúng ta, mà chúng ta còn có thể cứu được người đàn ông bên cạnh chúng ta nữa."

Cứ lôi ra, xé lấy một nửa cho mình dùng. Còn nửa kia, coi thấy anh nào tội nghiệp quá thì quăng cho mà dùng. Chắc chắn không anh dở hơi nào õng ẹo, đòi phải đúng … cỡ mới chịu đeo.

Nếu áng chừng sẽ không có ai chịu cứu mình thì phải đi mua sẵn một cái bỏ túi áo hay trong xe để lỡ có cúm heo còn lôi ra dùng ngay.

Và từ nay, có ai moi ra được một cái kẹt dưới ghế xe thì cũng không còn bị hạch hỏi lôi thôi nữa.

Đã bảo là đang có dịch cúm heo mà. Thân mình phải trọng. Không có cái đeo vào để bị vi khuẩn H1N1 nhẩy vào mà chết đứ đừ hay sao!

Nhưng nếu bị hỏi là tại mới sao mua ở tiệm mang về bỏ trong xe mà lại thơm mùi nước hoa quá như vậy thì liệu đường mà nói dối tiếp.


Ngày 1 tháng 12 năm 2009

Bạn ta,

Tôi không thể nào nhớ được tên người đã nói câu "le moi est haissable".

Cuốn Petit Larousse mà tôi có cũng không giúp gì được. Ở trang 667 của ấn bản 1962, câu này chỉ được dẫn như một thí dụ cho đại danh từ số ít ngôi thứ nhất "moi", mà không cho biết tác giả là ai. Không có tác giả, tức là của dân gian, và như vậy, thì tất cả dân tộc Pháp đều ghét "cái tôi" ư? Sao lại có cái dân tộc khiêm tốn, nhún nhường, không ích kỷ đến như thế!

Le moi est haissable, "cái tôi" đáng ghét, nhưng thực ra, có lẽ phải dịch là "cái tao" mới đúng.

"Tôi" là đại danh từ ngôi thứ nhất, là tiếng tự xưng khi nói chuyện với người khác. Nhưng trong cách tự xưng đó, sự khiêm tốn, nhún nhường đã có sẵn rồi. Tự xưng là "tôi" hay " tớ", là tự hạ mình xuống làm kẻ hầu người hạ cho người đứng trước, người đang nói chuyện, đang đối thoại với mình.

Xưng "tao" thì sấc xược và phách lối, hỗn hào hơn nhiều. Vậy thì "cái tao" mới là cái đáng ghét. Đối tác của "tao" là "mày". Mày tao là cách xưng hô không lịch sự lắm. Phải thân tình lắm nếu không thì lại là người trên nói với kẻ dưới ngay.

Mày tao không phải là tutoyer. Tutoyer khi yêu dùng cũng được, lại càng rất được nữa mới đúng:

Je dis tu à tous ceux que j'aime ( Barbara / thơ Prévert)

Nhưng mày tao trong tiếng Việt thì khác. Không ai muốn bị những người không thân thiết lắm gọi là "mày", xưng là "tao" hết.

Ngoại trừ người Việt di tản, nhất là những người Việt di tản sống tại Mỹ. Không biết sự kiện này bắt đầu ở đâu và vào lúc nào. Nếu cần định ra một mốc thời gian thì có thể nó bắt đầu sau năm 1975 khi người Việt đến Mỹ.

Trong những giao tiếp hàng ngày, khi những cuộc đối thoại bằng tiếng Anh được đem kể lại, thì hầu như tất cả những người Việt mà tôi quen, già cũng có, trẻ cũng có, người trước kia làm to, người trước kia không làm to, nam cũng như nữ đều cho phép những người đối thoại với mình xưng là "tao" và gọi mình bằng "mày" một cách thoải mái.

Nghe câu chuyện được kể lại, để ý thì có thể thấy người kể để cho phía bên kia, có khi là một thanh niên trẻ, tự xưng là "tao" và gọi người kể truyện, có khi là một cụ lục tuần, thất tuần, là "mày". Có lần tôi thắc mắc hỏi một cụ ông đang cao hứng kể một câu chuyện, trong đó, anh chàng người Mỹ nào đó tuổi chắc chỉ bằng cháu của cụ, mà cụ cứ cho gọi cụ là "mày", xưng "tao", tôi sốt ruột quá, chặn cụ lại để hỏi tại sao cụ lại để cho những điều vô lễ như thế xẩy ra, thì cụ hứ cho một cái, không thèm trả lời, tiếp tục kể nốt chuyện, cho anh chàng Mỹ nọ... hỗn láo tiếp.

Tại sao đại danh từ "I" trong tiếng Anh lại cứ phải được dịch là "tao" và "you" thì nhất định phải là "mày"?

Tôi nghĩ tôi tìm ra được nguyên do.

