November 21, 2012

November 23, 2012


Ngày 19 tháng 11 năm 2012

Bạn ta,
Trong những ca khúc của Đoàn Chuẩn và Từ Linh, bài tôi thích lại không phải là bài hay nhất của hai ông. Thu Quyến Rũ viết năm 1950 là một ca khúc thua hẳn những bài khác như Lá Thư, Cánh Hoa Duyên Kiếp, Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay...
Nhưng tôi thích bài ca này vì một câu trong bài và trong câu ấy, có một chữ, một chữ hai ông dùng mà tôi nghĩ là hay vô cùng:
... Mầu áo xanh là mầu anh trót yêu...
Bài hát mở ra là một chuỗi hình ảnh về mùa thu: trời xanh, những cơn mưa, lá vàng rơi rụng, cánh chim ngập ngừng, bông hồng lả lơi, và một tà áo, tà áo mầu xanh. Đặt những hình ảnh của thu bên cạnh người phụ nữ trẻ, người viết lời cho ca khúc dần biến tất cả những thứ ấy thành người phụ nữ. Những đám mây cuốn về cuối trời mang theo mầu xanh của mùa thu. Mầu xanh của mây trở thành mầu xanh của tà áo, rồi mầu xanh của tà áo biến thành người yêu dấu. Người yêu biến thành mùa thu mà anh chờ đợi. Và sau đó, chờ đợi mùa thu là chờ người yêu dấu đã ra đi. Mầu xanh của trời đất thành niềm nhớ mầu xanh của tà áo. Mầu xanh của tà áo gợi lại người yêu cũ.
Yêu người, yêu sang mùa thu, yêu mầu xanh của tà áo, yêu mầu xanh của trời đất, yêu mối tình đã xa...
... Mùa thu quyến rũ anh rồi...
Nhưng có phải vậy không? Có phải mùa thu khơi niềm nhớ, khiến cỏ cây đẹp tươi, làm gợi lại chuyện đã qua, và quyến rũ chàng không? Người viết chỉ tự đánh lừa mình. Nhưng ở một câu trên đó, người viết lời ca đã thú nhận: có trót yêu mầu xanh. Mầu xanh của mây trời mùa thu, mầu xanh của tà áo người yêu dấu mà không ai còn có thể phân biệt được nữa.
Trạng từ "trót" là chữ hay tuyệt. Cứ thử thay nó bằng "vẫn", hay "đã", hay "lỡ", ý nghĩa sẽ không còn như trước nữa.
Mầu áo xanh là mầu anh "vẫn" yêu. Dùng trạng từ "vẫn", chuyện yêu mầu áo xanh chỉ là một việc xẩy ra trong quá khứ. Có yêu thật, nhưng chỉ yêu vừa vừa thôi. Cũng như mầu áo xanh là mầu anh "đã" yêu. "Vẫn" " đã" chỉ nói ra chi tiết tình yêu với tà áo xanh đã có trong quá khứ. "Vẫn" có kéo dài thêm một chút.
Hay mầu áo xanh là mầu anh "lỡ" yêu cũng không được. Trạng từ "lỡ" bầy tỏ một hành động có thể sai lầm. Lỡ là có thể không muốn nhưng chuyện đã xẩy ra, ngăn chặn không được, có thể là một việc làm sai nhưng làm xong rồi mới biết.
Như vậy, thay bằng bất cứ một trong ba chữ "vẫn", "đã" hay "lỡ" đều không được.
Chỉ có thể "trót" mà thôi.
"Trót" là trạng từ phụ nghĩa cho một động từ khi muốn nói hành động đó đã xẩy ra mà không thể ngăn chặn được, dẫu cho là có muốn ngăn chặn cách mấy đi chăng nữa.
Mầu áo xanh là mầu anh "trót" yêu nghĩa là anh đã yêu mầu xanh của tà áo em, nhiều khi nghĩ lại có muốn yêu bớt đi một chút hay không yêu cái mầu đó nữa cũng khó quá, nếu không nói là không thể được. Anh chịu thua rồi. Anh trót... dại rồi. Ông già anh có bảo anh rằng không được yêu em thì anh cũng phải chịu tội bất hiếu vậy chứ anh không làm gì khác hơn được, anh nhất định phải trái ý ông già. Bây giờ làm sao đây? Trời sao "bất nhơn" quá (*) thế này, cứ cho mây xanh bay về đây làm cái gì cho anh nhớ em chết luôn. Mùa thu quyến rũ anh rồi em biết không? Em quyến rũ anh gần chết rồi đây nè. Bắt đền em đấy! Anh hổng có chiệu đâu...
Tán em bé bằng câu đó thì có mà chạy đằng trời.
Cám ơn hai ông Đoàn Chuẩn và Từ Linh. Yêu bài hát của hai ông biết là chừng nào!
