April 25, 2013

April 26, 2013


Ngày 22 tháng 3 năm 2013
Bạn ta,
Tôi vẫn còn chưa hoàn hồn sau khi được bạn gửi cho xem hình tấm bia dựng dưới chân một cây gạo ở đền Mõ thuộc thôn Nghi Dương, xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng với những chữ tiếng Anh do một thiên tài dịch thuật nào đó thực hiện, thì hôm nay một người bạn khác gửi cho xem mấy bức ảnh chụp những tác phẩm dịch thuật mới cũng xuất xứ ở Việt Nam.
Cùng với bức hình chụp thứ tiếng Anh tầm bậy tầm bạ bạn gửi lần trước, tôi còn được xem trong internet những hình chụp buổi lễ khánh thành tấm bia. Trong những bức ảnh đó, có các "quan chức" quần áo bảnh chọe đứng ngồi nghiêm trang, vì chẳng gì bọn chúng cũng thuộc một cơ quan khoa học kỹ thuật. Tôi không thể dành bất cứ một sự nể trọng tối thiểu nào cho cái bọn dốt nát đó. Cả bọn trong cái gọi là tổ chức khoa học kỹ thuật đó không có lấy một đứa nào nhìn ra những cái lỗi dịch thuật khủng khiếp và vô học trên tấm bia để dẹp nó đi, hay tạm che lại rồi mang đi sửa. Tất cả trong hình đều đầy vẻ tự mãn chắc vì có chân trong hội, lại có công dựng tấm bia viết bằng song ngữ cho khách nước ngoài đến "tham quan" và chiêm ngưỡng (rồi cho khách cười vãi cứt ra vì thứ tiếng Anh láo lếu đó).
Mấy tấm ảnh tôi vừa nhận được cũng với thứ tiếng Anh cười đến vãi cứt như thứ tiếng Anh ở đền Mõ. Đọc những chữ trên những tấm bảng song ngữ đó thì ai cũng phải thấy ngay là chúng được chụp trong một bệnh viện. Và điều đó lại càng đáng nói ở đây. Các y sĩ trong bệnh viện mà cũng dốt ngoại ngữ như thế hay sao? Không có ngoại ngữ làm sao học hỏi được thêm kiến thức của y học nước ngoài? Bộ tất cả bệnh viện đều dốt đến độ không nhìn ra được những sơ sót của những chữ tiếng Anh trên những tấm bảng treo cùng khắp trong bệnh viện hay sao?
DICH THUAT 2
Trước hết là những chữ này: "Allocated where drugs". Dòng tiếng Việt ở trên ghi là NƠI CẤP PHÁT THUỐC. Tự nhiên tự địa quăng ra chữ ALLOCATED không phải là past tense, cũng không phải là past participle. Cứ ALLOCATED chơi khơi khơi vậy thôi. Rồi ấn cha nó WHERE nghĩa là "ở đâu" vào. Chẳng hiểu đó là preposition hay conjunction, hay adverb, hay pronoun, hay noun … gì hết. Chữ DRUGS là chữ được coi là chữ duy nhất dùng đúng.
DICH THUAT 3
Tấm bảng kế tiếp nguyên văn tiếng Việt là LỐI ĐI NHÂN VIÊN thì được dịch sang tiếng Anh là Employee Entrsnces Go. Cẩn thận thêm chữ GO vào cuối cho có nghĩa "đi". Entrsnces thì sai chính tả cũng không đứa nào nhìn ra. Tại sao không viết là EMPLOYEES ONLY?
Tấm bảng thứ ba tiếng Việt là NƠI TIẾP NHẬN BỆNH được dịch sang tiếng Anh là Where patients receive. Lại lôi WHERE ra dùng vô tội vạ. Tại sao không viết là PATIENTS REGISTRATION?
Tấm bảng thứ tư là P THỦ THUẬT NỘI. P là PHÒNG. Tại sao viết tắt? Dòng chữ tiếng Anh ở dưới viết Internal Procedure Room thì bố Mỹ cũng không cách nào hiểu nổi.
Mà tại sao phải "song ngữ" như vậy? Mỹ nào vào cái thứ bệnh viện dốt nát như thế mà dở khắm, dở thối ra bằng Anh ngữ?
Nhân viên bệnh viện dốt như thế. Hội khoa học kỹ thuật cũng dốt như trong tấm bia ở đền Mõ.
Vậy thì tấm bảng của một tiệm ăn dịch con ba ba là con "Three three" là tuyệt chiêu rồi còn chi! Gà đồi thì dịch là Chicken hill để thực khách có thể hiểu là lôi cha nó cả quả đồi đem vào bếp nấu cho tiện việc sổ sách hay sao?
Mẹ kiếp mua sách Tầu dậy Anh ngữ về học với nhau thì Ăng lê như vậy chứ còn gì nữa?

Ngày 23 tháng 4 năm 2013
Bạn ta,
Hôm qua, mục Ann Landers của bạn lại đăng mấy bức thư của các phụ nữ than phiền về việc các ông chồng không chịu thải đi những chiếc áo lót, quần lót cũ, và tiếp tục mặc chúng mặc dù chúng đã rách, đã thủng nhiều lỗ.
