November 1, 2012

November 2, 2012


Ngày 29 tháng 10 năm 2012
Bạn ta,
Với John Greenleaf Whittier, một nhà thơ Hoa kỳ của thế kỷ thứ XIX, trong số những từ ngữ buồn nản nhất được nói ra hay viết xuống, thì những chữ buồn nhất là "it might have been" (For all sad words of tongue and pen, the saddest are these, "it might have been").
Đó là những chữ bầy ra những hối tiếc về những điều đáng lẽ đã được thực hiện, đáng lẽ đã xẩy ra, đáng lẽ đã phải làm…
Mỗi người mỗi ý. John Greenleaf Whittier thì cho là như thế. Những người khác có thể không đồng ý. Tôi rất thích câu của Whittier nhưng cũng không hoàn toàn đồng ý với ông và coi đó là những chữ đáng buồn nhất.
Tôi cho là có 6 chữ khác buồn hơn rất nhiều.
Những chữ này đã được đem ra dùng nát bấy từ ngày 2 tháng 9 năm 1945 , tổng cộng tính đến nay là 67 năm, kể từ khi cái người đàn ông sống một đời toàn bằng bịp bợm, dối trá, gian xảo đó đưa ra để lừa mấy chục triệu người Việt. Mà có điều buồn hơn nữa là những chữ ấy vẫn còn được đem ra dùng, nhiều khi trong rất nhiều hoàn cảnh rất khôi hài.
Những chữ ấy bao giờ cũng đi kèm với cái danh xưng trước đây là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và hiện nay là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Trong giấy tờ, văn thư chính thức của nhà nước những chữ ấy được trịnh trọng ghi xuống đã đành. Nhưng ngay cả đến những thứ giấy tờ khác, nhiều khi không dính dáng gì tới nhà cầm quyền, chính phủ, nhà nước gì hết, người ta cũng kèm những chữ ấy vào.
Thí dụ lá thư của một em học sinh xin cha mẹ cho thêm tiền để tiêu vặt, mà tôi đọc được trong một bài báo trong nước, em cũng cẩn thận viết ở đầu thư những chữ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam,
Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc rồi sau đó mới đến đoạn trình bầy thỉnh nguyện xin tiền của mình gửi cho cha mẹ.
Sáu tiếng Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc, ước mơ không bao giờ thành sự thật của mấy chục triệu người Việt Nam từ gần bẩy chục năm nay, tức là kể từ ngày Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở vườn hoa Ba Đình vẫn chỉ là những lời hứa hão huyền láo toét. Hồ Chí Minh đã thuổng những chữ nói lên khát vọng và lý tưởng tốt đẹp mà con người ta ai cũng muốn hướng tới mà ông ta đọc được từ hiến pháp Mỹ cũng như từ khẩu hiệu của cuộc cách mạng Pháp (Liberté, Égalité, Fraternité).
Nhưng vì chỉ đi cóp nhặt của người khác nên ông ta và lũ đàn em cũng không bao giờ thực tâm thực hiện những hứa hẹn, những lý tưởng rất tốt đẹp đó cho người dân.
Và càng ngày người ta càng thấy những chữ ông ta đưa ra trong bài nói chuyện ở Ba Đình chỉ là những chữ hoàn toàn vô giá trị.
Gần đây nhất, tờ giấy của công an thông báo việc bắt giữ cô sinh viên Nguyễn Phương Uyên cũng có ghi ngay ở đầu văn thư những chữ vô nghĩa lý đó. Rồi trong bức thư kêu cứu của gia đình cô Uyên người ta cũng đọc thấy những chữ Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc, những chữ nghe đầy nét cay đắng, mỉa mai.
Hay là người ta, em bé xin tiền cha mẹ, gia đình nguyễn Phương Uyên … cũng đã quen tay, quen miệng mà viết xuống những chữ vô nghĩa đó một cách vô thức vậy?
CONG HAM PHAM VAN DONG
Chứ nếu nhìn bức công hàm của Phạm Văn Đồng công nhận chủ quyền của Trung quốc ở những quần đảo của Việt Nam (Cộng Hòa) ký ngày 14 tháng 9 năm 1958 thì làm gì có độc lập.