----------
(*) Thương sao thương quá bất nhơn
Bữa nay gặp mặt, thương hơn bữa nào (Ca dao)

Ngày 20 tháng 11 năm 2012
Bạn ta,
Trong một đất nước phải nói là còn rất nghèo là Việt Nam thì căn nhà xây ở thôn Đông Tân, xã Ninh Thành, huyện Ninh Giang tỉnh Hải Dương trên một diện tích gần 5 ngàn mét vuông là một căn nhà người dân thường không thể nào có nổi tiền để xây.
NHA BUI THANHTUNG
Căn nhà có thể đã được xây xong. Tổn phí, theo những ước đoán của báo chí trong nước, phải lên đến khoảng vài triệu đô la Mỹ.
Có một số điều chung quanh căn nhà này cần phải được xét lại. Thứ nhất, nó được xây trên một khu đất canh tác, không phải là đất để xây nhà ở. Việc xây cất nó có thể là bất hợp pháp. Ở khu đất chung quanh, chủ nhà đem về trồng một số cây rất hiếm và rất đắt tiền. Hai hòn non bộ trước và sau nhà được tạo bằng những loại đá quí. Số cây cối hiếm cùng những khối đá quí, một hệ thống dẫn nước qui mô để tưới cây và cho hai hòn non bộ có phong thủy cũng phải trị giá hàng triệu đô la.
Mấy tháng trước, khoảng giữa năm 2012, báo chí trong nước đã rất thắc mắc về ngôi nhà này. Chủ nhân của nó, theo tin cho hay, là một thanh niên tên là Bùi Thanh Tùng 32 tuổi giữ chức trưởng phòng An Toàn Lao Động tỉnh Hải Dương. Bùi Thanh Tùng chỉ mới giữ chức vụ này được khoảng vài tháng. Tổng cộng số năm làm việc cho chính phủ của Bùi Thanh Tùng là khoảng 10 năm.
Các chức vụ mà Tùng đã giữ từ trước đến nay, với số lương được trả, thì dù cho đương sự có nhịn, không ăn một hạt cơm, không uống một giọt nước, và nếu Bùi Thanh Tùng cùng với cha là Bùi Thanh Quyến (bí thư tỉnh ủy Hải Dương) để dành hết số lương của cả hai trong hơn một trăm năm cũng không thể có nổi số tiền vài triệu đô la để xây căn nhà đó.
Bùi Thanh Tùng nói với những người thắc mắc về chuyện làm sao có tiền xây căn nhà rằng đó là tiền do "mồ hôi nước mắt xuất phát từ trí tuệ vận động cá nhân" chứ không bất cứ một nguồn tiền bạc nào khác.
Một ủy ban kiểm tra của trung ương đảng đã điều tra những chuyện chung quanh căn nhà và sau mấy tháng, ủy ban đã đưa ra kết luận là đống bùn ở bên này ao lại vẫn cứ nằm tiếp ở vị trí cũ. Đúng là chuyện đánh bùn sang ao.
Ủy ban kết luận không hề có chuyện thằng bố Bùi Thanh Quyến can thiệp hoặc có ý kiến chỉ đạo các tổ chức hay cá nhân có liên quan trong việc giải quyết các thủ tục chuyển nhượng chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho thằng ranh, con của nó là Bùi Thanh Tùng. Ngoài ra, những cây cối, đá trong vườn được đem từ những nơi khác đến để tô điểm cho căn nhà cũng không phải là những thứ cây đá hiếm qúi. Ủy ban chỉ đưa ra một khuyến cáo là Bùi Thanh Quyến nên "thường xuyên khuyên bảo , giáo dục con trai tự giác, gương mẫu chấp hành đầy đủ các qui định của luật đất đai tránh gây dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và Đảng bộ".
Mẹ kiếp như vậy là huề tiền.
Ủy ban không hề đề cập tới chuyện làm thế nào hai bố con Bùi Thanh Quyến có tiền để xây căn nhà to như thế chỉ bằng tiền lương nhà nước trả cho chúng.
Thế thì điều tra làm con mẹ gì.
Khổ thân cái đất nước của chúng ta. Trên đớp, dưới cũng đớp lia lịa thì làm sao khá được.

Ngày 21 tháng 11 năm 2012
Bạn ta,
Hạnh phúc nhiều khi lại chính là những bất hạnh không xẩy ra cho chúng ta. Bởi thế, nếu không thấy đâu là hạnh phúc, thì hãy cứ nghĩ đến những điều không tử tế đã không đến với chúng ta, là chúng ta sẽ lại thấy hạnh phúc vô cùng.
