October 14, 2010

October 15, 2010

Ngày 11 tháng 10 năm 2010

Bạn ta,

Hôm nay, tôi đọc được một bản tin của tờ USA TODAY, và qua những chi tiết của bản tin này, tiểu bang California cùng với các tiểu bang Massachusetts và Texas, là những tiểu bang an toàn nhất của nước Mỹ, để sống.

Theo một tu chính của luật tiểu bang có hiệu lực từ đầu năm, những câu xin lỗi không còn có thể được nại ra tại tòa để dùng làm bằng cớ buộc cho phía bên kia, người đưa ra lời xin lỗi đó, là có lỗi nữa.

Từ trước tới gần đây, các công ty bảo hiểm vẫn cảnh cáo các thân chủ là bất cứ chuyện gì xẩy ra, không bao giờ xin lỗi phía bên kia. Xin lỗi, theo cách diễn dịch các luật cũ, là nhận có lỗi, là nhận mình sai, là nhận tội về phía mình. Lời xin lỗi đó trước đây đã được dùng để đẩy trách nhiệm sang phía đưa ra lời xin lỗi.

Tưởng tượng trong một xã hội không ai nhận lỗi, không ai xin lỗi ai nữa thì chán quá. Mà nếu đưa ra một lời xin lỗi, thì liền bị túm ngay lấy, đổ cho đủ mọi thứ lỗi, đủ mọi điều sai trái, thì cũng khó sống vô cùng.

Trong khi lời xin lỗi, nhiều khi chỉ là một câu nói nhắm làm cho tình hình bớt căng thẳng gay cấn, giúp không khí nhẹ nhàng đi, để những đụng chạm nhẹ bớt đi mức độ trầm trọng. Nhưng nếu chỉ muốn làm những điều kể trên mà bị đổ ngay cho là có tội, là có lỗi, là phạm phải những sai quấy thì ai mà còn dám xin lỗi nữa.

Thế giới sẽ toàn những người như trong thơ Nguyễn Đức Sơn:

Mẹ con bản mặt lầm lì
Bà con mắc chứng xầm xì suốt đêm...

Làm sao mà sống nổi.

Những tu chính trong luật của California không nhắm vào những trường hợp như vừa kể, nhưng phó sản của nó chắc chắn sẽ tạo ra những môi trường sống hiền lành, nhẹ nhàng, dịu dàng hơn cho cuộc sống, không chỉ trong những tranh tụng tại tòa về tai nạn, hay những sơ ý của công việc nữa.

Ở nước Nhật, quốc gia đặt nặng vấn đề trách nhiệm, việc xin lỗi quả có giúp làm cho xã hội Nhật dễ sống hơn. Làm lỗi, thì nhận, xin lỗi không được thì harakiri, kiếm thanh đoản đao mổ phanh cái bụng ra cho mà coi bụng dạ... tui. Con số những vụ kiện ở Nhật rất ít so với nước Mỹ. Vụ một công ty hóa chất đổ thủy ngân xuống biển làm một số lớn dân của một làng đáng cá bị những dị chứng khủng khiếp cũng được giải quyết sau lời xin lỗi và những khoản bồi thường tượng trưng, khác hẳn ở Hoa kỳ.

Nếu nước Mỹ cũng biết xin lỗi như nước Nhật, thì cuộc sống sẽ đáng sống hơn nhiều. Các nhà làm luật của California chắc đã nghĩ như thế.

Thì cứ xin lỗi cho nó khỏi ầm ỹ lên đã. Có khi cứ xin lỗi trước ngay từ lúc sáng dậy cho những việc sắp xẩy ra trong ngày sắp tới, vì theo lý luận của phía bên kia: thế nào ông cũng sẽ có những chuyện tầm bậy, tầm bạ, vậy thì ông xin lỗi tôi trước đi một cái coi.

Những người đàn ông nếu không bắt chước được Trần Bình Trọng để thét lên rằng không thèm làm vương đất Bắc mà thà làm quỉ nước Nam, thì cứ... xin cái lỗi cho má bầy trẻ mừng, như mấy câu mời hàng ở vỉa hè Sài Gòn trước kia. Nghĩa là muốn có cái lỗi, muốn xin cái lỗi thì cho cái lỗi chứ việc gì mà sợ.

Cứ thế là yên hết.

Vì theo luật của California, có đem những câu xin lỗi ấy ra mà... luận thì cũng chẳng đi đến đâu hết. Có ra trước ba tòa ông lớn cũng chẳng làm gì được nhau nữa. Luật của California bảo vệ những hành vi nhân từ -- benevolent gestures -- qua những lời xin lỗi mà các nhà làm luật coi chỉ là những lời lẽ nhắm làm cho tình hình hòa dịu, bớt đi mức độ nghiêm trọng.

Vì thế, những người dân ở California có thể yên tâm mà xin lỗi cho phía bên kia ngừng, tránh để phía bên kia khỏi cho mình ăn hủ tiếu dai liên tiếp cả tuần lễ.

Lúc ấy, cụ Nguyễn Văn Vĩnh có sống lại, chắc người ta phải mời cụ sang California chơi một chuyến, để cụ viết cho một bài đại khái "Cali ta có một thói lạ là thế nào cũng xin lỗi. Người ta khen cũng xin lỗi, người ta chê cũng xin lỗi. Hay cũng xin lỗi, mà dở cũng xin lỗi, quấy cũng xin lỗi. Nhăn răng xin lỗi một cái, là mọi việc hết... mè nheo."

Cứ được như thế thì động đất cũng chịu được. Lâu lâu mới động một cú, thừa sức chịu. Chứ ngày nào cũng ăn hủ tiếu dai thì sống sao nổi. Có bộ luật như thế thì động đất cũng không ai thắc mắc nữa.


