October 28, 2010

October 29, 2010

Ngày 25 tháng 10 năm 2010

Bn ta,

Nếu không mua chai St Emilion mà chúng ta uống ở nhà bạn hôm trước, thì tôi nghĩ chúng ta có thể dùng $24.85 để làm một chuyện khác hơn là mua cái sản phẩm quảng cáo trong cuốn catalogue Sky Mall tôi đọc được trên một chuyến bay mới đây.

Có là điên nặng mới mất công ký tấm ngân phiếu, điền phiếu đặt mua, rồi ngồi nhà chờ hai tuần để nhận được món hàng tôi tin là không có bất cứ một lợi ích nào cho người mua.

Ở trang 62 cuốn catalogue mùa hè của US Airways, là quảng cáo sản phẩm có tên là Folding Foot Rest, cái gác chân có thể gấp lại được làm bằng plastic tại Canada.

Sản phẩm này trông như một chiếc ghế nhỏ, cao khoảng 10 cm, bề ngang khoảng 25 cm, và theo cuốn catalogue, thì rất cần cho những người chân ngắn, khi ngồi trên những chiếc ghế cao, bàn chân không chấm được tới sàn nhà. Ðiều này, cuốn catalogue nói rõ rằng ngoài việc làm cho người ta bị mệt, mà còn có thể nguy hiểm nữa. Có cái gác chân này, vẫn theo cuốn catalogue, bắp chân sẽ bớt đau, lưng không còn bị mỏi nữa. Chỉ thiếu điều nó có thể làm cho người mua, khi gác đôi chân lên, lập tức trở thành người ăn nói duyên dáng, là nó có khả năng trị đủ bá chứng.

Cái quảng cáo rõ ràng là nhắm vào những người chân ngắn để dụ tiền, xúi giục họ mua cái sản phẩm không có lợi ích gì hết. Nó không những chỉ là những mời mọc làm tiền, mà còn là những lăng mạ nhắm vào những người có những đôi chân ngắn cùng với những hăm dọa không cần thiết như chân ngắn là bất tiện, là dễ bị mỏi mệt, là có thể nguy hiểm tới bộ máy tuần hoàn khi ngồi đong đưa chân trên ghế, không đạp được chân xuống đất, do đó, phải mua ngay cái gác chân về để dùng khi đi máy bay, trong sở hay trong rạp hát.

Tầm bậy vô cùng. Những điều viết kể trên trong cuốn catalogue để mời mua cái gác chân không hề dựa trên bất cứ một dữ kiện khoa học nào có thể kiểm chứng được. Cơ thể con người được Thượng Ðế vẽ kiểu và đã toàn hảo ngay từ bao nhiêu năm trước, không như những sản phẩm của con người để tiếp tục cần được cải thiện, như những chiếc xe hơi, những chiếc máy chụp hình, để Nikon F1 không tối tân và nhiều khả năng như Nikon F6 chẳng hạn.

Những người có chân ngắn không thể bị hạ nhục như thế được. Phải trả lại sự kính nể mà họ rất xứng đáng được có. Không thể vì muốn bán cái sản phẩm giá hai mươi mấy Mỹ kim đó mà lăng mạ, hăm dọa, gây lo lắng cho họ vì họ chưa có cái gác chân làm bằng plastic.

Nhưng có thể nào một trong những điều viết trong cái quảng cáo đó đúng hay không? Có thể nào chân ngắn, đong đưa trên ghế làm cho người ta mệt không? Hay là có mệt thật? Có đúng là chân ngắn dễ... mệt không?

Có thể nào công ty Magellan's chuyên cung cấp các sản phẩm dùng khi du lịch đã tin vào những điều mà người Trung Hoa vẫn tin từ bao lâu nay để nói rằng cái gác chân có thể giúp làm cho đôi chân đỡ mệt?

Biết đâu những người viết quảng cáo cho công ty này đã được nghe câu "Trường túc bất tri lao" -- chân dài không biết mệt-- của người Trung Hoa?

Mà nếu như thế thì bao giờ công ty Magellan's sẽ lo giải quyết các vấn đề khác bao gồm trong loạt mấy câu bầy tỏ sự lo lắng trước cái eo nhỏ, lông mi đậm, má hồng -- tiểu yêu, đa mi, hồng diện?

Thí dụ hút bớt mỡ cho eo nhỏ; vẽ thêm, xâm thêm cho lông mi đậm hơn, rậm hơn; tô cho má hồng thêm, và sau đó, mặc cho thiên nhiên tiếp tay để những khu vực khác... tự lo lấy?

Nếu đúng như thế, thì có cần mua cái gác chân, rồi mang nó vào giường để... đọc sách buổi tối cho đỡ mệt không? Lúc ấy thì hết than là mệt nữa nhá...


Ngày 26 tháng 10 năm 2010

Bn ta,

Tuy đứng cùng một phe với Mussolini trong những năm đệ nhị thế chiến, nhưng không bao giờ Hitler dành cho Mussolini và nước Ý của ông trùm Phát Xít này một chút nể trọng nào.

Nước Ý của Mussolini, theo Hitler, có quyển sách mỏng nhất thế giới trong đó ghi tên các anh hùng, dũng tướng, trong khi quyển sách dầy nhất thế giới, lại là cuốn sách ghi những chuyện tình ái của người Ý, đàn ông cũng như đàn bà. Theo Hitler, mấy cậu người Ý chỉ giỏi chuyện trai gái, đến lúc ra trận thì dở ẹc, dở nhất thế giới.