LINH MUC LY
Hay nhìn bức ảnh chụp Linh Mục Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng tại tòa án thì tự do ở đâu?
HOC SINH BOI SONG
Và bức ảnh chụp những em bé mỗi ngày phải bơi qua sông để đi học vì địa phương không có tiền để xây một cây cầu thì hạnh phúc ở chỗ nào?
Gần bẩy mươi năm rồi, vẫn khốn khổ khốn nạn như vậy. Vẫn không độc lập, tự do và hạnh phúc gì hết.
Bởi thế, những chữ được cho đi kèm với danh xưng Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam mới là những từ ngữ vô duyên nhất thế giới.

Ngày 30 tháng 10 năm 2012
Bạn ta,
Hai người đàn ông bị đưa ra tòa hôm nay ở Sài Gòn đều còn trẻ: một người 34 tuổi, một người 37 tuổi.
Cả hai đều đã có gia đình, có con còn nhỏ và đều là những người sinh hoạt trong lãnh vực âm nhạc. Họ viết nhạc và hát những ca khúc của họ, những ca khúc được biết đến cả ở hải ngoại và được rất nhiều người hát trong thời gian gần đây. Những ca khúc họ viết là những tâm tình về đất nước, về quê hương, dân tộc.
Một người viết những bài hát mang những tựa đề như Rạng Ngời Nước Nam, Người Miền Trung, Vắng Em Vắng Mãi Câu Hò, Người Việt Nam… Người kia có hai bài được hát rất nhiều tại những nơi có người Việt sinh sống: Việt Nam Tôi Đâu? Anh Là Ai? Những ca khúc họ viết đều nói về quê hương, về tương lai dân tộc, về đời sống không mấy tốt đẹp về cái đất nước đang đi trên con đường đầy khốn khó. Cả hai đều yêu cái quê hương đau khổ đó.
Vì những ca khúc ấy, họ bị bắt và truy tố ra tòa.
Người 34 tuổi tên là Võ Minh Trí. Người 37 tuổi tên là Trần Vũ Anh Bình. Hai cái tên thật ấy có thể không được nhiều người biết, nhưng tên hiệu của họ thì nhiều người biết hơn: Việt Khang và Hoàng Nhật Thông.
Họ ra đời sau năm 1975, không một ngày nào sống dưới thời Việt Nam Cộng Hòa để có thể nói rằng họ ngưỡng vọng về cái chế độ đã bị bọn chó má bôi cho rất bẩn ấy để nói họ là "tàn dư" của chế độ cũ. Họ ra đời và lớn lên ở cái lãnh thổ được rêu rao bằng những mỹ từ hết sức đẹp là Độc Lập, Tự Do , Hạnh Phúc.
Họ thấy cả ba thứ bánh vẽ đã thiu thối từ lâu, mà cũng không hề có thực bao giờ nên họ quyết nói lên ước muốn có cả ba. Và vì thế họ bị bắt và bị đổ cho cái tội chống phá và tìm cách lật đổ nhà cầm quyền dựa trên khoản 2, điều 88 của bộ luật hình sự rừng rú. Với tội đó, họ sẽ bị mất đi mấy năm của tuổi trẻ.
Hai người đàn bà trẻ vợ của hai nhạc sĩ Việt Khang và Hoàng Nhật Thông sẽ không bao giờ có thể làm được công việc leo lên sân khấu khi chồng hát để ôm hôn mừng chồng. Hai đứa con trai của hai người sẽ không thể chạy lên sân khấu ọ ẹ "hát" chung với bố, hay sẽ không được báo chí viết những bài tường thuật rất "cute" đại khái nói là chúng thích ở khách sạn Hà Nội, lại được bố chúng nói là muốn chúng theo chân của bố là làm nghề ca hát... Hai đứa con của Việt Khang và Hoàng Nhật Thông thì chỉ biết nhớ bố, mong được gặp bố, mong cho gia đình được hạnh phúc trong một đất nước độc lập, một xã hội tự do như mẹ chúng đã kể với một nhà báo trong ngày hai người cha của chúng bị đưa ra tòa. Hai nhạc sĩ Việt Khang và Hoàng Nhật Thông sẽ không được trở về trong "vinh quang," gặp các "fan" ra đón ở phi trường. Hai ông ra tòa, gia đình không ai được bước chân vào khuôn viên tòa án. Phía ngoài tòa đầy những đầu trâu mặt ngựa công an chìm nổi chứ chẳng hề có fân fiếc, chó chiếc gì trao vòng hoa, cầm poster chào mừng.
