Ngày 24 tháng 12 năm 2012
Bạn ta,
Tập Lã thị Xuân Thu của Lã Bất Vi có kể một câu chuyện về một người nước Lỗ sống cạnh nhà của một phụ nữ góa. Một đêm mưa gió, nhà của người đàn bà góa bị sập, người phụ nữ gõ cửa xin với người đàn ông mở cửa cho vào tá túc. Nhưng người đàn ông đóng cửa không cho bà vào lánh bão, dù cho chỉ là tạm một đêm.
Người phụ nữ đứng ngoài nói vọng vào, trách rằng sao lại có thứ người bất nhân như thế, xin trú mưa bão mà cũng không cho. Người đàn ông trong nhà trả lời rằng theo quan niệm đạo đức (lúc ấy), đàn ông đàn bà sau tuổi sáu mươi mới ở chung được với nhau trong cùng một nhà. Nhưng vì cả hai người còn trẻ nên ông ta không thể mở cửa cho người khác phái vào nhà được. Người phụ nữ nói rằng tại sao không thể làm như ông Liễu Hạ Huệ ủ một phụ nữ trong lòng mà không tai tiếng gì thì người đàn ông đáp rằng ông ta không đạo đức được như Liễu Hạ Huệ nên không thể cho người đàn bà trẻ vào tạm trú. Đức Khổng Tử khen thái độ của người đàn ông, cho rằng ông ta làm điều phải, giữ được đúng điều gọi là "nam nữ hữu biệt".
Tưởng những chuyện như thế chỉ xẩy ra trong những xã hội như thời Khổng Tử, ai dè ngay ở tại nước Mỹ, nhân loại đã tiến vào thế kỷ 21 từ hơn một chục năm nay rồi mà chuyện gần giống như vậy cũng vẫn còn xẩy ra.
Melissa Nelson
Ở Iowa City thuộc tiểu bang Iowa cách đây hai năm, một phụ nữ làm việc cho một phòng răng đã bị người chủ là một nha sĩ sa thải vì lý do ông nha sĩ nghĩ là cô quá sexy, trong khi ông thấy ông lại là người không thể cưỡng lại được nét hấp dẫn đó, ông sợ là cuộc hôn nhân của vợ chồng ông có thể bị đe dọa nên ông quyết định đuổi cô để tránh hậu họa.
Người phụ nữ bực quá, kiện lên đến tòa án tối cao của tiểu bang vì coi đó là một hành động kỳ thị, nhưng tuần qua, cả 7 ông thẩm phán của tòa tiểu bang Iowa đều đồng ý là ông nha sĩ có quyền đuổi người phụ nữ mà không bị coi là vi phạm bất cứ một bộ luật nào của tiểu bang.
Ông nha sĩ không đọc sách của Khổng Tử nhưng cũng cho rằng nên dẹp cái nguyên nhân có thể gây tan vỡ cho cuộc sống vợ chồng của ông. Ông nói rằng hai người không có bất cứ một hành động nào có thể đi ngược lại với luân lý và luật pháp, nhưng ông thú nhận là nếu để cho người phụ nữ ấy tiếp tục làm việc trong phòng nha khoa của ông thì đó là việc không khác gì chuyện có một chiếc Lamborghini láng coóng đậu trong nhà mình mà không bao giờ leo lên xe lái đi.
Như vậy, ông cho là ông dễ bị cám dỗ rất kinh khủng và sợ là không cưỡng lại được cám dỗ đó nên ông phải đuổi cô nhân viên Melissa Nelson 32 tuổi trước khi ông không còn làm chủ được mình nữa. Ông so sánh hoàn cảnh của ông như người có chiếc xe tối tân, đắt tiền, chạy rất hay, đậu trong garage mà … chưa dám leo lên lái.
Chuyện này cũng hệt như câu chuyện Freud kể về một người nọ rất sợ đụng đến dao kéo đến nỗi phải đến gặp chuyên gia tâm lý để nhờ chữa. Freud cho là người đàn ông đó có khuynh hướng phạm tội bạo hành nên sợ là có con dao trong tay là sẽ có ngày không tự chủ được mình và sẽ cầm con dao đi giết người.
Freud tìm cách giải thích ước muốn bị đè nén của ông để ông thấy là không phải cứ có dao là đi giết người. Trong đời sống, người ta cần con dao cái kéo trong nhà, trong bếp. Không thể dẹp hết dao kéo đi được. Cũng như không thể vì người đàn ông có những ao ước bạo động nhắm vào phụ nữ mà phải đem đương sự đi thiến.
