April 11, 2014

April 11, 2014

PHÚNG ĐIẾU
Phúng là lễ vật mang cúng người chết. Phúng có thể là thức ăn, có thể là tiền bạc để giúp cho tang gia chi trả cho những chi phí của đám tang.
Điếu là viếng thăm người chết. Có thể là tới thăm người quá vãng lần cuối, thắp nén hương, cúi lạy trước quan tài, dừng lại trước linh cữu của người ra đi. Phúng và điếu thường đi đôi với nhau. Đã mang phẩm vật đến cúng thì tiện thể viếng thăm người chết luôn. Ít khi chỉ có phúng mà không điếu. Nhưng cũng có thể đến phúng nhưng không điếu. Chỉ phúng mà không điếu có thể là do ý muốn của tang gia. Chuyện từ chối nhận phúng có thể có nhiều lý do. Tang gia có thể là đã giầu có, dư thừa, không muốn gây khó khăn cho bạn bè. Người ta đã cất công tới điếu mà lại phải mang theo đồ phúng, với nhiều người có thể không tiện.
Cũng có thể tang gia không muốn mắc nợ ai, ngay cả trong chuyện tang ma nên nhất quyết không nhận đồ phúng. Hay tang chủ có thể là người nhiều tự ái: chúng tôi lo lấy được, không cần những giúp đỡ từ bên ngoài, theo những dặn dò của người đã ra đi.
Nhưng vì phúng và điếu hay đi kèm với nhau, và cũng là hai chữ không thể rời nhau được nên hai chuyện phúng và điếu vẫn lại cứ dính liền với nhau. Hễ có phúng thì phải có điếu. Thế nên tang gia tuy không muốn nhận phẩm vật cúng người chết thì lại thuận miệng để nói là "miễn phúng điếu".
Vậy là xin đừng đến thăm (phúng) hay sao? Chắc không phải vậy.
Nhưng bạn bè của người chết, những quen thuộc của tang quyến thì hiểu là điếu thì cứ điếu, nhưng phúng thì đừng. Tuy vậy, chẳng lẽ gia đình người chết lại nói rõ ra thành "xin phúng nhưng đừng điếu". Không thấy một cái cáo phó nào nói rõ ra như thế.
Có một số gia đình viết trong cáo phó là xin miễn vòng hoa, và thay vì vòng hoa thì xin gửi tặng tiền chi phí vòng hoa cho một tổ chức từ thiện, hay cho một chương trình nghiên cứu căn bệnh mà người nằm xuống đã ra đi vì căn bệnh đó.
Nhưng cũng có nhiều người tuy được nhắn nhủ là miễn vòng hoa thì vẫn cứ vòng hoa như thường. Tang gia cũng không phản đối. Bầy tỏ lòng thương nhớ người đi bằng vòng hoa thì sao lại cấm? Chuyện ấy, là bạn bè thì cho dù có cấm thì vẫn cứ làm như thường.
Tang gia mặc dù không nhận đóng góp tiền bạc (phúng), nhưng chỗ thân tình, bạn bè biết tình hình tài chính của tang gia thì cứ gửi chút ít. Chắc không ai nỡ từ chối, không nhận những giúp đỡ của bạn bè.
Những căn dặn như "xin miễn phúng điếu" trên các trang cáo phó, chúng ta đọc được không ít. Chúng ta vẫn phúng, và vẫn điếu như thường.
Cách đây không lâu, tôi có người bạn đau nặng đã mấy năm. HXS, một người bạn rất thân của anh ở Canada, quen nhau cả hơn nửa thế kỷ từ Huế rồi lại vào đến Sài Gòn và ra hải ngoại. HXS đến thăm bạn và sau đó có viết một e-mail cho những người cũng quen biết người bạn đau nặng và nói thẳng về hoàn cảnh gia đình không mấy khả quan của người bệnh và kêu gọi những người bạn gửi quà cho gia đình người bạn đang đau nặng. HXS nói thẳng là bạn bè nên "phong bì" cho gia đình bạn.
Chúng tôi chuyển cho nhau lá thư e-mail đó và một số người hưởng ứng đã "phong bì" ngay. Cả những người không quen biết bạn tôi bao nhiêu cũng đáp ứng liền.
Nhưng lập tức, ngay sau e-mail của HXS thì một người nhận là quen biết thân tình với người bạn đang đau nặng và gạt phăng đề nghị "phong bì", nói rằng vợ của người bệnh rất tự ái và việc "phong bì" sẽ bị chị coi là rất "phản cảm". Ông ta yêu cầu là đừng "phong bì" gì hết. Cứ cầu nguyện cho người bệnh là được rồi.
Cũng may là những người bạn khác đã "phong bì" liền ngay sau khi đọc e-mail của HXS và không làm theo đề nghị ấm ớ của người đàn ông kia.
Gia đình đang gặp nhiều chuyện khó cùng một lúc thì chắc chắn khi nhận được những "phong bì" của bạn bè nhất định sẽ không thấy "phản cảm" gì hết mặc dù có thể vợ người bạn tôi rất tự ái.
Còn riêng tôi thì tôi thấy rất là "phản cảm" về cái e-mail của người đàn ông vớ vẩn nọ.
Gia đình chưa kịp "xin miễn phúng điếu" trong cáo phó thì ông ta đã nhanh nhẩu đoảng e-mail một cái để xin miễn "phúng điếu" hộ rồi.
Rõ là vớ vẩn.