Một bà còn cho biết là vứt chúng vào thùng rác cũng không giải quyết được vấn đề, vì ông chồng bà ra thùng rác lục, kiếm lại và... mặc tiếp.
Các phụ nữ này rất khó chịu vì các ông chồng vẫn cứ tiếp tục giữ và mặc những thứ đáng lẽ phải phế thải từ lâu. Các bà chịu thua, không biết làm cách nào thuyết phục những người đàn ông này dẹp bỏ những thứ quần áo lót đã cũ đó.
Toàn là những ý kiến dại dột.
Ðáng lẽ những người phụ nữ này phải khuyến khích chồng mặc những thứ quần áo lót cũ đó thay vì bắt các ông mặc những thứ đẹp và lành lặn mới phải.
Những người đàn ông mặc những chiếc áo lót, quần lót cũ là những người đàn ông tử tế, những người chồng tốt, trung thành với vợ, không lạng quạng mỗi khi ra ngoài đường.
Các bà vợ đáng lẽ thấy chồng mua quần áo lót mới thì phải quăng đi ngay, lục thùng rác kiếm lại những chiếc áo lót quần lót cũ bắt những người đàn ông này mới phải. Chứ ai lại quăng những thứ cũ đi, bắt chồng mặc những thứ mới vào.
Ðây nhé: khi những người đàn ông này mặc những thứ quần áo lót cũ, thì họ nghĩ là chỉ có các bà vợ mới thấy được chúng. Mà các bà vợ thì dầu gì cũng đã biết nhau hết, chẳng cần dấu nhau gì nữa. Cứ thoải mái quần sà lỏn áo may ô rách đi lại thơ thới trong nhà là được rồi.
Chỉ khi nào những người đàn ông này để cho những người đàn bà khác hơn là vợ mình, những sự quen biết mới, nhìn thấy, chiêm ngưỡng những bộ quần áo lót đó, thì việc mặc những chiếc áo quần lót mới, sạch sẽ, lành lặn... mới là điều những người đàn ông này thấy cần phải làm.
Vì thế, tự nhiên thấy những người đàn ông này thình lình khuân một đống quần áo lót mới về, mặc vào rồi đứng ưỡn ẹo trước gương, đi tới đi lui, ngắm nghĩa mãi không... dứt ra được mà đi, thì các bà nên lột ngay chúng ra, quăng vào sọt rác, bắt mang những chiếc quần lót, áo lót cũ, rách trước rách sau ra mặc vào, lấy mực đánh dấu vào rồi mới cho ra đường.
Những người đàn ông này có nại bất cứ lý do gì để biện minh cho việc quần áo lót cần phải đẹp thì cũng dẹp ngay những lý luận đó đi và bắt quay về với đống quần áo lót cũ.
Nếu ông ta nói rằng phải mặc quần lót đẹp và mới, phòng khi... thình lình bị đưa vào bệnh viện, khỏi ngượng với y tá thì phải trấn an ông ta ngay rằng để vợ lãnh cái ngượng đó cho, cứ thoải mái lên giường cho các nữ y tá khám, rồi sẽ có mấy cái cũ ở nhà mặc tiếp.
Nhưng chuyện nên mặc quần áo lót cũ chỉ áp dụng cho những người đàn ông. Ðàn ông càng mặc quần áo lót cũ càng đẹp và càng đem lại sự yên tâm cho vợ.
Các phụ nữ thì không. Càng mặc quần áo lót mới càng tốt.
Sushi thực ra không ngon lành bao nhiêu so với các thứ khác. Người ta thích sushi phần lớn chỉ vì cách trình bầy của nó. Cứ thử tắt quờ quạng ngồi ăn trong bóng tối coi sushi có còn ngon nữa không.

Ngày 24 tháng 4 năm 2013
Bạn ta,
Đến nay tôi vẫn không hiểu tại sao gia đình tôi gần như bao giờ cũng ở những con đường có những cái tên nghe rất lạ kỳ ở Việt Nam. Trong khi có những con đường khác chỉ cần nghe tên đã thấy đẹp rồi, thì gần hết những địa chỉ của chúng tôi ở Hà Nội cũng như Hải Phòng và Sài Gòn đều mang những cái tên đường nghe rất kỳ quái.
Tại sao chúng tôi phải ở căn nhà phố Hàng Kênh (Hải Phòng) thì tôi hoàn toàn không hiểu được. Nếu tên đường là Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Lược … thì tôi hiểu. Nhưng Hàng Kênh thì tôi chịu thua. Đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu Kênh là cái gì nữa. Rồi sau phố Hàng Kênh, thì đến phố Hàng Bột ở gần Văn Miếu. Hàng Bột thì hiểu được. Nhưng cái tên ấy không hay. Làm sao nghe văn vẻ được như Thuyền Quang, Thọ Xương, Quan Thánh …Mãi mấy năm sau chúng tôi mới thoát được phố Hàng Bột (gần chợ Con Bò) để tới một địa chỉ nghe bình thường hơn là phố Sinh Từ, ngõ Yên Sơn. Nhưng rồi không bao lâu, chúng tôi lại rời căn nhà ông bố tôi mua ở gần cửa Nam để di cư vào Sài Gòn năm 1954.