Sự thật thì Melissa Nelson trông không có vẻ gì là irresistable, nghĩa là cô không phải là một phụ nữ ngó thấy là không thể cưỡng lại được. Phải chi cô có nhan sắc của Marilyn Monroe, Brigitte Bardot hay Angelina Jolie thì cũng có thể hiểu được. Nhưng Melissa Nelson trông chỉ vừa phải thôi. Đâu đến nỗi ông nha sĩ phải sợ quýnh quáng lên như thế.
Tôi nghĩ Melissa Nelson nên vui vẻ về chuyện bị đuổi. Ít nhất cũng được kèm theo một câu nói rằng vì mình quá ngon lành nên bị đuổi. Hơn đứt lý do bị đuổi vì xấu quá.
Còn người vợ của ông nha sĩ, theo bản tin của tờ báo địa phương thì chính nàng cũng đóng góp nhiều trong vụ đòi đuổi Melissa Nelson. Bà là người yếu bóng vía nên mới đòi chồng đuổi Melissa. Thêm vào chuyện yếu bóng vía đó, bà còn ghen với Melissa và muốn làm khó người chồng. Đáng lẽ bà cứ để nguyên tình trạng cũ, như cách hành xử của Hoạn Thư khi nghe tin
"vườn mới thêm hoa", rồi yên lặng theo dõi, mở tiệc tùng, bắt Melissa đến hầu , lâu lâu ngó coi hai đứa nó làm gì có phải hay hơn không.
Tôi mà bị đuổi kèm theo cái lý do gần được như Melissa Nelson thì … hạnh phúc biết là bao nhiêu. Chả bao giờ đổ cho cái tội sexy quá, irresistable để mà cho cái tấm giấy mầu hồng (pink slip) rồi chỉ đường ra văn phòng xin trợ cấp thất nghiệp cho vui đời tị nạn cả.
Có mà không biết hưởng! Chán cái nông nỗi.
Ngày 25 tháng 12 năm 2012
Bạn ta,
Giáng sinh đã qua. Thùng rác ở đâu cũng đầy rác, những tờ giấy gói quà bị xé tan một cách tàn bạo được bỏ vào các thùng rác, chờ những chiếc xe rác đến lấy đi.
Chuyện này thì ở đâu cũng vậy. Chưa thấy có một thống kê nào cho biết số lượng những tấm giấy gói quà bị xé nát trong ngày 25 tháng 12 là bao nhiêu, nhưng nhất định nó phải là một con số rất lớn. Những tờ giấy gói quà nếu được tính bằng diện tích của chúng thì người ta không biết liệu chúng có thể gói được bao nhiêu lần quả đất của chúng ta. Có điều chắc chắn đó phải là một diện tích rất lớn. Người ta đã làm một ước đoán (rất có thể là đúng) rằng tiền nợ của nước Mỹ, nếu đổi thành giấy 1 đô la và nối liền lại với nhau thì chắc những tờ giấy bạc này có thể tạo thành một chiều dài tương đương với nhiều chuyến bay từ trái đất lên tận mặt trời.
Những tờ giấy gói quà thường là những tờ giấy có in hình rất đẹp với hình vẽ những lá cây "thuộc bài", cây lá xanh, trái tròn và đỏ, cảnh Santa Claus trên chiếc xe lướt tuyết, những chiếc kẹo candy canes có sọc trắng đỏ, những món đồ chơi, những cây trạng nguyên (poinsettia) lá đỏ... Những tờ giấy đó là những thứ phải có để gói những món quà. Không có chúng, những gói quà mất hẳn hình ảnh của Giáng Sinh. Mất công đi lùng mãi mới mua được mấy món quà vừa ý thì phải dùng những tấm giấy đẹp gói lại, rồi dán thêm những chiếc "nơ" và một tấm nhãn có ghi tên người được nhận quà rồi mới có thể đặt dưới chân của cây Giáng Sinh để những đứa bé canh thức ở đó hồi hộp chờ đến lúc được cha mẹ cho phép mở quà.
Nhưng có bao giờ chúng ta thấy những gói quà được mở ra một cách nhẹ nhàng, cẩn thận, những tờ giấy gói được gỡ ra, xếp lại … để ngay ngắn sang một bên? Hình như không bao giờ. Luôn luôn là cảnh giấy gói quà bị xé thật nhanh, thật … tàn bạo. Cảnh nâng niu mở những gói quà là hoàn toàn không có. Giấy gói quà xé xong, chúng được vo viên lập tức và tạm quăng ra một bên để sau đó tống hết vào thùng rác. Và quên luôn.