Ngày 12 tháng 10 năm 2010

Bạn ta,

Tờ Los Angeles Times có một mục bao giờ tôi cũng tìm đọc đầu tiên, đó là mục Only In L.A. của Steve Harvey, mục viết về những chuyện mà Steve cho là chỉ xẩy ra ở Los Angeles, mà không thể ở một nơi nào khác tại nước Mỹ.

Thực ra thì nhiều chuyện mà mục này chép lại cũng là những chuyện có thể xẩy ra ở bất cứ một thành phố nào khác chứ chẳng riêng gì chỉ ở Los Angeles. Nhưng trong số một số báo cách đây ít lâu, chuyện mà mục Only In L.A. ghi lại thì quả là chỉ có thể xẩy ra ở miền tây mà thôi.

Một độc giả, Carole Brooks ở Ventura kể là mới đây bà bị một tai nạn xe hơi, chiếc xe của bà bị một chiếc pickup đụng nát ở phía sau. Xe của Carole bị hư nặng, không sửa được. Nhưng điều đáng kể không phải là mức độ hư hại của chiếc xe, mà là người lái chiếc xe kia. Người gây tai nạn là một thiếu nữ 16 tuổi, sau khi đụng phải xe của Carole Brooks, mãi một lúc sau mới mở cửa xe bước xuống để gặp Carole. Cô vừa giải thích vừa xin lỗi Carole là đã không xuống xe ngay được vì cô đang bận mặc quần. Lý do là trước khi tai nạn xẩy ra, cô đang tìm cách thay chiếc quần jeans để mặc chiếc quần của đội bóng chuyền vào. Và khi loay hoay làm việc đó, chân cô trượt ra khỏi bàn thắng, chiếc pickup cô lái húc vào xe của Carole.

Chuyện này, tôi nghĩ, đúng là chỉ có thể xẩy ra ở Los Angeles mà thôi. Tôi đã thấy những người ở miền đông vừa lái xe vừa chơi ô chữ, vừa cạo râu, kẻ lông mày, bôi mascara, đánh phấn, tô son, đọc báo, thắt ca vát, nói chuyện điện thoại... Nhưng vừa lái xe vừa thay quần áo thì chưa bao giờ.

Trong khi ở California thì chuyện này có vẻ xẩy ra hơi nhiều.

Cách đây mấy năm, mục Metro của tờ Orange County Register cho biết là nhân viên của Caltrans lo việc dọn dẹp và giữ sạch các đoạn xa lộ 5, 91 và 405 chạy ngang qua quận Cam ngày nào cũng nhặt được khá nhiều quần lót, mà hầu hết là của phụ nữ. Các nhân viên Caltrans nói là thảng hoặc mới có ngày họ không nhặt được các món này.

Ðem hai chuyện đặt cạnh nhau, ai cũng hiểu ngay rằng phụ nữ California nhiều người vừa lái xe vừa thay quần. Thỉnh thoảng, thấy cái quần lót cũ, không đáng để mang về nhà giặt, thì lập tức mở cửa xe, "gửi gió cho mây ngàn bay," cho nó "cuốn theo chiều gió " luôn cho tiện việc sổ sách.

Nhưng tại sao lại vừa lái xe vừa thay quần? Không thể làm việc đó ở chỗ khác hay sao? Và tại sao lại nhiều người làm công việc đó như thế?

Tìm được giải đáp cho những câu hỏi vừa kể rt là khó.

Hay là... yêu nhau cởi áo cho nhau?

Nhưng làm thế là khi đang đi trên cầu gió lồng lộng chứ. Sao lại ở trong xe?

Còn người lái xe gây tai nạn thì cảnh sát sẽ cho cái giấy phạt như thế nào?

DWI (Driving While Intoxicated) lái xe trong khi say rượu hay DWGC(Driving While Getting Changed) lái xe trong lúc đang thay quần áo?

Thế những trường hợp son phấn trên xe thì phải làm gì? Cảnh sát có cần lôi thơ ông Hoàng Anh Tuấn ra nhắc nhở không:

Có đi qua xin em đừng đánh phấn
Tóc buông dài lứa tuổi thích ô mai...

Hay quất cho cái giấy phạt là đủ?

Những người này, khi bị hỏi là "có bận gì không," nhiều khi nói "không bận gì," thì đúng là "không bận gì" thật, nhất là trong lúc đang lái xe ở Los Angeles vậy.

Ðang thay quần thì đúng là "không bận" thật đấy chứ.

Mà có trả lời là đang "bận" thì cũng có sai đâu! Ðang "bận" lái xe và mặc quần đấy thôi...

Nhưng lúc ấy thì có "bận" gì đâu...


Ngày 13 tháng 10 năm 2010

Bạn ta,

Số chữ Hán của tôi, như bạn biết, theo lối nói của các cụ ngày xưa, đựng không đầy một chiếc lá mít. Nghĩa là ít lắm, nhưng chữ nào đã biết rồi thì không thể chữ "tác" đánh chữ "tộ", chữ "ngộ" đánh chữ "quá" được.

Nhất định không có chuyện lầm lẫn như những người nhiều chữ. Lý do là phải biết cả chữ "tác" lẫn chữ "tộ", biết cả chữ "ngộ" và chữ "quá" mới có chuyện lầm chữ nọ thành chữ kia được.

Tôi phải nói với bạn như thế để bạn khỏi nghĩ tôi đọc chữ nọ thành chữ kia như chuyện tôi sắp kể cho bạn nghe đây.

Hôm đó tôi đi ăn trưa với người bạn ở một quán ăn Việt Nam. Bát đũa sạch sẽ và rất đẹp. Ðồ ăn cũng rất được. Và chính chi tiết về mấy cái bát nhà hàng dọn ra là điều lý thú hơn cả trong bữa ăn trưa ấy.