Sau khi rời trại tạm cư ở Khánh Hội, chúng tôi dọn đến căn nhà ở một con đường nghe cũng kinh dị không kém, đó là đường Da Bà Bầu, Chợ Lớn, cái tên mà ông bố tôi cứ gọi đùa bằng tiếng Tây là peau de la dame enceinte. Thực ra, Da Bà Bầu là chỉ có nghĩa là cây đa cạnh cái quán của một phụ nữ tên là Bầu chứ không hề dính dáng gì tới lớp da của người thai phụ, mà khi đàn hồi lại sẽ nhăn nhúm như cái đèn xếp, theo cách mô tả của Thụy Vũ trong một truyện ngắn của bà.
Khi tên Da Bà Bầu đổi thành Nhựt Tảo thì ông bố tôi mua căn biệt thự ở đường Nguyễn Văn Học, Gia Định. Tưởng được ở lâu với nhân vật lịch sử này thì tháng 4 năm 1975, ông phải bỏ nó để đi ra nước ngoài. Điều đó làm chúng tôi tin là hễ ở một con đường có cái tên đẹp là y như chúng tôi không ở lâu được, phải đổi qua một địa chỉ khác.
Nhưng thực ra, khi nhìn lại, tôi thấy những cái tên đường mà gia đình chúng tôi đã ở qua cũng không đến nỗi nào.
Ở Toronto, Canada, ông bà cụ tôi ở với chú em trên một con đường nghe cũng tử tế: Dufferin. Tưởng tượng phiêu bạt sang Pennsylvania, chọn ngay thị trấn đất lành này mà đậu lại thì cũng phiền lắm.
Đó là thị trấn Intercourse.
Intercourse là một cái tên đầy những gợi ý (?). Và chính vì những gợi ý đó, những tấm bảng viết tên của thị trấn không bao giờ ở lâu được tại lối vào của Intercourse. Du khách dừng lại bên tấm bảng đó để chụp hình, rồi sau đó gỡ mang về làm kỷ niệm, nhất là những cặp tân hôn. Có phải họ muốn luôn luôn được cái tên của thị trấn ấy nhắc nhớ những sinh hoạt trong chuyến đi đầu tiên của đời sống hôn nhân đó không?
Nhưng Intercourse dẫu sao cũng có thể hiểu là những sinh hoạt khác nữa. Thí dụ nó có thể là social intercourse chẳng hạn, những giao tiếp bạn bè, xã hội chứ nào phải chỉ là những giao tiếp (?) ấy.
Ở Việt Nam, tỉnh Hòa Bình, có một xã với cái tên nghe … bộc trực hơn, mà nếu không có tấm ảnh chụp tôi gửi kèm thư này thì bạn khó tin là ở đất nước chúng ta lại có một cái xóm mang cái tên đó.
Chao ơi, sống ở Pennsylvania thỉnh thoảng đến thăm thị trấn Intercourse, có ai hỏi đi đâu về mà trả lời "I just went to … Intercourse" cũng đã là vui, cũng đã là khoe khoang hơi nhiều, cũng đã là thành thật khai báo đầy đủ quá rồi!
Nhưng nếu đi thăm Hòa Bình, rồi ghé cái xóm ở huyện Kỳ Sơn, và thành thật khai báo là mới đi cái xóm ấy về thì không biết người nghe sẽ nghĩ sao về chuyến đi đầy kỳ thú đó!
Vui thật. Nhất là ở cái tuổi không còn hơi sức đâu mà lại dám khoe (?) ra chuyện đó một cách thành thật có thể dẫn chứng được bằng mấy tấm hình chụp ở ngay lối vào cái xóm có cái tên rất vui đó.

Ngày 25 tháng 4 năm 2013
Bạn ta,
Nước ta vừa làm một công việc hết sức ngu xuẩn, đó là đòi cắt bỏ một khúc (?) của Bác Hồ.
Nội vụ xoay quanh cuốn sách của một học giả người Mỹ, William J. Duiker. Sau hơn 20 năm đào bới những tài liệu liên quan đến đời sống của Bác, mới đây William Duiker đã viết xong một cuốn sách dầy 695 trang nhan đề Ho Chi Minh: A Life.
