December 6, 2012

December 7, 2012

Ngày 3 tháng 12 năm 2012
Bạn ta,
Hôm qua đọc một bản tin trên tờ Dân Trí điện tử, tôi đã giải quyết xong một chuyện rất đau đầu của tôi, đó là quà cáp cho mấy đứa cháu vào dịp Giáng Sinh và cuối năm.
Tôi quả thực không biết mua gì cho chúng. Tôi nghĩ là chúng đã có tất cả mọi thứ mà chúng muốn có. Trong khi tôi thì lại rất dở chuyện mua quà cáp. Không biết chúng muốn cái gì. Lỡ mua phải những thứ chúng đã có thì làm sao.
Tờ Dân Trí cách đây mấy hôm có đăng một bài viết về một em bé gái 11 tuổi tên là Trần thị Tân sống ở xóm 4, xã Quỳnh Trang, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An với bà nội và một đứa em trong một căn nhà đổ nát, mái có thể sập bất cứ lúc nào.
Hoàn cảnh của bé Tân không thể có một hoàn cảnh nào bi thảm và nghiệt ngã hơn.
Cha Tân mất tích trong một chuyến đi biển cách đây mấy năm. Năm ngoái, mẹ của Tân chết vì ung thư nên Tân và Thịnh, em trai Tân không còn cả cha lẫn mẹ. Bà nội của Tân và Thịnh sức khỏe cũng suy nhược nặng, có thể sắp chết. Em trai của Tân là Thịnh 9 tuổi thì bị bại não nằm liệt giường không thể đi đứng tự lo lấy mọi chuyện cho mình.
Mọi việc đổ vào đầu đứa bé gái 11 tuổi. Mỗi ngày sau khi tan học thì lại phải đi cắt cỏ thuê lấy tiền nuôi bà và em. Mãi tối mịt Tân mới về nhà lo cơm nước cho bà và em, rồi đến khuya mới có thì giờ học bài và làm bài. Vậy mà nó vẫn học rất giỏi, chữ viết đẹp như trong bức thư nó viết. Thư mở đầu bằng mấy câu nói về gia cảnh: nhà sắp sụp, bà nội sắp chết. Tân đang định bỏ học. Năm ngoái, bà nội hai đứa còn đi làm được nhưng nay sức khỏe suy sụp nên mọi chuyện đều đè lên vai của Tân. Nó mong nuôi được bà và em, và mong được đi học. Nhưng mới đây, vì làm việc quá độ, Tân phải vào bệnh viện, cơ thể suy nhược toàn diện.
Bà Hương, cháu Tân cùng cháu Thịnh bị bệnh bãi não từ nhỏ.
Bà Hương, cháu Tân cùng cháu Thịnh bị bệnh bãi não từ nhỏ.
Bức thư cháu Tân gửi tới ông Phạm Huy Hoàn - TBT báo điện tử Dân trí.
Bức thư cháu Tân
Tôi không thể tưởng tượng cái thân thể còm cõi ấy lại là chỗ dựa cho một người già và một đứa em bại liệt.
Đọc xong bài báo viết về đứa bé gái 11 tuổi này, tôi quyết định dùng một nửa số tiền cho các cháu để mua quà Giáng Sinh để cứu bé Tân. Và tôi đã giải thích với mấy đứa cháu về việc làm đó đó. Các cháu tôi đều đã vui vẻ với quyết định của tôi. Tôi cũng vui vì đã cất đi được một gánh nặng quà cáp (?) đã đè nặng trên vai từ mấy tuần nay.
My Dear Grandkids:
You may have noticed the checks I sent you this year for Christmas are a bit smaller than the ones you received last year.
But I have done something on your behalf that I am sure you will like it. I have reserved and secured seats for all of you on Santa’s sleigh and you will be flying with him on Christmas’ eve to hand deliver your presents to a little girl in Vietnam not much older than yourselves.
I read about her in the internet and believed she deserves your help.
Tran thi Tan is an 11 year old living with her grandma and brother in a little shed with the roof carving in any time. She lost her father several years ago. Her mother died of cancer last year. Her Grandma too is soon dying of cancer. Her brother is bed ridden and is utterly helpless, living like a vegetable. Tan has to work twelve hours a day to earn little money barely enough to feed her Grandma and brother. She goes home to hit the book till late every night only to have to rise early to cook for the family and then to rush off to school. Recently, she was hospitalized for exhaustion and is now back at home, working and catching up with her class.
I think we have to help her. So I have, on your behalf, sent her half of your Christmas gifts to help repairing the house and buying some much needed food for the three of them.
So that is why you will only get $250 this year for Christmas.
I know you are happy with what I do on your behalf for you have been taught by your good parents to be generous and kind to people like Tan. And I know that you all agree that she must to be helped.
So I wish you a very merry Christmas and I am sure you will be enormously glad your little gifts will bring a lot of joy to this poor young girl. Start practicing laughing "Ho!Ho!Ho!" for the wonderful trip helping Santa taking his and your presents to little Tan this coming Christmas eve. I am pretty sure this will be your best Christmas ever.
I love you all and may God bless you and your parents.
Your Grandpa
Nhưng vui hơn hết là đứa bé 11 tuổi ấy sẽ có được mấy ngày vui cuối năm. Và nó có thể tin là câu chuyện cổ tích mẹ nó kể cho nó nghe mấy năm trước là có thật. Nó đang ngồi khóc thì có những người hiện ra hỏi nó làm sao nó khóc.