Hai ông sẽ không người ngợm lùn tịt thước mốt, áo quần đỏ loét, vợ của hai ông sẽ không mini tớn tác đùi vế một khúc leo lên sân khấu rạng rỡ đứng bên cạnh chồng con như trong mấy bức ảnh chụp tại buổi hát mới đây ở một hí viện trong nước.
Đáng lẽ hai ông đã có thể đi ra nước ngoài, kiếm lấy hai phụ nữ, làm cái thẻ xanh, nhập tịch làm dân Mỹ, rồi về nước đi hát để kiếm tiền vân vân. Nhưng hai ông không muốn yên lành như vậy mà viết những bài hát nói thay cho hàng triệu người Việt khác về những khát vọng chung của mấy thế hệ bị lừa bịp, ngược đãi, đè nén cùm kẹp từ mấy chục năm nay.
Vì những bản nhạc bầy tỏ lòng yêu nước của hai ông, cả hai sẽ phải vắng nhà rất lâu. Nhưng hai ông sẽ còn rất lâu hơn nữa mới ra khỏi đầu óc và trái tim của những người Việt mang được sống đời độc lập tự do và hạnh phúc.
Mong hai ông, gia đình, vợ con bình an, sớm thoát khỏi bóng đêm đáng nguyền rủa của bọn chó má.
Mong bọn chó sớm chết cha chúng nó đi để không khí, sông núi hết ô nhiễm, dân tộc hết đọa đầy, tuổi trẻ được lớn lên trong tự do, độc lập và hạnh phúc đích thật chứ không là những thứ mồi nhử thối khắm đã treo trên đầu cả nước từ cái ngày oan nghiệt ở Ba Đình từ mấy chục năm trước.
Việc hai ông làm là những việc làm cao quí sẽ mãi mãi được ghi nhớ. Nhạc của hai ông mới là thứ nhạc đáng để hát lên chứ.
Còn chuyện hát hỏng của một con khỉ lùn thì có cái quái gì đáng để nói.
Thắc mắc làm đéo gì cho hôi người ra!

Ngày 31 tháng 10 năm 2012
Bạn ta,
Bạn biết rằng một chữ tiếng Ðức bẻ đôi tôi cũng chịu thua nên dĩ nhiên tôi không hiểu là trong lối nói của họ, người Ðức có dùng chữ nào giống như một  chữ của người Anh và người Mỹ mà tôi rất thích dùng hay không. Ðó là to bullshit.
Nếu có thì đúng là những đầu óc lớn gặp nhau. Còn nếu không, thì tôi tin chắc Bernd Eilts, ông nghệ sĩ người Ðức ở Bá Linh đã được gợi ý bởi chữ đó trong tiếng Anh.
Chắc phải là như vậy nên ông mới nẩy ra sáng kiến làm những chiếc đồng hồ bằng cứt bò.
Bernd Eilits dùng cứt bò phơi khô rồi mài, đục, sơn đi để làm mặt đồng hồ. Và những chiếc đồng hồ của ông tuy làm bằng cứt bò, nhưng giá không rẻ chút nào. Mỗi chiếc được bán với giá 150 Euros, tương đương với $140. Với $140, người ta có thể mua được một chiếc đồng hồ khá tốt. Ông cho biết trong tương lai, ông sẽ có đồng hồ đeo tay và luôn cả đồng hồ báo thức nữa. Tất cả đều có mặt làm bằng cứt bò.
Tại sao phải mua cái đồng hồ có mặt bằng cứt bò?
Thì để xem giờ mà … cứt bò, mà bullshit, mà nói tầm bậy tầm bạ, mà nói quàng nói xiên, mà nói toàn những chuyện vô bổ chứ còn gì nữa?
Tội nghiệp cho Montherland vô cùng. Khi ông còn sống thì không có những cái đồng hồ cứt bò. Nay ông chết rồi thì mới có nó.