Nhưng Hitler thực ra cũng không ngoa ngôn quá lắm khi nói như thế. Người Ý quả là có huê tình, có phong nguyệt thật. Bé nứt mắt ra mà đã giỏi thì như Romeo và Juliet. Già mà vẫn đại phong tình thì như Giovanni Giacomo Casanova De Seingalt.

Trò phong tình của người Ý còn lan sang cả những thứ trên người của họ: thời trang, quần áo, xe hơi... Tất cả những thứ cần thiết để phục vụ đời sống tình ái, người Ý đều giỏi. Các studio nổi tiếng nhất thế giới về vẽ kiểu quần áo, ca vát, đồng hồ, xe thể thao đều ở nước Ý. Các hãng Ford và Volkswagen đều đã phải nhờ studio Ghia của Ý vẽ kiểu xe Mustang và Karman chẳng hạn.

Thế thì người Ý chắc phải giỏi trò tán nhau lắm. Không thế mà bao nhiêu phụ nữ Mỹ phải lũ lượt đi sang Ý cho đàn ông Ý cấu đít ở ngoài đường, trên xe bus, xe điện... cho bõ những ngày cơ cực.

Nhưng có thể nào nước Ý ngày nay đang trên đà đi xuống sau những lúc hưng thịnh nhất về tình ái đó chăng? Có thể nào trò huê tình của người Ý cũng cùng một số phận tàn phai, sụp đổ tan tành như đế quốc La Mã sau khi đã lên đến tột đỉnh của văn minh không?

Người ta có thể nghĩ vậy khi biết là ở La Mã hiện nay, rất nhiều đàn ông đang phải ghi tên, đóng tiền đi học những lớp dậy tán tỉnh, quyến rũ, rù quyến phụ nữ. Học phí cho một khóa hai ngày là 400 ngàn Lira, tương đương với gần hai trăm đô la Mỹ và trường dậy đã có khá nhiều học viên đủ mọi loại tuổi, từ 19 đến 60 tuổi, nhưng hầu hết là hạng tuổi ba mươi, bốn mươi.

Các học viên được dậy những gì thì bản tin tôi đọc được của Reuters không nói rõ. Lớp sẽ do các giảng viên như thế nào phụ trách, giờ thực tập các học viên sẽ phải làm gì, và có bài tập làm ở nhà (homework) không, và bài tập đó là gì?

Ðó là những điều nhiều người muốn biết, mà không biết hỏi ai, chẳng lẽ ném ra hai trăm Mỹ kim để thỏa mãn tính tò mò. Nhưng bản tin có thể làm cho nhiều người cảm thấy tự tin hơn. Giỏi có tiếng như người Ý mà cũng còn phải đi học huống chi mình. Có bị ngúng nguẩy, xí, nguýt cho một cái thật dài, rồi bỏ đi thì cũng chẳng sao. Tắt đèn làm lại cho đến khi một tay túm được tóc, tay kia vác cái chầy vồ, kéo về hang đá là xong.

Seduction, là môn dậy của các lớp học này. Seduction không chỉ là tán tỉnh (court), mà còn tiến xa hơn thế nữa. Tán tỉnh là mới đứng ở bờ suối, chờ con hươu đến uống nước để bắn và trong khi chờ đợi, thì thả lời ong bướm, khen chị rằng chị có đôi chân ít lông, tóc dính mỡ lợn trông đẹp ác, cái mũi đeo cục xương xuyên giữa hai lỗ mũi trông sexy chết được. Trò này đã có từ thời đồ đá khi tổ tiên chúng ta vừa rời những cái ổ trên cây bước xuống đồng bằng săn bắn, kéo nhau vào hang đá để ở. Mấy chục ngàn năm trước là như thế.

Bây giờ có hơi khác một chút.

Cái chầy vồ không còn lúc nào cũng vác theo nữa. Và thay vì túm tóc kéo về, thì mời leo lên cái Mercedes. Thay vì quăng về phía góc hang đá nàng đang ngồi miếng thịt hươu còn rỏ máu vừa cắt bằng cục đá lửa có cạnh sắc, thì trước mặt là miếng filet mignon, hai ly đỏ, tiếng vĩ cầm bài Fascination...

Chắc mấy lớp học ở La Mã dậy cũng bài bản như vậy là cùng. Carlo Della Torre, một trong những giảng viên của lớp học này nói rằng seduction dựa trên khung cảnh khoảng 60%, dựa trên đương sự làm công việc tán tỉnh quyến rũ khoảng 30% và đối tượng chỉ 10%. Như vậy, khung cảnh quan trọng nhất. Không thể giữa trưa nắng lôi nàng vào quán hủ tiếu, gọi bình trà Hai Con Cua, đánh vật với cái dầu cháo quẩy vừa dai vừa nhạt thếch rồi, cầm tay nàng mà tỏ tình được. Ít ra cũng phải cái quán ngó xuống biển đêm lấp lánh bạc, tiếng sóng vỗ trong kè đá, thoảng chút gió lùa qua những chiếc cửa kính ở bờ biển La Jolla hay gần cầu Kim Môn ở Cựu Kim Sơn...

Còn 30% kia thì phải sạch sẽ một chút, đừng có hà tiện nước hai ba tuần mới tắm một lần, tóc tai như mấy anh Cro Magnon trong hang mới bò ra.

Còn 10% kia thì cứ là Cindy Crawford, là Sharon Stone, là Củng Lợi… là được.

Ôi nếu như thế thì cớ gì phải sang tận nước Ý, chi hai trăm đôla mà làm gì? Cứ làm đúng vài ba điều ở trên là đứa nào cũng chết. Hay tại đàn bà Ý hồi này quá khó chịu nên mới cần phải một khóa học như thế? Hay là những cú cấu đít của đàn ông Ý không còn ăn khách nữa?