Cái bát trước mặt tôi có bốn chữ Hán mà tôi... biết. Tôi không thể lầm được vì đã bao nhiêu lần trông thấy chúng ở cửa ra vào của những ngôi nhà, nhất là trong những ngày đầu năm. Bốn chữ ấy thường được viết bằng kim nhũ vàng trên nền mầu đỏ. Ðó là những chữ cầu xin những điều tốt đẹp cho những ai đi ngang qua cửa: Xuất Nhập Bình An. Những chữ nói lên ước mong giản dị: đi ra hay đi vào thì cứ bình an là tốt rồi.

Nhớ được mấy chữ này không có gì khó. Chữ "an" thì dễ: dưới cái mái nhà, có người phụ nữ thì... “an”. Chữ "bình" thì cũng không khó: cứ trông thấy hai phía cân bằng thì phải là chữ "bình". Không lầm là chữ... "mộc" được. Còn hai chữ "xuất" "nhập" thì cần nhớ hai chữ "sơn" chồng lên nhau là "xuất", bên cạnh nó, nhất định là chữ "nhập", chỉ cần không lầm với chữ... "nhân" hay chữ "bát" là được rồi.

Vốn liếng chữ Hán như thế thì ngay cả việc mài mực cho các thầy đồ cũng không được, nói chi đến những chuyện khác. Nhưng bằng ấy chữ cũng vẫn đủ đọc được bốn chữ Hán viết bên trong miệng bát.

Ðiều khó hiểu là từ trước tới nay, những chữ "Xuất Nhập Bình An" chỉ thấy dán trên cửa, hay trên bức tường vây quanh nhà để mong những chuyện tốt lành cho người đi kẻ về chứ tại sao những chữ ấy lại xuất hiện ở trong miệng bát?

Có ai ra, ai vào đâu mà chúc ra vào bình an?

Chúng tôi ngồi ăn được nửa bữa, thì tôi hiểu. Người nào nghĩ ra việc viết những chữ "Xuất Nhập Bình An" trong miệng bát là người rất có lý. Không những thế, còn là một tay hài hước ghê gớm.

Hành động cầm hai chiếc đũa lùa thức ăn vào miệng, đó không phải là chuyện dính dáng đến "nhập" hay sao? Chuyện "nhập" này cũng cần bình an đấy chứ. Thí dụ chiếc xương cá mà mắt không nhìn thấy có thể gây khó khăn cho thực khách lắm. Không bình an, nó chắn ngang thực quản, nhất định không ra mà cũng không vào là khổ đời ngay. Vậy thì chuyện "nhập" rất cần được bình an. Ấy là chưa nói đến bao nhiêu nguy hiểm khác. Các chất độc vào theo có thể làm khổ cái thân. Cholesterol, mỡ, các chất béo cũng làm cho chuyện "nhập" trở thành vấn đề nữa chứ.

Còn "xuất" thì sao? Cũng cần rất nhiều bình an ngang ngửa như "nhập" vậy. Thứ nhất, nếu không "xuất" là nguy to. Không thể chỉ "nhập" mà không "xuất".

Nhưng "xuất" cũng phải... bình an mới được. Thí dụ "xuất" quá nhiều hay quá ít cũng là không tốt. "Xuất" mà phải ngồi dỗ dành cả hai ba tiếng đồng hồ mới chịu "xuất"... chút xíu là không bình an. Mà nhanh quá, không thu xếp được để cho "xuất" đúng chỗ, hay đúng lúc cũng hỏng. Tất cả các hình thức "xuất" như vửa kể đều là không bình an.

Như vậy, chuyện xuất nhập bình an đâu phẩi chỉ cần cho những chuyến đi ra, đi vào qua chiếc cửa nhà. Ngồi ăn trưa ở cái quán ăn ở quận Cam cũng cần xuất nhập bình an lắm đấy chứ.

Không biết có phải nhờ lời chúc viết bằng bốn chữ Hán ở cái miệng bát hay không, mà sau bữa, về tới nhà, ngủ một giấc sáng hôm sau đi làm, tôi vẫn bình an như thường, và những chuyện "xuất nhập" mà nhà hàng lo xa hộ cho thực khách đã... rất bình an như những lời chúc được viết bằng chữ Hán trên miệng bát.


Ngày 14 tháng 10 năm 2010

Bạn ta,

Trong suốt hơn 30 năm qua, tôi cứ tưởng đã tìm được bà cố tổ của tôi -- thực ra, bà cũng là bà cố tổ của cả bạn nữa -- nơi người phụ nữ mà các nhà khảo cổ đặt cho cái tên khá tối tân là Lucy, khi Donald Johanson và toán phụ tá làm việc chung với ông tìm được sọ của nàng ở một bờ sông thuộc Ethiopia.

Lucy nằm chết trên một bến cát đã hóa thạch, còn in nguyên những dấu chân của nàng sau một chuyến đi có lẽ là nhọc nhằn lắm. Buổi chiều của 3 triệu 200 ngàn năm trước vẫn còn nóng bên bờ sông, cây cối xác xơ trơ trụi lá như những vết tích tìm được trong các phiến đá cho thấy.

Lucy có cái đầu nhỏ, bộ óc cũng nhỏ, răng to, mặt phẳng, khác hẳn những anh chị em họ xa là loài hắc tinh tinh và đười ươi sống quanh đó với cái trán hẹp, vẹt về phía sau, phần hàm to, xoải ra phía trước. Theo bức chân dung do một họa sĩ dựa trên những mô tả của các nhà nhân chủng học vẽ lại, nàng trông thảm lắm, nên mãi một hồi sau tôi mới đủ can đảm nhận là có liên hệ họ tộc với nàng. Buổi sáng đứng... trang điểm trong buồng tắm, thật khó mà có thể tin rằng tấm nhan sắc nhìn thấy trong gương như thế lại là giòng giõi của Lucy, một người đàn bà tay dài gần chấm đầu gối, hai chân ngắn, cặp vú mướp teo tóp sẵn sàng lăng mạ những kích thước và kiểu cách của các sản phẩm trong những cuốn catalogue mà Victoria's Secret không biết vì lý do gì cứ gửi mãi đến địa chỉ của tôi sau hai ba lần dọn nhà.