Thí dụ chuyến đi Virginia của tôi chẳng hạn. Vẫn mấy chị tiếp viên vừa già vừa xấu, vừa hà tiện (hành khách muốn uống nước cà chua, mấy chị chỉ rót đúng một cái ly plastic nhỏ thay vì đưa cho hành khách nguyên cả lon như trong những chuyến bay của các hãng khác) vẫn một chị hành khách to béo ngồi bên cạnh, thỉnh thoảng lại quay sang liếc tình rồi ợ một cái nghe rợn mình, sau khi mất cả tiếng đồng hồ chờ đợi, khám xét gây ra không biết bao nhiêu là phiền nhiễu.
Nhưng đã không xẩy ra chuyện vài ba anh bỗng nhiên chạy ào vào phòng lái, đòi thay phi công chính lái hộ cho chàng... một đoạn chẳng hạn.
Chẳng cũng khoái ư thưa ông Thánh Thán.
Vì thế, tôi vẫn cám ơn chuyến bay có chị hành khách có tiếng ợ tươi tắn đó. Vì cạnh tôi là nàng ngồi, không phải là vài ba đàn em của Osama Bin Laden.
Mà nếu vậy, thì tại sao Thanksgiving năm nay lại không tạ ơn những chuyện như thế?
Như người vợ tạ ơn người chồng càu nhàu vì cơm tối không đúng giờ. Bởi lẽ như thế có nghĩa là chàng đang ở nhà với nàng chứ không đang ở nhà con đĩ ngựa nào khác.
Như cặp vợ chồng tạ ơn khi nghe cô con gái phàn nàn, ta thán vì phải xuống bếp rửa chén sau bữa chiều: như vậy là nó đang ở nhà chứ không lêu bêu đầu đường xó chợ với những con bạn hư đốn của nó.
Như người công chức tạ ơn phải trả thuế cho chính phủ, vì phải trả thuế tức là còn đang có công ăn việc làm chứ không thất nghiệp như gần 6% người Mỹ khác.
Như người chủ nhà tạ ơn căn phòng khách bừa bộn sau cái party vì điều đó cho thấy bà vẫn còn có bè bạn đến chơi với bà.
Như người phụ nữ tạ ơn những cái áo cái quần chật ních, vì lý do như vậy, bà vẫn còn có cái... ăn, cái mặc.
Như người chủ nhà tạ ơn cái sân cỏ cần phải cắt, mấy cái cửa sổ cần phải lau, mấy cái ống máng cần phải thông vì như thế là nhắc nhở ông còn có ngôi nhà để ở.
Như những người tạ ơn những lời chỉ trích nhắm vào chính phủ vì đó là dấu hiệu nước Mỹ vẫn còn tự do ngôn luận, dân chúng còn được đối lập chính phủ mà tối không bị cho đi học tập.
Như người tạ ơn chỗ đậu xe tìm được ở tuốt phía xa của bãi đậu xe, vì điều đó cho ông ta thấy là ông ta vẫn còn đủ sức để đi bộ và vẫn còn có cái xe để làm phương tiện di chuyển.
Như người chủ nhà tạ ơn cái bill tiền sưởi to tổ bố, vì như vậy có nghĩa là ông ta được sưởi ấm trong mùa đông.
Như người tín đồ ở nhà thờ tạ ơn bà đạo hữu bên cạnh hát thánh ca sai nhịp, sai nốt, vì điều đó nghĩa là tai bà còn nghe thính.
Như người đàn bà tạ ơn đống quần áo bà phải giặt, phải ủi, vì như thế, bà vẫn còn quần áo để mặc.
Như người tạ ơn cái mỏi, cái mệt, cái đau lưng, đau tay vào lúc cuối một ngày làm việc vì như thế nghĩa là ông ta vẫn còn đủ sức làm dăm ba công việc nặng.
Như người tạ ơn cái đồng hồ báo thức gọi dậy đi làm trong buổi sáng sớm, vì như thế nghĩa là ông ta, bà ta biết là vẫn còn sống.
Và như người tạ ơn đống e-mail nằm trong computer vì như thế có nghĩa là còn có người nhớ đến mình.
Như tôi tạ ơn người đã gửi cho cái danh sách những điều tạ ơn ngộ nghĩnh này để viết thành lá thư gửi bạn ta hôm nay.

Ngày 22 tháng 11 năm 2012
Bạn ta,
Hôm nay là ngày rất thích hợp để nói vài ba câu về một sinh vật bị đối xử hết sức bất công ở nước Mỹ.
Đó là con gà tây, hay gà lôi, mà mỗi năm, người Mỹ lấy cớ nói là cảm tạ những ân sủng nhận được của Thượng Đế rồi đem chúng ra giết thẳng tay để bầy lên bàn ăn.