Ngày 27 tháng 10 năm 2010

Bạn ta,

Vào lúc bạn đọc được những hàng chữ này, thì một người đàn ông khốn khổ ở đông bắc nước Mỹ vừa thoát được những chuyện suýt nữa thì sẽ có thể gây phiền muộn cho ông ta trong rất nhiều năm sắp tới.

Người vợ cũ của ông đòi dùng những "đóng góp" của ông trong những chai lọ mà nàng cất giấu đâu đó trong tủ lạnh (?) để có thêm vài ba đứa con nữa mặc dù hai người không còn chung sống với nhau từ vài ba năm nay. Ông nhìn nhận những "đóng góp" đó là của ông, nhưng ông không muốn để lại cho thế giới thêm một đứa con nào khác, nhất là với người phụ nữ mà cuộc đời của nàng và của ông không còn tiếp tục đi cùng trên một con đường, và về chung một hướng nữa. Người vợ cũ của ông thì lại oái oăm chỉ muốn có thêm những đứa con khác với ông mà thôi.

Việc đó nàng có thể làm được mà không còn cần tới sự giúp đỡ của ông nữa nên ông lại càng lo sợ. Một phòng thí nghiệm, một cái đĩa, hâm nóng những chai lọ mà nàng cất dấu mấy năm nay, đổ nó vào đĩa cùng với phần đóng góp của nàng, vài ba quả trứng, lắc lắc nhẹ, rồi cấy vào người nàng là... bingo, nàng lại có mấy đứa tay bồng, tay mang ngay. Chẳng phiền gì đến chàng nữa, mà nàng vẫn có một nhà đầy tiếng trẻ thơ.

Chàng dĩ nhiên là không chịu. Chàng chứ có phải nhà xuất bản Larousse đâu mà cứ gieo rắc cho gió bốn phương như cái châm ngôn "Je sème à tout vent" đọc được trên bìa sách. Chàng sợ quá, bèn lôi nàng ra tòa, nhờ tòa ngăn không cho nàng làm chuyện đó. Tòa tối cao của tiểu bang Massachusetts hôm thứ hai vừa qua đồng ý với chàng. Câu tục ngữ "của chồng, công vợ" không thể đem dùng trong trường hợp này. Của chồng thì vẫn là của chồng. Nàng không ở với chàng nữa thì phải trả lại cho chàng.

Người đàn ông này đã làm đúng. Ông không thể là một đóng góp vô danh được. Mà là đóng góp hữu danh thì cũng lại không là điều ông muốn. Nếu muốn gây khó khăn cho ông, nàng có thừa sức để làm. Vài ba cuộc thử nghiệm để xác định phụ hệ là ông có thể gánh thêm những trách nhiệm mới kéo dài cả hai mươi năm. Trong khi đó, nếu muốn, người mẹ của những đứa trẻ cũng còn có thể gây cho ông những khổ não khác nữa. Thí dụ dậy cho những đứa con này thù ghét ông... chơi vậy.

Bởi thế nên ông phải tìm cách chống âm mưu của người vợ cũ đến cùng.

Nhưng tại sao ông lại đến nông nỗi đó? Tại sao người đàn bà lại có được trong tay (?) những "đóng góp" của ông để định đem ra làm khó ông?

Ông phải là người sơ ý lắm nên mới để những chuyện như thế xẩy ra cho mình để phải mất thì giờ, hao tốn tiền bạc mới chặn được ở ngoài tòa.

Những người đàn ông khôn ngoan phải luôn luôn đề cao cảnh giác. Ông đã không làm thế.

Thí dụ ông không hề thắc mắc tại sao cứ sau mỗi lần họp hội nghị thượng đỉnh, vợ ông lại chạy ngay xuống bếp, mở cái freezer rồi đóng cửa lại đánh rầm một cái? Tại sao trong những ngày an toàn nhất, những ngày... trời không mưa nàng vẫn bắt ông mặc áo mưa? Tại sao ở nhà tự nhiên có nhiều chai lọ nhỏ như thế? Tại sao sáng ngày hôm sau, bao giờ vợ ông cũng ghé lại cái tinh tử khố (sperm bank) ở dưới phố? Nàng ký thác, gửi gấm những gì ở đó?

Tất cả những dấu hiệu quá rõ ràng như thế ông đều không thấy, mà thấy thì cũng không nêu thắc mắc xin được giải thích. Để mãi đến khi hai người ly dị, phân chia tài sản xong, không ai còn khiếu nại tranh tụng gì nữa, nàng mới cho ông biết nàng có cả chục lọ "đóng góp" của ông và định đem dùng dần thì ông mới biết.

Từ giờ trở đi, ông sẽ phải hết sức cẩn thận. Đem mấy cái lọ đó về, đóng nút chặt, cột lại bằng dây cao su, bao lại bằng băng keo, rồi chôn xuống đất cho chặt, đổ xi măng lên cho chắc ăn.

Chúng mà còn... leo được ra ngoài, đi tìm được nơi trú ngụ, đủ ngày đủ tháng lại ra ngoài thì lúc ấy ông cũng không còn phải sợ nữa.

Chúng không thể là con ông được. Vì tên chúng phải là David Copperfield hay Houdini, chỉ có hai ông escapologist này mới thoát ra khỏi những cẩn thận như thế.


