November 29, 2012

November 30, 2012


Ngày 26 tháng 11 năm 2012
Bạn ta,
Tôi dùng eau de cologne Old Spice đến nay đã là gần đúng 50 năm, kể từ khi ông chủ nhà tôi ở trọ hồi đi học ở Tân Tây Lan tặng cho một chai hôm Giáng Sinh năm 1962.
Tôi thích ngay cái mùi của nó. Nó không quá mạnh như mấy mùi khác. Mùi chanh nhẹ của nó rất dễ chịu, nên dùng nó trong dịp nào cũng được. Trong những năm còn đi học, rồi sau đó là khi đi làm, và cho mãi tới bây giờ, gần như bao giờ cũng vẫn là nó.
Old Spice đã thử ít nhất là 3 hay 4 mùi khác, nhưng tôi vẫn chỉ thích cái mùi đầu tiên tôi có, mùi mà ngày nay được ghi trên những cái chai là mùi Classic.
Old Spice cũng thử vài ba kiểu chai. Đã có lúc người ta thử loại chai bằng plastic mầu đỏ, dẹp, tiện bỏ trong những cái túi nhỏ khi đi du lịch cùng với bàn chải đánh răng, lược và dao cạo râu. Nhưng cái chai mầu trắng ngà vẫn ở lại với công ty này cho mãi tới ngày hôm nay.
Trong những năm ở Sài Gòn, tôi vẫn tìm được nó ở một hai tiệm trong Passage Eden nên suốt chiều dài 50 năm, lúc nào tôi cũng có nó trong buồng tắm. Không cần phải cạo râu xong mới dùng nó, mà là bất cứ lúc nào.
Sáng nay ghé một tiệm thuốc, tôi mua một chai Cologne vì chai ở nhà đã gần hết. Vẫn chiếc hộp đỏ nhưng lần này, tôi thấy ở phía sau có mấy hàng chữ khá lớn bằng tiếng Anh và cả bằng tiếng Pháp. Hàng chữ tiếng Anh nguyên văn như thế này: IF YOUR GRANDFATHER HADN’T WORN IT, YOU WOULDN’T EXIST.
Tôi đọc luôn cả câu tiếng Pháp ở dưới coi mình có hiểu lầm không: SI VOTRE GRAND-PÈRE NE L’AVAIT PAS PORTÉ, VOUS N’AURIEZ PAS VU LE JOUR.
Như vậy, tôi hiểu đúng câu tiếng Anh: nếu ông nội/ngoại mày không dùng cologne Old Spice thì đã không có mày, mày đã không được nhìn thấy ánh sáng.
Nhưng như vậy là thế nào? Không dùng Old Spice thì không có cháu nội/ngoại?
Tôi đã có cháu nội cũng như cháu ngoại. Như thế, vai trò ông nội và ông ngoại tôi đều đã có đóng. Các cháu của tôi gồm cả hai … thứ: nội và ngoại.
Vậy thì tôi đã dùng Old Spice (như hàng chữ trên vỏ hộp) vì tôi đã có cháu nội và ngoại.
Nhưng chuyện dùng Old Spice thì mắc mớ gì đến chuyện có chúng nó, lũ cháu nội ngoại?
Tôi nhớ lại thì thấy quả đúng tôi đã dùng Old Spice từ rất lâu. Thời đi học, những năm xa nhà. Rồi về nước làm việc. Bao giờ ra đường cũng có mùi Old Spice. Nhưng tôi vẫn không thấy được liên hệ giữa chuyện dùng Old Spice và sự có mặt của mấy đứa cháu.
Về đến nhà thì tôi chợt hiểu. Khoảng mười mấy năm trước, một một quen biết rất lâu không gặp từ Luân Đôn sang thăm, đã nói là tôi không đổi thay gì, vì vẫn còn nguyên mùi Old Spice, cái mùi trong một chiều mưa trong cái quán nước ở Sài Gòn gần 40 năm trước. Người bạn ấy rất thích mùi Old Spice nên đã kiếm mua cho bằng được một chai.
À, bây giờ thì tôi hiểu. Có thể nói khá chắc chúng tôi suýt nữa đã có một đời sống với nhau sau đó. Chuyến đi Đà Lạt để học của người bạn đã thay đổi tất cả mọi chuyện.
Nhưng lại có một ý nghĩ khác xẹt ngang qua đầu: biết đâu lại có một người rất ghét cái mùi Old Spice đó! Bởi chính vì nó mà tôi mới có những đứa cháu ngày nay.
Người bạn kia thì đã chết ở Luân Đôn hơn 10 năm rồi.