Những con gà này không hề gây thù chuốc oán gì với các ông bà Thanh Giáo đổ bộ lên mỏm Plymouth sau chuyến đi đầy gian khổ vượt đại dương sang tân lục địa lập nghiệp hồi năm 1620 để phải gánh chịu lấy số phận kinh khủng như thế.
Thực ra, đáng lý người ta phải đặc biệt đối xử tử tế với những con gà này trong ngày Thanksgiving mới đúng. Lý do là chính những con gà này đã cứu sống được đám di dân sau mùa đông đầu tiên đầy kinh hoàng ở Massachusetts. Bệnh tật, thời tiết khắc nghiệt và đói ăn đã khiến cho đoàn di dân này chết đi khá nhiều. Khi mùa xuân trở lại năm 1621, họ được những người da đỏ trong vùng chỉ cho cách trồng ngô, săn gà tây để có cái ăn mà sống.
Và để trả cái ơn cứu sống đó, mỗi năm, khoảng gần 50 triệu con gà tây bị bỏ lò, rồi lôi lên bàn tiệc. Cực kỳ vô lý!
Người ta không nên làm thế. Để đền cái ơn cứu sống đó, người dân Mỹ nên tha mạng cho loài gà tây trong ngày Thanksgiving và giết những con vật khác để ăn, hay nếu không thì cũng tạm kiêng thịt một ngày để tưởng nhớ những con gà tây cứu sống đám di dân đầu tiên của nước Mỹ mới là phải.
Nhưng đó mới chỉ là trong dịp lễ Tạ Ơn. Trong những ngày thường, người Mỹ cũng không tử tế gì với những con gà tây này.
Ngôn ngữ của họ, khi đề cập đến loài gà tây chỉ toàn những ý nghĩa không tốt đẹp.
Turkey, danh từ gọi con gà tây trong ngôn ngữ của người Mỹ còn được dùng để chỉ một người ngu đần, xuẩn động. Tử tế và tốt đẹp biết là chừng nào!
Turkey còn có nghĩa là một thất bại thê thảm, như một cuốn phim, một vở kịch không có được bao nhiêu người xem chẳng hạn...
Toàn là những điều không tử tế gì dành cho những con gà tây từng cứu mạng những người di dân đầu tiên của quốc gia di dân này.
Người Mỹ phải bỏ tục lệ ăn thịt gà tây trong dịp lễ Tạ Ơn mới phải. Họ nên làm theo đề nghị của Benjamin Franklin, một trong những nhân vật lập quốc của nước Mỹ và dùng con gà tây làm biểu tượng cho nước Mỹ thay vì con đại bàng, một giống chim hoàn toàn không đem lại bất cứ một thứ lợi lộc gì cho nước Mỹ mà cũng chẳng là giống chim anh hùng gì cho cam, chỉ chuyên bắt nạt những giống chim nhỏ hơn để kiếm ăn như những nghiên cứu mới đây đã cho thấy.
Nước Mỹ nên xét lại cách đối xử dành cho những con gà tây này để phần nào tỏ ra công bình, nếu không muốn nói là biết ơn nó.
Tại sao lại gọi là lễ Tạ Ơn trong khi đem những con gà từng cứu mạng mình ra mà ăn như thế?
Mà thịt chúng thì có ngon gì cho cam. Nếu ngon mà ăn thì cũng có thể... tha thứ được. Chứ nó dở như vậy mà cũng ăn, vừa không thích thú gì, lại mang tiếng là đối xử ác và vô ơn với loài gà tây.

Ngày 23 tháng 11 năm 2012
Bạn ta,
Thành phố Guayaquil thuộc Ecuador, một quốc gia ở Trung Mỹ vừa có một quyết định làm cho nhiều người mừng mà cũng khiến cho không ít người buồn.
Xem những phản hồi của độc giả sau khi đọc bản tin về quyết định của thị trấn Guayaquil thì người ta thấy ngay điều đó. Bản tin Associated Press cho biết hội đồng thành phố đã biểu quyết chống lại đề nghị của một số cử tri muốn đưa một con lừa ra tranh cử vào một chức vụ trong thành phố.
ECUADOR DONKEY
Một số người trước đó đã dẫn một con lừa đến trước văn phòng bầu cử đòi cho con lừa được ghi tên vào danh sách ứng cử viên trong cuộc bầu cử sắp tới. Bản tin của AP cho biết có một đám đông đi cùng, lại có một ban nhạc theo sau con lừa. Ứng cử viên lừa được thắt cho một chiếc ca vát, lại có luôn cả một thẻ ghi danh bầu cử. Đám đông còn rắc confetti đầy đường để tạo một không khí vui nhộn cho đám rước.
Nhưng ủy ban bầu cử vẫn cương quyết chống lại đề nghị đó, không cho ứng cử viên lừa ghi tên tranh cử. Ứng cử viên lừa còn không được bước chân vào bên trong văn phòng của ủy ban bầu cử.