Nguyên do là vì chúng ta là những người rất khiêm cung, lúc nào cũng muốn hạ mình xuống, tâng người khác lên. Do đó mà khi kể lại câu chuyện có mình ở trong, chúng ta đẩy nhẹ chúng ta thấp xuống một chút, và lịch sự đưa người kia lên. Do đó mà mới có nhưng đoạn đối thoại kỳ lạ như thế, cho phía bên kia gọi chúng ta bằng "mày", xưng "tao" rất tự nhiên.

Ở bên Tây chắc không có chuyện như vậy. Cứ xưng là "moi", gọi phía bên kia là "toi" là tiện nhất, là không ai vô lễ với ai, là không ai phải tự hạ thấp xuống với ai cả.

Chỉ trừ khi kể lại chuyến đi chơi bằng xe lửa thì nên dấu chuyện đã làm trong đêm khi xe chạy từ Pháp sang Đức: đêm đó, kẹt quá, "moi" phải leo đại lên đầu toa, "moi" đi tiểu tùm lum...

Vì "toi" và "toa" trong những lúc như thế không sao mà phân biệt được. Chỉ có cách lấy tay sờ đầu, nếu thấy đầu không ướt thì là... toa tầu. Ướt thì là "toi" vậy.

Nhưng vẫn đỡ hơn là mày tao như ở bên Mỹ nhiều


Ngày 3 tháng 12 năm 2009

Bạn ta,

Đúng vào lúc tôi có quyết định làm bức tượng thay vì làm chim bồ câu, thì sự lựa chọn của tôi không còn là một quyết định khôn ngoan và hợp lý nữa.

Tôi suy nghĩ đến bạc đầu và đi tới quyết định gạt bỏ giải pháp lựa chọn làm chim bồ câu, không phải vì sợ làm chim bồ câu sớm muộn gì cũng vào cái chảo trong các tiệm cơm Tầu, để cho các thực khách tại những đám cưới mời nhau dùng... chim ngay cho nóng, làm bộ ngượng, rồi vẫn ăn như điên, mà vì những lý do khác.

Nhưng bây giờ, muốn làm tượng cũng không được nữa.

Ở gần sở cũ của tôi có rất nhiều chim bồ câu. Chúng làm tổ trên những nóc nhà cao, trong những công ốc của chính phủ. Chuyện ăn uống của chúng được các du khách lo, chúng chẳng bao giờ đói. Chúng chỉ bay ào ào, đáp xuống cho có ăn, ăn xong thì đi ỉa bậy, cứ kiếm mấy bức tượng ở công viên gần đó mà oanh kích tự do, làm ông nào cũng mặt mũi, đầu tóc trắng xóa những cứt chim. Thỉnh thoảng, chúng cũng lầm tôi là tượng, cho một bãi lên đầu, lên vai đến khổ.

Nhưng bầy bồ câu ở công trường Trafalgar, Luân Đôn thì khác. Tôi có cảm tưởng chúng nó tử tế hơn, không mất dậy như những con bồ câu ở gần quốc hội Mỹ. Những con ở công trường Trafalgar không ào xuống như ăn cướp, mà chúng rất từ tốn. Hai đứa con tôi hồi còn nhỏ rất yêu chúng, chủ nhật nào cũng đòi đi công trường Trafalgar cho chim ăn và chơi với bốn con sư tử dưới chân tượng đô đốc Nelson, hay tượng Sir Charles James Napier, tượng Sir Henry Havelock gần đó. Bầy chim bồ câu dạn người bay là là đáp xuống đậu trên tay, trên vai du khách chờ được cho ăn như chúng đã làm từ cả gần một thế kỷ nay.

Nhưng nếu đô trưởng Luân Đôn, Ken Livingstone, thực hiện được ước muốn của ông, thì mấy pho tượng, trừ tượng thủy sư đô đốc Lord Horatio Nelson, người có công đánh tan hạm đội Pháp Tây Ban Nha ở gần Gibraltar, sẽ bị cho ra bờ sông Thames đứng chơi, và bầy bồ câu sẽ bị đưa đi nơi khác.

Thế là chọn không làm bồ câu, chọn làm "tượng thờ nghìn bệ những công viên" (thơ Mai Thảo) cũng không xong, cũng không được những giọt mưa rớt xuống mặt, bị cứt chim rơi xuống tóc kể như là không được.

Sở dĩ có chuyện chọn làm tượng mà không làm chim là vì mấy hôm trước tôi đọc được một câu thật hay viết trên bậc cửa của một toa xe điện ngầm. Vị triết gia vỉa hè có một câu hay tuyệt: Nên sớm chọn lấy trong đời một quyết định, đó là làm pho tượng hay làm con bồ câu ở công viên.

Làm con chim câu, như những con rất du côn ở gần sở tôi, hay như những con rất đàng hoàng và tử tế ở công trường Trafalgar, đều chung nhau một trò chơi rất đểu, đó là ỉa lên đầu những pho tượng.

Không thể sống trong đời sống chỉ làm có một việc là ỉa đái lên đầu những pho tượng. Không thể cả đời cứ sống như thế mãi được. Làm công việc ấy không có gì vui cả.