Ngày 28 tháng 10 năm 2010

Bn ta,

Trong tiếng Anh có một thành ngữ mà từ mấy ngày hôm nay có thể hiểu theo nghĩa đen của nó cũng vẫn đúng như thường. To be bitten by the love bug, nghĩa bóng là bị ái tình vật, bị tình yêu hành cho rách nát như cái mền, bị làm cho trần ai khoai củ, vất vả cuộc đời. Nhưng từ thứ sáu tuần trước, thì có hiểu theo từng chữ, là bị con bọ ái tình cắn, thì cũng đúng vậy.

Sáng thứ sáu, vào sở, ngồi xuống bàn làm việc, như mọi ngày, tôi mở e-mail ra xem trong đêm qua có ai thắc mắc đời mình không, thì tôi thấy trong hộp thư hai cái e-mail của hai người gửi tên tuổi lạ hoắc. Một ông là Ken Thoburn, ông kia là Bob Whitehead. Cả hai đều trắng trợn tỏ tình với tôi trên màn ảnh monitor của máy điện toán. Ðược tỏ tình thì nhất định tôi cũng thích, nhưng tình trạng của tôi chưa đến chỗ tuyệt vọng đến độ phải cần tình yêu của hai người đàn... ông tên là Ken Thoburn và Bob Whitehead, mà cả hai lại đều tỏ tình với tôi trong một buổi sáng thì chắc có điều chi không ổn. Tôi vừa bấm nút delete để xóa hai bức thư e-mail của hai người tình không chân dung, đưa hai ông ra khỏi đời tôi, thì cũng lúc đó, màn ảnh hiện lên những hàng chữ cảnh cáo về một con bọ điện toán mới dưới dạng e-mail mang cái tựa hết sức khiêu khích: I LOVE YOU.

Hai cái e-mail tôi vừa xóa chính là hai con bọ định lừa con khỉ già ở một mình, tối tối về nhìn cái trần nhà, đau khổ, tuyệt vọng... mở ra cho cả hệ thống computer sập cái rầm, hết xài được.

Thấy hai cái tên lạ hoắc, lại là tên đàn ông, tôi xóa ngay nên thoát hiểm.

Ðang mừng cho mình thì ở gần chỗ tôi ngồi, tôi nghe một tiếng thét hãi hùng xé thinh không. Con bọ tình yêu đã cắn được một người. Ái tình đã vật nàng té cái rầm. Không cần phải tới tận bàn của nàng, tôi cũng biết chắc là nàng mở hộp thư ra, thấy cái e mail I LOVE YOU, thích quá, bèn download cái thư tình kèm theo vào máy cho bõ những ngày cô đơn đầy những cơ với cực, thì lập tức, bệnh phong tình nhào vô xâm nhập hệ thống của nàng. Ông Trần Tế Xương đau khổ thì cũng đến thế mà thôi:"Thua bạc ra đi với mẹ nhà / bệnh gì không bệnh, bệnh tim la..."

Nàng đã phạm phải một sai lầm nặng trong đời sống: "Ra đường thầy mẹ dặn rằng / làm thân con gái chớ ăn trầu người..." Dẫu cho nó có mời mọc gẫy lưỡi, tán tỉnh toàn giọng văn học nghệ thuật, trích dẫn ca dao, Ðường thi, lôi cả Shakespeare lẫn Basho, Gibran ra thì cũng cứ phải bịt tai chạy về nhà ngay. Lạng quạng là có màn qua cầu gió bay hết nhẫn, áo, nón chỉ có chết.

Nhưng thực ra cũng khó mà cưỡng lại cái e-mail I LOVE YOU. Vừa mới sáng vào sở, đã có lời tỏ tình thì chúng tôi phải đọc ngay chứ.

Nhưng không nên làm thế, một người bạn chúng tôi, một chuyên gia về điện toán nói rằng mỗi khi nhận được cái e-mail nào với tựa I LOVE YOU mà không phải của mẹ cháu thì phải đánh dấu hỏi ngay, không nên mở ra đọc, xóa ngay lập tức.

Chàng rất giỏi về computer nhưng lại chưa có vợ bao giờ nên lời khuyến cáo của chàng sai bét.

Thứ nhất, mẹ cháu không bao giờ gửi e-mail cho bố cháu. Mẹ cháu bốc điện thoại ra lệnh, chỉ thị, phán, truyền. Mẹ cháu không có thì giờ để viết e-mail tỏ tình với bố cháu. Chàng đúng là một người đàn ông không có mẹ cháu bao giờ.

Thứ hai, e-mail có tựa I LOVE YOU thì nhất định không phải của mẹ cháu. Mà không phải của mẹ cháu thì phải đọc ngay lập tức.

Và mở ra đọc là chỉ có chết. Ở sở thì máy hỏng, không làm được việc, có thể bị phiền. Ở nhà, máy hỏng lại càng chết nữa. Sẽ có ngay những hạch hỏi, phê phán điếc lỗ nhĩ... "À như vậy là anh vẫn hò hẹn với đứa nào phải không? Tình yêu bây giờ tối tân nhỉ, ngoại tình cyber cơ đấy! Thảo nào tối ngày cứ chúi đầu vào cái computer. Người ta nói những người như tôi, những người có chồng cả ngày chỉ biết cái m áy điện toán, là góa phụ computer nào có sai đâu. Nhưng thà là góa phụ computer còn hơn làm một người đàn bà bị phụ rẫy anh hiểu chưa? Già đời người rồi mà vẫn chưa hết cái tính ham hố... cho chết. "Ðoạn trường cho đáng kiếp tà dâm " Uy Viễn tướng công nói nào có sai bao giờ...

Cho nên sau vụ con bọ này, những ai không bị ái tình quật, cho lây bệnh lung tung thì chính là những người tiết liệt đoan trinh, mà bạn của bạn là một vậy.