Montherland, theo André Maurois kể trong cuốn Lettres À L'Inconnue, Thư Gửi Người Ðàn Bà Không Quen, nghĩ ra một chữ rất hay, chronophage, để chỉ một hạng người đáng sợ: hạng ăn thì giờ của người khác.
Ông Hàn Lâm André Maurois đặc biệt thù ghét bọn chronophage. Ông viết gần hai trang sách để nói một cách rất tàn bạo về loại người này. Ông gọi đó là một "con vật", ông mô tả nó là thứ cả gan không thể tưởng tượng nổi, lúc nào cũng sẵn sàng nhẩy tới làm mất rất nhiều thì giờ của chúng ta bằng những đống cứt bò của nó. Ông già Maurois cho rằng chúng ta phải tàn nhẫn với bọn chronophage, phải diệt chúng không một chút thương hại. Ông khuyên phải dẫm nát chúng, không thể tha chúng được vì chúng chỉ muốn cướp thì giờ quí báu của chúng ta. Ngay hơn hai ngàn năm trước, Sénèque cũng đã tâm tình với Lucilius rằng thì giờ quí báu vì mình có thể chết bất cứ lúc nào nên không thể để cho bất cứ một kẻ nào cướp đi cái bảo vật duy nhất nhưng lại phù du đó của chúng ta là thì giờ…
Thì giờ, theo ông già Maurois cũng như Sénèque, đáng quí như thế không thể để phí đi vì những trò bullshit, cứt bò như thế được.
Thì giờ phí cho chuyện bullshit thì phải đo bằng đồng hồ bullshit chứ.
Và đó là lý do để mua cái đồng hồ cứt bò của Bernd Eilts.
Tưởng tượng có người đến hỏi bạn là có thì giờ không, mà bạn biết chắc là sẽ được người kia dùng để bullshit, thì cứ việc vén tay áo lên, vạch cái đồng hồ ra và nói rằng theo cái đồng hồ bullshit thì bạn có được 10 phút cho chuyện bullshit
Nói rồi mong người hỏi còn sót lại một chút thông minh để hiểu rằng tôi bận lắm, không có bao nhiêu thì giờ để bullshit với ông đâu… có xéo không thì nói!
Chỉ để làm như thế thì mới nên mua cái đồng hồ bullshit.
Nhưng ông già André Maurois, ở cuối lá thư, quay trở lại tán người phụ nữ không quen biết bằng cách nói rằng một người đàn bà có duyên thì không khi nào trở thành một kẻ ngốn thì giờ cả, mà làm cho đời khỏi trống một cách thú vị nhất.
Ông già Maurois hình như chỉ muốn nói rằng phụ nữ duyên dáng thì không bullshit bao giờ.
Té ra ông Hàn Lâm cũng vẫn có thể lầm lẫn như thường.

Ngày 1 tháng 11 năm 2012
Bạn ta,
Ngay từ khi cuốn 1984 của George Orwell ra đời, người ta đã thắc mắc rằng liệu Oceania, cái xã hội kinh hoàng Orwell vẽ ra, cái xã hội trong đó, mọi người bị các Big Brothers theo dõi ngày đêm, kiểm soát từng lời ăn tiếng nói, cũng như tất cả suy nghĩ trong đầu, có thể có trong thế giới thật của chúng ta hay không, thì điều rất đáng buồn, và rất đáng lo sợ, câu trả lời cho thắc mắc đó là cái xã hội đó có thể có thật.
Orwell hy vọng Oceania được vẽ ra với những nét rất thật đó để thuyết phục độc giả của ông rằng cái xã hội đó có thật và có thể sẽ lại trở lại nếu chúng ta quên đi những bài học mà lịch sử dậy cho chúng ta.
Chúng ta đang bước lại gần hơn với cái xã hội đáng sợ đó. Và chúng ta không làm gì được để tránh nó.
Các khoa học gia tuần qua đã phát minh ra một dụng cụ để đọc được những gì chúng ta nghĩ trong đầu. Những câu hỏi như “Này, đang nghĩ gì mà đần mặt ra như thế? Nói nghe coi!” sẽ không còn có thể trả lời một cách dễ dàng như trước nữa.