Số phận của những tờ giấy gói quà hầu như luôn luôn là như thế. Có lẽ những tờ giấy gói quà đó có những đời sống quá ngắn, ngắn còn hơn sự sạch sẽ của nước sơn mới trên những toa xe điện ngầm ở New York trước khi những toa xe bị vẽ đầy graffiti.
Cha mẹ của những đứa bé không bao giờ căn dặn chúng phải nhẹ nhàng với những tấm giấy gói quà đó, mà trái lại, chúng luôn luôn được khuyến khích mạnh tay với những tấm giấy gói đó. Mà dẫu cho có được căn dặn, thì cũng chẳng có đứa nào dịu dàng, cẩn thận gỡ những tấm giấy gói quà đó. Tưởng tượng người nhận quà hờ hững, nhẹ nhàng mở giấy gói ra, chầm chậm và từ từ làm công việc đó. Không một chút háo hức nào thì còn gì nản lòng hơn là người cho quà.
Thế nên phải xé thật mạnh, thật nhanh, tặng cho người mang quà đến một cái hôn thật là … ướt nhẹp thì sang năm ông nội mới có can đảm lết cái thân già đi mua quà cho các cháu chứ.
Ai bảo chỉ có người nhận quà mới vui, mới mừng, mới hạnh phúc?
Ngày 26 tháng 12 năm 2012
Bạn ta,
Một người bạn của tôi vừa đi Việt Nam về. Chàng có ghé Hà Nội và kể cho tôi một số chuyện liên quan đến cái thành phố tôi đã không trở lại từ hơn nửa thế kỷ nay.
Trong chuyến đi rồi không trở lại nữa tôi không có được cái nhìn cuối cùng thành phố ấy. Máy bay rời phi trường Gia Lâm trong buổi sáng rất sớm. Chiếc DC-3 của hãng Cosara đảo một nửa vòng trước khi hướng về phía nam. Buổi sáng nhiều sương mù trắng đục của tháng 8 và tôi vĩnh viễn xa Hà Nội từ đó. Và cũng không còn nghe cái giọng nói của người Hà Nội nữa.
Gần giống như Hạ Tri Chương, nhà thơ Đường tác giả của bài Hồi Hương Ngẫu Thư 28 chữ, bài thơ ông viết có lẽ sau nửa thế kỷ xa quê, lúc ông đã về già:
Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi
Hương âm vô cải, mấn mao thôi
Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai
Hương âm vô cải, mấn mao thôi
Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai
Đại khái bài thơ ấy có nghĩa là lúc trẻ ra đi, khi già mới về nhà. Tiếng của quê cũ không có gì thay đổi, chỉ có tóc mai là đổi mầu. Lũ trẻ con trông thấy ta mà không biết ta là ai nên chúng cười và hỏi ta rằng ta ở đâu mà tới.
Bài thơ có vài chuyện không giống tôi. Giống là tôi đi xa Hà Nội hồi còn bé, nay tóc đã bạc. Khác là tôi chưa về Hà Nội bao giờ nên không gặp cảnh bị lũ trẻ chất vấn. Khác nữa là tiếng nói của người Hà Nội bây giờ đã khác xưa rất nhiều chứ không phải "hương âm vô cải" như trong thơ Hạ Tri Chương.
Tôi nhận ra được cái khác biệt đó từ sau tháng 4 năm 1975 khi nghe những người Hà Nội nói chuyện. Cái giọng của những người gọi là Hà Nội đó nghe khó chịu vô cùng. Những âm thanh trầm ấm của những người Hà Nội mà tôi còn nhớ rất rõ, của ông bố, bà mẹ, các cô dì, mấy ông chú của tôi, các ông thầy, các cô giáo của những năm tiểu học, giọng của những người bạn nhỏ tôi không thấy trong tiếng nói của người Hà Nội mới. Một vài ý kiến giải thích nói rằng sau năm 1954, những người Hà Nội một số đã di cư, một số bị đánh tư sản, không còn được ở Hà Nội nữa. Thay vào đó, là những người từ những tỉnh khác tiến vào Hà Nội. Những cách phát âm hoàn tòan khác, cao hơn, nghe chói lói hơn. Những dấu "ngã" nghe thành dấu "nặng", dấu "nặng" thành dấu "huyền", dấu "sắc" thành dấu "huyền" vân vân, phải nghe kỹ, định thần lại một lúc mới hiểu. Một số giọng của BBC, và nay, luôn cả đài VOA cũng làm cho người nghe rất khó chịu.