Nhưng làm những pho tượng, cả đời chỉ để cho những con bồ câu ỉa lên đầu thì cũng có gì vui? Nhất định là không vui rồi. Cứ đứng "trơ trơ như đá, vững như đồng" như phỗng đá của Nguyễn Khuyến có thể cũng có những điều hài lòng khác. Không phản ứng lại, không vung được cả cánh tay để xua chim đi, cho chim khỏi ỉa xuống mình có thể là một hành động tuyệt đẹp của một Thiền sư.

Cuốn Thiền Nhục Thiền Cốt của Nyogen Senzaki kể chuyện Thiền sư Hakuin bị một cô gái trong làng đổ cho là cha của cái bầu cô đang mang. Cha mẹ cô gái giận lắm, đến chửi rủa Hakuin thậm tệ. Hakuin nghe chửi đầy tai, chỉ nói lại có một câu: "Vậy sao?" Cô gái sinh con, đem đưa cho Thiền sư Hakuin nuôi. Hakuin đi xin sữa về nuôi đứa bé. Một năm sau, cô gái ân hận, thú thật anh bán cá ngoài chợ mới là cha đứa bé. Cha mẹ cô gái đến xin lỗi, xin đem cháu về nuôi. Hakuin trao đứa bé lại, và cũng vẫn chỉ nói: "Vậy sao?"

Hai bức tượng của Napier và Havelock sắp ra bờ sông đứng với những oan khuất của những bãi cứt chim lại còn không làm được cả việc của Thiền sư Hakuin là hỏi lại một câu.

Nhưng bị đem ra bờ sông Thames bầy thì chán chết, làm tượng đứng bờ sông mà làm gì. Sao mà chán the này hở Giời ơi là Giời!

Nhưng bị đạp lên đầu, bị xô xuống đất, bước lên người cũng có cái vui riêng, và một lương tâm trong sáng. Làm tượng vẫn hơn làm bọn bồ câu mất dậy chuyên ỉa lên đầu tượng.


Ngày 4 tháng 12 năm 2009

Bạn ta,

Bài hát ru nghe mấy chục năm trước bỗng nhiên trở lại lẩn quẩn trong đầu, ám ảnh tôi từ mấy ngày hôm nay:

...

Tay cầm bầu rượu nắm nem
Mảng vui quên hết lời em dặn dò
Gánh vàng đi đổ sông Ngô
Đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương

...

Người đàn ông có một đời sống không lấy gì làm mực thước, khuôn mẫu, đi hết Đồng Đăng, Kỳ Lừa, chùa Tam Thanh, Lạng Sơn... vui thú sông hồ kiểu ông Tản Đà cứ "túi thơ đi khắp ba Kỳ, lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng"... mà tại sao lại là nhân vật chính trong bài hát ru, để những hình ảnh của ông ta cứ ở lại mãi trong đầu của những đứa bé Việt Nam?

Mấy câu cuối là những trách móc rất nhẹ nhàng, bầy ra một sự chịu đựng, nhẫn nhục suốt đời của những người phụ nữ.

Anh đi nhậu, ngất ngưởng tay chai đế, tay gói nem, anh quên hết lời em dặn dò...

Bao nhiêu năm rồi cũng vẫn thế. Trong ca dao thì dịu dàng hơn: mảng vui quên hết lời em dặn dò...

Ngoài đời thật thì: tại sao anh không nhớ tôi nói gì? Bộ anh không nghe tôi nói gì sao? Anh có thèm nghe tôi nói bao giờ đâu! Nói với anh thì vào tai này ra tai kia, thà vạch cái đầu gối của cái chân rất đẹp này để mặc mini jupe (hồi xưa) của tôi ra nói với nó còn hơn là nói với anh...

Nhưng có lẽ bây giờ thì tôi bắt đầu hiểu tại sao mấy câu hát ru cứ lẩn quẩn trong đầu từ mấy hôm nay. Lý do có thể là bài báo tôi đọc được về hai cách nghe của đàn ông và đàn bà, theo đó, đàn ông và đàn bà có hai lối nghe khác nhau hoàn toàn, mà mấy câu ca dao có cả trăm năm nay cũng đã nhận ra.

Tôi không còn thắc mắc vì sao không có một câu ca dao nào than thở, phiền trách người phụ nữ không nghe những lời dặn dò của những người đàn ông, mà chỉ thấy có những lời thống trách của phụ nữ về chuyện nghe ngóng của người đàn ông.

Theo một khám phá mới của trường y khoa Indiana tại Indianapolis, thì đàn ông chỉ dùng có một nửa bộ não để nghe, phần bên trái, phần có tên là temporal lobe, khu vực được coi là liên hệ tới nghe và nói. Cuộc thí nghiệm của đại học dùng 10 người đàn ông và 10 người đàn bà, tất cả đều được cho nghe vài ba đoạn của một cuốn tiểu thuyết. Những hình chụp quang tuyến cho thấy là ở những người đàn ông, chỉ có khu vực temporal lobe là có hoạt động trong khi nơi các phụ nữ, cả hai phía của não bộ đều có những hoạt động. Cuộc nghiên cứu cho thấy là việc tiếp thu ngôn ngữ của đàn ông và đàn bà khác nhau và hiện nay, khoa học chưa thể nói chắc đó là vì cách nuôi dậy trẻ trai và trẻ gái khác nhau, hay vì những đường dây... được cho chạy khác nhau ở não người nam và người nữ.