Đó là những người đến tận chỗ tôi làm việc, để gửi người 50, người 100, người 200, người 300 và cả người 500, 1000 đô la cùng với món quà khiêm tốn của mấy đứa cháu nội ngoại của tôi để an ủi gửi cho con bé Tân vậy. Số tiền tôi nhận được là trên 6 ngàn đô la.
Còn chuyện bạn rủ đi chương trình ca nhạc giúp một ca sĩ đang đau nặng từ Việt Nam trở về Mỹ, tôi không đi vì chuyện giúp người ca sĩ này đã có những nhà hảo tâm khác làm rồi. Hơn nữa, người ca sĩ này cũng đã được sống những ngày rất vui và sung sướng trong thời gian ông bỏ nước Mỹ về hát ở Việt Nam.
Con bé Tân thì chưa bao giờ mà cũng chẳng được một ca sĩ nào giúp nó cả.

Ngày 4 tháng 12 năm 2012
Bạn ta,
Ðọc bức thư của ngưòi đàn ông ở Anaheim viết hỏi ý Dear Abby, tôi nghĩ có lẽ trên thế giới này, không thể có được một ngưòi đàn ông nào đáng thương hơn là ông.
Ông cho biết ông 33 tuổi, lập gia đình từ 10 năm nay, có hai con 8 và 9 tuổi. Ông có công việc tốt nên vợ có thể ở nhà nuôi con, không cần phải đi làm. Như vậy ông là một người đàn ông giỏi, một người chồng lương hảo và một người cha tốt chu toàn trách nhiệm với con cái.
Nhưng ông than với Dear Abby rằng ông đã biến thành người vô hình từ mấy năm nay.
Vợ con ông hoàn toàn quên là ông có trên đời sống này. Chỉ khi nào cần lắm, họ mới “nhìn” thấy ông. Ðó là những cuối tuần khi cần ông đưa đi shop, cần tiền mua cái này, cái nọ, làm cho họ việc nọ, việc kia. Còn ngoài những lúc ấy, ông là người tàng hình. Sáng ông đi làm không một lời chào, tối ông về không một lời thăm hỏi hệt như cảnh đi về của ông Mai Thảo sớm ra đi sớm hoa không biết/ đêm trở về đêm cành không hay / vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu / nơi góc tường in cái bóng gầy
Ông cũng không được một câu chúc sinh nhật, không được một món quà nhỏ trong ngày Father’s Day. Tóm lại, sự có mặt của ông hoàn toàn bị coi là không có trong nhà trong khi ông vẫn làm đầy đủ trách nhiệm với vợ con. Ông hỏi ông có nên xách va ly bước ra khỏi cửa không.
Dear Abby khuyên ông nên đi gặp các chuyên gia về tâm lý, vì theo Abby, có thể ông đang bị chứng ưu uất, depression, một tâm bệnh cần phải chữa trị.
Ô hay, người đàn ông này bệnh hoạn ở chỗ nào? Ông ta đi làm, lo công việc, trách nhiệm của mình, về nhà thì bị coi như tờ giấy bóng kính trong suốt, không hề được một câu nói, một câu chào, một câu thăm hỏi của vợ con, chỉ muốn than thở một chút với Abby, và vừa hé lộ ý định cầm lên hai món võ khí cuối cùng là cái va ly và cái mũ để đi ra cửa thì bị coi là tâm thần bệnh hoạn, phải đi bệnh viện tâm trí.
Ðồng ý là trường hợp của ông có quá đáng. Trên thế giới cũng có rất nhiều người vô hình như ông ở những mức độ nặng nhẹ khác nhau. Nhưng chuyện họ biến thành vô hình hoàn toàn không do chính họ gây ra. Thế thì tại sao lại nói là họ bị tâm lý bất thường và khuyên họ đi bệnh viện?
Abby lại sai lầm thêm lần nữa.
Chuyện của ông có hai cách giải quyết.
Ông nên làm va ly và ra khỏi căn nhà đó thật nhanh. Ông đang ở Anaheim, thị trấn có trung tâm giải trí Disneyland. Ông nên tới đó xin việc làm. Ông có thể xin đóng vai Người Tàng Hình để chống lại Người Dơi, Người Nhện, Người Ruồi... Nếu công ty Disney từ chối, nói rằng ông vẫn lù lù ra đấy trước mặt mọi người, có vô hình khúc nào đâu mà xin đóng vai Người Tàng Hình, ông sẽ lấy lại được tự tin, yên tâm về nhà sống vui, sống mạnh, sống tàng hình bất tận, lên truyền thanh, truyền hình talk show lia chia, vui chán.
Rồi ông có thể liên lạc với bộ quốc phòng, đề nghị giúp bộ thành lập một đạo quân tàng hình.
Không quân đã có oanh tạc cơ B-2 và chiến đấu cơ F-117 Stealth có khả năng không bị radar nhìn thấy thì tại sao lại không có một đạo quân tàng hình toàn những người như ông?
Cách thứ hai là cứ im lặng vui hưởng đời sống ông đang sống, đời sống mà bao nhiêu triệu đàn ông trên thế giới đang ước mơ thầm kín để có.
Ðó là đời sống được cho để yên, muốn đọc cuốn sách, chơi cái ô chữ, lắp cái tầu bay nhỏ, nghe bản nhạc, ngồi thừ người ngó ra vườn khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên với ly cà phê trong căn phòng nhỏ bừa bãi sách vở mà không có cấp chỉ huy (?) bám sát đít bảo làm cái này, bảo làm cái kia, hạch chuyện nọ, bắt báo cáo đủ thứ hầm bà lằng tạp vật.