Cuốn sách là một công trình nghiên cứu nghiêm túc, được mục điểm sách của tờ Washington Post coi là tác phẩm thẩm quyền nhất về Hồ Chí Minh, nên nhà nước muốn dịch sang tiếng Việt để in ở trong nước, cho tiện việc rêu rao rằng ngay như bọn Mỹ mà cũng phải viết về Bác huống hồ là nhà nước và báo Nhân Dân vẫn mỗi ngày vẫn đào Bác dậy, in vài ba câu nói để đời của Bác mặc dù không ma nào thèm đọc những thứ phát ngôn ngớ ngẩn đó nữa. Tuy nhiên, trong bức thư gửi cho nhà xuất bản Hyperion Books ở New York, nhà nước xin được bỏ, nghĩa là không dịch một số trang của cuốn sách, lấy lý do là những đoạn đó "không phù hợp với những thông tin trong hồ sơ của nhà nước" -- nguyên văn trong thư: "... do not conform with the information in our files."
Tăng Tuyết Minh vợ Tầu đầu tiên của HCM
[转载]伪装的鳏夫鈥斺敽久骱退呐笥衙
Vợ chồng Lê Hồng Phong, Trần Thị Minh Khai
Nhà nước không nói thẳng ra đó là những trang nào, đề cập đến những gì. Nhưng tác giả cuốn sách, William J. Duiker, thì biết ngay đó là những đoạn nói về cuộc đời tình ái của Bác Hồ, những thứ mà nhà nước không bao giờ muốn nói đến từ bao nhiêu năm nay, thậm chí thẳng tay bác bỏ, để tô vẽ ra hình ảnh của một người dâng hiến cả đời cho đất nước, không có thì giờ cho những chuyện... vặt vãnh như những người đàn ông tầm thường khác.
Tác giả Duiker nói rằng nhà cầm quyền Hà Nội chỉ chưa chịu nói hẳn rằng Bác Hồ còn trinh mà thôi (nguyên văn: While not flatly saying that he was a virgin... they strongly deny any formal, serious relationships...). Nhưng dấu vết (?) của những chuyện vặt vãnh ấy thì nhìn đâu cũng thấy.
Thực ra, những chuyện vặt vãnh ấy Bác Hồ làm nhiều lắm. Mấy chuyện vặt vãnh đó được ghi chép khá đầy đủ trong cuốn sách của William Duiker. Bây giờ dịch ra tiếng Việt, lại để nguyên những đoạn ấy thì hoá ra nhà nước và Bác bấy lâu nay toàn một bọn nói láo hết (như mọi người đã biết) cả sao?
Cuốn sách của tác giả Duiker có đoạn kể rằng năm 1927, Bác có lấy vợ ở bên Tầu, một người đàn bà mà Duiker mô tả là ít học (poorly educated) nhưng khá xinh (but comely) ở Quảng Ðông. Ðó là lúc Bác Hồ làm thông ngôn cho phái đoàn Nga cạnh chính phủ Tôn Dật Tiên. Ít lâu sau, chiến tranh Quốc Cộng giữa Mao và Tưởng xẩy ra, hai người mất liên lạc.
Marie Bière
Cuốn sách của William Duiker kể thêm những vụ ái tình lẻ khác của Bác như với Nguyễn thị Minh Khai cùng vài ba chuyện lẻ tẻ khác ở Nga và ở Pháp. Ở Pháp, Bác liên hệ với một bà đầm mà Bùi Tín có kể lại. Bà đầm có cái tên rất ly kì, không phải là Marie Sến gốc gác vô sản như chúng ta có thể nghĩ, mà là Marie Bière. Nghề... bia ôm bắt đầu có từ khi Bác vòng tay ra ôm em bé Marie ở Paris. Mãi mấy chục năm sau, các cháu, các con của Bác mới nối được nghiệp Bác.
Cũng trong những năm còn trẻ, hồi ở Hoa Nam, Bác còn cả gan mê cả Ðặng Dĩnh Siêu, vợ của Chu Ân Lai. Tại sao họ Chu không biết để nước Việt Nam còn khổ tiếp với Bác vài chục năm nữa? Không may hết sức.
HCM với bạn gái Đặng Dĩnh Siêu (bên phải) và Thái Sướng (bên trái)
Ở Nga, Bác mê Véra Vasiliéva. Về Việt Bắc, Bác vồ một chị người Tày. Về Hà Nội năm 1955, tính thích đồ ngoại của Bác lại nổi lên, và đó là lúc xuất hiện cô Nông Thị Xuân, một phụ nữ thuộc sắc tộc Nùng 22 tuổi, khi Bác đã 65 tuổi.
Ðó là chỉ kể sơ qua những chuyện lặt vặt của Bác.
HCM với Nông Thị Xuân
Tại sao lại phải cắt bỏ những đoạn đời sống oai hùng như thế của Bác? Bác trả thù dân tộc như vậy là... được chứ. Bác lấy vợ Tầu, mê vợ Chu Tổng Tài, ôm Bière đi bia ôm, thích gái Nga, con rơi ở Cao Bằng rồi lại ở Hà Nội với cô Xuân để cậu Nông Ðức Mạnh phải nói rằng ở Việt Nam ai cũng là con Bác hết khiến những người Việt Nam có cha mẹ tử tế, khai sinh đàng hoàng phải xác nhận gia đình có lễ giáo không phải là thứ con hoang như cậu.