Có điều là cùng một chuyện, hai người tiếp thu, hiểu, ghi nhận và hoài ức rất khác nhau.

Những người đàn ông chỉ nghe bằng nửa bộ óc thì dĩ nhiên không thể ghi nhận được nhiều như những người đàn bà. Không thể ghi nhận được nhiều thì hồi ức cũng thua kém. Hồi ức thua kém thì không thể nhớ được những gì đã nói, đã xẩy ra mười năm, hai mươi, ba mươi năm trước, nên khi bị lôi những chuyện cũ ra thì các chàng ú ớ thảm hại. Lúc ấy, các nhà khảo cổ mới ra tay làm việc. Cái tội mảng vui, không tay súng tay cầy mà tay chai, tay đĩa đồ nhậu thì chỉ có chết.

Lúc ấy, những cái tên cũ (cho dù rất đẹp ấy) làm sao nhớ cho hết được, những nơi chốn, những chuyện đã làm hay không làm... sẽ được lôi ra, đào bới, khai quật và hỏi cung thì ai mà toàn thây cho được?

May ra thì đức Đạt Lai Lạt Ma mới có một quá khứ ngoài chuyện tranh đấu cho Tây Tạng thì mới không có gì để nói. Nhưng thế giới có được bao nhiêu người như Tenzin Gyatso, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng?

Trong khi "chúng tôi" nghe bằng hai bên não, và "chúng nó" thì chỉ nghe bằng một bên nên mới khốn khổ đời trai.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 56)

Bản chuyển tả do Nhã Lan thực hiện. Bài học số 56 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 12 năm 2009.

QUỲNH ANH:

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống hàng ngày. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

NHÃ LAN

Thưa thầy, hôm nay, Nhã Lan có câu hỏi là làm sao phân biệt được lúc nào dùng GOOD và lúc nào dùng WELL. Nhã Lan hỏi những người Mỹ nói tiếng Anh, ngôn ngữ chính của họ, những người sử dụng Anh ngữ cả đời mà Nhã Lan cũng vẫn không có được câu trả lời thỏa đáng.

BBT

Hai chữ này, chính một số người Mỹ cũng nói sai, nhưng trong ngôn ngữ thường đàm, hàng ngày, thì người ta lại có khuynh hướng chấp nhận những sai lầm đó. Tuy thế, chúng ta vẫn nên học cách dùng đúng của hai chữ này.

Thực ra, hai chữ này dùng cho đúng cũng không khó. GOOD là một tĩnh từ (ADJECTIVE). Tĩnh từ trong Anh ngữ dùng để phụ nghĩa, thêm nghĩa, làm rõ nghĩa của danh từ (NOUN). Tĩnh từ luôn luôn đi trước, đứng phía trước, ở đằng trước danh từ. Những điều đó hai cô chắc chắn đã hiểu rõ.

WELL là trạng từ (ADVERB) , tiếng dùng để thêm nghĩa cho động từ, cho người nghe biết thêm về động từ.

Hiểu như vậy rồi, cô Nhã Lan cho một thí dụ với GOOD và một thí dụ với WELL coi. Nhớ là GOOD đi với một danh từ và đi trước danh từ đó. Còn WELL thì đi sau động từ.

NHÃ LAN

GOOD BOOK, không bao giờ là WELL BOOK. I LIKE TO SIT IN FRONT OF THE FIREPLACE WITH A GOOD BOOK.

MY NIECE IS ONLY 5 YEARS OLD BUT SHE CAN READ WELL.

BBT

Đúng. Còn cô QA muốn nói gì đây?

QA

Thưa anh tại sao con gái QA khi bạn nó hỏi HOW ARE YOU?, nó lại trả lời I AM GOOD?

BBT

Tôi vừa định nói đến điều đó thì cô hỏi. Cám ơn cô. Trong Anh ngữ có khoảng 60 động từ có cách dùng như thế. Chúng đi với tĩnh từ thay vì trạng từ. Tôi không thể kể hết ra ở đây trong bài học hôm nay. Một số những động từ đó, hai cô có thể đã biết, lại đi với tĩnh từ, không đi với trạng từ mặc dầu chúng là động từ, mà chúng ta đều biết, đều được các sách văn phạm dậy là (động từ) phải đi với trạng từ.

NHÃ LAN

Nhã Lan biết ít nhất là ba động từ. Đó là TO LOOK, TO SEEM, TO APPEAR.

TO LOOK , TO SEEM và TO APPEAR đều có nghĩa là trông, coi có vẻ, có vẻ. Sau đó, chúng ta dùng tĩnh từ.