Thí dụ không thể trả lời cho có, đại khái “ À thì đang nghĩ về những ân sủng mà Thượng đế đã đoái thương ban cho đời sống … một mái nhà tranh, hai quả tim vàng đập chung một nhịp của chúng ta đấy chứ có dám nghĩ gì khác đâu …”
Những câu trả lời như thế trước đây đều được chấp nhận ngay. Nhưng với phát minh mới đây, những câu trả lời như vậy sẽ bị cho thấy ngay đó là những câu nói dối, những điều không đúng sự thật. Người bị hỏi được cho một cơ hội để trả lời lại cho đúng như suy nghĩ trong đầu mới được. Nhưng khi trả lời đúng thì cách gì sống nổi.
Những câu hỏi như “ Nè, tui có cần đi sửa gì không thì nói tui nghe coi…” mà trả lời “ Không… sao lại sửa để thành lợn què … ” cũng sẽ không thể chấp nhận được. Trong khi nếu trả lời “ Có chứ!” và chạy vào bàn giấy lôi trong hộc tủ ra một danh sách dài khoảng hai trang ghi rõ những khu vực cần sửa thì máy sẽ cho biết là nói thật. Nhưng nói thật như thế rồi làm sao đối diện với sự thật trước mặt?
Bộ máy mới phát minh không dễ đánh bại như những cái máy dò nói dối trước đây nữa. Những cái polygraph có thể qua mặt dễ dàng. Khi trả lời, cứ khấn Phật Bà Quan Âm, lòng sẽ thanh tịnh, bình lặng, nhịp tim sẽ đều, không nhẩy lên, nhẩy xuống, mồ hôi không toát ra ở tay, ở thái dương, nhịp thở bình thường, đồng tử không mở đóng bất thường, không cà lăm nữa … Mọi câu hỏi có thể trả lời như ý của người bị hỏi mà máy không thể nào tống ra cái biểu đồ như địa chấn kế Richter trong lúc động đất 8 chấm …
Thế nhưng bây giờ, bộ máy mới do các khoa học gia thuộc đại học Pennsylvania phát minh có thể đo được lượng máu đổ dồn lên vùng chuyên dùng để nói dối của não bộ. Khi hiện tượng này diễn ra, tia tử ngoại có thể nhìn thấy ngay được, và đèn đỏ sẽ bật lên loạn xạ để báo hiệu một câu nói dối đang thành hình. Mọi chi tiết tốt đẹp trong câu trả lời đều được đưa ra chỉ nhắm mục đích cứu lấy cái đít của người trả lời, như một cách nói của người Mỹ (… to save one's ass).
Những cái máy như thế, trong vòng mười năm nữa, sẽ thông dụng như những chiếc VCR trong nhà chúng ta hiện nay. Và khi nó được thu nhỏ lại như những chiếc thẻ tín dụng, lúc nào cũng để sẵn trong ví đầm, trong xách tay, hay đeo tòn ten trước ngực thì làm sao sống?
Ðường xa, nghĩ nối sau này mà kinh… là vậy.

Ngày 2 tháng 11 năm 2012
Bạn ta,
Một người đàn ông ở thị trấn Cornwall đã làm được những chuyện chúng ta chỉ ao ước cả đời mà không làm được.
Ông làm tôi nhớ đến một ông cụ nay đã quá cố, thân sinh bạn của tôi. Cụ đi làm suốt hơn nửa thế kỷ, chỉ kẹt lắm mới nghỉ vài ba ngày trong suốt bằng ấy năm. Cuối cùng, cụ quyết định về hưu, và dự tính làm một số chuyện khi thời giờ không còn lệ thuộc vào công việc nữa.
Cụ về hưu được đúng một tuần thì qua đời.
Cũng như Phan Thanh Giản trong một bài thơ, "duy còn sinh tử tự ư Trời."
Phải chi mà biết trước được chuyện ra đi, chắc ông cụ không làm việc chăm chỉ như vậy. Cụ phải nghỉ hưu từ lâu, làm tất cả những chuyện muốn làm mà chưa làm được. Thí dụ đi tới những nơi mà một cuốn sách gợi ý là nên đi trước khi chết.