CẢ LÀNG NHẬN TỘI GIẾT NGƯỜI
Ở Quảng Trị cách đây không lâu có xẩy ra vụ hai người bị nghi là trộm chó bị đánh chết tại chỗ. Vụ này xẩy ra từ tháng 8 năm 2012 đến ngày 28 tháng 3 vừa qua tòa Quảng Trị mới xử. Có 10 người bị tòa phạt nhẹ nhất là 2 năm tù treo và nặng nhất là 3 năm tù ở.
Dân làng Nhĩ Trung, nơi xẩy ra vụ đánh người trí mạng này có vẻ không đồng ý về những bản án vừa kể, nói rằng tòa quá nặng tay với những người bị truy tố về tội gây thiệt mạng cho hai người đàn ông trộm chó.
Như vậy, theo những người dân Nhĩ Trung, tội giết người bị phạt tù treo 2 năm và 3 năm tù ở là quá nặng. Vậy thì những bản án phải như thế nào mới được coi là không nặng?
Sau khi tòa có phán quyết thì lập tức 68 người dân làng gửi đơn cho công an xã Gio Thành nhận là có nhúng tay vào vụ hành hung trí mạng đó và muốn tòa xử lại.
Thông thường thì khi xẩy ra những vụ giết người gia trọng như thế thì nghi can phải chối ngay. Nghi can đã thế, và luôn cả thủ phạm cũng đều làm như vậy. Chối bay chối biến lập tức, hy vọng thoát tội. Những người không liên can thì lại càng phải đứng ra thật xa, tránh bị kéo vào mà bị liên lụy, vạ lây.
Nhưng người dân làng Nhĩ Trung thì lại hành xử ngược lại. Gần 70 người viết thư cho công an nhận tội đánh chết những người trộm chó. Người thì khai là có tát tên trộm chó mấy cái, người thì nhận là có dùng gậy đánh nạn nhân một gậy. Người già nhất là một lão ông ngoại bát tuần. Người trẻ thì trong hạng tuổi ba mươi.
Những lá thư nhận tội đã đặt ra những điều khó xử. Tòa án cũng như công an địa phương đều không kêu gọi dân làng đứng ra nhận tội. Lý do là cuộc điều tra đã kết thúc, đã tìm ra thủ phạm đưa ra xử. Nay tòa đã tuyên án thì dân làng đứng ra nhận tội đòi xử lại.
Như thế là làm sao? Những người dân làng này bỗng nhiên trở thành những công dân thành thật, gương mẫu, làm lỗi thì nhận, không né tránh? Những người nhận là có tội thì muốn được trừng phạt đích đáng?
Chắc không phải vậy. Có thể là những người dân làng cho là toàn thể hệ thống luật pháp không còn làm được nhiệm vụ bảo vệ người dân nữa, luật pháp đã để cho những hoạt động phạm pháp được thảnh thơi diễn ra mà không có bất cứ một biện pháp ngăn chặn những hoạt động đó để người dân được sống trong yên lành.
Những vụ trộm chó vẫn còn đang diễn ra rất nhiều trên khắp nước. Người ta đã phải có một danh từ mới để gọi những thành phần này: cẩu tặc.
Ở khắp nơi, những vụ trộm chó diễn ra ở mức độ đáng ngại. Những cẩu tặc thường đi thành cặp, mang theo hung khí sẵn sàng tấn công những người tìm cách ngăn chặn hành động trộm chó của họ. Dĩ nhiên, chủ chó và những người dân sống tại nơi xẩy ra những vụ trộm chó cũng phản ứng mạnh. Nhiều cẩu tặc đã bị đánh trọng thương và cũng đã có một số bị đánh chết. Các vụ trộm chó vẫn tiếp tục diễn ra. Một cặp trộm chó trong một đêm có thể trộm cả chục con chó. Và đó là lý do người dân phải hành động. Nhà cầm quyền chỉ hành động lấy lệ với những biện pháp trừng phạt quá nhẹ nên dân chúng phải ra tay ... hành pháp. Việc dân chúng đứng ra nhận tội giết người chính là để nói với công an và tòa án rằng các người không làm trách nhiệm được trao phó thì chúng tôi làm. Giết bọn trộm chó để trừng phạt chúng. Và đã xẩy ra nhiều vụ mạng chó đổi mạng người.
Ở Nghệ An, hàng ngàn người đã hành hung gây trọng thương và trí mạng cho hai người trộm chó và không cho xe cứu thương chở các đương sự đi bệnh viện.
Ở xã Nga Phú thuộc tỉnh Nam Định, khoảng 300 người dân đã hành hung hai người bị bắt quả tang leo tường trộm gà. Một trong hai người đã thiệt mạng. Người kia bị thương tích trầm trọng.
Ăn cắp một hai con gà mà bị đánh chết đau đớn như thế.
Đất nước chúng ta đã trở thành một miền đất hung hiểm như thế sao?

Đạo đức Hồ Chí Minh mà người ta đem ra dậy nhau từ mấy chục năm nay đã đưa tới những chuyện đau lòng ấy ư?