Thí dụ SHE LOOKS WONDERFUL. THEY SEEM HAPPYHE APPEARS HEALTHY.

BBT

Đúng vậy, WONDERFUL, HAPPY và HEALTHY đều là tĩnh từ.

QA

Nhưng QA cũng lại nghe có người nói HE LOOKS WELL, SHE SEEMS WELL hay SHE APPEARS WELL. Vậy thì có phải các động từ LOOK, SEEM và APPEAR đều có thể dùng với cả trạng từ WELL và tĩnh từ GOOD có đúng không?

BBT

Lại phải cám ơn cô QA lần nữa. Chữ WELL mà cô vừa dùng sau các động từ LOOK, SEEM và APPEAR đó là tĩnh từ, có nghĩa là khỏe, khỏe mạnh, không bệnh tật. Nếu WELL nghĩa là giỏi, là hay thì nó là trạng từ. Thí dụ HE SINGS WELL. SHE COOKS WELL.

NHÃ LAN

Trong hai câu trên thì WELL là giỏi, là hay. Anh ấy hát hay. Cô ấy nấu ăn giỏi. Không thể hiểu là anh ấy hát … khỏe mạnh, hát … không bệnh tật gì phải không thưa thầy?

BBT

Có hai động từ trong nhóm này mà hai cô thường gặp là TO SMELL và TO FEEL. TO SMELL là ngửi. TO FEEL là cảm thấy.

Thí dụ: THE COFFEE SMELLS GOOD ( WONDERFUL, DELICIOUS) IN THE COLD MORNING. Hay BABIES ALWAYS SMELL GOOD.

Hay MUSIC CAN MAKE PEOPLE FEEL GOOD.

Hai cô nhớ thêm một điều này nữa. Chúng ta dùng WELL với các động từ diễn tả hành động (ACTION VERBS). Cô QA cho vài động từ ACTION VERBS coi nào.

QA

QA nghĩ đây là các ACTION VERBS mà QA có trong đầu vào lúc này: TO DRIVE, TO WALK, TO PLAY, TO JUMP, TO RUN.

BBT

Bây giờ tôi hỏi cô Nhã Lan nói thế này đúng hay sai?
HE SCORED GOOD IN HIS ENGLISH EXAM.

NHÃ LAN

Sai. Phải nói là HE SCORED WELL IN HIS EXAM.

BBT

Còn cô QA, nói thế này đúng hay sai? SHE PLAYS THE CELLO WELL.

QA

Đúng. Động từ PLAYS cần một trạng từ. Trạng từ WELL đi với PLAYS là đúng.

BBT

Trong câu này, HE SPEAKS SPANISH, người ta có thể dùng cả GOOD và WELL. Nhưng dùng cho đúng cũng hơi rắc rối một chút. GOOD hay WELL tùy theo ý nghĩa chúng ta muốn diễn tả. Chuyện ông ấy nói tiếng Tây Ban Nha thì ai cũng biết. Ông ấy nói giỏi và nói hay nữa là khác. Nhưng không phải dùng GOOD và WELL cho tất cả mọi trường hợp đều được.

Cô Nhã Lan, khi tôi nói rằng ông ấy nói tiếng Tây Ban Nha, thứ tiếng Tây Ban Nha rất hay của thủ đô Madrid thì cô dùng GOOD hay WELL?

NHÃ LAN

Nhã Lan nghĩ anh muốn tả cái thứ tiếng Tây Ban Nha của ông ấy, Tây Ban Nha quí tộc của Cervantes, của El Cid, của Don Juan thì chắc phải nói GOOD SPANISH. HE SPEAKS GOOD SPANISH.

QA

QA xin nói là Nhã Lan dùng như vậy rất đúng. SPANISH là danh từ. GOOD nói thêm cho người nghe về cái danh từ đó, về thứ tiếng Tây Ban Nha đó, thì chúng ta dùng GOOD, cho GOOD đứng trước danh từ SPANISH.

Nhưng khi nói ông ấy nói giỏi tiếng Tây Ban Nha, chúng ta muốn nói rõ hơn về cách nói, về động từ SPEAK, cách lên giọng, xuống giọng, nhẹ nhàng, ngọt như Julio Iglisias, thì QA nghĩ phải dùng WELL và nói HE SPEAKS SPANISH WELL.

BBT

Bây giờ tôi hỏi thêm hai cô khi nào dùng GOOD và khi nào dùng WELL trước khi chúng ta chuyển sang một chuyện khác.

Thí dụ nói cô ấy nấu ngon lắm, giỏi lắm, cô ấy nấu hết sẩy đồ ăn Thái Lan thì Nhã Lan nói thế nào?

NHÃ LAN

SHE COOKS THAI FOOD VERY WELL.

BBT

Đúng. Thế còn khi nói cô ấy nấu mấy món Thái ngon không chịu được, ngon lắm, cay giàn nước mắt ra mà vẫn muốn ăn thêm thì cô QA nói về cô ấy thế nào?

QA

SHE COOKS GOOD THAI FOOD.