Ngày 29 tháng 10 năm 2010

Bn ta,

Cuối tuần qua, tại một bữa ăn ở nhà người bạn, tôi bị xếp ngồi cạnh một người vô duyên có thể vào hạng nhất nhì của thế giới Tây phương.

Nàng không đến nỗi xấu, chỉ phải tội vô duyên. Tất cả các chuyện chúng tôi nói nàng đều góp tiếng, và mặc dầu chưa nói hết hoặc cũng có khi người nghe chưa hiểu nàng nói những gì, thì nàng đã cười nấc lên từng chập. Chỉ thiếu có việc đứng lên nói to:"Xin quí vị một tràng pháo tay" như mấy ông emcee ở mấy cái đám cưới là nét vô duyên của nàng được trang bị không còn thiếu bất cứ cái gì nữa. Tôi cứ nghĩ nàng có thể xin làm cho những chương trình truyền hình hài hước, để khi các kịch sĩ hài hước đứng lên kể chuyện diễu, nàng có thể cười sặc sụa bất cứ lúc nào, các đài truyền hình khỏi phải dùng canned laughter -- tiếng cười đóng hộp -- mà nhờ nàng, chương trình vẫn có tiếng cười đúng hiệu lệnh khi cần.

Ðã thế nàng còn có lối ăn nói rất kỳ lạ. Mấy lần nàng nói với tôi mà tôi không biết, vì lối đặt câu thiếu chủ từ và túc từ của nàng, tôi đành để cho cái bàn và cái ghế trả lời nàng vậy. Lối nói trống không thường chỉ được dùng khi đã thân mật với nhau lắm, hay chưa thân đủ, vẫn còn chút ngượng ngùng, mà tôi với nàng thì không nằm (?) ở trong cả hai trường hợp. Ðành cứ để nàng nói trống không với bàn ghế vậy.

Tôi quay sang làm bạn với mt chai đỏ, rồi thêm nửa chai gì nữa mà tôi không nhớ tên, mặc cho nàng làm người phụ nữ thông thái, góp chuyện với tất cả những người đàn ông khác trong bàn, thỉnh thoảng cười rú lên những tràng cười ghê rợn.

Nhưng nàng nhất định không để cho tôi yên. Lúc sau, nàng quay sang nói với tôi, vẫn cứ trống không, rằng: "Này... say rồi đấy nhé..."

Nàng gọi tôi là "anh đồ tỉnh, anh đồ say...", tiếc nàng không là Hồ Xuân Hương duyên dáng để có thêm câu sau: "Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày..." Tôi bực quá, ngồi uống tiếp. Nàng vẫn không tha, hỏi tôi làm sao lái xe về nhà. Tôi đáp là tôi sẽ... bơi về nhà. Và khi nàng rú lên cười, thì tôi đứng dậy, bỏ bàn tiệc, về sớm.

Từ hôm đó đến hôm nay, tôi ăn uống vẫn chưa thấy ngon trở lại. Vẫn ấm ức không ít. Tại sao tôi phải làm quân tử Trung Hoa Dân Quốc (ngày xưa gọi là quân tử Tầu, nay gọi là quân t … lạ (?) cho đúng ph ép nhà nưc) để không nói lại nàng một câu nào cho hả giận? Tại sao không cho nàng uống thử thuốc của chính nàng?

Nhưng tôi không làm được gì để... bánh qui lại cho nàng.

Mãi cho đến hôm qua, đọc cuốn sách về Sir Winston Churchill một người từng đụng dăm ba người đàn bà độc địa còn hơn người phụ nữ ở bàn tiệc của tôi nhiều, thì tôi nghĩ là tôi đã có cách để nói phải quấy với nàng trong lần gặp gỡ tới.

Winston Churchill đụng lần thì với Lady Astor, một phụ nữ đanh đá bậc nhất ở Quí Tộc Nghị Viện, lần thì Bessie Braddock, cũng một nữ lưu đáo để không kém trong một bữa tiệc.

Cuốn sách kể Bessie Braddock nói với Winston Churchill một câu giống hệt như câu tôi được nghe tuần trước. Thấy Sir Winston uống đã nhiều, Bessie Braddock nói với ông rằng, "Winston, you are drunk." Sir Winston nói ngay: "Madam, I may be drunk, but you are ugly, and tomorrow, I will be sober."

Thưa bà, có thể tôi say rượu thật đấy, nhưng bà thì xí gái kinh hồn, sáng ngày mai, tôi sẽ tỉnh rượu.

Sir Winston Churchill, người cứu được nước Anh trong Ðệ Nhị Thế Chiến thì nay, sau khi ông qua đời my chục năm nay rồi mà ông vẫn còn giúp được người đàn ông này bớt đi những ấm ức từ suốt mấy ngày vừa qua.

Lần tới gặp nhau, thế nào cũng có người được nghe Winston Churchill lấy điếu xì gà đang ngậm trong miệng ra, rồi bằng giọng Harrow, mắng cho chừa cái tật vô duyên đi...

Tôi đã tỉnh ngay khuya hôm đó, không cần phải chờ đến sáng ngày hôm sau vì thực ra, tôi cũng không hề say bao giờ. Nhưng nàng, tôi còn phải chịu đựng sự vô duyên của nàng đến bao giờ đây?


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


QUỲNH ANH

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Lãm Thúy, Quỳnh Anh và Bùi Bảo Trúc xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần trên Hồn Việt television sẽ ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Một vài danh từ, hai ba động từ, những thành ngữ chúng ta nghe rất quen, mấy điểm văn phạm chúng ta đã quên, những cái kỳ quái của tiếng Anh sẽ được gửi tới quí vị trong những chương trình mỗi tuần. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại cho chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày. Bây giờ xin mời thầy Trúc bắt đầu buổi học.