Đây không phải lần đầu tiên có ứng cử viên khác thường như thế. Tại Brazil năm 1996, một con dê cũng được đề nghị ra tranh chức thị trưởng một thành phố. Khoảng 50 chiếc xe đã nối đuôi nhau dự đám rước của ứng cử viên dê. Nhưng rồi dê cũng bị loại, không được cho ra tranh cử.
Gần đây tại Virginia, một con mèo cũng được đưa ra tranh chức nghị sĩ của tiểu bang . Con mèo đực tên là Hank đã thu được hơn 60 ngàn đô la trong những buổi gây quĩ. Khẩu hiệu tranh cử của Hank là "Hãy bỏ phiếu để trục xuất bọn người ra khỏi thượng viện". Mèo Hank được 7,319 phiếu bầu qua đường bưu điện. Số tiền hơn 60 ngàn được chuyển cho hội bảo vệ súc vật.
Nhưng bản tin cũng không lý thú bằng những lời bình luận của các độc giả. Một ý kiến cho rằng Hoa kỳ tiến bộ và văn minh hơn Ecuador nhiều. Bằng cớ là nước Mỹ không chống báng một cách bất công như Ecuador nên nước Mỹ mới có một con lừa tái đắc cử vào tòa Bạch Ốc. Một ý kiến khác thì nói rằng nước Mỹ đã dồn phiếu cho một con lừa từ năm 2008 đến nay chứ đâu có phải đợi đến bây giờ. Một độc giả quả quyết rằng nếu nước Mỹ cũng cấm đoán gắt gao như Ecuador thì người ta đã không có ông Romney. Một bức thư khác đề nghị phải áp dụng các biện pháp cấm mấy con thú tranh cử mới được.
Trong khi đó, các ý kiến đọc được trên internet, nghiêm túc cũng có mà diễu cợt cũng có đều cho thấy Ecuador, Hoa kỳ đều thua xa một quốc gia ở Đông Nam Á. Quốc gia này đã có một bầy chó ngồi chồm chỗm trong các ghế lãnh đạo từ bao nhiêu năm rồi chứ có phải là mới mẻ gì. Một bọn ăn hại đái nát, mặt trơ trán bóng vẫn tiếp tục ngồi trên đầu trên cổ của 80 triệu người dân của cái quốc gia ấy.
Bọn chó bọ ăn hại đái nát tại Việt Nam
Tại sao lại có chuyện đó?
Tại vì ở cái quốc gia ấy không hề bao giờ có được những cuộc bầu cử dân chủ tự do. Chỉ mấy con chó dơ dáy nhẩy ra chia chác, ăn uống phị mặt ra, cài hết con trai, lại con gái, đàn em, họ hàng hang hốc nhà chó vào những chỗ mà chúng nó nhâng nhâng nói là được cái đảng chết tiệt trao phó nên chúng nó vẫn quyết tâm ngồi tiếp để chia nhau cái đống cứt, tiếp tục sống chết mặc bay, cứt thì cứ đớp.
Ứng cử viên lừa ở Ecuador còn tử tế hơn mấy con chó dại này rất nhiều. 

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 156)
SOME INTERESTING WORDS
Bản ghi chép lại do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 156 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 12 năm 2012.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
LÃM THÚY
Thưa anh, Thúy muốn anh nói về chữ AIN’T. Đây là chữ làm cho Thúy khó chịu lắm nhưng Thúy lại nghe rất nhiều qua mấy đứa con của Thúy trong những lúc chúng nói chuyện với nhau . Thúy vẫn nghĩ chữ AIN’T không phải là thứ từ vựng của các thành phần có học như Thúy đã được nghe một ông thầy Mỹ nói hồi Thúy mới sang đây. Nay thì đó lại chính là chữ mà Thúy phải nghe mỗi ngày từ mấy đứa con.
QA
QA cũng thấy điều đó. Như thế có phải là đã có những đổi thay trong cách nói hàng ngày của người Mỹ hay không?
BBT
Trước hết, tôi xin nói là hai cô chắc sẽ không thấy nữ hoàng Anh nói chữ này bao giờ. Nhưng đó là "The Queen’s English", thứ tiếng Anh khuôn mẫu của nước Anh. Còn bình thường trong cách ăn nói hàng ngày, không ai nói thứ tiếng Anh cung đình đó, thứ tiếng Anh vương giả của nữ hoàng Anh cả. Ngôn ngữ lại thay đổi mỗi ngày nên hôm nay hai cô thấy chữ đó khó chịu nhưng rồi đây sẽ có lúc chính những chữ đó không còn gây khó chịu nữa, khi chúng được người ta chấp nhận. Và luôn cả các nhà văn phạm bảo thủ nữa.