BBT

Đây là một câu chắc hai cô cũng đã nghe rồi: THEY ALWAYS SPEAK WELL OF HIM. Câu ấy nghĩa là gì?

QA

Nghĩa là họ luôn luôn nói tốt về ông ấy. Nhưng nếu muốn dùng GOOD, QA nghĩa phải nói thế này: THEY ALWAYS SAY GOOD THINGS ABOUT HIM.

NHÃ LAN

Thế thì nói xấu ai, chúng ta nói thế nào? Có phải SPEAK OF THE DEVIL không thưa anh?

BBT

Không. Nói xấu người nào là TO SPEAK ILL OF SOMEBODY.

SPEAK OF THE DEVIL nghĩa là đang nhắc, đang nói về ai đó, có thể nói tốt, có thể nói xấu, có thể nói không tốt không xấu về người ấy thì người ấy lù lù xuất hiện. Thí dụ WE WERE TALKING ABOUT THE PARTY WHERE WE SAW HIM. SPEAK OF THE DEVIL, HE OPENED THE DOOR AND WALKED IN.

QA

QA nhận được một câu hỏi qua e-mail nhờ QA chỉ cho nghĩa của chữ BUT. QA mang nhờ thầy mách nước cho.

BBT

BUT là một liên từ, tiếng Anh là CONJUNCTION. Liên từ BUT được dùng để nối hai câu với ý nghĩa tương phản.

HE HAS LITTLE MONEY . HE HAS VERY EXPENSIVE TASTES. Hai câu này đưa ra hai sự kiện thường là không đi với nhau. Ông ấy không có nhiều tiền . Ông ấy có những sở thích rất đắt tiền. Dùng liên từ BUT, chúng ta đem hai hình ảnh trái ngược đặt bên cạnh nhau làm cho sự tương phản rõ thêm: HE HAS LITTLE MONEY BUT HE HAS VERY EXPENSIVE TASTES.

BUT trong câu trên có nghĩa là NHƯNG, NHƯNG MÀ…

BUT cũng có nghĩa là NGOẠI TRỪ. Thí dụ Nhã Lan là người duy nhất trong gia đình phải đi làm hôm Giáng Sinh, hay không ai ngoại trừ Nhã Lan phải làm việc hôm Giáng Sinh thì cô nói thế nào?

NHÃ LAN

NOBODY IN MY FAMILY HAS TO WORK ON CHRISTMAS DAY BUT ME. Hay NOBODY BUT ME HAS TO WORK ON CHRISTMAS DAY.

BBT

BUT cũng có cùng ý nghĩa và cách dùng với chữ EXCEPT. QA dùng EXCEPT thay cho BUT coi.

QA

I KNOW ALL PEOPLE IN THE ROOM BUT HIM.

I KNOW EVERYBODY IN THE ROOM EXCEPT HIM.

BBT

BUT cũng còn có nghĩa là CHỈ.

NHÃ LAN

Thôi đúng rồi. Bài OH! CAROL của Neil Sedaka có câu mở đầu đúng ý nghĩa của chữ BUT mà anh vừa nói: OH! CAROL, I AM BUT A FOOL

QA

Như vậy, BUT có cùng nghĩa như JUST phải không anh? Vậy thì Paul Anka cũng viết một bài có câu đầu có thể làm thí dụ cho bài học hôm nay: I AM JUST A LONELY BOY, LONELY AND BLUE, bài LONELY BOY đó Nhã Lan…

BBT

Đúng lắm. Còn khi nào muốn cho ý nghĩa mạnh hơn, người ta dùng NOTHING BUT. Thí dụ I AM AN OLD MAN không mạnh bằng I AM BUT AN OLD MAN. Mạnh hơn thì nói I AM NOTHING BUT AN OLD MAN.

NHÃ LAN

NO! MISTER BUI, YOU ARE NONE OF THE ABOVE!

BBT

Cám ơn sự tử tế của cô. Nhân nói về BUT và những nghĩa không thường gặp của nó , có lẽ tôi sẽ phải nói thêm về một chữ khác mà có thể hai cô chưa gặp. Đó là VERY.

VERY là trạng từ, dùng để làm cho nghĩa của một tĩnh từ mạnh thêm. HOT thành VERY HOT. PRETTY thành VERY PRETTY… vân vân.

Nhưng VERY cũng được dùng trong cách dùng nhấn mạnh. Thí dụ IN THIS SAME PLACE nghĩa là ở cùng chỗ này. Thêm VERY vào chúng ta có IN THIS VERY SAME PLACE nghĩa là ở ngay tại chỗ này.

LAST YEAR, ON THIS DAY AND AT THIS VERY SAME GATE là gì nào cô QA?