Ngày 27 tháng 11 năm 2012
Bạn ta,
Ông Tú Vị Xuyên là người sinh bất phùng thời. Ông vừa được 3 tuổi thì Pháp đánh Hà Nội, rồi Nam Định. Năm 14 tuổi, triều đình Huế phải cắt đất nhường cho Pháp. Với thất bại của Phan Đình Phùng, Việt Nam không còn một cuộc kháng chiến đáng kể nào khác. Người Pháp thiết đặt tại Việt Nam một bộ máy cai trị qui mô, xã hội Việt Nam bị đảo lộn hoàn toàn. Trần Tế Xương sống ở Nam Định, chứng kiến tất cả mọi nhố nhăng của thời đại, những "trọc phú ti toe bàn thế sự/ đĩ già tấp tểnh nói văn chương", chuyện "đậu lạy quan xin" tạo ra những loại người mới trong xã hội.
Mộ Trần Tế Xương tại Tp Nam Định
Những chuyện như thế đã thấy phản ảnh rất rõ trong thơ văn của ông. Ông hằn học, phẫn nộ trước một xã hội đang suy thoái ở mức cùng cực. Những con người của những giai cấp mới, những me Tây, những thầy thông, thầy ký làm việc cho Pháp, những nhà tu đầy tội lỗi, những thành phần chỉ biết hơi đồng, quan lại chỉ biết "phê ngay một chữ tiền"…Thơ của ông là cáo trạng gay gắt lên án những chuyện trái tai gai mắt mà ông phải chứng kiến.
Trong một bài thơ chúc Tết, sau khi nghe những lời chúc đủ mọi loại người trong thiên hạ, ông cũng đưa ra một lời chúc:
…Vua quan sĩ thứ người trong nước
Sao được cho ra cái giống người.
Bài thơ bầy ra sự chán nản cùng cực của ông về xã hội chung quanh ông, cái xã hội tha hóa mất gần hết nhân tính, những ông ấm, ông cử, ông thứ chồng chung, vợ chạ... Ông đã tỏ ra đặc biệt không khoan nhượng trước những cảnh đời ngao ngán ấy. Ông tuyệt vọng chỉ mong sao những người ấy phục hồi được tư cách để trở lại thành con người.
Trần Tế Xương là người có tâm huyết, có lòng với đất nước (…đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn)…trước những đổi thay nhố nhăng của thời đại. Nhưng ông cũng tìm được một điểm sáng để hướng tới (…em hỏi thăm qua bác vẫn còn…) Song chuyện vợ trói, con cột không cho ông đi theo "mái tóc Giáp Thìn" tìm đường cứu nước…
Trần Tế Xương không muốn những gò bó, ràng buộc nên ông cả đời bất mãn đến chết. Ông ước ao mọi người sao được xứng đáng để được gọi làm người.
Đọc câu "sao được cho ra cái giống người" những người đọc thơ ông không thấy bị lăng mạ vì Trần Tế Xương là người có tâm huyết, có ưu tư về thời thế, có lòng yêu nước tha thiết. Ông quá chán ngán cảnh đời chung quanh, nên chỉ mong sao có được những đổi thay tốt đẹp hơn cho đất nước. Và vì thế, ông mong vua quan sĩ thứ trở lại thành những con người đúng nghĩa. Trần Tế Xương nghiêm khắc nhưng ông có quyền và có tư cách để nói lên điều đó. Ông nhận ông cũng là thành phần mà ông rất chán đó (… dơ dở lại ương ương…) Ông nhận ông có những tật rất xấu (cao lâu thường ăn quịt/ thổ đĩ lại chơi lường) nên thái độ nghiêm khắc đó của ông không có nét ngạo mạn, khinh thường.
Nhưng nếu ông nhận ông là "người" rồi chúc cho những người khác cũng được là người như ông thì lại khác.
Trần Tế Xương không làm như thế. Ông biết ông không đứng ở vị thế trên cao, ngó xuống và dậy dỗ người khác.
Cho nên về nước hát hò thì cứ về. Đừng bao giờ nói rằng những người về nước hát hò mới là người. Ám chỉ những người khác không về nước thì không phải là người.
Trần Tế Xương không ngạo mạn như thế. Ông Tú mà có thái độ như vậy thì chắc chắn những người đương thời như Nguyễn Khuyến sẽ phải hét lên rằng "đồ hỗn!"
Trần Tề Xương chết, Nguyễn Khuyến làm đôi câu đối đầy giọng thương tiếc:
Kìa ai chín suối xương không nát
Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn
Ông Tú nói thì được. Đứa khác thì nhất định là không!