AIN’T là gì? Trước tiên, nó là một chữ luôn luôn có nghĩa phủ định, NEGATIVE. Nó là một chữ tắt, ABBREVIATION. Nhưng là chữ tắt của những chữ gì?
Thí dụ trong câu này: HE AIN’T HERE. SHE AIN’T COMING. THEY AIN’T HAPPY ABOUT IT.
QA
QA nghĩ AIN’T là NEGATIVE của động từ TO BE.
LÃM THÚY
Thúy cũng nghĩ vậy vì nếu thay AIN’T bằng IS NOT hay ARE NOT, WAS NOT hay WERE NOT thì nghĩa của những thí dụ anh đưa ra ở trên sẽ không khác nhau gì.
BBT
Đúng như vậy. AIN’T là tất cả những chữ vừa kể, nó vừa là PRESENT , vừa là PAST TENSE của động từ TO BE trong thì quá khứ và hiện tại. Cứ lúc thì IS NOT, lúc ARE NOT, lúc WAS NOT, lúc WERE NOT… rắc rối quá, thôi thì nói ngắn lại tất cả, thay vì ISN’T, AREN’T, WASN’T hay WEREN’T… cứ AIN’T là tiện nhất.
LÃM THÚY
Nhưng thưa anh, trong câu này mà Thúy nghe được của con gái, câu I AIN’T GOT THE CAR THIS WEEK END thì AIN’T không phải là NEGATIVE của TO BE phải không?
BBT
Đúng như thế. AIN’T trong câu này thì lại là HAVE NOT. HAVE NOT nói tắt thành HAVEN’T rồi thành AIN’T. Cô nói thử lại bằng tiếng Anh cô học của ông thầy Mỹ coi nào.
LÃM THÚY
Chắc phải là I DO NOT HAVE hay I HAVEN’T THE CAR THIS WEEK-END nghĩa là cuối tuần này nó không có xe vì anh nó mượn của mẹ trước rồi.
QA
Con trai QA có hôm nói thế này: I AIN’T BEEN TO WASHINGTON D.C. BEFORE thì chắc phải hiểu là I HAVEN’T BEEN TO WASHINGTON D.C. BEFORE phải không thưa anh?
BBT
Đúng thế. Hồi nẫy, cô Lãm Thúy nói là một bữa hai con của cô đã dùng chữ HELL với nhau. Cô muốn biết HELL có phải là tiếng dùng để chửi thề không thì tôi xin nói ngay là đúng, đã có một thời nó là tiếng dùng trong những lúc chửi thề. Nhưng bây giờ, HELL không còn bị coi là tiếng chửi thề nữa. Tuy vậy, nó vẫn còn là tiếng không nên dùng để nói chuyện với người lớn như ông, bà hay cha mẹ. Ngay người Mỹ cũng vẫn còn có người kiêng không dùng nó, mà nói trại ra thành HECK. Thay vì nói WHAT THE HELL, người ta nói thành WHAT THE HECK… HE’S HECK OF A GUY thay vì HE IS HELL OF A GUY. Thay vì THE HELL YOU SAY, người ta nói thành THE HECK YOU SAY!
QA
Như vậy HELL có còn cái nghĩa cũ là địa ngục nữa hay không, thưa anh?
BBT
Trước khi trả lời, tôi muốn nhắc hai cô là khi đọc, nên cẩn thận phân biệt HE’LLHELL.
HE’LL có APOSTROPHE tức là cái dấu PHẾT, cái dấu trông như dấu phẩy để thay thế cho một hay hai chữ đã bị bỏ đi. Thay vì nói hay viết thành HE WILL, người ta viết thành HE’LL và đọc là "hi-ưl" nghĩa là ông ấy, anh ấy sẽ… Trong khi đó, HELL là nguyên một chữ, không viết tắt của bất cứ một chữ nào khác và đọc gần như là "heo".
THE HELL được dùng để diễn tả sự tức giận, sự ngạc nhiên, sự bất mãn.
Các cô nghe kỹ những câu sau đây:
WHAT HAPPENED TO YOU?
WHY IS HE HERE?
WHERE ARE THEY NOW?
WHEN DID THAT MAN COME HERE?
WHO DOES GEORGE THINK HE IS?
HOW DID HE FIND HER?
Cô Thúy thấy những câu đó như thế nào? Người hỏi có vẻ gì bực bội, ngạc nhiên hay bất mãn không?
LÃM THÚY
Thưa anh không. Những câu đó nghe cũng chỉ là những thắc mắc thường thôi. Nhưng nếu muốn chúng có nghĩa bực bội, kinh ngạc hay bất mãn thì phải làm thế nào? Cho chữ HELL vào đâu?