Lucy chỉ còn có cái sọ. Những khúc xương khác của nàng có thể đã bị sư tử, linh cẩu tha đi gặm ở những nơi khác. Hay cũng có thể gia đình nàng chẻ ra lấy tủy ăn cho … khỏe.

Chiếc sọ của Lucy đưa tới một thuyết cho rằng giống Ardipithecus ramidus là thủy tổ của chúng ta, và từ Ethiopia, khu vực thường được gọi là cái sừng của Phi châu, tổ tiên chúng ta đã ra đi khắp nơi trên thế giới. Vừa đi vừa đẻ, hồi sau thì đến vùng Vân Nam, Lạng Sơn, Cao Bằng để thành chúng ta ngày nay...

Mấy năm trước, tôi cứ tưởng tượng một ông già lem luốc chân lấm tay bùn ở đâu đó tại Bắc Trung Việt một hôm quyết định đi về phía Bắc và lập ra giòng họ chúng tôi. Phải mất nhiều ngày tôi mới dám nhận cụ là họ hàng liên hệ với mình. Nhưng cụ thì chắc dễ nhận họ hàng với một người tóc tai, quần áo không đến nỗi nào như tôi.

Chúng tôi vừa nhận được ra nhau, đang vui với cụ, nỗi vui mừng thiết lập được liên hệ họ tộc sau bao nhiêu khó khăn, thì các nhà nhân chủng và khảo cổ lại đưa ra Lucy thì có chán không. Làm sao dám nghĩ nàng, trông vẫn giống khỉ hơn là giống loài homo sapiens ngày nay, lại là tổ tiên của chúng ta.

Nhưng rồi sau khi an ủi rằng hồi đó làm gì có các thẩm mỹ viện của các ma-đam để vào căng, kéo. bơm, hút... được như phụ nữ ngày nay, mà Lucy trông đã như thế thì thực ra đã là khá lắm rồi, đòi hỏi chi nhiều, gây khó khăn cho Lucy! Nên tôi đã vui vẻ nhận Lucy, người phụ nữ giống khỉ ấy làm bà cố tổ. Còn đang vui với niềm an ủi ấy, thì gia đình khảo cổ và nhân chủng học Richard Leaky cho biết Lucy vẫn chưa phải là bà cố tổ của tôi và của bạn. Cái sọ mới tìm ra ở Kenya mới là ông cố tổ của chúng ta. Lucy chỉ là hậu duệ của người đàn ông thuộc giống Australopithecus anamesis. Chính người đàn ông sống cách đây 3 triệu 500 ngàn năm mới là tổ tiên của chúng ta. Cái sọ vỡ nát như quả trứng gà bị những bánh xe bus chạy cán qua cán lại nhiều lần được chắp lại, và dựa trên những mảnh xương sọ này, tuy óc vẫn nhỏ như Lucy, nhưng răng lại nhỏ hơn, tôi vẫn khó có thể tin người đàn ông thô lậu, xấu trai này là tổ tiên của chúng ta.

Tưởng tượng trên người ông là tấm da dê, tay lăm lăm cục đá để ném mấy con thú đem về cho mẹ cháu ăn chiều, nói năng kỳ lạ, không ra tiếng, chỉ là vài âm thanh khọt khẹt, tóc tai, râu ria bù xù cả mấy tháng không tắm gội, thỉnh thoảng lại gãi rột rột, đầu chỉ nghĩ được mấy miếng thịt rừng đã có mùi ở một hốc núi nào đó và món quà (niềm vui truyền giống) bố cháu định tặng cho mẹ cháu đang nằm chờ ở cái ổ rơm... thì nản biết là chừng nào. Không văn học nghệ thuật chút nào hết có nản chí bầu cua không cơ chứ.

Nhưng biết đâu nhờ những hình ảnh mà các nhà khảo cổ dựng lại về Lucy và và về người đàn ông mới tìm được này, các bố cháu của ngày hôm nay bỗng thấy các mẹ cháu đẹp một cách não nùng, và các mẹ cháu thì chợt thấy các bố cháu trông cũng không đến nỗi nào.

Mấy cục hột soàn nặng chình chịch kéo cái tay dài xuống gần chạm đầu gối là dấu hiệu của sự giầu sang, tiền bạc chứ không hề là nét thừa hưởng của Lucy và người đàn ông ở Kenya bao giờ.

Nên các bố cháu có ăn nói như chó cắn ma, thì các mẹ cháu cũng chẳng nên đòi hỏi chi nhiều. So với người đàn ông ở Kenya, các bố cháu như thế là được lắm rồi. Còn các mẹ cháu thì cũng hơn Lucy... mấy lần ấy chứ.


Ngày 15 tháng 10 năm 2010

Bạn ta,

Hồi ở hậu phương, trong những năm đầu của cuộc chiến tranh chống Pháp, thỉnh thoảng một hai ông chú họ ghé ngang qua nhà thăm ông cụ tôi, là tôi lại được dịp nghe kể những câu chuyện kỳ thú của cuộc đời kháng chiến đầy lãng mạn của các ông.

Nhưng một trong những chuyện tôi cứ nhớ mãi là cách ăn uống của hai ông chú họ này. Ðó là cách dùng những đôi đũa của các ông. Trông họ đổi đầu đũa để khi và cơm, khi gắp thức ăn trong những đĩa thức ăn chung ở mâm, tôi phục họ vô cùng. Rồi đến khi nghe bố tôi giảng nghĩa lý do, tôi lại càng thấy đó là những việc làm hết sức có lý.