Thế thì tại sao phải dấu Bác như mèo dấu cứt? Bác làm được những chuyện như vậy là oai lắm chứ. Phải lôi ra cho bọn nhà quê theo đít Bác lấy đó làm niềm tự hào.
Thử hỏi giữa hai hình ảnh, hình ảnh nào hay hơn, đó là hình ảnh Bác không làm ăn được gì hết, thấy phụ nữ là đỏ mặt bỏ chạy, lôi sách Các Mác ra đọc cho hạ hoả và một hình ảnh kia, hình ảnh của một cậu cầm cái gậy của thằng ăn mày, chỗ nào cũng chọc, như tục ngữ Việt Nam vẫn nói, trong khi vẫn lãnh đạo được đảng Cộng sản Việt Nam, vẫn bịp được bao nhiêu người bằng trò chùi mép rất kỹ, thì hình ảnh nào tốt?
Thế thì tại sao bắt Bác phải chay tịnh (giả), phải vẽ ra hình ảnh của một người đàn ông đã bị hoạn, bị thiến, hy sinh một đời sống huy hoàng, bình thường và khoẻ mạnh, cắt đồ nghề dâng đảng và chủ nghĩa Cộng sản?
Tại sao không oai được như Sukarno khi ông ta bị Liên Xô định bắt chẹt trong chuyến đi Mạc Tư Khoa hồi đầu thập niên 60? Liên Xô sau khi đón tiếp ông linh đình, cuối chuyến đi, cho ông xem một cuốn phim do "tài tử" Sukarno đóng với một phụ nữ Nga ở khách sạn và hăm là nếu không làm theo lời điện Kremlin, họ sẽ công bố cuốn phim đó cho dân chúng Indonesia coi. Sukarno liền nói rằng dân chúng Indonesia sẽ rất kiêu hãnh có một tổng thống tài giỏi như thế ở trên giường với đàn bà Nga. Hết bắt chẹt.
Trong khi nhà nước ta chỉ dám thiến Bác Hồ cho Bác oai.
Oai cái gì ở chuyện cắt đốt cột đó?

Ngày 26 tháng 4 năm 2013
Bạn ta,
Vẫn lại Dear Abby của bạn cách đây hai ngày có đăng bức thư của một độc giả kể tội ông chồng tên là Max, người mà độc giả này nói là người đàn ông tốt, hấp dẫn và rất yêu thương bà.
Tội của ông chồng này là mỗi lần hai người yêu nhau, ông bắt bà phải hét lớn tên những người phụ nữ khác lên và mô tả những đặc điểm về thân xác của những người phụ nữ đó. Abby cố vấn cho người độc giả này là thử hét to tên của những người đàn ông mà bà quen trong lúc hai người đang làm tình để coi ông chồng có còn muốn tiếp tục trò chơi này nữa hay không.
Lại cố vấn tầm bậy, tầm bạ. Xui người ta hét tên những người đàn ông khác lên để mà làm hỏng luôn cuộc hôn nhân đó sao?
Không bao giờ nên làm như Abby xúi dại.
Mà nên làm đúng theo lời yêu cầu của người chồng. Người chồng, theo thư bà viết cho Abby, chỉ muốn người vợ hét to tên của những người phụ nữ khác (other women) thì tại sao không cứ thế mà làm? Muốn kêu tên của các phụ nữ khác thì cứ bạ ai kêu nấy, trúng ai nấy chịu. Cứ hét lên vài ba chục cái tên, nhớ được tên ai, thì hét tên người đó lên. Có gì mà khó.
Còn chuyện mô tả các đặc điểm (... describe their physical attributes...) của các nàng thì lại càng dễ ợt.
Chàng chỉ muốn mô tả các đặc điểm chứ có đòi nói ra những ưu điểm của những người đàn bà này đâu. Chuyện gì thì khó chứ mô tả ngay tình nhan sắc của những người đàn bà khác thì phụ nữ giỏi vào bậc nhất.
Thí dụ hét tên của con mẹ A chẳng hạn. Hét to lên rồi mô tả nhan sắc nó: đồ đàn bà hai nách hôi như ổ chuột chù... Con mẹ B. thì răng lợi như hàng rào phòng thủ ấp chiến lược... Con mẹ C. thì chân cẳng lúc nào cũng như hai chữ C ngó nhau để quảng cáo cho Coco Chanel... Con mẹ D. thì gốc... mướp, mắt lé, mũi con cóc ngồi, mồm cá ngão, tóc rễ tre chải lược bồ cào... Con mẹ E. thì rốn lồi quả quít má hồng trôn niêu... Con mẹ F. thì lỗ mũi tám gánh lông / chồng sợ chồng bảo râu rồng Trời cho... Con mẹ G. thì ban đêm dữ như Việt Cộng... Con mẹ H. thì tất cả các trung tâm sửa sắc đẹp đều... bó tay... Con mẹ I. thì tuyệt vời trong vai Thị Nở của Nam Cao mà không cần hoá trang... Con mẹ K. thì là niềm mơ ước thầm kín của chị Doãn, người mà Vũ Trọng Phụng tả là có nhan sắc của một người đàn ông không đẹp trai... Con mẹ L. thì chưa nói xong câu đã cười rú lên như đười ươi... Con mẹ N. thì cứ đứng trước gương là gương vỡ tan tành vì phải soi tấm nhan sắc của nàng...