BBT:

Chương trình hôm nay xin bắt đầu bằng cách dùng của SOME và ANY. Hai chữ này chúng ta gặp rất nhiều trong ngày. Cô Lãm Thúy, cô còn nhớ cách dùng của hai chữ này khi học Anh ngữ mấy chục năm trước không?

LÃM THÚY:

Thúy nhớ cô giáo tiếng Anh dậy là thể XÁC ĐỊNH thì dùng SOME, thể PHỦ ĐỊNH và NGHI VẤN thì dùng ANY.

QA:

QA muốn hỏi lại ông thầy cho rõ. XÁC ĐỊNH, PHỦ ĐỊNH là gì đã. Còn NGHI VẤN là gì?

BBT

XÁC ĐỊNH hay KHẲNG ĐỊNH là AFFIRMATIVE. Khi chúng ta muốn nói lên một điều gì, xác nhận một điều gì đó, chúng ta dùng AFFIRMATIVE MOOD, THỂ XÁC ĐỊNH. Thí dụ HE IS AT HOME.

PHỦ ĐỊNH là thể chối, bác bỏ, không nhận một chuyện gì đó. PHỦ ĐỊNH là NEGATIVE. HE IS NOT AT HOME.

NGHI VẤN là thể hỏi. IS HE AT HOME? là nghi vấn.

Bây giờ trở lại với ANY và SOME. Lãm Thúy nói rằng ANY được dùng trong câu hỏi và câu phủ định. Còn SOME được dùng trong thể xác định. Thực ra thì cũng không phải luôn luôn như vậy. Bây giờ tôi nói câu này: I HAVE COFFEE. Cô QA thấy điều tôi nói có rõ chưa, nghe đã ổn chưa?

QA:

QA chưa thấy có gì rõ rệt. I HAVE COFFEE nghĩa là tôi có cà phê, nhưng người nghe không biết tôi có nhiều hay ít cà phê, một chút xíu hay hai ba pounds. Muốn người nghe biết thêm về chuyện tôi có cà phê thì QA sẽ thêm SOME vào đó: I HAVE SOME COFFEE. Người nghe biết ngay QA có một ít cà phê, nghĩa là có thể mời bạn uống chung . QA dùng SOME vì đó là câu xác định.

LÃM THÚY:

Đúng rồi, còn nếu đổi ra câu phủ định, thì không dùng SOME được nữa phải không QA? Phải nói là I DO NOT HAVE ANY COFFEE. Đúng không thầy? Khi hỏi thì cũng phải dùng ANY . Thúy phải nói là : DO YOU HAVE ANY COFFEE?

BBT:

Các thí dụ QA và Lãm Thúy đưa ra đều rất đúng . Thể xác định thì dùng SOME. Phủ định và nghi vấn thì dùng ANY. Nhưng cũng có khi không như vậy. Chúng ta vẫn có thể dùng SOME trong câu hỏi.

Thí dụ: DOES HE HAVE ANY FRIENDS IN CANADA?

DOES HE HAVE SOME FRIENDS IN CANADA?

Xin nói trước là cả hai câu đều đúng văn phạm cả.

Cô QA muốn nói gì?

QA:

QA nghĩ là câu DOES HE HAVE ANY FRIENDS IN CANADA? Co thể hiểu là người hỏi NGHI, KHÔNG TIN , KHÔNG NGHĨ là anh ta có bạn ở Canada. Vì thế trong câu hỏi đã hàm ý là KHÔNG CÓ BẠN rồi.

Nhưng với câu DOES HE HAVE SOME FRIENDS IN CANADA thì QA nghĩ chắc anh ta phải có bạn bè ở Canada, ở đâu, ở Ottawa , hay Toronto, hay Vancouver vì QA nghe đâu đó nói rằng anh ấy có bạn ở Canada.

BBT

Cô QA nói rất đúng. Đó chính là những câu hỏi, nhưng bên trong đã ngụ ý là có rồi. Cô Lãm Thúy, hai câu này khác nhau như thế nào?

DID YOU SEE ANYBODY THERE?

DID YOU SEE SOMEBODY THERE?

LÃM THÚY:

DID YOU SEE ANYBODY THERE ? là anh có trông thấy ai ở đó không. Khi hỏi câu này, Thúy hoàn toàn không biết có ai ở đó không. Có thể có mà cũng có thể không.

Nhưng DID YOU SEE SOMEBODY THERE? thì câu đó có thể có nghĩa là người hỏi đã biết, đã tin, đã nghi, đã ngờ là có người ở trong nhà, vì đèn trong nhà thì sáng, lại có xe đậu ngoài cửa. Hỏi mà đã nghĩ là có người trong nhà. Câu hỏi đó được đưa ra thường là để nghe một câu trả lời xác định.

BBT

Trong trường hợp chúng ta mời ai ăn hay uống cái gì, mà thực tâm chúng ta muốn người ấy dùng, chứ không phải là mời lơi, mời mà không muốn người ấy nhận, chúng ta cũng dùng SOME trong câu hỏi.

DO YOU WANT ANY COFFEE? Ông có muốn uống chút cà phê không? Khi hỏi như vậy, tôi hoàn toàn không biết ông ấy có biết, có hay uống cà phê không. Cũng có khi tôi mời, nhưng trong bụng mong ông ấy đừng nhận vì pha cà phê lách cách lắm, tôi thì lại là người lười biếng. Kiểu khi hỏi có uống cà phê không? Không à?