Nhưng chúng tôi không cần phải dùng đến lối dùng đũa như thế, vì trong các bữa cơm ở nhà, lúc nào cũng có cái muỗng trong bát canh để mọi người khỏi thò đũa của mình vào bát canh chung. Ông cụ tôi rất kỹ chuyện này mặc dù bữa cơm chỉ có hai bà nội ngoại, các ông chú, ông bà cụ và mấy chị em chúng tôi. Có ăn chung bát canh với nhưng người thân thì cũng chẳng sao. Nhưng ông cụ tôi cấm không cho bất cứ đứa nào trong số mấy chị em chúng tôi được thò đũa vào bát canh chung.

Tục lệ này chúng tôi mang đến tận bây giờ vẫn còn giữ nguyên. Không bao giờ dùng đũa của mình trong tô canh chung.

Có lẽ đó là bài học nhớ lâu nhất của chúng tôi. Bài học đó nhiều khi làm khổ tôi không sao nói hết được.

Mấy hôm trước, tôi đi ăn với vài người bạn. Và chuyện kháng chiến chống Pháp lại quay trở về với tôi. Chúng tôi ăn cơm Việt Nam. Bát canh chua hôm ấy nếu ông Tản Ðà còn sống chắc cũng phải viết một bài lục bát ca ngợi không thua gì bài Thú Ăn Chơi Khắp Ba Kỳ của ông.

Nhưng tô canh chua vừa được đặt xuống bàn, thì một ông bạn đã thò ngay đũa của ông vào tô canh.

Tôi nhớ rõ ông đã dùng đôi đũa ấy trước đó, vì bữa cơm đã bắt đầu với hai món khác. Ðôi đũa chắc chắn đã ghé lại nhiều nơi. Nồi cá kho tộ, đĩa rau xào, và cái miệng của ông.

Như thế, nó không được quyền thọc vào tô canh chua. Nhà hàng đã để sẵn trong tô canh một cái muỗng nhôm lớn, và bên ngoài, là một chiếc đĩa nước mắm để chấm cá. Mặc kệ. Ông khai tiệc bằng đôi đũa của ông. Ông gắp miếng đậu bắp lên, vật qua vật lại mấy lần. Rồi ông lại bỏ đó, ông gắp mấy lá rau ngổ, dìm xuống dưới mặt nước, nhưng vẫn không gắp bỏ vào bát để ăn. Ông quay sang khều khều miếng cà chua mà tôi định bắt sống từ lúc đầu. Tuy thế, ông lại vẫn chưa quyết định. Ông nhẩn nha thò đũa sâu xuống, vớt lên vài cọng giá, xong lại bỏ xuống, thu đôi đũa về, nói tiếp câu chuyện bỏ dở...

Tại sao ông không gắp lấy một món gì cho vào bát và ăn cho tôi nhờ? Ông chưa chịu ăn, ông chỉ muốn rửa đôi đũa hay sao?

Nếu ông chỉ thọc vào, gắp trái đậu bắp cho vào bát, thì tôi cũng vẫn có thể liều lĩnh nghĩ rằng nước miếng của ông chưa kịp theo đôi đũa nhúng vào tô canh tan ra, lan theo nước canh để đến những nơi khác, và tôi vẫn có thể nhanh nhẹn lấy muỗng vớt miếng cà chua đỏ và đẹp đó cho vào bát. Nhưng ông đã dùng đũa, vật lên vật xuống trái đậu bắp, rồi lại di chuyển đôi đũa sang một vùng khác của tô canh để gắp mấy lá rau ngổ, và rồi sau đó, lại thọc sâu xuống, vớt lên mấy cọng giá, thì nước miếng, nước dãi của ông đã du hành đi quá nhiều chỗ, khiến sự ô nhiễm ông gây ra cho tô canh đã cùng khắp. Không nơi nào trong tô canh mà không có nước dãi, nước bọt của ông.

Tôi đành phải quay ra món cá kho tộ vậy, vì tuy ông đã chiếu cố món này, nhưng sự ô nhiễm ông gây ra cho nồi cá chưa ghê khiếp bằng tô canh chua...

Người bạn ngồi cạnh tôi nhắc tôi thử món canh chua rất nổi tiếng của nhà hàng. Nhưng lúc ấy, tôi không còn bụng dạ nào để thử món canh chua đó nữa. Tôi chỉ ngồi nhìn, tưởng tượng mấy triệu con vi trùng theo nước miếng của ông đến định cư trong tô canh thì làm sao tôi dám đụng đến.

Khi được mời đến lần thứ ba, thì tôi phải nói thác là ăn dọc mùng bị ngứa để khỏi phải ăn nước miếng của ông.

Bàn tiệc hỏi tại sao tôi không ăn được dọc mùng mà vẫn gọi canh chua, tôi phải nói rằng cá kho tộ thì phải đi với canh chua, hơn nữa, phe sợ dọc mùng chỉ có mình tôi nên tôi vẫn gọi món canh chua để mọi người trong bàn thưởng thức nước miếng của ông bạn kia.

Trong một cuốn phim về Hercules xem từ mấy chục năm trước, có cảnh tài tử Steve Reeves đóng vai Hercules cầm chiếc đùi cừu mời Sylvia Koscina ăn trước, và khi nàng làm gái không chịu, Hercules phải tán bằng một câu rất tình, đại khái mời em cắn trước vào cái đùi cừu rồi anh cắn theo vào vết răng em để lại cho vơi đi niềm nhung nhớ...

Nhưng ông bạn cùng bàn hôm ấy thì trông lại không giống cô tài tử người Ý đóng trong phim Hercules chút nào, nên tôi đành phải bỏ qua món canh chua nổi tiếng của nhà hàng, thầm hẹn một ngày nào sẽ trở lại, gọi nguyên một tô canh chua ăn một mình cho bõ những ngày cơ cực.