BBT
Dễ lắm. Thêm THE HELL ngay vào sau của các tiếng WHERE, WHAT, WHERE, WHY, WHO và HOW. QA chọn lấy hai câu trong số những câu trên và biến chúng thành những câu có ý bực bội coi.
QA
WHO THE HELL DOES GEORGE THINK HE IS?
WHAT THE HELL HAPPENED TO YOU?
BBT
Nhớ nhấn mạnh vào THE HELL thì ý nghĩa bực bội mới có. Còn Thúy cho nghe hai câu có vẻ kinh ngạc coi.
LÃM THÚY
WHEN THE HELL DID THAT MAN COME HERE?
HOW THE HELL DID HE FIND HER?
BBT
Bây giờ là hai câu có vẻ tức giận :
WHY THE HELL IS HE HERE?
WHERE THE HELL ARE THEY NOW?
QA
Như thế có phải HELL chỉ được dùng trong những câu hỏi không thưa anh?
BBT
Không. Không phải thế. HELL cũng được dùng trong những câu tán thán, những câu biểu lộ sự bực bội, giận giữ nữa chứ. Thí dụ TO HELL WITH THE SO-CALLED COW TONGUE!
Hay HELL NO! WE WON’T GO ! như khẩu hiệu của phe phản chiến hồi thập niên 60 vậy. Hay HELL YEAH! để biểu lộ thái độ hết lòng đồng ý. Tôi nhớ trong một truyện ngắn của Ernest Hemingway, nhân vật của ông cũng dùng chữ HELL hơi nhiều. Chính Hemingway, ngoài đời, cũng là người rất hay "xổ Nho".
LÃM THÚY
Thúy có thắc mắc này nữa. Đó là cái tên JOHN. Tên JOHN thì ai cũng biết rồi. Nhưng nói như hai câu này có đúng không và hai câu có khác nhau không?
THERE IS A JOHN AT THE CORNER OF THE STREET.
HE IS USING THE JOHN AT THE CORNER OF THE STREET.
BBT
Cả hai câu đều đúng nhưng ý nghĩa thì rất khác nhau.
Trước hết JOHN là tên người. Khi là tên người thì JOHN luôn luôn phải viết hoa (CAPITAL hay UPPER CASE) Và nếu JOHN là tên người thì không có mạo từ A hay THE ở trước.
HE IS JOHN.
Tuy thế, cũng có thể nói A JOHN như trong câu HE IS A JOHN nếu chúng ta muốn nói là trong lớp có hai ba người tên là JOHN, và đây cũng là một người tên JOHN. Hay trong câu này: THE JOHN YOU MET AT THE PARTY WAS MY AUSTRALIAN FRIEND. Trong câu này, chúng ta nói THE JOHN để xác định, đặc biệt nói tới ông bạn Úc của tôi.
Câu THERE IS A JOHN AT THE CORNER OF THE STREET mà JOHN không viết hoa, lại có mạo từ A ở trước thì JOHN có nghĩa là khách làng chơi, khách mua hoa.
Câu HE IS USING THE JOHN AT THE CORNER OF THE STREET mà JOHN cũng không viết hoa, thì THE JOHN có nghĩa là cái TOILET, cái cầu tiêu.
QA
Thưa anh, còn chữ JOHN nào khác kỳ quái như vậy nữa không?
BBT
Có chứ. JOHN HANCOCK chẳng hạn. Thí dụ hai cô vào ngân hàng điền vào mẫu xin vay tiền, nhân viên ngân hàng đưa cho hai cô tờ đơn đã điền xong và nói: I NEED YOUR JOHN HANCOCK HERE thì người ấy thực ra chỉ muốn nói I NEED YOUR SIGNATURE HERE. Lý do là vì nhân vật John Hancock ký một chữ ký rất to vào bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa kỳ, vừa ký vừa nói rằng để cho Anh Hoàng George thấy cho rõ. Từ đó, JOHN HANCOCK có nghĩa là chữ ký.
Còn có một chữ JOHN nữa. JOHN DOE là cách nói như khi chúng ta nói ông Nguyễn Văn X. Hay ông Ổi, ông Soài, ông Mít… tức là trong những trường hợp chúng ta không biết tên đương sự, hay biết nhưng không thể hay không tiện nói ra. Thí dụ một người bị tai nạn tử vong, xác đưa vào nhà xác nhưng chưa biết tên thì tử thi đó sẽ được gọi tạm là JOHN DOE. Nếu là phụ nữ thì là JANE DOE, là em nhỏ thì là BABY DOE. Cũng có vài ba cách gọi khác như JOHN Q. PUBLIC hay JOHN PUBLIC hay JOHN SMITH.