Những cái giọng không phải là gốc Hà Nội đã thay thế gần hết giọng Hà Nội cũ. Một người quen của tôi, giọng nghe qua điện thoại cũng bị đổi đi rất nhiều. Đó là ảnh hưởng từ những giọng không phải là giọng Hà Nội đích thực. Một vài ca sĩ ở Việt Nam cũng nói cái giọng bị biến thể đó, nhưng khi hát thì họ vẫn phát âm giọng Hà Nội cũ. Mỹ Linh chẳng hạn.
Một cách giải thích khác thì nói rằng thế hệ lớn lên ở Hà Nội sau năm 1954 bị ảnh hưởng của những người làm công, ở thuê cho các gia đình ở Hà Nội, và vì thế giọng người Hà Nội đã bị biến dạng. Đây là lối giải thích của một bài báo mới đây ở Hà Nội.
Thực ra, thay đổi vài cách phát âm không phải là điều đáng phàn nàn ở đây. Nghe một hồi rồi cũng quen đi. Nhưng những điều mà người Hà Nội nói ra bằng giọng Hà Nội mới này mới là điều đáng kể. Một số người Hà Nội, kể cả các học sinh, sinh viên đại học và phụ nữ ngày nay ăn nói rất đểu giả, sẵn sàng văng tục, chửi thề rất … cách mạng. Và đó mới là điều đáng nói và đáng chán khi phải nghe những người này mở miệng. Tiếng Hà Nội mới cộng thêm với một văn hóa "chửi" mới là điều hết sức đáng tiếc. Chốn "ngàn năm văn vật" đã mất hẳn những nét lịch sự, thanh lịch của những ngày xưa cũ.
Ngày 27 tháng 12 năm 2012
Bạn ta,
Bạn biết rằng
một chữ tiếng Ðức bẻ đôi tôi cũng chịu thua nên dĩ nhiên tôi không hiểu là trong
lối nói của họ, người Ðức có dùng một thành ngữ nào giống như một thành ngữ của
người Anh và người Mỹ mà tôi rất thích dùng hay không. Ðó là thành ngữ to
bullshit.Nếu có thì đúng là những đầu óc lớn gặp nhau. Còn nếu không, thì tôi tin chắc Bernd Eilts, ông nghệ sĩ người Ðức ở Bá Linh đã được gợi ý bởi thành ngữ đó trong tiếng Anh.
Chắc phải là như vậy nên ông mới nẩy ra sáng kiến làm những chiếc đồng hồ bằng cứt bò.
Bernd Eilits dùng cứt bò phơi khô rồi mài, đục, sơn đi để làm mặt đồng hồ. Và những chiếc đồng hồ của ông tuy làm bằng cứt bò, nhưng giá không rẻ chút nào. Mỗi chiếc được bán với giá 150 Euros, tương đương với $197. Với $197, người ta có thể mua được một chiếc đồng hồ khá tốt. Ông cho biết trong tương lai, ông sẽ có đồng hồ đeo tay và luôn cả đồng hồ báo thức nữa. Tất cả đều có mặt làm bằng cứt bò.
Tại sao phải mua cái đồng hồ có mặt bằng cứt bò?
Thì để xem giờ mà … cứt bò, mà bullshit, mà nói tầm bậy tầm bạ, mà nói quàng nói xiên, mà nói toàn những chuyện vô bổ chứ còn gì nữa?
Tội nghiệp cho Montherland vô cùng. Khi ông còn sống thì không có những cái đồng hồ cứt bò. Nay ông chết rồi thì mới có nó.
Montherland, theo André Maurois kể trong cuốn Lettres À L'Inconnue, Thư Gửi Người Ðàn Bà Không Quen, nghĩ ra một chữ rất hay, chronophage, để chỉ một hạng người đáng sợ: hạng ăn thì giờ của người khác.