Hãy vui với điều ông có. Bởi vì nếu hoàn cảnh hiện nay được cho đảo ngược lại thì ông chỉ có chết mà thôi.

Ngày 5 tháng 12 năm 2012
Bạn ta,
Trong những năm còn bé, tôi thỉnh thoảng được nghe nói về cái giường Hồng Kông nhưng hoàn toàn không biết nó như thế nào. Tôi nghĩ chắc nó phải sang lắm, hấp dẫn lắm. Ngày ấy cái gì của Hồng Kông cũng đẹp, cũng sang. Giường Hồng Kông thì phải là giường lò so, phải êm, phải nhún ghê lắm, khác hẳn cái giường có lạt, trải chiếu đau lưng mà tôi vẫn nằm. Hồng Không thì phải đẹp, phải tốt nhất.
Hồng Kông là nơi hồi ấy Ðức Quốc Trưởng thỉnh thoảng ghé lại, xà phòng thơm của Hồng Kông thì thơm phức, đẹp như Lâm Ðại của Hồng Kông là số một.
Về sau, đôi ba lần ghé Hồng Kông nhưng lại chỉ biết những cái giường của khách sạn Sheraton, Holiday Inn, luôn cả những cái giường trong mấy khách sạn ở đường Cameron thì cũng không có gì ghê gớm lắm.
Bây giờ thì tôi lại biết thêm một điều nữa về những cái giường Hồng Kông. Ðó là trên những cái giường ấy chẳng có gì đáng nói cả. Không biết tại sao hồi ấy giường Hồng Kông được ca ngợi nhiều đến thế.
Theo hội kế hoạch hóa gia đình (Family Planning Association) của chính phủ Hồng Kông thì những người nằm trên những cái giường ấy cũng lại còn thiếu hiểu biết dễ sợ.
Hội mới đây có hợp tác với công ty Durex, công ty chế tạo áo mưa để mặc cả trong những lúc trời không mưa (...trời không mưa, anh vẫn mặc áo mưa...) thực hiện một cuộc thăm dò về đời sống ở trên những chiếc giường Hồng Kông.
Và kết quả cuộc thăm dò cho thấy Hồng Kông là một vùng đất kỳ lạ với những người dân hết sức khó hiểu.
Kết quả cuộc thăm dò được đăng trên tờ Vãn Báo và tờ Sunday Morning Post. Và một trong những khám phá của cuộc thăm dò này là một số cặp vợ chồng Hồng Kông nằm trên những chiếc giường ấy hoàn toàn không biết những bộ phận của họ nằm ở đâu (...they don't know where their sex organs are...*).
Dĩ nhiên các bộ phận ấy không hề rời thân thể của họ đi đâu cả. Chúng vẫn ở những nơi thưọng đế an bài. Chỉ có chủ của chúng không biết vị trí cuả chúng mà thôi.
Bản tin của AFP thuật lại lời của một đại diện của hội kế hoạch hóa gia đình, một phụ nữ tên là Grace Wong, theo đó, ngoài chuyện không biết chúng nằm đâu, những cặp này không biết khả năng, hoạt động và nhiệm vụ của chúng nữa.
Tưởng tượng những cặp này, tối nào cũng đèn đóm sáng choang, lục xục đi tìm kiếm vài ba món của nhau thì làm sao sống?
Cứ hét toáng lên "Ðâu rồi... Phải đây không... Không à? Trên một chút phải không? Vẫn không à? Sao kỳ vậy? Xuống dưới rồi mà? Này nhé, sang bên phải đây rồi... Thế bây giờ quẹo trái nghe...Vẫn không trúng à? Sách nói là ở đây mà? Vẫn chưa phải ư? Thôi mệt quá rồi. Tại sao người ta (?) nói nó ở đó? Trời ơi là trời, sao mà khổ thế này? Phải đây không? Nhưng mà nó là cái gì? Nó làm những gì? Sao nó vẫn dùng để... Không à? Tại sao lại dùng nó vào chuyện đó? Hay sách nói lầm rồi? Thôi, ngủ cho rồi, sáng mai còn đi làm. Bữa khác rảnh rỗi kiếm sau vậy..."
Thật là thảm hại cuộc đời. Thế mà ai cũng hết lời ca ngợi những cái giường Hồng Kông.
Trên cái giường Hồng Kông mà như thế thì có gì hay mà suốt bao nhiêu năm thơ ấu tôi chỉ nghe toàn những điều tốt đẹp về nó.
Nếu nó nhu thế thì phải xếp nó trên hay dưới chuồng heo? Nó có ở dưới cái giưòng (?) chèo queo không?
Còn giường Lèo, chắc gì đã sướng? Vì Lèo làm sao bằng Hồng Kông "tiên tiến" được?
Hay chèo queo là thứ giường tốt nhất ở đây? Cứ nằm cái giường (?) chèo queo ngó cái trần nhà yêu quí là hơn đứt mấy cái giường ấm ớ lại hay mè nheo kia chăng?
Cái trần nhà không bao giờ cãi lại hết. Mà mấy thứ trên cái trần nhà thì đã biết hết vị trí của chúng rồi. Từ cái hộp báo động hỏa hoạn đến 4 cái đèn gắn lẩn trong trần. Khả năng và bổn phận của tất cả mấy thứ ấy đều đã biết. Chứ đâu có như những cặp nằm giường Hồng Kông, chẳng biết cái gì hết trơn.