Cam đoan chàng sẽ không để cho nàng nói tiếp về những người phụ nữ khác.
Mà đó chỉ là những người đàn bà không quen biết của chàng. Nếu lại là chỗ quen biết nhau cả thì trò chơi của chàng còn chấm dứt sớm hơn nữa.
Tôi nghĩ người đàn ông này chỉ muốn làm công việc như Freud có lần đã viết: khi hai người làm tình với nhau thì ít nhất có 4 người hiện diện - hai người đang có mặt và hai người kia là những người hai người này đang nghĩ tới (When two people make love, there are at least four people present - the two who are actually there and the two they are thinking about.)
Nhưng Freud chỉ nói là nghĩ đến chứ có bắt phải hét lên đâu. Mà Freud cũng đâu có đòi phải mô tả ngọn ngành về các chi tiết về những người không có mặt.

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 168)
SOME OFTEN CONFUSED VERBS
Bản ghi chép lại do Trúc Giang thực hiện. Bài học số 168 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 7 năm 2013.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
Thưa anh, QA nhận được thư của một khán giả, ông Nguyễn Huỳnh ở Austin muốn anh giải thích thêm về động từ TO HANG, khi nào thì TO HANG là một động từ bất qui tắc tức là IRREGULAR, quá khứ là HUNG, quá khứ phân từ là HUNG và khi nào thì TO HANG là một động từ qui tắc REGULAR, quá khứ là HANGED, và quá khứ phân từ là HANGED.
TRÚC GIANG
Cháu cũng thắc mắc về động từ đó cùng với động từ TO FALL, FELL , FALLEN và TO FELL, FELLED, FELLED.
BBT
Thực ra còn có mấy động từ khác cũng gây bối rối không ít cho người học Anh ngữ, tôi sẽ đem ra nói luôn trong bài học hôm nay. Trước hết là động từ TO HANG, HUNG, HUNG và TO HANG, HANGED, HANGED. Đây là hai động từ khác nhau hoàn toàn.
Động từ bất qui tắc (IRREGULAR) TO HANG, HUNG, HUNG là treo, như treo cái áo, treo bức tranh, treo cờ. Thí dụ THEY HUNG THE PAINTING IN THE LIVING ROOM nghĩa là họ treo bức tranh trong phòng khách. Trúc Giang và QA thử dùng động từ này trong một thí dụ coi.
TRÚC GIANG
Thưa chú, cháu có thể nói treo ngôi sao trên ngọn cây Giáng Sinh: I HUNG THE STAR ON TOP OF THE CHRISTMAS TREE.
QA
WE HUNG THE FLAG AT HALF MAST FOR THE VICTIMS OF THE BOSTON MARATHON BOMBING là chúng ta treo cờ rủ để tưởng niệm các nạn nhân của vụ khủng bố ở Boston.
BBT
Trong khi đó, TO HANG, HANGED, HANGED, động từ qui tắc, REGULAR VERB, thì lại có nghĩa là giết ai bằng cách treo cổ như THE IRAQI GOVERNMENT HANGED SADDAM HUSSEIN IN 2006.
Động từ Trúc Giang hỏi, TO FALL, FELL, FALLEN là một động từ IRREGULAR nghĩa là té, ngã, rơi, rụng… Thí dụ HE FELL AND BROKE HIS LEG là anh ấy té và bị gẫy chân. QA cho nghe 2 thí dụ của cô coi, rồi tới Trúc Giang.
QA
HOUSE PRICES FELL A LITTLE BIT LAST MONTH.
THE LEAVES TURNED RED AND FELL AROUND 2 WEEKS AGO.
TRÚC GIANG
THE PLANE FELL FROM SKY AND BURNED ON THE GROUND.
IN 1975, HUE FELL BEFORE SAIGON nghĩa là Huế thất thủ trước Sài Gòn.
BBT
Cám ơn hai cô. Động từ FELL, FELLED, FELLED không dính dáng gì tới động từ TO FALL, FELL, FALLEN. TO FELL là cắt, chặt, đốn cây (cho đổ xuống). Thí dụ THE FENGSHUI MASTER WANTED TO FELL THE LARGE TREE IN THE FRONT YARD.
QA
Khi QA dọn vào căn nhà này, QA đã phải chặt tất cả những cây chuối ở sân sau: WE HAD TO FELL ALL THE BANANA TREES IN THE BACK YARD.
TRÚC GIANG
Cháu cũng thế: WE HAD TO FELL A MAPLE TREE TO GET A BETTER VIEW OF THE OCEAN. Cháu phải chặt cây phong trước nhà để nhìn được ra biển.
BBT
Động từ TO GRIND, GROUND, GROUND cũng có thể làm cho hai cô lầm với động từ TO GROUND, GROUNDED, GROUNDED.
