November 17, 2012

November 16, 2012


Ngày 12 tháng 11 năm 2012
Bạn ta,
Tôi nghĩ John Stuart Mill đã đi quá đáng khi ông viết trong cuốn Utilitarianism rằng thà làm một người không thỏa mãn còn hơn là làm một con heo thỏa mãn; thà làm một Socrates khốn khổ còn hơn là làm một người điên thỏa mãn.
Câu này của ông còn được cắt ngắn lại cho gọn để thành thà làm một Socrates khốn khổ còn hơn là làm một con heo tự mãn.
Socrates là người, lại là một triết gia, môn sinh có cả trăm, nổi tiếng là sáng suốt. Nhưng ông cũng lại là người không hạnh phúc. Có lần ông khuyên người ta rằng là đàn ông thì nên lấy vợ. May thì được hạnh phúc với vợ. Không may thì sẽ thành triết gia.
Socrates trở thành một triết gia. Như thế, ông là người không hạnh phúc. Chuyện là người của ông cũng bị đem ra chỉ để nhắc một điều ai cũng phải đi qua bằng cái tam đoạn luận nghĩ lại thì cũng chẳng có gì cao siêu:
Tất cả mọi người đều phải chết.
Socrates là người.
Socrates phải chết.
Nhưng cái chết của Socrates cũng không bình thường. Ông bị bức tử, chọn uống nước lá cây độc cần.
Con heo từ khi ra đời cho đến lúc bị đưa vào lò sát sinh chỉ ăn với ngủ. Nghĩ lại thì nếu không ăn và ngủ thì heo biết làm gì bây giờ? Lôi sách của John Stuart Mill hay của Socrates ra đọc hay sao?
Đọc để đi tới đâu? Thì cũng đến lò sát sinh. Nhỏ thì thành heo sữa quay ăn với bánh hỏi. Lớn thì thành heo thịt, vào nồi hủ tiếu, thành món cốt lết, thịt đông, thịt ba chỉ với mắm tôm chua. Già thì thành lợn sề, nghe gọi đã thấy phát sợ. Không thì thành heo nọc, tưởng là vui mà hóa ra chẳng có gì sung sướng với một cuộc sống không bình thường để kiếm tiền cho chủ heo, bị buộc phải làm những chuyện không do tình yêu đưa tới thì có gì là hạnh phúc, vui vẻ.
Thế thì nếu nó hí hửng , hớn hở vui được lúc nào thì tại sao lại không mừng cho nó mà lại dè bỉu, coi nó ngu si hưởng thái bình, mà thái bình thì cũng có được bao lâu.
John Stuart Mill để hai cuộc đời bên cạnh nhau, một là Socrates, triết gia Hy Lạp, môn sinh bao nhiêu người thành đạt như Platon, như Aristote… nhưng đời sống không hạnh phúc, và bên cạnh là một con heo hoàn toàn vui vẻ với đời sống có khi rất ngắn của nó, ngu xuẩn , đần độn, không biết làm thơ, đọc thơ, lại càng không biết tại sao Israel đánh nhau với người Ả Rập, tại sao người Hồi giáo không ăn thịt mình (heo) mà lại chỉ thích đi giết người khác, thích lao tầu bay vào các cao ốc cho vài ngàn người chết vân vân.
Đặt Socrates và con heo bên cạnh nhau, rồi quay sang chọn ông Socrates, triết gia Hy Lạp sống cách đây 2 ngàn 500 năm, cả đời lang thang với một lũ môn sinh đầu đường xó chợ thay vì chọn con heo vui vẻ tự mãn.
Như vậy, hạnh phúc là một điều không nên có hay sao? Phải đau khổ, phải khốn khổ, phải bất hạnh mới đáng sống chăng?
Con heo vui vẻ thì bị chê, bị khinh là không có suy nghĩ gì hết trơn, không cogito ergo sum, je pense donc je suis như Descates gì hết. Phải mặt mũi khó đăm đăm, đi tìm những ngóc ngạch khổ đau của nhân lọai rồi ngồi suy tư như bức tượng Le Penseur của Rodin (hình như để quên quần áo ở đâu không biết) mới là người đáng sống hay sao?