(*) Hong Kongers Don't Know What To Do Between The Sheets: Report / AFP

Ngày 6 tháng 12 năm 2012
Bạn ta,
Những lần nói chuyện về cách xưng hô của người Việt, nhiều người trong chúng ta thường hay dẫn một đoạn đối thoại rất ỡm ờ của một cặp vợ chồng trẻ vừa về ở nhau, còn chưa quen với những xưng hô mới.
Người vợ nấu cơm xong, ra đồng gọi chồng: "Ai ơi về ăn cơm." Người chồng muốn đùa với vợ nên hỏi lại:"Cơm ai thổi?" Người vợ trẻ đáp: "Ai thổi chứ còn ai?"
Trong đoạn đối thoại đó, "ai" vừa là anh, vừa là em, vừa là người nào. Nhưng ít nhất, những câu đối đáp đều có đủ chủ từ, túc từ. Bẽn lẽn, ỡm ờ thì có, nhưng vô lễ thì không.
Không chủ từ, không túc từ là lối nói trống không, một lối ăn nói đáng ghét vô cùng. Vừa không văn phạm, vừa vô lễ.
Hồi còn đi học tiểu học, tôi ngồi cạnh một người bạn có cái tật nói trống không đó. Thỉnh thoảng người bạn này lại bị một người ngồi cạnh chỉnh cho một trận, đại khái là nói với cái bàn hay cái ghế... nói với ai thì nói rõ ra coi.
Lối ăn nói của hai vợ chồng trẻ, nghĩ lại, lại là một lối nói duyên dáng, trong đó có cái e lệ, ỡm ờ, dí dỏm. Lối ăn nói của ngưòi bạn nhỏ ỏ tiểu học là thói quen của chàng, một thói quen không hay mấy.
Mới đây, tôi gặp phải một lối nói trống không hết sức kỳ lạ của một phụ nữ chắc chắn không còn là một cậu bé, cô bé, mà cũng không phải là cách nói ỡm ờ của cặp vợ chồng trẻ nọ.
Tôi hiện làm cho một đài truyền hình ở Los Angeles, thỉnh thoảng cũng phải chiềng mặt ra đọc tin. Hôm cách đây khoảng ba tuần, vừa đọc xong bản tin, tôi về bàn làm việc thì chuông điện thoại reo. Nhấc máy lên, tôi nghe một giọng phụ nữ nói nguyên văn như thế này: "Hỗi nẫy nghe nói về một chương trình giúp đỡ người cao niên nhưng không nghe kịp số điện thoại... có thể cho được không?"
Tôi nghe mà sững sờ. Tôi vừa xuất hiện trên màn ảnh truyền hình. Tôi không nói qua một chương trình phát thanh để người gọi điện thoại không nhìn thấy mặt để phân vân không biết xưng hô sao cho đúng. Tôi là một người đàn ông với chủ trương nhất định không nhuộm tóc từ nhiều năm nay. Tuổi tác đã được phơi bầy rất rõ ở chi tiết mái tóc muối nhiều hơn tiêu đó. Việc xưng hô như thế, tưởng như đã dễ dàng cho mọi người. Lại nữa, trong những câu chào hỏi ở đầu và cuối chương trình, tôi luôn luôn thưa gửi cẩn thận, gọi khán thính giả là "quý vị", cho dù trong thành phần khán thính giả có thể có những người ít tuổi hơn tôi.
Bị hỏi trong điện thoại một câu không chủ từ, không túc từ, tôi rất kinh ngạc. Nếu người gọi điện thoại không thấy tôi trên màn ảnh truyền hình thì tôi có thể hiểu được. Nhưng bà vừa thấy tôi, một người đàn ông đã được hưởng giá vé của các công dân cao niên khi đi xi nê, tóc tai đã nhiều sợi bạc hơn những sợi đen và bà vẫn quyết định nói với tôi bằng lối nói trống không như thế thì bà hơi quá đáng.
Tôi vẫn thưa gửi tử tế, và câu kế tiếp của bà cũng vẫn trống không như câu đầu.
Tôi chán vô cùng. Tôi đã làm gì để bị đối xử như thế? Tôi "kính thưa quí vị khán thính giả" trong suốt chương trình chiều hôm đó cũng như các chiều hôm khác, không một lần thất lễ, bất kính với khán thính giả để vẫn bị đối xử như thế đấy.
Tôi là một người đã lớn tuổi. Bà khán giả gọi đến chắc cũng là một người lớn. Nếu bà hỏi cho bà, thì bà cũng phải biết cách xưng hô với một ngưòi đồng trang lứa. Nếu bà hỏi hộ cho một người khác, không cho bà, thì bà cũng phải tỏ ra lễ độ tối thiểu khi tôi nhấc điện thoại lên và lời nói đầu tiên của tôi là "Chào bà..."
Tôi nghe bà nói mà chán cho tôi. Chán cho bà. Tại sao bà, một phụ nữ nói iếng Việt còn rõ và sõi, chứng tỏ bà không phải là người đã sống xa Việt Nam và ngôn ngữ Việt quá lâu, lại có lối ăn nói như vậy? Tôi đã làm gì bà để bị ăn nói với tôi như thế? Bà là người thế nào, trình độ ra sao, gốc gác thế nào mà lại ăn nói như vậy...
Rodney Dangerfield, một kịch sĩ hài hước Mỹ, trong suốt một đời hoạt động, chỉ khai thác có một câu: "I got no respect!" nghĩa là tôi không được bất cứ một sự nể trọng nào trong những lúc kết câu chuyện cười ông kể để lập nên sự nghiệp của ông.