QA:

Vậy thì nếu QA muốn cô ấy uống một ly cà phê với QA cho vui, QA thực tình muốn mời cô ấy thì QA sẽ hỏi thế này:

DO YOU WANT SOME COFFEE? Hay WOULD YOU LIKE SOME COFFEE phải không Thúy?

LÃM THÚY:

Đúng vậy. Luôn cả trong những khi xin , yêu cầu, muốn có một cái gì mà mình biết chắc là đã có sẵn thì chúng ta cũng dùng SOME như MAY I HAVE SOME WATER?

BBT

Hay con gái của hai cô hỏi mẹ: MAY I HAVE SOME MONEY?

Chúng ta cũng nói: MAY I SAY SOMETHING? CAN I BORROW SOME BOOKS? CAN I COOK SOME DINNER FOR YOU? SHALL I HELP YOU WITH SOMETHING?

Vậy thì chúng ta có một ngoại lệ với SOME, đó là SOME cũng có thể dùng trong các câu hỏi.

QA

QA thấy anh hay nói SOMEBODY trong các thí dụ chẳng hạn như I KNOW SOMEBODY IN TEXAS. Như vậy, những chữ SOMEBODY , SOMEWHERE, SOMETHING... cách dùng cũng như SOME phải không thưa anh?

BBT

Vâng, đúng thế. SOMEBODY nghĩa là một người nào đó, hay ai đó, người có thể chúng ta không biết tên, không quen.

Thí dụ SOMEBODY GAVE THIS LETTER TO YOU. I KNOW SOMEBODY IN SAN JOSE.

SOMEWHERE là một nơi nào đó. Trong phim Dr Zhivago có bài SOMEWHERE MY LOVE, vói câu đầu là SOMEWHERE MY LOVE, THERE WILL BE SONGS TO SING.

Còn SOMETHING là cái gì đó. Thí dụ PLEASE GIVE THE BABY SOMETHING TO PLAY WITH. PLEASE SAY SOMETHING TO HIM. I WANT TO TELL YOU SOMETHING.

DID YOU SEE SOMETHING...

LÃM THÚY:

Vậy thì trong nhũng câu hỏi và phủ định, SOME phải được thay thế bằng ANYBODY, ANYTHING, ANYWHERE phải không thưa thầy?

Thí dụ I DON’T WANT TO SEE ANYBODY. I DON’T WANT TO DO ANYTHING. I DON’T WANT TO GO ANYWHERE.

BBT

Không. Cô Thúy đừng nói như thế.

LÃM THÚY:

Thúy nói sai văn phạm hay sao? Thúy dùng ANY trong câu phủ định đấy chứ.

BBT

Sai thì không sai, nhưng nói vậy thì cô đang chán đời lắm hay sao?

QA:

Anh nói vậy, mới nghe QA tưởng anh sửa lỗi văn phạm của Thúy đó chứ. Nhưng nói vậy mà không phải vậy đâu. Diện mà điệu bộ thế này mà lại nói không muốn gặp ai, không muốn làm gì, không muốn đi đâu thì sao được.

BBT

Trở lại các chữ ANYBODY, ANYTHING, ANYWHERE, khi dùng những chữ này trong các câu xác định thì chúng lại có nghĩa hoàn toàn khác.

Thí dụ khi tôi nói YOU CAN ASK ANYBODY IN TEXAS ABOUT MISTER BUSH thì câu đó nghĩa là gì cô QA?

QA

YOU CAN ASK ANYBODY IN TEXAS ABOUT MISTER BUSH là ông bà có thể hòi BẤT CỨ AI ở Texas về ông Bush thì cũng được nghe kể ngọn ngành về ông ấy ngay phải không anh?

BBT

Đúng. Như vậy, ANYBODY, ANYTHING, ANYWHERE trong những câu xác định thì lại có nghĩa là bất cứ ai, bất cứ gì, bất cứ ở đâu. Bây giờ cô Thúy cho một hai thí dụ về ANYTHING và ANYWHERE với nghĩa BẤT CỨ coi nào.

LÃM THÚY:

YOU CAN BUY ANYTHING IN HARRODS.

YOU CAN TELL ME ANYTHING AND I WILL NOT TELL ANYBODY.

YOU CAN GO ANYWHERE AND STILL HEAR PEOPLE SPEAK ENGLISH.

QA

QA muốn hỏi thầy Trúc một chuyện này.

BBT

OK YOU WANT TO ASK ME SOMETHING? GO AHEAD, ASK ME ANYTHING!

QA

Thầy Trúc lại chơi chữ rồi. QA không nhớ hết câu nói của tổng thống Abraham Lincoln, chỉ nhớ có chữ SOME trong câu nói nổi tiếng đó. Anh có nhớ hết cả câu không?

BBT

YOU CAN FOOL SOME OF THE PEOPLE ALL OF THE TIME, AND ALL OF THE PEOPLE SOME OF THE TIME, BUT YOU CANNOT FOOL ALL THE PEOPLE ALL THE TIME phải không? Đây là câu mà người ta nói là của tổng thống Lincoln nhưng không chắc là đích thực của ông. Cô QA khéo quá, nhân nói về chữ SOME, cô nhắc tôi câu nói rất hay đó.

QA

Nhắc mà lại quên gần hết. Hồi nẫy Lãm Thúy định hỏi chữ gì nhỉ... Hỏi đi không hết giờ đến nơi rồi đó.

LÃM THÚY:

À Thúy thấy có tựa của bản nhạc BEATLES nghe thì hay lắm, nhưng không biết tại sao The Beatles lại viết như thế. LOVE, LOVE ME DO. Xin thầy giải thích.

