Ngày 23 tháng 9 năm 2013
Bạn ta,
Mới chỉ gần cuối tháng 9 mà hôm nay tôi đã nhận được bức thư của một người quen báo cáo những chuyện đã xẩy ra trong năm của gia đình ông.
Đó là một cái newsletter, một cái tin thư mà người Mỹ hay viết cho nhau mỗi cuối năm, một bức thư nam nữ xem chung, trúng ai nấy chịu.
Thực ra thì có những bức tin thư như thế đôi khi đọc cũng thấy rất lý thú. Nhất là từ những người bạn thân không có dịp thường xuyên gặp nhau. Người nhận được thông báo về những chuyện của nhau, của những quen biết chung … người còn, người mất, nhất là trong những ngày tháng mà ai cũng nghĩ là cuối đời này.
Nhưng cũng có những bức newsletter làm cho người nhận khó chịu không ít. Người nhận nhiều khi coi đó là những bức thư … gây sự. Khi không, tự nhiên, tự địa bị ấn vào tay một bức thư đọc xong chỉ thấy tức ứa gan, áp huyết vụt leo thang, đọc xong chỉ muốn cầm dao đi nói phải quấy một phen.
Ai đời đang "mơ giấc mộng dài" chỉ mong "đừng lay tôi nhé, cuộc đời chung quanh, tôi đang nhìn thấy mầu xanh" thì thực tế đùng đùng nhét vào tay tôi cái newsletter toàn giọng gây sự.
Mở đầu là sức khỏe của đôi trẻ. Không cao đường, không cao áp huyết, không cao cholesterole, lại chẳng cao mỡ gì hết, cứ sức khỏe toàn hảo như Schwarzernegger , bắp thịt đâu ra đó, vợ trên lầu, cô giúp việc ở dưới, ban phát đồng đều, hai nàng đều sinh con trai cách nhau có một tuần … nghe vậy thì làm sao chịu nổi. Qua chuyện mấy đứa con thì cứ như là cảnh xúc xắc xúc xẻ ở Việt Nam mấy chục năm trước… những con như tranh, những con như tốt học thì toàn kiếm mấy trường Ivy Leagues mà học, chưa ra trường đã có vài ba công ty đến tận nơi trải chiếu hoa, khớp con ngựa ô đưa về dinh, lương sơ khởi vài ba trăm ngàn, nhà xe nhộn nhịp … nằm giường Tầu đắp thêm nệm gấm, trên ô tô dưới thì ca nô, trên đầu lại xịt dầu thơm, dầu thơm thì làm sao tôi sống được với biết bao nhiêu là căm hờn, ghen tức điên người lên được?
Rồi lại còn kể là vừa đi xong một cái cruise Địa Trung Hải về, đang lo hành lý để đi ngược lên Alaska một chuyến cho bõ những ngày cơ cực. Đọc chưa hết câu thì lại được cho biết cả hai mắc cái bệnh thích đi cruise nên nay về hưu, cứ phải loay hoay không biết sẽ đi đâu sau chuyến đi Alaska này…
Tôi nghĩ là phải trả lời họ. Người ta viết thư cho mình không lẽ không thư đi thư lại cho toại lòng nhau.