Khổ không chịu được.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


IDIOMS VỀ MẮT

QUỲNH ANH

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Trong chương trình hôm nay, Lãm Thúy và QA sẽ vẫn đóng vai học viên để truy bài, khảo bài ông giáo Trúc và để hỏi vấn đáp ông thầy về những chuyện liên quan đến tiếng Anh. Lãm Thúy và QA mời quí vị đặt câu hỏi với ông giáo và QA sẽ chuyển lại.

LÃM THÚY

Chương trình hôm nay, không theo đề nghị của thính giả như lần trước, mà theo lời yêu cầu của Thúy. Thúy yêu cầu thầy Trúc nói về những idioms, những thành ngữõ liên quan đến đôi mắt.

BBT

Trông cô Thúy là tôi biết ngay cô muốn nói về những con mắt . QA đồng ý không?

QA

Vâng, có người nói Lãm Thúy đẹp nhất là đôi mắt nên Thúy muốn học các idioms về mắt là rất đúng. Nhưng QA cũng muốn được giảng về những idioms về mắt vì QA biết là trong Anh ngữ, số idioms liên quan đến đôi mắt rất nhiều và chúng ta cũng hay gặp phải trong đời sống hàng ngày.

BBT

Đúng như thế. Các thành ngữ thường được họp thành từ những thứ gần gũi với con người nhất trong tiến trình cấu thành của ngôn ngữ. Chúng ta gần cái gì thì có nhiều chữ về cái đó. Cuốn sách dậy ngữ học mà tôi học trước kia nói là người Eskimo có nhiều chữ về tuyết : tuyết khô, tuyết ướt, tuyết dưới đất, tuyết trên mái igloo vân vân, vì chung quanh họ, đâu đâu cũng toàn là tuyết gần như quanh năm suốt tháng. Chúng ta thì có nhiều chữ về lúa: lúa con gái, lúa đòng đòng, lúa ba thắc, lúa ba trăng, lúa bát nguyệt, lúa càng tôm... trong tự điển của hai cụ Nguyễn Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, người ta đếm được 85 chữ về các loại lúa khác nhau.

LÃM THÚY

Về mắt, chúng ta cũng nhiều chữ về mắt lắm phải không anh? Nhưng tiếng Anh nhiều idiom về mắt hay tiếng Việt nhiều thành ngữ về mắt?

QA

QA thấy hình như tiếng Anh nhiều hơn. QA nhắm mắt cũng thấy điều đó.

BBT

Cô QA vừa dùng một lối nói trong tiếng Anh cũng có, giống hệt như khi cô nói bằng tiếng Việt. Bây giờ cô thử nói bằng tiếng Anh coi. Thí dụ cô nói chuyện khâu một cái nút áo, cô có thể nhắm mắt làm cũng được thì cô nói thế nào?

QA

I CAN SEW A BUTTON WITH MY EYES CLOSED.

LÃM THÚY

Nếu nói WITH MY EYES SHUT có được không thưa anh?

BBT

Được chứ. Bây giờ hai cô đoán coi khi người Anh nói rằng cậu ấy là trái táo trong mắt của mẹ cậu ấy thì điều đó nghĩa là gì?

LÃM THÚY

Câu ấy có nghĩa là cậu ấy được mẹ cưng lắm phải không anh? Nhưng tại sao lại trái táo trong mắt?

QA

Vì trái táo rất ngon phải không thưa anh? AN APPLE A DAY WILL KEEP THE DOCTOR AWAY , mỗi ngày ăn một quả táo là lương y bất đáo gia. Khỏe rồi thì bác sĩ đến nhà làm gì.

BBT

Đúng. HE IS THE APPLE OF HIS MOTHER’S EYES. Như vậy, to be the apple in somebody’s eyes là được ai yêu lắm, cưng lắm.

Ngoài Cleopatra nữ hoàng Ai Cập có cái mũi dài, thì mũi chúng ta đều ngắn thôi. Vậy khi nói một người không nhìn quá được cái mũi của ông ta hay cô ta thì chúng ta muốn nói gì?

QA

Chắc ông ấy hay cô ấy là người thiển cận lắm. Nhìn mà không quá được cái mũi thì thấy được bao nhiêu chuyện trên đời này phải không thưa anh? QUÁ cái mũi. QUÁ tiếng Anh là gì thưa thầy?

LÃM THÚY

Để Thúy đoán có đúng không. QUÁ là BEYOND phải không?

QA

Thế thì nói tiếng Anh phải là HE CANNOT SEE BEYOND HIS NOSE.

BBT

Rất đúng. Các cô cũng có thể nói là HE CANNOT SEE BEYOND THE END OF HIS NOSE. Nhưng không sao, không nhìn quá được cái mũi hay không nhìn quá được đầu mũi thì cũng vậy. Bây giờ là thành ngữ AN EYE FOR AN EYE AND A TOOTH FOR A TOOTH hai cô hiểu là gì?

QA

QA hiểu nghĩa đen là mắt đổi mắt, răng đổi răng có phải không anh? Nghĩa bóng là trả thù hay trừng phạt không nương tay phải không Thúy?

LÃM THÚY

Vâng đúng thế. Ai bẻ của tôi một cái răng thì phải đền cho tôi cái răng ấy. Ai móc con mắt của tôi thì trả lại tôi đúng một con mắt.

BBT

À đây là mấy tiếng tôi bị chọc ghẹo suốt mấy năm ở tiểu học. FOUR EYES.

QA

Chắc anh đeo kính từ hồi còn nhỏ lắm. FOUR EYES là bốn mắt. Anh có bực bội lắm không?

BBT

YES, WHEN THEY CALL ME FOUR EYES. I WORE GLASSES WHEN I WAS SEVEN YEARS OLD. Hai cô đều biết có những con chó có hai cái đốm ở ngay trên mắt. Bị gọi là bốn mắt nghĩa là bị gọi là chó vậy. Tức điên lên.

Bây giờ hỏi cô Thúy sự khác biệt giữa BLACK EYES và DARK EYES là gì? Có khác gì nhau không?