BBT

LOVE, LOVE ME DO.

LOVE số 1 là người yêu . My love is like a red red rose... Thơ của Robert Burns nghĩa là người yêu tôi là một bông hồng đỏ thắm. Robert Burns là một nhà thơ của văn chương Anh. Ông là tác giả bài Auld Lang Syne, tức là bài ò e con ma đánh đu.

LOVE thứ hai là động từ TO LOVE ở mệnh lệnh cách tức là IMPERATIVE MOOD, dùng để nói lên một đề nghị, một ý kiến để chúng ta làm theo. LOVE, LOVE ME nghĩa là người yêu tôi ơi, hãy yêu tôi.

Còn DO là gì? À cái động từ này tiện lắm. Nó được dùng để nhấn mạnh, làm cho nghĩa của động từ mạnh hơn.

SIT DOWN không ân cần, không hết lòng , không có vẻ năn nỉ như PLEASE SIT DOWN. Nhưng nếu thêm TO DO vào nữa thì sự khẩn khoản lớn hơn: PLEASE DO SIT DOWN.

DO COME IN. DO HAVE A CUP OF TEA WITH ME. I DID LIKE YOUR CAKE. THEY DID STAY TO THE END OF THE CONCERT.

I DO REALLY LIKE YOU VERY MUCH INDEED!

QA

Bữa nọ QA bị con gái đố câu này mà QA hiểu không hết. Cô con gái QA dặn QA phải đếm cho đủ NĂM chữ THAT mới có ý nghĩa. Nhưng QA đọc mấy chục lần vẫn chua hiểu. Nhờ thầy giảng hộ:

I THINK THAT THAT THAT THAT THAT BOY USED WAS WRONG.

BBT

OK để tôi phải dài dòng một chút:

I THINK THAT, chữ THAT số 1 này là preposition, tiếng giới từ để dẫn chúng ta vào những chữ sau đó. I THINHK THAT nghĩa là tôi nghĩ RẰNG.

THAT THAT. Chữ THAT số 2 là tĩnh từ để mô tả, nói về , cũng có nghĩa là đó.

Chữ THAT thứ 3 là danh từ.

THAT THAT là cái chữ THAT đó.

THAT THAT BOY. Chữ THAT số 4 là relative pronoun, là liên đại danh tự, thay thế cho chữ THAT trước đó, và làm chủ từ của động từ TO BE trong WAS WRONG. Chữ THAT số 5 là tĩnh từ mô tả cậu trai. Câu ấy có nghĩa là tôi nghĩ rằng chữ THAT đó mà cậu bé kia dùng thì sai.

Đổi đi một chút thì dễ hiểu hơn:

I THINK THAT the word THAT WHICH the boy sitting there used was wrong.

QA

I THINHK THAT THAT THAT THAT THAT BOY USED WAS VERY DIFFICULT TO UNDERSTAND.

Nói vậy thì QA chịu thua. Thầy Trúc còn câu nào lắt léo như vậy không, dậy QA để QA về trả đũa mấy đứa con.

BBT

Đây là một câu, không khó hiểu lắm nhưng nghe cũng vui. Có một ông đến hỏi ông soát vé xe lửa đang đứng trên sân ga: WHEN DOES THE NEXT TRAIN COME IN? Khi nào thì chuyến tầu tới sẽ vào ga?

Ông soát vé nói:

FROM TWO TO TWO TO TWO.

LÃM THÚY:

Thúy nghe như ông ấy thổi còi chứ có trả lời gì đâu. QA thấy sao? FROM TWO TO TWO TO TWO là cái gì?

QA

May mà có chữ FROM phía trước chứ nếu ông ấy nói TWO TO TWO TO TWO thì chịu chết. FROM TWO TO TWO nghĩa là TỪ 2 GIỜ THIẾU 2 PHÚT ĐẾN 2 GIỜ.

BBT

Đúng. TWO là 2 và TO là tới nghe thì giống nhau nhưng nghĩa khác nhau.

FROM TWO là từ 2 giờ. TO là đến . TWO là 2 . Nghĩa là từ 2 giờ thiếu 2 phút hay từ 2 phút tới 2 giờ, từ 1 giờ 58 phút. TO TWO là đến 2 giờ.

Nếu nói thế này thì dễ hiểu hơn.

THE TRAIN COMES IN AT ONE FIFTY EIGHT TO 2 PM .

Hai cô còn muốn nghe thêm một câu khác nữa không?

LÃM THÚY:

Đồng ý. Thúy cần một câu nữa để về dọa các con, bù lại những lần trứng cứ nhất định khôn hơn vịt.

BBT

Đây là một câu khác: HOW MUCH WOOD WOULD THE WOODCUTTER CUT IF HE WOULD CUT WOOD?

QA

Xin chịu. Thầy giảng nghĩa cho vậy.

BBT

Câu này dùng 2 chữ đồng âm, nghe giống nhau là WOOD là gỗ. Và WOULD là sẽ, là chịu, là sẵn sàng.

HOW MUCH WOOD là có bao nhiêu gỗ. WOULD THE WOODCUTTER CUT là nếu nếu ông thợ cưa kia sẽ cắt, sẽ cưa, sẽ chặt được . IF HE WOULD CUT WOOD là nếu ông ta chịu bỏ cái tính đại lãn vác rìu vào rừng đẵn cây , đẵn gỗ.

QA

Cám ơn thầy Trúc. Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây tạm chấm dứt. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin cảm ơn sự theo dõi của quí vị và xin hẹn gặp lại quí khán giả trong chương trình tuần tới.