TRÚC GIANG
Hình như cháu đã trông thấy chữ GROUNDED trên bao cà phê mà cháu mua cho ba cháu tuần trước thì phải.
BBT
Trúc Giang nhìn lầm rồi. Cà phê chưa xay, còn nguyên hạt là WHOLE BEAN COFFEE. Cà phê đã xay thì là GROUND COFFEE chứ không phải là GROUNDED COFFEE.
QA
Đúng rồi, QA thấy ở quầy thịt trong chợ còn bán GROUND BEEFGROUND PORK, vậy GROUND là xay. Còn GROUNDED là gì thưa anh?
BBT
TO GRIND, GROUND, GROUND là xay, là nghiền, là nghiến. TO GRIND COFFEE là xay cà phê. COFFEE GRINDER là cái máy xay cà phê. GROUND COFFEE là cà phê đã xay. FRESHLY GROUND COFFEE là cà phê mới xay.
TRÚC GIANG
Cháu nhớ có cô bạn cứ ngủ là nghiến răng kèn kẹt. Vậy nghiến răng là TO GRIND THE TEETH phải không chú?
BBT
Đúng vậy. Còn động từ TO GROUND, GROUNDED và GROUNDED thì nghĩa là bắt ở nhà, không cho ra ngoài sân chơi, phạt không cho đi chơi với bạn, hay không cho cất cánh như khi nói về máy bay. Thí dụ UNITED AIRLINES GROUNDED SOME PLANES FOR SAFETY CHECK nghĩa là công ty hàng không United Airlines tạm ngưng hoạt động, không cho bay một số máy bay để kiểm soát an toàn.
QA
Thưa anh, cách đây mấy tháng, cậu con trai hàng xóm bạn của con QA bị ba nó phạt nguyên một tháng không cho ra khỏi nhà đi chơi với con trai QA vậy thì phải nói thế nào trong trường hợp đó? Trúc Giang biết không?
TRÚC GIANG
Cháu nghĩ cháu sẽ nói HE GROUNDED HIS SON FOR THE WHOLE MONTH, như thế có đúng không thưa chú?
BBT
Rất đúng. Cũng có tin mới đây, Hoa kỳ đã tạm không cho các máy bay F-35 hoạt động vì có trục trặc. THE US GROUNDED ALL F-35 FIGHTERS TO CORRECT SOME PROBLEMS.
Hai động từ này cũng hay bị dùng sai tương tự như TO FALL và TO FELL của Trúc Giang vậy. Đó là động từ TO FIND, FOUND, FOUND và TO FOUND, FOUNDED, FOUNDED. Động từ bất qui tắc TO FIND, FOUND , FOUND là tìm thấy, khám phá ra. Động từ qui tắc TO FOUND, FOUNDED, FOUNDED là thành lập, làm ra, sáng lập. Vậy thì CHRISTOPHER COLUMBUS đã làm gì với Mỹ Châu, QA?
QA
QA nghĩ phải dùng TO FIND, FOUND, FOUND nghĩa là tìm ra để nói là COLUMBUS FOUND AMERICA.
BBT
Thế còn George Washington có tìm ra, khám phá ra Hoa kỳ không, Trúc Giang? Chúng ta dùng TO FIND hay TO FOUND với ông Washington?
TRÚC GIANG
Cháu nghĩ phải dùng TO FOUND để nói về Washington: MISTER WASHINGTON FOUNDED THE REPUBLIC. Ông Washington là một trong những người sáng lập ra nước Mỹ.
BBT
Cũng thế, chúng ta dùng TO FOUND với A CLUB, A COMPANY, AN ASSOCIATION, A NATION, AN ORGANIZATION, A SCHOOL… Trong khi đó, với con đường, A ROAD; kho tàng A TREASURE; giải pháp, A SOLUTION; một đáp số AN ANSWER… thì chúng ta dùng TO FIND, FOUND, FOUND.
QA
Thưa anh, có hai động từ TO RISE và TO RAISE cũng làm cho QA thấy rất bối rối, không dám dùng chỉ sợ dùng sai.
BBT
Động từ TO RAISE là động từ qui tắc, quá khứ là RAISED, quá khứ phân từ là RAISED. Động từ này nghĩa là tăng lên, làm cho cao hơn, theo sau nó phải có OBJECT tức là túc từ vì nó là một THA ĐỘNG TỪ (TRANSITIVE VERB). Thí dụ THE GAS COMPANIES RAISED THE PRICES MANY TIMES LAST YEAR nghĩa là các công ty xăng đã tăng giá xăng lên nhiều lần trong năm qua. Trúc Giang nói thử câu chính phủ sẽ tăng thuế trong năm nay bằng tiếng Anh coi.
TRÚC GIANG
THE GOVERNMENT WILL RAISE TAXES THIS YEAR.
BBT
QA nói câu này bằng tiếng Anh coi: chủ nhà lại tăng tiền thuê nhà lên một lần nữa.