Tới Vạn Lý Trường Thành hét lên một tiếng coi có lung lay bóng nguyệt không, trở lại để xuôi xuống dòng Montparnasse, ngược lên dòng Sacré Coeur như trong thơ Vũ Hoàng Chương, đến La Mã, thành phố của một ngàn đêm trăng, trở lại Huế, đi kiếm rặng liễu nơi người cung phi Thị Bằng đã đứng ngồi...
Ít nhất cũng phải làm được vài ba chuyện như thế rồi thì có nhắm mắt thì cũng... đồng ý nhắm mắt.
Người đàn ông 62 tuổi tên là John Brandrich cách đây hai năm được cái tin không vui từ một y sĩ khám bệnh cho ông. Ông được thông báo là bị ung thư lá lách và chỉ còn sống được khoảng một năm là cùng.
Ông đón nhận cái tin khủng khiếp đó một cách bình thản. Ông nghỉ việc, bán và cho đi gần hết những đồ đạc, vật sở hữu, và đem hết tiền dành dụm ra đi ăn chơi thỏa thích.
Nhưng một năm sau, ông thấy vẫn chưa chết nên đi khám lại xem tại sao chưa chết thì được biết là cái bướu thực ra không phải là bướu ung thư mà là trường hợp lá lách bị sưng nhưng không đe doạ tới tính mạng.
Lúc ấy, ông chỉ còn một bộ quần áo trên người và trong ngân hàng thì không còn một đồng nào.
Ông kiện người y sĩ đã chẩn đoán bệnh sai cho ông. Ông nói rằng ông không chết thì cũng vui nhưng vì lời chẩn đoán không đúng, ông đã tiêu hết tiền để dành. Ông đòi được bồi hoàn số tiền ấy.
Ðọc bản tin viết về ông, tôi vừa muốn ông thắng kiện, vừa thấy ông thua kiện cũng chẳng sao.
Ông nên được nhà thương hay người thầy thuốc bồi thường cho ông một số tiền vì việc chẩn đoán sai đã khiến cho ông phải đau đớn, khổ sở không ít. Tưởng tượng có người nói sẽ chết trong vòng một năm thì còn điều gì đáng sợ, đáng lo lắng cho bằng. Bao nhiêu chuyện chưa làm, bao nhiêu người chưa gặp, bao nhiêu nơi chưa đến. Thần chết cầm cái lưỡi hái đứng chờ ngoài cửa, vừa chờ vừa bóc cuốn lịch. Ông nên được bồi thường một khoản tiền.
Còn chuyện trả lại cho ông số tiền ông đã tiêu để ăn chơi suốt một năm thì chưa chắc là đã cần thiết.
Ông tiêu tiền của ông cho cái xác của ông. Ông đi du lịch đây đó cả năm, không một chút bận tâm. Ông làm những việc mà nếu không có lời chẩn đoán sai đó liệu ông có dám làm không? Hay cứ gói bạc ôm khư khư như thằng ăn mày giữ cái bị, ăn tô phở cũng không dám ăn, gọi một cú điện thoại viễn liên cũng không dám gọi, thấy cái ca vát đẹp cũng không dám... chiều cái cổ một chút. Rồi một hôm lăn đùng ra chết thì... chết như vậy làm gì?
Ðằng này ông kiếm bà bạn đi một chuyến vòng quanh thế giới, ghé Paris mang chai champagne lên cầu sông Seine uống với nàng một ly, rồi quăng cả chai lẫn ly xuống sông, khoác vai tới ngồi bên cầu Mirabeau nhìn xuống giòng nước lặng lờ trôi, chuông reo, ngày đi, chúng ta ở lại như thơ Apollinaire mà không sướng ư...
Rồi hết tiền thì đã sao? Ông cho biết ông còn cái nhà chưa bán.
Thế thì lo làm cái gì? Ông đọc Nguyễn Công Trứ chưa? Chưa thì đọc cho ông hai câu thôi nhé:
Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy
Không chơi đi, thiệt đấy ai bù
...
Ðáng lẽ ông phải cám ơn ông thầy thuốc đã cho ông hưởng lạc thú suốt một năm mà vẫn không... chết mới phải.