QA

Câu này chắc chắn là của Thôi Hộ. QA có nghe ba QA ngâm nga cả bài, nhưng QA chỉ thuộc có một câu: khứ niên, kim nhật, thử môn trung… Thử môn trung là ngay cái cửa này, THIS VERY SAME GATE…

BBT

Bây giờ có một động từ các cô đã dùng nhiều lần, tôi muốn chỉ cho hai cô một cách dùng khác nữa. Đó là động từ MAY, một động từ khiếm khuyết (DEFECTIVE VERB). Vì nó khiếm khuyết , nó thiếu nhiều thứ nên nó không có TO ở trước, nó không có "S" ở ngôi thứ ba số ít. Nó lại còn rất tội nghiệp vì nó có hiện tại, có quá khứ nhưng lại không có tương lai.

MAY được dùng để hỏi xin phép.

NHÃ LAN

Động từ này, hai con gái của Nhã Lan hay dùng lắm nên Nhã Lan biết rất rõ. Mấy câu thế này thì hôm nào Nhã Lan cũng nghe từ hai cô con gái: MAY I USE THE CAR? MAY I BORROW YOUR NEW SHOES? MAY I GO OUT WITH MY FRIENDS?

BBT

Vậy thì khỏi giảng thêm nữa. Vì chắc con của QA cũng suốt ngày mấy câu như thế. MAY còn có nghĩa là có lẽ, có thể, như một chuyện chúng ta chưa thể nói chắc hay biết chắc được. QA cho thí dụ về cách dùng này được không ?

QA

MRS PALIN MAY RUN FOR OFFICE IN 2012.

IT MAY RAIN TONIGHT.

BBT

Cám ơn hai cô. Còn một cách dùng nữa mà trong dịp cuối năm thế này các cô cũng nên biết. MAY được dùng để nói lên những lời ước, những hy vọng. MAY được đặt ở đầu câu.

Thí dụ chúng ta muốn, hay chúng ta hy vọng Trời phò hộ cho người đang nói đang noi chuyện với chúng ta, thì chúng ta nói MAY GOD BLESS YOU! Nhã Lan đi ăn cưới, muốn chúc đôi trẻ hạnh phúc thì nói thế nào? Nhớ dùng MAY ở đầu câu.

NHÃ LAN

MAY YOU HAVE A LONG, HAPPY, PROSPEROUS LIFE!

BBT

Cô QA muốn chúc bà hàng xóm Mỹ của cô Giáng Sinh vui vẻ thì cô nói thế nào?

QA

MAY YOU HAVE A WONDERFUL CHRISMAS!

BBT

Hay lắm. Các cô nghe bài WHITE CHRISTMAS của Irving và Berlin rồi chứ? Vậy thì tôi sẽ dùng ngay hai câu cuối của bài hát này để chúc hai cô và quí khán giả của Hồn Việt TV rằng MAY YOUR DAYS BE MERRY AND BRIGHT / AND MAY ALL YOUR CHRISTMASES BE WHITE !

QA

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television vào tuần tới. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị và hẹn gặp lại quí vị trong bài học tới.


CHỮ NGHĨA CHÚNG TA


Ông Trần Xuân Yên, Chicago, Illinois

Cờ Nhật chỉ có một vòng tròn mầu đỏ trên nền trắng. Lá cờ có vòng tròn đỏ và 16 tia sáng tỏa ra là quân kỳ (kyokujitsuki) thường thấy trên các chiến hạm của Nhật.

Nghĩa của tên cầu Thê Húc: Thê là đậu lại. Húc là ánh sáng khi mặt trời mới mọc. Thê Húc nghĩa là nơi đậu lại của ánh mặt trời buổi sáng. Cầu do Nguyễn Văn Siêu xây năm 1885 khi ông tu bổ ngôi chùa nhỏ trên đảo Ngọc, nơi thờ tam thánh. Tên của cầu do Nguyễn Văn Siêu đặt.

Trong đền trước đây có thủ bút của Nguyễn Văn Siêu và bạn của ông là Cao Bá Quát (Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán), hai người văn hay chữ tốt nổi tiếng, nay không biết có còn không.

L’Entente cordiale là liên lạc ngoại giao tốt đẹp giữa Anh và Pháp trước đệ nhất thế chiến.

Plus ca change, plus c’est la même chose hay plus ca change , plus c’est pareil là có thay đổi thì cũng vẫn vậy, cũng vẫn như cũ, cũng chỉ là ông Vũ Như Cẩn (?) mà thôi.

Vin de pays là loại rượu giá trị thấp hơn appellation controlée.

Voulez-vous coucher avec moi ce soir? là câu xuất hiện (không phải lần đầu tiên) trong vở kịch A Streetcar Named Desire của Tennessee Williams. Có thể vì vậy mà nhiều người Mỹ (dù không biết tiếng Pháp) cũng hay nói câu này.

Ông Trần Thiệu Hưng , Arlington, Virginia

Whatchamacallit thực ra là what you may call it là chữ dùng khi người ta không biết tên gọi của một vật nào đó. Thí dụ muốn tả cái phong linh (wind chime) nhưng không biết tên gọi của nó là gì, người ta có thể nói: There is a whatchamacallit near the window that gives out very nice sounds in the wind.