QA
THE LAND LORD RAISED THE RENT ONE MORE TIME.
BBT
Trong khi đó, TO RISE, ROSE, RISEN nghĩa là tăng thì lại KHÔNG cần túc từ vì nó là một tự động tự, INTRANSITIVE VERB. Thí dụ GAS PRICE ROSE MORE THAN A DOLLAR IN ONE YEAR là giá xăng tăng hơn 1 đô la trong có 1 năm. QA và Trúc Giang cho nghe thí dụ của hai cô coi.
QA
AFTER THE RAIN OF LAST WEEK, THE RIVER ROSE FAST.
BBT
Đúng rồi, sau trận mưa tuần trước, nước sông dâng lên rất nhanh.
TRÚC GIANG
WHITE SMOKE ROSE FROM THE CORNER OF THE STREETS AFTER THE EXPLOSION là khói trăng bốc lên từ góc phố sau tiếng nổ.
BBT
Đã nói thì phải nói cho hết. Còn khoảng 4 động từ thuộc loại dễ gây bối rối lẫn lộn như thế tôi cũng sẽ nói tiếp ở đây. Đó là TO SET, SET, SET và TO SIT, SAT, SAT. Động từ TO SET là TRANSITIVE VERB cần một OBJECT đằng sau nghĩa là xếp hay đặt một vật gì xuống trong khi TO SIT là INTRANSITIVE, không cần túc từ nghĩa là ngồi xuống. QA và Trúc Giang cho nghe hai thí dụ với TO SET và TO SIT coi.
QA
HE SET THE SOFA NEXT TO THE BOOK CASE là ông ấy kê cái ghế sofa gần chiếc tủ sách.
SHE SAT NEAR THE FIRE PLACE AND CONTINUE TO KNIT là bà ấy ngồi gần lò sửa và tiếp tục đan.
TRÚC GIANG
WE SET THE CHAIR AGAINST THE WALL là chúng tôi xếp chiếc ghế ở sát tường.
SHE SAT IN THE FRONT ROW là cô ấy ngồi ở hàng ghế đầu.
QA
Thưa anh, QA có lần nghe con trai nói với em nó DON’T FORGET TO SET THE ALARM BEFORE GOING TO BED là đừng quên để/vặn đồng hồ báo thức trước khi đi ngủ, như vậy có đúng không?
BBT
Đúng. Chúng ta cũng có thể nói TO SET THE PRICE là đặt giá cho một món hàng, TO SET THE STOVE AT 350 DEGREES là vặn lò ở mức 350 độ, TO SET THE RADIO AT 1480 AM là vặn radio ở băng tần 1480 AM vân vân.
Còn hai động từ nữa mà tôi muốn nói ở đây là TO LAY và TO LIE. Động từ TO LAY, LAID, LAID là đặt nằm xuống, một động từ TRANSITIVE cần túc từ đi theo sau như khi chúng ta nói THEY LAID A NEW CARPET FOR THE ROOM là người ta trải thảm mới cho căn phòng. TO LIE, LAY, LAIN, một INTRANSITIVE VERB thì không cần OBJECT có nghĩa là nằm xuống thí dụ I LAY ON THE SOFA TO WATCH THE NEWS ON THE TELEVISION là tôi nằm trên ghế sofa để xem tin tức truyền hình. Trúc Giang có muốn cho nghe hai thí dụ của cô với TO LAY và TO LIE không?
TRÚC GIANG
THE MOTHER LAID THE BABY IN THE CRIB THEN TURNED OFF THE LIGHT là người mẹ đặt đứa con vào nôi rồi tắt đèn.
HE LIES THERE AWAKE ALL NIGHT là ông ấy nằm đó không ngủ suốt đêm.
QA
I LAID THE KEYS SOMEWHERE AND NOW I CAN’T FIND THEM là tôi để chùm chìa khóa ở đâu bây giờ không tìm thấy.
THE BABY LAY DOWN AND SLEPT THROUGH THE NIGHT là đứa bé nằm xuống là ngủ một mạch đến sáng.
BBT
Tôi nhắc hai cô cẩn thận với động từ TO LIE, một động từ REGULAR nghĩa là nói dối. Người hay nói dối là LIAR không phải là L-I-E-R. Danh từ của động từ này là A LIE, một câu nói dối, như khi nói THAT IS A LIE. Danh từ A WHITE LIE nghĩa là một câu, một lời nói dối vô hại, không quan trọng như khi hạ thấp tuổi của mình xuống, hay nói một điều không thật để làm vui lòng người nghe chẳng hạn. LYING là tính nói dối, sự nói dối. Thí dụ LYING WILL NOT GET YOU VERY FAR cũng gần giống như câu chúng ta nói trong tiếng Việt "đường đi hay tối, nói dối hay cùng". HE IS LYING THROUGH HIS TEETH hay HE IS LYING WITH A STRAIGHT FACE nghĩa là ông ta nói dối tỉnh bơ, nhìn mặt không thể nào biết ông ấy đang nói dối.
QUỲNH ANH
Cám ơn ông thầy, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.