Mấy hôm trước xem trên truyền hình thấy cảnh ở Syria tôi lại nhớ Socrates. Thoắt nổ cái rầm là mất ngay cái mái nhà trên đầu, chung quanh gạch ngói ngổn ngang. Tiếng la khóc ầm vang trong xóm. Những việc làm tầm thường nhất mỗi ngày chúng ta làm một cách bình thản bỗng không còn làm được nữa. Muốn uống ly nước có thể cũng không có. Tắm một cái lại càng khó hơn. Nói chi đến ly cà phê, tờ báo, bản tin truyền hình, bữa ăn sáng ở một tiệm quen. Cái xe thân thuộc đi làm. Chiếc bàn làm việc ở nhà. Chai bia trong tủ lạnh. Căn nhà trở về trong đêm, mùi ngọc lan từ nhà bên cạnh bay qua.
Toàn là những thứ tầm thường chứ nào có là những hạnh phúc lớn của con heo mập được vỗ cho béo để đem đi giúp trại heo bên cạnh có giống tốt đâu?
Nhưng nhất định không là Socrates lang thang đầu đường xó chợ ở Nhã Điển với lũ môn sinh gàn dở hỏi đáp những câu vớ vẩn để rồi chính vì những câu gàn dở đó mà ông già Socrates bị đem ra tòa xử tử hình.
Không khổ sở như Socrates. Không hạnh phúc , tự mãn như con heo.
Hanh phúc nhiều khi ở quá gần như Kahlil Gibran, nhà thơ Li Băng viết trong một bài thơ của ông, con chim chết khô trong lồng bên một dòng suối nươc chẩy róc rách. Có nước thì hãy cứ uống, không việc gì phải ép rệp khổ đau như Socrates. Là con heo tự mãn cũng được.
Làm thế nào để đến được với hạnh phúc, Socrates hay heo thì cũng đều đáng được hưởng những chuyện tốt đẹp. Nghĩ lại thì lại phải cám ơn đời sống và những may mắn rất nhỏ và tầm thường đang có. Cứ hỏi những người tị nạn đang lây lất ở Darfour coi con heo tự mãn tốt hay Socrates khốn khổ là tốt thì biết liền câu trả lời.

Ngày 13 tháng 11 năm 2012
Bạn ta,
Tin của đài BBC cho biết cảnh sát Thái tại Pranbury, một thị trấn cách Bangkok khoảng 230km về hướng nam trong ngày hôm nay, 13 tháng 11, đã bắt giữ một xe vận tải chở khoảng 600 con rắn hổ mang bành (cobra), một loại rắn rất độc từ Malysia vào lãnh thổ Thái.
Người tài xế bị bắt cho biết số rắn này đang trên đường đi Lào. Nhà chức trách Thái tin rằng Việt Nam mới là trạm giao hàng cuối cùng của hơn 600 con hổ mang gốc từ Malaysia này.
Trong những năm gần đây Thái đã trở thành nơi thông quá của những loại hàng lậu này, có khi là hổ báo, gấu, sừng tê giác và rắn. Vừa mới vài tháng trước, Thái đã chặn bắt được cả hai ngàn con chó mà những tổ chức trộm chó đã bắt được ở Thái để đưa đi Việt Nam. Số chó này chắc chắn sẽ được đưa lên các bàn nhậu, phục vụ các thành phần mê thịt chó. Ở trong nước, việc bắt chó cung cấp cho các tiệm thịt chó hồi gần đây đã trở thành rất khó khăn. Các cẩu tặc đã phải đi tới nhiều vùng quê để bắt trộm chó vì chó càng ngày càng hiếm. Một vài cẩu tặc đã bị dân địa phương vây đánh đến chết. Lý do khan hiếm chó không đủ cung cấp cho các tiệm thịt chó là rất nhiều chó đã được kết nạp vào đảng cha nó rồi. Mà bọn chó này rất … chó với nhau: chúng không ăn thịt đồng loại. Đến gọi nhau chúng cũng phải kiêng tên hèm tên tục, phải gọi trại ra thành "đồng chó X" khi nói về một con chó ăn cứt như máy tại cuộc đại hội của chúng mới đây.