Ngày 28 tháng 11 năm 2012
Bạn ta,
Ðức Ðạt Lai Lạt Ma thật là khổ. Con người lúc nào cũng chỉ coi mình là một nhà sư tầm thường – a simple monk – trong những lần nói chuyện với các tín đồ Phật giáo cũng như với báo chí Tây phương, nhưng lại phải đối phó với không biết bao nhiêu là khó khăn trong đời sống.

Ra đời trong một gia đình nghèo, năm 2 tuổi, ngài được các nhà sư Tây Tạng khám phá ra là hậu thân của Ðạt Lai Lạt Ma thứ 13 và bắt đầu được đưa đi xa gia đình để học tu từ năm lên 6. Năm 1950, lúc mới 16 tuổi, ngài được đưa lên làm lãnh tụ tinh thần cũng như chính trị của Tây Tạng vào lúc Bắc Kinh bắt đầu tạo áp lực mạnh để sáp nhập hẳn Tây Tạng vào lãnh thổ Trung quốc. Năm 1959, ngài bị buộc phải lưu vong sang Ấn Ðộ sau cuộc khởi nghĩa bất thành của người Tây Tạng.

Tại Dharamsala, Hô Ðồ Khắc Ðồ Ðạt Lai Lạt Ma tiếp tục cuộc vận động cho Tây Tạng được tự trị, sống trong tự do và gìn giữ di sản văn hóa, tôn giáo cho người Tây Tạng. Bắc kinh tìm đủ mọi cách để tạo khó khăn cho việc làm của ngài như đốt phá trên sáu chục ngàn tu viện ở Tây Tạng, bỏ tù, tra tấn các tăng ni, đưa người Hán vào lập nghiệp ở Tây Tạng, quyết diệt cho bằng được nền văn minh và văn hoá của người Tây Tạng. Ở Tây Tạng hiện nay, chỉ cần có trong nhà một bức chân dung của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma cũng đủ để bị phạt tù nặng.

Ngoài những thủ đoạn độc ác của Bắc kinh, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma còn phải đối phó với những trò phá hoại khác không ai có thể tưởng tượng ra nổi vẫn đang thường xuyên nhắm vào ngài. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ tuần báo Die Welt am Sonntag phát hành tại Berlin nhân dịp ngài đến diễn thuyết trước một đại hội của thanh niên Công giáo, ngài cho biết trong những chuyến đi đây đó, ngài luôn luôn bị nhiều phụ nữ rượt đuổi và đòi lấy ngài làm chồng (*).

Trời đất, bộ hết trò chơi rồi hay sao mà các phụ nữ này lại gây phiền nhiễu cho một nhà sư hiền lành như thế?

Cây muốn lặng, gió chẳng muốn đừng. Ðức Ðạt Lai Latï Ma, hiện thân thứ 14 của Bodhisatva Avalokiteshvara tức là Ðức Bồ Tát Quán Thế Âm bị ma quỉ nhất định không để cho ngài yên tâm tu hành, lãnh đạo tinh thần cho người dân Tây Tạng lưu vong, tranh đấu cho chủng tộc, văn hoá và văn minh Tây Tạng.