LÃM THÚY

Chắc là không. BLACK là đen. DARK cũng là đen. BLACK NIGHT hay DARK NIGHT thì cũng là đêm đen cả phải không thầy?

QA

QA nghĩ là những chữ ấy khác nhau. BLACK EYE là mắt bị đánh bầm đen. DARK EYES là mắt nhung, mắt huyền.

BBT

Đúng. Nhưng BLACK EYES thì có thể là số ít, và cũng có khi là số nhiều. Bị đánh bầm mắt thì có thể bị một con. Có khi bị cả hai con. Nên có khi là BLACK EYE số ít, và có khi BLACK EYES số nhiều, nếu bị đấm vào cả hai mắt cho đều. Còn DARK EYES thì luôn luôn là số nhiều vì mắt huyền, mắt nhung thì thường cả hai đều một mầu cả.

LÃM THÚY

Thế còn ông Bùi Giáng viết CÒN HAI CON MẮT KHÓC NGƯỜI MỘT CON thì là làm sao?

QA

QA nghe Trịnh Công Sơn giải thích là còn hai con mắt thì dùng một con để khóc người.

BBT

Chứ không phải là KHÓC NGƯỜI MỘT CON là khóc, là tiếc người một con trông mòn con mắt hay sao? Bây giờ qua một thành ngữ không có chữ EYE ở trong nhưng hàm ý có cặp mắt ở trong. TO GIVE SOMEBODY A DIRTY LOOK là gì? Là cho ai một cái nhìn bẩn thỉu, dơ dáy chăng?

QA

Không phải. Đó là nhìn ai một cách căm hờn, khinh bỉ, ghét cay ghét đắng, nhìn với hai con mắt rực lửa phải không anh?

BBT

Cô QA diễn tả nghe ghê quá. Nhân nghe cách mô tả của cô, tôi xin nhắc một thành ngữ khác ở đây, đó là TO LOOK DAGGERS AT SOMEBODY. Daggers là dao găm. Look daggers at là nhìn ai bằng ánh mắt toàn những dao găm bay tới thì phải căm hờn lắm.

LÃM THÚY

Một bữa đang lái xe, Thúy bị con gái hét lên rằng MOMMY, KEEP YOUR EYES ON THE ROAD. Thúy nhớ lúc ấy đang đi qua một tiệm bán sale , Thúy mải ngó, suýt đụng xe. Vậy TO KEEP ONE’S EYES ON THE ROAD là để ý trông đường, coi chừøng khi lái xe phải không?

QA

Hay là con gái muốn mẹ đừng đi shop nữa? QA cũng bị con gái nói một câu như thế trong khi lái xe. Thưa anh, tiếng Việt nói là dán mắt vào màn ảnh truyền hình thì tiếng Anh có nói như thế không?

BBT

Có. Tiếng Anh nói TO HAVE ONE’S EYES GLUED TO SOMETHING. GLUE là dán . Dán bằng hồ, bằng keo. Thí dụ khi nói khi về nhà, Thúy thấy mấy đứa con ngồi dán mắt vào cái màn ảnh truyền hình thì cô phải nói thế nào?

LÃM THÚY

WHEN I GOT HOME, THE GIRLS HAD THEIR EYES GLUED TO THE TELEVISION SCREEN.

QA

Chắc để coi mẹ lên truyền hình HỒN VIỆT TV học tiếng Anh đó. QA hỏi anh là khi nói TO HAVE STARS IN ONE’S EYES có phải là nổ đom đóm mắt không?

BBT

Không phải. TO HAVE STARS IN ONE’S EYS là sung sướng, hạnh phúc, là thấy hào quang rực rỡ. Thí dụ khi nói cậu ấy thấy một trời sáng rực khi được giải nhất của cuộc thi: HE HAD STARS IN HIS EYES WHEN HE WON FIRST PRIZE IN THE CONTEST.

Còn nổ đom đóm mắt là khi bị đấm trúng mắt, khi đụng đầu vào tường là TO SEE STARS. HE SAW STARS WHEN HE WAS HIT IN THE HEAD. Đây là một thành ngữ rất kỳ cục . Tôi không biết hai chuyện này dính dáng gì với nhau không. MUD là bùn. HERE’S MUD IN YOUR EYE, nghĩa là uống đi, cạn ly đi. HERE’S MUD IN YOUR EYE nghĩa là tôi xin uống mừng anh.

Còn một thành ngữ kỳ cục này nữa: NEVER IN A PIG’S EYE. Thành ngữ này nghĩa là KHÔNG BAO GIỜ, thêm IN A PIG’S EYE có lẽ là để cho nghĩa mạnh hơn. Thí dụ khi nói I WILL NEVER IN A PIG’S EYE SIT DOWN AND TALK TO HIM .

QA

Khi QA muốn nói trong nháy mắt thì QA phải dùng thành ngữ nào? Thí dụ nói rằng con trai QA nhanh lắm, nó có thể dọn cái vườn sau trong nháy mắt thì nói làm sao?

BBT

Trong nháy mắt có nhiều cách nói. Nhưng tôi sẽ dùng thành ngữ có chữ EYE là mắt ở trong.

Có thể nói IN THE TWINKLING OF AN EYE (twinkle twinkle little stars...) hay cũng có thể nói IN A BLINK (blink là chớp mắt)

QA

MY SON IS VERY FAST. HE CAN CLEAR THE BACK YARD IN A BLINK phải không thưa anh? Hay HE CAN TIDY UP THE BACK YARD IN THE TWINKLING OF AN EYE.

LÃM THÚY

Thế TO MAKE EYES có phải là vẽ mắt không thưa thầy?