Viết rằng xin mừng anh chị. Tôi không có gì để nói cả, vì nói ra, anh chị lại buồn. Tôi vẫn neo đơn như vậy, vẫn như ông Mai Thảo:
Sớm ra đi sớm hoa không biết
Đêm trở về đêm cành không hay
Vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu
Nơi góc tường in cái bóng gầy
Đêm trở về đêm cành không hay
Vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu
Nơi góc tường in cái bóng gầy
Tôi nay đã về hưu, tiền bạc nói ra thì chán lắm, không
cruise gì hết, vẫn cơm đường cháo chợ, may mắn chỉ chưa "gạo chợ, nước sông, cơm đình, ngủ quán" lêu bêu đời táng gia chi cẩu. Anh chị em, con cái kiến giả nhất phận, không dám lết cái thân già đến làm phiền ai cả… cám ơn anh chị đã nghĩ tới cái thân già nơi đất khách này. Nhớ lời Vương Ông nói với Kiều "thôi con còn nói chi con / sống nhờ đất khách chết chôn quê người" nên không dám nói gì, chỉ sợ ông bà nghe lại nghĩ là tôi xỏ xiên, là điều tôi không bao giờ dám làm. Xin mượn giấy bút gửi lời chúc ông bà năm mới tốt lành. Chỉ xin ông bà đừng gửi cho tôi những e-mail như thế này nữa để tôi lại phải delete đi thì phí quá.
Xin ông bà tha tôi và xóa tên tôi khỏi những cái e-mail độc ác mà ông bà định gửi cho tôi. Cám ơn ông bà rất nhiều. Lời yêu cầu của một người già khố khổ xin được ông bà tôn trọng.
Viết như vậy nhưng vẫn không dám liều lĩnh tin là bạn tôi sẻ tha cho tôi trong những năm tới.
Khổ ơi là khổ!
Ngày 24 tháng 9 năm 2013
Bạn ta,
Chúng ta rất bất công với những đôi mắt ấy.
Chúng không quá đáng để bị gọi là hiếng, là lác hay là lé. Chúng chỉ hơi hơi lé một chút thôi.
Chúng chưa hẳn thành đôi mắt của một vị danh sĩ nọ để bị nói xỏ xiên thành
"thiên hạ đổ dồn hai mắt lại, trung thần chỉ có một ngươi thôi"…
Lé một chút là lé kim, hay lé mại. Chỉ hơi hơi một chút thôi. Những đôi mắt như thế chữa không khó. Đeo một cặp kính đặc biệt có thể chữa được chúng sau một vài tháng. Hai lòng đen của mắt sẽ cùng hướng về một phía. Nhưng như vậy thì cũng chỉ thường thôi. Đa số chúng ta nếu không muốn nói là hầu hết chúng ta đều có những đôi mắt như thế.
Tôi có quen một đôi mắt lé một chút thôi. Người ấy có đôi mắt lé kim. Phải nói lé kim có cái đẹp lạ lùng.
Khi đôi mắt đó nhìn bạn, nó có một nét hiền lành, ngây thơ đến tội nghiệp lạ lùng. Những đôi mắt lé kim chỉ cần nhìn thẳng vào mắt người đối thoại là thấy có một sự dò hỏi, muốn được nghe thêm, hiểu thêm những điều phía bên kia nói, mà không cần phải đặt thành câu hỏi.
Một buổi chiều ngồi trên một ghềnh đá ở một bờ biển tại
một quốc gia thuộc nam Thái Bình Dương, tôi mới nhìn thấy chúng. Trước đó, tôi không bao giờ nhìn thẳng vào chúng. Buổi chiều còn một chút nắng. Một chút gió để nhẹ bay những sợi tóc. Tôi không bao giờ nhìn thẳng vào đôi mắt ấy. Chúng tôi còn rất mới, với nhau. Và khi tôi nhìn thẳng vào chúng, có lẽ chủ của chúng hơi mắc cở nên bèn lôi một câu của St Exupery ra nói với tôi: Aimer ce n’est pas se regarder l’un l’autre, c’est regarder ensemble dans la même direction… yêu nhau không phải là nhìn nhau, mà là cùng nhìn về một hướng.
Tôi cười. Người bạn hỏi có phải là tôi cười đôi mắt lé kim của nàng không. Không. Không bao giờ tôi dám làm thế. Tôi rất yêu chúng, và tôi yêu người bạn ấy cũng là vì chúng. Buổi chiều thổn thức trong mầu tím của đầu mùa thu nam bán cầu trước ngày chúng tôi đi học lại. Người bạn trở lại một đại học khác.