Cũng thế, khi không biết hay quên tên một người nào đó, người ta dùng Mister So-and-SoMister Such-and-Such cũng như trong tiếng Việt chúng ta nói là cái ông tên gì gì đó.

What gives? Nghĩa là chuyện gì vậy, cùng nghĩa với câu what happens? hay what is happening?

Future Perfect được dùng để nói về một chuyện sẽ trở thành quá khứ trong một thời điểm nào đó trong tương lai, nghĩa là bây giờ thì chưa xẩy ra, chưa hoàn tất, nhưng sẽ là quá khứ, sẽ xẩy ra, sẽ hoàn tất trong tương lai, hay trước một việc nào đó trong tương lai.

Future Perfect được tạo thành bởi WILL / SHALL + PAST PARTICIPLE.

By 2025, they WILL HAVE LIVED in California for half a century.

This time next year, he WILL HAVE FINISHED his Ph.D. thesis.

Snafu nghĩa là một lầm lẫn, một sai lầm lớn, một trường hợp gây bối rối, một chuyện ngớ ngẩn, ngu xuẩn. Đây là một từ ngữ xuất phát từ quân đội Mỹ. Theo một vài giải thích thì snafu là những chữ viết tắt của Situation Normal All Fucked Up.

Cụ Ngọc Đinh, ngvdinh1925@yahoo.com

Harper Lee (1926) chỉ có một tác phẩm duy nhất được xuất bản. Cuốn To Kill A Mockingbird đã được dựng thành phim với Gregory Peck đóng vai Atticus Finch, một luật sư ở miền Nam bênh vực cho một người đàn ông da đen bị hàm oan giữa lúc nước Mỹ còn rất nhiều kỳ thị. Harper Lee sống lặng lẽ, không xuất hiện, không trả lời bất cứ một cuộc phỏng vấn nào. To Kill A Mockingbird có dấu tích của một tiểu sử tự thuật. Harper Lee rất giống nhân vật Scout, cô gái tomboy tính tình như con trai trong truyện. Như vai Atticus Finch, Harper Lee cũng học luật. Harper Lee rất thân với Truman Capote và Gregory Peck. Cháu của Gregory Peck mang tên của Harper Lee: Harper Peck Voll.

Đểu là phu khuân vác, phu gánh thuê thường làm việc ở những bến đò. Cáng là phu cáng. Những người làm những công việc kể trên thường hay đụng độ nhau để tranh khách. Cả hai đều có lối ăn nói, cư xử không mấy lịch sự. Từ đó, có danh từ và tĩnh từ đểu cáng. Đểu giả nghĩa là đểu, xấu xa, vô hạnh. Không có phu giả.

Cô Xuyến Kim Nguyễn, Santa Ana, California

Bích Câu Kỳ Ngộ nghĩa là cuộc gặp gỡ (ngộ) lạ lùng (kỳ) ở Bích Câu (bích là xanh biếc; câu là dòng nước). Bích Câu là địa danh một khu ở gần Hà Nội. Truyện xẩy ra đời Hồng Đức được viết bằng lục bát: ... Thành Tây có cảnh Bích Câu/ Cỏ hoa góp lại một bầu xinh sao...

Nhân vật chính là Trần Tú Uyên, một người học trò đi xem hội xuân gặp một mỹ nhân, về ốm tương tư : ... bướm kia vương lấy sầu hoa / đoạn tương tư ấy nghĩ mà buồn tênh ...

Tú Uyên đi kiếm mua được bức tranh vẽ một người rất giống Giáng Kiều mang treo trong nhà. Người đẹp trong tranh xuất hiện, ở lại làm vợ Tú Uyên. Sống với nhau được ít lâu, Tú Uyên đối xử không tốt với Giáng Kiều nên Giáng Kiều bỏ đi . Tú Uyên toan hủy mình, Giáng Kiều trở lại, hai người có con với nhau đặt tên là Chân Nhi. Nghe lời Giáng Kiều, Tú Uyên tỉnh ngộ, hai người cưỡi hạc lên tiên.

Tương truyền chùa Bà Ngô , cũng có tên là chùa Ngọc Hồ, ở phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến) được xây ở khu đất trước đó là Bích Câu. Chùa ở gần Văn Miếu, cạnh trường tiểu học Lý Thường Kiệt, đi một quãng thì tới Cửa Nam.

Trong câu "Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm" (thơ Quang Dũng, bài Tây Tiến), dáng kiều là dáng của người con gái đẹp.

Mắt xanh là do điển Nguyễn Tịch đời nhà Tấn khi gặp người cao thượng thì nhìn bằng mắt xanh (thanh nhãn), khi gặp người xấu hèn thì dùng mắt trắng (bạch nhãn) để nhìn.

Trong lối nói của người Việt, "lọt mắt xanh" là được sự chú ý, lưu ý của người quân tử, của mỹ nhân, của người trên.

"Trắng mắt" nghĩa là bị đối xử hay gặp phải trường hợp trong đời sống không tốt đẹp lắm, ngược lại những kỳ vọng của mình.