Bây giờ đến lượt rắn hổ mang được thu mua, chở lậu qua Thái, rồi Lào để vào Việt Nam. Nhưng phe buôn lậu rắn làm như thế có thể là hơi muộn vì số rắn độc nhập lậu vào Việt Nam bây giờ không còn đắt hàng như trước. Rắn không cần phải đưa lậu vào Việt Nam nữa. Loài bò sát này được đưa vào Việt Nam công khai, không bị làm khó dễ gì hết. Trong khi 600 con hổ mang ở Thái Lan bị cho vào những chiếc túi quăng lên thùng xe vận tải khiến một số đã chết trước khi tới trạm kiểm soát ở Pranbury. Thêm vào đó, không phải rắn nào cũng có thể đưa vào Việt Nam được. Rắn hổ mang bành, rắn kính gốc Malaysia, gốc Ấn độ như trong truyện ngắn Rikki-Tikki-Tavi của Rudyard Kipling là không được. Rắn mà bị túm lại trong những túi vải là không được. Chở trên xe vận tải quá cảnh ở Thái cũng không được.
Việc nhập cảng rắn cũng phải đúng thủ tục. Rắn phải được di chuyển trên lưng người mới được. Nói rõ ra là phải được cõng một cách trân trọng trên lưng mới được. Cõng chúng vào Việt Nam cũng cần có được thỏa thuận chính thức của nhà nước chứ không thể khơi khơi chất lên xe vận tải mang vào là xong. Cõng vào rồi thả ra cũng phải có chỗ mới được. Trên cao nguyên miền Trung tại hai tỉnh Dak Nong và Lâm Đồng nơi có những mỏ bô-xít là những chỗ đặc biệt thích hợp cho việc thả những con rắn này. Đó là chưa kể tới một số vùng miền bắc, vùng biển Cam Ranh, Vũng Rô, cùng với những khu xây cất gọi là đại phố cho chúng nó ở.
Cõng vào rồi thả chúng ra cho chúng rượt cắn bầy gà khốn khổ ở những chỗ vừa kể trên mới được. Con gà nào phản đối … đi bộ xuống đường biểu tình chống lại những con rắn này thì nhà nước đánh cho chết. Không chết thì cũng đến tận nơi bắt đem đi biệt tích trong khi cố nghĩ ra cái tội nào thật nặng để đổ cho những con gà tội nghiệp đó. Như con gà con Nguyễn Phương Uyên chẳng hạn.
Càng nghĩ càng muốn văng tục ra với tổ sư cha nhà bọn chó.
Cha tiên nhân bố chúng mày, bọn chó đẻ cõng rắn cắn gà nhà phè phỡn trong cái nhà xí gọi là bộ chính trị ở Hà Nội nhá.

Ngày 14 tháng 1 năm 2012
Bạn ta,
Một buổi tối đã lâu, ít nhất cũng khoảng gần 30 năm trước, tôi đi kiếm nhà một người bạn mới dọn đến Virginia thì lạc đường, chạy xe vào một công trường xây cất. Đêm ấy đầu mùa thu, trời rất mát.
Trận mưa buổi chiều còn đọng nước trong những vết bánh xe vận tải cầy nát một vùng. Trăng phản chiếu trong một vũng nước mưa hơi xao động trong cơn gió.
Đúng lúc tôi định quay xe chạy ra thì tiếng một con ễnh ương đâu đó dưới những khoảng tối của những chiếc xe ủi đất đậu trong bãi vọng tới. Từ từ, đều đều, kiên nhẫn, vang lên một lúc rồi im bặt.