Tôi không có chi tiết bà hỏi, nên lễ độ nói với bà gọi lại vào ngày hôm sau.
Hôm sau, tôi gác điện thoại ra ngoài, để chuông không reo.
Và để tôi khỏi phải trả lời một người tôi không biết phải mô tả như thế nào. Không trả lời chỉ là để khỏi thấy bực mình và chán cho cung cách hành xử, ăn nói của một người nói tiếng Việt như vậy.

Ngày 7 tháng 12 năm 2012
Bạn ta,
Lại vừa có thêm một lý do nữa để những người phụ nữ chán chồng lôi người đàn ông ra tòa xin chấm dứt đời sống hôn nhân.
Từ nay, những người chồng sẽ không bao giờ có thể tin khi nghe người vợ nói rằng anh muốn làm gì tôi cũng chịu được, anh chỉ đừng đi theo mấy con đĩ ngựa thì anh có thế nào tôi vẫn tha hết, chỉ có đi với mấy con ngựa là không được.
Một người đàn ông Iran vừa cho thấy câu hứa hẹn, lời cam kết đó là hoàn toàn vô giá trị. Ông không héo lánh tới trường đua ở Tehran để bị đổ cho tội mê ngựa. Ông không cờ bạc, rượu chè. Trong nhà treo cả hình Shah Palavi lẫn Ayatollah Khomeini nên không thể đổ cho tội bất đồng chính kiến để bị lôi ra tòa xin xé cái hôn thú.
Luật Iran chỉ cho phép phụ nữ li dị chồng nếu người chồng bỏ bê người vợ về mặt tài chính và chăn gối, và nếu người chồng nghiện ngập ma túy hay ngược đãi người vợ về mặt thể xác.
Người đàn ông trong bản tin của Reuters không phạm những tội khủng khiếp như thế.
Ông chỉ không thích tắm. Ông không thích nước và theo người vợ, Mina, 36 tuổi thì sáng dậy ông cũng không rửa mặt nữa.
Chuyện không tắm của ông kéo dài đã hơn một năm nay.
Chỉ vì thế mà ông bị đưa ra tòa xin li dị.
Rất mong luật Hồi giáo (shariah) mà các ayatollah ở Tehran, ở Qum diễn dịch tại tòa sẽ không để cho người đàn ông tội nghiệp này bị vợ li dị một cách oan uổng như thế.
Chuyện không tắm không thể là một cái tội để đưa ra tòa li dị.
Phải tìm hiểu tại sao ông ta không tắm để giải quyết vấn đề. Mina, người vợ, cho biết hơn một năm trước, người chồng ở rất sạch sẽ. Sạch sẽ một cách bất bình thường là khác. Ông tắm một ngày ba lần và cứ vài phút lại rửa tay một lần. Như vậy là chàng cũng từng có thời hay tắm lắm đấy chứ. Thế thì tại sao đang là một người sạch sẽ tại sao lại biến thành một người hơn một năm không bước vào cái bồn tắm?
Không thể có chuyện một buổi sáng chàng thức dậy và quyết định không tắm rửa gì nữa. Phải có một lý do.
Thí dụ Mina, người vợ, có bao giờ thấy người chồng sạch sẽ của mình bước từ buồng tắm ra thì hất hàm hỏi: “Anh đi đâu mà sạch sẽ thế này … ngày hôm nay anh tắm mấy lần rồi? Anh định đi ra ngoài à? Anh đi gặp ai? Tại sao lại Eau Sauvage thơm phức thế này? Anh đi gặp đứa nào, anh nói tôi nghe? Người ta tắm táp thì cũng mỗi ngày một lần đã là nhiều trong cái xứ nhiều sa mạc này mà sao anh phải tắm ba ngày một lần? Tôi thấy trước khi anh đi, anh tắm cả nửa tiếng. Tắm kỹ như thế để cho nó hưởng, hay để nó khỏi thấy mùi shishkebab tôi nướng cho anh ăn ở nhà, hay để khỏi thấy cái mùi hôi nách của tôi? Anh về nhà là anh cũng nhẩy vào buồng tắm ngay, để cho sạch mùi nước hoa của nó? Nó là con đĩ ngựa nào? Con Farah? Hay con Dina, con Mansoureh hay con Helia…? Anh thử không tắm một ngày coi sao? Coi mấy con đĩ có còn dám đến gần anh không? Ôi chao, không tắm một ngày là biết nhau ngay, coi chúng nó còn ghé vào bắt đọc Rubaiyat của Omar Khayam cho nghe nữa không hay là chúng nó trốn biệt để khỏi chịu cái mùi ổ chuột chù của anh…”
Chắc ít ra thì cũng phải một trận như thế. Ðã vậy thì cậu không tắm cho mà xem. Và từ đó, chàng không tắm nữa. Mới đầu thì cũng khó chịu, sau rồi cũng quen. Hồi lâu thấy gãi là một hạnh phúc, nếu gãi được đúng chỗ ngứa. Ra chợ huýt sáo bài In A Persian Market của Albert Ketelbey kiếm cái que gãi lưng về gãi cho đã ngứa thì còn gì hạnh phúc hơn. Nhất định sẽ không bao giờ phải nghe những câu như là:”Tại sao anh không tắm nữa? Có phải con đĩ ngựa bảo anh không tắm không? Anh có thể làm ơn, làm phúc, làm giầu tắm cho tôi (?) một cái không? Sao anh lì lợm quá vậy? Anh tắm đi, muốn đi với con nào thì đi… chóng ngoan Mina cưng nào … không thì nói chuyện với luật sư của tôi nghe chửa…”
Chắc phải như vậy mới ra nông nỗi. Nếu tòa Tehran không cho hai người ly dị thì luật Hồi giáo shariah cũng đâu có dễ sợ lắm .