Tại sao bọn ác quỉ tiếp tục phá ngài, một nhà sư hiền lành và đạo hạnh như thế? Ngài làm gì để tạo sự chú ý của bọn ma quỉ? Ngoài chuyện tu hành, thuyết giảng Phật giáo cho các tín đồ khắp thế giới, ông sư hiền lành này chỉ thích sửa đồng hồ và radio để giải trí mà cũng không được để cho yên thân.

Thật là quá sức.

Nhưng chuyện Ðức Ðạt Lai Lạt Ma tiết lộ cho tờ tuần báo Ðức thực ra cũng có một điều đáng để cho người trần mắt tục suy ngẫm.

Ðó là ngay cả người đàn ông đạo hạnh, đời sống sáng như gương, được khắp thế giới, không cần phải là tín đồ Phật giáo cũng phải yêu quí và mến phục, sống giản dị hiền lành như vậy mà vẫn bị bọn ma quỉ phá phách toan làm hỏng nghiệp tu hành, huống chi là những người đàn ông khỏe mạnh và rất bình thường khác.

Những người đàn ông này nếu có không may bị ma đưa lối, quỉ đưa đường đi lệch ra ngoài con đường chính, thì cũng chỉ là chuyện thế gian quá thường tình mà thôi chứ có gì đáng để nói đâu. Ngay chính Ðức Ðạt Lai Lạt Ma còn bị nữa là các chàng.

Mà chống lại những ma quỉ đó, thì chỉ có Ðức Hoạt Phật, Ðức Phật sống Ðạt Lai Lạt Ma, giải Nobel Hòa Bình năm 1989 mới cưỡng lại được chứ những người đàn ông bình thường khác, lại không có giải Nobel Hoà Bình bao giờ, thì làm sao chống lại được bọn ma quỉ quá nhiều như vẫn thấy ngoài đời.