Ông Hàn Lâm André Maurois đặc biệt thù ghét bọn chronophage. Ông viết gần hai trang sách để nói một cách rất tàn bạo về loại người này. Ông gọi đó là một "con vật", ông mô tả nó là thứ cả gan không thể tưởng tượng nổi, lúc nào cũng sẵn sàng nhẩy tới làm mất rất nhiều thì giờ của chúng ta bằng những đống cứt bò của nó. Ông già Maurois cho rằng chúng ta phải tàn nhẫn với bọn chronophage, phải diệt chúng không một chút thương hại. Ông khuyên phải dẫm nát chúng, không thể tha chúng được vì chúng chỉ muốn cướp thì giờ quí báu của chúng ta. Ngay hơn hai ngàn năm trước, Sénèque cũng đã tâm tình với Lucilius rằng thì giờ quí báu vì mình có thể chết bất cứ lúc nào nên không thể để cho bất cứ một kẻ nào cướp đi cái bảo vật duy nhất nhưng lại phù du đó của chúng ta là thì giờ…
Thì giờ, theo ông già Maurois cũng như Sénèque, đáng quí như thế không thể để phí đi vì những trò bullshit, cứt bò như thế được.
Thì giờ phí cho chuyện bullshit thì phải đo bằng đồng hồ bullshit chứ.
Và đó là lý do để mua cái đồng hồ cứt bò của Bernd Eilts.
Tưởng tượng có người đến hỏi bạn là có thì giờ không, mà bạn biết chắc là sẽ được người kia dùng để bullshit, thì cứ việc vén tay áo lên, vạch cái đồng hồ ra và nói rằng theo cái đồng hồ bullshit thì bạn có được 10 phút cho chuyện bullshit…
Nói rồi mong người hỏi còn sót lại một chút thông minh để hiểu rằng tôi bận lắm, không có bao nhiêu thì giờ để bullshit với ông đâu… có xéo không thì nói!
Chỉ để làm như thế thì mới nên mua cái đồng hồ bullshit.
Nhưng ông già André Maurois, ở cuối lá thư, quay trở lại tán người phụ nữ không quen biết bằng cách nói rằng một người đàn bà có duyên thì không khi nào trở thành một kẻ ngốn thì giờ cả, mà làm cho đời khỏi trống một cách thú vị nhất.
Ông già Maurois hình như chỉ muốn nói rằng phụ nữ duyên dáng thì không bullshit bao giờ.
Té ra ông Hàn Lâm cũng vẫn có thể lầm lẫn như thường.
Ngày 28 tháng 12 năm 2012
Bạn ta,
Đã mấy năm nay tôi không viết resolution cuối năm nữa, vì những cái resolution đó không phải chỉ để viết xuống, in ra giấy rồi … bỏ quên (?) đâu đó, không cách nào tìm ra, để có lý do không làm đúng, không thực hiện đầy đủ những điều quyết tâm đã viết xuống đó.
Tôi nhớ chính ông bố tôi là người đã bắt tôi phải viết xuống những điều quyết tâm ấy mỗi dịp đầu năm học, ngay từ hồi tôi còn học ở tiểu học. Bản resolution đầu tiên ấy tôi viết xong liền bị ông quăng ngay vào sọt rác, bắt viết xuống những cam kết khó hơn, vì theo ông, những điều quyết tâm mà tôi viết xuống đều quá dễ, đại khái như không chọc ghẹo các em. Nhớ rửa chân buổi tối trước khi ngủ. Không mang theo hộp quẹt có đựng con dế vào giường cho nó hát sẩm không tiền (nên nghèo xác xơ) làm cả nhà mất ngủ suốt đêm. Không lén lấy trộm xe đạp của ông, vẹo người, thò chân qua cái khung xe để đạp vì chân còn quá ngắn, để đi vòng quanh xóm mỗi buổi trưa ông về nhà ăn cơm và ngủ trưa. Không nhổ bọt khi đứng trên ban công xuống nhắm vào đầu tên bạn ở nhà dưới. Không thủ tiêu đôi dép của nó vì bị bố nhiều lần mắng là chỉ đáng xách dép cho nó …
Bản resolution viết lại sau đó cũng không làm vừa lòng ông bố tôi vì không ai dại gì viết xuống toàn những cam kết vừa khó vừa bất lợi cho mình. Sau đó, tôi thoát không còn bị bắt viết xuống những resolution khác nữa cho đến khi lớn lên, khi thấy mình cũng cần phải thay đổi một vài chuyện trong đời sống. Nhưng viết resolution cũng lại vẫn là trò viết xuống và vi phạm còn nhanh hơn Việt Cộng vi phạm hiệp định Paris.
Ngoài ra, tôi nhớ cũng có những resolution khác chưa ráo mực cũng bị vi phạm lia chia, không được bao nhiêu sự tôn trọng hay tuân thủ. Như những resolution của Liên Hiệp Quốc năm nào chẳng thông qua vài ba cái. Nhưng sau đó, thì Palestine vẫn thỉnh thoảng pháo kích vài chục quả Katyusha 122mm sang Israel và Israel thì vẫn hì hục xây thêm nhà cho các khu định cư bất hợp pháp ở Tây ngạn sông Jordan.