BBT

Không phải, TO APPLY EYE SHADOW mới là vẽ mắt. TO MAKE EYES AT SOMEBODY nghĩa là liếc mắt đưa tình, nghĩa là đá lông nheo, tìm cách gây chú ý của một người nào, tỏ tình bằng ánh mắt, là đầu mày cuối mắt. Thí dụ: HE SAT THERE BUT ALWAYS MADE EYES AT THE WOMEN PASSING BY.

QA

Bữa nọ QA coi một phim Đại Hàn trong Hồn Việt TV với chị và má của QA. Phim cảm động quá. Ai cũng rơm rớm nước mắt. Rơm rớm nước mắt nói tiếng Anh thế nào thưa thầy?

BBT

Cô cứ nói là không có một con mắt nào còn khô trong nhà là đúng. Cô thử nói coi.

QA

THERE WAS NOT A DRY EYE IN THE HOUSE WHEN THE MOVIE ENDED.

BBT

Dễ như thế mà sao cô còn hỏi làm gì nữa?

LÃM THÚY

Không phải đâu. Coi dễ vậy mà anh không bầy ra thì làm sao nói được. Thúy hỏi anh thế này có đúng không: TO SEE EYE TO EYE có phải là nghinh, là kênh sì po, là lườm nguýt người nào không?

QA

QA nghĩ TO SEE EYE TO EYE là đồng ý, là có cùng một ý nghĩ, lập trường, ý kiến với ai phải không anh? QA nhớ mấy hôm trước, trong truyền hình, QA nghe câu này: THE PALESTINIANS DO NOT SEE EYE TO EYE WITH THE ISRAELIS ON THE SETTLEMENTS.

BBT

Đúng đó. Câu cô vừa nói là THE PALESTINIANS DO NOT SEE EYE TO EYE WITH THE ISRAELIS ON THE SETTLEMENTS nghĩa là phía Palestine và Israel không đồng ý được với nhau về vấn đề các khu định cư ở tây ngạn sông Jordan. Xướng ngôn viên tin tức có khác. Lúc nào cũng lôi thời sự ra nói.

LÃM THÚY

Người Anh có cách nói giống người Việt như khi chúng ta nói NHẮM MẮT LÀM NGƠ không thưa anh?

BBT

Có. Anh ngữ có thành ngữ TO TURN A BLIND EYE TO SOMEONE hay SOMETHING nghĩa là nhắm mắt làm ngơ, giả vờ không để ý, không nhìn người nào hay việc gì đó. Cô cho một thí dụ với thành ngữ TO TURN A BLIND EYE coi.

LÃM THÚY

PRESIDENT OBAMA CANNOT TURN A BLIND EYE TO THE ECONOMY ANYMORE.

BBT

Cô QA cho một thí dụ khác.

QA

Hàng xóm của QA có một cậu bé hư lắm. Mới đây, cha cậu không còn có thể làm ngơ trước những trò hư đốn của cậu nữa nên phải kỷ luật cậu. THE FATHER CANNOT TURN A BLIND EYE TO THE BOY’S BAD BEHAVIOR. Vậy đúng chưa anh?

BBT

Cả hai cô đều đúng. Có thành ngữ này cũng hay gặp hàng ngày TO BE ALL EYES nghĩa là đổ dồn mắt lại, chú ý, mắt không rời một giây. Thí dụ HE IS ALL EYES FOR HER là anh ấy nhìn cô ấy chăm chăm, không rời một giây.

Thế TO KEEP AN EYE ON SOMEBODY hay SOMETHING là gì hai cô?

LÃM THÚY

TO KEEP AN EYE ON SOMEBODY hay SOMETHING là để ý, coi chừng, để mắt phải không anh? Thí dụ PLEASE KEEP AN EYE ON THE BABY WHEN I GO UPSTAIRS là xin coi cháu để tôi lên lầu một chút.

QA

Bây giờ QA biết cách dặn hai cô con gái rồi. WILL YOU KEEP YOUR EYES ON THE STEAK, DON’T OVERCOOK IT là các con coi chừng miếng thịt bò cho mẹ, đừng để nó chín quá. Câu này lát nữa về nhà là QA dùng ngay. Các con phục mẹ không biết mẹ học ở đâu.

LÃM THÚY

THEY CANNOT BELIEVE THEIR EYES WHEN THEY SEE QUỲNH ANH AND ME LEARNING ENGLISH ON HỒN VIỆT TV.

BBT

Cô Thúy dùng một idiom về mắt quá đúng. BELIEVE ONE’S EYES nghĩa là không tin được mặc dù thấy bằng mắt.

I CANNOT BELIEVE MY EYES WHEN I MEET HIM IN LITTLE SAIGON.

HE COULD NOT BELIEVE HIS EYES WHEN HE RECOGNIZED HER IN THE CROWD

QA

Thế còn thành ngữ TO CATCH SOMEBODY’S EYES là gì ? Là bắt mắt phải không anh?

BBT

TO CATCH là bắt thật đấy. Nhưng TO CATCH SOMEBODY’ EYES thì lại là tạo sự chú ý của người nào, làm cho người ấy phải nhìn thấy mình, phải chú ý đến mình, là lọt mắt xanh của ai đó.

HE CAUGHT HER EYES AT THE PARTY là anh ấy lọt vào mắt của cô ấy, nghĩa là anh ấy được cô ấy chú ý, nhìn thấy.

I JUMPED UP AND DOWN, I WAVED, I SHOUTED TRYING TO CATCH HER EYES BUT SHE DID NOT SEE ME

TODAY I TRY TO CATCH YOUR EYES TO SEVERAL IDIOMS USING THE NOUN EYES.

LÃM THÚY

Anh tìm cách để hai cô học trò để ý tới mấy thành ngữ có chữ EYE là con mắt thì xin thưa là học trò đã học được hết những chữ đó rồi.

QA

Cám ơn thầy Trúc. Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây tạm chấm dứt. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin cảm ơn sự theo dõi của quí vị và xin hẹn gặp lại quí khán giả trong chương trình tuần tới.