Tôi nhớ cơn mưa vừa tạnh lúc buổi chiều, cơn mưa làm ngập khu xây cất, lúc ấy tôi đang còn ở nhà, mở cửa bước ra thì những giọt mưa phơi phới bay vào.
Cảnh tượng cơn mưa chiều và những vũng nước trong công trường xây cất đều hiện ra trong cùng một ngày tôi đọc được trong một tờ báo cũ bài thơ của Giang Hữu Tuyên.
Đó là lần đầu tiên tôi đọc thơ của Tuyên.
Những giọt mưa rơi trong buổi chiều, mùi đất ẩm xông lên từ trước nhà, tiếng con ễnh ương lẻ loi kêu thảm thiết dưới ánh trăng.
Trước nhà tôi, đám lá phong vàng rực rỡ rơi xuống phủ hết bãi cỏ. Những ngọn cỏ ướt oằn mình xuống vì những giọt nước mưa. Nhớ mùi mưa trên mái tóc của một chiều. Chiều của bầu trời nhiệt đới. Chiều trên bến nước đục ngầu phù sa, những cây dừa bên kia sông, những tầu lá loáng bạc, mùi gió sông, những chiếc thuyền tròng trành…
Tôi thấy mình trở về Việt Nam lúc nào không hay. Tôi vẫn thỉnh thoảng làm được một chuyến đi trở về miền đất bỏ lại.
Một cái địa danh lâu không nghe, nhớ lại là thấy quặn trong lòng. Tưởng lại mùi nắng, mùi mưa trong cái không gian vẫn còn chưa bỏ đi hẳn khỏi trí nhớ…
Chiều hôm ấy tôi đọc được bài thơ này của Giang Hữu Tuyên:
Lá vàng rụng hết đêm qua
Chiều xô cửa ngó mông ra mưa buồn
Mưa đằm ngọn cỏ đan sương
Mưa nghiêng kỷ niệm, mưa luồn tóc bay
Hồn bình nguyên rộng trên tay
Căng đầy nỗi nhớ sông dài phù sa…
Nói đây là một bài thơ hay tuyệt thì chưa phải.
Nhưng phải nói đó là một bài thơ hay. Hình ảnh giản dị. Cơn mưa ở Arlington, cũng là thị trấn tôi đang sống hồi ấy. Có gì đâu, thì cũng lá rụng, cỏ đẫm nước, gió ào ào.
Những câu lục bát tạo ra những bất ngờ đến bàng hoàng. Mưa làm sao "nghiêng" được kỷ niệm? Mưa làm sao "đằm" những ngọn cỏ? Những ngọn cỏ làm sao "đan" những giọt mưa như sương? Mưa làm sao "luồn" trong tóc? Tay sao "giữ" được bình nguyên?
Bài lục bát đọc buổi chiều trở thành một ám ảnh suốt cả ngày hôm đó, cho đến tận lúc tối khi tôi lái xe đi lạc vào khu xây cất có tiếng kêu của con ễnh ương đơn lẻ.
Mãi mấy năm sau tác giả bài thơ "Mưa Arlington, nhớ mưa quê nhà" và tôi mới gặp nhau.
Tôi rất thích bài lục bát ấy của Tuyên. Người làm thơ bỗng biến mất. Bài thơ trở thành của người đọc. Người đọc tiến vào làm công việc mở cái cửa ngó ra trận mưa. Mái tóc ướt sũng những giọt mưa bỗng trở thành mái tóc rất thân quen. Con sông đỏ quạch thành nơi hò hẹn, nỗi nhớ trở thành sự thật, trên tay là bát ngát bình nguyên của kỷ niệm.
Chữ nghĩa của Giang Hữu Tuyên đầy miền Nam ở trong. Đây là mồng tơi tím, đây là cánh đồng tháng chạp, đây là những cụm bèo, đọt rau, là lá trầu, là vườn mía, hàng tre, lạch nước, bờ kinh…
Ơi miền Nam , ơi quê nhà
Dưới ao sen nở, mẹ già vo cơm…
Tuyên chết ngày 14 tháng 11 năm 2004.