Liên Hiệp Quốc mà còn không được bao nhiêu tôn trọng huống chi là … tôi. Thì cũng viết resolution đó chứ, nhưng viết xong thì lại thêm một hàng chữ khẳng định rằng cái resolution đó không hề có tính cách bó buộc (non-binding)… Vậy nên viết thì cứ viết nhưng tôn trọng, tuân thủ hay không thì vẫn là những chuyện khác.
Nên tôi vẫn viết resolution. Thí dụ sau đây là một số điều cam kết cho năm 2013:
Nhất định chỉ uống mỗi ngày hai chai dầu gió xanh hay hai ly đỏ …cho em nhỏ nó mừng. Không vỗ tay cho dù nếu có ai (cho dù có năn nỉ ỷ ôi hết mình) xin một tràng pháo tay cũng vẫn không là không. Tin chắc những buổi ra mắt sách là hoàn toàn do bạn hữu yêu thương (?) tác giả nên cong đít đi tổ chức cho tác giả được nghe bạn bè ca cẩm ấm ớ. Sẽ tiếp tục tin là các hồi ký (và hồi kiếc) chỉ nên viết ra đọc cho con cái hay vợ chồng nghe với nhau ở trong bếp vì chuyện tra tấn đã bị Liên Hiệp Quốc cấm và lên án rất nặng, không còn ai dám dùng nữa. Sẽ cố gắng tin rằng hai chữ viết tắt GS không phải là cách xếp hạng các công chức của chính phủ liên bang (Government Schedule tức là thang lương của chính phủ Mỹ) mà là giáo sư (không dậy cho trường đại học nào hết). Tin chắc rằng ông già Noel, người dơi, người nhện là có thật cũng như các thi sĩ Việt Nam đều có thơ dậy trong các (?) trường đại học Mỹ hết chơn hết chọi. Sẽ tin là Michelle Obama mặc quần xà lỏn rượt chó ở quanh tòa Bạch Ốc là … đẹp. Thành thật xin lỗi đã dám không gọi Sầm Đức Xương là "vị hiệu trưởng" khiến bầy côn quang gâu gâu nhặng lên một hồi mặc dù thằng chó đẻ này đã bị án về tội hại đời mấy em nữ sinh của trường mà nó là hiệu trưởng. Tiếp tục tin tự điển là đúng và không tin những người dám xúc phạm các nhà làm tự điển yêu quí. Không sợ những miếng gầu dòn, vè mềm nữa vì đời sống quá ngắn không nên mất thì giờ để phân vân "to eat or not to eat that is the question". Tin rằng "đồng chó X" thực ra có tên chính thức khai sinh là "thằng chó đẻ Nguyễn Tấn Dũng". Không thèm đòi mây mưa với thân mẫu của các nhân vật lãnh đạo Hà Nội nữa vì đụng đến chỉ bẩn … "nó" thôi. Tin là những "mảng" đạo đức, và gương sáng Hồ Chí Minh đã được triệt để noi theo để tạo thành những thứ quỉ hiếp dâm, giết người, bán bạn bè người tình sang Trung quốc làm điếm, biến phụ nữ Việt Nam thành những người nô lệ mới, tôi đòi, đầy tớ cho hàng chục quốc gia trên thế giới (được báo chí trong nước đăng mỗi ngày cả chục vụ) như chưa từng bao giờ xẩy ra. Thành tâm cầu mong mấy con nhãi như Nguyễn Thanh Phượng, Tô Linh Hương sớm đổi đến làm việc Patpong ở Bangkok cho hợp với tài nghệ và uy tín (?) của mấy thằng bố đầu nậu của chúng. Thưởng thức hết lòng các giọng ca ở các đám cưới và vài ba nơi sập sình làm hỏng (bố nó) cả bữa tiệc. Thương hai câu của Nguyễn Bính "trọc phú ti toe bàn thế sự / đĩ già tấp tểnh nói văn chương" khi phải nghe bình luận chính trị của một vài nhà truyền thông phát âm mấy cái tên Mỹ cũng không nên thân.
Chao ơi, còn nhiều lắm nhưng viết đến khúc này lại không dám viết tiếp nữa. Khổ sao mà khổ nhiều như vậy chứ!
Nhưng không sao. Viết chơi cho vui chứ tuân thủ bằng ấy điều cũng mệt vô cùng.