Tên JOHN còn xuất hiện trong thành ngữ A DEAR JOHN LETTER , thành ngữ này có nghĩa là bức thư tuyệt tình của một phụ nữ gửi cho người đàn ông. Thí dụ nói SHE WROTE HIM A DEAR JOHN LETTER là cô ấy viết cho anh ta bức thư để chấm dứt cuộc tình giữa hai người.
LÃM THÚY
Nhân tiện, để hỏi anh chuyện này nữa. Trong tiếng Anh có động từ nào là động từ BETTER không? Cứ cuối năm, gần Giáng Sinh, là Thúy lại nghe thấy động từ này trong mấy câu của bài hát SANTA CLAUS IS COMING TO TOWN, đó là câu YOU BETTER WATCH OUT...
BBT
Không có động từ BETTER. Nhưng có động từ HAD BETTER. Động từ này là một động từ khá kỳ lạ. Nó chỉ xuất hiện với hình thức HAD BETTER mà thôi, không bao giờ là HAVE BETTER hay WILL HAVE BETTER. Nó luôn luôn ở hình thức PAST nhưng nó lại được dùng cho các việc của hiện tại và tương lai. Thí dụ YOU HAD BETTER CALL HIM NOW (PRESNT) hay WE HAD BETTER TAKE THE PLANE THIS CHRISTMAS (FUTURE).
HAD BETTER thường được nói ngắn lại thành ‘D BETTER thay vì HAD BETTER và vì thế, khi nghe I’D BETTER cô mới nghĩ nó là động từ BETTER.
HAD BETTER được dùng để đưa ra một lời khuyên, một khuyến cáo là nên làm một việc gì đó.
QA
Thưa anh, động từ SHOULD cũng được dùng để đưa ra lời khuyên phải không? Như thế, SHOULD cùng nghĩa và cùng có cách dùng như HAD BETTER phải không?
BBT
Gần đúng như thế. SHOULD tương đương với một động từ kỳ cục khác là OUGHT TO. Động từ OUGHT TO không có "S" khi đi với chủ từ là ngôi thứ BA số ÍT (THIRD PERSON SINGULAR như HE, SHE, IT…) thí dụ HE OUGHT (không phải HE OUGHTS) TO STUDY FOR THE TEST. SHOULD tương đương với OUGHT TO, có thể dùng thay đổi lẫn cho nhau. Hai động từ này được dùng để đưa ra một lời khuyên nhưng là một lời khuyên nhẹ thôi, làm cũng được mà không thì cũng chẳng sao. Thí dụ YOU SHOULD SEE THAT NEW FILM hay YOU OUGHT TO SEE THAT NEW FILM.
Nhưng HAD BETTER thì lời khuyên đó có thêm sự khuyến cáo ở trong. Nên làm nhưng nếu không làm thì có thể hậu quả không tốt. Thí dụ WE HAD BETTER STOP SMOKING CIGARETTES. Khi chúng ta nói WE SHOULD hay WE OUGHT TO SEE THE NEW FILM thì đi xem cuốn phim mới cũng được, không xem cũng không sao còn nếu không bỏ thuốc thì sẽ rất có hại cho sức khỏe.
LÃM THÚY
Thưa anh, Thúy ít nghe thấy người ta dùng động từ OUGHT TO, có phải như vậy không?
BBT
Đúng vậy. Động từ OUGHT TO càng ngày càng ít xuất hiện. Chúng ta dùng SHOULD nhiều hơn. Thực ra, SHOULD cũng đang từ từ thay thế cho HAD BETTER.
Trong đời sống, chúng ta không thích nghe khuyên bảo lắm đâu. Nhất là khi đó là những lời khuyên mà chúng ta gọi là UNSOLICITED ADVICE, tức là những lời khuyên không ai nhờ khuyên … Người Việt nói "ăn có mời, làm có khiến". Vì thế, để cho lời khuyên dễ nghe một chút, người ta thường thêm I THINK ở trước những lời khuyên. Thí dụ I THINK YOU SHOULD VISIT HIM IN THE HOSPITAL. Câu đó nghe nhẹ hơn, bớt giọng khuyên bảo hơn là YOU SHOULD VISIT HIM IN THE HOSPITAL.
Thêm một điều nữa về động từ HAD BETTER là khi tôi nói HE HAD BETTER DAYS BEFORE APRIL 1975 thì câu này không phải là lời khuyên. Sau HAD BETTER nếu là một động từ thì đúng là lời khuyên. Nhưng trong câu vừa rồi, theo sau HAD BETTER là một danh từ nên nghĩa của nó hoàn toàn khác. Thúy hiểu câu ấy như thế nào?
LÃM THÚY
Thúy hiểu là ông ấy đã từng có một đời sống rất khá, khá hơn bây giờ nhiều trong thời gian trước tháng 4 năm 1975.
BBT
Cám ơn hai cô.
QA
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây thì xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.