(*) Dalai Lama says he has received many marriage proposals over the years .  
Ngày 29 tháng 11 năm 2012
Bạn ta,
Câu "Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò" thực ra không mang ý nghĩa chê trách hay hạ thấp giá trị của những người học trò, mà trái lại, là một nhận định có phần ưu ái và yêu quí về tuổi trẻ ở trường học.
Ở hạng thứ ba, học trò được coi là thành phần ranh mãnh, tinh quái chỉ thua có quỉ và ma. Trong những năm học tiểu học và trung học chắc chúng ta ai cũng đã thấy được điều đó. Những trò trêu chọc bạn bè, phá thầy giáo trong lớp, đùa nghịch ngoài sân trường kể không biết bao giờ mới hết. Có thể nói người học trò nào cũng có hàng chục câu chuyện như thế. Nhưng đó lại là nhưng câu chuyện vui nhất, đáng nhớ nhất trong những năm còn là học trò:
… lúc mười lăm mười bẩy
Làm học trò mắt sáng với môi tươi
Ta bước lên chân vẫn dạo bên người
Ngoài cặp sách, trần ai coi cũng nhẹ…
…Ôi khoái lạc của những giờ trốn học
Những bình minh xuân đẹp, những chiều thu
Bao cảnh nước mây đằm thắm hẹn hò
Khi biếng gặp nhớ nhung pha mầu áo…
Trò ghê gớm nhất của chúng tôi hồi đi học là trò trốn học như đoạn thơ trên của Đinh Hùng. Là học trò mà không có một lần "cúp cua" thì kể như là học trò … ngoan. Trai thế hệ (?) phải biết trốn học. Ở trường, thoắt một cái là chúng tôi đã nhẩy qua cửa sổ chạy bay xuống cái salon littéraire tức là cái quán nước của ông tùy phái (trường Chu Văn An) ngồi tán dóc, hay nếu có tiền thì rủ nhau lên cà phê Mai Hương ngồi nghe mấy bản nhạc của Dalida, Nat King Cole, Doris Day…
Chuyện lạng xe trước mấy trường nữ trung học thì cũng có nhưng không thể hào hứng bằng ngồi ở bến tầu để thấy như Thanh Tâm Tuyền:
Vứt mẩu thuốc cuối cùng xuống dòng sông
Mà lòng mình phơi trên kè đá
Trời không xanh, không tím, không hồng
Những ống khói tầu mệt lả
Chúng tôi còn nhát lắm. Hồi ấy, thấy các cô Gia Long hay Trưng Vương thì chúng tôi sợ hết vía. Mấy tên làm báo xuân được đặc cách cho vào hai trường bạn để bán báo cậu nào cũng mặt đỏ tía tai, nói không nên lời. Về đến trường mới quay ra nói phét nào em này dòm, em kia dòm, lai còn mấy em chặn xin chữ ký nữa khiến mấy anh cù lần không được đi bán báo tiếc hùi hụi.
So với học sinh Hà Nội bây giờ thì đúng là một trời một vực.
Cách đây không lâu, báo Giáo Dục Việt Nam số đề hôm thứ Năm, ngày 6 tháng 9 có tường thuật về một tấm bảng nội qui dựng ngay ở trong sân một trường trung học thuộc quận Hai Bà Trưng Hà Nội với một số điều cấm các học sinh không được làm. Đại khái trường cấm các học sinh đá bóng trong sân trường, cấm cãi nhau gây mất trật tự, cấm chơi bài bằng tiền, cấm ăn quà, vứt rác… Những điều bị cấm đó thì cũng không khác gì những điều mà chúng tôi cũng đã từng bị cấm. Nhưng tấm bảng ghi những điều cấm các học sinh còn có thêm một điều nữa mà học qui hồi ấy của trường chúng tôi không có ghi. Giản dị là vì chúng tôi không bao giờ làm việc đó. Ngay chuyện nghĩ tới những việc đó, chúng tôi cũng không có ở trong đầu. Điều cấm thứ 3 được viết rõ trong tấm bảng trong sân trường có một khúc nói rõ là cấm học sinh nam nữ ôm hôn nhau. Như vậy trường học này có cả học sinh nam và nữ, niềm mơ ước thầm kín và lộ liễu nhất của chúng tôi hồi còn đi học không bao giờ có. Bây giờ trường học có cả nam và nữ sinh, và các học sinh chắc chắn đã phải làm công việc hôn hít nhau nhiều lần lắm nên nhà trường mới phải ghi trong tấm bảng cấm ở trường. Chao ôi, sao đi học ngày nay lại có thể vui đến là như thế! Ngày xưa, tuổi 13, 15 của chúng tôi thì biết gì. Đến 17, 18, hai năm cuối của trung học chúng tôi cũng vẫn còn ngoan lắm. Đến cầm tay nhau mà còn sợ … dính bầu nữa, nói chi đến hôn nhau.
Đọc tiếp điều cấm số 3, người ta mới biết thêm là hôn nhau như vậy cũng còn hiền chán. Phần tiếp của điều cấm thứ 3 là "cấm tụt quần trong sân".
À cái này thì không hiền nữa. Ngày xưa chúng tôi đâu có làm thế bao giờ. Nhưng bây giờ thì các học sinh làm việc tụt quần nhau nhiều và lộ liễu đến độ phải nghiêm cấm và ghi rõ trên bảng dựng trong sân trường.
Lý do gì đã khiến cho những chuyện như vậy xảy ra ở các sân trường ngày nay mà ngày xưa không ai có thể quan niệm nổi?
Đọc số mới nhất của tờ báo Giáo Dục Việt Nam, tờ báo của hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam, người ta thấy sau đây là những tin được đọc nhiều nhất:
-Thêm một chân dài Việt bỏ chồng sau 18 ngày kết hôn.
-Hồng Quế được che chắn kín đáo và đàng hoàng.
-Jennifer Phạm : Đám cưới sẽ được chăm chút cẩn thận và tinh tế.
-Angela Phương Trinh đi bơi lúc nửa đêm.
-Lộ nhiều hình ảnh nóng bỏng của Ngọc Trinh.
-Lộn trái chiếc váy trong suốt của Hồng Quế.
-Mỹ nhân game nóng bỏng nhất Việt Nam: Thủy Top, Tâm Tít…
Báo giáo dục mà đăng những thứ tin như vậy mà lại được đọc nhiều nhất thì nền giáo dục mới sản sinh ra cái thứ học trò như vậy chăng?