Mới đó mà nay đã 8 năm …

Ngày 15 tháng 11 năm 2012
Bạn ta,
Mùa mua sắm quà cáp lại trở về với nước Mỹ. Để sửa soạn cho những tiệc tùng của ngày Thanksgiving năm nay, tôi nghĩ không có một món quà nào có lý hơn là những chiếc quần lót Under-Ease, sáng chế của một người đàn ông đầy sáng kiến ở thị trấn Pueblo thuộc tiểu bang Colorado.
Buck Weimer nói với tờ Denver Post rằng từ lâu ông vẫn mơ làm sao chế ra một sản phẩm để cứu vãn cuộc hôn nhân của ông nhân sau chuyến vợ chồng ông đi dự một bữa tiệc Thanksgiving hồi mấy năm trước.
Cuối cùng thì ông làm được việc đó. Ông chế ra được một sản phẩm mới, đó là một chiếc quần lót được may hơi chật một chút, bó sát lấy phần dưới của người mặc. Vật liệu dùng để may nó rất kín, không để cho không khí vào ra dễ dàng như những thứ vải thông thoáng người ta vẫn dùng để may quần áo lót. Ở phía sau của chiếc quần có gắn một bộ phận lọc bằng than giống như đầu lọc ở những điếu thuốc lá. Lớp than này có thể lọc được các chất bẩn như trong các máy lọc nước. Ở thuốc lá, lớp than ở đầu lọc có thể lọc bớt đi thán khí và nicotine trước khi khói thuốc lá được hút vào phổi. Bộ phận lọc bằng than này ở những chiếc quần lót có thể lọc và làm giảm thiểu cái mùi ghê rợn thoát ra từ ruột già của người mặc để làn hơi thoát ra ngoài bớt đi rất nhiều cái mùi không văn minh lắm có thể tạo oan uổng cho những con chó đang ngồi một cách vô tội ở bên cạnh. Nó cũng giúp cho người ta đỡ phải thình lình đứng dậy khỏi bàn tiệc để ra ngoài nói là hút điếu thuốc trong khi trời đất đang lạnh buốt cuối năm.
Bữa đó, sau khi dự tiệc Thanksgiving ở nhà bạn về, Buck và vợ lên giường đi ngủ thì vợ chàng bị vài xáo trộn của hệ thống tiêu hóa đã tung ra một quả bom ngạt nghe rền vang khắp nhà như một trái bom nguyên tử. Buck nằm bên cạnh, nước mắt chứa chan, thương cho mình rồi … lạnh lùng riêng.
Chàng không thể vùng dậy chạy ra phòng khách tị nạn chính trị vì làm như thế thì bất lịch sự với vợ biết là bao nhiêu. Vợ chồng thì phải chịu nhau, phải thương yêu nhau chứ, phải ở bên cạnh nhau bất cứ lúc nào chứ. Không lẽ chỉ vì một cái trung tiện đã vùng lên bỏ chạy thục mạng, vừa chạy vừa chửi thề để mà né, mà tránh làn hơi thiên phú đó.
Thế là sau mấy năm nghiên cứu, Buck đã trình sáng kiến của mình và nhận được cái bằng sáng chế và sản xuất những chiếc quần Under-Ease để đóng góp phần nào cho công việc gìn giữ hạnh phúc cho gia đình. Thêm vào đó, sản phẩm của chàng cũng giúp đối xử tử tế hơn, không vu oan giá họa cho những con chó vô tội nữa, vì bề gì chúng cũng là bạn tốt nhất của chúng ta.
Từ này, câu "the dog did it" có thể sẽ không được lôi ra để nói xấu mấy con chó nữa. Người ta sẽ không phải than thở hộ cho những con chó nữa như hai câu ca dao này:
Con chó mà biết nói năng
Đứa thả trung tiện hết đường đổ oan
Cuối năm nay, quà Thanksgiving, Christmas, New Year có lý nhất chắc chắn phải là những chiếc quần lót Under-Ease vậy!