Mấy năm sau chúng tôi không còn với nhau nữa. Mais la vie sépare ceux qui s’aiment tout doucement sans faire de bruit… nhưng cuộc đời chia cắt những cặp yêu nhau mà không gây thành bất cứ một tiếng động nào…
Rồi chúng tôi về lại Sài Gòn. Ở cùng một thành phố. Cùng làm việc cho chính phủ nhưng vẫn đầu sông Tương, cuối sông Tương. Thỉnh thoảng thấy nhau trên một hai con đường Sài Gòn. Nhưng cả hai đều tránh nhau…
Đã rất lâu tôi không thấy những đôi mắt lé kim ấy. Ở Mỹ, người ta chữa chúng , không còn bao nhiêu người có chúng nữa.
Họ sai lầm biết là bao nhiêu. Chữa chúng rồi, làm sao có những đôi mắt lé kim để mà nhìn nữa.
Cũng như người ta nhổ những chiếc răng khểnh đi, kẹp chúng lại, niềng chúng lại. Hàm răng có thể thẳng lại, nhưng nét tinh nghich, láu lỉnh của nụ cười có chiếc răng khểnh cũng mất luôn.
Buổi chiều trênh ghềnh đá, đôi mắt lé kim ở lại mãi. Đã gần nửa thế kỷ. Đôi mắt với nụ cười, những sợi tóc ngắn lòa xòa trong làn gió biển nhẹ của buổi chiều. Mấy câu của Đinh Hùng:
Tôi nghe em nói bằng im lặng
Bằng dáng nghiêng nghiêng động nét mày
Bằng cả mênh mang chiều lắng đọng
Nụ cười em gửi gió thu bay…
Bằng dáng nghiêng nghiêng động nét mày
Bằng cả mênh mang chiều lắng đọng
Nụ cười em gửi gió thu bay…
Đôi mắt lé kim ấy đã vĩnh viễn khép lại. Không bao giờ mở ra nữa.
Tôi trở thành một người đàn ông góa bụa. Vì tôi đã vĩnh viễn mất đôi mắt lé kim đó.
Vậy mà đã gần một chục năm
Ngày 27 tháng 9 năm 2013
Bạn ta,
Trong tâm lý học có một danh từ để chỉ chuyện ấy: masochism. Danh từ này được các tự điển dịch là khổ dục tính. Đây là tính thích được hành hạ trong các sinh hoạt luyến ái. Cái tính này, nếu ai không mắc phải thì rất khó mà giải thích cho hiểu được. Người mắc bệnh này, mà nó là một thứ bệnh thật, chỉ có thể đạt được thỏa mãn nếu bị, thực ra là được, đối tác hành hạ bằng sinh lý cũng như tâm lý. Một cách dịch khác của danh từ masochism là chứng khổ dâm.
Về mặt sinh lý, là những trận đòn như đòn thù. Người bị đòn vẫn lăn tới, làm đủ mọi chuyện để mời gọi bạo lực, để được thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Về mặt tâm lý thì là những câu chửi mắng thậm từ vuốt mặt không kịp. Phía nhận những trận đòn, những lời lẽ lăng mạ tàn độc thì lại rất vui vẻ đón nhận chúng. Đòn càng đau, lời lẽ càng cay độc thì phía nhận càng sung sướng, càng muốn nhận được thêm những trận đòn thù và những lời chửi bới đó.
Hồi ở Hà Nội, nhà tôi ở cạnh một cặp vợ chồng nọ. Người chồng làm đội xếp tức là cảnh sát, tối nào cũng đập vợ một trận tàn bạo. Chiếc xe đạp dura của chàng, chàng để lên giường. Vợ thì bắt nằm dưới đất. Nhưng người phụ nữ ấy vẫn lo cơm nước, giặt giũ quần áo cho ông đội xếp, để tối về ăn một trận đòn tơi tả rồi mới đi ngủ, hôm sau lại ăn đòn tiếp.