Ngày 30 tháng 11 năm 2012
Bạn ta,
Tôi tưởng người đàn ông ấy đã về nước trong vinh quang sau khi gây sự với người Việt Nam tị nạn Cộng sản ở California qua việc ông ta treo lá cờ đỏ và chân dung Hồ Chí Minh tại tiệm sang băng nhạc của ông ta trên đường Bolsa hồi năm 1999 rồi chứ.
Biểu tình chống Trần Trường. (Hình: Lý Kiến Trúc)
Nhưng hình như không phải vậy. Ông ta bị Cộng sản lừa cho một vố nặng mất sạch vốn liếng, tài sản bị cưỡng đoạt, bao nhiêu tiền bạc mang về từ Mỹ bị lừa lây hết, vợ con phải trở về Mỹ, cái xứ mà gia đình ông ta đã từ bỏ để về Việt Nam, tin là có thể giúp xây dựng cái quốc gia của bọn trộm cướp đó.
Tôi nhớ trên tờ Newsweek có một bài viết về ông ta khi diễn ra những cuộc biểu tình kéo dài suốt 55 ngày để chống lại việc ông ta treo cờ đỏ và hình Hồ Chí Minh. Ông ta lập đi lập lại câu "I have no choice", câu ông học được ở Mỹ để biện minh cho việc ông treo những thứ gây phẫn nộ cho người Việt tị nạn Cộng sản. Ông nói rằng ông không có một lựa chọn nào khác ngoài việc treo lá cờ và bức hình Hồ Chí Minh tại cửa tiệm của ông. Ông cũng nói với báo Mỹ rằng nước Mỹ là nước tự do, ông muốn làm gì cũng được.
Thì đúng là như vậy. Nhưng tự do ở nước Mỹ không có nghĩa là ông chửi bố, chửi mẹ ông, lăng mạ tất cả những người liều chết bỏ chạy cái cờ và cái hình anh già, những thứ ôn hoàng dịch lệ ấy. Ông nói là ông tự do muốn làm gì cũng được thì ông cứ thử cầm cái cờ swastika của Quốc Xã đi vào khu phố của người Do Thái ở New York coi ông sống được mấy phút.
Còn chuyện ông nói ông có một cái "choice" nào khác ư? Có chứ. Thích cái cờ đỏ ấy, thích cái chân dung ấy thì ông có lựa chọn là về Việt Nam mà thích. Rốt cuộc, ông lại thấy ông "have no choice" ngoại trừ về Việt Nam sống.
Ông than thở tại một buổi gặp gỡ ở San Jose mới đây rằng ông bị lừa, bị cướp hết tiền bạc. Ông phải về Mỹ, trước hết là xin lỗi cộng đồng, và sau đó, xin được giúp đỡ về tài chính để ông về Việt Nam đòi lại tài sản.
Ông tưởng người Việt hải ngoại sẽ bênh vực ông như bênh vực gia đình ông Đoàn Văn Vươn và những gia đình bị cướp đất khác đang kéo nhau ra Hà Nội khiếu kiện.
Cuộc tiếp xúc của ông với một số người ở San Jose đã diễn ra từ vài tuần nay. Chưa thấy ông xuống Little Saigon để vận động xin tiền.
Nhưng nếu ông xuống đây và gặp lại những người người biểu tình chống ông hồi mười mấy năm trước và hỏi xin tiền thì tôi đã biết chắc những người Việt này sẽ trả lời ông như thế nào rồi.
Chắc phải là một cái lắc đầu, rồi một cái nhún vai và một câu tiếng Anh mà ông hiểu ngay, và hiểu rất rõ: "I have no choice!"
Tưởng tượng ông về mua đất làm ăn, thành công trở thành đại gia, ông có quay trở lại Mỹ không? Chắc có, nhưng chắc ông sẽ về bằng limousine chạy lòng vòng cho người Mít tị nạn ở California tức chơi.
Có vậy thì mới nên về. Chứ về như ông thì về làm gì? Ai cũng chỉ chờ đọc cái cáo phó có tên của ông mà thôi ông à!
Tôi thấy tôi cũng "have no choice!" nên phải có vài lời nói với ông hôm nay vậy.
Đáng đời ông "that serves you well."