Chuyện không tắm rồi đây có thể là võ khí có khả năng hủy diệt hàng loạt lắm chứ không đùa đâu. Việc gì Tehran phải âm mưu chế tạo võ khí nguyên tử làm gì để bị làm khó như mấy tuần qua?

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 157)
SOME INTERESTING SITUATIONS
Bản ghi chép lại do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 157 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 12 năm 2012.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại. Hôm nay, Trúc Giang có câu hỏi với ông thầy phải không?
TRÚC GIANG
Thưa chú, cháu vẫn còn lẫn lộn hai động từ TO WISH và TO HOPE. Cháu nghĩ chúng là một, nghĩa là không khác gì nhau hết, dùng WISH cũng được, HOPE cũng được. Nhưng có người lại nói là hai động ttừ WISH và HOPE rất khác nhau. Vậy thì ai đúng, ai sai thưa chú?
BBT
Để trả lời câu hỏi của Trúc Giang, tôi sẽ tách rời hai động từ này ra khỏi nhau. Hãy coi chúng khác nhau hoàn toàn đi đã.
TO WISH không giống như TO HOPE khi nó có nghĩa là muốn, tức là cùng nghĩa với TO WANT. Thí dụ I WISH TO KEEP THIS JOB nghĩa là tôi muốn tiếp tục giữ công việc này.
QA
Nhưng thưa anh, QA ít nghe nói như thế trong khi nói chuyện hàng ngày có phải không? QA thường nghe nói I WANT TO KEEP THIS JOB nhiều hơn.
BBT
Đúng là như thế. Trong câu thí dụ vừa rồi, TO WISH cùng nghĩa với TO WANT. Hai động từ này giống nhau, dùng TO WANT cũng được, dùng TO WISH cũng không sao. Ngày nay, chúng ta ít khi nghe TO WISH như QA nói. Lý do là vì TO WISH nghe trịnh trọng hơn, bầy đặt hơn, lễ nghi hơn. Người ta dùng động từ TO WANT nhiều hơn. Lý do là vì trước đây, người ta cho là TO WANT nghe trịch thượng, không mấy lịch sự.
TRÚC GIANG
Nếu thế, bây giờ, muốn nghe lịch sự một chút, người ta mới dùng WISH phải không thưa chú?
BBT
Cũng đúng. Thí dụ cô làm công việc giới thiệu tổng thống Obama với nữ hoàng Anh thì chắc cô nên nói I WISH TO INTRODUCE TO YOU (YOUR MAJESTY) (HIS EXELLENCY) THE PRESIDENT OF THE UNITED STATES.
Khi không đứng trong điện Buckingham thì cô dùng WOULD LIKE TO là đủ lịch sự rồi. QA cho nghe hai thí dụ với WISH rồi thay WISH bằng WOULD LIKE TO , sau đó đến lượt Trúc Giang.
QA
I WISH TO SHOW YOU HOW TO COOK A NEW VIETNAMESE DISH.
I WOULD LIKE TO SHOW YOU HOW TO COOK A VIETNAMESE DISH.
MISTER OBAMA WISHES TO DISCUSS THE NEW TAXES.
MISTER OBAMA WOULD LIKE TO DISCUSS THE NEW TAXES.
TRÚC GIANG
THEY WISH TO TALK ABOUT THE SITUATION BETWEEN CHINA AND VIETNAM.
THEY WOULD LIKE TO TALK ABOUT THE SITUATION BETWEEN CHINA AND VIETNAM.
WE WISH TO MEET THE NEW DIRECTOR OF THE COMPANY.
WE WOULD LIKE TO MEET THE NEW DIRECTOR OF THE COMPANY.
BBT
Nhưng trong câu sau đây thì TO WISH không có nghĩa như TO WANT. WE WISH YOU A VERY GOOD TRIP TO GERMANY. Câu này không còn có nghĩa là muốn nữa. Cô QA thấy thế nào? Có thể thay thế TO WISH bằng WOULD LIKE được không?
QA
QA hiểu TO WISH trong câu vừa kể có nghĩa là hy vọng, là HOPE thì đúng hơn.
BBT
Đúng. Vậy thì nếu không muốn dùng TO WISH, cô sẽ nói thế nào?
QA
I HOPE YOU HAVE A VERY GOOD TRIP TO GERMANY.
TRÚC GIANG
WE WISH YOU A MERRY CHRISTMAS.
WE HOPE YOU HAVE A MERRY CHRISTMAS.
BBT
Nhưng TO WISH cũng có một cách dùng khác, đó là để nói lên sự ước muốn chuyện xẩy ra một cách khác hơn là chuyện đang xẩy ra trong hiện tại, nghĩa là khi chúng ta ước ao một chuyện, một việc, một tình thế không giống như tình thế đang xẩy ra trước mắt chúng ta.
Thí dụ I AM NOT YOUNG ANYMORE. Tôi ước tôi không già như bây giờ. Tôi ước gì tôi trẻ lại. I WISH I WAS YOUNGER. Trúc Giang cho nghe hai thí dụ của cô coi.