Nhưng có thể những thành phần nâng bi chuyên nghiệp, nịnh xếp khen trung tiện của xếp là thơm sẽ rất khổ. Là fart-catcher mà không ngửi, phát hiện rồi vồ được cái nào để nịnh xếp thì làm sao sống?
Nhất là bọn mê, ghiền những cái rắm … "lạ" ở Việt Nam bây giờ.

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 155)
SOME COMMON MISTAKES AGAIN
Bản ghi chép lại do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 155 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 12 năm 2012.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
Thưa anh, tuần này QA xin hỏi anh trước mấy chữ mà QA nghĩ chắc là QA dùng không đúng, xin anh sửa cho. Đó là hai chữ BORED và BORING. Cách đây không lâu, QA nói với con gái rằng QA thấy rất là BORING. QA bị sửa ngay là nói như vậy là sai, phải nói là BORED mới đúng. Như vậy, BORED và BORING rất khác nhau hay sao?
BBT
Đúng vậy, rất khác.
TRÚC GIANG
Cháu mấy lần nói sai chữ INTERESTED và INTERESTING thì bị hai đứa con gái lớn sửa ngay lập tức. Tại vì hai con "trứng" ở nhà hồi này nó có vẻ khôn hơn con "rận" rồi.
BBT
Vậy thì tôi sẽ nói luôn về những thắc mắc của cả hai cô…
QA
Và của khá nhiều người khác nữa…
BBT
Đúng thế, đó là trường hợp của những cặp BORED / BORING; INTERESTED / INTERESTING; IRRITATED/ IRRITATING; CONFUSED / CONFUSING… Trước hết, hãy nói về BORED và BORING. Hai chữ này là ADJECTIVE gốc ở động từ TO BORE nghĩa là làm cho buồn chán. Thí dụ nói ông ta làm cho tôi chán đến chết được thì người ta nói HE BORES ME TO DEATH.
BORED là PAST PARTICIPLE dùng như một ADJECTIVE và BORING là PRESENT PARTICIPLE cũng được dùng như một ADJECTIVE.
Vì cả hai đều là ADJECTIVE có gốc ở động từ TO BORE nên người ta hay lẫn lộn chúng và dùng không đúng. BORED đi cùng với động từ TO BE, thì TO BE BORED có nghĩa thụ động, PASSIVE nghĩa là chủ từ của câu KHÔNG làm gì hết mà bị túc từ OBJECT thường được hiểu ngầm gây ra. Thí dụ I AM BORED nghĩa là tôi đang buồn, chán lắm… có thể vì câu chuyện anh ấy nói, cuốn sách tôi đang đọc, cuộn phim tôi xem… hay cũng vì tôi không có việc gì làm cho qua thời giờ. Nhưng TO BE BORING thì chủ từ lại làm công việc gây buồn chán cho người khác. Chính chủ từ làm công việc đó nên câu có nghĩa ACTIVE. Thí dụ HE IS BORING: HE TALKS ABOUT HIMSELF ALL THE TIME.
Tôi hỏi Trúc Giang nhé… khi nói cuốn sách chán lắm thì nói thế nào?
TRÚC GIANG
Cháu sẽ nói THE BOOK IS BORING.
BBT
Còn QA, cô nói câu này bằng tiếng Anh như thế nào: DICK vô duyên lắm, nghe anh ta nói chuyện chán chịu không nổi. Tôi chán anh ấy hết sức.
QA
DICK IS VERY BORING. I AM SO BORED WHEN I LISTEN TO HIM.
BBT
Cám ơn hai cô. Bây giờ mỗi cô cho nghe 4 câu với BORED và BORING coi.
TRÚC GIANG
CHEMISTRY IS BORING. THE TEACHER BORED EVERYBODY.
THE STORY IS BORING. HE IS SO BORED HE YAWNED EVERY 2 MINUTES.
QA
BOTH CANDIDATES BORED ALL OF US. LISTENING TO THEM IS SO BORING.