Đầu óc của một đứa bé lên mười lúc ấy đã nghĩ người phụ nữ ấy phải trốn đi, hay nếu không, thì cũng phải chém tên đàn ông ấy vài nhát dao bửa củi rồi muốn tới đâu thì tới mới phải. Nhưng cho đến ngày gia đình chúng tôi di cư thì người phụ nữ ấy vẫn mỗi tối chịu một trận đòn của người đàn ông ác độc đó. Có thể họ ở với nhau suốt đời, đến khi đầu bạc, răng long, tay chân yếu xìu không đánh được vợ may ra mới thôi.
Hình như người Hà Nội rất thích bị cái bệnh này thì phải.
Thí dụ buổi sáng đói bụng đi kiếm tô phở thì phải đến số nhà 49 phố Bát Đàn gọi một tô, rồi giả vờ xin quả ớt hay thêm một chút nước dùng để được chủ tiệm cho ngay một trận. Có khi dựng cái xe ở trước cửa tiệm mà không đúng ý chủ tiệm là cũng bị chửi thẳng vào mặt, đuổi đi chỗ khác mà ăn.
Không thích ăn phở thì chạy đến cái quán của con mẹ tên là Thảo ở phố Ngô Sĩ Liên gọi một
tô bún để mà nghe mắng cho bõ những ngày cơ cực.
Không được chửi bới đến nơi đến chốn thì đến quán của một người đàn bà tên là Mỹ ở số 7 phố Nhà Thờ và số 47A Lý Quốc Sư mà nghe chủ tiệm quát nạt.
Phở chửi, bún mắng, cháo quát, ốc lắm mồm ở phố Hồ Đắc Di… tiệm nào thức ấy tha hồ vừa nghe vừa vục mặt vào tô cháo, bát phở, đĩa ốc mà đớp.
Phải dùng chữ đớp, không thể dùng chữ ăn được. Ai mà lại ăn uống như thế được.
Phải ưa được chửi, thích được mắng, hạnh phúc khi bị quát tháo , thèm được lăng mạ đến điều thẳng vào mặt mới chịu được.
Và sau các món đầy những chửi và bới ông, đào cha như vừa kể ở trên thì việc phải đến là những cái chợ lúc nào cũng đầy những lời lẽ âm thanh tục tĩu ném vào mặt người đi chợ. Ở Hà Nội đi chợ mà trả giá trước khi mua, hay chỉ đứng xem không thôi cũng có thể bị chửi đầy tai. Các ngôi chợ như Đồng Xuân, chợ Ngã Tu Sở, chợ Mơ đều nổi tiếng với những câu chửi đầy sáng tạo.
Thí dụ một người trả giá một đôi giầy hơi thấp thì bị cho một câu như thế này: Mẹ cha mày, đồ con chó, không có tiền mà cũng đòi mua áo này quần nọ. Mày tưởng bà nhặt được rồi đem cho mày à? Hay mày quen ngủ với trai được chúng nó cho cái quần cái áo rồi quen cái thói đi ăn xin ăn nhặt ấy rồi. Cút xéo ngay cho khỏi bẩn mắt bà…
Nhưng người ta vẫn kéo nhau đến những cái chợ, những cái quán ấy để nghe chửi bới, mà nhớ lại cái thời bao cấp độc lập tự do hạnh phúc ấy.
Hay là như một câu hát nọ: "Lâu rồi, đời người cũng quen…"
Còn đâu hai câu ca dao ngày trước:
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An
Hay hai câu này cũng đã biến thể để thành
Không thơm cũng thể hoa nhài
Không chửi tục sao là người Thăng Long…
Không chửi tục sao là người Thăng Long…
Mấy chục năm lũ chó lên ngồi bàn độc đã biến cái đất Thăng Long thanh lịch thành ra một nơi khốn khổ khốn nạn như vậy rồi hay sao?