TRÚC GIANG
I DO NOT LIVE IN NEW YORK. I WISH I LIVED THERE.
WE DON’T HAVE A SUV. I WISH WE HAD ONE.
QA
MY DAUGHTER DOES NOT PLAN TO STUDY LAW. I WISH SHE DID.
THEY ARE NOT HERE TODAY. THEY WISH THEY WERE (HERE TODAY). Nhưng thưa anh, QA nhớ có lần nghe thế này: I WISH I WERE RICH. Tại sao lại I WERE mà không nói I WAS?
BBT
Thực ra, đáng lẽ phải nói I WISH I WERE mới đúng. Nhưng này nay, càng ngày người ta càng ít dùng I WERE, mà dùng I WAS nhiều hơn. Cách dùng I WERE là cách dùng xưa cũ. Bây giờ, khuynh hướng chung là dùng I WAS thay vì I WERE cho giản dị. Chắc các cô không phản đối.
TRÚC GIANG
Khi nói I WISH I WAS RICH là người ta ước ao những điều khác với chuyện đang xẩy ra. Nhưng cũng có những lúc chúng ta ước gì một chuyện nào đó trong tương lai khác với những gì đang xẩy ra. Thí dụ chồng cháu không bao giờ rửa chén. Cháu ước gì anh ấy chịu khó giúp vợ nhiều hơn trong tương lai thì cháu có nói I WISH HE HELPED ME MORE IN THE KITCHEN không?
BBT
Cô hỏi tôi một câu rất hay, chút xíu tôi quên. Trong trường hợp đó, thì chúng ta phải nói I WISH HE WOULD HELP ME MORE IN THE KITCHEN. Khi nói I WISH HE HELPED ME MORE là ước gì anh ấy giúp cháu nhiều hơn vào lúc này. Nhưng đây là trường hợp cháu muốn từ nay về sau (trong tương lai) anh ấy giúp cháu nhiều hơn thì phải nói I WISH HE WOULD HELP thay vì nói I WISH HE HELPED. Cô còn ước ao thêm những gì trong tương lai nữa nào?
TRÚC GIANG
THE ECONOMY IS VERY BAD NOW. IWISH IT WOULD GET BETTER.
IT RAINS ALL DAY TODAY. I WISH IT WOULD BE DRY TOMORROW.
QA
Và đây là thí dụ của QA:
MY NEIGHBOR NEVER TAKES CARE OF HIS GARDEN. I WISH HE WOULD BE A BETTER GARDENER.
THE JOB MARKET IS STILL VERY SLOW. PEOPLE WISH IT WOULD IMPROVE NEXT YEAR.
Thưa anh, đó là những ước ao cho tương lai. Nhưng nếu muốn nói về một mơ ước, ưóc ao trong quá khứ thì chúng ta sẽ nói thế nào?
BBT
Trong trường hợp đó, chúng ta dùng WISH với PAST PERFECT tức là PAST TENSE của TO HAVE và PAST PARTICIPLE. Thí dụ HE WAS VERY SICK. WE WISHED HE HAD GOTTEN BETTER. Bây giờ hai cô cho nghe mỗi cô 2 thí dụ coi.
TRÚC GIANG
MISTER ROMNEY LOST THE ELECTION. MY DAD WISHED HE HAD WON.
THE VIETNAM WAR WENT ON FOR 10 YEARS. I WISHED IT HAD ENDED EARLIER.
QA
WE LEFT VIETNAM VERY LATE. WE WISHED WE HAD LEFT IN 1975.
MY SON TOOK WRESTLING IN HIGH SCHOOL. I WISHED HE HAD CHOSEN TENNIS INSTEAD.
Cám ơn anh. Bây giờ QA muốn nhờ anh giảng về sự khác biệt giữa UNTIL và BY, chúng khác nhau thế nào và làm sao dùng chúng cho đúng.
BBT
Cả hai đều là PREPOSITION OF TIME, tức là đều là GIỚI TỪ để giới thiệu vào những mốc thời gian, A CERTAIN TIME hay A POINT OF TIME nào đó.
UNTIL bây giờ thường được thay thế bằng TILL vì UNTIL bắt đầu nghe hơi… cổ rồi. Người ta dùng TILL thường hơn. Nhớ là UNTIL có 1 chữ "L". TILL có 2 vì phía trước đã bị cắt đi hai chữ U và N. UNTIL và TILL có nghĩa giống nhau. Chúng ta dùng UNTILL hay TILL cho những trường hợp mà những hành động hay những diễn biến, những tình hình CÒN TIẾP TỤC KÉO DÀI đến một MỐC THỜI GIAN NÀO ĐÓ. Trúc Giang cho vài thí dụ về mốc thời gian coi.
TRÚC GIANG
Cháu nghĩ 8 PM, DECEMBER, NEXT YEAR có thể là những mốc thời gian.
BBT
Còn QA?
QA
QA thấy các nhóm chữ này cũng có thể là những mốc thời gian: THE END OF SUMMER, THE FIRST WEEK OF JULY hay THE WEEK AFTER NEXT.
BBT
Cả hai cô đều đúng. Bây giờ hai cô nối chúng vào sau những câu nói về những hành động, những việc làm và đặt UNTIL vào trước của những mốc thời gian đó coi.
TRÚC GIANG
WE STAYED AT THE COFFEE SHOP UNTIL 8 PM.
SHE WILL WORK AT THIS JOB UNTIL DECEMBER.