I WAS BORED BY HIS STORY. WHAT HE SAID WAS BORING.
BBT
INTERESTED dùng với TO BE như TO BE INTERESTED nghĩa là quan tâm, lưu ý, thích, muốn biết về. Trong khi INTERESTING nghĩa là lý thú, gây sự tò mò, làm cho người ta thích thú, ưa thích. Tôi có yêu tôi cách mấy thì cũng không thể nói I AM INTERESTING được. Tại sao vậy Trúc Giang?
TRÚC GIANG
Thưa chú bởi vì nói I AM INTERESTING thì có nghĩa tự khen mình, tự cho mình là người lý thú lắm. Nhưng nói THE BOOK hay THE FILM, hay MISTER SMITH IS INTERESTING thì được phải không thưa chú?
BBT
Đúng vậy. Còn QA dùng INTERESTED trong ba thí dụ coi.
QA
WE ARE INTERESTED IN THE BEACH HOUSE nghĩa là chúng tôi thích, muốn biết thêm về căn nhà ở gần biển. MY SON IS INTERESTED IN A COMPUTER JOB là con QA rất thích một công việc trong lãnh vưc điện toán. SHE IS NOT INTERESTED IN HIM AT ALL nghĩa là cô ấy không mấy quan tâm về anh ta.
BBT
TO IRRITATE là làm cho ai bực mình, làm cho ai phát cáu, chọc tức ai đó. TO BE IRRITATED là bị làm cho bực bội, bị người hay một chuyện, một việc gì đó làm cho cáu giận, bực mình. IRRATATING là gây khó chịu, làm bực mình. Thí dụ ngồi cạnh một người hay rung đùi, hay nghiến răng, ăn uống kêu chóp chép thì Trúc Giang dùng IRRITATED hat IRRITATING nào?
TRÚC GIANG
I AM VERY IRRITATED BY HIS SHAKING HIS LEGS AND HIS TEETH GRINDING.
BBT
Thế QA nói thế nào về chuyện ông ta ăn to nói lớn? Về chuyện ông ta mở miệng là nói YOU KNOW?
QA
THE WAY HE MAKES NOISES WHEN HE EATS IS VERY IRRITATING.
HIS USE OF "YOU KNOW" IS IRRITATING.
BBT
Bây giờ qua tới CONFUSED và CONFUSING. Hai tĩnh từ này gốc gác từ động từ TO CONFUSE nghĩa là làm lẫn lộn, gây rắc rối, tạo lộn xộn, gây hiểu lầm. TO BE CONFUSED là bị hiểu sai, hiểu lầm, bị làm cho lẫn lộn, rắc rối. Thí dụ có nhiều đứa trẻ ở nhà nói tiếng Việt với bố mẹ, nói tiếng Tây Ban Nha với baby sitter, nói tiếng Anh ở trường thì QA nói HE IS CONFUSED hay HE IS CONFUSING?
QA
THE CHILD IS CONFUSED.
BBT
Tôi lẫn lộn không biết tiếng Bồ Đào Nha được nói ở Peru hay Brazil thì Trúc Giang nói thế nào?
TRÚC GIANG
I AM CONFUSED BETWEEN PERU AND BRAZIL.
BBT
Trong khi đó, CONFUSING là làm cho rối rắm, khó hiểu, dễ tạo hiểu lầm. Thí dụ nói tấm bản đồ này rất khó xem vì nó làm rối mắt thì QA nói thế nào?
QA
THE MAP IS VERY CONFUSING.
BBT
Tôi hy vọng hai cô không còn CONFUSED hay CONFUSING nữa…
TRÚC GIANG
I HOPE YOU ARE NOT CONFUSED ANY MORE.
BBT
QA còn INTERESTED hay INTERESTING những điểm văn phạm nào nữa?
QA
WE ARE STILL INTERESTED IN LOTS OF OTHER THINGS.
Thưa anh, thí dụ như chữ "I" lúc nào đọc là "AI", lúc nào đọc là "EE" chẳng hạn. Trong Anh ngữ có những qui luật nào về chuyện này không?
BBT
Tôi nghĩ là không có một qui luật bất biến nào về cách đọc một số chữ trong tiếng Anh. Trường hợp của chữ "I" là một thí dụ. Tuy nhiên, chúng ta có thể ghi nhớ những điều này để giúp chúng ta đọc đúng một số chữ "I".
Chữ "I", như hai cô cũng đã biết, có hai cách đọc, một là "EE", cách thứ hai là "AI". Nhưng khi nào đọc "I" và khi nào đọc "EE".
Nếu sau "I" là 1, 2 hay 3 PHỤ ÂM tức là 1,2 hay 3 CONSONANTS thì chúng ta đọc là "EE" . Thí dụ HIT, SHIP, BIT, QUIT, FIT, SMITH, WITCH, RICH, SWITCH, TRICK…
Nếu sau "I" chúng ta có 1 PHỤ ÂM rồi tiếp sau là một NGUYÊN ÂM thì chúng ta đọc là "AI" . Thí dụ TIME, MILE, SMILE, WHITE, WRITE, WHILE, CHIME, WINE, SWINE, BRINE, CRIME, DINE, FINE…
TRÚC GIANG
Thưa chú, có ngoại lệ không?
BBT
Có chứ. Thí dụ động từ "leo trèo" trong tiếng Anh là gì Trúc Giang?
TRÚC GIANG
TO CLIMB đọc là "AI" trong khi chân hay tay, LIMB thì lại đọc là "EE".
BBT
Một ngoại lệ nữa nhé: CHRIST đọc là "AI" như trong JESUS CHRIST. Nhưng CHRISTINE thì lại đọc là "EE".
Thế nhưng CHRISTCHURCH, tên một thành phố ở Tân Tây Lan thì lại đọc là "AI". CHRISTINE đọc là "I" nhưng CLEMENTINE như tên của bà Winston Churchill thì lại đọc là "AI".
TRÚC GIANG
Thưa chú, cháu còn một câu hỏi nữa. Đó là làm sao dùng SO và SUCH cho đúng?
BBT
SO và SUCH thường được dùng để làm cho ý nghĩa của những tiếng đi sau chúng, thường là tĩnh từ ADJECTIVE mạnh hơn.
Thí dụ IT IS HOT thì không mạnh bằng IT IS SO HOT.
Sau SO chúng ta dùng một ADJECTIVE. QA và Trúc Giang mỗi cô cho nghe 3 thí dụ với SO coi.
QA
THE BOY NEXTDOOR IS SO TALL.
THE STREETS OF SAIGON ARE SO CROWDED AND SO NOISY NOW.
THE BOOK IS SO INTERESTING.
TRÚC GIANG
THE US ECONOMIC PROBLEMS ARE SO SERIOUS.
GAS WAS SO EXPENSIVE LAST MONTH.
THE WEATHER IN NEW YORK IS SO BAD NOW.
BBT
Trong khi đó, sau SUCH, chúng ta phải có một danh từ đi theo thí dụ IT WAS SUCH A BLOODY BATTLE. BATTLE là NOUN. Bỏ BLOODY đi, chúng ta phải dùng SO và ADJECTIVE như IT WAS SO BLOODY.
QA cho nghe 2 câu với SO và SUCH như thí dụ vừa ở trên coi: IT WAS SO BLOODY. IT WAS SUCH A BLOODY BATTLE.
QA
YESTERDAY WAS SO COLD. YESTERDAY WAS SUCH A COLD DAY.
THE CAR WAS SO EXPENSIVE. IT WAS SUCH AN EXPENSIVE CAR.
TRÚC GIANG
THE HOUSING MARKET WAS SO BAD. LAST YEAR WAS SUCH A BAD YEAR FOR HOUSING MARKET.
THE ELECTION WAS SO BORING. IT WAS SUCH A BORING ELECTION.
QA
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây thì xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.