MY LITTLE GIRL WILL BE HOME UNTIL NEXT YEAR.
QA
MY DAUGHTER WILL BE AWAY UNTIL THE END OF SUMMER.
THEY WILL LIVE AT THIS ADDRESS UNTIL THE FIRST WEEK OF JULY.
WE WILL BE ON VACATION UNTIL THE WEEK AFTER NEXT.
BBT
UNTIL cũng có nghĩa như UP TO, vì thế nên nếu thay UNTIL bằng TILL hay UP TO thì nghĩa của câu sẽ không thay đổi.
Hai cô thử thay UNTIL trong những câu của mình bằng TILL và UP TO sẽ thấy như thế.
TRÚC GIANG
WE STAYED AT THE COFFEE SHOP TILL 8 PM.
WE STAYED AT THE COFFEE SHOP UP TO 8 PM.
QA
MY DAUGHTER WILL BE AWAY TILL THE END OF SUMMER.
MY DAUGHTER WILL BE AWAY UP TO THE END OF SUMMER.
BBT
Bây giờ chúng ta sẽ nói về BY. Đây cũng là PREPOSITION OF TIME nghĩa là theo sau nó cũng là những mốc thời gian. Nhưng BY được dùng trong những câu nói về những việc làm , những chuyện, những hoạt động SẼ XẨY RA TRƯỚC (BEFORE) HAY VÀO (AT)KHÔNG SAU (AFTER) MỘT MỐC THỜI GIAN NÀO ĐÓ TRONG TƯƠNG LAI.
Thí dụ câu sau đây: I MUST FINISH THIS BOOK BY NEXT WEEK nghĩa là tôi phải đọc xong cuốn sách này TRƯỚC tuần tới, KHÔNG SAU tuần tới. Trúc Giang cho nghe 2 thí dụ với BY của cô coi.
TRÚC GIANG
I TOLD MY GIRLS TO GO TO BED BY 9 PM.
THEY HAVE TO CHECK OUT (LEAVE) THE HOTEL BY NOON.
QA
WE FILE OUR TAX RETURNS BY 15th APRIL EVERY YEAR.
MISTER OBAMA WILL SWEAR IN BY JANUARY 21st.
BBT
Nếu thay BY bằng BEFORE có được không Trúc Giang , thí dụ như trong câu WE FILE OUR TAX RETURNS BY 15th APRIL?
TRÚC GIANG
Được, thưa chú. Nhưng cũng có thể thay BY bằng ON hay AT phải không?
BBT
Đúng rồi.
QA
Nhưng trong câu MISTER OBAMA WILL SWEAR IN BY JANUARY 21th thì chỉ có thể thay BY bằng ON vì ông không thể nhậm chức vào trước ngày 21 tháng 1 năm 2013.
BBT
Đúng như thế. Bây giờ, tôi muốn đổi sang một chuyện khác. Bữa nọ, tôi đi vào ngân hàng thì ở cửa vào, tôi nghe thấy một người nói câu này với một người đàn ông khác: DON’T YOU KNOW HOW TO SAY SORRY? Chắc ông kia làm cho ông bực mình, có thể đã đụng phải ông ta nên ông ta hơi mỉa mai một chút và hỏi bộ ông không biết xin lỗi hay sao.
Chuyện xin lỗi thực ra cũng có vài ba cách, và trả lời, đáp lại lời xin lỗi đó cũng có mấy cách khác nhau mà tôi muốn chỉ cho hai cô.
Nếu sự sơ ý, cái lỗi chỉ nhỏ thôi, thì nói SORRY, hay I AM SORRY là đủ. Nếu tôi phạm phải cái sơ xuất nhỏ đó, tôi xin lỗi thì hai cô sẽ trả lời thế nào?
TRÚC GIANG
Cháu có thể nói THAT’S OKAY hay THAT’S ALL RIGHT hay NO PROBLEM, …
QA
QA còn nghe người ta nói DON’T WORRY ABOUT IT hay NO HARM DONE. Nhưng khi cái lỗi nặng hơn một chút, thì lời xin lỗi cũng phải nặng hơn phải không thưa anh?
BBT
Đúng thế. Thí dụ chúng ta sẽ nói I AM SO SORRY, rõ từng chữ một, có thể nhấn mạnh vào AM hay SO, hay trước chữ SORRY thêm vào một trong những chữ này cho có vẻ khẩn khoản hơn: I AM REALLY / VERY / TERRIBLY / DEEPLY / EXTREMELY SORRY.
QA
Còn câu đáp lại, có lần QA nghe hai đứa con gái, từ khi chúng còn nhỏ lắm, con em đã nói với con chị là I FORGIVE YOU… Không biết học ở đâu mà ăn nói dễ sợ như thế.
BBT
Chắc chuyện nặng lắm mới phải lôi câu ấy ra. Cũng có thể nói APOLOGY ACCEPTED hay ALL IS FORGIVEN. Nếu nặng hơn thì câu xin lỗi sẽ như thế này: MY APOLOGIES hay I APOLOGIZE FOR…HURTING YOU/ HITTING YOU/ CALLING YOU BAD NAMES…
TRÚC GIANG
Nếu sẵn sàng tha lỗi thì nói sao thưa chú?
BBT
Có thể nói THAT’S QUITE ALL RIGHT hay NO NEED TO APOLOGIZE… OOPS… I AM SORRY IT’S ALREADY VERY LATE.
QA
SIR, IT’S QUITE ALL RIGHT. YOU DON’T NEED TO APOLOGIZE…
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây thì xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.